Thích Nhất Hạnh | Giận | Chương 08
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.
· 27 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Theo tôi, hạnh phúc có nghĩa là ít đau khổ. Nếu không chuyển hóa được đau khổ thì không thể nào có hạnh phúc.
Bắt đầu từ chính bạn
Nếu không có truyền thông thì khó mà có hiểu biết thật sự. Nhưng phải nhớ rằng trước hết bạn phải truyền thông được với chính bạn. Nếu bạn không thể truyền thông được với chính bạn thì làm sao bạn có thể truyền thông với người khác? Thương yêu cũng vậy. Nếu bạn không thương yêu chính bạn thì làm sao bạn có thể thương yêu người khác. Nếu bạn không thể chấp nhận chính bạn, nếu bạn không thể đối xử từ bi với chính bạn thì làm sao bạn có thể chấp nhận, đối xử từ bi với người khác?
Rất nhiều khi bạn đã hành xử y như ba của bạn mà không biết. Và mặc dầu bạn hành xử như ba bạn, bạn vẫn có cảm tưởng là bạn và ba của bạn là hoàn toàn đối nghịch. Bạn không chấp nhận, bạn ghét bỏ ba của bạn. Bạn không chấp nhận ba của bạn tức là bạn không chấp nhận bạn. Ba của bạn có trong bạn; bạn là nối tiếp của ba của bạn. Cho nên, nếu bạn có thể truyền thông với chính bạn thì bạn sẽ có thể truyền thông với ba của bạn.
Ngã được làm bởi những yếu tố vô ngã, cho nên sự thực tập của chúng ta là hiểu rõ chính chúng ta. Người cha là một yếu tố vô ngã. Ta nói rằng cha ta không phải là ta, nhưng nếu không có cha ta thì không có ta. Cho nên cha ta hiện hữu trong thân, trong tâm ta. Cha ta là ta. Cho nên nếu bạn hiểu rõ bạn một cách sâu sắc thì bạn có thể hiểu rằng bạn là ba của bạn – ba của bạn không ở ngoài bạn.
Có rất nhiều yếu tố vô ngã khác mà bạn có thể tiếp xúc và nhận diện bên trong bạn – tổ tiên, quả đất, mặt trời, thực phẩm, và nhiều hơn nữa. Những yếu tố đó mới thoạt nhìn thì có vẻ như là không dính dáng gì tới ta, nhưng nếu không có chúng thì ta không thể sống được.
Giả thiết rằng hai phe lâm chiến muốn thương thảo trong khi cả hai bên đều không hiểu chi nhiều về tình hình phía bên mình. Mỗi phe phải biết rõ phe mình, biết rõ tình trạng quốc gia, dân tộc bên mình để có thể hiểu rõ phe bên kia, tình trạng quốc gia, dân tộc bên kia. Ngã và vô ngã không phải là hai thực thể riêng biệt, bởi vì đau khổ, hy vọng, hận thù của cả hai bên đều rất giống nhau.
Khi ta giận thì ta khổ. Nếu ta thực sự hiểu điều đó thì ta có thể hiểu được rằng người giận ta cũng khổ. Khi một người nào mắng chửi hay hành hung ta thì ta phải có đủ thông minh để thấy rằng người kia đang đau khổ vì bạo động và sân hận của chính người ấy. Ta có xu hướng quên đi điều đó. Ta cứ nghĩ rằng chỉ có ta là đang khổ và người kia là người đang đàn áp ta. Chỉ có chừng đó cũng đủ để ta càng thêm giận và càng muốn trừng phạt. Ta muốn trừng phạt người kia vì ta khổ. Những lúc đó thì ta cũng bạo động, cũng sân hận y như người kia. Khi thấy rằng đau khổ và sân hận của ta chẳng khác gì đau khổ và sân hận của người kia ta sẽ hành xử từ bi hơn. Vậy thì hiểu người khác tức là hiểu mình, hiểu mình tức là hiểu người khác. Tất cả đều phải bắt đầu từ chính bản thân.
