Nhiều tác giả | Người thầy của tỉnh thức và thương yêu (Chương 08)
Tôi còn nhớ là tôi đã viết Đường Xưa Mây Trắng ở trong cái quán của Xóm Thượng. Hồi đó chưa có lò sưởi trung ương, trong phòng chỉ có một cái lò sưởi đốt củi thôi và trời rất lạnh.
· 28 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Tom Levitt. Đăng trên tạp chí The Ecologist của Anh quốc, ngày 22.3. 2012.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh – vị thầy nổi tiếng của Phật giáo – trò chuyện với tạp chí The Ecologist về những mất mát liên quan đến sự đa dạng sinh học và tại sao chúng ta không nên tuyệt vọng trước những tác động của biến đổi khí hậu đối với loài người.
Thầy nghĩ rằng loài người có thể tránh được sự sụp đổ của hệ thống môi sinh toàn cầu, hay chúng ta đang tự đưa mình về hướng đó?
Theo số liệu của Liên đoàn Bảo tồn Môi trường Hoang dã Hoa Kỳ (National Wildlife Federation), mỗi ngày có khoảng 100 loài thảo mộc và động vật bị tuyệt chủng do nạn phá rừng. Sự tuyệt chủng của các giống loài diễn ra hàng ngày. Trong một năm có thể có 200.000 loài đi đến chỗ diệt vong. Đó là cái đang diễn ra; đó không phải là vấn đề của tương lai. Chúng ta biết rằng 251 triệu năm về trước, sự hâm nóng trái đất đã diễn ra do hoạt động của các núi lửa khổng lồ. Đó là nguyên nhân gây nên sự tuyệt chủng tệ hại và lớn rộng nhất trong lịch sử của trái đất. Nhiệt độ trái đất tăng lên 6oC cũng đủ để làm cho 95% giống loài bị xóa sổ.
Giờ đây sự hâm nóng địa cầu lần thứ hai có thể xảy ra. Lần này là do nạn phá rừng và công nghiệp hóa, do con người làm ra. Có thể trong 100 năm tới, loài người sẽ không còn tồn tại trên trái đất. Chỉ trong 100 năm thôi. 251 triệu năm về trước, sau khi 95% giống loài trên trái đất biến mất, trái đất đã cần 100 triệu năm để hồi phục lại sự sống trên hành tinh này. Nếu nền văn minh của chúng ta tuyệt diệt, có lẽ sẽ cần một khoảng thời gian tương tự như vậy để cho một nền văn minh khác xuất hiện. Khi núi lửa hoạt động, khí CO2 tích tụ và làm nên hiệu ứng nhà kính. Đó là cái đã xảy ra 251 triệu năm về trước. Hiện tại sự tích tụ của khí CO2 là do cách sống và nền công nghiệp của chúng ta.
Nếu nhiệt độ của trái đất tăng lên 6oC thì 95% các giống loài sẽ bị hủy diệt, kể cả loài người (Homo sapiens). Đó là lý do vì sao chúng ta cần phải học cách tiếp xúc với tự tính bất sinh bất diệt trong hơi thở vào ra của mình. Sự diệt chủng của các giống loài đã từng xảy ra nhiều lần. Sự diệt chủng với quy mô lớn đã xảy ra năm lần, và lần này là lần thứ sáu. Theo đạo Bụt thì không có gì sinh mà cũng không có gì diệt. Sau khi bị tuyệt chủng, các loài sẽ biểu hiện trở lại qua những hình thức khác, vì vậy mà ta cần phải thở thật sâu để công nhận một sự thật là loài người chúng ta có thể sẽ biến mất khỏi trái đất chỉ trong vòng 100 năm tới.
Chúng ta phải học cách chấp nhận sự thật phũ phàng đó. Đừng để bị nhấn chìm trong tuyệt vọng. Giải pháp là học cách tiếp xúc với tự tính bất sinh bất diệt trong giây phút hiện tại. Chúng ta thường nói về môi trường cứ như nó là một cái gì hoàn toàn tách biệt khỏi chúng ta, trong khi đó chúng ta lại chính là môi trường.
