Thích Nhất Hạnh | Giận | Chương 12
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.
· 22 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Theo tôi, hạnh phúc có nghĩa là ít đau khổ. Nếu không chuyển hóa được đau khổ thì không thể nào có hạnh phúc.
Tạo hạnh phúc là ưu tiên
Thỉnh thoảng chúng ta phải quyết định và đôi khi sự quyết định rất ư khó khăn. Chúng ta bắt buộc phải chọn lựa. Một sự chọn lựa có thể là rất đau lòng. Nhưng nếu ta biết rõ cái gì là quan trọng nhất, cái gì mà ta khao khát nhất cho cuộc sống của ta thì sự chọn lựa trở nên dễ dàng hơn, ít gây đau khổ hơn.
Lấy ví dụ một người muốn xuất gia. Đây không phải là một quyết định dễ dàng. Nếu sự ước muốn chưa tới mức một trăm phần trăm thì không nên xuất gia. Phải ước muốn hơn một trăm phần trăm mới được. Khi bạn cho rằng đời sống xuất gia đối với bạn là quan trọng hơn bất cứ gì khác thì sự quyết định sẽ dễ dàng hơn.
Tôi có viết ba cuốn đầu của bộ sách Việt Nam Phật Giáo Sữ Luận được độc giả khá hâm mộ. Còn một cuốn thứ tư nữa cần phải viết cho xong. Đây là một cuốn sách quan trọng nói về lịch sử Phật Giáo Việt nam từ năm 1964 cho đến bây giờ. Đối với tôi đây là một dự án rất hào hứng, thích thú. Tôi đã sống trong khoảng thời gian này và đã có được nhiều kinh nghiệm trực tiếp. Nếu tôi không viết thì e rằng không có ai cùng một thời và cùng có kinh nghiệm trực tiếp để viết. Như thế thì lịch sử sẽ rất thiệt thòi. Viết cuốn sách ấy cũng sẽ giúp cho nhiều người hiểu hơn về sự phát triển và hành trì của Phật Giáo.
Trong tôi là một sử gia. Tôi rất vui thích khi làm công việc của một sử gia: khám phá, phơi bày những sự kiện mới mẻ để giúp cho các thế hệ trẻ tìm ra hướng đi nhờ học hỏi được từ những thành công cũng như thất bại của các thế hệ trước. Do đó mà ước muốn viết cuốn sách ấy của tôi rất là mạnh. Nhưng tôi chưa có thể viết được vì còn bao nhiêu chuyện cần kíp khác phải làm, chẳng hạn như giúp đỡ biết bao nhiêu người đang đau khổ gần quanh tôi. Tôi không đành tâm làm một nhà học giả, làm một sử gia mặc dầu tôi biết cuốn sách ấy rất là quan trọng. Tôi đã có đủ tài liệu để viết nhưng phải mất một năm mới viết xong. Nghĩa là trong năm đó tôi không thể điều khiển các khóa tu, không thể nói pháp thoại, không nhận thiền sinh đến tham vấn v…v…
Chúng ta có nhiều việc phải làm trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta phải quyết định việc gì là quan trọng nhất cho mình. Học cho xong bậc đại học để có một bằng cấp có thể mất sáu hay tám năm, một khoảng thời gian khá dài. Có thể là bạn tin rằng bằng cấp rất quan trọng cho hạnh phúc. Có thể là đúng như vậy. Nhưng còn có nhiều yếu tố khác quyết định bình an, hạnh phúc của bạn. Bạn cần để tâm cải thiện liên hệ giữa bạn và cha mẹ anh em, giữa bạn và người bạn đường. Bạn có thì giờ để làm chuyện đó hay không? Bạn có dành đủ thì giờ để làm chuyện đó hay không? Cải thiện liên hệ giữa bạn và những người thương của bạn là quan trọng vô cùng. Bạn sẵn sàng bỏ ra sáu năm để có được một bằng cấp. Liệu bạn có đủ khôn ngoan để dành ra từng đó thì giờ để giải quyết khó khăn trong liên hệ của bạn hay không? Để đối phó với sân hận của bạn hay không? Khoản thời gian đó sẽ đem lại hạnh phúc và vững chãi mà bạn cần để tái lập truyền thông.
