Edgar Allan Poe | Phương pháp của Bác sĩ Tarr và Giáo sư Fether

Edgar Allan Poe là nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình, nhà thơ Mỹ. Poe là ông tổ của thể loại truyện trinh thám và hình sự.

 · 36 phút đọc.

Edgar Allan Poe là nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình, nhà thơ Mỹ. Poe là ông tổ của thể loại truyện trinh thám và hình sự.

Edgar Allan Poe (1809 – 1849) là một nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình, nhà thơ Mỹ nổi tiếng. Poe được coi là ông tổ của thể loại truyện trinh thám và hình sự, với những tác phẩm kinh điển như The Murders in the Rue Morgue, The Purloined Letter, The Tell-Tale Heart, The Cask of Amontillado và nhiều tác phẩm khác. Poe cũng là một nhà thơ xuất sắc, đã tạo ra những bài thơ lãng mạn và u ám như The Raven, Annabel Lee, The Bells, Ulalume và nhiều bài thơ khác. Poe cũng là một nhà phê bình sắc bén, đã đưa ra những quan điểm mới mẻ và độc đáo về văn học, nghệ thuật và triết học. Poe là một trong những nhà văn Mỹ đầu tiên được công nhận quốc tế, và đã ảnh hưởng đến nhiều nhà văn khác như Arthur Conan Doyle, Jules Verne, Charles Baudelaire, H.P. Lovecraft và nhiều nhà văn khác. Poe là một nhân vật đầy bí ẩn và hấp dẫn, với cuộc đời đầy sóng gió, tài năng và đam mê.

Đọc sách Sự sụp đổ của dòng họ Usher tại đây.

Đọc sách Tuyển tập truyện kinh dị Edgar Allan Poe tại đây.

Đọc sách Vụ án mạng đường Morgue tại đây.

edgar-allan-poe

the fall of the house of usher

Mua sách Sự sụp đổ của dòng họ Usher tại đây.

Mua sách Tuyển tập truyện kinh dị Edgar Allan Poe tại đây.

Mua sách Vụ án mạng đường Morgue tại đây.

Mùa thu năm 18xx, nhân khi du lịch trong vùng cực nam nước Pháp, tôi có dịp đi qua một nhà thương điên mà tôi đã từng nghe các bạn trong ngành y ở Paris nhắc đến. Tôi chưa bao giờ được viếng một nơi như thế, nên tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội. Tôi bèn đề nghị với người bạn đồng hành tôi mới vừa làm quen trước đó mấy ngày, là chúng tôi rẽ qua đó một vài tiếng đồng hồ để xem cho biết. Anh bạn từ chối, ban đầu anh ta viện lẽ phải đi gấp, nhưng sau đó anh ta cho tôi biết anh rất sợ hãi cảnh tượng những người điên. Tuy nhiên, anh bạn khuyên tôi đừng vì phép lịch sự mà phải mất dịp thỏa tánh tò mò, và anh sẽ đi chậm rãi để tôi có thể bắt kịp anh ta trong ngày, hay chậm lắm là nội trong ngày hôm sau.

Khi anh bạn từ giả, tôi sực nhớ là tôi có thể sẽ phải gặp khó khăn khi xin vào xem nơi đó, và cho anh bạn biết tôi e ngại điều này. anh bạn đáp quả thật trừ khi tôi quen biết Maillard – tên của người quản lý, hay có một bức thư giới thiệu, tôi sẽ gặp khó khăn, vì luật lệ của những nhà thương điên tư khắt khe hơn ở những bệnh viện công. anh bạn còn cho biết thêm là vài năm trước, anh ta có quen Maillard, và anh ta tình nguyện đi với tôi đến cổng bệnh viện để giới thiệu tôi, nhưng sẽ không đi vào bên trong vì cái tật sợ người điên.

Tôi cảm ơn anh bạn rồi hai chúng tôi rẽ khỏi đường cái sang một con đường mòn phủ đầy cỏ, và sau nữa tiếng đồng hô thì đến một cụm rừng dầy dưới chân một ngọn núi. Chúng tôi cưỡi ngựa băng qua khu rừng ẩm ướt và âm u này độ hai dặm thì thấy nhà thương điên hiện ra trước mắt. Ðó là một toà lâu đài nguy nga, nhưng hoang phế, vì đã cũ xưa và thiếu chăm sóc, khó có ai ở được. Vẻ thê lương khiến tôi rất ngần ngại, tôi ghì cương ngựa lại và suýt định trở lui.

Nhưng chỉ giây phút sau, tôi thẹn mình yếu đuối, nên thúc ngựa đi tới.

Khi ngựa đến gần cổng, tôi thấy cánh cổng hé mở, và có người nhìn qua khe cửa. Một chóc sau thì người ấy bước ra, đến gọi đích danh bạn đồng hành của tôi và mời anh ta xuống ngựa. Người này chính là Maillard. ông ta là một người phốp pháp, vóc dáng thanh lịch, điệu bộ theo xưa, vẻ mặt nghiêm nghị và phong cách uy quyền, rất đáng nể.

Anh bạn sau khi giới thiệu tôi, cho biết tôi có ý muốn thăm viếng cơ sở. Và khi đã được Maillard cam đoan sẽ hết sức tiếp đãi tôi, anh ta kiếu từ, và tôi không còn gặp lại anh ta nữa.

