Edgar Allan Poe | Con bọ hung vàng

Edgar Allan Poe là nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình, nhà thơ Mỹ. Poe là ông tổ của thể loại truyện trinh thám và hình sự.

 · 53 phút đọc.

Edgar Allan Poe là nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình, nhà thơ Mỹ. Poe là ông tổ của thể loại truyện trinh thám và hình sự.

Edgar Allan Poe (1809 – 1849) là một nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình, nhà thơ Mỹ nổi tiếng. Poe được coi là ông tổ của thể loại truyện trinh thám và hình sự, với những tác phẩm kinh điển như The Murders in the Rue Morgue, The Purloined Letter, The Tell-Tale Heart, The Cask of Amontillado và nhiều tác phẩm khác. Poe cũng là một nhà thơ xuất sắc, đã tạo ra những bài thơ lãng mạn và u ám như The Raven, Annabel Lee, The Bells, Ulalume và nhiều bài thơ khác. Poe cũng là một nhà phê bình sắc bén, đã đưa ra những quan điểm mới mẻ và độc đáo về văn học, nghệ thuật và triết học. Poe là một trong những nhà văn Mỹ đầu tiên được công nhận quốc tế, và đã ảnh hưởng đến nhiều nhà văn khác như Arthur Conan Doyle, Jules Verne, Charles Baudelaire, H.P. Lovecraft và nhiều nhà văn khác. Poe là một nhân vật đầy bí ẩn và hấp dẫn, với cuộc đời đầy sóng gió, tài năng và đam mê.

Đọc sách Sự sụp đổ của dòng họ Usher tại đây.

Đọc sách Tuyển tập truyện kinh dị Edgar Allan Poe tại đây.

Đọc sách Vụ án mạng đường Morgue tại đây.

edgar-allan-poe

the fall of the house of usher

Mua sách Sự sụp đổ của dòng họ Usher tại đây.

Mua sách Tuyển tập truyện kinh dị Edgar Allan Poe tại đây.

Mua sách Vụ án mạng đường Morgue tại đây.

Nhiều năm trước đây tôi chơi rất thân với một người tên là William Legrand. Anh xuất thân trong một gia đình cổ và danh giá, trước kia giàu có nhưng về sau bị khánh kiệt. Vì không muốn nhiều người biết rõ chuyện phiền muộn của mình nên anh đã rời khỏi thành phố New Orleans là quê hương của anh và đến sống trên đảo Sullivan_s, gần đô thị Charleston, phía Nam bang Carolina.

Hòn đảo này dài chừng năm cây số và không có chỗ nào rộng hơn bốn trăm thước. Một lạch nước chảy lững lờ ngăn cách hòn đảo và đất liền. Trên đảo không có cây to. Gần cuối đảo, về phía Tây, có mấy căn nhà gỗ tồi tàn là nơi dân chúng từ đô thị Charleston lui tới vào mùa hè để tránh bụi bặm và nóng bức. Ở đây người ta chỉ thấy một ít cây cọ. Khắp đảo, trừ dọc bờ biển trắng xóa, đều có những cây sim phủ kín, giống thảo mộc này cao từ bốn đến sáu bộ, và hoa sim tỏa hương thơm dịu dàng trong không khí.

William Legrand dựng một căn nhà nhỏ gần cuối đảo về phía đông và sống tại đây khi tôi tình cờ gặp anh. Tình bạn giữa chúng tôi nảy nở rất nhanh chóng vì anh có nhiều đức tính làm tôi mến mộ. Tôi nhận thấy anh là người có học thức, với trí thông minh vượt mức bình thường, nhưng anh không thích giao du, và tính tình thất thường, khi vui vẻ khi buồn bã.

Anh có nhiều sách nhưng ít khi đọc. Hầu hết thời gian anh dùng vào việc săn bắn và câu cá, hay đi dạo chơi trên bờ biển và trong đám sim để tìm bọ hung. Anh đã tìm thấy rất nhiều bọ hung, đủ các loại hiếm có và giữ gìn chúng rất cẩn thận.

Một ông cụ người da đen, tên là Jupiter, thường theo anh trong những cuộc dạo chơi này. Hồi gia đình William Legrand còn giàu có đã mua lão Jupiter, rồi sau giải phóng cho lão ta, nhưng lão không muốn rời khỏi cậu chủ của lão.

Mùa Đông ở đảo Sullivan_s ít khi lạnh, và về cuối năm thường không cần phải đốt lửa sưởi ấm. Tuy nhiên vào khoảng giữa tháng 10 năm 18… có một hôm thời tiết rất lạnh. Ngay trước khi mặt trời xế bóng tôi đi len giữa đám sim xanh um để đến nhà bạn tôi. Đã mấy tuần tôi không đến thăm anh. Hồi đó tôi ở Charleston, cách đảo mười lăm cây số, nhưng thời bấy giờ đi về không dễ dàng như ngày nay.

Khi tới căn nhà nhỏ, tôi gõ cửa nhưng không thấy ai trả lời nên tôi tìm chiếc chìa khóa dấu ở một nơi tôi đã biết. Tôi mở khóa cửa rồi vào trong nhà. Một ngọn lửa trong lò sưởi đang cháy làm tôi ngạc nhiên và thích thú. Tôi cởi áo choàng, ngồi trên một chiếc ghế lớn bên cạnh lò sưởi, và đợi hai bạn tôi trở về.

Sau chiều tà một lúc, họ trở về và có vẻ rất hoan hỷ được gặp tôi. Lão Jupiter cười ngoác cả miệng, đi lại lăng xăng để làm cơm. William Legrand thì coi bộ vui vẻ, hớn hở. Với sự giúp đỡ của lão Jupiter, anh đã tìm thấy và bắt được một con côn trùng lớn thuộc loài bọ hung mà anh tin rằng con bọ hung này hoàn toàn mới lạ đối với những người nào nghiên cứu về những giống này. Anh muốn rằng sáng hôm sau tôi sẽ cho anh biết ý kiến về con bọ hung này.

– Sao lại không bàn ngay tối nay. Tôi vừa hỏi vừa đưa tay về phía lửa, và không muốn nghe chuyện côn trùng thuộc loài bọ hung.

William Legrand nói:

– Chà, phải chi tôi đã biết trước là anh đến đây. Nhưng đã lâu tôi không gặp anh. Làm sao tôi biết trước được anh sẽ đến thăm tôi ngay đêm nay nhỉ? Khi tôi đang về nhà thì gặp một người bạn ở đầu hòn đảo bên kia, và tôi đưa hắn cầm con bọ hung đó. Đêm nay anh ở lại đây, rồi tới rạng đông tôi sẽ cho lão Jupiter đi lấy về. Nó đẹp tuyệt trần! – Sao? Rạng đông đẹp à? – Không, con bọ hung. Màu nó vàng óng ánh, dài chừng năm phân, có hai chấm đen ở gần đuôi và một chấm đen khác dài hơn ở phía đầu. Nhưng sợi râu thì thiệt là…

Lão Jupiter nghe không rõ, vội cãi:

– Nó không phải bằng thiếc đâu cậu ạ, cháu cam đoan vậy. Con bọ này có một chất quý hơn thiếc. Nó là con bọ hung vàng, toàn vàng, hết thảy cả trong lẫn ngoài, chỉ trừ cánh. Trong đời cháu chưa bao giờ thấy con bọ hung nào nặng như thế.

William Legrand trả lời:

– Ừ thì cho nó là bằng vàng, nhưng không phải vì thế mà lão để cháy khê thức ăn nhé! Màu của nó (nói đến đây anh quay về phía tôi) thật đúng như lời lão Jupiter nói. Chưa bao giờ anh trông thấy một thứ gì sáng óng ánh hơn con bọ hung này – nhưng đến mai anh mới có thể thẩm định được. Tuy nhiên tôi có thể cho anh biết sơ qua về hình dáng nó.

Nói đến đây anh ngồi trước một cái bàn nhỏ, tìm giấy nhưng không thấy. Cuối cùng anh nói:

– Không cần, dùng miếng này cũng được.