Muốn tự hiểu mình, ta phải học hỏi và thực tập theo quan điểm bất nhị (non-duality). Không nên đàn áp sân hận bởi vì sân hận chính là ta, là một phần của ta. Ta phải chăm sóc sân hận, bởi vì sân hận là một hiện tượng hữu cơ mà ta có thể chuyển hóa thành một hiện tượng hữu cơ khác. Rác có thể biến thành phân xanh và từ đó thành rau cải. Cho nên không nên khinh rẻ sân hận. Ta phải học cách chăm sóc, ôm ấp sân hận và chuyển hóa nó thành năng lượng của hiểu biết và thương yêu.
Từ bi là thông minh
Hiểu biết và từ bi là hai nguồn năng lượng rất mạnh. Hiểu biết và từ bi ngược lại với u mê và thụ động. Nếu cho rằng từ bi là thụ động, yếu đuối hay hèn nhát tức là không hiểu gì hết về ý nghĩa đích thực của hiểu biết và từ bi. Nếu cho rằng những người có tâm từ bi không bao giờ chống đối và phản ứng với bất công là lầm. Họ là những chiến sĩ, những anh hùng, liệt nữ đã từng thắng trận. Khi hành động với tâm từ bi, với thái độ bất bạo động, khi hành động trên căn bản của quan điểm bất nhị thì ta phải có rất nhiều dũng lực. Ta không hành động vì sân hận. Ta không trừng phạt hay chê trách. Từ bi luôn luôn lớn mạnh trong ta và ta có thể thành công tranh đấu chống bất công. Thánh Gandhi chỉ có một mình. Thánh Gandhi không có bom, không có súng, không có đảng. Thánh Gandhi chỉ hành động với tuệ giác bất nhị, với sức mạnh của từ bi chứ không phải với tâm sân hận.
Con người không phải là kẻ thù. Kẻ thù của ta không phải là người kia. Kẻ thù của ta là bạo động, u mê, bất công trong ta và trong người kia. Khi tranh đấu bằng từ bi và hiểu biết ta không tranh đấu với kẻ khác mà là tranh đấu với ý hướng chiếm đoạt, đàn áp, và bóc lột. Chúng ta không muốn tiêu diệt những người kia, nhưng không để cho họ bóc lột chúng ta và những người khác. Chúng ta phải tự bảo vệ. Chúng ta đâu có ngu ngốc. Chúng ta rất thông minh và chúng ta có tuệ giác. Từ bi không có nghĩa là để cho người khác mặc tình bạo hành chính bản thân họ và bạo hành ta. Từ bi có nghĩa là thông minh. Hành động bất bạo động phát xuất từ tình thương chỉ có thể là một hành động thông minh.
Từ bi không có nghĩa là chịu đau khổ vô ích hoặc đánh mất khôn ngoan. Ví dụ khi bạn hướng dẫn một đoàn người đi thiền hành bạn đi chậm rãi và thật đẹp. Thiền hành có thể tạo nên rất nhiều năng lượng; thiền hành đem yên tịnh, vững chãi, và bình an đến cho mọi người. Nhưng nếu bất thần trời đổ mưa thì chúng ta đâu có để cho ai cũng bị ướt? Như thế là không thông minh. Nếu giỏi thì bạn sẽ đổi qua chạy thiền hành thay vì đi thiền hành. Bạn vẫn giữ được niềm vui của thiền hành. Bạn vẫn có thể cười, bạn vẫn có thể bông đùa, để tỏ ra rằng sự thực tập của bạn không phải là một thực tập ngô nghê. Bạn vẫn có thể giữ chánh niệm trong khi chạy dưới cơn mưa. Phải thực tập cho thông minh. Thiền tập không có nghĩa là nhắm mắt bắt chước làm theo người bên cạnh. Khi thiền tập ta phải khéo léo và sử dụng thông minh cho đúng.
