Nhiều tác giả | Người thầy của tỉnh thức và thương yêu (Chương 02)
Tôi còn nhớ là tôi đã viết Đường Xưa Mây Trắng ở trong cái quán của Xóm Thượng. Hồi đó chưa có lò sưởi trung ương, trong phòng chỉ có một cái lò sưởi đốt củi thôi và trời rất lạnh.
· 11 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Claudio Gallo.
Ngày 10.9.2014, nhật báo La Stampa – một trong những tờ báo lớn nhất ở Ý – có đăng một bài phỏng vấn Thầy. Claudio Gallo – Biên tập viên phụ trách chuyên mục Văn hóa (Culture Editor) của tờ báo đã tham dự trọn vẹn khóa tu dành cho người Ý được tổ chức tại Làng Mai trong tuần lễ cuối của tháng 8, và anh đã tự mình trải nghiệm được cái gọi là hiện pháp lạc trú. Sau đây là bài tường thuật của anh với tựa đề Happiness is Now đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt.
Có một cái gì thật dịu ngọt mà cũng thật hùng tráng tỏa ra từ những ruộng nho, những cánh rừng, những đồng cỏ xanh mướt trải dài nối đuôi nhau lướt qua ô cửa sổ của chuyến tàu đi về miền quê nước Pháp, từ Bordeaux đến Bergerac. Đó cũng là sự nhẹ nhàng đầy hùng lực mà ta có thể tìm thấy trong những lời giảng của Thầy Nhất Hạnh. Là một tu sĩ Phật giáo người Việt, Thầy sống với tăng thân của mình tại Làng Mai, một trung tâm tu học tọa lạc trên những ngọn đồi bao quanh ngôi làng Thénac nhỏ bé. Mọi người đều gọi Thầy một cách giản dị là Thầy (nghĩa là một vị thầy tâm linh).
Thầy đã 88 tuổi, gương mặt trông có vẻ nghiêm khắc nhưng có thể bất ngờ nở một nụ cười trẻ thơ khiến cho ai nhìn thấy cũng phải mỉm cười theo. Năm 1973, Thầy bị chính quyền miền Nam Việt Nam buộc phải lưu vong và Thầy đã chọn Tây phương nơi mà Thầy được Mục sư Martin Luther King và Linh mục Thomas Merton vô cùng trân quý. Ở Mỹ, Thầy cũng được biết đến thông qua các chuyến đi vận động hòa bình cho Việt Nam.
Là tác giả của trên 100 cuốn sách, Thầy đã đem đến cho người Tây phương một phương pháp thực tập dựa trên giáo lý căn bản của đạo Bụt, đó là phương pháp thực tập chánh niệm – sự thực tập tỉnh thức và có mặt một trăm phần trăm cho những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Trong Phật giáo, cùng với đức Đạt Lai Lạt Ma, Thầy có lẽ là vị thầy nổi tiếng nhất trên thế giới với rất nhiều trung tâm tu học ở khắp các châu lục và có số người theo tu học lên đến hàng trăm nghìn người. Điều đáng chú ý là Thầy không đòi hỏi các đệ tử Tây phương phải từ bỏ đạo gốc của mình. Rất nhiều người trong số 700 người Ý tham dự khóa tu vào cuối tháng 8 vừa qua tại Làng Mai là những người theo truyền thống Cơ Đốc giáo.
Thưa Thầy, đạo Bụt có thể cống hiến được gì cho thế hệ kỹ thuật số hiện nay – thế hệ những người trẻ suốt ngày vùi đầu vào internet?
Hiện nay, những người trẻ đã bỏ quá nhiều thì giờ vào internet. Đây là căn bệnh của thời đại chúng ta. Khi ngồi hai tiếng đồng hồ trước máy vi tính, chúng ta hoàn toàn quên là mình có một hình hài. Internet là một phương tiện có khả năng mang lại rất nhiều lợi ích cho con người, nhưng đồng thời nó cũng tạo ra vô số vấn đề.
