Phanxipăng | Về Phố Hiến dạo hồ Bán Nguyệt

Phố Hiến là một trong hai đô thị rất nổi tiếng của nước ta xưa, chỉ sau thủ đô Thăng Long.

 · 24 phút đọc.

Phố Hiến là một trong hai đô thị rất nổi tiếng của nước ta xưa, chỉ sau thủ đô Thăng Long.

Bồng bềnh ký ức

Dường hữu duyên hay sao mà tôi từng thiên lý năng tương ngộ Hội An nhiều lần. Có lần chỉ dăm tiếng đồng hồ. Có lần suốt mấy ngày đêm. Lần đầu vào thập niên 1980. Thuở nọ, cảng thị này vắng lặng, đìu hiu; lác đác đó đây dăm tổ hợp hoặc hợp tác xã mành trúc, chổi đót, dệt vải. Hồi bấy giờ, kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski – tên thân mật là Kazik – từ Ba Lan sang nước ta khảo sát hiện trạng thung lũng thần linh Mỹ Sơn ở huyện Duy Xuyên thuộc tỉnh Quảng Nam để hoạch định phương án bảo quản và trùng tu thánh địa Chăm kia. Một hôm, xuôi về phố Hội, Kazik ngạc nhiên thốt lên:

– Ô! Hội An đang nằm trên đống vàng mà chẳng biết!

Sau đấy, Kazik liên tiếp gửi loạt báo cáo gọi là phát hiện Hội An cho Bộ Văn hóa Việt Nam lẫn Cơ quan Bảo tồn các đô thị cổ ở Warszawa, thủ đô Ba Lan.

Thật ra, từ rất lâu, Hội An tự ý thức được giá trị văn hóa – lịch sử quý báu do mình sở đắc, dẫu mức độ am hiểu chưa toàn triệt. Câu hát dân gian truyền tụng bao đời nơi đây đã đặt đô thị này trong mối tương quan với Huế và Đà Nẵng, đủ phản ánh điều đó:

Chỗ mô vui bằng đất Hội An?

Chỗ mô thanh bằng Huế, bằng Hàn?

Biết, ờ biết vậy. Chứ muốn khai thác, phát huy thế mạnh của từng cá nhân, từng gia đình cũng như cả cộng đồng, tự thân đương sự lắm phen phải tích cực chuẩn bị vô số yếu tố sẵn sàng và phải nhẫn nại đợi chờ hoàn cảnh khách quan thuận lợi. Với Hội An, năm 1985 được xem như thời điểm cắm mốc hồi sinh bằng hai sự kiện đáng kể. Thứ nhất là Hội nghị khoa học quốc gia về khu phố cổ Hội An diễn ra trong hai ngày 23 và 24-7. Giáo sư Trần Quốc Vượng tổng thuật kết quả Hội nghị:

Hội An là một trong những đô thị cổ nhất của miền Trung, của cả nước ta. Từ thế kỷ XIV và đặc biệt từ thế kỷ XV đã có cư dân người Việt đến vùng này sinh sống. Có thể thống nhất ý kiến về đỉnh cao của sự thịnh vượng của Hội An từ nửa đầu thế kỷ XVII và bước suy thoái của nó bắt đầu từ cuối thế kỷ XVIII. Công cuộc đô thị hóa dưới các chế độ thực dân cũ và mới đã thu hút cái náo động, xáo trộn về phía cửa Hàn, trả lại cái im lìm, tĩnh lặng cho Hội An cùng nhiều cơ may lịch sử khác khiến cho Hội An trở thành đô thị cũ và còn giữ lại khu phố cổ khá nguyên vẹn, ngon lành. Từ những nghiên cứu bước đầu về Hội An, ta đã thấy sự cần thiết phải bảo tồn và phát huy một quần thể kiến trúc đô thị hiếm có.

Sự kiện thứ hai là Bộ Văn hóa ban hành quyết định công nhận, khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử – văn hóa cho khu phố cổ Hội An.

