Thích Nhất Hạnh | Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức | Chương 04

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.

 · 34 phút đọc.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.

Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Khi quá bận rộn, hoặc quá căng thẳng về một vấn đề nào đó, chúng ta thường hay nói rằng chúng ta đánh mất tâm. Nhưng trước khi mất tâm thì tâm ở đâu và nó đã đi đâu? Trong Kinh Lăng Nghiêm (Surangama), một Kinh rất phổ biến của đạo Bụt ở Việt Nam và Trung Quốc, kể lại rằng Đức Bụt và đệ tử của Bụt là ngài A Nan có trao đổi cách làm thế nào để xác định vị trí của tâm. Tâm nằm bên trong thân thể hay bên ngoài thân thể, hay tâm nằm ở giữa thân thể và thế giới bên ngoài? Cơ bản, Kinh dạy chúng ta tâm là vô trụ. Nói cách khác, chúng ta không thể nói tâm nằm bên trong thân thể, cũng không thể nói tâm nằm bên ngoài thân thể, mà cũng không thể nói tâm nằm ở giữa thân thể và thế giới bên ngoài. Tâm không có một vị trí cố định.

Không những chỉ có tâm không có vị trí mà mọi thứ đều như thế cả. Sáng nay tôi nhặt một chiếc lá xanh. Chiếc lá này nằm bên trong hay bên ngoài tâm tôi? Đó là vấn đề. Câu hỏi tuy rất đơn giản nhưng lại khó trả lời. Chúng ta không thể lấy khái niệm về trong và ngoài để áp dụng vào thực tại.

Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng tâm thì ở đây và thế giới thì ở ngoài kia; tâm là chủ thể còn thế giới và thân thể là đối tượng. Bụt dạy rằng tâm và đối tượng của tâm không thể tồn tại biệt lập ngoài nhau mà chúng tương tức với nhau. Không có cái này thì cái kia cũng không thể có được. Sẽ không có chủ thể nhận thức nếu không có đối tượng nhận thức. Chủ thể và đối tượng nương nhau mà biểu hiện. Thông thường khi nghĩ về tâm chúng ta chỉ nghĩ về ý thức. Nhưng tâm không phải chỉ có ý thức thôi mà nó bao gồm cả mạt na thức và tàng thức nữa.

Chúng ta có thể tập luyện để xem thân thể chúng ta như một dòng sông, và tâm chúng ta là một phần của dòng sông ấy, luôn luôn trôi chảy, luôn luôn biến đổi. Theo tâm lý học Phật giáo thì chướng ngại lớn nhất ngăn cản chúng ta, không cho chúng ta nhìn rõ thực tại là khuynh hướng bị kẹt vào khái niệm chủ thể là một cái gì đó khác hẳn với đối tượng, và đối tượng là một cái gì đó tồn tại độc lập ngoài chủ thể. Cách nhìn này đã trở thành một tập khí, một khuôn mẫu ảnh hưởng đến suy nghĩ và cách hành xử của chúng ta.

Khi còn là một sa di trẻ, chúng tôi được học rằng thức có ba phần. Trong đó hai phần đầu là kiến phần, darshana, tức chủ thể nhận thức; và tướng phần, nimitta, là đối tượng được nhận thức. Chủ thể và đối tượng nương vào nhau mà biểu hiện. Tin rằng có chủ thể mà không cần có đối tượng thì đó là một sai lầm căn bản. Vậy mà chúng ta hay có khuynh hướng tin rằng chủ thể nhận thức – tâm chúng ta – có thể tồn tại biệt lập, tách rời với đối tượng nhận thức; và đối tượng nhận thức tồn tại biệt lập, nằm ngoài chủ thể nhận thức.

Trong đạo Bụt có danh từ nāmarūpa, tương đương với thân tâm (psychosoma). Nāma là tâm, rūpa là thân. Thực tại được biểu hiện qua hai mặt thân và tâm, tâm lý và sinh lý. Cái này không thể có được nếu không có cái kia. Cái này không thì cái kia cũng không. Não và tâm là hai mặt của cùng một thực tại. Vì vậy chúng ta phải luyện tập để thấy được não là thức, não tương tức với thức mà đừng xem chúng như là hai đối tượng hoàn toàn tách rời và khác biệt nhau.

Khi mời một ngọn lửa biểu hiện, chúng ta có thể nghĩ rằng ngọn lửa hoàn toàn khác với que diêm. Nhưng chúng ta biết rằng ngọn lửa có mặt khắp nơi, ngọn lửa có mặt trong que diêm, có mặt trong ôxy, trong không khí. Ngọn lửa không có vị trí đích thực. Khi điều kiện đầy đủ thì ngọn lửa biểu hiện. Bản chất của thức cũng thế, cũng không có vị trí. Chúng ta biết rằng ý thức luôn luôn phải là ý thức về một cái gì đó. Đối tượng và chủ thể luôn luôn có mặt cùng một lúc. Nhìn vào phần này chúng ta sẽ thấy được phần kia. Nhìn vào phần kia chúng ta sẽ thấy được phần này. Đó là tương tức. Cái này có trong cái kia.

