Kim Dung | Thiên long bát bộ (Chương 20)
Trong những tinh phẩm thượng thừa, Thiên Long bát bộ luôn được đánh giá là một trong những kiệt tác của Kim Dung.
· 57 phút đọc.
Tiếng hú của Kiều Phong làm Đơn Chính muốn điếc cả tai, đầu óc lùng bùng, chân lảo đảo đứng không vững, quần hùng bất giác cũng lùi lại mấy bước. Đơn Tiểu Sơn đứng gần đó lập tức xông lên giơ đao đâm tới. Mũi đao chỉ còn cách ngực Kiều Phong chừng một thước mà chàng không hề có ý tránh né. Bọn Ngô trưởng lão, Bạch Thế Kính của Cái Bang đều nhắm mắt lại không nỡ nhìn cảnh tượng bi thảm.
Đột nhiên từ trên không nghe vụt một tiếng, một người nhào xuống cực kỳ nhanh nhẹn, rơi ngay vào sống đao của Đơn Tiểu Sơn. Y không gượng nổi, phải hạ thấp tay đao xuống. Quần hùng đang la lên những tiếng kinh ngạc, thì từ trên không lại nhào xuống một người nữa, đầu xuống trước, chân xuống sau, cũng thật là mau lẹ. Nghe bốp một tiếng, đầu gã này va vào đầu Đơn Tiểu Sơn, cả hai cái đầu liền vỡ nát.
Quần hùng định thần nhìn lại thì hai người nhào xuống đều là hảo hán đứng trên mái nhà canh chừng Kiều Phong đào tẩu, chắc là bị ai bắt dùng làm ám khí ném xuống. Trong sảnh lập tức đại loạn, tiếng người xôn xao ầm ĩ. Từ trên mái nhà tung xuống một sợi dây thừng, lướt ngang đầu mọi người như một cây nhuyễn tiên, quần hùng tới tấp đưa binh khí lên đỡ. Sợi thừng liền vòng trở lại, quấn vào hông Kiều Phong rồi kéo vụt lên.
Ba vết thương của Kiều Phong đều đang tuôn máu, tay trái vẫn còn ôm A Châu nhưng không còn chút sức lực nào, khi chàng bị sợi dây thừng cuốn đi, A Châu lập tức tuột ra. Mọi người nhìn theo sợi thừng, thấy đầu dây kia đang nằm trong tay một đại hán cao to mặc quần áo đen, mặt bịt khăn đen chỉ lộ đôi mắt, đứng trên mái nhà.
Đại hán cắp Kiều Phong vào nách, sợi dây lại tung ra quấn ngay vào cây cột cờ ngoài cổng Tụ Hiền Trang. Quần hùng kêu la ầm ĩ, lập tức cương tiêu, tụ tiễn, phi đao, thiết chùy, phi hoàng thạch, súy thủ tiễn đủ loại ám khí đều nhắm vào Kiều Phong cùng đại hán kia ném tới. Đại hán áo đen níu sợi dây thừng nhẹ nhàng đu người ra, đáp xuống đỉnh cột cờ. Lúc đó mới nghe chát chát, lách cách liên tiếp, mấy chục món ám khí bắn vào cây cột. Sợi dây thừng lại tung ra, quấn lấy một cây to cách xa bảy tám trượng, đại hán cắp Kiều Phong đu ra bay vượt qua cả cái cây, cách cột cờ đến hơn mười trượng mới rơi xuống. Y lại quăng dây lần nữa quấn vào một cái cây ở xa hơn, cứ thế vài lần đã biến mất không tăm tích, dĩ nhiên không để lại cả dấu chân.
Kiều Phong tuy bị thương nặng song thần trí vẫn tỉnh táo. Đại hán quăng dây thừng cứu chàng thoát hiểm, nhất cử nhất động chàng đều nhìn rõ, Chàng hết sức cảm kích cái ơn cứu mạng, lại nghĩ thầm: Quăng dây chuẩn xác như thế ta cũng làm được, thế nhưng dùng sợi dây làm nhuyễn tiên sử chiêu Thiên Nữ Tán Hoa đánh dạt cả mấy chục người, ta chưa đến trình độ đó.
Đại hán áo đen đặt Kiều Phong lên lưng ngựa, hai người cưỡi chung một con chạy thẳng về hướng bắc, vừa chạy y vừa lấy thuốc ra rịt vào ba chỗ vết thương cho Kiều Phong. Kiều Phong bị mất máu quá nhiều nên cực kỳ hư nhược, mấy lần suýt ngất đi. Nhưng mỗi khi sắp ngất, chàng hít mạnh một hơi, nội lực lưu chuyển rồi tinh thần lại trấn tĩnh. Đại hán phóng ngựa thẳng phía tây bắc, đường đi càng lúc càng hiểm trở. Về sau không còn đường lối nữa, con ngựa phải len lỏi vào những bãi đá chất chồng.
Thêm nửa giờ nữa thì không còn đi ngựa được. Đại hán ôm Kiều Phong trong tay, xuống ngựa trèo lên đỉnh núi. Kiều Phong thân thể nặng nề mà y bồng cứ nhẹ như không, tuy ở nơi cheo leo hiểm trở mà vẫn chạy nhảy như bay. Về sau đến những vách đá dựng đứng không có chỗ để chân, đại hán lại ném dây thừng quấn vào cây bên kia vực mà nhảy qua. Y cứ thế mà qua tám cái khe núi, rồi trèo xuống một cái vực sâu, đứng dưới nhìn lên không thấy trời xanh, lúc đó mới dừng lại để Kiều Phong xuống.
Kiều Phong gắng gượng đứng lên nói: Đại ân không thể dùng lời mà cảm tạ, chỉ xin ân huynh cho Kiều Phong này được thấy chân diện.
Đại hán đưa cặp mắt sáng rực nhìn đi nhìn lại mặt Kiều Phong, một lát sau mới nói: Trong sơn động có nửa tháng lương khô, đủ dùng trong lúc ngươi dưỡng thương. Địch nhân không có cách nào tìm đến đây được. Kiều Phong nói Xin vâng! rồi nghĩ thầm: Nghe thanh âm người này hình như tuổi không còn trẻ. Đại hán áo đen xem xét chàng một hồi nữa, bỗng vung tay phải lên tát Kiều Phong bốp một cái. Y ra tay cực kỳ mau lẹ, Kiều Phong tuyệt nhiên không ngờ ân nhân lại ra tay đánh mình, phát chưởng đó thủ pháp cũng kỳ dị, thành thử không sao tránh được.
Đại hán lại toan tát cái thứ hai. Hai cái tát chỉ cách nhau trong chớp mắt, nhưng Kiều Phong đã có chuẩn bị rồi, đời nào để bị đánh trúng nữa. Thế nhưng y là ân nhân cứu mạng nên Kiều Phong không có ý đối địch, cũng không có hơi sức để tránh né, chỉ đưa tay trái lên má, chĩa một ngón đón lấy chưởng tâm.
Ngón tay đó trở đúng vào huyệt Lao Cung trong lòng bàn tay đại hán, nếu y tiếp tục đánh xuống, chưa chạm tới mặt Kiều Phong thì huyệt đạo đã bị ngón tay đâm trúng rồi. Bàn tay y còn cách má Kiều Phong độ một thước, lập tức biến chiêu thật lẹ, xoay lưng bàn tay đánh vào, Kiều Phong cũng nhanh nhẹn xoay ngón tay trỏ vào huyệt Nhị Gian trên lưng bàn tay y.
Đại hán cười một tràng dài, tay phải giật về, tay trái liền chém tới. Ngón tay bên trái Kiều Phong lập tức dựng lên chỉ thẳng vào huyệt Hậu Khoát ở cạnh bàn tay. Y hơi đưa tay lên cao, nhưng vẫn tiếp tục đánh tới không chậm chút nào, Kiều Phong lại di động ngón tay hướng vào huyệt Tiền Cốc ở cổ tay đối phương. Chỉ trong khoảnh khắc, đại hán vũ lộng song chưởng biến chiêu hơn chục lần, còn Kiều Phong chỉ thủ mà không công, thủy chung vẫn đưa ngón tay nhằm vào huyệt đạo chống đỡ để đối phương không đánh tới được. Đại hán chỉ xuất kỳ bất ý tát được chàng một cái lúc đầu, sau đó không thể nào đánh trúng được nữa. Hai người kẻ đánh, người đỡ dù chỉ hời hợt trên không, nhưng đều sử dụng võ công thượng thừa.
