Sinh viên trường nghệ thuật nghĩ gì về cộng đồng LGBT | Cơ sở lý luận của đề tài

Nghiên cứu khoa học về LGBT với nhóm sinh viên trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, tập trung vào nhận thức của sinh viên về LGBT. Nghiên cứu được tài trợ bởi trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế.

 · 40 phút đọc.

Nghiên cứu khoa học về LGBT với nhóm sinh viên trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, tập trung vào nhận thức của sinh viên về LGBT. Nghiên cứu được tài trợ bởi trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế.

Nghiên cứu khoa học về LGBT với nhóm sinh viên trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, tập trung vào nhận thức của sinh viên về LGBT. Nghiên cứu được tài trợ bởi trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế vào năm 2015. Trên cơ sở nghiên cứu cơ sở lý luận và đánh giá thực trạng nhận thức của sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế về LGBT, nhóm nghiên cứu đề xuất các biện pháp thiết thực nhằm nâng cao nhận thức về giới tính cho giới trẻ hiện nay, hướng đến xóa bỏ sự kỳ thị đối với nhóm cộng đồng LGBT.

Cơ sở lý luận của đề tài nghiên cứu khoa học về LGBT

Một số vấn đề chung về cộng đồng LGBT

Các khái niệm cơ bản liên quan đến cộng đồng LGBT

LGBT: Viết tắt tiếng Anh của người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới. (lesbian, gay, bisexual & transgender). LGBTI là từ kết hợp LGBT và Iintersex (người liên giới tính) .

Người đồng tính: Người có cảm giác thấy hấp dẫn về tình cảm, thể chất với người cùng giới. Gay thường dùng để chỉ người đồng tính nam, và lesbian/ les dùng để chỉ người đồng tính nữ .

Người dị tính: Người có cảm giác thấy hấp dẫn về tình cảm, thể chất với người khác giới. Thường dùng trai thẳng, gái thẳng để chỉ người dị tính .

Người song tính: Người có khả năng cảm thấy hấp dẫn về tình cảm, thể chất với cả người cùng giới và khác giới, hoặc không phân biệt giới của họ. (Từ ít dùng khác: người lưỡng tính) .

Người chuyển giới: Là người có giới tính sinh học không trùng với bản dạng giới của họ (ví dụ: có cơ thể là nam và nghĩ mình là nữ, hoặc ngoặc lại). Người chuyển giới liên quan tới việc người đó nhận dạng hoặc thể hiện mình là nam hay nữ, trong khi người đồng tính lại liên quan tới việc người đó yêu người cùng giới hay khác giới. (Từ ít dùng khác: người xuyên giới, người hoán tính) .

Tính dục: Một khái niệm bao gồm giới tính sinh học (có cơ thể là nam hay nữ), bản dạng giới (cảm nhận mình là nam hay nữ), xu hướng tính dục (yêu người cùng giới hay khác giới) và thể hiện giới (thể hiện nam tính hay nữ tính), vân vân. Tính dục khác với tình dục .

Xu hướng tính dục: Một yếu tố trong tính dục, thể hiện ở sự hấp dẫn có tính bền vững về cảm xúc, tình dục hoặc tình cảm hướng tới người cùng giới, khác giới hay cả hai. Từ đó có các xu hướng như đồng tính, dị tính hoặc song tính… Xu hướng tính dục của một người không nhất thiết trùng với hành vi tình dục của người đó. (Từ khác: khuynh hướng tính dục, thiên hướng tính dục) .

Bản dạng giới: Một yếu tố trong tính dục, thể hiện ở cảm nhận về giới tính của một người. Bản dạng giới không nhất thiết phải trùng với giới tính sinh học. Bản dạng giới cũng độc lập với xu hướng tính dục, vì bản dạng giới liên quan tới việc một người nghĩ mình thuộc giới tính nào, còn xu hướng tính dục liên quan tới việc một người cảm thấy hấp dẫn với ai. (Từ khác: nhân dạng giới) .

SOGI: Viết tắt tiếng Anh của xu hướng tính dục và bản dạng giới. (Sexual Orientation and Gender Identity) .

Nguyên nhân xuất hiện cộng đồng LGBT

Chưa có sự thống nhất tuyệt đối giữa các nhà khoa học về nguyên nhân tại sao hình thành và phát triển một thiên hướng tình dục đặc biệt ở một người, ở đây là LGBT. Nhiều nhà khoa học thống nhất rằng các yếu tố tự nhiên và nuôi dưỡng, một sự kết hợp của di truyền, nội tiết tố giai đoạn thai nhi và môi trường là các yếu tố ảnh hưởng tới việc hình thành thiên hướng tình dục. Không có bằng chứng cho thấy kinh nghiệm giáo dục của cha mẹ thời thơ ấu có vai trò trong việc hình thành thiên hướng tình dục đồng tính. Khi nói đến tình dục đồng giới, tác động từ môi trường gia đình, xã hội, giáo dục không có vai trò trong việc hình thành đồng tính nam và chỉ đóng vai trò nhỏ đối với đồng tính nữ. Trong khi đó, một số người giữ quan điểm cho rằng tình dục đồng tính là không tự nhiên. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đồng tính luyến ái là một biến thể bình thường và tự nhiên trong tình dục con người và nó không phải là nguồn gốc để hình thành nên các hiệu ứng tâm lý tiêu cực. Hầu hết mọi người đều trải nghiệm rất ít hoặc không có vai trò trong việc lựa chọn thiên hướng tình dục của bản thân mình, và cũng không có bằng chứng rằng việc sử dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp tâm lý có thể thay đổi được khuynh hướng tính dục của con người.

Một số người tin rằng thiên hướng tình dục là bẩm sinh và cố định. Tuy nhiên, có nghiên cứu chỉ ra rằng khuynh hướng tình dục luôn phát triển trong suốt cả một đời người, và các cá nhân có thể có tự nhận thức tại các điểm khác nhau trong cuộc sống của họ rằng họ thuộc xu hướng tình dục: đồng tính, dị tính hay song tính luyến ái.