Viết một cuốn sách về chính mình
Gần đây có một giáo sư đại học từ Mỹ đến Làng Mai và ngỏ ý muốn viết một cuốn sách về Thomas Merton và tôi. Tôi đã trả lời ngay: Tại sao anh không viết một cuốn sách về chính anh? Sao anh không đầu tư một trăm phần trăm để tu tập làm sao cho anh và những người chung quanh anh hạnh phúc? Điều này quan trọng hơn là viết về Thomas Merton và tôi. Đã có nhiều sách viết về Thomaas Merton rồi. Ông bạn giáo sư, với tất cả thiện chí và lòng cảm mến, trả lời: Nhưng mà chưa có ai viết về Thầy. Tôi trả lời, Tôi không quan tâm lắm về một cuốn sách viết về tôi, nhưng tôi rất quan tâm về việc anh viết một cuốn sách về chính anh. Anh hãy đem hết tâm huyết ra để viết cuốn sách ấy, để tự chuyển hóa thành một người mẫu mực của chánh pháp và hành trì, để trở thành một người có tự do và hạnh phúc. Như thế thì anh có thể giúp cho nhiều người chung quanh cùng được hạnh phúc.
Điều quan trọng nhất đối với tôi là thiết lập liên hệ tốt đẹp giữa tôi và các đệ tử của tôi. Tôi phải tạo cơ hội cho các đệ tử của tôi tu tập và chuyển hóa. Được như thế thì thật là khích lệ và nuôi dưỡng cho tôi. Khi một thiền sinh có thể chuyển hóa khổ đau và thiết lập liên hệ tốt đẹp với những người chung quanh thì đó là một thắng lợi đáng kể. Một thắng lợi không phải chỉ riêng cho thiền sinh đó mà cho cả tăng thân, cho pháp môn, một thắng lợi có tác dụng nuôi dưỡng cho tất cả chúng ta. Chúng ta đã nghe chuyện một sư cô đã giúp cho hai mẹ con nọ làm hòa với nhau. Đây là một thắng lợi đích thực. Nó làm cho sư cô đó, và ngay cả cho chúng ta, thêm vững tin vào pháp môn tu tập.
Nếu bạn gặp khó khăn với một người nào đó và cứ nghĩ rằng người đó chỉ muốn làm cho bạn khổ, rằng không có cách nào khác hơn để giúp người đó thì đó là vì bạn chưa thực hành những gì đã được chỉ dạy. Nếu bạn cảm thấy không thể thiết lập đối thoại với người ấy thì đó là vì bạn còn thiếu kinh nghiệm trong khi tu tập. Bạn luôn luôn có thể đối thoại với người kia. Rất nhiều người đã đặt câu hỏi: Nếu người kia không chịu hợp tác, không chịu nghe thì sao bây giờ? Câu trả lời là chừng nào người kia không chịu nghe bạn nói hay không chịu nói chuyện với bạn, hay bàn thảo để giải quyết vấn đề với bạn thì bạn sẽ còn phải tiếp tục tu tập và chuyển hóa tự thân để một ngày nào đó có thể có sự hòa giải.
Viết một cuốn sách về chính mình là một cách nhìn sâu để nhận diện gốc rễ của khổ đau và tìm cách chuyển hóa. Nó sẽ giúp ta trở thành một người có tự do và được hạnh phúc, và có khả năng làm cho những người khác hạnh phúc.
Giọt từ bi cam lộ
Trước khi đến với một người để tìm cách hòa giải bạn phải tự nuôi dưỡng bằng tâm niệm Từ Bi. Từ Bi là giọt nước cam lộ phát sinh từ hiểu biết – hiểu biết rằng người kia cũng đang đau khổ. Chúng ta thường hay quên điều đó. Ta chỉ thấy có mỗi một nỗi khổ của ta, rồi ta phóng đại thêm, Không có ai đau khổ bằng tôi. Tôi là người duy nhất phải đau khổ như thế này. Nhưng với sự nâng đỡ của tăng thân, ta sẽ có thể nhìn sâu và thấy rằng người kia cũng đang vô cùng đau khổ.
