Thích Nhất Hạnh | Đạo phật hiện đại hóa | Chương 02
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.
· 60 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Hiện đại hoá đạo Phật không có nghĩa là thế tục hóa đạo Phật. Đạo Phật đi vào cuộc đời nhưng không bị cuộc đời làm giảm mất đi những đặc tính siêu việt của nó. Mất đi những đặc tính siêu việt này thì đạo Phật không còn là đạo Phật. Cho nên sự có mặt của những hình thức và những danh từ đạo Phật trong cuộc đời không được coi như là sự có mặt của đạo Phật trong cuộc đời. Chỉ khi nào người ta thấy bản chất của đạo Phật thấm nhuần trong mọi sinh hoạt của cuộc đời người ta mới có thể nói đến sự có mặt của đạo Phật trong cuộc đời như một thực tại có sinh khí. Cẩn thận mà suy xét, ta sẽ thấy rằng đạo Phật, trong chân tinh thần của nó, phải có cả hai mặt xuất thế và nhập thế. Không xuất thế thì không có gì khả dĩ hơn được cuộc đời, không có gì khả dĩ hướng dẫn được cho cuộc đời và làm đẹp cho cuộc đời.
Một trong những công tác quan trọng nhất của việc hiện đại hóa là tổ chức và trang bị lại những tu viện thể nhập làm chỗ nương tựa cho mọi cơ cấu tổ chức hành đạo khác của Giáo Hội._
Sự thực là trong những ngày gần đây đạo Phật đã không được hiện đại hóa mà chỉ bị thế tục hóa. Ý tưởng và bản chất xuất thế đã bị tiêu mòn một cách đáng kể. Nhìn lại giới Tăng sĩ của Giáo Hội chúng ta nhận thấy ngay điều đó. Tuy số lượng tăng sĩ của Giáo Hội được gia tăng và tuy sức làm việc của chư tăng cũng tăng lên gấp bội, ta vẫn thấy rằng hầu như tất cả những việc làm đó đều hướng về sự phát triển tổ chức và sự gây dựng cơ sở mà không phải là để thực hiện việc tu chứng. Trong cuốn _Đạo Phật đi vào cuộc đời chúng tôi đã có dịp nói rằng mọi sinh hoạt hữu hành của đạo Phật phải được bắt nguồn và hướng dẫn bởi thực chứng, và nếu không có dòng suối thực chứng mọi sinh hoạt hữu vi đều có thể là những hình thái vô hồn không phản chiếu được tinh thần đạo Phật. Cho nên phải có những vị Tăng sĩ ý thức được rằng việc tu chứng để làm lưu lộ nguồn đạo đức vô hành chính là một công việc tối trọng đại, tối căn bản, để trở về đem hết tâm não mình đem hết cuộc đời mình mà thực hiện cho kỳ được sự chứng ngộ đạt đạo. Mà muốn có được những vị tăng sĩ quý báu như thế, ta phải nghĩ đến vấn đề những tu viện thể nhập.
Thực ra không phải ở nước ta không có những tu viện như thế. Từ Bắc vào Nam, chúng ta thấy rải rác có nhiều danh lam rộng lớn, thanh tú, xứng đáng là những tu viện kiểu mẫu. Có những cảnh chùa, như chùa Thiền Tông ở núi Thiên Thai, chùa Từ Hiếu ở núi Dương Xuân chẳng hạn… mang rất nhiều khí sắc thanh thoát và thiền vị của cảnh tu viện. Từ ngày xưa, các chùa ấy đã là các tu viện mà số tăng sĩ cư trú đã từ năm mươi tới một trăm người, và phận sự chính yếu của các tăng sĩ ấy không phải là cầu siêu, cầu an, hướng dẫn Phật tử cư sĩ. Phận sự chính yếu của họ là tu học, tham thiền để chứng ngộ. Cận đại, các Phật học viện Lưỡng Xuyên, Liên Hải, Báo Quốc, Tây Thiên, Kim Sơn đều tổ chức theo kiểu mẫu các tu viện ấy, duy chỉ có khác là phần công tác tay chân giảm đi để nhường thì giờ cho việc học. Suốt thời gian theo học ở Phật học viện Báo Quốc, chính tự thân chúng tôi đã chẳng phải đi làm công tác ứng phú (nghĩa là đi làm lễ cầu siêu cho cư sĩ) lần nào. Bổn phận chính là học cho giỏi, và tu cho siêng năng. Nhưng bây giờ chúng ta chẳng thấy còn một tu viện nào như thế nữa.
Phật học đường Báo Quốc, ấn Quang và Hải Đức hiện nay không còn như xưa. Ban giảng huấn tản mác vì bị thu hút vào và bổ nhiệm tới những chức vụ quan trọng trong giáo hội, những chức vụ có tính cách hướng dẫn và lãnh đạo tổ chức cư sĩ. Người học tăng cũng bị thu hút vào các hoạt động tổ chức. Học chưa xong chương trình, các vị đã bị bổ đi làm giảng sư, hội trưởng (bây giờ thì gọi là Đại diện), Trụ trì, giáo sư tư thục Tuyên úy. Mà cái học cũng không còn như cái học ngày xưa, cái học để phụng sự việc tu chứng nhiều hơn là phụng sự việc giảng diễn. Thêm vào đó, có cái học lấy bằng cấp, để khi ra làm việc, dù là việc Phật, được trọng dụng. Cư sĩ tới ngập tràn các cơ sở ấy và các vị nội trú phải phụng sự những nhu yếu cầu siêu, cầu an, tổ chức lễ lược, tổ chức cứu tế từ thiện, tổ chức hiếu hỉ, những nhu yếu càng ngày càng tăng. Người cư sĩ ít còn biết đến giá trị tu chứng và chỉ biết đến những giá trị khác của người tăng sĩ. Rồi đơn giản cho đến nghĩ rằng vị tăng sĩ nào siêng năng tụng kinh một cách tha thiết là vị đó Tu nhiều nhất, vị tăng nào ai nói gì cũng hoan hỷ chấp nhận là vị đó đức nhiều nhất.
Chúng tôi nghĩ rằng các vị tăng sĩ hữu tâm không ai không công nhận rằng thiếu cơ bản tu chứng thì Phật giáo thiếu hết. Cứ một đà hiện tại mà đi tới thì đạo Phật sẽ hoàn toàn bị thế tục hóa trong vòng vài mươi năm, khi số lượng ít ỏi của các vị hòa thượng và tăng sĩ chân tu (mà may mắn chúng ta còn có) viên tịch. Chúng tôi có thể nói rằng sở dĩ Phật giáo Việt Nam còn có cơ sở là nhờ có sự hiện diện vô hành của các vị đó. Nếu không, quả thực chúng ta không còn gì đáng kể nữa; bởi vì có bao nhiêu hoạt động hữu vi đi nữa mà thiếu mất cơ bản đạo đức vô hành thì cũng là vô nghĩa mất rồi.
Chúng tôi không ngây thơ kêu gọi tất cả các hàng tăng sĩ trở về tu viện đóng kín cửa và lo việc tu học nhử xưa. Kêu gọi như thế tức là không thấy rằng điều đó không thể thực hiện được, đứng về phương diện tâm lý cũng như đứng về phương diện xã hội. Cuộc đời cần có đạo Phật và người Phật tử phải có mặt để giữ gìn sự có mặt của đạo Phật. Nhưng đừng quên rằng người Phật tử phải là người có chất liệu Phật tử. Nếu thiếu nguồn suối tu chứng, chúng ta biết tìm chất liệu ấy ở nơi đâu? Thiếu cội nguồn đạo đức, chúng ta biết phát xuất từ nơi nào? Biết nương tựa vào đâu? Biết quy hướng về đâu?
Nếu tính cách xuất thế của đạo Phật không còn, nếu đạo đức vô hành (nghĩa là sở đắc tâm linh do sự chứng ngộ, đạt đạo) không hiện hữu để duy trì (đúng danh từ là trú và trì) bản chất Phật giáo và thấm nhuần vào mọi sinh hoạt hữu hành của đạo Phật trong xã hội, nói một cách khác, nếu đạo Phật bị thế tục hóa thì nhất định đạo Phật chân thực sẽ không còn nữa mà chỉ còn lại những hình tướng và những danh từ. Và khi đó quần chúng sẽ mất hết đức tin nơi đạo Phật. Khi đạo Phật đã thế tục hóa trong bản chất rồi thì dù những hình thức xuất thế (như quy chế, giới luật, sự xuất gia, áo xuất gia) dẫu còn, cũng là vô nghĩa. Những thứ ấy còn có thể là một nỗi oan cho đạo Phật.
