Thích Nhất Hạnh | Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức | Chương 09

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.

 · 42 phút đọc.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.

Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Lần đầu tiên đi Ấn Độ tôi có cơ hội leo lên núi Thứu (Gridhrakuta), ngọn núi này nằm ngoài Rajagrha, thủ đô của Magadha vào thời Bụt. Đây là ngọn núi mà Bụt thường lên ngồi ngắm mặt trời lặn. Ngồi chơi trên núi Thứu làm tôi nhớ lại câu chuyện: Một ngày nọ, trước khi thành đạo, Siddhartha đi vào thành khất thực. Lúc ấy vua Bimbisara đang ngồi trên kiệu xe và thấy một ông thầy tu đang đi rất đẹp, tướng mạo rất trang nghiêm, thanh thoát. Hình ảnh Siddhartha đang đi giữa thủ đô đã đánh động tâm thức vua, làm cho vua có một ấn tượng sâu sắc. Tuy nhiên, vì lịch sự, vua đã không chặn đường Siddhartha để hỏi, nhưng sau khi về cung, vua ra lệnh binh lính tìm cho ra ông thầy tu ấy là ai.

Vài ngày sau, đội cận vệ đã tìm ra Siddhartha và nơi ở của Ngài. Thế là vua Bimbisara đi đến đó. Vua dừng kiệu ở chân núi và đi bộ lên để gặp Siddhartha. Trong khi trò chuyện, vua Bimbisara thỉnh cầu: Xin Ngài chấp nhận làm thầy của trẫm. Sự có mặt của Ngài trong vương quốc sẽ làm cho vương quốc xinh đẹp. Trẫm sẽ chia giang sơn của trẫm ra làm hai và dâng tặng Ngài một nửa.

Siddhartha mỉm cười: Ồ, cha tôi cũng muốn truyền ngôi cho tôi nhưng tôi đã không nhận, làm sao tôi có thể nhận nửa giang sơn của Ngài? Mục đích của tôi là thực tập để đạt đến tự do lớn và có cơ hội tiếp xúc, độ đời. Bây giờ tôi không thể làm thầy của một quốc gia bởi vì tôi chưa chứng ngộ hoàn toàn, tuy nhiên tôi hứa là sau khi chứng ngộ, tôi sẽ trở về giúp Ngài. Sau đó Siddartha quyết định rời ngọn núi này vì Ngài hiểu rằng một khi người ta đã biết Ngài ở đó thì họ sẽ tìm tới, và như vậy sẽ ảnh hưởng đến công phu tu tập của Ngài. Sáng hôm sau Ngài rời thành phố Rajagrha và đến một khu rừng khác nằm ở phía Bắc để tiếp tục thực tập, tiếp tục cuộc hành trình đi về giải thoát.

Sau một năm giác ngộ Bụt nhớ lại lời hứa của mình với vua Bimbisara, Ngài trở về thành phố Rajagraha thăm vua và chia sẻ tuệ giác của mình với vua. Bấy giờ Ngài không đi một mình nữa mà theo Ngài có hơn một ngàn vị khất sĩ. Bụt là một người dựng tăng rất tài ba và nhanh chóng, mới đó mà Ngài đã có hơn một ngàn hai trăm năm mươi đệ tử.

Bụt chăm sóc dạy dỗ quý thầy thực tập chánh niệm trước khi đưa quý thầy vào thành Rajagrha. Bụt dạy quý thầy cách đi, đứng, nằm, ngồi và khất thực. Cố nhiên, dạy dỗ cho hơn một ngàn thầy đi đứng trong chánh niệm thật không phải là chuyện đơn giản. Sau khi được dạy dỗ đàng hoàng, quý thầy trở về Rajagrha, cư trú trong một khu rừng cọ. Những cây cọ tuy còn nhỏ nhưng khu rừng rất xinh đẹp. Cả ngàn vị khất sĩ được chia thành từng nhóm hai mươi, ba mươi người đi vào thành Rajagrha để khất thực. Lần đầu tiên thấy từng đoàn khất sĩ đi khất thực trong chánh niệm, trang nghiêm, thanh thoát và tươi vui, dân chúng rất có ấn tượng. Tin Siddartha trở lại đã sớm đến tai vua. Vua đưa nhiều bạn bè, cận thần, những người trong gia đình đến rừng cọ thăm Bụt. Bụt đã nói cho họ nghe một thời pháp rất hay và hứa sẽ vào cung thăm vua.

Vua mất hai tuần lễ để chuẩn bị đón tiếp tăng đoàn. Hôm ấy tất cả mọi người trong thành đều biết vua tiếp đón các vị khất sĩ nên cả hàng ngàn người đổ xô ra đường để chào đón. Đường phố tấp nập người qua lại và đã có lúc tăng đoàn không thể bước đi được. Lúc ấy có một thanh niên ca sĩ trẻ xuất hiện giữa đám đông hát những bài hát rất hay để tán dương Bụt, Pháp và Tăng. Cảnh tượng rất đẹp, trông giống một ngày lễ hội.

Vào thời xưa, các nhà vua luôn chú trọng đến những bậc quốc sư, làm thầy tinh thần cho vương quốc. Họ thường mời những bậc minh sư vào cung để giúp làm đẹp, làm lành cho vương quốc của họ. Vì vậy vua Bimbasara tìm mọi cách để giữ Bụt ở lại. Vua muốn có Bụt và tăng đoàn trong vương quốc. Đây cũng là sách lược chung của các nhà chính trị. Việc đầu tiên vua làm là cúng dường cho Bụt và tăng đoàn rừng tre ở ngoại ô thành phố. Rừng tre rộng lớn đủ cho Bụt và một ngàn hai trăm năm mươi vị khất sĩ cư trú.

Vua cũng cúng dường cho Bụt dãy núi Linh Thứu, Gridhrakata. Trong những năm đầu Bụt ở đây, con đường duy nhất lên núi là một con đường thiên nhiên, hai bên đường toàn là những cây cỏ. Sau đó vua Bimbasara đã cho xây lại con đường bằng đá. Con đường đá đó ngày nay vẫn còn. Nếu đến Rajagrha (tên mới là Rajgir), quý vị có thể leo núi bằng con đường này. Quý vị cũng có thể đến thăm rừng tre, nhiều loại tre xưa cổ ở đây cũng đã được chính phủ khôi phục lại.