Có thể rằng người kia không được may mắn có tăng thân nâng đỡ, hay tu tập chưa tiến bộ, hay không được chính bạn giúp đỡ. Và chính bạn, bạn cũng không giúp bạn được gì mấy. Nhưng chính vì vậy mà cần có giáo pháp, cần có tăng thân để nuôi dưỡng ta bằng những giọt cam lộ của từ bi. Chúng ta phải đến với giáo pháp, phải đến với tăng thân để xin giúp đỡ. Giáo pháp có hiệu lực ngay bây giờ và ở đây.
Vượt thoát tù ngục của ý niệm
Không nên thực tập một cách máy móc mà phải thực tập thông minh. Mổi bước đi, mỗi hơi thở là phải cảm thấy nhẹ nhàng. Mỗi bữa ăn, mỗi tách trà là phải đem lại thảnh thơi. Hãy tiếp xúc với những mầu nhiệm trong ta và chung quanh ta. Hãy để cho những gì tươi mát, lành mạnh thấm vào nuôi dưỡng thân tâm ta. Đó là điều quan trọng nhất.
Những điều ta suy tưởng không thể nuôi dưỡng ta. Thực ra, suy tưởng và ý niệm lắm lúc là chướng ngại. Chúng là ngục tù. Hãy từ bỏ suy tưởng và ý niệm để có thể tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm. Hãy noi gương những bạn đồng tu nhiều kinh nghiệm có khả năng sống hạnh phúc và thương yêu. Có nhiều người có khả năng như thế. Họ không có vấn đề với ai trong tăng thân vì họ có thể chấp nhận tất cả mọi người. Họ luôn luôn hài lòng. Chúng ta phải un đúc khả năng sống hạnh phúc như họ. Cùng sống trong một môi trường, cùng chia sẻ những điều kiện để được hạnh phúc như nhau, trong khi những người khác có thể sống hạnh phúc, tại sao ta lại đau khổ? Có gì đã ngăn trở không cho ta được hạnh phúc như họ?
Một bức thư tối ư quan hệ
Nếu đã thực tập ái ngữ và nghe sâu giỏi thì bạn có thể giải quyết xung đột bằng cách gặp mặt trực tiếp nói chuyện. Nhưng nếu bạn không chắc có đủ bình an, vững chãi và từ bi để có thể nói chuyện một cách bình tĩnh, tươi mát, dễ thương thì bạn có thể viết thư. Viết thư là một thực tập rất quan trọng. Bởi vì mặc dầu có đầy thiện chí, nhưng nếu thực tập chưa vững bạn có thể còn có bực bội và thiếu khôn khéo khi nói năng, phản ứng và đánh mất cơ hội tốt để hòa giải. Cho nên đôi khi viết thư thì an toàn hơn.
Trong bức thư bạn có thể viết rất thành thực. Bạn có thể nói cho người kia biết những gì người ấy đã làm cho bạn khổ. Hãy nói ra hết những cảm xúc sâu xa của bạn. Trong khi viết, bạn thực tập giữ tâm bình tĩnh, sử dụng lời nói hòa nhã, yêu thương. Hãy cố gắng thiết lập đối thoại. Chẳng hạn bạn có thể viết như sau: Bạn thân mến, tôi có thể có tri giác sai lầm. Những điều tôi viết ở đây có thể là không trung thực. Tuy nhiên đây là những kinh nghiệm trực tiếp của tôi trong vụ này. Đây là những cảm nhận từ đáy tim tôi. Nếu tôi viết ra có gì sai lầm thì xin hãy ngồi xuống cùng tôi để chúng ta có thể làm sáng tỏ những hiểu lầm.
Trong truyền thống của chúng tôi tại Làng Mai, đây là ngôn ngữ mà một Thầy hay một Sư Cô sẽ sử dụng khi một thiền sinh đến xin tham vấn. Các Thầy, Cô sử dụng tuệ giác của tăng thân. Điều này không có nghĩa là tuệ giác của tăng thân là toàn hảo, nhưng đó là tuệ giác hay nhất có thể có được. Cho nên các Thầy, các Sư Cô khi trả lời thắc mắc đã xác nhận: Trong khi tôi nói ra những lời khuyên này, có thể là có nhiều điều mà tôi không được biết. Có thể là có nhiều điều tốt nơi bạn mà tôi chưa thấy. Có thể là tăng thân có nhận xét sai lầm. Vậy thì khi viết thư bạn cũng nên nói như vậy, Nếu tôi có tri giác sai lầm thì xin giúp tôi sửa đổi. Hãy sử dụng ái ngữ khi viết thư. Nếu viết một câu mà chưa được dịu dàng vừa ý thì luôn luôn có thể viết lại câu khác cho dịu dàng hơn.