Anh bạn đi rồi, ông quản lý đưa tôi vào một căn phòng nhỏ, chưng dọn thật kỷ. Những món đồ bày biện chứng tỏ người sành điệu, gồm nhiều sách quý, tranh họa, bình hoa, và nhạc khí. Ánh lửa sáng bập bùng trong lò sưởi. Một thiếu phụ tuyệt đẹp đang ngồi ở chiếc đàn dương cầm hát một bản nhạc của Bellini. Thấy tôi bước vào, nàng ngưng hát và đứng dậy lịch sự thi lễ một cách thật duyên dáng. Giọng nói nàng nhỏ nhẹ và điệu bộ kín đáo. Tôi thấy dường như mặt nàng phảng phất nét sầu muộn, nước da nàng trắng mét, nhưng không kém phần quyến rủ. Nàng mặc y phục toàn màu đen như đang để tang, khiến cho tôi có một cảm giác vừa kính trọng, vừa ngưỡng mộ.

Khi tôi còn ở Paris, tôi nghe đồn là nhà thương điên của Maillard áp dụng phương pháp gọi nôm na là – xoa dịu, có nghĩa là không khi nào dùng hình phạt, và bệnh nhân cũng ít khi bị nhốt trong phòng. Các bệnh nhân được theo dõi kín đáo, dường như họ được hoàn toàn tự do, và đa số được phép đi lại trong viện và trong khu đất chung quanh viện, và họ cũng được mặc y phục như những người bình thường.

Tôi gắng nhớ những điều kể trên và rất cẩn thận khi tiếp chuyện với thiếu phụ, vì tôi không chắc là nàng tỉnh trí, và thật tình, tôi thấy trong ánh mắt sáng ngời của nàng một vẻ gì bất ổn, khiến tôi nghĩ nàng không bình thường.

Vì vậy tôi chỉ nói đến những chuyện thông thường, những điều mà tôi nghĩ không thể nào làm phật ý hay kích thích ai, dù cho người đó có bị bệnh điên.

Nàng đối đáp rành rọt mọi chuyện, và cả những ý kiến cá nhân của nàng cũng đều hoàn toàn hợp lý, nhưng tôi đã hiểu biết nhiều về bệnh tâm trí nên tôi không tin vào những dấu hiệu bình thường này, và tôi vẫn tiếp tục cẩn thận từ đầu tới cuối trong khi trò chuyện.

Không lâu sau một gả mặc đồ gia nhân bưng lên một mâm trái cây, rượu và các thứ giải khát. Tôi nhấm nháp đôi chút, rồi thì thiếu phụ rời khỏi phòng.

Nàng đi rồi, tôi nhướng mắt nhìn Maillard.

Không, ông ta đáp, – không đâu – nàng là người trong gia đình tôi, cháu gái tôi. Công dung ngôn hạnh vẹn toàn.

Cháu xin lỗi Ông. Chắc bác cũng rộng lượng tha lỗi cháu đã thắc mắc. Cách điều trị tuyệt hảo ở đây đã nổi tiếng ở Paris, cho nên cháu tưởng… chắc bác cũng biết.

Vâng, vâng, thôi anh đừng nói thêm nữa. Ðúng lý ra chính tôi phải cảm ơn anh và khen anh đã cẩn thận. Thanh niên ít khi thận trọng. Tôi đã gặp nhiều chuyện đáng tiếc vì khách đến viếng đã quá bất cẩn. Khi tôi còn áp dụng phương pháp cũ, các bệnh nhân của tôi được đi lại tự do. Họ bị những người khách viếng nói này nói nọ làm cho họ nổi cơn dữ dội. Vì vậy nên tôi phải giới hạn gắt gao. Không ai được vào đây nếu tôi không chắc họ biết giữ gìn kín đáo. Phương pháp cũ, tôi lập lại những lời ông nói, – như vậy có nghĩa là – phương pháp xoa dịu, cháu nghe biết bao người nói đến không còn hiện hành nữa?

– Ðã mấy tuần nay rồi, ông ta đáp, tôi đã phải quyết định từ bỏ vĩnh viễn.

Thật vậy sao! Sao lạ vậy, bác?

Ông ta thở dài:

Chúng tôi thấy cần phải nhất quyết trở lại lề lối cũ. Phương pháp xoa dịu gây nên nhiều việc khủng khiếp, còn những cái hay thì được thổi phồng quá đáng. Ở nhà thương điên này chúng tôi đã đem thử nó kỷ hơn ở bất kỳ nơi nào. Chúng tôi cố gắng làm đủ mọi thứ. Rất tiếc anh không đến sớm hơn để xem tận mắt. Nhưng chắc anh đã biết khá nhiều về phương pháp xoa dịu rồi.

Dạ không đâu. Tôi chỉ nghe người này người kia đồn thôi.

Ðại khái thì trong phương pháp này bệnh nhân được đối xử y như ý họ muốn. Bệnh nhân có ảo tưởng kỳ quặc gì đi nữa thì cũng không ai phản đối.

Ông nói tiếp:

Ngược lại, chúng tôi không những chìu theo họ mà còn khuyến khích họ, và nhờ vậy chúng tôi trị dứt được nhiều con bệnh. Không có lý luận nào mạnh mẽ bằng lý luận phi lý. Ví dụ có bệnh nhân tưởng tượng mình là con gà. Phương cách là cứ quả quyết cho việc đó là thật – và còn chê bệnh nhân là ngu ngốc nữa nếu họ không thấy rõ sự kiện đó – và không cho họ ăn gì khác hơn trong vòng một tuần là những thức ăn cho gà vịt. Theo cách này thì chỉ cần mộ chút thóc, cám cũng có thể đặt được kết quả vẻ vang.

Nhưng phương pháp này có hiệu quả cho tất cả mọi trường hợp không?

– *Không đâu! Chúng tôi cũng dùng những phương pháp giải trí như âm nhạc, khiêu vũ, thể dục, đánh cờ, chơi bài, và một vài loại sách, vân vân. Chúng tôi làm như trị một chứng bệnh thông thường nào đó, và không bao giờ dùng tới từ ngữ – *điên._ Một điểm quan trọng khác là tập cho người điên này trông chừng người kia. Ðặt tin tưởng vào sự hiểu biết và kín đáo của người điên là khiến họ trung thành hết mình. Làm như vậy bệnh viện đỡ phải tốn kém mướn người canh gác. – Không có một hình phạt nào hết?_

Hoàn toàn không.

