Kim Dung | Thần điêu hiệp lữ (Chương 38)
Một trong những tiểu thuyết võ hiệp hay nhất viết về tình yêu. Một mối tình khiến giang hồ dấy động can qua.
· 76 phút đọc.
Hôm ấy Quách Tương thấy Kim Luân pháp vương hạ độc thủ đánh chết Trường Tu Quỉ, Đại Đầu Quỉ hai người, thì nàng đau lòng tự biết khó thoát ma chưởng của lão, bèn hiên ngang nói:
– Lão không mau đánh chết bổn cô nương, còn chờ gì nữa?
Kim Luân pháp vương cười, nói:
– Muốn đánh chết tên nhãi con như mi, nào có khó gì? Hôm nay ta giết hai người là đủ rồi. Vài hôm nữa ta sẽ chọn ngày đem mi ra khai đao, bây giờ thì hãy ngoan ngoãn đi theo ta.
Quách Tương biết rằng chống chọi lão ta lúc này chỉ tự chuốc nhục, đành đi theo, rồi tìm cách thoát thân sau, bèn lè lưỡi, lên ngựa đi.
Kim Luân pháp vương mừng rỡ, nghĩ: Hoàng thượng và Tứ vương gia tìm thiên phương bách kế lấy mạng Quách Tĩnh, vẫn chưa như nguyện. Hôm nay ta bắt được ái nữ của Quách Tĩnh, dùng nó để kiềm chế, lo gì hắn không cúi đầu vâng mệnh. Thế này còn hơn một kiếm đâm chết hắn. Giả dụ Quách Tĩnh quật cường không chịu khuất phục, chúng ta đem con bé này đến dưới chân thành mà hành hạ, hắn sẽ đau đớn đứt từng khúc ruột, mất hết tinh thần, bấy giờ đại quân công thành, làm gì chẳng hạ được?
Đi đến lúc trời tối, ghé đại vào một nhà ven đường nghỉ đêm. Người sống trong nhà mang đồ đạc tản cư đi hết, nhà chỉ trơ trọi bốn bức tường. Kim Luân pháp vương lấy lương khô ra chia cho Quách Tương cùng ăn, rồi bảo nàng sang chái nhà mà ngủ, còn lão ngồi dụng công ở gian giữa.
Quách Tương trằn trọc, làm sao ngủ nổi? Đến nửa đêm, nàng rón rén ngó sang gian giữa, thấy Pháp vương ngồi dựa vào vách, hơi thở đều đều, chắc là đang ngủ say. Nàng cả mừng, rón rén vượt song ra ngoài, lấy vải bọc bốn vó ngựa, rồi dắt ngựa đi rất nhẹ, từng bước một, đến khi cách nhà chừng nửa dặm, ngoảnh lại không thấy Pháp vương đuổi theo, mới lên ngựa phóng đi. Nàng nghĩ rằng khi Pháp vương tỉnh giấc, phát giác nàng bỏ chạy, sẽ đoán nàng chạy về thành Tương Dương, tất lão sẽ đuổi theo về phía nam, nên nàng bèn phóng ngựa về hướng tây bắc, phóng một mạch chừng nửa canh giờ, con ngựa đuối sức, mới đi chậm lại, dọc đường chốc chốc nàng ngó lại phía sau, thủy chung không thấy Pháp vương đuổi theo. Đến khi trời sáng hẳn, tính ra đã chạy được năm, sáu chục dặm, trong bụng mới đỡ lo.
Lúc này nàng tới một con đường nhỏ ven núi, đường lên càng lúc càng cao, qua một thung lũng, bỗng thấy có một người nằm chắn ngang đường, ngáy như kéo bễ, nhìn kỹ, nàng giật mình suýt ngã ngựa, vì người nằm kia đầu trọc, mặc hoàng bào, chính là Kim Luân pháp vương. Cũng không biết bằng cách nào lão ta lại ở phía trước mặt. Quách Tương vội quay đầu ngựa, phi xuống dốc, ngó lại, thấy lão ta vẫn nằm đó, không hề đuổi theo.
Lần này nàng không đi trên đường nữa, mà phóng ngựa thẳng về hướng đông nam, chạy một hồi rất lâu, thấy có một người treo móc hai chân lên cây đại thụ phía trước mặt, đầu chúi xuống đất, cười hi hi với nàng, chính là Kim Luân pháp vương. Quách Tương cả giận, quát:
– Lão muốn cản đường, thì cản cho ngay ngắn tử tế, sao lại đi giở trò đùa bỡn với bổn cô nương như thế?
Nàng phóng ngựa tới gần, quất một roi vào mặt lão ta.
Chỉ thấy Pháp vương không né tránh, roi ngựa vút tới mặt lão ta mà không nghe có âm thanh gì, đúng lúc ấy con ngựa phóng đi. Quách Tương tay phải định rút cây roi về, phát giác có một luồng lực truyền thụ sang tay mình, thân mình tự rời khỏi yên ngựa, bay lên cao. Thì ra Kim Luân pháp vương thấy roi ngựa vút tới, đã há miệng cắn lấy ngọn roi, thân hình đảo ngược lên cành cây, kéo Quách Tương lên theo.
Quách Tương lơ lửng trên không, không hề hoảng loạn, thấy Pháp vương cúi lưng co người định kéo nàng xuống, nàng liền buông cây roi, lợi dụng thế rơi thẳng xuống.
Pháp vương lại hoảng hốt, sợ nàng ngã xuống bị thương, vội ngửa người giơ tay đỡ, miệng kêu:
– Cẩn thận!
Quách Tương kêu ối chao! rơi xuống cách hai tay Pháp vương nửa thước, đột nhiên song chưởng cùng đánh ra, bình bình hai tiếng, trúng ngực lão ta. Nàng biến chiêu quá nhanh, Pháp vương tuy võ công cao cường, lại cơ trí, cũng không tránh kịp, chỉ thấy lão ta loạng quạng chân tay ngã xuống đất, nằm bất động.
Quách Tương không ngờ vừa ra đòn đã thành công, cả mừng, nhấc một hòn đá to dưới đất lên, định đập xuống cái đầu trọc lốc của Pháp vương. Nhưng trong đời nàng chưa giết ai bao giờ, tuy nàng rất căm hận người này đã giết hai vị bằng hữu của nàng, nhưng lúc cần ra tay, nàng lại không nỡ, cứ đứng ngây ra, cuối cùng nàng quăng hòn đá đi, giơ tay điểm các huyệt Thiên Đỉnh ở vai, Thân Trụ ở lưng, Thần Phong ở ngực, Thanh Lãnh Uyên ở cánh tay, Phong Thị ở chân, điểm liền một mạch mười ba đại huyệt trên người Pháp vương, vẫn chưa yên tâm, lại bê bốn hòn đá nặng vài chục cân đè lên người lão ta, nói:
– Ác nhân ơi là ác nhân, bổn cô nương hôm nay không giết lão, từ rày lão phải biết tốt xấu, không được hãm hại người ta nữa!
Đoạn nàng nhảy lên ngựa.
Kim Luân pháp vương mở to mắt nhìn nàng, cười nói:
– Tiểu cô nương có lòng tốt, lão hòa thượng rất mến cô nương.
Chỉ thấy bốn hòn đá đột nhiên bị hất ra khỏi người lão ta, lão ta bật ngay dậy, cũng chẳng hiểu làm cách nào lão ta đã giải hết mười ba huyệt đạo bị điểm. Quách Tương kinh ngạc, ngẩn ra không nói nên lời.
Nguyên Kim Luân pháp vương trúng song chưởng của nàng, nhưng hai chưởng ấy làm sao có thể đánh lão ta ngã khỏi cây? Dù có ngã cũng chẳng đến nỗi hết cựa quậy. Pháp vương giả vờ bị thương, thử xem Quách Tương động thủ thế nào, khi thấy nàng bưng tảng đá không đập xuống, lão thầm nghĩ: Cô nương này thông minh lanh lợi, tâm địa lại tốt, có cái hay mà không có cái dở của hai đệ tử của ta. Bất giác lão muốn thu nàng làm đệ tử.
Pháp vương bình sinh từng thu nhận ba đệ tử. Đại đệ tử văn võ song toàn, tư chất cực hay, Pháp vương vốn định truyền cho y bát, chẳng may y chết non. Nhị đệ tử Đạt Nhĩ Ba thật thà trung hậu, có thần lực, không thể lĩnh hội nội công cao thâm huyền diệu. Tam đệ tử Hoắc Đô vương tử bản tính khinh bạc, vô tình vô nghĩa, lúc nguy nan phản sư bỏ chạy. Pháp vương tự nghĩ tuổi lão đã cao, một thân tuyệt kỹ chưa biết truyền thụ cho ai, chẳng lẽ trăm năm sau không còn ai biết đến thứ võ công tuyệt thế của lão? Mỗi lần nghĩ thế, lão lại buồn buồn. Giờ thấy Quách Tương tư chất thông minh, bình sinh hiếm gặp, tuy nói là con gái kẻ địch, nhưng nàng còn nhỏ tuổi, dễ dàng cải biến, thiết tưởng chỉ cần truyền cho tuyệt kỹ, lâu dần nàng sẽ quên chuyện cũ. Huống hồ lão ta với cha mẹ nàng chỉ do hai nước tương tranh mà đối địch với nhau, chứ chẳng có thâm cừu đại oán riêng tư gì hết. Người trong võ lâm rất kính trọng việc thu đồ truyền pháp, nhà tu hành không có con cái, bản sự đầy mình toàn dựa vào đệ tử mà truyền tông tiếp đại, việc truyền y bát càng vô cùng hệ trọng. Pháp vương vừa nghĩ đến việc này, lập tức gác ngay chuyện đánh thành Tương Dương, gây áp lực với Quách Tĩnh sang một bên.
Quách Tương thấy cặp mắt Pháp vương láo liên, trầm ngâm không nói, bèn xuống ngựa, nói:
– Lão hòa thượng bản lĩnh thật cao cường, chỉ tiếc không chịu làm việc tốt.
Pháp vương cười, nói:
– Cô nương đã bái phục bản lĩnh của ta, chỉ cần bái ta làm sư phụ, ta sẽ truyền thụ mọi công phu cho cô nương.
Quách Tương xì một cái, nói:
– Bổn cô nương học công phu của lão hòa thượng có ích gì? Bổn cô nương lại không định làm ni cô.
Pháp vương cười, nói:
– Chẳng lẽ cứ học võ công của ta thì phải làm ni cô hay sao? Cô nương điểm huyệt ta, ta tự giải huyệt, cô nương đè đá lên người ta, ta hất đá ra khỏi người, cô nương phi ngựa, ta đi bộ lại đến trước nằm ngủ, các môn công phu ấy chẳng hay lắm sao?
Quách Tương nghĩ các môn công phu ấy quả rất hay, nhưng lão hòa thượng này là kẻ ác, làm sao có thể bái lão làm sư phụ, hơn nữa nàng cần tìm gấp Dương Quá, không nhiều thời gian dính dáng với lão ta, nên lắc đầu nói:
– Lão bản lĩnh cao mấy, bổn cô nương cũng không thể bái kẻ ác làm sư phụ.
Pháp vương nói:
– Sao cô nương biết ta là kẻ ác?
Quách Tương nói:
– Lão vừa xuất thủ đã đánh chết Trường Tu Quỉ, Đại Đầu Quỉ hai người, họ không hề có oán cừu gì với lão, sao lão nỡ hạ độc thủ?
Pháp vương cười, nói:
– Ta chỉ giúp cô nương tìm ngựa khỏe, hai người ấy động thủ trước, cô nương không thấy hay sao? Nếu ta bản lĩnh kém cỏi, thì đã bị họ đập chết rồi. Làm hòa thượng phải từ bi, nếu không phải vạn bất đắc dĩ, thì không đời nào giết người.
Quách Tương hừ một tiếng, không tin lời lão, nói:
– Rốt cuộc thì lão muốn gì? Nếu lão là người tử tế, tại sao không để cho bổn cô nương đi?
Pháp vương nói:
– Ta không cho cô nương đi hồi nào? Cô nương cưỡi ngựa muốn đi đâu thì đi, ta chỉ nằm ngủ trên đường, có giơ tay ra chắn đường hay không nào?
Quách Tương nói:
– Đã thế, lão hãy để cho bổn cô nương đi tìm Dương đại ca, đừng bám theo nữa.
Pháp vương lắc đầu, nói:
– Như thế không được. Cô nương phải bái ta làm sư phụ, học ta hai mươi năm võ nghệ đã, rồi muốn đi tìm ai thì cứ việc.
Quách Tương thất vọng, nói:
– Lão đúng là không biết lý lẽ, bổn cô nương không thèm bái sư, lão cứ cưỡng ép là sao?