Vua Bimbisara đến thăm Bụt rất thường xuyên. Vua luôn dừng xe dưới chân núi để đi bộ lên dù mất khá nhiều thời gian. Không biết vua có biết đi thiền hành không. Lần đầu tiên leo núi Thứu, đi theo tôi có mấy người bạn, trong đó có cả Maha Ghosanand. Tôi đi trong chánh niệm và tận hưởng từng bước chân của mình. Tôi ý thức rằng đây là con đường mà ngày xưa Bụt đã đi qua. Ngài đã leo lên leo xuống con đường này cả hàng ngàn lần. Ngày nào Ngài cũng đi qua con đường ấy. Vì vậy chúng tôi rất chánh niệm khi đi trên con đường này bởi vì chúng tôi ý thức rằng dấu chân của Bụt vẫn còn đó. Chúng tôi leo được hai mươi bước thì dừng lại, ngồi xuống theo dõi hơi thở và ngắm nhìn cảnh vật chung quanh. Sau đó đứng lên đi tiếp hai mươi bước nữa. Vì có một số người đi theo nên mỗi khi dừng lại tôi nói một bài pháp thoại ba phút. Nhờ đi như thế, nên khi lên đến đỉnh núi chúng tôi không hề mệt mỏi chút nào. Chúng tôi cảm được năng lượng rất hùng hậu của Bụt vẫn còn đó trong khi đi con đường này và khi ngồi trên đỉnh núi Linh Thứu. Hôm đó chúng tôi ngồi trên đỉnh núi ngắm mặt trời lặn. Tôi ý thức là Bụt đã từng ngồi như thế nhiều lần và Ngài cũng ngắm mặt trời huy hoàng đang lặn. Tôi đã dùng con mắt của Bụt để ngắm. Mắt Bụt trở thành mắt tôi và chúng tôi cùng ngắm mặt trời huy hoàng đang lặn.

Nếu có cơ hội đến đó, quý vị nên đi vào sáng sớm, có thể là đi lúc bốn giờ. Quý vị có thể thuê cảnh sát đi theo để được an toàn, bởi vì lúc đó trời còn tối có thể có những người không tốt sẽ lấy cắp đồ của quý vị. Người cảnh sát này không cần mang theo gì cả, dù là cây gậy. Vũ khí của ông ta là đôi mắt, bởi vì ông ta biết hết mọi người trong làng. Nếu ông ta nhận ra tên trộm thì tên trộm sẽ bị vào tù. Chúng ta phải trả cho ông ta một ít tiền và ông sẽ ở lại với chúng ta suốt ngày. Sau khi mặt trời lặn, chúng ta xuống núi. Có cảnh sát, chúng ta có thể xuống núi an toàn.

Tưởng tượng cả ngày leo núi và ngồi chơi trên đỉnh núi, quý vị có thể ngồi thiền, đi thiền, ăn cơm chánh niệm trên đó. Ở đó không có nhà vệ sinh vì vậy quý vị phải đi thiên nhiên. Lần đầu tiên dùng nhà vệ sinh trên đó tôi ý thức rằng hồi xưa Bụt cũng đã từng làm như thế.

Năng lượng chánh niệm

Chúng ta có thể đi bằng đôi chân của Bụt. Một khi chúng ta có sức mạnh của năng lượng chánh niệm thì chân của ta sẽ trở thành chân Bụt. Chúng ta không thể nói: Tôi không thể đi bằng chân Bụt bởi vì tôi không có đôi chân ấy. Điều đó không đúng. Chân của ta là chân của Bụt nếu chúng ta thật sự muốn dùng nó. Điều đó tùy thuộc nơi mỗi chúng ta. Nếu chúng ta đưa năng lượng chánh niệm vào đôi chân của mình thì chân ta trở thành chân Bụt và ta có thể đi cho Bụt. Đây không phải là niềm tin mù quáng mà là tuệ giác. Nếu chúng ta sống bằng năng lượng chánh niệm thì chúng ta đang hành động như Bụt, chúng ta nói như Bụt nói, nghĩ như Bụt nghĩ, làm như Bụt làm. Đó là Phật tánh. Đây không phải lý thuyết mà là điều chúng ta có thể kinh nghiệm được.

Ngồi cho an, đi cho lạc là sự thực tập rất căn bản của làng Mai. Chúng ta tập ngồi như thế nào để trong suốt thời gian ngồi ta có bình yên. Chúng ta học đi như thế nào để trong khi đi ta có an lạc. Chúng ta nhờ chánh niệm và chánh định của ta để làm điều đó. Trong khi đi, khi ngồi chúng ta cũng được thừa hưởng năng lượng chung của tăng thân. Nếu chúng ta thành công được một lần thì lần khác và nhiều lần khác nữa chúng ta cũng có thể thành công. Chúng ta phải quyết tâm thành công trong sự thực tập này.

Trong khi đi thiền, nếu chúng ta bị kẹt vào một ý tưởng nào đó, chẳng hạn như nghĩ về những điều ta phải làm khi về, là chúng ta đã đánh mất buổi đi thiền. Chúng ta đánh mất một cơ hội. Chúng ta đang đi với tăng thân nhưng chúng ta không có mặt với tăng thân. Chúng ta không thể thiết lập thân tâm trong giây phút hiện tại. Vì vậy chúng ta không bước được những bước chân an lạc, hạnh phúc. Hoặc, chúng ta đang lo lắng về một điều gì đó hay đang giận dỗi một ai đó thì chúng ta cũng không thể bước được những bước chân an lạc và như thế là chúng ta đánh mất mọi thứ.

