Thích Nhất Hạnh | Tĩnh lặng | Chương 05

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.

 · 30 phút đọc.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.

Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tôi vẫn còn nhớ khoảng thời gian ở Huế, năm 1947, khi còn là học tăng ở Phật Học Viện Báo Quốc, không xa chùa Tổ bao nhiêu (chùa Tổ là nơi tôi được xuất gia và tu học). Lúc đó, quân đội Pháp đã chiếm đóng toàn bộ vùng này và thiết lập căn cứ quân sự ở đây. Vì vậy, chung quanh chúng tôi thường nghe tiếng súng nổ giữa quân đội Pháp và lính Việt Nam. Những người dân sống trên các đồi cao thường lập nên những pháo đài bảo vệ. Có những đêm dân làng phải rút vào nhà để tránh những đợt nã súng. Buổi sáng khi thức dậy, có khi người ta thấy vài thi thể rớt lại từ trận đánh của đêm trước với những khẩu hiệu trên đường được viết bằng vôi trắng hòa với máu. Thỉnh thoảng, cũng có các tu sĩ đi ngang qua những con đường vắng vẻ này nhưng hầu như không ai dám đi vào khu vực đó, đặc biệt là những người dân thành phố Huế vừa mới trở về sau đợt sơ tán. Cho dù chùa Báo Quốc nằm gần nhà ga, cũng hiếm có ai liều mạng đến đó, điều ấy cũng nói lên được sự hiểm nguy của vùng này.

Mỗi tháng, từ Phật Học Viện Báo Quốc, tôi thường về thăm chùa Tổ một lần. Sáng hôm ấy, trời còn khá sớm, khi những giọt sương còn đọng trên đầu ngọn cỏ, tôi về thăm chùa Tổ, trong đãy mang theo một chiếc y và vài quyển kinh, trên tay cầm chiếc nón lá. Tôi thấy lòng nhẹ nhàng, hân hoan khi nghĩ đến chuyện được thăm Thầy, thăm huynh đệ và thăm ngôi chùa cổ kính, uy nghiêm.

Vừa băng qua ngọn đồi, tôi bỗng nghe một tiếng gọi lớn. Trên đỉnh đồi, phía trên con đường, tôi thấy một người lính Pháp đang vẫy tay ngoắt tôi lại. Tôi nghĩ anh ta đang chọc ghẹo tôi vì tôi là một ông thầy tu, nên tôi quay lại và tiếp tục đi xuống đường. Nhưng bỗng nhiên, tôi có cảm giác đó không phải là chuyện chọc phá. Tôi nghe tiếng gót giầy của anh lính Pháp chạy theo sau lưng tôi. Có lẽ anh ta muốn tìm tôi, cái đảy tôi mang theo trông có vẻ đáng nghi ngờ. Tôi ngừng lại và đứng đợi. Một người lính trẻ, với khuôn mặt gầy nhưng đẹp trai, tiến lại gần tôi.

Anh đi đâu đó? Anh ta hỏi tôi bằng tiếng Việt. Qua cách phát âm, tôi biết anh ta là người Pháp và vốn liếng tiếng Việt của anh còn rất giới hạn.

Tôi mỉm cười và hỏi anh bằng tiếng Pháp: Nếu tôi trả lời bằng tiếng Việt anh có hiểu không?

Khi nghe tôi nói bằng tiếng Pháp, gương mặt anh sáng lên. Anh nói rằng anh không có ý định điều tra tôi, anh chỉ muốn hỏi tôi một vài điều. Thầy sống ở chùa nào? Anh ta hỏi.

Khi tôi trả lời là tôi đang sống ở chùa Báo Quốc, anh ta trông có vẻ thích thú.

Chùa Báo Quốc, anh ta lặp lại. Đó có phải là ngôi chùa lớn trên đồi gần nhà ga không?

Khi tôi gật đầu, anh bèn chỉ lên một trạm bơm (pump house) trên đồi, với vẻ cảnh giác, và nói: Nếu thầy không quá bận, chúng ta hãy lên trên kia nói chuyện một lát. Chúng tôi ngồi xuống gần trạm bơm, anh ta kể cho tôi nghe về cuộc viếng thăm chùa Báo Quốc của anh và 5 người lính khác cách đó 10 ngày. Họ đến chùa vào lúc 10 giờ tối để lùng sục Việt Minh sau khi được nghe báo cáo là Việt Minh sẽ tụ tập ở đó.

