Những câu dân ca đang bị lãng quên
Tôi không phải là một nhà nghiên cứu văn hóa, chỉ đơn thuần là một nhà văn. Đề tài mà tôi gắn bó suốt hơn 30 năm qua là dân tộc thiểu số và miền núi…
· 12 phút đọc.
Tôi không phải là một nhà nghiên cứu văn hóa, chỉ đơn thuần là một nhà văn. Đề tài mà tôi gắn bó suốt hơn 30 năm qua là dân tộc thiểu số và miền núi. Trong khoảng 3 thập kỷ này, trong vai trò của một người quan sát, điều khiến tôi thấy day dứt, đau lòng, nhức nhối nhất chính là từng ngày một nhìn thấy sự biến mất dần đi của các giá trị văn hóa cả vật chất và tinh thần của các tộc người thiểu số.
Cách đây tầm hai chục năm, tôi nhớ mình đã từng đọc một bài báo mà thông tin nó mang lại cứ ghim mãi trong trí nhớ, đó là cố đô Kyoto của Nhật Bản mỗi năm mất đi hàng trăm ngôi nhà cổ. Đó là một điều mà chính phủ Nhật Bản rất đau xót. Họ làm gì sau đó thì tôi không theo dõi được nữa, nhưng kể từ đấy tôi bắt đầu để ý tới những gì mà các vùng dân tộc thiểu số của chúng ta cũng bắt đầu mất đi.
Vài thập niên trước là nạn chảy máu cồng chiêng ở Tây Nguyên, sự biến mất của các pho tượng nhà mồ; ngày càng hiếm những nhà dài, nhà rông; sự thế chỗ của trang phục, phong tục tập quán… Khi đó, tôi đang đắm mình trong vùng văn hóa Mông mà cụ thể là người Mông sinh sống ở Hà Giang. Lòng không khỏi tự hào rằng, ồ, trong khi Tây Nguyên thì như thế, người Mông quê mình hầu như vẫn còn nguyên. Nhưng xem ra, sự thay thế, xâm lấn của cái gọi là văn minh vật chất, kinh tế thị trường, đô thị hóa… đã khiến cho văn hóa Mông đang bị bào mòn, hao hụt và mất dần đi chẳng khác gì những vùng đất có bề dày văn hóa truyền thống khác.
Nguyên do hoàn toàn có thể lý giải được.
Đôi khi ta nghĩ rằng, chỉ cần biết lý do ta sẽ khắc phục được những vấn đề khó khăn nảy sinh.
Nhưng với một vùng đất, một vùng văn hóa mà tôi là người – thuộc – về – nó, thì cảm giác bao trùm là sự bất lực. Nhìn thấy nguyên do, nhìn thấy hậu quả, mà không biết khắc phục, ngăn chặn bằng cách nào.
Người ta thường phân biệt sự khác nhau giữa các tộc người căn cứ vào mấy yếu tố chính: ngôn ngữ (chủ yếu là tiếng nói vì nhiều tộc người ở ta không có chữ viết riêng mà dùng chữ Hán hoặc chữ Nôm); trang phục; phong tục tập quán. Sự mất đi mà tôi nói tới, bao gồm cả những thứ nhìn thấy được và những điều khó nhận ra, nhưng tựu trung đều xoay quanh ba phương diện này.
Cách đây chưa lâu, chỉ tầm hơn hai chục năm, nếu bạn đi Hà Giang, cung đường Hạnh Phúc hay còn gọi là Quốc lộ 4C bây giờ, rất hiểm trở. Nếu không phải là những lái xe có kinh nghiệm thì hầu như không dám cầm vô lăng. Sự hiểm trở, xa cách, biệt lập, khó khăn rất đặc thù khiến cho 4 huyện vùng cao phía Bắc của Hà Giang (vùng nằm trọn trong Công viên địa chất toàn cầu, thường gọi là Cao nguyên đá Hà Giang) nhiều thập niên còn nguyên vẹn dáng vẻ, giá trị của nó, rất ít thay đổi. Tộc người chiếm đa số ở 4 huyện cao nguyên này là người Mông, khoảng 80%. Thế nên nhắc đến Cao nguyên đá là người ta nghĩ đến người Mông, nghĩ đến văn hóa Mông.
Ở Hà Giang, 3 tộc người thiểu số có số dân đông nhất lần lượt là Mông – Dao – Tày. Nếu người Tày (có tập quán canh tác tương đồng với người Nùng, Thái) sống ở các thung lũng, gần sông suối (thuận lợi cho việc trồng lúa nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm); người Dao sống ở lưng chừng núi; thì người Mông – tộc người thiểu số đông dân nhất ở tỉnh cực Bắc này – luôn sống trên các đỉnh núi. Người Mông suốt đời sống trên những đỉnh núi, nếu có di cư thì họ cũng di cư từ đỉnh núi này sang đỉnh núi kia.