Kế tiếp, tháng 7 năm 1986, sách Hội An đô thị cổ được NXB Đà Nẵng ấn hành bằng ba thứ tiếng Việt – Nga – Anh. Đấy là thư tịch chủ yếu sử dụng tranh ảnh: phiên bản tranh màu của Bùi Xuân Phái và Lưu Công Nhân, cùng ảnh đen trắng của Hoàng Kim Đan, Ông Văn Sinh, Vĩnh Tân. Lời đầu sách do nhà văn Nguyễn Tuân chấp bút, có đoạn:

Một cái phố nằm bên sông Hoài (sông Thu Bồn viền phố Hội An còn mang một tên nữa là sông Hoài). Chao ôi một thị xã Nhớ dựng lên sát một hải cảng Đợi (Cửa Đại), sao mà đất nước mình có những đại danh từ gợi cảm khá nhiều như vậy.

Sách được in 4.000 bản, hướng phát hành chính ra hải ngoại. Riêng tôi, cuốn sách còn mang ý nghĩa lưu niệm phẩm trang nhã. Số là năm 1991, tôi ghé lại Hội An, một thiếu nữ duyên dáng ven sông Hoài biếu tôi ấn phẩm đó và nói:

– Năm ngoái (1990), Hội thảo quốc tế về khu phố cổ Hội An quy tụ khá đông nhà khoa học trong lẫn ngoài nước; kết quả khả quan lắm, anh à.

Từ ấy, du khách gần xa dần chú ý Hội An. Năm 1993, khoảng chục nghìn lượt khách ghé đây. Năm sau, 1994, hơn 24.300 lượt khách tham quan phố Hội. Không khí thị xã bỏ túi nhộn nhịp hẳn lên và đời sống của một bộ phận cư dân địa phương được cải thiện rõ rệt. Chớm xuất hiện tiếng cảnh báo về nguy cơ tàn phai hồn phố trước sự bùng nổ du lịch trong cơ chế thị trường. Ý kiến phản biện: khuếch trương du lịch và dịch vụ chính là tạo điều kiện cần thiết về vật chất lẫn tinh thần giúp công cuộc bảo tồn di tích đạt hiệu quả.

Năm 1997, trên đường thực hiện phóng sự Đặc sản Quảng Đà, tôi lại về bên sông Hoài, hít hà khảo nếm cao lầu Hội phố, xôi bắp An Hội, bánh đập Cẩm Nam… Tôi kịp thấy thị xã chuyển mình nhanh chóng. Nhiều shop, gallery, quán bar, nhà hàng, khách sạn, phòng trọ chen chúc mọc lên để tíu tít mời chào lớp lớp khách Tây, khách ta. Dĩ nhiên, chỉ mấy dãy phố cổ thì dẫu hay, dẫu khéo, cũng không sao níu kéo mãi chân người. Nhằm tăng độ thu hút du lịch, Hội An năng động phục hồi hoặc sáng tạo thêm những hình thức sinh hoạt phù hợp.

Mùa thu 1998, chương trình Đêm rằm phố cổ bắt đầu thử nghiệm: khu vực từ thượng Chùa Cầu đến hạ Ông Bổn tiết chế ánh sáng điện mà thay bằng đèn lồng; hình thành những tuyến đường dành riêng cho bộ hành; khôi phục một số hoạt động văn nghệ dân tộc truyền thống như hát bài chòi, hát bả trạo, hát bội.

Rồi tin vui bất ngờ ập tới. Chiều thứ tư 01 – 12 – 1999, tại phiên họp thường niên lần XXIII ở thành phố Marrakesh (Maroc), Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO chính thức đưa Hội An cùng Mỹ Sơn vào danh sách Di sản văn hóa thế giới.