Chúng ta biết rằng trong khi đi, có thể chúng ta không có tự do. Vì thế, đi là sự thực tập để đạt được tự do. Chúng ta phải đi như một con người tự do. Tự do có khả năng mang đến cho ta hạnh phúc, an lạc. Chúng ta phải đầu tư một trăm phần trăm vào mỗi bước chân của mình để đạt được tự do. Nếu trong khi đi mà chúng ta bị kẹt vào những tâm hành giận dữ, lo lắng hay suy nghĩ miên man về những chuyện quá khứ, tương lai hoặc về một nơi nào khác tức là ta không có tự do. Chúng ta không thật sự đi với tăng thân bởi vì chúng ta đang ở một nơi khác. Như vậy là chúng ta đang lãng phí thời gian của mình. Thở vào chúng ta ý thức: Tôi thật sự không có mặt ở đây và sau này tôi sẽ tiếc nuối. Tôi có cơ hội nhưng tôi đã không tiếp xúc được với những điều kiện hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Tôi có khả năng đạt được tự do không? Tôi có thể an lạc ngay bây giờ và ở đây không? Chúng ta phải đặt ra những câu hỏi như thế. Chúng ta phải thách đố chính mình. Nếu không có tự do, nếu không thể đạt được tự do ngay bây giờ thì không bao giờ chúng ta đạt được tự do cả. Vì vậy chúng ta phải quyết tâm đạt cho được tự do ngay trong giây phút hiện tại. Dù các tâm hành lo lắng, giận hờn đi lên rất mạnh nhưng chúng ta biết rằng trong thâm sâu của chúng ta cũng có những hạt giống tự do, an lạc… Chúng ta phải làm cho những hạt giống tích cực ấy được biểu hiện. Chúng ta không chỉ có những tâm hành lo lắng, giận hờn, chúng ta có nhiều hơn thế. Mỗi người trong chúng ta phải tìm ra phương pháp hữu hiệu để đạt được tự do.

Tuệ giác vô thường, vô ngã

Có tuệ giác chúng ta sẽ thấy được tự tánh vô thường. Chúng ta thường hay cố gắng quá nhiều để giữ cho đời sống của mình ổn định và ý niệm về vô thường mang đến cho chúng ta nhiều lo lắng, sợ hãi. Tuy nhiên nếu nhìn sâu vào tự tánh vô thường chúng ta sẽ thấy rất dễ chịu. Khi bước một bước chân, chúng ta có thể hình dung, quán tưởng mẹ mình cũng đang bước bước chân ấy với mình. Bàn chân ta là sự tiếp nối của bàn chân mẹ. Thực tập nhìn sâu, chúng ta thấy sự có mặt của mẹ trong mỗi tế bào cơ thể ta. Hình hài ta là sự tiếp nối của hình hài mẹ. Khi bước một bước chân ta có thể thầm nói: Mẹ ơi, đi với con mẹ nhé. Bỗng nhiên ta thấy mẹ trong ta cũng đang bước với ta. Chúng ta có thể ý thức rằng suốt cả cuộc đời, mẹ không có nhiều cơ hội để đi trong phút giây hiện tại, để thật sự tiếp xúc với mặt đất như chúng ta. Tự nhiên tình thương và lòng từ bi trong ta phát khởi. Đó là nhờ chúng ta có khả năng thấy được mẹ đang đi với mình. Điều này không phải tưởng tượng mà là một sự thật. Chúng ta có thể mời ba cùng đi với mình. Chúng ta có thể mời người thương cùng đi với mình ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta có thể mời tất cả mọi người cùng đi với chúng ta mà không cần phải có con người bằng xương bằng thịt của họ ở đó. Chúng ta là sự tiếp nối của tổ tiên. Tổ tiên ta đang có mặt trong mỗi tế bào cơ thể ta. Khi ta bước được một bước chân an lạc thì ta biết rằng tất cả tổ tiên của ta cũng đang bước bước chân ấy với ta. Hàng triệu bước chân đang cùng bước một lần. Với kỹ thuật điện ảnh chúng ta có thể tạo ra được hình ảnh như thế. Hàng ngàn bước chân, hàng triệu bước chân cùng bước một lúc. Tất nhiên tâm của chúng ta cũng có khả năng ấy. Tâm chúng ta có thể thấy được hàng ngàn, hàng triệu bước chân của tổ tiên đang cùng bước với chúng ta. Thực tập phép quán tưởng này sẽ lấy đi ý niệm mình là một cái ngã biệt lập ra khỏi mình. Chúng ta đi và tổ tiên của chúng ta cũng đang đi với chúng ta.

Bụt đã hiến tặng cho ta nhiều bài tập như thế để ta có thể trở về với chính mình. Tuệ giác vô thường là một công cụ mà chúng ta đã có sẵn. Tuệ giác vô ngã cũng là một công cụ khác. Có thể chúng ta giận con trai mình, con gái mình, có thể giận vợ hay chồng mình. Tuy nhiên, chúng ta cần ý thức rằng hạnh phúc của người kia là hạnh phúc của chính mình, nếu người kia không có hạnh phúc thì mình cũng không thể nào hạnh phúc được. Vì muốn đối xử tốt với người kia nên mình phải an lạc, hạnh phúc. Sự giận dữ sẽ không giúp ích gì cho mình mà cũng chẳng giúp được gì cho người kia. Nếu mình đau khổ thì người kia cũng không thể nào hạnh phúc được. Người kia không phải là một cái ngã biệt lập và mình cũng không phải là một cái ngã biệt lập. Chúng ta có trong nhau, tương tức nhau. Dùng công cụ vô ngã để quán chiếu, ta sẽ tiếp xúc được với tánh tương tức. Chúng ta sẽ vượt thoát được cơn giận và có khả năng bước được những bước chân an lạc, hạnh phúc.

Đi trong Tịnh Độ

Nếu đi bằng chân của Bụt thì mỗi bước chân ta đi đều đi trong nước Chúa, đi trong cõi Tịnh Độ. Sự thực tập ở làng Mai là mỗi ngày ta đều đi trong cõi Tịnh Độ. Mỗi khi chúng ta di chuyển, bước chân của ta đều tiếp xúc được với cõi Tịnh Độ của Bụt. Điều này cũng có nói đến trong kinh Thiền Môn Nhật Tụng: Mỗi bước chân đi vào Tịnh Độ. Đó là sự thực tập. Những lời kinh này không còn là sự cầu nguyện nữa mà là lời hướng dẫn, nhắc nhở chúng ta thực tập. Chúng ta biết rằng chúng ta có khả năng làm được điều này. Có chánh niệm, chúng ta ý thức được từng bước chân của mình và tiếp xúc được Tịnh Độ với tất cả những mầu nhiệm của nó. Mỗi bước chân như thế sẽ đem lại tự do, an vui và khả năng trị liệu cho chúng ta. Tất cả chúng ta đều biết rằng đi thiền là đi trong nước Chúa, đi trong cõi Tịnh Độ của Bụt. Đi như thế chúng ta có khả năng chuyển hóa, có khả năng trị liệu và tạo ra nhiều tình thương trong lòng mình. Chúng ta không chỉ đi cho chúng ta thôi mà chúng ta còn đi cho ba mẹ, cho tổ tiên và cho cả những người khổ đau trên thế giới. Chúng ta có thể mang Tịnh Độ đi bất cứ nơi đâu, gọi là Tịnh Độ bỏ túi. Đó là điều quý nhất mà ta có thể hiến tặng cho những người ta gặp trong cuộc đời. Hiến tặng cho họ không gì quý bằng hiến tặng Tịnh Độ hay nước Chúa. Chúng ta là những vị Bồ Tát và đó là những món quà quý nhất ta dành cho những người chung quanh ta.