Pháp vương nói:
– Cô nương không biết lý lẽ thì có, một minh sư như ta, khắp thiên hạ tìm đâu cho thấy kia chứ. Người khác lạy ta ba trăm cái, cầu xin chín, mười năm, ta cũng chưa thèm nhận làm đệ tử. Hôm nay cô nương gặp cơ hội ngàn năm có một, lại không thụ hưởng, thế có dại không?
Quách Tương bĩu môi, nói:
– Lão mà đòi làm minh sư cái thá gì? Chẳng qua lão thắng được một cô bé hơn mười tuổi như bổn cô nương, có gì là lạ. Lão có thắng nổi phụ mẫu của bổn cô nương hay không? Có thắng nổi ngoại công của bổn cô nương là Hoàng đảo chủ hay không? Đừng nói ba người ấy, ngay đại ca ca Dương Quá của bổn cô nương, lão cũng không thắng nổi.
Pháp vương bực tức nói:
– Ai bảo… ai bảo ta không thắng nổi tên tiểu tử Dương Quá?
Quách Tương nói:
– Anh hùng hảo hán thiên hạ đều nói thế. Mấy hôm trước, tại anh hùng đại yến trong thành Tương Dương, mọi người đều bảo dù có ba Kim Luân pháp vương nhất tề động thủ, mỗi Kim Luân pháp vương ba đầu sáu tay, cũng đánh không lại Thần điêu đại hiệp Dương Quá có một cánh tay.
Câu này Quách Tương tiện miệng bịa ra để khích Pháp vương, còn đại hội anh hùng chỉ thương nghị cách giữ thành Tương Dương, chống quân Mông Cổ, giả dụ có ai nhắc đến võ công mạnh yếu của Kim Luân pháp vương và Dương Quá, thì Quách Tương không tham dự, cũng chẳng thể biết. Ai ngờ người nói vô tâm, kẻ nghe hữu ý, câu này xoáy đúng vào chỗ đau của Kim Luân pháp vương. Mới mấy năm trước lão từng ba phen bại trận dưới tay Dương Quá, lão tưởng anh hùng thiên hạ nói thế thật, liền nổi giận quát:
– Tên tiểu tử Dương Quá nếu có mặt ở đây, ta sẽ cho hắn nếm mùi Long tượng bát nhã công, ôm đầu thảm bại, sẽ biết thời nay rốt cuộc là Dương Quá tài giỏi hay Kim Luân pháp vương ta cao minh.
Quách Tương chợt nảy một kế, nói:
– Lão thừa biết đại ca ca của bổn cô nương không có ở đây mới dám huênh hoang như thế. Lão có gan đi tìm chàng đấu thử một trận hay không? Cái môn Xà trư bất nhã công của lão…
Pháp vương vội nhắc:
– Là Long tượng bát nhã công!
Quách Tương nói:
– Lão phải thắng đại ca ca mới là rồng là voi, còn nếu chịu không nổi một đòn, thì đến con rắn con heo lão cũng chẳng bằng! Nếu lão thắng chàng, bổn cô nương tất nhiên sẽ bái lão làm sư phụ. Có điều là lão không dám đi tìm chàng nên mới khoác lác như vậy. Bổn cô nương cho rằng lão vừa nhìn thấy bóng Dương Quá, đã hoảng hồn chạy vắt chân lên cổ.
Pháp vương làm gì không biết kế khích tướng của Quách Tương, nhưng bình sinh lão hết sức tự phụ, vậy mà từng bại dưới tay Dương Quá, những năm qua lão đã luyện Long tượng bát nhã công đến tầng thứ mười, cốt đi tìm Dương Quá rửa vết nhục đại bại hồi trước, nên nói lớn:
– Ta bảo ta biết Dương Quá ở chỗ nào là nói dối cô nương, chỉ tiếc là tên tiểu tử ấy chui rúc nơi nào, ta không biết, nếu biết ta sẽ tìm đến đánh cho hắn một trận phải rập đầu xin tha.
Quách Tương cười ha ha, vỗ tay, nói:
– Lão hòa thượng huênh hoang, tự khoe vô địch thiên hạ, thấy Dương Quá ở phía đông, vội vàng lủi ngay sang phía tây.
Pháp vương hừ một tiếng, hầm hầm nhìn nàng.
Quách Tương nói:
– Bổn cô nương tuy không biết hiện thời Dương Quá ở đâu, nhưng lại biết hơn một tháng nữa, đại ca ca nhất định sẽ đến một chỗ.
Pháp vương hỏi:
– Hắn đến chỗ nào?
Quách Tương nói:
– Nói cho lão biết làm gì? Lão đã không dám đi gặp chàng, có nói ra lão càng thêm kinh sợ.
Pháp vương nghiến răng ken két, giục:
– Nói đi, cứ nói ta coi!
Quách Tương nói:
– Chàng sẽ đến trước Đoạn Trường nhai ở Tuyệt Tình cốc để gặp thê tử Tiểu Long Nữ. Một mình Dương Quá đã khiến lão hoảng sợ, thêm Tiểu Long Nữ nữa, thì lão có đến Đoạn Trường nhai sẽ chỉ để chịu chết mà thôi. Giả dụ vợ chồng họ đoàn tụ vui quá, không muốn giết người, thì lão đại bại cũng sẽ đau đớn đứt ruột mà chết.
Mười mấy năm nay, Pháp vương khổ luyện Long tượng bát nhã công là muốn đấu với Dương Quá và Tiểu Long Nữ khi hai người ấy liên thủ sử dụng Ngọc nữ tố tâm kiếm pháp. Nếu lão chưa nắm chắc một mình đánh thắng cả hai người, thì lần này lão đã chưa dám trở lại Trung Nguyên. Bây giờ nghe Quách Tương nói thế, càng chạm đúng vào dự định của mình.
Pháp vương nói:
– Vậy thì hai ta cùng đi đến Tuyệt Tình cốc! Nếu ta đánh bại Dương Quá và Tiểu Long Nữ, thì sao nào?
Quách Tương nói:
– Giả dụ lão có võ công cao cường như thế thật, bổn cô nương còn mong gì nữa mà không vội bái lão làm sư phụ. Chỉ tiếc rằng Tuyệt Tình cốc là nơi u tịch, không dễ gì tìm ra nó ở đâu.
Pháp vương nói:
– Ta đã từng đến đó, cô nương khỏi lo. Hiện thời còn sớm, cô nương hãy theo ta tới quân doanh Mông Cổ, chờ ta liệu lý vài việc, rồi sẽ cùng đi Tuyệt Tình cốc.
Quách Tương thấy Pháp vương chịu đi Tuyệt Tình cốc tìm Dương Quá tỷ võ, thì yên tâm hẳn, nghĩ thầm: Ta chỉ lo lão không chịu đi, giờ lão chịu rồi, thì còn sợ gì nữa? Lão ác tăng hoành hành ở đây thôi, chứ khi gặp đại ca ca thì sẽ biết tay chàng. Nàng bèn đi theo Pháp vương tới quân doanh Mông Cổ.
Pháp vương nhất quyết muốn Quách Tương tiếp nhận y bát của lão, nghĩ bụng chỉ có làm cho nàng tâm phục, mai sau nàng mới có thể trở thành cao đồ, vì thế dọc đường lão đối với nàng rất tử tế, hiền hòa. Trong võ lâm minh sư cố nhiên khó cầu, song đệ tử thông minh mỹ chất cũng hiếm có y hệt, đệ tử tìm chọn sư phụ, mà sư phụ cũng tìm chọn đệ tử. Pháp vương và Quách Tương dọc đường cười cười nói nói, lão thấy nàng thông minh hơn người, ngộ tính cao lạ thường, thì không khỏi thầm hoan hỉ. Có lúc Quách Tương buồn bã trách cứ Pháp vương hạ độc thủ gây thảm tử cho Trường Tu Quỉ và Đại Đầu Quỉ, lão cũng không tức giận, còn cho rằng nàng không có cái tính khinh bạc như vương tử Hoắc Đô.
Pháp vương đưa Quách Tương đến quân doanh Mông Cổ, là đại doanh phía nam do hoàng đệ Hốt Tất Liệt thống lĩnh, trong khi Dương Quá lại đi tìm kiếm Quách Tương mấy ngày ở đại doanh phía bắc do đại hãn Mông Kha thống lĩnh, nên không thấy nàng.
Dương Quá lên đường đi Tuyệt Tình cốc không lâu thì Pháp vương và Quách Tương cũng khởi hành, ba người chỉ cách nhau hơn trăm dặm mà thôi.
Quách Tĩnh và Hoàng Dung sau khi ấu nữ bỏ đi, ngày đêm thương nhớ. Những đệ tử Cái Bang phái đi tứ xứ thăm dò lần lượt trở về bẩm báo, đều nói không biết tin tức gì. Hơn mười ngày sau, đột nhiên Trình Anh và Lục Vô Song đến thành Tương Dương, mang tin của Kha Trấn Ác, nói Quách Tương đã bị bắt vào quân doanh Mông Cổ. Quách Tĩnh, Hoàng Dung cả kinh. Ngay đêm hôm đó, Hoàng Dung và Trình Anh lẻn vào quân doanh Mông Cổ dò xét mọi chỗ, cũng như Dương Quá, không tìm ra manh mối gì. Đêm thứ ba, hai người phải đấu với các võ sĩ Mông Cổ một trận, hơn bốn chục võ sĩ vây chặt Hoàng Dung và Trình Anh, may mà võ công hai người cao cường, Hoàng Dung lại thi triển ngụy kế, mới vượt khỏi vòng vây chạy thoát về thành Tương Dương.
Hoàng Dung cho rằng nữ nhi hoàn toàn không có ở trong quân doanh Mông Cổ, nhưng vẫn không nhận được tin tức gì khác, là điềm không hay. Thấy đại quân Mông Cổ không có dấu hiệu gì chứng tỏ sắp đánh xuống phía nam, sau khi bàn với Quách Tĩnh, Hoàng Dung quyết định tự rời thành đi tìm. Hoàng Dung mang theo đôi chim điêu trắng, nếu có việc khẩn cấp, có thể cho chim chuyển tin tức về. Trình Anh và Lục Vô Song nằng nặc xin đi theo. Ba người vòng qua đại quân Mông Cổ, đi về hướng tây bắc. Hoàng Dung nghĩ: Tương nhi đi chuyến này là để khuyên Dương Quá đừng tự sát. Lần trước nó đã gặp Dương Quá ở gần Đồng Quan, bến Phong Lăng, lần này chắc nó trở lại chốn cũ, mình phải tới bến Phong Lăng dò la tung tích.
Ba người rời thành Tương Dương vào giữa mùa đông, vừa đi vừa hỏi dò tin tức dọc đường, đến bến Phong Lăng thì đã là hạ tuần tháng Hai, băng tuyết đang tan. Ba người hỏi dò tất cả những người lái đò, chủ quán, phu xe, khách bộ hành ở bến Phong Lăng, đều không một ai nhìn thấy tiểu cô nương nào như thế cả.
Trình Anh an ủi:
– Sư tỷ đừng lo. Tương nhi mới chào đời một ngày, đã bị hai đại ma đầu là Kim Luân pháp vương và Lý Mạc Sầu bắt đi. Tục ngữ có câu đại nạn không chết, tất có phúc lớn về sau. Hồi trước hung hiểm như thế còn chẳng việc gì, nữa là bây giờ?
Hoàng Dung thở dài, không nói gì. Ba người rời bến Phong Lăng, đi loanh quanh ra bên ngoài. Hôm nay trời nắng ấm, gió nồm thổi lồng lộng, hoa nở đầu cành, ý xuân phơi phới. Trình Anh chỉ một cây hoa đào, nói với Hoàng Dung:
– Sư tỷ, bắc quốc xuân đến chậm, ở đây hoa đào nở rộ, mấy cây đào trên đảo Đào Hoa chắc đã kết trái rồi!
Nàng vừa nói vừa bẻ một cành đào chơi, rồi khẽ ngâm:
Hỏi hoa, không nói một câu
Vì đâu hoa nở vì đâu hoa tàn
Ba phần xuân sắc hồng nhan
Nửa tan sóng biếc nửa tàn trần ai
Hoàng Dung thấy Trình Anh mày đen da trắng, vẫn xinh đẹp hệt như mười mấy năm trước, vậy mà khuê phòng lạnh giá, bất giác cũng đau lòng thay cho nàng. Bỗng nghe tiếng vo vo, một con ong mật bay tới, cứ lượn quanh cành đào Trình Anh đang cầm, rồi đậu trên đài hoa mà hút mật. Hoàng Dung thấy con ong này thân màu xám nhạt, to gấp đôi loài ong mật thông thường, chợt nhớ ra, nói:
– Hình như đây là giống ong ngọc phong mà Tiểu Long Nữ vẫn nuôi, tại sao nó lại xuất hiện ở đây?