Từ năm 1973, Hiệp hội Tâm thần học Mỹ không còn xem đồng tính luyến ái là một bệnh tâm thần nữa . Trong vài ba thập kỷ nay, tại các nước Tây phương có sự hình thành của một nền văn hóa đồng tính. Tuy nhiên, cũng có nhiều người đồng tính không tham gia trong cộng đồng đó. Sau khi bị chính quyền Đức quốc xã cố ý tiêu diệt trong Đệ nhị thế chiến, những người đồng tính đã giành được nhiều quyền, đặc biệt là tại các nước Tây phương.

Những nỗ lực nhằm giải phóng đồng tính luyến ái được cho là bắt đầu từ thập niên 1860 và từ giữa thập niên 1950, sự đòi hỏi công nhận quyền cho người đồng tính và song tính luyến ái ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, chứng ghê sợ đồng tính luyến ái vẫn tồn tại, đặc biệt là nó làm cho nhiều người gặp nhiều khó khăn trong xã hội đôi khi dẫn đến tự tử. Một số quốc gia gần đây đã cho phép người đồng tính, chuyển giới có quyền kết hôn cũng như nhận con nuôi. Sự xuất hiện của HIV/AIDS từ giữa thập niên 1980 là một trong những vấn đề mà người đồng tính phải đương đầu trong thời gian gần đây.

Trong lĩnh vực tôn giáo, một số nhóm tôn giáo cũng bắt đầu tỏ ra cởi mở với người đồng tính. Một giáo phái Do Thái giáo đã bắt đầu mở dịch vụ làm lễ kết hôn cho người đồng tính, trong khi nhóm Anh giáo đã nhận một mục sư đồng tính. Một số ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng như Cher, Madonna, Lady Gaga, Christina Aguilera, Cyndi Lauper… đã đưa chủ đề người đồng tính vào những bài hát, video âm nhạc, những màn biểu diễn của mình để bày tỏ sự ủng hộ của họ với giới đồng tính luyến ái. Chính nhạc disco có nguồn gốc từ sự liên kết ban đầu với lối sống của một bộ phận giới đồng tính luyến ái nam ở thành phố New York và sau đó được phát triển trên nền tảng nhạc đại chúng da đen trong những năm của thập niên 1970.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, các mối quan tâm khiến con người dần xa nhau hơn, thì nhiều người lại muốn làm khác mình đi để được chú ý, đặc biệt trong số này đó là chứng đồng tính giả, đây là nhóm người đồng tính phi tự nhiên, hình thành qua môi trường sống, a dua, đua đòi nhằm tìm cảm giác mới lạ, thử nghiệm lối sống mới… Đây là nhóm đối tượng bị cộng đồng đánh đồng với đồng tính thật và từng có một thời gian, sự kỳ thị người đồng tính thật được hình thành qua cách đánh giá nhóm đồng tính giả này.

Theo thạc sĩ tâm lý Võ Văn Nam, vài năm gần đây, hiện tượng quan hệ đồng tính ở Việt Nam ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, số người đồng tính về mặt sinh học (bẩm sinh) chiếm tỷ lệ rất ít, mà đa phần là ảnh hưởng tâm lý (phát sinh từ sự đua đòi, a dua theo chúng bạn hoặc bị bạn bè rủ rê thử nghiệm lối sống mới…). Bộ phận người đồng tính tâm lý này có đời sống khá phức tạp, có lối sống buông thả, đặt nặng cảm xúc cá nhân, thích cường điệu cảm xúc dẫn đến dễ bị trượt dài vào tội lỗi ông Nam nhận xét. Nguyên nhân khác là do sự thiếu quan tâm của gia đình, nhà trường, xã hội đã tạo nên những con người trẻ tuổi không có lý tưởng sống, chỉ biết đua đòi theo những trào lưu mà không phân biệt đúng sai, không có khả năng miễn nhiễm trước cái xấu .

Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Tuấn – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo và phát triển cộng đồng Hiện tượng đồng giới giả do a dua, đua đòi, mang tính tập nhiễm hay bị ảnh hưởng… là có thực. Khi trẻ không có hình ảnh người cha, người mẹ, người thầy, người anh tốt… dễ lấy thần tượng ca sĩ, diễn viên làm mẫu học theo. Nếu không được can thiệp kịp thời thì giả sẽ thành thật, rất có thể các em sẽ rơi vào tình trạng đồng tính hoặc lưỡng giới sau này_ .

Trong khi đó, khái niệm Lưỡng giới hay song tính luyến ái (tiếng Anh: bisexual) được hiểu là mối quan hệ hoặc hấp dẫn tình dục của một người với cả hai giới tính nam và nữ. Người có thiên hướng tình dục song tính luyến ái có thể bị hấp dẫn về mặt cảm xúc, tình cảm và tình dục với cả người cùng giới tính và khác giới tính với mình. Nó cũng chỉ sự công nhận về mặt cá nhân và xã hội đối với những người như vậy. Song tính luyến ái, cùng với đồng tính luyến ái và dị tính luyến ái là ba thiên hướng tính dục chính. Những người không bị hấp dẫn về mặt tình dục với cả nam lẫn nữ được gọi là vô tính (asexual).

Theo nghiên cứu của Alfred Kinsey về tình dục loài người vào giữa thế kỷ 20, nhiều người không chỉ là dị tính luyến ái hoặc đồng tính luyến ái mà nằm giữa hai loại này. Kinsey đánh giá sự hấp dẫn và thể hiện tình dục trên một thang 7 điểm bắt đầu từ 0 (hoàn toàn dị tính luyến ái) đến 6 (hoàn toàn đồng tính luyến ái). Theo nghiên cứu của Kinsey, phần lớn dân số thuộc loại từ 1 đến 5 (giữa dị tính luyến ái và đồng tính luyến ái). Mặc dù phương pháp của Kinsey đã từng bị chỉ trích, thang đo này vẫn được sử dụng rộng rãi để đánh giá sự liên tục của tình dục loài người.