Anh rút trong áo ra một miếng gì trông như tấm giấy cũ, bẩn và dày, rồi vẽ trên mặt giấy. Trong khi anh vẽ, tôi vẫn ngồi cạnh lửa vì tôi vẫn thấy rét. Khi vẽ xong anh trao tấm giấy cho tôi mà không đứng dậy. Khi tôi cầm tấm giấy, chúng tôi nghe thấy tiếng động ở ngoài cửa. Lão Jupiter mở cửa, một con chó lớn của William Legrand chạy vào, nó nhảy chồm lên vai tôi và áp mặt nó lên mặt tôi; chúng tôi đã thân nhau trong những lần tôi đến chơi trước. Khi nó nhảy xuống, tôi nhìn tấm giấy, và thực tình tôi thấy rất khó hiểu hình vẽ bạn tôi vừa đưa tôi xem.

– Ừ, tôi nói sau khi nhìn hình vẽ mấy phút, con bọ hung này thật là kỳ lạ. Bây giờ mới thấy lần đầu tiên, trước kia tôi chưa hề thấy cái gì như thế này – trừ khi nó là cái sọ người, hay là cái đầu lâu người chết. Trông nó giống thế hơn là bất kỳ cái gì khác tôi từng trông thấy.

William Legrand nói:

– Cái đầu người chết! Ờ, phải, phải rồi, trông trên giấy thấy giống như vậy thật, chắc là thế. Hai cái chấm đen ở trên trông như hai con mắt và cái chấm dài hơn ở dưới như cái miệng – thế rồi lại cả hình dạng của toàn thể con bọ nữa.

Tôi nói:

– Có lẽ thế, nhưng anh William Legrand ạ, tôi e rằng tài vẽ của anh còn kém cỏi chăng. Tôi phải đợi để chính mắt được xem con bọ đó nếu tôi muốn biết hình dạng nó ra sao?

Anh nói:

– Không biết nữa. Hình này vẽ không đến nỗi dở lắm, phải không?

Tôi nói:

– Bạn ơi, cái đầu lâu này bạn vẽ rất khá, thật đấy mà, tôi có thể nói rằng rất cừ là đằng khác và con bọ hung của anh phải là một con bọ kỳ dị nhất thế giới nếu nó giống như thế này. Còn những cái râu mà anh nói đâu?

William Legrand nói:

– Râu à! Tôi chắc anh trông thấy những cái râu chứ. Tôi vẽ rất rõ cơ mà. – Có lẽ anh đã vẽ, nhưng tôi chẳng thấy gì cả, tôi nói rồi trao cho anh mảnh giấy. Quả thật tôi không trông thấy râu nó đâu cả, và toàn thể hình vẽ trông rất giống những hình vẽ đầu người chết mà ta vẫn thường thấy.

Anh cầm tờ giấy, sắp sửa ném nó vào lửa thì thấy một điều gì đập vào mắt mình. Một lúc sau mặt anh đỏ rần, rồi lại tái nhợt. Anh tiếp tục ngắm nghía hình vẽ rất kỹ trong mấy phút. Cuối cùng anh cầm tờ giấy tới góc phòng bên kia rồi lại nhìn nữa, xoay tấm giấy đủ mọi phía nhưng không nói câu nào. Anh làm tôi ngạc nhiên, nhưng tôi thấy cần phải làm ra vẻ không để ý tới những cử chỉ kỳ quặc của anh.

Một lúc sau, anh cẩn thận cất tấm giấy trong bàn viết. Từ đó anh lộ vẻ suy tư mỗi lúc một nhiều hơn. Đêm hôm đó, tôi định ở lại nhà anh như nhiều lần trước nhưng lần này tôi thấy nên về là hơn. Anh không giữ tôi ở lại, nhưng khi tôi từ biệt, anh cầm tay tôi và xiết chặt một cách nồng nhiệt hơn thường lệ.

Sau đó chừng một tháng, lão Jupiter đến Charleston thăm tôi. Tôi chưa bao giờ thấy lão già da đen hiền lành đó lại có vẻ buồn bã như thế, và tôi sợ rằng bạn tôi gặp điều gì phiền muộn hệ trọng chăng.

Tôi nói:

– Này, bác Jupiter, có chuyện gì thế? – Thú thực với cậu, cậu William cháu không được khỏe lắm. – Nghe bác nói tôi buồn quá. Cậu ấy đau ra sao? – Cậu cháu chẳng nói năng gì cả. Nhưng bệnh nặng lắm. – Bệnh nặng lắm, hả bác Jupiter. Cậu ấy đau liệt giường hay sao? – Thưa, không ạ. Cháu lo ngại cho cậu William quá. Cậu cháu chẳng cho biết bị bệnh gì cả. Trái lại, không hiểu tại sao cậu cháu cứ đi lang thang, đầu cúi gầm xuống, vai so lên và mặt nhợt nhạt? Hơn nữa cậu cháu cứ viết những con số hoài – những con số quái lạ nhất mà bây giờ cháu mới thấy. Cháu sắp hoảng lên đây, cậu ạ. Cháu phải canh chừng cậu cháu mới được. Hôm nọ cậu cháu ra đi trước khi mặt trời mọc rồi suốt cả ngày hôm đó không trở về. Vả lại, trông cậu cháu tiều tụy quá! – Thế bác không biết nguyên nhân căn bệnh này sao? Hay nói cho đúng hơn, sự gì đã làm cậu ấy thay đổi như thế? Có gì xảy ra từ khi tôi gặp cậu ta không? – Thưa không, chẳng có gì xảy ra từ hôm đó cả. Sự này xảy ra ngay hôm cậu ở đó. – Sao? Bác nói sao? – Cháu muốn nói con bọ hung. Đó, chuyện chỉ có thế! – Con bọ hung à? – Cậu William bị con bọ hung vàng làm hại. Con bọ hung ấy dữ lắm. Cháu chưa bao giờ thấy một con bọ hung nào dữ tợn như thế. Mới đầu cậu William bắt nó, nhưng cậu ấy phải thả ngay nó ra. Miệng con bọ hung đó trông dễ sợ quá. Cháu không dám cầm nó bằng tay cháu. Cháu bắt nó bằng một tấm giấy mà cháu tìm thấy rồi cháu quấn tờ giấy chung quanh mình nó, cháu bắt nó như thế đó. – Thế bác nghĩ rằng đúng con bọ hung đó là nguyên nhân cảnh huống này sao? – Cháu không còn nghi ngờ gì cả, cháu biết chắc như thế mà. Vậy cái gì làm cậu William mơ tưởng tới vàng liên miên như vậy, nếu không phải là con bọ hung vàng? – Tại sao bác biết cậu ta mơ tưởng đến vàng? – Vì cậu cháu nói thế trong giấc ngủ! Vì vậy mà cháu biết. – Này bác Jupiter, có phải bác đến để kể cho tôi biết chuyện này không? – Thưa không ạ, cháu đến để đưa cậu bức thư này.

Lão đưa cho tôi một bức thư viết như sau:

Thân gửi anh,
Tại sao lâu nay tôi không gặp anh? Tôi mong rằng tôi đã không làm hay nói điều gì làm anh phải xa lánh tôi, nhưng không, chúng ta hiểu nhau quá mà.
Từ khi gặp anh tôi đã khám phá ra một chuyện muốn nói với anh, tuy nhiên tôi không biết nói chuyện này ra sao, và chẳng hiểu có nên nói hay không.
Mấy bữa qua tôi không được mạnh lắm, còn lão Jupiter khốn khổ thì lúc nào cũng quanh quẩn bên tôi để cố săn sóc tôi một cách quá ân cần.
Từ hôm chúng ta gặp nhau lần cuối cùng, tôi không tìm được con bọ hung nào khác.
Nếu có thể được, mời anh cùng đến với lão Jupiter. Mong anh tới. Tôi muốn gặp anh tối nay vì có một việc quan trọng.
Tôi có thể nói với anh rằng việc này tối quan trọng.
Thân ái,
William Legrand.

Bức thư này làm tôi lo ngại. Lời lẽ có vẻ không phải của anh. Anh đang lo âu một việc gì? Việc tối quan trọng của anh là việc gì? Lão Jupiter lại cho tôi biết là anh không được khỏe. Tôi e rằng anh mất trí vì những điều phiền muộn chăng. Bởi vậy tôi liền đi ngay với lão Jupiter.

Khi tới bờ lạch, tôi trông thấy một cái hái và ba cái mai, tất cả đều mới, nằm dưới đáy thuyền. Tôi hỏi:

– Những thứ này dùng để làm gì? Cậu William nhà bác định dùng những thứ này để làm gì?

Lão Jupiter nói:

– Cháu hiểu sao nỗi, và cháu cho rằng đến cả cậu cháu cũng không hiểu nốt. Nhưng hết thảy đều tại con bọ hung vàng mà ra cả.