Và không nhốt giữ bệnh nhân trong phòng?

Rất hiếm khi. Ðôi khi, bệnh tới thời kỳ lên cơn nặng khiến họ hung dữ, chúng tôi đưa họ vào một phòng kín, lỡ họ lây bệnh cho những người khác, rồi giữ họ ở đó cho tới khi có thể trả họ về cho bạn bè họ – vì chúng tôi không muốn có những người điên hung dữ. Những người này thường được đưa vào nhà thương điên công cộng.

Bây giờ thì bác đã thay đổi hết – bác thấy bây giờ khá hơn trước?

Chắc chắn như vậy. Phương pháp cũ có nhiều bất lợi, lại có nhiều nguy hiểm nữa. Ðiều nay đã được mọi người công nhận trong tất cả các nhà thương điên ở Pháp.

Bác nói làm tôi ngạc nhiên quá, tôi nói, – vì tôi cứ tưởng trong cả xứ Pháp này không có cách nào khác hơn.

– Anh còn trẻ, ông viện trưởng đáp, – nhưng đến tuổi nào đó thì anh có thể tự xét đoán lấy thay gì tin lời thiên hạ đồn đãi. anh đừng bao giờ tin lời người ta nói, và chỉ nên tin phân nửa những gì anh thấy. Còn như trường hợp Nhà thương điên này, đúng là có người cho anh tin thất thật. Sau bữa cơm, khi anh đã lấy lại sức, tôi sẽ hân hạnh đưa anh đi xem viện, và giới thiệu với anh một phương pháp theo như tôi nghĩ và theo ý kiến nhiều người đã thấy tận mắt, là phương pháp hữu hiệu nhất từ trước tới nay.

Phương pháp của chính Bác? tôi hỏi, – do chính bác nghĩ ra?

Tôi có thể hãnh diện mà nhìn nhận như thế, ông ta đáp, – ít ra cũng một phần nào.

Tôi trò chuyện với Maillard như thế trong khoảng một, hai tiếng đồng hồ, trong khi ông đưa tôi đi xem các khu vườn và nhà kiếng trồng hoa kiểng quanh viện.

Tôi chưa muốn đưa anh đi thăm các bệnh nhân của tôi, ông cho tôi biết, – người nhạy cảm dễ bị xúc động; tôi không muốn anh bị ăn mất ngon. Gần đến giờ cơm tối rồi. Tôi sẽ đãi anh món bò con nấu bông cải, sau đó một ly rượu chát hảo hạng, để anh có đủ sức chịu đựng.

Ðến 6 giờ chiều thì tôi được mời vào phòng ăn. Maillard đưa tôi vào một căn phòng ăn rộng rãi, đã có sẵn khá đông thực khách, khoảng chừng 25 đến 30 người. Họ đều là những người có địa vị, hay ít ra cũng thuộc giới thượng lưu, tuy rằng lối trang phục của họ, theo ý tôi, có vẻ sang trọng thái quá, giống như lối phục sức lòe loẹt ở triều đình thời trước. Tôi nhận thấy ít nhất hai phần ba số thực khách là đàn bà, và xiêm y của họ không có vẻ gì hợp với thời trang ở Paris hiện giờ.

Nhiều bà, ít ra cũng không dưới 70, đeo nữ trang đầy mình, nào là nhẫn, xuyến, bông tai, lại để hở ngực, hở tay lồng lộng. Tôi cũng nhận thấy là ít có chiếc áo nào may đẹp, hoặc mặc vừa.

Nhìn quanh, tôi nhận ra cô gái hay hay mà Maillard giới thiệu với tôi trong phòng khách, nhưng tôi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy nàng mặc một chiếc váy theo kiểu thời thế kỷ XVIII, mang giày cao gót, và đội một chiếc nón kết ren đã cũ và quá rộng, khiến cho gương mặt nàng trông thỏn đi. Khi tôi gặp nàng lần đầu, nàng mặc bộ đồ đen trông rất vừa xứng.

Nói tóm lại, lối trang phục của đám thực khách này có cái gì kỳ kỳ, khiến tôi lại nghĩ đến phương pháp xoa dịu và nghi ngờ là Maillard muốn dấu diếm cho đến hết bửa cơm, để tôi khỏi phải thấy khó chịu khi ngồi ăn cùng bàn với những người điên. Nhưng tôi lại nhớ ra rằng các bạn tôi ở Paris có cho tôi biết là dân ở các tỉnh nhỏ miền Nam thường hay kỳ quặc và đầu óc cổ lỗ, và sau một lúc trò chuyện với nhiều người trong nhóm thì tôi hoàn toàn không còn nghi ngại gì nữa hết.

Gian phòng ăn thì khá ấm cúng và rộng rãi nhưng không có gì là sang trọng.

Ví dụ, sàn nhà không có trải thảm. Nhưng ở Pháp thì nhiều căn phòng không có trải thảm. Các cửa sổ thì cũng không có treo màn; các cánh cửa đóng kín, còn có thêm các thanh sắt đóng chéo, giống như các cánh cửa tiệm buôn bình dân.

Tôi nhận ra căn phòng này là một cánh của toà lâu đài, và như thế, các cửa sổ ở ba vách, còn cửa ra vào ở vách thứ tư. Cả thảy ít nhất là 10 cửa sổ.

Bàn ăn thì rất thịnh soạn, chất đầy các thứ chén dĩa, đựng đủ thứ món ngon vật lạ. Ðồ ăn thức uống nhiều kinh khủng, đủ để đãi cả một đội binh Tạ Hầu Ðôn. Chưa bao giờ trong đời tôi thấy phung phí thừa thảy nhiều của quý như thế.