Sử dụng internet là một hình thức tiêu thụ. Ta tiêu thụ thông qua những tư tưởng, hình ảnh, âm thanh mà ta tiếp xúc được trên internet và sự tiêu thụ đó có thể lành mạnh hoặc có thể gây tàn hại cho thân tâm ta. Thực tế là chỉ riêng lượng thông tin nhận được qua internet thôi cũng đủ khiến cho nhiều người rơi vào tình trạng quá tải thông tin rồi.
Cũng có nhiều người trong chúng ta trở nên nghiện internet. Ta đánh mất mình trong biển thông tin đó và ta không có mặt cho chính mình, không có mặt cho những người thương của mình và không có mặt cho thiên nhiên. Ta có ảo tưởng là thông qua mạng internet chúng ta có thể nối kết được với nhau, nhưng kỳ thực ta lại càng cảm thấy cô đơn.
Chánh niệm giúp cho ta biết điều độ khi lên mạng, đồng thời cũng giúp cho ta thấy được cái mà ta đang tiếp xúc có thật sự ích lợi hay chỉ làm cho ta càng cô đơn và tuyệt vọng thêm. Ta tiêu thụ internet để khỏa lấp sự cô đơn, nhưng thật ra nó chỉ làm cho tình trạng tệ hại hơn mà thôi. Thường thì khi tiêu thụ những tin tức, quảng cáo, những phim ảnh khêu gợi và kích thích dục tình, ta đồng thời cũng đang đưa vào trong thân tâm ta những độc tố như giận hờn, bạo động, sợ hãi và thèm khát.
Theo đạo Bụt thì cái ta riêng biệt là một ảo tưởng, vậy trong cái thấy đó có còn sự phân biệt giữa thiện và ác hay không?
Trong thế kỷ XX, chủ nghĩa cá nhân được đưa lên vị trí hàng đầu và điều này đã tạo ra rất nhiều khổ đau. Chúng ta tạo ra sự phân biệt, chia cách giữa ta và người, giữa cha và con, giữa con người và thiên nhiên, giữa quốc gia này và quốc gia khác. Chúng ta không ý thức được mối tương quan mật thiết giữa mình với mọi người và mọi loài xung quanh. Đạo Bụt gọi mối liên hệ đó là tương tức (inter-being).
Cái hiểu, cái thấy sâu sắc về tương tức chính là nền tảng của con đường đạo đức mà đạo Bụt đóng góp cho nhân loại. Những gì xảy ra cho một cá nhân cũng ảnh hưởng tới toàn thể xã hội và cả thế giới. Với cái thấy này, sự thực tập chánh niệm giúp cho ta phân biệt được cái gì thiện, cái gì ác, cái gì đúng, cái gì sai. Có chánh niệm thì ta sẽ nhận ra được những tàn hại đối với các loài gia súc, gia cầm cũng như đối với hành tinh này do ngành công nghiệp sản xuất thịt gây ra. Ý thức được điều đó thì ăn chay là một hành động thương yêu đối với chính mình, đối với sinh môi và đối với trái đất.
Nhiều người trong chúng ta đang chạy theo danh vọng, quyền hành, tiền tài và sắc dục. Chúng ta nghĩ rằng những thứ đó đem lại cho ta hạnh phúc, nhưng thực ra nó có thể dẫn chúng ta đi tới chỗ tàn hoại thân tâm mình. Những người trẻ thường lẫn lộn giữa tình dục và tình yêu chân thật. Trên thực tế thì tình dục có thể hủy hoại tình yêu và đưa tới sự thèm khát, cô đơn và tuyệt vọng nhiều hơn. Sự thực tập chánh niệm giúp chúng ta mỗi ngày hiểu sâu hơn về người mà ta thương. Cái hiểu chính là nền tảng của tình thương đích thực. Chúng ta không thể nào có được một tình thương đích thực nếu ta không hiểu được người mình thương.