Không có vị tăng sĩ nào ý thức mà không nhận thấy rằng bận rộn suốt ngày suốt tháng trong công việc, sinh hoạt tâm linh nhất định bị bê trễ, và dù muốn dù không người tăng sĩ cũng bị thế tục hóa dần dần nếu không nghĩ đến việc trở về tu viện ít nhất là một mùa an cư trong một năm. Chất liệu tâm linh đâu nữa nếu không có sự tịnh tu? Và nếu không còn chất liệu tâm linh, có gì có thể ngăn được sự thế tục hóa?
Tất cả chúng ta đều biết: lý tưởng đạt tới sở đắc tâm linh là một lý tưởng rất cao và đòi hỏi những cố gắng vượt bậc. Một người cố quyết đạt đạo không thể sinh hoạt tâm linh một cách tài tử hay chấm câu được. Phải thường trú trong tu viện, cắt đứt những lo lắng những theo đuổi bồng bột, xa lìa những lo lắng bực dọc của tổ chức để tỉnh tâm tỉnh trí mà tham thiền từ năm này sang năm khác mới mong đạt tới kết quả. Phải thể hiện và thâm nhập cảnh giới tâm linh, cảnh giới thiền định, và do đó phải sống cuộc đời của dòng tu thể nhập, trong một tu viện thể nhập. Không thể vừa giữ một chức vụ giữa đời vừa là một nhà tu thể nhập được. Nhà tu thể nhập là một vị đại trượng phu, một chiến sĩ không biết lùi, cương quyết đi tới chỗ đạt đạo. Sự thành công của một nhà tu thể nhập là một chiến thắng vẻ vang nhất của bản thân, là một niềm an ủi lớn lao nhất cho toàn thể Phật tử, là một đóng góp kỳ diệu nhất cho sự vững mạnh của đạo Phật và cho kho tàng hạnh phúc của nhân loại.
Cho nên không phải ai cũng có thể tu trong dòng thể nhập. Chỉ có thể có những vị hoàn toàn dấn thân, hoàn toàn dứt khoát, mang theo một ý chí kiên quyết vô song mới có thể làm nhà tu thể nhập. Tu viện thể nhập sẽ không cần nhiều ở Việt Nam._ Từ năm tới mười tu viện như thế kể cũng đã quí rồi. Những tu viện như thế cố nhiên sẽ không mở cửa cho người bạch y cư sĩ. Những tu viện như thế sẽ không phải lo về vấn đề kinh tế. Các nhà tu thể nhập không hướng dẫn quần chúng, không tổ chức, không cầu an, cầu siêu. Họ chỉ lo về vấn đề nghiên cứu và thực nghiệm. Nghiên cứu đây không phải để làm luận án mà là để hướng dẫn công cuộc thực nghiệm tu chứng._ Sự nghiệp của các vị là đạt đạo để tiếp nối dòng thực chứng, để làm cho đạo Phật thực sự hiện hữu.
Những người muốn tu dòng tu thể nhập như thế phải có những điều kiện thuận lợi. Trước hết là điều kiện ý chí, như chúng ta đã biết. Thứ lại; là điều kiện kiến thức. Và thứ ba, là điều kiện thực tập.
Về kiến thức, không thể chấp nhận một người thiếu kiến thức vững chãi về Phật học vào tu viện thể nhập được. Muốn tu chứng, phải có học tập trước đã. Trong một phòng thí nghiệm khoa học, không thể có mặt người mù tịt hoặc biết nhấp nhem về khoa học. Người ấy sẽ không làm được gì mà chỉ gây trở ngại cho những nhà khảo cứu. Trong một tu viện thể nhập cũng thế. Sự hiện diện ngơ ngác của người thiếu học sẽ làm phiền và mệt lòng những vị tăng sĩ đang hạ thủ công phu về vấn đề thực chứng.
Một học vấn sơ sài không đủ để làm hành trang cho cuộc hành trình tu chứng. Ít ra, người tăng sĩ thể nhập phải có trình độ cao đẳng về Phật học. Học đây phải là một thứ học thông minh, với một tâm hồn phóng khoáng chứ không phải là một lối học nô lệ, chất chứa kiến thức giáo điều. Đã đành thiếu kiến thức về Phật học thì không thể khám phá tâm linh, nhưng nếu ôm cứng giáo điều thì không thể nào chứng ngộ đạt đạo dù có tu đến ngàn đời. Do đó một sự hiển nhiên bày ra trước mắt chúng ta: cái học cần thiết để tu chứng là một cái học khách quan – học như một người đi tìm biết chứ không phải với thái độ sùng kính cửa một người đồ đệ. Và kiến thức giáo lý phải là một kiến thức sử quan, bởi vì nhìn đạo Phật trong quá trình giáo sử người học sẽ thấy tính cách linh hoạt của bản chất đạo Phật và không còn có thái độ thờ phụng một hệ thống giáo lý mình ưa thích nhất nữa. Nếu người học thấy được lịch sử thành lập của kinh Đại Thừa và sự diễn biến của các tư tưởng Đại Thừa chẳng hạn, thì sẽ không có thái độ cố chấp và phân biệt, do đó sẽ vượt được nhiều giai đoạn ngây thơ của sở thích mình. Giáo sử sẽ khiến cho ta tới gần với bản ý đức Phật.
Kiến thức đứng đắn như thế về Phật học ít ra cũng phải do một Viện Cao Đẳng Phật học cung cấp trong bốn năm. Đó là nói về những người có kiến thức phổ thông vững chãi nhưng chưa biết gì về Phật học. Nếu thiếu kiến thức đó, chúng tôi tưởng người ta chỉ có thể uống trà và trồng hoa trong tu viện chứ khó mà đạt tới thực chứng. Trường hợp của Huệ Năng vẫn là trường hợp hết sức đặc biệt.
Về điều kiện thứ ba, điều kiện thực tập, cũng là rất quan hệ. Đời sống thể nhập là một đời sống dâng hiến hẳn cho lý tưởng đạt đạo. Vậy nên khi một tu viện trưởng nhận vào tu viện một người, ngài phải chắc chắn rằng người này có khả năng và căn cơ tu học trong tu viện. Rất có thể có nhiều người nghe nói đến tu viện và ưa thích làm nhà tu thể nhập, nhưng khi vào tu vài ba hoặc năm sáu tháng thì nhận ra rằng đời sống này không phù hợp với mình, và như thế cuộc đời sẽ lỡ dở. Cho nên muốn được chính thức nhận vào tu viện, ứng viên sẽ phải tập sự năm năm, mỗi năm ba tháng tại tu viện để có thể nếm đầy đủ những chi tiết của cuộc sống tu viện, khảo sát lại bản chất khả năng mình và để biết chắc chắn rằng cuộc sống ấy hợp với chí hướng mình, tâm lý mình và sinh lý mình. Nói tóm lại, để cho việc tu học đạt tới kết quả tốt đẹp, dòng tu phải được tổ chức một cách hợp lý, và chỉ gồm toàn những vị có đầy đủ các điều kiện để có thể sống đời sống tâm linh đạt đạo.
Xét những điều kiện trên đây, ta thấy người cư sĩ không thể trở thành nhà tu thể nhập được nếu không trải qua thời gian học Phật và thời gian năm năm thực hành tu tập trong dòng tu tiếp hiện. Về dòng tu tiếp hiện ta sẽ có dịp đề cập đến trong một chương sau. Những vị tăng sĩ nào và những học tăng nào nếu chưa đủ những điều kiện tương đương với các điều kiện trên thì cũng chưa thể và chưa nên gia nhập vào dòng thể nhập. Những vị này có thể vừa tự đào tạo cho mình những điều kiện trên, vừa sống đời sống phụng sự của những người tu trong các dòng tiếp hiện, và chỉ khi nào nhận thấy ước vọng mạnh mẽ nhất của mình là đạt đạo, biết chắc chắn được rằng mình phải sống đời sống thể nhập mới có thể thực hiện được ước vọng ấy, thì mới nên trở thành nhà tu thể nhập. Bởi vì hễ là tu thể nhập rồi thì phải đem trọn bản thể của mình ra mà quyết chí tu chứng, chứ không thể lơ đãng, không thể xuất nhập vô ngại được. Còn đối với các điệu tức là những chú bé vào chùa tập sự, thì cố nhiên không thể tìm tới những tu viên thể nhập.