Được khoảng hai chục chiêu, đại hán thấy Kiều Phong tuy đã trọng thương mà vẫn biến chiêu thần tốc, nhận huyệt chuẩn xác, y thu chưởng về, nhảy lùi lại nói: Ta không ngờ ngươi ngu xuẩn đến thế. Lẽ ra ta chẳng nên cứu ngươi làm chi. Kiều Phong đáp: Kiều mỗ xin kính cẩn nghe ân công giáo huấn. Đại hán mắng: Ngươi là đồ con lừa! Đã luyện võ công đến mức vô địch thiên hạ, sao lại vì một đứa con gái lưu lạc giang hồ mà bỏ mạng? Con bé đó đã không thân thích lại không ơn nghĩa gì với ngươi, cũng chẳng phải là giai nhân nghiêng nước nghiêng thành, chỉ là một con thị tì hạ lưu chứ là gì đâu. Trong thiên hạ sao lại có kẻ điên rồ như ngươi? Kiều Phong thở dài một tiếng rồi đáp: Ân công dạy phải lắm. Kiều Phong này đem thân hữu dụng mà làm chuyện vô ích, quả là sai lầm. Chỉ vì nhất thời bồng bột, nóng giận bực tức, tính dã man hung dữ nổi lên nên không kịp suy xét đến hậu quả.
Đại hán kia nói: Ha ha! Tính dã man hung dữ nổi lên… Y ngửa mặt lên trời, cất tiếng cười một tràng dài. Kiều Phong thấy trong tiếng cười đầy vẻ thê lương, không khỏi ngạc nhiên. Thốt nhiên đại hán đứng phắt dậy, nhảy vọt ra xa, thân hình lạng đi một cái đã khuất sau một tảng đá lớn. Kiều Phong gọi với theo: Ân công! Ân công! Chỉ nghe tiếng chân nhảy luôn mấy bước nữa, rồi mỗi lúc một xa. Kiều Phong cũng toan chạy theo, nhưng người lảo đảo muốn ngã, phải vịn vào vách núi mới đứng được.
Chàng định thần quay lại, quả nhiên sau vách đá có một sơn động. Kiều Phong men theo vách núi, chầm chậm đi vào trong hang, thấy trên mặt đất để đầy thịt nướng, gạo rang, trái cây khô, đậu phộng, cá muối, toàn là lương thực để lâu được, tuyệt diệu nhất là có cả một vò rượu lớn. Chàng mở nắp ra, một mùi hương ngào ngạt xông lên mũi, vội thò tay vào cốc rượu ra uống thử, quả là loại mỹ tửu thượng đẳng. Kiều Phong cảm kích vô cùng, nghĩ thầm: Sao ân công chu đáo đến thế, biết ta thích rượu, lại dự bị sẵn nơi đây. Đường núi hiểm trở khó đi, mang được vò rượu lớn thế này xuống đây, quả thật phí nhiều công sức.
Thứ thuốc đại hán nọ bôi lên vết thương cho chàng thật là công hiệu, lúc này đã cầm máu rồi, chỉ mấy giờ sau cơn đau đã giảm. Kiều Phong thân thể tráng kiện, nội công thâm hậu, mà vết thương chỉ ở ngoài da thịt, chỉ bảy tám ngày đã liền da đến non nửa.
Trong bảy tám ngày đó, chàng chỉ nghĩ đến hai việc: Cừu nhân ta là ai? Ân nhân ta là ai? Cả hai người đều có bản lĩnh ghê gớm, xem ra chẳng kém gì mình. Trong võ lâm, những người thân thủ như thế chỉ đếm được trên đầu ngón tay, chàng liệt kê cả ra, nhưng nghĩ qua nghĩ lại cũng không thấy ai phù hợp. Cừu nhân chàng chưa hề thấy, chẳng thể nào đoán được thì cũng đành, thế nhưng vị ân nhân đã trao đổi đến hơn hai chục chiêu mà cũng không thể nào đoán được gia số môn phái. Chiêu thức thật là bình thường, nhưng trong cái đơn giản chất phác chứa đựng tinh túy cao siêu chẳng khác gì chàng sử Thái Tổ Trường Quyền ở Tụ Hiền Trang, không bộc lộ lai lịch chút nào.
Mới hai ngày, Kiều Phong đã uống sạch vò rượu không còn một giọt. Chàng cố đợi đến ngày thứ hai mươi thì mấy chỗ vết thương đã khỏi bảy tám phần, nổi cơn thèm rượu không sao nhịn nổi. Chàng liệu chừng đã có đủ sức trèo núi vượt khe, bèn ra khỏi sơn động, trở lại giang hồ.
Kiều Phong nghĩ bụng: A Châu rơi vào tay bọn chúng, nếu chết thì đã chết rồi, nếu sống được thì mình cũng chẳng cần lo liệu cho cô ta. Việc quan trọng trước mắt là phải điều tra xem mình là giống người nào. Song thân và sư phụ cùng chết một ngày, thân thế ta lại càng mơ hồ chẳng biết hỏi ai, thôi thì phải ra Nhạn Môn Quan xem bài di văn trên vách núi.
Tính toán xong, Kiều Phong đi về hướng tây bắc đến một thị trấn, việc đầu tiên là tìm vào hàng rượu uống hai chục bát. Chàng còn mấy lạng bạc vụn, chỉ uống ba ngày đã hết sạch.
Bấy giờ nhà Đại Tống làm chủ Trung Nguyên, chia thiên hạ ra thành mười lăm lộ, đặt kinh đô ở Đại Lương, gọi phủ Khai Phong là Đông Kinh, Lạc Dương ở Hà Nam là Tây Kinh, Tống Châu là Nam Kinh, Đại Danh là Bắc Kinh, tổng cộng tứ kinh, Khi đó Kiều Phong đang ở Nhữ Châu thuộc lộ Tây Kinh, đến Lương Huyện thì tiền bạc hết nhẵn, chàng bèn chờ đến đêm lẻn vào huyện đường, trộm mấy trăm lượng bạc trong công khố. Thế là nhà Đại Tống phải đài thọ cuộc hành trình của chàng, trên đường đi tha hồ ăn uống phủ phê, cao lương mỹ tửu. Chẳng bao lâu đã đến Đại Châu thuộc lộ Hà Đông.
Ải Nhạn Môn Quan ở trên núi Nhạn Môn, cách Đại Châu ba mươi dặm về phía Bắc. Năm xưa trên đường hành hiệp giang hồ, Kiều Phong đã từng đến đây, nhưng khi đó đang có việc gấp nên chỉ đi qua, không để ý đến. Đến Đại Châu thì đã đầu giờ Ngọ, ghé vào uống một hơi mười bát rượu, ăn một bữa thật no rồi mới ra khỏi thành đi về hướng bắc.
Kiều Phong cước trình nhanh nhẹn, chưa tới nửa giờ đã hết ba chục dặm đường. Chàng trèo lên núi, thấy hai rặng núi dựng đứng hai phía Đông Tây, giữa chỉ có một lối đi quanh co gập ghềnh, quả là cực kỳ hiểm trở. Kiều Phong nghĩ bụng: Chim nhạn mỗi khi di cư xuống phương Nam tránh rét rồi trở về phương Bắc không thể vượt qua hai dãy núi cao, đều phải bay vào khe núi, thành thử mới gọi là Nhạn Môn. Hôm nay Kiều mỗ ở phương Nam đến đây, giả tỷ mà di văn khắc trên núi đá chứng tỏ ta là giống Khất Đan, thì sau khi ra khỏi ải Nhạn Môn Quan sẽ vĩnh viễn thành người phương Bắc, không bao giờ quay lại nữa. Thật không bằng loài chim nhạn, mỗi năm một lần vào nam ra bắc, tự do qua lại cửa quan. Nghĩ đến đó chàng không khỏi bùi ngùi trong dạ.
Nhạn Môn Quan là trọng trấn của nhà Đại Tống ở phương bắc, kiên cố hùng vĩ nhất trong hơn bốn chục cửa ải suốt cõi Sơn Tây. Chỉ ra khỏi cửa ải này vài mươi dặm là thuộc địa phận nước Liêu, trong ải có đặt trọng binh trấn giữ. Kiều Phong nghĩ rằng nếu theo cửa quan mà ra thì thể nào cũng bị binh lính tra hỏi, chàng bèn theo dãy núi cao phía tây mà đi vòng qua quan ải.
Lên đến đỉnh núi cao nhất, chàng đưa mắt nhìn bốn phía thấy toàn là núi. Phía đông có núi Ngũ Đài cao vọt lên, phía tây là dãy Ninh Võ, phía nam có những ngọn Chính Dương, Thạch Cổ, còn phía bắc là Sóc Châu, Mã Ấp. Núi non chập chùng đến tận chân trời, cảnh tượng lạnh lẽo tiêu điều. Kiều Phong nhớ lại, năm xưa qua Nhạn Môn Quan đã nghe người bạn đồng hành kể chuyện rằng, đại tướng Lý Mục nước Triệu thời Chiến Quốc cùng đại tướng Chất Đô đời Hán từng trấn thủ Nhạn Môn Quan để chống giữ quân Hung Nô xâm lược. Nếu quả thực mình là dòng giống Khất Đan, hậu duệ Hung Nô, thì té ra hàng nghìn năm nay, bọn vào xâm lấn Trung Nguyên đều là tổ tiên mình cả.
Chàng lại đưa mắt nhìn về hướng bắc nghĩ thầm: Ngày trước Uông bang chủ cùng bọn Triệu Tiền Tôn phục kích bọn võ sĩ Khất Đan ở bên ngoài Nhạn Môn Quan, hẳn là sẽ chọn vị trí thuận lợi không xa quá mười dặm. Địa thế tốt thì phải ở sườn núi phía tây bắc kia, mười phần thì chắc đến tám chín, bọn họ mai phục ở chỗ đó.
