Kim Dung | Thiên long bát bộ (Chương 15)

Trong những tinh phẩm thượng thừa, Thiên Long bát bộ luôn được đánh giá là một trong những kiệt tác của Kim Dung.

 · 92 phút đọc.

Trong những tinh phẩm thượng thừa, Thiên Long bát bộ luôn được đánh giá là một trong những kiệt tác của Kim Dung.

Người này trên lưng đeo năm chiếc túi vải, Cái Bang gọi là ngũ đại đệ tử. Y hốt hoảng bỏ chạy, không cần hỏi cũng biết chính y đã đem hiệu lệnh giả để đánh lừa Hạng trưởng lão lên thuyền. Truyền Công, Chấp Pháp hai người nhìn nhau thở dài, không nói gì. Bỗng thấy một bóng người loáng qua, thân pháp rất mau lẹ phóng ra chặn gã đệ tử năm túi kia lại. Người đó mặt mũi hồng hào, tay cầm Quỉ đầu đao, chính là Ngô trưởng lão trong tứ đại trưởng lão. Lão hậm hực quát: Lưu Trúc Trang, sao ngươi lại bỏ chạy? Gã đệ tử ngũ đại kia hai chân bủn rủn, đáp: Tôi… tôi… tôi… Gã ấp úng nhắc lại tiếng tôi đến năm bảy lượt rồi không nói thêm được gì nữa.

Ngô trưởng lão nói: Chúng ta đã là đệ tử Cái Bang thì phải biết tuân thủ di pháp của tổ tông. Đại trượng phu hành sự, đúng thì nói đúng, sai thì nói sai, dám làm dám chịu. Ông ta quay lại nói với Kiều Phong: Kiều bang chủ, bọn chúng tôi có âm mưu muốn phế bỏ bang chủ. Chuyện này Tống Hề Trần Ngô bốn trưởng lão đều có tham dự, vì sợ hai vị trưởng lão Truyền Công, Chấp Pháp không đồng ý nên tính kế giam hai người lại. Chuyện đó cũng vì đại nghiệp của bản bang nên đành phải mạo hiểm mà làm. Hôm nay công việc chưa thành đã bị bang chủ chiếm được thượng phong, xin cứ tùy ý xử trí. Ngô Trường Phong này ở trong Cái Bang đã ba mươi năm, ai cũng biết không phải là kẻ tiểu nhân tham sống sợ chết. Nói đến đây lão ném thanh Quỉ đầu đao ra xa nghe choang một tiếng, hai tay khoanh trước ngực ra vẻ hiên ngang không hề tỏ vẻ sợ sệt.

Ngô lão thẳng thắn đem việc âm mưu phế bỏ bang chủ ra kể, bang chúng ai nấy đều chấn động. Chuyện đó những người tham dự đều biết cả, nhưng chẳng một ai dám nói thẳng ra, Ngô Trường Phong là người đầu tiên tiết lộ.

Chấp Pháp trưởng lão Bạch Thế Kính lớn tiếng nói: Tống Hề Trần Ngô bốn trưởng lão phản bội bang chủ, vi phạm điều thứ nhất của bang qui. Chấp pháp đệ tử, trói bốn vị đó lại. Các đệ tử chấp pháp thủ hạ của ông ta vâng lời, liền lấy dây gân bò trói Ngô Trường Phong trước. Ngô Trường Phong mỉm cười đứng yên không chống cự gì cả. Kế đó Tống Hề hai trưởng lão cũng vứt binh khí đi, giơ hai tay chịu trói.

Trần trưởng lão bộ mặt thật là khó coi, càu nhàu: Hèn nhát! Thật là hèn nhát! Giả tỷ hợp sức lại đánh một trận vị tất đã thua, có điều ai cũng sợ Kiều Phong.

Y nói quả không sai, ngay khi Toàn Quan Thanh vừa bị chế ngự, những người tham dự mật mưu nếu cùng xông lên thì Kiều Phong không khỏi quả bất địch chúng. Ngay cả khi Chấp Pháp, Truyền Công hai trưởng lão cùng Đại Nhân, Đại Nghĩa, Đại Tín, Đại Dũng, Đại Lễ năm đà chủ đã đến nơi thì bên phản loạn vẫn đông hơn. Thế nhưng Kiều Phong hiên ngang đứng trước mặt mọi người, tự nhiên mà uy phong lẫm lẫm, không ai dám động thủ để cho cơ hội qua mất, đến nỗi đều phải bó tay. Đến khi Tống Hề Ngô ba trưởng lão đã bị trói rồi, Trần trưởng lão dù có quyết tâm chiến đấu thì cũng vào thế một bàn tay vỗ không kêu. Y thở dài quẳng chiếc bao bố đi, để cho hai tên đệ tử chấp pháp lấy dây gân bò trói gô lại.

Lúc đó trời đã tối đen, Bạch Thế Kính sai đệ tử đốt củi lên, ánh lửa bập bùng chiếu vào mặt những người bị trói, ai nấy ủ rũ đầy vẻ chán chường. Bạch Thế Kính chăm chăm nhìn Lưu Trúc Trang nói: Lưu Trúc Trang! Ngươi thử nghĩ xem hành động của ngươi có còn xứng đáng là đệ tử Cái Bang nữa thôi? Ngươi có tự xử được không, hay phải người ngoài động thủ? Lưu Trúc Trang lắp bắp: Tôi… tôi… Y không nói nên lời, rút đơn đao ở bên mình ra toan tự vẫn nhưng tay run bần bật, không sao đưa lên cắt cổ được. Một tên đệ tử chấp pháp quát lớn: Thật là đồ vô dụng! Sao ngươi ở trong Cái Bang được lâu đến thế? Y nắm tay Lưu Trúc Trang, dùng sức cứa mạnh một cái cắt đứt yết hầu. Lưu Trúc Trang gượng nói: Tôi… cám… cám ơn. Rồi tắt thở.

Theo lề luật Cái Bang, người nào phạm tội tử hình nếu biết tự xử lấy thì trong bang vẫn coi là anh em, chỉ một cái chết là đủ rửa sạch tội lỗi. Còn như để cho chấp pháp đệ tử phải ra tay thì bao nhiêu tội lỗi vĩnh viễn không bao giờ hết. Mới rồi gã đệ tử chấp pháp thấy Lưu Trúc Trang quả có ý định tự vẫn nhưng không đủ sức, bèn tới giúp y một tay.

Đoàn Dự cùng Vương Ngữ Yên, A Châu, A Bích bốn người vô tình chứng kiến một trường đại biến trong nội bộ Cái Bang, đều biết mình là người ngoài xem trộm chuyện riêng của người ta thật không phải chút nào. Nhưng giả tỷ lúc ấy mà họ bỏ đi thì e gây ra nghi kỵ cùng Cái Bang, đành phải ngồi xa xa làm như không quan tâm đến. Trước mắt đã thấy Lý Xuân Lai và Lưu Trúc Trang liên tiếp máu đổ thây phơi, bốn vị trưởng lão Tống Hề Trần Ngô vừa mới oai phong lẫm liệt mà giờ nhất nhất đều chịu trói, e rằng sẽ còn nhiều biến cố kinh tâm động phách khác nữa. Bốn người nhìn nhau thấy mình ở vào hoàn cảnh thật khó xử. Đoàn Dự đã thành anh em kết nghĩa với Kiều Phong, rồi khi Phong Ba Ác trúng độc, Kiều Phong lại đòi lấy thuốc giải khiến cho Vương Ngữ Yên và hai nàng Châu Bích đều có lòng cảm kích. Lúc này thấy chàng bình định được nội loạn, ai nấy đều hoan hỉ.

Kiều Phong ngồi chết lặng ở một bên, thắng lợi mà không thấy vui mừng. Chàng nghĩ lại mình từng chịu ơn sâu của Uông bang chủ truyền chức vị, tám năm chấp chưởng Cái Bang trải không biết bao nhiêu phong ba bão táp, trong thì hòa giải phân tranh, ngoài thì đánh lui cường địch, thủy chung lúc nào cũng hết lòng hết sức, không một chút tư tâm, chỉnh đốn Cái Bang trở nên thịnh vượng, tiếng tăm lừng lẫy trong chốn giang hồ. Nghĩ lại mình chỉ có công chứ không có tội, thế nhưng vì sao ngần ấy người trong bang lại cấu kết nhau mưu phản? Nếu bảo là Toàn Quan Thanh mang dã tâm tính chuyện khuynh loát bản bang, thì sao những nguyên lão như Tống trưởng lão, Hề trưởng lão, cả người tính tình thẳng thắn như Ngô trưởng lão cũng vào hùa? Chẳng lẽ mình vô ý làm chuyện gì không phải với anh em mà không tự biết?

Bạch Thế Kính dõng dạc nói: Các vị huynh đệ! Kiều bang chủ kế nhiệm Uông bang chủ làm thủ lĩnh bản bang, chẳng phải dùng mưu chước hay thủ đoạn bất chính để chiếm đoạt địa vị. Năm xưa Uông bang chủ đã thử ông ta ba vấn đề nan giải, sai lập bảy đại công lao lúc đó mới truyền thụ Đả Cẩu Bổng. Kỳ đại hội ở Thái Sơn, bản bang bị người ta bao vây dồn vào chỗ chết, nhờ Kiều bang chủ đánh bại chín tên cường địch mới chuyển nguy thành an, chuyện đó nhiều anh em đã chính mắt thấy. Trong tám năm qua, bản bang ngày càng thêm hưng thịnh, ai mà chẳng biết đó là nhờ công Kiều bang chủ chủ trì. Kiều bang chủ là người nhân nghĩa, xử sự công minh, thiết tưởng bọn ta hết lòng yêu kính cũng chưa đủ đền ơn, vậy mà sao lại có kẻ đem lòng phản trắc? Toàn Quan Thanh, ngươi nói cho mọi người cùng nghe đi!

Toàn Quan Thanh đã bị Kiều Phong vỗ vào á huyệt, tuy y nghe rõ lời Bạch Thế Kính mà không sao mở miệng đáp lại được. Kiều Phong bước lên vỗ nhẹ lên lưng y hai cái để giải huyệt rồi nói: Toàn đà chủ! Kiều Phong này có điều chi không phải với anh em, xin cứ thẳng thắn nói ra, đừng e ngại úy kỵ làm gì.

Toàn Quan Thanh đứng nhỏm lên nhưng đùi vẫn còn tê dại, một bên gối lại khuỵu xuống, lớn tiếng đáp: Hiện nay thì bang chủ chưa làm điều gì càn rỡ đối với anh em nhưng chẳng bao lâu nữa sẽ làm. Y nói xong câu đó mới gượng đứng lên được.

Bạch Thế Kính lớn tiếng mắng: Ngươi không được nói càn! Kiều bang chủ xử sự quang minh lỗi lạc, từ trước tới giờ chưa có một điều gì lầm lẫn thì sau này làm sao có sự gì đáng trách. Ngươi ăn nói tuyệt vô chứng cớ, xách động nhân tâm bội phản bang chủ. Ta nói thẳng, cái tiếng đồn đó cũng đã đến tai ta rồi nhưng lão gia đây nghe chuyện bậy bạ tức mình, đánh cho cái đứa nói nhăng kia một quyền gãy ba cái xương sườn. Chỉ có bọn mê muội hồ đồ mới nghe lời đồn nhảm. Ngươi nói qua nói lại cũng chỉ có mấy câu đó, thôi mau tự xử đi cho xong.

Kiều Phong nghĩ thầm: Thì ra ở sau lưng ta đã có lời đồn đãi. Bạch trưởng lão đã nghe rồi, lại không tiện nói cho ta hay, thế thì hẳn là chuyện khó nghe lắm. Đã là đại trượng phu thì có gì phải giấu giếm bưng bít. Chàng bèn từ tốn nói: Bạch trưởng lão đừng nóng, cứ để Toàn đà chủ nói rõ ràng minh bạch xem sao. Ngay cả Tống trưởng lão, Hề trưởng lão cũng chống lại ta, nhất định Kiều Phong này phải có chỗ lầm lỗi.

Hề trưởng lão kêu lên: Ta chống lại bang chủ quả là sai trái, không cần phải nói thêm. Khi nào tuyên án, ta sẽ tự cắt cái cổ lùn tịt này, hai tay bưng đầu đưa lên bang chủ là xong. Lời lão nói tuy có vẻ hoạt kê nhưng mọi người đều cảm thấy thương tâm vô hạn, không ai nỡ cất tiếng cười.

Bạch Thế Kính nói: Bang chủ dạy phải lắm. Toàn Quan Thanh, người nói đi! Toàn Quan Thanh thấy bốn vị trưởng lão Tống Hề Trần Ngô đồng mưu với mình đều đã bị trói, thật thua không còn đường gỡ nhưng cũng cãi chày cãi cối: Mã phó bang chủ bị người ta sát hại, ta tin là do Kiều Phong sắp xếp. Kiều Phong giật nảy người, cả kinh hỏi lại: Cái gì? Toàn Quan Thanh đáp: Trong lòng người chán ghét Mã phó bang chủ, chỉ muốn mau nhổ phứt cái gai trong mắt để ngôi bang chủ được vững vàng. Kiều Phong chậm rãi lắc đầu: Không phải thế. Ta với Mã phó bang chủ tuy giao tình không thân thiết, nói năng không hợp tính nhưng xưa nay chưa từng có ác ý với ông ta. Hoàng thiên chứng giám, Kiều Phong này nếu có ý gia hại Mã Đại Nguyên thì thân bại danh liệt, chịu ngàn vạn mũi dao, anh hùng thiên hạ đều phỉ nhổ. Mấy câu đó nghe thật thành khẩn, đầy vẻ anh hùng khí khái, không một ai dám tỏ vẻ hoài nghi.

Toàn Quan Thanh lại tiếp: Thế thì sao bọn ta đến Cô Tô tìm nhà Mộ Dung để báo thù, ngươi lại đi cấu kết với địch hết lần này đến lần khác? Y chỉ vào bọn ba người Vương Ngữ Yên nói: Ba ả này là gia nhân quyến thuộc của Mộ Dung Phục, ngươi chăm chăm bảo vệ. Lại chỉ vào Đoàn Dự nói: Còn tên này là bằng hữu của Mộ Dung Phục, người lại cùng y kết nghĩa chi lan.

Đoàn Dự xua tay liên tiếp ngắt lời: _Sai bét, sai bét! Tại hạ không có bạn bè gì với Mộ Dung Phục, mặt mũi hắn thế nào tại hạ cũng chưa biết. Còn ba vị cô nương này, nói là gia nhân thân thích của Mộ Dung công tử thì còn có lý, chứ nói là quyến thuộc thì sai. Chàng nghĩ bụng: Vương Ngữ Yên chỉ là thân thích của Mộ Dung Phục chứ đâu đã là quyến thuộc, hai đằng khác xa không thể không đính chính.