Biểu biệt (double manifestation)

Biểu biệt là biểu hiện và phân biệt. Thức biểu hiện ra hai phần: chủ thể phân biệt và đối tượng phân biệt. Vì vậy _vijnapti – _ biểu hiện, là cùng biểu hiện, chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức cùng biểu hiện một lúc. Bất cứ một biểu hiện nào cũng đều có chủ thể và đối tượng của nó. Trong tiếng Hán, chữ tưởng 想 (nhận thức) có hai phần: phần dưới 心 (tâm) là chủ thể nhận thức và phần trên 相 (tướng) là đối tượng nhận thức. Nhưng nếu nhìn sâu chúng ta có thể thấy được phần thứ ba, là nền tảng của hai phần đầu. Nhìn vào đồng tiền cắc, chúng ta thấy có mặt trên và mặt dưới, hai mặt này không thể tách rời nhau. Chúng ta thấy rõ hai mặt của đồng tiền, tuy nhiên nếu nhìn sâu hơn chúng ta sẽ thấy có một chất làm cho hai mặt của đồng tiền có thể biểu hiện được, đó là kim loại. Chất đó tiếng Phạn gọi là tự thể, svabhava. Mỗi hạt giống trong tâm chúng ta như vui, buồn, lo sợ, giận dữ, chánh niệm, định tĩnh… đều luôn luôn chứa trong nó ba phần này – kiến phần, tướng phần và tự thể phần.

Khi nhìn ngọn núi, nếu tôi nghĩ rằng núi là một đối tượng nằm ngoài ý thức của tôi thì đó là một sai lầm lớn. Khi nhìn đám mây, nếu quý vị cho rằng mây là một đối tượng, một thực tại bên ngoài, không liên quan gì với thức của quý vị thì đó cũng là một sai lầm căn bản. Đám mây và ngọn núi chính là đối tượng của nhãn thức. Thức của quý vị luôn bao gồm chủ thể và đối tượng, chúng được dựa trên một nền tảng để biểu hiện. Nền tảng đó thuộc phần thứ ba là bản chất hay còn gọi là tự thể (substance).

Sóng và nước

Trong đạo Bụt, chúng ta thường dùng ví dụ sóng và nước. Khi chúng ta quan sát hiện tượng của con sóng dâng lên từ đại dương, chúng ta thấy con sóng có bắt đầu và có kết thúc. Chúng ta thấy con sóng đi lên và đi xuống, thấy sự có mặt và vắng mặt của con sóng. Trước khi dâng lên, dường như con sóng không tồn tại, và sau khi hạ xuống chúng ta cũng thấy nó không tồn tại. Hoặc giả, chúng ta phân biệt giữa con sóng này với con sóng khác: con sóng này có thể đẹp hơn, cao hơn, hay thấp hơn con sóng khác. Vì vậy khi nhìn vào thế giới hiện tượng chúng ta có đủ mọi ý niệm: bắt đầu – kết thúc; cao – thấp; đẹp – xấu… và chính những ý niệm này tạo ra cho chúng ta nhiều đau khổ. Tuy nhiên chúng ta biết rằng sóng cũng là nước. Con sóng cùng một lúc vừa có thể là sóng, vừa có thể là nước. Về mặt hiện tượng, nghĩa là đứng về phương diện tích môn thì con sóng có bắt đầu, có kết thúc, có lên, có xuống. Nó so sánh, phân biệt chính nó với những con sóng khác. Tuy nhiên nếu có thời gian ngồi xuống và tiếp xúc sâu sắc với bản tánh của nó, con sóng sẽ nhận ra nó là nước. Sóng không chỉ là sóng mà sóng còn là nước nữa. Ngay khi nó nhận ra nó là nước thì mọi khổ đau tan biến. Nó không còn sợ lên xuống, không còn lo lắng về sự hiện hữu hay không hiện hữu. Nước là đại diện cho thế giới bản thể, thế giới của không sinh không diệt, không đến không đi.

Nếu đi sâu hơn một chút, chúng ta sẽ thấy rằng những gì chúng ta làm cho nhau, những gì chúng ta nói với nhau, những gì chúng ta nghĩ về nhau, đều ảnh hưởng trở lại chúng ta, ảnh hưởng đến cả thế giới bây giờ và mai sau. Trong giáo lý của Bụt, không có gì hoàn toàn cá nhân và cũng không có gì hoàn toàn cộng đồng, những khái niệm về cá nhân và cộng đồng chỉ là tương đối.