Con người được làm bởi những yếu tố không-phải – con-người. Những yếu tố không-phải-con-người là môi trường của chúng ta, nhưng chúng ta lại là môi trường của các yếu tố không-phải-con-người, vì vậy chúng ta và môi trường là một. Chúng ta chính là môi trường. Chúng ta là trái đất, và trái đất có khả năng lấy lại sự cân bằng. Đôi khi nhiều giống loài phải biến mất để cho sự cân bằng đó được xảy ra. Sự tái lập cân bằng đó có thể biểu hiện dưới dạng lũ lụt, hay nóng bức, hay không khí thay đổi.
Dân số ở các thành phố khắp nơi trên thế giới càng lúc càng tăng. Chúng ta mất mát những gì (nếu có), khi con người trở nên đô thị hóa?
Cuộc sống ở thành thị và cuộc sống ở nông thôn có sự liên hệ mật thiết. Bởi vì phải nuôi người dân thành thị nên nông thôn phải thay đổi và bị ô nhiễm bởi nhiều thứ. Ở nông thôn, người dân quê phải dùng thuốc kháng sinh, thuốc diệt sâu rầy để có thể cung cấp đủ thực phẩm và các thứ khác cho người dân thành thị.
Vì vậy thôn quê không còn là một chỗ an toàn cho chúng ta nữa. Thậm chí nếu ta quay về nông thôn mà vẫn tiếp tục tiêu thụ như cũ thì cũng không giải quyết được gì. Bất cứ ở thôn quê hay ở thành thị ta vẫn bị mất mát rất nhiều, dù là khi ở thôn quê ta có cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên, tiếp xúc với đất mẹ nhiều hơn. Thực tập tiếp xúc với thiên nhiên khi ở thôn quê giúp ta chữa lành thương tích dễ dàng hơn, nhưng thôn quê cũng đang đánh mất mình vì sự đô thị hóa.
Phần lớn các nhà hoạt động vì môi trường thu gọn các vấn đề mà chúng ta đang phải đối diện vào hai điểm chính: tiêu thụ quá mức và tăng dân số quá mức. Thầy nghĩ sao về điều này?
Dĩ nhiên là chúng ta cần tiêu thụ như thế nào để giảm thiểu khổ đau của các loài sinh vật trên trái đất, điều này rất rõ ràng. Nhưng chúng ta cũng phải giảm dân số lại. Trở thành người xuất gia cũng là một cách để giảm dân số, vì vậy tôi kêu gọi các bạn nên đi xuất gia với chúng tôi. Nếu bạn có thể tạo dựng nên những cộng đồng nho nhỏ, xây trường học và chăm sóc con cái của những người khác, bạn sẽ không cần phải có con. Vì vậy, dựa trên kinh nghiệm của bản thân là một người xuất gia, tôi thấy cuộc sống của mình không bị thiếu thốn bất cứ một thứ gì. Trái lại tôi có rất nhiều. Ngay cả khi tôi không có con do chính mình sinh ra, tôi thấy mình vẫn có rất nhiều con. Những người con này mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui và sự tươi mát. Tôi nghĩ là chúng ta cần phải hành động trên cả hai phương diện: giảm thiểu sự tiêu thụ và giảm thiểu dân số. Đây là điều chúng ta có thể làm được thông qua nếp sống cộng đồng. Chúng ta sẽ không cảm thấy thiếu thốn bất cứ thứ gì, kể cả sự có mặt của trẻ em trong đời sống của chúng ta.
Trong cách sống mà thầy đã chọn, cái gì là thử thách lớn nhất?
Tôi không nghĩ mình bị mất mát bất cứ điều gì trong cuộc sống khi trở thành một người xuất gia. Trên thực tế, tôi rất tận hưởng cuộc sống của một thầy tu. Thí dụ như khi chúng tôi ăn chay trường, chúng tôi rất hạnh phúc khi mình có thể làm như vậy. Chúng tôi không bị khổ đau khi ăn chay, khi không ăn thịt. Chúng tôi thấy mình rất may mắn khi không ăn thịt bởi vì chúng tôi không phải ăn thịt của các loài khác để sinh tồn. Mình có thể bảo vệ sự sống qua cách ăn uống. Chúng ta cần phải học cách ăn như thế nào để bảo hộ trái đất và giảm thiểu khổ đau của các loài khác. Đó là lý do tại sao ăn chay có thể là một niềm vui lớn, nhất là khi bạn biết cách nấu nướng. Chúng ta cần phải xuất bản một quyển sách dạy nấu ăn để cho mọi người biết là ăn chay rất vui.
