Kawabata Yasunari | Tuyển tập truyện ngắn trong lòng bàn tay (Phần 2)
Cái tên truyện ngắn trong lòng bàn tay là một thể loại tác phẩm văn học có đặc điểm là ngắn, ngắn đến nỗi có thể gói trọn trong lòng bàn tay.
· 87 phút đọc.
Cái tên “truyện ngắn trong lòng bàn tay” đến từ tiếng Nhật “tenohira no shôsetsu” (chưởng tiểu thuyết) như cách gọi của hầu hết các nhà văn học sử. Đó là một thể loại tác phẩm văn học có đặc điểm là ngắn, ngắn đến nỗi có thể gói trọn trong lòng bàn tay. Thể loại này còn được nhà phê bình văn học Chiba Kameo (1878-1935), một người cổ vũ cho văn học đại chúng dưới thời Taishô (1912-26) gọi là “shôhen shôsetsu” (chưởng biên tiểu thuyết). Ngoài ra, nhà phê bình Hasegawa Izumi (sinh năm 1918), một người thân cận với Kawabata, đã chủ trương phải đọc là “tanagokoro shôsetsu” [1] tuy viết cùng ba chữ Hán “chưởng tiểu thuyết”. Hasegawa kể lại mình vì thắc mắc nên đã hỏi ý kiến Kawabata và được chính nhà văn đồng ý về cách đọc này [2]. Khi dịch ra tiếng Việt, chúng tôi rất bối rối, không biết nên gọi “trong lòng bàn tay”, “một gang tay” hay “trong gan bàn tay”. Sau khi tham khảo cả lối hiểu của người Tây Phương (palm [3], paume), xin tạm giữ lối gọi “trong lòng bàn tay” cho giống mọi người. Có thể dịch là “truyện cực ngắn” nhưng làm như thế lại đánh mất cái tên rất gợi hình của nó.
Trước Kawabata và đồng thời với ông, đã có nhiều người viết những truyện rất ngắn từ một vài hàng đến mươi hàng hay một hai trang. Tiêu biểu nhất - về độ ngắn mà thôi - từ xưa đã có những công án hay truyện thiền (Vô Môn Quan, Bích Nham Lục hay Sa Thạch Tập). Một thoại của Vô Môn Quan (tác phẩm Trung Quốc đời Tống nhưng đã đến Nhật rất sớm, giữa thế kỷ 13) vỏn vẹn có vài giòng (ví dụ thoại “Triệu Châu cẩu tử” dài đúng có ba hàng). Những mẩu truyện của Natsume Sôseki (1867-1916) trong Yume Juuya (Mười Đêm Mộng Mị, 1908) tuy ảm đạm và huyền bí hơn nhưng cũng rất ngắn, rất thơ, gần với tác phẩm đến sau của Kawabata. Thân thể đàn bà (Nyôtai) của Akutagawa Ryuunosuke (1892-1927) cũng ngắn gọn, thâm trầm. Một tác giả Mỹ đồng niên đại với Kawabata là E. Hemingway (1899-1961) đã để lại những truyện cực ngắn như Up to Michigan, thu được trong lòng bàn tay.
Tuy nhiên điều quan trọng cần nêu ra đây là hành trình đi vào “truyện ngắn trong lòng bàn tay” của Kawabata không phải là một hành trình đơn độc. Ông chỉ là một người trong nhóm bút trẻ của tờ Bungei Jidai (Văn Nghệ Thời Đại) đã cùng nhau đăng trong số báo tháng 2 năm Taishô 14 (1925) một loạt truyện cực ngắn chỉ có từ mươi đến vài mươi giòng. Tên tuổi các cây bút trẻ cùng chí hướng đã thể nghiệm hay chú ý về mặt lý luận của loại tiểu thuyết cực ngắn thời đó nay còn được nhắc tới là hai người bạn của Kawabata: Yokomitsu Riichi (1898-1947) và Nakagawa Yoichi (1897-1994)… cũng như những người ít được biết đến hơn như Kon Tôkô, Okada Saburô, Takeno Fujinosuke, Suga Tadao, Kamiya Kiichi, Suzuki Ganjirô, Ishihama Kinsaku vv…Đặc biệt Nakagawa và Okada rất năng nổ trong việc khai triển và định hướng cho thể loại văn học này.
Tuy nhiên, Kawabata mới là người nổi bật hơn cả trong lãnh vực truyện ngắn trong lòng bàn tay. Ông sáng tác nhiều nhất và đã tạo một văn phong đặc biệt cho nó [4]. Ngày nay, khi nói đến thể loại văn học này, người ta hầu như chỉ biết có ông. Với ông, truyện ngắn trong lòng bàn tay không còn là một thứ phác thảo (croquis) mà nhà văn ghi lại để chuẩn bị cho một tác phẩm lớn sắp viết. Nó đã trở thành một thể loại văn học với những nét đặc thù. Có khi, ông còn ký thác cho nó một nhiệm vụ đặc biệt như khi thay vì khai triển, lại đúc kết một tiểu thuyết khá dài (Xứ tuyết, Yukiguni, 1935-47) thành một truyện ngắn trong lòng bàn tay (Ghi chép về xứ tuyết, Yukigunishô, 1972).
Có thể nói truyện ngắn trong lòng bàn tay của Kawabata đứng giữa biên giới của thơ, tùy bút, hồi ký và truyện ngắn. Nhiều khi ta thấy ông như người kể lại những gì xảy ra trong một giấc mơ. Thay vì làm thơ, ông lồng khung những bài thơ định viết trong tác phẩm văn xuôi. Thể loại văn chương này thích hợp với bản tính ông, một con người mơ mộng, tinh tế và nhạy cảm. Thêm vào đó, khuynh hướng mới duy tâm lý [5] trong văn học mà ông là một người chủ trương ở Nhật cũng phù hợp với lối hành văn và nội dung của các tác phẩm ấy.
Theo lời giải thích của Yoshimura Teiji [6] thì sở dĩ Kawabata viết loại truyện ngắn này là muốn “thể hiện cái hồn thơ nơi mình hồi còn trẻ” mà về sau ông có lần xem như là “một sai lầm” và nhiều khi “đâm ra tự ghét mình” (?). Không hiểu thái độ đó bắt nguồn từ một lý do thầm kín nào hay chẳng qua là một phản tỉnh về mặt kỹ thuật, nhưng các đứa con tinh thần của ông không vì những nhận định tiêu cực của người sinh thành ra nó mà kém được độc giả yêu chuộng.
Tuy nhiên phải nói rằng chỉ trong giai đoạn trước 1926, ông mới viết nhiều thể loại này (36 truyện), sau đó ít đi và có khi lại gián đoạn không viết nó trong một khoảng thời gian dài. Thời kỳ 1944-50 rồi 1960-64, ông có vẻ sung sức hơn so với các giai đoạn khác. Thời kỳ trước tương ứng với thời điểm sáng tác Tiếng trên ngàn (Yama no oto, 1954) và Ngàn cánh hạc (Senbazuru, 1952), thời kỳ sau là lúc ông viết Người đẹp ngủ say (Nemureru Bijô, 1961), Cố đô (Koto, 1962) và Cánh tay (Kataude, 1965).
Hasegawa Izumi [7] thu thập được 147 truyện ngắn trong lòng bàn tay mà Kawabata đã cho đăng tải suốt thời gian từ 1921 đến 1972, nghĩa là trên nửa thế kỷ. Đầu tiên là truyện mang tên Dầu (Abura) đăng trên tạp chí Shinshichô tháng 7 năm 1921. Ghi chép về xứ tuyết (Yukiguni-shô), truyện ngắn trong lòng bàn tay cuối cùng đã đăng trên tạp chí Sunday ngày 13 tháng 8 năm 1972. Có thể Kawabata viết với một số lượng lớn hơn nữa nhưng không đem đăng, nhiều khi còn gạt bớt những truyện đã đăng trên báo ra ngoài tuyển tập. Với 147 truyện trong lòng bàn tay, chắc Hasegawa là người thu lượm được nhiều nhất. Toàn tập 37 quyển của Kawabata do nhà xuất bản Shinchô Bunko ấn hành chỉ gom được 122 truyện và cho cả vào quyển thứ nhất. Cũng cần nói thêm rằng tuyển tập văn chương đầu tay của Kawabata được in ra đã là một tập truyện ngắn trong lòng bàn tay, nhan đề Điểm tô tình cảm (Kanjô sôshoku), gồm 36 truyện đăng trong Bungei Jidai số tháng 7 năm 1926.
Về mặt phân loại nội dung, nếu chúng ta đồng ý với Yoshimura Teiji [8] thì truyện ngắn trong lòng bàn tay của Kawabata [9] có thể chia ra thành nhiều chùm mang đặc điểm khác nhau:
Chùm truyện có tính cách tự thuật với những truyện liên quan đến hoàn cảnh mồ côi cha mẹ và cuộc sống bên cạnh người ông mù lòa như Hốt cốt (Hone hiroi, 1949), Hướng nắng[10] (Hinata, 1923), Mẹ (Haha, 1926), Hai mươi năm (Nijuunen, 1925) …
Chùm truyện có tính cách tự thuật liên quan đến mối tình đầu như Món đồ dễ vỡ (Yowaki Utsuwa, 1924), Người con gái đi về phía lửa (Hi ni yuku kanojo, 1924), Chiếc dù đi mưa[11] (Amagasa, 1932), Cái cưa và sinh nở (Nokogiri to shussan, 1924), Cái huông của tác phẩm đầu tay (Shojosaku no tatari, 1927), Tấm ảnh [12] (Shashin, 1924)…
Chùm truyện lấy bối cảnh miền Izu thơ mộng với các bến cảng, suối nước nóng nơi đó có những nàng con gái tươi tắn, đầy sinh lực, biết vượt khó khăn trong cuộc sống. Ví dụ Tóc (Kami, 1924), Nàng o-Shin tâm bồ tát (O-Shin Jizô, 1925), Bến cảng (Minato, 1924), Chiếc giày mùa hạ (Natsu no Kutsu, 1926), Chiếc nhẫn (Yubiwa, 1924), Mùa đông gần kề (Fuyu chikashi, 1926), Kẻ trộm quả dâu lá bạc [13] (Gumi nusutto), Lời nguyện cầu của người trinh nữ (Shojo ni inori, 1926), Người đẹp trên lưng ngựa (Uma bijin), Kami imasu (Có ông trời, 1926), Đôi mắt mẹ [14] (Haha no me,1928), Ghềnh đá trơn trợt (Suberi iwa, 1925) Tòa lâu đài (Gyokudai, 1925), Cám ơn (Arigatô, 1925), Biển (Umi, 1925), Cô tiểu thư ở Suruga (Suruga reijô, 1927) …
Chùm truyện với bối cảnh của xóm bình dân Asakusa nơi còn đọng cái duyên thầm của Edo lịch sử. Phần này tuy không nhiều nhưng có thể kẻ đến Xướng ngôn viên người Nhật (Nihonjin anna, 1929), Con gà và cô đào hát (Tori to Odoriko, 1930), Oshiroi to gasolin (Phấn và dầu xăng), Ông chồng bị trói (Shibarareta Otto, 1930)…
Chùm truyện giống như những bức ảnh bắt chụp quang cảnh thời thời hậu chiến, nói đến những thể nghiệm tâm lý trong sinh hoạt bản thân và con đường đi về cõi người già như trong Người đàn ông không cười (Warawanu otoko, 1929), Con thuyền lá tre (Sasabune, 1950), Hoa mơ hồng (Kôbai, 1948), Quả trứng (Tamago, 1950)…
Chùm truyện mô tả thế giới huyền ảo của những giấc mơ. Chiếc xe tang (Reikyuusha, 1926), Lũ cá vàng trên sân thượng (Okujô no Kingyo, 1926), Chết chung vì tình (Shinjuu, 1926), Vượt qua cái chết (Fuji, 1963) là những ví dụ.
Mười lăm truyện sau đây trích dịch từ nguyên tác theo bản bỏ túi Tenohira no Shôsetsu do nhà xuất bản Shinchô Bunko thực hiện năm 1971, tái bản lần thứ 25 vào năm 1983. Tập này chỉ có 111 truyện. Nếu muốn dịch trọn vẹn 147 truyện, phải tìm thêm nguyên tác bên ngoài. Cách đánh số truyện dịch từ 1 đến 147 tuân theo thứ tự thời gian xếp đặt rất công phu bởi Hasegawa Izumi.
Nói về nghệ thuật viết đoản thiên, chúng ta biết ở phương tây có những tên tuổi lớn như Guy de Maupassant, Anton Tchekhov, thế nhưng theo Yoshimura Teiji [15], người đáng kể hơn cả trong lãnh vực truyện ngắn có tính cách tâm linh [16] hay tâm lý là L’Isle-Adam [17]. Ông là một nhà văn Pháp thế kỷ 19, xuất thân quí tộc, sống phóng đãng, vượt khỏi thế tình, từng được các thi nhân từ Baudelaire, Mallarmé đến Verlaine kính nể. Chính ông mới là người đã để lại dấu ấn trong các tác phẩm của Mishima và nhất là chùm truyện ngắn trong lòng bàn tay của Kawabata. Điều đó có thể thấy được qua Tà dương (Rakujitsu, 1925) hay Tiếng chân con người (Ningen no ashioto), hai tác phẩm với âm hưởng của thơ siêu thực và là những tác phẩm sắc sảo, tươi mới, vạch được những gì mang ý nghĩa độc đáo, chưa ai khám phá ra nơi tâm hồn con người.
Xin thú thực là công việc dịch thuật từ nguyên tác đòi hỏi một khả năng ngôn ngữ cao mà bản thân người dịch chưa đạt được, không kể sự khó khăn khi muốn truyền đạt cái tinh tế trong lối hành văn ngắn, gọn, hàm súc của Kawabata. Chưa nói đến việc có người còn cho rằng những truyện ngắn trong lòng bàn tay của Kawabata tự chúng đã mơ hồ và bí ẩn như nụ cười của người đẹp Mona Lisa. Nó làm cho vai trò tham gia của độc giả trong việc thưởng thức tác phẩm của Kawabata rất đáng kể.
NGƯỜI CON GÁI ĐI VÀO ĐÁM LỬA (Hi ni yuku kanojo, 1924)
Mặt hồ ở mãi xa, trông bé tẹo và sáng lấp lánh. Nó có cái màu của dải nước tù hãm trong khu vườn cổ một đêm trăng. Khu rừng bên kia mặt hồ đang lặng lẽ cháy. Chỉ trong khoảnh khắc, lửa đã lan rộng. Chắc là một trận hỏa hoạn.
