Bước về phía bầu trời, theo cách chúng ta muốn

Khi ai đó hỏi điều gì khiến mình tự tin nhất, mình trả lời rằng ấy là con chữ và hình ảnh. Bước vào một môi trường có nhiều người giỏi hơn, mình vẫn giữ nguyên câu trả lời ấy.

 · 31 phút đọc  · lượt xem.

Khi ai đó hỏi điều gì khiến mình tự tin nhất, mình trả lời rằng ấy là con chữ và hình ảnh. Bước vào một môi trường có nhiều người giỏi hơn, mình vẫn giữ nguyên câu trả lời ấy.

Khi ai đó hỏi điều gì khiến mình tự tin nhất, mình trả lời rằng ấy là con chữ và hình ảnh. Bước vào một môi trường có nhiều người giỏi hơn, mình vẫn giữ nguyên câu trả lời ấy, bởi nếu khi bản thân mình không ý thức và tự tin với những gì mình có, thì ai sẽ là người làm điều ấy cho mình?

Rewind in 2019 – Bước về phía bầu trời, theo cách chúng ta muốn là một cái note mang màu sắc cá nhân của mình, ở đây có những con chữ mình viết, ảnh mình chụp trong năm qua. Những dòng tiếp theo dưới đây mình sẽ viết nhiều về quyết định đặt chân vào Sài Gòn cùng việc quy ẩn hoàn toàn với các hoạt động xã hội, bên cạnh đó là những mối quan hệ giữa người với người, đặc biệt là chuyện tình cảm. Như mọi năm vẫn viết, những bức ảnh mình chọn để đặt vào đây, không phải vì nó đẹp hay hoàn hảo, mà bởi nó đem đến cho mình nhiều cảm xúc khi bấm máy lẫn lúc nhìn lại.

Và bây giờ, mời các bạn lắng nghe câu chuyện của mình…

Hành trình dài rồi cũng sẽ có ngày dừng lại

Một trong những điều đáng để nhìn lại nhất trong năm qua, đó là việc mình quyết định sẽ dừng hẳn việc tham gia hoạt động xã hội. Tức là mình sẽ không còn dành thời gian để đồng hành cùng các dự án, chương trình hướng đến cộng đồng nữa. Không phải vì mình không tìm thấy ý nghĩa hay không còn thấy là việc nên làm. Mà bởi mình cần dành thời gian cho những việc khác, quan trọng và đáng để lưu tâm hơn.

Lúc mình mới vào Sài Gòn, có hẹn các bạn hồi trước gặp để nói chuyện. Có một cậu bạn hồi trước gặp mình ở một chương trình thúc đẩy nhận thức về bất bình đẳng. Bạn ấy nói từ hồi đó đến nay bạn không còn nhiều thời gian để làm cộng đồng nữa. Nhưng như thế là không có nghĩa bạn không quan tâm đến cộng đồng hay những vấn đề ngoài kia. Vị trí bạn đang đảm nhận là đem lại cơ hội tiếp cận cơ sở hạ tầng cho các giải pháp xã hội mức độ vừa và nhỏ. Đó không phải là chiến lược kinh doanh trọng điểm của công ty bạn, mà đó là một sự đóng góp phụng sự cho cộng đồng. Bạn nói, ở từng độ tuổi, việc chúng ta quan tâm và đóng góp sức mình sẽ là khác nhau. Khi còn là sinh viên thì điều ấy sẽ nhận tiền, xin tài trợ hay tự gom góp tiền để đi đến các vùng xa làm tình nguyện, hay thúc đẩy nhận thức về một vấn đề nào đó. Lúc đó thực hiện phần lớn vì sức trẻ, vì tâm sức đang dồi và nữa là vì cộng đồng.

Lúc ấy, những ngày ấy, cả mình với bạn điều thấy rằng những công sức tụi mình bỏ ra, không để nhận lại một giá trị vật chất hay công nhận tương xứng, mà điều mình quan tâm là niềm vui và niềm hạnh phúc của mọi người. Còn bây giờ, khi chúng ta đã lớn, đã không còn trong sự bảo bọc của gia đình thì sự ưu tiên và suy nghĩ về cộng đồng cũng phải khác. Nó phải là sự song hành, hoặc ưu tiên thấp hơn khi so cùng công việc, sự nghiệp. Bởi chúng ta còn nhiều thứ cần phải lo, phải suy nghĩ hơn mỗi khi đêm về.