Kiều Phong nghĩ thế, liền chạy xuống để sang sườn núi bên kia, trong lòng đột nhiên dậy lên một nỗi bi phẫn không biết từ đâu đưa tới. Chàng để ý thấy chỗ sườn núi đó có một khối đá lớn, Trí Quang đại sư kể là quần hùng Trung Nguyên ẩn nấp sau khối đá mà ném ám khí tẩm độc ra, xem chừng chính là chỗ này.
Ngoài sơn đạo chừng vài bước là vực thẳm, mây mù che phủ không nhìn thấy đáy. Kiều Phong nghĩ thầm: Mấy lời của Trí Quang đại sư không sai, khi má má ta bị bọn họ giết chết rồi, gia gia ta đứng đây nhảy xuống sơn cốc tự tận. Gia gia nhảy xuống vực mới phát hiện ta còn sống, không nỡ để ta phải chết theo nên mới vứt ta trở lên, rơi trên mình Uông bang chủ. Gia gia… gia gia đã viết gì trên vách đá nhỉ?
Chàng quay đầu về phía trái, quả nhiên thấy một vách đá tự nhiên phẳng phiu nhẵn nhụi, nhưng chính giữa có một khoảng lớn đầy vết búa chém vào trông rất rõ. Rõ ràng đã có người cố ý xóa hết tự tích của người võ sĩ Khất Đan.
Kiều Phong đứng ngẩn ngơ trước vách đá, đột nhiên lửa giận bốc lên, chỉ muốn vung đao chém giết một phen. Đột nhiên chàng nhớ lại: Khi ta rời Cái Bang đã từng bẻ gãy thanh đao của Đơn Chính mà thề rằng: Dù ta là người Hán cũng vậy, mà là người Khất Đan cũng vậy, quyết không bao giờ tàn hại người Hán. Thế nhưng ở Tụ Hiền Trang, ta đã giết bao nhiêu người Hán? Bây giờ ta lại muốn giết người nữa, có phải là trái lời thề chăng? Than ôi! Sự việc xảy ra như thế, mình không giết người, người cũng giết mình. Nếu bó tay chịu chết để mặc người khác băm vằm thì còn gì là phong độ của bậc trượng phu nữa?
Kiều Phong rong ruổi ngàn dặm chỉ cốt điều tra rõ ràng thân thế mình, rút cục chẳng được việc gì. Chàng càng nghĩ càng thêm bực bội, lớn tiếng gầm lên: Ta không phải người Hán! Không phải người Hán! Ta là mọi rợ Khất Đan! Mọi rợ Khất Đan! Chỉ nghe bốn bề sơn cốc vang dội thanh âm vọng lại:Không phải người Hán… Không phải người Hán… Mọi rợ Khất Đan… Mọi rợ Khất Đan…
Trong lòng Kiều Phong bao nhiêu uất ức, thịnh nộ không có chỗ phát tiết, cứ hết chưởng này đến chưởng khác đập vào vách đá, tưởng chừng như muốn đem bao nhiêu oan khuất của một tháng qua trút cả lên đấy. Đá vụn bay tứ tung, mãi đến khi bàn tay ứa máu, tảng đá in những dấu tay màu đỏ, chàng vẫn chưa ngừng.
Bất thình lình có tiếng trong trẻo của một cô gái vang lên từ sau lưng: Kiều đại gia ơi! Đại gia đập nữa đi! Không chừng ngọn núi này đổ xuống mất thôi. Kiều Phong giật mình quay đầu nhìn lại, thấy một thiếu nữ mặc áo hồng đứng tựa vào một cây hoa bên cạnh sườn núi, miệng mỉm cười. Đó chính là A Châu.
Hôm trước chàng ra tay cứu A Châu là vì nỗi lòng nghĩa hiệp lại phấn khích nhất thời, thực ra chưa quan tâm đặc biệt gì đến cô tiểu a đầu này. Về sau ngay cả chuyện nàng còn sống hay đã chết, chàng cũng không còn rảnh rang mà nghĩ đến. Ngờ đâu nàng lại xuất hiện ở nơi này, Kiều Phong cũng thấy hoan hỉ, mỉm cười tiến đến nói: A Châu! Xem ra cô đã mạnh khỏe rồi! Có điều chàng đang cuồng nộ bỗng chuyển sang vui mừng, nụ cười trên môi có phần miễn cưỡng.
A Châu hỏi lại: Kiều đại gia? Đại gia cũng khỏe chứ? Nàng ngơ ngẩn nhìn Kiều Phong một hồi, đột nhiên nhảy vào lòng chàng, nức nở mà nói: Kiều đại gia! Tiểu nữ… tiểu nữ chờ ở đây đã năm ngày năm đêm, lúc nào cũng phập phồng không biết đại gia có đến không, quả nhiên bây giờ lại được gặp nhau. Cảm ơn Trời Phật phù hộ, đại gia vẫn bình yên vô sự.
Nàng nghẹn ngào nói lẫn trong tiếng khóc, nhưng thanh âm đầy vẻ vui mừng, an ủi. Kiều Phong vừa nghe đã biết ngay nàng chân tâm lo lắng cho mình, cảm thấy xúc động trong lòng, liền hỏi lại: Cô nương đây chờ ta đã năm ngày, năm đêm rồi ư? Cô… cô nương làm sao biết được là ta sẽ đến đây?
A Châu chậm rãi ngửng đầu lên, chợt nhớ ra mình đang gục vào lòng một người đàn ông, bất giác mặt thẹn đỏ bừng, lùi lại hai bước. Nàng nghĩ đến việc mình ôm chầm lấy chàng trong cơn xúc động, mặt càng đỏ như gấc chín, đột nhiên quay phắt đi chạy nấp vào sau một gốc cây.
Kiều Phong hốt hoảng gọi theo: A Châu, A Châu! Cô nương làm sao thế? A Châu không trả lời, chỉ thấy tim đập loạn lên, một lúc lâu sau mới bước ra nhưng vẻ mặt vẫn còn bẽn lẽn, ấp úng không nói nên lời. Kiều Phong thấy vẻ mặt nàng khác lạ liền hỏi: A Châu, cô nương có chuyện gì nan giải cứ việc nói cho ta nghe. Chúng ta đã hoạn nạn chi giao, đồng sinh cộng tử, thì còn có điều chi phải e dè? A Châu lại đỏ mặt, nhỏ nhẹ nói: Không có chuyện gì.
Kiều Phong nhẹ nhàng đặt tay lên vai cô gái, xoay mặt nàng ra hướng mặt trời, thấy dung nhan hãy còn tiều tụy nhưng trong màu xanh xao đã ẩn sắc hồng, không còn xám xịt như lúc đang bị trọng thương nữa. Chàng lại đưa tay xem mạch nàng, vừa chạm vào tay A Châu lập tức nàng run bắn lên, Kiều Phong vội hỏi: Sao thế? Cô chưa bình phục hẳn hay sao? A Châu lại càng thẹn thùng, vội đáp: Không phải! Không… không có gì hết. Kiều Phong thấy mạch nàng đã có sức lực, bèn khen: Nghệ thuật diệu thủ hồi xuân của Tiết Thần Y quả thật danh bất hư truyền.
A Châu nói: Cũng nhờ vị hảo bằng hữu Bạch Thế Kính của đại gia truyền cho bảy chiêu Triền Ti Cầm Nã Thủ, Tiết Thần Y mới chịu trị bệnh cho tiểu nữ. Vả lại bọn họ cũng muốn tra vấn xem tung tích vị tiên sinh áo đen kia ở đâu, nếu như tiểu nữ chết đi dĩ nhiên bọn họ không biết hỏi ai nữa. Thương thế mới đỡ một chút, ngày nào cũng có bảy tám người đến hỏi: Ác tặc Kiều Phong liên hệ với cô nương thế nào? Y chạy đi đâu? Tên áo đen cứu y là ai? Những chuyện đó tiểu nữ đâu có biết, nhưng khi nói thật là không biết thì bọn họ lại bảo là nói láo, đe dọa sẽ không cho ăn uống, sẽ dùng cực hình tra khảo, Thành thử tiểu nữ phải bịa đặt đủ thứ chuyện cho họ nghe, hoang đường nhất là chuyện về tiên sinh áo đen, bữa nay thì bảo là ông ta từ núi Côn Lôn đến, ngày mai lại bảo là ông xuất thân ở Đông Hải, toàn nói nhăng nói cuội mà bọn họ lại nghe lọt tai mới là kỳ. Nàng kể tới đây, nhớ lại mấy bữa đó thuận mồm đặt chuyện mà bịp bợm được vô số anh hùng hào kiệt nổi danh, bất giác cảm thấy khoan khoái trong lòng, miệng cười tươi như hoa nở.