Bên bờ hồ, những chiếc xe vòi rồng chữa lửa chạy như đèn cù, bóng chúng ánh lên mặt nước trông chẳng khác mấy món đồ chơi con nít. Trên con dốc, người ở đâu họp thành đoàn đen kịt, theo nhau leo lên không dứt.
Bất chợt tôi cảm thấy không khí chung quanh vùng bỗng dưng hanh ráo. Trời đất như sáng ra.
Cả một vùng phố xá dân cư dưới con dốc đã chìm trong biển lửa.
Người con gái xông xáo vẹt đoàn người dày đặc, đi ngược chiều xuống phía dưới dốc.
Lạ lùng thay, đó là một thế giới hoàn toàn im lặng.
Nhìn người con gái xăm xăm tiến thẳng về phía lửa, tôi thấy trong lòng mình dâng lên một tình cảm xót xa.
Lúc đó, dù không dùng lời nói, thực ra tôi biết rõ ràng mình đang đối thoại để hiểu những nỗi niềm cô ấy mang trong lòng:
-Tại sao mỗi mình em lại đi ngược chiều xuống dốc? Để cho lửa thiêu chết em sao?
- Em không muốn chết đâu!Tuy nhiên, hướng Tây là nơi có ngôi nhà anh ở. Cho nên em phải đi về đằng Đông!
Giữa những ngọn lửa sáng lòa chỉ có một chấm đen là bóng dáng của nàng, nó chích đau nhức mắt và làm tôi bừng tỉnh dậy.
Có những giọt lệ trào bên khóe mắt.
Chuyện nàng bảo nàng không muốn cả việc đi về hướng nhà tôi là điều tôi đã tiên liệu. Nàng suy nghĩ thế nào, thôi cũng cam đành! Riêng tôi, vì cứ tuân theo lý trí, đứng trước sự thực là tình cảm của nàng bây giờ đã nhạt phai, bên ngoài tôi làm như không còn tha thiết nữa nhưng thực ra vẫn tiếp tục nghĩ theo ý mình mà không đếm xĩa gì tới nàng. Tôi cứ cho rằng cùng tận đáy lòng con người ấy chắc hẳn hãy còn chút gì quyến luyến với mình. Cười khinh miệt cái thằng tôi đấy nhưng sao tôi vẫn âm thầm nuôi dưỡng ý nghĩ đó như một sự thật.
Tuy nhiên, khi nằm mơ như thế, tôi đã chứng tỏ ý tưởng là người con gái không còn mảy may yêu thương mình đã đâm sâu vào tất cả ngõ ngách của hồn tôi mất rồi.
Giấc mơ đó biểu lộ tình cảm của tôi. Còn cái tình cảm của nàng mà tôi thấy trong giấc mơ chỉ là tình cảm tôi đem gán cho nàng. Nhưng nó chỉ phản ánh tình cảm của chính tôi thôi. Mà cái tình cảm đến trong giấc mơ nào có lừa dối hay kiêu kỳ với ai bao giờ đâu!
Nghĩ như thế, một nỗi buồn xâm chiếm lòng tôi.
CHẾT CHUNG VÌ TÌNH (Shinjuu, 1925)
Nàng nhận được một lá thư từ người chồng đã chán ghét mình và bỏ nhà ra đi. Thư ấy gửi từ một miền xa, bẵng đi một dạo cũng tới hai năm.
-Đừng cho con chơi với mấy quả bóng cao su! Ở đây mà còn nghe tiếng động vọng tới. Tiếng đó như nhói vào tim tôi.
Nàng bèn giằng lấy quả bóng từ trong tay đứa con gái mới lên chín.
Lá thư của người chồng lại đến.Địa chỉ người gửi đề trên phong bì khác với lần trước.
(-Đừng cho đứa nhỏ đi ủng tới trường! Ở đây mà còn nghe tiếng chân vọng tới. Tiếng ủng nó đi như dẫm lên tim tôi).
Nàng bèn cho thay đôi ủng của cô con gái ấy bằng đôi dép cỏ đi êm ái hơn. Thế nhưng đứa bé khóc và hết chịu đi học.
Thêm lần nữa, thư người chồng lại đến, sau lá thứ hai độ một tháng. Nàng có cảm tưởng chữ viết trong thư chợt già đi hẳn. (Đừng cho con ăn cơm bằng bát sành! Ở đây mà còn nghe tiếng nó vọng tới. Tiếng đó như phá vỡ tim tôi.)
Nàng mới lấy đũa mình gắp cơm đút cho con như thể nó mới lên ba. Và nàng nhớ lại cảnh hồi đứa con gái mới lên ba, người chồng vui vẻ đứng bên cạnh hai mẹ con.
Con bé con tự tiện lấy cái bát sành của nó từ trong chạn bát mang tới. Nàng bèn giật lấy bát và giận dữ ném lên phiến đá ngoài vườn. Có tiếng trái tim của người chồng vỡ tan. Bỗng nhiên nàng quắc mắt, lông mày dựng ngược, rồi nàng ném cả cái bát của mình ra luôn. Không biết tiếng động vừa gây ra có phải là tiếng động đã làm vỡ trái tim người chồng hay không? Nàng bèn ném tung cả mâm bàn ra ngoài vườn. Hay là vì tiếng động này ? Nàng tông người thật mạnh vào tường và đưa nắm tay đấm lên tường liên hồi. Thân hình nàng mới đó còn vướng như một mũi giáo lên cánh cửa giấy chắn gian buồng, thế mà đã lọt qua bên kia và đổ gập xuống không biết lúc nào. Còn cái tiếng này thì sao?
-Mẹ ơi, mẹ ơi! mẹ ơi!
Nàng đưa tay tát bốp vào mặt đứa con gái vừa khóc vừa chạy đến bên mẹ. Nghe cái tiếng này đi nào!
Giống như âm hưởng tiếng động ấy vọng về, một lá thư khác của người chồng lại đến.Lần này nó mang dấu bưu điện nơi gửi, một vùng đất mới và xa xôi.
“Mấy người tuyệt đối đừng gây thêm một tiếng động nào nữa Đừng đóng hay mở mấy cánh cửa giấy ngăn buồng. Đừng thở nữa. Và cũng đừng cho đồng hồ trong nhà mấy người tích tắc!”
-Mấy người! mấy người! cứ gọi là mấy người!
Nàng thì thào và để mặc nước mắt chảy xuống ràn rụa. Thế rồi nàng không làm bất cứ cái gì để phát ra một tiếng động nào nữa.
Vĩnh viễn không còn một tiếng động vo ve.Tóm lại, hai mẹ con nàng đã chết.
Thế rồi, một điều hết sức kỳ lạ đã xảy ra: người chồng của nàng cũng thấy nằm chết trên gối bên cạnh họ.
TRO CỐT LINH THIÊNG (Kami no hone, 1927)
Kasahara Seiichi, giám đốc quản trị một công ty xe điện chạy đường ngoại thành, Takamura Tokijuurô, diễn viên điện ảnh chuyên đóng loại tuồng dã sử, Tsujii Mori, sinh viên y khoa đại học tư thục P. cũng như Sakuma Benji, chủ một cửa hàng cơm Quảng Đông, bốn người đàn ông, đều nhận được một lá thư riêng có cùng nội dung do cô gái tênYumiko, hầu bàn ở tiệm giải khát Aosaki (Cò Xám) gửi đến. “Em xin gửi một ít di cốt đến mấy anh. Xương của một vị thần đấy Đứa bé sơ sinh đã sống được một ngày rưỡi. Khi mới chào đời, nó đã ươn yếu rồi. Em nhớ mang máng nhìn thấy cô khán hộ nắm ngược hai chân lên và lắc, rốt cục đứa bé mới bật ra tiếng khóc. Trưa hôm qua, em nghe nói nó chết sau khi ngáp ngáp hai cái. Thế nhưng nó còn khá hơn đứa trẻ của bà nằm giường bên cạnh em, bảy tháng đã sinh non, sau khi ở trong bụng chui ra, chỉ bắn được một tia nước đái rồi đi luôn.
Đứa bé nhà em chẳng mang hình ảnh một người nào trong đám mấy anh cả. Nó cũng không giống em mảy may. Xin các anh cứ tưởng tượng ra khuôn mặt một con búp bê đẹp đẽ, dễ thương nhất trần đời là đủ rồi. Ngoài ra, nó không có ưu điểm hay khuyết điểm nào hết. Ngay đến em cũng chỉ nhớ mỗi đôi má bầu bầu hơi xệ, và sau khi nó chết rồi, cặp môi còn đượm chút màu máu nhợt nhạt của nó. Các cô khán hộ ai cũng quở thằng bé xinh xắn và trắng trẻo.
Nếu đứa bé này còn tiếp tục sống, nó chỉ vô phúc thôi vì thân thể quá èo uột, nên em nghĩ, hay hơn để nó chết đi trước khi cả sữa mẹ cũng chê và hết còn biết cười. Em khóc hết nước mắt tội nghiệp cho đứa con ra đời mà chẳng giống ai trong đám các anh. Em tự hỏi phải chăng dầu chỉ là một đứa bé sơ sinh, đúng ra từ khi là một bào thai trong bụng mẹ, lòng nó chắc đã đau đớn lắm khi tìm cách nào để sinh ra đời mà không giống bất cứ người nào trong đám các anh. Hoặc giả đứa bé đã sớm rời bỏ cuộc đời này vì mang ý nghĩ là nó phải chết đi trước khi có thể trở thành một kẻ giống như mấy anh.
Anh ơi! Không, chắc em phải gọi rõ ràng là “Mấy anh ơi!” mới đúng.Đến nay, tất cả các anh đều tỉnh bơ không đếm xỉa. Cho dù em có ngủ với một trăm, một nghìn người đàn ông, các anh cũng xem đó chẳng khác nào con số những cọc gỗ dùng để lát lề đường. Vậy mà, lạ làm sao, khi nghe tim em có bầu, các anh lại xôn xao đến thế! Lúc đó mới đi vác cái kính hiển vi to tướng của lũ đàn ông các anh đến để thậm thụt xoi mói bí mật đời một người đàn bà.
Tuy là chuyện đời xưa nhưng chắc các anh còn nhớ chứ? Hòa thượng Hakuin [2] có lần bế đứa hài nhi, con một cô gái chửa hoang và nhận là con mình. Đứa bé nhà em cũng được Thượng Đế cứu giúp như thế đó. Khi đứa con của em hãy còn là một bào thai trong bụng mẹ, nó đang buồn khổ suy nghĩ không biết mình nên giống ai thì ngài đã nói với nó:
- Này chú bé đáng yêu ơi! Con hãy mang hình ảnh của ta, hình ảnh thiêng liêng của Thượng Đế, mà ra đời. Con hãy là đứa con của cả loài người!
Vì vậy, lý do em không thể bảo con của em nên giống ai trong đám các anh là vì em nghĩ đến từ tâm của đứa bé đáng thương ấy.Và em mới đem mớ di cốt của nó phân phát cho các anh.
Ông giám đốc quản trị công ty lấy một mảnh giấy nhỏ bọc mảnh xương tàn lại rồi lật đật dấu trong túi. Vào xe hơi, ông mới lén mở ra xem. Đến hãng, ông gọi cô thư ký đánh máy, khi muốn hút một điếu thuốc, mới cầm lấy miếng xương, rút từ túi ra một lượt với gói Happy Hits. Ông chủ hàng cơm thì vừa cầm miếng xương ngửi lấy ngửi để vừa mở cửa tủ sắt, rút mớ tiền bán hàng thu nhập ngày hôm trước ra đưa đi ngân hàng rồi bỏ mẩu giấy trắng đựng cốt thay vào. Anh sinh viên y khoa ngồi giữa toa tàu điện đi trong tỉnh, rung theo nhịp tàu, bị cái đùi trắng chắc nịch và trắng bóc như hoa xoan [3] của cô nữ sinh viên bên cạnh đụng mạnh vào làm vỡ miếng xương đứa bé anh để trong túi. Lòng anh bỗng đâm ra rạo rực với ý nghĩ làm sao lấy được cô nàng làm vợ. Còn người diễn viên điện ảnh thì dấu miếng xương phần mình vào trong cái đãy bí mật có đựng mấy cái bào ngừa thai làm bằng da cá [4] và bột thuốc cường dương, phóng như bay tới phim trường để thu hình.
Thế rồi, một tháng sau, ông giám đốc Kasahara Seichi tự đến tiệm Cò Xám và nói với Yumiko:
-Chắc phải đem mớ xương ấy mà gửi nhà chùa đi chứ nhỉ! Tại sao em cứ giữ riệt nó vậy?
-Ô hay! Em cái gì! Đã chia nó hết cả cho các anh rồi mà! Ai đâu còn giử gì nữa!
CÔ TIỂU THƯ Ở SURUGA (Suruga no Reijô, 1927)
- Chao ôi! Sao mình chỉ muốn sống đâu đó chung quanh vùng Gotemba này thôi. Làm người ta mất cả tiếng rưỡi đồng hồ chớ ít đâu!
Lúc đó, tàu hỏa vừa vặn ngừng ở ga Gotemba. Cô nữ sinh nhấc hai đầu gối lên như con châu chấu rồi dậm chân xuống sàn toa hành khách, má thì áp vào cửa kính, nhìn theo bóng những người bạn đang ngây thơ ra hiệu chào nhau bằng mắt từ phía sân ga. Cô phát biểu ý kiến như thế với vẻ chán chường, tưởng chừng muốn xuôi tay.
?àu chợt vắng ngắt khi đến ga Gotemba. Những ai phải đi một lộ trình dài bằng tàu chợ khi không bắt được tàu tốc hành đều hiểu được tại sao có cảnh tượng này. Sáng vào khoảng tám chín giờ, còn chiều thì từ hai ba giờ, toa tàu như được chất đầy những bó hoa. Đám nữ sinh trên những chuyến tàu chở học trò đến trường đã làm cho mấy toa xe khách tươi sáng và náo nhiệt hẳn lên. Nhưng khoảnh khắc sáng sủa và xinh tươi như vậy sao mà phù du! Chuyến xe trước còn cả năm mươi cô nữ sinh, mới mười phút sau, trên chuyến kế tiếp đã không còn lấy một bóng hồng. Vậy mà tôi có cảm tưởng đã gặp trong những chuyến du hành bằng xe hỏa của mình không biết cơ man nào những cô nữ sinh đến từ tất cả các vùng.