Lục Vô Song nói:
– Đúng, chúng ta hãy đi theo con ong này, xem nó bay về chỗ nào?
Con ong hút nhụy một hồi, rời cành hoa, lượn vài vòng, rồi bay về hướng tây bắc. Ba người vội thi triển khinh công bám theo. Con ong gặp cây hoa thì dừng lại hút nhụy, hút xong lại bay tiếp, cứ bay rồi đậu, đậu rồi bay như thế, lát sau thêm hai con nữa nhập bọn. Ba người đuổi theo tới chiều thì đến một sơn cốc, chỉ thấy muôn hồng nghìn tía, cảnh sắc cẩm tú, dốc núi treo liền bảy, tám đõ ong bằng gỗ. Ba con ong kia bay vào trong đõ.
Bên kia dốc núi có ba gian nhà tranh, trước cửa có hai con cáo nhỏ, đưa cặp mắt long lanh nhìn ba người khách lạ. Bỗng két một tiếng, cánh cửa gỗ mở rộng, một người bước ra, chính là Lão Ngoan đồng Chu Bá Thông. Hoàng Dung cả mừng gọi:
– Lão Ngoan đồng, xem ai đến này!
Chu Bá Thông thấy Hoàng Dung thì cười ha hả, bước ra đón, nhưng được vài bước đột nhiên đỏ bừng cả mặt, quay người đi vào nhà, kẹt một tiếng, đã đóng cửa lại. Hoàng Dung lấy làm lạ, không hiểu Lão Ngoan đồng có dụng ý gì, gõ gõ cửa, gọi:
– Lão Ngoan đồng, Lão Ngoan đồng, sao thấy khách phương xa đến, lại trốn đi như vậy?
Chu Bá Thông ở bên trong nói:
– Không mở, không mở! Chết cũng không mở đâu!
Hoàng Dung cười, nói:
– Lão không mở, chúng tôi sẽ thiêu cái ổ chó của lão thành tro đấy.
Chợt nghe cánh cửa gian bên trái mở ra, một người nói:
– Hoang sơn quang lâm quí khách, lão hòa thượng cung nghênh.
Hoàng Dung ngó qua, thấy Nhất Đăng đại sư tươi cười đứng giữa cửa, chắp tay hành lễ. Hoàng Dung bước lên bái kiến, cười, nói:
– Thì ra đại sư là láng giềng của Lão Ngoan đồng, thật chẳng thể ngờ. Lão Ngoan đồng không hiểu vì cớ gì lại đóng cửa không tiếp khách?
Nhất Đăng đại sư cười ha ha, nói:
– Mặc kệ y! Mời ba vị vào nhà, lão tăng thết trà!
Ba người bước vào, Nhất Đăng đại sư bưng trà xanh ra, Hoàng Dung hỏi thăm cuộc sống nơi này. Nhất Đăng đại sư nói:
– Quách phu nhân thử đoán xem, gian bên phải có ai đang ở?
Hoàng Dung nghĩ vừa rồi Chu Bá Thông bỗng dưng đỏ mặt, chui vào nhà đóng cửa lại, đã biết vì sao, cười nói:
– Sóng xuân cỏ biếc ai cười, phòng sâu sáng rét giặt đôi áo hồng. Hay quá, hay quá!
Mấy câu này chính là đoạn cuối bài từ Tứ trương ky năm xưa Lưu quí phi Anh Cô đã sáng tác.
Nhất Đăng đại sư hiện thời tâm thanh tịnh, ngày ngày ngồi thiền, mọi dư hận si tình năm xưa đã mỉm cười cho qua từ lâu, liền vỗ tay cười:
– Quách phu nhân thần cơ diệu toán, chuyện gì cũng đoán trúng.
Lão bước ra cửa gọi:
– Anh Cô, Anh Cô, sang đây gặp tiểu hữu năm xưa chút nào.
Lát sau, Anh Cô bưng một cái khay gỗ đựng trái cây, bánh mật ong, hạt tùng rang sang mời khách. Bọn Hoàng Dung bái kiến, năm người cười nói thật vui.
Mối cừu hận, ân oán mấy chục năm khó cởi giữa Nhất Đăng đại sư, Chu Bá Thông, Anh Cô, nhưng nay ba người đã già, tu vi lại tiến xa, cùng ẩn cư ở Vạn Hoa cốc, nuôi ong trồng rau, tỉa hoa tưới cây, không còn để bụng tình thế khó xử năm nào. Nhưng Chu Bá Thông bất ngờ gặp Hoàng Dung, cảm thấy ngượng ngùng, bèn đóng cửa tránh mặt. Tuy lão ở phòng bên, song vẫn dỏng tai nghe năm người trò chuyện, nghe Hoàng Dung kể cảnh náo nhiệt tại anh hùng đại yến trong thành Tương Dương, kể đến chỗ vạch trần bộ mặt thật của Hà Sư Ngã, thì Chu Bá Thông không nhịn thêm được nữa, bèn sang gian buồng của Nhất Đăng đại sư mà hỏi:
– Sau đó tên Hoắc Đô thế nào? Không lẽ hắn chạy thoát hay sao?
Đêm ấy bọn Hoàng Dung nghỉ đêm ở gian buồng của Anh Cô. Sáng hôm sau, Hoàng Dung dậy, ra ngoài sân, thấy Chu Bá Thông đang hoa chân múa tay, có một con ong đậu trên lòng bàn tay, vẻ vô cùng đắc ý.
Hoàng Dung cười, nói:
– Lão Ngoan đồng, có gì vui thế?
Chu Bá Thông cười, nói:
– Tiểu Hoàng Dung, bản lĩnh của ta ngày càng cao siêu, tiểu muội có thán phục hay chưa?
Hoàng Dung biết Lão Ngoan đồng bình sinh có hai sở thích, một là chơi đùa, hai là võ học, mười mấy năm nay ẩn cư hoang cốc, chắc là lại sáng tạo ra môn võ công cao minh nào đó, đại loại như thuật phân tâm nhị dụng, song thủ hỗ bác, rất muốn biết, bèn nói:
– Võ công của Lão Ngoan đồng, tiểu muội phục sát đất từ hồi còn nhỏ, sao còn phải hỏi? Mấy năm rồi lại nghĩ ra công phu kỳ diệu gì phải không?
Chu Bá Thông lắc đầu, nói:
– Không, không phải thế. Môn võ công hay nhất gần đây là Ám nhiên tiêu hồn chưởng, do tên tiểu tử Dương Quá sáng tạo, Lão Ngoan đồng tự thẹn không bằng. Thôi đừng nhắc đến võ học nữa!
Hoàng Dung lấy làm lạ: Hài tử Dương Quá thật tài tình, trẻ như Quách Tương, già như Lão Ngoan đồng, ai cũng mê hắn, không biết Ám nhiên tiêu hồn chưởng là môn gì? Bèn hỏi:
– Thế bản lĩnh ngày càng cao cường của lão là gì vậy?
Chu Bá Thông giơ cao bàn tay có con ong kia lên, dương dương tự đắc nói:
– Đấy là bản lĩnh nuôi ong của ta.
Hoàng Dung bĩu môi, nói:
– Đàn ong ngọc phong này là của Tiểu Long Nữ tặng cho, có gì mà khoe?
Chu Bá Thông nói:
– Tiểu muội chưa hiểu tường tận. Ong ngọc phong mà Tiểu Long Nữ tặng ta cố nhiên là loại ong cực quí, nhưng Lão Ngoan đồng đã tạo ra được loài ong thiên hạ vô song, nhân gian hiếm có, đúng là khéo hơn cả tạo hóa, phép lạ ấy Tiểu Iong Nữ bì sao kịp ta?
Hoàng Dung cười ha ha, nói:
– Lão Ngoan đồng càng già càng không biết ngượng, cái món mặt dày và huênh hoang một tấc đến trời thì đúng là thiên hạ vô song, nhân gian hiếm có, khéo hơn cả tạo hóa.
Chu Bá Thông cũng không giận, cười hi hi, nói:
– Tiểu Hoàng Dung, ta hỏi tiểu muội, người là cái linh của vạn vật, thân mình có xăm hoa xăm chữ, hoặc xăm hình đầu rồng vuốt hổ, hoặc xăm chữ Thiên hạ thái bình. Nhưng trừ con người ra, trên thân thể cầm thú côn trùng có khắc chữ hay không?
Hoàng Dung nói:
– Hổ có vằn vàng, báo có gấm hoa, bướm và rắn trên thân có nhiều hoa văn gấp bội.
Chu Bá Thông nói:
– Nhưng tiểu muội đã thấy trên thân côn trùng có chữ bao giờ chưa?
Hoàng Dung nói:
– Nếu là trời sinh, thì tiểu muội chưa thấy bao giờ.
Chu Bá Thông nói:
– Được, vậy hôm nay ta cho tiểu muội được một phen đại khai nhãn giới.
Đoạn giơ bàn tay trái có con ong đến trước mắt Hoàng Dung. Chỉ thấy trên đôi cánh của con ong lớn này quả nhiên có chữ, Hoàng Dung nhìn kỹ, thấy trên cánh phải có ba chữ đáy tình cốc, trên cánh trái có ba chữ ta ở dưới, mỗi chữ nhỏ như hạt gạo, nhưng nét bút rõ ràng, chắc là dùng kim mà xăm. Hoàng Dung kinh ngạc, miệng lẩm bẩm:
– Ta ở dưới đáy tình cốc, ta ở dưới đáy tình cốc…
Nghĩ: Sáu chữ này quyết không phải là trời sinh, mà có người cố ý xăm thành, tính nết của Lão Ngoan đồng, thì cái việc tỉ mẩn này không phải do lão làm.
Bèn cười, nói:
– Thế thì có gì đáng gọi là thiên hạ vô song, nhân gian hiếm có? Lão hành hạ Anh Cô, bắt Anh Cô dùng kim xăm sáu chữ ấy trên cánh ong, tưởng che mắt được tiểu muội chắc?
Chu Bá Thông vừa nghe đã đỏ mặt, nói:
– Tiểu muội cứ việc sang hỏi Anh Cô xem có phải Anh Cô dùng kim xăm hay không?
Hoàng Dung cười, nói:
– Anh Cô dĩ nhiên sẽ chối phắt cho hợp ý lão. Lão bảo mặt trời mọc ở phía tây, Anh Cô cũng sẽ bảo Đúng thế, mặt trời mọc ở phía tây, chưa khi nào mọc ở phía đông.
Chu Bá Thông càng đỏ mặt hơn, vừa là ngượng ngập, vừa là uất ức vì bị oan, lão thả con ong bay đi, rồi kéo tay Hoàng Dung, nói:
– Nào lại đây, ta cho tiểu muội chính mắt nhìn thấy.
Lão kéo Hoàng Dung tới bên một đõ ong ở bên dốc núi, cái đõ ong này treo riêng một chỗ, không cùng với các đõ ong khác. Chu Bá Thông giơ tay bắt hai con ong, nói:
– Nhìn đi!
Hoàng Dung nhìn kỹ, thấy trên hai cánh mỗi con ong đều có sáu chữ ta ở dưới đáy tình cốc hệt như con ban nãy. Nghĩ thầm: Tạo hóa tuy kỳ lạ, cũng nhất định không có lý gì tạo ra loài ong này. Bên trong hẳn có duyên cớ, bèn nói:
– Lão Ngoan đồng, bắt vài con nữa xem nào.
Chu Bá Thông lại bắt bốn con ong nữa, thì hai con trong đó trên cánh không có chữ. Lão thấy Hoàng Dung cúi đầu trầm ngâm, tựa hồ đã chịu thua, không dám bảo là do Anh Cô xăm chữ, nên cười nói:
– Tiểu muội còn gì để nói nữa không? Hôm nay đã phục Lão Ngoan đồng hay chưa?
Hoàng Dung không đáp, cứ lẩm bẩm: Ta ở dưới đáy tình cốc mấy lần, chợt hiểu: Là ai ở dưới đáy Tuyệt Tình cốc? Không lẽ là Tương nhi? Trống ngực đập dồn, liền quay sang nói:
– Lão Ngoan đồng, đõ ong này không phải do lão nuôi, mà ong từ nơi khác bay đến.
Chu Bá Thông đỏ mặt, nói:
– Ôi, kỳ thật, làm sao tiểu muội biết?
Hoàng Dung nói:
– Làm sao tiểu muội biết ư? Thế lũ ong bay đến đây được mấy hôm rồi?
Chu Bá Thông nói:
– Lũ ong này bay đến được mấy năm rồi, ban đầu ta không để ý trên cánh có chữ, mãi mấy tháng trước đây ta mới phát giác.
