Thích Nhất Hạnh | Nẻo vào thiền học (Chương 02)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.
· 13 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Tôi vào thiền viện hồi mười sáu tuổi. Sau một tuần lễ làm quen với nếp sống trong tu viện, tôi đến gặp vị Thượng tọa có trách nhiệm về tôi và cầu người chỉ dạy đạo Thiền. Thầy trao cho tôi một cuốn sách chữ nho và bảo tôi học thuộc lòng. Tôi cảm ơn thầy, nhận tập sách và trở về phòng. Cuốn sách gồm có ba phần như sau:
Phần 1: Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu.
Phần 2: Sa Di Luật Nghi Yếu Lược.
Phần 3: Quy Sơn Ðại Viện Thiền Sư Cảnh Sách.
Suốt cuốn sách tôi không tìm thấy một chương nhỏ nói về triết lý thiền.
Ba phần của cuốn sách đều nói về vấn đề thực hành. Phần thứ nhất dạy cách nhiếp tâm giữ ý; phần thứ hai dạy về luật nghi và cách sinh hoạt trong tu viện; phần thứ ba là một bài văn sách tấn, khuyến khích sự siêng năng tu học và tu hành.
Không phải chỉ những người trong lứa tuổi của tôi mới phải bắt đầu bằng cuốn sách ấy. Những người lớn tuổi hơn, dù là ba hay bốn mươi tuổi, đều phải bắt đầu bằng cuốn sách ấy.
Trước khi vào tu viện, tôi đã được làm quen với cái học mới của Tây phương đưa qua. Tôi có cảm tưởng là cái học trong tu viện quá lỗi thời. Trước hết là chuyện phải học thuộc lòng cả một cuốn sách. Thứ hai là chuyện bắt người ta thực hành mà không cho người ta biết qua lý thuyết. Tôi than phiền điều đó với một người bạn đồng tu. Bạn tôi đã ở tu viện trước tôi tới hai năm. Anh ấy nói: Phương pháp của tu viện là vậy. Nếu muốn học thiền, phải theo phương pháp ấy.
Phần đầu của cuốn sách Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu gồm có những công thức tư tưởng dùng để đưa người hành giả vào chánh niệm (một trong tám nguyên tắc của Bát chánh đạo). Mỗi hành vi thường nhật cần được một tư tưởng chánh niệm đi kèm theo. Ví dụ khi tôi múc nước rửa tay, tôi phải làm phát khởi tư tưởng này trong trí:
– Khi lấy nước rửa tay, tôi nguyện cho tất cả mọi người đều có được những bàn tay trong sạch có thể cầm giữ lấy giáo pháp của Phật.
Dĩ thủy quán chưởng,
Ðương nguyện chúng sanh.
Ðắc thanh tịnh thủ,
Thọ trì Phật pháp.
Và khi tôi ngồi ngay ngắn ở thiền sàn chẳng hạn, tôi phải làm phát khởi tư tưởng này:
– Khi tôi ngồi ngay ngắn trang nghiêm, tôi nguyện cho tất cả mọi người được ngồi trên tòa giác ngộ, trong tâm không vướng một chút nào vọng tưởng.
Chánh thân đoan tọa,
Ðương nguyện chúng sanh.
Tọa bồ đề tòa,
Tâm vô sở trước.
Dù cho lúc vào nhà vệ sinh, tôi cũng phát khởi trong ý tôi tư tưởng sau đây:
– Khi đi đại tiểu tiện, tôi nguyện cho tất cả chúng sanh tống khứ ra khỏi bản thân mình tất cả những tham sân si và mọi lỗi lầm khác.
Ðại tiểu tiện thời,
Ðưong nguyện chúng sanh.
Khí tham, sân, si,
Quyên trừ tội pháp.
Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu gồm toàn những công thức tư tưởng như thế, mỗi tư tưởng đi theo với một hành động. Cố nhiên số tư tưởng trình bày trong sách có hạn, cho nêm một người hành giả thông minh cần tạo ra những tư tưởng khác nữa để áp dụng trong mọi trường hợp. Những tư tưởng đề nghị trong Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu chỉ là những kiểu mẫu; người hành giả có thể dựa theo đó để tạo ra những tư tưởng khác thích hợp với mình, và có thể sửa đổi hoặc thay thế những tư tưởng ấy cho thích hợp với mình hơn. Ví dụ tôi đang cầm ống điện thoại lên, tôi muốn có một tư tưởng giúp tôi an trú trong chánh niệm. Tư tưởng này không thể tìm trong cuốn Tỳ Ni Nhật dụng Thiết Yếu, vốn được viết ra từ hồi loài người chưa phát minh điện thoại. Vậy tôi có thể làm phát sinh một tư tưởng như sau:
– Khi cầm ống điện thoại lên, tôi nguyện cho tất cả chúng sanh dẹp tan mọi hiềm nghi, thành kiến để có thể thông cảm với nhau một cách mau chóng.