Toàn Quan Thanh đáp: Tên Bao Bất Đồng luôn mồm sai bét sai bét hiện là trang chủ Kim Phong Trang, Nhất trận phong Phong Ba Ác là trang chủ Huyền Sương Trang đều là thuộc hạ của Mộ Dung Phục. Hai gã đó nếu không được Kiều Phong giải vây thì một gã trúng độc tán mạng, một gã bị loạn đao phân thây. Chuyện đó ai ai cũng chính mắt trông thấy, ngươi còn cãi được nữa chăng?

Kiều Phong thủng thỉnh đáp: Cái Bang chúng ta lập đã mấy trăm năm, được tôn kính trên chốn giang hồ chẳng phải vì người đông thế mạnh võ công cao cường, mà vì chúng ta hành động nghĩa hiệp giữ gìn công đạo. Toàn đà chủ, ngươi nói ta bảo vệ cho ba cô gái này? Đúng lắm, ta quả có bảo vệ cho họ, cũng là bảo vệ thanh danh của bản bang mấy trăm năm qua, chẳng nỡ để cho anh hùng thiên hạ bảo là các trưởng lão Cái Bang xúm nhau hiếp đáp ba cô gái yếu ớt. Tống Hề Trần Ngô bốn trưởng lão, có ai không là tiền bối nổi tiếng võ lâm? Thanh danh của Cái Bang và bốn trưởng lão, tuy ngươi coi là nhẹ, nhưng anh em trong bang có ai mà không coi trọng.

Mọi người nghe mấy câu đó, ai nấy liếc nhìn bọn Vương Ngữ Yên ba cô gái liễu yếu đào tơ đều cho là cực kỳ hữu lý. Nếu việc mình làm khó dễ mấy người này mà truyền ra ngoài thì thanh danh của Cái Bang ắt bị tổn thương rất lớn.

Bạch Thế Kính hỏi: Toàn Quan Thanh, người còn gì để nói nữa chăng? Rồi quay sang nói với Kiều Phong: Bang chủ, cái thứ bạn đồ không biết đại thể này, không việc gì phải phí lời, cứ chiếu theo tội phản nghịch phạm thượng trong bang qui mà trừng trị.

Kiều Phong nghĩ thầm: Bạch trưởng lão nhất quyết xử tử Toàn Quan Thanh càng sớm càng tốt để y khỏi thổ lộ chuyện bất lợi cho ta. Ông dõng dạc nói: Toàn đà chủ lôi kéo được nhiều người âm mưu nổi loạn, hẳn phải có nguyên nhân trọng đại. Đại trượng phu hành sự, đúng thì bảo đúng, sai thì bảo sai. Các vị huynh đệ, Kiều mỗ có việc gì lầm lỗi, xin nói rõ ra.

Ngô trưởng lão chép miệng thở dài nói: Bang chủ, ngươi là đại gian hùng giả ngây giả điếc, hoặc là hảo hán tử lòng dạ thẳng ngay, Ngô Trường Phong này không đủ tài xét đoán. Thôi, ngươi cứ hạ sát ta đi! Kiều Phong trong lòng càng thêm nghi hoặc, hỏi lại: Ngô trưởng lão, sao trưởng lão bảo ta là kẻ gian hùng? Vậy trưởng lão… trưởng lão nghi ta ở chỗ nào? Ngô Trường Phong lắc đầu nói: Chuyện này nói ra liên quan quá nhiều, nếu như truyền ra ngoài thì Cái Bang không ngóc đầu lên được, người ta sẽ coi bản bang chẳng ra gì nữa. Bọn ta vốn đã định một đao giết ngươi đi là xong.

Kiều Phong như rơi vào năm dặm mây mù, không hiểu đầu đuôi ra sao, lẩm bẩm: Sao vậy? Ta… ta có điều chi? Chàng lại ngửng đầu lên, hỏi: Ta cứu hai thủ hạ đắc lực của Mộ Dung Phục, các người nghi ta cấu kết với họ, phải không nào? Thế nhưng các người đã mưu tính phản loạn trước rồi, chuyện cứu người là về sau, có liên can gì đâu? Hơn nữa, chuyện này phải hay quấy chưa nói được, ta biết Mã phó bang chủ không phải do Mộ Dung Phục làm hại.

Toàn Quan Thanh hỏi lại: Làm sao ngươi biết? Câu này trước đã hỏi rồi, nhưng giữa chừng lại phát sinh biến cố nên chưa có câu trả lời, lúc này y lại nêu ra. Kiều Phong đáp: Ta nghĩ Mộ Dung Phục là đại anh hùng, hảo hán tử, có lý đâu lại hạ thủ giết Mã nhị ca.

Vương Ngữ Yên nghe Kiều Phong khen biểu ca mình là đại anh hùng, hảo hán tử thì khoan khoái vô cùng. Nàng nghĩ thầm: Vị Kiều bang chủ này quả thực là đại anh hùng, hảo hán tử. Còn Đoàn Dự bất giác chau mày, nghĩ bụng: Chưa chắc, chưa chắc! Mộ Dung Phục đã thấy gì là đại anh hùng, hảo hán tử đâu?

Toàn Quan Thanh lại lên tiếng: Trong hai tháng qua, cao thủ trên giang hồ bị hại quá nhiều, ai cũng chết về môn tuyệt kỹ của chính mình. Nếu không phải là độc thủ của Cô Tô Mộ Dung thì còn ai vào đây? Hành vi tàn ác ra tay giết bằng hữu võ lâm như thế, có chỗ nào mà bảo là anh hùng hảo hán?

Kiều Phong thủng thẳng đi đi lại lại, nói: Các vị huynh đệ! Chiều hôm qua, ta đang ngồi uống rượu trên Vọng Giang Lầu ở đất Giang Âm, thượng lưu sông Trường Giang, có gặp một vị nho sinh trung niên, uống một hơi mười bát rượu lớn, mặt không đổi sắc, quả là tửu lượng cao, hảo hán tử.

Đoàn Dự nghe đến đây, không khỏi mỉm cười nghĩ thầm: Thì ra hôm qua đại ca đã cùng với người ta uống rượu thi rồi. Hễ ai tửu lượng cao, uống rượu sảng khoái, đại ca bèn thích thú khen ngay là hảo hán, chỉ sợ lầm thôi.

Lại nghe Kiều Phong kế tiếp: Ta cùng y đối ẩm ba bát, có đề cập đến nhân vật võ lâm Giang Nam, y tự cho rằng mình chưởng pháp đứng thứ nhì, còn thứ nhất là Mộ Dung Phục công tử. Ta cùng y đối ba chưởng, chưởng đầu và chưởng thứ hai y đỡ được, đến chương thứ ba bát rượu y đang cầm bị chấn động rơi vỡ, mảnh văng lên mặt máu chảy đầm đìa. Y thần sắc vẫn như thường, nói: Tiếc quá! Tiếc quá! Uổng mất một bát rượu. Thấy gã hào sảng như vậy, ta sinh lòng yêu mến, không đánh ra chưởng thứ tư nữa mà nói: Các hạ chưởng pháp tinh diệu, quả không hổ bốn chữ Giang Nam Đệ Nhị. Y bèn đáp: Ở Giang Nam thì thứ hai nhưng trong thiên hạ thì thứ bét. Ta nói: Huynh đài bất tất quá khiêm nhường, cứ chưởng pháp mà luận, huynh đài đúng là cao thủ hạng nhất. Y nói: Thì ra Kiều bang chủ của Cái Bang đến đây, ta thua mà mười phần bội phục, cũng may các hạ ra tay nhẹ đòn không để ta bị thương. Ta xin mời các hạ một bát rượu nữa. Thế rồi hai chúng ta mỗi người uống luôn ba bát nữa. Đến khi chia tay, ta hỏi họ tên thì gã bảo họ Công Dã, tên Càn, là thuộc hạ của Mộ Dung công tử, trang chủ Xích Hà Trang. Gã còn mời ta về trang viên uống rượu ba ngày. Hỡi các huynh đệ, người như thế huynh đệ nghĩ sao? Có đáng kết bạn không?

Ngô Trường Phong hăng hái đáp: Gã Công Dã Càn đó quả là hảo hán tử, hảo bằng hữu. Bang chủ, bao giờ có dịp cho lão gặp mặt y. Ngô lão quên mất mình là kẻ phản nghịch phạm thượng đang bị tù tội, lát nữa sẽ đưa ra xử tử, vừa nghe đến anh hùng hảo hán bất giác sinh lòng yêu mến muốn kết bạn ngay. Kiều Phong mỉm cười, trong bụng than thầm: Ngô Trường Phong thật là người hào sảng, không ngờ lại liên can vào âm mưu phản nghịch. Tống trưởng lão lại hỏi: Bang chủ, rồi sau ra sao? Kiều Phong đáp: Ta cáo biệt Công Dã Càn rồi, liền thẳng đường đi Vô Tích. Đi tới canh hai chợt gặp hai người đứng ở hai đầu một chiếc cầu nhỏ cãi nhau ỏm tỏi. Khi đó trời đã tối mịt, sao lại còn người tranh biện gì đây? Ta thấy lạ mới tới gần xem, thì ra chiếc cầu đó là một thân cây bắc ngang, một đầu là một hán tử mặc áo đen, đầu kia là một tên nông phu gánh một gánh phân, hai người đang tranh nhau sang trước. Hán tử áo len bảo tên nông phu lui trở lại, vì gã tới đầu cầu trước phải được quyền ưu tiên. Tên nông phu thì lấy lẽ mình gánh nặng không trở gót được, bảo gã hán tử lùi lại để nhường mình sang trước. Gã áo đen nói: Đã thi gan từ canh một sang canh hai rồi, đứng đến sáng thì đứng chứ ta nhất định không nhượng bộ. Tên nông phu nói: Ngươi không sợ ngửi phân thối thì cứ đứng đây. Gã áo đen đáp: Ngươi không sợ đòn gánh đè đau vai thì cứ đứng chịu cho tới sáng. Ta thấy tình hình như thế thật tức cười, nghĩ bụng: Anh chàng áo đen này tính tình thật cổ quái, lùi lại nhường bước cho người thì đã sao, đứng đối diện với người gánh phân thì có gì là thú? Nghe câu chuyện thì họ đã đứng đây một canh rồi. Ta nổi tính hiếu kỳ cũng muốn xem kết quả ra sao, để xem cuối cùng gã áo đen sợ thối phải bỏ cuộc, hay tên nông phu mệt quá phải đầu hàng. Nhưng đứng gần hôi quá không chịu nổi, ta phải đứng xa xa trên đầu gió, vẫn nghe hai người tiếp tục cãi nhau. Vì không quen thổ ngữ Giang Nam nên họ nói gì ta cũng không rõ lắm, đại khái là ai cũng nói mình có lý. Tên nông phu kia cứng cổ không vừa, gánh phân từ vai trái đổi sang vai phải, lại từ vai phải đổi qua vai trái nhưng nhất định không chịu lùi một bước._

Đoàn Dự hết nhìn Vương Ngữ Yên lại nhìn hai nàng A Châu, A Bích, thấy ba cô gái tủm tỉm cười, lắng tai nghe xem chừng vô cùng thú vị, nghĩ thầm: Hiện nay trong bang đang đại biến, tình thế cực kỳ khẩn cấp, vậy mà đại ca vẫn bình tĩnh kể câu chuyện tầm thường. Kiều đại ca anh hùng như thế, sao vẫn còn tính trẻ con? Ngờ đâu tất cả mấy trăm bang chúng Cái Bang cũng đều chăm chú theo dõi, chẳng ai xem câu chuyện Kiều Phong đang kể là nhàm chán.

Kiều Phong lại tiếp tục: Ta đứng coi một hồi mới thấy kinh ngạc, phát giác gã áo đen kia đứng trên cầu khỉ mà thân hình vững chãi như núi, chính là một người mang võ công thượng thừa. Còn tên nhà quê gánh phân kia thì chỉ là một người bình thường, tuy vạm vỡ rắn rỏi nhưng không biết chút võ công nào. Ta nghĩ thầm: Lấy võ công mà nói thì gã hán tử kia chỉ giơ ngón tay ra đẩy nhẹ một cái là tên nông phu cả người lẫn phân rơi tòm xuống rạch. Còn nếu như y không muốn giở võ, lại không chịu nhường đối phương thì chỉ cần nhảy nhẹ một cái là vọt qua đầu tên nông phu thật dễ dàng. Vậy mà y lại nhất định ăn thua đủ với người gánh phân, mới thật tức cười. Lại nghe người áo đen cao giọng quát: Này, ngươi mà không chịu nhường đường thì ta chửi cho mà xem. Tên nông phu cũng chẳng vừa: Chửi thì chửi, ngươi biết chửi chẳng lẽ ta không biết chửi hay sao? Thế là y mồm năm miệng mười cất tiếng chửi trước. Người áo đen cũng chẳng kém, hai bên điều qua tiếng lại, bao nhiêu tiếng tục tĩu bẩn thỉu lôi ra hết. Hai người chửi nhau bằng thổ ngữ Giang Nam, ta nghe mười câu chẳng hiểu được một. Rủa xả chửi bới độ nửa giờ, tên nông phu đã mỏi lắm, còn hán tử áo đen nội lực sung mãn nên vẫn thần khí đầy đủ. Tên gánh phân đứng đã lảo đảo, xem chừng chỉ độ thời gian uống một chén trà là sẽ ngã nhào xuống rạch. Đột nhiên tên nông phu thò tay vào thùng phân, bốc ra một nắm ném luôn vào mặt người áo đen. Người áo đen đâu có ngờ y lại giở trò bẩn thỉu như thế, chỉ kịp kêu lên một tiếng thì mồm miệng mặt mũi đã dính đầy phân. Ta kêu thầm: Chao ôi, gã này tự tìm cái chết, còn trách ai được nữa? Hán tử nổi giận hầm hầm, vung tay lên toan đánh một chưởng vào đầu tên nông phu.

Đoàn Dự tuy tai nghe Kiều Phong kể chuyện, nhưng mắt chỉ nhìn Vương Ngữ Yên hé đôi môi anh đào, hết sức chăm chú lắng tai. Chàng lại thấy A Châu, A Bích hai người nhìn nhau mỉm cười, dường như đã biết cả rồi.