Thức của con người

Cách đây khoảng một triệu năm trăm năm con người bắt đầu đứng được bằng hai chân và hai tay được giải phóng. Khi hai tay được giải phóng thì bộ não bắt đầu phát triển rất nhanh. Phật tính cũng thuộc về con người thời đó cho dù Bụt xuất hiện trên Trái Đất này chỉ cách đây hai ngàn sáu trăm năm. Chúng ta cũng biết rằng trước Ngài đã có nhiều vị Bụt khác xuất hiện như Bụt Nhiên Đăng (Dipankara) và Bụt Ca Diếp (Kashyapa).

Có một giống người có khả năng tạo ra năng lượng chánh niệm. Chúng ta cũng thuộc giống người đó, gọi là người có ý thức (conscious homosapiens). Tất cả chúng ta đều thuộc dòng họ Thích Ca bởi vì chúng ta có khả năng tạo ra năng lượng chánh niệm và năng lượng chánh niệm này có thể ở với chúng ta hai mươi bốn giờ mỗi ngày. Chư Bụt cũng là những con người như chúng ta nhưng các Ngài sống chánh niệm hai mươi bốn giờ mỗi ngày. Ban đầu chúng ta làm Bụt từng phần và nếu tiếp tục thực tập chúng ta sẽ trở thành Bụt toàn phần. Bụt nghĩa là người tỉnh thức. Chúng ta phải học cách không phân biệt bởi vì chúng ta hiểu rằng ai cũng có Phật tánh trong mình. Tất cả những cái không phải là Bụt đều có Phật tánh. Vì thế, chúng ta vượt thoát được sự phân biệt chủng tộc. Sự thực tập của chúng ta là giúp cho Phật tánh trong mỗi người biểu hiện càng nhiều càng tốt, bởi vì chỉ có sự tỉnh thức cộng đồng mới có khả năng đưa chúng ta ra khỏi tình trạng khó khăn trong hiện tại. Sau khi chứng ngộ, Bụt thấy rằng mình phải chia sẻ cái thấy và sự thực tập này với mọi người. Cho nên trong suốt bốn mươi năm hành đạo, Bụt luôn hướng tâm giúp đỡ mọi người sống tỉnh thức và chánh niệm. Bụt luôn luôn dạy rằng: Con đường niệm, định, tuệ là con đường tự do, con đường hạnh phúc.

Bảy bước mầu nhiệm

Theo truyền thống đạo Bụt thì khi vừa mới sinh ra Bụt đã bước đi bảy bước. Bụt bắt đầu đi thiền hành khi mới lọt lòng mẹ. Số bảy là con số rất linh thiêng. Vì vậy chúng ta có thể hiểu bảy bước đó như là bảy yếu tố giác ngộ. Để kỷ niệm ngày Bụt đản sanh, cách hay nhất là chúng ta đi bảy bước, hoàn toàn an trú trong chánh niệm. Tôi luôn thấy mình may mắn và mầu nhiệm có mặt trên hành tinh này, bước đi như một con người tự do. Không cần phải làm gì cả. Chúng ta chỉ đi cho bình an trên hành tinh này. Phi hành gia Apollo đã chụp hình Trái Đất và gởi đến cho chúng ta, nhờ đó chúng ta thấy được Trái Đất rất xinh đẹp, là thành trì của sự sống. Trái Đất là Tịnh Độ của chúng ta. Thật kỳ diệu!

Nếu chúng ta bay lên không trung, chúng ta sẽ thấy sự sống ở đó rất hiếm hoi. Khí hậu quá khắc nghiệt, khi thì quá nóng, khi thì quá lạnh làm cho sự sống không thể tồn tại. Trở về Trái Đất, chúng ta mới thấy được sự mầu nhiệm của sự sống. Chúng ta thấy được cây xanh, thấy được các loài thảo mộc và động vật. Chúng ta tiếp xúc được với mặt đất, với cỏ cây bằng đôi chân của ta, chúng ta ngắm nhìn những bông hoa, quan sát những chú sóc chuyền cành, lắng nghe tiếng chim hót, tiếng gió rủ rỉ qua các cành thông, hít thở và tiếp xúc với không khí trong lành. Nhiều người trong chúng ta cần phải xa nhà một tuần để khi trở về biết trân quý cõi Tịnh Độ của mình hơn. Chúng ta hay xem thường những gì mình đang có, cứ cho rằng đó là những điều hiển nhiên. Nếu có chánh niệm chúng ta sẽ ý thức rằng còn sống và có mặt trên Trái Đất này, bước được những bước chân trên hành tinh xinh đẹp là một phép lạ. Thiền sư Lâm Tế nói: Phép lạ không phải là đi trên mặt nước hay đi trên không trung mà là đi trên mặt đất. Tất cả chúng ta đều có thể đạt được phép lạ khi đi trên mặt đất. Chúng ta có thể bắt đầu bằng bảy bước. Nếu thành công, chúng ta có thể bước tiếp bước thứ tám, thứ chín. Với năng lượng chánh niệm, chân của ta trở thành chân Bụt. Thực tập hơi thở chánh niệm sẽ giúp ta chế tác năng lượng chánh niệm và với năng lượng chánh niệm đó, chúng ta ủy quyền cho đôi chân của ta để chân ta trở thành chân Bụt. Khi chúng ta đi bằng chân Bụt thì nơi ta đi là đất Bụt. Bụt ở đâu thì đất Bụt và cõi Tịnh Độ ở đó. Nước Chúa cũng luôn luôn có mặt ở đây, ngay bây giờ. Tịnh Độ của Bụt cũng vậy. Vấn đề là chúng ta có có mặt cho nước Chúa, có mặt cho cõi Tịnh Độ hay không? Có thể chúng ta quá bận rộn, không thể rong chơi trong cõi Tịnh Độ hay trong nước Chúa. Vì vậy mà Siddhartha muốn chứng minh rằng Ngài có thể bắt đầu đi trong cõi Tịnh Độ ngay khi vừa mới ra đời.