Song tính luyến ái đã được thấy trong các xã hội khác nhau và trong thế giới loài vật thông qua các tài liệu lịch sử. Tuy nhiên, các thuật ngữ bisexual (song tính luyến ái), heterosexual (dị tính luyến ái) và homosexual (đồng tính luyến ái) chỉ mới được sử dụng từ thế kỷ 19.

Thiên hướng tính dục của nhóm song tính luyến ái là sự bị hấp dẫn bởi nam và nữ về tình cảm hoặc tình dục. Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ cho rằng thiên hướng tình dục nằm trong một dãy liên tục. Nói cách khác, một người không hoàn toàn là đồng tính hoặc dị tính luyến ái nhưng có thể cảm thấy ở một mức độ nào đó của hai thiên hướng này. Thiên hướng tình dục phát triển xuyên suốt đời sống con người – mỗi người nhận ra ở những thời điểm khác nhau trong cuộc đời họ rằng họ là dị tính, song tính và đồng tính. Hấp dẫn tình dục, hành vi tình dục và nhận thực tình dục có thể cũng không phù hợp với nhau, cũng như việc hấp dẫn tình dục và hành vi tình dục không nhất thiết đồng nhất với nhận thực tình dục. Vài người xác định mình là dị tính, đồng tính hoặc song tính mà chưa từng có trải nghiệm tình dục. Những người khác từng có trải nghiệm đồng tính những không tự coi họ là đồng tính hoặc song tính. Tương tự như vậy, những người tự nhận là đồng tính có thể thỉnh thoảng có hành vi tình dục với người khác giới tính nhưng không tự xác định mình là song tính .

Toàn tính luyến ái (pansexuality) có thể được coi là một dạng song tính luyến ái hoặc không, khi vài nguồn cho rằng song tính luyến ái bao hàm sự bị hấp dẫn về mặt tình cảm hoặc tình dục từ tất cả nhận thực giới tính hoặc sự hấp dẫn về mặt tình cảm hoặc tình dục từ một người bất kể giới tính sinh học hoặc giới của người đó. Khái niệm toàn tính luyến ái, một cách cân nhắc, bác bỏ khái niệm nhị nguyên giới tính, khái niệm hai giới tính và, thực chất là, thiên hướng tình dục xác định, trong khi người toàn tính luyến ái thì cởi mở về mối quan hệ với những người không tự xác định là nam hoặc nữ. Thuật ngữ toàn tính luyến ái được dùng không phân biệt với song tính luyến ái và, tương tự như vậy, những người tự nhận là song tính có thể cảm thấy giới tính, giới tính sinh học và thiên hướng tình dục không nên là điểm trọng yếu trong một mối quan hệ [tình cảm/tình dục].

Theo Rosario, Scrimshaw, Hunter, Braun (2006): …Quá trình tự xác định là đồng tính hoặc song tính là một quá trình phức tạp và thường là khó khăn. Không giống như những nhóm thiểu số khác (ví dụ như dân tộc hoặc chủng tộc), hầu hết người đồng tính và song tính không được lớn lên trong một cộng đồng giống như họ nơi mà họ có thể học hỏi về nhận thức của họ và những người người củng cố và hỗ trợ nhận thực đó. Thay vào đó, người đồng tính và song tính thường lớn lên trong cộng đồng phớt lờ và công khai chống đối đồng tính… .

Khái niệm Người chuyển giới (tiếng Anh:Transgender) hay còn gọi là hoán tính, là trạng thái tâm lý giới tính của một người không phù hợp với giới tính của cơ thể. Chẳng hạn, một người sinh ra với cơ thể nam nhưng cảm nhận giới tính mình là nữ hoặc một người sinh ra với cơ thể nữ nhưng lại cảm nhận giới tính của mình là nam. Cảm nhận này không phụ thuộc vào việc người đó có làm phẫu thuật chuyển đổi giới tính hay chưa. Trong trường hợp người chuyển giới mà thực hiện phẫu thuật theo giới tính mình mong muốn gọi là người chuyển giới đã phẫu thuật. Người chuyển giới hoàn toàn độc lập với thiên hướng tình dục. Họ có thể thuộc xu hướng tình dục dị tính, đồng tính hoặc song tính luyến ái…một số khác có thể xem xét định hướng tình dục thông thường không đầy đủ hoặc không áp dụng đối với họ.

Những người chuyển giới được mô tả là những người khi sinh ra đã mang sắn một giới tính sinh học (dựa vào cơ quan sinh dục để phân biệt), nhưng tâm lý của những người này cảm nhận rằng giới tính của họ không giống với giới tính mà thể xác của họ đang có. Không phải tất cả những người chuyển giới đều muốn thay đổi cơ thể họ, mặc dù một số khác thì cảm thấy mong muốn điều này. Tuy nhiên, hầu hết những người chuyển giới đều mong muốn thiết lập một vai trò xã hội phù hợp với giới tính mà tâm lý của họ tự xác định.

Năm 1980, hiện tượng chuyển giới (Transgender) đã được Hiệp hội Tâm thần học Mỹ (APA) chính thức phân loại là một dạng bệnh tâm thần, có tên gọi Rối loạn định dạng giới .

Người chuyển giới thì có cơ thể hoàn toàn bình thường, nhưng về mặt tâm thần của họ có những biểu hiện sau:

– Tự cho bản thân thuộc giới tính khác: những người này hoàn toàn bình thường về giải phẫu và sinh học nhưng tự cho bản thân thuộc giới tính khác, một số tìm cách thực hiện ý định chuyển đổi giới tính bằng các phương pháp phẫu thuật và sinh hóa (tiêm Hormone).

– Trạng thái tự cải trang quần áo để biểu lộ thành giới khác: những người này thích mặc quần áo, đi đứng nói năng như người khác giới (nam ăn mặc, nói chuyện yểu điệu như nữ và ngược lại, nữ ăn mặc và nói năng mạnh mẽ như nam) để cảm thấy mình khác biệt so với giới tính sinh học của mình.