Chúng ta có thể nghĩ rằng, thân thể này là tài sản riêng của chúng ta nhưng thân thể chúng ta cũng là của cả thế giới. Giả sử quý vị là tài xế lái xe và sự an toàn của quý vị tùy thuộc vào dây thần kinh thị giác của quý vị. Quý vị nghĩ rằng dây thần kinh thị giác hoàn toàn thuộc về cá nhân quý vị, quý vị là người thừa hưởng chúng và có trách nhiệm về chúng. Nhưng nếu quý vị là tài xế lái xe buýt thì tất cả những người ngồi trên xe buýt đều tùy thuộc rất nhiều vào dây thần kinh thị giác của quý vị. Sự sống của mọi người ngồi trên xe đều tùy thuộc vào quý vị. Vì vậy khi nói: Đó là đời sống của riêng tôi là điều hơi ngây thơ. Chúng tôi có trong quý vị và quý vị có trong chúng tôi. Chúng ta tương tức nhau.

Nhìn vào đóa hoa, ta nhận ra đây là hoa hồng trắng, ta tin chắc rằng hoa hồng là một thực tại khách quan tồn tại biệt lập bên ngoài, tách rời với thức của ta – cho dù ta có nghĩ về bông hoa hay không thì bông hoa vẫn có đó. Đó là khuynh hướng mà ta thường nghĩ. Tuy nhiên nhờ khoa học ta biết rằng những màu sắc mà ta thấy là do những làn rung động của sóng ánh sáng. Nếu chiều dài con sóng quá dài hoặc quá ngắn thì ta không nhận được màu sắc. Khi những tần số này làm rung động được năm giác quan của ta (sense organs) thì ta tin rằng những cái này tồn tại, ngược lại, khi không nhận được tần số xuất hiện, ta nghĩ rằng chúng không tồn tại. Tôi có thể hỏi một người khác: Anh có thấy như tôi thấy không? Anh có nghe những gì tôi nghe không? Và người kia trả lời: Vâng tôi thấy những gì anh thấy và tôi nghe những gì anh nghe. Vì cả hai cùng đồng ý như thế nên quý vị có cảm tưởng rằng nó là như vậy, nó là một cái gì đó khách quan nằm ngoài ta. Thế nhưng ta quên đi một sự thật rằng thân thể con người chúng ta được cấu tạo giống nhau. Năm giác quan của ta cũng được làm giống nhau. Tất cả chúng ta đều thống nhất với nhau đây là cái bàn và ta gọi nó là cái bàn. Chúng ta đồng ý với nhau rằng cái bàn giúp ta ngồi học, ngồi viết. Bởi vì ta là con người nên ta có khuynh hướng nhìn cái bàn là một dụng cụ. Nhưng nếu ta là những con mối, ta sẽ nhìn cái bàn bằng một cách nhìn khác. Ta có thể thấy cái bàn như một nguồn thức ăn ngon lành và bổ dưỡng. Như vậy con mối xem cái bàn là thức ăn còn ta xem cái bàn là một dụng cụ để viết và để học. Do đó những gì ta tin là thực tại bên ngoài có thể chỉ là sáng tạo phẩm của tâm thức cộng đồng. Bởi vì do cách thức tạo dựng năm giác quan của ta, và vì cách ta tiếp nhận cái được gọi là thế giới khách quan như thế nào đó, nên chúng ta tin rằng những gì biểu hiện trong thức ta là thực tại khách quan bên ngoài ta. Chúng ta biết rằng hoa hồng là sáng tạo phẩm của tâm thức cộng đồng – tâm thức của một nhóm sinh vật gọi là người. Đó là sự tham dự vào một cảnh giới (realm of being). Con ong có cảnh giới của con ong, con chim có cảnh giới của con chim, con người có cảnh giới của con người. Cảnh giới đó là cộng biểu, là cộng nghiệp, là tàng thức cộng đồng.

Trong giáo lý đạo Bụt, vì tâm không có nơi chốn (non local), nên tâm không thể chết đi mà chỉ có thể chuyển hóa. Quý vị luôn tiếp nối chính mình trong môi trường này. Tàng thức, suy nghĩ, lời nói và hành động của quý vị đưa đến nghiệp báo của quý vị, mà nghiệp báo bao gồm chánh báo (bản thân của quý vị) và y báo (môi trường quý vị đang sống). Quý vị và môi trường quý vị đang sống là một và chúng tạo ra nghiệp của quý vị. Chúng ta có thể đảm bảo cho mình có một tương lai tươi đẹp bằng cách chăm sóc suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta. Chúng ta có thể thay đổi chính mình bằng cách thay đổi con người mình và thay đổi môi trường sống chung quanh. Chăm sóc mình là chăm sóc thân mình và môi trường của mình. Thực sự thì gen không quyết định hết mọi thứ. Những gì chúng ta suy nghĩ, nói năng và hành động đều đóng góp vào việc tạo ra môi trường của chúng ta. Chúng ta phải tổ chức đời sống tự thân và môi trường chung quanh như thế nào để những hạt giống tích cực trong ta luôn có cơ hội được tưới tẩm. Đó là bí quyết của hạnh phúc.