Chúng tôi mang theo súng và quyết bắt cho được họ. Chỉ thị của cấp trên là bắt họ, thậm chí thủ tiêu họ nếu cần thiết. Nhưng khi vào trong chùa, chúng tôi rất sửng sốt.

Bởi vì có quá đông Việt Minh ở đó hả?

Không, không. Anh ta kêu lên. Nếu thấy Việt Minh, chúng tôi đã không sửng sốt. Chúng tôi sẽ tấn công cho dù có nhiều bao nhiêu đi nữa.

Vậy các anh ngạc nhiên vì điều gì?

Những gì xảy ra quá bất ngờ cho tôi. Trong quá khứ, bất kể nơi nào chúng tôi lùng sục, hoặc là người ta bỏ chạy hoặc là người ta rơi vào tình trạng sợ hãi, hoảng loạn.

Người ta đã bị khủng bố quá nhiều lần, cho nên họ mới sợ hãi bỏ chạy. Tôi giải thích.

Tôi không có thói quen khủng bố hoặc đe dọa người khác. Anh trả lời. Có lẽ vì họ đã bị hại bởi những người đến trước chúng tôi nên họ hoảng sợ như vậy.

Nhưng khi chúng tôi vào đến sân chùa Báo Quốc, chúng tôi có cảm tưởng như lạc vào một nơi hoàn toàn hoang vắng. Những cây đèn dầu được vặn rất nhỏ. Chúng tôi cố tình dậm chân thật mạnh trên nền sỏi, tôi có cảm giác rằng có rất nhiều người trong chùa, thế nhưng chúng tôi lại không nghe tiếng ai cả. Mọi thứ im lặng khủng khiếp. Tiếng la lối của những người bạn tôi làm tôi thấy khó chịu. Không ai trả lời. Tôi mở đèn pin lên, soi vào một căn phòng mà chúng tôi nghĩ là không có ai trong đó, và tôi thấy khoảng 50, 60 vị tu sĩ đang ngồi thiền trong yên lặng.

Đó là vì các anh đã đến đúng vào giờ ngồi thiền. Tôi gật đầu, nói.

Vâng, chúng tôi như đang bị một sức mạnh lạ lùng và vô hình chi phối, anh ta nói. Chúng tôi như bị giật lùi lại, chúng tôi quay lại và đi trở ra ngoài sân. Những vị tu sĩ không biết có chúng tôi đó! Họ không trả lời chúng tôi một lời nào và không tỏ ra một dấu hiệu nào cho thấy sự sợ hãi hoặc hoảng loạn.

Không phải họ không biết các anh, mà họ đang chú tâm vào hơi thở của họ. Chỉ có vậy thôi.

Tôi cảm thấy như bị chìm vào sự yên tĩnh của họ, anh thừa nhận. Điều đó thực sự khiến tôi phải kính phục. Chúng tôi đứng yên trong sân dưới một gốc cây lớn và đợi ở đó, có lẽ khoảng nửa tiếng. Sau đó, một hồi chuông vang lên và ngôi chùa trở lại những sinh hoạt bình thường. Một thầy cầm một cây đuốc, đến mời chúng tôi vào trong, nhưng chúng tôi chỉ nói cho ông ta biết lý do tại sao chúng tôi ở đó rồi rút lui. Kể từ ngày đó, tôi bắt đầu thay đổi quan điểm của mình về người Việt.

Trong số chúng tôi có rất nhiều thanh niên trẻ, anh ta tiếp tục. Chúng tôi rất nhớ nhà, nhớ gia đình và đất nước. Chúng tôi đã được cử sang đây để tiêu diệt Việt Minh, nhưng không biết là chúng tôi sẽ giết họ hay bị họ giết và không bao giờ có thể trở về quê hương với gia đình mình nữa. Nhìn thấy những người dân ở đây hết sức cực khổ để xây dựng lại cuộc đời tan hoang của họ nhắc tôi nhớ đến những cuộc đời tan nát của những người thân của tôi ở Pháp. Cuộc sống bình an và thanh thản của các vị tu sĩ làm tôi nghĩ đến cuộc sống của toàn thể nhân loại trên Trái Đất này. Và tôi tự hỏi tại sao tôi lại đến đây. Mối thù hận nào giữa Việt Minh và chúng tôi khiến chúng tôi phải du hành suốt một chặng đường dài đến đây để đánh họ?