2 năm trước, lúc mới vào Đà Nẵng đúng là một giai đoạn cực kỳ khó khăn. Khó để chấp nhận và thích nghi một cuộc sống với phong cách mới, và chẳng có ai ở bên cạnh để nói với mình hãy cố gắng vượt qua cả. Lúc ấy là lúc mới đi làm, mới học cách làm quen với giờ giấc văn phòng, không bùng làm nghỉ làm để ưu tiên họp nhóm bàn cái này cái kia như hồi còn đi học. Cái khoảng thời gian ấy khiến mình nhớ đến anh em bạn bè, muốn quay trở lại thời gian trước đó rất là nhiều. Nhưng mà, mình muốn thôi thì chưa là đủ, trong khi anh em bạn bè đang toan tính những vấn đề riêng của bản thân họ. Đại học đem đến cho mình cơ hội gặp gỡ và kết nối với những người có chung tần số.

Đó là bởi chúng mình lỡ đi cùng một con đường, trên cái hành trình mưu cầu sự học để phát triển chính mình, rồi tới khi đủ lông đủ cánh rồi mỗi đứa sẽ theo một phương để tiếp tục cái hành trình ấy. Và lúc đó, những cuộc trò chuyện hay gặp gỡ là những thứ trở nên xa xỉ, một phần bởi tám tiếng trên văn phòng hút gần hết sinh lực, phần nữa là khoảng cách địa lý. Những cái lý do của ngày nào, khiến tụi mình ngồi lại với nhau, nay là thứ vô cùng nhạt nhòa.

Bởi vì thế, mình xem việc tiếp tục làm cộng đồng, vừa để xoa dịu sự cô đơn, vừa là sự chuyển tiếp để quen dần với việc phải có trách nhiệm hơn với chính mình. Và mình đã dây dưa như thế trọn 2 năm ở Đà Nẵng. Giờ phải nhìn lại, mình không thấy hối hận với điều đó, dù rằng cùng xuất phát điểm bắt đầu đi làm với bạn, thì mình tụt lại phía sau so với những thành tựu của bạn đạt được.

Nhưng trước những vấn đề, áp lực từ công việc ảnh hưởng đến cuộc sống thì mình đối mặt và xoa dịu dễ hơn bạn rất nhiều. Người để lắng nghe những lời than thở, buông lơi sự mệt nhọc cũng chính là mình chứ không có ngược lại. Mình xem đấy là một sự chuyển tiếp cần có, dù đoạn đầu sẽ đi chậm hơn, nhưng nếu đi lâu thì đấy là cách hóa giải những bất ổn trong lòng.

Năm qua mình có một công việc trong mơ – như lời bạn cảm thán khi mình kể với nó – đó là làm việc tại NGOs, ở đấy mình cùng các chị cấp trên triển khai một dự án thúc đẩy nhận thức trong người dân về vấn đề rác thải nhựa. Đó là một công việc cực kỳ áp lực và vô cùng thử thách. Thử thách mình nhận mỗi ngày đủ áp lực đến mức bây giờ bước vào một môi trường gấp gáp năng động hơn, nhưng vẫn thấy dễ thở hơn lúc còn làm việc ở Đà Nẵng. Những ngày ấy, mình sống trọn mười hai tiếng một ngày cho cộng đồng: tám chín tiếng ở văn phòng cho công việc và ba tiếng ở nhà cho dự án bên ngoài. Cái lúc ấy, mệt mỏi và kiệt sức nhiều lắm nhưng nó thật sự là vui, là giá trị. Khi mình biết những điều mà mình đang làm, là thực sự có ý nghĩa, và đang thay đổi rất tích cực đến cộng đồng.

Đầu tháng 3, chị giám đốc công ty cũ có việc vào Hội An, chị hẹn rồi mình vào để nói chuyện với chị. Lúc ấy, chị nói rằng ba mẹ chị là người làm nhà nước, cực kỳ mong chị ổn định, nhưng điều ấy với chị hiện tại không phải là điều chị muốn. Bởi thế ba mẹ chị lo dữ lắm. Nhưng mà, chị nói thêm, sau này khi có con rồi, chị cũng chỉ muốn con chị ổn định mà thôi; ấy là suy nghĩ của người làm cha làm mẹ khi hướng về con cái.

Mình hỏi lại liệu điều ấy chị có thấy mâu thuẫn hay không, thì chị bảo rằng, không có cái gọi là sứ mệnh cuộc đời, chỉ có điều mưu cầu trong thời điểm hiện tại. Ở thì hiện tại, chị thích mình lựa chọn và quyết định cuộc sống của chính bản thân mình, đi nơi này nơi kia và quán xuyến những công việc ở đó. Nhưng sau 10 năm nữa, rồi khi chị gặp một người tâm đầu ý hợp, có thể khi ấy chị sẽ bằng lòng, hoặc sẽ thích lui lại làm hậu phương vững chắc. Đấy, cuộc sống đấy, trong thời điểm này có những điều là lý tưởng sống, là động lực để ta hành động mỗi ngày. Nhưng dễ có khi sang ngày mai, điều ấy lại không còn là quan trọng, đáng để ta sống trọn nữa. Cho nên nếu như em phải dừng lại cái hành trình của mình vì một điều gì đó, đừng nghĩ rằng bản thân đã hết kiên nhẫn và không thể cố gắng vì nó nữa. Bởi mọi thứ đều chỉ quan trọng nhất thời, và mọi thứ sẽ dần bớt quan trọng khi ta có được một điều gì đáng để theo đuổi hơn.