Trong thư ta phải chứng tỏ là ta có khả năng thấy rõ đau khổ của người kia: Bạn thân mến, tôi biết rằng bạn đang đau khổ. Và tôi biết rằng bạn không hoàn toàn trách nhiệm về đau khổ của bạn. Vì đã có tu tập cho nên bạn có thể nhìn thấy những gốc rễ, nguyên nhân gây đau khổ nơi người kia. Bạn có thể nói cho người kia biết những điều đó. Bạn cũng có thể cho người kia biết những đau khổ của bạn, cho người kia biết là bạn đã hiểu vì sao mà người ấy đã nói năng, hành động như vậy.
Hãy để dành ra một, hai, hay ba tuần lễ để viết bức thư ấy, bởi vì đây là một bức thư rất quan trọng, quan trọng hơn cả cuốn thứ tư của bộ sách Việt Nam Phật Giáo Sữ Luận, quan trọng hơn cả cuốn sách về Thích Nhất Hạnh và Thomas Merton. Bức thư đó rất mực quan trọng cho hạnh phúc của bạn. Thời gian để viết bức thư đó quan trọng hơn cả một hay hai năm viết luận án tiến sĩ. Luận án tiến sĩ của bạn đâu có quan trọng bằng bức thư này. Viết một bức thư như thế là điều hay nhất mà bạn có thể làm được để vượt bờ ngăn cách và tái lập truyền thông.
Bạn không cô đơn khi viết bức thư này. Bạn có các sư anh, sư chị soi sáng và giúp bạn. Những người mà bạn cần sự giúp đỡ luôn luôn có đó, ở trong tăng thân. Khi bạn viết một cuốn sách, bạn thường đưa bản thảo cho bạn bè, hay các chuyên gia để hỏi ý kiến. Những người bạn đồng tu cũng là những chuyên gia vì họ đã thực tập nghe sâu, nhìn sâu và ái ngữ.
Bạn phải là vị bác sĩ, là nhà tâm lý trị liệu tài ba nhất của người thương của bạn. Cho nên hãy đưa bức thư của bạn cho một sư anh, hay sư chị để hỏi xem lời lẽ trong thư đã đủ dịu dàng, bình tĩnh chưa, tuệ giác đã sâu sắc chưa. Bạn có thể đưa bức thư ấy cho một sư anh khác, một sư chị khác đọc, cho đến khi bạn tin rằng bức thư của bạn có khả năng chuyển hóa và chữa trị người kia.
Kể gì thời gian và sức lực mà bạn đã để dành ra để viết bức thư? Và ai lại nỡ từ chối giúp bạn trong khi bạn viết bức thư ấy? Phục hồi truyền thông với người thương là quan trọng biết chừng nào! Người thương của bạn có thể là cha, là mẹ của bạn, là con trai, con gái của bạn. Người ấy có thể đang ngồi ngay bên cạnh bạn.
Phục hồi tịnh độ
Thuở ban đầu người ấy đã thề nguyền là sẽ thương yêu bạn, chăm sóc bạn. Nhưng bây giờ thì người ấy xa cách bạn, người ấy không còn muốn chuyện trò với bạn, không còn nắm tay bạn đi thiền hành, và bạn đau khổ. Thuở ban đầu bạn cảm thấy như đang ở thiên đàng. Người ấy thương yêu bạn, và bạn vô cùng hạnh phúc. Nhưng bây giờ người ấy bỏ bạn mà đi. Có lẽ người ấy đang đi tìm một ai khác, một thương yêu mới. Thiên đàng của bạn đã biến thành địa ngục, không lối thoát. Địa ngục từ đâu tới? Ai đã xô đẩy bạn vào địa ngục, ai giam cầm bạn vào địa ngục? Có thể địa ngục đó là do tâm thức bạn tạo ra, do những ý niệm, những tri giác sai lầm của bạn. Vậy thì chỉ có tâm thức bạn mới có thể phá vỡ địa ngục để bạn có thể tự giải thoát.
