Thích Nhất Hạnh | An trú trong hiện tại (Chương 08)

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.

 · 15 phút đọc.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.

Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Hầu hết các ngôi chùa ở xứ ta đều có đại hồng chung. Đại hồng chung là chuông lớn mà mỗi khi được thỉnh lên thì âm thanh có thể nghe được từ thôn trên xuống xóm dưới. Đại hồng chung được thỉnh vào buổi khuya và buổi tối, mỗi buổi đúng 108 tiếng. Người thỉnh chuông được gọi là tri chung.

Hai tuần một lần chúng ta tụng giới, trong thiền viện cũng như ở gia đình. Trong các khóa tu, khóa nào cũng cần có một buổi tụng giới. Giới cần thiết cho hành giả cũng như lề luật đi đường (code routière) cần cho người lái xe.

Nếu luật đi đường không phải là những cấm đoán mà chỉ là nguyên tắc nhằm hướng dẫn người lái xe tránh thoát được mọi tai nạn xảy tới cho mình và cho người, thì giới cũng không phải là những điều ràng buộc hạn chế và cấm đoán: giới là những nguyên tắc hướng dẫn và bảo vệ người hành giả trên con đường tu tập. Có giới thì định và tuệ mới được bền vững. Giới thường đi với định và tuệ; giới không phải chỉ là nhân mà còn là quả; định và tuệ càng lớn thì giới càng cao. Ví dụ khi ta thấy được một cách sâu sắc tâm trạng muốn sống và sợ chết của mọi loài thì ta trở nên cẩn trọng hơn về việc bảo vệ sinh mạng của mọi loài. Đó là tuệ nuôi dưỡng giới. Giới có nhiều loại giới bồ tát, giới tỳ khưu, giới sa di, giới cận sự (ưu bà tắc giới), giới tiếp hiện… Giới có nhiều công dụng: công dụng thứ nhất là nuôi dưỡng định và tuệ (Nhiếp luật nghi giới), công dụng thứ hai là hạt giống tốt cho một thế giới lành và đẹp (nhiếp thiện pháp giới) và công dụng thứ ba là tạo dựng hạnh phúc cho các loài sinh vật (nhiêu ích hữu tình giới). Có người chỉ thọ trì một hay hai giới điều, có người thọ trì năm giới điều, có người thọ trì mười giới điều, có người thọ trì hàng trăm giới điều. Nhưng giới điều căn bản nhất trong các giới điều là sống tỉnh thức trong chánh niệm. Nếu giới điều này được tôn trọng thì tất cả các giới điều khác sẽ lần lượt được tôn trọng một cách dễ dàng. Giới điều này là giới điều thứ bảy của giới Tiếp Hiện. Giới Tiếp Hiện có tinh thần phát nguyện tương tự như với giới Bồ Tát, người xuất gia và người tại gia đều có thể thọ trì mười bốn giới điều của giới này. Muốn biết thêm về giới Tiếp Hiện, xin xem cuốn Giới Tiếp Hiện Chú Giải. Sách này đã được Lá Bối ấn hành năm 1984 và bản in tiếng Anh Interbeing, Commentaries on the Tiep Hien precepts cũng được lưu hành từ đầu năm 1986.

Bất kỳ thọ trì giới nào, Bồ Tát, Tỳ Khưu, Sa di, Cận sự hay Tiếp Hiện, ta cũng xem giới là những nguyên tắc hướng dẫn linh động đời sống tâm linh của ta mà không nên xem giới là những luật lệ ràng buộc. Chúng ta cần tôn trọng giới như tôn trọng thầy của chính chúng ta. Trẻ em cũng cần được tụng giới. Hai giới của thiếu nhi là mở rộng lòng thương và mở rộng tầm hiểu biết. Đây cũng là căn bản của tất cả mọi giới điều của người lớn. Sau đây là nghi thức tụng giới cho thiếu nhi và nghi thức tụng giới Tiếp Hiện, được đưa ra cho một ví dụ. Thay vì tụng giới Tiếp Hiện, chúng ta có thể tụng giới Cận Sự, Sa Di, Tỳ Khưu và Bồ Tát. Ta cũng có thể thực hành phép Yết Ma (Duy Na: Karmadàna) theo truyền thống trước khi tụng Đại Giới.