Tuy nhiên cách trưng bày lại không có gì vẻ gì lịch sự. Mắt tôi quen ánh sáng dịu nên bị chói lòa vì hàng chục tá cây nến cắm trên các chân đèn đặt đầy bàn và bừa bãi ở khắp mọi nơi.

Nhiều tên hầu bàn lăng xăng bưng dọn và trên một chiếc bàn đặt ở cuối phòng có chừng bảy, tám nhạc công với đủ đàn, sáo, kèn, trống. Những người này chốc chốc làm cho tôi bị chói tai với những tiếng ầm ĩ mà có lẽ các thực khách trừ tôi ra cho là âm nhạc.

Nói tóm lại, tôi thấy có cái gì kỳ hoặc trong tất cả mọi việc trước mắt, nhưng mà – đời này có đủ thứ loại người, đủ thứ tánh tình, đủ thứ phong tục tập quán. Tôi cũng đã từng du lịch nhiều nơi, và không còn việc gì làm cho tôi ngạc nhiên thái quá nữa. Vì vậy tôi kéo ghế bình tình ngồi bên phải Maillard, và bụng đói nên tôi thưởng thức đủ hết các thứ ngon lạ trên bàn.

Trong buổi ăn mọi người đều trò chuyện huyên náo. Các bà như thường lệ nói năng không dứt. Tôi nhận thấy ngay là đa số thực khách là những người có học và Maillard là một kho tàng tiếu lâm. ông hay đề cập đến vai trò tổng quản lý nhà thương điên của ông, và tôi hơi ngạc nhiên là đề tài bệnh điên được nhiều người nghe kể. Nhiều câu chuyện liên quan đến tành tình biệt dị của những người bệnh.

Ở đây có lần có một bệnh nhân, một ông lùn và mập ngồi bên phải tôi nói, – cứ cho mình là cái bình trà; mà quí ông bà có thấy lạ là nhiều người điên như vậy không? Ở xứ này không có nhà thương điên nào mà không có một bình trà người. ông bệnh của chúng ta là một bình trà đời Minh, mỗi sáng ông ta cẩn thận đánh bóng mình mẩy với một nùi dẻ chùi tách.

Lại còn có cái ông, cách đây không lâu, một ông cao lớn ngồi đối diện nói*, – cứ đinh ninh mình là con lừa – thật ra thì nói theo nghĩa bóng, ông ta đúng là lừa. ông ta gây nhiều việc rắc rối lắm nên chúng tôi mất công trông chừng ông ta luôn. Có một bận ông ta chỉ ăn cỏ. Chúng tôi trị ông ta khỏi hẳn bệnh bằng cách chỉ cho ông ta ăn cỏ. Lúc đó ông ta cứ đá giò lái như vầy…*

– Ông De Kock! Xin ông đứng đắn một chút! một bà ngồi cạnh ông lên tiếng, ông để chân yên. ông làm hư cái áo gấm của tôi rồi đây nè! ông đâu cần diễn tả rõ ràng như vậy làm gì? ông bạn đây hiểu ý ông muốn nói gì rồi. Thật tình, ông cũng không hơn gì con lừa của ông bệnh nọ. Chưa thấy ai diễn xuất bằng ông.

Xin Mamselle thứ lỗi cho, ông tên De Kock đáp*, – Tôi muôn vàn có lỗi. Tôi nào dám xúc phạm đến Mamselle Laplace. De Kock này xin được hân hạnh hầu rượu với Mamselle.*

Nói đoạn ông De Kock kính cẩn nghiêng mình hôn tay và cụng ly với Mamselle Laplace.

Xin phép ông bạn, Maillard đến đây nói với tôi, – Anh cho phép tôi mời anh một miếng bê thui – món này ngon tuyệt.

Ông vừa dứt lời thì 3 tên hầu bàn lực lưỡng khệ nệ đặt lên bàn một mâm to tướng đựng một con vật hình thù quái dị, nhưng khi nhìn kỷ thì chỉ là nguyên một con bò con quay, hai cẳng trước quỳ trên mâm, ngậm trong miệng một trái táo, giống kiểu người anh dọn món thỏ.

Cảm ơn, tôi đáp, tôi không hạp với thịt bê thui lắm. Tôi xin đổi dĩa để thử món thỏ này. Tôi thấy trên bàn có nhiều dĩa đặt món món giống như thịt thỏ nấu theo kiểu người Pháp. Món này tôi thích lắm.

Pierre, ông gọi một tên hầu bàn, đổi dĩa mới và mầy cắt cho quý ông đây một miếng thỏ nấu mèo.

Thưa món chi? Tôi hỏi.

Thỏ nấu mèo.

Thôi, nghĩ lại, tôi xin miễn. Ðể tôi xin gắp miếng thịt heo.

Ngồi ăn với mấy người ở tỉnh này mình không biết mình ăn cái gì, tôi nói thầm trong bụng. Không ai dám thử miếng thỏ-nấu-mèo này tí nào, hay dẫu cho có món mèo-nấu-thỏ đi nữa.

Rồi còn có một bệnh nhân này nữa, một người trông xanh dờn như xác chết ngồi ở cuối bàn bắt lại câu chuyện dang dở, – có lần đó, ngoài những tật quái lạ khác, hắn cứ quả quyết hắn là miếng cheese, rồi hắn cầm con dao trong tay, đi mời bè bạn hắn xẻo một miếng thịt đùi của hắn.

Tên đó quả điên thật rồi, một người khác xen vào, – nhưng chưa bằng cái ông thật quái dị này. Cái ông tưởng mình là chai champagne, nên cứ bật nút chai cái bốp, rồi xì hơi như vầy.