Trong tôi dâng lên một sự xúc động sâu sắc, tôi cầm tay anh ta, kể cho anh ta nghe câu chuyện về một người bạn cũ của tôi, được tuyển nhập ngũ để đánh Pháp và đã giành được chiến thắng trong nhiều trận đánh. Một ngày nọ, anh bạn tôi đến chùa nơi tôi đang ở, rồi đột nhiên ôm lấy tôi và khóc òa lên. Anh kể rằng trong một cuộc tấn công, khi đang trốn sau những tảng đá, anh đã thấy hai người lính Pháp đang ngồi nói chuyện với nhau. Anh nói: Khi tôi thấy gương mặt sáng láng, đẹp trai và ngây thơ của những cậu bé này, tôi không thể đành lòng nhả đạn được, thưa Thầy. Người ta có thể cho là tôi yếu đuối, nhu nhược, họ có thể nói rằng nếu tất cả những người lính Việt Nam đều như tôi thì chẳng mấy chốc cả nước sẽ thua cuộc và bị chiếm mất. Thế nhưng, lúc đó, tôi đã thương kẻ thù của mình như mẹ tôi thương tôi vậy! Tôi biết rằng cái chết của hai người lính trẻ đó sẽ làm cho mẹ của họ ở Pháp đau khổ, giống như mẹ tôi đã từng đau khổ về cái chết của em trai tôi.

Vì vậy, anh thấy đó, tôi nói với anh lính Pháp, trái tim của người lính Việt Nam mang đầy tình yêu thương nhân loại.

Anh lính trẻ ngồi yên lặng, chìm trong suy tư. Có lẽ, giống như tôi, anh đã ý thức hơn về sự mù quáng của giết chóc, thảm họa của chiến tranh, nỗi đau khổ của biết bao nhiêu người đang chết dần trong sự nhẫn tâm và vô lý.

Mặt trời lên cao và đã đến lúc tôi phải về. Người lính nói cho tôi biết tên anh là Daniel Marty, 21 tuổi. Anh vừa mới học xong trung học trước khi sang Việt Nam. Anh cho tôi xem hình mẹ, em trai và em gái anh. Chúng tôi chia tay với cảm giác hai bên hiểu và thông cảm nhau. Anh ta hứa sẽ đến chùa thăm tôi vào ngày Chủ nhật.

Trong những tháng tiếp theo sau đó, mỗi khi có dịp, anh đến thăm tôi. Tôi mời anh vào thiền đường ngồi thiền với tôi. Tôi đặt cho anh pháp danh là Thanh Lương, có nghĩa là tinh khiết và tươi mát. Tôi dạy cho anh tiếng Việt, anh chỉ biết được vài câu, học trong quân đội. Sau vài tháng, chúng tôi đã có thể trao đổi với nhau một chút bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Anh ta kể rằng anh không còn làm những cuộc đột kích như trước đây nữa và tôi đã chia sẻ được nỗi buồn của anh. Mỗi khi nhận được lá thư nào từ gia đình, anh đều đem đến cho tôi xem. Và lần nào gặp tôi, anh cũng chắp tay xá chào.

Một ngày nọ, chúng tôi mời Thanh Lương đến ăn cơm chay tại chùa. Anh ta rất hạnh phúc nhận lời mời và hết sức ca ngợi những quả bùi ngon lành cũng như những món ăn đầy hương vị mà chúng tôi đãi. Anh khen món cháo nấm hương sư huynh tôi nấu ngon tuyệt vời và không thể tin được đó là thức ăn chay. Tôi phải giải thích cho anh cách chế biến cặn kẽ để anh tin.

Có những ngày ngồi bên cạnh tháp chuông, chúng tôi cùng nhau thảo luận một cách tương đắc về những vấn đề tâm linh và văn chương. Khi tôi ca ngợi văn học Pháp, mắt Thanh Lương sáng lên đầy tự hào về văn hóa của đất nước anh. Tình bạn của chúng tôi càng ngày càng sâu sắc.

Rồi đến một ngày, khi đến thăm, Thanh Lương cho tôi biết đơn vị của anh sẽ chuyển đến một vùng khác và có lẽ anh sẽ sớm được trở về Pháp.

Tôi đưa anh ra đến cổng tam quan và chúng tôi ôm tiễn biệt nhau. Tôi sẽ viết thư cho thầy, anh nói.

Tôi rất mừng nếu nhận được thư của anh và sẽ hồi âm cho anh.

Một tháng sau, tôi nhận được thư của anh báo tin là anh sẽ trở về Pháp để đi Algeria. Anh hứa khi nào đến đó sẽ viết thư cho tôi. Nhưng từ lúc đó, tôi không còn nghe tin tức gì về anh nữa. Có ai biết bây giờ Thanh Lương đang ở đâu không? Có được an toàn không? Tôi biết rằng, khi tôi gặp anh vào lần cuối, anh rất bình an.