Có thể vượt thoát sự sợ hãi về cái chết hay không?
Gốc rễ của sự sợ hãi nằm ở cái thấy sai lạc của ta về bản chất cái chết. Ta sợ hãi cái chết tại vì ta nghĩ rằng khi chết rồi thì ta sẽ trở thành không. Khoa học hiện đại đã chứng minh cho ta thấy rằng: Không có gì sinh cũng không có gì diệt, tất cả đều chuyển biến không ngừng.
Quan sát một đám mây, ta có thể đặt câu hỏi: Đám mây có thể chết không? Đám mây có thể từ có mà trở thành không? Nhìn cho sâu ta thấy đám mây có thể trở thành mưa, thành tuyết, thành mưa đá, rồi thành hơi nước trở lại. Bản chất của chúng ta cũng giống như bản chất của đám mây. Cũng như mưa, tuyết là sự tiếp nối của đám mây thì những hành động, lời nói và tư tưởng mà ta chế tác ra chính là sự tiếp nối của ta.
Chúng ta sống trong một thế giới đầy xung đột và bất công xã hội. Làm sao ta có thể cải thiện được tình trạng đó với tư cách một Phật tử?
Sự xung đột và bất công trong xã hội phát sinh ra từ tâm chúng ta. Đạo Bụt cống hiến cho chúng ta những phương pháp thực tập cụ thể để nuôi dưỡng tình thương và hạnh phúc đích thực. Khi tình thương và hạnh phúc có mặt thì ta có thể tạo ra sự bình an trong tự thân và góp phần vào hòa bình trên thế giới. Khi tâm ta bị cuốn đi bởi tham vọng và sợ hãi thì bất công xã hội và bạo động sẽ phát sinh. Sự thực tập chánh niệm giúp cho ta nuôi lớn hạnh phúc và bình an trong giây phút hiện tại. Và đây chính là sự đóng góp tuyệt vời cho nền hòa bình thế giới và cũng đồng thời là nền tảng để chúng ta có thể làm tốt những công tác phụng sự cho xã hội.
Thầy dạy cho mọi người về sự thực tập chánh niệm và chánh định, thế nhưng một tình trạng đáng lo ngại của thế giới hiện nay là tình trạng suy giảm khả năng tập trung của con người…
Nhiều người trong chúng ta không biết làm thế nào để thật sự có mặt cho người mình thương và cho những mầu nhiệm đang có sẵn trong giây phút hiện tại. Tâm của ta rất dễ bị phân tán. Trong khi đó, thị trường bên ngoài không ngừng cung cấp cho ta những phương tiện để giữ cho tâm ta luôn ở trong tình trạng này. Thân của ta ở đây mà tâm của ta thì đang chạy theo những dự án ở tương lai, những sầu đau của quá khứ hay những lo lắng, buồn phiền trong hiện tại.
Cách đây không lâu, chúng tôi được mời hướng dẫn thực tập chánh niệm cho hơn 700 nhân viên Google tại trụ sở chính của tập đoàn này ở California. Điều đầu tiên mà chúng tôi chia sẻ là sự thực tập dừng lại, vì trong xã hội hiện nay chúng ta luôn có thói quen rong ruổi, tìm cầu. Khi ta có khả năng dừng lại, ta có thể nhận diện được những gì đang xảy ra trong thân và trong tâm mình. Đây là cách thức để ta có thể bắt đầu chăm sóc cho chính mình. Chúng ta đã có quá đủ những điều kiện để hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Chỉ cần dừng lại và nhận diện những điều kiện hạnh phúc đang có mặt là ta có thể tiếp xúc được ngay với hạnh phúc đích thực.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 01 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 02 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 03 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 04 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 05 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 06 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 07 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 09 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 10 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 11 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 12 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 13 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 14 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 15 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 16 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 17 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 18 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 19 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, toàn tập tại đây.