Hồi mười sáu tuổi tôi nghĩ rằng Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu chỉ là một pháp môn dùng cho trẻ nhỏ hoặc người đang còn đứng ngoài ngưỡng cửa Thiền học, rằng đó chỉ là những tập dượt dự bị, không quan trọng gì. Bây giờ thì tôi thấy rằng Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu cũng chính là bản thân của Thiền học và tinh hoa của đạo Phật. Tôi nhớ một câu chuyện giữa đức Phật và lãnh tụ của một giáo phái ngoại đạo như sau:
– Nghe nói đạo Phật là đạo giác ngộ, vậy phương pháp của đạo Phật thế nào? Các ngài làm gì mỗi ngày?
– Chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ…
– Phương pháp đó nào có chi đặc biệt đâu? Ai lại không đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ?
– Ðặc biệt lắm chứ, thưa ngài. Khi chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ thì chúng tôi biết là chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ. Còn khi những người khác đi, đứng, nằm, ngồi… thì họ không ý thức được là họ đang đi, đứng, nằm, ngồi…
Ðiều được diễn tả trong câu chuyện trên kia là sự cần thiết của chánh niệm, chánh niệm như là bí quyết thắp sáng hiện hữu, tạo nên định lực và đưa tới tuệ giác. Chánh niệm như là cốt tủy của phương pháp đạo Phật.
Thắp sáng hiện hữu? Vâng, đây là điểm khởi hành cần thiết. Nếu tôi sống mà không biết là tôi sống thì điều đó không khác gì tôi chết. Hoặc có thể nói như Albert Camus trong cuốn L_Étranger: sống như một người chết (Vivre comme un mort). Hoặc như người đời xưa nói sống say chết ngủ (túy sinh mộng tử). Biết bao nhiêu kẻ đang sống như người chết chung quanh ta.
Vậy điều cần thiết trước tiên là sống dậy, là tỉnh dậy, là biết mình đang làm gì, ai đang ăn, ai đang uống, ai đang ngồi lý luận về triết học, ai đang đốt cháy đời mình bằng quên lãng và vô tâm… Có những người thanh niên sống trong những xã hội chết đã bừng tỉnh. Họ không muốn say ngủ trở lại. Họ mong muốn đánh thức người chung quanh của họ. Họ hát Tôi chỉ muốn làm bạn sống dậy. Ðó là khởi đầu của ý thức, khởi đầu của chánh niệm, để đánh đổ sự sống say chết ngủ.
Tạo nên định lực? Vâng, đây là sức mạnh đưa tới sự tự thực hiện của con người. Con người tự đánh mất mình, con người bị hoàn cảnh níu kéo, con người bị chi phối bởi những sự việc xảy ra chung quanh, con người bị phân tán, con người không trở về nguyên vẹn với chính mình. Ý thức rõ rệt là ta đang làm gì, ta đang nói gì, ta đang nghĩ gì tức là ta đánh bật được những đạo quân xâm lăng của hoàn cảnh và của vọng tâm. Khi ngọn đèn của ý thức thắp sáng thì lương tri cũng thắp sáng, đường đi nẻo về của thân khẩu ý cũng thắp sáng, niềm tự trọng được phục hồi, những bóng tối của vọng niệm không còn thập thò xâm chiếm, và sức mạnh tâm linh được tập trung và phát triển. Anh múc nước rửa tay, anh mặc áo, anh trải chiếu ngồi, anh làm mọi việc như thường nhật, nhưng bây giờ anh có ý thức về tất cả mọi động tác ngôn ngữ và tư tưởng của anh. Ðiều đó không phải là một điều mà chỉ những kẻ mới nhập môn mới phải thực hành. Ðiều đó những bậc đại ngộ như Phật vẫn phải thực hành. Ðịnh lực và sức mạnh tâm linh là những gì tạo nên đặc tính của những bậc vĩ nhân của nhân loại.
Ðưa tới tuệ giác? Vâng, mục đích tối hậu của Thiền là sự chứng ngộ, là tuệ giác đạt tới nhờ định lực. Tuệ giác tức là sự chứng nhận chân lý của thực hữu và của sự sống. Ðó là điều mong ước của tất cả ngững người hành giả đạo Thiền.
Trình tự thắp sáng hiện hữu – tạo nên định lực – đạt tới tuệ giác ấy được gọi là Tam học trong Phật giáo. Tam học là giới, định, tuệ. Chữ giới trong đạo Phật phải được hiểu theo nghĩa chánh niệm của nó mới phù hợp với trình tự tam học. Giới không thể chỉ là những điều luật lệ ngăn ngừa. Chấp vào những luật lệ ngăn ngừa là không thấy được công dụng của chúng để rồi kẹt vào phương tiện mà cho là cứu cánh, điều này được gọi là giới cấm thủ.
