Akutagawa Ryunosuke | Trích sổ tay Yasukichi
Cũng như nhiều nhà văn Nhật Bản, Akutagawa Ryunosuke thường mượn bối cảnh và đề tài Trung Quốc cho tác phẩm của ông.
· 26 phút đọc.
Gâu!
Một chiều mùa đông, trên tầng hai của cái tiệm ăn cáu xỉn, Yasukichi ngồi nhai miếng bánh mì nướng hoi mùi dầu. Đằng trước bàn của anh ta là một bức tường trắng đầy vết nứt. Ai đó đã dán lên trên tường mảnh giấy hình chữ nhật với dòng chữ Đây có xăng-uýt nóng (hot)(một người đồng nghiệp của Yasukichi vốn thực thà nên không hiểu ý nghĩa câu đó khi đọc trại chữ Hot thành Hotto theo âm Nhật thành ra Xăng uýt nóng hú hồn!) .Từ chỗ đó về phía trái có cầu thang đi xuống tầng dưới, còn bên tay mặt là một cánh cửa sổ bằng kính. Yasukichi vừa gặm bánh mì nướng, lâu lâu đưa mắt nhìn lơ đãng về phía cửa sổ. Ngoài đó, phía bên kia đường là một cửa hàng bán quần áo cũ, mái lợp tôn, treo lòng thòng mấy bộ đồ xanh công nhân và vài tấm áo khoác màu ka-ki.
Theo nguyên tắc, lớp đêm dạy tiếng Anh nầy bắt đầu từ sáu giờ rưỡi chiều ở trường[1]. Yakukichi bắt buộc phải có mặt mà khổ nỗi, anh ta lại sống ngoài thành phố nên sau khi dạy xong lớp ban ngày, không có cách nào hơn là phải ngồi chịu trận ở đây cho đến sáu rưỡi. Chắc là thơ của Toki Aika[2] chứ không ai khác - nếu nhớ lộn thì đừng có chấp nghe - có câu:
Mỏi răng nhai cơm dọc đường,
Bíp-tếch như cứt. Anh thương nhớ mình.
Cứ mỗi lần đến quán là mỗi lần bài tanka của Aika lại hiện ra trong đầu.Ngay từ cái thuở anh ta hãy còn chưa cưới cô vợ[3] rất đổi yêu thương bây giờ. Thế nhưng, hễ ngồi nhai miếng bánh mì nướng hoi dầu, ngắm cái tiệm bán quần áo cũ, nhìn mảnh giấy quảng cáo _xăng-uýt nóng (hot) _ thì cái câu _anh thương nhớ mình _ không biết từ đâu bỗng trào dâng lên đầu môi.
Lúc nầy Yasukichi chợt để ý sau lưng anh ta có hai sĩ quan hải quân trẻ tuổi đang ngồi uống bia.Một trong hai người là chủ sự phòng lương bổng ngôi trường anh dạy và anh có nhớ mặt. Vốn không hay giao thiệp với bọn lính tráng, anh ta không biết tên viên sĩ quan là gì. Kể cả những chi tiết khác về người ấy. Có thể người ấy mang lon thiếu úy hay trung úy gì đó. Yasukichi chỉ biết mỗi một điều là hằng tháng khi đi lãnh lương thì tiền bạc phải đến từ tay sĩ quan nầy mà thôi. Còn nhân vật thứ hai thì anh mù tịt. Mỗi lần hai người sĩ quan muốn kêu thêm bia thì chỉ dùng Ê với Nè để sai khiến.Cô hầu bàn lại không có vẽ gì bực bội mà còn cố gắng leo lên leo xuống cầu thang, hai tay mang mấy cốc bia đến.Chẳng bù lúc Yasukichi gọi một tách trà đỏ, khó lòng thấy cô sốt sắng phục vụ như thế. Chuyện nầy xảy ra không chỉ riêng nơi đây. Đi đến các quán cà phê và tiệm ăn khác trong thành phố nầy, chỗ nào cũng xử sự giống nhau.
Hai người sĩ quan vừa nốc bia vừa bàn tán cái gì mà có vẽ hoạt náo. Yasukichi không hơi đâu lắng tai xem họ kháo nhau điều chi. Nhưng anh bỗng giật nẫy khi nghe Gâu cái coi!. Yasukichi không thích chó và là người từng thích thú khi nghĩ thầm trong số những nhà văn không thích chó có cả Goethe lẫn Strindberg.Cho nên khi lỗ tai bắt được câu nói đó, anh ta nghĩ ngay đến một con chó tây to cao mà người ta có thể nuôi ở những chỗ như thế nầy.Cùng một lúc Yasukichi có cảm tưởng ơn ớn như thể con chó đó đang lởn vởn sau lưng mình.