Tất nhiên môi trường của chúng ta không chỉ được tạo nên bằng những thứ chúng ta thấy quanh chúng ta thôi mà còn bằng những gì chúng ta không thấy, không nghe nữa. Thế nhưng những gì chúng ta không thấy không nghe thì chúng ta có khuynh hướng cho rằng chúng không tồn tại. Giả sử nhìn vào khoảng không gian trong thiền đường, chúng ta biết không gian quanh chúng ta đầy những tín hiệu ti vi, radio, điện thoại di động mà chúng ta không thể thấy và nghe được. Chúng ta cần máy móc như điện thoại hoặc ti vi để dịch những tín hiệu này cho chúng ta. Thông thường những gì chúng ta cho là trống rỗng thực ra rất đầy. Chính ý thức của chúng ta dịch tất cả những thứ này thành âm thanh và màu sắc. Vì vậy tôi cũng không chắc chiếc lá tôi cầm trong tay là bên trong hay bên ngoài tâm thức tôi. Cho nên, chúng ta phải khiêm cung và mở lòng ra để cho sự thực đi vào. Bí quyết của đạo Bụt là lấy đi mọi ý niệm để sự thực có cơ hội đi vào trong ta và tự nó hiển lộ.

Cái tâm hệ lụy của chúng ta (tangle mind)

Bụt có kể một câu chuyện rất thú vị về một ông thương gia trẻ sống với đứa con trai của mình. Mẹ của đứa bé đã qua đời. Vì vậy ông ta rất cưng đứa bé. Ông ta yêu thương đứa bé và nghĩ rằng không có đứa bé, ông ta không thể sống nổi. Một ngày nọ trong khi ông đi buôn thì một toán cướp đến, chúng đốt làng xóm, bắt cóc trẻ em trong đó có đứa con trai của ông. Khi trở về nhà, ông rất tuyệt vọng. Ông đi tìm đứa bé nhưng không thấy nó đâu cả. Trong tình trạng lo lắng và tuyệt vọng cùng cực đó, ông thấy thi thể của một đứa bé bị chết cháy. Ông ẵm nó lên và tin rằng đó là đứa con của mình đã chết. Quá tuyệt vọng, ông ta nằm vật vã xuống đất, đấm ngực, bứt tóc, bứt tai và tự trách mình đã để con ở nhà một mình. Sau khi khóc thâu đêm suốt sáng, ông đứng dậy, gom thi thể của đứa bé lại và tổ chức một buổi lễ hỏa táng. Sau đó ông ta lấy tro bỏ vào một cái bọc bằng nhung rất đẹp và luôn mang nó bên mình bởi vì ông quá yêu thương đứa bé. Khi chúng ta quá thương một người hoặc một vật nào đó, chúng ta muốn người đó hoặc vật đó luôn ở bên cạnh chúng ta hai mươi bốn giờ một ngày. Vì ông ta tin rằng đứa bé đã chết và đây chính là tro của nó nên ông muốn mang những gì còn lại của người thương bên mình. Bất cứ lúc nào, khi ăn, khi ngủ, khi làm việc ông đều mang theo cái bọc nhỏ đó.

Một đêm nọ, khoảng hai giờ sáng, đứa bé bị bắt cóc trốn thoát được và trở về nhà. Nó gõ cửa. Quý vị có thể tưởng tượng người cha đáng thương đó vẫn đang nằm trên giường không thể ngủ được, vẫn cứ ôm bọc tro mà khóc.

Ai gõ cửa đó? ông ta lên tiếng.

Con nè ba, con của ba đây.

Người cha trẻ kia nghĩ rằng ai đó đang phá mình vì ông ta tin chắc rằng con của mình đã chết rồi. Ông nói: Đi đi, cậu bé nghịch ngợm kia. Đừng quấy rầy người ta vào đêm hôm khuya khoắt như thế này. Về nhà đi. Con trai của ta đã chết rồi. Đứa bé năn nỉ, nhưng ông ta vẫn một mực từ chối, không nhận ra đứa bé đang gõ cửa là con trai mình. Cuối cùng đứa bé phải ra đi và người cha mất con mãi mãi.

Dĩ nhiên chúng ta thấy rằng người cha không thông minh. Đáng lý ông ta phải nhận ra giọng nói của con mình nhưng vì ông ta bị kẹt vào những gì ông cho là đúng và quá chắc chắn về điều đó nên tâm ông bị bao phủ bởi buồn chán, tuyệt vọng. Vì vậy, ông ta không nhận ra chính đứa con trai của mình đang gõ cửa. Thế là ông mất con vĩnh viễn.

Đôi khi chúng ta nắm giữ một cái gì đó và cho đó là sự thật tuyệt đối, rồi vướng mắc vào nó, không thể buông bỏ được. Nên dù sự thật có đến gõ cửa, chúng ta cũng từ chối. Vướng mắc vào quan điểm của chính mình là chướng ngại lớn nhất cho hạnh phúc của chúng ta.

Giả sử quý vị đang leo lên một cây thang. Nếu quý vị leo đến nấc thang thứ tư và quý vị tin rằng đây là nấc thang cao nhất, thì quý vị không có cơ hội để leo lên nấc thang thứ năm thật sự cao hơn. Cách duy nhất để quý vị có thể leo cao hơn là rời nấc thang thứ tư.