Éo le thay! Tin vui ập tới giữa lúc hai cơn lũ lịch sử hoành hành dữ dội các tỉnh duyên hải miền Trung nước ta. Lúc ấy, mang tâm trạng mừng mừng rưng rưng, tôi đã băng qua nhiều quãng đường ngập nước hoặc lầy bùn, cố về Hội An để chứng kiến cảnh người dân thị xã bất chấp mưa rét, xuống đường diễu hành trống giong, cờ mở bằng đủ loại phương tiện giao thông (ô tô, xe máy, xe đạp, xích lô, ba gác…) rồi hân hoan mở tiệc chào mừng sự kiện trên cả tuyệt vời. Tại trụ sở Ủy ban nhân dân (UBND) thị xã Hội An, chủ tịch Nguyễn Sự xúc động phát biểu với tôi:

– Sau rất nhiều cố gắng, đô thị cổ đây đã được giữ gìn những yếu tố vật thể và phi vật thể mang hơi thở ấm nóng của lịch sử. Nay, với sự kiện này, Hội An càng có thêm điều kiện thuận tiện để bảo tồn, trùng tu và phát triển. Theo thống kê, toàn thị xã có tới 1.310 di tích các loại, trong đó hiện có 84 di tích phải trùng tu cấp bách và hơn 600 di tích khác cần được tu bổ kịp thời. Khác nhiều di tích cổ ở nhiều nơi trên thế giới, Hội An là quần thể di tích sống vì có dân trú ngụ, sinh nhai. Tất cả các căn nhà cổ ở đây đều thuộc sở hữu tư nhân, nên thành tựu đạt được hôm nay là nhờ lòng dân trước hết.

Hành trình từ quá khứ

Hội An khởi sắc từ lòng dân và trên cơ sở di sản của cha ông. Ngày thứ ba 28 – 03 đến thứ bảy 01 – 04 – 2000, chương trình Hội An – hành trình từ quá khứ được tổ chức chẳng khác nào khúc dạo đầu bản đại hợp xướng lễ hội tương lai.

Những ngày ấy, người phố cổ mặc trang phục may theo kiểu cổ, chơi những trò giải trí cổ truyền như xăm hường, mạt chược, bài tới. Nhiều nhóm cổ nhạc quây quần hòa tấu đàn bầu, đàn tranh, đàn nhị, sáo trúc. Nhà nọ nhà kia chong đèn sáp mà đánh cờ tướng, ngâm Kiều và xướng họa thơ Đường luật. Một số cuộc triển lãm tranh, trưng bày cổ vật, cùng các hoạt cảnh đồng dao, múa lân, kéo co, thả diều diễn ra. Đấy là trên bờ. Còn dưới nước, thiên hạ hào hứng đua thuyền, hò đối đáp nam nữ, thả hoa đăng.

Tham dự trọn vẹn chương trình Hội An – hành trình từ quá khứ, hầu hết du khách gần xa đều chung nhận xét:

– Tuyệt diệu!

Dạo đó, tôi lại hân hạnh thu nạp thêm một kỷ niệm thú vị với Hội An. Trần Kỳ Trung, nhà văn ở địa phương này, mời tôi về lưu trú trên căn gác gỗ tọa lạc cách Lai Viễn kiều, tức Chùa Cầu, chỉ quãng ngắn. Trần Kỳ Trung được thừa kế nhà này từ nội tổ. Ấy là ngôi nhà rường được khởi dựng từ năm Mậu Ngọ 1858, niên hiệu Tự Đức XI, theo phong cách kiến trúc đặc thù Hội An.

Giữa thoang thoảng hương trầm và trà sen, tôi thong thả quan sát nào cặp mắt cửa lá đề, nào giếng trời, cùng bao đồ mộc và đồ gốm tinh xảo do nghệ nhân Kim Bồng với phường thợ Thanh Hà quanh vùng đã anh hoa phát tiết. Trong khung cảnh ấy, tôi thoáng liên tưởng đôi vần thơ Lục Du của Trung Hoa thời Tống cùng dăm đoạn văn Yasunari Kawabata(5) của Nhật Bản. Kéo bức mành tre, tôi mải miết ngắm những mái ngói lúp xúp rêu phong, những bức tường nhấp nhô loang lổ – đường nét và sắc màu nhu hòa rất riêng đã tạo nên cái gọi là mélodie de Faifo (giai điệu phố Hội) khiến bao họa sĩ, nhiếp ảnh gia lẫn giới truyền hình và điện ảnh say mê.