Hoàng Dung hỏi:
– Có thật là mới vài năm thôi hay không?
Chu Bá Thông nói:
– Đúng thế, chẳng lẽ chuyện đó còn phải giấu tiểu muội?
Hoàng Dung trầm ngâm hồi lâu, trở về ngôi nhà tranh, bàn bạc cùng Nhất Đăng đại sư, Trình Anh và Lục Vô Song, ai cũng cảm thấy bên dưới Tuyệt Tình cốc tất có sự lạ. Hoàng Dung nghĩ đến con, sốt ruột muốn cùng tỷ muội Trình, Lục đi thăm dò một chuyến.
Nhất Đăng đại sư nói:
– Ở đây hiện không có việc gì, lão tăng sẽ đi cùng. Lần trước lệnh ái tới đây, tiểu cô nương ấy hào hiệp khảng khái, lão tăng rất mến.
Hoàng Dung bái tạ, nhưng trong lòng rất lo: Nhất Đăng đại sư chắc nghĩ Quách Tương gặp tai nạn, nếu không đã chẳng tội gì bỏ nơi u cốc tĩnh tu này mà đi cùng ta? Chu Bá Thông thấy có nhiệt náo, đời nào chịu ở lại, nhất định đòi cho Anh Cô đi cùng. Hoàng Dung thấy có thêm ba vị đại cao thủ tương trợ, đỡ hẳn lo ngại, cho rằng đoàn mình sáu người thế này, bất kể đấu trí đấu lực, e rằng thời nay không có ai địch nổi, Quách Tương có rơi vào tay kẻ gian, cũng nhất định sẽ được cứu ra. Thế là sáu người cùng cặp chim điêu cùng đi về hướng Tây.
Dương Quá đến Tuyệt Tình cốc vào cuối tháng Hai đầu tháng Ba, còn sớm năm ngày so với ước hẹn của Tiểu Long Nữ mười sáu năm về trước. Hiện thời Tuyệt Tình cốc không một bóng người, tòa ngang dãy dọc mà vợ chồng Công Tôn Chỉ và các đệ tử áo xanh dựng nên đã đổ nát hoang tàn hết cả. Dương Quá sau khi rời Tuyệt Tình cốc mười sáu năm trước, cứ dăm năm chàng lại đến đây ở vài hôm, hi vọng rằng không chừng Nam Hải thần ni động lòng từ bi, đột nhiên cho phép Tiểu Long Nữ trở về sớm hơn hạn định. Tuy mỗi lần như thế chàng đều sầu khổ ra đi nhưng coi như cũng rút ngắn được kỳ hạn dăm năm.
Lần này trở lại vùng đất cũ, nhìn cỏ dại mọc đầy, núi rừng tịch mịch, vẫn không một dấu chân người, chàng bèn chạy đến trước Đoạn Trường nhai, vượt qua chiếc cầu đá, đưa tay miết dòng chữ mà Tiểu Long Nữ dùng mũi kiếm khắc vào đá, các nét chữ bị rêu xanh phủ lấp lập tức hiện ra hai hàng to nhỏ.
Dương Quá khe khẽ lẩm bẩm:
– Tiểu Long Nữ dặn Phu quân Dương lang, vô cùng trân trọng, mong ngày đoàn tụ.
Bất giác trống ngực chàng đập dồn.
Chàng cứ đứng ngây người nhìn hai dòng chữ. Đến tối thì mắc dây thừng lên hai cây mà ngủ. Hôm sau chàng đi tha thẩn trong cốc, thấy những bụi cây hoa Tình mà năm xưa chàng cùng Trình Anh, Lục Vô Song chặt phá đã không mọc nữa, thấy một bông hoa hồng rực rỡ mà chàng đặt tên là hoa Long Nữ mới nở, chàng bèn ngắt lấy, đem tới cắm bên dòng chữ ở Đoạn Trường nhai. Chờ đợi khổ sở năm ngày, đã đến ngày mồng bảy tháng Ba. Chàng đã hai ngày đêm liền không ngủ, hôm nay càng không rời Đoạn Trường nhai nửa bước. Từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, mỗi khi gió thổi cây rung, hoa rơi lá rụng, chàng lại giật mình, đứng bật dậy ngó quanh tứ phía, nào thấy bóng dáng Tiểu Long Nữ?
Từ khi hỏi Hoàng Dược Sư về Nam Hải thần ni ở đảo Đại Trí, biết đó là chuyện Hoàng Dung bịa đặt, nhưng hai dòng chữ kia là do Tiểu Long Nữ khắc thì không phải giả, những mong nàng nói lời thì giữ lấy lời, cuối cùng tới gặp. Nhìn vầng dương từ từ lặn xuống núi, lòng Dương Quá cũng lặng dần. Khi vầng dương bị núi che một nửa, chàng kêu to, chạy lên đỉnh núi. Đứng trên đó, thấy vầng dương tròn trặn như cũ, lòng chàng nhẹ đi, chỉ cần vầng dương còn kia, ngày mồng bảy tháng Ba vẫn chưa hết.
Nhưng mặc dù chàng đã đứng trên đỉnh cao nhất, mặt trời rốt cuộc cũng lặn xuống dưới đất. Chàng đứng lặng, nhìn bốn phía mịt mờ, cảm thấy khí lạnh thấm vào người.
Cứ đứng bất động hơn một canh giờ, rồi mảnh trăng bán nguyệt thong thả lên đến đỉnh trời. Không chỉ một ngày đã hết, mà một đêm cũng sắp trôi qua. Tiểu Long Nữ thủy chung không tới.
Dương Quá đứng ngây như tượng đá trên đỉnh núi một đêm, mãi đến lúc vầng dương mọc lên ở phía đông. Bốn phía tiếng chim ríu rít, hoa thơm thoang thoảng, ý xuân đang nồng, lòng chàng lại như băng giá, có tiếng nói văng vẳng bên tai:
– Đồ ngốc! Nàng chết từ đời nào rồi, nàng chết từ mười sáu năm trước rồi. Nàng tự biết trúng độc không khỏi, mi lại quyết không chịu sống một mình, nên đã tự tận, song lại lừa mi chờ đợi mười sáu năm. Đồ ngốc! Nàng đối với mi tình ý sâu nặng như thế, sao đến tận hôm nay mi vẫn chưa hiểu tâm ý của nàng?
Chàng như một cái xác không hồn, chạy xuống núi, một ngày một đêm không ăn không uống, cảm thấy môi khô họng rát, bèn tới bên dòng suối vục nước mà uống. Vừa cúi xuống, thấy bóng mình trong nước, hai bên tóc mai đã bạc trắng. Chàng năm nay ba mươi sáu tuổi, sức lực dồi dào, tóc không thể bạc, nhất là nội công thâm hậu, tuy một đời gian nan nguy hiểm, song chưa hề có sợi tóc bạc nào cả, đột nhiên bây giờ thấy hai bên tóc mai bạc trắng, mặt xám ngoét lấm bụi, cơ hồ không nhận ra diện mạo của mình nữa, chàng đưa tay giật ba sợi tóc ở mép trán mà xe, thấy hai sợi đã bạc.
Thời khắc ấy, chàng bỗng nhớ mấy câu trong bài từ của Tô Đông Pha viết để cho người vợ quá cố.
Mười năm sinh tử miên man
Lòng xuân khôn dứt muôn ngàn ái ân
Quan san vạn dặm cô phần
Thê lương tình ấy phân trần nơi đâu
Tương phùng chẳng nhận được nhau
Tóc xanh mặt ngọc đượm màu phong sương
Dương Quá một đời chuyên tâm luyện võ, đọc sách không nhiều, mấy năm trước tại một tửu điếm nhỏ ở Giang Nam, chàng đọc thấy bài từ này viết trên vách, thấy tình thâm ý chân, nhẩm vài lần đã thuộc, bây giờ tự dưng nhớ lại, đã quên tác giả là ai, nghĩ bụng: Người ấy mười năm sống chết hai đường. Ta và Tiểu Long Nữ xa nhau đã mười sáu năm. Người ấy có một nấm mộ, biết hài cốt của ái thê ở đâu, còn ta thì ái thê chôn cất ở chỗ nào cũng không biết. Rồi chàng nhớ tiếp nửa sau bài từ, trong đó nhà thơ một đêm nằm mộng thấy ái thê:
Đêm mơ về lại cố hương
Thấy em hiên vắng soi gương chải đầu
Nhìn nhau không nói một câu
Áo xanh ướt đẫm lệ sầu chứa chan
Biết khi trăng chiếu thông ngàn
Đoạn trường chốn ấy gặp nàng được chăng?
(Đây là bài từ Giang thành tử của Tô Đông Pha. Khi ông đang ở Sơn Đông, trùng vào ngày giỗ thứ mười của ái thê, đêm nằm mơ thấy nàng, nên từ Sơn Đông hoài vọng về Ba Thục, cảm khái viết nên bài từ này)
Bất giác lòng chàng đau đớn: Còn ta, còn ta ba ngày ba đêm không thể chợp mắt, đến một giấc mộng cũng chẳng có! Đột nhiên chàng nhảy bật lên, chạy đến trước Đoạn Trường nhai, nhìn trân trân hai dòng chữ Tiểu Long Nữ khắc trên đá, thét lớn:
– Mười sáu năm sau tái hợp ở đây, phu thê thâm tình, xin đừng lỡ hẹn. Tiểu Long Nữ ơi là Tiểu Long Nữ. Đây là những chữ chính nàng viết ra, tại sao nàng lại không giữ lời hẹn?
Tiếng thét của chàng phát ra từ đáy lòng, nghe vang rền cả sơn cốc, rừng núi bốn phía hưởng ứng, đông nam tây bắc, núi non xung quanh cùng dội lại:
– Tại sao nàng lại không giữ lời hẹn?
– Tại sao nàng lại không giữ lời hẹn?
– …Không giữ lời hẹn… Không giữ lời hẹn…
Tính chàng vốn quật cường mạnh mẽ, giờ thì không còn thiết gì nữa, nghĩ: Long nhi đã qua đời từ mười sáu năm về trước, ta còn sống thêm mười sáu năm thật vô vị.
Chàng nhìn xuống vực sâu trước Đoạn Trường nhai, chỉ thấy dưới đó đầy sương mù. Mỗi lần tới đây, chàng chưa bao giờ thấy đáy cốc vì nó luôn có mây mù che phủ. Bây giờ cũng vậy. Chàng ngửa mặt hú một tiếng dài, khiến mấy trăm đóa hoa Long Nữ đã héo trên Đoạn Trường nhai bay lả tả, nói nhỏ:
– Năm xưa nàng đột nhiên mất tích, không biết đi đâu, ta tìm nàng khắp núi non, không thấy nàng, ta đoán nàng đã nhảy xuống cái vực sâu vạn trượng này, mười sáu năm nay chăng lẽ nàng không sợ tịch mịch hay sao?
Lệ làm mờ mắt, trước mắt tựa hồ thấp thoáng bóng áo trắng của Tiểu Long Nữ, rồi dường như chàng nghe văng vẳng có tiếng gọi của nàng từ dưới đáy vực:
– Dương lang, Dương lang chàng ơi, đừng đau lòng, đừng đau lòng!
Dương Quá nhún hai chân một cái, thân hình bay lên, chàng nhảy xuống vực sâu.
Quách Tương theo Kim Luân pháp vương đến Tuyệt Tình cốc. Pháp vương có khi hiểm độc hơn cả rắn rết, nhưng lão đã có ý nhận Quách Tương làm truyền nhân y bát, cho nên dọc đường lão săn sóc nàng rất chu đáo, coi nàng y như ái nữ thân sinh của mình. Quách Tương hận lão đánh chết Trường Tu Quỉ và Đại Đầu Quỉ, nên thần sắc trước sau vẫn lạnh lùng. Pháp vương cả đời được người ta tôn sùng, ở Tây Tạng lão được tôn sùng như đế vương, ngay cả Tứ vương tử Mông Cổ Hốt Tất Liệt đối với lão cũng một mực kính nể. Vậy mà suốt dọc đường cô bé Quách Tương cứ hết chê lão võ công không bằng Dương Quá, lại trách lão hồ loạn sát nhân, làm cho đệ nhất quốc sư Đại Mông Cổ phải dở khóc dở cười.
Lúc hai người đến Tuyệt Tình cốc, bỗng nghe có tiếng thét lớn:
– Tại sao nàng lại không giữ lời hẹn?
Tiếng thét đầy bi thương, tuyệt vọng, khổ đau.
Quách Tương nghe tựa hồ mỗi quả núi đều hùa theo Tại sao nàng lại không giữ lời hẹn?
Nàng kinh ngạc nói:
– Là đại ca ca đấy, ta đi mau lên!