Những trường hợp này còn gọi là Rối loạn định dạng giới (gender identity disorder). Các điều khoản chẩn đoán về chuyển giới, rối loạn định dạng giới ở thanh thiếu niên và người trưởng thành được liệt kê chung trong Bảng phân loại quốc tế về bệnh (ICD) và Thống kê các chứng rối loạn tâm thần của Hội chẩn đoán y khoa Hoa Kỳ (DSM) dưới mã số F64.0, F64.1, 302,85 và 302,6 tương ứng . Trung tâm cai nghiện và Sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ xếp rối loạn này vào Mục DSM-V, kèm với đó là phác đồ điều trị của nhóm này. Rối loạn định dạng giới cũng được phân loại như là một chứng rối loạn tâm thần bởi Trung tâm quốc tế về Phân loại bệnh và các vấn đề sức khỏe liên quan, biểu hiện của nó là những hành vi, thái độ chối bỏ giới tính của bản thân mình, gồm các tiêu chuẩn chẩn đoán:

– Muốn được sống và chấp nhận như một người khác giới tính, thường đi kèm với những mong muốn làm cho cơ thể, ngoại hình càng giống người khác giới càng tốt (qua trang phục, đi đứng, cách cư xử, thậm chí qua phẫu thuật chuyển giới), dù các bộ phận giới tính và sinh lý cơ thể của họ hoàn toàn bình thường và không bị dị tật.

– Tâm lý trên tồn tại liên tục trong ít nhất hai năm.

Ước tính rằng có khoảng 0,005% đến 0,014% nam giới và 0,002% đến 0,003% nữ giới được chẩn đoán mắc chứng Rối loạn định dạng giới, dựa trên các tiêu chí chẩn đoán hiện tại [18] Rối loạn định dạng giới nếu không được phát hiện và chữa trị thì tâm lý trên sẽ trở nên mạnh hơn, bệnh nhân sẽ có những hành vi nhằm chối bỏ giới tính của cơ thể (như ăn mặc, nói năng… như người khác giới) và muốn được tiến hành phẫu thuật chuyển đổi giới tính. [19]

Hai khái niệm người đồng tínhngười chuyển giới thường hay bị nhầm lẫn và nhiều người không phân biệt được. Dưới đây là một số nhận thức, quan niệm sai lầm thường gặp trong xã hội về Người chuyển giới:

– Người chuyển giới có giới tính sinh học khác biệt so với những người dị tính bình thường: Đây hoàn toàn là quan điểm sai lầm. Thực chất người chuyển giới được sinh ra với một giới tính sinh học bình thường, hoàn chỉnh (phân biệt rõ là nam hay nữ) nhưng lại có cảm nhận và mong muốn giới tính của mình không trùng với giới tính sinh học đang có. Ngoài ra, cũng cần phân biệt Người chuyển giới với những người sinh ra có dấu hiệu giới tính không rõ ràng, không hoàn chỉnh gọi là người liên giới tính – tên tiếng Anh: intersex (ví dụ, một đứa trẻ sinh ra tồn tại cả dấu hiệu của giới tính nam như có dương vật, tinh hoàn lại vừa có cả dấu hiệu của giới tính nữ như buồng trứng, dạ con, ngực lớn giống nữ giới…; những người có cơ quan sinh dục không rõ nam hay nữ…). Về bản chất, giới tính của những người liên giới tính chưa rõ ràng, cần phải thông qua việc xét nghiệm nhiễm sắc thể giới tính tại các cơ quan y tế để xác định rõ giới tính và thực hiện phẫu thuật để định hình lại giới tính. Điều này hoàn toàn khác so với Người chuyển giới là đã có định hình giới tính hoàn chỉnh khi sinh ra.

– Người chuyển giới thì phải phẫu thuật chuyển đổi giới tính: Người chuyển giới và chuyển đổi giới tính là hai khái niệm không trùng khớp nhau, đôi khi bị nhầm lẫn. Người chuyển giới chỉ nói về cảm nhận giới, không phụ thuộc việc người đó đã chuyển giới hay chưa. Trong trường hợp người chuyển giới mà thực hiện phẫu thuật theo giới tính mình mong muốn thì đây là người chuyển giới đã phẫu thuật.

– Người chuyển giới và Người đồng tính luyến ái là một: Thực chất, Người chuyển giới và Người đồng tính luyến ái cũng hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Đồng tính luyến ái đề cập tới thiên hướng tình dục của con người (3 thiên hướng chính: yêu người cùng giới: đồng tính luyến ái, yêu người khác giới: dị tính luyến ái, yêu cả hai giới: song tính luyến ái). Trong khi đó người chuyển giới nói về bản dạng giới, từ đó phân chia thành: Người không chuyển giới (bản dạng trùng với giới tính lúc mới sinh) và Người chuyển giới (bản dạng khác với giới tính lúc mới sinh). Một người nam ăn mặc trang điểm lòe loẹt, cử chỉ yểu điệu mọi người thường cho là đồng tính, nhưng thực tế đó là Người chuyển giới (sinh ra là nam, cảm nhận giới tính mình là nữ).

– Trong khi đó, một người đồng tính nam hoàn toàn có thể có ngoại hình rất nam tính, và người đó hài lòng với giới tính bẩm sinh là nam của mình. Trong xã hội, nhiều người nhìn những trường hợp nam giới cải trang ngoại hình thành nữ giới hay ngược lại, nữ giới cải trang thành nam giới thì nhận định họ là người đồng tính luyến ái, đó là quan điểm chưa chính xác. Trừ một số người cải trang thành người giới tính khác để thỏa mãn nhu cầu giải trí thì đa số những người này đều là Người chuyển giới. Do mong muốn thành người có giới tính ngược lại nên họ đã cải trang như vậy, họ chỉ cải trang mà không phẫu thuật chuyển giới vì pháp luật chưa cho phép hoặc chưa có điều kiện kinh tế. Người chuyển giới cũng có thể thuộc một trong 3 thiên hướng tình dục: đồng tính, dị tính, song tính luyến ái. Chẳng hạn, Người chuyển giới sinh ra với cơ thể nam nhưng cảm nhận giới tính của mình là nữ, yêu người nam thì người này có xu hướng tình dục dị tính và ngược lại, nếu cũng yêu nữ thì người này có xu hướng tình dục đồng tính.