Quay về nương tựa Bụt, Pháp, Tăng và tiếp nhận năm giới là chúng ta được tái sinh trở lại trong gia đình tâm linh. Cũng giống như Siddhartha chúng ta có thể đi bảy bước thành công. Bước thức nhất, ta tiếp xúc với mặt đất, bước thứ hai ta thấy được trời xanh trên Trái Đất này… Chúng ta chỉ cần bảy bước để giải thoát, giác ngộ. Chúng ta có thể giác ngộ trong mỗi giây phút của cuộc sống hằng ngày. Ý thức rằng chúng ta đang còn sống và đang đi trên mặt đất đã là một sự giác ngộ rồi. Chúng ta phải làm mới sự giác ngộ của mình mỗi ngày. Đi trong nước Chúa, đi trong cõi Tịnh Độ của Bụt là một niềm hân hoan, tươi mới, rất nuôi dưỡng, rất trị liệu. Chúng ta biết mình có khả năng làm được điều đó nhưng thông thường chúng ta không làm. Chúng ta cần bạn, cần thầy nhắc nhở chúng ta.

Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể thực tập hơi thở chánh niệm và chế tác năng lượng chánh niệm. Ai cũng có khả năng bước được một bước chân, tiếp xúc với mặt đất, tiếp xúc với nước Chúa bằng năng lượng chánh niệm. Một số người trong chúng ta cần phải bay lên không trung để biết trân quý Trái Đất hơn. Chúng ta hay xem thường nhiều thứ. Chúng ta không biết trân quý những gì ta đang có. Rất nhiều điều kiện hạnh phúc, an lạc có sẵn cho chúng ta, nhưng chúng ta đã không tiếp nhận được. Pháp Bụt giúp ta thực tập chánh niệm, ý thức là chúng ta đang ở đây, bầu trời vẫn xanh, cỏ cây, mây nước, dòng sông vẫn còn đó. Chúng ta có thể tận hưởng từng phút giây của cuộc sống để sự tiếp nối của chúng ta có cơ hội đi lên.

Chánh niệm có khả năng làm cho mỗi giây phút của sự sống trở thành giây phút mầu nhiệm. Đó là món quà quý nhất mà chúng ta có thể hiến tặng cho con cháu của chúng ta. Con cháu của chúng ta là ai? Con cháu chúng ta chính là chúng ta. Bởi vì con cháu chúng ta là sự tiếp nối của chúng ta. Vì vậy mỗi giây phút của đời sống hằng ngày có thể trở thành món quà cho con cháu chúng ta và cho toàn thế giới.

Chân của Bụt

Lần đầu tiên đi Ấn Độ, khi vào thành phố Patna, ngồi trên máy bay chúng tôi quan sát khung cảnh bên dưới khoảng mười lăm phút. Đó là lần đầu tiên tôi thấy sông Hằng. Khi còn là một sa di tôi biết sông Hằng và cát trên sông Hằng là hằng hà sa số, không thể đếm được. Vào thời xưa người ta gọi là Patna, Pataliputra. Đó là thủ đô của Magadha sau khi Bụt nhập diệt. Ngồi trên máy bay nhìn xuống, tôi thấy dấu chân của Bụt khắp nơi dọc sông Hằng. Chắc chắn là Bụt đã qua lại nhiều lần dọc dòng sông ấy. Tôi rất cảm động! Sau mười lăm phút quan sát và quán tưởng, tôi thấy Bụt đang đi trang nghiêm, thanh thoát, tươi vui và an lạc. Bụt đã đi như thế trong suốt bốn mươi lăm năm. Bụt mang tuệ giác, từ bi và đạo giải thoát chia sẻ với tất cả mọi người, đủ các tầng lớp trong xã hội, từ những người có chức quyền, địa vị lớn như vua quan, tướng lãnh, cận thần cho đến những kẻ cùng đinh như người gánh phân, đổ thùng, những người thuộc tầng lớp hạ tiện…

Bụt rất thích đi bộ và Bụt đi rất nhiều. Vào thời đại của Bụt không có xe hơi, không có tàu lửa, không có máy bay. Thỉnh thoảng Bụt dùng đò để qua sông, nhưng hầu hết là đi bộ. Bụt đi với những người bạn và đệ tử của Bụt. Suốt bốn mươi lăm năm hành đạo, Bụt đã viếng thăm và dạy dỗ cho khoảng mười bốn, mười lăm nước Ấn Cổ và Nepal. Cố nhiên là Bụt thích ngồi thiền nhưng Bụt cũng thích đi thiền.

Nếu quý vị đi Ấn Độ và đến thăm Benares, từ đó muốn đến New Delhi quý vị phải đi bằng máy bay. Nhưng hồi xưa thì Bụt đi bộ. Suốt ba tháng mùa mưa, Bụt an cư với quý thầy tại một trú xứ còn những tháng khác trong năm Bụt thích đi đây đó để hóa độ mọi người. Cư sĩ Cấp Cô Độc đã cúng dường cho Bụt khu vườn Kỳ Đà. Ông có một người con gái tên là Sunanagada, cô gái này cưới một ông vua ở vùng Bengal. Một ngày nọ đứa con gái của ông Cấp Cô Độc mời Bụt đến nơi mình ở. Bụt đi về phương Đông với năm trăm vị khất sĩ. Bụt rất thích phương Đông và đã thuyết pháp rất nhiều ở đó. Bụt ở tu viện Kỳ Đà hơn hai mươi mùa an cư. Bụt cũng đã đi về phương Bắc, ngày nay gọi là New Delhi và cũng thường xuyên đi về phương Tây. Vua Avanti muốn mời Bụt về phương Tây nhưng Bụt không đi và Bụt đã gởi hai vị đệ tử lớn thay Ngài. Đó là Ma ha Ca Chiên Diên và Ma ha Câu Thi La. Thầy Ca Chiên Diên là một pháp sư hùng biện và khéo léo. Họ đi về phương Tây và thành lập nhiều trung tâm ở đó. Do điều kiện sinh hoạt ở phương Tây khác hẳn với những nơi khác nên hai thầy đã xin Bụt giảm bớt một vài giới điều để dễ dàng thực tập hơn. Những giới mà hai thầy đưa ra chung quy là về việc đi chân đất. Vì điều kiện sống ở đây khắc nghiệt nên quý thầy ở miền Tây được mang giày nhiều lớp để bảo vệ đôi chân của mình, được ngồi trên da thú để khỏi bị ẩm ướt và tránh được cái lạnh toát ra từ hơi đá.