Xây dựng một lực lượng cảnh sát có tâm từ bi
Hiền lành, tử tế không có nghĩa là thụ động. Từ bi không có nghĩa là để cho người khác dày đạp, tiêu diệt mình. Phải tự bảo vệ và bảo vệ những người khác. Nếu cần giam một người nào rất nguy hiểm thì phải giam vậy. Nhưng mà phải làm chuyện đó với tâm từ bi. Động lực là ngăn ngừa người ấy tiếp tục phá hoại và tự tưới tẩm tâm sân hận.
Không cần phải là một ông thầy tu mới từ bi. Một cảnh sát, một quan tòa hay một người canh tù cũng có thể từ bi. Cảnh sát, quan tòa hay người canh tù phải là những vị Bồ Tát, có tâm từ bi rộng lớn. Mặc dầu cần phải cứng rắn nhưng luôn luôn giữ sáng tâm từ bi.
Nếu đã thực tập nếp sống chánh niệm thì bạn phải giúp cho những người cảnh sát hành động với tâm từ bi và không sợ hãi. Trong thời đại chúng ta, những người cảnh sát luôn luôn sợ hãi, giận dữ và căng thẳng vì họ đã bị tấn công nhiều lần. Những ai thù ghét và miệt thị cảnh sát là không hiểu họ. Mỗi buổi sáng, khi người cảnh sát mặc bộ sắc phục và đeo súng vào, họ không biết chắc là chiều hôm đó họ có còn sống để về nhà hay không. Người cảnh sát rất đau khổ. Gia đình họ cũng rất đau khổ. Họ không vui gì đánh đập, bắn chết người khác. Nhưng chỉ vì họ không biết cách xử lý sợ hãi, đau khổ, bạo động trong họ cho nên họ cũng có thể trở thành những nạn nhân của xã hội như bất cứ ai khác. Cho nên, là một cảnh sát trưởng, nếu bạn hiểu thấu được tâm tư của những cảnh sát dưới quyền, thì bạn phải thực tập để nuôi lớn từ bi và hiểu biết trong mình. Khi đó bạn mới có khả năng huấn luyện và giúp đỡ nhân viên thuộc quyền hằng ngày, hằng đêm phải thi hành nhiệm vụ khó khăn là gìn giữ an ninh trật tự trong thành phố.
Nước Pháp gọi những người cảnh sát là những người giữ hòa bình (peace-keeper). Nhưng nếu không có hòa bình trong tâm thì làm sao có thể giữ được hòa bình cho cả thành phố? Trước phải giữ bình an trong bản thân. Bình an ở đây có nghĩa là không sợ hãi, sáng suốt, và có tuệ giác. Người cảnh sát có được học những kỹ thuật tự vệ. Nhưng kỹ thuật tự vệ không đủ. Phải thông minh, phải hành động không phải vì sợ hãi. Nếu sợ hãi quá thì có thể lầm lổi, sẽ có xu hướng dùng súng và có thể giết người vô tội.
Không thể theo phe
Tại Los Angles, bốn cảnh sát viên đánh một người da đen gần chết. Báo chí khắp thế giới đua nhau viết về chuyện đó và ai cũng muốn đứng về một phe, hoặc là bênh người bị đánh hoặc là bênh người cảnh sát. Khi bạn phán xét và thiên về một bên là bạn đã hành động như là bạn không can dự vào việc đã xẩy ra, như là bạn không phải là người da đen bị đánh hay bốn người cảnh sát đánh người da đen. Nhưng nếu nhìn cho kỹ thì bạn là người da đen đồng thời cũng là bốn người cảnh sát. Sân hận, sợ hãi, bực bội và bạo động có mặt trong người bị đánh, trong người đánh. Cũng như sân hận, sợ hãi, bực bội và bạo động có mặt trong chính chúng ta.