Cuối tháng 2 năm 2001, Hội An tiếp tục đón nhận tin vui: được UNESCO trao giải thưởng Dự án kiệt xuất về hợp tác bảo tồn di sản văn hóa thế giới. Bảy tháng sau, đúng Tết Trung thu Tân Tị, xuất hiện chương trình Đêm rằm phố cổ ghi dấu mối liên kết đáng mừng giữa ba vùng du lịch gần gũi ở miền Trung, gồm Huế – Đà Nẵng – Hội An. Sự liên kết kia góp phần đặt nền móng cho việc thiết lập Ủy ban mang tên Con đường di sản thế giới theo sáng kiến của ông Paul Stoll, tổng giám đốc khu nghỉ mát Furama tại Đà Nẵng.

Một tối thượng tuần tháng 7 năm 2002, tôi tranh thủ ghé Hội An, viếng từ đường chi phái Trần Ngọc – Mậu Tài. Tôi nghe người bà con (công tác trong ngành du lịch) cho biết:

– Con đường di sản thế giới ở miền Trung là chương trình hợp tác phát triển du lịch quy mô: trải dài 1.500km, từ Vinh (Nghệ An) qua Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, vào cố đô Huế, rồi Đà Nẵng, Mỹ Sơn, Hội An, xuyên ngang Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, cuối cùng ngoặt lên Đà Lạt. Tương lai, con đường ấy sẽ mở rộng tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, kết nối Việt Nam với các quốc gia Lào, Thái Lan, Myanmar, và có thể vươn tới Ấn Độ. Nhận thấy chương trình hứa hẹn lợi ích nhiều mặt nên đã có lắm đơn vị đối tác đăng ký tham gia, như Vietnam Airlines, ACB, Công ty nước giải khát Pepsi, Công ty bia Foster, Công ty bảo hiểm Prudential, v.v. Sang năm, ngay tại Hội An, sẽ có cuộc triển lãm quảng bá chương trình này nhân Lễ hội Quảng Nam 2003 – hành trình di sản.

Vọng ngân tuần lễ hội

Sự thành công mỹ mãn của chuỗi Đêm rằm phố cổ ở thị xã Hội An suốt hơn 4 năm liền đủ tạo tiền đề để UBND tỉnh Quảng Nam mạnh dạn phối hợp với Tổng cục Du lịch và Bộ Văn hóa – Thông tin tổ chức Lễ hội Quảng Nam 2003 – hành trình di sản từ ngày 27 – 03 đến 02 – 04. Được biết tổng kinh phí đầu tư cho lễ hội này vượt 6 tỉ đồng.

Mở đầu là khai mạc Hội chợ du lịch – thương mại tại Công viên văn hóa Hội An và chương trình sân khấu hóa Quảng Nam từ trong di sản ở sân khấu nổi trên sông Hoài. Kết thúc là Dạ hội giã bạn tại phố cổ Hội An. Rất nhiều chương trình đinh cũng diễn ra khắp thị xã Hội An: đua thuyền truyền thống, trưng bày Báo chí với văn hóa và du lịch Quảng Nam, triển lãm ảnh và hiện vật Con đường di sản miền Trung, triển lãm tranh của một số họa sĩ Sài Gòn, biểu diễn dân ca kịch Quảng Nam, dạ hội hóa trang các dân tộc Việt Nam và thế giới, giao lưu các giọng ca vàng Quảng Ngãi – Quảng Nam – Đà Nẵng, liên hoan đồng dao và dân ca, hội thảo về đầu tư vào Quảng Nam, lễ hội cầu ngư, thi đấu một số môn thể thao bãi biển như bóng đá mini, bóng chuyền, kéo co, lắc thúng chai. Lần này, cả Cù lao Chàm – hải đảo ngoài khơi Hội An – cũng nhập cuộc với các tour du lịch sinh thái và loạt tiết mục biểu diễn trên sóng biển (lướt ván, thuyền buồm, thuyền Kazak, môtô nước, dù lượn…) cùng chương trình giao lưu văn nghệ giữa miền biển với miền núi.