Ở Sharavasti, có một thương gia rất giàu có, đi từ phương Tây đến gặp Bụt và muốn xuất gia trở thành một vị khất sĩ. Sau khi trở thành khất sĩ và thực tập có nhiều tiến bộ, thầy muốn trở về quê hương của mình để thành lập tăng thân. Tên thầy là Phú Lâu Na. Cuộc nói chuyện giữa Bụt và thầy Phú Lâu Na được ghi lại trong kinh: Ta nghe nói dân chúng ở phương Tây không được hiền lành và họ rất dễ nổi giận. Nếu thầy đến đó dân chúng la thầy thì thầy sẽ hành xử như thế nào? Thầy Phú Lâu Na trả lời: Bạch đức Thế Tôn, nếu người ta la con, con thấy họ vẫn còn từ bi bởi vì họ không ném đá vào con.Nhưng nếu người ta ném đá vào thầy thì sao?Bạch Thế Tôn con nghĩ họ đủ từ bi với con bởi vì họ không dùng gậy đánh con.Nhưng nếu họ dùng gậy đánh thầy thì sao?Con nghĩ là họ vẫn còn từ bi vì họ không dùng dao giết con.Nếu người ta dùng dao giết thầy thì sao?Trong trường hợp phải chết vì chánh pháp con vẫn rất hạnh phúc, con không sợ hãi và cái chết của con cũng là một bài pháp. Bụt nói: Tốt lắm, vậy thì thầy nên đi đến đó. Thế là tôn giả Phú Lâu Na được đức Thế Tôn và tăng đoàn yểm trợ đi về phương Tây để thành lập tu viện và cuối cùng có năm trăm vị khất sĩ cư trú ở đó.

Khi chúng ta đi trong chánh niệm thì chân chúng ta trở thành chân Bụt. Ngày nay chúng ta có thể thấy được bàn chân của Bụt ở khắp nơi, Ngài không chỉ đi ở Tây Ấn mà còn đến cả châu Phi, châu Úc, Tân Tây Lan, Nga và Nam Mỹ nữa. Chân của quý vị đã trở thành chân Bụt. Bởi vì quý vị đang có mặt ở đó và Bụt có thể đi bất cứ nơi đâu. Bất kể quý vị đang ở đâu, Hòa Lan, Đức Quốc, Do Thái hay Canada, quý vị cũng có thể đi cho Bụt. Bởi vì quý vị là bạn của Bụt, là đệ tử của Bụt, là sự tiếp nối của Bụt. Nhờ quý vị mà Bụt được tiếp tục đi và tiếp tục tiếp xúc với hành tinh này khắp mọi nơi. Mỗi bước chúng ta đi đều có khả năng mang theo sự an vui, vững chãi và thảnh thơi. Với chân của Bụt chúng ta có thể mang Ngài đi đến những vùng xa xôi, hẻo lánh, những khu nhà ổ chuột hay những vùng kinh tế mới ở các miền quê, những nơi đói khổ và kỳ thị giai cấp. Chúng ta có thể mang Bụt đi vào nhà tù, làm cho giáo pháp sống dậy trong lòng mọi người. Được tiếp nối Bụt là một điều kỳ diệu. Chúng ta biết rằng chúng ta có thể làm được điều đó, chúng ta có khả năng tiếp nối Bụt. Điều này không khó, chúng ta chỉ cần thở và đi cho có chánh niệm là chúng ta đã có thể tiếp nối Bụt. Làm được điều đó thì mỗi giây phút của đời sống hằng ngày là một sự mầu nhiệm, một phép lạ.

Đó là món quà quý nhất mà chúng ta có thể hiến tặng cho thế hệ tương lai. Chúng ta không cần phải có nhiều tiền tài, danh vọng, hay quyền hành mới có hạnh phúc. Chỉ cần có chánh niệm là chúng ta đã đủ hạnh phúc rồi. Chúng ta cần tự do, cần vượt thoát mọi lo lắng, tham lam và buồn giận để chúng ta có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống. Những mầu nhiệm của sự sống đã có sẵn ở đây, ngay bây giờ. Với sự nỗ lực cá nhân và với sự nâng đỡ của tăng thân, chúng ta có khả năng làm được điều đó. Đi đâu chúng ta cũng mang Bụt đi theo, bởi vì chúng ta là sự tiếp nối của Bụt. Ở đâu chúng ta cũng có thể thành lập tăng thân để yểm trợ cho sự thực tập của mình, để cho Bụt có thể ở lại với chúng ta lâu dài và ta có thể mang Bụt đi về tương lai.

Địa xúc

Đi là một hình thức tiếp xúc. Tiếp xúc với mặt đất bằng đôi chân của mình là chúng ta trị liệu cho mặt đất, trị liệu cho chính mình và trị liệu cho toàn nhân loại. Lúc nào có năm, mười hay mười lăm phút chúng ta nên đi thiền. Mỗi bước chân đều có khả năng trị liệu và nuôi dưỡng thân tâm. Mỗi bước chân đi trong chánh niệm, thảnh thơi có thể giúp ta chuyển hóa và trị liệu cho tự thân, cho thế giới.