Nói xong, ông ta đút ngón tay cái vô má trái, trông thật thô lỗ, rồi rút ra làm thành một tiếng như tiếng mở nút chai, rồi đưa lưỡi lên giữa mấy cái răng xí ra một tiếng kéo dài cả mấy phút, giống như tiếng champagne sủi bọt. Tôi thấy rõ hành động này không làm Maillard hài lòng chút nào, như ông không nói gì, và câu chuyện chuyển sang qua một ông ốm ròm đội một cái đầu tóc giả.

Còn có tên ngốc này nữa, ông này nói, – hắn ta tưởng mình là con nhái. Thật ra thì hắn trông cũng không khác gì con nhái bao nhiêu. Phải chi ông thấy hắn, ông ta xoay qua nói với tôi, – chắc ông cũng phải khen điệu bộ của hắn. Thưa ông, nếu tên này thật không phải là con nhái thì tôi chỉ có thể nói quả là đáng tiếc. Tiếng nhái kêu của hắn đúng nốt C vĩ đại, và khi hắn đặt hai cùi chõ lên bàn như thế này, sau khi đã ngà ngà một hai ly, hắn phùng mang, trợn mắt, như vầy, rồi nháy nháy liên hồi như vầy, tôi nói thật, ông mà thấy cũng phải tấm tắc khen ngợi tài ba của hắn.

Chắc đúng vậy, tôi đáp.

Rồi còn tên Gaillard nhỏ, một người khác lên tiếng, – tên này tưởng mình là miếng thuốc hít, nên hắn rất âu sầu vì không thể tự kẹp mình vào hai ngón tay.

Rồi còn có tên Jules Desoulieres. Hắn ta có tài đặc biệt lắm. Hắn tưởng mình lá trái bí đao. Hắn kỳ kèo đòi nhà bếp cắt hắn làm bánh, nhưng bà bếp nhất định không chịu. Tôi thì tôi nghĩ biết chừng đâu bánh bí đao Jules Desoulieres ngon tuyệt.

Ông nói thật không? Tôi nhìn Maillard.

Ha ha ha, hu hu hu, ông này cười hô hố, – hi hi hi, hô hô hô, hu hu hu, ha ha ha, hi hi hi. Hay thật. anh đừng có ngạc nhiên. ông bạn đây tiếu lâm lắm, chuyên môn làm hề. anh đừng tin hắn.

Rồi còn có tên Bouffon Le Grand, một người khác trong đám thực khách lên tiếng, – tên này kể ra cũng có điểm đặc biệt. Hắn điên vì yêu, nên tưởng tượng hắn có hai đầu. Một cái đầu hắn cho là của Cicero, còn đầu kia thì hắn cho là hợp bằng hai phần, từ trán đến miệng thì là của Demosthenes, còn phần từ miệng tới cằm là của bá tước Lord Brougham. Rất có thể hắn bịa chuyện, nhưng hắn sẽ thuyết phục quí vị tin chắc hắn nói thật, vì tên này hùng biện lắm. Hắn mê diễn thuyết nên không thể nào nhịn nói. Ví dụ, hắn ưa nhảy lên bàn thế này, rồi…

Tới đây một người bạn ngồi cạnh người đang nói đặt tay lên vai và thì thầm vào tai ông ta, làm cho ông ta ngừng nói ngay, và ngồi phịch xuống ghế.

Lại còn có tên Boullard, cái bông vụ. Ông vừa mới thì thầm bây giờ nói lớn lên, tôi gọi anh ta là cái bông vụ bởi vì anh có cái ý nghĩ ngộ nghĩnh nhưng không phải hoàn toàn phi lý là anh ta đã bị biến thành con quay. Ông mà thấy hắn xoay tít vòng thì phải cười ồ lên. Hắn ta quay vòng cả tiếng đồng hồ, như vầy nè.

Bây giờ thí tới phiên ông bạn ngồi cạnh, lúc nảy bị ông ta rù rì vào tai bắt ngồi xuống, lại cũng làm công việc rỉ tai như thế.

Nhưng ông Monsieur Boullard của ông là một tên điên, một bà lớn tuổi la lớn, – một tên vừa điên lại vừa khùng. Có ai mà nghe nói người ta thành con quay bao giờ. Chuyện phi lý gì đâu. Bà Joyeuse thì có lý hơn. Bà ta cũng có tật, nhưng tật này có lý lắm nên ai được quen biết cũng thích bà ta lắm. Bà ta khám phá ra là không biết vì lý do gì bà ta đã biến thành con gà trống. Nhưng bà ta giữ tư cách lắm. Bà ta đập cánh như vầy nè, còn bà gáy thì nghe thật tuyệt vời! Ó ó o o o. Ó ó o o.

Bà Joyeuse, bà giữ tư cách một chút, Maillard giận dữ lên tiếng bảo bà ta dừng lại, bà ăn nói đàng hoàng, không thì bà rời khỏi bàn này, thưa bà.

Bà đứng tuổi (tôi ngạc nhiên khi nghe bà tên Joyeuse, vì bà vừa kể chuyện của bà Joyeuse), đỏ mặt tía tai, tỏ vẻ rất thẹn thùng vì bị rầy la. Bà ta gằm mặt xuống, và không nói một lời nào. Nhưng lại có một phụ nữ trẻ tuổi hơn lên tiếng.

Người này là thiếu phụ kiều diễm tôi gặp trong phòng khách.

– Bà Joyeuse này quả khùng rồi, nàng lên tiếng nói, – chớ còn cô Eugenie Salsafette thì có lý lắm. Cô ta rất đẹp nhưng lại khiêm nhường, nên nàng thấy lối mặc y phục bình thường không được kín đáo, nên nàng muốn ở ngoài bộ y phục thay vì ở bên trong. Dễ lắm, không khó gì hết. Mình chỉ cần làm thế này, rồi thế này, rồi thế này.

