Kim Dung | Thiên long bát bộ (Chương 47)

Trong những tinh phẩm thượng thừa, Thiên Long bát bộ luôn được đánh giá là một trong những kiệt tác của Kim Dung.

 · 78 phút đọc.

Trong những tinh phẩm thượng thừa, Thiên Long bát bộ luôn được đánh giá là một trong những kiệt tác của Kim Dung.

Đoàn người ngựa đi một mạch luôn mấy ngày. Từ đất Lô Châu đến Cao Lan, qua Thiên Thủy rồi đi về hướng Đông sang đất Trịnh, qua Quảng Nguyên, Kiếm Các, mới đến Thục Bắc. Dọc đường tiếp được truyền thư của quần nữ hai bộ Chu Thiên, Huyền Thiên cung Linh Thứu, nói là Trấn Nam Vương đang đi về phía chính Nam. Lại có tin đưa đến, nói lúc Trấn Nam Vương đưa hai vị phu nhân về đến Tư Đồng thì hai bà gây ra một trường ác đấu, dường như bất phân thắng bại. Đoàn Dự biết hai vị phu nhân này thì một là Tần Hồng Miên, mẫu thân Mộc Uyển Thanh và một là Nguyễn Tinh Trúc, mẫu thân A Châu, A Tử. Trong hai người này thì võ công Tần Hồng Miên cao hơn, nhưng mưu trí lại kém Nguyễn Tinh Trúc. Chàng yên trí đã có gia gia sắp xếp, chắc cũng không đến nỗi xảy ra chuyện lớn. Quả nhiên, chưa đến hai ngày sau lại có tin đưa đến là hai vị phu nhân đã chung sống hòa bình, đang cùng Trấn Nam Vương uống rượu trong một tửu lâu. Bộ Huyền Thiên đã báo cho Trấn Nam Vương biết là có đối thủ cực kỳ ghê gớm đang đón đường để toan gia hại.

Dọc đường, Đoàn Dự cùng Ba Thiên Thạch và Chu Đan Thần đã thương nghị với nhau mấy lần, cho rằng đối thủ lần này của Trấn Nam Vương, ngoài Đoàn Diên Khánh trong Tứ Đại Ác Nhân thì không còn ai nữa. Võ công của Đoàn Diên Khánh hết sức cao thâm. Trong nước Đại Lý, trừ Bảo Định Đế ra, không chừng chẳng còn ai địch nổi. Nếu lão đuổi kịp Trấn Nam Vương dọc đường, thì thật là chuyện rất đáng lo. Việc khẩn cấp trước mắt là phải đuổi theo cho kịp Trấn Nam Vương để hợp lực lại mới chống chọi nổi với Đoàn Diên Khánh. Ba Thiên Thạch nói: Chúng ta mà gặp Đoàn Diên Khánh, thì dù thế nào cũng lập tức cùng nhau xông vào để thủ thắng, nhất quyết không chần chừ như lần ở Tiểu Kính Hồ ngày trước, nếu để hắn cùng Vương gia lấy một chọi một là nguy đấy. Chu Đan Thần nói: Đúng thế! Bọn ta có Đoàn Thế tử, Mộc cô nương, Chung cô nương, Vương cô nương cùng hai ta, lại thêm hai vị phu nhân và bọn Hoa tư đồ, Phạm Tư mã, Cổ đại ca và các vị cô nương cung Linh Thứu giúp đỡ. Nhiều người hợp sức như vậy, dù chẳng giết được Đoàn Diên Khánh cũng không đến nỗi để lão ăn gỏi bọn mình. Đoàn Dự gật đầu nói: Chúng ta cứ thế mà làm.

Đoàn người ra roi cho ngựa phi thật nhanh. Khi đến Miên Châu, bỗng nghe phía trước có tiếng vó ngựa dồn dập, rồi thấy hai nữ nhân cưỡi ngựa đến. Hai người từ trên lưng ngựa nhảy xuống, hô lên: Thuộc hạ bộ Huyền Thiên cung Linh Thứu xin tham kiến Đoàn công tử nước Đại Lý. Đoàn Dự cũng vội vàng xuống ngựa thi lễ rồi nói: Hai vị tỉ tỉ vất vả quá! Có gặp gia phụ không? Thiếu phụ đứng bên phải trả lời: Khải bẩm công tử! Sau khi Trấn Nam Vương nhận được tin cảnh báo của bọn thuộc hạ, người liền chuyển hướng đi về phía Đông, nói là còn việc khác cần làm, sau đó mới trở về Đại Lý để tránh mặt đối thủ.

Đoàn Dự vừa nghe đã thấy yên tâm, cả mừng đáp: Thế là phải lắm! Gia gia là cành vàng lá ngọc, hà tất phải tranh hơi với bọn họ? Đối với bọn độc trùng ác thú, né tránh đi là hơn, đâu có phải là sợ chúng? Hai vị có biết bọn đối thủ đó là ai không? Sao lại nghe được tin này?

Thiếu phụ đáp: Đầu tiên là Cúc Kiếm nghe một vị cô nương tên là A Bích nói cho hay. Vương Ngữ Yên xen vào: Thì ra là A Bích. Đoàn Dự cũng nói: Ồ! A Bích cô nương ư? Ta cũng biết cô này. Nàng là tỳ nữ của Mộ Dung Phục.

Thiếu phụ nói: Thế thì phải rồi. Cúc Kiếm bảo A Bích cô nương cũng trạc tuổi như nàng, diện mạo xinh đẹp, nói giọng Giang Nam rất khó nghe. Cúc Kiếm còn nói là chủ nhân cô ta đã cùng công tử đến hoàng cung để chiêu thân, A Bích cô nương phải mau mau đi Tây Hạ gặp Mộ Dung công tử. Cô ta nói trên đường đi có nghe tin, có một nhân vật cực kỳ lợi hại muốn làm khó Trấn Nam Vương. Cô còn nói Đoàn công tử đối với cô rất tốt, nên cô nhờ bọn thuộc hạ tìm cách truyền lại tin này.

Đoàn Dự nhớ lại lúc gặp A Bích ở Cô Tô, nhờ nàng cùng A Châu dẫn đi mới được gặp Vương Ngữ Yên. Không ngờ lần này cũng chính nàng đã đưa tin, trong lòng chàng xiết bao cảm kích. Đoàn Dự hỏi: Hiện giờ A Bích cô nương ở đâu? Thiếu phụ đáp: Thuộc hạ cũng không biết rõ. Công tử! Theo lời Mai Kiếm thì đối thủ của Đoàn Vương gia rất lợi hại, nên Mai Kiếm không kịp chờ chủ nhân hạ lệnh đã phái ngay hai bộ Huyền Thiên, Chu Thiên đi rất gấp. Công tử phải cẩn thận mới được.

Đoàn Dự nói: Đa tạ đại tẩu đã hết lòng. Đại tẩu tên họ là gì? Sau này ta gặp nhị ca sẽ nói cho y biết. Thiếu phụ cười rạng rỡ, đáp: Bọn thuộc hạ ở hai bộ Huyền Thiên, Chu Thiên chỉ làm việc theo bổn phận, công tử chẳng cẩn phải hỏi đến tiện danh. Công tử đã có lòng tốt như vậy, thuộc hạ xin đa tạ. Thiếu phụ nói xong, liền cùng người đàn bà kia khép vạt áo, vái chào mọi người rồi lên ngựa đi ngay.

Đoàn Dự hỏi Ba Thiên Thạch: Ba Tư không! Theo ý huynh thì nên làm thế nào? Ba Thiên Thạch đáp: Vương gia đã chuyển sang hướng Đông. Chúng ta cứ đi thẳng về phía Nam, thì chắc là đến Thành Đô sẽ gặp Vương gia. Đoàn Dự khẽ gật đầu đáp: Đúng thế.

Đoàn người liền đi về phía Nam qua Miên Châu thì đến Thành Đô. Thành Cẩm Quan đúng là nơi phồn hoa đô hội vào bậc nhất Tây Nam. Đoàn Dự ở trong thành du ngoạn đã qua mấy ngày mà chưa thấy Đoàn Chính Thuần đến. Mọi người đều nghĩ rằng: Trấn Nam Vương đã có hai vị phu nhân bầu bạn, dọc đường chắc còn thưởng ngoạn phong cảnh để tận hưởng những hạnh phúc ấm áp nên chậm tới nơi. Khi về đến Đại Lý rồi sẽ không còn cảnh tiêu dao khoái lạc này nữa.

