Hiểu về trái tim | Chương 48
Hiểu về trái tim giúp hiểu và chữa lành trái tim, tâm hồn của mình, để mọi người cùng được sống trong hạnh phúc và yêu thương.
· 16 phút đọc.
Người ta vẫn thường nói rằng nghèo là khổ, nghèo khổ, chứ ít ai nói giàu khổ cả. Thật ra, người nghèo có nỗi khổ của người nghèo mà người giàu cũng có nỗi khổ của người giàu. Người nghèo vì không chấp nhận cái nghèo, oán ghét cái nghèo, muốn được giàu nên mới khổ. Còn người giàu lại sợ bấy nhiêu tài sản chưa đủ làm người khác nể phục, sợ bị phá sản, sợ bị kẻ xấu lợi dụng hay hãm hại nên mới khổ.
So ra cái khổ của người giàu còn phức tạp và nan giải hơn người nghèo. Phải chi trong xã hội ai cũng như ai, ai cũng sở hữu tài sản như nhau thì chắc chắn ý niệm giàu nghèo sẽ không có. Nhưng điều ấy không bao giờ là thực tế khi con người ngày càng ưa chuộng vật chất và xem đó là điều kiện căn bản của hạnh phúc. Cho nên, nếu ta may mắn không bị cuốn theo quan niệm của xã hội mà thoát ra khỏi ý niệm giàu nghèo, ta thấy sự hưởng thụ vật chất không phải là lý do lớn nhất để ta có mặt ở trên cõi đời này, thì chắc chắn ta sẽ không còn than nghèo khổ nữa.
Người ta cũng thường gộp chung cực với khổ, cực khổ. Nhưng bản thân của sự cực nhọc chưa chắc đã là khổ. Chỉ vì ta kháng cự lại nó, ta muốn mình không phải vất vả mà vẫn có đầy đủ mọi thứ tiện nghi như bao người khác nên ta mới khổ. Ta chỉ biết so sánh, đòi hỏi, chứ không chịu tìm hiểu căn nguyên sâu xa tại sao mình lại cơ cực.
Ích kỷ là thái độ sống nông cạn và tầm thường nhất của con người.
Ta và không phải ta
Khi nhìn vào đóa hoa đào, có thể ta cho rằng nó là tinh túy của riêng cây đào. Nhưng khi quan sát sâu sắc hơn, ta sẽ thấy hoa đào còn được tạo ra từ nhiều yếu tố khác như khí hậu, mặt trời, nước, khoáng chất, côn trùng và cả rác nữa. Những thứ ấy tuy không phải là hoa đào, tạm gọi là phi hoa đào, mới nhìn vào tưởng chừng không có liên quan gì tới hoa đào, nhưng nếu không có chúng thì hoa đào sẽ không thể nào có mặt. Hoa đào tuy sinh ra từ cây đào, nhưng cây đào và cả tổ tiên của nó cũng được tạo ra từ vô số điều kiện khác trong trời đất này. Chúng không hề có sự tách biệt. Sự thật không có gì là hoa đào cả, chỉ có cái hợp thể được tạo nên từ những yếu tố phi hoa đào thôi. Đúng ra, chữ phi cũng không nên có, vì chính những thứ ấy đã tạo ra hợp thể hoa đào chứ đâu phải thứ nào khác.
Nếu hoa đào biết được sự thật nó cũng chính là lá, là cành, là thân, là rễ của cây đào, là vạn vật bên ngoài đã và đang không ngừng nuôi dưỡng nó thì nó sẽ không bao giờ dám tự hào, kiêu ngạo và sống ích kỷ. Hoa đào chỉ là một tướng trạng đại diện cho tất cả những gì mà tổ tiên của hoa đào và cả vũ trụ trao tặng. Tướng trạng này cũng chỉ biểu hiện một thời gian rồi lại đổi sang tướng trạng khác. Vậy nên, hoa đào không chỉ yêu bản thân mình mà còn phải yêu luôn lá, cành, thân, rễ hay vạn vật sống xung quanh nữa. Có lẽ hoa đào đã hiểu rõ điều đó nên nó luôn sống hết mình. Nó vui vẻ chịu đựng những trận giá rét thấu xương, để khi nắng ấm mùa xuân về nó tung ra những cánh hoa tươi thắm và thơm ngát. Hoa đào đã sống rất khí phách, dễ thương và làm tròn trách nhiệm của mình.