Chúng tôi nhận thấy cuộc sống của một người tu dễ hơn nhiều so với cuộc sống của một người cư sĩ. Là một người tu, bạn sống trong một tăng thân, và bạn chỉ cần đi theo tăng thân ngồi thiền, đi thiền, ăn cơm đúng giờ giấc, rất là dễ. Chỉ cần là một người tu thôi. Chúng tôi không bị thiệt thòi gì hết, bởi vì chúng tôi sống với nhau rất vui. Chúng tôi có thì giờ để xây dựng tình huynh đệ. Niềm vui đôi lứa không lâu bền bằng tình huynh đệ. Và chúng tôi đề nghị là mọi người không nên tiếp tục đổ xô về thành phố mà nên cố gắng xây dựng những cộng đồng ở thôn quê.
Bạn có thể xây dựng một cộng đồng của người cư sĩ, không nhất thiết phải là một cộng đồng Phật giáo. Ở đó, mọi người sử dụng xe hơi, xe máy cày chung với nhau. Sự hiện diện của trẻ con trong các cộng đồng là điều rất tuyệt vời và bạn không cần phải là một người cha hay người mẹ mới có thể thưởng thức sự có mặt của trẻ con.
Tôi xuất gia ở tuổi 16 và tôi không hề đau khổ vì điều đó, bởi vì tôi có rất nhiều con tâm linh, cả xuất sĩ lẫn cư sĩ. Trong một cộng đồng, ngay cả khi bạn không có con, bạn có thể coi con của những người khác là con của mình; bạn có thể xây trường học; cho người khác ở chung trong căn hộ, hay căn nhà của bạn. Sống trong một cộng đồng với 100 – 200 người, số lượng xe sử dụng sẽ được giảm thiểu, bởi vì bạn sẽ dùng xe chung của cộng đồng. Bạn sẽ dùng chung tủ lạnh, xe máy cày; bạn sẽ làm một khu vườn chung, trường học hoặc công viên chung; và bạn cũng sẽ coi con của người khác là con của mình.
Thầy làm thế nào để thu hút người trẻ theo Thầy?
Tôi không hề có ý thu hút người trẻ theo mình. Những người trẻ đến với Làng Mai vì khi tham gia các khóa tu và đến các trung tâm tu tập của Làng, họ thấy có tình huynh đệ. Và đó là cái mà chúng ta cần nhất trong đời. Rất nhiều người trẻ đã trải nghiệm tình yêu đôi lứa và những khổ đau trong tình yêu. Khi đến tu viện của chúng tôi, họ nếm trải được tình huynh đệ và được là chính mình. Chính năng lượng của tình huynh đệ đã nuôi dưỡng chúng tôi.
Đó là lý do vì sao việc xây dựng cộng đồng và xây dựng tình huynh đệ để được nuôi dưỡng là một điều vô cùng quan trọng. Bạn có thể đầu tư cả cuộc đời mình để làm điều đó. Vậy nên thay vì đi ra các thành phố lớn để hít thở không khí ô nhiễm, chúng ta có thể tổ chức như thế nào để xây dựng các cộng đồng ở thôn quê, và sống một cuộc sống có thể giúp bảo hộ đất Mẹ và môi sinh. Chúng ta có thể làm việc, đồng thời cũng có thì giờ để làm vườn, và ta có thể cùng làm với nhau. Bạn có thể sử dụng tài năng của mình để phụng sự cho cộng đồng trong việc xây dựng tình huynh đệ. Đó là một lối sống khác mà ta có thể trải nghiệm.
Vì vậy nếu người trẻ có đến với chúng tôi thì không phải vì chúng tôi kêu gọi, mà vì niềm vui, hạnh phúc chế tác được bởi tình huynh đệ. Sinh hoạt tu tập hàng ngày của chúng tôi nhằm để chế tác năng lượng thương yêu của tình huynh đệ. Nên có một đảng phái có khả năng chế tác tình huynh đệ, tình bác ái. Chúng ta biết tình huynh đệ rất quan trọng, nhưng ta lại không biết cách để chế tác, để xây dựng. Nếu có một đảng nào biết làm điều ấy thì ta sẽ tham gia vào đảng đó. Thế nhưng rất nhiều người chỉ có thể nói về điều đó mà thôi. Thiết lập những cộng đồng nho nhỏ như thế, chúng ta sẽ thực sự chế tác năng lượng của tình huynh đệ. Người trẻ có thể nhận thấy điều này, và rất nhiều người sẽ cống hiến cuộc đời họ để chế tác cái năng lượng mà bạn không thể nào mua được từ siêu thị.