– Trời đất ơi! Cô Eugenie Salsafette!, cả chục người cùng kêu lên một lượt. – Cô định làm gì vậy! Thôi! Ðủ rồi! Ai cũng thấy phải làm sao rồi. Ngừng lại, ngừng lại. Và nhiều người đã dọm nhảy lại để cản ngăn cô Eugenie Salsafette không cho cô ta trở thành bức tượng nữ thần Venus. Nhưng không cần ai phải ra tay ngăn chận, vì ngay lúc ấy mọi người đều ngưng động lại vì thình lình nhiều tiếng la, tiếng thét vang dội lại từ trung tâm lâu đài.

Những tiếng la hét làm tôi thật sự rúng động, nhưng nhìn những người chung quanh tôi mới thật tội nghiệp. Tôi chưa bao giờ thấy ai sợ hải như thế. Người nào người nấy mặt mày tái mét, họ ngồi rút xuống ghế, run bây bẩy và rên ơ ớ. Họ vểnh tai nghe tiếng la tiếp tục vang lên. Tiếng la to hơn và có lẽ gần hơn, rồi tới lần thứ ba thì thật to, đến lần thứ tư thì như nhỏ lại. Nghe tiếng la nhỏ đi, mọi người bình tỉnh lại và lại kể chuyện náo nhiệt như lúc trước.

Tôi mới hỏi nhỏ để biết lý do sự lộn xộn này.

Không có gì đáng ngại, Maillard nói*, chúng tôi ở đây quen rồi, nên không để ý lắm. Mấy người điên đôi khi cùng la hùa lên một lượt. Người này la, người kia la theo, giống như một đán chó ban đêm. Nhưng cũng có khi họ không la thôi mà còn tìm cách phá chuồng nữa, nên cũng có khi khá nguy hiểm.*

Ông có bao nhiêu bệnh nhân?

Hiện thời tất cả không quá mười người.

Chắc đa số là phụ nữ?

Không đâu. Tất cả đều là đàn ông, lực lưỡng nữa là đằng khác!

Thật sao? Tôi nghe nói đa số người điên thuột phái yếu.

Thường thì như thế, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Lúc trước có khoảng 27 người ở đây, trong đó ít nhất 18 người là đàn bà. Nhưng gần đây thì mọi việc đã thay đổi nhiều, như anh đã thấy.

Thay đổi nhiều, như anh đã thấy, một ông xen vào.

Thay đổi nhiều, như anh đã thấy, mọi người trong phòng đều lập lại.

Im. Câm mồm lại, Maillard giận dữ la lớn.

Mọi người trong phòng im phăng phắc độ gần một phút. Có một bà còn lấy tay bụm miệng mình lại suốt cả buổi.

Còn bà này, tôi cúi xuống hỏi nhỏ Maillard, – bà mới vừa nói đó, bà gáy – O` ó o, bà ta không làm sao chứ?_

Làm sao, ông ta la lên, làm sao là làm sao?

Chỉ hơi lãng trí tí xíu, tôi chỉ lên đầu tôi, chắc bà không nặng lắm?

Trời ơi, anh nói gì vậy! Bà Joyeuse! Bà Joyeuse, đây là bạn thân của tôi. Bà hoàn toàn mạnh khỏe, khỏe hơn tôi nữa. Bà ta có chút tật. Nhưng anh cũng biết mà, mấy bà lớn tuổi – ai lại không có chút tật!

Vâng, vâng, tôi nói, còn mấy ông, bà kia?

Bạn thân và nhân viên của tôi, Maillard hãnh diện nói ngay. Bạn quí và nhân viên thân tín của tôi.

Thật vậy sao? Tất cả mọi người?, tôi hỏi, – kể cả các bà, các cô?

Quả thật vậy!, ông ta nói, – không có các phụ nữ thì làm được gì. Họ biết cách chăm sóc người điên. Họ có cách đặc biệt của họ. Ông không biết chứ, cặp mắt sáng của họ có tác dụng tuyệt diệu, giống như sức thôi miên của mấy con rắn đó.

Quả thật! quả thật!, tôi nói, – Họ có hơi khác thường, hơi kỳ kỳ, phải không ông?

Kỳ kỳ? Kỳ kỳ thật à? Người miền Nam chúng tôi không làm dáng, chúng tôi thích gì làm nấy, nghĩ gì nói nấy, bộc trực lắm.

Quả thật! Quả thật! tôi đáp.

Chắc tại rượu này có hơi nồng, hơi nặng, phải không?

Quả thật vậy! À, bác này, bác có nói là phương pháp mà bác hiện dùng để thay thế phương pháp xoa dịu bây giờ thì khắc khe lắm phải không?

Không đâu! Chúng tôi phải giữ bệnh nhân kỹ, nhưng việc điều trị, phương thức điều trị, thì rất thoải mái cho bệnh nhân.

Phương pháp mới này do chính ông phát minh?

Không hẳn. Một phần là của giáo sư Tarr, mà chắc anh đã biết tiếng, và một vài thay đổi trong chương trình điều trị là của bác sĩ Tarr, mà nếu tôi không lầm anh đã quen biết từ lâu.

Thú thật tôi chưa bao giờ được nghe nói đến hai vị này.

Trời ơi! Maillard la lớn, vừa nói vừa đẩy ghế đứng dậy, hai tay đưa lên trời. Anh nói sao? anh nói anh chưa bao giờ nghe tiếng hai vị thần y, bác sĩ Tarr hay giáo sư Fether?

Thú thật hiểu biết tôi kém lắm, tôi đáp, nhưng tôi không dám nói khoác. Tôi thật kém cỏi quá. Hai người danh tiếng như thế mà tôi không biết gì về họ cả. Tôi sẽ cố tìm đọc những công trình biên khảo của họ. Bác Maillard, thật tôi xấu hổ quá.