Cuộc trò chuyện ấy đến vào lúc mình sắp nghỉ việc ở CECR, mình cũng tính vào lúc ấy sẽ ngưng luôn ở Greenhero. Cuộc trò chuyện đến không là lý do, mà nó là điều hợp lý để mình giải thích với người khác tại sao mình lại làm thế. Chung quy lại, bản thân không thể theo đuổi và lo nghĩ cho cuộc sống của người khác mãi được, khi mà bản thân mình cùng những trách nhiệm ngày một lớn dần theo năm tháng. Điều ấy không có nghĩa là cộng đồng không còn vai trò quan trọng với bản thân mình, mà nó không còn là điều mình ưu tiên nữa mà thôi.

6 năm là một con số đủ dài nếu so với tuổi hai 25 của mình, nhưng nó cũng như cái chớp mắt bởi từ ngày nào còn chập chững thì nay đã quyết định dừng bước. Có một bạn từng nói với mình cuộc sống này rất là vô thường, hôm nay mình cười với nhau như thế này, nhưng biết liệu ngày mai chúng có còn gặp lại. Bởi vì cái liệu ấy, tại sao chúng ta không cười thật lòng, vui vẻ với những cảm xúc thật lòng cho nhau đi? Bởi vì mình đã thật lòng vui, thật lòng buồn với những cảm xúc của những chuyện đã trải qua, cho nên giờ nhìn lại cả hành trình dài sáu năm, thật lòng mình không hối tiếc hay muốn làm khác đi một điều gì khác. Vì mọi thứ đã quá đẹp tự như cái bản chất của nó.

Không có ai ở bên cạnh mình mãi mãi

Đoạn năm cuối của Đại học, trong những cuộc trò chuyện giữa bạn và mình phần nhiều là những chuyện sẽ xảy ra trong tương lai. Là đã chuẩn bị CV đến đâu rồi, tìm được nơi nào để bước tiếp chưa, là đi hay tiếp tục ở lại để học lên. Trong những lần trò chuyện ấy, bạn vẫn cứ day dứt rằng rời khỏi Huế rồi bạn mới thấy mình nặng tình với Huế. Bạn vẫn chưa sẵn lòng để rời khỏi thành phố này, nhưng cũng chẳng biết ở lại để làm gì vì chẳng có điều chi níu kéo. Cứ như thế, biết sẽ nhớ sẽ thương nhiều lắm, nhưng khi còn ở lại nơi này thì chẳng biết phải đối xử với Huế như thế nào. Bạn nói, đó là cảm giác khi bạn đã sống quá quen ở một nơi nào đó, nay phải rời đi mà chẳng hẹn ngày về.

Trước mắt mình và cả bạn lúc ấy, là cả một bầu trời đầy sóng gió của cuộc sống mà tụi mình phải đương đầu. Ngày trước khi học hành mệt mỏi, hay ức chế chuyện bạn bè thầy cô thì đạp xe chạy vòng vòng cũng khuây khỏa. Giờ mà đi rồi, chẳng biết sẽ đặt chân xuống nơi nào, thì khi cơn mệt mỏi với buồn phiền ập tới, liệu bạn có tìm được một cảm giác thả trôi mọi bực dọc khi đi trên đường hay là không?

Bạn nói xong khiến mình cảm thấy may mắn, may mắn nhất đó chính việc mình là người Huế. Dẫu có đi xa, đi lâu đến thế nào rồi cũng sẽ về. Không về vì công việc hay chuyện gia đình, cũng có thể chọn về để khuây khỏa, để thanh lọc tâm hồn.

Nhưng mà rời Đà Nẵng rồi mình phát hiện ra mình chẳng còn may mắn đến như thế nữa. Bởi bản chất của sự nhớ nhung của bạn, và cái điều may mắn của mình không phải vì Huế có sự yên bình cho tụi mình. Mà là những ngày ở Huế tụi mình được bảo bọc trong vòng tay của sự thân thuộc, của những kỷ niệm tuổi trẻ đẹp đẽ, của những chân tình giữa người với người. Những ngày cuối cùng ở Đà Nẵng, mình lần lượt báo với từng người, hẹn riêng với từng người để nói lời tạm biệt. Cái thời điểm ấy mình chợt nhận ra ở nơi này có nhiều người họ thật lòng quan tâm, yêu quý bản thân mình từ trong đáy lòng. Như lời Minh Đức trước khi mình đi rằng, Đà Nẵng không phải ai cũng đủ chân tình, cậu mà đi rồi thì nơi này chẳng còn ai bên cạnh tôi nữa hết. Khi nghe câu ấy, mình chợt cảm thấy rằng rồi mình cũng sẽ như thế, sẽ chẳng còn ai ở bên cạnh mình nữa hết.