Lại nghe Kiều Phong kế tiếp: Biến cố xảy ra rất mau lẹ, ta vì sợ phải ngửi mùi hôi nên đứng xa hơn mười trượng, muốn cứu tên nông phu cũng không thể nào kịp được. Ngờ đâu người áo đen kia vung chưởng sắp đánh xuống đầu tên gánh phân, đột nhiên ngừng tay giữa chừng cười ha hả nói: Lão huynh! Ngươi thi gan với ta đã chịu thua chưa? Tên công phu kia quả là cứng đầu, y thua rõ ràng nhưng nhất định không nhận, vẫn lý sự: Ta phải gánh phân nên ngươi mới được lợi thế. Có giỏi thì ngươi gánh phân cho ta, xem ai thua ai được? Người áo đen đáp: Ngươi nói phải lắm! Y giơ tay nhắc gánh phân trên vai người kia, duỗi thẳng tay ra cầm vào giữa đòn gánh mà nhấc lên. Tên nông phu thấy y một tay cầm gánh phân mà không trĩu xuống, không khỏi ngẩn người lắp bắp: Ngươi… ngươi… Người áo đen mỉm cười nói: Ta chỉ cầm thế này nhất định không đổi tay, hai ta cứ đứng đây. Ai thua phải húp hết gánh phân này. Tên nông phu kia thấy y sức khỏe như thần, hết dám tranh giành hơn thua, vội vàng lùi lại, ngờ đâu luống cuống bước hụt một cái rơi tòm ngay xuống rạch. Người áo đen thò tay nắm cổ áo y nhắc lên giơ thẳng ra. Thế là y một tay cầm gánh phân, một tay cầm người nhà quê, cười ha hả nói: Thú quá! Thú quá! Y tung người một cái nhẹ nhàng nhảy qua bờ bên kia, để cả người nhà quê lẫn gánh phân xuống, thi triển khinh công biến mất hút vào rừng cây.

Kiều Phong tiếp tục dẫn dắt câu chuyện: Các vị huynh đệ nghĩ xem, hán tử áo đen kia bị ném phân vào mồm, nếu muốn giết tên nông phu thật chỉ cần giơ tay một cái là xong, không ai trách y vô cớ hành hung. Hoặc giả y không muốn vô cớ giết người, đánh cho mấy quyền thì cũng là chuyện bình thường. Thế nhưng y không hề nổi nóng, không cậy mạnh hiếp đáp người yếu mới là đặc biệt, ở trong võ lâm ít người được như thế. Các vị huynh đệ, việc này chính mắt ta trông thấy, ta với y cách nhau quá xa, chưa chắc y đã phát hiện tung tích của ta để mà phải giữ ý tứ. Một người như thế, liệu có phải là hảo bằng hữu, hảo hán tử chăng?

Cả bọn Ngô trưởng lão, Trần trưởng lão, Bạch trưởng lão ai nấy cùng reo lên: Đúng lắm! Quả là hảo hán! Trần trưởng lão lại nói: Tiếc rằng bang chủ không hỏi họ tên y để cho bọn ta cùng biết trong võ lâm Giang Nam có nhân vật như thế. Kiều Phong chậm rãi đáp: Vị bằng hữu đó chẳng phải ai xa lạ, vừa cùng Trần trưởng lão động thủ, lưng bàn tay bị bò cạp độc cắn cho bị thương. Trần trưởng lão kinh ngạc hỏi: Là Nhất trận phong Phong Ba Ác đấy ư? Kiều Phong gật đầu đáp: Chính thị.

Bấy giờ Đoàn Dự mới hiểu Kiều Phong kể tỉ mỉ câu chuyện vừa rồi chú ý để trần thuật tính cách Phong Ba Ác. Chàng lại nghĩ thầm: Người này mặt mũi khó coi, thích đánh nhau, ưa hoạt náo nhưng thiên tính cực kỳ lương thiện, đúng là xét người không nên xét bề ngoài. Hóa ra Vương Ngữ Yên chăm chú đứng nghe còn A Châu Á Bích chỉ nhìn nhau mà cười cũng vì hai nàng đã biết rõ tính tình Phong Ba Ác, hiểu ngay người làm chuyện ngược đời thế này đúng là y, nhất định không giết người vô tội.

Lại nghe Kiều Phong nói tiếp: Trần trưởng lão! Cái Bang chúng ta vẫn được coi là đệ nhất đại bang trên giang hồ, ông lại là nhân vật trọng yếu trong bản bang, cả thân phận lẫn tên tuổi so với Phong Ba Ác của Giang Nam thật không kém chút nào. Phong Ba Ác kia chịu nhục mà không giết hại người vô cớ, lẽ nào cao thủ của Cái Bang lại thua sút người ta hay sao? Trần trưởng lão mặt mày bẽn lẽn nói: Bang chủ dạy chí phải. Bang chủ bảo tôi đưa thuốc giải cho y là muốn duy trì danh phận tiếng tăm của tôi, vậy mà tôi lại đem lòng oán trách, thật quả là ngu như bò. Kiều Phong tiếp: Việc duy trì danh tiếng của bản bang và thân phận của Trần trưởng lão cũng còn là thứ yếu. Chúng ta là người học võ, việc đầu tiên là không giết hại người vô tội. Dẫu cho Trần trưởng lão không phải là nhân vật đầu não bản bang, không phải là người danh tiếng lẫy lừng trong võ lâm, cũng không thể chưa điều tra cho rõ đen trắng đã đi giết người. Trần trưởng lão cúi đầu đáp: Trần Cô Nhạn này biết lỗi rồi.

Kiều Phong thấy câu chuyện của mình đã thuyết phục được cả người ngang ngạnh nhất trong tứ đại trưởng lão là Trần Cô Nhạn, trong bụng thật mừng, chậm rãi nói tiếp: Công Dã Càn hào khí hơn người, Phong Ba Ác đen trắng phân minh, Bao Bất Đồng hồn nhiên phóng khoáng, còn ba vị cô nương này ôn nhu lương thiện. Những người đó nếu chẳng phải là thuộc hạ Mộ Dung công tử thì cũng là thân thích bằng hữu. Người đời thường nói: Chọn bạn mà chơi. Các huynh đệ cứ bình tâm nghĩ lại xem, Mộ Dung công tử quen biết giao thiệp với những người như thế, không lẽ bản thân y lại là người đại gian đại ác, hèn hạ vô liêm sỉ?

Các cao thủ trong Cái Bang ai nấy đều trọng nghĩa khí quí bạn bè, nghe Kiều Phong nói quả có lý nên không ít người lên tiếng phụ họa.

Toàn Quan Thanh lại nói: Bang chủ, theo ý bang chủ thì kẻ sát hại Mã phó bang chủ không phải là Mộ Dung Phục hay sao? Kiều Phong đáp: Ta chưa dám nói Mộ Dung Phục đã giết Mã phó bang chủ mà cũng chưa dám nói y không phải là hung thủ. Việc báo cừu không phải chỉ một ngày một buổi, mình cần phải tra xét cho rõ ràng, nếu quả là Mộ Dung Phục thì nhất định sẽ bắt y đền mạng, còn như không phải là y thì phải bắt cho bằng được hung thủ thực sự mới thôi. Nếu ta hấp tấp giết nhầm người vô tội, chính thủ phạm lại đứng ngoài vỗ đít cười thầm Cái Bang ta hồ đồ ngu dốt, chúng ta không những có lỗi với người bị chết oan, có lỗi với Mã phó bang chủ mà còn làm bại hoại thanh danh của Cái Bang nữa. Lúc đó các anh em đi lại trên giang hồ bị người ta chê cười thì có gì thú vị không?

Quần hùng Cái Bang nghe vậy ai nấy chạnh lòng. Truyền Công trưởng lão nãy giờ chưa nói gì, lúc này giơ tay vuốt chòm râu lưa thưa dưới cằm lên tiếng: Bang chủ nói phải lắm! Phải lắm! Trước đây ta đã giết lầm một người vô tội, đến nay vẫn còn áy náy chưa yên.

Ngô Trường Phong lớn tiếng nói: Bang chủ, chúng tôi sở dĩ phản ông cũng vì tin lầm kẻ khác, tưởng là bang chủ cùng Mã phó bang chủ có sự bất hòa, đi cấu kết với nhà Mộ Dung hạ thủ ông ta. Bao nhiêu chuyện cũng từ đó mà ra, đến giờ nghĩ lại thấy mình quả là hồ đồ. Bạch trưởng lão, xin ông đem pháp đao ra, chiếu theo bang qui mà cho chúng tôi tự xử.

Bạch Thế Kính mặt lạnh như tiền, trầm giọng nói: _Chấp pháp đệ tử, đem pháp đao của bản bang ra. Chín tên thuộc hạ đồng thanh nói: Tuân lệnh! Mỗi người lấy trong túi đeo sau lưng ra một cái bao màu vàng, mở bao lấy ra một thanh đoản đao. Chín thanh đao vàng sáng chói xếp ngay ngắn, giống hệt nhau, lưỡi dao chiếu ra màu xanh biếc dưới ánh lửa bập bùng. Một tên chấp pháp đệ tử đem tới một cây gỗ, chín người đồng thời cầm dao đâm phập lút vào thân cây, đủ biết lưỡi đao sắc bén dị thường. Cả chín người cùng dõng dạc kêu lên: Pháp đao đã đủ, không có gì sơ sót.

Bạch Thế Kính thở dài một tiếng, tuyên án: Tống Hề Trần Ngô bốn trưởng lão nghe người nói càn, âm mưu phản loạn, làm nguy hại đến cơ nghiệp bản bang, tội đáng một đao xử tử. Đại Trí phân đà đà chủ Toàn Quan Thanh phao ngôn để đánh lừa người, xúi giục nổi loạn, tội chịu chín đao xử tử. Còn các đệ tử tham gia nổi loạn, chờ điều tra xong sẽ tùy tội định án.

Khi ông tuyên phạt, mọi người ai nấy yên lặng không nói một lời. Ta nên biết rằng bất cứ bang hội nào trên giang hồ, tội bội phản bản bang, mưu hại bang chủ thì đương nhiên bị xử tử, không một ai dị nghị. Ngay lúc họ tham gia mưu phản cũng đã tự biết hậu quả thế nào rồi.

Ngô trưởng lão hiên ngang bước lên khom lưng cúi chào Kiều Phong nói: Bang chủ, Ngô Trường Phong có lỗi với ông, xin tự xử lấy mình. Sau khi Ngô mỗ chết rồi, xin bang chủ tha thứ cho cái tội hồ đồ. Lão nói xong đi đến chỗ đặt pháp đao, lớn tiếng nói: Ngô Trường Phong tự xử đây! Xin đệ tử chấp pháp cởi trói cho. Một tên chấp pháp đệ tử đáp: Vâng! Y tiến lên toan cởi dây trói. Kiều Phong bỗng quát lên: Hãy khoan! Ngô Trường Phong mặt mày xám ngắt, run run hỏi: _Bang chủ, tội nghiệt của lão lớn đến mức không được tự xử hay sao?

Theo qui củ Cái Bang, người phạm bang qui nếu tự sát thì sau khi chết rồi thanh danh vẫn còn, tội trạng không truyền ra ngoài. Trên giang hồ nếu ai nhắc nhở đến hành vi của y thì Cái Bang sẽ ra mặt can thiệp. Hảo hán trong võ lâm ai cũng lấy thanh danh làm trọng, không chịu để sau khi chết rồi còn có người nhiếc móc. Ngô Trường Phong thấy Kiều Phong ngăn không cho mình tự xử, bất giác cả kinh.

Kiều Phong không trả lời, đi đến bên đống pháp đao, dõng dạc nói: Mười lăm năm trước, người Khất Đan xâm nhập Nhạn Môn Quan, Tống trưởng lão được tin chạy về cấp báo, ba ngày không ăn, bốn đêm không ngủ, dọc đường phi chết chín con tuấn mã, chính mình kiệt lực mà nội thương thổ huyết. Nhờ thế mà quân Đại Tống ta phòng bị kịp, kỵ binh người Hồ phải tháo lui. Đó là một đại công đối với quốc gia, tuy anh hùng trên giang hồ không được biết rõ ràng nhưng Cái Bang ta phải biết. Chấp Pháp trưởng lão! Tống trưởng lão công lao thật lớn, ông thử xét lại xem có thể đem công chuộc tội được không?

Bạch Thế Kính đáp: Bang chủ xin tha cho Tống trưởng lão, lời lẽ quả thật hữu lý. Thế nhưng bang qui đã viết rõ: Đại tội phản bang quyết không thể nào tha thứ, dẫu có đại công cũng không chuộc được, cốt để tránh cậy công lộng quyền, hành động bất pháp làm nguy hại đến cơ nghiệp lâu dài của bản bang. Bang chủ, ý kiến của ông không hợp bang qui, chúng ta không thể phá lề luật của bao nhiêu đời truyền lại.

Tống trưởng lão nở một nụ cười buồn bã, tiến lên mấy bước nói: Chấp Pháp trưởng lão nói rất đúng. Chúng tôi đã lên tới chức trưởng lão, thử hỏi ai là người chưa dày công hãn mã? Nhưng chẳng lẽ người nào cũng kể lể công lao ngày trước rồi muốn phạm tội gì cũng được hay sao? Tôi xin Bang chủ rộng thương cho được tự xử lấy mình. Bỗng nghe mấy tiếng lách cách, sợi dây gân bò đang trói cổ tay ông ta đã bị bắt đứt.

Quần cái ai nấy đều biến sắc, sợi dây gân bò đó vừa dai vừa chắc, dù có dùng dao sắc bén cũng chưa chắc đã cắt được mau lẹ. Vậy mà Tống trưởng lão vùng tay ra là đứt ngay, quả thật xứng đáng đứng đầu Tứ lão Cái Bang. Tống trưởng lão vừa bứt được đây, liền đưa tay cầm pháp đao lên toan tự xử. Ngờ đâu có một luồng nội lực nhu hòa ở đâu ập tới, bàn tay còn cách pháp đao chừng một thước thì không tiến thêm được nữa, chính là Kiều Phong không để cho ông ta lấy được con dao.

Tống trưởng lão mặt biến sắc kêu lên: Bang chủ, ông… Kiều Phong giơ tay ra, chộp lấy một thanh pháp đao, Tống trưởng lão kêu lên: Thôi đành vậy! Ta đã có ý giết bang chủ, thế này quả là báo ứng, mau hạ thủ đi. Lưỡi pháp đao lóe lên, Kiều Phong đã đâm vào vai bên tả mình nghe soẹt một tiếng.

Cả bọn ăn mày kêu lên thất thanh, không ai bảo ai cùng đứng bật dậy. Đoàn Dự hốt hoảng kêu lên: Đại ca! Đại ca! Ngay cả Vương Ngữ Yên là người ngoài cuộc, thấy biến cố bất ngờ cũng mặt hoa nhợt nhạt, buột miệng gọi: Kiều bang chủ, chớ nên…

Kiều Phong nói: Bạch trưởng lão, trong bang qui có một điều: Đệ tử bản bang phạm qui không thể tha thứ được, bang chủ nếu muốn khoan dung thì phải tự mình chảy máu mới rửa được tội cho người đó. Có đúng thế không?

Bạch Thế Kính nét mặt vẫn rắn như đá, chậm rãi nói: Bang qui quả có điều này. Thế nhưng bang chủ muốn tự đổ máu để cứu tội cho người cũng phải xét xem có đáng hay không.