Cái giây phút im lặng sâu sắc trong chùa ngày hôm ấy đã thay đổi anh. Anh đã mang sự sống của tất cả các loài hữu tình vào trong trái tim anh, đồng thời thấy được tính chất vô nghĩa và hoại diệt của chiến tranh. Điều làm cho mọi sự trở nên có thể là dừng lại hoàn toàn và mở ra một đại dương kỳ diệu hùng tráng, có công năng trị liệu, mà ta gọi là sự tĩnh lặng.

Để hiển lộ được bản tính chân thật, chúng ta cần phải dừng lại cuộc đối thoại nội tâm liên miên, chiếm hết tất cả không gian trong lòng ta. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách tắt đài phát thanh NST vài lần mỗi ngày, mỗi lần một chút, để đem niềm vui vào trong không gian nội tâm ta.

Hơi thở chánh niệm

Như chúng ta đã biết, cách dễ nhất để giải thoát chúng ta ra khỏi vòng quay suy nghĩ liên tục là thực tập hơi thở chánh niệm. Lúc nào chúng ta cũng thở, thế nhưng chúng ta lại hiếm khi để ý và thưởng thức hơi thở của mình.

Hơi thở chánh niệm là một bữa tiệc để thưởng thức khi ta mang toàn bộ sự chú tâm vào suốt chiều dài của từng hơi thở vào và hơi thở ra. Khi ta chú tâm vào trong từng hơi thở thì cũng giống như tất cả các tế bào não và phần còn lại của cơ thể ta đang hát lên cùng một bài hát.

Bằng hơi thở chánh niệm, ta đi vào bên trong.

Cơ thể ta đang thở;

cơ thể ta chính là nhà của ta.

Mỗi hơi thở đều có thể đưa ta trở về.

Có thể ta đang có những nỗi buồn, cơn giận hoặc nỗi cô đơn. Khi tiếp xúc được với hơi thở vào ra, ta có thể tiếp xúc được với những cảm xúc đó mà không sợ trở thành nạn nhân của chúng. Trở về với hơi thở chánh niệm là một cách nói rằng: Đừng sợ. Tôi đang có mặt ở nhà đây. Tôi sẽ chăm sóc những cảm thọ này.

Hơi thở chánh niệm là trụ sở chính. Nếu muốn thực hiện được những nguyện ước của mình, muốn xây dựng truyền thông với gia đình và bạn bè, muốn giúp đỡ cho đoàn thể, ta nên bắt đầu với hơi thở. Mỗi hơi thở, mỗi bước chân, mỗi hành động được làm trong chánh niệm sẽ nuôi dưỡng ta.

Tạo không gian cho chánh niệm dễ hơn ta nghĩ

Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng cuộc sống của chúng ta quá bận rộn, không còn chỗ để nuôi dưỡng chánh niệm. Thế nhưng, thực ra, sống chánh niệm là vấn đề thay đổi thái độ và nhớ lại mục đích thực sự của mình mà không phải nhét thêm mục thiền tập vào lịch sinh hoạt hàng ngày. Ta không cần phải ở trong phòng thiền hoặc đợi có giờ rảnh để thực tập chánh niệm, tuy đó dĩ nhiên là điều tuyệt vời để tận hưởng khi ta có cơ hội. Hơi thở yên tĩnh, chánh niệm là điều mà ta có thể làm bất cứ lúc nào. Bất cứ ở đâu cũng đều có thể là một nơi linh thiêng nếu tâm ta thanh tịnh, thư thái, theo dõi hơi thở và tập trung tâm ý vào những gì ta đang làm.

Thức dậy vào buổi sáng, trong khi còn ở trên giường, ta có thể bắt đầu một ngày mới bằng hơi thở chánh niệm. Trong giây phút đó, việc đầu tiên là theo dõi hơi thở vào ra và ý thức là ta đang có 24 giờ tinh khôi để sống. Đó là món quà cuộc sống ban tặng cho ta.

Khi mới xuất gia làm một chú sa di, tôi phải học thuộc lòng nhiều bài thi kệ để giúp tôi thực tập chánh niệm. Bài thi kệ đầu tiên là:

Thức dậy miệng mỉm cười,

Hăm bốn giờ tinh khôi,

Xin nguyện sống trọn vẹn,

Mắt thương nhìn cuộc đời.