Kiều Phong mỉm cười hỏi: Thế bọn họ có tin lời cô nương không? A Châu đáp: Có người thì tin, có người lại không tin, phần lớn thì bán tín bán nghi. Tiểu nữ đoán chắc chẳng một ai biết lai lịch của tiên sinh áo đen, mình có nói dối bọn họ cũng không cãi được. Bởi thế mà câu chuyện càng nói càng ly kỳ cổ quái khiến cho bọn họ không biết đường nào mà mò, ai nấy sợ mất vía. Kiều Phong thở dài: Quả thực ta cũng không biết vị tiên sinh áo đen đó lai lịch thế nào. Không chừng ta mà nghe cô bịa chuyện cũng phải nửa tin nửa ngờ.
A Châu lấy làm kỳ, hỏi: Đại gia cũng không biết ông ta là ai ư? Thế sao ông ta lại xông vào nơi đầm rồng hang cọp cứu đại gia ra? À phải rồi, những bậc đại hiệp cứu người trong cơn hoạn nạn đều như thế cả.
Kiều Phong thở dài nói: Ta chẳng biết đi kiếm ai mà báo thù, cũng chẳng biết đi kiếm ai mà trả ơn. Ta là người Hán hay người Hồ, hành vi của ta đúng hay sai, ta cũng không tự biết. Kiều Phong hỡi Kiều Phong! Ngươi quả thật không đáng làm người!.
A Châu thấy Kiều Phong chán chường đau khổ, bất giác thò tay ra nắm lấy tay chàng an ủi: Kiêu đại gia tự làm khổ mình làm gì? Mọi việc rồi cũng có lúc rõ ràng, chỉ cần đại gia vấn tâm không hổ thẹn, hành sự hợp lẽ trời, thế là đủ rồi. Kiều Phong nói: Thế nhưng ta tự vấn tâm có điều hổ thẹn, thế mới đau lòng. Hôm đó nơi rừng hạnh, ta đã từng búng gãy thanh đao thề rằng sẽ không tàn hại người Hán, ngờ đâu… ngờ đâu… A Châu đáp: Bọn người ở Tụ Hiền Trang không biết phân biệt trắng đen, vây đánh đại gia một cách hồ đồ. Nếu đại gia không trả đòn, không lẽ để yên cho họ chặt ra thành mười bảy hay hai mươi tám miếng hay sao? Trên đời này làm gì có chuyện vô lý đến thế?
Kiều Phong đáp: Cô nói phải lắm. Chàng vốn dĩ là một hảo hán tính tình sảng khoái, ít để tâm chuyện gì, có đau lòng cảm thán cũng chỉ một lúc. Chàng gác vấn đề đó sang một bên, nói: Trí Quang đại sư và Triệu Tiền Tôn đều nói rằng trên vách đá này có viết chữ, không biết kẻ nào đã phá hủy mất rồi. A Châu đáp: Đúng thế! Tiểu nữ cũng đoán là đại gia sẽ ra ngoài Nhạn Môn Quan để xem lại di văn trên vách núi, nên vừa thoát hiểm là đến đây chờ đại gia ngay.
Kiều Phong hỏi: Làm sao cô nương thoát hiểm được? Có phải Bạch trưởng lão lại giúp cô nương nữa không? A Châu mỉm cười: Không phải đâu. Đại gia còn nhớ hôm tiểu nữ giả trang thành nhà sư chùa Thiếu Lâm không? Ngay cả sư huynh đệ của y cũng không nhận ra. Kiều Phong nói: Đúng thế! Cái trò tinh nghịch của cô quả là ghê gớm. A Châu nói: Một hôm thương thế của tiểu nữ đã đỡ nhiều, Tiết Thần Y bảo không cần phải điều trị thêm nữa, chỉ cần nghỉ ngơi bảy tám ngày là phục hồi được như cũ. Câu chuyện tiểu nữ bịa ra càng lúc càng nhiều sơ hở, mà cũng chán ngấy rồi. Tiểu nữ lại lo lắng không biết đại gia ra sao, nên đến tối bèn cải trang thành một người… Kiều Phong sửng sốt hỏi: Lại cải trang! Thành ai thế? A Châu đáp: Tiểu nữ cải trang thành Tiết Thần Y.
Kiều Phong giật mình hỏi: Cô nương làm thế nào mà hóa trang giống Tiết Thần Y được? A Châu đáp: Ngày nào lão ta cũng gặp tiểu nữ, nói năng cũng nhiều, nên thần thái cùng thanh âm của lão đã thuộc lòng, mà lão lại thường đến một mình. Đêm hôm đó tiểu nữ giả vờ ngất đi, lão bèn tới chẩn mạch, tiểu nữ bèn lật tay lại nắm đúng mạch môn khiến lão không còn cục cựa gì được, đành để cho tiểu nữ bố trí.
Kiều Phong không nhịn cười được, nghĩ thầm: Lão Tiết Thần Y kia chỉ lo trị bệnh, có biết đâu mắc mưu con nhãi ranh này.
A Châu tiếp: Tiểu nữ điểm huyệt lão ta, lột sạch cả áo lẫn giày. Công phu điểm huyệt của tiểu nữ tầm thường, sợ lão ta tự mình giải huyệt được, nên xé một cái chăn ra trói luôn chân tay, đặt lên trên giường trùm lại. Nếu ai ở ngoài cửa sổ nhìn vào chỉ tưởng tiểu nữ đang đắp chăn nằm ngủ, không nghi ngờ gì hết. Tiểu nữ mặc áo, đi giày, đóng khăn của lão vào, trên mặt nhồi thêm mấy nếp nhăn. Thế là mười phần đã giống đến bảy, chỉ còn thiếu bộ râu nữa là hoàn toàn…
Kiều Phong kêu lên: Ồ, bộ râu của Tiết Thần Y hoa râm nửa đen nửa trắng, không dễ gì mà làm giả được. A Châu nói: Râu giả thì khó mà giống, chi bằng dùng râu thật. Kiều Phong ngơ ngác hỏi: Râu thật ư? A Châu đáp: Đúng vậy, dùng râu thật. Tiểu nữ lục trong hộp thuốc ra một con dao nhỏ, cạo sạch chòm râu của ông ta không chừa một sợi, gắn hết lên mặt mình, hình dáng màu sắc hoàn toàn giống hệt. Lão Tiết Thần Y tức đến chết được nhưng chẳng biết làm sao. Lão ta trị thương có phải do lòng tốt đâu, tiểu nữ có cạo râu ông ta cũng không thể nói là lấy oán báo ơn được. Huống chi lão cạo sạch râu rồi trông trẻ ra đến chục tuổi, mặt mày anh tuấn đáo để.
Nói đến đây hai người nhìn nhau cùng phá lên cười. A Châu tiếp tục: Tiểu nữ giả làm Tiết Thần Y, đường hoàng ra khỏi Tụ Hiền Trang chẳng một ai dám hỏi han gì. Tiếu nữ còn sai người chuẩn bị ngựa, lấy tiền bạc rồi mới đi, rời khỏi trong ba chục dặm bèn nhổ bộ râu đi, lại biến thành một chàng thanh niên. Chắc là sáng hôm sau bọn chúng phát giác ra, thế nhưng trên đường tiểu nữ cải trang thêm mấy lần nữa, chúng có đuổi theo cũng vô phương tìm kiếm.
Kiều Phong vỗ tay khen: Tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu! Đột nhiên chàng nhớ lại cảm giác bất an khi thoáng nhìn thấy bóng sau lưng mình trong tấm gương đồng ở Bồ Đề Viện nơi chùa Thiếu Lâm, lúc đó chàng thấy hồi hộp mà không biết tại sao. Bây giờ nghe A Châu kể chuyện cải trang thoát hiểm, cái tâm trạng bất an ấy lại nổi lên, còn mạnh hơn cả lần trước. Kiều Phong trầm ngâm rồi bảo: A Châu, cô quay người lại để ta xem nào. A Châu không hiểu chàng muốn gì nhưng cũng nghe lời xoay lưng lại.
Kiều Phong chăm chú nhìn, rồi cởi chiếc áo ngoài khoác lên người cô gái. A Châu bẽn lẽn xoay đầu lại, đôi mắt đầy vẻ ôn nhu, đắm đuối nhìn chàng mà nói: Tiểu nữ không lạnh đâu…
Kiều Phong nhìn nàng khoác chiếc áo choàng của mình, lập tức hiểu ra, lật bàn tay nắm chặt lấy cổ tay cô gái, hậm hực nói: Thì ra là ngươi! Ai sai khiến ngươi, nói cho mau đi. A Châu hoảng hốt hỏi: Kiều đại gia! Có chuyện gì thế? Kiều Phong nói: Ngươi đã từng giả trang giống ta, mạo nhận làm Kiều mỗ, phải không?
Thì ra khi đó chàng chợt hiểu ra, trên đường chạy đến Thiên Ninh Tự cứu huynh đệ Cái Bang, chàng đã thoáng thấy sau lưng một người. Lúc đó không để ý, đến khi nhìn thấy bóng sau lưng mình trong tấm gương đồng, trong vô thức mới nhận ra người đó nhìn sau lưng giống hệt mình không sai một mảy. Cảm giác bất an từ đó mà nảy sinh, có điều chàng cứ mơ hồ không hiểu do đâu.