Kiều Phong đáp: Chỉ cần không trái với lề luật của tổ tông là được rồi! Ông quay lại nói với Hề trưởng lão: Hề trưởng lão năm xưa chỉ điểm võ công cho ta, tuy không mang danh sự phụ mà thực sự đã là thầy, nhưng chuyện đó chỉ là ân đức riêng. Lại nghĩ đến việc năm trước Uông bang chủ bị năm cao thủ Khất Đan lập kế cầm tù trong động Hắc Phong ở núi Kỳ Liên để uy hiếp Cái Bang ta phải hàng phục. Uông bang chủ thân hình lùn mập, Hề trưởng lão vóc dáng cũng giống đôi phần nên giả làm Uông bang chủ, nguyện xin chết thay để bang chủ được thoát hiểm. Đó là đại công cả với quốc gia lẫn với bản bang, ta không thể không lấy máu rửa tội cho Hề lão. Nói xong rút thanh đao thứ hai, vung lên nhẹ nhàng cắt đứt dây gân bò trói tay Hề trưởng lão, quay ngược đao lại đâm vào vai mình.

Mục quang Kiều Phong chầm chậm quay sang Trần trưởng lão. Trần trưởng lão vốn là người tâm địa hẹp hòi, năm xưa lỡ giết tôn trưởng phải thay họ đổi tên trốn đi. Trong lòng lão lúc nào cũng nơm nớp sợ người ta bới móc vết tích mình, thường có ý lẩn tránh Kiều Phong, hai người không thân mật với nhau bao giờ. Lão vừa thấy Kiều Phong nhìn mình liền lớn tiếng nói: Kiều bang chủ, ta với ông không có giao tình gì, bình thời đắc tội đã nhiều, không dám mong ông lưu huyết xá tội. Lão lật tay một cái, cánh tay từ đằng sau chuyển ra đằng trước nhưng cổ tay vẫn còn bị trói bằng gân bò. Thì ra môn Thông Tí Quyền của ông ta đã luyện đến mức xuất thần nhập hóa, hai cánh tay thông nhau dài ngắn tùy ý, hụp người xuống vươn tay ra đã cầm được một thành pháp đao.

Kiều Phong xoay tay lại, dùng thủ pháp tuyệt diệu giật lại đao một cách nhẹ nhàng rồi dõng dạc nói: Trần trưởng lão! Kiều Phong này là một gã thô lỗ, không thích kết giao với những người hành sự cẩn thận tính nết tỉ mỉ, lại cũng không ưa những người không biết uống rượu không thích cười đùa. Đó là thiên tính của con người, chẳng biết thế là hay hay dở, Trưởng lão cùng ta tính tình không hợp, bình thời ít khi trò chuyện. Ta cũng không ưa Mã phó bang chủ, hễ thấy mặt ông ta là kiếm cớ chạy đi chỗ khác, thà rằng đi uống rượu ăn thịt chó với mấy đệ tử một túi, hai túi còn thú hơn. Cái tính khí đó ai cũng biết cả. Nhưng nếu vì thế mà ai tưởng ta muốn trừ khử Mã phó bang chủ cùng trưởng lão là cực kỳ sai lầm. Hai vị lão thành trì trọng, chưa từng say sưa, là điểm rất hay, Kiều mỗ này thật không bằng. Nói đến đây, ông lại cầm thanh pháp đao đâm vào vai mình rồi tiếp: Đại công đâm chết Tả Lộ Phó Nguyên Soái nước Khất Đan là Gia Luật Bất Lỗ, người ngoài không biết, không lẽ ta cũng không biết hay sao?

Trong bang chúng liền có tiếng thì thầm to nhỏ, thanh âm hỗn loạn kinh ngạc, trầm trồ bội phục, Thì ra mấy năm trước quân Khất Đan tấn công, bỗng dưng mấy đại tướng liên tiếp mất mạng, ra quân bất lợi đành phải rút về, nhà Đại Tống thoát được một tai kiếp lớn. Trong số các đại tướng đột tử kia có cả Tả Lộ Phó Nguyên Soái là Gia Luật Bất Lỗ. Đó là đại công của Trần trưởng lão nhưng không mấy người biết.

Trần trưởng lão nghe Kiều Phong tuyên dương công trạng mình, trong lòng lấy làm hoan hỉ, lão khẽ nói: Trần Cô Nhạn này được dương danh thiên hạ đều là nhờ vào đại ân đại đức của bang chủ.

Cái Bang xưa nay ám trợ Đại Tống giúp nước cứu dân, nhưng không muốn cho kẻ địch nhòm ngó, nên mọi công cuộc dù thành hay bại cũng giữ kín không tiết lộ ra ngoài, vì thế mà trên giang hồ không ai biết đến, ngay trong bang cũng giữ bí mật. Trần Cô Nhạn xưa nay kiêu ngạo vô lễ, ỷ mình lớn tuổi hơn Kiều Phong, là bậc lão thành trong Cái Bang nên bình thời không chút khiêm cung, quần cái ai ai cũng biết. Bây giờ mọi người thấy bang chủ quên cả cựu hiềm, tự đổ máu rửa tội cho lão, đều cảm động.

Kiều Phong lại đến trước mặt Ngô trưởng lão nói: Ngô trưởng lão, năm xưa trưởng lão một mình trấn thủ ải Ưng Sầu chống lại các cao thủ trong Nhất Phẩm Đường của Tây Hạ khiến cho âm mưu hành thích Dương gia tướng không thành. Ngày đó Dương nguyên soái có ban cho trưởng lão một thẻ kim bài để ghi công. Trưởng lão lấy ra đây cho anh em coi sẽ được miễn tội. Ngô Trường Phong đột nhiên mặt đỏ bừng lên, ra chiều bẽn lẽn ấp úng nói: Cái đó… cái đó… Kiều Phong lại nói: Chúng ta đều là huynh đệ, Ngô trưởng lão có điều chi nan giải cứ nói toạc ra, đừng ngại ngùng gì Ngô Trường Phong ấp úng: Cái Kim Bài đó, không dám giấu bang chủ, đã… đã… để đâu mất rồi không thấy nữa. Kiều Phong lấy làm lạ, hỏi: Để đâu mà mất? Ngô Trường Phong đáp: Cái đó tự mình… hừ… Lão định thần rồi nói lớn: Hôm đó ta thèm rượu quá, trong túi không tiền, đem kim bài đi cầm mất rồi. Kiều Phong cười ha hả nói: Khoái thật! Khoái thật! Có điều như thế thật đắc tội với Dương nguyên soái. Nói xong ông rút một thanh pháp đao, cắt đứt dây trói Ngô Trường Phong rồi lại đâm vào vai trái của mình.

Ngô Trường Phong lớn tiếng nói: Bang chủ đại nhân đại nghĩa, cái mạng Ngô Trường Phong này từ nay giao cho bang chủ. Người ta có bảo bang chủ là gì gì chăng nữa, ta cũng không tin đâu. Kiều Phong vỗ vai lão, cười nói: Bọn mình đã là hạng ăn xin, không có cơm ăn rượu uống thì đến xin người ta, ai lại đem kim bài đi cầm bao giờ. Ngô Trường Phong cười đáp: Xin cơm thì dễ chứ xin rượu làm sao được. Chưa kịp mở miệng người ta đã từ chối tống cổ đi rồi. Mọi người nghe y nói thế, ai nấy cười ồ. Chuyện xin rượu uống bị người ta từ chối, anh em ăn mày trải qua đã nhiều. Kiều Phong tha tội cho bốn trưởng lão, ai cũng thấy nhẹ mình như trút được gánh nặng. Mọi người đưa mắt nhìn Toàn Quan Thanh, nghĩ bụng y là người chủ mưu xúi bẩy, Kiều Phong dù có khoan hồng đại lượng đến đâu cũng không thể tha y. Kiều Phong đi đến trước mặt Toàn Quan Thanh nói: Toàn đà chủ, ngươi còn muốn nói gì nữa không? Toàn Quan Thanh đáp: Bang chủ! Sở dĩ ta phản ngươi là vì giang sơn nhà Đại Tống, vì cơ nghiệp của Cái Bang. Nhưng kẻ đã nói cho ta hay chân tướng thân thế của ngươi, nay chắc là sợ bị giết nên không dám ra mặt. Thôi, ngươi chém phứt ta một đao đi là xong. Kiều Phong trầm ngâm một hồi rồi nói: Thân thế ta có điều chi không phải, ngươi cứ việc nói ra. Toàn Quan Thanh lắc đầu: Bây giờ ta có nói cũng không chứng cớ, chẳng ai thèm tin. Ngươi giết ta đi là hơn.

Kiều Phong nghi hoặc vô cùng, lớn tiếng nói: Kẻ đại trượng phu có điều muốn nói là nói, sao còn úp úp mở mở, toan nói rồi lại thôi? Toàn Quan Thanh, đã là hảo hán có chết cũng không sợ, còn việc gì phải sợ nữa? Toàn Quan Thanh cười khẩy: Phải đó, chết vẫn chẳng sợ thì còn việc gì phải sợ nữa? Họ Kiều kia, ngươi cứ vung đao giết ta đi, để ta khỏi phải sống trên đời mà nhìn thấy Cái Bang này lọt vào tay quân Hồ Lỗ, giang sơn gấm vóc nhà Đại Tống rơi vào tay Di Địch. Kiều Phong hỏi lại: Cái Bang sao lại lọt vào tay Hồ Lỗ? Ngươi nói rõ ra xem nào! Toàn Quan Thanh đáp: Ta đã bảo rồi mà! Bây giờ có nói anh em cũng không ai tin, còn bảo là Toàn mỗ ham sống sợ chết, khua môi múa mỏ. Ta đã sớm tìm cái chết, có đâu chết rồi còn để cho người ta chửi rủa.

Bach Thế Kính lớn tiếng nói: Bang chủ! Gã này lắm mưa nhiều kế, dẻo miệng nói càn một hồi e rằng bang chủ sẽ tha cho y đó. Chấp pháp đệ tử đâu, lấy pháp đao ra hành hình.

Một tên đệ tử chấp pháp vâng mệnh rảo bước tiến ra, cầm một lưỡi pháp đao đến bên Toàn Quan Thanh.

Kiều Phong vẫn nhìn chằm chặp vào Toàn Quan Thanh, thấy y đầy vẻ công phẫn nhưng thần sắc không lộ vẻ gian trá điêu ngoa, cũng không ra chiều khiếp sợ thì trong lòng lại càng nghi hoặc, quay sang bảo đệ tử chấp pháp: Đưa pháp đao cho ta. Tên đệ tử đó hai tay cầm đao cung kính dâng lên.

Kiều Phong cầm lấy pháp đao, nói: Toàn bà chủ, ngươi bảo người biết chân tướng thân thế của ta, lại bảo chuyện này có liên quan đến an nguy của bản bang, thực ra chân tướng ta thế nào mà người không dám nói thật? Nói tới đây ông tra pháp đao vào bao, bỏ vào túi mình rồi nói: Ngươi xúi giục phản loạn, khó mà miễn tội chết. Hôm nay ta tạm để đó, để khi mọi việc minh bạch rõ ràng, ta sẽ tự tay giết ngươi. Kiều Phong này không phải như đàn bà nhu nhược mà mua chuộc ơn huệ. Khi ta đã muốn giết người thì ngươi có chạy đằng trời cũng không thoát. Ngươi cởi bỏ những túi vải trên lưng xuống rồi đi đi. Từ đây trở đi Cái Bang không còn nhân vật như ngươi nữa.

Kiều Phong bảo Toàn Quan Thanh cởi bỏ túi vải trên lưng, chính là ra lệnh đuổi y ra khỏi bang. Bọn đệ tử Cái Bang, trừ những kẻ mới vào, mỗi người ai cũng có đeo túi vải trên lưng, nhiều thì chín cái, ít thì một cái. Cứ chiếu số túi vải nhiều hay ít mà định ngôi thứ cao hay thấp. Toàn Quan Thanh nghe Kiều Phong ra lệnh cởi túi trên lưng xuống thì đột nhiên mặt đầy sát khí, bước lại chụp lấy một thanh pháp đao, chĩa mũi ngay ngực mình. Nên biết rằng trên giang hồ, người bị trục xuất khỏi bang hội thì cái nhục nói sao cho xiết, thà bằng đương trường xử tử còn dễ chịu hơn.

Kiều Phong lạnh lùng nhìn xem y có dám đâm vào ngực hay không. Toàn Quan Thanh cầm chặt con dao, tay không run chút nào, cũng quay đầu lại nhìn Kiều Phong. Hai người trừng trừng nhìn nhau, trong giây lát cả khu rừng hạnh im phăng phắc không một tiếng động. Toàn Quan Thanh bỗng hỏi: Kiều Phong, ngươi giả vờ hay thật! Không lẽ ngươi thực không biết hay sao? Kiều Phong hỏi lại: Ngươi bảo ta không biết cái gì? Toàn Quan Thanh mấp máy môi nhưng không nói gì, đem pháp đao đặt xuống chỗ cũ, rồi từ từ cởi tám cái túi trên lưng ra, cung kính xếp dưới đất.

Y cởi đến chiếc túi thứ năm, bỗng nghe tiếng vó câu dồn dập, từ phương bắc có người chạy đến, kế đến là hai tiếng còi hiệu. Trong đám ăn mày lập tức có người huýt còi trả lời. Tiếng vó ngựa mỗi lúc một nhanh, thoáng cái đã gần tới nơi. Ngô Trường Phong lẩm bẩm: Có biến cố gì khẩn cấp nữa đây? Người cưỡi ngựa chưa đến nơi thì đột nhiên ở mé đông cũng có tiếng vó ngựa, nhưng còn xa hơn, chưa nghe được rõ rệt là đi về hướng nào.

Chỉ trong giây lát, ngựa từ phương bắc đã đến bên bìa rừng, một người phóng ngựa chạy thẳng vào, xoay mình nhảy xuống. Người đó mặc áo bào rộng thụng tay, phục sức rất là hoa lệ, nhưng lập tức cởi ngay áo ngoài ra để lộ bên trong áo vá chằng vá đụp, chính là người của Cái Bang. Đoàn Dự thoáng nghĩ lập tức hiểu ra: ăn mày mà cưỡi ngựa rất dễ khiến cho người ta chú ý, qua phủ thể nào cũng bị giữ lại tra vấn hạch sách, nhưng đã đưa tin tất phải chạy cho nhanh nên phải ăn mặc như kẻ phú thương, bên trong vẫn mặc áo vá để tỏ mình không vong bản.