Các nhà tu thể nhập tuy thua các vị tăng sĩ của giáo đoàn nguyên thủy (giáo đoàn được hướng dẫn bởi đức Phật khi ngài còn tại thế) ở chỗ không có Phật dạy dỗ và chỉ bảo cách thức tu tập một cách trực tiếp nhưng hơn hẳn các vị ấy ở chỗ có khung cảnh và điều kiện thuận lợi hơn. Việc giáo hóa và tổ chức đã có các vị trong dòng tiếp hiện đảm nhiệm rồi, các vị không cần phải bận tâm lo lắng nữa mà có thể dồn hết khả năng tâm ý về việc tu chứng. Mỗi ngày các vị không phải làm mất một buổi để đi khất thực nữa, không phải lo về vấn đề y dược, cư trú và ẩm thực nữa, bởi tất cả những vấn đề này đã do một tổ chức trong Giáo Hội lo liệu. Xã hội bây giờ thác loạn và rối rắm gấp ngàn lần xã hội ngày xưa, hồi còn đức Phật. Sự tiếp xúc hàng ngày với thôn lạc sẽ giết mất sự bình tâm cần thiết để đạt đạo; cũng như những lo lắng muộn phiền về gia đình có thể khiến cho nhà khảo cứu không an tâm ngồi làm việc trong phòng thí nghiệm khoa học. Cửa tu viện đóng không có người bạch y ra vào, các vị không bị bắt buộc chiều theo một điều kiện nào của người cư sĩ cả. Các vị tự do tổ chức quản trị tu viện và sắp xếp chương trình tu học; các vị không phải vâng theo những ước lệ những tập quán những công thức của cuộc đời bởi vì tu viện là một thế giới thực sự tự do, được tổ chức cách nào để càng thuận lợi cho sự tu chứng chừng nào thì càng tốt đẹp chừng ấy.
Năng suất tu chứng sẽ tăng lên rõ rệt nếu tu viện được chăm sóc và chăm sóc một cách khoa học. Ngày xưa ở các Phật học viện sự ăn uống kham khổ quá; có khi trong một tháng trường, tăng chúng phải ăn rau khoai chấm tương, rau khoai thì chỉ gồm những lá già, gần vàng (bởi vì đọt khoai phải để cho sống, để mọc thêm lá khoai và duy trì luống khoai) và tương thì toàn là tương ghé (tương pha nước muối, không nguyên chất). Ngủ thì ít đêm được phép ngủ tới năm tiếng đồng hồ. Phần lớn tăng chúng rơi rụng nửa chừng, còn những vị còn lại thì ốm yếu hay đau lặt vặt. Ăn chay tuy không phải không đủ chất bổ, nhưng nếu ăn kham khổ quá thì thiếu hẳn các sinh tố và sự tu chứng không đạt được cũng có thể do nguyên do thân thể yếu đuối bệnh tật. Một nhà tu thể nhập phải có điều kiện sức khoẻ, vật chất cũng như tinh thần.
Do đó, dù tu viện là một tu viện nhỏ chỉ có số tăng sĩ thể nhập tối thiểu là bốn vị, cũng nên có một bác sĩ phụ trách săn sóc về sự ăn uống và về sức khỏe của chư tăng trong tu viện. Thân thể bạc nhược không thể thực tập thiền quán được. Điều đó những ai đã có chút ít kinh nghiệm đều trông thấy rõ. Trong tu viện thế nào cũng có đất rộng, các vị thường làm việc tay chân mỗi ngày một hai giờ đồng hồ để thêm minh mẫn, thêm khoẻ mạnh. Các vị trồng thêm liễu, thêm tùng, thêm mai, thêm cúc, và cả khoai, sắn, đậu, rau thơm. Đó là tiếp nối nguyên tắc bất tác bất thực của truyền thống Bách Trượng. Những giờ làm việc ấy thực rất bổ ích về cả mọi mặt, trong đó có sự điều hòa cơ thể và tiêu hóa những năng lượng thừa thãi của cơ thể. Trong rất nhiều chùa, sự tụng kinh niệm Phật đã trở nên sự sinh hoạt tu tập duy nhất. Điều đó chứng tỏ sự suy trầm của đạo Phật. Hầu hết các tăng sĩ và cư sĩ đều tu theo tịnh độ – hình thức đơn giản nhất của Tịnh độ – và ý chí tu chứng đạt đạo có thể nói rằng không còn bởi vì pháp môn tịnh độ trước hết chỉ là để khế cơ những người tự xét mình không đủ tự cường tự lực. Người tu sĩ thể nhập phải thực hành thiền học nếu muốn đạt được kết quả tốt đẹp về tâm linh tu chứng, cho nên sẽ không coi việc tụng niệm (lớn tiếng) là quan trọng nữa. Nếu các vị có tụng thì chỉ là đọc lại các kinh điển đã học để tìm hiểu thêm và để giúp cho sự quán chiếu mau có kết quả.
Thực ra chữ tụng có nghĩa là đọc lại không hẳn là đọc lại lớn tiếng theo nhịp chuông mõ, dù đọc theo kiểu sau đây có thể gây không khí trang nghiêm êm dịu và đạo hạnh cho người xung quanh. Còn nếu có niệm thì cũng chỉ niệm một cách thầm lặng, bởi vì chữ niệm có nghĩa là nhớ nghĩ, là chính niệm, mà không hẳn là đọc to các câu niệm Phật. Cố nhiên cần có những thời tụng niệm ra tiếng, vì những thời này có tác dụng đặc biệt của nó, nhưng các vị tăng sĩ thể nhập sẽ không nghĩ rằng làm như vậy là có phước đức và do đó sau này sẽ được hưởng quả báo tốt đẹp. Tụng niệm như thế chỉ là phương tiện. Tuy nhiên thì giờ dành ra để nghiên tầm tham cứu và nhất là để tọa thiền, sẽ là thì giờ chính yếu trong đời sống người tăng sĩ thể nhập. Với lại vị thiền sư không thể tụng niệm nhiều quá như những người tu theo tịnh độ. Có nhiều chùa mà trong đó chúng tăng phải tụng kinh một ngày ba thời, mỗi thời không dưới một tiếng đồng hồ. Tụng kinh ra tiếng như thế lâu ngày rất có hại cho sức khỏe.
Nhiều vị, dù tuổi chưa đến ba mươi, đã phải ra đơn nằm thở dốc sau khi tụng xong một thời kinh sáng hay đi xong một thời tịnh độ. Mà kết quả của các thời tụng như thế chưa chắc đã bằng nửa giờ tịnh niệm tham thiền. Các truyền thống tu tập Đông phương, truyền thống nào cũng dạy phải tiết kiệm tinh, khí và thần. Tụng kinh ra lời nhiều quá sẽ mệt và hao tổn khí. Các nhà tu đạo, kể cả đạo Tiên và đạo Lão, ít nói là vì lẽ ấy. Tổn khí rồi thì tu luyện tham thiền rất khó – nhất là khi phải dùng đến Sổ tức quán đạo Phật. Khí đã tổn thì sổ tức quán khó mà thực hiện một cách nhất tâm, bởi vì trong thân thể không có sự thoải mái và mạnh khỏe cần thiết. Cho nên muốn tu thiền phải ít nói, ít dạy học, ít tụng niệm. Về phương diện thần cũng thế. Sự suy nghĩ lo lắng buồn phiền bao giờ cũng làm tổn thần. Thần tức là năng lượng tinh thần nương tựa trên hai hệ thống thần kinh. Thần mà hư hoặc kém thì cũng không nói đến chuyện tu được. Người hành giả sẽ dễ chán nản, dễ sợ hãi, dễ buồn phiền; người hành giả sẽ thấy tim đập, mồ hôi rịn, sẽ thấy mộng mị liên miên trong giấc ngủ. Một giấc ngủ mộng mị không làm cho ta khỏe khoắn sau khi thức dậy, và do đó những giờ thiền định sẽ không thành công. Sau lại, còn vấn đề tinh, tức là năng lượng mà con người tiêu phí trong những cuộc giao tiếp nam nữ.
Bị suy yếu về phương diện ấy người ta cũng không thể thực hành thiền định được, vì vậy người tăng sĩ xưa nay phải sống độc thân. Sống độc thân không phải tự nó là một việc đáng tự hào, đáng cho là thanh cao, đạo đức, mà chỉ là một phương tiện để dành năng lượng tinh thần: Tiêu phí tinh lực cũng như tiêu phí thần lực trong đời sống gia đình vợ con thì khó mà mong đạt đạo được Có những học giả và hành giả có kiến thức về tâm sinh lý cho biết rằng trong lúc thực tập thiền định, người hành giả cũng phải tiêu xài tinh lực như người đời trong lúc giao tiếp nam nữ. Cho nên người hành giả phải bảo tồn tinh lực, khí lực và thần lực, và chỉ một cuộc sống thuận lợi như cuộc sống trong một tu viện thể nhập mới giúp cho người hành giả thực hiện điều đó. Có những ngu dốt truyền thống đã chịu trách nhiệm trong việc làm cho một số các vị học tăng mắc phải bệnh xuất tinh trong giấc ngủ và trở nên yếu đuối, bệnh tật, thiếu hẳn năng lực tinh thần để học hỏi, tu tập. Công trình nghiên cứu của chúng tôi về một tu viện chứng tỏ điều ấy. Số người bị bệnh rất đáng kể. Một số các chú học tăng nhỏ tuổi, khi lớn lên, gặp phải một trường hợp xuất tinh trong giấc ngủ, lấy làm lo sợ, che giấu, cho trường hợp của mình là bất thường, và có mặc cảm phạm tội, ăn năn ray rứt.