Hôm đó Kiều Phong chạy tới nơi thì mọi người đã thoát hiểm, ai cũng bảo là vừa mới gặp chàng. Tuy chàng nhất định bảo là không phải, nhưng chẳng ai tin. Lúc ấy Kiều Phong chẳng hiểu ra sao, nghĩ bụng trừ phi có người mạo nhận mình thì không còn cách giải thích nào khác. Thế nhưng nếu có ai giả mạo, chẳng lẽ bọn Bạch Thế Kính, Ngô trưởng lão kề cận mình cả ngày đêm lại không nhận ra ư? Mặc dù lúc này A Châu không độn bông, thân hình nhỏ bé khác hẳn tấm thân vạm vỡ của chàng, nhưng nhìn thấy sau lưng nàng khoác chiếc áo của mình, chàng liền tỉnh ngộ. Giả mạo làm bang chủ mà đánh lừa được toàn thể Cái Bang, thiên hạ ngoài cô ta ra thì còn ai giả trang tuyệt diệu như vậy nữa đâu?
A Châu không sợ hãi gì, cười lên khanh khách nói: Thôi được, để tiểu nữ cung khai vậy. Rồi nàng đem chuyện cải trang thành Kiều Phong thế nào, đem thuốc giải đến cứu quần hào Cái Bang ra sao, nhất nhất thuật lại. Kiều Phong bỏ tay nàng ra, gay gắt hỏi: Ngươi giả làm ta đi cứu người là có dụng ý gì? A Châu kinh ngạc đáp: Tiểu nữ chỉ tinh nghịch cho vui, chứ có dụng ý gì đâu. Tiểu nữ cùng A Bích được đại gia cứu khỏi tay người Tây Hạ, đều rất lấy làm cảm kích. Tiểu nữ lại nghĩ bọn ăn mày đối xử tệ bạc như thế, nếu giả làm đại gia đến đưa thuốc giải độc khiến cho họ phải thấy ăn năn hổ thẹn, cũng là việc hay. Nàng lại thở dài, tức mình nói tiếp: Ngờ đâu ở Tụ Hiền Trang, họ vẫn tàn nhẫn với đại gia đến vậy, chẳng nhớ gì tới ân nghĩa ngày xưa.
Kiều Phong vẻ mặt mỗi lúc một thêm nghiêm trọng, nghiến răng hỏi: Vậy sao người lại đến giết song thân ta? Sao lại mạo xưng ta lẻn vào chùa Thiếu Lâm ám hại cả sư phụ ta? A Châu giật nảy người, kêu lên: Sao lại thế được? Ai bảo tiểu nữ giết song thân cùng sư phụ của đại gia?
Kiều Phong đáp: Sư phụ ta bị đánh trọng thương, người vừa trông thấy ta đến liền bảo là chính ta hạ độc thủ. Không phải ngươi thì còn ai vào đây? Nói tới đây, Kiều Phong mặt đầy sát khí, từ từ giơ tay phải lên, chỉ chờ A Châu nói một câu ấp úng là đập xuống, dẫu đến mười A Châu cũng chết ngay tức khắc.
A Châu thấy đôi mắt chàng tóe lửa, khiếp sợ vô cùng, hốt hoảng lùi lại hai bước. Nàng chỉ lùi thêm hai bước nữa là rơi ngay xuống vực sâu vạn trượng. Kiều Phong nghiêm giọng quát: Đứng lại! Không được nhúc nhích! A Châu sợ quá, nước mắt nhỏ ròng ròng, giọng run run đáp: Tiểu nữ không… không giết song thân đại gia, cũng chẳng… chẳng giết sư phụ đại gia. Bản lĩnh sư phụ đại gia ghê gớm đến mức nào, làm sao tiểu nữ… ám hại được người?
Câu cuối cùng của nàng quả là có sức thuyết phục. Kiều Phong hồi tâm nghĩ lại, biết ngay mình trách oan. Lập tức chàng đưa vụt tay trái ra nhanh như chớp, giữ lấy vai nàng kéo vào vách đá cho khỏi sẩy chân rơi xuống vực, rồi mới nói: Phải rồi! Phải rồi! Sư phụ ta chắc chắc không phải do cô nương ám hại. Sư phụ Huyền Khổ đại sư là sư huynh đệ với các vị cao tăng Huyền Từ, Huyền Tịch, Huyền Nạn, đáng gọi là cao thủ bậc nhất võ lâm. Người viên tịch không phải do trúng độc, cũng chẳng phải do gươm đao hay ám khí đả thương, mà do chưởng lực trầm trọng đánh nát tạng phủ. A Châu là một cô gái nhỏ tuổi làm gì có nội lực thâm hậu đến thế? Nếu nội lực nàng có thể đánh chết được Huyền Khổ đại sư thì Đại Kim Cương Chưởng của Huyền Từ quyết không thể đánh cho nàng chín phần chết một phần sống được.
A Châu đang giàn giụa nước mắt cũng phá lên cười, đấm nhẹ vào ngực chàng nói: Đại gia kỳ cục, nói năng vô lý làm tiểu nữ sợ muốn chết. Nếu tiểu nữ có bản lãnh đánh chết được vị đại sư đó, thì ở Tụ Hiền Trang đã giúp đại gia giết sạch bọn khốn kiếp kia rồi.
Kiều Phong thấy nàng giận dỗi, trong lòng cũng thấy hổ thẹn, nói: Mấy bữa nay thần trí ta hoang mang bất định thành ra ăn nói lăng nhăng, xin cô nương đừng trách. A Châu cười đáp: Ai mà thèm trách đại gia? Nếu tiểu nữ giận thật thì đời nào còn nói chuyện với đại gia nữa. Nàng bỗng nghiêm trang lại, nhỏ nhẹ nói: Kiều đại gia, dù đại gia đối xử thế nào thì suốt đời tiểu nữ cũng không bao giờ giận đại gia đâu.
Kiều Phong lắc đầu, bình thản nói: Ta đã cứu mạng cô nương thật, nhưng cô nương cũng đừng để tâm làm gì. Chàng ngơ ngẩn xuất thần, đột nhiên lại hỏi: A Châu! Ai dạy cho nàng cái tuyệt kỹ hóa trang đó? Sư phụ nàng có còn đệ tử nào khác không? A Châu lắc đầu: Không có ai dạy hết. Tiểu nữ từ nhỏ đã thích bắt chước làm người này người khác cho vui, rồi càng tập luyện càng thêm giống, làm gì có sự phụ nào? Không lẽ chuyện chơi nghịch mà cũng phải tầm sư học đạo hay sao?
Kiều Phong thở hắt ra, nói: Thế này thì lạ thật! Không lẽ trên đời này lại có người giống hệt như ta để sư phụ phải nhầm hay sao? A Châu nói: Đã có cái đầu mối đó thì cũng dễ. Chúng ta chỉ cần đi tìm người đó, khảo đả hỏi cho ra lẽ là xong. Kiều Phong đáp: Đã đành rằng thế. Nhưng trời đất mênh mông, biết tìm đâu ra y. Không chừng y cũng như cô, có tài nghệ hóa trang giống hệt người khác.
Chàng bước lại gần vách núi, xem kỹ những vết búa đẽo, nhưng nhìn đi nhìn lại cũng không nhận ra chữ nào, bèn nói: A Châu cô nương! Ta muốn đi tìm Trí Quang đại sư, hỏi xem trên vách đá đã viết những chữ gì. Chưa tra xét rõ ràng thì thật ta ăn ngủ không yên được. A Châu nói: Tiểu nữ sợ ông ta không chịu nói. Kiều Phong nói: Nếu ông ta không nói thì mình bức bách van nài bằng được, chứ ta nhất định không bỏ cuộc. A Châu trầm ngâm nói: Trí Quang đại sư xem ra kiên cường không sợ chết, dẫu có bức bách van nài cũng chẳng đến đâu. Chi bằng… Kiều Phong gật đầu: Đúng rồi! Chỉ còn cách đi hỏi Triệu Tiền Tôn. Úi chà, gã này lại càng không sợ chết, chẳng khuất phục đâu, Nhưng ta đã nghĩ ra một cách đối phó với gã rồi.
Chàng nói tới đây, lại quay sang nhìn xuống vực thẳm rồi tiếp: Ta định xuống đó xem. A Châu giật nảy người, nhìn xuống vực chỉ thấy mây che mù mịt, bất giác run chân vội lùi thêm hai bước nữa, nói: Không được! Không được! Đại gia muôn vạn lần không nên xuống. Dưới đó có gì để coi đâu? Kiều Phong đáp: Ta là người Hán hay người Khất Đan, chuyện đó cứ quanh quẩn mãi trong đầu không yên được. Dù sao ta cũng xuống tìm hiểu cho minh bạch, xem cái xác của người Khất Đan đó ra sao. A Châu nói: Người đó nhảy xuống đã ba chục năm rồi, nhiều lắm là còn vài nắm xương trắng, có gì để mà xem? Kiều Phong đáp: Chính là ta muốn xuống xem nắm xương tàn của y. Nếu quả đó là phụ thân sinh ra ta, thì phải xuống đem lên an táng cho tử tế mới phải đạo làm con.