Một ngày nọ, Bụt đi dạo trong rừng về, cầm theo trong tay nắm lá simsap, Ngài nhìn quý thầy rồi mỉm cười và nói: Này quý thầy, quý thầy nghĩ là lá trong tay ta có nhiều như lá trong rừng không? Tất nhiên quý thầy trả lời: *Bạch Bụt, Bụt chỉ cầm mười hay mười hai lá thôi, trong khi đó trong rừng có cả hàng triệu triệu lá. Bụt nói: *Đúng rồi, này quý thầy, những gì tôi biết rất nhiều nhưng tôi không thể nói cho quý thầy biết hết được. Bởi vì cái mà quý thầy cần là chuyển hóa và trị liệu. Nếu tôi nói cho quý thầy biết quá nhiều ý niệm thì quý thầy sẽ bị kẹt vào đó và quý thầy không có cơ hội để phát triển tuệ giác của riêng mình._

Ba tự tánh

Chúng ta phải làm thế nào để đừng có định kiến khi nhận thức về thế giới? Làm thế nào để chúng ta có thể nhìn thế giới với một ý thức đúng đắn? Chúng ta nhận thức thế giới bằng những cấp độ ý thức khác nhau qua ba tự tánh: biến kế chấp (parikalpita), y tha khởi (paratantra), và viên thành thật (parinishpana).

Tự tánh thứ nhất là biến kế chấp (parikalpita), sáng tạo phẩm của tâm thức cộng đồng. Khuynh hướng của chúng ta là tin vào một thế giới khách quan chắc thật. Chúng ta thấy mọi thứ tồn tại ngoài nhau. Quý vị ở ngoài tôi và tôi ở ngoài quý vị. Mặt trời nằm ngoài chiếc lá và chiếc lá không phải là đám mây. Những gì chúng ta tiếp xúc, chúng ta thấy, chúng ta nghe chỉ là sáng tạo phẩm của tâm thức cộng đồng. Hầu hết chúng ta xem bản chất của thế giới chỉ là bản chất của parikalpita, biến kế. Người ngồi bên cạnh quý vị nói rằng cô ta thấy và nghe giống như những gì quý vị thấy và nghe. Điều này không có nghĩa những thứ này là duy nhất, là khách quan, là cách chúng ta nhìn về thế giới, mà bởi vì cô ta được tạo ra giống như quý vị và nhận thức của cô ta cũng giống như nhận thức của quý vị.

Chúng ta biết rằng chúng ta không chỉ thấy bằng con mắt của chúng ta. Con mắt của chúng ta chỉ tiếp nhận hình ảnh và hình ảnh này sẽ được chuyển thành những tín hiệu điện tử. Âm thanh mà chúng ta nghe cũng vậy, cũng được tiếp nhận và chuyển thành những tín hiệu điện tử. Hình ảnh, âm thanh, xúc chạm, vị nếm, tất cả đều chuyển thành những tín hiệu điện tử mà tâm ta có thể nhận vào và xử lý (process).

Trong kinh Kim Cương, Bụt dạy: Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệt như điễn, ưng tác như thị quán. Những gì chúng ta cho là cá nhân hay cộng đồng, thực thể hay sự vật đều là sáng tạo phẩm của tâm thức phát ra bằng nhiều cách. Tuy nhiên tất cả đều là những biểu hiện đến từ thức. Khi biết rằng thế giới mà chúng ta đang sống là parikalpita, là biến kế, là phân biệt thì chúng ta có cơ hội nhìn sâu vào thế giới do tâm thức sáng tạo nên và tiếp xúc với tự tánh thứ hai là paratantra, y tha khởi.

Y tha khởi (paratantra) có nghĩa là dựa vào nhau, nương vào nhau để biểu hiện. Chúng ta không thể một mình mà tồn tại được, chúng ta tương tức với mọi thứ khác. Nhìn vào chiếc lá, chúng ta có thể thấy đám mây và mặt trời. Cái một chứa đựng cái tất cả. Nếu chúng ta lấy những yếu tố này ra khỏi chiếc lá thì chiếc lá không còn nữa.

Đóa hoa cũng không thể tự nó có được. Hoa nương vào những yếu tố không phải là hoa để biểu hiện. Nếu nhìn vào hoa mà thấy hoa là một thực thể biệt lập, thì chúng ta vẫn còn ở trong thế giới của parikalpita, của biến kế, của phân biệt. Khi chúng ta nhìn vào một người nào đó, như cha ta, mẹ ta, chị ta, người hôn phối của ta mà thấy họ là một cái ngã biệt lập (atman) thì chúng ta vẫn ở trong thế giới của biến kế.