Nhu cầu của Người đồng tính là được yêu người mình yêu, đó là mối quan hệ cùng giới. Còn nhu cầu của Người chuyển giới là được sống với giới tính mình cảm nhận, khác với giới tính cơ thể bẩm sinh định hình.

Đặc điểm cộng đồng LGBT Việt Nam

Hiện không có nghiên cứu chính thức số số lượng và tỉ lệ của cộng đồng LGBT trong xã hội, tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu khác nhau trên thế giới, Việt Nam có khoảng 1,6 triệu người. đồng tính, song tính và chuyển giới ở độ tuổi 15 – 59. Theo báo cáo từ tổ chức WHO của Liên hợp quốc thì khoảng 3% dân số có thiên hướng tình dục đồng tính, nếu lấy tỷ lệ này áp dụng cho Việt Nam thì hiện nay cả nước có khoảng gần 3 triệu người đồng tính

Về số lượng người chuyển giới, năm 2015 Bộ Y Tế Việt Nam cho biết đã nhận được gần 600 hồ sơ cá nhân đề xuất sửa đổi giới tính mới sau khi họ đã thực hiện phẫu thuật chuyển giới. Ngày 24 tháng 11 năm 2015, quyền chuyển đổi giới tính chính thức được hợp pháp hóa tại Việt Nam sau khi Bộ luật dân sự sửa đổi 2015 cho phép chuyển đổi giới tính và thay đổi nhân thân, hộ tịch sau chuyển đổi được Quốc hội thông qua.

Theo ước tính, người đồng tính, chuyển giới đang làm việc ở tất cả các loại hình cơ quan, trong đó giải pháp tư nhân chiếm 24 %, cơ quan hành chính sự nghiệp là 13 % và cơ quan tổ chức có yếu tố nước ngoài là 14,3 %. Về ngành nghề, lĩnh vực dịch vụ khách hàng chiếm nhiều nhất (18 %), tiếp theo là văn hóa nghệ thuật (13,5 %).

Trong một nghiên cứu, chỉ có 2,5 % người đồng tính công khai xu hướng tính dục thật với gia đình mình, 32,5 % hoàn toàn bí mật về xu hướng tính dục của mình và 25 % lúc bí mật, lúc công khai.

Cộng đồng đồng tính ở Việt Nam kết nối với nhau chủ yếu qua các trang mạng, diễn đàn như taoxanh.net, tinhyeutraiviet.com, vuontinhnhan.net. Nội dung chia sẻ chủ yếu là chia sẻ thông tin, tâm sự, tư vấn, kết bạn, tốt chức các hoạt động và giải trí. Ở Việt Nam hiện đang có Trung tâm ICS là trung tâm tư vấn pháp lý cho cộng LGBT ở Việt Nam.

Ngoài ra, một cuộc thăm dò trực tuyến mang tên Đặc điểm kinh tế, xã hội của nam giới có quan hệ tình dục đồng giới tại Việt Nam của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường và Học viện Báo chí và Tuyên truyền [20] đã phát hiện thêm một số thông tin khác về cộng đồng đồng tính tại Việt Nam:

– Cư trú: 60,66% tại thành phố Hồ Chí Minh, 12,17% tại Hà Nội và còn lại là ở những tỉnh, thành khác.

– Trình độ: 67,99% có trình độ đại học, cao đẳng hoặc học trường dạy nghề, 10,15% có trình độ sau đại học, còn lại là trình độ cấp 1 đến cấp 3.

– Tình trạng hôn nhân: chủ yếu chưa lấy vợ. Tỷ lệ dự định lập gia đình là 18,66%. Lý do lập gia đình là do áp lực gia đình, xã hội hoặc muốn có con.

– Tình trạng công khai: 64,25% hoàn toàn giữ bí mật hoặc gần như là bí mật về tình trạng đồng tính, 24,96% lúc công khai lúc bí mật và chỉ có 5,31% gần như là công khai và 2,49% hoàn toàn công khai.

– Lý do không tiết lộ thiên hướng tình dục: sợ xã hội kỳ thị (40,77%), sợ gia đình không chấp nhận (39.40%), sợ bị trêu chọc, bắt nạt (28,50%), sợ mất việc (9,79%).

Tuy nhiên cuộc thăm dò này chỉ hướng đến một bộ phận trong cộng đồng người đồng tính ở Việt Nam đó là những người dùng internet và là nam có quan hệ tình dục với nam trong vòng 12 tháng.

Việc thống kê một cách đầy đủ và rộng khắp để đưa ra những số liệu đúng đắn về người đồng tính ở Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong hoạch định chính sách đối với người đồng tính cũng như tác động đối với xã hội nói chung. Tuy nhiên, việc thống kê này có nhiều khó khăn như sự khác nhau trong tiêu chuẩn xác định thế nào là đồng tính luyến ái, sự không công khai của người đồng tính và sự không quan tâm đầy đủ của xã hội.

Nhận thức của người Việt Nam và sinh viên Việt Nam đối với đồng tính luyến ái

Khái niệm nhận thức

Theo quan điểm triết học Mác-Lênin, nhận thức được định nghĩa là quá trình phản ánh biện chứng hiện thực khách quan vào trong bộ óc của con người, có tính tích cực, năng động, sáng tạo, trên cơ sở thực tiễn [21]. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, nhận thức là quá trình biện chứng của sự phản ánh thế giới khách quan trong ý thức con người, nhờ đó con người tư duy và không ngừng tiến đến gần khách thể [22]. Tiếp cận theo Tâm lý học hoạt động, Nguyễn Quang Uẩn (2003) [23] cho rằng: Nhận thức là quá trình phản ánh các sự vật hiện tượng trong hiện thực khách quan và cả bản thân ta nữa, phản ánh những thuộc tính bề ngoài và cả những thuộc tính bản chất bên trong của sự vật hiện tượng, phản ánh những cái hiện có, những cái đã qua và cả những cái sẽ có trong tương lai.

Phân loại nhận thức

Dựa vào trình độ thâm nhập vào bản chất của đối tượng.