Người đó đến trước mặt đà chủ Đại Tín phân đà, cung kính trình lên một cái túi nhỏ nói: Việc quân khẩn cấp!… Y chỉ nói được bốn chữ rồi thở lên hồng hộc, đột nhiên con ngựa y cưỡi hí lên một tiếng thảm thiết, lăn ra đất giãy mấy cái chết ngay. Kẻ đưa tin kia cũng loạng choạng, gục luôn xuống. Chẳng nói cũng biết cả người lẫn ngựa rong ruổi đường xa không nghỉ, khí lực kiệt quệ cả rồi.

Đại Tín đà chủ nhận ra người đưa thư là một trong số bang chúng gửi qua Tây Hạ do thám tin tức, Tây Hạ vẫn thường đem binh xâm phạm, chiếm đất quấy nhiễu lương dân, nhưng không tai hại như người Khất Đan, Cái Bang vẫn thường sai gián điệp qua Tây Hạ nghe ngóng tình hình. Đại Tín đà chủ thấy người này bất kể sống chết chạy về thì biết ngay cái tin đưa đến tất là quan trọng và khẩn cấp vô cùng, nên không tự mình mở ra, để nguyên chiếc túi trình cho Kiều Phong nói: Đây là quân tình khẩn cấp của nước Tây Hạ. Người đưa tin là một huynh đệ đi theo Dịch Đại Hổ huynh đệ sang bên đó.

Kiều Phong cầm lấy bao thư, mở ra xem thấy bên trong là một viên sáp ong. Ông bóp vỡ viên sáp, lấy ra một tờ giấy đang định mở ra xem, bỗng nghe tiếng chân ngựa dồn dập, người phía đông cũng đã đến bên mé rừng. Con ngựa vừa thò đầu vào, người ngồi trên yên đã phi thân xuống, quát lớn: Kiều Phong, viên sáp truyền tin là việc quân đại sự, ngươi không được xem! Mọi người đều giật mình kinh hãi, nhìn lại thấy người đó là một lão già ăn mày râu tóc bạc phơ, mặc một chiếc áo rách nát. Truyền Công, Chấp Pháp hai vị trưởng lão cùng đứng lên nói: Từ trưởng lão! Có việc chi mà đại giá tới đây?

Quần cái thấy Từ trưởng lão đến ai nấy đều kinh động. Vị Từ trưởng lão này ở trong Cái Bang thân phận cực cao, năm nay đã tám mươi bảy tuổi, Uông bang chủ tiền nhiệm vẫn kêu ông là sư bá, trong Cái Bang ai ai cũng đều là hậu bối của ông ta. Lão qui ẩn đã lâu, xưa nay không màng đến thế sự. Kiều Phong và Truyền Công, Chấp Pháp các trưởng lão hàng năm đến thăm hỏi cũng chỉ nói chuyện thông thường trong bang. Dè đâu lúc này lão đột ngột đến đây ngăn Kiều Phong không cho đọc mật thư khiến mọi người ai nấy đều ngạc nhiên.

Kiều Phong lập tức nắm chặt tay giữ tờ giấy lại, khom lưng thi lễ nói: Từ trưởng lão khỏe chứ? Nói xong ông mở tay ra đưa tờ giấy đến trước mặt Từ trưởng lão. Kiều Phong là đương kim bang chủ Cái Bang, vai vế tuy có thấp hơn Từ trưởng lão nhưng đại sự trong bang thì vẫn phải do bang chủ ra lệnh. Không nói gì Từ trường lão chỉ là một tiền bối đã thoái ẩn, dẫu có những vị bang chủ đời trước phục sinh vẫn phải nghe lệnh Kiều Phong. Ngờ đâu Từ trưởng lão không cho Kiều Phong xem quân tình nước Tây Hạ, chàng lại không kháng cự chút nào, mọi người đều vô cùng kinh ngạc.

Từ trưởng lão nói: Xin lỗi nhé. Lão cầm ngay tờ giấy trong tay Kiều Phong, nắm chặt lại, kế đó đưa mắt nhìn khắp lượt bang chúng, dõng dạc nói: Quả phụ của Mã Đại Nguyên huynh đệ là Mã phu nhân sẽ tới ngay để có chuyện trần tình, xin mọi người đợi bà ta một lát có được chăng? Mọi người đưa mắt nhìn Kiều Phong xem ông ta xử trí ra sao.

Kiều Phong bụng đầy nghi hoặc nói: Nếu là việc trọng đại thì mọi người có đợi một chút cũng không sao. Từ trưởng lão đáp: Dĩ nhiên là việc trọng đại. Lão không giải thích gì thêm, chỉ quay sang Kiều Phong thi lễ tham kiến bang chủ rồi ngồi sang một bên.

Đoàn Dự nhân lúc này tán gẫu với Vương Ngữ Yên mấy câu, ghé tai nàng nói nhỏ: Vương cô nương! Lúc này Cái Bang đang lắm việc, chúng ta nên lánh đi hay cứ ở đây xem sao? Vương Ngữ Yên chau mày đáp: Mình là người ngoài, đúng ra chẳng nên nghe chuyện cơ mật đại sự của người ta. Nhưng… nhưng không biết họ có tranh luận gì liên quan đến biểu ca ta không? Ta cứ thử nghe xem sao Đoàn Dự liền phụ họa: Đúng đó. Vị Mã phó bang chủ này cứ như họ nói là bị biểu ca cô giết chết, để lại một người vợ góa không nơi nương tựa, thật là đáng thương. Vương Ngữ Yên vội đáp: Không, không đâu! Mã phó bang chủ không phải do biểu ca tôi giết, Kiều bang chủ chẳng bảo thế là gì?

Ngay lúc đó lại có tiếng vó ngựa, hai kỵ mã chạy đến khu rừng hạnh. Cái Bang tụ hội nơi đây, bên đường hẳn để những ký hiệu, chung quanh cũng có người tiếp dẫn chặn đường phòng địch nhân đến tấn công. Ai cũng tưởng một trong hai người đó phải là quả phụ Mã Đại Nguyên, nào ngờ lại là một ông lão và một bà lão. Ông già thân thể thấp bé còn bà già lại cao to, hai bên chênh lệch trông thật tức cười.

Kiều Phong vội đứng lên nói: Hiền phu phụ Đàm công, Đàm bà ở Xung Tiêu Động, Thái Hàng Sơn giá lâm. Kiều Phong này không ra xa nghinh đón, xin tạ lỗi. Từ trưởng lão và Truyền Công, Chấp Pháp các trưởng lão khác nhất tề bước ra thi lễ.

Đoàn Dự thấy vậy biết ngay Đàm Công, Đàm bà phải là những nhân vật có tiếng tăm trong võ lâm. Bỗng thấy Đàm bà hỏi: Kiều bang chủ, trên vai ông có cái gì thế này? Nói rồi bà vươn tay ra nhổ bốn lưỡi đao, thủ pháp mau lẹ dị thường. Đàm bà vừa nhổ đao xong, Đàm Công tức khắc lấy trong bọc ra một cái hộp nhỏ, mở nắp thò ngón tay quệt chút thuốc cao, bôi lên vai Kiều Phong. Thuốc vừa bôi lên, vết thương đang ứa máu tươi lập tức ngừng chảy ngay. Thủ pháp rút đao của Đàm bà nhanh nhẹn hiếm có trên đời nhưng cũng chỉ là một môn võ công, còn như Đàm công lấy hộp ra, mở nắp, quệt thuốc, bôi cao, cầm máu, những động tác đó thật nhịp nhàng, thật là nhanh mà ai cũng nhìn thấy rõ ràng, chẳng khác gì người làm ảo thuật. Thuốc bôi đến đâu cầm máu đến đó, hiệu nghiệm như thần, không phải làm đến lần thứ hai.

Kiều Phong thấy Đàm công, Đàm bà chưa hỏi đầu đuôi câu chuyện đã giúp mình nhổ dao trị thương, tuy có vẻ hơi đường đột nhưng trong lòng cảm kích. Giữa lúc ông ngỏ lời cảm tạ, đã thấy vai mình đang tê buốt chuyển sang ngứa ngáy, đỡ đau nhiều. Thuốc cao đó linh nghiệm chưa từng thấy qua mà cũng chưa bao giờ nghe tiếng đến.

Đàm bà lại hỏi: Kiều bang chủ, trên đời này có kẻ nào lớn mật dám lấy dao đả thương bang chủ? Kiều Phong cười đáp: Chính tại hạ tự đâm vào đó! Đàm bà ngạc nhiên: Sao lại tự mình đâm mình? Bộ hết chuyện làm rồi hay sao? Kiều Phong mỉm cười đáp: Đó là tại hạ thử chơi. Cái vai u thịt bắp này dù có bị thương cũng không vào đến gân cốt.

Tống Hề Trần Ngô bốn trưởng lão thấy Kiều Phong cố ý giấu chuyện cho mình, vừa hổ thẹn lại vừa cảm kích.

Đàm bà cười ha hả nói: Ngươi lại nói dối chăng? Ta biết rồi, gã này láu lỉnh lắm, nghe nói Đàm công mới tìm được hàn ngọc miền cực bắc lẫn huyền băng thiềm thừ chế tạo được thuốc chữa thương linh nghiệm, nên muốn thử cho biết chứ gì? Kiều Phong không cãi lại chỉ mỉm cười, nghĩ thầm: Lão bà này thật khéo nói đùa, trên đời này có ai hơi đâu tự đâm mình mấy dao để xem thuốc có linh nghiệm hay không.

Lại nghe tiếng lộp cộp, một con lừa chạy vào trong rừng, trên lưng là một người ngồi quay ngược lại, mặt hướng về phía đuôi. Đàm bà thấy y liền toét miệng cười, gọi lớn: Sư ca! Huynh lại làm trò quái đản gì nữa đây? Tiểu muội phải đét đít huynh mới được. Người ngồi trên lưng lừa thân hình rút lại thành một cục chẳng khác gì một đứa bé bảy tám tuổi. Đàm bà giơ tay vỗ vào mông y, người đó lăn ngay xuống đất, đột nhiên vươn vai, duỗi chân tay biến thành một người cao lớn khiến ai nấy đều kinh ngạc. Đàm công mặt mày ra vẻ không vui, hừ một tiếng, liếc xéo một cái rồi nói: Tưởng ai, hóa ra là ngươi. Nói xong quay lại nhìn Đàm bà.

Người cưỡi lừa ngược kia không xấu cũng chẳng đẹp, không già cũng chẳng trẻ, chỉ có thể đoán khoảng từ ba mươi đến sáu mươi tuổi. Y đờ đẫn nhìn Đàm bà, thần sắc cực kỳ đắm đuối, dịu dàng hỏi: Tiểu Quyên, gần đây nàng có được khỏe không?

Đàm bà thân thể to lớn như hộ pháp, tóc trắng như bông, mặt mũi nhăn nheo vậy mà gọi là Tiểu Quyên nghe thật yểu điệu thướt tha, người với tên không xứng chút nào, ai nghe thấy cũng phải tức cười. Thế nhưng bà lão nào mà chẳng có thời son trẻ, khi còn là một thiếu nữ thì gọi Tiểu Quyên, đến lúc già có ai đổi thành Lão Quyên bao giờ? Đoàn Dự còn đang ngẫm nghĩ lại nghe tiếng vó ngựa lộp cộp, thêm mấy người nữa cưỡi ngựa chạy đến nhưng lần này không có vẻ gì gấp rút.

Kiều Phong còn đang quan sát người khách cưỡi lừa, đoán không ra y thuộc hạng người nào. Y là sư huynh của Đàm bà, biểu diễn công phu Xúc Cốt Công ngồi trên lưng lừa ắt không phải hạng tầm thường. Nhưng đã là cao thủ bậc nhất mà ông chưa được nghe tên tuổi bao giờ, không khỏi ngạc nhiên.

Mấy người vừa cưỡi ngựa vào rừng hạnh, thì đi trước là năm chàng thanh niên mày thô mắt lớn, tướng mạo hao hao giống nhau. Người lớn nhất độ ngoài ba mươi, người nhỏ nhất cũng ngoài hai mươi, rõ ràng là năm anh em cùng cha mẹ sinh ra.

Ngô Trường Phong lớn tiếng nói: Thái Sơn ngũ hùng đã đến đây, hay lắm, hay lắm! Chẳng hay ngọn gió lành nào thổi năm vị cùng đến một lượt thế này? Người thứ ba trong Thái Sơn ngũ hùng là Đơn Thúc Sơn rất thân với Ngô Trường Phong, liền trả lời: Ngô tứ thúc khỏe chứ? Gia gia cũng sắp đến rồi. Ngô Trường Phong mặt hơi biến sắc ấp úng hỏi: Thật sao? Gia gia ngươi… Lão vi phạm bang qui trong bụng còn chưa yên, nghe nói Thiết Diện Phán Quan đất Thái Sơn là Đơn Chính đột nhiên tới đây không khỏi chột dạ. Thiết diện phán quan Đơn Chính bình sinh ghét kẻ ác như kẻ thù, chỉ cần nghe trên giang hồ có chuyện gì bất hợp công đạo là lập tức ra tay can thiệp. Bản thân ông ta võ công đã cao siêu, ngoài năm đứa con ruột ra lại còn rất đông học trò, đồ tử đồ tôn phải đến hơn hai trăm. Cái tiếng Thái Sơn Đơn Gia trong võ lâm ai nghe thấy cũng phải kiêng nể ba phần.

Ngay lúc đó một con ngựa nữa từ ngoài chạy vào rừng, Thái Sơn ngũ hùng cùng tiến lên giữ lấy đầu ngựa, một ông già mặc trường bào bằng gấm nhẹ nhàng nhảy xuống, quay sang Kiều Phong chắp tay nói: Kiều bang chủ, Đơn Chính này không được mời mà tự tiện đến đây quấy nhiễu!

Kiều Phong đã từng nghe tiếng Đơn Chính nhưng nay mới được gặp, thấy ông ta mặt mũi phương phi, có thể nói là đồng nhan hạc phát, thần thái khiêm hòa chứ không khắc bạc như giang hồ vẫn đồn đại là ra tay không nể nang ai. Chàng bèn ôm quyền đáp lễ nói: Nếu Kiều mỗ được biết trước Đơn lão tiền bối đại giá đến đây, đã ra xa nghênh tiếp rồi.

Người cưỡi lừa ngược đột nhiên cất giọng quái lạ nói: Ái chà chà, Phán Quan Mặt Sắt đến thì kẻ đón người đưa, còn Phán Quan Mông Sắt đến thì chẳng có ma nào ngó tới. Mọi người nghe đến ngoại hiệu Thiết Thí Cổ Phán Quan bất giác cười rộ. Vương Ngữ Yên, A Châu, A Bích ba nàng tuy biết rằng cười là bất nhã nhưng không nhịn được đều tủm tỉm. Thái Sơn ngũ hùng nghe gã này nói giọng khích bác phụ thân, đều sầm mặt xuống. Có điều nhà họ Đơn gia giáo nghiên minh, Đơn Chính chưa nói, các con không ai dám mở lời.