Để khám phá ra tính Không của con người và sự vật, chúng ta cần năng lượng của niệm và định. Nếu trong đời sống hằng ngày, chúng ta sống chánh niệm và nhìn sâu vào tất cả những gì chúng ta đang tiếp xúc, chúng ta sẽ không còn bị lừa gạt bởi những hình tướng bên ngoài nữa. Nhìn vào con, ta thấy được cha mẹ và tổ tiên của người ấy. Chúng ta thấy rằng con không phải là một thực thể biệt lập. Chúng ta thấy mình là một sự tiếp nối. Đó là chúng ta bắt đầu thấy mọi sự mọi vật dưới ánh sáng của tương tức và duyên sinh. Mọi sự mọi vật đều nương vào nhau, đều nương vào những điều kiện khác mà biểu hiện. Nếu chúng ta tiếp tục thực tập, thì ý niệm mộtkhác sẽ biến mất.

Nhà khoa học hạt nhân David Bohm nói rằng điện tử không phải là một thực thể riêng biệt mà nó được làm bằng tất cả những điện tử khác. Đây là biểu hiện của tính y tha, tính tương tức. Không có những thực thể biệt lập, tất cả đều nương vào nhau để biểu hiện. Giống như trái và phải. Phải không phải là một thực thể biệt lập có thể tồn tại một mình. Không có trái thì phải cũng không thể có mặt được. Mọi thứ đều như thế cả.

Một ngày nọ Bụt nói với thầy Ananda, người đệ tử yêu quý của mình rằng: Ai thấy được tính tương tức, người đó thấy được Như Lai. Nếu chúng ta tiếp xúc được với tính duyên sinh, thì chúng ta tiếp xúc được với Bụt. Đây là một quá trình luyện tập. Trong ngày, khi đi, khi ngồi, khi ăn, khi dọn dẹp chúng ta hãy tự tập nhìn mọi thứ như chính nó. Khi chúng ta tập luyện đàng hoàng, thì tự tính viên thành thật, parinishpana, sẽ tự nó hiển lộ, và những gì ta tiếp xúc sẽ không còn là thế giới của ảo tưởng nữa mà là thế giới của thực tại.

Trước hết chúng ta ý thức rằng thế giới chúng ta đang sống được xây dựng bởi chúng ta, bởi tâm thức của chúng ta và tâm thức của cộng đồng. Thứ hai, chúng ta ý thức rằng nếu biết nhìn sâu, biết sử dụng niệm và định, chúng ta có thể bắt đầu tiếp xúc được với tính tương tức. Khi sự thực tập ý thức đã trở nên sâu sắc thì thực tại có thể được hiển lộ, thực tại vượt thoát mọi ý niệm kể cả ý niệm về tương tức và vô ngã,

Những hành giả đi theo con đường tâm linh thường không dùng những phương tiện nghiên cứu tối tân. Họ dùng tuệ giác và ánh sáng của chính họ. Một khi chúng ta buông bỏ được sự nắm bắt, buông bỏ được những ý niệm, những quan điểm, lo sợ, giận dữ thì chúng ta có một công cụ sáng suốt để nếm được thực tại – thực tại vượt ra ngoài mọi ý niệm sinh diệt, có không, đến đi, một và khác. Thực tập niệm, định, tuệ làm cho tâm ý ta thanh tịnh và chính niệm, định, tuệ trở thành một công cụ hùng hậu giúp chúng ta có khả năng nhìn sâu vào bản chất của thực tại.

Trong đạo Bụt, chúng ta có nói đến những cặp phạm trù đối nghịch nhau như sinh và diệt, đến và đi, có và không, một và khác. Giả sử có một cây nến đang cháy, chúng ta thổi tắt ngọn nến đi, sau đó chúng ta thắp lại và hỏi ngọn nến: Này em, em là một với ngọn nến trước đây hay em là một ngọn nến hoàn toàn khác? Ngọn nến sẽ trả lời: Tôi không phải một mà cũng không phải khác với ngọn nến trước đây. Theo lời Bụt dạy, đó là con đường trung đạo, madhyamaka. Con đường trung đạo rất quan trọng, bởi vì con đường trung đạo lìa khỏi hai biên kiến có và không, sinh và diệt, đến và đi, một và khác. Những khám phá của khoa học đã giúp chúng ta làm sáng tỏ cái thấy này.

Khi quý vị mở quyển album của gia đình ra và thấy tấm hình của mình khi năm tuổi, quý vị thấy mình hoàn toàn khác với đứa bé trong album. Nếu ngọn lửa hỏi quý vị: Này anh, anh là một với cậu bé trong hình hay anh là một người hoàn toàn khác? Thì quý vị sẽ trả lời như ngọn lửa: Này ngọn lửa, tôi không phải một với cậu bé trong hình mà tôi cũng không phải khác.