Như chúng ta thấy, bài kệ có bốn câu. Câu đầu đi với hơi thở vào. Câu thứ hai đi với hơi thở ra. Câu thứ ba đi với hơi thở vào kế tiếp. Và câu thứ tư đi với hơi thở ra kế tiếp. Khi thở, chúng ta dùng bài thi kệ để tập trung tâm ý vào chiều hướng thiêng liêng của những gì chúng ta đang làm. Ta muốn sống 24 giờ mà cuộc sống ban tặng cho ta trong bình an và hạnh phúc. Ta quyết tâm không lãng phí 24 giờ đó bởi vì ta biết rằng 24 giờ đó là món quà tặng của cuộc sống và ta đón nhận món quà đó một lần nữa vào mỗi buổi sáng.

Nếu ta có khả năng ngồi cho thoải mái thảnh thơi thì ngồi thiền là một cách mầu nhiệm để thực tập hơi thở chánh niệm. Có nhiều người không thể cho phép họ có thời gian để chỉ ngồi thở mà không làm gì cả. Họ cho đó là lãng phí hoặc xa xỉ. Người ta nói: Thời gian là tiền bạc. Nhưng thời gian quý hơn tiền bạc nhiều lắm. Thời gian là sự sống. Sự thực tập ngồi yên đều đặn đơn thuần có thể có công năng trị liệu rất lớn. Dừng lại và ngồi yên là một cách hữu hiệu để tập trung vào hơi thở ý thức và không làm gì khác.

Cũng giống như ta có thể tắt ti vi trong lúc ăn, nếu chú tâm vào hơi thở, vào thức ăn và những người đang ngồi ăn với mình, ta có thể tắt đài phát thanh NST trong đầu. Khi lau nhà bếp hoặc rửa chén, ta cũng có thể làm trong tỉnh thức với tinh thần thương yêu, hoan hỷ và biết ơn. Khi đánh răng, ta cũng có thể đánh răng trong chánh niệm. Đừng nghĩ đến những việc khác, chỉ chú tâm vào việc đánh răng. Ta có thể dành hai hay ba phút để đánh răng. Trong thời gian này, ta chỉ ý thức về răng và động tác đánh răng. Đánh răng như vậy có thể mang lại cho ta nhiều niềm vui. Khi đi vệ sinh, ta cũng có thể thưởng thức thời gian ở trong nhà vệ sinh. Chánh niệm có thể làm thay đổi những mối liên hệ của ta đến với mọi thứ. Chánh niệm giúp ta thực sự có mặt và thực sự thưởng thức những gì ta đang làm.

Thực tập thiền hành là một cơ hội khác để tạo ra những giây phút hạnh phúc và trị liệu. Mỗi khi bước một bước chân, kết hợp với hơi thở vào ra, ta có thể tận hưởng cảm giác mà bàn chân ta đang tiếp xúc với mặt đất. Khi bước đi một bước trong chánh niệm, ta trở về với chính mình. Mỗi bước chân giúp ta tiếp xúc với cơ thể, mang ta về với ngôi nhà của chính mình, bây giờ và ở đây. Vì vậy, khi đi từ bãi đậu xe, hoặc trạm xe buýt đến chỗ làm, đi đến bưu điện hoặc ra chợ, tại sao ta không về nhà với mỗi bước chân của mình?

Trong bất kỳ hoạt động nào, mỗi khi tâm ta tĩnh lặng và có ý thức, ta có cơ hội tiếp xúc với chính mình. Phần lớn thời gian chúng ta đi mà không biết rằng mình đang đi. Chúng ta đang đứng đây mà không biết là mình đang ở đây, tâm ta đã đi xa hàng nghìn dặm. Chúng ta sống, mà không biết là mình đang sống. Chúng ta tiếp tục đánh mất chính mình. Vì vậy, an tịnh thân tâm, và ngồi chỉ để có mặt với chính mình là một hành động cách mạng. Hãy ngồi xuống và chấm dứt sự rong ruổi. Khi ngồi xuống, ta có thể trở về tiếp xúc với chính mình. Ta không cần một chiếc iphone hoặc một chiếc máy vi tính để làm chuyện đó. Ta chỉ cần ngồi xuống trong chánh niệm và thở vào, thở ra ý thức thì chỉ trong vài giây, ta sẽ trở về tiếp xúc với chính mình. Ta biết được những gì đang xảy ra – trong thân thể, trong những cảm thọ và trong nhận thức. Ta đã trở về nhà, và ta có thể chăm sóc ngôi nhà của mình đàng hoàng.