A Châu sợ quá, kêu lên: Không thể! Không thể như vậy? Đại gia nhân từ hiệp nghĩa, sao lại là dòng dõi Khất Đan tàn bạo ác độc được? Kiều Phong nói: Cô nương cứ ở đây chờ ta một ngày một đêm. Nếu giờ này ngày mai ta chưa lên thì khỏi phải chờ thêm nữa. A Châu kêu lên một tiếng, khóc òa nói: Kiều đại gia! Đại gia đừng xuống!
Kiều Phong tính tình cứng cỏi, không động lòng chút nào, tủm tỉm cười nói: Bao nhiêu anh hùng hảo hán ở Tụ Hiền Trang còn chưa giết ta được, chẳng lẽ cái sơn cốc này lấy được mạng ta hay sao? A Châu quýnh quáng không tìm được lời ngăn trở, đành nói: _Không chừng dưới đó có rắn độc, trùng độc, hay quái vật hung dữ thì sao? _
Kiều Phong cười ha hả, vỗ nhẹ lên vai nàng, nói: Nếu quả có quái vật thì tốt quá. Ta sẽ bắt lên cho cô nương tha hồ nghịch ngợm. Chàng xem xét bốn phía hang núi, định tìm chỗ sườn núi nào dễ trèo xuống nhất.
Giữa lúc ấy, phía đông bắc văng vẳng tiếng vó ngựa phi về hướng nam, nghe âm thanh phải đến hai chục con. Kiều Phong lập tức chạy vòng qua sườn núi, nhìn về phía có tiếng chân ngựa. Chàng đứng trên cao nhìn rõ hơn hai chục kỵ sĩ áo vàng giáp vàng đều là quan binh nhà Đại Tống, đi một dãy theo sơn đạo ở sườn núi bên dưới.
Kiều Phong xem rõ rồi, không coi bọn họ vào đâu, nhưng chỗ chàng và A Châu đang đứng lại là độc đạo hiểm yếu từ ngoài ải tiến vào Nhạn Môn Quan. Năm xưa quần hùng Trung Nguyên chọn nơi này phục kích võ sĩ Khất Đan chính là vì thế, Kiều Phong nghĩ thầm: Đây là nơi biên phòng hệ trọng, quan binh nhà Đại Tống gặp người lạ mặt thể nào cũng tra hỏi lôi thôi. Chi bằng mình tránh đi cho khỏi phiền phức, Kiều Phong quay lại chỗ cũ, kéo A Châu nấp đằng sau tảng đá, nói: Đó là quan binh nhà Đại Tống.
Chẳng bao lâu, hơn hai chục kỵ binh chạy lên núi. Kiều Phong từ chỗ nấp nhìn ra đã thấy tên quân sĩ đi đầu, không khỏi xúc động lẩm bẩm: Năm xưa bọn Uông bang chủ, Trí Quang đại sư, Triệu Tiền Tôn hẳn cũng mai phục đằng sau tảng đá này, thấy bọn võ sĩ Khất Đan cưỡi ngựa chạy ngang yếu lộ. Hôm nay đá núi vẫn trơ trơ ra đó, mà các võ sĩ Tống Liêu năm nào đã biến thành xương trắng gần hết rồi.
Kiều Phong còn đang bâng khuâng nghĩ ngợi, bỗng nghe tiếng trẻ con kêu khóc, chàng giật mình như người nằm mơ sực tỉnh, tự hỏi: Tại sao lại có trẻ nít khóc? Tiếp theo lại nghe tiếng đàn bà kêu rú lên. Chàng thò đầu ra nhìn bọn quan binh Đại Tống, thấy tên nào cũng bắt được mấy người đàn bà, trẻ con ăn mặc theo lối du mục Khất Đan. Nhiều tên còn đưa tay sờ nắn bọn đàn bà con gái Khất Đan trông thật thô bỉ khả ố, người nào chống cự lại lập tức bị quát mắng đánh đập. Kiều Phong lấy làm kỳ lạ không hiểu nguyên do, chỉ thấy cả bọn vượt ngang qua tảng đá lớn, đi thẳng về phía Nhạn Môn Quan.
A Châu hỏi: Kiều đại gia! Sao bọn họ lại làm thế? Kiều Phong lắc đầu nghĩ thầm: Quan quản trấn thủ biên cương sao lại càn rỡ thế này. A Châu lại nói: Bọn quan binh này chẳng khác gì đạo tặc.
Kế đó, lại có thêm một đoàn khoảng ba chục tên quan binh khác đi về, dẫn theo một đàn bò cừu đến vài trăm con và mười mấy phụ nữ Khất Đan nữa. Một tên nói: Lần này thu hoạch chẳng ra gì, không biết đại soái có nổi giận không? Một tên quan quân khác nói: Kể ra thì không lấy được nhiều bò cừu của bọn Liêu cẩu. Nhưng trong đám đàn bà có mấy đứa mặt mày không đến nỗi tệ, đem về cho hầu hạ đại soái thì ngài sẽ bớt giận ngay. Gã thứ nhất lại nói: Được có ba chục đứa đem về, làm sao đủ chia tới phần chúng mình? Đành phải vất vả thêm một ngày, mai lại đi thu hoạch. Một tên cười nói: Bọn Liêu cầu nghe tin chắc trốn sạch rồi. Muốn đi thu hoạch phải chờ mấy tháng nữa.
Kiều Phong nghe tới đây lửa giận xông lên, nghĩ bụng: Hành vi của lũ quan binh này còn tệ hại hơn bọn đạo tặc hạng bét trên giang hồ. Đột nhiên một đứa con nít đang được bế trong lòng mẹ khóc thét lên. Người phụ nữ Khất Đan gạt tay tên quân Đại Tống đang sờ soạng ra, vỗ về đứa nhỏ đang khóc. Y nổi giận, nắm lấy đứa nhỏ quật xuống đất rồi cho vó ngựa xéo lên, lập tức ruột gan đứa nhỏ lòi ra. Người đàn bà Khất Đan như chết đứng, không khóc nổi thành tiếng. Bọn quan binh cất tiếng cười rộ, vẫn tiếp tục rầm rập chạy qua.
Kiều Phong đã từng chứng kiến vô số cảnh tàn bạo hung ác, nhưng công nhiên tàn sát con nít để làm trò đùa thì mới thấy lần thứ nhất. Chàng cực kỳ phần nộ, nhưng cố nén lại không phát tác ngay.
Đoàn quan quân đó qua rồi, lại có thêm một toán hơn chục tên nữa hùng hổ đi tới, Những tên lính Đại Tống ngồi trên lưng ngựa, giơ cao trường mâu, đầu ngọn giáo nào cũng có bêu một cái thủ cấp máu chảy đầm đìa. Sau yên ngựa lại buộc một sợi dây dài, trói năm người đàn ông Khất Đan. Kiều Phong nhìn cách ăn mặc thấy cũng toàn là dân chúng chăn nuôi tầm thường. Hai người đã già đầu tóc bạc phơ, còn ba người kia là thiếu niên mười lăm, mười sáu tuổi. Chàng hiểu ngay, khi thấy bọn quan binh Đại Tống này qua cướp bóc, những người du mục Khất Đan tráng niên mạnh khỏe đều chạy thoát, chỉ có đàn bà con trẻ và người già yếu là bị bắt.
Bỗng thấy một tên quan binh cười nói: Chặt được mười bốn cái thủ cấp, bắt sống được năm con chó Liêu, công lao không lớn nhưng cũng không nhỏ. Bọn ta được thăng một cấp, thưởng một trăm lượng bạc là cái chắc rồi. Lại một người khác nói: Cao huynh đệ! Có một thị trấn Khất Đan cách đây năm mươi dặm về phía tây, ngươi có dám đến đó thu hoạch không? Gã họ Cao liền đáp: Có quái gì mà không dám? Ngươi khinh ta là lính mới chăng? Chính vì ta mới đến, đang cần lập chút công lao đây. Bọn chúng vừa nói chuyện vừa đi đến gần tảng đá lớn.
Một ông già Khất Đan trông thấy xác đứa trẻ vỡ bụng nằm dưới đất, đột nhiên gào to lên đầy vẻ bị thương, xông tới ôm lấy nó hôn hít không ngừng. Kiều Phòng không hiểu tiếng Khất Đan, nhưng chỉ nhìn cũng biết đứa bé bị ngựa xéo chết kia hẳn là thân nhân của ông lão. Tên lính đang nắm sợi dây trói ông già bèn ra sức giật liên hồi, kéo ông ta đi. Ông già Khất Đan như phát điên lên, nhảy xổ vào y. Tên lính kinh hãi, vung đao chém xuống người ông lão, lão còn cố sức giật mạnh một cái, kéo y ngã từ trên lưng ngựa xuống đất rồi há mồm cắn luôn vào cổ. Lúc đó một tên lính Đại Tống khác đang ngồi trên ngựa bèn vung đao chém phập vào lưng ông lão, lại cúi xuống xách cổ lão lôi ra, tên lính ngã dưới đất mới đứng dậy được. Hắn tức quá, lại vung đao chém liên tiếp mấy nhát vào người ông già, lão loạng choạng rồi té lăn xuống đất. Bọn quan binh đứa cầm trường mâu, đứa cầm đoản đao bu lại vây quanh.