Dùng tâm quán tâm

Để có cái nhìn đúng về thực tại là một việc, còn thực tập để chứng nhập cho được cái thấy ấy lại là một việc khác. Albert Einstein đã viết: Con người là một phần của cái toàn thể gọi là vũ trụ, là một phần bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Con người ấy cảm nhận rằng tự thân mình, những suy nghĩ và cảm thọ của mình là những gì biệt lập với những cái còn lại. Đó là một ảo giác của tâm thức. Chính cái vô minh này là một loại nhà tù giam hãm chúng ta, hạn chế chúng ta trong những ước muốn cá nhân và liên hệ với một vài người thân cận nhất của ta thôi. Nhiệm vụ của chúng ta là phải thoát ra cho được cái nhà tù này bằng cách nới rộng vòng tay thương yêu để ôm ấp được mọi loài chúng sanh và toàn bộ thiên nhiên với tất cả những mầu nhiệm của nó.

Tâm không chỉ là não. Muốn đi vào nhà, ta cần chiếc chìa khóa để mở cửa. Chìa khóa và cánh cửa đều quan trọng đối với chúng ta. Ý thức cần bộ não để biểu hiện nhưng điều đó không có nghĩa là não sinh ra ý thức, cũng giống như cánh cửa thì không thể sinh ra ngôi nhà được. Não không phải là cái duy nhất để cho thức biểu hiện.

Khi tổ chức một khóa tu, chúng ta tạo ra một môi trường để mọi người có thể thực tập thiền đi, thiền ngồi, thiền thở. Thực tập những pháp môn này giúp họ có thể đi vào những chiều hướng khác của tâm. Nếu trong những lúc quá bận rộn chúng ta nói mình đánh mất tâm, thì với chánh niệm chúng ta có thể tìm thấy tâm trở lại.

Nhiều người đã biết câu chuyện của Tổ sư thiền thứ sáu ở Trung Quốc là ngài Huệ Năng. Ngài sống ở tu viện Tung Chan của Tổ thứ năm là Huệ Khả. Một ngày nọ Tổ Huệ Khả yêu cầu quý thầy trình kệ kiến giải. Người đệ tử lớn nhất của Ngài là Thần Tú, đến từ miền Bắc Trung Quốc. Thần Tú có học thức rất cao, Ngài đã trình bài kệ kiến giải như sau:

Thân là cây bồ đề

Tâm là đài gương sáng

Phải thường hay lau chùi

Đừng để cho bụi bám.

Bài kệ này rất hay, chúng ta có thể sử dụng để thực tập. Tâm chúng ta có khuynh hướng bị những áng mây tham lam, giận dữ, sợ hãi và lo lắng bao phủ. Tâm của các nhà khoa học cũng vậy. Do đó người hành giả phải biết chăm sóc tâm ý của mình để không bị bao phủ bởi những lớp bụi bặm đó.

Ngài Huệ Năng xuất thân từ một gia đình nông dân ở miền Nam Trung Quốc. Ngài đi đến miền Bắc để học đạo với Tổ Huệ Khả. Vì không biết chữ nên Ngài phải nhờ một thầy khác viết giùm bài kệ kiến giải của mình. Bài kệ như sau:

Cây Bồ Đề vốn không

Đài gương sáng cũng thế

Xưa nay không một vật

Hỏi bụi bám nơi đâu?

Chúng ta dùng tâm để quán chiếu tâm ý của mình. Nhưng loại tâm nào chúng ta có thể dùng được? Nếu tâm chúng ta bị kẹt trong những giận hờn, u mê, phân biệt thì cho dù chúng ta có những dụng cụ khoa học tối tân đi nữa, tâm chúng ta cũng không đủ sáng suốt để làm công việc quán chiếu. Vì thế, mục đích của thiền tập là giúp chúng ta có được chân tâm để quán chiếu và tháo gỡ những nội kết bên trong. Trong chúng ta ai cũng có những ý niệm, những định kiến mà khi kẹt vào đó rồi chúng ta không còn tự do nữa, chúng ta không có cơ hội để tiếp xúc với sự thật của cuộc sống. Đó là những chướng ngại của chúng ta. Chướng ngại đầu tiên là sở tri chướng, là những kiến thức, khái niệm và những định kiến về sự thật. Chướng ngại thứ hai là phiền não chướng – klesha – như sợ hãi, giận hờn, phân biệt, tuyệt vọng và ngã mạn. Thực tập các pháp môn như thiền đi, thiền ngồi, thiền thở, nghe pháp thoại luôn giúp chúng ta mài giũa công cụ của tâm để tâm có thể tự quán chiếu sáng suốt hơn.

Mục đích của chúng ta khi nghe pháp thoại hay học giáo lý không phải để có thêm kiến thức, khái niệm mà là để buông bỏ những kiến thức khái niệm. Chúng ta không thay những kiến thức, khái niệm cũ bằng những kiến thức, khái niệm mới. Những bài pháp, những trang sách có tác dụng như những cơn mưa giúp tưới tẩm những hạt giống tuệ giác và tự do trong ta. Vì vậy chúng ta phải học cách nghe. Chúng ta nghe hay đọc không phải để có thêm kiến thức, khái niệm mà để có tự do, vượt thoát mọi kiến thức và ý niệm. Chúng ta có nhớ những gì chúng ta được nghe hay không, điều đó không quan trọng mà quan trọng là chúng ta có được tự do hay không.

