Bài viết trên Instagram ngày 04 tháng 02 năm 2024
nhavantuonglai là kênh chuyên viết lách chia sẻ và hướng dẫn thuần thục khi thực hành viết lách qua những bài chia sẻ trên Instagram chính thức.
· 3 phút đọc · lượt xem.
dạo quanh phố phường ngày cận Tết, mình thấy những chuyến xe đạp chở đầy hoa giấy làng Thanh Tiên đem lên bán. hỏi thăm và tìm hiểu thêm, mình được biết hoa giấy được làm để trang trí các không gian thờ tự, am miếu trong nhà lẫn ngoài xóm; và mỗi năm thay một lần vào dịp Tết âm.
một điểm mù nhận thức khá thú vị là hơi lạ kỳ là, mình sống lâu ở Huế, vùng quê mình lớn lên cũng toàn dân Huế nhưng không có thói quen này, nếu có cũng chỉ hạn hữu ở một vài nhà chứ chẳng áp dụng cho cả vùng rộng lớn. lý do thì có lẽ, bản chất quê mình là khu kinh tế mới, người ta di dân đến lập nghiệp cũng chưa đến 50 năm nên chiều sâu về văn hóa dân gian còn khá mỏng. những lễ nghi truyền thống cũng chỉ ở mức cơ bản, ma chay hiếu hiếu hỷ thì không phức tạp như những vùng khác.
với người vùng quê mình, sự thay đổi ấy là điều họ chọn, khi tự cảm nhận điều gì là cần để giữ và không để lược bỏ bớt đi. với cá nhân, tự mình cũng thấy thoải mái – ít nhất là bớt được rất nhiều thủ tục, phép tắc mỗi lần nhà có đám tang, cưới xin, kỵ giỗ…
còn khi nói về việc tìm hiểu, mình sẽ bỏ qua vùng mình để tìm những làng quê khác, những làng quê có tuổi đời hàng trăm năm tuổi. như điều trên đã viết, khi chúng tồn tại đủ lâu, tự sẽ tích tụ đủ những tập quán, phong tục phù hợp với vùng đất ấy và loại đi những điều thừa thãi, không còn phù hợp để được chấp nhận nữa.
cuối cùng, sự tồn tại của những làng quê trẻ không hẳn thừa thải về mặt văn hóa lịch sử, bởi dù chưa tích lũy đủ chiều sâu về nhận thức văn hóa, nhưng khi tự quyết định loại trừ hay gìn giữ những tập quán nội tại thì chúng chính là khởi đầu cho những tập quán mới, được nhắc nhớ và thực hiện sau này. điều này cũng tương tự như sự tồn tại của những người trẻ như mình vậy, thay những tập quán bằng thái độ, phong cách sống thì chúng dần sẽ trở thành ý thức hệ, rạch ròi với giai đoạn này và thời điểm khác của lịch sử.
nên với bất kỳ ai và trong bất kỳ thời điểm nào, bản thân họ cũng đều là người quan sát của một giai đoạn văn hóa, với những điều tồn tại, lụi tàn và phát triển. và như vậy, chẳng có một phong tục nào lỗi thời vì không còn phù hợp hay chẳng đúng hoàn cảnh nữa, mà liệu chúng sẽ được chấp nhận được đến bao lâu, dài đến nhường nào.