Yasukichi lén nhìn phía đằng sau.Mừng quá trời ạ, chẳng có bóng con vật nào giống như chó cả. Chỉ thấy viên sĩ quan phòng lương bổng đang nhìn ra ngoài cửa sổ, nhe răng cười. Yasukichi phỏng đoán phải có con cho nào ở dưới cửa sổ nhưng anh cảm thấy có điều gì hơi khác thường.Thế rồi, anh thấy người sĩ quan phát lương ấy tiếp tục:
- Ê, gâu cái coi! gâu đi nào!_
Yasukichi hơi rướn người nhoài ra nhìn xuống phía dưới cửa sổ. Đèn quảng cáo cho Masamune gì gì[4] vẫn chưa bật, treo ở một cửa hiệu nào đó là cái đập vào mắt anh ta trước nhất, rồi đến tấm bạt che nắng được cuộn lên với mấy miếng da làm quai guốc ai phơi và bỏ quên trên mấy phuy bia cũ nay dùng hứng nước mưa.Sau đó là dăm vũng nước còn đọng trên phố người qua lại. Rồi gì nữa nhỉ, mà dẫu là gì cũng chẳng thấy bóng chó chiếc nào đâu.Thay vào đó là một đứa trẻ ăn mày tuổi độ mười hai, mười ba. Nó vừa đứng với dáng co ro trong cái lạnh, vừa ngước mắt nhìn cánh cửa sổ trên lầu.
- Ê, gâu cái coi! gâu đi nào!
Sĩ quan phát lương lập đi lập lại như thế.Câu nói đó xem ra có mãnh lực điều khiển được tâm trí đứa bé ăn mày. Nó hầu như đang ở trong trạng thái mộng du, bước một hai bước về hướng cánh cửa sổ, mắt thì dĩ nhiên là vẫn nhìn lên. Lúc đó Yasukichi mới khám phá ra cái trò chơi ác độc của người sĩ quan phát lương xấu xa kia.Chơi ác? Hay có thể không phải như thế? Nếu không phải một trò chơi ác thì có lẽ là một cuộc thí nghiệm để xem con người ta khi bụng lép có thể nào vứt bỏ cả lòng tự trọng hay không đây thôi.Theo chỗ suy nghĩ của Yasukichi, giữa thời này có ai hơi đâu còn đi thí nghiệm để kiểm chứng điều đó.Xưa Esau[5] nhượng đứt quyền trưởng nam để đổi lấy miếng thịt rô-ti và nay Yasukichi cũng vì mẫu bánh mì mà đi làm nghề giáo. Xem hai ví dụ đó đã đủ vỡ lẽ.Thế nhưng coi bộ nhà nghiên cứu tâm lý học kia vẫn chưa chịu thỏa mãn dù có từng ấy bằng chứng. Nếu thế thì đúng phóc cái câu hôm nay Yasukichi vừa dạy cho học trò: De gustibus non est disputandum[6]. Mỗi người một thích, cấm sao cho được. Muốn thí nghiệm à? Cứ việc! Yasukichi vừa suy nghĩ như thế, vừa mãi nhìn đứa bé ăn mày dưới cửa sổ.
Sĩ quan phát lương im đi trong giây lát. Thằng bé bỗng đâm ra lo lắng, bắt đầu đảo mắt nhìn trước nhìn sau suốt con đường.Tuy việc bắt chước tiếng chó sủa không có gì khác thường nhưng hẳn là nó ngại người qua kẻ lại bắt gặp.Trong khi mắt nó còn đảo quanh thì sĩ quan phát lương thò cái bộ mặt đỏ gay ra ngoài cửa sổ, lần nầy tay lại phất phất một vật gì:
- Ê, gâu cái coi! mầy gâu thì tao cho cái nầy!