Tôi tới căn nhà nhỏ vào lúc gần ba giờ chiều. William Legrand nắm tay tôi một cách nồng nhiệt, bồn chồn làm tôi ngạc nhiên và tăng thêm mối lo ngại về anh. Mặt anh trắng bệch, hai mắt sâu hoắm sáng quắc. Sau vài ba câu hỏi thăm sức khỏe, tôi hỏi anh xem người bạn kia đã trả con bọ hung chưa.

Anh trả lời, vẻ mặt biến sắc:

– À, có. Tôi lấy nó lại ngay sáng hôm sau. Không gì có thể chia rẽ tôi với con bọ hung được. Anh có biết rằng lão Jupiter nói đúng về nó không? – Đúng thế nào? Tôi hỏi, và sợ phải nghe câu trả lời tiếp theo. – Vì hắn cho rằng con bọ hung đó bằng vàng thật. Anh nói câu đó một cách rất nghiêm trang. Con bọ hung sẽ làm tôi giàu, anh nói tiếp. Giàu như trước kia! Tôi chỉ cần sử dụng con bọ hung đúng cách, rồi tôi sẽ tìm được đến chỗ có vàng như nó đã báo điềm trước. Này bác Jupiter, bác đưa cho tôi con bọ hung đó. – Gì ạ, con bọ hung hả cậu? Cháu không muốn quấy rầy con bọ hung đó đâu. Cậu đi mà lấy.

William Legrand đứng dậy rồi đem con bọ hung lại cho tôi. Con bọ này đẹp thật và chưa từng có con nào như vậy. Gần phía cuối đuôi có hai chấm đen tròn, và một chấm dài ở gần phía trước. Thân nó cứng và có màu vàng óng ánh. Nó cũng nặng lắm. Xét ra, tôi có thể hiểu tại sao lão Jupiter lại sợ hãi con bọ hung này. Tuy nhiên, tôi không hiểu tại sao một người có học thức như William Legrand lại có thể đồng ý với lão Jupiter.

William Legrand nói:

– Tôi cho mời anh đến để được anh giúp trong việc lấy những của cải mà thần thánh và con bọ hung này ban cho tôi.

Tôi la lên:

– Anh William, nhất định anh bị bệnh rồi. Anh phải nằm nghỉ mới được, tôi sẽ ở lại đây cho tới khi anh bình phục.

Anh nói:

– Anh sờ tim tôi đập mà xem.

Tôi sờ tim đập thì sự thực không thấy anh bị bệnh gì cả.

– Nhưng tôi vẫn cho rằng anh nên đi nằm thì hơn.

William Legrand nói:

– Được biết những điều tôi hiện đang biết, mà tôi vẫn khoẻ thế này là tốt hết sức rồi. Nếu quả thật anh muốn làm tôi được dễ chịu hơn, tôi có thể bảo anh cách làm việc đó. – Tôi phải làm gì? – Dễ lắm. Lão Jupiter và tôi sắp đi vào miền núi, bên đất liền, và chúng tôi cần sự giúp đỡ của một người chúng tôi có thể tin cậy được; người đó là anh. Dù chúng ta thành công hay thất bại, anh cũng sẽ thấy rằng tôi sẽ lành bệnh.

Tôi đáp:

– Tôi muốn giúp anh; nhưng có phải anh định nói rằng con bọ hung này có liên quan đến việc anh đi vào miền núi không? – Phải. – Nếu thế, tôi không muốn dính dáng gì đến chuyến đi này đâu? – Vậy thì phiền quá, vì chúng tôi sẽ phải cố làm việc đó một mình. Chúng tôi sẽ đi ngay lập tức và sẽ trở về lúc rạng đông. – Nếu tôi đi, anh có lấy danh dự hứa rằng khi nào giải quyết xong việc con bọ hung này, anh sẽ trở về nhà và làm đúng như lời tôi nói không? – Có, tôi xin hứa như vậy, bây giờ chúng ta hãy đi kẻo phí thì giờ.

Tôi đi với bạn tôi mà lòng buồn bã. Chúng tôi bắt đầu ra đi hồi bốn giờ chiều. William Legrand, lão Jupiter, con chó, và tôi. Lão Jupiter cầm hái và mai, vì theo như tôi nghĩ, lão sợ giao những thứ đó vào tay cậu chủ của lão. Về phần tôi, tôi đảm nhiệm việc cầm hai cái đèn. William Legrand cầm con bọ hung, anh đã buộc nó vào một sợi dây. Trong khi chúng tôi đi đường anh cử động cánh tay làm con bọ hung như bay chung quanh chúng tôi. Khi trông thấy thế tôi gần như muốn khóc vì thương hại trí óc cuồng loạn của bạn tôi. Tuy nhiên, lúc đó tôi thấy không nên đả động gì đến con bọ hung thì hơn.

Để trả lời những câu hỏi của tôi về mục đích cuộc đi này, anh chỉ đáp:

– Rồi anh sẽ biết.

Chúng tôi vượt qua dòng nước, đi lên phía đất cao ở bên đất liền, và tiếp tục tiến về phía Tây Bắc, xuyên qua một vùng hoang vu, không thấy một vết chân người. William Legrand dẫn đầu, thỉnh thoảng lại dừng chân để tìm những chỗ mà anh đã đánh dấu trong chuyến đi trước.

Chúng tôi cứ tiếp tục đi như vậy trong hai giờ, và khi mặt trời vừa ngả về Tây, chúng tôi đã tới một khoảng đất bằng phẳng, bên sườn một ngọn đồi rất cao. Tôi chưa thấy chỗ nào hoang dã như chỗ này. Cây cối rậm rạp, những tảng đá lớn nằm ngổn ngang trên mặt đất.

Đi tới đây, lão Jupiter phải dùng cái hái để phát những bụi cây rậm rạp. Dưới sự điều khiển của William Legrand, lão Jupiter dọn lối cho chúng tôi đi đến một cây lớn mọc cao hơn hẳn các cây khác chung quanh nó. Cây này có dáng thon và đẹp nhất tôi từng thấy. Khi chúng tôi tới nơi, William Legrand quay lại hỏi lão Jupiter có thể trèo lên cây đó không.

Lão già lộ vẻ ngạc nhiên về câu hỏi. Lão bước chậm chạp chung quanh thân cây và ngắm nghía cẩn thận, rồi nói:

– Thưa cậu, trèo được ạ, tôi có thể trèo bất cứ cây nào. – Vậy lão trèo nhanh lên kẻo trời sắp tối mịt thì không còn trông thấy những việc chúng ta đang làm. – Cháu phải trèo cao tới đâu, hả cậu? – Cứ trèo thẳng tít lên đã, rồi tôi sẽ bảo. À này, cầm theo con bọ hung nữa. – Con bọ hung, hả cậu William! Con bọ hung! lão da đen vừa la vừa lảng ra chỗ khác. Để làm gì? – Này lão Jupiter, nếu to xác như bác mà sợ con bọ hung tí xíu chết tiệt này thì bác cầm sợi dây này. Nếu bác không chịu cầm con bọ hung này, tôi sẽ nện bể đầu bác bằng cái mai này cho coi.

Lão Jupiter nói:

– Cậu bảo sao? Cháu mà sợ con bọ hung này hả? Con bọ hung này làm gì được cháu? Lão ta cầm lấy sợi dây, và tay cầm con bọ hung giang xa hết sức có thể rồi sửa soạn trèo lên cây.

Lão cố sức giang cánh tay và đầu gối để ôm chặt vào thân cây rồi bắt đầu trèo lên. Cuối cùng, sau một vài lần suýt té, lão trèo tới cành cây lớn thứ nhất, cách mặt đất chừng mười tám hay hai mươi thước.

Lão Jupiter hỏi:

– Trèo đâu bây giờ, hả cậu William?

William Legrand nói:

– Trèo lên cành cây lớn nhất đó.

Lão Jupiter lại tiếp tục trèo, mỗi lúc một cao, cho tới khi chúng tôi không trông thấy lão nữa. Một lát sau chúng tôi nghe tiếng lão nói:

– Cháu phải lên bao xa nữa? – Bác lên tới đâu rồi? William Legrand hỏi.