Trương Công Ánh – phóng viên ảnh của tờ Thời báo kinh tế Việt Nam, hiện thường trú tại TP.HCM – hễ có dịp liền rảo gót về thị xã bên bờ sông Hoài, lăm lăm ống kính ghi nhận những khoảnh khắc ngoạn mục để tạo album ảnh Phố cổ Hội An (Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam xuất bản năm 2001). Ánh tâm sự:

– Mình sinh ra ở huyện Thăng Bình. Nhưng trọn quãng đời tiểu học và trung học, mình sống tại Hội An. Sau này, vào Sài Gòn học tiếp rồi làm việc, Hội An vẫn luôn là một cõi đi về của mình. Phải mất 15 năm đi đi về về liên tục để chụp và chụp, mình mới chọn in được tập Phố cổ Hội An gồm 50 bức ảnh đã từng triển lãm. Lễ hội Quảng Nam 2003 – hành trình di sản là sự kiện lớn, chắc chắn bằng mọi cách mình phải về Hội An để tham dự.

Nghe tin tôi sẽ ghé phố cổ ngay sau lễ hội, Trương Công Ánh rốn đợi. Đón tôi trước cổng Hội An hotel trên đường Trần Hưng Đạo, anh thở phào:

– Trước lễ hội, mình hết sức… áy náy, nhưng chẳng tiện nói ra. Đang lúc châu Á bùng phát đại nạn SARS khiến toàn cầu lo ngại, liệu lễ hội có thành công nổi không? Nào ngờ thắng lợi giòn giã. Sự hiện diện của 15 đoàn ngoại giao từ các quốc gia và các hãng thông tấn lớn của quốc tế, cùng hàng nghìn lượt khách nước ngoài nô nức đến dự lễ hội, đủ chứng tỏ Việt Nam – điểm đến an toàn của thiên niên kỷ mới. Tổng cục Du lịch công nhận lễ hội này là một trong những trọng điểm của chương trình hành động quốc gia về du lịch. Chính phủ còn khuyến khích nên duy trì Lễ hội Quảng Nam tổ chức định kỳ vào các năm lẻ, xen kẽ với Festival Huế vào các năm chẵn.

Tôi hỏi:

– Những ngày đêm lễ hội, hẳn anh săn được khối ảnh đẹp?

Trương Công Ánh cười:

Đốt non chục cuốn phim, chỉ cầu chọn được vài tấm như ý. Đó là série ảnh mà mình định lấy tên Hồn lẻ.

– Chà! Cái tên quá xá… độc chiêu!

– Mượn đôi chữ trong ca khúc Biển nhớ quen thuộc của Trịnh Công Sơn í mà: Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng, hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn, nghe ngoài biển động buồn hơn. Tác phẩm mới, xin được giữ bí mật ít lâu rồi công bố cho… sướng!

Cũng niềm đam mê nghệ thuật, Trương Công Ánh còn say sưa âm nhạc. Từ bé, ở Hội An, Ánh đã dành nhiều thời gian luyện guitare classique dưới sự hướng dẫn của cầm thủ Dương Hạ Châu. Bây giờ, sau mấy vòng loanh quanh trên những con đường nhỏ, lang thang qua phố xưa nhà cổ, Ánh rủ tôi ra bãi biển Cửa Đại ngồi nhâm nhi hải sản và nghe các tây ban cầm thủ luân phiên độc tấu hoặc hoà tấu chùm nhạc phẩm classique cùng semi-classique khá mượt mà. Không ngờ thị xã tí hon này lại sẵn một lực lượng guitarist sung sức, chịu khổ công tập tành bài bản công phu, chỉ để… chơi thôi. Có thể điểm qua vài tay đàn đang trú ngụ tại địa phương: Dương Hạ Châu, Nguyễn Văn Định, Lê Văn Nam, Vương Tử Hoàng, Sử Chấn Khương…

Tôi vụt thắc mắc:

– Hội An thừa sức gầy dựng một Câu lạc bộ guitar cổ điển. Cớ sao chưa thành lập để phát triển phong trào, góp thêm nét thẩm mỹ đáng yêu vào sinh hoạt văn hóa văn nghệ ở phố cổ nhỉ?