Trong khoảnh khắc, gương mặt của đứa bé ăn mày chợt bừng lên một vẽ thèm thuồng. Đôi khi Yasukichi cũng để tâm đến kiếp sống của những người ăn mày với những tình cảm đượm màu lãng mạn nhưng chưa bao giờ anh ta tỏ ra đồng tình hay thương hại họ. Anh nghĩ nếu có kẻ nào mang thứ tình cảm như thế thì chắc chỉ là bọn ương gàn hay giả dối mà thôi. Nhưng nay đứng trước đứa bé ăn mày với cái đầu ngửa ra sau ngẩng lên nhìn với cặp mắt long lanh, Yasukichi không ngăn được một thoáng thương cảm. Nhưng sự thương cảm đó không vượt qua giới hạn của một thoáng. Có lẽ không hẳn là lòng thương cảm mà chỉ là sự yêu thích cái hình ảnh đứa bé ăn mày với những nét đẹp từng thấy trong tranh của Rembrandt[7].
- Gâu chứ hả? Ê, gâu đi nào!
Đứa bé ăn mày hơi nhăn mặt:
- Gâu!
Tiếng nó lí nhí không rõ.
To hơn chút coi!
Gâu! gâu!
Rốt cục đứa bé sủa hai lần liền. Vừa lúc đó thì một quả cam Navel[8] được ném ra ngoài cửa sổ.Còn việc gì xãy ra sau chắc không cần phải viết thêm. Đứa bé ăn mày dĩ nhiên phóng theo quả cam còn sĩ quan phát lương thì cười hả hê.
Một tuần sau khi câu chuyện xảy ra, Yasukichi lại đi đến phòng lương bổng để lãnh tiền. Hôm ấy, người sĩ quan phát lương nói trên coi bộ bận rộn, hết mở quyển sổ nầy đến quyển sách kia. Viên sĩ quan đó dòm mặt Yasukichi và chỉ nói cộc lốc _Lương hả?». Anh ta cũng đáp lại vỏn vẹn _Vâng, đúng!». Thế nhưng viên sĩ quan lại quá bận rộn hay sao mà không có vẽ muốn đem lương phát cho anh. Chẳng những thế, người ấy rốt cục còn đứng chắn trước mặt, chìa cái mông trong lớp quân phục về phía anh và mãi miết sử dụng bàn toán.
Thầy kế toán!Sau khi đứng chờ một đỗi lâu, Yakukichi gọi viên sĩ quan như kêu nài. Người ấy nhìn ngoái qua vai, như muốn nói «Sắp xong rồi!».Thế nhưng Yasukichi không để câu nói của viên sĩ quan phát ra thành tiếng, anh ta bắt tiếp ngay vào một câu mà mình đã sửa soạn sẵn:
Thầy kế toán! Tôi có cần phải gâu không? Hở, thầy kế toán!
Nếu ta tin lời của Yasukichi kể lại thì lúc nói câu đó, giọng của anh ta nghe còn ngọt ngào dễ thương hơn cả tiếng của thiên sứ nữa.
Hai người Âu
Trường này có mướn hai ông giáo người Âu đến để dạy đàm thoại và tác văn bằng tiếng Anh. Ông người Anh tên Townsend, ông người Mỹ tên Starlet.
Ông Townsend giỏi tiếng Nhật là một ông già đầu hói, tính nết dễ thương. Nói chung, mấy ông giáo người Âu có thói quen là đem cho bằng được Shakespeare với Goethe của họ ra để thao thao bất tuyệt dù khi đề tài câu chuyện chỉ là những thứ tầm phào. May thay, ông Townsend nầy là người không dám tự phụ chút nào về hiểu biết của mình đối với văn chương. Có lần bàn luận với nhau về Wordsworth[9] thì ông ta phát biểu:
Tôi chả hiểu tí gì về thơ. Còn tự hỏi thơ Wordsworth hay ở đâu mới được chứ!
Yasukichi cư ngụ cùng một tỉnh nghĩ mát ven biển như ông Townsend nên mỗi ngày hai lần họ lấy chung chuyến xe lửa để đi và về. Đáp xe lửa đến trường mất chừng ba mươi phút, hai người có thời giờ phì phèo ống vố Glasgow và trao đổi với nhau hết chuyện thuốc lá, chuyện nhà trường đến chuyện ma quỉ. Bởi vì ông giáo Townsend là một người tin về tâm linh, không hứng thú gì đối với nhân vật Hamlet nhưng ông lại quan tâm đến hồn ma của bố Hamlet cơ. Tuy vậy, hể đụng tới vấn đề bùa phép hay thuật luyện đá thành vàng, những khoa học thần bí[10], thì dường như lúc nào nét mặt ông cũng ủ dột, đầu và ống vố cùng lắc đi lắc lại. Ông bảo:
Những cánh cửa của cõi thần bí cũng không phải khó mở như người thường vẫn nghĩ đâu.Ngược lại, điều đáng sợ là không tài nào khép nó lại được. Mấy thứ đó chớ có rớ vào!