Khi mình nghĩ về điều ấy, không phải mình lo sợ rằng Sài Gòn không trao cho mình sự chân tình, mà bởi mình sẽ khó mở lòng tiếp để đón nhận những điều mới mẻ, với những mối quan hệ mới ở nơi này. Và đúng như thế thật, cho đến thời điểm hiện tại mình vẫn chưa sẵn sàng mở lòng với mọi người ở Sài Gòn.

Thật ra mình tin rằng không phải cứ càng đông đúc là càng cô đơn, sự cô đơn đến là khi chúng ta không biết đang tìm kiếm điều gì ở con người. Bởi vì thế nếu mình phát ra đúng tần số, ắt sẽ có người bắt được điệu, sẽ có người để đồng điệu. Mà kể khi có điều ấy xảy ra đi chăng nữa, mình vẫn không dám kết thân, nói chuyện trải lòng nhiều với ai. Điều này không đến từ việc mình mình thiếu tin tưởng, mà mình sợ rằng rồi cái ngày mình rời xa Sài Gòn, mình sẽ mất thêm một thời gian dài nữa để quên đi những điều buồn vui đã cùng có với mọi người ở nơi này. Mình đã trải qua điều ấy đến hai lần, nên không muốn sẽ có thêm một lần nào tương tự như thế.

Lần đầu tiên đó là việc chuyển từ Huế vào Đà Nẵng, những ngày ấy đúng như bạn mình nói, mình sống và nghĩ quá nhiều về quá khứ, mình của những ngày ấy là muốn quay trở lại, muốn sống lại những ngày đó. Cảm giác đó nhiều và đủ để lấn át những suy nghĩ trong thời điểm hiện tại. Mãi sau sau này, rất lâu lâu sau đó mình mới nhận ra, nhìn mãi về quá khứ sẽ tạo cho bản thân mình vòng luẩn quẩn, bởi vì thiếu trân trọng trong thời điểm hiện tại, rồi tương lai cũng sẽ hối tiếc thời cái thời điểm ấy mà thôi. Phải mất một năm ròng sau đó, mình mới từng chút một bước ra được cái cảm giác ấy, để mà chấp nhận những con người xung quanh của thực tại.

Lần thứ hai đó chính là thời điểm hiện tại, khi những lúc yếu lòng mình chỉ muốn quay trở lại Đà Nẵng, là bỏ hết tất cả mọi thứ ở đây để về lại. Bởi ở đó có anh em, có bạn bè và những người mình yêu quý. Những phút yếu lòng ấy chập chờn đến mỗi lúc đêm về, những buổi chiều xe ở giữa dòng người kẹt cứng, lại thấy vô thường hơn khi đằng sau chiếc xe cứu thương hú còi xin nhường đường trong bất lực.

Nhưng những suy nghĩ về điều ấy không ở trong đầu mình đủ lâu, bởi vòng quay cuộc sống ở đây đủ gấp gáp khiến mình chẳng kịp trở tay mỗi ngày. Đi làm chín tiếng cộng thêm hai tiếng đi đi về về mỗi ngày, chưa kể thêm thời gian hồi sức bởi hít đủ loại khói bụi dọc đường. Thời gian còn lại cho bản thân mình chẳng là bao nhiêu, nhắm mắt lại là hết ngày, mở mắt ra là một ngày mới. Ngày nối ngày và đêm nối đêm, quay cuồng cuồng quay đến giật mình khi nhận ra hôm nay đã là cuối tuần…

Nhưng điều ấy không có nghĩa mình hờ hững với mọi người ở đây, mình vẫn tìm cơ hội để gặp gỡ bạn bè, hẹn cùng đi dạo hay đi dạo khắp chốn. Sài Gòn xô bồ náo nhiệt đến thế nhưng cũng có đủ văn hóa và lịch sử để mình tìm hiểu. Bên cạnh một phố đi bộ đầy ồn ào náo nhiệt, lại có một khu chung cư cũ để mình lần vào từng góc. Bên cạnh quận 1, quận 2 phát triển rực rỡ là có quận 5 có những khu phố người Hoa với những ngôi chùa. Chỉ là mình chưa sẵn lòng để kết thêm bạn mới, chưa sẵn sàng chấp nhận tính cách và sự khác biệt văn hóa của bạn để mình hiểu hơn về nơi này…

Đi thật xa rồi liệu có về nhà?

Một trong những điều mình được hỏi nhiều nhất khi quyết định rời Đà Nẵng để vào Sài Gòn đó là, khi nào mày sẽ về lại Huế? hoặc sẽ về hay không?