Có bao giờ ta đưa bàn tay lên và tự hỏi: bàn tay này thật ra là của ai? Tất cả những tài năng được thể hiện từ bàn tay này có phải do chính ta tạo ra hay không? Câu hỏi ấy tưởng chừng rất đơn giản nhưng có thể ta đã từng trả lời sai. Hãy nhìn kỹ lại bàn tay của mình đi! Có phải ngoài năng lực rèn luyện của bản thân ra, nó đã từng được đón nhận những hạt giống tài năng qua sự trao truyền từ các thế hệ tổ tiên mà gần nhất là thế hệ cha mẹ không? Khi nấu được một tô canh chua, ta phải biết rằng cả tổ tiên đã cùng nấu với ta. Vì nếu không có sự khám phá và trải nghiệm của tổ tiên thì làm sao ta biết nấu canh chua. Thậm chí, ta cũng không biết thế nào là canh chua. Ngay cả danh từ canh chua cũng không có. Tổ tiên không chỉ có mặt trong ta qua từng tế bào mà còn trong từng nhận thức và nếp sống của ta nữa. Dù ta có muốn nhìn nhận hay không thì đó vẫn là sự thật.
Ta cũng chính là sự tiếp nối của tổ tiên huyết thống và cả tổ tiên tâm linh của ta. Ta chỉ là tướng trạng đại diện chứ không phải riêng biệt. Điều duy nhất khiến ta có chút khác biệt với họ là ta đã có công cùng với vũ trụ tổng hợp tất cả những yếu tố trao truyền ấy lại thành một chỉnh thể mới, để thể hiện một đời sống mới với một sứ mệnh mới. Ngoài ra, ta còn phải vay mượn thêm những gì mà hoa đào đã từng vay mượn từ thiên nhiên. Nghĩa là ta không ngừng giao thoa và chịu sự tác động của vạn vật. Và để trở thành một con người hiểu biết và sống an ổn như bây giờ thì ta còn phải nương tựa vào nhiều yếu tố khác nữa do loài người tạo ra như kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, tôn giáo Nhìn lại càng sâu ta sẽ càng thấy mình cũng như muôn loài, cũng được tạo ra từ những cái không-phải-ta. Sự thật ta vốn là vô ngã. Vì vậy mỗi khi xưng ta hay nhìn vào những tác phẩm của ta thì ta phải ngầm hiểu rằng nó vốn là hợp thể, là tác phẩm chung. Cách gọi đó chỉ đúng trong phạm vi tương đối, chỉ nhằm giúp ta lưu tâm đến ý thức trách nhiệm mà thôi.
Tổ tiên ta nhờ có nhiều cơ hội nhìn lại mình và ít chạy theo ngoại cảnh nên dễ dàng thấy rõ nguyên tắc tương tác tự nhiên của cuộc sống. Họ đã luôn thực tập thương yêu kẻ khác cũng như thương yêu chính bản thân mình. Đó không phải là vấn đề cao thượng hay từ bi gì cả, mà đó là thái độ sống đúng đắn và phù hợp với sự vận hành của vũ trụ. Sống như vậy là sống có hiểu biết, có bình an và hạnh phúc. Bây giờ ta luôn tự cho mình là văn minh, có đủ loại bằng cấp mà lại không thấy hoặc không chấp nhận nổi sự thật ấy. Nên ta cứ lao theo chủ nghĩa cá nhân, ra sức tích góp mọi quyền lợi phục vụ cái tôi được cho là riêng biệt của mình. Đôi khi ta còn xâm lấn của kẻ khác, vơ vét tài sản chung, gây hại đến môi sinh và bao người xung quanh. Nhưng rốt cuộc ta cũng chẳng biết thế nào là hạnh phúc.
Cái tôi chân thật
Có một hôm đức vua Pasenadi – vị vua cai trị tiểu vương quốc Kosala của Ấn Độ – hỏi hoàng hậu Malika: Trên đời này ái khanh yêu quý ai nhất? Hoàng hậu đáp: Dĩ nhiên, người thiếp yêu quý nhất chính là bệ hạ. Trẫm cũng đoán là khanh sẽ nói thế, đức vua mỉm cười sung sướng. Nhưng hoàng hậu lại nói tiếp: Nếu bệ hạ cho phép, thần thiếp sẽ nói khác đi một tí nhưng sẽ xác thực hơn. Đức vua nóng lòng: Ái khanh cứ nói đi!. Tâu bệ hạ, người mà thần thiếp yêu quý nhất chính là thần thiếp đây. Đức vua ngạc nhiên: Sao? Mình lại yêu mình? Trẫm không hiểu ý ái khanh muốn nói gì?