Ông giáo Starlet người Mỹ kia trẻ hơn nhiều và lúc nào cũng đỏm đáng. Chẳng hạn mùa đông thì ông mặc áo khoác ngoài màu xanh ô-liu đậm và choàng khăn quàng cổ màu đỏ đi làm. Khác với ông Townsend, hình như ông nầy đôi khi còn chịu nhòm qua mấy quyển sách mới ra. Gần đây, ông đã diễn giảng về đề tài Những nhà viết tiểu thuyết mới nhất ở Mỹ ở học hội về Anh ngữ của nhà trường. Khổ cái là trong bài giảng ấy, ông cho biết những cây viết tiểu thuyết lớn nhất của Mỹ bây giờ là Robert Louis Stevenson[11] và O’Henry[12]!
Ông Starlet không ở cùng thành phố nghĩ mát với Yasukichi nhưng vì cũng sống ở một thị trấn ven đường tàu nên đôi khi họ có dịp lấy chung một chuyến.Yasukichi chẳng còn nhớ đề tài những mẩu đối thoại của mình với ông ta, trừ một dịp, lúc họ cùng ngồi trước lò sưởi trong phòng đợi để chờ tàu.Yasukichi đang nén một cái ngáp vừa than thở kiếp nhà giáo nhàm chán. Thì lúc đó, ông Starlet với cặp kính không gọng gắn trên sống mũi và dáng dấp điển trai, bổng đổi sắc mặt mà bảo:
- Dạy học không phải là một cái nghề. Tôi nghĩ đó là thiên chức. Ông không thấy Socrates và Platon là hai nhà giáo vĩ đại hay sao?[13].
Khẳng định Robert Luis Stevenson là dân Mỹ[14], chẳng hề chi. Thế nhưng bảo Socrates và Platon là những nhà giáo thì…kể từ ngày đó, Yasukichi chỉ còn biết dành cho ông Starlet nầy một tình bạn giới hạn trong vòng xã giao.
Giờ nghỉ trưa - một cơn mộng huyễn
Yasukichi ra khỏi phòng ăn ở lầu hai. Các nhà giáo dân sự ăn trưa xong thường qua phòng bên dành cho người hút thuốc. Hôm nay Yasukichi không qua đó mà bước xuống mấy bậc thang để ra ngoài vườn. Vừa vặn, một hạ sĩ quan nhanh nhẹn nhảy ba bậc một tiến lên. Vừa nhìn mặt Yasukichi, chàng ta đột nhiên đưa tay chào nghiêm chỉnh lối nhà binh và tiếp tục phóng về phía trước. Yasukichi nhẹ nhàng chào trả nhưng cái chào của anh hụt mất đối tượng, rơi vào chỗ không người. Anh tiếp tục lửng thững bước xuống thang.
Trong vườn, giữa lùm tuyết tùng và thủy tùng, một cây ngọc lan đang ra hoa. Vì cớ gì không biết, dù đã nở đầy cành nhưng hoa của loại ngọc lan nầy không hướng về phía nam đầy nắng. Hoa tân di cũng cùng họ mộc lan như nó lại hướng về phía nam. Yasukichi châm lửa vào điếu thuốc lá và thầm khen cây ngọc lan cũng có cá tính. Một con chim chìa vôi từ trời cao liệng xuống như hòn đá rơi. Chìa vôi là loại chim chẳng xa lạ gì với Yasukichi. Con chim ngoáy ngoáy cái đuôi nhỏ như thể mời mọc Yasukichi đi theo mình.
- Tới đây, tới đây. Không phải đằng đó đâu! Đây, đây mà!
