Không làm gì, để ta hiểu chính ta hơn

Không làm gì là cánh cửa mạnh mẽ để mở ra khả năng đối thoại nhằm hiểu và biết hơn về bản thân mình. Qua đó, ta có thể định hình cảm xúc, gọi tên những bối rối và nhìn thấy rõ nhu cầu của bản thân.

 · 7 phút đọc.

Không làm gì là cánh cửa mạnh mẽ để mở ra khả năng đối thoại nhằm hiểu và biết hơn về bản thân mình. Qua đó, ta có thể định hình cảm xúc, gọi tên những bối rối và nhìn thấy rõ nhu cầu của bản thân.

Không làm gì là cánh cửa mạnh mẽ để mở ra khả năng đối thoại nhằm hiểu và biết hơn về bản thân mình. Qua đó, ta có thể định hình cảm xúc, gọi tên những bối rối và nhìn thấy rõ nhu cầu của bản thân. Bài viết này dựa trên những cảm nhận và góc nhìn của bản thân mình, chia sẻ đến các bạn với mục đích đơn giản rằng các bạn sẽ biết sống thế nào là trọn vẹn, thế nào là hạnh phúc hơn.

Trong một buổi chiều cuối tuần, kết thúc hết mọi công việc rồi thì mình cùng hai anh chị trong văn phòng chạy xe loanh quanh khắp thành phố. Chạy hoài chạy mãi rồi tụi mình cũng dừng lại khi đến nóc hầm Thủ Thiêm.

Nóc hầm có lẽ là địa điểm bí mật của những ai thích ngắm hoàng hôn, khi nơi này có đường dài thênh thang để đến và rộng rãi để đi, lại có góc view rộng để ngắm nhìn thành phố ngay trong tầm mắt. Tới nơi, tụi mình ngồi yên ở đó, nhìn xung quanh nhìn mọi người chụp ảnh rồi dạo mát, nhìn xuống dưới với từng hàng xe cộ lúc dày lúc thưa, nhìn ra xa thấy mặt trời dần dần hạ xuống. Đoạn ấy, mình ngồi yên ở đó mà không làm gì hết, không chụp ảnh, không trò chuyện, không thơ thẩn thẩn thờ. Mình ngồi đó, nhìn mây bay rồi lắng nghe tiếng xe cộ chạy dưới kia cùng một chút gió ngày đầu năm và ánh mặt trời sắp tàn. Khoảnh khắc ấy, mình gọi đó là lúc mình không làm gì.

Nhưng khi quan sát xung quanh, mình nhận ra dường như điều ấy chẳng ai quan tâm cho lắm. Hay đúng hơn là, quan tâm và thực hiện không làm gì để làm gì?

Xã hội mà mình đang sống đã tạo ra một nhịp điều mà chúng ta phải quay cuồng theo nó, phải luôn đề cao những giá trị hữu hình và những hành động luôn đòi hỏi ý nghĩa song hành, thời gian trôi qua luôn phải có ích và công việc phải đạt hiệu quả. Một nhân viên gương mẫu là một nhân viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, một cuộc sống chuẩn mực là hoàn thành đủ những trọng trách và dấu mốc của cuộc đời, và một sự tồn tại phải đem đến một sự thay đổi rõ ràng trong cuộc sống. Những điều này chính là chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển hữu hình của thế giới, để cùng chuyển động với sự vận động của thể giới bên ngoài, và không tụt lùi với vòng quay của thời gian.

Nhưng ở một khía cạnh khác, nó khiến chúng ta lãng quên đi bản sắc cá nhân vì tầng ý nghĩa so lại sao bằng giá trị chung của cộng đồng, của xã hội. Hay nói cách khác, rằng bản thân không hiểu sự tồn tại của chính mình là để làm gì nếu không có thời gian dừng lại xem xét bản thân mình.

Trong những cuộc trò chuyện đầy hoang mang khi còn học Đại học, các anh chị khóa trên vạch cho mình một lộ trình để đi như thế này: con đường tốt nhất cho việc thất nghiệp sau khi tốt nghiệp, đó là học lên – học tiếp cao học, nếu cao học rồi mà vẫn thất nghiệp, hãy tìm được học lên nữa. Lúc ấy, trạng thái thất nghiệp và không làm gì hết là một trạng thái thất bại chứ không ai khuyên rằng ấy là một điều nên trải qua.