Đoàn người cứ theo hướng Nam mà đi, càng lúc lại càng gần Đại Lý. Ai nấy trong lòng thư thái, dọc đường hoa tựa gấm thêu, nhiều nơi phong cảnh tuyệt đẹp. Đoàn Dự cùng Vương Ngữ Yên sánh vai mà đi, nhưng sợ Mộc Uyển Thanh và Chung Linh khó chịu, nên cũng không dám lạnh nhạt với hai nàng. Mộc Uyển Thanh trên đường đi đã nói cho Chung Linh biết Đoàn Dự chính là huynh trưởng của mình, mà Chung Linh cũng là con tư sinh của Đoàn Chính Thuần. Hai cô liền gọi nhau bằng tỉ muội. Tuy hai người thấy Đoàn Dự cùng Vương Ngữ Yên nói cười vui vẻ, tình ý thân mật, mà cũng chẳng biết phải làm gì, chỉ âm thầm rầu rĩ trong lòng.


Một hôm trời đã xế chiều, đoàn người đi gần đến một khu rừng dương liễu, đột nhiên trời đổ mưa rào. Mọi người giục ngựa đi tìm nơi trú ẩn, xuyên qua rặng liễu thì thấy bảy tám gian nhà tường trắng, ngói đen ở cạnh một con sông nhỏ. Ai nấy cả mừng, giục ngựa chạy tới. Khi đến trước thềm thì thấy một lão già tay chắp sau lưng, đang ngẩng đầu nhìn những đám mây đen kịt trên trời.

Chu Đan Thần nhảy xuống ngựa, tiến lại chắp tay nói: Thưa lão trượng! Bọn tại hạ là khách lữ hành, giữa đường gặp mưa. Xin lão trượng mở lòng giúp đỡ, cho vào bảo trang để tạm trú. Lão già đáp: Khách quan nói quá lời rồi! Có ai đi đâu mà mang nhà cửa theo được? Mời các vị vào trong này. Chu Đan Thần nghe thanh âm lão không nặng nề như thổ âm ở Xuyên Nam, mắt lão lại sáng rực, thì không khỏi hồi hộp, chắp tay nói: Đa tạ lão trượng.

Mọi người bước vào cổng, Chu Đan Thần trỏ Đoàn Dự giới thiệu: Vị này là Dư công tử, đi thăm người nhà ở Thành Đô trở về. Vị này là Thạch lão ca, còn tại hạ ở họ Trần. Xin hỏi quý tính lão trượng. Lão già cười khà khà đáp: Lão phu họ Giả, là chân chân giả giả ấy mà. Dư công tử! Thạch đại ca! Mời chư vị vào nội đường, uống trà ngắm cảnh trời mưa. Chắc trời còn mưa lâu đấy. Đoàn Dự nghe Chu Đan Thần báo tên họ Giả thì biết là có điều gì khuất khúc, mọi người đều phải lưu tâm đề phòng.

Lão họ Giả dẫn mọi người vào ngồi trong phòng dưới mái hiên, trên tường có mấy bức tứ bình cùng tranh vẽ, bài trí rất trang nhã, không giống như nhà ở của bọn quê mùa. Chu Đan Thần và Ba Thiên Thạch đưa mắt nhìn nhau, lại càng chú ý đề phòng. Đoàn Dự thấy tự tích trên tứ bình đều do tay phàm tục viết, chàng không muốn nhìn lâu. Lão họ Giả nói: Để lão phu đi đun nước pha trà. Chu Đan Thần vội khách sáo: Không dám phiền lão trượng. Lão họ Giả cười đáp: Lão phu chỉ sợ tiếp đãi quý khách không đủ lễ mà thôi. Lão vừa nói vừa bước ra, khép cửa lại.

Cánh cửa phòng khép lại, sau cửa lộ ra một bức vẽ mấy khóm trà hoa, một khóm hồng bạc rất đẹp, một khóm trắng toát, cành đã bắt đầu khô. Trà hoa thì có nơi đâu nhiều bằng Đại Lý?

Đoàn Dự vừa nhìn thấy đã cao hứng, xem kỹ thì trong bức vẽ có đề một hàng chữ: Đại Lý trà hoa tối giáp hải nội, Chủng loại thất thập nhất, đại ư mẫu đơn. Nhất vọng nhược hỏa… vân… thước nhật chưng… Trong đó để trống mấy chữ. Đoàn Dự biết câu này trích trong cuốn Điền Trung Trà Hoa Ký mà chàng đã thuộc lòng, thật ra phải là: Đại Lý trà hoa tối giáp hải nội, chủng loại thất thập nhị, đại ư mẫu đơn. Nhất vọng nhược hỏa tề vân cẩm, thước nhật chưng hà. (Hoa trà ở Đại Lý đứng vào hàng đầu thiên hạ, tất cả có bảy mươi hai loại, có loại lớn hơn cả hoa mẫu dơn. Đứng xa trông đỏ một góc trời, dường như hòa lẫn với ánh dương quang mà tô điểm những đám mây sớm cho thêm phần rực rỡ). Đoàn Dự thấy trên bàn có sẵn nghiên bút, liền viết thêm một nét ngang ở chữ nhất cho thành chữ nhị, rồi điền vào hết những chỗ còn bỏ trống. Câu này vốn viết theo thể chữ Chữ Toại Lương, chàng cũng bắt chước viết vào, nên không có dấu vết gì là mới sửa cả.

Chung Linh vỗ tay cười nói: Huynh làm như vậy thì bức vẽ mới hoàn chỉnh, không còn khiếm khuyết nữa.

Đoàn Dự vừa cất bút, lão họ Giả đã đẩy cửa bước vào rồi tiện tay khép lại. Lão thấy những chỗ thiếu sót trên bức họa đã được điền vào cho đủ, lộ vẻ vui mừng, cười nói: Quý khách! Tiểu lão thật là thất kính. Bức họa này do một ông bạn già vẽ cho, mà lúc đề từ lại quên mất mấy chữ. Y nói về nhà tra lại sách, lần sau đến sẽ thêm vào. Hỡi ơi! Không ngờ y về đến nhà rồi bệnh tật liệt giường, không thể đến đây mà viết thêm được nữa. Ngờ đâu Dư công tử quán cổ thông kim, đã hoàn thành tâm nguyện cho vong hữu của lão phu. Gia nhân đâu! Mau mau bày tiệc rượu!

Lão họ Giả vừa gọi vừa bước ra, chẳng bao lâu đã thay một bộ y phục mới bằng tơ tằm, vào mời bọn Đoàn Dự uống rượu. Mọi người nhìn qua cửa sổ thấy trời vẫn mưa như trút nước, bao nhiêu khe lạch đều ngập tràn bờ, khó lòng khởi hành được. Hơn nữa, họ lại thấy lão họ Giả có ý chân thành nên không tiện từ khước, liền cùng nhau lên sảnh đường ăn uống. Bữa tiệc có đủ cá tươi, thịt ướp, gà vịt cùng rau xanh, bày ra đến mười mấy đĩa. Bọn Đoàn Dự tạ ơn chủ nhân rồi ngồi vào bàn tiệc.

Lão Giả tự rót rượu vào chén, cười nói: Nơi đây quê mùa chẳng có chi là cao lương mỹ vị. Dư công tử! Tiểu lão vốn là người ở Giang Nam, hồi trẻ cũng học được một chút võ công, lỡ tay giết mất hai kẻ thù, không thể ở lại quê nhà được nữa, phải trốn vào đất Tứ Xuyên này. Hỡi ôi! Chốc đã mấy chục năm trời, lắm lúc nhớ quê hương vô kể. Rượu ở quê tiểu lão ngon hơn thứ rượu này nhiều. Lão vừa nói, vừa rót rượu cho mọi người.

Mọi người nghe lão thuật lại thân thế, tuy không tin hẳn, nhưng nghe lão tự nói mình biết võ công thì cũng bớt phần lo âu. Lão họ Giả rót rượu xong lại nói: Lão xin cạn trước! Rồi đưa chén rượu lên uống một hơi cạn sạch. Mọi người yên tâm, nâng chén lên uống. Ba Thiên Thạch cùng Chu Đan Thần đều rất tinh tế cẩn thận. Hai gã uống rất ít, mà đĩa thức ăn nào cũng đợi lão họ Giả xuống đũa trước rồi mới gắp ăn sau.

Cơm rượu xong, trời vẫn mưa dầm. Lão họ Giả thành khẩn lưu khách, bọn Đoàn Dự thấy trời đã tối liền ngủ trọ lại một đêm. Lúc sắp đi ngủ, Ba Thiên Thạch khẽ dặn Mộc Uyển Thanh: Mộc cô nương! Đêm nay cô ngủ tỉnh một chút! Ta thấy nơi đây có vẻ tà môn! Mộc Uyển Thanh gật đầu, mặc nguyên áo nằm trên giường, trong tay áo chuẩn bị sẵn tên độc. Nàng chỉ nghe tiếng mưa rả rích bên ngoài, đến lúc trời sáng vẫn không thấy gì khác lạ.