Ông lão Khất Đan đột nhiên đứng phắt dậy quay về hướng bắc, cởi phanh áo ra, ưỡn ngực cất tiếng hú lên, thanh âm thê lương bi thảm tựa như tiếng chó sói tru. Cả bọn quan quân đều lộ vẻ kinh hãi.
Kiều Phong trong lòng thảng thốt, bỗng nhiên có cảm giác ông lão Khất Đan kia với mình có điều gì gần gũi tự sâu thẳm trong lòng. Chàng nghe tiếng hú như sói tru kia, bất giác nhớ lại hoàn cảnh lúc mình trúng mấy nhát đao tại Tụ Hiền Trang, cha con Đơn Chính dùng đao đâm tới. Khi đó biết mình sắp chết, trong lòng bi phẫn không sao nhịn được, đã rống lên như mãnh thú cùng đường.
Mấy tiếng hú của lão già Khất Đan đã gợi lên trong lòng Kiều Phong một tâm tình thân cận. Chàng không nghĩ ngợi gì nữa, nhảy vọt từ đằng sau tảng đá ra, vươn tay chộp từng đứa từng đứa quan binh Đại Tống ném xuống vực sâu. Kiều Phong càng đánh càng hăng, phóng chưởng đẩy cả mấy con ngựa chúng cưỡi xuống thâm cốc, tiếng ngựa hí người kêu nổi lên ầm ĩ một lúc rồi ngừng bắt.
A Châu và bốn người Khất Đan sống sót thấy chàng thần uy như vậy, ai nấy đứng thộn mặt ra mà nhìn. Kiều Phong giết sạch hơn chục tên quan binh rồi, cất tiếng hú lên một tràng dài, vang động cả khe núi. Chàng thấy ông lão Khất Đan kia trúng mấy nhát đao mà vẫn đứng sững như trời trồng, trong bụng kính trọng lão là một tay hảo hán, bước đến trước mặt thấy lão đã tắt thở chết rồi, vẫn hướng về phương bắc, ngực áo phanh ra. Kiều Phong nhìn vào ngực ông già bỗng hoảng hốt la lên một tiếng, lùi lại một bước, loạng choạng suýt ngã.
A Châu cả kinh vội hỏi: Kiều đại gia? Đại gia… làm sao thế? Nghe roạc roạc mấy tiếng, Kiều Phong đã xé toạc áo mình ra, để lộ bộ ngực đầy lông đen. A Châu nhìn vào thấy trên ngực chàng có xăm hình đầu một con chó sói xanh lè, há miệng nhe nanh, coi rất hung dữ. Nàng nhìn lại ông già Khất Đan, thấy ngực ông ta cũng có hình đầu chó sói giống hệt như của Kiều Phong. Cả bốn người Khất Đan kia cũng kêu lên những tiếng lạ lùng.
Kiều Phong từ lúc ba tuổi có chút hiểu biết, đã thấy trên ngực mình có hình đầu con sói xanh, nhưng vì từ nhỏ đã có nên không coi là chuyện lạ. Đến khi lớn lên mới hỏi song thân, vợ chồng Kiều Tam Hòe bảo là xăm hình cho đẹp, trầm trồ khen ngợi một lúc, nhưng không nói rõ lai lịch vết xăm. Về thời Bắc Tống, xăm hình trên người là chuyện bình thường, có người xăm hết từ đầu đến chân. Nhà Đại Tống thừa kế giang sơn của họ Sài nhà Hậu Chu. Vị hoàng đế khai quốc nhà Hậu Chu là Quách Uy, nơi cổ có xăm hình một con chim sẻ, vì thế người ta thường gọi là Quách Tước Nhi. Huynh đệ trong Cái Bang thì mười người đến chín có thích hoa văn, nên Kiều Phong cũng chẳng nghi ngờ gì cả.
Nhưng hôm nay chàng nhìn thấy lão già Khất Đan bị giết trên ngực có hình đầu chó sói xanh giống y hệt như mình, không khỏi cực kỳ kinh ngạc, Bốn người Khất Đan kia vây quanh chàng, vừa nói gì đó vừa chỉ vào ngực chàng. Kiều Phong ngơ ngẩn không hiểu họ nói gì. Ông già đột nhiên cởi áo mình ra, để lộ bộ ngực, trên đó cũng có xăm hình đầu chó sói. Ba gã thiếu niên cũng cởi áo, đứa nào cũng có xăm hình y hệt.
Kiều Phong không còn nghi ngờ gì nữa, biết chắc mình là dòng giống Khất Đan. Hình đầu sói trước ngực, nhất định là ký hiệu một bộ tộc Khất Đan, người ta thích vào từ lúc sơ sinh. Chàng trước nay vẫn thống hận người Khất Đan, cho rằng họ tàn ác đê tiện, không giữ tín nghĩa, tàn sát người Hán cực kỳ thê thảm. Bây giờ chàng phải thừa nhận mình chính là giống người không bằng cầm thú kia, trong lòng đau khổ khôn cùng.
Kiều Phong đứng sững một hồi, đột nhiên gầm lên một tiếng thật to rồi cắm đầu chạy vào rừng núi như nổi cơn điên. A Châu vội gọi: Kiều đại gia! Kiều đại gia! rồi lật đật chạy theo.
Nàng chạy hơn mười dặm mới thấy chàng ngồi ôm đầu dưới một gốc cây, sắc mặt nhợt nhạt, những đường gân xanh nổi vặn cuồn cuộn trên trán. A Châu chạy đến ngồi cạnh chàng.
Kiều Phong co rút người lại, ngồi nhích ra, nói: Ta là giống mọi rợ Khất Đan không bằng con heo con chó. Từ đây trở đi, cô nương chẳng nên nhìn mặt ta nữa.
A Châu vốn dĩ cũng như bao nhiêu người Hán khác, thống hận người Khất Đan tận xương tủy. Nhưng trong lòng nàng Kiều Phong thật chẳng khác gì một vị thiên thần phải tôn thờ, Đừng nói chàng là người Khất Đan mà là mãnh thú, ma quỷ hay là gì đi nữa, nàng cũng không muốn bỏ chàng mà đi. A Châu nghĩ bụng: Lúc này trong lòng Kiều đại gia vô cùng đau đớn, ta càng phải ôn nhu an ủi nhiều hơn. Nàng bèn nhỏ nhẹ nói: Bất luận dân Hán hay dân Khất Đan cũng có người tốt người xấu. Kiều đại gia, đại gia chả nên quan tâm làm gì.Tính mạng A Châu này đã được đại gia cứu thoát thì dù đại gia là người Hán hay người Khất Đan cũng vậy, A Châu không phân biệt chi hết.
Kiều Phong lạnh lùng đáp: Ta không cần cô nương an ủi, thực ra trong lòng cô nương chẳng coi ta vào đâu, bất tất phải giả vờ tìm câu nói lấy lòng. Ta cứu mạng cô nương cũng chẳng phải do bản tâm đâu, chẳng qua chỉ nhất thời hiếu thắng tranh cường. Chuyện đó từ nay xóa hết, cô nương mau mau đi đi.
A Châu trong lòng bồn chồn, nghĩ thầm: Kiều đại gia đã biết mình là người Khất Đan, không chừng sẽ đến sa mạc bắc phương, từ nay không trở lại Trung Nguyên nữa. Nàng hốt hoảng, vội đứng lên năn nỉ: Kiều đại gia! Nếu đại gia nhất định bỏ đi, tiểu nữ sẽ nhảy xuống vực thẳm tự tận. A Châu này biết rồi, đại gia là anh hùng hảo hán Khất Đan, không coi đứa a hoàn hạ tiện người Hán vào đâu, chi bằng đi tìm cái chết là hơn.
Kiều Phong nghe giọng nàng cực kỳ thành khẩn, trong lòng đâm ra cảm động. Chàng vẫn nghĩ mình đã là giống mọi rợ thì bao nhiêu người Hán trong thiên hạ đều coi như rắn rết chỉ muốn tránh xa, ngờ đâu A Châu đối với mình vẫn không khác chút nào. Kiều Phong bất giác đưa tay ra nắm lấy tay nàng, dịu dàng nói: A Châu! Nàng là thị tì của Mộ Dung công tử chứ nào phải của ta, ta… ta nào có dám coi thường nàng?
A Châu đáp: Tiểu nữ không cần đại gia an ủi, thực ra trong lòng đại gia chẳng coi tiểu nữ vào đâu, bất tất phải giả vờ tìm câu nói lấy lòng. Nàng nhại lại mấy câu Kiều Phong vừa nói, thanh âm giọng điệu cũng giống hệt, nhưng trong ánh mắt đầy vẻ nghịch ngợm tinh ranh. Kiều Phong thốt nhiên cười ha hả, chàng đang buồn bực đến cùng cực, gặp được một cô gái thông minh lanh lợi an ủi như thế này, phiền não cũng khuây khỏa bớt.