Những dốc đá cheo leo, những cung đường mảnh như sợi chỉ quanh co sườn núi, những nếp nhà trình tường, mái ngói âm dương được bao quanh bởi những bờ rào hoàn toàn bằng đá… đó là những hình ảnh đặc trưng quen thuộc nhất của người Mông. Người Mông xuống dưới chân núi gùi đất lên đổ vào các hốc đá và gieo hạt ngô vào đó, mưa xối đất cạn thì mùa sau lại gùi lên đổ đầy vào.
Lương thực chính của người Mông là ngô. Ngô được mùa hay mất mùa phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên, thời tiết. Ngô chế biến thành mèn mén, một thứ đồ ăn rất khó ăn nếu như không quen, nhưng chắc dạ, no lâu, đảm bảo đủ năng lượng cho cả ngày làm việc. Người Mông hầu như không có cơm vì điều kiện sống như vậy không cho phép giống lúa nào chịu nổi. Thứ mà chúng ta thấy rất rộ lên ở Hà Giang bây giờ là tam giác mạch như một hình ảnh mang tính biểu trưng cho ngành du lịch, thì vốn dĩ lâu nay nó chỉ là thứ hạt được gieo xuống để đất đỡ bị bỏ không vì mùa đông quá khắc nghiệt, cây ngô không sống nổi. Hạt của nó dùng để chăn nuôi.
Người Mông có trang phục riêng. Trang phục của nam giới thì đơn giản: quần chân què, áo tà pủ, mũ nồi, chân đi giày vải. Nhưng trang phục nữ thì khá phức tạp: váy xếp nếp, tạp dề, xà cạp, áo trong áo ngoài, khăn vấn đầu, trang sức… Đặc điểm gen, di truyền, do tác động của tập quán canh tác, sinh hoạt (leo núi suốt đời, gùi nặng…) khiến cho người Mông đa phần có chiều cao trung bình thấp hơn các tộc người khác, phụ nữ Mông trưởng thành thường có vóc dáng đậm hơn nam giới. Phụ nữ Mông do gùi nhiều, gùi nặng nên tỷ lệ còng lưng khá cao và sớm. Thậm chí người già có thể còng gập tới mức phải chống gậy mới di chuyển được dù sức khỏe còn tốt.
Người Mông, tùy từng vùng, có nhiều quy định riêng cho các sinh hoạt tâm linh, tinh thần. Người Mông có quan niệm vạn vật hữu linh, giống như quan niệm của nhiều tộc người khác. Sống hài hòa, thân thiện, khiêm nhường, chăm chỉ, thanh bình, ít va chạm, xung đột, tôn trọng chế độ một vợ một chồng, nhiều thế hệ cùng chung sống trong một gia đình.
Vậy thì những gì đang mất đi trong cộng đồng người Mông bản địa đã có hàng trăm năm sinh sống, với nhiều thế hệ kế tiếp nhau trên Cao nguyên đá? Trước hết là kiến trúc nhà ở. Người Mông có tập quán sinh sống trong nhà trình tường, lợp ngói máng. Nhà trình tường với mái ngói có ưu điểm là rất ấm vào mùa đông mát vào mùa hè và rất bền, có thể đến 3-4 thế hệ vẫn chưa hỏng. Nhưng theo thời gian, nhiều gia đình người Mông trẻ tuổi đã bỏ mái ngói âm dương thay bằng tấm lợp fibro xi măng, bằng mái tôn. Nhưng đáng kể hơn là cả việc tường trình cũng bỏ, thay vào đó là nhà xây bằng gạch, cắm chênh vênh vào các vách đá và bám ra mặt đường. Tất nhiên, chẳng còn bờ rào đá nữa. Những ngôi nhà trình tường ngày một hiếm hoi.
Xưa kia, người trai Mông thường được nhớ đến với hình ảnh cưỡi ngựa trên các sườn núi. Giờ thì ngựa chỉ còn được nuôi để thồ hàng, rất hiếm, và để… nấu thắng cố. Vì các chàng đã phóng xe máy vè vè từ lâu lắm rồi. Người Mông coi chợ phiên là một ngày quan trọng trong tuần. Cả tuần lao động vất vả, đến phiên chợ vừa là để đi mua bán vừa để đi chơi. Bạn già gặp bạn già trong quán thắng cố, thanh niên nam nữ gặp nhau để hẹn hò. Tôi rất nhớ hình ảnh những cặp trai gái ngồi phía sau những chiếc ô lớn trên những triền núi vắng, và các cô gái hát dân ca cho người yêu nghe. Họ có thể hát, nghe, rủ rỉ cả buổi phía sau chiếc ô ấy.