Tuy vậy, lần này tôi không phải là người đang làm một cuộc du hành dài. Tôi chỉ đi đoạn từ Izu lên Tôkyô thôi. Dạo đó, tôi còn sống trong vùng núi non miền Izu. Từ Izu đến Mishima phải đổi tàu qua đường Tôkaidô, thế mà chuyến tàu nào tôi đi cũng gặp đúng cái giờ hoa nở tưng bừng đó. Các cô là học sinh của hai trường nữ, một ở Numazu và một ở Mishima. Nhân vì mỗi tháng tôi lên Tôkyô một đến hai lần, nên chỉ cần một năm là đủ nhớ hết mặt khoảng hai mươi cô trong đám.
Nó gợi lại bầu không khí thủa thiếu thời, lúc bản thân tôi cũng đáp tàu đi học trung học như thế này. Và tôi nhớ được ngay cả các chi tiết như các cô nữ sinh ấy thường sẽ leo lên toa số mấy.
Hôm đó tôi nhớ mình đã chọn cái toa áp cuối. Cô gái vừa nói cô mất những một tiếng rưỡi thì chắc phải lấy tàu từ Numazu về tận Suruga. Như thế, cô là dân vùng Suruga. Nếu là người từng lấy xe hỏa đi quá Hakone, ai cũng có thể đoán được việc ấy. Suruga là một thành phố nơi mà mấy cô thợ trong xưởng dệt lớn nằm bên kia hòn núi ven sông vẫn hay vẫy những chiếc khăn trắng theo đoàn tàu từ cửa sổ hay từ sân nhà máy. Cô nữ sinh này có lẽ là con gái một ông kỹ sư hay nhân viên nào làm trong hãng dệt. Cô có thói quen leo lên toa tàu áp cuối. Cô còn là người xinh xắn và láu táu nhất đám.
Mất một tiếng rưỡi, còn phải tính mỗi ngày hai bận đi về thì đúng là lâu la, cái thân hình thoăn thoắt như nai con thế kia chắc đến thối thây mất. Nhất là mùa đông, ra khỏi nhà hãy còn tối mà phải về lúc trời đã nhá nhem.Chuyến xe lửa ấy về tới ga Suruga lúc 5 giờ 18 phút mà! Có điều đối với tôi thì một tiếng rưỡi đồng hồ đó sao mà quá ngắn ngủi. Tôi nhìn - nhưng làm bộ như lơ đãng - cái cô bé hết nói chuyện lại lấy sách giáo khoa ra đọc, hết đan rồi lại bỏ chỗ mình ngồi ghé qua đám bạn để quấy phá…mà thấy thời gian trôi sao quá nhanh. Rồi khi tàu vào ga Gotemba thì tôi chỉ còn có mỗi 20 phút bên nàng.
Tôi cũng như nàng, cả hai đưa mắt nhìn theo như tiễn đưa mấy cô học trò bước trên sân ga trong màn mưa. Vì trời đã vào tháng mười hai rồi nên những ngọn đèn điện đẫm nước mưa chỉ sáng lù mù.Phía rặng núi xa đen sẫm, hình như có ánh lửa tươi tắn của một đám cháy rừng đang bùng lên.
Cô gái nãy giờ vẫn lí lắc bỗng trở nên nghiêm nghị, bắt đầu rù rì gì đó với chúng bạn. Hình như cô đang hé cho họ biết chuyện tháng ba sang năm cô sẽ tốt nghiệp rồi lên Tôkyô nhập học một đại học nữ trên đó.
Tàu đỗ ở ga Suruga. Đến đây thì không còn bóng nữ sinh nào nữa. Mưa rơi ào ạt trên kính cửa sổ toa tàu nơi tôi áp mặt chực nhìn theo bóng cô gái. Giữa khi cô đang định rời chiếc xe thì chợt có tiếng kêu:
-Cô, cô ơi!
Kìa, không phải có một người còn gái hấp tấp chạy đến bên cạnh và đột ngột ôm choàng lấy cô là gì!
-Ơ kia!
-Em đợi cô đó. Đáng lẽ em lấy được chuyến xe lửa 2 giờ đó chứ, nhưng tại em muốn gặp cô…
Thế rồi hai cô nàng che chung một chiếc ô đen, quên cả trời đang mưa, hai khuôn mặt thiếu điều tựa sát vào nhau, họ trò chuyện huyên thiên. Có tiếng tu huýt báo xe chạy. Cô thợ trẻ vội phóng vào bên trong xe và ló đầu ra ngoài cửa sổ.
-Nếu tôi lên Tôkyô chắc mình lại gặp nhau trên đó phải không? Nhớ ghé chỗ ký túc xá tôi chơi nghe!
-Em không đi được đâu cô!
-Ủa, sao vậy?
Hai người, mỗi người mang một nỗi buồn riêng trên gương mặt. Cô gái kia có lẽ là một nữ công nhân trong xưởng dệt. Cô định nghĩ việc hãng để lên Tôkyô. Nhân vì muốn gặp cô bé học trò nên đã đến cái ga này và chờ bạn non ba tiếng đồng hồ.
-Mình gặp nhau ở Tôkyô nhé!
-Vâng!
-Thôi, chào bồ nghe!
-Em chào cô!
Đôi vai của cô thợ trẻ ướt đẫm nước mưa. Chắc là đôi vai cô nữ sinh cũng đầm đìa như thế.
NHỮNG CON THUYỀN LÁ TRE (Sasabune, 1950)
Akiko đặt cái chậu xuống cạnh đám hoa thục quì, xong mới ngắt mấy lá tre lùn nấp dưới vòm cây mơ, cô làm được bao nhiêu là thuyền lá tre và cho nó nổi trên mặt nước trong chậu. -Này, thuyền đấy. Em thấy có hay không?
Đứa bé con đứng trước cái chậu, khom người nhìn mấy chiếc thuyền lá tre. Thế rồi, ngước mắt lên ngó Akiko, nó cười hăng hắc.
-Thuyền đẹp ghê. Thấy bé ngoan, chị Akiko làm thuyền cho con đấy. Hai chị em chơi với nhau đi nhé!
Người mẹ dặn dò xong, quay lưng đi vào phòng khách.
Bà ta là mẹ người chồng chưa cưới của Akiko. Đoán là bà có chuyện muốn nói riêng với bố mình nên Akiko muốn tránh mặt đi một chốc. Nhân đứa bé con hay vòi vĩnh nên bà nhờ cô dắt nó ra ngoài vườn luôn. Thằng bé là đứa em út người chồng chưa cưới của cô.
Đứa trẻ đưa bàn tay nhỏ bé của nó chọc vào cái chậu, khoắng khoắng mấy vòng.
-Chị ơi, mấy cái thuyền đang chơi trò chiến tranh với nhau kìa.
Nó có vẻ thích thú khi nhìn mấy con thuyền lá tre mất hướng cứ chạy loạn lên.
Akiko bước ra chỗ khác, vắt mấy cái áo yukata nàng mới giặt xong đem phơi trên sào.
Chiến tranh đã chấm dứt từ lâu rồi. Thế mà người chồng chưa cưới của cô không thấy về.
-Chiến tranh đi! Cứ đánh nhau nữa. Chiến tranh. Đánh nữa, đánh!
Đứa bé càng ngay càng hăng, cho tay ngoáy mạnh hơn trước. Nước bắn lên cả mặt mũi nó.
-Ô hay, đừng làm thế chứ em. Mặt mũi ướt nhem rồi kìa!
-Em không bằng lòng! Thuyền nó không chịu chạy mà!
Đúng thật, thuyền không chạy được một mình, chúng chỉ nổi bập bềnh trên mặt nước.
-Thôi được, mình ra ngoài con sông đằng sau nhà đi! Thuyền sẽ chạy nhanh cho em xem!
Thằng bé mang theo những con thuyền lá tre, còn Akiko thì đổ nước xuống mấy gốc thục quì và đem cái chậu trả lại nhà bếp.
Hai người bước lên bậc đá dẫn xuống mé sông, họ thả từng chiếc thuyền một. Thằng bé con vỗ tay khoái chí.
-Thuyền em về hạng nhất kìa, chị ạ!
Sợ để mất dạng con thuyền đi nhanh nhất, thằng bé chạy men theo sông về phía hạ lưu.
Akiko vội vã phóng nốt những chiếc thuyền còn lại rồi đuổi theo thằng bé.
Bất chợt cô nhớ ra mình phải cố gắng đi làm sao cho bàn chân trái chạm đất mới được.
Akiko vốn mắc chứng tê liệt trẻ em, gót chân trái của cô đi không chấm đất, do đó nó cứ bé xíu và mềm èo. Mu bàn chân bên trái của cô lại vồng lên. Do đó, cô không nhảy dây cũng như đi du ngoạn với bạn cùng lớp được. Cô định bụng mình sẽ sống cô độc lặng lẽ cho hết một đời. Thế nhưng không dè rồi cũng mai mối đính hôn. Tuy thân thể tật nguyền nhưng cô tự tin mình có thể dùng ý chí bù đắp. Gần đây cô đã quyết tâm tập đi đứng cho ra trò để gót chân bên trái có thể chấm đất. Thử làm như thế thì quai dép bên chân trái lại tuột ngay nhưng Akiko vẫn tiếp tục chịu khó. Tuy vậy từ ngày nước nhà bại trận, cô bỗng đâm ngưng việc luyện tập. Chỗ xây xát vì dẹp tuột hãy còn để lại dấu đỏ hỏn trên bàn chân trái.
Vì đứa bé con là em của người chồng chưa cưới cho nên Akiko phải cố đặt gót chân trái sát mặt đất mà đi theo. Đã lâu lắm nàng mới phải gắng sức như thế.
Chiều ngang của con sông thì hẹp, mấy chòm cỏ dại rủ xuống bên dòng nước. Ba bốn chiếc thuyền lá tre bị vướng phải tấp vào đó.
Đứa trẻ đang đứng khoảng hai mươi bước trước mặt nàng, không để ý là Akiko đã đến cạnh mình, vẫn chăm chú nhìn theo những con thuyền lá tre đang trôi. Nó không nhận ra cách đi đứng khó khăn của Akiko.
Chỗ lõm sau ót của thằng bé thật sâu giống như người chồng chưa cưới của cô làm cho Akiko bỗng cầm lòng không đậu, muốn ôm lấy thằng bé và bồng nó lên làm sao!
Bà mẹ vừa ra đến nơi, chào từ giã Akiko rồi giục thằng bé về với mình. Nó chỉ nói qua loa:
- Em về, chị!
Akiko thầm nghĩ không biết bà vừa báo tin người chồng chưa cưới của mình đã tử trận hay đề nghị bãi bỏ đám hỏi. Chịu đi lấy một người con gái thọt chân cũng là một chuyện thương tâm chỉ có trong thời chiến.
Akiko không đi vào nhà mà qua xem một ngôi nhà mới cất bên hàng xóm. Ngôi nhà thật lớn, hiếm thấy trong vùng này nên người đi qua đi lại ai cũng đưa mắt ngắm nó. Hồi còn chiến tranh, việc xây cất phải đình lại, chung quanh nhà mấy đống gỗ cỏ dại mọc lên thật cao. Mấy lúc này bất chợt công việc tiến hành trở lại. Người ta đã đem trồng hai cây tùng dáng trông thật cứng cáp đằng trước cửa.
Akiko thấy sao ngôi nhà này không có chút gì dễ thương, lại còn có vẻ cứng nhắc nữa. Thế nhưng sao mà nó nhiều cửa sổ quá thể! Phòng như phòng khách bốn bên đều có cửa sổ cả [5].
Hàng xóm xì xào mấy chuyện như ai là người sẽ dọn đến nơi đây thật tình chả có người nào biết thật đích xác.
MƯA THU (Aki no ame, 1950)
Hình ảnh huyền ảo của lá núi mùa thu đỏ rực như lửa đang đổ xuống in trong đáy mắt tôi.
Khó lòng gọi đó là núi, phải nói một thung lũng nằm trong lòng núi. Thung lũng ấy thật sâu, còn ngọn núi thì sừng sững, áp tới hai bên triền của con sông chảy ra từ thung lũng ấy. Chỉ khi ngẫng mặt nhìn thẳng lên khoảng không gian ngay trên đầu mình, tôi mới nhận ra được bầu trời trên đỉnh núi. Da trời hãy còn xanh nhưng đã nhuốm màu chiều.
Màu chiều cũng đã bao trùm lên những tảng đá trắng của con sông chảy dọc theo thung lũng. Cái tịch mịch của vòm lá đỏ như choàng lên và thấm sâu vào tận châu thân, không hiểu có phải vì nó muốn cho tôi cảm nhận sớm hơn cái cảnh chiều về? Nước con sông dọc theo thung lũng nhuộm một màu xanh thẫm, và giữa khi tôi còn đang tự hỏi tại sao không thấy màu lá đỏ in bóng xuống dòng nước xanh thì chợt nhận ra rằng lửa đang rơi xuống dòng sông.
Lửa không rơi thành trận mưa lửa, cũng không bắn bằng những tia nhỏ, nó chỉ chiếu sáng lấp lánh từng quầng trên mặt nước. Thế nhưng quả thực nó đang rơi. Từng quầng lửa một rơi xuống mặt sông rồi tan biến. Trong khi còn đang buông rơi giữa tầng núi, nó chưa lộ ra sắc lửa vì tiệp màu với lá đỏ rừng thu. Chính vì thế, khi ngẩng mặt nhìn lên, tôi mới thấy, từ trên bầu trời, những quầng lửa nhỏ rơi sao mà nhanh quá. Chẳng hiểu có phải vì sự chuyển động của những quầng lửa ấy hay không mà bầu trời thu hẹp lại giữa hai đỉnh núi dựng lên như hai bờ đá trông cũng giống như một dòng sông đang trôi.
Đó là hình ảnh huyền ảo mà tôi đã nhìn thấy lúc trời đã về đêm, trong khi đang chập chờn trên chuyến xe hỏa tốc hành đi Kyôto.
Có hai đứa bé gái tôi vẫn còn giữ lại hình ảnh trong ký ức từ mười lăm mười sáu năm về trước, hồi tôi đang nằm viện để mổ lấy sạn ở túi mật. Hôm nay, tôi làm chuyến hành trình này để gặp một trong hai người đó tại một khách sạn Kyôto.