Có thể ta đã đi khỏi nhà mình một thời gian dài và ngôi nhà của ta đang lộn xộn, bừa bãi. Chúng ta thật có lỗi biết bao nhiêu khi phớt lờ những gì mà cơ thể chúng ta đang cảm nhận. Những cảm xúc nào đang trỗi dậy trong chúng ta? Những tri giác sai lầm nào đang dẫn dắt suy nghĩ và lời nói của chúng ta?

Thực sự quay về nhà có nghĩa là ngồi xuống và có mặt với chính mình, thiết lập lại truyền thông với chính mình và chấp nhận tình trạng hiện tại. Cho dù đó là một bãi chiến trường, ta cũng có thể chấp nhận nó, và đó là khởi điểm để thay đổi thái độ (định hướng lại chính mình) nhằm đi xa trên một hướng đi tích cực hơn. Tôi thường nghĩ về Thanh Lương, khi anh có thể có được một khoảng yên lặng sâu sắc trong ngôi chùa Báo Quốc và mang nó theo cùng anh vào cuộc chiến tranh hỗn loạn. Cho dù chúng ta đang có những rối loạn đặc biệt của riêng mình, chúng ta vẫn có thể tìm ra không gian cho sự yên tĩnh mỗi ngày, giúp chúng ta có được bình an cho tình trạng đó, thậm chí có thể chỉ cho chúng ta một hướng đi mới để ra khỏi đám hỗn độn đó.

Có lần tôi tổ chức một khóa tu trong một tu viện trên núi ở phía Bắc California. Bắt đầu khóa tu, bỗng có một đám cháy lớn lan nhanh ở cạnh bên. Trong khi ngồi thiền và đi thiền hành, chúng tôi nghe tiếng của nhiều chiếc máy bay trực thăng. Âm thanh đó thực sự không dễ chịu chút nào. Đối với nhiều người, kể cả tôi, cho dù là người Việt hay người Mỹ gốc Việt, tiếng máy bay trực thăng đồng nghĩa với súng ống, với chết chóc, với bom đạn, hoặc với cả cái chết nữa. Chúng tôi đã sống qua suốt một thời kỳ chiến tranh khốc liệt, do đó có cảm giác rất bất an khi nghe tiếng máy bay trực thăng và nó gợi cho chúng tôi nhớ lại cái thời kỳ bạo động đó. Cho dù có những người trong khóa tu chưa từng trải qua chiến tranh thì cái âm thanh đó vẫn rất nặng nề và nhiễu loạn

Tuy nhiên, những chiếc máy bay trực thăng vẫn ở đó, và chúng tôi cũng vậy. Vì thế, chúng tôi chọn cách thực tập lắng nghe tiếng máy bay trực thăng bằng chánh niệm. Nghe một âm thanh dễ chịu, như tiếng chuông, người ta sẽ muốn đặt sự chú tâm vào đó. Chú tâm vào một âm thanh dễ chịu, thật dễ dàng để cảm thấy hạnh phúc và có mặt. Giờ đây, chúng tôi phải học cách chú tâm tích cực với tiếng máy bay trực thăng. Bằng chánh niệm, chúng tôi có khả năng nhắc nhở bản thân rằng đây không phải là máy bay trực thăng thời chiến tranh. Máy bay trực thăng này đang giúp dập tắt những đám cháy. Với ý thức đó, chúng tôi có thể chuyển hóa một cảm giác không dễ chịu thành cảm giác biết ơn và cảm kích. Vì tiếng máy bay trực thăng đến đều đặn mỗi vài phút, nếu không thực tập chánh niệm theo cách đó, chúng tôi sẽ rất mỏi mệt.

Vì vậy, mỗi người trong số khoảng 600 người tham dự khóa tu, đã thực tập thở vào và thở ra với tiếng máy bay trực thăng. Chúng tôi đọc thầm bài kệ nghe chuông, được sửa đổi lại để phù hợp với hoàn cảnh đó:

Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe,

Tiếng máy bay trực thăng,

Đưa tôi về với giây phút hiện tại.

Và chúng tôi đã sống với nhau rất vui trong những ngày đó. Chúng tôi đã biến tiếng máy bay trực thăng thành một thứ hữu ích.

Năm phút cho cuộc sống

Nếu bạn chỉ mới bắt đầu thực tập, thì hãy cố gắng dành 5 phút mỗi ngày để đi bộ trong im lặng và chánh niệm. Nếu ở một mình, bạn có thể làm việc chậm lại, càng chậm càng tốt.

