Thích Nhất Hạnh | Đạo Phật của tuổi trẻ (Chương 03)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.
· 28 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Chúng ta thuộc về truyền thống đạo Bụt, chúng ta cũng có những phương pháp thực tập như tụng kinh, hộ niệm, niệm Bụt.
Bảo vệ nơi trú ẩn cuối cùng
Xã hội mà ta đang sống ngày hôm nay đầy dẫy những chất liệu độc hại, căm thù, bạo động, cám dỗ, thèm khát, và tuyệt vọng. Có rất nhiều gia đình tan nát bởi nhiều lý do khác nhau. Có thể là vì rượu, vì ma túy, có thể vì sắc dục, vì danh lợi, danh vọng hão huyền, có thể vì ganh ghét, vì nghi ngờ. Trong học đường cũng có rất nhiều độc tố: độc tố của bạo động, của căm thù. Vì vậy khi ta gởi con ta đi vào trường hay gởi con ta đi vào xã hội thì ta rất lo lắng. Lo lắng là phải! Tại vì con ta đi học về, đi chơi với các bạn về, đi sinh hoạt trong xã hội về thì con ta mang theo những cái mà ta không nhận ra trong nếp sống và truyền thống của văn hóa mình. Chúng ta lo lắng, muốn gởi con mình vào một môi trường tốt, và khi nhìn quanh thì chỉ thấy còn có chùa, có Gia Đình Phật Tử thôi.
Do đó nhiều bậc phụ huynh rất muốn gởi gắm con cho chùa và cho Gia Đình Phật Tử. Nhiều khi các em không muốn tới chùa, không muốn tới với Gia Đình Phật Tử nhưng mà bị cha mẹ bắt ép thành ra phải tới, và tới một cách gượng gạo, không có hạnh phúc mấy. Có nhiều em nói rằng: Ba má con bắt con đi chùa, nhưng mà tới chùa con thấy thầy hút thuốc thì con chán vô cùng! Các em chán là phải! Tại vì khi tới chùa thì ta ao ước thấy một cái gì trong sáng, lành và đẹp. Mà nếu ta chỉ gặp vị thầy không biết sử dụng ngôn ngữ từ ái, thầy cứ la mắng, thầy hút thuốc, thầy uống bia, thì làm sao ta có thể có hạnh phúc được? Còn các Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử, nếu họ cứ làm khổ nhau, nếu họ không hiểu nhau, không sống với nhau có hòa điệu, có hạnh phúc thì làm sao ta có niềm tin được? Do đó trú địa cuối cùng, chỗ ẩn náu cuối cùng của ta là chùa, là Gia Đình Phật Tử mà mất đi thì ta rất bơ vơ. Mà các bậc cha mẹ không biết rằng chùa hay Gia Đình Phật Tử cũng là công trình xây dựng của mình.
Nếu ta không góp công, góp sức vào để xây dựng ngôi chùa của ta, để xây dựng Gia Đình Phật Tử của ta thì làm sao ta mong mỏi có một ngôi chùa chỉnh đốn, có một Gia Đình Phật Tử chỉnh đốn? Ta cứ nghĩ rằng gởi con cho chùa, cho Gia Đình Phật Tử là đủ thì đâu được. Ta đã không có sức bảo vệ cho con, nuôi dưỡng con về phương diện tinh thần và đạo đức nên ta mới gởi con vô chùa, gởi con cho Gia Đình Phật Tử. Nhưng mà chùa và Gia Đình Phật Tử rất cần sự yểm trợ của ta để có thể làm tròn sứ mạng mà Đức Thế Tôn giao phó và ta mong đợi. Khi ta giao phó con ta cho chùa, cho Gia Đình Phật Tử tức là ta có niềm tin vào đó, nhưng nếu ta không góp sức yểm trợ thì chùa và Gia Đình Phật Tử có thể không đạt được phẩm chất mà ta ước mong.
Cho nên bổn phận của các phụ huynh là phải lưu tâm, phải có lòng ưu ái đối với chùa, với thầy, với Gia Đình Phật Tử, và phải làm tất cả những gì mà ta có thể làm để yểm trợ cho nơi trú ẩn cuối cùng đó. Bởi vì khi trú địa cuối cùng bị mất đi thì không còn chỗ nào cho ta và cho con cháu ta nương tựa nữa.