Người da đen trả lời:

– Xa lắm. Cháu có thể trông thấy bầu trời qua ngọn cây rồi. – Mặc kệ trời với đất, hãy lắng tai nghe tôi nói. Nhìn xuống dưới cây rồi đếm những cành cây ở phía dưới bác về bên này. Bác đã trèo được bao nhiêu cành rồi – Một, hai, ba, bốn, năm – cháu trèo được năm cành bự ở phía bên này rồi, cậu ạ! – Vậy bác leo lên cành trên nữa.

Mấy phút sau chúng tôi lại nghe thấy tiếng lão ta đã trèo tới cành thứ bảy.

William Legrand la:

– Này bác Jupiter, bây giờ tôi muốn bác trèo ra tít ngoài đầu cành đó. Nếu bác trông thấy vật gì lạ thì cho tôi hay.

Đến lúc này tôi chắc là bạn tôi mất trí thật rồi. Làm thế nào để bảo anh trở về nhà?

Chúng tôi lại nghe thấy tiếng lão Jupiter:

– Trèo quá ra ngoài thì sợ lắm vì cành này chết héo rồi mà!

William Legrand nói:

– Trời đất ơi, thế này thì tôi phải làm sao bây giờ?

Tôi nói:

– Làm sao! Đi về mà ngủ. Đi nào, bạn của tôi! Khuya rồi đấy, anh nhớ lời anh hứa chứ!

Anh la lên:

– Này bác Jupiter, có nghe thấy tôi nói không? Thử gõ xem. Chém sâu vào xem. Có thật cành đó đã chết và mục rồi không?

Người da đen trả lời:

– Đúng là nó mục rồi. Nếu cháu quẳng quách con bọ hung nặng chình chịch này đi, thì cháu sẽ không làm gãy cành.

William Legrand la lên:

– Lão Jupiter, nếu lão để con bọ hung rơi xuống, tôi sẽ vặn cổ lão. Có nghe tôi nói không? – Thưa cậu, có ạ! – Trèo ra ngoài cành đó, cầm cả con bọ hung nữa, trèo ra tới hết chỗ còn vững chắc thì thôi, rồi tôi sẽ thưởng cho một đồng bạc.

Người da đen trả lời:

– Cháu đang trèo ra gần tới đầu cành rồi đây. – Ra tận đầu cành! William Legrand la lớn tiếng. Tận đầu cành! – Gần đầu cành rồi cậu ơi! Ô… ối, lạy Chúa tôi! Cái gì ở trên đây thế này?

William Legrand mừng cuống quýt rồi la lên:

– Này! Cái gì thế? – Cậu ơi, có cái sọ người thôi! Kẻ nào đã bỏ lại cái đầu lâu ở trên cây để đàn chim rỉa thịt hết trơn hết trọi à. – Cái sọ hả! Tốt lắm! Nó được gắn vào cây như thế nào? – Thưa cậu, cháu phải nhìn đã. Kỳ cục quá. Một chiếc đinh bự đóng chặt cái sọ vào cây. – Này bác Jupiter, bây giờ bác hãy làm đúng như lời tôi dặn, bác có nghe thấy không? Tìm con mắt bên trái của cái sọ. Bác có biết mắt nào phải và mắt nào trái không? – Có phải mắt trái của cái sọ ở cùng phía với tay trái của cái sọ không? Dĩ nhiên là cái sọ không có tay nhưng đây là mắt trái. Cháu phải làm gì đây? Luồn con bọ hung qua mắt trái rồi thả hết dây xuống, nhưng phải giữ lấy dây.

Trong lúc hai người nói với nhau, chúng tôi không trông thấy lão Jupiter nhưng lúc này con bọ hung hiện ra ở đầu dây, óng ánh như vàng trong ánh mặt trời tàn. Nếu để nó rơi, nó sẽ sa xuống chân chúng tôi.

William Legrand cầm một cái hái hình tròn đường kính chừng ba bốn thước, rồi anh bảo lão Jupiter buông dây ra và trèo xuống.

Anh lấy một cái cọc gỗ đánh dấu chỗ con bọ hung vừa rơi xuống. Rồi anh lấy ra một cái thước dây dài, buộc một đầu dây vào thân cây gần cái cọc gỗ đánh dấu mà anh vừa cắm. Rồi anh kéo cái thước dây từ thân cây ra đến cọc gỗ đánh dấu, rồi cứ thẳng theo hướng đó, anh đi thong thả, kéo theo cái thước dây. Lão Jupiter đi phía trước anh và dùng cái hái để dọn lối đi. Sau khi đi được mười lăm thước anh đứng lại và cắm xuống đất một cái cọc gỗ đánh dấu nữa.

Tại đây anh vạch một hình tròn nữa, đường kính độ 1 thước 20. William Legrand cầm một cái mai, đưa cho lão Jupiter một cái và tôi một cái rồi bảo chúng tôi bắt đầu đào sâu xuống đất và đào thật nhanh.

Sự thực, tôi không thích việc làm này một chút nào, nhưng tôi không muốn từ chối người bạn đáng thương đó. Tôi biết chắc rằng anh đã nghe thấy chuyện chôn của cải dưới đất và tin như vậy. Ý nghĩ này đã trở nên mãnh liệt hơn vì lão Jupiter nói rằng con bọ hung bằng vàng thật. Nhưng tôi không thể làm gì hơn là cầm cái mai hăm hở đào. Rồi anh sẽ tự biết là mình lầm.

Lúc này chúng tôi đã cần phải đốt đèn. Hai cái đèn chiếu sáng trong khi chúng tôi bắt đầu đào. Tôi nghĩ đến cảnh tượng chúng tôi bày ra ở chỗ đó. Nếu người nào tình cờ gặp chúng tôi họ sẽ cho rằng những hành động của chúng tôi thật là kỳ quái!

Chúng tôi đào suốt hai giờ. Nói với nhau rất ít, chỉ có tiếng chó sủa. William Legrand sợ có kẻ nào nghe thấy tiếng chó sủa mà tìm thấy chúng tôi ở đó – phải chi có ai tìm thấy chúng tôi thật thì tôi mừng quá. Sau cùng lão Jupiter nhảy ra ngoài cái hố chúng tôi đang đào để bịt mõm con chó lại.

Chúng tôi đã đào sâu độ một thước rưỡi nhưng không thấy của cải đâu cả. Chúng tôi dừng lại, tôi bắt đầu mừng thầm là cái trò điên cuồng này sắp chấm dứt. Tuy nhiên, William Legrand bắt đầu nới rộng cái vòng ra và chúng tôi đào sâu thêm sáu tấc nữa. Vẫn không thấy gì cả. Rốt cuộc kẻ tìm vàng đành phải ngừng lại. Anh mặc áo và bảo lão Jupiter cầm mấy cái mai và hái.

Khi chúng tôi đã đi được chừng mười hai bước theo hướng về nhà thì William Legrand bỗng quay lại phía lão Jupiter.

Anh nói:

– Đồ ngu như bò! Trả lời ta ngay lập tức. Mắt trái của lão đâu? – Ô, cậu William, mắt trái của cháu đây ạ. Lão Jupiter vừa la vừa đặt tay lên trên mắt phải rồi cứ để nguyên tay như vậy. – Ta đã đoán đúng vậy mà! Ta biết mà! William Legrand la lên. Anh nhảy cẫng lên. Chúng ta phải quay lại. Trò chơi chưa xong đâu. Anh đi đầu trong lúc chúng tôi quay lại cái cây lớn ấy.

Rồi anh nói:

– Jupiter, lại đây! Cái sọ đóng quay mặt ra ngoài hay về phía cành cây? – Mặt quay ra ngoài, cậu ạ, có thế đàn chim mới dễ rỉa hai con mắt, chẳng phải khó khăn gì. – Thế lão thả con bọ hung qua mắt này hay mắt kia?

William Legrand sờ vào từng mắt của lão Jupiter.

– Mắt này, cậu ạ – mắt trái – đúng như lời cậu dặn, lão da đen sờ vào mắt bên phải của lão. – Chúng ta phải thử lại.

Tôi bắt đầu nhận thấy những hành động của bạn tôi đều có phương pháp mạch lạc, tuy nhiên tôi vẫn cho rằng anh bị mất trí. Anh chuyển cái cọc đánh dấu từ chỗ con bọ hung rơi tới một chỗ cách đó chừng bảy phân về phía Tây. Anh lấy cái thước dây, đặt như trước, từ cái cây đến cái cọc, rồi kéo ra xa độ mười lăm thước. Chỗ mới này cách nơi chúng tôi vừa đào mấy thước.