Nàng chạy gấp vào cốc. Kim Luân pháp vương thấy đại địch ở phía trước, phấn chấn hẳn lên, rút kim, ngân, đồng, thiết, diên ngũ luân từ trong túi đeo sau lưng ra cầm tay. Lão đã luyện Long tượng bát nhã công đến tầng thứ mười, nhưng nghĩ mười sáu năm qua Dương Quá và Tiểu Long Nữ quyết chẳng ngồi không, cũng vẫn luyện võ, nên lão không dám khinh suất.
Quách Tương chạy về phía phát ra tiếng thét, chẳng mấy chốc đã tới trước Đoạn Trường nhai, thấy Dương Quá đứng trên sườn núi, mấy chục bông hoa lớn màu hồng bay lả tả xung quanh. Nàng thấy vách núi nhô ra rất hung hiểm, mình công phu thấp kém, không dám phi thân sang, chỉ gọi:
– Dương đại ca, muội tới đây!
Nhưng Dương Quá thẫn thờ đau khổ, không nghe thấy.
Quách Tương từ xa thấy cứ chỉ của chàng khác lạ, bèn nói:
– Muội còn có một cái kim châm của đại ca ca đây, hãy nghe muội nói, dù thế nào cũng đừng tự tận…
Vừa nói, nàng vừa chạy qua cái cầu đá sang chỗ chàng. Nàng chạy được nửa chừng, thấy Dương Quá tung người nhảy xuống vực sâu vạn trượng bên dưới.
Quách Tương sợ đến hồn xiêu phách lạc, cũng không biết là để cứu Dương Quá, hay là do thâm tình muốn theo chàng lìa trần, nàng nhún hai chân, nhảy luôn theo chàng xuống vực. Kim Luân pháp vương đi sau bảy, tám trượng, thấy nàng nhảy thì bay người tới cứu. Lão vội thi triển khinh công, hệt như mũi tên rời khỏi cung, nhanh dị thường, nhưng đã chậm một bước, Quách Tương đã rơi xuống dưới. Pháp vương không kịp nghĩ ngợi, sử chiêu Đảo quải kim câu, cúi chộp cánh tay nàng. Chiêu này rất mạo hiểm, chỉ cần sơ sảy một chút, lão cũng sẽ bị kéo ngã xuống vực. Tay lão vừa chạm vào tay áo nàng, thì nghe soạt một tiếng, tay áo của Quách Tương đã bị xé rách, thấy thân hình nàng chui qua mây mù mấy chục trượng bên dưới, nàng rơi qua đó, mây mù liền khép lại, không còn thấy bóng dáng đâu nữa.
Pháp vương thở dài buồn bã, tay cầm mảnh áo rách, thẫn thờ nhìn xuống vực.
Một hồi lâu, bỗng nghe có tiếng gọi từ sườn núi đối diện:
– Gã hòa thượng kia, ở đấy làm gì vậy?
Pháp vương nhìn sang, thấy bên đó có sáu người, đi đầu chính là Chu Bá Thông. Cạnh Chu Bá Thông có ba nữ tử, Pháp vương nhận ra Hoàng Dung, Trình Anh và Lục Vô Song, tiếp đến một lão tăng râu tóc bạc như cước, rồi đến một hắc y lão bà, Pháp vương chưa biết đó là Nhất Đăng đại sư và Anh Cô. Pháp vương đã mấy lần mục kích công phu của Chu Bá Thông, biết lão đầu nhi này võ công xuất quỉ nhập thần, trong bụng có ba phần ngán ngại, còn Hoàng Dung thì kiêm sở trường của hai nhà Đông Tà, Bắc Cái cơ biến lạ lùng, là một nhân vật cực kỳ lợi hại.
Pháp vương đã luyện thành thần công, vốn có thể giao đấu với hai đệ nhất cao thủ võ học, nhưng lúc này lão ta còn đang thương tiếc Quách Tương chết thảm, nên buồn rầu nói:
– Quách Tương cô nương ngã xuống thâm cốc rồi. Than ôi!
Nói xong thở dài.
Mọi người nghe thấy đều cả kinh. Hoàng Dung càng chấn động, run giọng hỏi:
– Thật vậy ư?
Pháp vương nói:
– Ta nói dối phu nhân làm gì? Chẳng phải mảnh áo của Quách cô nương đây sao?
Đoạn lão ta giơ mảnh áo lên. Hoàng Dung nhìn, đúng là mảnh rách từ áo của nữ nhi, thì toàn thân run rẩy như sa xuống hố băng, không nói nên lời.
Chu Bá Thông tức giận nói:
– Hòa thượng thối tha, sao ngươi lại đi giết hại một tiểu cô nương? Người gì mà tàn ác thế?
Pháp vương lắc đầu, nói:
– Không phải ta giết hại đâu.
Chu Bá Thông nói:
– Đang yên đang lành tại sao tiểu cô nương lại đi nhảy xuống vực? Ngươi không đẩy, thì cũng là ngươi bức tiểu cô nương phải nhảy xuống.
Pháp vương thở dài, nói:
– Đều không phải. Ta có ý thu nhận Quách cô nương làm đồ đệ, truyền cho y bát, sao lại đi giết hại làm gì?
Chu Bá Thông nhổ sang một bãi nước miếng, gằn giọng:
– Thối lắm, khó ngửi lắm! Ngoại công của Tương nhi là Hoàng lão tà, phụ thân là Quách Tĩnh, mẫu thân là Hoàng Dung, mỗi một người ấy không mạnh hơn hòa thượng thối tha nhà ngươi chắc? Ngươi lại đòi Tương nhi bái ngươi làm sư phụ, nhận y bát thối tha của ngươi. Lão Ngoan đồng ta chỉ cần dạy cho Tương nhi vài môn võ mèo quào, cũng đủ đánh bại mấy cái vòng tròn sắt gỉ đồng hoen kia của ngươi!
Chu Bá Thông và Pháp vương cách nhau rất xa, bãi nước miếng kia như một viên đạn bắn thẳng tới mặt, Pháp vương nghiêng đầu né tránh, thầm thán phục. Chu Bá Thông thấy mình vặn cho Pháp vương á khẩu vô ngôn, thì dương dương tự đắc, lại quát:
– Chắc là Quách Tương không chịu bái ngươi làm sư phụ, phải vậy không? Còn ngươi cứ một mực muốn nhận Quách Tương làm đồ đệ, phải vậy không?
Pháp vương gật gật đầu. Chu Bá Thông lại nói:
– Như thế tức là ngươi đã đẩy Quách Tương xuống vực.
Pháp vương trong lòng phiền muộn, thở dài, nói:
– Ta không đẩy. Quách cô nương tại sao tự tận, thì ta quả thật không hiểu.
Hoàng Dung tâm thần hơi trấn tĩnh, nghiến răng, giơ cây trúc bổng, xông tới chỗ Kim Luân pháp vương. Hoàng Dung sử tự quyết chữ Phong, bổng ảnh loang loáng, lập tức phong bế khoảng vài thước trước mặt Pháp vương. Trên chiếc cầu đá rộng chưa đầy một thước, Hoàng Dung đau đớn về cái chết của nữ nhi, chiêu nào cũng đều là sát thủ.
Pháp vương võ công tuy cao hơn Hoàng Dung, cũng không dám đối địch trực diện, thấy bổng pháp tinh kỳ, nếu tiếp chiêu của Hoàng Dung, Chu Bá Thông xông vào trợ chiến, chỗ này địa thế quá hiểm, sẽ rất khó đối phó, bèn nhún chân trái một cái, nhảy lùi ba thước, hú một tiếng dài, đột nhiên nhảy vọt qua đầu Hoàng Dung. Hoàng Dung chọc cây bổng lên, Pháp vương dùng ngân luân gạt đi. Hoàng Dung hít một hơi, quay mình lại. Chỉ thấy Chu Bá Thông đã đấu với Pháp vương. Pháp vương coi trọng thân phận một đại tông sư, thấy đối phương dùng tay không, lão ta bèn giắt ngũ luân vào thắt lưng, dùng tay không đánh trả. Hoàng Dung chạy qua cầu đá trở lại, cây bổng điểm tới sau lưng Pháp vương.
Pháp vương sau khi luyện Long tượng bát nhã công đến tầng thứ mười, hôm nay mới gặp cao thủ, đang rất muốn thử, thấy Chu Bá Thông vung quyền đánh tới, liền dùng quyền đối quyền, quyền của đôi bên chưa đụng nhau, đã phát ra tiếng nổ lép bép. Chu Bá Thông kinh ngạc, đoán quyền lực của đối phương bất thường, không dám đụng thẳng, cùi chỏ hơi trầm xuống, sử dụng Không minh quyền. Một quyền này của Pháp vương đánh ra, lực đạo gần ngàn cân, tuy không thể nói có đại lực của rồng của voi, song thân phàm xác trần quyết không thể chịu nổi. Nhưng khi chạm với quyền lực của Chu Bá Thông, chỉ cảm thấy nhẹ bẫng, không có chỗ nào để sử lực, lòng thầm kinh dị, tả chưởng liền vỗ ra.
Chu Bá Thông đã cảm thấy kình lực của đối phương khác hẳn thông thường, thật là chưa từng gặp. Lão tính hiếu võ, hễ biết ai có tuyệt kỹ là bám lấy để giao đấu cho bằng được, một đời trải qua không biết bao nhiêu trận lớn nhỏ, đấu với vô số hảo thủ giang hồ, nhưng luồng kình lực như Pháp vương phát ra thế này thì chưa từng nghe, chưa từng thấy, nhất thời chưa biết là môn gì, liền sử dụng bảy mươi hai lộ Không minh quyền, lấy hư ứng thực, vận không đương cường. Như thế, tuy làm cho lực đạo khủng khiếp của Pháp vương không có đất dụng võ, song bản thân cũng không thể đả thương đối thủ.
Pháp vương sử mấy chiêu, lại chỉ như gãi ngứa đối phương. Lão ta vùi đầu khổ luyện mười mấy năm, xuất thủ lại vô hiệu, tất hết sức nôn nóng, chợt nghe tiếng gió rít sau lưng, cây gậy trúc của Hoàng Dung chọc tới huyệt Linh Đài Xích, bèn gạt tay ra phía sau một cái, rắc một tiếng, cây trúc bổng lập tức gãy đôi, dư lực còn làm cho cát đá bay mù mịt.
Hoàng Dung kinh hãi nhảy ra, nghĩ thầm lão ác tăng năm xưa lợi hại, hiện thời còn lợi hại gấp mấy hồi xưa, chưởng lực của lão ta ghê gớm như thế là môn công phu gì vậy?
Trình Anh và Lục Vô Song thấy Hoàng Dung bất lợi, một dùng ngọc địch, một dùng trường kiếm, từ hai phía tả hữu tấn công Pháp vương. Hoàng Dung kêu lên:
– Hai vị hãy cẩn thận!
Lời chưa dứt, rắc rắc hai tiếng, ngọc địch và trường kiếm đã gãy cả. Vì Quách Tương đã thảm tử, Pháp vương hôm nay không muốn đả thương mạng người, chỉ quát:
– Xéo cả ra!
Chứ lão ta không đuổi theo Trình, Lục hai nàng.
Bỗng thấy một bóng đen nhào tới, Anh Cô đã đánh bên mình. Pháp vương hất chưởng đánh vào eo lưng Anh Cô. Võ công của Anh Cô vốn thấp hơn Hoàng Dung, nhưng Anh Cô luyện môn Nê thu công, né tránh cực kỳ tài tình; lúc cảm thấy có luồng cự kình ập đến, lão bà uốn người hai ba cái đã luồn lách tránh được. Pháp vương không biết rằng võ công của Anh Cô kỳ thực chưa tới cảnh giới đệ nhất cao thủ, lão đánh liền hai quyền đều bị lão bà dùng thân pháp cổ quái tránh được, thì không khỏi kinh ngạc. Lão cứ tưởng thần công của mình đủ để tung hoành thiên hạ, ai dè có hai lão nhân còn chưa làm gì nổi họ, thì không khỏi thất vọng, không ham đánh nữa, nhảy tránh sang một bên.
Anh Cô cố gắng hết sức mới tránh thoát hai chiêu của Pháp vương, thấy lão ta nhảy lui thì không mong gì hơn, đâu còn dám xông tới. Chu Bá Thông quát:
– Đừng hòng bỏ chạy!
Lão vọt đuổi theo.
Pháp vương đang định đánh lại một chưởng, bỗng nghe ào ào một luồng khí nhu hòa ập tới trước mặt, chính là Nhất Đăng đại sư sử dụng công phu Nhất dương chỉ. Pháp vương từ đầu vốn không để ý đến bạch mi lão tăng, không ngờ công phu Nhất dương chỉ của đại sư lại thâm hậu đến thế.
