Thích Nhất Hạnh | Thiền nam chỉ tập | Chương 04
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.
· 22 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Nghe tận nguồn cơn
Bước thứ hai là nắm cho vững hơi thở chánh niệm từ bi trong khi nghe. Bởi vì, hạt giống bực bội và giận hờn của mình có thể sẽ bị tưới tẩm nếu lời nói của người kia mang tính chất của sự buộc tội, lên án, trách móc, nếu lời nói của người kia có tính cách chua chát, đắng cay, và nhất là khi người kia có nhiều nhận thức quá sai lầm. Trong khi nghe bạn phải tự nhắc nhở: nghe là để giúp người kia nói ra được cho người kia bớt khổ, và vì vậy dù người ấy có trách móc, lên án, chua chát … mình vẫn cứ lắng nghe. Nếu mình cắt lời người ấy hoặc chỉ cho người ấy thấy cái sai lầm của người ấy trong khi người ấy đang nói, thì người ấy sẽ không có cơ hội trút ra được những tâm tình khổ đau của người ấy. Nghe như thế mới thật là nghe với tâm từ bi. Mình tự bảo là trong tương lai, mình sẽ có nhiều cơ hội để cung cấp những dữ kiện về sự thật đã xảy ra để người ấy có thể điều chỉnh những tri giác sai lầm của người ấy, nhưng bây giờ chưa phải là lúc ấy, bây giờ lá lúc mình thực tập bi thính. Nếu nhớ được như thế trong suốt buổi lắng nghe thì có nghĩa là bạn đã duy trì được chánh niệm từ bi. Nhờ năng lượng của từ bi che chở, hạt giống bực tức và giận hờn trong ta sẽ không bị tưới tẩm, và ta có khả năng ngồi nghe chăm chú với tất cả thân tâm ta. Được như thế thì buổi lắng nghe sẽ có giá trị trị liệu rất lớn. Trong suốt buổi lắng nghe, ta chỉ nên thỉnh thoảng nói một câu ngắn: tội nghiệp ba quá, tội nghiệp mẹ quá, vậy mà con không biết, ba nói thêm cho con nghe đi, mẹ nói thêm cho con nghe đi. Con rất muốn nghe để được hiểu thêm tấm lòng của ba, của mẹ.
Ba ơi, ba giúp con đi!
Bắt đầu buổi lắng nghe, bạn phải sử dụng ái ngữ. Nếu sau khi quán chiếu, nhìn thấy được nỗi khổ niềm đau và những khó khăn mà vị thân sinh ra mình chưa vượt thắng được, tự dưng bạn thấy trong lòng dâng lên một niềm thương cảm, và bạn muốn giúp cho người ấy được bớt khổ. Với niềm thương cảm ấy bạn có khả năng sử dụng được ái ngữ, thứ ngôn ngữ mà lâu nay bạn không sử dụng được. Bạn có thể nói: Thưa Ba (hoặc thưa Mẹ), con biết lâu nay Ba có nhiều phiền muộn và bức xúc trong lòng. Con đã không giúp được Ba mà lại còn làm cho tình trạng khó khăn hơn. Con đã phản ứng bằng sự giận hờn, sự trách móc. Con đã nói và đã làm những cái gây thêm khó khăn và khổ đau cho Ba. Con đã quá vụng về. Con xin Ba tha thứ cho con vì những vụng về lầm lỗi đó. Trong thâm tâm, con đâu có muốn làm cho Ba khổ. Chỉ vì trong cơn bực tức con không kiềm chế được con, nên con đã nói hoặc đã làm như thế. Con biết con là sự tiếp nối của Ba (hoặc Mẹ), và nếu con khổ thì Ba cũng khổ. Sở dĩ con đã phản ứng vụng về và dại dột như vậy là tại vì con đã không thấy được những khó khăn, những bức xúc trong lòng Ba. Nay con đã thấy được một phần nào những khó khăn của Ba, con rất lấy làm hối hận. Con đâu có muốn làm cho Ba khổ. Chỉ vì con không thấy được những khó khăn ấy của Ba mà thôi. Xin Ba giúp con. Xin Ba nói cho con nghe thêm về những khó khăn và bức xúc của Ba để con có thể hiểu Ba thêm và để từ nay về sau con sẽ không còn dại dột trách cứ và phản ứng một cách dại dột. Ba ơi, Ba giúp con đi. Nếu Ba không giúp con thì ai mà giúp được con đây. Ba ơi, con muốn nghe và muốn hiểu. Con sẽ lắng hết lòng nghe Ba. Ba nói cho con nghe đi, Ba.