Chúng tôi lại cầm mai để bắt đầu đào. Tôi bỗng cảm thấy hứng thú một cách lạ lùng, mặc dầu không biết tại sao. Có lẽ từ cách suy nghĩ của anh đã làm tôi thay đổi như vậy. Tôi hăng hái đào, và thỉnh thoảng lại nhìn xem có tìm thấy vàng trong khi tôi vẫn chắc chắn là không có.

Có lẽ chúng tôi đã đào được một giờ rưỡi thì lại nghe chó sủa. Lần này lão Jupiter không thể giữ nó lâu để kịp buộc mõm nó lại. Nó sổng ra khỏi tay lão Jupiter và nhảy xuống hố, rồi nó bắt đầu bới đất loạn xạ. Một lúc sau, chúng tôi trông thấy ở dưới hố có hai bộ xương người và hình như cả những mảnh áo nữa. Khi chúng tôi tiếp tục đào nữa thì hiện ra ba bốn đồng tiền vàng và bạc.

Lão Jupiter mừng rỡ khi trông thấy những đồng tiền này, nhưng mặt chủ của lão thì lại lộ vẻ rằng anh không mong chỉ tìm thấy có thế thôi. Do đó anh bảo chúng tôi cứ tiếp tục đào, và ngay lúc đó tôi ngã nhào về phía trước vì hai chân vướng phải một cái vòng sắt lớn.

Lúc này chúng tôi đào hăng hơn trước, và tôi chưa bao giờ cảm thấy thích thú như vậy trong mười phút sau đó. Lúc này chúng tôi đã đào trúng một cái rương gỗ dài một thước, rộng chín tấc, và sâu bảy tấc rưỡi. Cái rương được cột chặt bằng những đai sắt. Mỗi đầu có ba cái vòng sắt – sáu cái vòng tất cả – để sáu người có thể khiêng được nó. Ba chúng tôi chỉ xê dịch cái rương được một chút xíu ở dưới hố. Chúng tôi thấy ngay rằng chúng tôi không thể nào nhấc được cái rương quá nặng như vậy.

Tuy nhiên, những cái đai này dễ mở. Chúng tôi vừa run lập cập vừa mở nắp rương ra. Trong khoảnh khắc vàng bạc châu báu nhiều vô số, lấp lánh hiện ra trước mắt chúng tôi. Hai cái đèn chiếu ánh sáng xuống tận dưới hố sâu, vàng và bảo thạch lóng lánh toả ánh sáng làm chúng tôi hoa mắt.

Tôi không thể tả hết những cảm giác của tôi trong lúc đó. Dĩ nhiên lúc đầu tôi ngạc nhiên và sửng sốt. William Legrand chỉ nói được mấy câu. Mặt lão Jupiter thì xanh như chàm đổ. Lão quỳ dưới hố, vục cả hai cánh tay vào đống vàng, và lão cứ ngồi như thế có vẻ cảm thấy thú vị khi được sờ tay vào vàng.

Cuối cùng lão nói:

– Tất cả châu báu này đều do con bọ hung vàng mà ra! Con bọ hung vàng trông mới xinh làm sao! Con bọ hung vàng trông mới tội nghiệp làm sao! Con bọ hung vàng tôi đã ghét bỏ.

Rốt cuộc tôi phải bảo William Legrand và lão Jupiter biết rằng phải chuyển cái rương này đi. Chúng tôi lấy ra độ hai phần ba báu vật, dấu trên mặt đất để con chó canh giữ. Rồi chúng tôi vội khiêng về nhà cái rương và số châu báu còn lại. Đến một giờ sáng thì chúng tôi về tới nhà. Chúng tôi nghỉ ngơi đến hai giờ sáng, ăn uống qua loa rồi mang ba cái túi thật dày trở lại cái hố chúng tôi đã đào. Chúng tôi chia số vàng và bảo thạch còn lại thành ba phần đều nhau rồi lại trở về nhà. Lần thứ hai chúng tôi về tới nhà ngay trước khi mặt trời mọc. Chúng tôi buồn ngủ lắm, nhưng sau ba bốn giờ trằn trọc chúng tôi lại trở dậy để xem xét đếm vàng của chúng tôi.

Chúng tôi ngồi suốt cả ngày và gần hết đêm hôm sau để xem xét tỉ mỉ cái rương đựng những gì. Chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi đã kiếm được nhiều hơn là đã phỏng đoán lúc đầu. Về tiền thì có hơn bốn trăm năm mươi ngàn Mỹ kim, con số mà chúng tôi tính gần sát. Không có tiền bằng bạc. Chỉ có toàn tiền vàng, những đồng tiền lâu đời thuộc đủ các loại – Pháp, Tây Ban Nha, Đức, và Anh. Có những đồng đã được sử dụng nhiều đến nỗi không đọc được những chữ đúc trên mặt.

Việc trị giá các bảo thạch lại khó hơn. Nhiều thứ rất lớn và trong vắt, và lại có rất nhiều loại – một trăm mười viên kim cương, mười tám viên hồng ngọc, ba trăm mười viên ngọc bích, hai mươi mốt viên lam ngọc, và một viên ngọc mắt mèo.

Những viên bảo thạch này trước kia đã được cẩn vào đồ trang sức bằng vàng. Chúng tôi còn thấy cả những đồ trang sức đó nữa, nhưng đã bị đập bẹp. Cũng có gần hai trăm cái nhẫn và hoa tai rất nặng, những vòng đeo cổ quý giá – tôi nhớ hình như ba mươi vòng thì phải, và nhiều thứ khác. Tất cả những thứ này phải nặng hơn một trăm năm mươi ký, đó là tôi không kể một trăm chín mươi bảy cái đồng hồ vàng. Cuối cùng chúng tôi thấy tất cả những đồ quý báu này đáng giá trên một triệu rưỡi Mỹ kim.

William Legrand thấy tôi đang nóng ruột muốn biết rõ đầu đuôi vụ này.

Anh nói:

– Anh còn nhớ hôm tôi đưa anh tấm hình con bọ hung mà tôi đã vẽ. Và anh cũng nói rằng hình vẽ trông giống cái sọ người. Tôi tưởng anh chế nhạo hình vẽ của tôi, và tôi không thích anh nói đùa như vậy. Khi anh trả lại tôi tấm giấy da mỏng đó, tôi bực mình định quẳng luôn nó vào lửa. – Anh định nói mảnh giấy chứ, tôi nói. – Không. Trông nó giống giấy lắm, nhưng khi vẽ tôi mới thấy nó là một miếng da mỏng. Như anh đã biết, trước kia rất lâu người ta đã dùng da mỏng để viết và ghi những tài liệu quan trọng không thể ghi vào giấy. Trong lúc tôi sắp ném mảnh da mỏng đó vào lửa, tôi thấy quả thật có hình vẽ cái đầu lâu ở ngay chỗ tôi đã vẽ con bọ hung. Tôi đến cuối phòng đằng kia rồi ngắm tấm giấy da cẩn thận hơn. Khi lật tấm giấy da tôi thấy hình con bọ hung như tôi đã vẽ. Nhưng sự thật thì cả hai hình vẽ rất giống nhau, và thoạt đầu tôi đã ngạc nhiên về điều này đến nỗi tôi không nghĩ được gì hơn.

Rồi dần dà tôi bắt đầu nhận thấy rằng còn có sự kỳ dị hơn. Khi tôi vẽ con bọ hung thì cả hai mặt miếng giấy da không có hình vẽ. Tôi còn nhớ đã lật đi lật lại miếng giấy da để tìm một chỗ sạch để dùng. Nếu lúc đó đã có hình vẽ cái sọ thì tôi không thể nào không nhận thấy được. Đây quả là một sự bí mật, nhưng sâu trong trí óc tiềm tàng của tôi nó như một ánh lửa ở phía xa xa, tôi có thể trông thấy đầu mối của sự thật mà chúng ta đã chứng minh đêm qua. Tôi cất miếng giấy da để khi nào ngồi một mình sẽ suy nghĩ.

Khi anh đã ra về và lão Jupiter đã ngủ, trước hết tôi bắt đầu nghĩ đến chỗ đã nhặt được tấm giấy da. Chúng tôi bắt được con bọ hung ở bên đất liền. Tôi đã cầm lên nhưng vì sợ nên lại bỏ nó xuống. Rồi lão Jupiter nhìn quanh quẩn để tìm một vật gì để có thể cầm nó. Lão ta trông thấy một góc miếng giấy da liền lôi lên, vì một nửa tấm giấy vùi ở dưới đất. Gần chỗ đó, tôi trông thấy một vật gì như gỗ mục trước kia là một chiếc xuồng trên tàu biển.