Thực tập chánh niệm, thực tập nhận diện và ôm ấp sân hận là mở cửa địa ngục, là hóa giải địa ngục để cứu thoát bạn và người kia để cùng nhau trở về vùng đất an lành. Đây là một điều có thể làm được và chính bạn là người phải làm chuyện đó. Lẽ tất nhiên các bạn đồng tu sẽ nâng đỡ bạn bằng tuệ giác, từ bi và năng lượng chánh niệm của họ.
Nếu bạn phục hồi được truyền thông và đem lại hạnh phúc cho người kia thì bạn đã đóng góp lớn lao. Mọi người sẽ vui mừng cho sự thành công đó bởi vì nhờ đó mà ai cũng thêm tin tưởng vào pháp môn tu tập. Nhờ nâng đỡ của tăng thân mà bạn có thể hóa giải địa ngục và phục hồi Tịnh Độ, phục hồi bình an trong cuộc sống hằng ngày. Bạn có thể bắt đầu ngay bây giờ. Bạn có thể bắt đầu viết bức thư ấy ngày hôm nay. Bạn sẽ thấy rằng chỉ cần một tờ giấy và một cây bút là bạn có thể thực tập và chuyển hóa liên hệ của bạn với người thương.
Viết bức thư của bạn suốt cả ngày
Suốt ngày, đi, đứng, thiền tọa, làm việc, giặt áo, nấu cơm bạn đừng có suy nghĩ gì về bức thư. Nhưng tất cả mọi hoạt động của bạn đều có liên hệ tới bức thư.
Lúc ngồi xuống bàn viết là để ghi lên giấy những cảm nghĩ chứ không phải là lúc sáng tác ra bức thư. Bạn đã sáng tác bức thư trong khi tưới cây, thiền hành hay nấu ăn cho đại chúng. Tất cả những thực tập đó giúp bạn trở nên vững chãi hơn, bình an hơn. Chánh niệm và thiền định nuôi dưỡng những hạt giống hiểu biết và thương yêu trong bạn cho thêm lớn mạnh. Một bức thư được viết bằng chánh niệm mà bạn chế tác suốt ngày chắc chắn sẽ là một bức thư tuyệt hảo.
Hãy sống đẹp từng giây phút
Cách đây khoảng mười lăm năm, một nữ học giả Phật Học đến thăm tôi và nói: Thưa Thầy, Thầy đã sáng tác nhiều bài thơ rất hay. Nhưng Thầy đã để ra nhiều thì giờ để trồng rau, trồng cải. Tại sao Thầy không dành tất cả thì giờ của Thầy để sáng tác thêm nhiều bài thơ nữa? Nữ học giả này có lẽ đã đọc đâu đó rằng tôi thích làm vườn, trồng rau, trồng cải. Bà ta, với ý nghĩ thực tế, có ý muốn khuyên tôi không nên phí thì giờ làm vườn mà chỉ nên dành thì giờ làm thơ.
Tôi trả lời. Này bạn, nếu tôi không trồng rau, trồng cải, tôi sẽ không làm được thơ. Đó là sự thật. Nếu không sống trong chánh niệm, nếu không sống sâu sắc từng giây phút của cuộc sống hằng ngày thì không thể viết được gì, không sáng tác được gì có giá trị để cống hiến.
Một bài thơ là một bông hoa bạn hiến tặng cho người khác. Một cái nhìn từ bi, một nụ cười, một cử chỉ đầy thương yêu, tất cả là những bông hoa mọc ra trên cành cây chánh niệm và thiền định. Mặc dầu ta không hề nghĩ tới bài thơ trong khi nấu một bữa ăn cho gia đình, bài thơ vẫn đang được sáng tác. Khi tôi viết một câu truyện ngắn, một cuốn tiểu thuyết hay một bản kịch, tôi cần nhiều tuần lễ mới hoàn tất. Nhưng câu chuyện hay cuốn tiểu thuyết luôn luôn có mặt ở đó. Cũng vậy, mặc dầu bạn không nghĩ tới bức thư mà bạn muốn viết cho người thương, bức thư vẫn đang được viết ra, từ trong sâu thẳm của tâm thức.