Hoàng hậu dè dặt thưa: Vậy cho phép thần thiếp hỏi ngược lại, bệ hạ yêu quý ai nhất trên đời? Đức vua cười: Thì ái khanh chứ còn ai!. Hoàng hậu hỏi tiếp: Nhưng nếu thần thiếp lại yêu quý một người đàn ông khác thì bệ hạ sẽ tính sao? Đức vua lúng túng: À, trẫm sẽ trẫm sẽ. Bệ hạ sẽ nổi trận lôi đình và chém đầu thần thiếp ngay phải không? hoàng hậu tiếp lời. Đức vua giả lả: Khanh hỏi rắc rối quá! Rắc rối thật!. Hoàng hậu lại hỏi tới: Tâu bệ hạ, có đúng như vậy không ạ? Ừ, thì có lẽ khanh nói đúng!, đức vua im lặng hồi lâu rồi xác nhận. Hoàng hậu liền nhẹ nhàng giải thích: Bệ hạ yêu quý thần thiếp chỉ vì thần thiếp đã đem tới hạnh phúc cho bệ hạ. Nên khi thần thiếp không tiếp tục đem tới hạnh phúc cho bệ hạ nữa thì bệ hạ hết yêu quý và muốn giết chết thần thiếp ngay. Như vậy, bệ hạ chỉ yêu quý mình nhất thôi.
Đúng là bản năng con người cũng như bao nhiêu sinh vật khác, vẫn luôn giành mọi quyền lợi cho cái tôi của mình. Đó là thái độ sai lầm lớn nhất đối với một cá thể đang chịu tương tác cùng vô số cá thể khác xung quanh để tồn tại. Chính sự sai lầm này đã dẫn đến thế mất cân đối trầm trọng, giữa một bên là nguồn năng lượng nuôi dưỡng quá lớn từ vạn vật trong khắp vũ trụ gửi đến và một bên là thái độ sống chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Công bằng mà nói, hoa đào vốn tiếp nhận rất ít quyền lợi từ thiên nhiên nhưng nó đã sống hết mình để dâng tặng cho đời tất cả giá trị của nó. Còn ta, tuy được nhân danh là kẻ hiểu biết nhất nhưng thử hỏi ta đã sống như thế nào và đã làm gì cho cuộc đời này?
Đừng nói chi xa xôi. Với những người thân yêu sống bên cạnh mà ta chẳng mấy khi quan tâm đến những khó khăn hay ước vọng sâu sắc của họ. Đầu óc ta lúc nào cũng lo nghĩ đến cách kiếm được nhiều tiền, thăng tiến địa vị, thu hút sự chú ý và ngưỡng mộ của nhiều người. Làm như thể mọi người phải có trách nhiệm thương yêu và giúp đỡ mình, còn mình thì được đặc quyền không phải có trách nhiệm với bất cứ ai. Thật ra, ta cũng đã từng cố gắng giúp đỡ vài người, nhưng chưa bao giờ nghĩa cử cao đẹp ấy lại không kèm theo bất cứ điều kiện nào. Ít nhất đối tượng ấy phải dễ thương, quý mến ta, hay phải tỏ ra trân quý những gì ta mang đến cho họ. Trong tình cảm cũng vậy. Ta nghĩ mình đã hết lòng yêu thương người ấy nhưng sự thật là ta đang nghiện cảm xúc của họ mà không thể rứt ra được. Ta tưởng mình cũng rất cao thượng khi quyết định tha thứ dễ dàng cho những lầm lỡ của họ, nhưng sâu thẳm bên trong là vì ta sợ họ sẽ không còn yêu thích và thân thiện với ta nữa, hay vì ta muốn chứng tỏ tấm lòng độ lượng của mình trước mọi người.