Những lần như thế, mình điều trả lời rằng rồi sẽ có một ngày mình sẽ trở về, chỉ là chưa phải bây giờ.

2 năm trước, trước khi rời Huế để vào Đà Nẵng mình có ghé qua Au Petit bên đường Ưng Trí. Đấy là một quán theo phong cách cổ điển của Pháp mà mình may mắn tìm thấy, chỉ tiếc là tìm thấy khi quá muộn, khi sắp rời Huế. Cái hôm gần lên đường thì mình tới chơi và tạm biệt chị chủ quán – một chị bé có khiếu thẩm mỹ cực kỳ tinh tế và cắm hoa rất đẹp. Chị nói với mình rằng, hành trình của của em rồi sẽ có ngày dừng lại để mà quay về với Huế. Bởi chị nhìn thấy rằng mình không thể sống mà xa Huế, không phải là người có thể bôn ba khắp nơi. Lúc ấy nghe lời chị mà thấy xa xăm quá, không đến mức huyễn hoặc, nhưng mình lúc ấy và chị nữa đều chẳng có một lý do nào hợp lý cho cái điều ấy.

Cuối năm ngoái, có một người hỏi nếu không còn làm việc ở Đà Nẵng nữa thì mình sẽ đi đâu về đâu? Mình lúc ấy nói rằng rồi mình sẽ tìm đường vào Sài Gòn. Đà Nẵng trước giờ vẫn là sự chuyển tiếp, mình không thể ngay lập tức nhảy từ một nơi cực kỳ bình yên như Huế để ập vào sự phồn hoa đô hội của Sài Gòn. Mình sẽ sống quen ở Đà Nẵng trước, khi quen rồi thì mục tiêu tiếp theo đó chính là Nam tiến.

Cuối tháng rồi, mình ngồi nói chuyện với đứa bạn người Huế. Những ngày xa Huế khiến mình vừa nhớ vừa quên một giọng của người Huế là thế nào. Mà cũng thật sự lạ, mình vào đây không thể nào đổi giọng theo người miền Nam, chị quản lý cũ bảo đấy là một hạn chế của bản thân mình, khi ở đây người ta có xu hướng nói giọng dễ nghe để làm việc tốt hơn, phần mình thì mình chịu. Trở lại chuyện với bạn người Huế, bạn lúc ấy hỏi mình, mục tiêu của mình ở đây là gì? Mình nói rằng mục tiêu lớn nhất, ấy chính là rời khỏi nơi này – rời Sài Gòn để trở về lại Huế.

Mình đặt chân vào Sài Gòn, điều quan trọng bậc nhất đó là kiếm tiền, đi sau đó là phát triển chuyên môn. Cái điều trước là sự trách nhiệm, sau là vì định hướng tương lai. Mình sẽ nói nhiều hơn về ý sau…Huế của bây giờ khác với Huế của ba bốn năm trước, dù có đi vào bờ Bắc thì mọi thứ vẫn thế, vẫn cổ kính vẫn trầm tư không có nét gì mới mẻ, nhưng sâu trong nội tại của nó là một sự chuyển mình. Mỗi sớm tinh mơ, rảo bước trên đường Lê Lợi, qua cầu Trường Tiền, ngang qua Đại Nội, bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp tinh khôi, bình yên của Huế. Huế vẫn thế, yên bình và thơ mộng nhưng Huế đang thay đổi từng ngày… những dòng này không phải của mình viết, mà của bác Thọ – Chủ tịch đương nhiệm của Thừa Thiên Huế viết.

Mình ngay khi còn ở Đà Nẵng, đã bắt đầu nhận ra sự thay đổi từng ngày mà bác nói, đó là hệ thống đường sá được nâng cấp (dù rằng hơi ba chấm trong suốt mấy năm liền), là những công trình công cộng được đưa vào sử dụng thực tế, là những công trình cao lớn nhìn từ ngoài ngoại ô đã thấy cái đỉnh, và tận sâu bên trong là thay đổi tư duy. Nếu bạn đủ sự quan tâm và nguồn thông tin để theo dõi, sẽ thấy những ứng dụng công nghệ được áp dụng vào việc quản lý đô thị như thế nào, cả những nâng cấp đầu tư về mặt chính sách văn hóa cũng đang được chú trọng. Cái điều quan trọng cuối cùng mà Huế vẫn chưa thể triển khai trọn vẹn: đó là thu hút nhân tài.Giữa tháng tư, mình lên Huyền Không Sơn Thương tu tập. Thời gian đó mình hay lui tới nhất là thư viện của chùa, trong này sách cũ của những năm 80, 90 về trước rất là nhiều. Đó với mình là cả một gia tài, chỉ tiếc là hồng trần vẫn còn nhiều điều vấn vương, cản mình nghe theo lời của các sư thầy bảo ở lại. Trong số những cuốn sách mình tìm được, có một cuốn tên Hải ngoại. Đó là một cuốn tạp chí của những người con của Huế xa quê, họ tập hợp lại cảm xúc tâm tư và cả những hoài niệm vào trong từng con chữ.