Phần lớn người Tây phương chúng tôi vẫn kẹt vào lối sống tiêu thụ cao. Chúng tôi thích mua những đồ đạc mới và hấp dẫn. Có một lối sống nào khác đủ mạnh để thuyết phục chúng tôi rời bỏ lối sống tiêu thụ cao hay không?
Cái chúng ta cần là sự thay đổi tâm thức, thay đổi ý niệm của chúng ta về hạnh phúc, về lối sống. Không chỉ những người Tây phương mới bị kẹt vào lối sống tiêu thụ cao; ở các nước Á châu, người ta cũng đang lâm vào hoàn cảnh tương tự. Chúng ta thích mua đồ đạc mới lạ. Ta tìm kiếm hạnh phúc, nhưng trong ta vẫn đầy dẫy khổ đau. Chúng ta có một khoảng trống lớn ở bên trong, vì vậy ta luôn tìm cách để lấp đầy khoảng trống đó.
Đó là hoàn cảnh hiện nay của chúng ta. Chúng ta không cảm thấy bình an với chính mình. Ta có một khoảng trống lớn, và ta không biết cách lấp khoảng trống đó bằng cách nào khá hơn, nên ta tìm đến sự tiêu thụ. Ta nghĩ rằng nếu ta có thể mua các vật dụng mới lạ thì ta có thể khỏa lấp khổ đau và lấp đầy khoảng trống ấy trong lòng. Nhưng cách ấy không đem lại hiệu quả mà ta mong muốn. Ta tiêu thụ ngày càng nhiều nhưng lại không cảm thấy thỏa mãn trong lòng. Ta cần thương yêu, cần bình an, nhưng ta lại không biết làm thế nào để chế tác bình an, vì vậy ta tìm kiếm ở bên ngoài để khỏa lấp những khổ đau và trống vắng trong lòng.
Dĩ nhiên là phải có một lối sống khác có thể giúp ta chế tác được tình thương, niềm vui mà ta không cần phải đi ra siêu thị để mua sắm. Nếu ta không biết cách tạo ra một lối sống như thế thì ta sẽ vẫn tiếp tục đi mua sắm.
Giả dụ như bạn biết cách thưởng thức thiền hành. Với một chút luyện tập, bạn sẽ biết cách đem tâm bạn trở về với thân, để cho thân và tâm hợp nhất. Khi thân và tâm cùng có mặt, bạn cũng thật sự có mặt, và bạn có thể nhận ra cơn mưa thật tuyệt làm sao, cây cối sao mà đẹp, và khí trời vẫn trong lành biết bao. Bạn thưởng thức hơi thở vào ra, và bạn có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại. Khi ta có chánh niệm về hình hài của mình và về những gì đang diễn ra xung quanh, ta có thể tiếp xúc với những phép lạ của sự sống xung quanh ta. Giây phút hiện tại này chứa đầy những điều mầu nhiệm. Nếu bạn không biết thưởng thức những mầu nhiệm đó, bạn sẽ không biết trân quý sự sống – trân quý những gì đang có mặt. Thay vào đó, bạn lại chạy theo một cái gì đó mà bạn cho là sẽ đem lại cho mình hạnh phúc.
Giả dụ như bạn tìm hiểu về Năm giới – năm phép thực tập chánh niệm. Năm giới là lối sống dựa trên cái thấy được gọi là tương tức: Mọi sự vật, hiện tượng đều liên hệ mật thiết với nhau. Hạnh phúc của ta và hạnh phúc của những loài khác tương tức với nhau. Nếu bạn khỏe mạnh, hạnh phúc thì các hình thái khác của sự sống cũng nhờ bạn mà được lợi lạc. Nếu bạn bị bệnh và đau khổ thì các loài khác cũng đau khổ cùng với bạn. Tuệ giác về tương tức ấy sẽ giúp bạn thấy được rằng bạn gắn kết với tất cả mọi người, mọi loài. Để bảo hộ cho chính bạn, bạn phải biết bảo hộ thiên nhiên và tất cả các loài khác. Tuệ giác tương tức ấy sẽ giúp bạn cởi bỏ kỳ thị, sợ hãi, giận dữ và giúp bạn thấy khỏe khoắn hơn nhiều.