Muốn hiểu những người cảnh sát và giúp họ bớt đau khổ, hãy tưởng tượng bạn là vợ hay chồng của một người cảnh sát. Có sống chung bạn mới thấy rõ đời sống khó nhọc của người bạn đường. Bạn sẽ cố gắng ngày đêm giúp chồng hay vợ chuyển hóa sân hận, lo sợ và bực dọc. Khi bạn có thể giúp được chồng hay vợ mình như thế thì toàn cả thành phố được lợi lạc. Ngay cả đến những thanh niên hư hỏng cũng được lợi lạc. Đây là cách hay nhất để giúp cộng đồng. Nhờ thông minh, tuệ giác và từ bi bạn có thể giúp tránh được nhiều tai họa.
Đối thoại để chấm dứt sân hận và bạo động
Hình ảnh của một người cảnh sát đầy bạo động, kỳ thị là một hình ảnh không mấy đẹp. Rất nhiều người trẻ coi những người cảnh sát như kẻ thù. Chúng đốt xe cảnh sát, đánh phá cảnh sát, bởi vì cảnh sát là đối tượng của sân hận và bực bội trong chúng. Chúng ta nên tổ chức một cuộc họp mặt hay hội thoại giữa cảnh sát và những thanh niên đã có những hành vi bạo động, hay đang bị giam giữ. Tại sao chúng ta lại không tổ chức những cuộc hội thoại như thế để cho những người cảnh sát có cơ hội nói ra tất cả những uẩn ức, giận dữ hay lo sợ của mình? Tại sao chúng ta lại không để cho những người trẻ đó có cơ hội nói ra tất cả những uẩn ức, giận dữ hay bực bội của mình? Tại sao chúng ta không trình chiếu những cuộc hội thoại như thế trên đài truyền hình cho cả nước đều xem, đều biết?
Đây có thể là một thiền tập đích thực: thiền tập quán chiếu sâu sắc, không phải chỉ trên bình diện cá nhân, mà trên bình diện của cả thành phố, của cả nước. Chúng ta đã không thấy được sự thật. Chúng ta đã coi rất nhiều phim ảnh, đọc truyện trinh thám nhưng chúng ta chưa thấy được sự thật bên trong tâm tư sâu kín của những con người thật. Chúng ta phải tổ chức những cuộc đối thoại như thế để cho sự thật được trình bày cho cả nước coi chung.
Thả bom lên chính mình
Xin Chúa tha tội cho họ, vì họ không biết họ đã làm gì, Chúa Jesus đã nói như vậy. Một người phạm tội ác hoặc gây đau khổ cho kẻ khác là vì người ấy không biết mình đang làm gì. Nhiều người trẻ đã phạm tội mà không biết, không hiểu rằng sự bạo hành của họ đã gây nên biết bao đau khổ. Mỗi khi bạo hành như vậy họ gây đau khổ cho chính họ và cho người khác. Họ nghĩ rằng hành động tàn bạo, giận dữ như vậy là có thể làm giảm bớt cơn giận. Nhưng sân hận trong họ chỉ lớn thêm mà thôi.
Khi thả bom lên trên kẻ thù, bạn đã thả quả bom ấy lên chính bạn, lên quê hương bạn. Trong cuộc chiến Việt Nam, người dân Hoa Kỳ cũng đã đau khổ như người dân Việt nam. Vết thương chiến tranh tại Hoa Kỳ cũng sâu đậm như vết thương chiến tranh tại Việt nam. Chúng ta phải chấm dứt bạo động. Chúng ta không thể chấm dứt bạo động nếu chúng ta không có được cái tuệ giác rằng những gì chúng ta gây cho một người khác là chúng ta tự gây cho chúng ta. Các thầy giáo phải chỉ cho học sinh biết rằng khi bạo động, chính chúng sẽ chịu đau khổ. Nhưng các thầy giáo không thể chỉ nói suông, mà phải sáng tạo hơn là chỉ nói suông. Khi chia sẻ tuệ giác với người khác không nên quá giáo điều mà phải mềm dẻo, và sử dụng phương tiện thiện xảo. Phương tiện thiện xảo rất quan trọng. Một bậc Đại Nhân cần phải khéo léo khi hành đạo cũng như khi giúp người.