Tái lập truyền thông
Có rất nhiều người trẻ Âu châu và Mỹ châu sau bốn năm ngày thực tập trong một khóa tu, đã khơi dậy được nguồn suối thương yêu trong lòng họ và đã có thể sử dụng được ái ngữ để làm hòa được với cha hay mẹ. Tôi rất hạnh phúc đã giúp cho không biết bao nhiêu cặp cha con hay mẹ con hòa giải được với nhau bằng phương pháp ái ngữ và lắng nghe. Nếu bạn đang có khó khăn với bậc sinh thành ra mình, tôi xin bạn hãy thực tập để có thể sử dụng được các phép ái ngữ và lắng nghe ấy. Nếu mình có khả năng lắng nghe được cha mẹ, cha mẹ sẽ sẵn sàng lắng nghe lại cho mình. Mình có quyền và có bổn phận nói cho cha mẹ nghe tất cả những bức xúc, những khó khăn và những ước vọng sâu kín của mình, với điều kiện là mình sử dụng ngôn từ hòa ái. Với ái ngữ, mình có thể nói ra được những gì trong lòng mình, và người kia sẽ có khả năng lắng nghe được mình. Trong khi nói, mình đừng trách móc, lên án, buộc tội, chua chát, mỉa mai… Mình chỉ nói ra nỗi khổ niềm đau của mình. Và mình nói rằng nếu có gì mình thấy sai, nghe sai và hiểu sai thì xin người kia chỉ cho mình để mình điều chỉnh lại nhận thức. Ái ngữ và lắng nghe là những phương tiện mầu nhiệm để tái lập lại truyền thông, hòa giải được hai bên, và đem trở về hạnh phúc. Tại Mai Thôn, mỗi năm chúng tôi thường bảo trợ những nhóm người Do Thái (Israeli) và Ba Lạc Tư Đán (Palestinians) tới tu tập tại Làng Mai. Ban đầu họ không muốn nhìn nhau, không thể nói chuyện với nhau, vì cả hai bên đều đầy dẫy khổ đau, sợ hãi, hận thù và nghi kỵ. Chúng tôi để cho họ ở riêng, giúp cho họ tập thở, tập đi, tập ngồi trong chánh niệm, tập cho họ ôm ấp được niềm đau nỗi khổ trong lòng. Sau đó một tuần chúng tôi mới thực tập lắng nghe và ái ngữ. Nhờ thực tập như thế, họ có khả năng nhận thấy rằng bên kia cũng là những con người đã từng gánh chịu khổ đau, oan ức, đã từng giận hờn, nghi kỵ, sợ hãi, đã từng mất cha, mẹ, anh em, bạn bè trong cuộc xung đột giống hệt như bên phía mình. Một khi thấy được như thế thì hận thù lắng xuống, tình xót thương dâng lên, mà mình có thể nhìn bên kia với con mắt từ bi và nói với bên kia những lời hòa ái. Bạn có biết không? Cuối cùng thì cả hai phía cùng nắm tay đi thiền hành, ăn cơm chung, uống trà chung và thực tập chung, như là một nhóm và luôn hứa rằng khi trở lại Trung Đông họ sẽ tổ chức để có thể tiếp tục sự thực tập, và mời những người khác đến thực tập để xóa bỏ hận thù, dựng lại tình thương. Này bạn, sự thực tập ái ngữ và lắng nghe để tái lập truyền thông với cha mẹ là một công tác cấp bách. Bạn đừng chần chừ. Hãy bắt tay ngay vào việc. Tôi hết lòng cầu chúc bạn thành công.
Thương gia Cấp Cô Độc
Có một hôm, thương gia Cấp Cô Độc đưa một nhóm thương gia có tới gần năm trăm người tới thăm Bụt để được Bụt nói về đề tài hạnh phúc. Nhà giải pháp Cấp Cô Độc thành công trong sự nghiệp của ông, nhưng ông có thì giờ đi nghe thuyết pháp, tham dự những ngày tu tập, và có khả năng đưa gia đình của mình đi theo con đường tu tập ấy, vì vậy ông có rất nhiều hạnh phúc. Và vì ông thấy các nhà doanh thương khác không có hạnh phúc nên ông đã muốn đưa các bạn về tu viện Kỳ Viên để họ cũng được có cơ hội tu học như ông.