Kỳ thực hiện tượng xuất tinh của người con trai, có thể từ 13 tuổi trở đi là một hiện tượng sinh lý tự nhiên có thể xảy ra mỗi tháng một lần, mà không phải là một tội lỗi gì cả. Tinh dịch khi đầy sẽ tràn, và chỉ có thế. Người học tăng một phần không được hướng dẫn để điều chỉnh sự ăn uống, luyện tập thân thể, một mặt bị mặc cảm tội lỗi ray rứt dày vò trở nên bất an và từ đó nơi cơ thể phát sinh nhiều chứng bệnh kỳ quặc mà các bác sĩ không tìm thấy. Thế rồi hệ thống thần kinh bị giao động, suy nhược, và bệnh xuất tinh trong giấc ngủ xuất hiện; lần này là bệnh chứ không phải tự nhiên nữa. Không biết cách điều trị, không đủ tiền uống thuốc, không phá tan được mặc cảm, người học tăng làm hư hỏng sự nghiệp học tập và tu chứng của mình, có khi cả cuộc đời của mình nữa. Cho nên một bác sĩ thông hiểu các vấn đề như thế của giới tăng sĩ, rất là cần thiết. Từ vấn đề ăn uống, làm việc cho đến tu tập, phải biết rọi thêm ánh sáng khoa học vào.
Ngày xưa cái biết kinh nghiệm của các thiền sư đắc đạo có thể thay thế được những kiến thức và hướng dẫn bác sĩ về phương diện sinh lý. Ngày nay thiền sư chứng ngộ rất khó tìm cho nên phải bổ túc bằng khoa học. Việc ăn chay chẳng hạn, cũng như việc sống độc thân, có giá trị phương pháp hơn là có giá trị đạo đức luân lý, nhưng người thời bây giờ đã không nghĩ như vậy và đòi xem xét mọi sự dưới ánh sáng luân lý đạo đức, kể cả những khái niệm vô thường vô ngã vốn được nêu ra như những nguyên tắc hướng dẫn nhận thức chứ không phải như một giáo điều luân lý.
Sự bảo tồn năng lượng của tinh lực khí lực và thần lực như ta đã biết là để phụng sự cho công cuộc thực nghiệm tâm linh, tham thiền nhập định. Nhưng nếu ta không chịu sử dụng những năng lượng ấy, thì sự hiện hữu của chúng ta sẽ trở lại gây rối loạn cho chúng ta sẽ trở lại gây rối loạn cho chúng ta. Chúng được sinh ra là để dùng vào một việc gì. Người con trai sinh ra theo thiên nhiên là để làm chồng và làm cha, người con gái sinh ra để làm vợ và làm mẹ. Đi tu tức là đi ngược dòng, làm trái lại với hướng tự nhiên của sự sống. Thực hiện thiền định là để chứng ngộ, mà cũng là để thiết lập lại thăng bằng của đời sống sinh lý và do đó người chân tu, có tham thiền nhập định thì cũng thấy thân thể bình thường an ổn như mọi người. Duy những vị tăng sĩ không thực nghiệm thiền quán sẽ cảm thấy bất an. Chính thân thể các vị phá phách các vị ấy, và trong trường hợp này ta chứng kiến những thảm kịch im lặng. Tuy nhiên vấn đề trọng yếu hay không cũng tùy theo bản chất của từng cơ thể.
Cố nhiên ta sẽ nói rằng có rất nhiều thanh niên sống độc thân ngoài tu viện nhưng không coi vấn đề là đáng kể. Những thanh niên ấy một mặt, chưa nói cho ta nghe về những kinh nghiệm và trường hợp họ, mặt khác, không có những điều kiện tâm lý ban đầu của người xuất gia. Người xuất gia nghĩ và đinh ninh trong dạ: ta sẽ sống như thế này suốt đời, và cánh cửa đi về nẻo đời sống lứa đôi đã vĩnh viễn khép chặt. Người thanh niên ngoài đời không nghĩ như thế, và con đường trước mặt thênh thang, tự do. Nội một ý niệm kia của người trẻ tuổi xuất gia nằm sâu trong tiềm thức cũng có thể phá hoại người ấy không ít, nếu ta nhìn vấn đề dưới ánh sáng phân tâm học. Quả là có một sự khác biệt giữa hai người trẻ tuổi.
Vấn đề tuy không phải là vấn đề hệ trọng nhất trong các vấn đề, nhưng cũng là một vấn đề hệ trọng cần phải tìm xét một cách đúng đắn và nghiêm chỉnh.
Sự để dành năng lượng tinh khí thần mà không xử dụng bằng thiền quán còn có thể gây những tai hại khác. Một cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng, khách quan sẽ có thể cho ta thấy được tất cả những điều đó.
Chúng tôi đã có dịp nghiên cứu về một nữ tu viện đạo Phật tu theo Tịnh độ, nghĩa là thiếu thiền sư hướng dẫn để thực tập thiền quán. Việc nghiên cứu này được thực hiện với sự cộng tác của một ni sư lớn tuổi trong viện, trong tinh thần cầu học và khách quan. Trong một Ni chúng có số lượng gần 40 vị, chỉ được có vài ba vị (tất cả đều trên bốn mươi tuổi, nghĩa là thuộc về thế hệ trước) biểu hiện được đời sống dung dị, lợi ích, vui tươi, từ hòa của đạo Phật một cách đích thực Trong số còn lại, ta thấy có sự hiện diện của nhiều vấn đề thuộc phạm vi tâm lý, sinh lý và xã hội. Số lượng các vị có một hệ thống thần kinh thăng bằng vững chãi rất ít. Những chứng bệnh như sau đây rất phổ thông: xây xẩm, chóng mặt, sưng thủng, đau bụng, đau ruột, yếu gan, hồi hộp trái tim, rịn mồ hôi, dư a xít trong bao tử, phong thấp, và bệnh huyết trắng. Còn có những bệnh kỳ quặc khác mà không tìm ra nguyên do.
Những người tập sự xuất gia thì mạnh khỏe được vào khoảng gần một năm đầu (tám chín tháng), sau đó các bệnh tật kéo đến. Sinh hoạt chính yếu là tụng kinh niệm Phật. Có những vị tụng kinh niệm Phật rất siêng năng, rất tha thiết nhưng những hành trì đó không có tác dụng gì trên tính tình sau năm năm cố gắng. Một hiện tượng cần chú ý là có những vị bình thường ban ngày thì có vẻ trầm tĩnh – giải thoát nhưng ban đêm trong cơn mơ có thể khóc lóc rên siết rất thảm thương, hoặc niệm Phật hay đọc chú Đại bi trong giấc mơ một cách hoảng hốt. Công cuộc nghiên cứu cho biết rằng phần lớn các vị vào tu không phải do thất vọng về tình duyên, đó là điều đáng chú ý. Có vài trường họp vì đau khổ trong đại gia đình; nhưng đó cũng không phải là nguyên do chính yếu hay duy nhất. Điều cần phải chú ý hơn hết là trong những thời gian mới vào tu viện, phần lớn đều vui tươi, rộng rãi, cởi mở, nhưng hiện nay thì tình hình khác hẳn. Các vị trở nên buồn bã hơn, cô độc hơn, hẹp hòi hơn, nhỏ nhen hơn, và nhất là ganh tị và chia rẽ hơn. Mỗi người gần như sống riêng một cõi.
Chúng tôi chưa có tài liệu xác thực nào về hiện tượng đồng tính ái (homosexualité) nhưng hiện tượng các vị sống thân thiết từng hai người một, thân thiết đến nỗi có thể có sự ganh tị khi có một người thứ ba xen đến, là một hiện tượng được xác nhận. Cố nhiên đi sâu vào những hiện tượng đó ta thấy có một thảm kịch, và chúng tôi chắc chắn rằng nguyên do của tất cả những phá phách của cơ thể và những khủng hoảng của tình cảm.