Tâm thư cho phụ huynh
Sáng nay, trong khi đại chúng ngồi thiền tôi có soạn thảo ra một vài tiêu đề cho Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử, có thể làm ra một tờ bướm nhỏ nói về mục đích, đường lối, phương pháp của Gia Đình Phật Tử và kêu gọi giới phụ huynh yểm trợ để Gia Đình Phật Tử có thể làm được nhiệm vụ mà Tam Bảo và phụ huynh giao phó. Tôi đã ngồi xuống với tất cả trái tim của tôi. Tôi đã ngồi viết để giúp quý vị nói về mục đích và phương pháp của Gia Đình Phật Tử với lời kêu gọi sự yểm trợ từ phía gia đình các em để mình có thể làm được phận sự mà mình đã được Đức Thế Tôn, đã được các gia đình các em giao phó.
Tôi viết xuống rất đơn giản. Đây chỉ là một vài ý sơ lược, các vị trong Ban Hướng Dẫn, với tài năng của quý vị sẽ phát triển những ý đó và trình bày khéo léo để tài liệu này có thể được sử dụng như một tài liệu căn bản của Gia Đình Phật Tử. Tài liệu này có thể được sử dụng để thiết lập quan hệ tốt giữa ta và giới phụ huynh vì nếu giới phụ huynh không yểm trợ ta thì không thể nào chúng ta có thể thành công được.
Gia Đình Phật Tử là một tổ chức nuôi dưỡng và giáo dục thanh thiếu niên theo tinh thần và đường hướng Phật giáo. Các Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử đã được huấn luyện và đào tạo để hướng dẫn các đoàn sinh sống theo nếp sống hiếu thuận, từ hòa, hiểu biết và thương yêu của truyền thống đạo Bụt. Học đường và xã hội ngày nay có quá nhiều chất liệu cám dỗ, bạo động, căm thù, nghi kỵ và thèm khát. Phụ huynh vì lo sợ con em bị nhiễm độc bởi những chất liệu ấy nên thao thức muốn con em được nương tựa vào một nếp sống tâm linh để được bảo vệ và nuôi dưỡng bằng những chất liệu lành mạnh của nền đạo lý dân tộc. Vì vậy quý vị đã gởi con em mình vào Gia Đình Phật Tử. Các Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử tuy đạo hạnh và tài năng chưa thật toàn hảo nhưng ai cũng đã được huấn luyện và tu học liên tục để càng ngày càng có thêm khả năng bảo vệ và nuôi dưỡng đoàn sinh của mình. Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử cố tâm thực tập cho bản thân và cho gia đình mình; bồi đắp chất liệu hòa thuận, tin yêu và hạnh phúc cho gia đình mình trong khi dạy dỗ và hướng dẫn các em tại đoàn quán để rồi các em cũng học được các phương thức ấy mà làm tăng tiến chất liệu hòa thuận, tin yêu và hạnh phúc trong gia đình của chính các em. Phụ huynh đã gởi con em cho tổ chức Gia Đình Phật Tử thì xin yểm trợ cho đoàn và cho con em mình trong việc áp dụng những pháp thực tập ấy trong gia đình mình. Nếu phụ huynh thực tập Năm Giới vững vàng, cố gắng dành thì giờ để tham dự vào những buổi sinh hoạt, tụng giới và những ngày quán niệm do Gia Đình Phật Tử tổ chức và cộng tác với các em trong việc tổ chức tu học tại nhà thì đó là một yểm trợ rất lớn cho Gia Đình Phật Tử. Có thế thì các Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử mới làm tròn được bổn phận nuôi dưỡng và bảo vệ các em trong môi trường độc hại của xã hội hiện giờ. Các Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử mong mỏi quý vị phụ huynh cùng đi với các em trên con đường tu học. Bởi vì nếu không có quý vị tán đồng và yểm trợ thì chúng tôi không thể nào làm tròn được sứ mạng mà quý vị giao phó. Mỗi đoàn sinh có thể có những khổ đau và khó khăn tại học đường, tại gia đình và ngoài xã hội. Chúng tôi mong được cộng tác với quý vị phụ huynh để nhận diện được những khổ đau và khó khăn ấy của các em mà tìm ra những biện pháp hữu hiệu để giúp các em và gỡ rối cho các em. Gia Đình Phật Tử rất cần những lưu tâm và yểm trợ của quý vị.