Trong trường học, chúng ta thường nỗ lực rất nhiều để nhớ bài vở. Chúng ta học cật lực để có được nhiều vốn từ, nhiều kiến thức, nhiều khái niệm. Chúng ta nghĩ rằng hành trang này giúp ích cho đời sống của chúng ta. Thế nhưng dưới ánh sáng của sự thực tập, đó là một gánh nặng. Vì thế chúng ta phải có tự do đặt gánh nặng xuống, gánh nặng của kiến thức, khái niệm, của phiền não, giận hờn và tuyệt vọng. Những pháp môn thiền đi, thiền ngồi, thiền thở, mỉm cười, dừng lại rất quan trọng. Gần cuối đời của đức Thế Tôn, Ngài dạy: Trong bốn mươi lăm năm hành đạo, ta không nói một lời nào cả.

Khi chúng ta ăn sáng thì ăn sáng trở thành sự thực tập. Nhìn vào miếng bánh mì, cho dù một giây hay nửa giây thôi, chúng ta cũng có thể thấy được ánh nắng mặt trời, thấy được những đám mây trong miếng bánh mì đó. Nếu không có mặt trời, không có mưa, không có đất thì bánh mì không thể có được. Nhìn vào miếng bánh mì, chúng ta thấy được mọi thứ trong vũ trụ đi vào mình, nuôi dưỡng mình. Đó là thực tập chánh niệm và quán chiếu. Chúng ta có thể thưởng thức miếng bánh mì một cách sâu sắc mà không cần phải mất nhiều thời gian. Chỉ cần một tích tắc thôi cũng đủ cho chúng ta nhận ra miếng bánh mì là sứ giả của toàn thể vũ trụ. Khi đưa vào miệng, chúng ta chỉ đưa bánh mì vào mà đừng đưa những dự án, giận hờn vì nhai những dự án, giận hờn không có tác dụng lành mạnh. Chúng ta chỉ nhai bánh mì và an trú trong việc nhai bánh mì của mình. Chỉ có chánh niệm mới có thể giúp chúng ta sống sâu sắc và tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống. Vì vậy mỗi giây phút trong đời sống đều có thể là giây phút trị liệu, chuyển hóa và nuôi dưỡng.

Ngồi để mà ngồi

Chúng ta có thể học lại cách ngồi với sự có mặt của ý thức. Khi ông Nelson Mandela viếng thăm nước Pháp, nhà báo hỏi ông ta: Bây giờ ông thích làm gì nhất? Ông trả lời: Tôi chỉ muốn ngồi xuống mà không làm gì cả. Từ khi được thả ra khỏi tù tôi quá bận rộn, không có thời gian để ngồi yên.

Ngồi mà không làm gì cả tuy đơn giản nhưng lại khó làm, bởi vì tập khí rong ruỗi, chạy theo của chúng ta quá mạnh – cái cảm giác là chúng ta phải luôn luôn làm một cái gì đó đã trở thành một tập khí sâu dày. Vì vậy, với ý thức và tuệ giác chúng ta có thể dừng lại và bắt đầu sống đời sống của mình một cách đích thực. Đó là khả năng ngồi mà không làm gì cả. Chỉ ngồi thôi! Hãy để cho thân tâm ta an lạc, vững chãi và tự do.

Ngồi cho an là một nghệ thuật. Khi chúng ta ngồi an tức là chúng ta đang ngồi trên hoa sen. Ngược lại ngồi mà bất an thì giống như đang ngồi trên đống than hồng. Vì vậy ta hãy học ngồi như Bụt. Chỉ ngồi mà không cần làm gì cả. Một số người trong chúng ta đã có thể ngồi như thế. Tuy nhiên một số khác cũng cần phải luyện tập thêm. Chúng ta cũng phải học lại cách đi. Đi như thế nào để chúng ta có thể tận hưởng từng bước chân của mình, để những dự án, những lo sợ không còn là chướng ngại của ta nữa.

Ăn sáng là một cơ hội để ngồi, để ăn, để thưởng thức từng miếng thức ăn. Khi rửa chén, chúng ta cũng chỉ rửa chén thôi mà không để cho những dự án, lo lắng ràng buộc ta, và như thế chúng ta có tự do. Khi đánh răng, chúng ta chỉ đánh răng. Khi mặc áo, chúng ta chỉ an trú trong việc mặc áo. Chúng ta luôn luôn có mặt với chính mình và có thể an trú trong mỗi phút giây của đời sống hằng ngày.

Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 01 tại đây.

Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 02 tại đây.

Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 03 tại đây.

Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 04 tại đây.

Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 05 tại đây.

Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 06 tại đây.

Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 07 tại đây.

Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 08 tại đây.

Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 09 tại đây.

Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 10 tại đây.

Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, toàn tập tại đây.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Thích Nhất Hạnh | Sợ hãi | Chương 06

Thích Nhất Hạnh | Sợ hãi | Chương 06

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân khai sáng chánh niệm giúp…

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.