Như chúng tôi đã nói, người con gái sinh ra là để làm vợ và làm mẹ, tổ chức cơ thể và bẩm chất, tính tình của người con gái chứng minh điều đó. Không vâng theo tức là chấp nhận sự nổi loạn của tự nhiên, và vì vậy tham thiền hành đạo là lý do quan trọng nhất khiến người tăng sĩ sống đời độc than. Nhưng dù sao, vấn đề sẽ trở nên nhỏ bé hơn nếu người tăng sĩ có một phương thức sinh hoạt hợp lý để cho các sinh hoạt tâm lý sinh lý được thiết lập điều hòa; và một cuộc sống bận rộn đầy những hoạt động xã hội cũng khiến cho những sự xáo trộn bất an về tâm lý sinh lý kia biến mất. Công cuộc nghiên cứu cho biết thêm là những vị nào được phải đi làm việc ở các cô nhi viện, các trường tư thục; các bệnh xá, suốt ngày bận rộn lo lắng cho công việc, những vị ấy mạnh khỏe hồng hào hơn ra, vui vẻ hơn ra, và những chứng đau ốm lặt vặt biến mất. Khi rỗi rảnh ở không, thì tật bệnh liền sinh khởi.
Không khí của tu viện đã bớt nét u trầm và trở nên hoạt động từ ngày tu viện chủ trương tự túc về kinh tế. Các ni cô lo việc đan áo, may áo, làm bánh mứt, chế tạo hương trầm…_ để gởi bán, và thì giờ tụng niệm đã giảm bớt. Tuy không khí tu viện dễ thở hơn, mục đích chính của tu viện cũng không đạt được, vì cứu cánh của sự xuất gia không phải là tư tạo công đức do công phu tụng niệm.
Cho nên tu viện thế nào cũng phải được tổ chức lại, và chỉ những người có đủ điều kiện kiến thức, tâm lý, sinh lý mới có thể làm nhà tu thể nhập. Còn những vị khác phải sống đời sống hoạt động của các dòng tu tiếp hiện, và chỉ trở về tu tại tu viện mỗi năm ba tháng. Tu viện sẽ phải được trang bị mọi tiện nghi, kể cả tiện nghi y tế, để có đủ điều kiện cho sự tu chứng của số người ở lại.
Muốn giúp cho những tu viện thể nhập thành công, ta phải nghĩ đến những nhu yếu khẩn thiết nhất của tu viện. Trước hết là nhu yếu kinh tế. Chắc chắn Giáo Hội và Phật tử trong nước sẽ giải quyết vấn đề này một cách dễ dàng. Mọi người, kể cả những vị trong các dòng tu tiếp hiện đều có bổn phận lo lắng về những chi phí, y phục, lương thực cư xá và y dược trong tu viện. Một bác sĩ sẽ được chỉ định để săn sóc cho tư viện, và nếu tu Viện đông, sẽ phải có nhiều bác sĩ.
Thứ đến là vấn đề thư viện tham khảo tại tu viện. Thư viện này sẽ là thư viện Phật học và phần chính sẽ là kinh điển và những trước tác ghi chép kinh nghiệm tu chứng của các vị tổ xưa. Các tác phẩm thuộc loại Tín tâm Minh, Thiền quan sách tấn, Tọa thiền tam muội, Vô môn quan nghĩa là những sách gối đầu giường của những người hành giả, phải có đủ. Các vị tăng sĩ thể nhập sẽ nghiên tầm rồi kiểm chứng bằng kinh nghiệm tâm linh. Kinh sách sẽ giống như những bản đồ, những dữ kiện, những tài liệu hướng dẫn sự đối chiếu và thực nghiệm. Các vị đang cần tu chứng chứ không cần biên khảo. Việc thiết lập một thư viện chuyên môn như thế thiết tưởng cũng không khó khăn lắm.
Tiếp đến là vấn đề cung cấp những vị thiền sư hướng dẫn sự học tập và tham thiền trong tu viện. Điều này có thể là khó khăn nhất nhưng mà là quan trọng nhất. Những vị chân tu và có sở đắc tâm linh rất ít và rất khó tìm, ai cũng biết thế. Không bao giờ ta có thể bằng lòng những vị có thể nói về lý thuyết thiền quán mà không có sở hành và sở đắc thiền quán. Các vị tu viện trưởng phải khổ công cầu thỉnh, dù phải vạn lý tầm sư. Đối với các vị ấy, sự nhận diện những bậc chơn tu có sinh hoạt tâm linh sâu sắc không phải là một chuyện khó. Phải cầu thỉnh cho kỳ được những vị ấy về tu viện, dù phải tốn bao nhiêu công phu kiếm tìm. Bậc chân tu thường ít ưa an trú hoặc dừng chân ở khung cảnh đang bị thế tục hóa, cho nên thường ẩn dật ở những nơi vắng vẻ. Chính ta phải tìm đến các vị ấy chứ không thể để các vị ấy tìm tới ta. Gặp được minh sư là rất có thiện duyên, và là một trường hợp ít có. Nhưng khi đã thành khẩn thiết tha thì luật đồng khí tương cầu sẽ hướng dẫn ta tìm tới được các vị như thế. Bởi vì những bậc thầy cũng có ý hướng đi tìm những người thiết tha cầu học với tâm trạng chí thành.
Giáo hội rất nên nghĩ đến việc thỉnh cầu các danh tăng và thiền sư ngoại quốc, nhất là ở Nhật Bản, để về làm Giáo thọ trong các tu viện. Trong trường hợp này, sự cầu thỉnh phải được sắp đặt rất cẩn trọng và kỹ lưỡng để có thể tránh những lầm lạc, tốn công vô ích. Thường thường các vị hữu danh rất có thể là vô thực, mà các vị chân tu thì lại hay vô danh.
Pháp môn tu học trong các tu viện thể nhập cố nhiên là do chính tu viện chọn lựa. Nhưng chúng ta cũng biết rằng một tu viện thể nhập tiêu biểu cho nếp sống tâm linh cao nhất của đạo Phật như thế không thể áp dụng những pháp môn có tính cách phương tiện như ở phần lớn các chùa chiền được. Các tu viện phải là những thiền viện, xứng với danh từ của chúng, bởi vì mục đích của các tu viện là để khơi mở và cung cấp chất liệu thực chứng cho bản thân và cho cuộc đời. Sự học tập về ba hệ thống giáo lý chính của đạo Phật được coi như là căn bản cho mọi công phu thực nghiệm: hệ thống Duy thức, hệ thống Bát nhã và Thiền học.
Duy thức học không phải là một hệ thống triết học nhằm giải quyết những vấn đề thuộc phạm vi siêu hình mà cũng không phải là một giáo lý mang màu sắc thuần túy Bắc phương. Đó là sự phối hợp của công trình nghiên tầm về tâm lý học và pháp tướng học của Thuyết nhất thiết hữu bộ và giáo lý Bát nhã của Đại thừa. Những lợi ích của kiến thức Duy thức có thể nói là vô song đối với những người thực hành thiền học. Duy thức rọi những tia sáng rực rỡ vào sự khảo sát hành tướng và tác dụng của tâm lý, giúp cho người hành giả những phương tiện để phá vỡ khuynh hướng đối tượng hóa và phân biệt năng, sở Thuyết tam tính và tam vô tính là một thực hiện kỳ diệu của Duy thức học để lay đổ nhận thức khái niệm. Ngũ trùng duy thức quán là một pháp môn rất thích hợp cho căn cơ của con người bây giờ.
Bát nhã học có thể gọi môn học cần thiết nhất cho Thiền học. Bát nhã học xoay quanh vấn đề nhận thức và chủ trương rằng mọi công hành lớn lao nhất cần được thực hiện với thái độ vô trước, vô chấp. Mục tiêu của Bát nhã là tự do, một thứ tự do tuyệt đối trong đó người đạt đạo có không gian vô biên để hành đạo để độ sinh. Tự do ấy là một hiến tặng của tu chứng, do công trình phá vỡ nhận thức khái niệm và cắt đứt mọi dây ràng buộc con người vào thế giới của trú, trước.
Cuối cùng thiền học cần những kỹ thuật điều phục tâm lý, sinh lý để thiết lập một cơ sở thực nghiệm tâm linh và những phương pháp thiền quán để nhắm đến sự phá vỡ nhận thức biến kế để mà đạt đạo. Thiền học là đóa hoa rạng rỡ nhất nở trên cây Phật học. Thiền không phải là một cái gì vô hình vô tướng xa lìa văn tự như người ta thường nói. Người tu thiền định phải thường xuyên học tập, cố nhiên là học tập ở kinh nghiệm những bậc tiền bối, những người đồng sự, và ở cả điển tích cũng chỉ _là những ghi chép của người xưa về kinh nghiệm của họ – cần được đón nhận như là những ghi chép để hướng dẫn cho người hậu lai. Chỉ khi nào người hành giả mắc kẹt vào văn tự ngôn ngữ thì mới là cần phải xa lìa văn tự, chứ thực ra cái học rất cần thiết cho cái hành và văn tự nếu được sử dụng một cách vô trước, có thể là một phương tiện rất quí báu.