Năm cuối Đại học, mình quyết định bỏ ngang việc học và đi làm. Rất nhanh chóng, mình trở nên vô định với lựa chọn này. Sau, mình nhận ra không phải mình đi sai, mà là đi quá nhanh quá vội, điều này đến khi bản thân không có thời gian để xem xét điều này liệu đó có phải là lựa chọn phù hợp, hướng đi này có làm mình hạnh phúc và nó có thể làm điểm tựa khi đương đầu với những khó khăn của cuộc sống hay không?

Cho nên sau này, khi bạn bè với những đứa em đứng trước ngưỡng tốt nghiệp, mình vẫn thật lòng khuyên tụi nó rằng, tuy thất nghiệp là một trạng thái nặng nề, nhưng sự nặng nề ấy trở nên dễ thở nếu diễn ra vào lúc này (khi mới tốt nghiệp). Hãy khoan khoan đừng tìm việc vội, dành để bản thân tự đánh giá xem lựa chọn nào là dành cho chính mình, điều gì là quan trọng nhất cần thực hiện tiếp theo và giá trị mà bản thân muốn tạo ra là như thế nào. Hay nói một cách khác, thất nghiệp sau khi tốt nghiệp là giai đoạn chuẩn bị cho con đường đi phù hợp với bản thân ở phía tương lai.

Nếu thiếu đi sự chuẩn bị này, cảm giác khủng hoảng của tuổi trẻ dễ dễ đến, và cũng chẳng có cái khủng hoảng tuổi 18, hoang mang tuổi 25 nào cả. Bởi khi nào ta còn sự vô định và không hiểu rõ về chính mình, thì lúc đó còn sự bối rối với những lựa chọn của bản thân.

Bạn mình từng nói rằng, tám chín tiếng ở văn phòng lấy đi hết sức lực của nó, để đêm về bản thân chẳng viết nổi một chữ tâm sự cho chính mình. Mình thì may mắn hơn một chút, khi đêm về vẫn có thể viết đôi dòng, nhưng kể cả những khi làm được điều ấy, mình vẫn tự hỏi rằng thời gian mình đang có liệu quá ít để định hình nên cái sự tồn tại của chính mình?

Cũng vì sự bối rối đầy vô định ấy, dần khiến mình nhận ra giá trị thực sự của việc không làm gì – đó là giúp chúng ta có thời gian trò chuyện với bản thân nhiều hơn.

Không làm gì là một trạng thái mà chúng ta không phải thực hiện một nguyên tắt hay nhu cầu nào của xã hội, và bỏ qua những dòng chảy của tin tức lẫn cập nhật của cuộc sống. Đó là sự đứng yên của bản thân trước sự vận hành của cuộc sống để đầu óc được chìm đắm trong những suy tư cá nhân. Khoảnh khắc không làm gì đến khi chúng ta hít thở không khí của buổi ban mai một cách thật mát lành, ngắm nhìn bông hoa mới hé nụ như nhìn một thực thể xinh đẹp, và cảm nhận những điều bình dị của cuộc sống bằng một ánh mắt của một con người bình thường. Sự bình thường ấy không tạo nên một giá trị hữu hình nào cả, nhưng nó hoàn toàn xứng đáng để ta đắm chìm với nó. Bởi đơn giản rằng, khoảnh khắc không làm gì giúp ta có một trải nghiệm người, cảm giác được sống hơn, bản thân được là chính mình hơn. Suy nghĩ và những mong muốn cũng dễ dàng được diễn tả với chúng ta, và thời gian trong khoảnh khắc không làm gì ấy, dường như sẽ chậm lại để ta nhìn nhận trọn vẹn cái điều ấy để thêm hiểu về chính mình.

Cho nên, mặc dù rằng mình thích sự bận rộn và tập trung cao độ cho công việc. Nhưng một khi thoát ra khỏi cái nhịp cuồng quay của trách nhiệm công việc rồi, bản thân mình sẽ trở nên bất động, chẳng làm gì và chỉ suy nghĩ về chính mình. Dưới góc độ cá nhân, đó là thời gian để mình chiêm nghiệm, và tự cảm nhận sự trọn vẹn trong từng khoảnh khắc mà mình đang sống.

Và mình nghĩ, mọi người cũng nên như thế, cũng nên có một khoảng thời gian cho riêng mình, để không làm gì cả.

nhavantuonglai

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.