Đây là những ý chính, Ban Hướng Dẫn cũng như các Huynh Trưởng có thể tổ chức pháp đàm để làm ra một văn bản chính thức, được Đại Hội chấp thuận và đem ra thực hành. Đó là một trong các món quà tặng cho tổ chức Gia Đình Phật Tử.
Thực tập với các em
Trong văn kiện này có một vài ý quan trọng. Câu: Các Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử mong mỏi quý vị phụ huynh cùng đi với các em trên con đường tu học. Bởi vì nếu không có quý vị tán đồng và yểm trợ thì chúng tôi không thể nào làm tròn được sứ mạng mà quý vị giao phó.
Có nghĩa là quý vị đừng có khoán trắng con em quí vị cho chúng tôi, quý vị phải đóng góp một phần trách nhiệm. Nếu các em thực tập Năm Giới, không uống rượu, không sử dụng ma túy, không nói lời ác ngữ, mà quý vị không thực tập những điều đó thì làm sao các em thành công được! Chúng tôi sẽ hoàn toàn thất bại. Và vì vậy nếu muốn các em nên người, nếu muốn các em được nuôi dưỡng bởi những chất liệu từ hòa và an lạc của đạo Bụt thì quý vị cũng phải thực tập với các em. Nếu quý vị không thực tập thì các em sẽ đau khổ, các em sẽ nói: Ở nhà, ba má em không có thực tập, vậy thì làm thế nào mà em thực tập được?
Như tiếng chuông chẳng hạn, nếu ba má không thực tập thì làm sao em có thể thực tập tiếng chuông chánh niệm hay là phòng thở được. Cho nên phải có sự liên minh rất chặt chẽ giữa Huynh Trưởng và phụ huynh thì ta mới làm tròn được sứ mạng của Tam Bảo giao phó. Một cuộc vận động phải được khởi ra để có sự đối thoại với phụ huynh và để mời phụ huynh tham dự. Đó là vì tương lai của các em chứ không phải vì ta muốn quyên tiền để làm đoàn quán hay làm gì khác. Vấn đề là chính vì con em của ta mà ta phải đóng góp phần của ta, chứ nếu quý vị bỏ luống và khoán trắng cho chúng tôi thì chắc chắn là chúng tôi sẽ thất bại. Chúng tôi là cá, chúng tôi cần phải có nước thì mới bơi được.
Hợp tác với Huynh trưởng
Xin quý vị trong Ban Hướng Dẫn Trung Ương cũng như Huynh Trưởng nam nữ của đơn vị gia đình pháp đàm thật sâu sắc và đi tới một văn bản đầy đủ, không cần dài. Ta có thể chỉ cần một trang thôi, nhưng trong nội bộ chúng ta cần nắm thật vững để rồi chúng ta có thể đối thoại với giới phụ huynh. Trong này có nhiều câu mà chúng ta có thể suy nghĩ thêm: Các Huynh Trưởng tuy đạo hạnh và tài năng chưa toàn bích, chưa hoàn hảo, đó là sự khiêm nhượng của mình, có phải không? Nhưng sự thật là vậy, sự thực là chúng ta chưa được hoàn hảo. Các thầy, các sư cô cũng vậy, không có ai hoàn hảo hết; nhưng ai cũng đã được huấn luyện và tu học liên tục để càng ngày càng có thêm khả năng bảo vệ và nuôi dưỡng đoàn sinh của mình. Đây là điều mà khi đọc lên là một lời phát nguyện cho chính ta. Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử cố tâm thực tập cho bản thân và trong gia đình mình; bồi đắp chất liệu hòa thuận, tin yêu và hạnh phúc cho gia đình mình trong khi dạy dỗ và hướng dẫn các em tại đoàn quán. Cái đó là tự lợi và lợi tha đi đôi cùng một lúc, và khi đọc câu này thì ta ý thức rằng ta không thể không thực tập trong gia đình của mình. *… *để rồi các em cũng học được các phương thức ấy,_ tại vì học trực tiếp bằng thân giáo từ anh, từ chị, bằng cái hạnh của anh và của chị chứ không phải học bằng lời nói từ các anh, các chị.
Khi các em học được những điều đó thì các em sẽ đem về nhà để áp dụng. Nhưng khi đem về nhà mà không có sự yểm trợ và đồng ý của phụ huynh thì các em sẽ thất bại. Vì vậy sự hợp tác giữa phụ huynh và giới Huynh Trưởng trong Gia Đình Phật Tử rất thiết yếu cho sự thành công.