Năm giới giúp ta bảo hộ sự sống. Giới thứ nhất là về bảo hộ sự sống – sự sống của chính ta và của các loài khác.
Sự sống của ta có liên hệ mật thiết tới sự sống của các loài khác. Khi ta bảo hộ sự sống của các loài khác thì ta cũng đang đồng thời bảo hộ sự sống của chính ta. Để bảo hộ cho chính ta, ta phải bảo hộ cho các loài khác, và đó chính là sự thực tập của giới thứ nhất. Khi bạn thở trong chánh niệm, bạn có thể thấy đất Mẹ ở trong bạn và bạn chính là đất Mẹ. Tuệ giác này giúp bạn vượt thoát sợ hãi về cái chết, và giúp bạn thấy rằng muốn bảo hộ cho chính mình thì bạn phải bảo hộ cho đất Mẹ. Bảo hộ đất Mẹ cũng chính là bảo hộ cho các loài khác, mà cũng là bảo hộ cho chính ta. Điều này rất là rõ ràng.
Ngay cả khi loài người chúng ta là loài trẻ nhất trong tất cả các loài trên trái đất, chúng ta cũng có thể đóng vai trò của một người anh, người chị lớn trong việc bảo hộ sự an vui của các loài khác. Đó là một việc làm rất đẹp, và cũng là điều mà đất Mẹ mong đợi ở loài người chúng ta. Bảo hộ sự sống là niềm vui, và là một hành động, một lối sống phát khởi từ tuệ giác tương tức. Bạn làm việc đó cho chính bạn bởi vì sự sống tương tức, nó không thể bị chia cắt ra thành nhiều mảnh. Bảo hộ sự sống mang lại cho bạn thật nhiều niềm vui bởi vì tự thân hành động đó chính là tình thương. Khi trong bạn có tình thương, bạn không cần phải chạy theo hoặc tìm kiếm một cái gì nữa cả, bởi vì tình thương tự nó đã đủ để cho bạn có bình an và hạnh phúc.
Giới thứ hai là hạnh phúc chân thực. Nếu ta nhận ra rằng hạnh phúc không thể nào có được chỉ bằng cách kiếm tiền và mua sắm, thì ta cần biết làm thế nào để chế tác ra hạnh phúc chân thực.
Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp, áp bức và bất công xã hội gây ra, con nguyện thực tập chia sẻ thời giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ thiếu thốn, trên cả ba phương diện: tư duy, nói năng, và hành động trong đời sống hằng ngày. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện thực tập nhìn sâu để thấy được hạnh phúc và khổ đau của người kia có liên hệ mật thiết đến hạnh phúc và khổ đau của chính con. Con biết hạnh phúc chân thực không thể nào có được nếu không có hiểu biết và thương yêu, trong khi đó đi tìm hạnh phúc bằng cách chạy theo quyền lực, danh vọng, giàu sang và sắc dục có thể đem lại nhiều hệ lụy và tuyệt vọng. Con ý thức được hạnh phúc chân thực phát sinh từ cách nhìn của con mà không phải từ bên ngoài đem tới. Thực tập tri túc giúp con sống hạnh phúc được ngay trong giây phút hiện tại để nhận diện những điều kiện hạnh phúc mà con đang có. Con nguyện thực tập Chánh mạng để có thể làm giảm thiểu khổ đau của mọi người, mọi loài, bảo hộ được trái đất và chấm dứt những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu bất thường.
Hạnh phúc chân thực là điều có thể có được và ta cần phải dừng lại, không chạy theo danh vọng, quyền hành, tiền bạc và dục lạc. Ta cần nhận diện những mầu nhiệm của sự sống đang có sẵn cho ta trong giây phút hiện tại. Ta phải có khả năng giúp chính mình và giúp người khác bớt khổ. Đó là những gì rất cụ thể mà chúng ta có thể làm được và đó cũng là một phần của lối sống mà ta đang tìm kiếm.
Giới thứ ba là về tình thương đích thực. Ta phải học cách chế tác năng lượng của từ, bi, hỉ và xả: Đó là nghệ thuật thương yêu.
Nếu bạn quá bận rộn, nếu bạn chỉ nghĩ về chuyện tiêu thụ, làm sao bạn có thì giờ để thương yêu? Có một điều mà ta học được ở giới thứ ba: Tình dục không phải là tình yêu, hai cái đó rất khác nhau, bởi vì tình yêu mang tính chất xây dựng, phục hồi và trị liệu. Ta phải học cách thương yêu chính bản thân mình, chăm sóc thân thể mình, buông bỏ các căng thẳng và đau nhức trong cơ thể. Có những cách rất cụ thể để làm việc đó.