Nhận thức kinh nghiệm [24] hình thành từ sự quan sát trực tiếp các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội hay trong các thí nghiệm khoa học. Tri thức kinh nghiệm là kết quả của nó, được phân làm hai loại:

–Tri thức kinh nghiệm thông thường là loại tri thức được hình thành từ sự quan sát trực tiếp hàng ngày về cuộc sống và sản xuất. Tri thức này rất phong phú, nhờ có tri thức này con người có vốn kinh nghiệm sống dùng để điều chỉnh hoạt động hàng ngày.

– Tri thức kinh nghiệm khoa học là loại tri thức thu được từ sự khảo sát các thí nghiệm khoa học, loại tri thức này quan trọng ở chỗ đây là cơ sở để hình thành nhận thức khoa học và lý luận.

Hai loại tri thức này có quan hệ chặt chẽ với nhau, xâm nhập vào nhau để tạo nên tính phong phú, sinh động của nhận thức kinh nghiệm.

Nhận thức lý luận (gọi tắt là lý luận) [24] là loại nhận thức gián tiếp, trừu tượng và khái quát về bản chất và quy luật của các sự vật, hiện tượng. Nhận thức lý luận có tính gián tiếp vì nó được hình thành và phát triển trên cơ sở của nhận thức kinh nghiệm. Nhận thức lý luận có tính trừu tượng và khái quát vì nó chỉ tập trung phản ánh cái bản chất mang tính quy luật của sự vật và hiện tượng. Do đó, tri thức lý luận thể hiện chân lý sâu sắc hơn, chính xác hơn và có hệ thống hơn.

Nhận thức kinh nghiệm và nhận thức lý luận là hai giai đoạn nhận thức khác nhau, có quan hệ biện chứng với nhau. Trong đó nhận thức kinh nghiệm là cơ sở của nhận thức lý luận. Nó cung cấp cho nhận thức lý luận những tư liệu phong phú, cụ thể. Vì nó gắn chặt với thực tiễn nên tạo thành cơ sở hiện thực để kiểm tra, sửa chữa, bổ sung cho lý luận và cung cấp tư liệu để tổng kết thành lý luận. Ngược lại, mặc dù được hình thành từ tổng kết kinh nghiệm, nhận thức lý luận không xuất hiện một cách tự phát từ kinh nghiệm. Do tính độc lập tương đối của nó, lý luận có thể đi trước những sự kiện kinh nghiệm, hướng dẫn sự hình thành tri thức kinh nghiệm có giá trị, lựa chọn kinh nghiệm hợp lý để phục vụ cho hoạt động thực tiễn. Thông qua đó mà nâng những tri thức kinh nghiệm từ chỗ là cái cụ thể, riêng lẻ, đơn nhất trở thành cái khái quát, phổ biến.

Theo học thuyết của chủ nghĩa Mác-Lênin, nắm vững bản chất, chức năng của từng loại nhận thức đó cũng như mối quan hệ biện chứng giữa chúng có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng trọng việc đấu tranh khắc phục bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa và bệnh giáo điều

Dựa vào tính tự phát hay tự giác của sự xâm nhập vào bản chất của sự vật

Nhận thức thông thường (hay nhận thức tiền khoa học) [24] là loại nhận thức được hình thành một cách tự phát, trực tiếp từ trong hoạt động hàng ngày của con người. Nó phản ánh sự vật, hiện tượng xảy ra với tất cả những đặc điểm chi tiết, cụ thể và những sắc thái khác nhau của sự vật. Vì vậy, nhận thức thông thường mang tính phong phú, nhiều vẻ và gắn với những quan niệm sống thực tế hàng ngày. Vì thế, nó thường xuyên chi phối hoạt động của con người trong xã hội. Thế nhưng, nhận thức thông thường chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở bề ngoài, ngẫu nhiên tự nó không thể chuyển thành nhận thức khoa học được.

Nhận thức khoa học [24] là loại nhận thức được hình thành một cách tự giác và gián tiếp từ sự phản ánh đặc điểm bản chất, những quan hệ tất yếu của các sự vật. Nhận thức khoa học vừa có tính khách quan, trừu tượng, khái quát lại vừa có tính hệ thống, có căn cứ và có tính chân thực. Nó vận dụng một cách hệ thống các phương pháp nghiên cứu và sử dụng cả ngôn ngữ thông thường và thuật ngữ khoa học để diễn tả sâu sắc bản chất và quy luật của đối tượng nghiên cứu. Vì thế nhận thức khoa học có vai trò ngày càng to lớn trong hoạt động thực tiễn, đặc biệt trong thời đại khoa học và công nghệ.

Hai loại nhận thức này cũng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Nhận thức thông thường có trước nhận thức khoa học và là nguồn chất liệu để xây dựng nội dung của các khoa học. Ngược lại, khi đạt tới trình độ nhận thức khoa học thì nó lại tác động trở lại nhận thức thông thường, xâm nhập và làm cho nhận thức thông thường phát triển, tăng cường nội dung khoa học cho quá trình nhận thức thế giới của con người.

Nhận thức của người Việt Nam và sinh viên Việt Nam đối với đồng tính luyến ái

Phần lớn người dân chưa hiểu biết nhiều và đúng về đồng tính luyến ái. Nhiều người không phân biệt được những khái niệm người đồng tính luyến ái, người hoán tính/chuyển đổi giới tính, người lưỡng tính mặc dù đây là những khái niệm khác nhau. Hơn nữa, đa số cho rằng đàn ông nữ tính hoặc phụ nữ nam tính là những người đồng tính. Một bài báo nêu ra rằng những người đồng tính nam hiện nay thuộc ba nhóm chủ yếu: 70% có bề ngoài giống như những người đàn ông bình thường, khoảng 10% người ăn mặc, trang sức, tác phong như phụ nữ và khoảng 20% thuộc nhóm nằm giữa hai nhóm này. Bên cạnh đó, quan niệm cho rằng ngày nay càng có nhiều người đồng tính là do đua đòi cũng khá phổ biến. Tuy vậy, một bác sĩ cho biết ngày nay lượng người đồng tính dám thể hiện mình nhiều hơn không phải vì họ tăng lên mà chỉ vì cái nhìn của xã hội đã dần thông thoáng.