Bạn sẽ thấy rất hay nếu bắt đầu bằng việc đi thật chậm. Bước một bước, bạn thở vào, bước thêm một bước, bạn thở ra. Khi thở vào, bạn bước một bước và bạn phải dừng lại mọi suy nghĩ để hoàn toàn tập trung tâm ý vào bước chân cũng như hơi thở. Nếu bạn không dừng lại được những suy nghĩ thì hãy đứng lại, thở vào thở ra cho đến khi bạn hoàn toàn dừng lại được những suy nghĩ. Bạn sẽ cảm nhận được điều đó. Trong trạng thái chánh niệm, có một cái gì đó sẽ thực sự làm thay đổi thân tâm bạn.

Nếu bạn thành công khi đi được một bước như vậy thì bạn sẽ biết cách để đi tiếp bước thứ hai. Bạn hãy bắt đầu trong 5 phút thôi, nhưng sau đó có thể bạn sẽ rất thích thú để làm tiếp vài lần như vậy trong ngày.

Bây giờ người ta quá bận rộn. Chúng ta luôn luôn bị đẩy ra khỏi giây phút hiện tại. Chúng ta không có cơ hội để thực sự sống đời sống của chúng ta. Chánh niệm giúp ta có thể nhận diện được điều đó. Đó đã là giác ngộ rồi. Vì thế, chúng ta bắt đầu từ sự giác ngộ, tỉnh giác này: chúng ta thực sự muốn sống cuộc sống của chính mình, chúng ta thực sự muốn dừng lại mà không bị đẩy ra khỏi cuộc sống. Và với sự thực tập hơi thở chánh niệm, ngồi thiền và đi thiền, ngay cả trong khi đánh răng, chúng ta cũng có thể dừng lại. Sự thực tập dừng lại có thể được thực hiện bất kỳ lúc nào trong ngày, kể cả lúc chúng ta đang lái xe.

Buông bỏ, ta sẽ đạt được tự do. Với tự do đó, với sự buông bỏ đó, sự trị liệu có thể xảy ra. Sự sống trở thành có thật. Và niềm vui là điều mà chúng ta có thể đạt được.

Ngày nay, người ta thường nói về cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Người ta có khuynh hướng nghĩ rằng công việc và cuộc sống là hai thứ tách biệt nhau. Thế nhưng, đó không phải là cách nghĩ đúng. Sau khi lái xe đến chỗ làm và đậu xe xong, bạn có thể lựa chọn giữa cách đi thiền hành trong chánh niệm vui tươi hay là đi một cách hối hả, gấp gáp vào văn phòng. Dù sao đi nữa, bạn cũng phải đi qua quãng đường đó. Nếu bạn biết cách để đi, biết cách có mặt đó cho mình thì quãng đường từ bãi đậu xe vào đến văn phòng có thể mang lại cho bạn nhiều niềm vui và hạnh phúc. Bạn có thể buông bỏ những căng thẳng trong thân và tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống với từng bước chân của bạn.

Khi đi trong chánh niệm, bạn để 100% con người mình trong khi đi. Bạn có ý thức trong từng bước chân của mình: chính bạn là người đang đi một cách có ý thức chứ không phải là những tập khí đang đẩy bạn đi. Bạn lấy lại chủ quyền của mình. Bạn là vua hay hoàng hậu đang quyết định. Bạn bước đi vì bạn có chủ quyền trong khi đi, và bạn có tự do trong mỗi bước chân. Bạn chú tâm bước từng bước chân và mỗi bước chân trong chánh niệm mang bạn về tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống đang có mặt bây giờ và ở đây. Đi như vậy, bạn để toàn bộ thân và tâm trong mỗi bước chân. Đó là lý do tại sao, khi đi, bạn không suy nghĩ. Nếu bạn suy nghĩ thì những ý nghĩ sẽ lấy mất buổi thiền hành của bạn. Bạn không nói chuyện, bởi vì nói chuyện cũng lấy đi mất những bước chân chánh niệm của bạn.

Bước đi như vậy là một niềm vui. Khi Niệm và Định có mặt sống động trong bạn, bạn hoàn toàn là chính mình. Bạn đi như Bụt đi. Không có chánh niệm, bạn có thể nghĩ rằng đi là một việc chán phèo hoặc bị bắt buộc. Còn với chánh niệm, bạn thấy bước đi chính là sự sống.

