Có nên tha thứ cho kẻ thù?
Thực hành tôn giáo hiệu quả giúp đời sống thêm an lành và hạnh phúc, giác ngộ nhiều điều hữu ích để đem lại năng lượng tích cực cho bản thân, và giá trị đẹp cho cộng đồng.
· 6 phút đọc.
Sống ở đời, làm sao mà tránh được những va chạm hiềm khích. Nếu không xuất phát từ mình cũng xuất phát từ người khác. Từ những va chạm ấy mà nhẹ thì khó làm việc chung, nặng thì bất hòa rồi gây thương tổn cho nhau. Nếu mình là người gây thương tổn ắt thì ấy không phải là điều tốt đẹp. Nhưng nếu mình là người chịu thương tổn, thì liệu có nên tìm cách trả thù để nguôi bực tức? Hoặc sẽ có một giải pháp nào để hóa giải vấn đề này?
Va chạm là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống này
Trước tiên, ta cần phải đồng ý với nhau rằng va chạm là điều tất yếu. Cuộc sống này với muôn vàn người, muôn vàn cách sống và cũng muôn quan điểm. Sẽ rất dễ để tìm một người đồng điệu, nhưng cũng dễ không kém để tìm thấy một ai đó khác biệt với mình. Nếu sự khác biệt ấy không phải là điều dễ gây tác động đến mình, thì bỏ qua cũng là chuyện thường tình. Nhưng cảm giác ganh đua, dối lừa, cản con đường đi của nhau thì sao? Ta sẽ nói chuyện, tìm cách khác hay né con người ấy ra? Những lựa chọn đó sẽ tạo ra muôn vàn lối rẽ cho mỗi người. Đó cũng là một điều tất yếu.
Ví dụ trong gia đình, đơn giản là vợ chính ăn mặn, chồng thích ăn cay. Sống sao cho trọn lòng nhau? Sống sao mà cả vợ lẫn chồng đều cảm thấy vui và trọn vẹn với thức ăn được đem ra. Đó chính là sự nhường nhịn, sẻ chia. Cái điều ấy sẽ được @nhavantuonglai nói trong một bài viết khác. Còn trong bây giờ, tình huống sẽ là không ai chịu nhường ai thì thế nào? Đó là gây gổ, nhiếc móc, xa rời rồi rạn vỡ tình cảm với nhau. Chỉ vì khẩu vị mà đã như thế, thì liệu sau có những khó khăn lớn hơn thì sẽ có chuyện gì xảy ra?
Hay ngoài xã hội, cùng một kế hoạch thì sẽ có nhiều cách triển khai. Nếu đồng nghiệp tốt sẽ cùng nhau phối hợp, hoặc điều chỉnh để có được phương án tốt nhất. Nếu gặp phải người xấu sẽ ngấm ngầm gây hại sau lưng, tác động làm kết quả không như mong cầu. Điều tồi tệ ấy không phải là điều mong muốn, nhưng xảy ra vậy rồi thì nên ứng xử thế nào cho phải? Liệu nên bỏ qua hay lờ đi cho sống trọn với nhau.
Những va chạm không làm mình tốt lên
Bây giờ ta hãy nói đến trường hợp tồi tệ nhất, một ai đó ngầm hãm hại, gây thương tổn đến bản thân mình. Tạo ra những khó khăn là nhẹ, phá hoại là lớn. Có người chọn phương án phản ứng lại, gây thiệt hại bằng hoặc lớn hơn để thể hiện bản sắc cá nhân. Nhưng những quyết định ấy thường khó dẫn đến một kết cục vẹn toàn. Có khi đó là một cái kết mà một trong hai, hoặc cả hai sẽ đi đến cái chết. Đó không phải là một cái kết mà ai mong muốn. Kể cả khi điều ấy không xảy ra, thì vẫn sẽ có người còn lưu lại trong mình những oán hận, uất ức. Những điều ấy sẽ đi đến đâu? Sẽ đổ lên đầu người khác, là vợ con, là cấp dưới, là kẻ thấp hơn mình. Và như vậy, một vòng tròn oán hận, xả hận cứ lặp lại không ngừng, chúng sinh sẽ không có một ngày được bình an.
Những điều ấy là minh chứng rằng không phải va chạm nào cũng tốt. Tốt là chỉ tốt khi nó thúc đẩy bản thân mình cố gắng, và nỗ lực hết mình để phát triển, đi lên chứ không phải hạ bệ người khác xuống. Bản thân mình nếu rơi vào vòng quay ấy cũng không phải là một điều tốt lành. Có người vì va chạm mà tiền tài tiêu tan, tán gia bại sản hay là mất mạng. Đó đều không phải là những lựa chọn tốt.
Tha thứ cho người khác có làm tâm mình tốt lên không?
Với câu hỏi này, ta sẽ trả lời trong hai ngữ cảnh cụ thể. Một là khi người ta không mưu cầu sự hối cải. Hai là khi người ta hạ mình nhận lỗi và xin tha thứ.
Trường hợp đầu tiên, khi người ta không mưu cầu sự hối cải. Tha thứ cho hành động ấy, là một sự độ lượng nhân từ. Nó không chỉ giúp ta tránh được những xung đột, thương tổn không đáng có nếu lao vào. Lại tự hành thiện cho chính mình, gạt và loại bỏ những điều tầm thường không đáng trên con đường sự nghiệp. Rời xa vòng xoáy xung đột, cũng là cách để ta vượt qua những cám dỗ và mạo hiểm chính bản thân mình, cho những điều không đáng có.
Trường hợp thứ hai, khi người ta hạ mình nhận lỗi. Nếu lúc ấy sân hận trong ta bùng phát, mưu cầu sự trả thù thì đó không phải là một hành động của kẻ quân tử. Ta hãy chấp nhận sự tha thứ ấy, xóa đi tội lỗi của họ. Nhưng cũng hãy đề phòng, và hạn chế tiếp xúc bởi ta không biết liệu có có duy trì sự hối cả ấy lâu dài không? Điểm quan trọng là, chúng ta hãy bao dung và chấp nhận tội lỗi của người khác để lòng được xoa dịu, và thanh thản hơn cho chí mình.
Tổng quan lại, sự tha thứ là cách để lòng mình không bị cuốn vào vòng xoáy của sự giận dữ. Nó cũng là cách hữu hiệu để mình an định tâm hồn và duy trì sự thiện lương vốn có của chính mình. Cũng đừng quên, gây thù chuốc oán không làm bản thân mình mạnh mẽ hơn. Mà nó chỉ là giải pháp để ta trở nên mệt mỏi và dễ gục ngã hơn.