Lúc mọi người dậy rửa mặt thì thấy trời đã ngớt mưa, liền cáo từ lão họ Giả. Lão tiễn khách ra ngoài mấy chục trượng, mới kính cẩn thi lễ quay về. Đoàn người đi xa rồi, nghĩ lại đều cho là chuyện lạ. Ba Thiên Thạch nói: Lão họ Giả này không rõ gốc gác ra sao, thật là khó hiểu. Lần này lão qua được mắt mình rồi. Chu Đan Thần nói: Ba huynh! Tiểu đệ thấy lão họ Giả này không có vẻ bất lương, nhưng lão vừa thấy công tử điền vào những chữ thiếu trong bức họa, thì đột nhiên biến sắc. Công tử! Công tử thử nghĩ xem, bức họa cùng đề từ đó có quan hệ gì không? Đoàn Dự lắc đầu đáp: Bức họa này vẽ mấy khóm sơn trà, là một chuyện rất tầm thường. Hai khóm trà thì một là Phấn Hầu, một là Tuyết Tháp, tuy cũng là danh trà, nhưng không quí hiếm lắm. Mọi người đoán mãi không ra ý tứ, cũng không nói đến làm gì nữa.

Chung Linh cười nói: Ước gì dọc đường cứ gặp những bức họa đề thiếu chữ, để ca ca thêm vào. Ca ca vẫy bút mấy cái là được hai bữa cơm rượu cùng một đêm ngủ trọ mà chẳng tốn đồng nào. Mọi người nghe vậy đều cười ồ.

Thật là kỳ lạ, câu nói của Chung Linh chỉ là giỡn chơi, thế mà sau đó vào chỗ trọ nào cũng thấy những bức họa đồ, đều vẽ hoa sơn trà. Có bức viết sai chữ, có bức đề thiếu chữ, có bức vẽ lá mà chẳng có hoa, hoặc có hoa mà không có lá. Đoàn Dự cứ thấy thế thì lại viết vẽ thêm vào, cứ mỗi lần chàng cất bút là lại được chủ nhân ân cần mời mọc, thết đãi rượu ngon nhắm tốt mà chẳng tốn một xu.

Ba Thiên Thạch cùng Chu Đan Thần thấy chuyện lạ, đã mấy lần gạn hỏi chủ nhân, nhưng đối phương vẫn trả lời giống nhau, đại khái là họa sĩ vẽ chưa xong, hoặc đề thiếu chữ, nay được quí khách bổ túc cho thì chân thành cảm kích vô cùng. Đoàn Dự cùng Chung Linh hãy còn tính trẻ, thấy thế thì thích thú, chỉ mong thấy thật nhiều những bức vẽ khiếm khuyết hay chữ viết sai trật. Vương Ngữ Yên thấy Đoàn Dự cao hứng nên nàng cũng rất vui. Mộc Uyển Thanh vốn là người không biết sợ trời sợ đất, dù đối phương hảo tâm hay nham hiểm, thì nàng cũng chẳng bận tâm suy nghĩ. Chỉ có Ba Thiên Thạch và Chu Đan Thần càng ngày càng thêm lo âu, hai gã thấy đối phương bố trí chu đáo như vậy, dĩ nhiên bên trong phải có mưu đồ trọng đại, nhưng không tài nào dò ra manh mối.

Ba, Chu mỗi khi gặp đối phương ân cần khoản đãi lại càng gia tâm quan sát, phòng ngừa trong rượu thịt có chất độc. Có nhiều chất độc tinh vi khó lòng phát giác được ngay, có khi phải ăn đến mười mấy lần mới phát tác. Ba Thiên Thạch là người kiến văn lịch duyệt, dù đối phương có muốn hạ độc thủ cũng khó lòng che mắt được gã. Thế mà trước sau gã vẫn thấy cơm rượu không có gì khác lạ, lúc nào chủ nhân cũng ăn uống trước, để tỏ ra không có gì ám muội.


Đoàn người đi dần xuống phía Nam, đã vào thượng tuần tháng mười nhưng trời vẫn chưa giá rét. Những chốn thâm sơn cây cối vẫn âm u, cỏ rậm xanh um, so với cảnh Tây Hạ ở phía Bắc, thật là khác xa.

Một hôm trời đã xế chiều, đoàn người đến gần một đồng cỏ lớn, cỏ xanh rợn đến chân trời, bên trái là một khu rừng rậm, trong mười dặm không có một bóng người. Ba Thiên Thạch nói: Công tử! Nơi này địa thế rất nguy hiểm, bọn ta nên sớm tìm một chỗ tốt để trú ngụ. Đoàn Dự khẽ gật đầu nói: Đúng thế! Hôm nay chúng ta chưa thể ra khỏi đồng cỏ này được, nhưng không biết tìm đâu ra chỗ tạm trú? Chu Đan Thần nói: Trong đồng cỏ này có nhiều muỗi độc, rắn độc, lại nhiều chướng khí. Hiện nay Quế hoa chướng chưa hết, mà Phù dung chướng đã bắt đầu. Hai thứ chướng khí pha trộn với nhau, chất độc lại càng mãnh liệt. Nếu không tìm được nơi ngủ trọ thì phải trèo lên cây cao mà nghỉ. Chướng khí không lên đến trên cao, mà muỗi độc, rắn độc cũng ít.

Đoàn người bèn quay sang phía trái, tiến vào khu rừng. Vương Ngữ Yên nghe Chu Đan Thần nói đến chướng khí lợi hại như vậy, liền hỏi Quế hoa chướng cùng Phù dung chướng là những thứ gì. Chu Đan Thần đáp: Chướng khí là những khí độc ở các ao đầm, rừng núi bốc lên. Tháng ba có Đào hoa chướng, tháng năm có Lựu hoa chướng. Thực ra chướng khí thì giống nhau, chỉ có thời gian là khác nhau. Chướng khí về mùa hoa nào, người ta lấy tên thứ hoa đó mà gọi. Vào khoảng từ tháng ba đến tháng năm khí trời viêm nhiệt, các giống độc trùng cùng muỗi rắn sinh sản thì lại càng nguy hiểm. Dải đất này cực kỳ ẩm thấp, đồng cỏ mỗi năm thối nát ra một lần, như vậy nhất định chướng khí mãnh liệt vô cùng. Vương Ngữ Yên nói: Thì ra là thế. Vậy có Trà hoa chướng không? Bọn Đoàn Dự, Ba Thiên Thạch đều phì cười. Chu Đan Thần đáp: Người Đại Lý chúng tôi rất thích hoa trà, nên không đem hoa trà liệt vào những hạng phát sinh chướng khí đáng ghét kia.

Mọi người mải nói chuyện, vào trong rừng lúc nào không hay. Vó ngựa giẫm xuống bùn lầy, mỗi lần rút chân lên rất khó khăn, đi lại mất nhiều thời gian. Ba Thiên Thạch nói: Chúng ta đừng tiến vào sâu nữa. Đêm nay bọn mình phải bắt chước loài chim, làm tổ trên cây mà ngủ. Đợi sáng mai mặt trời lên cao, chướng khí tan đi rồi mới lên đường. Vương Ngữ Yên hỏi: Khi mặt trời mọc thì chướng khí không độc nữa ư? Ba Thiên Thạch đáp: Đúng thế!

Đột nhiên Chung Linh chỉ về hướng Đông Bắc thất thanh la hoảng: Trời ơi! Nguy rồi! Chướng khí ngùn ngụt ở bên kia, không hiểu là loại chướng khí gì? Mọi người nhìn theo hướng tay nàng, quả nhiên thấy khói đen từ trong khu rừng đang cuồn cuộn bốc lên.

Ba Thiên Thạch nói: Chung cô nương! Đó là Siêu phạn chướng! Chung Linh lại hỏi: Siêu phạn chướng là gì? Có nguy hại lắm không? Ba Thiên Thạch cười đáp: Đó không phải là chướng khí, mà là khói người ta thổi cơm bốc lên. Mọi người nghe Ba Thiên Thạch nói đều cười ồ, ai nấy phấn khởi nói: Chúng ta đi về phía Siêu phạn chướng kia. Chung Linh thấy câu nói của mình làm cho mọi người phải phì cười, bất giác thẹn đỏ mặt lên. Vương Ngữ Yên liền an ủi: Linh muội! May mà Linh muội trông thấy khói người ta thổi cơm, không thì đêm nay chúng ta phải lên ngọn cây mà ngủ.