Tôi thật tình nói như thế.

Thôi, anh bạn đừng nói đến chuyện đó nữa, Maillard dịu dàng siết tay tôi, nào, chúng ta cùng cạn chén.

Chúng tôi nâng ly. Tất cả mọi người cùng uống không ngừng. Họ nói năng, cười đùa, làm đủ thứ trò nghịch ngợm, đàn kéo ò e, trống đánh lùm bùm, kèn thổi như trâu rống, rượu vào lời ra, cả màn kịch này riết rồi thành một cảnh hỗn loạn vô cùng. Trong lúc đó thì Maillard và tôi chia nhau mấy chai rượu chát, trắng có, đỏ có, vừa uống vừa rán gân cổ đàm thảo, chứ còn nói giọng bình thường thì không thể nào nghe được gì, không khác miệng cá chớp chép ở dưới thác Niagara.

Maillard à! Tôi la to vào lỗ tai ông ta, – lúc nảy trước khi ngồi vào bàn, bác nói phương pháp xoa dịu khi xưa có cái gì nguy hiểm trong đó?

Ðúng rồi!, Maillard đáp, có lúc nguy hiểm lắm. Tính tình mấy người điên thất thường, khó lường được. Tôi quan niệm, và đây cũng là ý kiến của bác sĩ Tarr và giáo sư Fether, để cho mấy người điên tự do đi lại không trông chừng là không an toàn chút nào. Người điên có thể lắng dịu một lúc nào đó, như rồi thì cũng hung hãn trở lại. Họ lém lỉnh có tiếng. Có mưu đồ gì thì họ giữ rất kín kẽ. Và họ có tài giả tỉnh y như người thường. Ðây là một đề tài tâm lý học kỳ thú cho các nhà triết gia siêu hình.

Nhưng, cái nguy hiểm đó, theo kinh nghiệm trong thời gian quản lý nhà thương điên này, liệu lúc nào ông có thấy là để cho mấy người điên được tự do là nguy hiểm lắm không?

Theo kinh nghiệm của tôi? Ở nhà điên này? Phải nói là có. Ví dụ, cách đây không lâu, một biến cố đã xảy ra ngay tại viện này. Lúc đó chúng tôi áp dụng phương pháp xoa dịu như anh nói đó. Các bệnh nhân được đi lại tự do. Họ đàng hoàng lắm, quá đàng hoàng, đàng hoàng đến đỗi ai tính ý một chút thì biết họ đang định dở trò quỷ quái gì đó. Và rồi thì quả y như thế, một ngày đẹp trời, những người giữ bệnh bị trói tay, trói chân lại, và bị đẩy xuống hầm, và được giam giữ như bệnh nhân do chính những người bệnh điên đã chiếm được thượng phong.

Ông nói đùa! Làm gì lại có chuyện kỳ quái như vậy.

Ðó là sự thật. Ðầu dây mối nhợ cũng tại một thằng khùng, một thằng điên, không biết sao hắn nghĩ là hắn đã phát minh ra được một chính sách cai trị mới mẻ chưa từng thấy bao giờ – một chính quyền của người khùng điên. Hắn muốn thử áp dụng phát minh này nên hắn thuyết phục những người bệnh khác toa rập nhau lật đổ chính quyền đương thời.

Rồi hắn ta thành công?

Còn gì nữa. Người giữ bệnh và người bị giữ thay đổi vị trí. Thật ra thì cũng không đúng. Bởi vì những người điên thì vẫn được tự do, còn những người giữ bệnh lại bị bắt nhốt trong chuồng, và bị đối xử một cách phải nói là khá tệ bạc.

Nhưng rồi một cuộc phản cách mạng tất phải xảy đến. Tình trạng đó làm sao kéo dài được. Những người dân ở xung quanh đây, những người đến thăm viếng bệnh viện, chắc thế nào cũng báo động.

Cái này thì cậu lầm rồi. Anh chàng cầm đầu phiến loạn khôn ngoan hơn nhiều. Hắn không cho ai vào viếng thăm cả. Chỉ trừ một thanh niên có vẻ ngu ngốc không có vẻ gì nguy hiểm cả. Hắn cho anh chàng này vào xem viện, để thay đổi không khí một tí, để đùa với anh chàng ta tí ti. Sau khi anh chàng này bị lừa rồi thì hắn để anh chàng ra về, nên anh ta không hề biết ất giáp gì hết.

Vậy rồi mấy người điên đó trị thì được bao lâu?

Lâu lắm, ít ra cũng một tháng, còn lâu hơn nữa hay không, tôi không thể biết rõ. Trong khi đó thì chắc anh cũng đoán được là những người điên này mặc tình vui sống thỏa thích. Họ bỏ hết quần áo cũ, và tha hồ sử dụng y phục và nữ trang trong viện. Hầm rượu của nhà điên chứa đầy rượu, và những người điên này sành điệu uống rượu lắm. Họ sống đế vương lắm, anh tin tôi đi.

Còn cách điều trị nào, phương pháp điều trị đặc biệt nào mà tên cầm đầu phiến loạn đem ra sử dụng?

Cái đó thì người điên không nhất thiết là ngu đần, như tôi đã nói. Thành thật mà nói thì phương pháp điều trị này khá hơn phương pháp dùng trước đó. Phương pháp này quả thật tuyệt hảo, giản dị, dễ áp dụng, không rắc rối gì hết, quả tình rất kỳ diệu…

Maillard đang nói đến đây thì bị một loạt tiếng la ó làm ông phải dừng lại, những tiếng la này giống như những tiếng la lúc nảy đã làm cả phòng lo lắng. Nhưng lần này thì nghe như là những người la ó đang đi đến gần.

Trời đất! Tôi la lên, mấy người điên chắc thoát ra rồi.