A Châu bỗng nghiêm nét mặt nói: Kiều đại gia, tiểu nữ phục thị Mộ Dung công tử thì có, nhưng không phải đã bán mình cho công tử đâu. Chỉ vì tiểu nữ từ bé không cha không mẹ bơ vơ lưu lạc, một hôm bị người ta hiếp đáp, gặp được Mộ Dung lão gia cứu đem về. Tiểu nữ không nơi nương tựa, mới ở lại nhà ông ta làm một đứa a hoàn. Thực ra Mộ Dung công tử cũng không coi tiểu nữ như đầy tớ, lại còn mua cho mấy đứa nô tì phục thị nữa kìa. A Bích muội tử cũng thế, được phụ thân cô ta gửi vào nhà Mộ Dung lão gia ở Yến Tử Ổ để lánh nạn. Năm xưa, Mộ Dung lão gia và phu nhân có nói rằng, ngày nào thiếp và A Bích muốn rời khỏi Yến Tử Ổ, Mộ Dung gia trang sẽ vui vẻ để bọn thiếp đi… Nàng kể đến đây, khuôn mặt bẽn lẽn. Thực ra khi đó Mộ Dung phu nhân nói rằng: Ngày nào A Châu, A Bích về nhà chồng, toàn thể gia trang nhà Mộ Dung sẽ làm lễ vu qui, dùng kiệu hoa đưa ra khỏi cửa, không khác gì gả con gái cho người ta. Nàng ngừng lại một chút rồi nói với Kiều Phong: Từ nay trở đi tiểu nữ sẽ phục thị đại gia, làm kẻ nữ tì. Mộ Dung công tử không trách cứ gì đâu.
Kiều Phong xua tay lia lịa, nói: Không được! Không được! Ta là một gã người Hồ man mọi, làm gì mà có nữ tì? Cô nương sống với gia đình phú quí đất Giang Nam đã quen, theo ta chỉ tổ phiêu lưu khổ sở, có gì là thú? Cô nhìn xem, một gã hán tử thô lỗ như ta liệu có đáng để cô nương phục thị không?
A Châu thản nhiên cười đáp: Thế thì đại gia cứ coi tiểu nữ là một đứa nô tì đi cướp về được, vui vẻ thì thưởng cho một nụ cười, bực mình thì tha hồ đánh đập mắng nhiếc. Đại gia đã vừa lòng chưa? Kiều Phong mỉm cười, nói: Ta chỉ đánh ra một quyền là cô chết ngay tức khắc, A Châu nói: Vậy thì xin đại gia đánh nhè nhẹ thôi, đừng ra tay quá nặng. Kiều Phong cười ha hả nói: Đánh nhè nhẹ thì thà không đánh còn hơn. Thế nhưng ta chẳng cần nô bộc làm quái gì. A Châu đáp: Đại gia là một vị anh hùng Khất Đan, đi bắt vài cô gái người Hán về làm nô lệ có gì mà không được? Chính mắt đại gia cũng trông thấy quan binh nhà Đại Tống đi bắt người Khất Đan đấy thôi.
Kiều Phong lẳng lặng không nói gì nữa. A Châu thấy chàng nhíu mày, ánh mắt u uẩn, lại lo rằng mình nói câu gì thất thố để chàng phải buồn phiền.
Một hồi sau, Kiều Phong mới chậm rãi nói: Trước nay ta tưởng chỉ có người Khất Đan hung ác tàn bạo, sát hại người Hán, nhưng hôm nay chính mắt thấy quan binh Đại Tống cũng tàn nhẫn giết hại những kẻ già cả yếu đuối, đàn bà trẻ con người Khất Đan. Ta… ta… A Châu ơi! Ta là người Khất Đan, nhưng từ nay không lấy thế làm thẹn mà cũng không nghĩ làm người Hán là vinh nữa.
A Châu nghe nói thế, biết chàng đã gỡ được nỗi u uất trong lòng, vô cùng hoan hỉ mà nói: Thì tiểu nữ đã nói bất luận dân Hán hay dân Khất Đan cũng có người tốt người xấu mà. Người Hồ không giảo hoạt bằng người Hán, có khi lại còn ít kẻ xấu hơn.
Kiều Phong nhìn xuống vực thẳm lại nhớ chuyện năm xưa, nói: A Châu! Song thân ta bị người Hán vô cớ sát hại, thù này không thể không trả. A Châu gật gật đầu, trong lòng không khỏi ngấm ngầm kinh hãi. Nàng hiểu rằng mấy chữ đơn giản thù này không thể không trả hàm chứa những cuộc ác đấu rùng rợn, máu chảy thây phơi.
Kiều Phong lại chỉ xuống vực thẳm, nói: Năm xưa mẫu thân ta bị bọn họ sát hại, phụ thân ta đau xót không muốn sống nên đã nhảy xuống vực sâu cạnh tảng đá ban nãy. Trong khi đang rơi lưng chừng, vì không muốn ta phải chết theo, nên đã ném ta trở lên, Kiều mỗ mới có ngày hôm nay. A Châu ơi! Thế thì phụ thân ta yêu ta biết là dường nào, có phải vậy chăng? A Châu nước mắt rưng rưng đáp: Vâng!.
Kiều Phong lại tiếp: Mối huyết hải thâm cừu của song thân ta, không lẽ quên đi không báo? Trước kia ta không biết, nhận thù làm bạn, nghĩ lại thật là bất hiếu. Nếu từ nay không đi tìm giết hung thủ sát hại song thân, Kiều mỗ còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa? Không hiểu thủ lĩnh đại ca của bọn họ là ai. Y có ký tên dưới bức thư viết cho Uông bang chủ, nhưng Trí Quang hòa thượng đã xé ra nuốt mất rồi. Gã thủ lĩnh đại ca này chắc hẳn còn sống, nếu không bọn họ đâu cần phải che đậy giấu giếm làm chi?
Chàng cứ tự hỏi rồi tự trả lời, biết rằng A Châu không giúp gì được mình trả mối đại cừu, nhưng có người nghe mình nói cũng đỡ phiền não ít nhiều. Chàng lại tiếp: Gã thủ lĩnh đại ca kia suất lãnh được hào kiệt Trung Nguyên, hẳn phải là một nhân vật võ nghệ tuyệt luân, tiếng tăm vang dậy. Hắn gọi Uông bang chủ là Kiếm Nhiêm huynh đệ, mối giao tình không phải tầm thường, mà xem chừng khoảng sáu bảy chục tuổi. Một nhân vật lẫy lừng mà tuổi già như vậy tưởng cũng không khó tìm. À phải! Được xem phong thư kia thì chỉ có Trí Quang hòa thượng, Từ trưởng lão và Mã phu nhân của Cái Bang cùng Thiết Diện Phán Quan Đơn Chính. Gã Triệu Tiền Tôn kia cũng biết y là ai. Triệu Tiền Tôn thể nào cũng kể với sư muội y là Đàm bà, mà chắc Đàm bà cũng không giấu ông chồng đâu, Trí Quang hòa thượng và Triệu Tiền Tôn cũng là đồng lõa giết hại song thân ta, đương nhiên là ta phải giết, còn cái thằng khốn nạn Thủ lĩnh đại ca kia, hừ, hừ, ta… ta phải giết sạch nhà nó từ già chí trẻ, con gà con chó cũng không tha.
A Châu sợ nổi da gà, đã toan nói: Đại gia giết một mình gã thủ lĩnh đại ca cũng đủ rồi, tha cho gia đình người ta. Thế nhưng nàng thấy Kiều Phong thần uy lẫm liệt không dám nói gì trái ý, câu nói ra đến cửa miệng lại nuốt vào.
Kiều Phong lại tiếp: Trí Quang hòa thượng vân du bốn bể, Triệu Tiền Tôn phiêu lưu vô định, hai người này khó lòng tìm được. Lão Thiết Diện Phán Quan Đơn Chính kia không tham gia giết hại song thân ta, ta đã giết hai đứa con của lão rồi, đứa con út cũng vì ta mà chết, không nên tìm y nữa. A Châu: Chúng ta lên đường đi tìm Từ trưởng lão của Cái Bang trước!
A Châu nghe hai chữ chúng ta vui mừng khôn xiết, có nghĩa là chàng đã bằng lòng cho mình đi cùng. Nàng lặng lẽ nở một nụ cười, nghĩ thầm: Dù đại gia có đến chân trời góc biển, tiểu nữ cũng nguyện đi theo.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 01 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 02 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 03 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 04 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 05 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 06 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 07 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 08 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 09 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 10 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 11 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 12 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 13 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 14 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 15 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 16 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 17 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 18 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 19 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 20 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 21 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 22 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 23 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 24 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 25 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 26 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 27 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 28 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 29 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 30 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 31 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 32 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 33 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 34 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 35 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 36 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 37 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 38 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 39 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 40 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 41 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 42 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 43 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 44 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 45 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 46 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 47 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 48 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 49 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 40 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, toàn tập tại đây.