Đoàn người liền nhắm về phía khói bốc lên mà đi. Gần đến nơi, ai cũng nhìn rõ nơi đây có bảy tám gian nhà gỗ, cạnh nhà xếp đầy thân cây, hiển nhiên là chỗ ở của bọn tiều phu. Chu Đan Thần giục ngựa lên trước, lớn tiếng gọi: Các vị lão huynh! Bọn ta là khách qua đường, muốn vào ngủ trọ một đêm được chăng? Chờ một chút không thấy tiếng đáp lại, Chu Đan Thần lại gọi nữa, nhưng vẫn không có ai thưa. Trên nóc nhà khói vẫn tiếp tục bốc lên, trong nhà nhất định phải có người.

Chu Đan Thần lấy trong bọc ra một cây quạt để làm binh khí cầm tay, khẽ đẩy cửa tiến vào. Lạ thay, trong nhà không một bóng người mà vẫn nghe tiếng lửa cháy nổ lách tách. Chu Đan Thần đi thẳng vào phía sau, tiến vào nhà bếp, thì thấy một mụ già lưng gù đang thổi lửa. Chu Đan Thần hỏi: Lão bà! Trong nhà này còn ai nữa không? Mụ già ngơ ngác nhìn gã, dường như không nghe rõ. Chu Đan Thần hỏi lại: Chỉ có một mình bà thôi ư? Mụ già chỉ vào lỗ tai rồi lại chỉ vào miệng mình, bật lên mấy tiếng ú ớ, ra hiệu mụ vừa câm vừa điếc.

Chu Đan Thần trở ra nhà ngoài. Bọn Đoàn Dự, Mộc Uyển Thanh đã kiểm tra hết mấy gian nhà; trong khu này, ngoài mụ già kia không còn ai nữa. Trong mỗi căn nhà gỗ đều có kê ván làm giường, trên giường không có chăn đệm chi hết. Xem chừng mùa này bọn thợ rừng chưa bắt đầu làm việc. Ba Thiên Thạch chạy vòng quanh phía ngoài những gian nhà gỗ này hai lượt, cũng không thấy có gì khác lạ.

Chu Đan Thần nói: Mụ già kia đã câm lại điếc, không có cách nào nói cho mụ hiểu được. Tại hạ xem chừng Vương cô nương là người ôn hòa nhẫn nại, nhờ cô nương giao thiệp với mụ thử xem. Vương Ngữ Yên mỉm cười, gật đầu nói: Được rồi! Để muội thử xem sao! Nàng bèn đi vào nhà bếp, trỏ tay giơ chân rồi lấy ra mấy thoi bạc vụn cho mụ. Quả nhiên, mụ hiểu ý, liền đi lấy gạo thổi cơm. Trong nhà này không có rượu thịt, mọi người chờ cơm rau chín rồi ăn qua loa cho xong bữa.

Ba Thiên Thạch nói: Chúng ta tập trung ngủ trong một gian nhà này thôi, đừng phân tán ra. Nam ngủ ở hướng Đông, nữ ngủ ở hướng Tây. Mụ già thắp một ngọn đèn nhỏ, đặt lên chiếc bàn ở giữa phòng. Mọi người mới chợp mắt được một lát, bỗng nghe trong nhà có tiếng lách cách, hình như là tiếng người đang cố đánh lửa, nhưng đánh mãi mà lửa không cháy. Ba Thiên Thạch nhỏm dậy, ra mở cửa xem. Đèn dầu trên bàn đã tắt rồi, trong bóng tối những tiếng lách cách vẫn vang lên. Mụ già đang cố đánh lửa. Ba Thiên Thạch liền lấy hỏa đao hỏa thạch trong mình ra, đánh lửa lên thắp sáng đèn lại. Mụ già tươi cười nhìn Ba Thiên Thạch, ra hiệu cho mụ mượn hỏa đao hỏa thạch, rồi trỏ tay xuống bếp, có vẻ muốn thắp lửa dưới đó. Ba Thiên Thạch liền đưa hỏa đao hỏa thạch cho mụ mượn, rồi vào phòng ngủ.

Chẳng được bao lâu, tiếng lách cách lại vang lên. Bọn Đoàn Dự đã nhắm mắt sắp ngủ, lại bị tiếng động làm thức dậy, mở mắt ra thì thấy tối đen, ngọn đèn dầu lại bị tắt rồi. Chu Đan Thần cười nói:_ Bà lão gù lưng này thật là lẩm cẩm._ Gã muốn để mặc mụ muốn làm gì thì làm, nhưng tiếng lách cách cứ vang lên không ngớt, dường như mụ đánh lửa mãi không được. Chu Đan Thần không nhẫn nại được nữa, phải đứng lên đi vào phòng giữa. Trong bóng tối lờ mờ, gã thấy mụ già đang cố đánh lửa thắp đèn, gã liền lấy hỏa đao hỏa thạch của mình ra đánh lửa lên, châm vào ngọn đèn dầu. Mụ già cười hề hề rồi lại giơ tay ra hiệu cho Chu Đan Thần là mụ muốn mượn đồ đánh lửa để nhóm bếp. Chu Đan Thần đưa hỏa đao hỏa thạch cho mụ rồi trở vào phòng.

Ngờ đâu, gã vào nằm được một lúc thì tiếng lách cách ở giữa phòng lại vang lên. Ba Thiên Thạch cùng Chu Đan Thần đều bực dọc mắng thầm: Mụ già này lại làm trò quỉ gì đây? Những tiếng lách cách vẫn tiếp tục không dứt, Ba Thiên Thạch tức mình bèn chạy ra, đoạt lấy đồ đánh lửa của mụ, gõ mấy cái mà vẫn không bật được lửa lên. Gã sờ xem thì biết rằng đây không phải là hỏa đao hỏa thạch của mình cho mụ mượn lúc nãy, liền lớn tiếng hỏi: Hỏa đao hỏa thạch của ta đâu? Nhưng câu nói vừa ra khỏi miệng, bất giác gã bật cười nghĩ thầm: Té ra mình cũng lẩm cẩm nốt. Mụ này đã câm điếc thì mình còn quát hỏi làm chi?

Lúc này Mộc Uyển Thanh cũng chạy ra, lấy đồ đánh lửa đưa cho Ba Thiên Thạch, nói: Ba huynh muốn bật lửa ư? Ba Thiên Thạch đáp: Mụ già này thật là cổ quái. Cây đèn dầu này cứ châm lên lại tắt, tắt rồi lại châm, quấy nhiễu đến nửa đêm rồi. Gã nói xong, cầm lấy hỏa đao hỏa thạch của Mộc Uyển Thanh đánh lửa lên, châm vào ngọn đèn dầu. Mụ già có vẻ thỏa mãn, nhìn ngọn đèn cười hề hề. Ba Thiên Thạch nói: Mộc cô nương! Đi đường mệt nhọc, vào nghỉ đi thôi! Rồi gã cũng trở về phòng.

Ngờ đâu qua một lúc chừng uống cạn tuần trà, lại vang lên những tiếng lách cách. Ba Thiên Thạch cùng Chu Đan Thần đồng thời nhỏm dậy toan chạy ra, nhưng lại cùng sực tỉnh nghĩ thầm: Trên đời này sao lại có chuyện cổ quái đến thế? Chắc là ngụy kế chi đây.

Hai người khẽ cầm tay nhau, ra hiệu chia ra lén đến hai bên mụ già đang đứng bên cây đèn dầu. Lúc toan nhảy xổ vào, đột nhiên mũi ngửi thấy mùi u hương man mác, hình như đó là Mộc Uyển Thanh đang định đánh lửa. Hai người vội thu thế lại, rồi Ba Thiên Thạch hỏi: Mộc cô nương! Có phải cô đấy không? Mộc Uyển Thanh đáp: Phải rồi! Muội xem chừng nơi này có điều khác lạ, muốn thắp lửa lên xem xét.

Ba Thiên Thạch nói: Để tại hạ đánh lửa. Ngờ đâu gã gõ luôn mấy cái mà không thấy lửa cháy, liền cả kinh nói: Đồ đánh lửa này không dùng được. Mộc cô nương! Mụ già đã tráo mất hỏa đao hỏa thạch của tại hạ rồi! Chu Đan Thần nói: Chúng ta phải mau mau đi kiếm, đừng để mụ chạy thoát. Mộc Uyển Thanh chạy xuống bếp, còn Ba Chu hai gã chạy ra khỏi khu nhà gỗ, nhưng chẳng ai thấy mụ già đâu hết. Ba Thiên Thạch vội nói: Đừng đi xa nữa! Lúc này quan trọng nhất là phải bảo vệ công tử.

Hai người quay về căn nhà gỗ. Đoàn Dự, Vương Ngữ Yên, Chung Linh nghe động đều đã dậy cả rồi.