Chắc như vậy rồi, Maillard đáp, mặt tái mét.

Ông ta mới vừa dứt lời thì tiếng la lối, tiếng chửi rủa vang lên từ phía ngoài cửa sổ, và ngay sau đó thì quả có người bên ngoài tìm cách xông vào phòng. Chiếc cửa dẫn vào phòng bị đập như là bằng búa rìu, và các cửa số thì bị tông vào hết sức mạnh mẽ.

Sau đó là một màn vô cùng hỗn loạn. Tôi rất đỗi ngạc nhiên thấy ông Maillard chung xuống gầm tủ đựng chén dĩa. Tôi những tưởng ông ta cương cường hơn thế. Các nhạc công, nãy giờ tưởng chừng như đã say khướt nên không còn đàn địch gì được, bây giờ lại ngóc dậy, họ tóm mấy nhạc cụ rồi trèo lên bàn, đồng thanh trổi lên một bản Hành khúc, không đúng nhịp lắm nhưng nghe rất quyết liệt, trong tiếng vang long trời lở đất.

Trong khi đó thì anh chàng lúc nảy bị cấm cản, bây giờ được dịp nhảy trên chiếc bàn ăn chính, giữa các ly chén ngổn ngan. Sau khi sửa bộ chỉnh tề, anh ta bắt một bài diễn thuyết, chắc là tuyệt hay, nếu có ai nghe được. Cùng lúc đó thì anh chàng thích làm bông vụ bắt đầu xoay vù vù khắp cùng đại sảnh một cách thật dũng mãnh, hai cánh tay dơ thẳng ngang vai, trông anh ta thật đúng y như chiếc bông vụ, và anh ta quất ngã mọi ai vô phước bị anh đến gần. Rồi thì tối nghe tiếng chai champagne nổ và rượu xì bọt, tôi ngó quanh thì mới thấy chính do anh chàng bắt chước thứ chai rượu hảo hạng ấy trong bữa ăn.

Rồi thì anh chàng nhái kêu inh ỏi như là ễnh ương uềnh oang khi trời sắp mưa. Và trong cảnh hỗn loạn này thì tiếng lừa hí vang vội hơn cả. Còn bà bạn quý của tôi, bà Joyeuse, trông thật tội nghiệp. Bà ta tỏ vẻ hoang mang hết sức. Bà chỉ đứng một mình ở một xó cạnh lò sưởi, ngước cổ gáy to:

Ò ó o, o o o o o o o!

Và bây giờ thì đến hồi ly kỳ nhất của vở thảm kịch. Vì không có ai chống cự cuộc tấn công từ bên ngoài bằng cách gì hơn là kêu ỏm tỏi, hay hí hú, gáy vang, cả mười chiếc cửa sổ gần như đồng loạt bị đập tung. Nhưng tôi sẽ không bao giờ quên nỗi kinh hoàng khi trông thấy một bầy như khỉ đột, đười ươi hay khỉ đầu chó lông đen ở vùng Cape of Good Hope nhảy qua cửa sổ nhào đến áp đảo những người trong phòng, vừa đánh, vừa đạp, vừa la hét hỗn loạn.

Sau khi bị một trận đòn nhừ tử, tôi lăn xuống dưới một chiếc ghế bành lớn và nằm im đấy. Trong khoảng mười lăm phút, tôi lắng tai nghe mọi động tỉnh trong căn phòng, sau cùng tôi hiểu rành rọt được mọi việc. Thì ra khi ông Maillard kể câu chuyện tên khùng điên nào đó kích thích đồng bọn làm loạn, ông ta đã kể những thành tích của chính ông ta. Hai, ba năm trước, ông quả thật có làm quản lý cho bệnh viện, nhưng ông ta mắc bệnh điên nên đã trở thành một bệnh nhân. Việc này ông bạn đồng hành của tôi không được biết khi giới thiệu tôi. Những nhân viên bệnh viện, cả thảy mười người, bị áp đảo thình lình và bị trước tiên đem trét dầu hắc, sau đó bị đổ lông gà, lông vịt đầy người, rồi bị đem nhốt ở từng dưới đất. Họ bị giam hơn một tháng trời, nhưng ngoài việc được cung cấp đầy đủ dầu hắc và lông gà, lông vịt (đó là phương pháp của Maillard), họ còn được ông ta cho bánh mì và nước uống dư dùng. Nước được bơm xuống hằng ngày. Sau cùng, một tên thoát được qua hệ thống ống cống, và mở khoá cho tất cả mọi người.

Phương pháp xoa dịu với nhiều cải tiến quan trọng đã được tái lập tại toà lâu đài. Tuy nhiên tôi không khỏi đồng ý với Maillard là cách trị liệu của ông ấy quả thật hi hữu, và như ông ấy đã nhận xét, rất giản dị và không gây phiền phức một mảy may nào.

Chỉ có một điểm cần nói rõ thêm là mặc dù tôi đã lục khắp các thư viện ở Âu châu để tìm các tác phẩm của bác sĩ Tarr và giáo sư Fether, đến bây giờ tôi vẫn tôi chưa tìm được một ấn bản nào.

nhavantuonglai

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »

Liên lạc thông qua Instagram

Instagram là tài khoản chính thức của @nhavantuonglai, nên thông qua kênh này bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ tác giả.

  • Tức thời và nhanh chóng

    Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

  • Thân thiện và gần gũi

    Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Instagram là kênh trao đổi công việc chính thức của @nhavantuonglai, phù hợp với các thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

  • Tin cậy

    Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

  • Chuyên nghiệp

    Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.

Một vài sản phẩm đã dựng

Ép tiêu bản hoa khô

Cồn Hến sông Hương

Hoàng hôn đầm Lập An

nhavantuonglai · Ghiblis Music Piano Playlist