Chúng ta biết rằng Gia Đình Phật Tử không phải chỉ dùng để làm văn nghệ cho chùa, dù chúng ta sẵn sàng làm văn nghệ, cũng như chúng ta sẵn sàng yểm trợ cho chùa, cho thầy. Mục đích của chúng ta không phải chỉ có chừng đó, mục đích của chúng ta lớn hơn nhiều. Mục đích chúng ta là phải chuyển hóa xã hội này cho bớt bạo động, bớt căm thù, bớt nghi kỵ, bớt chia rẽ. Quý vị có biết rằng đồng bào mình đã ra nước ngoài mấy chục năm rồi mà cũng còn rất nhiều người ôm ấp lấy cái quá khứ thù hận không buông ra được; và do đó không sống được trong giờ phút hiện tại để có niềm vui mà nuôi dưỡng các con. Nếu ta không có tình thương và niềm vui, ta cứ sống bằng chất liệu hận thù hoài thì làm sao các con ta có chất liệu bổ dưỡng?
Làm cho người ta buông bỏ được quá khứ, buông bỏ được hận thù để có thể sống an lạc trong hiện tại, đó là một trong những sứ mạng của người Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử. Quý vị cần phải được nâng đỡ, được khuyến khích, được vỗ về và nhiều khi các thầy không thấy được nỗi khổ đau, khổ tâm của quý vị. Quý vị không được hạnh phúc lắm, nhưng mà ít nhất cũng có những người hiểu thấu được những khó khăn, hoàn cảnh của quý vị và luôn luôn yểm trợ cho quý vị trong công trình thực tập và xây dựng này. Chúng tôi, các thầy và các sư cô ở Làng Mai luôn luôn lưu tâm và theo dõi những hành động và những khó khăn của quý vị để có thể yểm trợ cho quý vị.
Đây có thể gọi là một bức tâm thư của Gia Đình Phật Tử gởi tới gia đình các em và nói rất rõ rằng nếu quý vị không giúp chúng tôi thì chúng tôi cũng chịu thôi, không thể nào chăm sóc được em bé hoàn toàn mà quý vị gởi tới. Trước hết ta phải nói tới hoàn cảnh rất xấu của em bé trong hoàn cảnh phức tạp của xã hội. Em bé bị bao quanh bởi nhiều độc tố: độc tố của cám dỗ, của bạo động, của căm thù, của nghi kỵ, của thèm khát và em bé có thể đã bị thương tích trầm trọng trong tâm hồn. Có thể em bé đang có vấn đề với ba, với chị, với mẹ.
Có thể em bé đã có những chất liệu của bạo động, của thèm khát, của hận thù, của sự nghiện ngập. Do đó, tại trường em bé không có khả năng học; em học không vô nữa vì những khổ đau tiếp nhận trong gia đình hơi nhiều rồi mà khi tới trường lại tiếp nhận thêm nhiều yếu tố tiêu cực nữa. Thành ra tình trạng của em bé có thể là đang rất khó khăn, rất nguy ngập. Mỗi tuần em bé đến sinh hoạt với đoàn của ta được vài ba giờ đồng hồ thì có thấm gì đâu. Đó là trong trường hợp ta có thì giờ, có sự vững chãi, có sự thương yêu, có phương pháp cụ thể. Còn nếu trong trường hợp ta cũng không có thì giờ, cũng chưa được huấn luyện và tu tập đàng hoàng thì cơ hội đó còn bé nhỏ hơn nữa.
Chúng ta không tự hào rằng chúng ta là những Huynh Trưởng đã được huấn luyện chu đáo, đã được huấn luyện tới mức độ toàn hảo, có đủ đạo đức, có đủ phương pháp để bảo vệ, nuôi dưỡng và chữa trị cho các em. Ta không dám nói như vậy vì thật ra ta cũng bị thương tích như các em một phần nào đó. Ta cũng có những đau khổ của ta, ta cũng có những khó khăn của ta. Và đôi khi, ta cũng không biết những biện pháp để hóa giải, để chuyển hóa những đau khổ cũng như sợ hãi, những tuyệt vọng của ta nữa thì làm thế nào ta có thể giúp được các em?