Công phu Nhất dương chỉ của Nhất Đăng đại sư thật đã đạt tới cảnh giới đăng phong tạo cực, lô hỏa thuần thanh. Luồng canh khí do chỉ phát ra tưởng như ấm áp bình hòa, song ào ạt thâm hậu, không thể chống đỡ. Pháp vương kinh sợ nghiêng mình né tránh, rồi mới đánh trả một chưởng. Nhất Đăng đại sư thấy chưởng lực của Pháp vương quá cương mãnh, không dám tương tiếp, nhẹ nhàng thoái lui vài bước. Một vị cao tăng Nam Triệu, một vị dị sĩ Tây Vực, đôi bên trao đổi một chiêu, không ai dám coi thường đối phương. Chu Bá Thông giữ thể diện, không xông vào giáp kích, đứng một bên quan chiến.
Khoảng cách giữa Nhất Đăng đại sư và Pháp vương bất quá chỉ vài thước, nhưng bên này phát chưởng, bên kia phát chỉ, càng lúc càng xa, dần dần cách nhau hơn một trượng, mỗi bên dùng công lực bình sinh mà đánh từ xa. Hoàng Dung đứng ngoài xem, thấy trên đỉnh đầu Nhất Đăng đại sư có một luồng bạch khí bốc lên, càng lúc càng dày, như hơi nước sôi, rõ ràng đại sư đang vận chuyển nội kình, chỉ sợ đại sư tuổi cao lực suy, không địch nổi Pháp vương, trong lòng lại thương nữ nhi thảm tử, rất muốn xông tới liều chết một phen với kẻ thù, nhưng thấy hai bên đang chưởng lai chỉ vãng, chân lực đấu nhau dữ dội, quả thật không thể xen vào, đang chưa biết tính sao, bỗng nghe có tiếng chim điêu trên cao, bèn huýt sáo ra hiệu, tay chỉ Pháp vương.
Một đôi chim điêu màu trắng vừa kêu vừa lao bổ từ trên không trung xuống đầu Pháp vương.
Nếu là Thần điêu của Dương Quá, chắc Pháp vương ngán ngại, còn đôi chim điêu này tuy to xác, song cũng chỉ là loài chim, làm gì nổi lão ta? Nhưng lúc này Pháp vương đang dốc toàn lực đấu với Nhất Đăng đại sư, không thể lơi lỏng chút nào, đôi chim điêu đột nhiên lao xuống, Pháp vương đành đẩy tả chưởng lên hai cái, hai luồng chưởng lực phân kích đôi chim điêu.
Đôi chim điêu không chịu nổi, bay vọt lên cao. Nhưng như thế đã giúp Nhất Đăng đại sư lập tức chiếm thượng phong. Pháp vương phải vội vận lực vào tả chưởng mới tái lập được cục diện ngang ngửa.
Đôi chim điêu nghe Hoàng Dung huýt sáo thúc giục, song chưởng lực của kẻ địch quá mạnh, bèn hư trương thanh thế, đột nhiên kêu to, lao nhanh xuống, nhưng còn cách đầu Pháp vương hơn một trượng, không đợi lão ta phát chưởng, đôi chim điêu đã bay lên.
Song điêu cứ thay phiên nhau lao xuống như thế, tuy không đả thương, nhưng cũng làm rối loạn tâm trí Pháp vương. Cao thủ đối địch, phải tập trung ý chí, đầu óc tỉnh táo, nội lực mới có thể phát huy tối đa, chưởng lực của Pháp vương tuy hơn hẳn Nhất Đăng đại sư, nhưng tu tâm dưỡng tính thì thua xa Nhất Đăng, vừa rồi Quách Tương thảm tử, tâm thần Pháp vương đã bất định, giờ thêm đôi chim điêu quấy nhiễu, lão ta càng thêm rối trí. Tâm ý hơi loạn, chưởng lực của lão ta lập tức cảm ứng. Nhất Đăng mỉm cười, tiến lên nửa bước. Hoàng Dung thấy Nhất Đăng tiến bước, liền nói to:
– Quách Tĩnh, Dương Quá, hai người cùng tiến vào, hợp lực bắt lấy hắn!
Kỳ thực Quách Tĩnh là trượng phu, Hoàng Dung quyết không gọi tên trống không như vậy, song tiếng gọi vừa rồi cốt làm cho Pháp vương giật mình, chứ nếu gọi Tĩnh ca ca, Pháp vương sẽ không biết Tĩnh ca ca là ai cả, hiệu lực giật mình sẽ giảm hẳn. Quả nhiên Pháp vương vừa nghe hai cái tên Quách Tĩnh, Dương Quá đã giật mình kinh hãi: Hai hảo thủ nữa đến, ta nguy mất thôi!
Lúc này Nhất Đăng lại tiến thêm nửa bước. Đôi chim điêu trên trời cũng đã nhận ra cơ hội, con chim cái kêu to, lao thẳng xuống mặt Pháp vương, dùng vuốt nhọn định móc mắt lão ta. Pháp vương chửi:
– Nghiệt súc!
Tả chưởng đánh lên.
Không ngờ động tác của con chim điêu mái chỉ là hư chiêu, cách mặt Pháp vương hơn một trượng nó đã bay vọt lên, trong khi con chim điêu trống lẳng lặng từ bên cạnh lao xuống đánh lén, chờ khi Pháp vương phát giác, thì móng vuốt của nó đã chạm đầu lão ta.
Pháp vương vừa kinh ngạc vừa tức giận, phẩy tay một cái, trúng bụng chim. Con điêu chộp cái mũ vàng trên đầu Pháp vương mà bay lên. Nhưng cái phẩy tay của Pháp vương rất mạnh, con điêu trống đã bị trọng thương, nó bay lên một đoạn thì hết chịu nổi, đột nhiên lộn nhào, rơi thẳng xuống vực sâu vạn trượng.
Hoàng Dung, Trình Anh, Lục Vô Song, Anh Cô không nhịn được cùng kêu lên. Chu Bá Thông cả giận, quát:
– Hòa thượng thối tha, Lão Ngoan đồng không câu nệ quy củ giang hồ gì nữa, hai người đánh một cũng được.
Đoạn vung quyền đánh tới sau lưng Pháp vương.
Con chim điêu mái thấy con trống rơi xuống vực, thì kêu lên thảm thiết lao qua đám mây mù xuống theo, hồi lâu không thấy nó bay lên.
Kim Luân pháp vương trước sau đều bị tấn công, bắt đầu sợ hãi. Lão ta võ công tuy cao, nhưng làm sao địch nổi hai đại cao thủ giáp công? Lão ta không dám ham đấu, vội tung kim luân và ngân luân, phía trước ngăn chặn Nhất dương chỉ, phía sau chống đỡ Không minh quyền, trong tình thế bị hai luồng nội lực giáp công, Pháp vương chạy chếch sang bên trái, lắc người một cái đã vọt sang lũng núi. Chu Bá Thông quát to, đuổi theo sau.
Pháp vương may mắn thoát thân, đề khí chạy gấp, nghĩ nếu để Chu Bá Thông đuổi kịp, phải đấu vài trăm chiêu cũng khó phân thắng bại, khi đó bạch mi lão tăng sẽ thừa cơ hạ độc thủ, lão ta sẽ phải bỏ cái mạng già ở Tuyệt Tình cốc này. Thấy phía trước có một cánh rừng dày, Pháp vương vội chạy về phía đó, bỗng nghe chíu một tiếng, một viên sỏi từ trong cánh rừng bắn ra.
Cánh rừng cách lão ta hơn trăm bước, viên sỏi kia không biết do kình lực thần kỳ nào phóng đi, mà hình thể tuy nhỏ, tiếng rít phá không khí lại mạnh dị thường, bay thẳng đến trước mặt như thế. Pháp vương giơ ngân luân gạt đi, cạch một tiếng, viên sỏi vỡ nát, mảnh vụn bay tứ tung, có hai mảnh văng vào mặt rát bỏng. Pháp vương kinh hãi: Viên sỏi từ rất xa bắn tới mà làm chấn động ngân luân của ta, công lực của người bắn thật không thua gì Lão Ngoan đồng và bạch mi lão tăng, sao thiên hạ có nhiều đại cao thủ đến thế?
Pháp vương đang bối rối, thì thấy từ trong cánh rừng thong thả bước ra một lão nhân mặc áo bào xanh, tay áo rộng thùng thình, phong thái tiêu sái xuất trần. Chu Bá Thông cả mừng, gọi:
– Hoàng lão tà, gã hòa thượng thối tha ấy hại chết ngoại tôn nữ nhi của huynh, hãy mau hợp lực bắt lấy hắn!
Người trong rừng đi ra chính là Hoàng Dược Sư.
Sau khi chia tay với Dương Quá, Hoàng Dược Sư đi lên phía bắc, một hôm đang ngồi uống rượu trong một tửu điếm nhỏ ở hương thôn, lão nhìn thấy có đôi chim điêu trắng bay trên trời, biết không phải nữ nhi, thì cũng là hai ngoại tôn nữ nhi đang ở gần đâu đây, bèn lẳng lặng bám theo, đến Tuyệt Tình cốc. Lão chưa muốn để Hoàng Dung nhìn thấy, chỉ đứng quan sát từ xa, mãi đến khi thấy Nhất Đăng và Chu Bá Thông động thủ không thắng nổi Pháp vương, nghĩ lão Tạng tăng này quả là hảo thủ bình sinh khó gặp, thì lão liền xuất thủ. Pháp vương gõ hai chiếc luân vào nhau keng một tiếng, nói:
– Các hạ có phải là Đông Tà Hoàng Dược Sư?
Hoàng Dược Sư gật gật đầu, nói:
– Không sai. Đại sư có gì chỉ giáo?
Pháp vương nói:
– Khi tại hạ ở Tây Tạng, nghe đồn Trung Nguyên chỉ có năm người tài giỏi là Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái, Trung Thần Thông, hôm nay được kiến diện, quả nhiên danh bất hư truyền. Còn bốn vị kia đâu?
Hoàng Dược Sư nói:
– Tây Độc, Bắc Cái, Trung Thần Thông tạ thế từ lâu, vị cao tăng kia là Nam Đế, còn vị Chu huynh đây là sư đệ của Trung Thần Thông.
Chu Bá Thông nói:
– Sư huynh của ta mà còn sống thì nhà ngươi không tiếp nổi mười chiêu.
Lúc này ba người đứng thành hình chữ Đinh, vây Pháp vương vào giữa. Pháp vương nhìn Nhất Đăng, nhìn Chu Bá Thông, lại nhìn Hoàng Dược Sư, thở dài, ném ngũ luân xuống đất, nói:
– Nếu đơn đả độc đấu, lão phu chẳng sợ ai hết.
Chu Bá Thông nói:
– Đúng. Nhưng hôm nay không phải là buổi luận kiếm trên đỉnh Hoa Sơn để tranh danh hiệu võ công đệ nhất thiên hạ, ai thèm đi đơn đả độc đấu với nhà ngươi làm gì? Hòa thượng thối tha tác ác đa đoan, hôm nay coi như hết thời.
Pháp vương thở dài, nói:
– Năm đại cao nhân Trung Nguyên, hôm nay được gặp hai vị, lão phu có chết dưới tay các vị, cũng không uổng. Chỉ tiếc Long tượng bát nhã công đến lão phu thì chấm hết, trên đời không có truyền nhân.
Nói đoạn giơ hữu chưởng đánh xuống Thiên linh cái của mình.
Chu Bá Thông nghe năm chữ Long tượng bát nhã công liền đưa tay gạt hữu chưởng của Pháp vương, nói:
– Khoan đã!
Pháp vương ngạc nhiên, hỏi:
– Lão phu có thể bị giết, không chịu nhục, các hạ còn muốn gì nữa?
Chu Bá Thông nói:
– Long tượng bát nhã công của lão quả rất lợi hại, nếu không có truyền nhân, đừng nói lão tiếc, mà Chu mỗ cũng tiếc. Tại sao lão không truyền thụ cho Chu mỗ, rồi hãy tính chuyện tự sát cũng chưa muộn?
Lời nói của Chu Bá Thông hoàn toàn thành thật.
Pháp vương chưa kịp đáp, chợt có tiếng vỗ cánh, con chim điêu mái cõng con chim điêu trống từ dưới vực bay lên, cả hai con đều ướt sũng, xem ra đáy thâm cốc là đầm nước. Con chim điêu trống lông vũ tả tơi, chỉ còn thở thoi thóp, móng vuốt chân bên phải vẫn nắm chắc cái mũ của Pháp vương. Con chim điêu mái đặt con trống xuống đất, rồi lại bay xuống vực lần nữa, lúc bay lên cõng theo một người, chính là Quách Tương.