(Trích chương Nghi Thức Tụng Giới cho thiếu nhi và Tiếp Hiện cho người lớn, trong Giới Tiếp Hiện Chú Giải)

Giới bản tiếp hiện

Người Duy Na: Hôm nay tôi được đại chúng chỉ định chủ tọa buổi lễ thuyết giới này. Mong được tất cả quý vị đem thiện tâm hộ niệm cho.

Xin quý anh chị lắng lòng nghe. Giới luật Tiếp Hiện là bó đuốc soi đường, là con thuyền chuyên chở, là bậc thầy chỉ lối chúng ta. Xin đại chúng lắng nghe từng giới một với tâm hồn thanh tịnh, lấy giới luật làm tấm gương trong vắt để soi chiếu nội tâm mình, và xin trả lời có mỗi khi thấy mình, trong tuần qua, có cố gắng học tập và giữ gìn những giới luật nhắc đến.

(Chuông)

Quý anh chị sẵn sàng chưa?

Sẵn sàng

Đây tôi xin tuyên đọc nội dung giới luật:

Giới thứ nhất:

Không được thờ làm thần tượng bất cứ một chủ nghĩa hay một lý thuyết nào, kể cả những chủ nghĩa lý thuyết Phật Giáo. Những hệ thống giáo lý trong đạo Phật phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn tu tập mà không là những chân lý tuyệt đối để bảo vệ và thờ phụng.

Đó là giới thứ nhất của dòng tu Tiếp Hiện, Quý vị có học tập và giữ gìn giới ấy hay không?

(Chuông)

Giới thứ hai:

Không được yên trí rừng những kiến thức mình hiện có là những chân lý bất di bất dịch. Như thế để tránh sự trở thành cố thủ và hẹp hòi. Phải học hỏi thái độ phá chấp và cởi mở để đón nhận quan điểm của kẻ khác. Chân lý chỉ có thể thực chứng trong sự sống mà không thể tìm kiếm trong kiến thức và khái niệm. Phải nguyện suốt đời là một người đi tìm học và phải thường trực quán sát sự sống nơi chính mình và nơi cuộc đời.

Đó là giới thứ hai của dòng tu tiếp hiện. Quý vị có học tạp và giữ gìn giới ấy hay không?

(Chuông)

Giới thứ ba:

Không được ép buộc người khác, kể cả trẻ em, theo quan điểm của mình, bất cứ bằng cách nào: uy quyền, sự mua chuộc, sự dọa nạt, sự tuyên truyền và giáo dục nhồi sọ. Phải tôn trọng sự khác biệt của kẻ khác và sự tự do nhận thức của họ. Tuy nhiên nên dùng những phương tiện đối thoại ái ngữ và bất bạo động để giúp người khác cởi bỏ cuồng tín và cố chấp.

Đó là giới thứ ba của dòng tu tiếp hiện, quý vị có học tập và giữ gìn giới ấy hay không?

(Chuông)

Giới thứ tư:

Không được trốn tránh thực tại khổ đau, nhắm mắt trước khổ đau và đánh mất ý thức về khổ đau của cuộc sống. Phải tìm tới những kẻ khổ đau. Bằng phương tiện tiếp xúc, tường thuật hình ảnh, âm thanh, nên thường xuyên tự đánh thức mình và đánh thức những người xung quanh về sự có mặt của những đau khổ hiện thực khắp nơi trên thế giới.

Đó là giới thứ tư của dòng tu Tiếp Hiện, quý vị có học tập và giữ gìn giới ấy hay không?