Bạn không thể ngồi xuống bàn và chỉ làm có một việc là viết lên câu chuyện hay cuốn tiểu thuyết. Bạn phải làm công kia việc nọ. Bạn uống trà, nấu ăn, giặt áo, tưới rau. Thời gian mà bạn uống trà, nấu ăn, giặt áo, tưới rau vô cùng quan trọng. Bạn phải làm những việc đó cho đàng hoàng, cho hết lòng. Bạn phải đầu tư một trăm phần trăm vào việc uống trà, nấu ăn, giặt áo, tưới rau. Bạn làm những việc đó trong niềm vui, để hết tâm ý vào công việc. Điều này rất quan trọng cho câu chuyện, cho bức thư mà bạn muốn viết cho người thương hay cho bất cứ gì mà bạn muốn sáng tác.
Giác ngộ không thể tách rời chuyện rửa bát, trồng rau. Vậy thì pháp môn tu tập của chúng ta là sống từng giây phút của cuộc sống hằng ngày trong chánh niệm và thiền định. Một tác phẩm nghệ thuật được thai nghén và hình thành chính trong những lúc như thế của cuộc sống hằng ngày. Lúc bạn bắt đầu viết xuống một bài thơ hay là một bản nhạc chỉ là để bài thơ hay bản nhạc được sinh ra, để cho em bé ra chào đời. Em bé đó phải có sẵn đó trong bạn thì bạn mới có thể đưa em ra chào đời. Nếu em bé không có ở trong bạn thì dầu cho bạn có ngồi đó hằng giờ bạn cũng sẽ không có gì để cống hiến, bạn không thể sáng tác được gì. Tuệ giác, từ bi, khả năng viết nên những gì có thể gây cảm hứng cho người khác là những đóa hoa nở ra trên cành cây thực tập. Hãy sử dụng khéo léo mỗi giây phút của cuộc sống hằng ngày để cho tuệ giác đó, từ bi đó bừng nở.
Hiến tặng chuyển hóa
Một bà mẹ đang mang thai chắc sẽ rất sung sướng mỗi khi nghĩ tới thai nhi trong bụng. Thai nhi mặc dầu chưa được sinh ra nhưng cho mẹ rất nhiều niềm vui. Bất cứ giờ phút nào trong ngày mẹ cũng nhớ đến sự có mặt của thai nhi trong mình, cho nên nhất cử nhất động lòng mẹ tràn ngập yêu thương. Trong khi ăn cũng như trong khi uống lòng mẹ tràn ngập yêu thương bởi vì mẹ biết rằng không có tình thương của mẹ thì thai nhi không thể khỏe mạnh được. Mẹ luôn luôn cẩn thận, biết rằng một cử chỉ sai lầm, biết rằng hút thuốc, uống rượu thì sẽ gây hại cho em bé thai nhi. Vì vậy một bà mẹ đang mang thai luôn luôn sống rất mực chánh niệm, luôn luôn sống trong tâm niệm yêu thương.
Hành giả thiền tập phải hành xử như một bà mẹ. Ta biết rằng ta muốn sáng tạo, muốn cống hiến cho nhân loại, cho đời một cái gì. Mỗi chúng ta mang trong người một em bé thai nhi – em bé Bụt, và ta có thể hiến tặng cho đời em bé Bụt trong ta. Vì vậy ta phải sống trong chánh niệm để chăm sóc em bé Bụt trong ta.
Chính nhờ năng lượng của Bụt trong ta mà ta có thể viết được bức thư tình đích thực và hòa giải được với người khác. Một bức thư tình đích thực phải được viết bằng tuệ giác, hiểu biết và từ bi. Nếu không thì đó không phải là một bức thư tình. Một bức thư tình có thể chuyển hóa người khác và từ đó chuyển hóa cả thế giới. Nhưng trước khi bức thư ấy có thể chuyển hóa người khác thì nó phải chuyển hóa chính tự thân. Thời gian cần để viết bức thư ấy có thể là cả một đời người.
Đọc Giận, chương 01 tại đây.
Đọc Giận, chương 02 tại đây.
Đọc Giận, chương 03 tại đây.
Đọc Giận, chương 04 tại đây.
Đọc Giận, chương 05 tại đây.
Đọc Giận, chương 06 tại đây.
Đọc Giận, chương 07 tại đây.
Đọc Giận, chương 08 tại đây.
Đọc Giận, chương 09 tại đây.
Đọc Giận, chương 10 tại đây.
Đọc Giận, chương 11 tại đây.
Đọc Giận, toàn tập tại đây.