Huỳnh Anh, giám đốc nhân sự Công ty Truyền hình cáp Hội An, hưởng ứng:

– Hảo a! Câu lạc bộ thư pháp chữ Việt và chữ Hán ở Hội An mới khai sinh năm ngoái, 2002, đã tổ chức mấy đợt biểu diễn và triển lãm tại hội quán Ngũ Bang, đạt thành quả bước đầu đáng khích lệ. Câu lạc bộ guitar cổ điển nếu ra đời lại càng phù hợp với không khí phố cổ.

Nói đoạn, Huỳnh Anh chợt trầm ngâm:

– Vạn sự khởi đầu nan. Quy tụ cầm thủ để lập Câu lạc bộ guitar cổ điển ắt chẳng khó mấy. Cái khó là tìm ra cơ chế để nuôi dưỡng phong trào dài lâu kia kìa.

Huỳnh Anh trưng dẫn ngay một chuyện:

– Từng có những ý tưởng tốt đẹp được chấp nhận, tới lúc áp dụng trong thực tiễn thì mắc lắm khâu khó tháo gỡ. Chẳng hạn kế hoạch xóa bỏ ăngten tivi mà các hộ gia đình gắn trên nóc nhà, thay bằng cáp 10 kênh truyền hình, cốt trả lại vẻ đẹp nguyên sơ cho Hội An. Mặc dù chính quyền đã chi một phần ngân sách hỗ trợ nhân dân lắp đặt cáp, nhưng tới nay kế hoạch vẫn chưa hoàn tất nổi.

– Lý do?

– Đời sống của không ít cư dân, kể cả người đang sống trong khu phố cổ, đang gặp lắm khó khăn! Người người đều biết nếu xài cáp thì xem tivi được nhiều kênh (trong lẫn ngoài nước) với chất lượng đảm bảo ổn định, nhưng tiền mô mà nối cáp đến tận nhà riêng? Chi phí hằng tháng của dịch vụ ni chỉ 27.500 đồng (tính luôn thuế giá trị gia tăng), bà con có thể đóng thoải mái. Vấn đề là cài đặt thiết bị ban đầu, đòi hỏi tốn 600.000 đồng, khiến thành phần thị dân nghèo không đủ khả năng thanh toán!

Lễ hội Quảng Nam 2003 – hành trình di sản vừa trôi qua. Còn Đêm rằm phố cổ thì chưa tới. Song những ngày đầu tháng 4-2003, nhằm thượng tuần tháng 3 Quý Mùi, tôi vẫn thấy biết bao du khách muôn phương hứng thú tìm về Hội An.

Antoinette – một nữ du khách gốc Pháp quốc tịch Thụy Sĩ có mái tóc vàng óng như nắng – cho tôi hay:

– Em đi du lịch Việt Nam lần này là lần thứ ba. Theo kinh nghiệm cá nhân, lần nào cũng vậy, hễ chuẩn bị quay về nước thì em sắp xếp thời gian ghé Hội An để nghỉ dưỡng ít hôm.

Denise – một nữ du khách khác từ Đại công quốc Luxembourg mới tới phố Hội lần đầu – đã bộc bạch cảm tưởng:

– Nhỏ nhắn. Nhẹ nhàng. Xinh xắn. Hiền hòa. Ấm cúng. Cổ kính. Lịch sự. Hiếu khách. Ấy là những ấn tượng sơ khởi với đô thị này.

Trần Minh Trị – vốn là kỹ sư lâm nghiệp, nay là doanh nhân tại Sài Gòn và cũng lần đầu thăm Hội An – nhận định:

– Đến đây dịp lễ hội, thấy vui nhộn và… mệt nhoài. Đến đây vào những ngày thường thế này lại thấy Hội An thật hơn, thư thái hơn, trong chừng mực nào đó chắc khách nhàn du có cảm giác thích hơn.