(Chuông)

Giới thứ năm:

Không nên tích lũy tiền bạc và của cải trong khi nhiều người đang đói khổ thiếu thốn. Không được đặt danh vọng và quyền hành làm mục tiêu của đời mình. Phải sống giản dị, và phải biết chia xẻ thời giờ, khả năng và tài vật mình có với những kẻ thiếu thốn.

Đó là giới thứ năm của dòng tu Tiếp Hiện, quý vị có học tập và giữ gìn giới ấy hay không?

(Chuông)

Giới thứ sáu:

Không được giữ tâm sân hận và oán thù. Phải quán từ bi để giải tỏa oán thù và phát tâm hoan hỷ đối với những người đã gây nên tâm niệm sân hận và oán thù của mình, ngay sau khi tâm niệm ấy phát sinh. Nên lấy con mắt từ bi để nhìn mọi người.

Đó là giới thứ sáu của dòng tu Tiếp Hiện. Quý vị có học tập và giữ gìn giới ấy hay không?

(Chuông)

Giới thứ bảy:

Không được buôn thả theo loạn tưởng và hoàn cảnh để tự đánh mất mình. Phải biết dùng hơi thở để nắm lấy thân tâm, thực hiện chánh niệm, phát triển định tuệ và đi tới trên đường thành tựu đạo nghiệp.

Đó là giới thứ bảy của dòng tu Tiếp Hiện. Quý vị có học tập và giữ giới ấy hay không?

(Chuông)

Giới thứ tám:

Không được nói và làm những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong đoàn thể và có thể làm tan vỡ đoàn thể. Phải sử dụng ái ngữ và hành động hòa giải để giúp giải quyết những vụ bất hòa, dù lớn hay nhỏ.

Đó là giới thứ tám của dòng tu Tiếp Hiện. Quý vị có học tập và giữ gìn giới ấy không?

(Chuông)

Giới thứ chín:

Không được nói dối để mưu cầu tài lợi và sự kính phục. Không được nói những lời gây chia rẽ, căm thù. Không được loan truyền những tin mình không biết là có thực. Không được phê bình và lên án những điều mình không biết chắc. Phải nói những lời chân thật và có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải. Phải có can đảm nói ra sự thật về những tình trạng bất công, dù hành động này có thẻ mang lại những đe dọa cho sự an thân của mình.

Đó là giới thứ chín của dòng tu Tiếp Hiện. Quý vị có học tập và giữ gìn giới ấy hay không?

(Chuông)

Giới thứ mười:

Không được lợi dụng đạo Phật và các đoàn thể giáo hội vào mục tiêu quyền binh. Không được biến các giáo đoàn thành những đảng hoạt động chính trị. Sống trung thực đời sống tâm linh và tôn giáo của mình, giáo đoàn, trong đó mình sống phải có thái độ rõ rệt về những tình trạng áp bức và bất công xã hội, và sử dụng ảnh hưởng mình để chuyển đổi các tình trạng ấy mà không nên dấn thân vào những cuộc tranh chấp phe phái.

Đó là giới thứ mười của dòng tu Tiếp Hiện. Quý vị có học tập và giữ gìn những giới ấy hay không?

(Chuông)

Giới thứ mười một:

Không được sống theo tà mệnh. Không được sinh sống bằng những nghề nghiệp có thể gây tàn hại cho người và thiên nhiên. Không được đầu tư và những giải pháp chuyên làm lợi cho một nhóm người trong khi tước đoạt môi trường và cơ hội sinh sống của những nhóm người khác. Nên chọn một nghề có thể giúp mình thực hiện được lý tưởng từ bi cứu khổ của đạo Phật.

Đó là giới thứ mười một của dòng tu Tiếp Hiện. Quý vị có học tập và giữ gìn giới ấy hay không?