Đơn Chính công phu hàm dưỡng rất cao, lại chưa biết rõ lai lịch con người quái dị kia, liền giả vờ như không nghe tiếng. Ông sang sảng nói: Xin mời Mã phu nhân ra nói chuyện.

Một chiếc kiệu do hai hán tử khỏe mạnh từ trong rừng cây khiêng ra nhanh như bay, đến giữa khu đất liền hạ xuống, vén rèm lên. Một thiếu phụ toàn thân mặc đồ trắng từ trong kiệu khoan thai bước ra, cúi đầu, quay sang Kiều Phong lạy phục xuống nói: Vị vong nhân nhà họ Mã là Ôn thị xin tham kiến bang chủ. Kiều Phong đáp lễ, nói: Kính chào tẩu tẩu, không dám. Mã phu nhân nói: Tiên phu chẳng may tạ thế, được nhờ bang chủ cùng các vị bá bá thúc thúc lo liệu tang ma, ơn ấy kẻ sống thừa này nguyện ghi lòng tạc dạ. Giọng nói của bà ta thật trong trẻo dễ nghe, xem ra tuổi còn trẻ lắm, có điều trước sau vẫn cúi gằm mặt xuống nên không ai nhìn rõ dung mạo ra sao.

Kiều Phong đoán rằng Mã phu nhân phát giác ra chuyện gì quan trọng liên quan đến cái chết của chồng nên mới đích thân tới đây. Song là việc bản bang mà bà không báo cho bang chủ biết trước, lại đi tìm Từ trưởng lão và Thiết Diện Phán Quan chủ trì thì ắt hẳn bên trong có điều gì hết sức kỳ lạ. Chàng quay lại đưa mắt nhìn Chấp Pháp trưởng lão, cũng vừa lúc Bạch Thế Kính ngước nhìn chàng, hai người ánh mắt đầy vẻ hoang mang.

Kiều Phong nghĩ mình nên tiếp khách trước rồi sẽ bàn đến việc bản bang sau. Chàng quay sang nói với Đơn Chính: Đơn lão tiền bối, đây là Đàm thị phu phụ của động Xung Tiêu, núi Thái Hàng. Không biết hai bên đã quen biết nhau chưa? Đơn Chính ôm quyền nói: Đã từ lâu nghe đến uy danh của hiền phu phụ, nay may mắn được gặp. Kiều Phong nói: Đàm lão gia tử, xin ông giới thiệu vị tiền bối này để bọn tại hạ khỏi thất lễ. Đàm công chưa kịp trả lời, người khách cưỡi lừa đã lên tiếng: Ta họ Song, tên Oai, ngoại hiệu là Thiết Thí Cổ Phán Quan.

Chính có nghĩa là thẳng, Oai có nghĩa là cong. Thiết Điện Phán Quan Đơn Chính tuy công phu hàm dưỡng cao thật, đến nước này cơn giận vẫn bùng lên, nghĩ thầm: Ta họ Đơn tên Chính, ngươi lại xưng họ Song tên Oai, thế có khác gì cố tình gây sự với ta? Ông sắp nổi nóng thì đã nghe Đàm bà nói: Đơn lão gia tử, xin ông đừng nghe Triệu Tiền Tôn nói năng lung tung, sư ca vốn hay nói giỡn chớ có tin là thật.

Kiều Phong nghĩ thầm: Người này tên là Triệu Tiền Tôn ư? Xem ra không phải tên thật rồi. Chàng bèn nói: Nơi đây không có ghế ngồi, xin quý vị tùy tiện ngồi xuống đất. Đợi cho mọi người yên chỗ rồi chàng mới nói tiếp: Chỉ trong một ngày mà Kiều mỗ gặp được mấy vị tiền bối cao nhân, quả thật vinh hạnh xiết bao. Không biết quí vị giá lâm có điều gì dạy bảo?

Đơn Chính đáp: Kiều bang chủ, quí phái là đại bang đệ nhất giang hồ, mấy trăm năm qua hiệp danh vang thiên hạ, võ lâm mỗi khi nhắc đến hai chữ Cái Bang ai cũng mười phần kính trọng, Đơn mỗ từ xưa tới nay lúc nào cũng thật tôn vinh. Kiều Phong đáp: Không dám.

Triệu Tiền Tôn tiếp lời: Kiều bang chủ, quí phái là đại bang đệ nhất giang hồ, mấy trăm năm qua hiệp danh vang thiên hạ, võ lâm mỗi khi nhắc đến hai chữ Cái Bang ai cũng mười phần kính trọng, Song mỗ từ xưa tới nay lúc nào cũng thật tôn vinh Y nhắc lại lời Đơn Chính từng chữ một, chỉ đổi chữ Đơn thành chữ Song.

Kiều Phong biết những tiền bối cao nhân trong võ lâm nhiều người tính tình cổ quái, gã Triệu Tiền Tôn này không hiểu vì cớ gì cứ châm chọc Đơn Chính mãi, mình chẳng nên đắc tội với bên nào. Thành thử chàng cũng chắp tay nói: Không dám.

Đơn Chính mỉm cười, quay sang nói với con trai đầu là Đơn Bá Sơn: Bá Sơn, những chuyện tới đây con nói cho Kiều bang chủ hay. Người ngoài muốn học con ta thì phải học cho chu đáo…

Mọi người nghe qua không khỏi cười phá lên, nghĩ bụng Thiết Diện Phán Quan nói như thế quả thực thâm trầm. Nếu như Triệu Tiền Tôn lại nhại lời Đơn Bá Sơn thì có khác gì làm con ông ta.

Ngờ đâu Triệu Tiền Tôn cũng nói: Bá Sơn, những chuyện tới đây con nói cho Kiều bang chủ hay. Người ngoài muốn học con ta thì phải học cho chu đáo. Y lại chơi xỏ Đơn Chính một lần nữa, tự xưng là cha của Đơn Bá Sơn.

Đứa con út của Đơn Chính là Đơn Tiểu Sơn tính tình nóng nảy liền cất tiếng chửi ngay: Con mẹ ngươi, bộ ngươi hết chuyện làm, không muốn sống nữa hay sao?

Triệu Tiền Tôn lẩm bẩm nói một mình: Con mẹ ngươi, cái thứ con chết tiệt này đẻ bốn đứa đã là quá, còn thêm đứa thứ năm làm gì. Ha ha, không chừng nó không phải con ruột mình đâu. Nghe y công nhiên khiêu khích mình, Đơn Chính hết nhịn nổi, bèn quay sang nói: Chúng ta là khách của Cái Bang, nếu đấu khẩu ở đây là không nể mặt chủ nhân. Đợi mọi việc xong xuôi tại hạ xin lĩnh giáo các hạ mấy cao chiêu. Bá Sơn! Bây giờ con cứ nói đi!

Triệu Tiền Tôn nhại lại: Chúng ta là khách của Cái bang, nếu đấu khẩu ở đây là không nể mặt chủ nhân. Đợi mọi việc xong xuôi tại hạ xin lĩnh giáo các hạ mấy cao chiêu. Bá Sơn! Bây giờ cháu nội cứ nói di!

Đơn Bá Sơn căm tức những muốn rút đao chém cho mấy nhát mới hả giận, cố nén nộ khí nói với Kiều Phong: Kiều bang chủ! Công việc của quý bang đáng lý cha con chúng tôi không dám can thiệp vào. Nhưng gia gia tôi đã nói: Quân tử yêu người có đức… Y nói tới đây, đưa mắt nhìn Triệu Tiền Tôn xem y có lập lại hay không, nếu y nhại lại cả câu thì có khác gì gọi Đơn Chính bằng gia gia.

Ngờ đâu Triệu Tiền Tôn chữa lại: Kiều bang chủ! Công việc của quý bang đáng lý cha con chúng tôi không dám can thiệp vào. Nhưng con tôi đã nói: Quân tử yêu người có đức… Y đổi chữ hóa ra lại đòi làm cha Đơn Chính. Mọi người nghe thấy ai cũng chau mày cho là Triệu Tiền Tôn đi quá đà, e rằng không tránh khỏi đổ máu.

Đơn Chính thản nhiên nói: Xem ra các hạ nhất định phải gây chuyện với Đơn mỗ cho bằng được. Nhưng Đơn mỗ cùng các hạ vốn không quen biết, có điều chi lầm lỗi xin bảo rõ cho, nếu tại hạ quả có điều không phải, lập tức sẽ xin bồi tội.

Mọi người đều khen thầm Đơn Chính không hổ danh là người nghĩa hiệp bậc nhất Trung Nguyên.

Triệu Tiền Tôn đáp: Ngươi không đắc tội với ta nhưng đã đắc tội với Tiểu Quyên thì còn tệ hại gấp mười lần đắc tội với ta. Đơn Chính lấy làm lạ, hỏi lại: Tiểu Quyên nào? Ta làm gì mà đắc tội với nàng? Triệu Tiền Tôn chỉ vào Đàm bà nói: Vị này là Tiểu Quyên đây. Tiểu Quyên là phương danh của nàng, trong thiên hạ ngoài ta ra không ai được gọi như thế, nghe chưa? Đơn Chính nghe vừa bực mình vừa tức cười, nói: Thì ra đó là phương danh của Đàm bà bà, tại hạ không biết nên mạo muội xưng hô, mong được thứ lỗi. Triệu Tiền Tôn làm ra vẻ kể cả đáp: Không biết thì không có tội, phạm lần đầu tha cho, lần sau không được thế nữa. Đơn Chính nói: Tại hạ tuy bấy lâu ngưỡng mộ đại danh Đàm công, Đàm bà ở động Xung Tiêu núi Thái Hàng nhưng chưa có cơ duyên quen biết. Tại hạ tự xét mình chưa bao giờ phê bình người khác sau lưng, thì sao lại có chuyện đắc tội với Đàm bà?

Triệu Tiền Tôn tức giận trả lời: Ta vừa mới mở miệng hỏi thăm sức khỏe Tiểu Quyên, nàng chưa trả lời thì năm thằng quý tử của nhà người làm bộ làm tịch nghênh ngang đi vào làm gián đoạn câu chuyện, cho đến bây giờ nàng vẫn chưa trả lời ta được. Đơn lão huynh, ngươi thử nghĩ xem Tiểu Quyên là hạng người nào? Triệu Tiền Tôn Lý Chu Ngô Trịnh Vương này là hạng người nào? Đâu phải ai cũng quấy rầy câu chuyện của bọn ta được?

Đơn Chính nghe y nói mấy câu có vẻ kỳ cục, nghĩ thầm người này đầu óc quả là không bình thường, bèn đáp: Tại hạ có điều chưa rõ, xin được thỉnh giáo. Triệu Tiền Tôn đáp: Điều chi? Nếu như ta cao hứng sẽ chỉ cho ngươi rõ. Đơn Chính nói: Đa tạ! Các hạ bảo phương danh của Đàm bà khắp thiên hạ chỉ một mình các hạ được gọi đến, có đúng thế không? Triệu Tiền Tôn đáp: Chính thế. Nếu ngươi không tin, thử gọi thêm một tiếng nữa xem cái thằng Triệu Tiền Tôn Lý Chu Ngô Trịnh Vương Phùng Trần Chử Vệ Tưởng Thẩm Hàn Dương này có xông lên đánh cho ngươi một trận không? Đơn Chính đáp: Tại hạ dĩ nhiên không dám gọi, nhưng chẳng lẽ Đàm công cũng không dám gọi hay sao?

Triệu Tiền Tôn mặt mày tái nhợt, lẳng lặng hồi lâu, ai nấy nghĩ rằng câu hỏi ngoắt ngoéo đó khiến y không trả lời được. Ngờ đâu đột nhiên y khóc rống lên, nước mắt giàn giụa cực kỳ bi thảm.

Chuyện xảy ra thật ngoài dự liệu của mọi người, con người không sợ trời sợ đất, dám trêu chọc cả Thiết Diện Phán Quan, không ngờ chỉ vì một câu nói nhẹ nhàng lại khóc như cha mẹ chết.

Đơn Chính thấy y khóc rất thảm thương bèn nổi lòng từ tâm, bao nhiêu lửa giận từ nãy đến giờ đều tắt ngấm, bèn an ủi: Triệu huynh! Đó là tại hạ có lỗi… Triệu Tiền Tôn nức nở nói: Ta không phải họ Triệu. Đơn Chính lại càng ngạc nhiên hỏi lại: Thế thì các hạ họ gì? Triệu Tiền Tôn đáp: Ta không có họ, đừng hỏi nữa, đừng hỏi nữa…

Mọi người đoán chừng Triệu Tiền Tôn phải có chuyện thương tâm, nhưng thực sự thế nào y không nói ra, người ngoài cũng không tiện hỏi thêm, đành để y sụt sùi nức nở khóc cho hả lòng. Đàm bà sầm mặt xuống nói: Sư ca lại phát khùng rồi. Không sợ mất mặt với các vị bằng hữu hay sao? Triệu Tiền Tôn đáp: Nàng bỏ ta đi lấy cái lão chết tiệt Đàm công kia, ta không thương tâm sao được. Tim ta tan nát rồi, ruột ta đứt đoạn rồi, còn mỗi cái mặt bên ngoài có đáng gì mà mất hay không mất?

Mọi người nghe đều nhìn nhau mỉm cười. Thì ra Triệu Tiền Tôn cùng Đàm bà có một đoạn tình sử, không biết vì sao Đàm bà lại đi lấy Đàm công khiến cho Triệu Tiên Tôn phải đau lòng, thậm chí đến tên tuổi cũng chẳng cần, như điên như rồ, như ngây như dại. Bây giờ vợ chồng họ Đàm đã trên sáu mươi cả rồi, vậy mà Triệu Tiền Tôn kia vẫn còn ôm ấp mối tình cũ kỹ mấy chục năm trời. Đàm bà mặt đã nhăn nheo, đầu tóc bạc phơ, không hiểu lúc trẻ tuổi nhan sắc bà thế nào mà làm rung động Triệu Tiền Tôn, đến già cũng còn lưu luyến.

Đàm bà có vẻ bẽn lẽn, nói: Sư ca còn đề cập đến chuyện cũ làm chi? Nay Cái Bang gặp việc trọng đại cần giải quyết, sư ca phải ngoan ngoãn ngồi nghe là hơn. Mấy câu vừa khuyên bảo vừa giận dỗi kia, Triệu Tiền Tôn nghe rất lọt tai bèn nói: Vậy sư muội cười với ta một cái, ta mới nghe lời. Đàm bà chưa kịp cười, chung quanh đã có lắm người cười trước.

Bà lão dường như chẳng coi ai vào đâu, quay lại nhìn y nhoẻn một nụ cười, Triệu Tiền Tôn nhìn bà như ngây như dại, tâm thần mê mẩn. Đàm công ngồi một bên mặt hầm hầm giận dữ nhưng không biết làm sao hơn.