Chặn đứng chiến tranh trước khi chiến tranh bùng nổ
Phần đông chúng ta đợi cho đến khi chiến tranh bùng nổ mới bắt đầu tìm cách chấm dứt. Phần đông chúng ta không biết rằng nguồn gốc của chiến tranh có khắp mọi nơi, cả nơi cách suy nghĩ, nơi nếp sống của chúng ta. Chúng ta không có khả năng nhận ra chiến tranh khi nó còn tiềm ẩn. Chúng ta chỉ bắt đầu chú ý đến chiến tranh khi nó đã bùng nổ, khi mà ai cũng bắt đầu bàn luận về cuộc chiến. Và rồi chúng ta cảm thấy bị tràn ngập trước cuộc chiến tàn khốc. Chúng ta tự cảm thấy bất lực. Chúng ta theo phe này hay phe kia, lên án phe này hay bênh vực phe kia, nhưng không cống hiến được gì cho việc chấm dứt sự tàn phá do chiến tranh.
Là một hành giả thiền tập đích thực, bạn phải thực tập nhìn sâu vào tình thế để thấy được cuộc chiến trước khi nó xẩy ra. Bạn phải bắt tay hành động để chận đứng chiến tranh trước khi nó bùng nổ. Nhờ tuệ giác và ý thức, bạn có thể đánh thức người khác để họ cũng có được ý thức như bạn. Rồi cùng với họ bạn có thể hành động một cách khéo léo để ngăn ngừa chiến tranh.
Các quốc gia của Liên Minh Đại Tây Dương (NATO) nghĩ rằng thả bom Belgrade là giải pháp duy nhất để chấm dứt kỳ thị chủng tộc tại Yugoslavia. Họ tin rằng không có con đường nào khác. Họ không thể thấy và đối phó với gốc rễ của chiến tranh, những gốc rễ đã hiển lộ ngay trước khi chiến tranh bộc phát, bởi vì khả năng nhìn sâu, quán chiếu của họ hạn hẹp. Bạo lực không bao giờ đem lại hòa bình và hiểu biết. Chỉ có nhìn sâu để hiểu rõ gốc rễ của bạo lực mới xây dựng được hòa bình.
Là một hành giả thiền tập giỏi bạn có thể có tuệ giác sâu sắc hơn, và có thể biết cách ngăn ngừa nạn kỳ thị chủng tộc mà không cần phải dùng đến bom đạn hay các phương tiện bạo lực khác. Có nhiều cuộc chiến sắp bùng nổ trên địa cầu này. Nếu quả thật là một người yêu chuộng hòa bình, bạn phải thấy điều đó và phải cố gắng hết sức, cùng với các cộng đồng khác, tìm cách ngăn chặn chiến tranh tàn khốc. Nếu bạn muốn ngăn chặn sự can thiệp tàn bạo như ở Kosovo thì bạn phải đề nghị một giải pháp thay thế. Nếu có một ý kiến hay thì bạn phải đề nghị lên dân biểu hay nghị sĩ yêu cầu họ can thiệp để có được một giải pháp tốt đẹp hơn. Chúng ta phải học cách thiền tập như một quốc gia, chứ không chỉ như một cá nhân, để có thể đạt được tuệ giác khả dĩ chấm dứt chiến tranh và bạo động.