Lão Jupiter bắt con bọ hung bằng tấm giấy da rồi đưa cho tôi. Trên đường về, chúng tôi gặp người bạn, và đưa hắn con bọ hung đó. Nhưng tôi vô tình giữ lại tấm giấy da. Về sau, chắc anh còn nhớ khi tôi tìm một mảnh giấy để vẽ lại con bọ hung, tôi đã lấy tấm giấy da này ở trong áo tôi.

Tôi đã chắp hai đoạn mối dây liên lạc vĩ đại này với nhau. Có một chiếc xuồng nằm ở trên bờ biển, và gần chiếc xuồng có một miếng giấy da – không phải giấy thường – có hình một cái sọ. Cái sọ là biểu hiện quen thuộc của bọn hải tặc.

Đây là da chứ không phải là giấy. Viết lên da không phải dễ, nhưng nó bền hầu như mãi mãi. Đối với tôi, sự kiện đó có một ý nghĩa. Hơn nữa là hình dạng tấm giấy da. Khuôn khổ như vậy là để ghi chép một tài liệu gì cần được nhớ lâu và giữ gìn cẩn thận.

Tôi nói:

– Nhưng anh bảo cái sọ không có ở trên tấm giấy da khi anh vẽ con bọ hung cơ mà. Vậy tại sao cái sọ lại có liên quan với cái xuồng nát? – Nó chỉ hiện ra trên tấm giấy da (chỉ có ông Trời mới hiểu nỗi làm sao), mãi sau khi anh về. Ấy, bí mật là ở chỗ đó, tuy nhiên tôi tìm ra giải đáp cũng chẳng khó khăn mấy. Việc làm của tôi tiến hành từng bước rất vững chắc và đã đem lại một kết quả duy nhất.

Tôi đã chú ý nhìn anh trong khi anh ngắm tấm giấy da. Không phải chính anh đã vẽ cái sọ. Cũng chẳng có người nào khác đã vẽ. Ấy thế mà cái sọ lại hiện ra trên tấm giấy da. Nghĩ đến điều này tôi cố nhớ lại, và đã nhớ rõ, mọi sự đã xảy ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó. Tiết trời hôm đó lạnh (thật là hên quá!) và có lửa cháy. Tôi ấm nên ngồi gần cái bàn, còn anh thì ngồi gần lò sưởi. Khi tôi trao tấm giấy da vào tay anh thì con chó nhảy lên vai anh. Anh lấy tay trái ngăn nó lại, trong khi tay phải của anh cầm tấm giấy da và để xuống giữa hai đầu gối và gần ngọn lửa. Đã có lúc tôi tưởng ngọn lửa bén vào tấm giấy da nên tôi định bảo anh, nhưng anh đã rụt lại.

Khi nghĩ đến những sự việc này, tôi thấy chắc chắn rằng hơi nóng đã làm cái sọ hiện ra. Hẳn anh biết rõ rằng hiện nay và hàng mấy thế kỷ qua đã có những chất được dùng để viết trên giấy hay giấy da để người ta chỉ nhìn thấy chữ viết khi tờ giấy thường hay giấy da được hơ nóng. Khi tấm giấy da nguội thì chữ sẽ biến mất, nhưng lại hiện ra khi hơ nóng.

Rồi tôi ngắm cẩn thận cái đầu lâu. Hình vẽ có những chỗ rõ và có những chỗ mờ. Tác dụng của hơi nóng chưa đủ. Tôi lập tức nhóm một ngọn lửa khác rồi cầm tấm giấy da hơ gần lửa. Một lúc sau tôi trông thấy hình vẽ một con vật. Tôi chắc chắn rằng con vật đó là một con dê con (kid). Có lẽ anh đã được nghe nói về Đại úy Kidd, tên hải tặc trứ danh. Tôi chắc chắn rằng đây là lối ký tên của hắn. Cái đầu lâu ở phía trên tấm giấy da, và con dê con ở phía dưới cùng. Khoảng giữa không có gì cả.

– Tôi chắc rằng anh hy vọng có một bức thư ở quãng giữa. – Phải. Và tôi cảm thấy có một sự gì rất tốt đẹp đến với tôi. Tôi không biết tại sao. Có lẽ tôi mong ước hơn là tôi tin tưởng như vậy. Tôi có ý nghĩ như vậy vì lão Jupiter bảo rằng con bọ hung bằng vàng. Thật lạ lùng, tất cả việc này lại xảy ra trong một ngày khi chúng ta cần lửa sưởi! Nếu không có lửa, nếu con chó không đến đúng lúc, thì tôi sẽ không khi nào tìm thấy của cải!

Tôi nói:

– Nói tiếp đi! Tôi muốn nghe nốt câu chuyện này quá. – Dĩ nhiên là anh đã nghe hàng ngàn chuyện mà người ta kể về việc lão Kidd và đồng bọn của hắn đã bí mật chôn của cải tại một nơi dọc bờ biển Đại Tây Dương thuộc miền này. Nhưng chuyện này có phần xác thực. Và nếu lão Kidd đã trở lại để lấy của thì những câu chuyện phải được kể khác hẳn.

Nhưng ta chỉ nghe nói toàn những chuyện về những kẻ đi tìm của cải chứ không phải về những kẻ tìm thấy của cải. Có sự gì đã cản trở lão Kidd trở lại lấy số châu báu của hắn. Bọn thủ hạ của hắn biết vậy nên chúng cố tìm số tiền đó để lấy đi nhưng không thấy. Những câu chuyện đều bắt đầu như vậy. Có khi nào anh nghe nói tới việc đào được những của cải quan trọng không?

– Không khi nào. – Nhưng lão Kidd có một số châu báu kếch xù. Điều đó ai cũng biết. Tôi nói với anh rằng tôi hy vọng, và hầu như chắc chắn, rằng miếng giấy da là tài liệu ghi chỗ hắn chôn của cải, đã bị thất lạc. – Sau đó anh làm gì? – Tôi lại để tấm giấy da gần lửa nhưng không có gì hiện ra cả. Tôi quyết định rửa nó. Tôi nhúng nó vào nước nóng rồi để vào một cái hộp mà tôi có thể đặt thẳng trên lửa. Mấy phút sau tôi mừng quá vì thấy miếng giấy da lấm chấm mấy chỗ như hiện ra những chữ số. Tôi lại để nó lên lửa một phút nữa. Rồi nó y như thế này, anh xem đây.

Nói đến đây William Legrand đưa cho tôi xem tấm giấy da mà anh đã hơ lại. Tôi trông thấy những dòng sau đây viết bằng mực đỏ ở quãng giữa cái đầu lâu và con dê con:

53‡‡†305))6*;4826)4‡)4‡);806*;48†8¶60))85;1‡);:‡
*8†83(88)5*†;46(;88*96*?;8)*‡(;485);5*†2:*‡(;4956*
2(5*—4)8¶8*;4069285);)6†8)4‡‡;1(‡9;48081;8:8‡1;4
8†85;4)485†528806*81(‡9;48;(88;4(‡?34;48)4‡;161;:
188;‡?;

Tôi nói:

– Nhưng tôi vẫn chẳng hiểu chút nào cả.

William Legrand nói:

– Ấy thế mà lại dễ tìm ra giải đáp hơn là anh tưởng. Những chữ số này có một ý nghĩa; chúng hợp thành một lối chữ gọi là mật mã. Mỗi số và mỗi dấu phẩy tiêu biểu cho một chữ. Theo như tôi biết về lão Kidd, tôi không tin hắn có thể nghĩ ra một lối mật mã mà tôi không tìm nỗi cách giải. – Thế thật anh tìm ra được cách giải đáp đấy à? – Dễ ợt. Tôi đã tìm ra giải đáp cho những vấn đề khó khăn gấp hàng ngàn lần. Tôi thích làm những việc như vậy. Tôi không tin rằng trí óc con người có thể nghĩ ra một vấn đề mà chính trí óc con người lại không thể giải nổi. Thực vậy, ngay sau khi tôi đọc được các chữ số trên tấm giấy da, tôi biết rằng tìm ra ý nghĩa của nó là việc rất dễ.