Mình không biết liệu cuốn tạp chí ấy có phát hành đủ nhiều để thu hết tâm tư của những người con xa quê hay không. Nhưng trong cuốn ấy, có một đoạn (đại ý) là, không một người con của Huế nào muốn tha phương cầu thực ở một nơi xa quê cả, nhiều người không lựa chọn Huế là nơi mình lập nghiệp không phải vì họ ghét bỏ quê hương, mà bởi nơi ấy chưa đủ sức để nuôi họ sống mỗi ngày. Lá cuội rồi cũng về nguồn, chim đi xa rồi cũng về lại tổ. Có những người đến cuối đời, tâm nguyện của họ là được nằm cạnh ông bà tổ tiên, được rải đám tro trên mảnh đất của quê hương mình Không một ai, không một ai muốn chết ở một nơi xa xôi cả.

Huế của hai mươi mấy năm trước và của ba bốn năm trước gần như tương tự nhau, nhưng nếu chạy tới thêm một đoạn là năm này hay năm ngoái thôi thì rất là xa nhau. Mình thực sự tin vào sự phát triển của Huế, vào cách điều hành và phát triển chính sách của Huế. Cái ngày mà bác Thọ phát đi tâm thư gửi cho toàn người dân của Huế, bạn mình nó chia sẻ một cách đầy tự hào, rằng nó là một trong những người con sinh ra, lớn lên và sẽ tiếp tục làm việc ở Huế. Các bạn biết không, cái điều ấy, là điều mình mong muốn, và khát khao đến vô cùng.

Bởi vì thế, những ngày đầu tiên rời Sư phạm, mình quyết định rằng hiện tại không phải là lúc để mình chọn Huế là nơi phát triển bản thân, mình phải đi ra bên ngoài, cho bản thân được vẫy vùng và hoàn thiện, đợi đến lúc Huế phát triển như ý mình muốn rồi về cũng chưa muộn. Cho nên ở thời điểm hiện tại, hành trình mình đi xa quê hương này, là một hành trình để mưu cầu sự phát triển cho chính mình, để cho ngày về mình được tự tin, mình có thể trọn vẹn sống và làm việc ở Huế như cái điều mình mong muốn mà không bị quá nhiều điều trong cuộc sống chi phối.

Bản thân mình của thời điểm hiện tại, đã không còn nhiều chất thơ và mộng mơ như những ngày học ở Huế. Giờ mình sống và làm việc với những mục tiêu nó thực tế hơn. Và điều thực tế lớn nhất, duy nhất để mình cố gắng, kiên định để đối mặt với những khó khăn đang gặp phải từng ngày, ấy là về Huế để cống hiến.

Mình yêu nhau một phút thôi cũng được, miễn sáu mươi giây đó là thật lòng…

Tối ngày mười bốn tháng hai là ngày Lễ tình nhân, mình chạy xe ngoài đường đến điểm hẹn, dọc đường thấy toàn đôi toàn ôm ấp. Giá như cái lúc ấy có một ai đó đang đợi mình, cùng hẹn hò để đi chơi tối hôm ấy thì thật là vui. Nhưng không, mình đến gặp đứa bạn để an ủi nó trước quyết định chia tay người yêu.

Một tháng trước đó, người yêu nó đưa ra tối hậu thư: một là mèo, hai là người yêu. Chọn một trong hai, chọn mèo thì chia tay, chọn người yêu thì đem mèo đi khỏi trọ. Lúc ấy mình nói với nó rằng, nên chia tay đi, chẳng có tình cảm bắt một bên phải hy sinh tuyệt đối cả, nếu hôm nay bắt chọn với bỏ mèo, liệu ngày mai có đưa bố mẹ lên bàn cân để lựa chọn hay không.

Sau cùng cũng chia tay thật, nó buồn với mắt cay cay mấy hồi gặp mình tiếp. Đã từng yêu, đã từng sâu đậm và đã từng dừng lại nên mình hiểu cái sự cay cay những lúc ấy. Trong một năm vừa qua, đa phần những đứa nào gặp khúc mắc chuyện tình cảm mà tìm đến mình thì phần lớn mình điều khuyên tụi nó… chia tay. Bởi thật sự những vấn đề, những khúc mắc mà tụi nó đang đối mặt, dường như với mình là chuyện không thể chấp nhận được, không thể cân bằng đôi bên được. Liệu có phải vì thế, mà năm vừa rồi mình lên bờ xuống ruộng mấy lần với chuyện tình cảm? Không đủ nhiều để liệt kê, nhưng cũng đủ day dứt khi nhắc đến…