Một trong hai đứa là một trẻ sơ sinh, khi mới đẻ đã bị khuyết tật thiếu ống thông mật, hy vọng sống còn của nó không thể kéo dài quá một năm. Do đó, người ta phải giải phẩu để đặt một ống nhân tạo thông lá gan và túi mật. Lúc người mẹ bế nó đứng trong hành lang thì tôi đến gần bên, nhìn đứa bé sơ sinh và nói:
-Mọi chuyện êm đẹp chứ! Em bé trông xinh là.
Người đàn bà lặng lẽ trả lời:
-Cảm ơn ông. Bác sĩ nói cháu nó không còn hy vọng gì, chỉ nội hôm nay hoặc ngày mai thôi. Tôi đang đợi người nhà đến đón về nhà đấy.
Bé con đang ngủ một cách hồn nhiên. Lớp áo kimono in hoa văn hoa trà hơi phồng phồng chắc vì lồng ngực nó được cuộn trong lớp băng che vết thương giải phẩu.
Mấy lời thăm hỏi bệnh tình của tôi với người mẹ của đứa bé có phần vô ý tứ cũng bởi vì giữa con bệnh cũng nằm nhà thương với nhau, ai nấy đều đã quen với đủ mọi tình huống mất rồi.
Trong cái bệnh viện ngoại khoa này, nhiều đứa bé đến để mổ tim, và trước khi mổ, chúng còn chạy nhảy loanh quanh, đùa giỡn trong hành lang, nghịch ngợm lấy thang máy lên xuống, và đôi khi bất chợt, tôi cũng có dịp trao đổi dăm câu chuyện với chúng. Chúng từ năm đến bảy tám tuổi, là đám trẻ thuộc diện có khuyết tật bẩm sinh, mổ càng sớm càng tốt , nếu không e khó sống lâu.
Trong đám trẻ con ấy, có một đứa đặc biệt lôi cuốn sự chú ý của tôi. Có thể nói hầu như lúc nào tôi lấy thang máy thì nó cũng đã có mặt ở đó. Đó là một bé gái khoảng năm tuổi, hay ngồi chồm hổm một mình trong một góc thang máy, dưới chân mấy người lớn, miệng cứ phụng phịu. Mắt nó khó đăm đăm, còn miệng cứ hay mím chặt. Cái tướng cứng đầu! Khi hỏi thăm người y tá tháp tùng tôi thì cô ta cho biết đứa bé gái đó mỗi ngày cứ lấy thang máy một mình lên lên xuống xuống như thế suốt hai ba tiếng đồng hồ. Ngay cả lúc ngồi trên chiếc ghế dài trong hành lang, mặt nó cũng toát ra nét giận dữ. Dù tôi muốn bắt chuyện, ánh mắt cũng không hề dịu xuống. “Con bé này mai sau đáng gờm lắm đấy!”, tôi có lần bảo với cô y tá như vậy.
Thế rồi tôi không thấy đứa con gái đó đâu nữa.
- Cô bé đó cũng mổ rồi à? Sau đó, có thấy khá ra không?
Khi tôi hỏi như thế, cô y tá trả lời:
-Chưa mổ nó đã bỏ về mất. Thấy đứa nhỏ nằm giường bên cạnh bị chết, nó cứ lập đi lập là lại: “Em không chịu đâu, cho em về!“. Ai có khuyên mấy, nó cũng không nghe.
-Hừmm? …Nhưng không cho mổ thì sao sống nổi?
Giờ đây, đứa bé ấy đã trở thành một thiếu nữ đang thì và tôi đang trên đường đi Kyôto để gặp cô nàng.
Tiếng mưa rơi đập lên mặt kính chiếc cửa sổ toa xe khách đã làm tôi mở mắt, kéo tôi ra khỏi trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Huyễn ảnh đã tan biến đi. Trong khi đang ngủ chập chờn, tôi vẫn biết mưa đang rơi trên cửa sổ nhưng bây giờ mới thấy gió đã thổi mạnh làm mưa đập nhanh đến độ gây thành tiếng. Những giọt mưa ngoài cửa sổ vẫn giữ nguyên hình thù giọt nước và chảy nghiêng trên mặt kính. Chúng lăn chậm rãi từ góc bên này sang góc bên kia cửa sổ, lâu lâu ngừng một khoảnh khắc rồi lại tiếp tục di động và cứ như thế mãi. Tôi bắt đầu làm quen với nhịp điệu của chúng. Có giọt mới đặt xuống đã đuổi nhanh để vượt những giọt nước trước. Có giọt bên trên muốn chảy xuống dưới cả những giọt đã nằm mãi dưới, rồi hợp lại với nhau và đan thành một đường nước trên cánh cửa. Nhịp điệu của chúng nghe giống như âm nhạc.
Cảnh núi lá đỏ mùa thu rơi xuống như lửa chỉ là huyễn ảnh hiện ra lặng lẽ, không gây lấy một tiếng động. Thế nhưng tôi lại tưởng tượng rằng âm nhạc do những giọt mưa rơi thành quầng sau khi chạm vào cửa kính đã tạo ra huyễn ảnh về quầng lửa đang rơi xuống.
Tôi đã được một hãng sản xuất y phục truyền thống mời dự một cuộc trình diễn kimono tân niên tổ chức ở gian đại sảnh của một khách sạn Kyôto vào hai hôm sau. Trong số những người mẩu tham dự ở khách sạn ấy sẽ có Beppu Ritsuko. Tôi không hề quên tên của đứa bé gái đó. Tuy nhiên tôi không ngờ ngày nay cô đã trở thành một người mẩu trang phục. Tôi không có mục đích đến Kyôto xem lá đỏ mùa thu. Tôi chỉ muốn đến đó để gặp Ritsuko thôi.
Ngày hôm sau, trời vẫn tiếp tục mưa. Xế chiều, tôi lên phòng đợi của khách sạn trên tầng bốn để xem truyền hình. Hình như đây cũng là phòng đợi dành cho khách các buổi chiêu đãi nên đã thấy có ba bốn cặp đến dự tiệc cưới đang đứng đấy, vài cô dâu diện đồ cưới cũng đi ngang qua. Đôi khi ngoảnh lại sau lưng, tôi nhận ra một cặp dâu rễ được sắp xếp làm lễ xong trước, đã rời khỏi nơi cử hành lễ cưới, đang đứng chụp ảnh kỷ niệm.
Chủ nhân của hảng sản xuất y phục truyền thống cũng đang ở đó. Tôi chào ông và hỏi thăm cô Beppu Ritsuko đã đến chưa. Ông chủ bèn đưa mắt ra hiệu cho tôi. Người con gái đang đứng trước cánh cửa sổ nhòa ướt nước mưa và đăm chiêu nhìn hai cô dâu chú rễ đang chụp ảnh kỹ niệm chính là Ritsuko. Vẫn đôi môi mím chặt như thuở nào. Cô hãy còn sống và đã trở thành một cô gái cao lớn, xinh đẹp! Không biết cô ấy còn nhớ tôi không, có nhận ra tôi không nhỉ! Tôi muốn cất tiếng hỏi thăm cô nhưng rồi dằn lại được.
Ông chủ hiệu bỗng ghé vào tai tôi thì thầm:
-Cô ta là người mà trong buổi trình diễn ngày mai, chúng tôi định sắp đặt cho mặc bộ áo cưới đấy!
HÀNG XÓM (Rinjin, 1962)
-Có được người như hai ông bà, thế nào các cụ tôi cũng vui lòng! Murano thốt ra như vậy khi nhìn cặp vợ chồng mới cưới Kichirô và Yukiko.
- Cả bố lẫn mẹ tôi đều bị bệnh lãng tai, nếu thấy các cụ có gì kỳ khôi, xin ông bà cảm phiền đừng để ý nhé!
Vì công ăn việc làm, Murano phải dọn lên Tôkyô, ngôi nhà ở Kamakura chỉ còn mỗi bố mẹ già. Hai cụ lại sống biệt lập bên cạnh nên ngôi nhà chính phải kiếm người cho thuê. Phần thì thay vì đóng sập cửa, cho mướn vẫn hơn, phần cũng để cho hai cụ khỏi buồn, do đó, tiền nhà chỉ lấy cho có. Nhân ông mai đám cưới vợ chồng Kichirô là chỗ quen biết với Murano nên đã nhận phận sự móc nối hai bên. Khi Kichirô đưa Yukiko đến gặp Murano, dường như họ liền được ông chấp nhận dễ dàng kiểu ờ, thôi được mà. Murano mới nói:
- Từ đây bên cạnh hai ông bà già điếc sẽ như có hoa nở bừng lên đấy nhỉ! Không phải vì hai ông bà là vợ chồng mới cưới nên tôi mới nói chứ tiếp đón một cặp vợ chồng son thì cả căn nhà cũ kỹ lẫn hai ông bà già lụ khụ đều như thấy được cái ánh sáng của tuổi trẻ chiếu rọi tới.
Ngôi nhà Kamakura ấy mằm tít tận xa nơi có nhiều vạt đất trủng ẩm thấp gọi là yato của thành phố Kamakura. Căn nhà chính có sáu buồng, đối với cặp vợ chồng mới cưới thì quá rộng, lại nữa, cái đêm mới dọn về, họ chưa quen với ngôi nhà lẫn sự yên ắng, mới giăng đèn điện khắp nơi, để nguyên đèn sáng cả chỗ cửa ra vào cũng như phía ngoài vườn của căn phòng khách diện tích mười hai tấm tatami (chiếu). Tuy là gian buồng rộng nhất nhưng từ tủ áo, bàn trang điểm, chăn đệm và tất cả những thứ đồ đạc linh tinh của một cô dâu mới về nhà chồng, Yukiko đã khuân chất vào đó cho bằng được. Khi chật đến độ không còn ngay cả chỗ cho hai vợ chồng ngồi, họ mới an tâm.
Cái vòng đeo cổ của Yukiko có những hạt ngọc giống như mắt chuồn chuồn [6], tùy cách sắp xếp chúng lại với nhau có thể thành ra những chiếc vòng mới với hình thù khác nhau. Năm sáu năm về trước cha của cô mua được khoảng hai trăm hạt ngọc cổ như thế của thổ dân Đài Loan và hồi trước khi Yukiko lấy chồng, ông đã cho cô chọn mười sáu mười bảy hạt trong đó để làm thành xâu chuỗi đem theo trong chuyến đi chơi tuần trăng mật. Vì là món đồ cổ ngoạn của người cha cho nên Yukiko gửi gắm tất cả tình cảm thương nhớ cha mẹ mà mình phải lìa xa vào cả trong ấy. Buổi sáng sau tối tân hôn, cô đã đem nó ra đeo lên trên cổ. Kichirô như bị xâu chuỗi thu hút, ôm chầm lấy Yukiko và dụi mặt mình lên cổ nàng. Yukiko vì nhột vừa cất tiếng kêu vừa tìm cách quay cổ lẫn tránh làm cho sợi dây xâu chuỗi hạt bất chợt đứt tung, các viên đá quí tung tóe khắp trên sàn.
-Ấy chết!
Kichirô kêu lên và vội buông vợ ra. Hai người lồm cồm nhặt những hạt rơi vãi trên mặt sàn. Yukiko không thể nhịn cười được khi nhìn thấy Kichirô đang lết hai đầu gối bò kiếm mấy hạt ngọc. Trận cười bất chợt giúp nàng giải tỏa hết mọi căng thẳng trong người.
Đêm mới đến Kamakura, nàng định đem những hạt ngọc rơi vãi đã nhặt lại được xâu lại thành một chuỗi mới. Những hạt ngọc mắt chuồn ấy về hình thù lẫn màu sắc không có hạt nào giống hạt nào. Hạt tròn, hạt vuông, có hạt lại dài hình ống. Đỏ, xanh, tím, vàng đủ cả, màu thiên nhiên thật đấy nhưng với thời gian đã cũ đi nên có hơi chìm. Những hoa văn chạm trỗ lên trên cũng là do bàn tay chất phác của thổ dân bản xứ. Mỗi lần thay đổi cách sắp xếp chúng thì họ lại có những xâu chuỗi mới với hình dạng khác nhau. Xưa kia chúng vẫn là vật trang sức của thổ dân nên mỗi hạt đều đã được đục sẳn lỗ để xuyên giây qua.
Yukiko thử thay đổi cách sắp xếp để xem xâu chuổi thành ra làm sao thì đã nghe tiếng Kichirô:
Ủa, em không nhớ lúc đầu người ta sắp nó ra sao hở?
Em với ba cùng sắp với nhau cho nên không nhớ tất cả được. Bây giờ, em muốn sắp nó lại theo thứ tự mà Kichirô thích. Đến đây xem giúp em coi!
Hai người ngồi đâu vai bên nhau, trao đổi ý kiến về cách sắp xếp mấy hạt đá mắt chuồn, quên bẵng thời gian, như thế đến tận khuya.
- Nầy, hình như có ai đang đi bên ngoài kìa?
Yukiko lắng tai nghe. Nhưng chỉ là tiếng lá rơi. Không phải ở trên nóc nhà này nhưng chắc là tiếng lá khô rơi trên mái của căn nhà cách xa bên trong vườn. Gió đã nổi lên.
Sáng hôm sau, Kichirô nghe tiếng Yukiko gọi:
-Anh ơi, đến đây mà xem, nhanh lên nào…Ông cụ trong kia đang cho mấy con diều ăn kìa. Diều đến ăn cơm chung với họ đó anh!
Kichirô đứng dậy bước ra, ngắm cảnh hai vợ chồng cụ già đang ngồi ăn cơm trong gian phòng khách của ngôi nhà đằng xa. Ngôi nhà ấy cửa kéo mở toang, ánh nắng ấm áp của một ngày đẹp trời chiếu dọi vào. Nhà rời ra, ở giữa khu vườn đằng sau, nằm hơi dốc so với ngôi nhà chính, cách nhau bởi một bờ dậu thấp bằng cây sơn trà. Hoa sơn trà nở thật dày tạo ra cảm tưởng như ngôi nhà rời ấy nổi bềnh trên một vùng hoa. Ba mặt kia là những ngọn đồi với những khóm cây đủ loại đủ màu chen chúc như muốn chôn lấp nó. Màu hoa sơn trà cũng như màu lá đỏ của những khóm cây phù hợp với một buổi sáng cuối thu. Những tia nắng đó như thể đang sưởi ấm thật sâu đến tận trong lòng.