Điều tra quốc gia về Quan điểm xã hội với hôn nhân cùng giới được Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học – Xã hội Việt Nam) và Viện Nghiên cứu xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) công bố ngày 26/3/2014 [25], cuộc điều tra được thực hiện tại 68 xã, phường thuộc 8 tỉnh, thành phố tại Việt Nam gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Đắk Lắk, TP.Hồ Chí Minh, An Giang, Sóc Trăng với sự tham gia của 5.300 người dân:

– 90% người dân Việt Nam biết về đồng tính và 62% biết về việc sống chung như vợ chồng giữa hai người cùng giới tính.

– 30% người dân có quen ai đó là người đồng tính (họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm…).

– Khi được hỏi về một số quyền cụ thể được đề cập đến trong Luật Hôn nhân – Gia đình, có 56% người dân cho rằng cặp đôi cùng giới nên có quyền cùng nhận con nuôi và nuôi con, 51% ủng hộ quyền sở hữu tài sản chung, 47% ủng hộ quyền thừa kế tài sản.

– Đa số người dân cho rằng việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới không ảnh hưởng đến gia đình (72,7%) hay cá nhân họ (63,2%).

– Về việc công nhận quyền sống chung giữa những người cùng giới tính, số người ủng hộ là 41,2% (hình thức sống chung theo dạng kết hợp dân sự hoặc _đăng ký sống chung như vợ chồng) và 33,7% ủng hộ việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới.

Nhiều người cho rằng đồng tính luyến ái là do ảnh hưởng lối sống của phương Tây. Tuy nhiên theo tiến sĩ Blanc, điều này không đúng. Ngoài ra, sự du nhập của đạo Cơ đốc càng làm cho thành kiến đối với người đồng tính càng nặng nề hơn. Hơn nữa, hầu như các nước Đông Nam Á đều có thành kiến nặng nề với người đồng tính trừ Thái Lan, đất nước không bị đô hộ bởi phương Tây trong quá khứ.

Nhiều người coi đồng tính luyến ái là không bình thường thậm chí là bệnh hoạn đặc biệt là ở nông thôn. Hành vi âu yếm của hai người cùng giới có thể làm cho nhiều người cảm thấy ghê tởm. Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy bị tổn thương, kinh ngạc, giận dữ, mắc cỡ hoặc hoang mang khi biết con mình đồng tính. Một số người tìm cách thay đổi con mình, trong khi một số người khác thì không quan tâm đến con nữa

Tuy nhiên, một số ít người bắt đầu cho rằng đồng tính luyến ái không phải là bệnh. Thái độ của họ đối với người đồng tính có xu hướng cởi mở hơn. Một số nhà tư vấn tâm lý cũng khuyên mọi người nên có thái độ bình tĩnh, tìm cách thấu hiểu và hỗ trợ khi biết người thân hoặc bạn bè là người đồng tính đặc biệt là cha mẹ khi biết sự thật về con mình. Cha mẹ cũng cần thời gian để dần dần chấp nhận việc này.

Một số vấn đề vi phạm pháp luật liên quan tới người đồng tính hay được đăng trên các báo trong khi đó những mặt tích cực chưa được biết tới vì nhiều lý do. Nhiều bài báo cho rằng tội phạm đồng tính đang gia tăng. Vài người lợi dụng mối quan hệ không công khai, để giết bạn tình là người đồng tính và cướp tài sản. Vài tờ báo đăng về hiện tượng mại dâm nam trong đó người mua dâm có thể là những phụ nữ trung niên hoặc người đồng tính nam. Vài vụ đã bị công an phát hiện. Những tin tức này có thể làm cho người dân đánh giá người đồng tính chỉ dựa trên một bộ phận trong cộng đồng này. Để có cái nhìn chính xác về các mặt pháp luật cần phải có những thống kê và nghiên cứu tỉ lệ phạm tội của người đồng tính và của người không phải là đồng tính cũng như những yếu tố đặc thù liên quan.

Nhận thức của sinh viên Việt Nam đối với đồng tính luyến ái

Trong nghiên cứu ở 200 sinh viên trường Học viện công nghệ bưu chính viễn thông được lựa chọn ngẫu nhiên để thực hiện nghiên cứu về thái độ đối với đồng tính luyến ái thì kết quả nghiên cứu cho thấy đa số sinh viên Học viện bưu chính viễn thông đều có những nhận thức đúng đắn về đồng tính luyến ái, tuy nhiên nhận thức tiêu cực, chưa đầy đủ vẫn chiếm một tỷ lệ khá cao.

Trong nghiên cứu Nhận thức sinh viên Ngoại thương vấn đề đồng tính, các vấn đề về đồng tính luyến ái được mổ xẻ, phân tích kỹ lưỡng, nhiều vấn đề làm rõ, như nhận định về lứa tuổi thì trung niên chiếm phần lớn (~73 %), không có sự chênh lệch nhiều giữa đồng tính nam (52,5 %) và đồng tính nữ (40,83 %), nhóm ngành văn hóa nghệ thuật chiếm số lượng lớn hơn (60,83 %), và nguyên nhân thì có đến 60 % cho rằng do môi trường sống, và đi sau là 45,83 % xem đây là vấn đề bẩm sinh. Còn về thái độ và quan điểm thì đa phần sinh viên khá lạc quan, không bảo thủ, biết đón nhận cái mới của giới trẻ,và có hơn một nửa xem đây là tình yêu chân chính, đáng trân trọng giữa hai người khác giới. Tuy nhiên, về thái độ nhìn nhận hình ảnh hôm, hôm, nắm tay giữa người đồng tính không được thân thiện và tích cực như trên.

Nghiên cứu Thái độ của sinh viên trường Đại học Sư phạm –Đại học Đà Nẵng đối với tình dục đồng giới chỉ ra rằng: 75,9% sinh viên tham gia khảo sát có hiểu biết nhất định về tình dục đồng giới, tuy nhiên chỉ có 66,9 % sinh viên có xúc cảm tích cực và 47 % sinh viên có hành vi tích cực về vấn đề này. Trong khảo sát, nữ nhận thức tốt hơn nam nhưng xúc cảm và hành vi kém hơn nam. Đặc biệt, các khách đã học về Giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản có cái nhìn tích cực hơn so với các sinh viên chưa học.