Đời sống của một nhà doanh thương thường là rất bận rộn; bao nhiêu thì giờ và tâm lực đều được đổ vào để cho giải pháp thành công, nhà doanh thương ít có cơ hội để sống sâu sắc đời sống hằng ngày của mình và không có thì giờ để chăm sóc và thương yêu những người thân. Nhà doanh thương sống cho tương lai hơn cho hiện tại và cứ tin chắc rằng khi có được nhiều thàng công trong lĩnh vực tài chính và quyền hành thì mình sẽ có nhiều hạnh phúc. Họ không có một đời sống tâm linh cho nên không có cơ hội và khả năng thương yêu, chăm sóc và phụng sự. Thương gia Cấp Cô Độc không phải như thế: ông biết để thì giờ để lo cho bản thân, gia đình và xã hội; ông đã thương tưởng và giúp được cho không biết bao nhiêu người cùng khổ và cô độc trong nước, vì vậy dân chúng trong nước Kosala đã tặng cho ông mỹ hiệu Cấp Cô Độc, nghĩa là người biết thương yêu và cấp dưỡng cho những ai nghèo khổ và cô đơn. Tên thật của ông là Sudatha (Tu Đạt).
Thương gia Cấp Cô Độc là mẩu người Phật tử tại gia lý tưởng: ông hành trì Phật pháp, có lý tưởng phụng sự giúp đời, hạnh phúc của ông nhờ thế rất lớn. Ta có thể gọi ông là một vị Bồ tát tại gia. Ông đã từng có lần sạt nghiệp vì nền kinh tế khó khăn, nhưng ông không khổ đau tuyệt vọng, bởi vì ông có rất nhiều bạn bè từng được ông giúp đỡ nên họ đã tới giúp ông dựng lại cơ nghiệp.
Lý tưởng cứu đời
Bạn là một trang thanh niên và bạn muốn đem lý tưởng cứu khổ của Bụt đi vào cuộc đời. Bạn thấy danh vọng, tiền tài và sắc dục không phải là mục tiêu của đời bạn vì bạn ước mong sống như thế nào để đời sống có một ý nghĩa, bạn muốn cứu đời giúp người. Cái lý tưởng này đẹp lắm. Bạn nên biết có những người không có tiền bạc và danh vọng nhưng sống rất hạnh phúc vì hàng ngày họ có cơ hội giúp người và độ đời. Những người trẻ đi xuất gia là để gia nhập vào sự nghiệp của đức Thế Tôn, họ không có tiền của và danh vọng, nhưng họ có lý tưởng và hạnh phúc. Những người như thương gia Cấp Cô Độc tuy không xuất gia nhưng cũng có lý tưởng cứu đời giúp người. Họ không cho những thứ ấy là mục tiêu của đời họ. Bạn có biết khi thương gia Cấp Cô Độc đưa mấy trăm người bạn trong giới doanh thương tới thăm Bụt, Bụt đã dạy gì cho những người này không? Bụt đã cho họ một lý tưởng, một cách sống, để họ có thể sống hạnh phúc được ngay trong giây phút hiện tại và có khả năng thương yêu giúp đời độ người. Đó là nội dung Kinh Người Áo Trắng mà Bụt đã nói hôm ấy. Kinh Người Áo Trắng là cuốn sách chỉ nam cho những người trẻ có lý tưởng. Sudatha ngày quy y Bụt còn là một người trẻ.
Bụt đã dạy gì cho các nhà doanh thương?
Trước hết, Bụt dạy là ta không đợi đến lúc giàu sang và có quyền hành thì mới có hạnh phúc. Ta có thể sống hạnh phúc được trong giây phút hiện tại. Cụm từ Hiện pháp lạc cư (sống hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại) đã được dịch từ cụm từ tiếng Phạn drstàdharma sukhavihara. Phần lớn chúng ta, nhất là những người doanh thương, đều phóng tâm tới tương lai, mà không có khả năng sống an lạc trong hiện tại.