Hai con diều tiến gần bàn ăn, ngóng cổ. Trong khi vợ chồng cụ già cho mấy miếng trứng tráng thịt nguội vào miệng cắn nhỏ rồi lấy đũa từ từ mớm cho chúng thì cặp diều hơi vươn rộng đôi cánh và ngọ ngoạy người.
Kichirô bảo:
-Trông chúng nó dạn người nhỉ? Mình đi tới chào hai cụ đi! Họ đang dùng bữa nhưng chắc không sao. Anh muốn xem hai con diều, chúng dễ thương quá!
Yukiko vào bên trong thay quần áo, đeo xâu chuỗi đã cất công sắp xếp lại đêm qua và bước ra.
Thấy bóng hai người đang đến kề bên bờ dậu sơn trà thấp, hai còn diều thoắt cất cánh bay.Tiếng đập cánh của chúng làm họ giật mình. Yukiko kêu ối một tiếng, ngẫng đầu nhìn một đôi chim đang bay trên nền trời. Hẳn là cặp diều hâu núi vừa đáp xuống bên cạnh ông bà lão mới đây.
Kichirô lễ phép lên tiếng cảm ơn ông bà cụ đã cho hai vợ chồng thuê nhà rồi nói:
- Chúng cháu xin lỗi các cụ đã làm cho mấy con chim hoảng sợ. Chúng dạn dĩ quá hở hai cụ?
Thế nhưng hai vợ chồng già hình như không có vẻ cố gắng muốn tìm hiểu xem Kichirô nói gì, chỉ đưa cặp mắt như người lạc thần nhìn đi nhìn lại hai người trẻ tuổi. Yukiko đưa mắt cho chồng như thầm hỏi, thế này thì mình phải xử sự như làm sao đây?
Bỗng nhiên thấy cụ ông cất tiếng như đang lẩm bẩm một mình:
- Cô cậu đến với chúng tôi thật là quí hóa. Có được những người đẹp đẽ trẻ trung như thế này làm láng giềng, phải không hở bà!
Thế nhưng lời ông nói, bà hình như chẳng để lọt vào tai.
- Láng giềng điếc lác như bọn tôi, có đó mà như không có, xin cứ tự nhiên. Nhưng dầu sao, chúng tôi thích gặp gỡ người trẻ nên cô cậu đừng ngại ngùng cố tình lẫn tránh nhé!
Kichirô và Yukiko gật đầu xin vâng.
Hình như bên trên ngôi nhà rời ấy, lũ diều hâu vẫn lượn vòng. Tiếng kêu dễ thương của chúng nghe vọng lại.
- Mấy con diều chắc bị phá ngang bữa ăn, thế nào cũng lại bay từ trên núi xuống. Chúng cháu không dám quấy phá hai cụ lâu hơn nữa.
Vợ chồng Kichirô và Yukiko cúi đầu và đứng dậy ra về [7].
CÔNG CHÚA THỦY CUNG (Ryuuguu no otohime, 1926)
- Hãy làm cho ta một tấm bia mộ có chiều cao hơn thân người đàn bà. Bắt con đàn bà đó ôm lấy tấm bia rồi đem vùi nó dưới biển.
Người cha mình đầm đìa những máu trước khi chết đã trối trăn lại như thế nên hai đứa con trai đã xây cho ông một ngôi mộ huy hoàng lộng lẫy. Cha của họ đã chết một cách tàn khốc dưới bàn tay người vợ nay trở thành góa phụ và anh tình nhân của thị.
Hai ông con đời vợ trước nhẹ nhàng nhấc lên cao tấm bia đá có chiều cao hơn thân người đàn bà, kẻ thù của họ, và khuân nó đến tận ghềnh đá bên bờ biển. Từ một nơi như thế này, nếu liệng một hòn đá xuống thì nó sẽ trở thành nhỏ tí tẹo như hạt vừng rồi mất hút dưới biển. Đó là một cái ghềnh vách thẳng đứng đến kinh hoàng mà chỉ trong nháy mắt là hòn đá đã chạm được mặt sóng. Ở nơi đó, hai ông con đã lột truồng người đàn bà, dùng giây thô bện bằng rơm cột cô ta vào tấm bia đá. Cứ nguyên như thế, họ đẩy tuột tấm bia xuống. Người đàn bà phản ứng tự nhiên bằng cách dang tay dang chân ôm chầm tấm bia đang rơi. Tấm bia giống như một con vật sống cất tiếng kêu thất thanh rồi lăn xuống dưới vực.
Thế nhưng chuyện gì đã xảy ra? Khi tưởng chừng đến khoảng giữa vách đá dựng đứng, tấm bia kia đột nhiên ngừng lại trong một chớp mắt. Rồi coi kìa, nó không còn lộn vòng nữa mà chở người con gái bên trên và lướt đi vèo vèo như một bàn đạp dùng để trượt tuyết? Không phải là con thuyền nhỏ đó đang lao thẳng về phía biển khơi như một vệt sáng đó sao? Khi nhìn thấy cảnh tượng ấy, hai ông con nhà kia từ hai phía chỉ biết chạy bay đến ôm chầm lấy nhau gào lên:
- Bố ơi, xin tha tội cho chúng con! ?
Vừa nói xong là cả hai đã ngã vật xuống.
Anh tình nhân của cô con gái cũng đuổi đến chỗ đó. Con thuyền chở cô đi liệng nhanh như một con én giữa không gian xanh. Không có một con thuyền nào khác có thể theo kịp. Anh chàng kia bèn phóng như bay đến bên phần mộ của người chồng, nâng nhẹ nhàng miếng đá đặt làm nền dựng tấm bia và khuân tới nơi. Thế rồi, anh ta ôm lấy nó và cả hai lao xuống biển. Rốt cuộc, phiến đá đó cũng biến thành một con thuyền trôi nhanh như tia chớp.
Con thuyền của anh con trai bắt kịp chiếc thuyền của cô con gái. Anh ta nói như thế này:
Bây giờ chúng mình phải cảm ơn người đàn ông mà chúng mình đã sát hại chứ.
Không được anh ơi! Đừng có cảm ơn ông chồng của em gì! Khi tình cảm biết ơn vừa dậy lên trong lòng anh thì con thuyền chở anh sẽ nặng như tấm bia đá cho coi!
Khi cô gái chưa dứt lời thì con thuyền của anh chàng đã hóa thành tấm bia mộ bằng đá và cùng với thân thể anh ta lục bục chìm xuống biển. Thấy thế, cô con gái mới cất tiếng gọi:
Thuyền ơi, mi hãy hóa thành tấm bia đá để chìm theo người yêu dấu của ta dưới đáy biển!
Thế rồi thân thể vẫn lõa lồ, cô ôm tấm bia đá và chìm xuống nước như một nàng nhân ngư.
Nhưng anh chàng con trai lại hết sức cáu kỉnh khi thấy rằng chỉ có một mình mình phải chìm dưới đáy biển:
-Bia mộ ơi, hãy biến thành một con thuyền nhỏ trồi lên trên mặt biển nơi có con thuyền của người ta yêu.
Bởi vì anh chàng cất tiếng van xin người đàn ông mà mình đã tự tay hạ sát cho nên khi đang chìm đến phân nửa đoạn đường anh ta lại trồi lên được.
Thế rồi, chuyện gì đã xảy ra đây? Cô con gái đang chìm và anh con trai đang trồi lên đã đi ngược chiều và hụt nhau giữa lòng biển lúc nào không hay. Cuối cùng chỉ có một mình nàng lặng lẽ chìm đắm dưới đáy biển.
Cô gái đó là nàng công chúa thủy cung.
Khi nghe người con gái kể lại câu chuyện ngày xưa như thế, tôi đoán chắc nàng phải có lần quyên sinh vì tình. Nàng từng lao đầu xuống biển cùng với người mình yêu. Người đàn ông kia chết. Còn nàng, trong giây phút tìm lại được hơi thở hồi sinh, đã cất tiếng kêu và bám lấy người chồng mà nàng đã một lần phản bội. Sau khi chuyện xảy ra, gặp tôi, nàng nói thế này:
- Điều xảy ra cho em cũng giống như trong chuyện cổ tích. Và đúng cả từ đầu đến cuối!
NGƯỜI ĐÀN ÔNG MÙ VÀ CÔ GẤI TRẺ (Mekura to shôjo, 1928).
Đối với một người có đủ sức về nhà bằng cách leo lên chiếc xe lửa thuộc tuyến đường nhà nước từ một ga xép ngoại ô, cớ gì mình cứ phải nắm tay anh ta để tiễn chân trên một con đường chạy thẳng tuột ra ngoài đó như thế nhỉ? Đó là điều mà o-Kayo không sao hiểu nổi. Cho dù cô không thể hiểu, công việc ấy, chẳng biết tự lúc nào, đã trở thành phận sự của cô. Khi anh chàng Tamura tới nhà lần đầu tiên, mẹ cô bảo:
- O-Kayo này! Đưa hộ anh ra tận ga đi con.
Vừa đi ra khỏi nhà một đỗi, Tamura đã chuyển cây gậy đang nắm qua tay trái và quờ quạng đi tìm bàn tay của o-Kayo. Nhìn thấy bàn tay của Tamura chơi vơi quanh hông mình tìm không ra chỗ đậu, cô gái trẻ ngượng đỏ cả mặt nhưng không biết làm gì khác hơn là chìa tay cho anh ta nắm. Lúc đó, Tamura nói:
- Cám ơn. - - Coi bộ em hãy còn con nít hở em.
O-Kayo tưởng mình phải dắt anh ta lên đến tận toa, thế nhưng sau khi cầm tấm vé xe mà o-Kayo mua hộ và để lại dăm đồng tiền thối trong lòng bàn tay cô gái trẻ, Tamura một mình xăm xăm bước vào cửa soát vé, rồi khi biết đã tiến gần tới chỗ con tàu đậu trên ke, mới đưa tay ra ngang tầm cao khung cửa sổ toa tàu, vừa rà rà vừa lần bước tới cánh cửa lên xuống và leo vào trong. Cử chỉ của anh ta trông như người đã thạo việc. Thấy thế, khi con tàu chuyển bánh, o-Kayo nhẹ nhỏm cả người và không khỏi mỉm một nụ cười. Cô nghĩ thầm mấy đầu ngón tay của anh chàng này sao mà tài tình thế, cứ nhìn rõ như là cặp mắt không bằng.
Lại có chuyện như thế này nữa chứ! —Một hôm, o-Toyo, chị của cô, đang ngồi bên cửa sổ, tô lại khuôn mặt trang điểm đã nhạt nhòe của mình dưới ánh nắng của mặt trời chiều đang rọi vào bên song:
-Anh hãy thử nhìn xem tấm kính kia đang in cái gì vào đó?
Không phải o-Kayo không hiểu là khi nói như thế chị mình có tỏ ra quái ác. Cái đang in trong tấm kính kia nếu không phải là hình ảnh của o-Toyo đang ngồi trang điểm thì là cái gì giờ!
Thế nhưng sự quái ác của o-Toyo là cái quái ác của người đã bị chính hình ảnh của mình in trên mặt kính mê hoặc. Trong giọng nói đang đeo siết lấy người đàn ông ngầm chứa một tình cảm như thế này:
- Người đẹp đến như tôi còn phải cất công chiều chuộng anh đấy!
Tamura bèn lết tới bên nàng và bắt đầu di di ngón tay sờ soạng trên mặt kính. Thế rồi với hai bàn tay, anh bất thần xoay ngược chiều giá kính.
Ủa, anh làm gì vậy?
Muốn thu lấy hình ảnh khu rừng.
-Rừng à ?
Như thể bị lôi cuốn, o-Toyo bò nhanh đến trước giá kính.
- Có phải là ánh mặt trời đang chiếu vào khu rừng không?
O-Toyo mới đầu tò mò ngắm mặt kính mà Tamura đang ve vuốt bằng lòng bàn tay của anh nhưng bất giác phá lên cười, quay giá kính về vị trí cũ và tiếp tục chăm chú trang điểm như trước.
Thế nhưng, đứng bên cạnh họ và chứng kiến cảnh đó, o-Kayo không khỏi kinh ngạc. Cái làm cô kinh ngạc là hình ảnh khu rừng in trên mặt kính. Đúng như lời Tamura mô tả, cô thấy có ánh mặt trời màu tím bao phủ bởi một lớp khói mờ trên cánh rừng cao. Mặt sau những tấm lá khô, rộng của cây rừng như tiếp nhận ánh sáng mặt trời xuyên thấu, tỏa ra một cái gì ấm áp. Chính là không khí êm đềm của một buổi chiều xuân đẹp trời nhưng sao thấy như không phai là cảnh thực. Trong lòng tấm kính có một cái gì khang khác. Phải chăng vì ánh mặt trời mờ ảo mềm mại như tấm lụa mỏng không in được lên kính nên trên đó chỉ có cái gì lạnh lẽo thâm sâu như nước hồ.Ngay cả o-Kayo, người đã quen nhìn khu rừng mỗi ngày qua khung cửa sổ này mà cũng chưa hề chú ý để nhận ra điều đó. Cô có cảm tưởng là nhờ anh chàng mù bảo cho mà đây là lần đầu tiên cô mới biết nhìn khu rừng. Cô không hiểu Tamura có thực sự nhìn thấy cánh rừng đó không? Cô muốn hỏi thử xem anh ấy có biết sự khác nhau giữa cánh rừng thật và cánh rừng in trên mặt kính hay không? Rồi cô cảm thấy bàn tay mân mê mặt kính của anh ta có cái gì rờn rợn.
Vì lý do đó, khi tiễn anh đến nhà ga, có khi cô bất chợt sợ hãi khi anh đưa tay ra nắm lấy tay cô. Thế nhưng bổn phận của cô là phải đưa Tamura về mỗi lần anh đến chơi nhà. Bao nhiêu bận như vậy, riết rồi cô cũng quên khuấy tình cảm đó.
Mình ở đằng trước tiệm bán hoa quả phải không?
Đến chỗ nhà quàng rồi chứ?
Chưa tới tiệm bán quần áo ta à?