Hai chị em hay hai anh em cùng mặc đồng phục của GĐPT nhưng không có nghĩa là cả hai đang cùng có chất liệu yêu thương, có sự hòa thuận, có sự tin yêu, có sự vui vẻ, có sự vững chãi, hoặc có sự thanh thản như nhau. Vì vậy cho nên hình thức không đủ bảo đảm. Do đó, nếu không có sự yểm trợ của quý vị, chúng tôi không thể làm được những việc mà quý vị giao phó.
Đừng phó mặc các em!
Tôi xin đọc lại vài câu: Học đường và xã hội ngày nay có quá nhiều chất liệu cám dỗ, bạo động, căm thù, nghi kỵ và thèm khát. Tình trạng đó là tình trạng chung của tất cả chứ không phải chỉ là tình trạng riêng của những em bé Việt Nam sống tại hải ngoại. Trẻ em Hoa Kỳ, trẻ em Canada cũng như trẻ em của chúng ta cũng đang sống trong hoàn cảnh đó. Tất cả những độc tố mỗi ngày đều đi vào trong các em. Khi các em coi vô tuyến truyền hình thì độc tố của sự thèm khát, sợ hãi, kỳ thị, tuyệt vọng, căm thù cũng đi vào tâm hồn của các em.
Có thể là ban đêm các em bị những cơn ác mộng, các em la, các em hét, các em khóc; nhưng vì ta bận bịu quá, có khi không lo được cho chính ta thì làm sao có thì giờ và cơ hội để lo cho các con của ta. Nên chúng ta cứ phó mặc các em cho xã hội, cho máy truyền hình và cho chốn học đường đầy dẫy những thành phần chất chứa bạo động căm thù. Con nít bây giờ, khi giận lên mà có súng thì có thể cầm súng bóp cò rất dễ dàng. Ở đất nước này người ta có quyền mua súng tự do và vì coi TV thấy cảnh đó quen rồi, khi nào bất như ý là con nít rút súng ra hành xử như các chàng cao bồi trong phim vậy. Các cháu học quá nhiều trong trường học, học không kịp thở, không kịp ăn. Nhưng tại trường học các cháu chưa bao giờ được học các phương pháp để chăm sóc và quản lý cái buồn, cái lo, cái khổ đau, cái giận của mình. Vì vậy, mỗi khi đi vào một hoàn cảnh bất như ý thì em bé phản ứng lại rất bạo động.
Nếu không có súng thì dùng gậy, nếu không có gậy thì dùng đá, nếu không có đá thì dùng tay chân và dùng những lời nói rất tục tĩu, rất bạo động. Sự kiện này không phản chiếu được một chút nào nếp sống văn hóa tâm linh của cha ông chúng ta ngày trước, khi các chất liệu sợ hãi và bạo động có đầy trong tâm rồi thì phản ứng của em bé chỉ có thể là bạo động mà thôi. Và ta cũng không thể trách con ta tại sao lại bạo động như vậy được. Nếu có súng ở đó, nó sẽ cầm súng lên. Nếu có gậy ở đó, nó sẽ cầm gậy lên. Nếu có cục đá ở đó, nó sẽ cầm cục đá lên. Tại vì nó cần những cái đó để biểu lộ sự giận hờn của nó.
Và cũng tại vì chưa có ai, kể cả cha mẹ, từng dạy cho cháu biết mỗi khi giận phải làm gì để có thể quản lý cái giận của mình, để mình có thể tiếp tục cư xử như một người có văn minh và đừng để gây đổ vỡ, tù tội.
Yểm trợ Gia đình phật tử là yểm trợ con em mình
Chúng ta đâu có nghĩ là khi qua đất nước này những người trẻ của chúng ta sẽ đi vào tù. Nhưng mà con số người trẻ Việt Nam đã vào tù không phải là ít và đã đi theo băng đảng rất nhiều. Gia Đình Phật Tử chúng ta đã làm được gì để ngăn chặn cái đà phá sản của văn hóa và đạo đức dân tộc? Chùa, thầy đã giúp cho chúng ta được tới mức nào để ta làm được những việc đó?