Tuệ giác cộng đồng
Có một thanh niên ăn chay không phải vì anh ta theo giáo điều hay cuồng tín mà vì có chánh niệm. Anh ta không ăn thịt vì anh ta không đành tâm. Ba anh rất bực mình vì chuyện này và do đó mà gia đình không được vui vẻ, hòa thuận. Chàng thanh niên biết rằng anh ta không thể ngưng ăn chay vì anh sẽ phải khổ sở vô cùng nếu ăn thịt. Anh cũng không muốn ăn thịt để làm vừa lòng ba anh, nhưng anh cũng không muốn không khí trong gia đình căng thẳng hoài. Anh ta đã sử dụng thông minh của mình và không thụ động.
Một ngày nọ anh ta đem về một băng thâu hình (video), và nói, Ba ơi, đây là cuốn phim tài liệu rất hay. Rồi anh ta chiếu cuốn phim súc vật bị làm thịt cho ba anh và cả nhà xem. Xem phim, ba anh đã vô cùng xúc động và khổ tâm. Sau đó ông ta đã quyết định ăn chay. Tuệ giác của người cha là một tuệ giác do kinh nghiệm trực tiếp chứ không phải là một ý niệm. Thay vì giận, thay vì để cho cơn giận tràn ngập chàng thanh niên đã sử dụng từ bi, khôn khéo, và thông minh. Anh ta đã thuyết phục được cả nhà không ăn thịt để cho tâm từ bi được nuôi dưỡng trong mỗi người. Quyết định chiếu cuốn phim tài liệu là một quyết định rất thiện xảo và đầy tình thương. Với phương tiện thiện xảo ta có thể đạt được thắng lợi lớn.
Trên cương vị cá nhân, bạn có thể có một vài tuệ giác. Tuệ giác ấy có thể khơi dậy tâm từ bi và thúc đẩy bạn hành động. Nhưng vì chỉ là một cá nhân bạn không thể thực hiện được nhiều. Nếu những người khác không có cùng tuệ giác với bạn thì bạn nên cố gắng làm cho tuệ giác của bạn trở thành một tuệ giác cộng đồng. Tuy nhiên bạn không nên ép người khác chấp nhận ý kiến của bạn. Bạn có thể áp đặt ý kiến của bạn lên người khác, nhưng khi đó thì ý kiến của bạn chỉ là một ý kiến mà không phải là một tuệ giác. Tuệ giác không phải là một ý kiến. Cách chia sẻ tuệ giác là tạo điều kiện để cho người khác tự mình phát kiến ra tuệ giác ấy – qua kinh nghiệm riêng chứ không phải qua những gì bạn nói ra. Điều này đòi hỏi khéo léo và kiên trì.
Giúp cho tình yêu hồi phục
Tại Làng Mai có một sư cô trẻ chỉ mới hai mươi hai tuổi. Sư cô đã giúp cho một bà mẹ và con gái làm hòa ngay sau khi hai người thề sẽ không bao giờ nhìn mặt nhau. Chỉ trong vòng ba giờ đồng hồ, sư cô đã giúp hòa giải hai mẹ con. Rốt cuộc, hai người đã thực tập thiền ôm. Hai mẹ con ôm nhau trong chánh niệm, theo dõi hơi thở. Họ thực tập, Thở vào tôi biết tôi đang còn sống. Thở ra tôi biết mẹ tôi đang còn sống và tôi đang ôm mẹ tôi trong vòng tay. Hai mẹ con thực tập để ý thức sự may mắn về sự có mặt của người kia. Hai mẹ con đã tiếp xúc sâu sắc với giây phút hiện tại và đã ôm nhau trong thương yêu trọn vẹn. Tác dụng chữa trị của sự thực tập quả là mạnh mẽ. Nhờ thực tập mà cả hai mẹ con đã nhận ra rằng họ thương nhau vô cùng. Hai mẹ con đã không biết là họ thương nhau như vậy chỉ vì họ đã không khéo léo trong liên hệ mẹ con, trong cách nói năng và lắng nghe nhau.