Ba Thiên Thạch hỏi: Ai có hỏa đao hỏa thạch không? Hãy thắp đèn lên rồi sẽ bàn. Bỗng Vương Ngữ Yên và Chung Linh đồng thanh la lên: Hỏa đao hỏa thạch của muội đã cho mụ già mượn mất rồi! Ba Thiên Thạch và Chu Đan Thần cũng la thầm: Mình đã đề phòng từng chút, không ngờ còn mắc kế của địch. Đoàn Dự lấy đồ đánh lửa trong mình ra, gõ mấy cái cũng không cháy. Chu Đan Thần hỏi: Công tử! Mụ già có mượn hỏa dao hỏa thạch của công tử không? Đoàn Dự đáp: Trước khi nấu cơm, mụ đã mượn rồi trả lại ngay. Chu Đan Thần nói: Nếu thế thì mụ đánh tráo mất rồi.

Một lúc lâu, mọi người không ai lên tiếng. Trong bóng tối chỉ nghe dế kêu ra rả, đêm nay là đêm nguyệt tận, không có trăng sao. Sáu người ngồi quây quần với nhau, chỉ nhìn thấy bóng lờ mờ của người ngồi bên cạnh. Ai nấy đều hồi hộp, chờ đợi hiểm họa sắp xảy ra. Từ lúc Đoàn Dự thêm chữ vào bức họa, lão già họ Giả ân cần đối đãi, sáu người này tựa như đã bị che mắt, không ai tự chủ được, rồi hoang mang không biết gì nữa. Ai cũng biết kẻ địch âm thầm tính kế hại mình, chúng đã dùng mưu kế thâm hiểm cố sao cho bọn mình không thắp đèn lên được, chắc là để dễ thi hành mưu kế trong bóng tối. Mọi người đều nghĩ: Nếu lúc này kẻ địch lén lút xuất hiện trong bóng tối thì thật là trở tay không kịp.

Mộc Uyển Thanh cất tiếng nói: Mụ già ấy lấy mất hỏa đao hỏa thạch của chúng ta, chắc dụng ý là để chúng ta không thể đốt được đèn, bọn chúng thi hành độc kế trong bóng tối. Chung Linh đột nhiên la lớn: Muội chỉ sợ bọn chúng ở trong bóng tối mà liệng rắn rết hay nhện độc ra. Ba Thiên Thạch kinh hãi nói: Chuyện này quả là đáng lo. Trong bóng tối mà chúng dùng những động vật nhỏ bé để tập kích, thì thật là khó đề phòng. Đoàn Dự nói: Vậy chúng ta lại ra ngoài, trèo lên cây ẩn nấp. Chu Đan Thần nói: E rằng trên cây chúng cũng bố trí độc vật cả rồi. Chung Linh lại thét lên một tiếng: Úi chao!, rồi nắm lấy cánh tay Mộc Uyển Thanh. Ba Thiên Thạch nói: Chung cô nương đừng sợ. Chúng ta thắp đèn lên rồi sẽ tính. Chung Linh hỏi: Không có hỏa đao hỏa thạch thì làm sao đánh lửa? Ba Thiên Thạch đáp: Địch nhân có dụng ý gì, hiện ta chưa biết. Nhưng nếu chúng muốn ta không lấy đâu ra lửa, thì ta phải làm cho có lửa, chắc cũng là chuyện tốt.

Ba Thiên Thạch nói xong, chạy xuống nhà bếp lấy hai cành cây khô đưa cho Chu Đan Thần, nói: Chu huynh đệ! Ngươi cắt cành cây này nát ra, càng vụn càng tốt. Chu Đan Thần vừa nghe đã hiểu ý, liền đáp: Phải rồi! Có lý nào chúng ta ngồi bó tay chờ họ tấn công? Gã nói xong, lấy trong bọc ra một lưỡi dao, cắt cành cây thành từng miếng nhỏ. Đoàn Dự, Mộc Uyển Thanh, Vương Ngữ Yên, Chung Linh cũng lấy dao ra, đem cành khô cắt nghiền thành gỗ vụn. Đoàn Dự thở dài nói: Tiếc là ta không có thần công như Khô Vinh đại sư, nội lực người truyền tới đâu là gỗ vụn cháy lên tới đó. Cả lão Cưu Ma Trí cũng có bản lĩnh này. Thật ra thì nội lực trong người chàng hiện nay đã cao thâm hơn Khô Vinh đại sư cùng Cưu Ma Trí khi đó, chỉ vì chàng không biết cách vận dụng mà thôi.

Mấy người tiếp tục nghiền gỗ nát ra như cám, nhưng trong lòng vẫn hồi hộp không yên. Chẳng ai nói gì, cứ cố lắng tai nghe động tĩnh bên ngoài. Mọi người đều nghĩ thầm: _Mụ già kia đánh lừa lấy hết hỏa đao hỏa thạch đi, nhất định là chẳng tốt lành gì. E rằng chúng sắp phát động âm mưu đến nơi rồi.

Ba Thiên Thạch giơ tay ra sờ, thấy đống gỗ vụn đã lớn bằng cái bát ăn cơm, liền vun gọn cho cao lên, để mấy miếng giấy mồi vào trong. Gã cầm lưỡi đơn đao của mình bên tay trái, rồi mượn lưỡi đao của Chung Linh cầm ở tay phải. Hai tay gã đập hai sống đao vào nhau nghe choang một tiếng, lửa bắn tung tóe vào đống gỗ vụn. Tiếc rằng lửa chỉ lóe lên một cái rồi tắt ngay, chưa kịp bén vào giấy mồi. Mọi người đều than thở tiếc rẻ. Ba Thiên Thạch tiếp tục gõ hai sống dao vào nhau choang choảng, đến tiếng thứ mười thì rốt cuộc giấy mồi cũng cháy bừng lên.

Bọn Đoàn Dự lớn tiếng hoan hô, châm lửa vào đèn. Chu Đan Thần sợ ngọn đèn bị gió thổi tắt, liền tìm trong bếp và các phòng hai bên, có bao nhiêu đèn lấy hết ra thắp lên. Ánh lửa vàng khè, chập chờn soi rõ mặt mọi người, khói bốc lên nhiều quá làm cho khó thở. Nhưng mọi người đã tốn rất nhiều công phu mới thắp được lửa lên, tinh thần đều phấn khởi, chẳng khác nào đã thắng được một keo.

Gian nhà gỗ này rất thô sơ, gió không ngớt lùa qua vô số khe hở thổi vào trong. Sáu người chú mục đề phòng, cầm sẵn khí giới trong tay mà nghe ngóng. Nhưng chỉ có gió thổi rì rào, côn trùng kêu ra rả, ngoài ra không có gì khác lạ.

Ba Thiên Thạch thấy chưa có động tĩnh gì, bèn quan sát kỹ lại những phòng chứa gỗ, bỗng thấy trên mấy cây cột có quấn chiếu, bên ngoài dùng dây thừng buộc chặt. Lúc mọi người vừa tới thì không thấy cột bị che như thế này. Gã bèn chặt đứt dây thừng cho chiếu rơi xuống. Đoàn Dự thấy trên hai cây cột có khắc một đôi câu đối. Vế trên là: Xuân câu thủy động trà hoa… Vế dưới là: Hạ cốc… sinh lệ tử hồng. Mỗi vế đều khuyết một chữ. Đoàn Dự quay lại, thay Chu Đan Thần bỏ tiếp chiếu quấn bên ngoài hai cây cột khác, lộ ra câu đối khắc trên cột: Thanh quần ngọc… như tương thức; Cửu… trà hoa mãn lộ khai.

Đoàn Dự nói: Dọc đường, ta đi đâu cũng thêm chữ vào, đó là phúc hay họa thì chưa biết được. Bọn chúng lấy chiếu để bọc cây cột lại, chứng tỏ không muốn cho ta thấy mấy câu đối này. Chúng ta cứ hành động ngược tại, để xem bọn chúng còn mưu kế gì nữa. Chàng liền đưa tay ra vạch vào cột gỗ nghe sào sạo, thêm chữ bạch vào dưới chữ hoa, thêm chữ vân vào dưới chữ cốc. Câu đối thành ra: Xuân câu thủy động trà hoa bạch; Hạ cốc vãn sinh lệ tử hồng. (Dòng xuân nước gợn trà hoa trắng; Non hạ mây trôi trái vải hồng). Nội lực Đoàn Dự rất thâm hậu, chỉ lực của chàng đi tới đâu, gỗ vụn rớt xuống lả tả tới đó. Chung Linh thích quá vỗ tay cười vang nói: Nếu sớm biết như vậy, thì lúc nãy huynh chỉ cần vạch tay vào gỗ mấy cái là được vô số gỗ vụn, đỡ mất bao nhiêu thì giờ.

Lại thấy Đoàn Dự thêm vào chỗ khuyết ở bên này, rồi ngâm: Thanh quần ngọc diện như tương thức; Cửu nguyệt trà hoa mãn lộ khai. (Quần xanh vóc ngọc dường quen mặt; Tháng chín hoa trà nở rợp sân). Chàng lắc lư cái đầu vừa ngâm thơ, vừa liếc mắt nhìn. Mặt Vương Ngữ Yên bỗng ửng hồng như nắng sớm, nũng nịu quay mặt đi.

