Cách sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc như vị thiền sư
Thực hành tôn giáo hiệu quả giúp đời sống thêm an lành và hạnh phúc, giác ngộ nhiều điều hữu ích để đem lại năng lượng tích cực cho bản thân, và giá trị đẹp cho cộng đồng.
· 5 phút đọc.
Tiếp theo loạt bài Sống và hành động như một vị thiền sư. Hôm nay @nhavantuonglai sẽ đem đến những gợi ý để đạt được hiệu quả một cách trọn vẹn. Tựu trung lại, nó nằm ở hai việc, một là làm trọn vẹn trong từng hành động, từng công việc. Và làm ít việc để đạt được hiệu quả tốt nhất. Hãy cùng đọc và thực hành tiếp những điều dưới đây để có một cuộc sống trọn vẹn và ý nghĩa hơn nhé.
Hoàn tất công việc hiện tại trước khi làm sang việc tiếp theo
Một vị thiền sư khi hình thành ý niệm về việc pha trà. Các công đoạn liền mạch sẽ là: rửa ấm, đun nước, bốc trà, pha nước đầu, pha nước thứ rồi mới uống. Các công đoạn này diễn ra tuần tự, đầu tiên là phải rửa ấm xong rồi mới đun nước. Tưởng chừng như pha ấm với đun nước có thể thực hành cùng lúc, trong lúc chờ nước sôi ta đem ấm đi rửa. Nhưng kỳ thực không phải thế, phải canh nước sôi vừa đủ, không sôi già quá, sẽ làm ám mùi khói vào trong nước. Cho nên, tiếp nối sau việc rửa ấm đó là canh nước sôi vừa đủ, đủ để làm trà ngấm, mà không quá già để trà mau nhão và mất hết hương vị.
Rồi khi pha nước đầu cũng như thế, trà nếu nhà tự sấy thì không sao. Còn nếu trà mua ngoài chợ ắt sẽ dư trong ấy một ít thuốc bảo bảo, hương vị tự nhiên. Cho nên muốn uống trọn vẹn phải pha và đổ đi lượt nước đầu tiên để trả lại đúng hương vị thật sự của nó. Nhưng nếu pha vào nhanh xong đổ ra, cũng sẽ uổng công bởi từng nhánh trà chưa đủ sức ngấm. Còn nếu để quá lâu, trà ngấm rồi ra hết vị ngon, đổ nước ấy đi là phí muôn phần.
Nhiều người hay có xu hướng là hấp tấp khi làm mọi việc. Công việc hiện tại chưa xong nhưng luôn nghĩ tiếp theo mình sẽ làm gì. Rồi sợ hoặc thấy nó hấp dẫn hơn mà bỏ bê công việc hiện tại để theo đuổi cái mới. Cái vòng tròn ấy cứ lặp lui lặp tới, không dứt chút nào, khiến bản thân mỗi người không lúc nào có được một hiệu quả công việc trọn vẹn. Từng chút trong từng hành động sẽ giúp ta tận hưởng đúng và đủ dư vị của thành quả. Và không phải tốn thêm thời gian để suy nghĩ, khắc phục khi đang làm việc khác.
Làm ít, nhưng hãy làm hoàn thiện
Một thiền sư khi tỉnh giấc, ông tự có cho mình một danh sách những việc chắc chắn sẽ làm. Nó không nhiều, để ông cảm thấy ngột ngạt. Và nó cũng không ít, để ông cảm thấy mình thật lười biếng. Chính cái biết vừa đủ ấy khiến cho cuộc sống của ông mỗi ngày luôn trọn vẹn và đầy đủ niềm vui. Với những thời gian dư thừa, ông dành chúng để quan sát và học hỏi lấy xung quanh. Nhìn ngắm mọi thứ trôi qua thật chậm rãi và quán chiếu vào trong hơi thở của chính mình để an định và hoàn thiện mình.
Dường như, điều ấy lại trái ngược hoàn toàn với những người ngoài kia. Khi bản thân họ không bao giờ thấy đủ với mọi điều mình hành động, mình thực hiện hàng ngày. Chính cái tâm thế rằng sợ thiếu thốn, sợ thua thiệt, mà họ tham gia vào một vòng xoáy không ngơi nghỉ của công việc. Nhưng nếu họ làm ít đi, họ sẽ có thời gian để an định, để nhìn ngắm lại thành quả của chính mình. Những điều chỉnh hay tham vấn cũng từ đó mà có thời gian để hoàn thiện hơn.
Cũng cần hiểu rằng, nếu bản thân không định mức được sự đủ đầy của chính mình, Thì sẽ vô cùng khó để hiểu rõ cái hạnh phúc mình cần là gì. Hãy liệt kê ra giấy những công việc, những điều hằng ngày khiến bản thân ta vui và hạnh phúc. Rồi từ đó hãy duy trì thói quen thực hiện nó mỗi ngày. Bắt đầu từng chút một, sẽ khiến bạn có được nhịp điệu cần thiết để thực hành mỗi ngày. Từ đó, niềm vui, hạnh phúc sẽ dễ dàng có trong tầm tay hơn.
Hai gợi ý trên đây nhằm củng cố sự hoàn thiện trong những hành động ta thực hiện mỗi ngày. Hãy cố gắng làm trọn vẹn từng hành động từng chút một mà không xao nhãng hay bỏ cuộc giữa chừng. Và hãy biết thế nào là đủ, thế nào vừa vừa tầm để những điều ta thực hiện sẽ nằm trong tầm tay ta. Có như thế, hạnh phúc và sự bình an sẽ dễ dàng chạm đến chính mình hơn.