Tại sao sự áp dụng những tư tưởng chính niệm trong mọi cử động hành vi được gọi là điều thiết yếu nhật dụng của giới (Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu)? Bởi vì sự giữ gìn thân tâm trong chánh niệm là điều thiết yếu để đạt tới tuệ giác, chứ không phải là ý niệm tội phước trong khi giữ gìn những điều răn cấm. Khi một nhà khoa học ngồi trong phòng thí nghiệm, ông ta không hút thuốc, nhai kẹo, nghe máy thu thanh – không phải vì ông ta nghĩ rằng làm những điều đó là phạm vào các tội lỗi, nhưng vì ông nghĩ rằng nếu ông không giữ gìn như thế thì ông sẽ không có được sự chú tâm cần thiết cho sự nghiên cứu của ông. Cũng vậy, những giới luật trong Thiền môn không phải để giúp người hành giả tránh tội chiêu phước mà là để giúp người hành giả an trú trong chánh niệm.
Ðạo Thiền không thể đạt tới bằng trí năng, bằng sự nghiên cứu giả định, phân tích và tổng hợp. Người học Thiền phải dùng trọn bản thân mình làm dụng cụ khảo cứu – trí năng chỉ là một phần của bản thân mình và là phần có thể dắt dẫn bản thân mình tách lìa khỏi thực tại của sự sống, vốn là đối tượng của chính thiền học, cho nên tập Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu không phải là một phương tiện chuẩn bị lý thuyết cho người hành giả đi vào con đường thiền học: nó đưa ngay người hành giả vào con đường Thiền học.
Ở thiền viện, người hành giả làm đủ mọi việc: gánh nước, bổ củi, quét nhà, nấu cơm, trồng rau… Cố nhiên người hành giả được chỉ dẫn ngồi thiền, tức tĩnh tọa, tập trung tâm ý và tham thiền. Tuy nhiên, trong lúc gánh nước hay nấu cơm, người hành giả cũng tập an trú trong chánh niệm, và như thế cũng là Thiền. Gánh nước không phải chỉ là để có nước dùng nấu ăn và tắm giặt. Gánh nước tức là Thiền. Nếu không biết thực hành thiền trong khi gánh nước, thì ở trong tu viện Thiền cũng vô ích. Cuốn Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu đưa người hành giả vào ngay trong thế giới Thiền, dù cho bên ngoài người ta thấy người hành giả vẫn làm những việc như những người khác cùng làm.
Trong khi người hành giả tập thắp sáng hiện hữu của mình như thế thì vị thiền sư im lặng quan sát y. Người hành giả có thể có cảm tưởng là mình không được chú ý, nhưng thực ra, mọi cử chỉ, mọi lời nói của y đều không lọt ra khỏi cặp mắt quan sát của vị thiền sư. Người hành giả có an trú trong chánh niệm hay không, điều đó vị thiền sư phải biết. Ví dụ y vô ý đóng cánh cửa sầm một cái, điều đó chứng tỏ y không chủ động được cử chỉ của mình. Thường thường vị thiền sư gọi y lại, và dặn y đóng cửa cho nhẹ nhàng. Ðó không phải là chỉ để tôn trọng sự im lặng trong tu viện; đó còn là một sự cảnh cáo: y đã không nhiếp tâm vào chánh niệm trong lúc đóng cửa, và như thế là thiếu uy nghi và tế hạnh. Sách nói có tới ba nghìn uy nghi và tám vạn tế hạnh mà người hành giả cần phải giữ gìn. Uy nghi và tế hạnh là những phong thái và động tác phù hợp với Thiền. Lời nói, động tác và tư tưởng phù hợp với tác phong thiền thì được gọi là có thiền vị. Khi một người hành giả bị quở là làm và nói những điều không có thiền vị, tức là người hành giả ấy không nhiếp tâm được trong chánh niệm. Có thiền vị tức là có tỉnh thức. Mỗi người hãy tự đánh thức mình dậy trong cuộc sống. Ðó là Thiền.
Đọc Nẻo vào thiền học, chương 01 tại đây.
Đọc Nẻo vào thiền học, chương 02 tại đây.
Đọc Nẻo vào thiền học, chương 03 tại đây.
Đọc Nẻo vào thiền học, chương 04 tại đây.
Đọc Nẻo vào thiền học, chương 05 tại đây.
Đọc Nẻo vào thiền học, chương 06 tại đây.
Đọc Nẻo vào thiền học, toàn tập tại đây.