Chung Linh nói: Không biết những cây cột này làm bằng gỗ gì mà thơm quá! Mọi người hít mạnh vào, quả nhiên thấy gỗ vụn của ngón tay Đoàn Dự vạch ra có mùi thơm phưng phức, giống như hoa quế mà không phải hoa quế, tựa như hoa hồng mà không phải hoa hồng. Đoàn Dự cũng lên tiếng: Thơm quá! Mùi hương mỗi lúc một nồng nàn, ngửi vào thấy trong lòng khoan khoái, tinh thần phấn khởi.

Chu Đan Thần chợt biến sắc nói: Hỏng bét! E rằng mùi hương này có chất độc, các vị nên bịt mũi lại. Mọi người chợt tỉnh ngộ, rồi lấy tay hoặc vạt áo bịt mũi. Nhưng lúc này ai nấy đã hít mùi thơm vào khá nhiều, nếu là hơi độc thì chắc đã đầu nhức mắt hoa, bụng dạ nôn nao. Thế mà bây giờ chẳng ai thấy khó chịu chút nào.

Qua một lúc lâu, mọi người bịt mũi mãi khó chịu quá, không nhịn được nữa, phải mở hé ra hô hấp, mà vẫn không thấy gì khác lạ. Ai nấy liền từ từ buông tay ra không bịt mũi nữa, cùng nhau bàn bạc, nhưng đoán không ra được dụng ý của kẻ thù.

Lại một lúc nữa, Mộc Uyển Thanh bỗng nghe thấy tiếng vù vù, bèn giật mình kêu lên: Trời ơi! Chất độc phát tác rồi. Trong tai muội có âm thanh kỳ quái. Chung Linh nói: Muội cũng thế. Ba Thiên Thạch nói: Đó không phải là âm thanh quái dị trong tai, mà hình như có một đàn ong lớn đang bay tới. Quả nhiên, tiếng vo vo mỗi lúc một lớn, tựa hồ có hàng ngàn hàng vạn con ong đang từ bốn phương tám hướng bay tới.

Nếu là ong thì chẳng dáng sợ lắm, nhưng ai cũng chưa từng nghe thấy âm thanh kỳ quái này bao giờ, nên đều nghi ngờ không biết có phải là tiếng của ong thật không. Mọi người nhớn nhác mà không biết nên làm thế nào. Tiếng vo vo mỗi lúc một gần, tưởng như một bầy yêu ma quỷ quái đang kêu gào bay đến để cắn người. Chung Linh nắm lấy cổ tay Mộc Uyển Thanh, Vương Ngữ Yên níu lấy Đoàn Dự, mọi người tim dập thình thình. Tuy họ đều biết có địch nhân đang rình trong bóng tối, nhưng không ngờ trước khi địch nhân tấn công, lại tạo ra những thanh âm khủng khiếp như vậy.

Đột nhiên mọi người nghe cách một tiếng, một vật nhỏ đụng vào vách ván của gian nhà gỗ. Những tiếng lách cách tiếp tục vang lên không ngớt, chẳng hiểu có vô số vật gì đang lao vào vách. Mộc Uyển Thanh và Chung Linh đồng thanh la lên: Đúng là ong rồi! Ba Thiên Thạch vội chạy ra đóng cửa sổ. Bỗng bên ngoài lại có tiếng ngựa hí lên rất thê thảm, cùng tiếng vó ngựa giẫm đạp loạn xạ. Chung Linh nói: Ong đốt ngựa! Chu Đan Thần nói: Để tại hạ ra cắt dây cương cho ngựa chạy đi! Gã bèn xé vạt áo trường bào bịt lên đầu, tay vừa kéo then cửa thì hàng ngàn hàng vạn con ong ùa vào trong nhà như một trận cuồng phong. Chung Linh, và Vương Ngữ Yên thét lên kinh hoàng.

Ba Thiên Thạch vội kéo Chu Đan Thần vào, rồi đóng cửa lại. Nhưng trong nhà đã đầy ong bay đi tìm mọi người để đốt. Chỉ trong khoảnh khắc, đầu mặt tay chân mỗi người đều bị khoảng chục con ong bâu lại. Chu Đan Thần mở quạt ra quạt loạn lên. Ba Thiên Thạch cũng bứt đứt vạt áo, phất thật mạnh. Đoàn Dự, Mộc Uyển Thanh, Vương Ngữ Yên và Chung Linh bốn người cũng cố nhịn đau để xua ong.

Ba Thiên Thạch, Chu Đan Thần, Đoàn Dự, Mộc Uyển Thanh vận công lực đến tột độ để động thủ, qua một lúc thì ong trong nhà chết dần, chỉ còn khoảng hai ba chục con. Nhưng lạ thay, loại ong này tựa như thiêu thân nhảy vào lửa, cố sống cố chết xông vào để đốt người. Hồi lâu, mọi người mới hạ hết bầy ong trong nhà, thì Chung Linh và Vương Ngữ Yên đã đau đến chảy nước mắt. Tiếng vo ve bên ngoài vẫn rất dữ dội, tiếng va đập vào vách nhà đồm độp như mưa rào, không biết là mấy ngàn mấy vạn con đang đột kích bên ngoài. Mọi người kinh hãi thất sắc, quên hết cả đau đớn, vội vàng xé áo đút nút hết những khe hở trên vách.

Trên thân trên mặt sáu người nhiều chỗ sưng vù, đỏ tía lên, trông rất khủng khiếp. Đoàn Dự nói: May là còn căn nhà gỗ này để dung thân. Nếu ở bên ngoài thì hàng ngàn hàng vạn con ong tha hồ mà đốt, chúng mình chỉ còn cách chờ chết. Mộc Uyển Thanh lại lên tiếng: Đàn ong này là do địch nhân xua đến, khi nào chúng lại chịu thôi? Chẳng lẽ chúng không biết phá căn nhà này đi hay sao? Chung Linh kinh hãi la lên: Mộc tỉ tỉ! Tỉ tỉ bảo chúng sẽ phá gian nhà gỗ này ư?

Mộc Uyển Thanh chưa kịp đáp, đã nghe đánh sầm một tiếng! Một tảng đá lớn được ném lên nóc nhà, may mà chưa thủng. Nhưng lại có hai tảng đá nữa ném lên, xuyên thủng nóc nhà rớt xuống, đèn lửa đều tắt phụt.

Đoàn Dự vội ôm Vương Ngữ Yên vào trong lòng, cố che đầu che mặt cho nàng. Tiếng vo ve vẫn nổi lên đinh tai nhức óc. Mọi người biết rằng xua đuổi đàn ong cũng chỉ vô ích, chỉ đành lấy áo trùm lên che mặt. Trong khoảnh khắc, mọi người bị muôn ngàn mũi ong châm, rồi sáu người cùng ngất đi, không còn biết gì nữa.


Đoàn Dự đã nuốt hai con Chu Cáp, bách độc không xâm nhập vào cơ thể được, nhưng sau khi chàng bị hàng trăm con ong đốt cũng nhức nhối khó chịu mà mê đi. Có điều nội lực chàng cực kỳ thâm hậu, nên hồi tỉnh lại trước tiên. Vừa tỉnh lại là chàng nhớ ngay đến Vương Ngữ Yên, đưa tay tìm thì phát giác nàng không còn trong lòng mình nữa. Chàng mở mắt ra nhìn, chỉ thấy tối om, tay chân đều bị trói chặt, mắt cũng bị người ta lấy vải đen bịt lại. Trong miệng chàng bị nhét một hạt vải lớn nên hít thở rất khó khăn, và dĩ nhiên không thể nói được. Những chỗ bị ong đốt hãy còn đau đớn vô cùng. Chàng cảm giác được là mình đang nằm dưới đất, nhưng không biết đây là đâu, và ngất đi đã bao lâu.

Giữa lúc chàng đang hoang mang thì chợt nghe thanh âm một thiếu phụ vang lên: Ta phí bao nhiêu tâm lực là để tróc nã con chó già họ Đoàn nước Đại Lý, sao ngươi lại bắt con chó non này về để làm gì? Đoàn Dự nghe thanh âm rất quen tai, nhưng không nhớ được là ai.

Lại nghe thanh âm một bà già đáp lại: Tiểu tì nhất thiết theo lời dặn bảo của tiểu thư, không dám sai trái chút nào. Tiếng thiếu phụ kia lại vang lên: Hừ! Ta thấy trong vụ này nhất định có điều gì khác lạ. Con chó già kia từ nước Tây Hạ đi xuống phía Nam, phải qua đất Tây Xuyên rồi đến đây. Vì sao nửa chừng hắn lại rẽ sang phía Đông? Thế là rượu thuốc chúng ta bố trí ở dọc đường, bọn chó non này đã uống hết.