Không phải chỉ vì sân hận, thù ghét có mặt mà khả năng thương yêu và chấp nhận nhau không có mặt. Nếu là một hòa giải viên, một tác viên hòa bình khéo léo bạn có thể phục hồi thương yêu và hiểu biết trong bạn và trong những người khác. Xin đừng nghĩ rằng không có thương yêu trong bạn. Điều đó không đúng. Thương yêu luôn luôn có trong bạn. Cũng như ánh nắng mặt trời; dầu trời mưa gió, mặt trời vẫn có đó, nếu bạn đi máy bay lên quá mây một chút. Vậy thì nếu bạn cho rằng bạn không còn tình yêu mà chỉ có hận thù đối với người kia thì bạn rất lầm. Hãy đợi đến khi người kia chết đi, bạn sẽ khóc lóc và cầu mong cho người kia sống lại. Điều này chứng tỏ rằng thương yêu vẫn còn đó. Vậy thì bạn hãy để cho thương yêu có dịp hiển lộ trong khi người kia còn sống. Muốn phục hồi thương yêu bạn phải biết cách xử lý sân hận. Sân hận luôn luôn đi cùng với lầm lẫn, vô minh.
Vượt qua phán xét
Giả thử bạn là thầy giáo của một em nữ sinh năm tuổi. Khi mẹ em đến đón em bạn nhận thấy bà ta có vẻ dữ dằn, nóng giận và làm cho em nữ sinh khổ sở. Bạn có thể làm gì trong trường hợp này? Bạn có thể làm rất nhiều. Trước hết bạn giúp em nữ sinh hiểu mẹ của em hơn. Bạn tạo cơ hội để em nói ra những ẩn uất trong lòng, những khó khăn của em đối với mẹ, mặc dầu em chỉ có năm tuổi. Bạn có thể đóng vai trò của một người mẹ hiền. Bạn dạy cho em cách hành động, cách phản ứng khi mẹ của em giận dữ, đày đọa em, để cho tình trạng không trở nên tồi tệ. Giúp em nữ sinh như thế rất quan trọng bởi vì khi em thay đổi thì mẹ em cũng thay đổi.
Vì là một thầy giáo dạy em đó bạn cũng có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với mẹ của em. Nếu có từ bi và hiểu biết thì bạn có thể giúp được. Nếu không thì bạn chỉ có xu hướng phán xét cho rằng người mẹ là sai và em bé nữ sinh kia là đúng. Bạn chỉ buộc tội người mẹ hành hạ con. Bạn không chấp nhận sự bạo hành của bà mẹ, nhưng nói lên sự bất bình của bạn thì cũng chẳng giúp ích được gì. Hành xử của bạn phải phát xuất từ tâm từ bi và hiểu biết, không những để giúp em nữ sinh mà còn để giúp cả mẹ và ba của em. Nếu bạn không thể giúp mẹ hay ba của em thì bạn không thể giúp em nữ sinh đó. Có thể là bạn nghĩ rằng chỉ có em bé là nạn nhân và chỉ có em là cần được giúp đỡ. Nhưng nếu bạn muốn giúp em bé nữ sinh thì bạn phải giúp cha mẹ em, những người mà bạn xem như là kẻ thù. Nếu không giúp được cha mẹ em thì bạn không thể giúp được em. Cha mẹ nhiều khi thiếu trí tuệ, đầy bạo động, sân hận và làm cho con cái khổ. Vì vậy chúng ta cần phải có tâm từ bi với các bậc cha mẹ, phải tìm hiểu nguồn gốc của những khổ đau của họ để giúp đỡ. Những nhà giáo dục cần ý thức điều này và giúp cho tất cả chúng ta chăm sóc các bậc cha mẹ và từ đó có thể chăm sóc con cái.