Hoàng Dung vừa kinh ngạc vừa vui mừng, gọi to:
– Tương nhi! Tương nhi!
Rồi chạy lại đỡ con chim điêu.
Pháp vương thấy Quách Tương không hề hấn gì, cũng ngẩn ra. Chu Bá Thông chộp cánh tay Pháp vương, mắt phải nháy với Nhất Đăng, mắt trái nháy với Hoàng Dược Sư. Đông Tà, Nam Đế cùng xuất thủ, Pháp vương bị trúng chỉ ở cả hai bên sườn. Nếu là người khác, dù có điểm trúng bộ vị yếu hại, cũng chưa thể phong bế huyệt đạo của Pháp vương, nhưng hai ngón tay của Đông Tà, Nam Đế thì thời nay không có người thứ ba sánh kịp, một người sử dụng Đạn chỉ thần thông tinh vi ảo diệu, một người sử dụng Nhất dương chỉ, Pháp vương làm sao chịu nổi? Lão ta lảo đảo; Chu Bá Thông bồi thêm một quyền vào huyệt Chí Dương ở sau lưng Pháp vương, cười nói:
– Nằm xuống!
Hai gối Pháp vương mềm nhũn, lão ta từ từ khuỵu xuống. Nhất Đăng, Hoàng Dược Sư, Chu Bá Thông nhìn nhau, đều kinh ngạc: Lão Tạng tăng này quả lợi hại, bị trúng đòn nặng của cả ba người mà vẫn không ngã vật ra.
Ba người chạy lại bên Quách Tương thăm hỏi, chỉ nghe nàng gọi:
– Mẹ, chàng ở dưới ấy, ở dưới ấy, mau, mau xuống… cứu chàng…
Chỉ nói được thế rồi mệt quá ngất xỉu. Nhất Đăng xem mạch cổ tay nàng, nói:
– Không sao, chỉ bị hoảng sợ đó thôi.
Đại sư xoa xoa sau lưng mấy cái. Lát sau Quách Tương hồi tỉnh, nói:
– Đại ca ca đã lên chưa?
Hoàng Dung hỏi:
– Dương Quá cũng ở dưới ấy ư?
Quách Tương gật đầu, nói khẽ:
– Đương nhiên.
Nàng tự nhủ thầm: Nếu chàng không ở dưới ấy, con nhảy xuống đó làm gì? Hoàng Dung thấy nữ nhi toàn thân ướt sũng, bèn hỏi:
– Bên dưới là đầm nước à?
Quách Tương gật đầu, nhắm mắt, không còn sức nói chuyện nữa, tay chỉ xuống vực.
Hoàng Dung nói:
– Dương Quá đã ở bên dưới, chỉ có cách sai điêu nhi xuống cõng lên.
Đoạn huýt sáo gọi chim. Gọi liền mấy tiếng, không thấy đôi chim điêu bay tới. Hoàng Dung lấy làm lạ, mấy chục năm qua đôi chim điêu hễ nghe tiếng sáo là tới, chưa hề trái lệnh, tại sao hôm nay chúng lại làm như không nghe thấy hiệu lệnh của chủ? Hoàng Dung lại huýt một tiếng sáo dài, thì thấy con chim điêu mái vỗ cánh bay lên trời cao, lượn vài vòng, kêu vài tiếng oắc oắc bi thương, rồi lao thẳng xuống núi. Hoàng Dung nghĩ: Hỏng rồi vội gọi to:
– Điêu nhi!
Chỉ thấy con chim điêu mái lao xuống tảng đá, vỡ đầu gãy cánh mà chết tức thì. Mọi người ngạc nhiên chạy lại xem, thì ra con chim điêu trống đã chết từ lâu. Mọi người thấy con chim điêu mái thâm tình trọng nghĩa như thế, ai cũng cảm khái. Hoàng Dung có đôi chim điêu bầu bạn từ nhỏ, càng đau đớn đến chảy nước mắt.
Đột nhiên Lục Vô Song tựa hồ nghe văng vẳng bên tai tiếng hát trong trẻo của sư phụ Lý Mạc Sầu: Tình là chi hỡi thế gian, câu thề sinh tử đa mang một đời…Trời nam đất bắc đôi nơi…
Nàng từ nhỏ theo Lý Mạc Sầu học nghệ, những lúc vắng vẻ thường nghe sư phụ hát khúc ca ấy, bấy giờ nàng chưa trải thế tình, chưa hiểu thâm ý của khúc ca, lúc này nhìn thấy sau khi con chim điêu trống chết, con chim điêu mái tuẫn tình, nghĩ thầm: Con chim điêu mái giả dụ không chết, rồi đây một mình nó bơ vơ trên mây hoặc giữa núi tuyết, thử hỏi chịu sao cho thấu? Nghĩ thế mà nước mắt rưng rưng.
Trình Anh nói:
– Sư phụ, sư tỷ, Dương đại ca đã ở dưới vực, chúng ta phải nghĩ cách cứu chàng lên mới được.
Hoàng Dung lau nước mắt, hỏi Quách Tương:
– Quang cảnh dưới đó thế nào?
Quách Tương đã phần nào trấn tĩnh tinh thần, nói:
– Hài nhi nhảy xuống, rơi ngay xuống đáy nước, hoảng hốt uống mấy ngụm nước. Sau không biết sao tự dưng nổi lên mặt nước, Dương đại ca kéo tóc hài nhi, nâng lên…
Hoàng Dung hơi yên tâm, hỏi:
– Xung quanh đầm nước có nham thạch, có hang đá làm chỗ dung thân phải không?
Quách Tương nói:
– Xung quanh đầm nước toàn là đại thụ.
Hoàng Dung hỏi:
– Tại sao con lại nhảy xuống đó?
Quách Tương nói:
– Dương đại ca kéo hài nhi lên, câu đầu tiên cũng hỏi như thế. Hài nhi bèn lấy cái kim châm đưa cho chàng, nói: Tiểu muội nhảy xuống bảo Dương đại ca bảo trọng thân thể, không nên tự vẫn. Chàng cứ chăm chú nhìn hài nhi, không nói gì. Lát sau thấy con chim điêu trống rơi xuống, con chim điêu mái bay xuống cõng lên, rồi nó lại bay xuống để đưa hài nhi lên. Hài nhi bảo Dương đại ca lên trước, chàng không nói một lời, nhấc hài nhi đặt lên lưng con chim điêu. Mẹ ơi, hãy sai con chim điêu xuống lần nữa đón Dương đại ca lên đi.
Hoàng Dung tạm thời chưa nói cho Quách Tương biết cặp chim điêu đã chết, cởi áo ngoài khoác lên mình Quách Tương, quay lại nói:
– Xem ra Dương Quá nhất thời chưa bị nguy hiểm, chúng ta mau tết một sợi dây dài, thả xuống kéo Quá nhi lên.
Mọi người khen phải, tản ra bóc vỏ cây. Thoáng chốc đã bóc được không ít vỏ cây.
Trình Anh, Lục Vô Song và Anh Cô tết thành một sợi dây dài. Nhất Đăng, Hoàng Dược Sư, Chu Bá Thông, Hoàng Dung bốn người tiếp tục dùng dao bóc vỏ cây. Bốn người tuy là đại cao thủ võ lâm thời nay, nhưng làm những việc thô thiển thế này vẫn thua người thợ thạo nghề, mãi đến lúc trời tối, mới tết được một sợi dây dài hơn trăm trượng, xem ra còn lâu mới đủ dài. Trình Anh buộc một hòn đá vào đầu sợi dây, đầu kia vắt qua cành một cây đại thụ, rồi tết dài dây mà thả dần hòn đá qua lớp sương mù xuống vực.
Bảy người ai nấy nội lực sung mãn, làm việc cả buổi tối không nghỉ. Đến sáng hôm sau, Quách Tương cũng giúp sức. Hoàng Dung mới hỏi mấy câu sơ qua về chuyện nàng bị Pháp vương bắt đi như thế nào.
Sợi dây đã dài lắm, mà Dương Quá ở bên dưới vẫn không phát tín hiệu gì. Hoàng Dược Sư rút cây ngọc tiêu vận khí thổi mạnh, tiếng tiêu vọng xuống vực. Xét về lý Dương Quá nghe thấy tiếng tiêu, tất phải hú thật dài đáp lời, nhưng Hoàng Dược Sư thổi một hồi lâu, dưới vực vẫn tĩnh mịch vô thanh.
Hoàng Dung trầm ngâm, lấy kiếm chặt một cành cây dùng mũi kiếm khắc lên gỗ dòng chữ: Bình an không, hãy trả lời, rồi ném khúc gỗ xuống. Rất lâu sau vẫn không có tiếng hồi đáp. Mọi người nhìn nhau không khỏi lo âu.
Trình Anh nói:
– Sơn cốc tuy sâu, nhưng sợi dây cũng dài đến đáy, để tiểu muội xuống xem sao.
Chu Bá Thông nói:
– Để lão phu xuống trước!
Cũng không đợi người bên cạnh trả lời, lão chạy tới mép vực, nắm lấy sợi dây tuột luôn xuống, trong giây lát đã mất hút trong sương mù, không tới nửa canh giờ thấy lão leo lên nhanh nhẹn như một con vượn, đầu tóc dính đầy rêu xanh, lão cứ lắc đầu lia lịa, nói:
– Không thấy Dương Quá Dương Vừa đâu cả!
Mọi người nhìn Quách Tương nghi ngờ. Quách Tương ức phát khóc lên được, nói:
– Dương đại ca rõ ràng ở dưới đó, sao lại không thấy? Chàng ngồi trên một cây đại thụ trên bờ đầm ấy.
Trình Anh lẳng lặng nắm lấy sợi dây tuột luôn xuống vực, Lục Vô Song theo sau. Tiếp đó Anh Cô, Chu Bá Thông, Hoàng Dược Sư, Nhất Đăng đều nắm lấy sợi dây tuột xuống.
Hoàng Dung nói:
– Tương nhi, con còn mệt, không thể xuống, đừng để ta lo thêm. Dương đại ca của con nếu ở dưới đó, chúng ta nhiều người thế này nhất định sẽ cứu được lên, hiểu chưa?
Quách Tương nóng ruột, nuốt nước mắt vâng lời. Hoàng Dung nhìn Kim Luân pháp vương đang ngồi một chỗ, nghĩ lão ta bị điểm huyệt, sắp qua mười hai canh giờ, người này võ công cao siêu, không thể để lão ta dùng chân khí xung khai huyệt đạo, bèn bước tới điểm các huyệt Linh Đài ở lưng, Cự Quyết ở ngực, Thanh Lãnh Uyên ở hai cánh tay lão ta, rồi mới nắm lấy sợi dây tuột xuống vực.
Tay nắm hơi lỏng, thân hình rơi xuống càng lúc càng nhanh, giữa chừng lại nắm chặt để rơi chậm lại, rồi lại nới lỏng, cứ thế mấy lần thì xuống tới đáy cốc. Thấy đáy cốc quả nhiên là đầm nước trong xanh, những người xuống trước đang đứng trên bờ đầm quan sát, chưa hề thấy tung tích Dương Quá. Lại thấy trên mấy cây lớn ở bên trái đầm treo ba chục cái đõ ong lớn, cái thấp cái cao, bay quanh các đõ ong toàn là ong ngọc phong. Hoàng Dung chợt hiểu, nói:
– Chu đại ca, hãy bắt thử một con ong, xem cánh nó có xăm chữ hay không?
Chu Bá Thông bắt một con ong, xem kỹ, nói:
– Không có chữ.
Hoàng Dung quan sát hình thế xung quanh sơn cốc, thấy bốn phía đều là vách đá cao trăm trượng, không có lối đi, các cây đại thụ bên đầm nước đều kỳ hình quái trạng, không biết cây gì, ngẩng đầu, sương mù che kín, khó thấy mặt trời, đang ngẫm nghĩ, bỗng nghe Chu Bá Thông reo:
– Con này có chữ, con này có chữ!
Hoàng Dung bước lại thấy trên đôi cánh con ong ấy quả nhiên có sáu chữ ta ở dưới đáy tình cốc, đoán rằng mấu chốt là ở trong đầm nước. Trong bảy người ở đây, chỉ một mình Hoàng Dung giỏi bơi lặn. Bèn ngậm vào miệng một viên Cửu hoa ngọc lộ hoàn, đề phòng trong nước có rắn rết gì chăng, rồi nhảy xuống đầm.