Đoàn Dự hiểu ngay thiếu phụ đó nói con chó già là ám chỉ Đoàn Chính Thuần phụ thân chàng, mà con chó non tức là chàng. Tiếng thiếu phụ và mụ già nói với nhau tựa như chỉ cách một lần vách ván, dĩ nhiên là họ ở trong gian nhà bên cạnh. Mụ già lại nói: Đoàn Vương gia lần này đến Trung Nguyên chẳng bao lâu, dọc đường lại rẽ về hướng Đông… Thiếu phụ tức tối ngắt lời: Ngươi… còn gọi hắn bằng Đoàn Vương gia nữa ư! Mụ già đáp: Vâng! Trước kia… tiểu thư bảo tiểu tì gọi y là Đoàn công tử, nhưng hiện nay tuổi y đã cao… Thiếu phụ quát lên: Ngươi không được nói nữa! Mụ già Vâng một tiếng rồi im lặng. Thiếu phụ khẽ buông một tiếng thở dài, nhắc lại: Hiện nay y… tuổi đã cao rồi!… Thanh âm của mụ ẩn chứa một nỗi niềm luyến tiếc.

Lúc này Đoàn Dự chợt hiểu ra, thầm nghĩ: Mình cứ tưởng là ai, té ra lại là một cô bạn cũ của gia gia. Mụ này tức giận gia gia, chắc chẳng qua là chuyện ghen tuông. Phải rồi! Mụ sắp xếp đàn ong là định bắt gia gia, nào ngờ bắt nhầm phải bọn mình. Như thế thì dĩ nhiên mụ không hạ độc thủ với bọn mình. Không hiểu vị a di này là ai? Mình nhất định đã nghe qua thanh âm mụ rồi.

Thiếu phụ lại lên tiếng: Các quán xá, sơn trang của chúng ta ở khắp nơi, treo những bức họa hoặc bút thiếp thiếu chữ thiếu nét, ngươi nói là con chó non này đều thêm vào đúng cả, ta không thể tin được. Tại sao những câu mà con chó già thuộc lòng đều được con chó non ghi nhớ hết? Không thể có chuyện như vậy được. Mụ già lên tiếng đáp: Những câu thơ của cha thích viết, mà con học thuộc lòng thì có chi là lạ? Thiếu phụ tức giận nói: Con tiện tì kia làm sao mà sinh con thông minh đến thế được? Ta nhất định không tin.

Đoàn Dự nghe mụ nhục mạ đến mẫu thân mình, bất giác cả giận không dằn lòng được nữa, toan lên tiếng. Nhưng chàng vừa máy môi đã vấp phải hạt vải trong miệng, làm sao phát ra thanh âm được?

Bỗng nghe mụ già cất lời khuyên can: Tiểu thư! Chuyện này đã lâu lắm rồi, tiểu thư còn để dạ làm gì? Huống chi chúng ta đối đãi với chàng thiếu niên họ Đoàn này thật là quá đáng. Y chẳng phải là con của Đoàn công tử sao? Đàn Túy Nhân Phong của mình đã đốt y đau đớn lắm rồi, cũng đủ để trừng phạt y rồi! Thiếu phụ thét lên: Ngươi nói là tha thằng lỏi họ Đoàn ư? Hừ! Hừ! Ta phải xẻo từng miếng thịt hắn rồi mới buông tha.

Đoàn Dự nghĩ thầm: Gia gia mình đắc tội với mụ, chứ mình có làm gì nên tội mà mụ lại căm hận cả mình? Hóa ra giống ong kia tên là Túy Nhân Phong, không hiểu mụ tìm được ở đâu mà nhiều đến thế, mà sao lại sai được chúng đuổi theo bọn ta? Mụ là ai? Nhất định không phải là Chung phu nhân, thanh âm của hai người hoàn toàn không giống nhau.

Bỗng có tiếng một chàng trai: Cô mẫu! Điệt nhi xin bái kiến! Đoàn Dự giật mình kinh hãi, không còn nghi ngờ gì nữa, rõ ràng đây là thanh âm của Mộ Dung Phục. Thiếu phụ mà gã kêu bằng cô mẫu, thì dĩ nhiên là Vương phu nhân ở Mạn Đà Sơn Trang trong vùng Cô Tô. Bà là mẫu thân Vương Ngữ Yên, và là nhạc mẫu tương lai của mình. Đoàn Dự tưởng chừng như bị mười lăm gáo nước lạnh dội vào người, bảy gáo trên, tám gáo dưới, trong lòng bối rối vô cùng. Cảnh tượng lúc chàng đến Mạn Đà Sơn Trang lần trước lại hiện ra trước mắt.


Hoa trà còn có tên là Mạn Đà hoa, thiên hạ đều cho Đại Lý là nơi trồng hoa trà nổi tiếng nhất, hoa trà ở Cô Tô thì chẳng lấy gì làm quý. Mạn Đà Sơn Trang cũng trồng rất nhiều hoa trà, song rất ít giống quý, lại trồng không đúng phương pháp, hoa vừa nhỏ vừa tàn tạ. Khi đó chàng không hiểu tại sao bà ta đặt tên trang viện là Mạn Đà Sơn Trang, mà trong trang ngoài sơn trà ra, không trồng một thứ hoa cỏ nào khác.

Theo lề luật Mạn Đà Sơn Trang thì bất luận chàng trai nào tự tiện tới đó đều bị chặt mất đôi chân. Chàng còn nhớ đến câu Vương phu nhân nói: Hễ người Đại Lý, nhất là người họ Đoàn, mà gặp tay ta liền bị chôn sống. Hôm đó có một tên đệ tử phái Vô Lượng Kiếm, không hiểu sao bị Vương phu nhân bắt được, không phải là người Đại Lý, chỉ vì nhà cách nước Đại Lý chưa tới bốn trăm dặm mà cũng bị chôn sống.

Ngày đó Vương phu nhân còn bắt được một chàng thiếu niên công tử, ra lệnh cho gã quay về giết vợ để kết hôn cùng một vị cô nương họ Miêu. Chàng công tử kia không thuận, phu nhân bèn dọa giết, buộc gã phải nhận lời.

Đoàn Dự nhớ rõ hôm ấy Vương phu nhân đã dặn một tên tì nữ: Mi áp giải gã về thành Cô Tô, phải chính mắt nhìn thấy gã ra tay giết vợ, cùng Miêu cô nương thành thân rồi hãy về đây phục mệnh. Gã công tử kia năn nỉ: Xin phu nhân mở lượng từ bi. Phu nhân cùng vợ chồng tiểu nhân không thù không oán, lại không quen biết Miêu cô nương. Tiểu nhân cũng chưa từng quen biết phu nhân, hà tất phu nhân phải bắt tiểu nhân giết vợ để lấy người khác. Vương phu nhân liền bảo: Mi đã có vợ rồi, sao còn đi dùng lời ngon ngọt để tán tỉnh các cô gái khác? Ta không biết thì thôi, một khi đã biết ra đều xử theo đường lối này. Cứ theo bà ta nói, thì chỉ một mình tì nữ Tiểu Thúy đã xử đến bảy vụ như thế, ở những nơi Thường Thục, Đơn Dương, Vô Tích, Gia Hưng.

Đoàn Dự là người nước Đại Lý, lại ở họ Đoàn, may mà biết cách trồng hoa trà nên lần trước tới đó mới được Vương phu nhân tha chết, lại được mời lên điện Cẩm Vân thiết yến khoản đãi. Lúc chàng cùng phu nhân đàm luận về các thứ sơn trà, đã đề cập đến một thứ hoa trà cánh trắng mà có một tia đỏ, gọi là Trảo Phá Mỹ Nhân Kiểm. Chàng nói: Thế nhưng nếu cánh có nhiều tia đỏ thì lại không còn là Trảo Phá Mỹ Nhân Kiểm nữa mà là Ỷ Lan Kiều. Phu nhân thử nghĩ coi: đã là mỹ nhân thì phải thuần nhã ôn nhu, trên mặt thỉnh thoảng bị sướt một đường hẳn là khi chải đầu soi gương vô tình cào phải mặt. Hoặc giả không phải do mình thì do chơi đùa với con anh vũ, bị vuốt chim cào trúng, thành thử quầng mầu xanh trên cánh hoa kia chính là lông chim vương phải. Còn như khắp mặt sây sát, tươm máu hẳn nàng con gái đẹp kia đã cùng người gây sự đánh nhau thì còn đâu là vẻ mỹ nhân. Câu nói đó đã làm cho Vương phu nhân tức giận, lớn tiếng mắng: Ngươi nghe ai sai khiến đến đây nói hươu nói vượn để nhục mạ ta? Ai bảo mi đàn bà học võ công là mất vẻ mỹ miều? Nhuần nhã ôn nhu thì đã hơn ai? Thế rồi chàng bị đuổi khỏi tiệc rượu, suýt nữa mất mạng.