Làm thế nào để có thể sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại khi mình là một nhà doanh thương đang có kế hoạch cho tương lai? Bụt dạy: phải thực tập Năm giới và Bốn phép tùy niệm. Năm giới của Bụt là sự thực tập về trách nhiệm và thương yêu: đó là những pháp thực tập chánh niệm cụ thể nhất. Năm giới có thể bảo hộ ta, không để ta rơi vào tình trạng khổ đau và đánh mất tự do, giúp ta nuôi dưỡng tình thương, cho ta phương tiện và năng lượng để cứu đời giúp người. Bốn phép tùy niệm cũng có công năng như thế. Năm giới và bốn phép tùy niệm không phải hạn chế tự do ta, trái lại chấp cánh cho ta bay xa trên bầu trời lý tưởng cứu nhân độ thế, nuôi dưỡng lý tưởng và tình thương trong ta, khiến ta trở thành một con người có tầm cở lớn (danh từ Ma ha tát – mahasathva – có nghĩa là một đại nhân, một tâm hồn lớn). Tôi biết trong bạn có tiềm năng của tình thương và tuệ giác và bạn đã sẵn sàng sống cho non sông, cho tổ quốc, cho đồng bào. Bạn có biết đất nước Việt Nam tú lệ đến mức nào không? Hãy nghe David Fisher, một nhà du khảo trứ danh báo cáo: Trong số 30 quốc gia mà tôi đã thăm viếng, rõ ràng Việt Nam là nước đẹp nhất. Màu xanh ở đây đẹp hơn bất cứ nơi nào. Đồng lúa cấy bằng tay thợ, cho đến núi non trùng điệp và rừng cây trải dài, nơi nào cũng có. Thỉnh thoảng nhìn ra cửa xe lửa, tôi thấy những bãi biển vắng người đẹp tinh khôi… Bạn có biết là màu xanh mà Fisher ca ngợi ấy đang biến đi với một tốc độ đáng lo ngại? Năm 1943, 44 phần trăm đất nước ta còn là rừng. Đến năm 1976, chỉ còn 29%. Đến năm 1983 thì còn lại 24%. Và đến năm 1995, chỉ còn lại 20%. Tốc độ phá rừng mau quá. Bạn có lo ngại như tôi không?
Rừng phá gây nên hiện tượng lụt lội và sói mòn, lại gây ra nạn diệt chủng của bao nhiêu loài muông thú. Bạn có ý thức về sự thực này không, và bạn có muốn góp một bàn tay ngăn chận đà phá hoại, để giữ gìn non sông cẩm tú của cha ông ta không?
Bạn có biết là trong chiến tranh, người Mỹ đã trút xuống bán đảo Đông Dương 13 triệu tấn bom và 72 lít chất độc khai quang? Hiện giờ số lượng những bom và đạn chưa nổ trong lòng đất mẹ vẫn còn trên 300.000 quả và trung bình mỗi tháng đều xảy ra tai nạn, có người (hoặc trẻ em) đạp lên và chịu thiệt mạng không? Có những tổ chức nhân đạo trên thế giới như Clear Path International và Humanitarian Demining Program đã và đang gửi những chuyên viên thiện nguyện của họ tới giúp gỡ bom và chữa trị cho những nạn nhân không? Bạn có muốn góp phần vào công tác cứu nước cứu dân đẹp đẽ ấy?
Năm 1901, dân số nước ta chỉ mới có 13 triệu. Hiện giờ năm 2006, nghĩa là chỉ mới có 101 năm sau, chúng ta đã là 83 triệu. Và chỉ trong hai mươi năm nữa, con số đó sẽ thành 100 triệu. Người đông như thế thì sự khai thác những tài nguyên thiên nhiên sẽ đi tới mức báo động… Ý thức về bảo vệ sinh môi và kiểm soát sinh nở trong dân chúng còn rất thấp. Ở miền quê, dân ta còn nghèo quá, nhất là ở các miền sâu miền xa. Bệnh tật, nghèo đói, thất học đang là một gánh nặng. Bạn có muốn trở thành một vị bồ tát, đem khả năng và đời sống của mình để giúp dân giúp nước? Từ hơn 40 năm về trước, tôi đã từng tổ chức phong trào thanh niên phụng sự xã hội; bao nhiêu thanh niên nam nữ đã lên đường phụng sự… Hành trang của họ chỉ là trái tim thương yêu và năm giới của đạo Bụt. Trong số đó, có những người có bằng cấp cao, sức học khá, lương bỗng nhiều, nhưng cũng có những người không có bằng cấp, không có chức vị gì trong xã hội. Nhưng một khi đã có trái tim nóng hổi của lý tưởng bồ tát, họ đều có hạnh phúc như nhau, và trong quá trình tu tập và phụng sự, họ đều có khả năng xây dựng tình huynh đệ để họ được tiếp tục nuôi dưỡng trên bước đường phụng sự. Bạn hãy nghiên cứu lại năm giới quý báu của đạo Bụt. Đó là hành trang để lên đường của các vị bồ tát tại gia, như Sudana (Thiện Tài), như Anathapidika (Cấp Cô Độc), như Citta (Tâm), như Srimala (Thắng Man), Visakha (Lộc Mẫu), Vimalakinti (Duy Ma Cật) thời của Bụt, và như những con người trẻ của xã hội hôm nay, lên đường với tình thương yêu không biên giới, không kỳ thị.