Yasukichi rảo bước trên lối mòn rải sạn theo sự hướng dẫn của con chim.Không hiểu sao, tự dưng con chìa vôi lại bay vút lên trên nền trời.Thay vào đó, một chú lính thợ máy người to cao đang men theo còn đường nhỏ lừng lửng tiến về phía Yasukichi.Anh nghĩ mình có lần gặp chú lính thợ máy nầy ở đâu rồi.Dĩ nhiên sau khi chào Yasukichi đúng phép tắc, chú ta đi lướt nhanh qua. Yasukichi vừa hút thuốc vừa tiếp tục suy nghĩ xem người lính đó là ai.Hai, ba, năm… rồi mười bước sau, Yakukichi bỗng thấy trong đầu loé ra tia sáng. Người lính đó là Paul Gauguin[15] chớ ai! Hay Gauguin đầu thai trở lại.Chắc hiện nay anh chàng sắp sửa buông cái xẻng để cầm cây cọ vẽ. Và rốt cục sẽ có một thằng bạn điên khùng cầm súng lục nhả đạn vào lưng anh ta.Tội nghiệp thật nhưng làm gì khác được.Hết lối mòn nầy đến lối mòn khác, cuối cùng Yasukichi đã đi đến quảng trường trước cổng ra vào. Nơi đây, giữa đám cây tùng và mấy bụi trúc, có trưng bày hai khẩu đại bác chiến lợi phẩm. Yasukichi áp tai lên một thân pháo, anh ta có cảm tưởng nghe tiếng thở của khẩu súng từ bên trong. Đại bác chắc cũng biết ngáp hay sao ấy.Yasukichi lại ngồi xuống dưới chân pháo, rồi châm lửa điếu thuốc lá thứ hai. Trên đường vòng rải sạn để cho xe chạy quanh, ánh lên màu xanh một con tắc kè. Con người nếu bị chặt chân thì không thể mọc ra chân khác nhưng giống tắc kè nếu có bị chặt đuôi thì lại mọc đuôi khác Ngay. Ngậm điếu thuốc bên mép, Yasukichi nghĩ rằng bọn tắc kè còn tin tưởng về tiến hóa luận của Lamarck hơn chính cả Lamarck[16] nữa. Thế nhưng ngắm một hồi thì mới thấy con tắc kè kia đã biến thành một vệt dầu nhớt lan ra trên mặt sỏi.
Rốt cục,Yasukichi cũng đứng dậy. Men theo dãy nhà sơn xanh dùng làm phòng học, Yasukichi đi trở lại bên kia khu vườn một lần nữa, ra đến sân vận động trước mặt biển.Trên mấy cái sân ten-nít đất nện màu đỏ, một vài thầy giáo nhà binh đang hăng hái so tài cao thấp. Trong khoảng không trung trên sân chơi, có những tiếng động khô và đều đặn giao nhau với những vệt trắng mờ lướt qua bên mặt và bên trái tấm lưới. Nhưng đó không phải là những đường bóng đang bay mà chỉ là bọt của những chai rượu sâm banh vô hình người ta vừa mở nút, một thứ sâm banh mà các vị thần mặc sơ mi trắng kia đang nhấp ngon lành. Vừa suýt soa ngưỡng mộ các vị thần, lần nầy Yasukichi lại đi vòng về phía cái sân bên trong dãy phòng học.
Cái sân nầy đầy hồng nhưng chưa có cây nào đơm hoa.Khi Yasukichi đang tản bộ anh bỗng để ý có một con sâu đầy lông trên cành hồng mọc chìa ra phía lối đi. Chưa chi đã thấy một con sâu khác đang bò trên chiếc lá bên cạnh. Hai con sâu gật đầu chào nhau rồi nói chuyện gì như có liên quan tới Yasukichi. Anh quyết định đứng lại để nghe điều chúng đang bàn với nhau[17].
Con Sâu Số Một: Cái anh thầy giáo nầy bao giờ hóa bướm ấy nhỉ? Từ đời ông cố ông xơ chúng mình tới giờ, lúc nào cũng cứ phải bò quanh trên mặt đất.
Con Sâu Thứ Hai: Giống người có khi không hóa bướm được đâu!
Con Sâu Số Một: Hình như hóa được đấy chứ. Coi, chẳng có người đang bay trên kia là gì?
Con Sâu Thứ Hai: Ừ nhỉ. Đang bay thật. Thế nhưng bay kiểu gì mà xấu thế. Cái anh con người nầy chẳng có ý thức thẩm mỹ chút nào!
Yasukichi đưa bàn tay ngang trán, đưa mắt nhìn chiếc phi cơ đang bay ngang đầu mình.