Tương tự, khi rửa chén sau mỗi bữa ăn, cách bạn rửa chén sẽ quyết định đó là một công việc chán ngán, buồn tẻ hay là một giây phút hạnh phúc của đời sống thật sự. Có một cách rửa chén giúp bạn thưởng thức mỗi giây phút. Khi bạn lau nhà hay nấu ăn sáng, nếu bạn biết làm trong chánh niệm thì đó là sự sống, chứ không phải là công việc.

Những người tách rời cuộc sống và công việc không thực sự sống trong phần lớn cuộc đời họ. Không phải chỉ có khi chơi, khi thiền tập ta mới có niềm vui, không gian hay chánh niệm. Chúng ta phải tìm cách mang những yếu tố chánh niệm, không gian và niềm vui vào tất cả mọi sinh hoạt hằng ngày của ta. Nếu chúng ta mang chánh niệm vào mỗi sinh hoạt hằng ngày, 5 phút một lần, thì sự chia rẽ tưởng tượng của chúng ta giữa công việc và cuộc sống sẽ biến mất và mỗi sinh hoạt trong ngày của chúng ta là thời gian cho chính mình.

Thực tập: Thiền hành

Người ta nói rằng phép lạ là đi trên không trung, đi trên mặt nước hoặc trên than hồng. Nhưng đối với tôi, bước đi bình an trên mặt đất đã là một phép lạ. Chính đất Mẹ là một phép lạ. Bước từng bước chân tỉnh thức trên hành tinh xinh đẹp này có thể mang lại cho ta sự trị liệu và hạnh phúc. Thiền hành là một cách tuyệt vời để quay về với giây phút hiện tại và quay về với cuộc sống.

Khi thực tập thiền hành, hãy ý thức hoàn toàn vào bàn chân, mặt đất và sự tiếp xúc giữa bàn chân và mặt đất. Hãy để hơi thở tự nhiên và kết hợp bước chân với hơi thở. Bước vài bước với hơi thở vào và vài bước khác với hơi thở ra. Hơi thở ra có khuynh hướng hơi dài hơn, vì vậy bạn cần nhiều bước chân hơn. Khi có thời gian và nơi chốn thích hợp, có lẽ là nơi nào không quá đông người, bạn có thể thực tập đi thiền hành chậm, bước một bước cho hơi thở vào và một bước khác cho hơi thở ra, điều này đặc biệt giúp cho ta trị liệu. Với mỗi hơi thở vào ra, bạn nói thầm vào/ra hoặc đã về/đã tới. Với mỗi bước chân, bạn sẽ quay về với ngôi nhà đích thực của mình, là giây phút hiện tại.

Nếu bạn cảm thấy lạc lõng hay đang trong một tình trạng chao đảo, hoặc cho dù bạn cảm thấy hơi lười biếng thì cũng đừng lo lắng, bạn không cần phải cố gắng để thực tập hơi thở chánh niệm, ngồi thiền hay đi thiền. Thở thôi là đủ rồi, ngồi thôi là đủ rồi, đi thôi là đủ rồi. Bạn hãy để mình trở thành một với hành động. Mình là đi.

Tôi nhớ một ngày, năm 2003, tôi đang ở Hàn Quốc để hướng dẫn một buổi đi thiền hành qua những con đường ở Seoul. Có rất nhiều người đến để tham gia vào buổi đi bộ đó. Nhưng vì có quá nhiều nhiếp ảnh gia và phóng viên chen chúc với nhau phía trước, tôi thấy không thể nào bắt đầu đi được. Tôi bèn nói: Bụt ơi, con đầu hàng rồi. Xin Bụt đi cho con đi. Tôi bước một bước. Ngay lập tức, một con đường được mở ra và tôi có thể bước đi tiếp. Sau kinh nghiệm này, tôi đã viết bài kệ dưới đây mà đến bây giờ tôi vẫn còn dùng để thực tập thiền hành. Có thể, nó cũng sẽ giúp ích được cho bạn.

Để Bụt thở,

Để Bụt đi,

Con khỏi thở,

Con khỏi đi.

Bụt là thở,

Bụt là đi,

Con là thở,

Con là đi.

Chỉ có thở,

Chỉ có đi,

Không người thở,

Không người đi.

Đọc Tĩnh lặng, chương 01 tại đây.

Đọc Tĩnh lặng, chương 02 tại đây.

Đọc Tĩnh lặng, chương 03 tại đây.

Đọc Tĩnh lặng, chương 04 tại đây.

Đọc Tĩnh lặng, chương 05 tại đây.

Đọc Tĩnh lặng, chương 06 tại đây.

Đọc Tĩnh lặng, chương 07 tại đây.

Đọc Tĩnh lặng, toàn tập tại đây.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.