Qua các nghiên cứu trên, ta có thể kết luận rằng: chính nhận thức sai biệt, lệch lạc và bị định hướng không đúng bởi báo chí, truyền hình, internet… Làm gia tăng khoảng cách giữa người dị tính và LGBT, tuy nhóm này thuộc về số ít, thiểu số nhưng những tổn thương tinh thần và vật chất gây ra không hề nhỏ cho những cá nhân trong cộng đồng LGBT.

Kết luận chương

Qua nghiên cứu lý luận chúng tôi rút ra một số kết luận cơ bản sau:

  1. LGBT là một khái niệm để bao quát một nhóm người có xu hướng tích dục khác biệt với số đông, được WHO (Tổ chức Y tế thế giới) loại ra khỏi danh sách các bệnh tâm thần năm 1990.

  2. LGBT không phải là một khái niệm mới mẻ, tuy nhiên bên cạnh chiều hướng nhìn nhận tích cực vấn đề này, vẫn còn một số ít có chiều hướng nhìn nhận phiến diện, lệch lạc thông qua thái độ và ứng xử với người trong cộng đồng LGBT.

  3. Sự lệch lạc này một phần do định hướng thông tin bởi truyền thông và niềm tin bởi tôn giáo.

  4. Tầng lớp sinh viên đa phần có cách nhìn tích cực, không đánh đồng quan điểm hay kỳ thị, tuy nhiên, vẫn còn một số không đề cao vấn đề coi trọng người trong cộng đồng LGBT.

Tài liệu tham khảo

– Don Colby, Cao Hữu Nghĩa và Serge Doussantousse, (2004), Men who have sex with men and HIV in Vietnam, AIDS Education and Prevention, 16, 45 – 54.

– Tô Minh Ngọc, Trương Phi Hùng, Phạm Hằng Hà, (2010), Quan điểm về đồng tính của sinh viên y tế công cộng Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh.

– Đặng Kim Hoàn, Nguyễn Thị Thanh Phượng, Đinh Thị Huyền Trang, (2012), Thái độ của sinh viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng với tình dục đồng giới.

– (2013), Nhận thức sinh viên Ngoại thương vấn đề đồng tính.

– Mạch Thị Hải, Bùi Thị Xuân, Hoàng Thị Nhàn Phương, Dương Bảo Việt, Lê Đình Tú, Nguyễn Thành Công, Trần Văn Hùng, (2014), Thái độ của sinh viên trường Học viện công nghệ bưu chính viễn thông đối với đồng tính luyến ái.

– iSEE, (2015), Bảng đối chiếu thuật ngữ LGBT.

Wikipedia, LGBT, 15/12/2015

– Võ Văn Nam, Gia tăng tội phạm đồng tính trong giới trẻ, 15/12/2015.

– Trần Tuấn, Giả đồng tính để chứng tỏ… sành điệu, 15/12/2015.

– Crompton, Louis (2003), Homosexuality and Civilization, Cambridge, Massachusetts: Belknap Press.

– Bagemihl, Bruce (1999), Biological Exuberance: Animal Homosexuality and Natural Diversity, London: Profile Books, Ltd.

– Roughgarden, Joan (5/2004), Evolution_s Rainbow: Diversity, Gender, and Sexuality in Nature and People, Berkeley, CA: University of California Press.

– Driscoll, Emily V. (7/2008), Bisexual Species: Unorthodox Sex in the Animal Kingdom, Scientific American.

– Rosario, M., Scrimshaw, E., Hunter, J., & Braun, L. (2/2006), Sexual identity development among lesbian, gay, and bisexual youths: Consistency and change over time.

– Appropriate Therapeutic Responses to Sexual Orientation, 15/10/2015.

– Rosario, M., Scrimshaw, E., Hunter, J., & Braun, L. (2/2006), Sexual identity development among lesbian, gay, and bisexual youths: Consistency and change over time.

– (1994), Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders 4, American Psychiatric Association.

18, Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders 5, American Psychiatric Association.

– [19] Robert Ernest Hales, Stuart C. Yudofsky, Glen O. Gabbard, (2008),The American Psychiatric Publishing textbook of psychiatry, American Psychiatric Publishing.

– [20] Viện nghiên cứu Kinh tế Xã hội và Môi trường và Học viện Báo chí và Tuyên truyền, (2008), Đặc điểm kinh tế xã hội của nam giới có quan hệ tình dục đồng giới tại Việt Nam.

– [21] Khoa Mác Lênin, Giáo trình Bộ môn Triết học, Trường Đại học Khoa học Bách khoa Hà Nội.

– [22] Nhiều tác giả, (2005), Nhận thức, Từ điển Bách khoa Việt Nam, NXB Từ Điển Bách Khoa.

– [23] Phạm Quang Uẩn, (2007), Tâm lý học hoạt động, NXB Sư phạm Hà Nội.

– [24] Chương 5: Lý luận nhận thức, Giáo trình khoa Mác Lênin, Trường Đại học Mỏ –Địa chất.

– [25] Viện Xã hội học và Viện Nghiên cứu xã hội, Kinh tế và Môi trường, Quan điểm xã hội với hôn nhân cùng giới, 15/12/2015.

nhavantuonglai

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »

Liên lạc thông qua Instagram

Instagram là tài khoản chính thức của @nhavantuonglai, nên thông qua kênh này bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ tác giả.

  • Tức thời và nhanh chóng

    Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

  • Thân thiện và gần gũi

    Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Instagram là kênh trao đổi công việc chính thức của @nhavantuonglai, phù hợp với các thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

  • Tin cậy

    Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

  • Chuyên nghiệp

    Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.

Một vài sản phẩm đã dựng

Ép tiêu bản hoa khô

Cồn Hến sông Hương

Hoàng hôn đầm Lập An

nhavantuonglai · Ghiblis Music Piano Playlist