Lý giải về sức quyến rũ của Hội An, trên tạp chí Du lịch Đà Nẵng số 7 (bộ mới – tháng 3 năm 2003), Văn Thành Lê viết: Xét cho cùng, Hội An thu hút ngày càng đông du khách bởi lẽ khu phố cổ này còn lưu giữ được cái mà nhiều nơi khác đã đánh mất hay còn thiếu. Sự yên tĩnh, nét hài hòa, vẻ nền nếp, dấu cổ xưa… tất cả làm nên một chất thơ sâu lắng giữa đời thường để khách tìm đến thư giãn sau khi đã nhọc nhằn vì cuộc mưu sinh thời công nghiệp.

Với một di sản đạt giá trị quốc gia và quốc tế nổi bật như phố cổ Hội An, đẩy mạnh du lịch là xu thế tất yếu nhằm khai thác và phát huy nội lực văn hóa lẫn kinh tế bản địa. Tuy nhiên, thế giới cũng đã đúc rút rằng hầu hết giá trị văn hóa truyền thống đều rất dễ bị tấn công bởi chủ nghĩa thực dụng thông qua muôn nẻo đường, mà đường ngắn nhất chính là… du lịch! Các chuyên gia cũng nhấn mạnh về chiến lược phát triển du lịch bền vững, mà các yếu tố cần đặc biệt chú ý là làm sao tạo ra các cơ hội giúp dân chúng địa phương cũng được hưởng lợi nhờ du lịch, đồng thời cần hạn chế tối đa các tác động tiêu cực lên môi trường tự nhiên và văn hóa – xã hội. Tích lũy vốn kinh nghiệm dồi dào liên quan công tác quản lý, quy hoạch, bảo tồn lẫn khai thác di sản quá khứ để phục vụ hiện tại và hướng tới tương lai, hy vọng Hội An sẽ có thêm nhiều sản phẩm mới độc đáo nhằm tăng cường hấp lực đối với du khách, cũng như linh hoạt vận dụng các giải pháp điều chỉnh cần thiết kịp thời nhằm thích nghi và tiếp tục phát triển vững chắc trước cơn lốc toàn cầu hóa.

Hội An ca

Giữa đêm phố cổ lung linh như thực như hư, tôi lắng nghe người dân thị xã xôn xao bàn tán quanh các sự kiện chuẩn bị diễn ra.

Nào là Giải bơi quốc tế vượt biển Cù lao Chàm – Hội An lần thứ III tổ chức trong hai ngày 26 và 27 – 04 – 2003, với sự tham gia của các vận động viên Nhật Bản cấp kiện tướng và các tuyển thủ Việt Nam sắp thi đấu SEA Games XXII. Giải bơi này là hoạt động thể thao chào mừng 30 năm quan hệ hữu nghị Việt – Nhật.

Nào là đề án cấm xe máy lưu thông trong khu phố cổ với mục đích tiết giảm tiếng ồn công nghiệp và ngăn ngừa sự cố đáng tiếc có thể xảy ra cho khách bộ hành. Đề án đã được chính quyền phê duyệt, sẽ bắt đầu thực thi từ tháng 5 năm 2003. Dư luận phân thành hai luồng trái ngược. Người cư ngụ trong khu phố cổ (chủ yếu gồm các trục đường Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai) than phiền:

– Trước, chỉ cấm ô tô chạy trong khu phố cổ. Chừ cấm tiệt luôn xe máy thì bất tiện cho tụi tui quá! Há lẽ mỗi khi đi làm, đi học, hoặc lui tới giao dịch, chở hàng, tụi tui phải tắt máy mà đẩy bộ hoặc phải gởi xe máy tuốt ngoài xa hử?