Chính lúc ấy ác quỉ mới lợi dụng thời cơ đội lốt một người bạn đồng liêu, bước về phía Yasukichi. Hắn ta đang có vẽ khoái trá về một việc gì. Con quỉ nầy ngày xưa chuyên môn dạy thuật luyện kim, nay phụ trách môn Hóa Học Ứng Dụng ở nhà trường. Hắn bắt chuyện với Yasukichi:
- Ê, tối nay đi chơi nghen?
Trong nụ cười của ác quỉ, Yasukichi có cảm tưởng đọc được rành rành hai vế sau đây của Faust[18]: Mọi lý luận chỉ tuyền mầu tro xám. Duy cây đời sinh quả vàng là mãi mãi tươi xanh. Sau khi bỏ con ác quỉ ở lại, Yasukichi bước vào bên trong dãy nhà. Phòng học vắng hoe. Đi ngang qua ghé mắt nhìn vào chỉ thấy trên bảng đen trong một lớp có một hình vẽ hình học ai để quên chưa xóa. Khi cái hình trên bảng đen biết có người nhòm nó, nó có vẽ sợ rằng người ta sẽ lấy giẻ chùi đi nên mới duỗi ra duỗi vào và ngõ lời với Yasukichi:
- Người ta còn cần tôi cho giờ học tới!
Yasukichi lại leo lên bậc thang vừa đi xuống khi nãy, bước vào gian phòng dành cho các giáo sư dạy ngôn ngữ và toán học.Trong phòng, ngoài ông Townsend với cái đầu sói, không có ma nào.Thế nhưng ông nầy có vẽ như đang buồn không biết làm gì nên mồm vừa huýt sáo vừa đi vài bước khiêu vũ một mình. Yasukichi rán nhịn cười, đi về phía phòng vệ sinh để rửa tay. Lúc đó, bất chợt nhìn vào trong kính, Yasukichi ngạc nhiên thấy không biết tự hồi nào ông Townsend đã biến thành một cậu trai trẻ đẹp, còn chính mình thì đã thành ông lão lưng còng với mái tóc bạc trắng như tuyết.
Nỗi thẹn thùng
Trước khi Yasukichi lên lớp, lúc nào anh ta cũng cẩn thận xem lại giáo án.Không chỉ vì lương tâm nhà nghề bắt buộc anh không được dạy láo lếu một khi đã nhận đồng lương của người. Tại một lý do nữa: trong sách giáo khoa, vì là trường chuyên môn của hải quân, đầy đặc những chữ phải hiểu theo nghĩa đặc biệt. Chẳng hạn Cat’s paw, nếu không chịu tra cứu thì có thể dịch một cách tai hại thành ra là bàn chân mèo nhưng không đúng đâu, nó chỉ là thuật ngữ để chỉ một làn gió nhẹ.
Có lần Yasukichi đem một đoạn văn ngắn nói về hàng hải dạy cho sinh viên năm thứ hai. Đoạn văn đó hết sức hắc búa. Nó tả gió hú trên cánh buồm và sóng đánh ầm vào cánh cửa bên hông tàu nhưng chẳng thấy bóng mấy chữ sóng và gió chỗ nào trên mặt giấy cả. Yasukichi bắt học trò vừa đọc vừa dịch mà chính mình lại cảm thấy chán ngán trước tiên.Những lúc như thế nầy Yasukichi thấy thèm bàn cãi với sinh viên những vấn đề khác như triết học hoặc là thời sự. Các nhà giáo thường vẫn thích dạy những môn học ngoài các môn bắt buộc có trong chương trình. Dù môn đó mang tên là đạo đức, sở thích hay nhân sinh quan…thì cũng mặc. Tóm lại, nhà giáo thường muốn dạy cái gì ông ta cảm thấy thiết thân hơn là những gì có trong sách giáo khoa hay trên mặt bảng đen. Tuy nhiên bọn học trò là thứ không muốn học thêm cái gì ngoài chương trình bắt buộc cả. Không, không phải họ chỉ không muốn học cái khác mà còn thù ghét cả chuyện đó. Yasukichi chắc chắn thế nên dù khi chán ngấy như lúc nầy, anh thấy không có cách nào hơn là bắt họ tiếp tục đọc.