Có thể bạn đã biết cách thực tập tiếp xúc với đất Mẹ qua những bước chân thiền hành, hoặc nghỉ ngơi, cho phép thiên nhiên trị liệu cho mình. Bạn cũng biết cách buông bỏ căng thẳng hay đau nhức trong cơ thể, không bắt cơ thể làm việc quá sức. Tất cả những cái đó bạn đều có thể làm được, nhưng nếu bạn quá bận rộn kiếm tiền để mua sắm thì làm sao bạn có thì giờ để thực hiện? Trong chúng ta có những người biết cách tổ chức cuộc sống để có thì giờ thương yêu, chăm sóc cho chính mình và cho những người xung quanh.
Mỗi khi tiếp xúc với khổ đau, hiểu được khổ đau của chính mình và của người khác thì năng lượng từ bi sẽ phát khởi trong tâm bạn. Thật vậy, mỗi khi ta tiếp xúc với khổ đau, nhìn sâu vào tự tánh của khổ đau, ta có thể thấy được nguyên nhân của nó, và khi đó từ bi sẽ phát khởi trong ta như một loại năng lượng, dù khổ đau đó là của chính ta hay của người khác. Vì vậy tiếp xúc với khổ đau và cho phép năng lượng của từ bi phát khởi là một việc ta có thể làm được, với điều kiện là ta không quá bận rộn kiếm tiền hay mua sắm. Năng lượng của từ bi có thể chữa lành cho ta, cho người khác và cho trái đất. Học chế tác niềm vui và hạnh phúc bằng cách tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống, và chế tác năng lượng từ bi bằng cách tiếp xúc và tìm hiểu nỗi khổ niềm đau là những cách thức mà ta có thể làm được. Đây cũng là một phần của lối sống có thể giúp chữa lành thương tích cho ta và cho đất Mẹ. Ta có thể thực tập giới thứ ba này chung với nhau như một cộng đồng tu học.
Giới thứ tư – Ái ngữ và Lắng nghe sâu – liên quan đến cách phục hồi truyền thông giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ chồng, giữa anh chị em, v.v… Nếu ta không thể truyền thông với nhau, ta sẽ khổ. Thông thường ta không có truyền thông ngay cả với chính mình. Ta không thích chính mình, ta ghét bản thân, ta không biết cách lắng nghe mình và giúp chính bản thân mình. Vì vậy thực tập ái ngữ và lắng nghe sâu cũng là thực tập với chính mình. Ta phải học cách lắng nghe chính mình, lắng nghe những thao thức sâu sắc nhất của mình, lắng nghe nỗi khổ niềm đau trong tâm mình để hiểu. Khi ta hiểu được khổ đau của chính mình, ước mong sâu sắc nhất của mình, ta sẽ có thể lắng nghe khổ đau và thao thức của người khác. Đây là việc ta có thể làm được – đây chính là đối tượng thực tập của giới thứ tư.
Xã hội chúng ta đang bị chia rẽ trầm trọng. Chúng ta muốn sát hại nhau, và sự sát hại xảy ra khắp mọi nơi, mọi lúc. Chúng ta có quá nhiều giận dữ, sợ hãi, kỳ thị, tuyệt vọng bởi vì không có đủ truyền thông giữa các thành viên trong cộng đồng nhân loại. Chúng ta không chỉ giết hại những loài sinh vật khác, mà chúng ta còn giết hại đồng loại. Điều đó cho thấy sự phát triển của khoa học công nghệ không đủ để kết nối mọi người lại với nhau. Ta phải học cách lắng nghe nhau, cách nói năng từ ái.
Đọc giới thứ tư, có thể thấy ta cần thời gian để rèn luyện cho mình khả năng lắng nghe sâu và nói năng bằng lời từ ái. Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng có thể làm được điều này. Chỉ cần bốn ngày tham dự khóa tu tại một trong những trung tâm tu tập của chúng tôi, thiền sinh đã báo cáo về những thành công của họ. Phép lạ luôn luôn xảy ra trong những khóa tu này. Tình thâm, sự truyền thông luôn có thể được nối lại. Đó là một phần của lối sống mà bạn đang tìm kiếm. Nó đang có đó – một lối sống cao quý. Bạn không cần phải là Phật tử mới có thể tiếp nhận lối sống ấy.