Chúng ta chỉ cần khởi đầu như đức Bụt sơ sinh, bắt đầu đi bảy bước. Chúng ta trở về ngôi nhà của chính mình ngay trong giây phút hiện tại và bước một bước: Tiếp xúc với mặt đất, tôi biết hành tinh này thật mầu nhiệm. Bước bước thứ hai tuệ giác của ta sẽ sâu hơn: Không những tôi tiếp xúc với mặt đất mà còn tiếp xúc với bầu trời đang có mặt trong lòng đất. Tôi tiếp xúc được tính tương tức. Bước thứ ba chúng ta có thể tiếp xúc được với tất cả các loài sinh vật trên Trái Đất, kể cả tổ tiên và con cháu của chúng ta. Chúng ta giác ngộ ngay nơi mỗi bước chân mình. Đi như thế không phải là một lao tác mệt nhọc mà chúng ta đang chế tác niệm, định, tuệ. Niệm, định, tuệ chính là nguồn an lạc, hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta có muốn trở thành một hành giả không? Đơn giản lắm. Chỉ cần chúng ta đi chánh niệm như Bụt sơ sinh ngay trong giây phút hiện tại, hoàn toàn ý thức về những mầu nhiệm của cuộc sống đang có mặt chung quanh ta.

Địa xúc cũng là một phép thực tập mang lại khả năng trị liệu rất lớn. Chúng ta có thể tâm sự trực tiếp với Bụt. Sau khi nói chuyện với Bụt ba bốn phút, chúng ta thực tập địa xúc, không phải chỉ bằng đôi chân mà bằng năm vóc của mình (hai tay, hai chân và trán). Giao hết thân mạng mình cho đất, chúng ta với đất là một. Để cho đất ôm ấp và trị liệu chúng ta. Chúng ta không cần phải ôm khổ đau một mình. Ta xin đất ôm ấp những khổ đau của ta như người mẹ ôm ấp đứa con của mình để được trị liệu và chuyển hóa.

Hy vọng mỗi người trong chúng ta đều thực tập được như thế. Chúng ta có thể thực tập bằng hai cách. Trước tiên chúng ta có thể đi đến một gốc cây, hay bất cứ ở đâu mà chúng ta thích và thực tập địa xúc một mình. Chúng ta theo dõi thở thở và tâm sự với Bụt, chúng ta có thể sử dụng những hướng dẫn trong sách hoặc thêm vào những điều mình muốn tâm sự với Bụt. Sau hai ba phút tâm sự với Bụt, chúng ta lạy xuống. Chúng ta cũng có thể thực tập chung với gia đình hoặc với tăng thân. Thực tập một lần là ta đã thấy có sự trị liệu và chuyển hóa rồi. Không thể khác được. Cũng giống như khi ăn cơm, bất cứ lúc nào ăn, ta cũng nhận được chất dinh dưỡng của thức ăn, không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi tin rằng sau một hai tuần thực tập chúng ta sẽ có sự chuyển hóa và trị liệu, không chỉ cho chúng ta mà còn cho những người ta mang theo trong mình.

Bụt không thuộc về quá khứ. Bụt có mặt trong giây phút hiện tại. Kỷ niệm Đức Bụt Đản sanh, chúng ta phải để cho Bụt sinh ra trong mỗi chúng ta. Chúng ta nên đặt câu hỏi cho chính mình: Bụt là ai? Và chúng ta có thể trả lời: Tôi là Bụt, bởi vì có chánh niệm, chánh định là ta đã trở thành Bụt. Chúng ta ý thức là chúng ta luôn mang theo sự nghiệp của Ngài.

Một thân và nhiều thân

Có lần Bụt kể về Bồ Tát Kim Cương Tạng, Vajragarbha. Một hôm, Bồ Tát giảng về giáo lý tương tức và sau khi giảng xong nhiều vị Bồ Tát khác từ khắp mười phương xuất hiện, vị nào cũng giống Vajragarbha. Họ đến bên Ngài và nói: Thưa Bồ Tát Kim Cương Tạng, chúng tôi cũng là Bồ Tát Kim Cương Tạng và chúng tôi cũng đang giảng về giáo lý tương tức ở khắp nơi. Bỗng nhiên tất cả các vị Bụt khắp nơi trong vũ trụ xuất hiện, đưa cánh tay rộng dài của mình ra xoa đầu Bồ Tát Kim Cương Tạng: Lành thay, lành thay, con đã giảng về giáo lý tương tức rất tuyệt vời. Và dù cho vô số các Đức Bụt đưa cánh tay rộng dài của mình ra như thế, mà vẫn không hề đụng nhau.

Điều đó có nghĩa là khi chúng ta làm một việc tốt ở đâu đó thì hành động tốt của chúng ta sẽ tác động và ảnh hưởng khắp nơi trong vũ trụ. Vì thế đừng lo lắng nếu chúng ta thấy mình chỉ làm được một việc rất nhỏ ở một góc nào đó trong vũ trụ. Chúng ta chỉ cần làm Bụt ở nơi đó. Nếu đang ở Pháp, chúng ta hãy quan tâm chăm sóc nước Pháp, đừng lo lắng về những nơi khác vì những nơi ấy cũng sẽ có các thân Bụt khác đang làm như vậy. Chúng ta chỉ cần làm tốt ở đây và hóa thân của ta sẽ làm tốt ở kia. Mỗi người ai cũng có hóa thân của mình cho dù mình có tin điều đó hay không.

Tôi xa Việt Nam đã lâu nhưng nhiều người bạn của tôi đã thuật lại rằng sự có mặt của tôi ở Việt Nam rất hùng hậu và rõ ràng. Tôi có rất nhiều hóa thân đang hoạt động ở đó. Mỗi ý chúng ta nghĩ, mỗi lời chúng ta nói, mỗi hành động chúng ta làm đều đi vào vũ trụ và chúng đang làm công việc của chúng ta. Chúng ta có vô số hóa thân. Vì vậy chúng ta phải đảm bảo là chúng ta chỉ gởi đi khắp nơi những hóa thân hiền thiện của chúng ta thôi.

Trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Bụt đã chỉ cho đệ tử của mình thấy được nhiều hóa thân của Ngài. Trước đó đệ tử của Ngài chỉ tin rằng thầy của mình chỉ là người ngồi đó, bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Thầy của mình chỉ sống tới tám mươi tuổi, đi khắp đất nước dọc con sông Hằng. Nhưng ngày hôm đó, trên núi Linh Thứu, đức Bụt Thích Ca Mâu Ni đã gọi các hóa thân của Ngài từ khắp nơi trên vũ trụ về. Các vị đệ tử của Bụt bắt đầu thấy được Thầy của mình không chỉ giới hạn nơi hình hài này mà tất cả mọi người ngồi trên núi Linh Thứu đều là Thầy mình, bởi vì Ngài có rất nhiều hóa thân. Họ có thể tiếp xúc được với Thầy mình trong bản môn mà không phải chỉ có trong tích môn. Chúng ta phải tập tiếp xúc với chính mình, tiếp xúc với người thương của mình trong bản môn, như thế chúng ta mới vượt thoát được nỗi sợ hãi, vượt thoát được không gian và thời gian. Chúng ta biết rằng chúng ta có vô số hóa thân ở khắp nơi. Mỗi hóa thân sẽ luôn luôn tiếp nối chúng ta. Sự tan rã của hình hài này không có nghĩa là chấm dứt mọi thứ. Chúng ta còn tiếp tục trong nhiều hình thái khác nữa. Giáo lý Hoa Nghiêm giúp ta tiếp xúc với thực tại trong thế giới bản môn, giúp ta có cái nhìn sáng suốt về bản thân, về người khác và về thế giới.

Nếu chúng ta làm được một điều tốt mà không ai để ý thì cũng đừng lo. Tất cả chư Bụt trong vũ trụ đều biết đến. Nếu biết nhìn, chúng ta sẽ thấy tất cả chư Bụt đang đưa tay xoa đầu chúng ta và nói: Lành thay! Lành thay! Con đang làm một việc rất vi diệu. Đó là thông điệp mà kinh muốn chuyên chở đến cho chúng ta.

Hôm nay nếu quý vị có cơ hội cắt gọt thì hãy cắt gọt bằng đôi tay của tổ tiên mình, cắt gọt bằng đôi tay của Bụt. Bởi vì Bụt biết cách cắt gọt rau quả trong chánh niệm với nhiều hỷ lạc. Chúng ta làm cho Bụt, cho tổ tiên của chúng ta. Hôm nay khi đi thiền, quý vị đi như thế nào để thấy được vô số bàn chân đang cùng bước với quý vị. Sử dụng năng lực quán tưởng, quý vị có thể xóa đi khái niệm ngã và khái niệm về một thực thể riêng biệt. Quý vị có thể gửi đến tàng thức của mình những yếu tố tuệ giác để tàng thức làm những quyết định đúng đắn cho quý vị cũng như cho tất cả mọi người.

Mang tăng thân theo mình

Mỗi người trong chúng ta đều tiếp nối Bụt bằng con đường của mình. Cho dù xã hội có tạo ra những hoàn cảnh khắc nghiệt khiến chúng ta khó sống với giây phút hiện tại thì chúng ta vẫn luôn có Bụt, có Pháp, có Tăng bên mình nếu chúng ta biết thực tập chánh niệm và chánh định. Với tấm lòng thương yêu và quyết tâm của mình, chúng ta có thể mang theo Tịnh Độ của Bụt và chia sẻ với những người chung quanh. Sở dĩ tôi còn sống sót trong ba mươi chín năm qua là nhờ tôi luôn mang theo tăng thân bên mình. Có tăng thân trong mình chúng ta không bị khô héo như một tế bào văng ra khỏi cơ thể.

Thỉnh thoảng trong khi đi thiền, nấu ăn, lái xe, chúng ta có thể dừng lại để tiếp xúc với tăng thân trong mình. Chúng ta có thể hỏi: Tăng thân ơi, tăng thân có còn đó trong con không? Và chúng ta sẽ nghe tăng thân trả lời: Tăng thân luôn có trong con. Tăng thân đang nâng đỡ con. Tăng thân sẽ không để con khô héo như một tế bào riêng lẻ bị tách ra khỏi cơ thể.

Ý thức về tăng thân trong ta và chung quanh ta, chúng ta sẽ có năng lượng để đi tới. Mỗi chúng ta đều là một ngọn đuốc, mỗi chúng ta đều là nhân tố gây cảm hứng cho nhiều người và mỗi chúng ta phải là một vị Bồ Tát. Bồ Tát không cần phải làm gì to tát, chỉ cần thực tập sống đời sống hằng ngày của mình cho đàng hoàng là chúng ta đã trở thành Bồ Tát rồi.

Giáo lý của Bụt dạy rất rõ rằng Bụt cũng là một con người như chúng ta. Nếu không có con người thì Bụt cũng không thể có được. Vì vậy để làm Bụt chúng ta cần làm một con người và để làm một con người chúng ta cần làm Bụt. Hai là một. Nếu Phật tánh không có trong ta thì ta không thể là một con người. Ai cũng có Phật tánh trong mình. Chúng ta có thể thở như Bụt, đi như Bụt, ngồi như Bụt và ăn uống như Bụt. Thực tập chánh niệm giúp ta thành Bụt ngay trong giây phút hiện tại. Nếu chúng ta đi tìm Bụt cách đây hai ngàn sáu trăm năm thì chúng ta sẽ mất Ngài, còn nếu chúng ta thở và thắp sáng ý thức rằng chúng ta là Bụt, là sự tiếp nối của Bụt thì Bụt sẽ có mặt ngay trong chúng ta.

Cuối cuộc hành trình là bắt đầu một sự tiếp nối. Tôi hy vọng và nguyện cầu chư Bụt, chư vị Bồ Tát gia hộ cho quý vị được an lành, khỏe mạnh và hạnh phúc. Chúng tôi tin tưởng ở quý vị. Bụt cũng đang tin tưởng nơi mỗi chúng ta. Hôm nay chúng ta hãy đi cho thảnh thơi. Chỉ cần đi bảy bước, chúng ta sẽ thấy được những mầu nhiệm của cuộc sống đang hiển bày.

Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 01 tại đây.

Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 02 tại đây.

Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 03 tại đây.

Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 04 tại đây.

Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 05 tại đây.

Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 06 tại đây.

Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 07 tại đây.

Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 08 tại đây.

Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 09 tại đây.

Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 10 tại đây.

Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, toàn tập tại đây.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Thích Nhất Hạnh | Sợ hãi | Chương 17

Thích Nhất Hạnh | Sợ hãi | Chương 17

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân khai sáng chánh niệm giúp…

Những sách Phật giáo hay cho trẻ em

Những sách Phật giáo hay cho trẻ em

Mới chập chững bước vào đời hẳn các bé sẽ có nhiều điều bỡ ngỡ và lạ lùng. Nếu không trang bị sách Phật giáo hay cho trẻ em ngay…

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.