Pháp môn áp dụng trong tu viện thể nhập không thể chỉ là pháp môn Tịnh độ, dù rằng nhờ Thiền học, Tịnh độ cũng được nhận thức như một sinh hoạt tâm linh khá cao. Giáo lý Tịnh độ là một sự xác nhận cái khả năng thiếu kém của con người trong việc đạt ngộ ngay trong cuộc đời hiện tại và khuyên con người đặt tin tưởng nơi một tha lực – nơi khả năng tiếp dẫn của Phật A Di Đà và thế giới Cực lạc. Nếu có một giáo lý gần với các tôn giáo Tây phương hơn hết về quan niệm cứu độ, thì giáo lý ấy chính là giáo lý Tịnh độ; giáo lý này nhấn mạnh đến sự cần thiết của một tha lực và đồng ý với con người rằng khả năng họ thật quả là thiếu kém. Cố nhiên giáo lý Tịnh độ được phổ thông là vì điểm ấy, và vì đại chúng vẫn thấy rằng Giáo lý Tịnh độ thích hợp với căn cơ họ nên ta thấy rằng pháp môn Tịnh độ vẫn sẽ còn được thích dụng trong giới Phật tử cư sĩ.
Ngày xưa những sáng tác và ghi chép của các vị thiền sư đạt đạo đều được xem là quí giá vô ngần._ Các nhà tu thể nhập cố nhiên cũng sẽ có những ghi chép như thế về kinh nghiệm và về sở chứng của họ. Đây cũng là một cống hiến của các vị cho cuộc đời. Những tài liệu này có tính cách sống động – dù đôi khi chỉ là một bài kệ một câu thơ – chứ không phải như những tập khảo luận khô khan về giáo lý mà bất cứ một học giả nào cũng có thể viết ra được trong lúc chúi đầu vào thư viện.
Đã sống trong thời đại hiện tại và nhất là đã tiếp xúc với các vị trong các dòng tiếp hiện ba tháng trong mỗi năm khi những người này trở về tu viện, các nhà tu thể nhập biết rõ được tâm trạng và căn cơ con người thời đại và do đó, những ghi chép và những pháp môn thi thiết để hướng dẫn sự chứng ngộ sẽ là những pháp môn hợp cơ hợp thời và do đó hữu hiệu hơn những pháp môn cũ. Các dòng tu tiếp hiện có trách nhiệm tiếp nhận, thực hiện và phổ biến những pháp môn ấy; nhất là áp dụng những pháp môn ấy trong các lĩnh vực sinh hoạt xã hội theo nhận thức của mình. Do đó, các tu viện là nơi khơi mở sinh lực đạo đức tu hành nhưng cũng là căn cứ sáng tạo của những pháp môn mới, những giáo lý mới của đạo Phật để cung cấp cho cuộc đời. Công việc sáng tạo và tinh luyện những pháp môn để đưa đạo Phật đi vào cuộc đời cố nhiên cũng phải do sự hợp tác và thực hiện của những viện Phật học trong toàn quốc.
Như chứng ta đã biết, Phật học viện là nơi cung cấp kiến thức giáo lý cho các thanh niên trước khi họ có thể trở nên một nhà tu trong dòng tiếp hiện, và sau đó một thời gian ít nhất là năm năm, trở nên một nhà tu của dòng thể nhập. Cho nên sứ mệnh của những viện Cao đẳng Phật học rất là trọng đại. Nếu sự có mặt của một số vị tăng sĩ thể nhập là cần thiết trong tổ chức giáo hội thì sự có mặt ấy chính là sự có mặt trong hai cơ sở: cơ sở Viện Tăng Thống và cơ sở Viện Cao Đẳng Phật học. Để tượng trưng cho giá trị căn bản của thực chứng đạo đức, một số các vị tăng sĩ thể nhập – không phải những vị mới tu mà là những vị thâm niên có sở đắc tâm linh, cần có mặt trong hội đồng trưởng thượng cửa Viện Tăng Thống, bởi vì các vị trong các dòng tu tiếp hiện không tượng trưng cho uy tín ấy. Và sự có mặt của một vài vị tăng sĩ thể nhập có sở đắc tâm linh trong Viện Cao Đẳng Phật học sẽ khiến cho cơ sở này không biến thành một nơi để giáo sư và sinh viên lo việc tầm chương trích cú và đeo đuổi cái học khô khan của thi cử. Sự gặp gỡ giữa kiến thức chân thực về đạo Phật và kiến thức chuyên môn về những sinh hoạt của cuộc đời sẽ khiến cho cơ sở này tinh luyện nên những lý thuyết những pháp môn thích hợp cho sự cải thiện và phát triển con người và xã hội con người trên một mặt. Vai trò của các cơ sở Phật học quả thực là quan trọng. Sự đóng góp của một vị tăng sĩ thể nhập trong các cơ sở này không phải là một sự đóng góp có tính cách nghiên cứu bác học mà là có tính cách thực nghiệm thực chứng. Môn dạy thích hợp nhất có lẽ là phương pháp Phật học và thực tập thiền học.
Đứng về phương diện giáo chế, ta thấy rõ rằng các vị tăng sĩ trong dòng thể nhập thực xứng đáng với địa vị chúng trung tôn, bởi vì các vị quả thực là những bậc thầy của cuộc đời, trong khi những vị trong các dòng tiếp hiện chỉ là những huynh trưởng của cuộc đời. Ở vào địa vị chúng trung tôn – chúng trung tôn nghĩa là địa vị được tôn kính nhất trong cộng đồng nhân loại, trong đại chúng – là vì các vị đang đeo đuổi một công cuộc thực hiện lớn lao nhất: đó là làm phát hiện đạo đức thực chứng cho cuộc đời. Để thực hiện điều đó, các vị đã phải xử dụng cuộc đời trọn vẹn của họ. Tuy nhiên nếu không đeo đuổi sự nghiệp giác ngộ mà chỉ lợi dụng cái chỗ đứng chúng trung tôn ấy (bởi vì kinh dạy kính Tăng như kính Phật) để mưu cầu danh lợi, thì bản chất người Tăng sĩ sẽ không còn nữa. Sự suy nhược của đạo Phật bắt nguồn từ nguyên do chính yếu này. Bởi thế cho nên kinh điển và cảnh sách thường nói đến sự mong cầu lợi dưỡng và mong cầu cung kính như hai tật xấu lớn của người xuất gia, vì nếu đã nhận những điều ấy là cần thiết cho cuộc đời mình rồi thì người tăng sĩ sẽ không theo đuổi được sự nghiệp đạt đạo nữa.
Nghiên cứu về giới luật Tỳ kheo ta sẽ thấy rằng một phần đáng kể các điều khoản trong giới luật ấy là để ngăn chặn những sự đi xa về phương diện lợi dưỡng và cung kính. Người tăng sĩ trong giáo đoàn nguyên thủy thì phải tiếp xúc nhiều với người bạch y trong lúc tiếp nhận tứ sự cúng dường: y phục, phòng xá, lương thực và thuốc men. Đó là một khuyết điểm của giáo đoàn nguyên thủy, bởi vì sự tiếp xúc kia tạo ra bao điều khoản phiền toái về giới luật mà ta còn thấy trong giới luật Tỳ kheo. Riêng về việc may y, nhuộm y, đã có tới mười lăm điều khoản về giới luật. Về tác phong phải có trong khi vào nhà cư sĩ, đã có tới hai mươi ba điều khoản._
Như thế phần lớn các điều khoản trong hai trăm năm mươi điều khoản giới luật đã được thiết lập ra để giữ gìn cho vị tăng sĩ trong lúc tiếp xúc với người áo trắng. Một nhà tu thể nhập sống trong một tu viện thể nhập thì không cần đến các điều khoản giới luật ấy nữa, bởi vì bốn thứ cúng dường đã có thể được đầy đủ mà không cần sự tiếp xúc giữa các vị tăng sĩ và giới bạch y. Trong thế kỷ của chúng ta, vấn đề tổ chức trở nên quan trọng và cần thiết gấp trăm ngàn lần ngày xưa. Nếu ngày nay nhờ phương pháp tổ chức mà dòng tu thể nhập khỏi phải lo lắng về vấn đề tứ sự cúng dường thì điều đó có thể gọi là một tiến bộ lớn lao về phương diện giáo chế. Người tăng sĩ sẽ tránh được bao nhiêu điều phiền phức và sẽ có nhiều thì giờ hơn, nhiều an tỉnh hơn để tham thiền hành đạo. Những việc khác, kể cả việc cung cấp các nhu yếu vật chất cho tu viện, đã có tổ chức giáo hội và các dòng tiếp hiện lo lắng.