Đi đi lại lại mãi con đường đó, như thể đùa mà cũng như thật, chuyện đặt những câu hỏi kiểu đó đã trở thành thói quen của Tamura. Lề tay mặt là quán bán thuốc lá, tiệm xe, tiệm giày guốc, tiệm hòm xiểng, tiệm chè đậu… còn lề tay trái là tiệm bán rượu, tiệm bán tất, tiệm mì sợi, tiệm cơm cá nắm, tiệm thực phẩm tươi, tiệm mỹ phẩm, bệnh viện trồng răng…mỗi lần hỏi, anh lại được o-Kayo chỉ cho thành thử Tamura đã thuộc đến nằm lòng thứ tự các tiệm quán nối tiếp nhau hai bên bờ đường suốt quãng đường sáu bảy khu phố từ nhà cô cho đến ga. Thế rồi việc vừa đi vừa đoán mò xem mình đã đến đâu đã trở thành một trò chơi cho Tamura. Do đó mỗi khi có những ngôi tiệm mới như tiệm bán tủ hay tiệm cơm tây xuất hiện, tô thêm vào quang cảnh trên đường, thì o-Kayo có phận sự thông báo cho anh. O-Kayo thầm nghĩ có lẽ nhằm giải khuây thiếu nữ mang nhiệm vụ dắt tay tiễn đưa mình, người mù đã bày ra được cái trò chơi buồn tẻ này. Duy cô không khỏi sững sốt vì khả năng đoán biết đối với những ngôi nhà trên tuyến đường, anh chẳng thua gì một người sáng mắt. Lâu rồi chuyện ấy cũng thành quen. Cho đến một hôm, khi người mẹ bỗng lăn ra bệnh, cô nghe anh hỏi:
- Hôm nay nhà quàng có bày hoa giả ra không đấy?
O-Kayo dưa mắt nhìn trả Tamura, thấy mình như vừa bị dội một gáo nước lạnh. Tamura thản nhiên tựa hồ không có chuyện gì và thốt ra một câu:
Mắt của chị em có thật đẹp không hở em?
Đẹp chứ anh!
Đẹp vượt cả mọi người?
O-Kayo im lặng không trả lời.
Có đẹp hơn đôi mắt của em không hở, o-Kayo?
Sao anh lại hỏi vậy?
Tại sao hở? Thế chứ không phải chồng trước của chị em bị mù à? Từ khi anh ấy mất đi, chị em chỉ đi lại với những anh chàng không thấy đường mà thôi, đúng không nào? Với lại mẹ em cũng mù nốt. Hình như vì lẽ đó, chị em cứ đinh ninh mình có đôi mắt đẹp hơn mọi người.
Không hiểu vì sao lời nói này lại thấm sâu vào lòng o-Kayo.
- Mù có huông đến ba đời đó!
Bà chị o-Toyo của cô thường thở dài và buông ra một câu như vậy cho mẹ mình nghe như để nhiếc khéo. Chị cô vẫn sợ phải sinh ra một đứa con cùng chung số phận mù lòa. Có thể nếu bà chị có con, đứa bé sẽ không tật nguyền như thế nhưng chị ấy chỉ e nó có khả năng trở thành vợ một người mù. Nguyên do việc chị trở thành vợ của một anh mù hoàn toàn là vì mẹ chị bị mù. Mù như bà chỉ có thể đi lại với những anh chàng đấm bóp mù, do đó bà ta sợ phải gả con mình cho một người sáng. Bằng chứng là từ khi chàng rễ của bà mất đi, bao nhiêu đàn ông đã đến qua đêm trong ngôi nhà này rồi nhưng tất cả đều mù. Do người mù này bắn tin cho người mù khác. Nỗi lo ngại nếu bán thân cho một anh đàn ông không mù lòa, chuyện ấy sẽ tức thời vỡ lở đến tai cảnh sát đã nhiễm vào tâm trí những người trong gia đình. Cứ như rằng tiền để phụng dưỡng một bà mẹ mù lòa thì bắt buộc phải lấy từ những ông khách mù không bằng.
Một anh chàng trong đám các tay đấm bóp mù một hôm đã đưa Tamura đến chơi nhà. Tamura không thuộc giới đấm bóp, anh là một cậu con nhà giàu từng đem gửi tặng trường mù và câm món tiền vài nghìn yen gì đó thôi. Thế rồi lần hồi Tamura trở thành một trong những người khách của o-Toyo. Nàng ta vẫn hay khinh thị, mắng mỏ Tamura suốt làm cho anh chàng đâm buồn khổ, chỉ còn biết đánh bạn với bà mẹ mù của nàng. Đôi khi o-Kayo đăm đăm nhìn cái cảnh tượng như thế và không nói gì.
Mẹ của hai cô sau đó chết vì bệnh.
O-Toyo bảo:
-Này, o-Kayo! Như thế từ nay chúng mình thoát được cái ách người mù. Rảnh đi một món nợ.
Chẳng bao lâu, anh đầu bếp của tiệm cơm tây đã đặt chân đến ở lì trong nhà. O-Kayo kinh khiếp cái thô bạo của anh chàng mắt sáng, cứ thu nhỏ người lại. Nhưng giờ chia tay của o-Toyo và Tamura đã điểm. Đây là lần cuối cùng O-Kayo phải đưa đường cho anh ra ga.
Khi tàu điện đi khuất, cảm thấy buồn như một người đã đánh mất cuộc sống của mình, o-Kayo bèn lấy chuyến tàu kế tiếp đuổi theo Tamura. Cô không biết nhà anh ta ở đâu nhưng sau một thời gian dài, bao lần nắm tay dắt anh bước như thế, cô cảm thấy mình đã hiểu con đường của người đàn ông ấy đang hướng về đâu.
TIẾNG SẤM MÙA THU (Aki no kaminari, 1928)
Lúc đó trời mới vào thu, những nàng con gái trẻ từ ngoài biển trở về túa ra ngoài đường giống như một bầy ngựa lông nâu hồng hạt dẻ. Đám cưới của chúng tôi được tổ chức trong một căn phòng khách sạn với âm nhạc chơi bằng ống shô và hichiriki. [8] Bỗng dưng lúc đó ngoài cửa sổ có ánh chớp nháng rồi một tiếng sấm gầm lên rõ to như muốn phá tan buổi lễ. Cô dâu mới mười bảy mặt tái mét, hai mắt nhắm nghiền và ngã rủ xuống tựa một lá cờ đẫm nước.
- Kìa, cánh cửa sổ! Kéo màn lại!
Thế rồi, khi lễ cưới cử hành xong, cha của cô dâu mới nói:
- Con bé nhà tôi nó sợ tiếng sấm có khi vì cái huông tự ngày xưa đấy.
Sau đó, ông kể lại truyền thuyết về người con có hiếu ở xứ Tamba.
Trong thôn Haji quận Amada thuộc vùng Tamba ngày xưa có một chàng trai tên Ashida Shichizaemon. Anh ta hiếu hạnh đến nổi được lãnh chúa tuyên dương, đặc biệt cho miễn cả việc nộp tô. Thế nhưng anh có một bà mẹ tính hay sợ sấm, chỉ cần nghe tiếng trống lớn, bà ta đã muốn ngất đến nơi. Do đó khi có tiếng sấm nổi lên ì ầm thì cho dầu ở đâu hay đang làm gì, Shichizaemon cũng chạy bay về nhà. Mùa hè, anh không đi đâu, ngay cả qua thôn bên cạnh. Nào chỉ có thế thôi. Sau khi mẹ anh mất rồi, mỗi khi nghe tiếng sấm, anh chạy ngay ra ngoài nghĩa địa ôm chặt lấy tấm bia trên mộ bà.
Rồi một đêm bão lớn dậy lên, anh chàng Shichizaemon đáng thương kia đã bị sét đánh chết mất trong khi vẫn phủ phục ôm chặt tháp bia trên mộ mẹ. Sáng hôm sau trời quang mây tạnh, khi dân làng đến gỡ cánh tay vẫn ôm chặt bia mộ của Shichizaemon ra thì thấy nó rơi ra lả tả. Bất cứ chỗ nào trên cái xác đã cháy đen, nếu đụng vào là đều vỡ vụn như một hình nhân làm bằng than.
Người ta thấy ý định rứt anh chàng Sichizaemon hiếu đễ khỏi tháp bia mộ người mẹ là một điều lầm lẫn. Có một bà cụ già mới nhặt từ chỗ đó một lóng tay anh ta còn rơi rớt lại, vừa van vái vừa cất vào ống tay áo.
- Tôi xin đem về cho thằng con bất hiếu nhà tôi nó uống!
Tôi cũng thế, tôi cũng thế, cả bọn dân làng nhao nhao lên và nhặt nhạnh những mảnh vụn di hài anh ta.
-Trong nhà tôi tổ tiên đời đời cũng giữ lại được một ít tro cốt của anh như của gia bảo, anh ạ! Ngay tôi khi còn nhỏ cũng được mẹ tôi cho uống đấy! Có lẽ vì lý do đó mà cả tôi lẫn cô bé này, hai cha con đều sợ sấm sét cả.
-Cô bé này cũng…
Tôi bắt chước ông nhạc, gọi người vợ mới cưới của mình là “cô bé này”.
-Thế thì cô bé này cũng đã uống tro cốt đó à?
- Ơ không! Thực ra tôi hoàn toàn không nhớ ra chuyện đó! Thế nhưng nếu anh chị suôi bên nhà muốn cho nó uống thì tôi sẽ gữi ngay một phong nhỏ!
Căn nhà mới ở ngoại ô. Khi chúng tôi đặt chân đến ngôi nhà mới, tất cả cái gì cũng mới, thì, từ đằng sau cái tủ đựng áo xống [9] mới toanh, hãy còn chưa gỡ tấm vải trắng phủ lên trên, bỗng nhiên có bốn con dế ở đâu chạy ra. Cô dâu mới vẫn còn cái vẽ rạng rỡ của một bó hoa xoan đầu mùa hạ…thế nhưng khi sấm sét đùng đùng nổi lên với những tiếng chân hùng hỗ tưởng như đấy là mùa hè sắp đi tự sát, tôi đã vội ôm choàng lấy người vợ mới cưới ngây thơ bé bỏng. Tuy nhiên, khi chạm vào da thịt người con gái, cảm tưởng đầu tiên của tôi là bên trong, nàng có cái gì của một bà mẹ. Sau đó trong đầu thoáng hiện ra ý nghĩ là nếu tôi cứ thế mà tiếp tục ôm ấp cái bia mộ mềm mại và ấm áp này, ai có thể bảo đảm tôi sẽ không bao giờ trở thành một xác chết cháy đen?
Ánh sáng chớp nháng và tiếng sấm rền vang trên mái nhà đã làm cho cái giường tân hôn này thành cái giường tử biệt.
-Kéo màn lại! Kéo màn lại!
ANH CHỒNG BỊ CỘT (Shibarareta otto, 1930)
Việc chồng bị vợ mình trói buộc vẫn thường được xem như chuyện chẳng khiến thiên hạ ngạc nhiên.
Tuy nhiên, ở đời, một anh chồng bị vợ, đúng như cách người ta nói, trên thực tế, đã dùng một sợi giây con hay thứ gì giống như thế, cột chân cột tay lại, không phải là chuyện chưa hề xảy ra. Chẳng hạn trường hợp một cô vợ bị bệnh, chân tay không thể cử động được mà anh chồng phụ trách chăm sóc. Nếu cô cứ phải lên tiếng khi cần đánh thức người chồng đang ngủ thì quá nhọc nhằn cho cô. Nhất là có khi cô vợ nằm ngủ một mình trên giường trong khi giường của anh chồng lại đặt xa ra một chút. Làm cách nào để cô vợ đánh thức được chồng giữa đêm hôm? Cách hay nhất là cột cánh tay của hai người lại bằng một sợ giây, có gì thì cô vợ giật nó ra hiệu.
Người vợ trong lúc đau yếu thường hay buồn. Mỗi khi gió thổi làm lá rụng, lúc nằm thấy một cơn ác mộng hay khi nghe tiếng chuột chạy láo nháo, nghĩa là khi nào có chuyện gì dùng được làm cái cớ, là nàng sẽ tìm cách dựng người người chồng dậy trò chuyện. Nội cái việc trong khi nàng không chợp mắt được, bên cạnh anh chàng lại lăn ra ngủ mà thôi, cũng làm cho nàng không ưng ý rồi.
-Độ rày anh làm sao mà có giật giây cũng không cố thức giấc cho em nhờ. Em muốn buộc thêm cái chuông, mà chuông bằng bạc cơ!
Đấy, nàng vừa nghĩ ra được một trò chơi mới. Thế rồi, trong đêm thu khyua khoắt, cái tiếng lúc la lúc lắc của cái chuông bạc mà cô vợ bị bệnh hoạn đeo đẳng này dùng để đánh thức chồng nghe như một thứ âm nhạc buồn thảm làm sao.
Có một cô Ranko cũng đem giây cột lấy chân chồng mình. Thế nhưng tương phản với cái âm nhạc buồn thảm của cái chuông nơi người đàn bà nay đau mai yếu, cô là người đàn bà của một thứ âm nhạc tươi vui, vũ công trình diễn trong một hộp đêm. Khi trời đã thật sự vào thu, hơi lạnh làm cho ngay cả Ranko với tấm thân trang điểm nhưng hầu như trần truồng đang ở giữa đường từ gian phòng sửa soạn của nghệ sĩ và sân khấu, cảm thấy nổi da gà. Thế nhưng chỉ cần ra nhảy một chút theo điệu nhạc Jazz là phấn trắng trên người đã nhễ nhại mồ hôi. Những ai ngắm đôi chân nàng nhảy nhót nhẹ nhàng và sống động như vậy, nào có thể tưởng tượng rằng chúng được cột dính vào một anh chồng. Thực ra, không phải anh chồng cột chân nàng. Chính nàng mới là người cột lấy chân chồng.
Khi cô nàng chạy bay vào gian buồng tắm của căn phòng nơi các nghệ sĩ sửa soạn y trang thì đã 10 giờ đêm. Chuyện về đến nhà trong chung cư lúc thân thể còn giữ ấm hơi nước nóng, tính ra trong mười hôm chỉ được có bốn bận. Sáu hôm kia là phải tập dượt có khi đến hai, ba giờ khuya. Chung cư tuy thuộc khu vực công viên Asakusa, nơi có nhiều căn phòng cho các nghệ sĩ mướn, nhưng theo qui định, đóng cửa trước một giờ sáng.
- Từ cửa sổ tầng ba, có để thòng xuống một sợi giây đó chứ!
Ranko lỡ lời nói như thế trong căn phòng trang điểm dành cho nghệ sĩ.
Sợi giây ấy cột vào chân ổng. Hễ dưới này tui giật thì ổng thức dậy dùm cho.