Vấn đề đầu tiên tôi phải làm là tìm xem bản viết này bằng tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Pháp hay tiếng Anh. Thường thường cách duy nhất là thử lần lượt dò ra bằng từng thứ ngôn ngữ. Nhưng đây tôi tìm ra giải đáp theo kiểu chữ ký tên trên tấm giấy da, Hình vẽ con dê con (kid) là tượng trưng cho tên Kidd. Chữ này chỉ có nghĩa trong tiếng Anh. Vì vậy tôi biết mật mã này viết bằng tiếng Anh.

Anh thấy các số và ký hiệu không được chia thành chữ. Nếu được phân ra như vậy thì mật mã này còn dễ đọc hơn. Nếu vậy tôi đã bắt đầu bằng cách phân tích những chữ ngắn hơn. Nếu thấy chữ nào chỉ có một mẫu tự (như a hay I *) thì tôi chắc chắn sẽ thành công. Bởi vậy bước đầu của tôi là tìm chữ cái nào thường thấy nhiều hơn những chữ khác…

Anh xem kết quả ở đây. Anh đưa cho tôi một tấm giấy tôi đọc như sau:

Số 8 có 33 lần.
Dấu; có 26 lần.
Số 4 có 19 lần.
Dấu ‡ ) có 16 lần.
Dấu – có 13 lần.
Số 5 có 12 lần.
Số 6 có 11 lần.
Dấu † 1 có 8 lần.
Số 0 có 6 lần.
Số 9 và 2 có 5 lần.
Dấu :3 có 4 lần.
Dấu ? có 3 lần.
Dấu ¶ có 2 lần.
Dấu –. có 1 lần.

Nay, mẫu tự e là chữ thường gặp nhiều nhất trong tiếng Anh. Sau mẫu tự này là những mẫu tự dưới đây: a o i d h n r s t u y c f g m w b k p q x z.

Tuy nhiên mẫu tự e được dùng nhiều đến nỗi nếu anh chỉ ghép một vài chữ với nhau, thì chắc chắn cũng đã thấy rằng nó là mẫu tự được dùng nhiều nhất. Vì thế, ngay khi mới bắt đầu, chúng ta đã có một căn bản để suy tính chứ không phải chỉ phỏng đoán mà thôi. Chúng ta hãy bắt đầu cho rằng số 8 là mẫu tự e. Muốn cho chắc chắn, chúng ta hãy xem có phải số 8 thường được dùng kép không – vì mẫu tự e thường được dùng kép trong Anh ngữ, trong những chữ meet, deep, agree, seen, been. Ở đây ta thấy mẫu tự e đi đôi đến năm lần, mặc dầu bản mật mã này viết ngắn.

Rồi, trong hết thảy mọi chữ trong tiếng Anh chỉ có chữ the là thông dụng nhất. Vì vậy, chúng ta hãy tìm xem có ba số hay dấu được viết theo thứ tự giống nhau mà số cuối là 8 được dùng nhiều lần. Nếu chúng ta tìm thấy như vậy thì có lẽ ba số hay dấu đó tiêu biểu cho chữ the. Khi xem, ta tìm thấy nhóm chữ số; 48. Như vậy ta có thể giả định rằng dấu; là t, 4 là h, và 8 là e. Chúng ta đã tiến được một bước dài.

Bây giờ chúng ta đã biết một chữ, và chúng ta cũng biết một điều khác rất quan trọng. Chúng ta đã tìm ra chữ đầu và chữ cuối cùng của những tiếng khác. Ta hãy nhìn nhóm dấu ở cạnh nhóm ;48 – gần cuối bản mật mã. Chữ sau bắt đầu bằng dấu; và trong sáu mẫu tự theo sau, có năm mẫu tự chúng ta đã biết rồi. Chúng ta hãy viết ra bằng cách dùng những mẫu tự mà ta biết và chừa ra một khoảng trống cho chữ ta chưa biết: t eeth.

Đến đây ta có thể nói ngay rằng hai mẫu tự th không hợp vào với mẫu tự nào bắt đầu bằng mẫu tự t vì khi thử điền hết thảy các mẫu tự của Anh ngữ vào khoảng trống, chúng ta thấy rằng không có chữ nào có thể điền được mẫu tự th vào. Như vậy ta có: t ee và, thử điền hết mẫu tự nọ đến mẫu tự kia như trước, ta gặp chữ tree, là chữ duy nhất có thể đọc được.

Nay ta có thêm một mẫu tự nữa, đó là r, mà trong bản mật mã dùng dấu (. Ta cũng có hai chữ cùng đi với nhau: the tree (cái cây).

Sau những chữ này, ta lại thấy nhóm; 48. Nay ta nhìn những chữ đứng ở đằng trước nhóm đó. Ta có đoạn này: the tree; 4 ( §? 34 the hay là dùng những mẫu tự mà ta biết thì thấy: the tree the §? 34 the.

Thế rồi! nếu ta viết dòng đó như sau: the tree thr… h the. Ta hiểu ngay là chữ through (xuyên qua). Ta cũng đã khám phá được ba chữ mới 0, u và g mà bản mật mã dùng các dấu § ? và 3.

Bây giờ tìm kỹ trong bản mật mã những top chữ đã viết thì ta thấy sau đoạn đầu một chút những chữ như sau: 83(88 tức là egree. Như vậy rõ ràng là đoạn cuối của chữ degree (độ), và ta có thêm một mẫu tự nữa, đó là d, được thay bằng dấu +.

Cách tiếng degree bốn mẫu tự ta thấy tốp này: ;46 (; 88°. Dựa theo những mẫu tự đã biết, ta có thể viết tốp đó như sau: th, rtee.

Ta thấy ngay tốp mẫu tự này là chữ thirteen 13 và ta kiếm ra hai mẫu tự mới, đó là i và n, mà bản mật mã dùng dấu 6 và °.

Bây giờ ta hãy trở lại phần đầu bản mật mã, ta thấy tốp này: 53 § § +. Làm như trước ta thấy:.good. Và ta có thể chắc chắn rằng chữ thứ nhất là A, và hai tiếng đầu là A good.

Để việc làm của chúng ta có thứ tự, bây giờ là lúc ta phải kê những chữ đã tìm ra thành một bản như dưới đây:

5 là a, 6 là i
+ là d, o là n
8 là e, § là o
3 là g, ( là r
4 là h,; là t

Như vậy chúng ta có mười chữ cái quan trọng nhất trong bản mật mã. Tôi không cần phải nói cho anh biết phần cuối của việc tôi đã làm. Tôi đã nói khá nhiều để anh biết rằng những loại mật mã như kiểu này rất dễ hiểu. Anh biết nó được thành lập như thế nào rồi. Bản mật mã ở trước mắt chúng ta đây rất giản dị. Nay tôi giải đáp hết bản mật mã trên tấm giấy da như dưới đây:

A good glass in the bishop_s hostel in the devil_s seat twenty one degrees and thirteen minutes northeast and by north main branch seventh limb east side shoot from the left eye of the death_s head a beeline from the tree through the shot fifty feet out.

Một cái ly tốt ở lữ quán của đức Giám mục nơi cái ghế của con quỷ hai mươi mốt độ và mười ba phút hướng Đông Bắc và phía Bắc cành cây nhánh thứ bảy về phía Đông ngắm từ mắt trái cái đầu người chết một đường thẳng từ cái cây qua tầm xa mười lăm thước.

Tôi nói:

– Những điều bí ẩn này vẫn còn khó hiểu quá. Làm sao có thể biết được nghĩa những chữ lẩm cẩm, những cái ghế của con quỷ, những cái đầu lâu, và những lữ quán của đức Giám mục?

William Legrand trả lời:

– Tôi phải công nhận rằng nội dung bản này không phải dễ hiểu gì? Tôi đã bắt đầu chia những chữ thành từng đoạn như kẻ viết bản mật mã này đã cố ý chia ra như vậy. – Nhưng anh chia ra bằng cách nào? – Tôi biết rằng kẻ viết bản mật mã thường viết những câu liền với nhau để không ai có thể đọc được bản mật mã. Một kẻ kém học thức lại hay làm thái quá. Khi đến quãng nghỉ trong bản mật mã, hắn càng viết các dấu thật sát nhau. Nếu anh nhìn tấm giấy da, anh có thể trông thấy ngay những chỗ có dấu đặt sát nhau hơn thường lệ. Theo ý nghĩ này, tôi viết rõ những chữ như sau:

A good glass in the Bishop_s hostel in the Devil_s seat – twenty one degrees and thirteen minutes – northeast and by north – main branch seventh limb east side – shoot from the left eye of the death_s head – a bee line from the tree through the shot fifty feet out.