Lần đầu tiên mình gặp bạn là lúc đón bạn ở ga Đà Nẵng, bạn có việc ở Hội An nên quá giang tàu hỏa tới đây xong bắt xe bus ngược về lại. Lúc ấy là lần đầu tiên mình gặp bạn ngoài đời, cảm giác về lần gặp đầu tiên đó là sự gần gũi thân thuộc, lúc ấy mình không nghĩ là có tình cảm gì đặc biệt, bởi cảm giác lúc ấy không giống như cách mình để ý một người khác từng để ý lúc trước đây. Vậy mà khi bạn rời đi rồi thì mình suy nghĩ về bạn không giống như cách mình đang nghĩ về một người bạn bình thường. Và cũng nhanh không kém, cái cảm giác ấy lại nhạt nhòa theo ngày tháng, thì dù sao bạn cũng chỉ là cơn gió lướt nhẹ qua cuộc đời mình, một chút xao động nhẹ rồi mọi thứ lại tĩnh lặng như ban đầu thôi chứ có gì đặc biệt đâu. Những ngày sau sau đó mình vẫn nghĩ như thế và xem mọi chuyện đã qua rồi.

Lần thứ hai gặp là khi bạn tới Huế cũng vì công chuyện, mình và bạn cùng hẹn trước rồi cùng đi khắp ngõ ngách của thành phố. Lần ấy mình có nhiều cơ hội để trò chuyện và nhìn bạn hơn. Cũng có cơ hội để nói với bạn rằng Huế đẹp và thơ mộng đến nhường nào. Và rất tự nhiên, cái cảm giác vừa gần gũi thân thuộc lại vừa đặc biệt của lần đầu tiên cứ vậy mà đến, nhẹ nhàng và yên bình những ngày đi cùng bạn. Sau này, mình hiểu được rằng ấy là những cuộc trò chuyện khiến mình có cảm giác như thế.

Mình không nhớ đã từng viết ra chưa, nhưng điều mình tìm kiếm nhiều nhất trong một mối quan hệ tình cảm sâu sắc, không phải là cảm xúc cuồng nhiệt hay khoái cảm. Mà đó là những cuộc trò chuyện để lắng nghe và thấu hiểu, để đi vào tận cùng của những cảm xúc và suy nghĩ của lòng nhau. Đến một lúc nào đó, đắm say hay cuồng nhiệt rồi cũng nhạt nhòa theo thời gian, điều đọng lại và quan trọng nhất của những ngày sau cùng ấy là sự kết nối. Có thể cùng ngồi với nhau, vừa nói chuyện lại vừa lắng nghe nhau một cách thoải mái chân tình, mà cũng có khi là im lặng một cách bình an, thì đó nên là điều đáng xem là tuyệt vời hay sao?

Trong phim Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi (2019), có một chi tiết mà mình nhớ mãi. Đấy là đoạn cuối cùng của phim, khi hai nhân vật chính ở hai góc trong phòng, người đàn người hát một bài xong nữ chính nói, Còn ít phút nữa thôi, xe sắp lăn bánh rồi, để em chở anh ra bến. Nam chính ừ rồi cả hai cùng bước đi. Và thế là hết. Hết phim. Dừng lại ngay đấy, không ôm ấp không níu nhau ở lại, không hẹn chúng ta sẽ cùng lên đường nhé. Không, không gì nữa hết. Xe lăn bánh rồi là hai người xa nhau mãi mãi, cái hẹn ngày cùng gặp lại cũng chẳng thấy đâu. Đó là một kết thúc mở không hẹn ước, không mong đợi, chẳng hy vọng nhưng cũng chẳng có gì là tuyệt vọng, mọi thứ đến tự nhiên và những con người ấy chấp nhận những điều ấy như điều sẽ đến (cái đoạn này mình không viết vào review của phim, không vì dành cho cái Rewind này, mà vì mãi về sau mới cảm nhận được vẻ đẹp của đoạn kết ấy).

Và mình với bạn cũng có một kết thúc gần lửng lơ như thế. Ngày cuối cùng, mình chở bạn ra sân bay để kết thúc chuyến công tác của bạn, kết thúc luôn hành trình khám phá thành phố này cùng mình. Trong lúc đợi vào trước khi vào cửa an ninh, mình nói với bạn những suy nghĩ trong lòng, một chút thôi nhưng cũng đủ để bạn biết tình cảm của mình. Cái khoảnh khắc ấy nó tự nhiên đến, tự nhiên như cách mình suy nghĩ về bạn vậy. Dù nó không là điều mình lên kế hoạch trước đó, nhưng như thế sẽ khiến mình thoải mái hơn, bởi nói cho ai đó biết tình cảm thật lòng của mình, sẽ dễ dàng hơn rất nhiều việc suy đoán xem liệu họ đang nghĩ gì về mình.