Sống trong tu viện thể nhập, người tăng sĩ thấy không khí tự do và không cần phải chiều theo ý thích của một người hoặc một đoàn thể bạch y nào. Giới luật sẽ được đơn giản hóa, và tu chỉnh lại, để thích hợp hơn với nếp sống tu viện. Hai trăm năm mươi giới sẽ còn lại độ chừng ba mươi giới căn bản và cần thiết. Sụ tu chỉnh giới luật phải được xem như là cần thiết và thích hợp với tinh thần khế cơ của đạo Phật. Không lý sống trong một xã hội cách xã hội đức Phật đã mấy ngàn năm mà nếp sống giới luật vẫn là nếp sống cũ. Rất nhiều điều khoản trong giới luật Tỳ kheo đã không còn hợp thời; những vị tăng sĩ nào đã thọ tỳ kheo đều công nhận như thế. Vậy không có lý do gì mà các vị tăng sĩ trong dòng tu thể nhập không triệu tập được một cuộc hội họp để nghiên cứu và tu chỉnh giới luật của các vị.
Ở đây chúng tôi không dám mạo muội đề nghị một dự ban giới luật mới cho các vị trong dòng tu thể nhập, bởi vì việc làm đó sẽ để dành cho một đại hội tu chỉnh giới luật do các vị chủ trương. Nhưng chúng tôi có thể nói rằng giới luật ấy sẽ rất đơn giản và sẽ là đại thừa tâm giới, nghĩa là không có tính cách công thức và bề ngoài. Thực ra sống trong một tu viện thể nhập, các vị không cần có giới luật nữa, mà chỉ cần một bản kỷ luật do các vị thiết lập ra để giúp cho sự tu học của các vị tránh được mọi trở ngại. Giới luật tỳ kheo cũng thành hình rất chậm trong lịch sử giáo hội nguyên thủy do đức Phật lãnh đạo; trong mười mấy năm đầu của lịch sử tăng đoàn nguyên thủy, ta chưa thấy có giới ấy. Các vị như Kiều Trần Như, Thập Lực Ca Diếp._… _ đều là tỳ kheo, mà không cần thọ giới tỳ kheo; các vị đã chứng quả A la hán. Chỉ sau này khi tăng đoàn đông đảo tiếp xúc nhiều với bạch y, trở thành không thuần nhất, giới luật tỳ kheo mới thành hình và trở nên quan trọng. Theo giáo chế mới, những nhà tu thể nhập sẽ tránh được sự mất thuần nhất đó và vì vậy, giới luật tỳ kheo không còn thích hợp và cần được tu chỉnh.
Theo đúng tinh thần đạo Phật, cấp bậc của các vị trong dòng tu thể nhập là cấp bậc của các bậc thầy, vì đạo đức của các vị có đủ sức làm phát sinh đạo tâm cho những người khác. Do đó, các vị sẽ là những bậc truyền giới cho những vị nào trong các dòng tu tiếp hiện muốn phát nguyện vào tu viện để sống đời sống các nhà tư thể nhập. Các vị cũng là những bậc truyền giới cho những người nào muốn phát nguyện gia nhập những dòng tu tiếp hiện. Và cuối cùng, cũng chính các vị truyền tam quy ngũ giới cho những ai muốn trở thành Phật tử.
Đối với các vị trong dòng tu thể nhập, vấn đề cấp bậc của họ đối với người tín đồ Phật giáo sẽ không quan trọng gì, bởi vì tu viện đã được tổ chức để các vị đem hết tâm não lo việc tu chứng. Cố nhiên trong tu viện cũng sẽ có tôn ti thượng hạ, và cấp bậc của các tăng sĩ thể nhập đối với nhau cũng không phải là được thiết lập ra để bảo vệ một quyền lợi một uy thế nào. Những vị tân tu sẽ phải nghe lời các bậc cao đức để học hỏi và thừa hưởng kinh nghiệm, điều đó được nhận thức trên căn bản hoàn toàn đạo đức. Những danh từ thượng tọa, đại đức… sẽ lấy lại được bản chất của mình một khi đã không còn là một tiêu chuẩn giả tạo về cấp bậc để đem dùng trong cuộc đời trong mục tiêu lợi dưỡng và cung kính. Cấp bậc trong tu viện sẽ không nên được thiết lập trên căn cứ số năm tu trong tu viện mà chỉ nên được thiết lập trên căn bản đạo đức và thực chứng.
Mỗi năm sẽ có một lễ truyền giới do những dòng tu tiếp hiện tổ chức để thu nhận những thanh niên nào đủ điều kiện gia nhập. Một số các vị tăng sĩ trong tu viện sẽ được thỉnh cầu để truyền giới. Và mỗi năm tu viện cũng mở cửa ba tháng để đón nhận những người đã thọ giới của các dòng tu tiếp hiện. Những vị này trở về tu học trong ba tháng dưới sự hướng dẫn của các vị tăng sĩ thể nhập trong tu viện. Chính trong ba tháng này mà dòng tiếp hiện xúc tiếp với dòng thể nhập và thiết lập nguồn cảm thông giữa sự hiện diện của tu chứng và cuộc đời.
Mỗi năm tu viện cũng có thể mở cửa hai lần cho tất cả các giới Phật tử; đó là vào dịp Phật Đản và dịp Vu Lan. Trong hai dịp lễ ấy, mọi người đều được phép lên thăm tu viện và tiếp xúc với các vị tăng sĩ tiếp hiện. Và cũng trong hai dịp lễ ấy, những lễ truyền giới quy y được tổ chức cho những ai muốn trở thành Phật tử. Danh sách những người muốn quy y sẽ do các dòng tiếp hiện thiết lập và chính lễ quy y cũng do các dòng tiếp hiện tổ chức._ Như thế mỗi Phật tử chỉ có thể gặp bổn sư truyền giới hai lần một năm, và phận sự hướng dẫn trực tiếp được giao cho những vị trong các dòng tiếp hiện.
Riêng về lễ Vu Lan, tu viện có thể mở cửa suốt trong bảy ngày. Trong các ngày ấy, mọi người đều có quyền trẩy hội và xin dâng lễ cúng dường cầu siêu cho thất thế phụ mẫu, hoặc lễ quy y. Đúng ngày rằm tháng bảy, hoặc là ngày 14 tháng bảy, chư tăng sẽ xuống đường khất thực và dừng lại không khí cổ truyền của giáo đoàn nguyên thủy. Các vị tăng sĩ thể nhập trong ngày khất thực sẽ mặc y vàng cầm bình bát đi vào thôn lạc. Và trước đó mấy hôm đường sá sẽ được dân chúng quét tước sạch sẽ, hương án sẽ được bày trước mỗi nhà, và không khí trang nghiêm sẽ được tái tạo. Bằng cách ấy, giáo hội dựng lại mỗi năm một ngày khất thực theo truyền thống; ngày đó sẽ có tính cách linh thiêng, trang nghiêm và cảm động.
Phẩm phúc của các nhà tu dòng thể nhập sẽ khác hẳn các dòng tu tiếp hiện._ Vì thế chỉ có những nhà tu thể nhập mới có giải thoát y màu vàng dùng trong ngày khất thực, trong những dịp truyền giới, hành lễ. Ngày thường các vị có thể dùng phẩm phục giản dị, màu nâu, rộng hay hẹp tùy theo lúc tham thiền hay làm việc chân tay trong tu viện.
Về những điều kiện sinh hoạt vật chất, tu viện được đảm bảo bởi tổ chức giáo hội. Rải rác trong tu viện có những thiền thất để những nhà tu thể nhập có thể nhập thất trong những thời gian bảy ngày, hai mươi mốt ngày…_ khi các vị nhận thấy cần được riêng biệt và thanh tịnh một cách tuyệt đối để mà chiêm nghiệm. Trong những trường hợp này, mỗi vị sẽ có một thị giả riêng để săn sóc và cung cấp những thức cần dùng. Thị giả có thể tuyển trong số những người thực tập. Như chúng tôi đã nói, mỗi tu viện cần có một bác sĩ chuyên trách để lo về vấn đề vệ sinh, dinh dưỡng và khám bệnh._ Cố nhiên ăn chay sẽ tiện lợi cho việc tham thiền nhập định, điều này ai cũng biết. Những tác dụng của thực phẩm trên cơ thể và tinh thần rất dễ nhận biết. Tuy nhiên, ăn chay không phải là ăn kham khổ. Bỏ qua vấn đề dinh dưỡng, sức khỏe của các nhà tu sẽ thiếu kém và công cuộc tu chứng có thể bị thất bại.