Dường như ta chưa bao giờ làm việc gì mà không mang theo cái tôi hưởng thụ. Nó đã trở thành thứ nhân sinh quan của thời đại. Sự thật, ích kỷ là thái độ sống nông cạn và tầm thường nhất của con người – không những không muốn trải lòng giúp đỡ ai mà còn luôn len lỏi vào mọi ngõ ngách để rút tỉa quyền lợi. Có lẽ, đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hệ quả: con người tuy được hưởng thụ nhiều nhất nhưng lại là kẻ chịu khổ đau nhiều nhất.
Mục đích của đạo đức hay tôn giáo không gì khác hơn là giúp cho con người thấy được sự thật về thân phận của mình, để thiết lập lại đời sống sao cho đúng đắn và hài hòa với sự vận hành của vũ trụ. Nghĩa là ta phải luôn có ý thức chuyển hóa những năng lượng xấu đã lỡ phát sinh, cũng như tìm cách ngăn chặn những năng lượng xấu có thể phát sinh. Tức là phải biết tích đức. Ngoài ra, ta phải có trách nhiệm nuôi dưỡng những năng lượng tốt đã phát sinh, cũng như tìm cách khơi dậy những năng lượng tốt chưa có cơ hội phát sinh. Tức là tích phước. Đạo đức hay tôn giáo nào không thể đảm nhận được chức năng này, lại dẫn dắt con người tiếp tục tôn thờ cái tôi riêng biệt, vẫn không ngừng tạo ra ranh giới chia cách giữa những cá thể hay đoàn thể để bênh vực và tranh chấp quyền lợi, lại còn khiến con người lãng quên đời sống quý giá trong hiện tại để giam mình vào những mộng tưởng xa vời, thì đạo đức hay tôn giáo đó vẫn là một thứ ích kỷ và độc hại. Chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân và những chủ thuyết đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn xã hội cũng cần được xét kỹ lại. Ta phải có chánh kiến và thái độ dứt khoát rõ ràng để chọn ra con đường đúng đắn nhất, có thể mang lại giá trị hạnh phúc chân thật ngay trong thực tại.
Không có con đường nào đúng đắn hơn là con đường trở về nội tâm – tức đạo tâm. Tâm chính là nguồn gốc của mọi khổ đau và hạnh phúc. Ta không cần phải tìm kiếm thêm con đường nào xa xôi, hãy trở về ngay nơi chính mình để nương tựa. Trong ta vốn có đầy đủ tất cả những điều kiện có thể thiết lập nên đời sống bình yên và hạnh phúc chân thật. Để tiếp xúc được những giá trị quý báu ấy, ta phải cố gắng thực tập buông bỏ bớt những mong cầu và chống đối không cần thiết. Càng không đòi hỏi và bám víu ở bên ngoài, ta sẽ càng có thêm sức mạnh ở bên trong. Dần dần, ta sẽ trải lòng ra một cách tự nhiên để chia sớt và nâng đỡ mọi người và mọi loài. Ta đã nhận ra những đối tượng ấy cũng chính là những hóa thân – những phần thân thể của mình. Đó là cái tôi chân thật mà mỗi chúng ta phải có bổn phận tìm thấy cho bằng được. Nó đã bị trôi lăn qua bao thăng trầm của cuộc đời, đã từng bị phủ lấp bởi những đam mê và tham vọng. Khi tìm thấy cái tôi chân thật ấy thì những tự ái và tổn thương sẽ không còn nữa. Lòng kỳ thị và hận thù cũng sẽ tan vỡ.
Đây là con đường mà ông cha ta đã từng bước đi rất thành công. Ta hãy mau mau quay về tiếp nhận và cố gắng giữ gìn để mở ra một tương lai sáng đẹp cho chính ta và con cháu ta.
Thấy hoa đào rạng rỡ,
Lòng thẹn với núi sông,
Ôi cánh hồng bay bổng,
Ta tìm gì trăm năm?
Đọc Hiểu về trái tim, chương 01 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 02 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 03 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 04 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 05 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 06 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 07 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 08 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 09 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 10 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 11 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 12 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 13 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 14 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 15 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 16 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 17 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 18 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 19 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 20 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 21 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 22 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 23 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 24 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 25 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 26 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 27 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 28 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 29 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 30 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 31 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 32 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 33 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 34 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 35 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 36 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 37 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 38 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 39 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 40 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 41 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 42 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 43 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 44 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 45 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 46 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 47 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 48 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 49 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 50 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, chương 51 tại đây.
Đọc Hiểu về trái tim, toàn tập tại đây.