Phụng sự tổ quốc
Chính quyền nước Pháp đã cố gắng hết sức để lo cho các người trẻ bạo động. Họ đã có ít nhiều tuệ giác. Họ biết rằng bạo động và khổ đau của những người trẻ có gốc rễ từ xã hội. Để biết rõ cách đối trị, ta phải lắng nghe như một bác sĩ lắng nghe bệnh nhân. Ta phải lắng nghe chăm chú nhịp sống của xã hội để có thể hiểu tại sao mà những người trẻ lại có quá nhiều bạo động, quá nhiều sân hận như vậy. Lắng nghe như thế ta sẽ thấy rằng gốc rễ bạo động và sân hận của những người trẻ bắt nguồn từ gia đình, từ nếp sống hằng ngày của các bậc cha mẹ. Và gốc rễ của bạo động trong gia đình bắt nguồn từ tổ chức, lề lối tiêu thụ của xã hội.
Chính phủ cũng là nhân dân. Chính phủ gồm có những người làm cha, làm mẹ, những con cái. Những người cha, mẹ, con cái đó mang trong mình họ những bạo động của gia đình mình. Vậy nếu vị thủ tướng của nước Pháp không thực tập nhìn sâu, không thấy được tâm sân hận, bạo động, buồn bực, khổ đau trong bản thân thì ông ta không thể hiểu được bạo động, sân hận và tuyệt vọng của thế hệ trẻ. Ông ta cũng còn phải hiểu những nhân viên trong nội các của ông, trong bộ Thanh niên, trong bộ Giáo dục v…v… và thấy được những khổ đau của họ. Là những công dân, là chính quyền chúng ta phải hành động, nhưng hành động trên nền tảng nào? Trên nền tảng của sự hiểu biết vậy.
Nếu ta thực tập nhìn sâu để có thể thấy được gốc rễ của sân hận và bạo động trong xã hội, thì ta sẽ khởi lòng thương đối với các người trẻ. Chúng ta sẽ biết rằng trừng phạt hay bắt nhốt chẳng giúp ích được gì. Đó là lời của thủ tướng Jospin. Vậy thì thủ tướng Jospin và chính phủ của ông quả đã có một vài tuệ giác. Nhưng với tư cách là công dân chúng ta phải giúp vào một tay. Chúng ta phải giúp phát triển tuệ giác ấy. Là nhà giáo dục, là cha mẹ, là nghệ sĩ, văn sĩ chúng ta phải thực tập để có đủ tuệ giác để giúp chính quyền.
Ngay cả khi không thuộc đảng phái đương quyền, ta cũng phải thực tập. Giúp đảng cầm quyền là giúp tổ quốc. Ta phụng sự tổ quốc chứ không phải giúp đảng chính trị. Nếu bây giờ đương kim thủ tướng nước Pháp có một cơ hội để cải thiện tình trạng của thanh niên nước Pháp thì cách hay nhất để phụng sự quốc gia là đóng góp tuệ giác và sự hỗ trợ của bạn. Điều này không có nghĩa là bạn phản bội nhân dân hay đảng của bạn. Sự có mặt của một đảng chính trị là để phục vụ quốc gia chứ không phải để gây khó dễ cho một đảng khác hay đảng cầm quyền. Vậy thì, là một chính trị gia, bạn phải thực tập nhận thức bất nhị. Bạn phải ý thức rằng thương yêu, từ bi là cao cả hơn lập trường chính trị. Chính trị ở đây là chính trị có thông minh chứ không phải là chính trị phe phái. Chính trị phải có tính chất nhân đạo, mà mục đích là tạo an vui và chuyển hóa cho xã hội, chứ không phải chỉ để có quyền lực.
Đọc Giận, chương 01 tại đây.
Đọc Giận, chương 02 tại đây.
Đọc Giận, chương 03 tại đây.
Đọc Giận, chương 04 tại đây.
Đọc Giận, chương 05 tại đây.
Đọc Giận, chương 06 tại đây.
Đọc Giận, chương 07 tại đây.
Đọc Giận, chương 08 tại đây.
Đọc Giận, chương 09 tại đây.
Đọc Giận, chương 10 tại đây.
Đọc Giận, chương 11 tại đây.
Đọc Giận, toàn tập tại đây.