Đoàn Dự trong tình cảnh này bất giác cả kinh, nghĩ thầm: Ba người này thâm tình như vậy, coi thế nhân chẳng vào đâu, còn ta… ta đối với Vương cô nương mai đây cũng giống như Triệu Tiền Tôn hay sao? Không! Không! Đàm bà kia đối với sư ca hiển nhiên có chút tình ý, còn Vương cô nương thủy chung không quên biểu ca nàng là Mộ Dung công tử. So với Triệu Tiền Tôn thì mình còn bất hạnh hơn!

Còn Kiều Phong thì lại suy nghĩ theo hướng khác: Gã Triệu Tiền Tôn này quả nhiên không phải họ Triệu. Trước nay ta vẫn nghe Đàm công, Đàm bà ở Xung Tiêu động, Thái Hàng sơn nổi tiếng nhờ tuyệt kỹ của phái Thái Hàng, thế nhưng khi nghe ba người này nói chuyện, dường như không cùng môn phái. Thế thì Đàm công thuộc phái Thái Hàng hay Đàm bà mới thuộc phải Thái Hàng? Nếu Đàm công là người phái Thái Hàng thì Triệu Tiền Tôn và sư muội Đàm bà là người của phái nào?

Lại nghe Triệu Tiền Tôn nói: Nghe nói Cô Tô Mộ Dung Phục có cái trò gậy ông đập lưng ông lớn mật làm càn, loạn sát người vô tội. Ta cũng muốn gặp y một chuyến xem tên tiểu tử này có bản lĩnh gì mà đập được lưng ông Triệu Tiên Tôn Lý Chu Ngô Trịnh Vương này. Tiểu Quyên, nàng gọi ta đến Giang Nam, ta đĩ nhiên là phải đi rồi, huống hồ…

Triệu Tiền Tôn còn đang nói dở câu bỗng nghe có tiếng người khóc rống lên, cũng thê thảm nức nở hệt như tiếng y vừa khóc xong. Mọi người đều lấy làm lạ, nghe thấy người kia vừa khóc vừa kể lể: Sư muội yêu quí của ta ơi, ta có chỗ nào không phải với nàng đâu? Sao lại bỏ ta đi lấy cái lão họ Đàm để cho ta đêm thương ngày nhớ không lúc nào khuây. Tiểu Quyên sư muội ơi! Ta nhớ lại lúc sư phụ hãy còn, coi ta và nàng như con đẻ. Sư muội bỏ ta thì còn mặt mũi nào mà sau này trông thấy sư phụ nữa?

Thanh âm ngữ điệu giống hệt giọng của Triệu Tiền Tôn không khác chút nào, nếu mọi người không thấy y há hốc mồm đầy vẻ ngạc nhiên thì ai cũng tưởng chính miệng y nói ra. Mọi người quay đầu nhìn lại thì người phát ra tiếng khóc là một thiếu nữ mặc áo dài màu hồng nhạt. Người con gái đó xoay lưng lại, chính là A Châu. Đoàn Dự, A Bích và Vương Ngữ Yên vốn đã biết nàng rất sở trường về bắt chước cử chỉ cùng giọng nói người khác nên không lấy gì làm lạ. Còn ngoài ra ai cũng vừa ngạc nhiên vừa buồn cười, tưởng rằng Triệu Tiền Tôn nghe xong thể nào cũng nổi giận đùng đùng. Ngờ đâu mấy lời của A Châu chạm vào vết thương trong tâm khảm, y vốn đã ngừng khóc rồi, lúc này lại đỏ hoe mắt, méo xệch miệng, cùng với A Châu kẻ xướng người họa hai bên giọt vắn giọt dài.

Đơn Chính lắc đầu, dõng dạc nói: Đơn mỗ tuy họ Đơn nhưng lại một vợ, bốn nàng hầu, con cháu đầy nhà. Còn vị Song Oai huynh kia, rõ là một mình một bóng, tịch mịch thê lương. Chuyện lỡ làng từ thuở xa xưa, hôm nay nhắc lại e rằng đến khuya cũng chưa hết. Song huynh, chúng ta được Từ trưởng lão và Mã phu nhân của Cái Bang mời đến Giang Nam để bàn về chuyện hôn nhân đại sự của các hạ chăng? Triệu Tiền Tôn lắc đầu, đáp: Không phải. Đơn Chính nói: Thế thì chúng ta đến đây để thương nghị đại sự của Cái Bang, đó mới là chuyện quan trọng: Triệu Tiền Tôn thất nhiên nổi giận, hỏi: Cái gì? Đại sự của Cái Bang mới là chuyện quan trọng, còn chuyện của ta với Tiểu Quyên không quan trọng hay sao?

Đàm công nghe tới đây không còn nhịn nổi nữa liền nói: A Tuệ! Nếu nàng không ngăn những chuyện điên rồ của thằng cha kia lại thì ta không để yên đâu.

Mọi người nghe thấy hai chữ A Tuệ đều nghĩ thầm: Thế ra khuê danh của Đàm bà là A Tuệ, còn tên Tiểu Quyên là do Triệu Tiền Tôn đặt ra.

Đàn bà dậm chân hậm hực nói: Y có gì đâu mà bảo là điên rồ? Ông hại người ta thân tàn ma dại đến thế còn chưa mãn nguyện sao? Đàm công ngạc nhiên hỏi lại: Ta… ta… có làm gì đâu mà bảo là hại y? Đàn bà đáp: Ta lấy cái lão già vô tích sự như ông khiến sư ca phải buồn lòng… Đàm công cãi: Khi bà lấy tôi, tôi đâu có vô tích sự, cũng đâu đã già. Đàm bà nổi giận nói: Nói mà không biết xấu, bộ hồi đó ông đẹp trai lịch sự lắm hả?

Từ trưởng lão và Đơn Chính nhìn nhau lắc đầu, nghĩ thầm: Ba người này đều là tiền bối có danh vọng trong võ lâm, vậy mà trước mặt mọi người tranh cãi về chuyện trai gái đời xửa đời xưa, quả thật nực cười.

Từ trưởng lão đằng hắng một tiếng rồi nói: Phụ tử Đơn huynh ở Thái Sơn, phu phụ Đàm thị ở Thái Hàng Sơn cùng các vị huynh đài hôm nay giá lâm, tệ bang trên dưới ai nấy đều nở mày nở mặt. Mã phu nhân, xin phu nhân kể lại từ đầu cho mọi người nghe.

Vị Mã phu nhân kia vốn chỉ đứng thõng tay cúi đầu ở một bên, quay lưng về phía mọi người. Bà nghe Từ trưởng lão nói thế, chậm rãi xoay lại, nhỏ nhẹ nói: Tiên phu bất hạnh qua đời, tiểu nữ chỉ biết trách mình số mệnh long đong, lại chưa được chút con nào để nối dõi nhà họ Mã… Giọng bà ta tuy nhỏ nhưng thật thanh tao, từng chữ lọt vào tai khiến người nghe thật mủi lòng. Bà nói tới đây dường như đã xúc động, giọng nói thêm vẻ nghẹn ngào. Bao nhiêu vị anh hào trong rừng hạnh nghe nàng nói bất giác động mối thương tâm. Cũng một tiếng khóc mà Triệu Tiền Tôn làm cho mọi người bật cười, A Châu làm cho người ta kinh ngạc, còn Mã phu nhân khiến mọi người chua xót.

Mã phu nhân lại tiếp: Sau khi tiểu nữ an táng tiên phu rồi mới kiểm lại các di vật, ở nơi cất giữ quyền kinh tìm thấy một phong thư dùng xi gắn chặt. Trên bao thư có viết: Nếu như ta chết yên lành, phong thư này lập tức đốt ngay, nếu mở ra xem là khiến vong linh ta ở nơi cửu tuyền không yên ổn. Còn nếu ta chết bất đắc kỳ tử, phong thư này phải giao ngay cho các trưởng lão trong bản bang cùng đọc. Việc này trọng đại vô cùng, không được lầm lỡ…

Mã phu nhân nói đến đây, khu rừng hạnh im phăng phắc, đến một chiếc kim rơi xuống đất cũng nghe. Bà ta ngừng lại một chút rồi nói tiếp: Tiểu nữ thấy tiên phu viết trịnh trọng như thế, biết là việc lớn nên lập tức tìm bang chủ để trình di thư lên. Cũng may bang chủ đang cùng các trưởng lão đến Giang Nam về việc báo thù cho tiên phu. Vì lẽ đó tiểu nữ chưa trình được thư.

Mọi người nghe thấy bà ta nói có vẻ khác lạ, nhấn mạnh cũng may rồi vì lẽ đó, ai cũng liếc nhìn Kiều Phong.

Kiều Phong từ chiều tối tới giờ thấy xảy ra âm mưu trọng đại nhằm vào mình, tuy đã dẹp yên Toàn Quan Thanh và bốn trưởng lão nổi loạn, nhưng chưa thể gọi là kết thúc. Bây giờ chàng nghe Mã phu nhân nói lại thấy nhẹ nhõm hơn, thần sắc thản nhiên nghĩ thầm: Bọn họ có âm mưu gì cứ nói ra cho xong. Kiều mỗ bình sinh không làm việc gì ám muội thì còn sợ gì ai vu hãm.

Lại nghe Mã phu nhân tiếp tục: Tiểu nữ biết lá thư này có liên hệ trọng đại đến bản bang, bang chủ và các trưởng lão lại không ở Lạc Dương, sợ lỡ việc nên lập tức đến Trịnh Châu cầu kiến Từ trưởng lão để nhờ lão nhân gia lo liệu. Chuyện về sau thế nào xin Từ trưởng lão nói cho các vị đây nghe.

Từ trưởng lão hắng giọng mấy tiếng rồi mới nói: Việc này nói ra ân oán rất nhiều. Lão phu thấy quả là khó nghĩ. Mấy câu đó thanh âm trầm buồn, xem ra có chiều u uất. Lão chậm rãi cởi một chiếc bao vải trên lưng xuống, mở ra lấy một cái bao bằng giấy dầu, lại từ bên trong bao lấy ra một phong thư, nói: Đây là di thư của Mã Đại Nguyên. Tằng tổ, tổ phụ, rồi phụ thân của Đại Nguyên mấy đời đều là người trong Cái Bang, nếu không phải trưởng lão thì cũng là đệ tử tám túi. Ta biết Đại Nguyên từ bé, rất thuộc bút tích của y. Chữ trên bao thư này đích xác là do Đại Nguyễn viết. Khi Mã phu nhân giao cho ta phong thư, dấu niêm phong vẫn còn nguyên vẹn chưa ai đụng tới. Ta cũng lo rằng lỡ mất đại sự, lập tức mở ra xem mà không đợi tụ tập đủ các trưởng lão. Lúc mở bao thư thì có Thiết Diện Phán Quan đất Thái Sơn cũng đang ở đó, có thể làm chứng việc này.

Đơn Chính nói: Đúng như vậy, lúc đó tại hạ đến thăm Từ lão tại nơi ẩn cư, chính mắt nhìn thấy ông ta bóc thư ra xem.

Từ trưởng lão mở phong bì lấy ra một tờ giấy, nói: Ta vừa xem lá thư này, thấy nét chữ không phải là của Đại Nguyên đã hơi kinh ngạc, thấy đầu thư đề là Kiếm Nhiêm huynh đệ, lại càng kỳ quái. Các vị cũng đã biết, Kiếm Nhiêm là tên riêng của Uông bang chủ tiền nhiệm bản bang, nếu không phải là người giao tình rất hậu với ông ta thì không dám xưng hô như thế. Hơn nữa Uông bang chủ qua đời đã lâu, sao lại còn có ai viết thư cho ông? Ta chưa xem trong thư viết gì, vội giở đoạn cuối xem người ký tên, vừa đọc đến lại càng kinh ngạc thêm. Lúc đó ta buột miệng kêu lên: Ô! Thì ra là ông ta! Đơn huynh động tính hiếu kỳ, ngoái đầu sang coi rồi cũng bật lên tiếng: Ô! Thì ra là ông ta!.

Đơn Chính gật đầu, ý nói lúc đó quả là như vậy.

Triệu Tiền Tôn chen vào: Lão Đơn kia, thế là không được! Đó là mật thư của Cái Bang. Lão không phải là đệ tử một túi, hai túi, đến cả một tên ăn mày hạng bét đi xin cơm ăn cũng chưa phải. Sao lão xem trộm mật thư của người ta? Ai cũng nghĩ ở điên điên khùng khùng, nhưng câu này quả là hợp lý. Đơn Chính mặt hơi đỏ lên, nói: Ta… ta chỉ nhìn chỗ ký tên dưới lá thư chứ không nhìn bên trong lá thư viết gì. Triệu Tiền Tôn nói: Dù ăn cắp một ngàn lạng vàng hay ăn cắp một đồng tiền cũng là ăn cắp. Tiền nhiều ít khác nhau, nên có ăn cắp lớn ăn cắp nhỏ. Thế nhưng ăn cắp lớn cũng là ăn cắp mà ăn cắp nhỏ thì cũng là ăn cắp. Ngó trộm thư người ta thì không phải là người quân tử. Đã không phải là quân tử thì là tiểu nhân, đã là tiểu nhân thì là hạng đê hèn bỉ ổi. Đã đê hèn bỉ ổi thì nên giết quách đi.

Đơn Chính giơ tay xua xua năm đứa con, ý nói không được vọng động, cứ để cho y mặc sức nói càn rồi sau sẽ hay. Lão tuy trong bụng hết sức tức tối nhưng cũng cảm thấy có điều gì khác lạ, tự hỏi: Gã này vừa gặp mình là đã tìm đủ cách để gây chuyện, không lẽ có thù oán gì với mình từ trước chăng? Trên giang hồ cũng chẳng mấy người không nể mặt Thái Sơn Đơn gia. Sao ta nghĩ mãi không ra nhỉ?

Mọi người đang chờ Từ trưởng lão nói tên người ký dưới lá thư, xem đó là hạng người nào mà khiến cho ông ta và Đơn Chính phải kinh ngạc. Khi họ nghe Triệu Tiền Tôn nói chuyện lôi thôi rắc rối thì nhiều người trừng mắt nhìn y ra chiều tức giận.

Đàm bà thốt nhiên nói: Các ngươi nhìn gì? Sự ca ta nói câu nào câu nấy đều trúng phóc. Triệu Tiền Tôn thấy Đàm bà lên tiếng bênh mình, thật như mở cờ trong bụng, nói: Các ngươi xem đó, đến Tiểu Quyên cũng còn nói thế thì làm sao mà trật được? Tiểu Quyên nói gì, làm gì xưa nay không bao giờ sai.