Phụ huynh ở các gia đình đã yểm trợ tới mức nào để ta có thể làm những công việc thiên nan, vạn nan đó? Vấn đề của ta là nếu ta không tới với nhau trong một khung cảnh thanh tịnh, tập thở, tập đi, tập ăn cơm trong chánh niệm thì làm sao ta có đủ sự trầm tĩnh trong hiện tại để tìm ra một hướng đi, tìm ra được biện pháp thực tập chung để đưa ta và con em ta ra khỏi tình trạng này. Làm thế nào để ta có những biện pháp hữu hiệu bảo vệ thân và tâm của ta, bảo vệ thân và tâm của em bé? Sứ mạng của Gia Đình Phật Tử rất lớn, sứ mạng của các anh chị Huynh Trưởng rất lớn!
Xin quý vị phụ huynh cộng tác với chúng tôi, yểm trợ cho Gia Đình Phật Tử mà trong ấy có con em mình, và yểm trợ cho con em mình áp dụng phương pháp thực tập ấy trong phạm vi gia đình. Nghĩa là thưa quý bác, quý bác cũng thực tập như cháu, quý bác cũng thực tập như em, đều phải lựa lời nói dịu dàng, đều phải lựa lời nói thanh nhã. Đó là nhiệm vụ của tất cả chúng ta. Gia Đình Phật Tử phải đưa cả hai tay, một tay ôm lấy gia đình em bé, một tay ôm lấy cái xã hội và học đường của em bé. Sứ mạng của Gia Đình Phật Tử rất nặng. Vì vậy xin các bác yểm trợ cho Gia Đình Phật Tử, yểm trợ cho con em của mình trong việc áp dụng những phương pháp thực tập ấy trong gia đình mình.
Nói rõ hơn nữa, nếu quý vị phụ huynh thực tập Năm Giới cho vững vàng, cố gắng dành thì giờ để tham dự vào những buổi tụng giới, tham dự vào những ngày quán niệm, những khóa tu do Gia Đình Phật Tử tổ chức và cộng tác với các em trong việc tu học tại nhà thì đó là sự yểm trợ rất lớn cho Gia Đình Phật Tử. Có phải là ta muốn kéo gia đình các em vào các sự thực tập hay không? Làm sao em có thể thành công nếu trong gia đình không có sự thực tập? Nếu không có sự yểm trợ của gia đình thì hành động của ta, công tác của ta như nước đổ lá khoai, ta chữa trị được một chút, ta nuôi dưỡng được một chút thì khi về nhà, các em lại bị làm hư như cũ và công việc của chúng ta là công việc dã tràng xe cát biển Đông.
Dã tràng xe cát biển Đông,
Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì.
Cho nên ta đừng có ao ước viển vông là có thể nuôi dưỡng được em bé nếu gia đình của em bé không cộng tác với ta. Đây là lời kêu gọi bằng nước mắt, bằng máu, bằng tâm huyết. Xin quý vị phụ huynh yểm trợ cho chúng tôi, nếu không chúng tôi không thể làm được công việc chăm sóc các em bé. Phải nói câu đó lên bằng trái tim mình. Phải nói một lần, hai lần, mười lần, một trăm lần, một ngàn lần cho đến khi nào gia đình của em bé hiểu được sự thật rằng ta không thể làm gì được nếu không có sự yểm trợ của gia đình và nếu ta có sự yểm trợ của gia đình thì không những ta giúp được cho em bé mà ta giúp luôn cho cả học đường.
Quý vị là con cháu của đạo Phật, một tôn giáo mà truyền thống tâm linh đã có mặt tại đất nước mình trên 2000 năm rồi. Quý vị có khả năng, có thể làm được chuyện đó để giúp các Huynh Trưởng bảo vệ, nuôi dưỡng con em mình, và nuôi dưỡng luôn gia đình các em; chữa trị cho con em mình và chữa trị luôn cho gia đình các em nữa. Có như vậy, chúng ta mới có thể cứu chữa tình trạng xã hội. Đó là lời yêu cầu để giúp cho sự tu học của các em, chứ không thì những điều em học được ở chùa về nhà em chẳng thực tập được. Nếu quý vị phụ huynh làm được những việc đó thì đó là một sự yểm trợ rất lớn cho Gia Đình Phật Tử và có như thế, các Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử mới làm tròn được bổn phận nuôi dưỡng và bảo vệ các em trong môi trường rất xấu của xã hội hiện tại.