Giới thứ năm là về sự thực tập nuôi dưỡng và trị liệu. Tất cả chúng ta ai cũng cần được nuôi dưỡng và trị liệu. Phần đông ai cũng có bệnh nhưng ta không biết cách quay về với thiên nhiên để được trị liệu. Ta không biết cách chế tác năng lượng của từ bi và niềm vui để trị liệu cho chính mình. Ta trông cậy vào thuốc men, trụ sinh và phẫu thuật. Đọc giới thứ năm, ta có thể thấy tiêu thụ có chánh niệm chính là lối thoát cho chúng ta. Nội dung của giới thứ năm chính là một phần của câu trả lời giúp ta thoát khỏi lối sống tiêu thụ quá mức.
Đây là sự thực tập chính yếu: tiêu thụ. Ta không thể nào ra khỏi hoàn cảnh khó khăn đầy tuyệt vọng của mình trừ khi ta làm một cuộc bức phá trong cách tiêu thụ. Con nguyện nhìn sâu vào các loại thực phẩm mà con tiêu thụ qua đường miệng và các giác quan, nhìn sâu vào bản chất của những ước muốn trong con cũng như những loại thức ăn cho tâm thức. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ bất cứ một sản phẩm nào có độc tố, trong đó có mạng lưới toàn cầu, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, sách báo, bài bạc và chuyện trò. Con nguyện thực tập thường xuyên trở về với giây phút hiện tại để tiếp xúc với những gì tươi mát, có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu trong con và xung quanh con mà không để cho tiếc nuối và ưu sầu kéo con trở về quá khứ; không để lo lắng và sợ hãi kéo con đi về tương lai. Con nguyện không tiêu thụ chỉ để khỏa lấp khổ đau, cô đơn và lo lắng trong con. Con nguyện nhìn sâu vào tự tính tương quan tương duyên của vạn vật để học tiêu thụ như thế nào mà duy trì được an vui trong thân tâm con, trong xã hội, và trong môi trường sống.
Ta có thể đạt được sự thỏa mãn cả về tài chính lẫn tâm linh hay không? Hay có cái này thì không thể có cái kia?
Bạn có thể vừa là một người giàu có vừa là một người tâm linh hay không? Bạn có cần giàu có? Bạn có cần kiếm nhiều tiền hay không? Chúng tôi cũng cần tiền, nhưng không phải để tiêu thụ. Chúng tôi cần tiền để tổ chức các chuyến hoằng pháp, để thuê xe buýt, để xây dựng một trung tâm thiền tập. Khi chúng tôi đến một thành phố, chúng tôi cần một ít tiền để mua vé xe cho các thầy, các sư cô bởi vì chúng tôi biết là trong một khóa tu, để sự chuyển hóa có thể xảy ra cho thiền sinh, chúng ta cần có đủ số lượng các vị giáo thọ và xuất sĩ.
Nhưng chúng tôi tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính không phải để mua sắm các sản phẩm mới mẻ và hấp dẫn, mà để có thêm chỗ cho thiền sinh ở trong khóa tu và các vị xuất sĩ có thể tham gia với số lượng đông hơn, để xây dựng thiền đường, nơi tu học. Nhưng tất cả những hỗ trợ đó chỉ xảy ra khi sự thực tập tâm linh của chúng tôi mang lại hoa trái, khi đó sẽ có những người bạn xuất hiện hỗ trợ về mặt tài chính. Rất rõ ràng là sự thực tập tâm linh có thể mang đến rất nhiều hạnh phúc, tình thương và sự mãn ý. Và bạn không cần phải có rất nhiều tiền để có hạnh phúc, vì vậy tiền bạc không còn là một vấn đề đáng lo ngại. Nếu có sự yểm trợ về tài chính thì càng có nhiều người được lợi lạc từ sự thực tập. Nếu chúng tôi có sự giới hạn về điều kiện tài chính thì số lượng thiền sinh đến tu học cũng bị giới hạn, tuy nhiên chúng tôi sẽ không hy sinh đời sống tâm linh của mình để tài chính được dồi dào.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 01 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 02 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 03 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 04 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 05 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 06 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 07 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 09 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 10 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 11 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 12 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 13 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 14 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 15 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 16 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 17 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 18 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 19 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, toàn tập tại đây.