Đầm nước khá sâu, Hoàng Dung lặn nhanh, càng xuống càng lạnh, sau đó lạnh thấu xương, mở mắt ra, thấy xung quanh một màu xanh lam, tựa hồ toàn băng là băng. Hoàng Dung kinh ngạc, nhưng chưa chịu, ngoi lên mặt nước hít vài hơi, lại lặn xuống. Nhưng đến chỗ cực sâu có lực đẩy lên, càng xuống sâu lực đẩy lên càng mạnh. Hoàng Dung cố gắng hết mức cũng không thể xuống tới đáy đầm, đồng thời lại quá lạnh, xung quanh không có chỗ tựa, đành ngoi lên.
Mọi người thấy Hoàng Dung môi tím ngắt, tóc bám đầy một lớp tuyết mỏng, thì kinh hãi. Trình Anh và Lục Vô Song vội bẻ cành khô, đốt một đống lửa cho Hoàng Dung sưởi.
Quách Tương thấy mẫu thân cùng mọi người tuột cả xuống đầm, thì nghĩ: Dương đại ca không chịu lên, ngoại công và mẹ cũng sẽ khiêng chàng lên. Rốt cuộc tại sao chàng lại muốn tự tận? Chẳng lẽ Dương đại tẩu chết rồi ư? Vĩnh viễn không gặp lại chàng nữa ư?
Đang ngây người xuất thần, bỗng nghe Kim Luân pháp vương kêu to Ối!. Quách Tương ngoảnh nhìn, thấy Pháp vương mặt mũi nhăn nhó, rõ ràng đang phải chịu đựng đau đớn. Nàng hừ một tiếng, nói:
– Lão tự làm tự chịu, ai bảo động một tí lại ra tay giết người?
Pháp vương kêu to hơn:
– Ối đau quá!
Ánh mắt lộ rõ vẻ cầu khẩn.
Quách Tương không nhịn được, hỏi:
– Sao, đau lắm à?
Pháp vương nói:
– Mẹ cô nương điểm huyệt Linh Đài ở lưng, huyệt Cự Quyết ở ngực, toàn thân lão phu như bị hàng ngàn con kiến đốt, đau nhức không sao chịu nổi. Tại sao Hoàng phu nhân không điểm thêm hai huyệt Đàn Trung và Ngọc Chẩm kia chứ?
Quách Tương sững người, nàng từng được mẫu thân dạy phép điểm huyệt, biết Đàn Trung và Ngọc Chẩm là hai đại yếu huyệt trên thân người, chỉ cần hơi bị tổn thương, có thể lập tức mất mạng, bèn nói:
– Mẫu thân bổn cô nương tạm tha chưa lấy mạng lão, lão không cảm kích, còn kêu ca nỗi gì?
Pháp vương ngang nhiên nói:
– Nếu điểm hai huyệt Đàn Trung và Ngọc Chẩm, lưng và ngực lão phu sẽ tê dại, đỡ đau nhức rất nhiều. Lão phu tu vi thâm hậu, không lẽ lại đi coi thường mạng sống của mình?
Quách Tương không tin, nói:
– Lão đừng nói dóc. Mẫu thân bổn cô nương bảo rằng đụng vào hai huyệt Đàn Trung và Ngọc Chẩm là mất mạng, lão bị đau nhức thì cố mà chịu, mọi người sắp trở lên rồi đó.
Pháp vương nói:
– Quách cô nương, suốt dọc đường lão phu đối xử với cô nương thế nào?
Quách Tương nói:
– Cũng không đến nỗi. Nhưng lão đã giết Trường Tu Quỉ, Đại Đầu Quỉ, lại làm chết đôi chim điêu của gia đình bổn cô nương, lão có đối xử tử tế mấy với bổn cô nương cũng không chuộc lại được.
Pháp vương nói:
– Thôi được, giết người đền mạng, cô nương giết lão phu để trả thù cho bằng hữu của cô nương cũng được. Nhưng còn suốt dọc đường lão phu đối xử tử tế với cô nương, cô nương sẽ báo đáp sao đây?
Quách Tương hỏi:
– Lão muốn báo đáp như thế nào?
Pháp vương nói:
– Cô nương hãy điểm hai huyệt Đàn Trung và Ngọc Chẩm cho lão phu đỡ khổ sở một chút, coi như đã trả ơn lão phu.
Quách Tương lắc đầu, nói:
– Lão muốn bổn cô nương giết lão, nhưng bổn cô nương không làm thế đâu.
Pháp vương vội nói:
– Đại trượng phu một lời như dao chém đá, cô nương điểm hai huyệt ấy, lão phu nhất định không chết đâu. Lão phu còn chờ mẫu thân cô nương trở lên để cầu xin tha mạng, ai lại chết đi là sao?
Quách Tương thấy lão ta nói năng thành thật, nghĩ: Mình hãy điểm huyệt thật nhẹ thôi xem sao. Bèn đưa tay điểm nhẹ huyệt Đàn Trung ở ngực lão ta.
Pháp vương thở phào, nói:
– Quả nhiên dễ chịu lắm, cô nương hãy ấn mạnh chút nữa.
Quách Tương ấn mạnh thêm, chỉ thấy Pháp vương tươi cười, không có dấu hiệu gì chứng tỏ tổn thương, sắc mặt chuyển từ màu hồng sang màu trắng, rồi lại chuyển từ màu trắng sang màu hồng.
Pháp vương nói:
– Mạnh chút nữa!
Quách Tương theo phép điểm huyệt phụ mẫu đã dạy, ấn một cái vào huyệt Đàn Trung của Pháp vương.
Pháp vương nói:
– Dễ chịu quá! Ngực lão phu hết đau rồi, cô nương thấy đó, lão phu không chết được, đúng chưa?
Quách Tương lấy làm lạ, nói:
– Bổn cô nương sẽ điểm huyệt Ngọc Chẩm này!
Nàng ban đầu ấn nhẹ thử, rồi mới ấn mạnh một cái.
Pháp vương nói:
– Đa tạ, đa tạ.
Lão nhắm mắt vận khí, đột nhiên đứng bật dậy, nói:
– Đi nào!
Quách Tương kinh hãi, kêu lên:
– Lão… lão…
Pháp vương chộp ngay lấy cổ tay nàng, nói:
– Đi mau! Kim Luân pháp vương ta võ công độc bộ thiên hạ, chẳng lẽ cái công phu thô thiển Thôi kinh chuyển mạch, dịch cung hoán huyệt lại không biết hay sao?
Nói đoạn kéo Quách Tương chạy đi.
Quách Tương kêu to:
– Quân lừa đảo, quân lừa đảo.
Nàng thầm hối hận: Mình thật kém hiểu biết, ngay cái công phu thô thiển ấy cũng không biết.
Nàng đâu biết rằng kỳ công Thôi kinh chuyển mạch, dịch cung hoán huyệt chẳng thô thiển chút nào. Thực ra đó là nội công cực kỳ thâm ảo khó luyện của Mật tông Tây Tạng, tuy không bằng phép nghịch chuyển kinh mạch toàn thân của Âu Dương Phong, nhưng cũng là một môn thần công hiếm có. Khi Quách Tương điểm hai huyệt Đàn Trung và Ngọc Chẩm, Pháp vương ngầm đổi kinh chuyển mạch, dịch cung hoán huyệt, đem hai huyệt khác chuyển đến chỗ này. Quách Tương lúc ấn huyệt còn sợ làm cho lão ta mất mạng, kỳ thực nàng đang giải huyệt cho lão ta.
Pháp vương kéo Quách Tương chạy được vài trượng, đột nhiên nảy sinh độc kế, thấy sợi dây dài vắt qua cành cây, chỉ cần dứt đứt nó, thì cả bọn Chu Bá Thông, Hoàng Dược Sư, Nhất Đăng, Hoàng Dung sẽ bỏ mạng dưới đáy cốc, lão bèn chạy tới chộp sợi dây mà vận lực dứt đứt.
Quách Tương cả kinh, thúc mạnh cùi chỏ vào mạng sườn Pháp vương. Cũng tại Pháp vương coi thường, không đề phòng gì, nên lão bị cùi chỏ thúc trúng vào huyệt Uyên Dịch, nửa thân trên lập tức tê dại, trong giây lát toàn thân vô lực. Quách Tương giật mạnh một cái, cổ tay thoát khỏi bị nắm, song chưởng đặt vào lưng lão, nói:
– Bổn cô nương đẩy lão ác tăng ngã xuống vực cho chết này!
Pháp vương cả kinh, ngầm vận nội lực xung huyệt, cười ha ha, nói:
– Công phu non kém như cô nương, đẩy ngã ta sao nổi kia chứ?
Quách Tương không biết thời cơ trôi qua nhanh chóng, lúc này Pháp vương huyệt đạo chưa được giải, nàng chỉ cần đẩy mạnh một cái, lão ta sẽ ngã xuống vực hoặc phải nhanh tay lập tức điểm các huyệt đạo trên người lão ta, thì lão ta cũng chẳng tài gì kịp hoán chuyển huyệt đạo.
Nhưng nàng từng thấy ban nãy mình điểm hai huyệt Đàn Trung và Ngọc Chẩm mà lão ta chẳng việc gì, lại còn giúp lão giải huyệt, có điểm huyệt nữa cũng vô dụng, bèn tung mình nhảy đi, chạy tới bên vách núi, nói:
– Bổn cô nương sẽ chết theo mẫu thân!
Rồi nàng định bụng có gì sẽ nhảy xuống vực. Pháp vương cả kinh, hít một hơi dài, xung phá huyệt Uyên Dịch vừa bị Quách Tương điểm, không kịp dứt đứt sợi dây, vội đuổi theo nàng. Quách Tương chạy len lỏi giữa các mô đá và thân cây. Nếu ở chỗ đất bằng, Pháp vương chỉ cần nhảy vài bước cũng đủ đuổi kịp nàng, nhưng trước Đoạn Trường nhai toàn những cổ mộc quái thạch, nàng cứ len chỗ này lách chỗ kia thoăn thoắt, Pháp vương chạy loanh quanh một hồi, cuối cùng sử chiêu Nhạn lạc bình sa từ trên cao chụp xuống, mới chộp được cánh tay nàng.
Quách Tương kêu to:
– Mẹ ơi!
Pháp vương vội lấy tay bịt miệng nàng. Đúng lúc ấy từ xa vẳng lại tiếng gọi của Lục Vô Song:
– Tiểu Quách Tương đâu rồi?
Pháp vương giật mình, nghĩ thầm: Tiếc quá, thế là mất cơ hội rồi! Lão đưa tay điểm á huyệt của Quách Tương rồi kéo nàng chạy đi. Thực ra lúc ấy cơ hội vẫn còn, mới chỉ có một mình Lục Vô Song leo lên, nếu Pháp vương chạy đến dứt đứt sợi dây, Lục Vô Song làm sao cản nổi? Chỉ vì lão ta đã nếm đòn của Chu Bá Thông, Nhất Đăng và Hoàng Dược Sư, may giữ được tính mạng, nên bỗng nhiên nghe có tiếng người liền tưởng cả đám người kia đã leo lên, đâu dám sinh sự.
Bọn Hoàng Dung ở dưới đáy cốc tìm kiếm một hồi, không thấy tung tích gì, bốn phía cũng không có vệt máu, xem ra Dương Quá không bị sao cả, mọi người bàn nhau, đành leo lên trước rồi định liệu sau. Người đầu tiên bám dây leo lên là Lục Vô Song, tiếp đến Trình Anh, Anh Cô.
Khi Hoàng Dung lên đến nơi, nghe bọn Trình Anh, Lục Vô Song và Anh Cô gọi to: Tiểu Quách Tương đâu rồi? thấy nữ nhi và Pháp vương biến mất, thì lo cuống cuồng, vội leo lên cây cao quan sát. Đợi Nhất Đăng, Hoàng Dược Sư, Chu Bá Thông lên đủ, bảy người tìm khắp Tuyệt Tình cốc một lượt cũng chẳng thấy tung tích hai người.
Ra đến cốc khẩu, thấy có một chiếc hài của Quách Tương rơi dưới đất, Trình Anh nói:
– Sư tỷ đừng lo, Pháp vương đem Tương nhi đi xuống phía nam đây. Tương nhi để lại chiếc hài, để chúng ta cùng biết. Hài tử này thông minh cơ trí, thật chẳng thua mẹ nó.
Hoàng Dung nhớ lại câu nói của nữ nhi, rằng Pháp vương chỉ bức nó bái lão ta làm sư phụ, muốn truyền y bát cho nó, nghĩ nhất thời không có gì nguy hiểm, mới bớt lo.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 01 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 02 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 03 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 04 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 05 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 06 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 07 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 08 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 09 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 10 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 11 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 12 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 13 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 14 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 15 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 16 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 17 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 18 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 19 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 20 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 21 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 22 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 23 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 24 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 25 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 26 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 27 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 28 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 29 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 30 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 31 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 32 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 33 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 34 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 35 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 36 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 37 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 38 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 39 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 40 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, toàn tập tại đây.