Tiếp nối cha ông
Nhờ phước đức của tổ tiên còn lại, đất nước chúng ta đã thoát được nạn đao binh, và người thanh niên hôm nay không cần phải cầm súng lên đường bảo vệ tổ quốc nữa. Đất nước đang ở trên đường phát triển công nghiệp hóa, và những tệ nạn xã hội như tham nhũng, đĩ điếm, ma túy, băng đãng, nghiện ngập, bạo động, tự tử càng ngày càng gia tăng. Bạn đã biết là cha ông chúng ta đã để lại cho chúng ta một dải giang sơn gấm vóc tuyệt vời, và xã hội đời Lý đời Trần là một xã hội có hòa bình, có tình huynh đệ, biết thương yêu nhau, chấp nhận nhau, tha thứ cho nhau, biết xóa bỏ hận thù để đoàn kết với nhau trong công trình dựng nước và giữ nước. Đó cũng là nhờ sức giáo hóa của đạo Bụt. Các vị vua chúa, những nhà trí thức, nhà văn hóa, nhà quân sự cũng như dân chúng trong nước đều tin tưởng và thực tập theo con đường đạo Bụt. Nhà Tống và nhà Nguyên hùng mạnh thế mà không làm gì được ta; mỗi khi đem quân qua xâm lấn đều bị đánh bại và rút về. Ta có một quá khứ đẹp đẽ và uy hùng, và ta biết là ta sẽ làm được như cha ông ta nếu ta quyết tâm đi về hướng ấy. Nhân loại hiện giờ đang đi vào thế toàn cầu hóa; nếu ta muốn giải cứu, duy trì và bảo hộ những gì đẹp đẽ của đất nước và của văn hóa ta thì ta phải có hướng đi ngay lập tức. Năm giới của đạo Bụt chính là một nền đạo đức có tính cách toàn cầu (global ethic). Nó không mang màu sắc tín ngưỡng cục bộ của một tôn giáo hoặc của một chủ thuyết. Tôn giáo nào, văn hóa nào, chủng tộc nào, khí hậu nào cũng có thể lấy năm giới làm cương lĩnh của một nếp sống có hòa điệu, có thương yêu, có hiểu biết, có sự tương kính và chấp nhận lẫn nhau. Ngôn ngữ của năm giới là ngôn ngữ không tông phái. Với năm giới làm kim chỉ nam, làm ánh sáng soi đường, làm nguyên tắc sống chung hòa bình trong tình huynh đệ thì tư trào toàn cầu hóa sẽ không còn là một đe dọa nữa, và ta sẽ có khả năng bảo vệ được những gì đẹp đẽ nhất và quý báu nhất của các nền văn hóa địa phương, cũng như của cả hành tinh.
Năm giới quý báu
Bạn hãy đọc lại cả năm giới để thấy đây là con đường mà nhân loại phải đi theo nếu muốn duy trì được cả hòa bình và thịnh vượng:
Giới thứ nhất
Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hàng ngày của con.
Giới thứ hai
Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin học theo hạnh đại từ để đem niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia sẻ thì giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ đang thật sự thiếu thốn. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của muôn loại.
Giới thứ ba
Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin học theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo vệ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người và mọi gia đình trong xã hội. Con nguyện không ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng của con. Con ý thức được rằng những hành động bất chánh sẽ gây ra những đau khổ cho kẻ khác và cho chính con. Con biết muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những cam kết của mình và của kẻ khác. Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa.
Giới thứ tư
Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con xin học theo hạnh ái ngữ và lắng nghe để dâng tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt khổ đau của người. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho người, con nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói những điều sai với sự thật, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều con không biết rõ. Con nguyện không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và đoàn thể, những điều có thể làm tan vỡ gia đình và đoàn thể.
Giới thứ năm
Ý thức được những khổ đau do sự sử dụng ma túy và độc tố gây ra, con xin học cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con, và cho thân tâm gia đình và xã hội con. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc tố trong đó có một số sản phẩm truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh và chuyện trò. Con biết rằng tàn hoại thân tâm bằng rượu và các độc tố ấy là phản bội tổ tiên, cha mẹ và cũng là phản bội các thế hệ tương lai. Con nguyện chuyển hóa bạo động, căm thù, sợ hãi và buồn giận bằng cách thực tập phép kiêng cữ cho con, cho gia đình con và cho xã hội. Con biết phép kiêng khem này rất thiết yếu để chuyển hóa tự thân, tâm thức cọng đồng và xã hội.
Đọc Thiền nam chỉ tập, chương 01 tại đây.
Đọc Thiền nam chỉ tập, chương 02 tại đây.
Đọc Thiền nam chỉ tập, chương 03 tại đây.
Đọc Thiền nam chỉ tập, chương 04 tại đây.
Đọc Thiền nam chỉ tập, toàn tập tại đây.