Thế nhưng ngay cả lúc lắng tai nghe sinh viên đọc và dịch, rồi cẩn thận sửa chữa từng chút những sai lầm của họ, nghĩa là lúc không có gì phải chán, Yasukichi vẫn cảm thấy có gì bó buộc làm sao ấy. Khi vừa xong ba mươi phút trên một tiếng đồng hồ của xuất dạy, Yasukichi bảo họ ngừng việc đọc và dịch. Thay vào đó, đến lượt chínhYasukichi đọc từng đoạn một trong bài và bắt đầu dịch.Chuyến hành trình trên biển tả trong sách giáo khoa sao chán ơi là chán. Đồng thời, cả cách dạy của Yasukichi cũng đáng chán không kém. Có lúc quên các thì của động từ, có lúc nhầm những quan hệ đại danh từ, Yasukichi như một chiếc tàu khó nhọc lê qua vùng biển đứng gió.
Bất chợt lúc đó Yasukichi mới để ý đoạn dịch mà mình soạn sẵn chỉ còn bốn, năm hàng nữa là hết veo. Đi hết phần nầy thì anh ta sẽ vào một vùng biển sóng gió mà không cẩn thận là không được vì nó đầy thuật ngữ hiểm hóc của hải quân, chúng nhan nhãn như những lớp đá ngầm. Yasukichi liếc nhìn đồng hồ. Mấy cây kim báo cho biết từ đây đến hồi kèn tan lớp còn những hai mươi phút. Yasukichi cố gắng dịch hết bốn, năm hàng đã chuẩn bị còn sót lại một cách càng từ tốn càng tốt. Dịch xong đoạn đó rồi mà nhìn kim đồng hồ thì chỉ mới có ba phút trôi qua.
Yasukichi cảm thấy kẹt quá rồi.Bây giờ chỉ còn mở được đường máu bằng cách cho học trò hỏi và mình giải đáp thắc mắc. Nếu làm thế mà hãy thừa thời giờ thì cho họ tan sớm vậy. Yasukichi đặt sách xuống, định mở mồm: _Có câu hỏi nào không?» thì tự nhiên mặt bỗng đỏ bừng. Mắc mớ gì mặt lại đỏ bừng như thế nhỉ? – Anh không tài nào giải thích lý do. Tại sao mặt Yasukichi phải đỏ bừng khi anh là người trên nguyên tắc vẫn xem chuyện lừa dối lũ học trò là điều không có gì phải bận tâm. Dĩ nhiên đám sinh viên không tài nào đoán được ý nghĩ trong đầu anh. Họ chỉ ngước mắt chăm chú nhìn thầy. Yasukichi bèn nhìn đồng hồ lần nữa rồi cầm quyển sách giáo khoa lên và đọc như bay như biến.
Đoạn sau của chuyến hành trình đường biển tả trong sách giáo khoa hình như cũng không thú vị hơn đoạn trước.Thế nhưng cái cách thức dạy học của Yasukichi thì…bây giờ anh vẫn chắc mẫm: nó hùng tráng oanh liệt còn hơn cả cuộc chiến đấu của chiếc tàu buồm đang chống trả bão táp.
Chú gác dan dũng cảm
Không nhớ rõ trời vào cuối thu hay đầu đông, chỉ biết lúc đó đi đến trường đã phải mặc thêm áo khoác dày. Đến giờ Yakukichi vào bàn cơm trưa, ông giáo nhà binh trẻ ngồi bên cạnh mới tiết lộ cho một chuyện hiếm có vừa xảy ra. Số là mấy hôm trước, vào giữa khuya, hai ba tên ăn trộm thép đã dùng thuyền để vào ngõ sau nhà trường. Phác giác ra chuyện đó, một người gác dan trong lúc tuần đêm đã một mình một thân định vây bắt chúng.Thế nhưng sau một trận ẩu đả kịch liệt, ngược đời là bọn trộm lại ném được người bắt trộm xuống biển. Chú gác dan ướt như chuột lột, loay hoay mãi mới bò lên tới bờ. Trong khi ấy thì thuyền của bọn trộm đã tếch ra khơi và khuất vào bóng đêm.
- Chú gác dan Ôura đấy! Hôm ấy nằm nhà phải sướng hơn không!
Người sĩ quan miệng đang nhồm nhoàm bánh mì, cười một cách chật vật.