Vì tu viện đóng cửa cho nên sự cúng dường chư tăng sẽ không được thực hiện, nhất là cúng dường trực tiếp. Nhân đây chúng tôi xin nói ra những tệ hại đã gây nên do chế độ cúng dường cá nhân, một chế độ cần phải được chấm dứt nếu giáo hội muốn đặt lại vấn đề giáo sản. Như tất cả chúng ta biết, cúng dường nghĩa là cung cấp cho chư tăng áo mặc, nhà ở, lương thực và thuốc men để các vị này có đủ thời giờ mà lo lắng tới việc tu tập, chứng ngộ. Từ ngày Tăng đoàn trở nên đông đảo nhu yếu cúng dường đã phải tăng lên; đo đó địa vị của người thí chủ được nâng cao dù muốn hay là không muốn. Không phải người thí chủ nào cũng hiểu rõ Phật pháp và biết cúng dường đúng theo chính pháp: người ta có thể cúng dường vì tình cảm riêng, vì những nhu yếu cầu an, cầu siêu riêng. Thế rồi việc cúng dường trở thành có điều kiện, và sinh hoạt của người tăng sĩ bắt đầu chịu chi phối bởi người cư sĩ.
Thêm vào đó, sự có mặt trong tăng đoàn những phần tử không lấy giải thoát giác ngộ làm mục đích, làm cho tình trạng càng lúc càng đen tối hơn. Những người này sống trong tăng đoàn với mục đích, làm cho tình trạng càng lúc càng đen tối hơn. Những người này sống trong tăng đoàn với mục đích lợi dưỡng và cung kính như trong điển tịch thường lên án. Hiện tượng này thời nào cũng có xứ nào cũng có. Và chính những thành phần này lại biết chiêu đãi những người bạch y nhất, do đó, tiếp nhận sự cúng đường nhiều nhất. Trong khi ấy những người chân tu thì bị thiếu thốn về mọi mặt, sức khỏe dần dần trở thành thiếu kém và công hành có khi vì vậy mà bị bế tắc, có khi thất bại là khác. Những người thí chủ biết tìm ra những vị chân tu như thế quả thực là hiếm. Tôi biết có những vị chân tu đau ốm nằm sốt trong phòng của mình mà không có người nào tới săn sóc cúng dường thuốc men, chỉ biết đắp chăn run rẩy và niệm Phật cho qua cơn sốt, trong khi ấy những vị khác được săn sóc kỹ lưỡng dù không thiếu thốn hoặc ốm gì. Rốt cuộc, những vị chân tu muốn có những điều kiện tối thiểu về vật chất phải nhờ đến sự giúp đỡ của gia đình, hoặc tìm tới một vài người thí chủ. Làm như thế, họ sinh ra bực dọc bởi vì họ vốn không thích làm bận rộn người khác. Nhưng nếu không làm như thế thì họ không có cách gì để yên tâm tu học.
Những vị quyết tâm tu chứng thì không có thì giờ tiếp xúc với người cư sĩ. Còn những vị phải xúc tiếp thường xuyên với người cư sĩ thì hẳn nhiên đã không có thì giờ tu chứng mà còn có thể bị lôi kéo trong cái đà thế tục hóa nữa.
Chùa chiền càng ngày càng nhiều, trong khi ấy tu viện càng ngày càng ít. Hầu hết các chùa đều là những cơ sở không phải để tu học mà là để hướng dẫn và làm thỏa mãn những nhu yếu tín ngưỡng của dân chúng. Có một số rất ít các chùa có ruộng vườn và tăng chúng có thể tự túc để tu học, khỏi cần đến sự giúp đỡ của người cư sĩ. Ruộng đất ấy là do những tín đồ hữu tâm biết lo lắng bảo vệ lâu dài sự tu học của tăng chúng, cúng vào chùa. Tuy nhiên hầu hết các chùa đều không có bất động sản. Mỗi chùa có một số tín đồ lui tới lễ bái, xin các lễ cầu an, cầu siêu và ủng hộ về phương diện vật chất cho chùa. Số tín đồ ấy được gọi là bổn đạo của chùa. Chùa nào không có bổn đạo túc là chùa ấy không sống được.
Do đó, phải làm sao cho chùa có bổn đạo. Thường thường các vị tăng trong chùa phải biết làm công việc ông phú (cúng), tổ chức lễ lược, đám chay … Gần đây trong phong trào chấn hưng đạo Phật, một số các chùa tổ chức thuyết pháp, ấn tống kinh sách, tu bát quan trai. Có một số các chùa làm như vậy vì hưởng ứng phong trào, nhưng cũng có một số các chùa làm như vậy để giữ gìn hoặc để làm tăng thêm số bổn đạo của chùa mình. Cho nên ở các địa phương mà chùa chiền có nhiều, các chùa muốn tồn tại thì phải biết tổ chức và chiều theo người bổn đạo. Vô tình mà thành ra cạnh tranh với nhau, một điều mà ai trông thấy cũng đau lòng. Người cư sĩ chọn vị tăng mà mình ưa thích, chọn ngôi chùa mà ưa thích, để cúng dường._ Làm như thế, người cư sĩ vô tình tạo ra sự cạnh tranh và chia rẽ giữa các chùa và các vị tăng nữa. Điều đó rõ rệt quá, khiến chúng tôi không thể không kêu gọi sự chấm dứt chế độ cúng dường.
Nhưng mà sự chấm dứt chế độ cúng đường thì các chùa sống vào đâu? Điều này có thể giải quyết được nếu chúng ta đặt vấn đề phân công một cách hợp lý. Những vị tăng sĩ quyết chí tu tập để đạt đạo sẽ trở về các tu viện. Các tu viện không cần sự cúng dường cá nhân. Các tu viện được giáo hội săn sóc và được duy trì bởi quỹ cúng dường tập thể. Không thể vừa lo việc sinh sống và quản trị chùa chiền vừa thực hiện việc tu tập được. Giáo hội sẽ bảo đảm cho sinh hoạt vật chất của các tu viện. Còn những vị không tu trong dòng thể nhập ở tu viện cố nhiên sẽ thuộc về những dòng tu khác, những dòng tu chuyên lo làm việc, và mỗi năm chỉ trở về tu viện ba tháng. Những dòng tu ấy là những dòng tu tiếp hiện mà chúng ta sẽ nói tới sau._
Những vị hoạt động trong các dòng tiếp hiện sẽ trở nên công chức của giáo hội và được bảo đảm về lương hướng. Cố nhiên là có nhiều dòng tu như thế, như dòng dạy học, dòng chuyên lo về y tế, dòng chuyên lo về nghi lễ…_ Ngân quỹ của giáo hội sẽ phải đài thọ cho tất cả các vị ấy, và do đó quỹ cúng dường tập thể sẽ được sát nhập vào quỹ kinh tài của giáo hội. Chúng tôi đề nghị một dòng tu chuyên lo về việc kinh tài cho giáo hội để có thể cung cấp cho các ngành hoạt động trong giáo hội, bởi vì không thể nào giáo hội có thể nương tựa hoàn toàn vào quỹ đóng góp và cúng dường của Phật tử tín đồ.
Sự hiện diện của dòng tu thể nhập là một cần thiết căn bản cho sự tồn tại thực sự của đạo Phật. Số lượng của các nhà tu thể nhập sẽ ít ỏi, bởi vì những nhà chân tu thế nào cũng hiếm. Nhưng chúng ta không thể chấp nhận trong lĩnh vực chúng trung tôn những người không có chí nguyện đạt đạo mà chỉ có tâm niệm danh lợi, dung phàm. Sự có mặt của năm bảy mươi vị chân tu trong các tu viện thể nhập có thể làm cho chúng ta sung sướng và tin tưởng một ngàn lần hơn sự có mặt của hàng ngàn vị tăng sĩ mà trong đó biết bao nhiêu là phần tử phức tạp chỉ làm cho ta càng ngày càng mất bớt đức tin, giảm bớt sự hăng hái. Ta phải thật sự thắp hương ở những nơi nào có các vị chân tu, và hãy cố tâm xây dựng, đòi hỏi những tu viện thể nhập. Công việc cố nhiên không phải là công việc riêng của những người chủ trương hiện đại hóa đạo Phật.
Dù bảo thủ đến bao nhiêu đi nữa, các vị cũng phải công nhận rằng những tu viện như thế là nền móng cho sự tồn tại của đạo Phật chân thực. Xây dựng cho nếp sống thanh tịnh và giải thoát của một tu viện thể nhập, đó là miếng đất mà trên đó những người trong phái cũ và những người trong phái mới có thể đứng chung. Từ khởi điểm này, công trình hiện đại hóa đạo Phật sẽ được đẩy tới một cách tích cực và đầy tin tưởng, bởi vì chính công trình đã được đặt trên một nền tảng mà từ đó mọi truyền thống đạo Phật đã được phát sinh và nẩy nở.
Đọc Đạo phật hiện đại hóa, chương 01 tại đây.
Đọc Đạo phật hiện đại hóa, chương 02 tại đây.
Đọc Đạo phật hiện đại hóa, chương 03 tại đây.
Đọc Đạo phật hiện đại hóa, chương 04 tại đây.
Đọc Đạo phật hiện đại hóa, chương 05 tại đây.
Đọc Đạo phật hiện đại hóa, toàn tập tại đây.