Đoạn ấy, không đàn hát không ca từ tạm biệt, không hẹn một mai mình sẽ gặp lại, bạn khuất bóng sau cửa an ninh cũng là lúc mình bước mà không ngoảnh lại để ra nhà xe. Cả bạn và mình những giây phút tiếp theo là cả một hành trình để quay trở lại cái nơi mình đang sống và có những điều thân thuộc.

Khi những điều thường nhật cuộc sống đến với mình và bạn, mình quyết định sẽ tôn trọng sự im lặng và hững hờ của bạn đối với mình. Bởi mình nghĩ rằng chuyện tình cảm cứ không phải ép là thành, mong là đạt được ý nguyện. Nói không buồn không hụt hẫng thì dối lòng, khi không phải ai cũng đủ khiến mình đủ tự tin và can đảm để nói rằng mình thích họ, nhưng mà khi nói ra rồi lại không được như ý thì sao mà nhẹ lòng cho bằng được.

Cả khi đặt chân vào Sài Gòn rồi, mình cũng không có ý định sẽ tình cờ hay cố ý gặp bạn. Kể cả khi muốn tới một nơi nào đó, một sự kiện hay đúng điều mình đang tìm kiếm ở thành phố này, nhưng rồi phát hiện ra bạn cũng sẽ xuất hiện ở đấy, vào khung giờ đấy thì mình lại thôi. Không phải mình chưa sẵn sàng hay không dám gặp, mà vì mình nghĩ rằng, nếu bạn đã dành cho mình một sự né tránh khi cần liên lạc, thì không có lý do gì để mình làm bạn thêm khó xử nhỡ lúc gặp lại. Còn nếu tụi mình có duyên để tình cờ gặp nhau ở đâu đó, thì chuyện sẽ xảy ra sau này, giờ không biết phải viết gì hết.

Từ cái lần tạm biệt bạn ở sân bay, cho đến nay cũng đã hơn nửa năm trôi qua. Thời gian cộng với thêm đủ chuyện để phải quan tâm mỗi ngày, khiến nhiều lúc mình chấp nhận rằng bạn đang dần mờ nhạt khỏi tâm trí của mình. Dù sao thì, bạn là cơn gió của mùa hạ lướt qua cuộc đời mình, một chút xao động nhẹ rồi mọi thứ lại tĩnh lặng như ban đầu. Ấy thế mà, ba bốn tuần trước mình bị mất điện thoại, tua nhanh cái đoạn ba chấm đó tới ngày mua lại sau đó một tuần. Khi mình chép hết ảnh từ máy tính vào điện thoại, xem một hồi xong phát hiện ra ảnh chụp bạn hồi ở Huế thiếu đâu gần chục tấm. Loay hoay cả buổi cũng tìm trọn hết mấy bức ảnh bị sót.

Tự nhiên cái lúc ấy mình nhận ra bạn chẳng mờ nhạt đi đâu hết, bạn vẫn ở đó trong tâm trí mình. Quên làm sao khi từng bức ảnh mình vẫn còn nhớ, bức này với bức kia và thứ tự từng bức một. Cũng khi ấy, cũng thật buồn cười làm sao khi mình chợt nhận ra rằng: cái lần đầu tiên khi đón bạn ở ga tàu – không phải vì mình tiện đường nên đến, mà bởi mình muốn gặp bạn, muốn nhìn thấy bạn.

Lần ấy, đơn giản chỉ là như vậy mà thôi…

Bài viết của mình đến đây là hết, chân thành cảm ơn bạn vì đã đọc đến tận những dòng cuối cùng này. Dù sao thì, mọi thứ vẫn sẽ khó khăn và mình vẫn cần phải nỗ lực hơn rất nhiều nhiều nữa để có thể chạm tay đến những điều mình muốn. Nhưng dù có là gì đi chăng nữa, mình vẫn tự tin, vẫn kiên định và sống hết sức mình để sau này có nhìn lại cũng không phải hối hận vì điều gì…

nhavantuonglai

Share:

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Sợ hãi | Chương 01

Sợ hãi | Chương 01

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập Làng Mai truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân chánh niệm giúp con người tĩnh tâm hạnh phúc hòa hợp thiên nhiên.

Tâm lý học của nhà ngoại cảm

Tâm lý học của nhà ngoại cảm

Có một nguyên nhân ẩn sau một màn trình diễn thú vị về trải nghiệm siêu nhiên mà tôi thường đưa vào các buổi nói chuyện công khai về tâm…

Sợ hãi | Chương 16

Sợ hãi | Chương 16

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập Làng Mai truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân chánh niệm giúp con người tĩnh tâm hạnh phúc hòa hợp thiên nhiên.

Chia sẻ điều cần nói

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.