Ủa, vậy ổng không phải là “sợi giây” (himo) thật hay sao?
(Trong tiếng Nhật), sợi giây (himo) còn có nghĩa là người sống bám vào đàn bà).
- Nè, chị Ranko! Chị có biết điều chị nói ra tai hại lắm không? Nguy hiểm thiệt đó! Lỡ như có ai đó giật giây mà người trên kia nưa tỉnh nửa mơ, tưởng là Ranko mà mở cửa ra thì cơ sự sẽ ra sao? Đầu óc để như vậy, có khi kẻ gian lên tới tận lầu ba rồi mình cũng còn chưa biết là mở cửa lầm đó nghe! Để tui thử làm coi ra sao. Chụp được chuyện hay quá nghe ta!
Bạn đồng nghiệp trong phòng trang điểm trêu chọc Ranko kiểu đó là hãy còn khá chứ kẹt hơn nữa là khi sự bí mật về sợi giây lọt vào tai tụi du đãng. Không biết kiếm đâu ra mấy vé mời, chúng nó tụ tập thành một đám ở hàng ghế trên lầu hai, làm như thể nghề nghiệp của chúng là đến đó để gọi ơi ới tên các cô đang nhảy trên sân khấu. Và chúng là những kẻ tính đi kéo sợi giây của Ranko.
- Nè anh, tối nay không chừng mấy thằng quỷ sứ nó tới nhà mình giật dây đó!
Ranko từ phòng trang điểm nơi làm việc gọi điện thoại về cho chồng. Giọng anh chồng còn ngái ngủ:
Thiệt sao? Để anh kéo sợi giây lên trước vậy.
Đừng, anh. Em mới nghĩ ra cách này hay lắm!
Ranko vừa nói vừa tủm tỉm cười.
- Tuy là du côn du kề nhưng lúc em lên sân khấu, tụi nó hay gọi tên để ủng hộ. Chúng quảng cáo cho em, được việc lắm. Em cũng muốn nhân đây cảm ơn chúng. Nếu có gì ăn được như bánh nhân đậu đỏ chẳng hạn thì hay quá! Anh cứ cột nó trên đầu giây cho em. Bề gì bọn này từ sáng đến chiều đã mấy khi được no cơm đâu, thế nào cũng mừng rơn mà! Như vậy, tụi nó mới khen Ranko tốt bụng, dễ thương.
-Được thôi!
Anh chồng vừa ngáp, uể oải trả lời. Một nhà thơ nghèo như anh ta, ngay cả tiền mua bánh cũng không có. Anh nhìn quanh quất trong phòng, chỉ thấy có mỗi một tràng hoa mà người nào đó đã đem đến tặng Ranko.
Giờ đây phải xem thử có phải trong cái “đạo” của nhóm thanh niên du đãng này, phong cách coi được hoa đáng vui mừng hơn là được bánh hãy còn tồn tại hay không đây! [10]
Cả bọn láu lỉnh vừa nhịn cười, vừa giật mạnh sợi dây thòng xuống từ phòng Ranko. Chúng nó cảm thấy sợi dây sao mà nhẹ hều. Một bọc gói bằng giấy báo bỗng rơi ập xuống. Ôi chao, khi nhìn lên thì khung cửa sổ bằng kính của căn phòng trên lầu ba vẫn đóng im ỉm. Mở bọc giấy báo ra, chúng nhận ra chỉ toàn hoa là hoa. Thì ra đó là những đóa hoa giả mà anh chồng của Ranko đã bứt tuột ra từ tràng hoa. Cả bọn cùng nhau bật tiếng kêu lên một lượt.
Học đòi làm sang hở ta!
Trình diễn kiểu mới hay sao chớ! Đáng nể quá đó nghe.
Ngày mai tụi mình đem hoa này ném lên sân khấu cho Ranko nó biết.
Mỗi cậu trong đám tự gắn trên ngực mình một đóa hoa rồi thồn đầy hoa vào trong ống tay áo và rút lui khỏi chỗ đó.
-Ê tụi bay, biết đâu chẳng là trò chơi cắc cớ gì của con nhỏ Ranko đây?
- Sao nói vậy được. Chắc chắn con nhỏ hãy còn ở đằng rạp.
-Hay chuyện này do thằng chồng bày vẽ ra?
-Thế thì càng vui hơn chứ lỵ!
-Thằng đó hình như trước kia là nhà thơ chi đó!
Nhưng nói gì mặc lòng, đêm hôm sau cả bọn đều đem những đóa hoa đó ném lên sân khấu cho Ranko.
Thế nhưng phần Ranko, một khi đã là nghệ sĩ hành nghề trong khu Asakusa, không phải lúc nào cô cũng về nhà trễ tràng vì chăm lo tập dượt. Nếu có đêm cô cùng đồng nghiệp đi uống rượu ở tiệm đồ nhắm oden Yoshiwara nơi mở đến 3 giờ sáng thì cũng có bữa trong cô lại được khách mời đến tiệm chuyên môn món thịt gà bán suốt đêm ở gần công viên. Bọn thanh niên du đãng từng chứng kiến điều đó. Từ khi nhận được gói hoa, bọn chúng đã trở thành bạn đồng minh của anh chồng Ranko.
-Tụi mình phải trị con Ranko một lần cho tởn. Nghĩa là một đứa kéo thằng chồng ra khỏi nhà. Khi hắn ra ngoài rồi thì mình lên trên gác, lấy hết quần áo son phấn gương lược của nó để vào trong một tay nãi và cột ở đầu giây. Khi con nhỏ Ranko đi uống say về nhà mà giật giây thì cái tay nãi sẽ rớt xuống trước mặt. Nó sẽ hiểu ngay là thằng chồng tỏ ý muốn đuổi vợ ra khỏi nhà. Kế hoạch là như vậy đấy!
Cái đêm mà chúng thành công trong việc thực hiện cái mưu chước ảo diệu đó, một thằng trong bọn đã đứng ra chận ngang đường và nói với Ranko khi cô nàng đang được khách kéo đi đâu đó:
-Sao mà đi ngoại tình như vậy, không sợ thằng chồng nó tống cổ ra khỏi nhà cho à?
- Cảm ơn anh hai khéo lo. Nhưng bề gì, chính em mới là người cột giây trói ông chồng em đó, anh hai ơi.
MẶT TRỜI LẶN (Rakujitsu, 1925)
Một cô gái cận thị đang lụp chụp lanh chanh viết cho xong một tấm bưu thiếp gửi bằng bì thơ trong sân một trạm bưu điện hạng nhì.
- Bên cửa sổ tàu điện…bên cửa sổ tàu điện…bên cửa sổ tàu điện…
Viết ba lần, cô xóa ba lần.
- Bây giờ …bây giờ…bây giờ…
Người nhân viên phụ trách bưu phẩm thượng khẩn gãi đầu bằng một cây bút chì.
Cô hầu bàn trong căn bếp của một quán ăn lớn đang nhờ anh bếp cột cho mình cái dây của tấm tạp-dề mới.
- Cô muốn tôi cột sau lưng à? Sau lưng không phải là quá khứ hay sao? Thôi mình cột đằng truớc bằng đôi vú của cô đi.
-Xí!
Nhà thơ cũng phải mua đường cát như ai. Cậu bán hàng học việc trong tiệm bán đường đang thọc cái vá dùng để xúc vào trong đống đường cao như núi.
- Thôi, tôi sẽ dẹp chuyện về nhà nướng mấy miếng bánh bột nếp [11]! Nếu bỏ đường cát vào túi quần mà đi ngoài phố, thế nào cũng đâm ra nghĩ những chuyện mơ mộng viễn vông chỉ tuyền một màu trắng.
Thế rồi nhà thơ thì thầm với đám người đi ngược chiều với mình:
- Này các bạn ơi, Bộ mấy người đi về quá khứ đó à? Tôi đang bước về tương lai đây. Như thế thì có ai là người đi cùng một hướng với tôi không? Anh chàng kia cũng đi về tương lai à? Làm gì có, đùa dai hay sao chứ!
Cậu bé nhà bưu điện đạp xe chạy vòng quanh cô gái cận thị.
-Xem này! Xem này!
- Không thấy tôi cận thị sao? Trắng toát như đường cát ngoài tiệm bán đường tôi còn chả nhìn ra nữa là! Cứ ngỡ anh chàng kia đã leo lên cửa sổ toa tàu với một cô gái khác. Anh chàng đó thực ra đã đi với cái tôi hiện tại đấy à? Này, nhờ tí, bác bưu điện khẩn!
Nhà thơ và cô hầu bàn đang cười chúm chím với nhau trong quán ăn.
-Tạp dề mới đấy hả? Đằng ấy cho tớ xem sau lưng tí đi. Để coi con bướm vừa mới đậu xuống lưng em nó ra sao nào!
Thôi đi. Anh đừng nhìn vào quá khứ của em nghe!
Được rồi, nếu anh hướng về tương lai mà bước, có nghĩa anh sẽ đến được chỗ của em.
Vừa vặn lúc đó, mảnh mặt trời cho đến nay đang vướng trên mái nhà kho của tiệm cầm đồ nằm ở quãng cuối hướng tây nơi mà con đường chạy từ phía đông xuyên qua khu phố này đụng vào, bỗng rơi thẳng tuột không lấy một tiếng vang.
Ối chà! Tất cả bộ hành đang đi trên đường trong giây phút chứng kiến cảnh tượng ấy đều thở hắt ra. Tiến được ba bước, họ đã chùn chân. Thế nhưng, chẳng ai nhận ra được điều đó.
Lũ trẻ đang nô đùa ở cuối phía đông con đường, mới hướng về phía tây, đứa nào đứa nấy cũng chậm chân lại rồi lấy thế phóng lên không trung. Chúng nó muốn nhìn cho được cảnh mặt trời rụng xuống.
Thấy nó rồi!
Thấy nó rồi!
Thấy nó rồi!
Chúng nó xạo cả. Có thấy cái quái gì mà cũng nói…
THÓI QUEN TRONG GIẤC NGỦ ( Nemuriguse, 1932)
Kinh ngạc vì đau nhói như bị ai đang nhổ tóc, nàng choàng mình tỉnh giấc ba bốn bận trong đêm. Thế nhưng nàng hiểu ra là chỉ vì món tóc đen của mình đang quấn quanh cần cổ của người yêu. Nàng nói:
- Tóc của em độ này đâm ra dài ghê. Thật đó, cứ ngủ mãi với anh như thế, làm gì mà tóc chả bị kéo dài.
Sáng hôm sau thức dậy nói chuyện với nhau, chợt nhớ chuyện hồi hôm, nàng vừa mĩm cười vừa lặng lẽ nhắm đôi mắt lại.
- Em không thích ngủ chút nào! Tại sao ngay cả chúng mình đây mà cũng phải ngủ, hở anh? Đang độ yêu đương mà sao cứ ngủ nhỉ!
Ở thời điểm rốt cuộc, hai người đã có thể gần nhau mà không cần e dè gì nữa, có lần nàng đã đặt câu hỏi như trên và xem đó là chuyện lạ lùng.
Theo anh, nếu người ta có thể yêu nhau được, chính vì người ta biết ngủ chứ không có gì khác. Tình yêu mà chẳng bao giờ biết ngủ thì chỉ cần nghĩ tới thôi cũng đã khiếp. Nếu không nói là do ma xui quỉ khiến.
Chả phải thế đâu anh. Có đúng là thuở mới yêu nhau, hai đứa mình có ngủ bao giờ đâu không ? Chỉ có người ích kỷ mới lăn ra mà ngủ!
Thực tế là như vậy. Bởi vì lúc anh chàng chưa ngủ được bao lâu thì những đường nét trên khuôn mặt đã nhăn nhúm lại, bàn tay anh choàng dưới cổ nàng cũng đã rút ra. Còn nàng thì cho dù có ôm lấy chỗ nào đó trên người anh, nếu thình lình thức giấc, lúc nào cũng thấy cánh tay của mình đã bỏ lơi ra.
-Thôi vậy thì em sẽ buộc tóc chung quanh cánh tay của anh cho thật kỹ để giữ riệt anh.
Thế rồi nàng quấn ống tay áo ngủ của anh và nắm chặt trong tay mình. Nhưng quả tình là giấc ngủ đã cướp đi sức lực của những ngón tay nàng.
- Đành chịu. Em sẽ làm như lời người xưa nghĩa là lấy mái tóc đàn bà làm giây buộc anh lại [12].
Rồi nàng bèn kết mái tóc đen của mình thành vòng và quấn quanh cổ anh chàng.
Thế nhưng buổi sáng khi thức giấc nhìn nhau, người đàn ông lại cười bảo:
-Tóc dài ra hay không thì chưa biết chứ cứ rối bòng bong như thế này thì lược nào mà chải cho xuể.
Theo tháng ngày trôi, họ cũng quên đi những câu chuyện như thế. Cô nàng bây giờ khi ngủ cũng chẳng còn để ý sự hiện diện của người đàn ông bên cạnh.Thế nhưng mỗi khi nàng bất chợt bừng mắt dậy thì thấy lúc nào cánh tay mình cũng chạm vào vai anh ta. Và cánh tay anh cũng đang đặt trên người nàng. Đến lúc họ không còn cố ý làm như thế nữa, những cử chỉ đó lại trở thành thói tật trong giấc ngủ của hai người.
TRÊN CÂY (Ki no ue, 1962)
Nhà Keisuke nằm bên kè chỗ con Sông Cái [13] sắp đổ vào biển. Con Sông Cái tiếp giáp thật gần với vườn nhà nhưng vì người ta đã xây một cái đê con khá cao nên đứng từ nhà, không thể nào nhìn thấy dòng nước. Kè sông nơi có những cây tùng mọc thành hàng vốn hơi thấp hơn con đê một tí nên Keisuke xem những cây tùng ấy chẳng khác nào cây trong vườn nhà mình. Mặt trước của chúng được chắn lại bằng một hàng giậu cây xanh.
Michiko thường vạch hàng giậu ấy len qua để sang chơi, đúng hơn là sang gặp Keisuke. Hồi đó, cả Keisuke lẫn Michiko đều là học sinh năm thứ tư tiểu học. Chẳng cần theo cổng trước hay đi qua bằng cánh cửa gỗ mé sau mà vào, hai đứa cứ tạo cho mình cáich thức bí mật là luồn người dưới hàng giậu. Đối với đứa con gái, thật ra chẳng có gì vui vì phải đưa tay lên che đầu và mặt, khom lưng chui dưới giậu. Có khi ngã lăn chiêng giữa vườn, có khi Keisuke phải ôm lấy xốc ra ngoài.