(Chuông)

Giới thứ mười hai:

Không được giết hại sinh mạng, không được tán thành sự chém giết. Phải tìm mọi cách có thể để bảo vệ sinh mạng, ngăn chặn chiến tranh, xây dựng hòa bình.

Đó là giới thứ mười hai của dòng tu Tiếp Hiện. Quý vị có học tập và giữ gìn giới ấy hay không?

(Chuông)

Giới thứ mười ba:

Không được lấy làm tư hữu những tiền bạc và của cải không phải của mình tạo ra. Phải biết ngăn ngừa những kẻ tích trữ và làm giàu bất lương không kể gì đến sự đau khổ của những kẻ bị áp bức và thua thiệt.

Đó là giới thứ mười ba của dòng tu Tiếp Hiện. Quý vị có học tập và giữ gìn giới ấy hay không?

(Chuông)

Giới thứ mười bốn:

Không được đối xử với thân thể mình một cách khinh xuất. Phải biết bảo trọng thân thể mình, xem thân thể là đền thờ của tâm linh, là chiếc thuyền vượt biển. Phải học bảo tồn tinh, khí, và thần để có thể đủ năng lực hành đạo. Phải ý thức trọn vẹn trách nhiệm của mình về việc cho ra đời những sinh mạng mới và phải thường xuyên nghĩ tới môi trường sinh hoạt trong tương lai của những sinh mạng này.

Đó là giới thứ mười bốn của dòng tu Tiếp Hiện. Quý vị có học tập và giữ gìn giới ấy hay không?

(Chuông)

Thưa quý Anh quý Chị

Tôi đã làm xong nhiệm vụ chủ tọa buổi lễ thuyết giới do đại chúng giao phó. Tôi xin cảm ơn tất cả quý Anh quý Chị đã giúp tôi hoàn thành tất buổi thuyết giới một cách thanh tịnh. Xin tất cả cùng tôi chắp tay tụng bài hồi hướng và phát nguyện,

Trì thuyết giới thâm diệu

Tạo công đức vô biên

Đệ tử xin hồi hướng

Cho chúng sanh mọi miền

Pháp môn xin nguyện học

Ân nghĩa xin nguyện đền

Phiền não xin nguyện đoạn

Phật quả xin chứng nên

(Chuông)