Một chiếc ly tốt ở lữ quán của đức Giám mục nơi cái ghế của con quỷ – hai mươi mốt độ và mười ba phút – hướng Đông Bắc và phía Bắc – cành cây nhánh thứ bảy về phía Đông – ngắm từ mắt trái cái đầu người chết – một đường thẳng từ cái cây qua tầm xa mười lăm thước.

Tôi nói:

– Tôi vẫn chẳng hiểu gì cả.

William Legrand trả lời:

– Tôi cũng không hiểu bí mật này mất mấy hôm. Trong thời gian đó tôi hỏi khắp nơi gần đảo Sullivan_s về một căn nhà mang tên là Lữ Quán đức Giám Mục (Bishop_s Hotel), hay Quán Cơm đức Giám mục (Bishop_s House) và dĩ nhiên tôi bỏ chữ hostel thuộc về cổ ngữ, nhưng không có kết quả. Khi tôi sắp sửa đi xa đảo Sullivan_s hơn nữa để hỏi dò thì tôi chợt nghĩ đến một dòng họ lâu đời có tên là Bessop. Từ ngày xưa dòng họ này có một tòa nhà cổ rất lớn cách xa sáu cây số về phía Bắc đảo này. Tôi tới hỏi những người da đen trong vùng. Cuối cùng một trong những bà cụ già nhất cho biết rằng bà ta đã nghe nói tới một chỗ gọi là Lâu Đài Bessop, và bà có thể đưa tôi đến đấy. Nhưng nó không phải là lâu đài hay dinh thự, và cũng không phải là lữ quán cho du khách, hay khách sạn, hay quán cơm, mà là một khối đá cao.

Tôi hứa trả công rất hậu nên bà ta đưa tôi đến. Chỗ đó rất dễ tìm thấy. Tôi cho bà ta về nhà rồi quan sát tứ phía. Chỗ đó có nhiều tảng đá, có một tảng cao đặc biệt. Tôi trèo lên đỉnh tảng đá rồi không biết phải làm gì nữa. Khi đang đứng nghỉ, tôi trông thấy một chỗ trong tảng đá dưới nơi tôi đang đứng. Trông nó rất giống một cái ghế, mặt phiến đá sâu xuống độ bốn mươi phân và rộng không quá ba mươi phân. Tôi chắc chắn chỗ này là cái ghế của con quỷ, thế là tôi bắt đầu tìm ra giải đáp cho vấn đề bí mật này.

Tôi biết rằng cái ly tốt chẳng qua chỉ là một cái kính viễn vọng; vì các thủy thủ phải có một cái kính viễn vọng để họ có thể nhìn được những nơi rất xa ở trên mặt biển, và bao giờ họ cũng gọi kính viễn vọng là glass. Đến đây tôi thấy ngay rằng cần phải dùng một cái kính viễn vọng. Còn những chữ hai mươi mốt độ và mười ba phút, và Đông Bắc và phía Bắc là những lời chỉ dẫn để ngắm kính viễn vọng được đúng hướng. Tôi vội vàng trở về lấy kính viễn vọng rồi trở lại tảng đá.

Tôi bước xuống cái ghế thì thấy chỉ có thể ngồi được một thế. Việc này chứng tỏ rằng tôi đã nghĩ đúng. Tôi sử dụng kính viễn vọng, nhìn về hướng Đông Bắc và phía Bắc, nhấc lên tới tầm mà tôi ước lượng độ hai mươi mốt độ và mười ba phút phía trên chân trời. Tôi nhích lên nhích xuống kính viễn vọng rất cẩn thận cho đến khi tôi thấy một khoảng trống tròn ở gần ngọn một cái cây lớn, cao hơn hẳn các cây ở gần nó. Giữa khoảng trống này tôi trông thấy một chấm trắng, nhưng mới đầu tôi không biết là cái gì. Bây giờ tôi sử dụng kính viễn vọng hết sức cẩn thận, kéo nó dài ra rồi lại thu ngắn lại cho đến khi tôi nhìn thấy cái chấm trắng rất rõ. Đó là cái sọ người.

Khi tìm ra cái sọ tôi yên trí là đã giải đáp hoàn toàn Cành cái, nhánh thứ bảy, phía Đông phải có nghĩa là vị trí cái sọ ở trên cây. Ngắm từ mắt trái cái đầu người chết cũng có thể được giải thích bằng một cách duy nhất, nếu nó có liên quan đến của cải chôn dưới đất. Ý câu này là thả một vật gì từ mắt trái cái sọ xuống đất. Còn đường thẳng (beeline – bee: con ong; line: đường) thì anh biết rằng con ong là một con côn trùng đánh dấu chiều hướng bằng cách bay thẳng. Như vậy, giai đoạn sau là phải đo từ cái cây ngang qua chỗ vật thả xuống đến một điểm cách thân cây 15 thước. Vì vậy một điểm nhỏ hẹp đã được chỉ định rất rõ. Tôi nghĩ thầm, có thể một vật gì quý giá đã được chôn ở dưới đất tại chỗ đó.

Tôi nói:

– Anh đã giải thích rất rõ ràng. Anh làm gì sau khi đã rời khỏi Lữ Quán của đức Giám mục? – Tôi về nhà. Sau khi tôi đã rời khỏi phiến đá Cái ghế của con quỷ dù xoay thế nào tôi cũng không thể trông thấy lỗ hổng ở giữa vòm cây. Sự này đối với tôi là phần lạ lùng nhất trong toàn thể việc này. – Hôm ấy lão Jupiter đã đi với tôi. Ngày hôm sau tôi dậy rất sớm và đi một mình để tìm cái cây. Tôi đã tìm ra được cái cây đó. Còn phần cuối câu chuyện thì tôi chắc anh cũng hiểu rõ như tôi.

Tôi nói:

– Có phải anh không tìm thấy chỗ chôn của cải ngay lần đầu tiên mà chúng ta đào vì lão Jupiter dùng nhầm mắt của cái sọ? – Đúng thế. Nếu tôi đã không chắc rằng vàng ở một chỗ nào gần cái cây thì việc đào đó chỉ là công dã tràng. – Có phải lão Kidd đã nghĩ đến việc dùng cái sọ chỉ vì cái sọ là biểu hiệu của hải tặc? – Có lẽ. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng dùng cái sọ là khôn lắm. Nếu không phải là màu trắng thì không thể nào nhìn thấy từ Cái ghế của con quỷ. Không có thứ gì có thể mỗi ngày một trở nên trắng hơn bằng cái sọ người nếu phải để lộ thiên hết năm này qua năm khác trong thời tiết thay đổi? – Nhưng anh dùng con bọ hung vàng! Tại sao anh bảo lão Jupiter thả nó từ cái sọ xuống đất? – Thú thực, tôi rất tức vì anh cứ tưởng rằng tôi loạn óc. Tôi định làm một việc gì để anh phải nghĩ ngợi. Dĩ nhiên sức nặng của con bọ hung cũng rất có ích. – Tôi hiểu rồi. Bây giờ tôi còn một câu hỏi nữa. Chúng ta nghĩ sao về những cái xương người thấy ở trên đống vàng? – Đây là một câu hỏi mà tôi không thể trả lời hơn anh được. Tuy nhiên hình như chỉ có một cách giải thích duy nhất. Chắc chắn là lão Kidd cần phải có người giúp việc chôn của cải xuống đất cho hắn. Nhưng khi việc này gần xong, có thể hắn không muốn một người nào khác biết bí mật ấy. Có lẽ chỉ cần hai nhát kiếm là đủ trong khi người giúp việc đang mải đào đất; có lẽ mười hay mười hai nhát cũng nên – ai biết được?

nhavantuonglai

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »

Liên lạc thông qua Instagram

Instagram là tài khoản chính thức của @nhavantuonglai, nên thông qua kênh này bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ tác giả.

  • Tức thời và nhanh chóng

    Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

  • Thân thiện và gần gũi

    Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Instagram là kênh trao đổi công việc chính thức của @nhavantuonglai, phù hợp với các thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

  • Tin cậy

    Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

  • Chuyên nghiệp

    Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.

Một vài sản phẩm đã dựng

Ép tiêu bản hoa khô

Cồn Hến sông Hương

Hoàng hôn đầm Lập An

nhavantuonglai · Ghiblis Music Piano Playlist