Nhiều phụ huynh hay quên là môi trường của các em rất xấu, phần lớn các em sau khi tiếp xúc với môi trường đó rồi trở về mang đầy thương tích, rác rến thì họ chỉ biết la rầy thôi. Ai làm cho các em vướng vào những rác rến, những xấu xa đó? Có phải chính ta làm không? Ta đã gởi các em ra môi trường đó rồi đến khi các em bị thương tích trở về thì ta không nhìn, lại la mắng. Các Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử mong quý vị đi cùng với các em trên con đường tu học. Thông điệp này rất rõ ràng, ta không thể để các em đi một mình trên con đường tu học. Quý vị phải cùng tu học chung với các em. Chúng tôi, những người Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử sẵn sàng tiếp tay với quý vị để quý vị có thể đi được với các em. Bởi vì không có quý vị tán đồng và yểm trợ thì chúng tôi không thể làm tròn được sứ mạng mà quý vị giao phó.
Đây không phải là lời dọa nạt mà là một sự thật. Ở Làng Mai, có nhiều em về tu học được chuyển hóa và tiếng đồn đưa về thành phố, rồi có nhiều bậc phụ huynh thấy con em mình hư quá trời, họ gởi lại cho Làng Mai nhưng họ không chịu về tu học. Họ làm như Làng Mai là một cái máy, nhét em bé vào đầu này rồi cái máy quay quay một số vòng thì sang đầu bên kia thành một em bé ngoan và gởi về lại cho họ. Họ nghĩ như vậy đấy. Và chúng tôi luôn luôn nhắc họ rằng, nếu quý vị không về tu học chung với các em thì những cố gắng của chúng tôi không có kết quả bền bỉ. Quý vị phải về Làng với các em, phải tham dự các khóa tu mỗi năm, chứ để đến khi nào có vấn đề, hoặc con hư không chịu nổi thì mới chịu cho con về và nhiều khi mình cũng không chịu về với con, khoán trắng cho các thầy, các sư cô và các anh, các chị ở lại thì trong trường hợp đó chúng tôi không có trách nhiệm.
Chúng tôi nói là nếu quý vị không về tu học thì chúng tôi chịu thôi, chứ chúng tôi không thể nào chữa trị và nuôi dưỡng em bé. Tại vì nuôi dưỡng, chữa trị được, gởi về môi trường cũ là em bị hư hỏng lại lập tức. Tại vì quý vị không có sự cộng tác trong sự tu học. Nếu quý vị không tán đồng và yểm trợ thì chúng tôi không thể làm tròn sứ mạng mà quý vị giao phó. Quý vị cũng không thể nói rằng Huynh Trưởng không làm được những việc mình trông cậy họ làm bởi vì mỗi đoàn sinh có thể có những khổ đau và khó khăn tại học đường, trong gia đình và ngoài xã hội. Sự thực là dù các em mới có năm hay sáu tuổi thì cũng bắt đầu có những khổ đau và khó khăn rồi. Người Huynh Trưởng, giống như một người bác sĩ, phải có hồ sơ của từng em, phải biết bối cảnh gia đình, bối cảnh xã hội của từng em. Phải thấy rõ ta mới có thể chữa trị được và nuôi dưỡng em được. Làm sao anh có thể dạy em, có thể làm cho em hết khổ, có thể trị liệu được cho em nếu anh không biết gì về quá khứ của em, không biết gì về cha mẹ, về đời sống xã hội, tâm linh, và gia đình của em chứ.
Người Huynh Trưởng phải biết quá khứ của người đoàn sinh của mình và phải cộng tác với bố mẹ của em, với thầy giáo của em và những người khác nữa mới có thể hiểu em một cách tường tận. Và sự hiểu biết đó giúp ta đưa ra những phương pháp thực tập để chữa trị và nuôi dưỡng các em. Một lần nữa, sứ mạng của người Huynh Trưởng rất lớn nhưng họ không làm được nhiều nếu không có sự hỗ trợ và cộng tác của gia đình, phụ huynh và những người khác.
Chúng tôi mong quý vị phụ huynh hiểu rõ để có thể cộng tác với chúng tôi trong việc nhận diện khổ đau và trị liệu cho các em.
Đọc Đạo Phật của tuổi trẻ, chương 01 tại đây.
Đọc Đạo Phật của tuổi trẻ, chương 02 tại đây.
Đọc Đạo Phật của tuổi trẻ, chương 03 tại đây.
Đọc Đạo Phật của tuổi trẻ, chương 04 tại đây.
Đọc Đạo Phật của tuổi trẻ, toàn tập tại đây.