Người sống ngoài địa bàn nói trên lại đồng tình:

– Đề án ni có những mặt tích cực. Tối thiểu cũng làm giãn lượng du khách lâu ni quá tập trung vô mấy dãy phố cổ. Nhờ rứa, hàng quán ở khu vực ngoại vi mới mong được chia sẻ thị phần chơ. Vả lại, coi tivi, thấy một số đường phố trong các đô thị cổ ở nước ngoài chỉ toàn người đi bộ, còn các phương tiện giao thông cơ giới tuyệt nhiên vắng bóng. Rứa mới giữ được nét xưa êm ả chơ.

Sau Lễ hội Quảng Nam 2003 – hành trình di sản, những gì đọng lại sâu bền với Hội An? Thời gian sẽ tổng kết công minh. Trước mắt, tôi thử nêu một trường hợp: ca khúc Đêm hội phố Hoài của nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái.

Guitarist Dương Hạ Châu nói:

– Bài hát Đêm hội phố Hoài xuất hiện năm ngoái, năm tê chi đó. Nhưng từ lễ hội vừa qua, bài hát chẳng mấy chốc trở nên phổ biến khắp cả thị xã và được dân địa phương xem như Hội An ca.

Tôi gật:

– Ca từ đẹp, lãng mạn, cứ như thơ tình. Giai điệu, tiết tấu thấp thoáng âm hưởng nhạc cung đình Huế.

Anh Châu mỉm cười:

– Bởi lẽ Duy Khoái là nhạc sĩ gốc miền Hương Ngự mà. Hay hỉ?

Tôi rời phố Hội. Một nhà giáo công tác tại Đại học Đà Nẵng trao tặng tôi món quà thơm thảo trước phút tạm biệt. Đó là CD Quảng Nam yêu thương mới ghi âm, có Đêm hội phố Hoài do Duy Dũng cùng Thủy Trúc song ca.

Quay lại Sài Gòn, ngồi viết những dòng này, tôi vừa nghe bài hát nọ:

Tìm lại ngày xưa đã mất bến sông Hoài tôi về chiều nay,

Thấy bông hoa vàng rụng ven sông ngày xưa đã qua qua rồi,

Loanh quanh trên những con đường nhỏ,

Lang thang qua phố xưa nhà cổ,

Đi đâu cũng một màu xanh trong vắt hồn phố xưa.

Chiều về Hội An để đêm mơ Hoài phố,

Vẫn ánh đèn đêm xôn xao chợ khuya,

Vẫn tiếng rao trăm năm vọng về,

Trên thuyền hoa, lời tình xưa ru ai xao xuyến,

Sáng trên sông Hoài, ánh trăng đêm nào.

Cùng ngàn hoa đăng lung linh trôi bồng bềnh nỗi nhớ bóng người xưa

Ai ngồi đợi ai trên bến sông này. (…)

Chiều về Hội An để đêm mơ Hoài phố,

Vẫn tiếng đàn ai ngân trong vườn khuya,

Tiếng guốc khua trên con đường gầy,

Mái chùa Ông, vầng trăng trong câu thơ nghiêng chén,

Mái rêu u trầm, nét hoa Kim Bồng,

Lời người từ trăm năm xa xưa gởi lại ngàn sau dấu vàng son,

Ai ngồi đợi trăng trên bến sông này,

Có người ngẩn ngơ đêm hội phố Hoài.

Sông Nhớ hỡi! Cảng Chờ ơi! Tôi đang nắm độc quyền nguồn thông tin cực kỳ chính xác. Rằng khắp cõi trần, ít nhất có một gã lãng du, dù rong ruổi bất cứ chốn nao, đêm đêm vẫn luôn hoài phố Hội.

nhavantuonglai

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Rachel Carson | Mùa xuân vắng lặng

Rachel Carson | Mùa xuân vắng lặng

Mùa xuân vắng lặng ra đời gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội Mỹ như một hồi chuông cảnh tỉnh về môi trường. Tổng thống John F. Kennedy phải…

Thích Nhất Hạnh | Sợ hãi (Chương 12)

Thích Nhất Hạnh | Sợ hãi (Chương 12)

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân khai sáng chánh niệm giúp…

Đăng ký nhận bảng tin hàng tuần

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.