Mỗi ngày mà cứ qua bên nhà mãi thì cả thẹn với gia đình Keisuke mất nên cô bé phải chui dưới bờ giậu theo lời Keisuke bày. Có lần, Michiko bảo:
- Chui thích ghê. Ngực hồi hộp ơi là hồi hộp!
Một hôm, trong khi Keisuke đang leo lên và ngồi trên cây tùng thì Michiko chợt chui qua. Không nhìn trước nhìn sau, Michiko hấp tấp đi lên kè sông rồi dừng chân ở bên hàng giậu mà mình vẫn thường chui qua để xem mình đang đứng ở đâu. Cô bé vòng cái bím tóc tết thành ba tua dài và rủ xuống ra đằng trước, ngậm nó trong miệng, nhanh nhẹn đưa người ra phía trước, chui xuống dưới hàng giậu. Trên cây, Keisuke ngồi nín thở. Khi Michiko luồn được vào trong vườn rồi, cô không thấy Keisuke đáng lẽ phải ở đó đợi mình, hoảng hồn định thối lui. Nhờ có hàng giậu che kín, không ai thấy được, nhưng nó lại làm cho Keisuke không tìm ra cô.
Keisuke gọi:
- Mitchan[14]! Mitchan!
Michiko rời khỏi hàng giậu, dáo dác nhìn quanh khu vườn rồi hướng lên phía có tiếng Keisuke.
-Mitchan! Cây tùng nè. Anh ở trên cây tùng đây nè!
Không nghe Michiko nói được câu nào, Keisuke lại lên tiếng:
- Tới đây. Ra đi, tới đây này!
Khi Michiko vừa chui ra khỏi hàng giậu, cô ngẩng đầu lên nhìn Keisuke và bảo:
Xuống đây với em!
Mitchan, leo lên đi. Ở trên cây thích lắm!
Em không leo nổi đâu. Chọc em hoài, con trai gì cứ hay hù người ta. Xuống đây!
-Leo lên đi mà. Cành nhiều như thế này, con gái cũng leo được.
Michiko ngắm nghía vị trí mấy cành cây.
-Em mà có ngã là tại Keichan [15] đó nghe! Rủi có chết, em bắt đền đó nha.
Thế rồi cô bé bám đu đưa vào cái cành phía dưới, bắt đầu leo lên.
Leo được đến cành cây Keisuke đang ngồi thì Michiko đã hổn hển:
- Em leo được, em leo được rồi.
Mắt cô bé long lanh:
Sợ quá trời, cứ phải bíu lấy.
Thôi xong rồi…
Keisuke kéo cô bé vào lòng siết chặt. Michiko ấp lấy đầu Keisuke:
Thấy được biển kìa!
Cái gì mình cũng thấy được hết. Bờ bên kia sông, cả phía trên nguồn sông nữa kìa.
… Có phải leo lên đây thấy thích không?
Thích quá đi chứ! Keichan này, mai mình lại leo lên nữa nhé.
Ừ!
Keisuke im lặng một hồi rồi tiếp:
Mitchan, chuyện bí mật đó nghe. Anh vẫn hay leo lên cây và ở trên này. Giữ kín nghe bé. Ở trên cây đọc sách được, học bài cũng được. Nhưng đừng kể cho ai nghe hết nhá.
Em không kể đâu.
Michiko gật gật nhưng lại hỏi:
Chứ tại sao anh biến thành chim như vậy?
Chỉ cho một mình Mitchan biết thôi nghe!…Ba anh với má anh mới cãi nhau dữ dội. Má đòi dắt anh về nhà ông bà ngoại ở. Anh không muốn ngó thấy mấy cảnh đó nên leo lên cây trước sân, núp ở trên cây! Họ bảo nhau thằng Keisuke nó biến đi đâu mất rồi, sao tìm hoài cũng không thấy. Ba anh ra tận ngoài biển mà tìm, ở trên cây anh thấy hết. Hồi mùa xuân năm ngoái đó.
Ba má anh sao lại gây gổ với nhau?
Còn phải hỏi. Tại ba anh có bà bồ nào đó mà.
…
- Thế rồi, từ dạo đó, anh cứ thường leo lên cây. Cả ba anh lẫn má anh đều chưa biết chuyện này. Bí mật nghe, bé!
Và như để cho Michiko hiểu rõ hơn, Keisuke nhấn mạnh:
- Mitchan này! Kể từ ngày mai, nhớ mang sách lên đây. Tụi mình học trên cây nhé. Thế nào học cũng giỏi ra. Cái cây sơn trà trong vườn đó em, lá thật rậm, có đúng không? Ở dưới cây, không cách chi nhìn thấy bên trên.
Chuyện “bí mật” đó của hai đứa trẻ kéo dài chắc phải đến hai năm. Nhờ có thân cây thật vững chải đở cho tán lá bủa rộng, chúng có thể cảm thấy thoải mái khi ở trên đó. Michiko ngồi vắt chân trên một cành và thân mình lại dựa trên một cành khác. Có hôm chim ghé qua chơi, có hôm gió đến xạc xào trong lá. Cây đâu đến nổi cao chi cho lắm nhưng hai người yêu bé nhỏ ấy cảm thấy trên đó là một thế giới hoàn toàn cách biệt với cõi nhân gian.
NGƯỜI ĐẸP DƯỚI TRĂNG (Gekka-bijin, 1963) [16]
Đã ba năm liền, mỗi năm một lần vào mùa hạ, Komiya vẫn cho mời những người bạn học cũ của vợ mình đến nhà chơi đúng cái đêm mà những đóa hoa gọi là gekka bijin hay “người đẹp dưới trăng” đó nở. Bà Murayama là người đến sớm nhất, lên tiếng khi vừa bước vào phòng khách:
- Ôi chao, đẹp quá. Nở nhiều như thế này cơ à, thích mắt thật. Còn hơn cả năm ngoái…
Rồi cứ đứng nguyên như thế, bà ngắm những đóa gekka biijn.
- Năm ngoái chỉ có bảy đóa thôi phải không? Đêm nay sẽ nở được bao nhiêu ấy nhỉ?
Trong căn phòng khách rộng lớn kiến trúc bằng gỗ kiểu Tây Phương cổ kính, người ta đã dọn bàn qua một bên dành chỗ cho cái bục tròn. Những chậu gekka bijin được đem ra bày giữa bục. Tuy những chậu hoa nằm ở một vị trí thấp hơn đầu gối nhưng những đóa gekka bijin có vẻ như muốn vươn dài ra, hướng về phía bà.
- Hoa đâu mà trắng huyền ảo thế này. Như đang thấy được hoa trong mộng…
Bà nói lại một câu giống như năm ngoái. Năm kia cơ, lúc mới nhìn thấy những đóa hoa này lần đầu tiên, bà vẫn nói cùng một câu ấy với một giọng còn đầy xúc cảm hơn nhiều…
Bà tiến gần bên mấy đóa gekka bijin, ngắm cho tỏ tường thêm một hồi nữa. Thế rồi bà đến trước mặt Kojima, cảm ơn ông đã mời mình đến nhà. Hướng về phía cô con gái đứng ngang tầm Komiya, bà cũng ngỏ lời:
- Dì cảm ơn Toshiko-chan [17] về buổi tối hôm nay. Cháu càng lớn, trông càng đáng yêu…Mong sao năm nay gekka bijin lại nở gấp đôi năm ngoái, Toshiko-chan cũng trưởng thành như hoa vậy nhé.
Đứa bé gái nhìn khuôn mặt của bà mà không nói gì. Nó không tỏ vẻ e thẹn nhưng cũng không mỉm một nụ cười.
Bà Murayama hướng về phía Komiya:
- Chắc anh phải dồn hết tâm lực chăm sóc hoa? Không thôi sao hoa lại nở nhiều như thế được…
-Tối nay hình như là lúc hoa nở nhiều nhất trong năm.
Kojima nói ra như muốn giải thích tại sao mình lại gấp rút mời mọi người đến nhà tối nay nhưng trong giọng nói của ông không thấy có sự sốt sắng đó.
Bà Murayama đến sớm hơn cả nhưng lý do không phải vì bà sống ở vùng bờ biển Kugenuma, cách địa điểm Hayama [18] này không bao xa. Khi Komiya gọi cho bà biết trước tiên là “Tối nay đấy” thì lập tức bà đã nhận nhiệm vụ rủ rê bằng điện thoại nhóm bạn bè ở Tôkyô. Những câu trả lời qua điện thoại của họ cũng được bà thông báo cho chủ nhân. Trong số năm người được mời đến thì đã có hai bà bận việc, một bà muốn đợi chồng về rồi mới quyết định. Chỉ có hai bà Imasato và Ômori cho biết là họ đến được.
- Chị Ômori bảo với em có ba người thôi à? So với năm mới là ít đi đấy. Mời thêm được chị Shimaki nữa thì hay! Tuy chị Shimaki năm nay mới đến lần đầu nhưng chắc là trong đám đồng khóa với chúng em, dân độc thân chỉ còn mỗi chị ấy.
Bà Murayama nói như vậy.
Cô bé Toshiko nhỏm người khỏi ghế, đi ngang qua khỏi chỗ đặt gekka bijin, và như muốn rời căn phòng.
- Toshiko-chan ơi!
Bà Maurayama gọi giật cô lại:
Mình đến xem hoa với nhau đi!
Cháu thấy hoa nở rồi ạ!
Cháu đã xem hoa lúc nó nở? Xem với bố rồi hả…? Này Toshiko-chan, gekka bijin nở như thế nào hở cháu?
Cô gái không quay đầu lại nhìn bà mà cứ thế đi thẳng.
Bà Murayama nhớ lại hồi năm kia, Komiya đã tả cho bà là hoa nở như đong đưa theo làn gió vuốt ve và cách nó nở tựa như một búp sen.
- Toshiko-chan coi bộ không thích gặp bạn bè của mẹ hay sao nhỉ? Chắc cháu không muốn ai nhắc đến chuyện mẹ cháu?
Bà Murayama lại nói tiếp:
- Phải chi có chị Sachiko có mặt ở đây để cùng ngắm hoa với chúng mình. Nếu chị Sachiko mà còn ở đây, chắc anh Komiya đâu bỏ thời giờ gầy gekka biijn kia nọ làm chi nhỉ?
…
Một đêm mùa hạ năm kia, bà Murayama có đến chỗ Komiya yêu cầu ông cho Sachiko, bà vợ đã bỏ nhau, trở về, khi đó có nhìn thấy ở đấy những đóa gekka bijin. Thế rồi bà mới xin Komiya cho phép mình sắp đặt mời nhóm bạn bè cũ của Sachiko đến đây để xem hoa.
Có tiếng xe hơi. Bà Imasato vừa đến nơi. Lúc đó đã quá chín giờ rưỡi tối. Gekka bijin chỉ hoàn toàn nở khi trời vào đêm, sau hai ba tiếng đồng hồ thì đã úa tàn. Đời hoa chỉ có mỗi một đêm thôi. Hai mươi phút sau mới thấy bà Ômori kéo theo bà Shimaki đến. Bà Murayama giới thiệu Shimaki Sumiko với Komiya.
Người này còn trẻ bắt chết, phải không? Đẹp nõn nên chưa chịu lấy ai đó!
Tại người em không được khỏe.
Vừa trả lời, đôi mắt của bà như ánh lên long lanh khi nhìn gekka bijin. Chỉ có mình Sumiko là lần đầu tiên mới được thấy gekka bijin. Sumiko đứng lặng người một hồi trước những đóa hoa, đi chầm chậm chung quanh ngắm nghía, rồi lại nghiêng mặt kề sát bên hoa.
Hoa nở từ đài hoa lớn nằm ở chóp những phiến lá dài, đóa hoa to, trắng tinh, run nhẹ theo làn gió thoảng đến từ bên ngoài cánh cửa sổ đang mở toang. Hoa thật lạ lùng, cánh của gekka bijin không giống loại cúc bạch lá dài cũng không giống loại thược dược trắng. Chúng giống như những đóa hoa chỉ thấy trong mộng huyễn.Ba thân hoa dựa vào một lóng trúc, vươn lên bên trên những phiến lá xum xuê màu lục đậm vây lấy nhiều đóa hoa. Vì thuộc họ xương rồng, lá của cây mọc tiếp ra từ lá. Nhụy đực lại dài.
Bị thu hút bởi quang cảnh Sumiko chăm chú nhìn hoa, Komiya đi đến đứng bên cạnh lúc nào mà hình như Sumiko vẫn không hay biết. Komiya lên tiếng:
- Gekka bijin thì bây giờ ở bên Nhật mình người ta nuôi nhiều lắm [19] thế nhưng trong một đêm mà nở cho những mười ba đóa thì hãy là chuyện hiếm. Ở nhà tôi đây, mỗi năm hoa nở sáu, bảy lần nhưng đêm nay như thế là nở nhiều nhất đấy.
Komiya bèn đưa tay chỉ một nụ hoa lớn tựa hoa loa kèn và bảo đóa hoa này ngày mai sẽ nở, rồi chỉ những chồi nhỏ như hạt đậu con bên cạnh lá, giải thích cho Sumiko cái này sẽ thành lá, cái kia sẽ thành nụ. Một cái nụ như vậy, cho đến khi nở ra phải mất cả tháng.
Hương hoa ngọt ngào vây tỏa quanh Sumiko. Làn hương đó đậm đà hơn hương huệ nhưng không có cái nồng nồng khó chịu của hoa huệ. Ngay cả khi Sumiko đi về phía ghế ngồi, mắt của nàng vẫn chưa chịu rời gekka bijin.
Ô kìa, tiếng vĩ cầm…Ai trong nhà chơi vĩ cầm thế hở?
Con tôi đấy!
Nhạc dễ thương quá. Bản gì đó anh?
Chịu!
Theo bà Ômori thì điệu nhạc ăn khớp với gekka bijin. Sumiko ngước mắt nhìn lên trần nhà rồi bước ra bải cỏ ngoài vườn. Biển ở ngay phía dưới.
Khi quay trở lại phòng khách, Sumiko bảo:
- Con gái của anh đấy ạ? Em thấy cháu qua bao lơn lầu hai…Đánh đàn mà chỉ đâu lưng chứ không nhìn ra hướng biển. Như thế có khi hay hơn không chừng…