Nhưng điều đó chỉ xảy ra từ khoảng 15 năm về trước. Khi những chiếc cát sét được bán ở chợ huyện thì các chàng trai đã dùng nó để thu âm tiếng hát của người yêu vào đó, rồi cậu ta cắp nách chiếc cát sét đựng những khúc dân ca réo rắt đi khắp nơi. Sau cát sét là điện thoại thông minh, bán đầy chợ. Và bây giờ, hơn thế, hàng trăm bài dân ca Mông đã được thu vào những chiếc thẻ nhớ chỉ bằng móng tay. Tôi đã kiễng chân nhìn khắp chợ để tìm xem tiếng hát cất lên từ đâu giữa toàn người là người, cuối cùng đã tìm thấy nó – trong chiếc thẻ nhớ cắm vào điện thoại nối với loa bluetooth. Tự hỏi, liệu các cô thiếu nữ còn hát nữa không? Hơn thế, liệu họ có biết dân ca Mông là gì?
Trang phục cũng không còn nguyên vẹn nữa, dù đến Bắc Hà hay Đồng Văn vào phiên chợ vẫn thấy một biển người đầy màu sắc. Phụ nữ Mông đã bỏ xà cạp, những bộ xà cạp quấn một cách cầu kỳ, bó lấy những bắp chân săn chắc đã được thay thế bằng những chiếc… quần legging đủ màu sắc, họa tiết. Váy áo cũng là đồ mua sẵn ở chợ. Rất hiếm những cô gái hay phụ nữ trẻ còn ngồi bên khung cửi để dệt váy. Một bộ trang phục của phụ nữ Mông, để hoàn thiện phải trải qua hơn 40 công đoạn, kể từ thu hoạch, tước, se lanh… tới dệt, nhuộm, thêu, cắt, may. Sự tiện lợi của những bộ trang phục bán sẵn dệt bằng sợi công nghiệp đã khiến người ta hầu như không luyến tiếc khi từ bỏ bộ trang phục thủ công truyền thống.
Vẫn chưa hết. Phụ nữ Mông, như tôi đã viết, cả đời gắn với những chiếc lù cở/quẩy tấu. Lúc nào chiếc lù cở cũng ở trên lưng họ, trừ khi đi… ăn cỗ. Những chiếc lù cở vốn dĩ được đan bằng mây, với đôi quai tết bằng lông đuôi ngựa. Những đôi quai này vô cùng bền. Lù cở có thể hỏng, bỏ đi, nhưng người ta giữ đôi quai lại. Đan cái mới lại dùng.
Bây giờ, 90% những chiếc lù ở phiên chợ mà chúng ta nhìn thấy được làm bằng… nhựa. Xanh, đỏ, hồng, vàng, tím… đủ màu. Người ta nói, từ cách đây 100 năm, Trái Đất của chúng ta đã bị nhựa hóa. Những hạt vi nhựa thậm chí có trong nước mưa với tỷ lệ đáng báo động có thể gây hại cho sức khỏe con người. Và cuối cùng, nhựa đã leo tới những ngôi nhà người Mông ở tít trên những ngọn núi đá tai mèo dựng đứng.
Người Mông rất coi trọng cái chết. Đây là một điều mà tôi đặc biệt quan tâm với tư cách là một người sáng tác luôn chú ý vào những điểm đặc biệt/khác biệt mang tính văn hóa. Ơn giời là trong cái sự coi trọng ấy, họ có một nguyên tắc cho đến giờ chưa hề thay đổi, đó là khi sống ông/bà mặc gì không quan trọng, nhưng khi về với tổ tiên, trước khi vào quan tài, nhất thiết phải được quấn trong một tấm lanh trắng. Đó sẽ là lý do khiến cho cây lanh không mất đi, nghề dệt lanh không – thể – mất – đi.
Bây giờ, nghề dệt truyền thống và việc tạo ra những tấm thổ cẩm tuyệt đẹp hoàn toàn bằng tay và từ nguyên liệu tự nhiên kể cả nhuộm màu, đang được duy trì trong các hợp tác xã hoặc các cá nhân làm ra sản phẩm phục vụ du lịch. Thôi thì, tôi tự an ủi, thế cũng được. Người ta phải sống, phải làm ra tiền thì nói đến việc duy trì mới thuyết phục. Nhưng, những tấm thổ cẩm chỉ thực sự sống khi nó ở trên bộ trang phục của người phụ nữ Mông chứ không phải ở trong những chiếc ba lô của khách du lịch. Chính xác là thế.
Dù sao thì, những gì day dứt trong tâm trí tôi dường như là điều không thể không xảy ra, chỉ là nó chậm hay nhanh và nghiêm trọng tới mức nào. Tôi thì vẫn chờ mong trong cuộc đời này, một ngày nào đó có thể chứng kiến những người Mông trẻ tuổi thế hệ kế tiếp thực sự nhận ra giá trị văn hóa đặc biệt của dân tộc mình, nằm ở tất cả những gì mà cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã tạo dựng trong nhiều thế kỷ. Và họ sẽ là những người hồi sinh nó.