Thi kệ

Thức dậy

Thức dậy mỉm miệng cười

Hăm bốn giờ tinh khôi

Xin nguyện sống trọn vẹn

Mắt thương nhìn cuộc đời

Đánh răng súc miệng

Đánh răng và súc miệng

Cho sạch nghiệp nói năng

Miệng thơm lời chính ngữ

Hoa nở từ vườn tâm

Vào thiên đường

Vào thiền đường

Thấy chơn tâm

Một ngồi xuống

Dứt trầm luân

Điều thân

Trong tư thế kiết già

Đóa hoa nhân phẩm nở

Ưu đàm hoa muôn thưở

Vẫn tỏa ngát hương thơm

Điều tức

Thở vào tâm tĩnh lặng

Thở ra miệng mỉm cười

An trú trong hiện tại

Giờ phút đẹp tuyệt vời

Thiền hành

Ý về muôn vạn nẻo

Thiền lộ tâm an nhiên

Từng bước gió mát dậy

Từng bước nở hoa sen

Uống trà

Chén trà trong hai tay

Chanh niệm dâng tròn đầy

Thân và tâm an trú

Bây giờ và ở đây

Bật đèn

Thất niệm là bóng đêm

Chánh niệm là ánh sáng

Đưa tỉnh thức trở về

Cho thế gian tỏ rạng

Nghe chuông

Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe

Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm

Ngồi thiền

Ngồi đây ngồi cội bồ đề

Vững thân chánh niệm không hề lãng xao

Mở kinh

Phật Pháp cao siêu huyền diệu

Ngàn đời chưa dễ gặp đâu

Giờ đây cơ duyên trì tụng

Nguyện xin đạt ý nhiệm mầu

Chắp tay chào

Sen búp xin tặng người

Một vị Phật tương lai

Mở kinh

Phật pháp cao siêu mầu nhiệm

Cơ duyên nay được thọ trì

Xin được đi vào biển tuệ

Tinh thông giáo nghĩa huyền vi

Điều hướng và cầu nguyện

Trì thuyết kinh thâm diệu

Tạo công đức vô biên

Đệ tử xin hồi hướng

Cho chúng sanh mọi miền

Pháp môn xin nguyện học

Ân nghĩa xin nguyện đền

Phiền não xin nguyện đoạn

Phật quả xin chứng nên

Kinh tất yếu Bát nhã ba la mật

Bồ Tát Quán Tự Tại

Khi quán chiếu thâm sâu

Bát Nhã Ba La Mật

(Tức diệu pháp trí độ)

Bỗng soi thấy năm uẩn

Điều không có tự tánh

Thực chứng điều ấy xong

Ngài vượt thoát tất cả

Mọi khổ đau ách nạn

Nghe đây Xá Lợi Tử

Sắc chẳng khác gì không

Không chẳng khác gì sắc

Còn lại bốn uẩn kia

Cũng đều như vậy cả

Xá Lợi tử nghe đây

Thể mọi pháp đều không

Không sanh cũng không diệt

Không nhơ cũng không sạch

Không thêm cũng không bớt

Cho nên trong tánh không

Không có sắc, thọ, tưởng

Cũng không có hành, thức

Không có nhãn, nhĩ, tỷ

Thiệt, thân, ý (sáu căn)

Không có sắc, thanh, hương

Vị, xúc, pháp (sáu trần)

Không có mười tám giới

(Từ nhãn đến ý thức)

Không hề có vô minh

Không có hết vô minh

Cho đến không Lão Tử

Không khổ, tập, diệt, đạo

Không trí cũng không đắc

Vì không có sở đắc

Khi một vị Bồ Tát

Nương diệu pháp trí độ

(Bát nhã ba la mật)

Thì tâm không chướng ngại

Vì tâm không chướng ngại

Nên không có sợ hãi

Xa lìa mọi mộng tưởng

Xa lìa mọi điên đảo

Đạt Niết Bàn tuyệt đối

Chư Phật trong ba đời

Y diệu pháp trí độ

(Bát nhã ba la mật)

Nên đắc vô thượng giác

Vậy nên phải biết rằng

Bát nhã ba la mật

Là linh chú đại thần

Là linh chú đại minh

Là linh chú vô thượng

Là linh chú tuyệt đỉnh

Là chân lý bất vọng

Có năng lực tiêu trừ

Tất cả mọi khổ nạn

Cho nên tôi muốn thuyết

Câu thần chú trí độ

Bát nhã ba la mật

Nói xong đức Bồ Tát

Liền đọc thần chú rằng

Gate

Gate

Paragate

Parasamgate

Bodhi

Svaha.

Đọc An trú trong hiện tại, chương 01 tại đây.

Đọc An trú trong hiện tại, chương 02 tại đây.

Đọc An trú trong hiện tại, chương 03 tại đây.

Đọc An trú trong hiện tại, chương 04 tại đây.

Đọc An trú trong hiện tại, chương 05 tại đây.

Đọc An trú trong hiện tại, chương 06 tại đây.

Đọc An trú trong hiện tại, chương 07 tại đây.

Đọc An trú trong hiện tại, chương 08 tại đây.

Đọc An trú trong hiện tại, toàn tập tại đây.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Thích Nhất Hạnh | Thiền nam chỉ tập

Thích Nhất Hạnh | Thiền nam chỉ tập

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân khai sáng chánh niệm giúp…

Thích Nhất Hạnh | Giận (Chương 07)

Thích Nhất Hạnh | Giận (Chương 07)

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân khai sáng chánh niệm giúp…

Đăng ký nhận bảng tin hàng tuần

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.