Yasukichi biết Ôura là ai: một trong những người gác dan đóng đô ở các trạm gác ở lối vào trường để thay nhau canh phòng. Khi gặp các giáo sư ra vào, bất luận quân sự hay dân sự, các người gác đều đưa tay lên chào đúng phép nhà binh. Yasukichi vốn không thích được ai chào và chẳng thích chào trả lễ nên lần nào cũng cố tình đi thật nhanh qua khỏi trạm gác, không cho họ có đủ thời giờ đứng nghiêm chào. Thế nhưng mỗi cái chú gác dan Ôura nầy thì Yasukichi không cách chi đánh lừa mắt cho được. Chú ta trấn ở trạm gác đầu tiên, mắt đăm đăm nhìn không chớp một khoảng mươi, hai mươi thước từ trong ra ngoài cửa trường cho nên khi Yasukichi mới vừa xuất hiện và chưa đi đến gần thì chú ta đã ở trong tư thế nghiêm chào rồi. Yasukichi rốt cuộc chỉ còn biết phục tùng số mệnh. Không những nghĩ thế thôi, hễ thoáng thấy Ôura thì Yasukichi đã giở nhanh mủ ra chào trước, như con thỏ bị rắn rung chuông hớp hồn.
Theo như câu chuyện vừa nghe thì người gác dan đó bị bọn trộm ném xuống biển. Yasukichi tuy thấy tội nghiệp chú ta nhưng không khỏi buồn cười.
Thế rồi năm sáu hôm sau, Yasukichi chợt thấy Ôura trong phòng đợi của nhà ga. Ôura vừa nhận ra Yasukichi thì không cần biết là mình đang đứng ở đâu, đột ngột đứng nghiêm và đưa tay lên chào đúng phép nhà binh. Yasukichi có cảm tưởng đang thấy sau lưng chú ta cánh cửa ra vào của trạm gác.
Sau một đỗi im lặng, Yasukichi lên tiếng hỏi:
Hôm trước có phải chú…
Vâng, suýt nữa cháu bắt được trộm.
Khổ thân cho chú quá nhỉ!
May là không bị xây xát gì cả ạ.
Ổura nở một nụ cười cay đắng và nói như thể tự trào:
Nếu thực tình muốn bắt thì cháu cũng tóm được ít nhất một thằng. Thế nhưng bắt được chăng nữa, mình cũng chẳng xơ múi gì!
Sao, cái gì mà chẳng xơ múi?
Thưa nghĩa là chẳng được thưởng thiếc gì cả. Bởi vì trong luật lệ ngành gác dan của tụi cháu, không có câu nào rõ ràng cho biết có được gì không.
Trường hợp chết vì công vụ cũng thế hử?
Vâng, có chết vì công vụ cũng vậy thôi.
Yasukichi đưa mắt nhìn trộm Ôura. Cứ theo cách ăn nói của người gác dan, chú ta không phải là một con người can trường, xã thân bắt trộm tí nào. Chú ta chỉ tính toán tùy theo có tiền thưởng hay không và đã để vuột đi mấy tên trộm lý ra chú có khả năng tóm được. Thế nhưng… Yasukichi vừa kéo ra điếu thuốc, vừa làm đủ cách vui vẻ để biểu đồng tình với chú ta.
- Nếu chú nói thế thì vô lý quá. Ai đời chỉ gánh nguy hiểm mà không có lợi lộc gì.
Ôura trả lời Vâââng hay một chữ gì giống như vậy nhưng gương mặt không dấu được vẽ thất vọng.
- Phải chi có chút đỉnh tiền thưởng nhỉ!
Yasukichi nói với một giọng rầu rầu.
- Thưa, hễ có tiền thưởng thì ai cũng dám lãnh nguy hiểm sao, thầy? Điều đó thật cháu cũng còn ngờ.
Hết câu, Ôura giữ im lặng. Tuy nhiên khi Yasukichi đặt điếu thuốc lá lên môi mình thì chú ta vội vàng đánh diêm và đưa mồi lửa đến trước mặt anh. Áp mặt mình sát vào mồi lửa đỏ tươi đang tỏa sáng đầu điếu thuốc, để khỏi lộ ý nghĩ của mình, Yasukichi nén một nụ cười sắp nở trên môi.
Cảm ơn chú!
Thưa không dám.
Sau câu trả lời bình thường như vậy, Ôura lại cho hộp diêm vào túi. Tuy vậy, hôm nay Yasukichi tin chắc mình vừa khám phá được sự bí mật của người gác dan. Chú ta không chỉ đánh que diêm kia mồi lửa cho mỗi Yasukichi thôi đâu. Thật ra, Ôura đã đánh diêm cho tất cả những vị thần ở dưới đáy cõi u minh đang ngầm quan sát xem chú ta có giữ đúng tác phong của vũ sĩ đạo hay không.