Bỗng dưng một giọng nói y hệt cất lên: Đúng đó, Tiểu Quyên nói gì, làm gì xưa nay không bao giờ sai. Bà ta lấy Đàm công, không chịu lấy ngươi, cũng hoàn toàn là đúng! Người nói chính là A Châu. Nguyên từ lúc triệu Tiền Tôn buông lời khinh miệt Mộ Dung công tử, nàng vẫn còn bực mình, nên cứ nhè y mà khiêu khích. Triệu Tiền Tôn nghe tới vậy nụ cười bỗng tắt ngấm, quả là trúng phải tuyệt kỹ gây ông đập lưng ông của nhà Mộ Dung.

Lập tức có hai ánh mắt nhìn A Châu cực kỳ thắm thiết, bên trái là của Đàm công, bên phải là của Đơn Chính.

Bóng người thấp thoáng, Đàm bà đã nhảy đến trước mặt A Châu, giơ tay tát một cái thật mạnh, quát lên: Ta lấy chồng đúng hay sai thì việc gì đến con tiện tì này? Bà ra tay cực nhanh, A Châu muốn tránh mà không kịp, người ngoài cũng không cách nào cứu viện. Chỉ nghe bốp một tiếng, khuôn mặt trắng nõn nà của A Châu đã hằn năm vết ngón tay thâm tím.

Triệu tiền Tôn cười ha hả, nói: Dạy cho con tiện tì này một bài học là phải, ai bảo mi xía miệng vô chuyện người khác.

A Châu nước mắt chạy quanh sắp òa lên khóc, Đàm công đã bước tới thò tay vào trong bọc lấy ra một cái hộp bằng ngọc nhỏ, mở nắp hộp, bôi cao vào đầu ngón tay xoa lên má nàng. Đàm bà đánh nàng một cái tát, thủ pháp cực kỳ nhanh nhẹn, nhưng bất qua cũng chỉ vung tay ra rồi rụt tay về, còn Đàm công thoa thuốc lên mặt, bao nhiêu động tác phiền phức mà lại càng mau lẹ hơn. Nàng chưa kịp né tránh, cao đã bôi vào mặt rồi, khuôn mặt đang sưng lên rát bỏng đột nhiên thấy mát rượi khoan khoái. Đồng thời bàn tay trái lại có thêm vật gì, nàng mở ra thấy một cái hộp ngọc bóng loáng, biết là Đàm công tặng cho mình loại diệu dược trị thương linh nghiệm. A Châu chưa kịp khóc đã bật cười.

Từ trưởng lão không lý gì đến việc Đàm bà càu nhàu với Đàm công, hạ thấp giọng nói tiếp: Các vị huynh đệ! Người viết lá thư đó là ai, lúc này không tiện nói ra. Từ mỗ ở trong Cái Bang hơn bảy mươi năm, thoái ẩn vào chốn sơn lâm đã ba mươi năm, không còn xông pha giang hồ, chẳng tranh chấp với ai, cũng không gây thù chuốc oán. Từ mỗ sống trên đời cũng đã nhiều, đã không con cháu lại không đồ đệ, tự thấy lòng không mảy may tư vị. Ta sắp nói mấy câu, liệu các vị có tin được không? Quần cái đồng thanh đáp: Không tin Từ trưởng lão thì còn biết tin ai? Từ trưởng lão lại quay sang nhìn Kiều Phong, hỏi: Ý bang chủ thế nào? Kiều Phong đáp: Kiều mỗ trước nay đối với Từ trưởng lão vẫn một lòng kính trọng, tiền bối hẳn đã biết rồi.

Từ trưởng lão nói tiếp: Ta đọc xong lá thư đó, trong lòng nghi hoặc, vừa đau thương lại vừa phẫn nộ. Từ mỗ e mình có chỗ sai lầm liền trao cho Đơn huynh coi. Các vị nên biết rằng Đơn huynh cùng người viết thư trước nay giao hảo, có thể nhận ra bút tích của y. Việc này quan hệ rất lớn, Từ mỗ phải nhờ Đơn huynh kiểm tra cho rõ bức thư này là chân hay giả.

Đơn Chính trừng mắt nhìn Triệu Tiền Tôn ý như muốn bảo: Ngươi còn nói gì nữa thôi? Triệu Tiền Tôn nói: Từ trưởng lão đưa cho ngươi thì dĩ nhiên ngươi có thể coi. Thế nhưng lần đầu ngươi coi là coi lén. Cũng chẳng khác gì một tên đại đạo về sau phát tài không đi ăn cắp nữa, nhưng dẫu y có là tài chủ cũng không rửa được cái tiếng xuất thân đạo tặc.

Từ trường lão không thèm lý đến Triệu Tiền Tôn phá rối, nói tiếp: Đơn huynh! Xin Đơn huynh tuyên bố cho mọi người hay bức thư là chân hay giả!

Đơn Chính đáp: Tại hạ và người viết thư kết bạn lâu năm, trong nhà còn giữ nhiều thư từ của người đó nên lập tức dẫn Từ trưởng lão và Mã phu nhân về tệ xá lấy những lá thư cũ ra so, bút tích quả nhiên giống hệt, ngay cả giấy hoa tiên và phong bì cũng cùng một kiểu, quả là thư thật không còn ngờ gì nữa.

Từ trường lão nói: Lão phu chẳng còn sống được mấy năm nữa nên làm việc gì cũng phải dè dặt. Huống chi việc này có quan hệ đến việc hưng suy của bản bang, cùng thanh danh và tính mệnh của một vị anh hùng hào kiệt, khi nào lại dám mạo muội, cẩu thả.

Mọi người nghe ông ta nói thế, ai nấy đưa mắt nhìn Kiều Phong, biết ngay người anh hùng hào kiệt mà ông ta ám chỉ chính là Kiều bang chủ. Có điều không ai dám nhìn thẳng, khi chạm vào ánh mắt ông là lập tức cúi đầu xuống.

Từ trưởng lão nói tiếp: Lão hủ biết Đàm thị phu phụ ở Thái Hàng Sơn cùng người viết thư quen biết nhau từ lâu, bèn đến Xung Tiêu Động thỉnh giáo. Đàm công, Đàm bà đã đem hết các điều ủy khúc nói rõ với lão phu. Lão phu thực không dám nói thẳng, đau thương biết bao, xót xa biết bao.

Bấy giờ mọi người mới rõ chính Từ trưởng lão mời vợ chồng Đàm công, Đàm bà và Đơn Chính tới Cái Bang để chứng minh việc này cho mình.

Từ trưởng lão lại tiếp: Lúc đó Đàm bà lại bảo có một vị sư huynh đã được mục kích việc này. Nếu mời được chính vị này lại thì rõ ràng lắm. Vị này chính là Triệu Tiền Tôn tiên sinh. Nhưng tiên sinh này tính khí khác người, không ai mời được, chỉ có Đàm bà là tiên sinh rất kính nể. Bức thư của bà vừa tới nơi, tiên sinh đã nhận lời tới ngay…

Đàm công đột nhiên nổi giận, nhìn Đàm bà hỏi: Cái gì? Bà gọi y tới đấy ư? Sao không nói cho ta biết trước mà lại lén lút thậm thụt với nhau? Đàm bà cũng giận, đáp: Cái gì mà lén lút thậm thụt? Ta viết thư, nhờ Từ trưởng lão sai người đem đi là việc quang minh chính đại. Lão tính hay ghen bậy, biết được lại ầm cửa ầm nhà nên ta mới không cho lão hay. Đàm công nói: Làm việc giấu chồng là không giữ đạo xướng tùy, như thế không được!.

Đàm bà không thèm cãi, vung tay tát bốp một cái giữa mặt chồng. Đàm công võ công rõ ràng cao hơn vợ nhiều nhưng lại không đỡ gạt cũng chẳng né tránh, cứ để yên cho bà ta đánh một chưởng, rồi thò tay vào túi lấy ra một cái hộp nhỏ, quệt chút cao xoa lên mặt lập tức mặt bớt sưng liền. Người đánh đã nhanh, người chữa lại còn nhanh hơn. Lửa giận hai ông bà nháy mắt đã tiêu tan, người ngoài trông thấy ai cũng nực cười.

Chỉ nghe Triệu Tiền Tôn thở dài một tiếng, thanh âm thật là ai oán bi thương, nói: Thì ra là thế, thì ra là thế! Hỡi ôi! Nếu sớm biết thế này thì xưa kia ta chịu để cho nàng tát mấy cái, phỏng có khó gì! Giọng y đầy vẻ hối hận.

Đàm bà cũng buồn rầu nói: Ai bảo xưa kia sư huynh hễ bị muội đánh một tát là đánh lại ngay, chẳng chịu nhượng bộ bao giờ.

Triệu Tiền Tôn ngẩn người đứng chết sững, xuất thần nhớ lại năm xưa, cô tiểu sư muội tính tình nóng nảy hay hờn, động tí là xuất thủ ngay. Mỗi khi mình vô duyên vô cớ bị nàng đánh, không nhịn được lại tranh cãi với nhau thành ra mối lương duyên không thể thành toàn. Bây giờ y thấy Đàm công bị tát cứ lẳng lặng chịu đòn không hề oán hận mới chợt hiểu ra, trong lòng đau đớn không chịu nổi. Mấy chục năm qua y trách móc tiểu sư muội bỏ mình đi theo người khác, tưởng phải có nguyên do gì trọng đại, ngờ đâu đối phương chỉ có một tuyệt kỹ gậy bà đập lưng tôi mà thôi. Ôi, nếu như khi đó ta bảo nàng đánh thêm mấy cái thì chắc nàng lại không đánh nữa.

Từ trưởng lão nói: Triệu Tiền Tôn tiên sinh! Xin tiên sinh tuyên bố cho một câu, những việc viết trong lá thư kia là thật hay là giả?

Triệu Tiền Tôn vẫn lẩm bẩm một mình: Ta đúng là ngốc tử, sao lúc đó lại không nghĩ ra? Học võ là để đánh kẻ thù, đánh ác nhân, đánh bọn tiểu nhân đê hèn, lẽ đâu lại đi đánh người mình yêu, đánh người trong mộng? Đánh là đánh yêu, chửi là chửi yêu, vài cái tát có gì quan trọng đâu mà ta không chịu nổi.

Mọi người thấy ông ta si tình cũng đáng thương nhưng cũng thật tức cười. Cái Bang đang có đại sự cần giải quyết, Từ trưởng lão mời người từ xa ngàn dặm đến làm chứng, lại gặp phải một tên si mê ngơ ngẩn, nói ra không biết có thể tin nổi hay không.

Từ trưởng lão lại nhắc: Triệu Tiền Tôn tiên sinh, chúng tôi mời tiên sinh tới đây là để nói về chuyện trong bức thư.

Triệu Tiền Tôn đáp: Đúng rồi! Đúng rồi! Trưởng lão hỏi về việc lá thư chứ gì? Lá thư ấy tuy ngắn nhưng tình ý triền miên: Trước đây bốn mươi năm là bạn đồng học, tình cảnh còn như trước mắt. Mỗi lần muội nhớ đến lại tưởng mới hôm qua, sư huynh bây giờ tuy đầu sắp bạc mà bộ mặt tươi cười chẳng khác năm xưa. Từ trưởng lão hỏi về lá thư của Mã Đại Nguyên để lại, y lại đọc thuộc lòng lá thư của Đàm bà.

Từ trưởng lão không biết làm thế nào, quay lại nói với Đàn bà: Đàm phu nhân! Xin phu nhân hỏi tiên sinh giúp cho.

Ngờ đâu Đàm bà thấy Triệu Tiền Tôn đem một lá thư bình thường của mình ra đọc trơn như cháo chảy, bất giác cũng thả hồn vào cõi hư vô, trong lòng xiết bao cảm động, dịu dàng nói: Sư ca! sư ca nói lại khi đó tình cảnh như thế nào?

Triệu Tiền Tôn đáp: Tình cảnh còn như trước mắt, mọi chuyện ta cũng nhớ như mới hôm qua, sư muội tết hai bím tóc, mỗi bên buộc một sợi chỉ đỏ, hôm đó sư phụ dạy chúng mình chiêu Thâu Long Chuyển Phượng… Đàm bà chầm chậm lắc đầu nói: Sư ca, không phải Từ trưởng lão hỏi chuyện chúng mình thuở trước. Sư ca có tham dự cuộc huyết chiến ở Loạn Thạch Cốc ngoài Nhạn Môn Quan, tình hình lúc đó như thế nào, sư ca kể cho mọi người nghe đi.

Triệu Tiền Tôn run run nói: Ngoài Nhạn Môn Quan ư? Nơi Loạn Thạch Cốc… ta… ta… Mặt y đột nhiên biến sắc, xoay mình một cái về hướng tây nam là chỗ không người, y co giò chạy tuốt, thân pháp cực kỳ mau lẹ. Y đã chạy vào trong rừng thì thật khó mà đuổi kịp, mọi người cùng kêu lên: Triệu Tiền Tôn tiên sinh! Đừng chạy, mau quay lại! Triều Tiên Tôn nào có nghe, lại càng ra sức chạy nhanh.

Đột nhiên có tiếng nói dõng dạc: Sư huynh bây giờ đầu đã bạc, bộ mặt méo mó chẳng giống năm xưa… Triệu Tiền Tôn lập tức đứng lại, quay đầu hỏi: Ai nói đó? Người kia nói tiếp: Nếu không thế thì sao trông thấy Đàm công lại tự thẹn mình kém cỏi, co giò chạy trốn? Mọi người nhìn xem ai nói, thì ra Toàn Quan Thanh.

Triệu Tiền Tôn bực tức đáp: Cái gì mà bảo thẹn vì mình kém cỏi? Y bất quá chỉ có công phu chịu đòn không đánh trả mà thôi, chứ có gì hơn ta đâu?

Đột nhiên từ bên kia khu rừng hạnh có tiếng một ông già nói: Biết chịu đòn không đánh trả là công phu khó học nhất trong thiên hạ, há phải chuyện tầm thường?

Đọc Thiên long bát bộ, chương 01 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 02 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 03 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 04 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 05 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 06 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 07 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 08 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 09 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 10 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 11 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 12 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 13 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 14 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 15 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 16 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 17 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 18 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 19 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 20 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 21 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 22 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 23 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 24 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 25 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 26 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 27 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 28 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 29 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 30 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 31 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 32 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 33 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 34 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 35 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 36 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 37 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 38 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 39 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 40 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 41 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 42 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 43 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 44 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 45 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 46 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 47 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 48 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 49 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 40 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, toàn tập tại đây.

nhavantuonglai

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Thích Nhất Hạnh | Sợ hãi (Chương 11)

Thích Nhất Hạnh | Sợ hãi (Chương 11)

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân khai sáng chánh niệm giúp…

Thích Nhất Hạnh | Sợ hãi (Chương 16)

Thích Nhất Hạnh | Sợ hãi (Chương 16)

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân khai sáng chánh niệm giúp…

Đăng ký nhận bảng tin hàng tuần

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.