Đối với những sự việc này, khi đó chàng chỉ cảm thấy Vương phu nhân có những hành động lạ đời, trái với thường tình, ngoài bốn chữ bất chấp lý lẽ ra, thì không còn lời nào có thể hình dung được. Bây giờ chàng đã biết thiếu phụ ở phòng bên chính là Vương phu nhân, mọi điều đều không đáng ngạc nhiên nữa. Bà là người tình cũ của gia gia mình, chẳng trách bà quí hoa trà như tính mạng, nhưng đối với họ Đoàn nước Đại Lý thì bà căm hận thấu xương. Vương phu nhân yêu thích hoa trà, có thể là vì thời gian bà nồng ấm với gia gia, đã có những kỷ niệm liên quan đến hoa trà. Mỗi khi bà bắt được người Đại Lý hoặc người họ Đoàn đều đem chôn sống, dĩ nhiên vì gia gia là người Đại Lý họ Đoàn đã bỏ rơi bà, nên bà ôm hận trong lòng mà giận cá chém thớt. Bà ép buộc bọn thanh niên công tử lăng nhăng phải giết vợ để kết hôn với người tình, cũng là biểu lộ mối ẩn ức trong thâm tâm, mong cho gia gia mình giết chính thất để lấy bà ta làm vợ. Khi đó chàng vô ý mở miệng bình phẩm nữ nhân học võ công là mất vẻ mỹ miều, cũng làm bà ta giận dữ ngay tức khắc, không chừng vì xưa kia bà cùng gia gia mình tranh luận, bà nóng tính động thủ ngay, gia gia trách móc rồi hai người chia tay nhau vì lẽ đó.


Đoàn Dự đã giải thích được mối hoài nghi, nhưng trong lòng chàng vẫn cảm thấy nặng trĩu như đeo phiến đá ngàn cân, nhưng không hiểu duyên cớ vì đâu, hay nói đúng hơn là chàng không dám hiểu. Chàng nghĩ tới phụ thân mình cùng mẫu thân Vương Ngữ Yên ngày xưa đã có mối tư tình, thì trong thâm tâm nổi lên một mối lo âu khôn tả, không dám nghĩ tới những hình phạt đáng sợ có thể đến với mình.

Bỗng nghe Vương phu nhân nói: Hiền điệt đấy ư? Hay lắm! Hiền điệt mưu đồ khôi phục Đại Yên để làm hoàng đế, vậy đã sắp lên ngôi đại bảo chưa? Giọng nói của bà đầy vẻ mỉa mai. Mộ Dung Phục trả lời rất nghiêm trang: Đó là di chí của tổ tiên. Nhưng điệt nhi bất tài, bao nhiêu năm bôn tẩu giang hồ mà vẫn chẳng nên công cán gì. Điệt nhi đến đây để nhờ cô mẫu chỉ điểm cho.

Vương phu nhân cười mỉa đáp: Ta có gì hay mà chỉ điểm? Họ Vương là họ Vương, họ Mộ Dung là họ Mộ Dung. Ta là họ Vương, có liên can gì tới giấc mộng làm hoàng đế của nhà Mộ Dung các ngươi? Ta không cho ngươi đến Mạn Đà Sơn Trang, lại không cho Ngữ Yên gặp ngươi, chỉ vì ta không muốn dính líu đến nhà Mộ Dung. Còn Ngữ Yên đâu? Ngươi đã đưa nó đi đâu?

Ngữ Yên đâu? ba chữ này giống như ba tiếng sét đánh bên tai Đoàn Dự. Chàng nhớ lại lúc bị ong đốt thì mình đang ôm nàng ở trong lòng, mà không biết bây giờ nàng ở đâu rồi. Nghe giọng nói của phu nhân thì dường như bà không biết thật.

Mộ Dung Phục đáp:Biểu muội đi đâu thì điệt nhi biết thế nào được? Biểu muội quấn quít với Đoàn công tử hước Đại Lý, không chừng hai bên đã bái thiên địa, kết nghĩa phu thê rồi. Vương phu nhân run lên hỏi: Ngươi… nói gì mà thối thế? Rồi bà dập bàn đánh binh một tiếng, tức giận quát: Sao ngươi không trông nom cho nó? Nó là một đứa con gái nhỏ tuổi, mà ngươi để nó chạy loạn khắp giang hồ, thế ra ngươi không nghĩ đến tình hiểu huynh biểu muội nữa ư?

Mộ Dung Phục hỏi lại: Sao cô mẫu lại nổi giận vô lý thế? Cô mẫu sợ điệt nhi lấy biểu muội làm vợ, sợ biểu muội thành ra dâu con nhà Mộ Dung rồi cùng điệt nhi theo đuổi giấc mộng làm hoàng đế. Bây giờ thì tốt rồi, biểu muội lấy Đoàn công tử nước Đại Lý, sau này đường đường chính chính trở thành hoàng hậu Đại Lý, há chẳng phải là chuyện tốt ư?

Vương phu nhân lại đập bàn mạnh hờn, quát lớn: Đừng nói nhảm! Cái gì mà là chuyện tốt? Ta nhất định không cho phép.

Đoàn Dự ở phòng bên cạnh, nghe mấy chữ nhất định không cho phép thì trong lòng lo lắng. Chàng liên hồi kêu khổ: _ Khổ rồi! Khổ rồi! Mình cùng Vương Ngữ Yên sao mà gặp nhiều nỗi gian nan đến thế? Mẫu thân nàng không chịu thì biết làm thế nào?_

Bỗng nghe ngoài cửa sổ có tiếng người nói: Sai bét, sai bét! Vương cô nương cùng Đoàn công tử là một đôi do trời sắp sẵn, phu nhân có nhất định không cho phép, cũng không được đâu. Vương phu nhân tức minh quát hỏi: Bao Bất Đồng! Ai cho ngươi xen vào nói chuyện với ta? Thật chẳng còn ra thể thống gì nữa. Nếu ngươi dám cãi lại ta, thì ta kêu người giết con gái ngươi đó. Bao Bất Đồng là người trời không sợ đất không sợ, nhưng nghe Vương phu nhân nổi giận quát mắng, gã lập tức câm miệng không dám nói gì nữa.

Đoàn Dự lẩm bẩm: Bao tam ca! Bao tam thúc! Bao tam gia! Bao tam thái gia! Tam ca cãi lý tiếp với phu nhân đi. Phu nhân nói chuyện vô lý, chỉ có tam ca là bậc anh hùng hảo hán mới dám tranh luận với phu nhân. Ngờ đâu, bên ngoài cửa sổ vẫn im lặng như tờ. Không phải Bao Bất Đồng sợ Vương phu nhân sai người giết con gái mình, mà vì mấy đời nhà gã tùy tùng họ Mộ Dung, nên gã vẫn giữ lòng trung thành. Dù sao, Vương phu nhân cũng là một trong những vị chủ nhân của gã, nên gã không dám nổi nóng để lỗi đạo với người trên.

Vương phu nhân thấy Bao Bất Đồng không dám cãi lại thì cũng hơi nguôi giận, liền hỏi Mộ Dung Phục: Hiền điệt! Ngươi tìm ta để yêu cầu chuyện gì? Mộ Dung Phục cười đáp: Cô mẫu! Điệt nhi là chỗ thân tình cốt nhục, đến vấn an cô mẫu không được hay sao? Chẳng lẽ đến là phải yêu cầu chuyện gì sao?

Vương phu nhân cười khanh khách rồi nói: Ngươi cũng có lương tâm đấy, còn có lòng nhớ đến cô mẫu. Nhưng giả tỉ ngươi đã sớm nghĩ đến cô mẫu thì đâu đến nỗi xảy ra những việc thê thảm như ngày nay? Mộ Dung Phục cười đáp: Cô mẫu có điều gì chẳng được vui lòng, xin cứ cho điệt nhi hay. Điệt nhi sẽ làm cho cô mẫu được như ý. Vương phu nhân nói: Chà chà! Mấy năm nay không gặp, ngươi đã học đâu được những lời sáo ngữ đó? Mộ Dung Phục nói: Sao cô mẫu lại bảo là sáo ngữ? Chuyện của người ngoài thì điệt nhi khó mà đoán trúng, nhưng cô mẫu là tình cốt nhục, điệt nhi đoán tâm sự cô mẫu thì dù không trúng được cả mười, cũng phải được đến tám chín. Vương phu nhân hỏi: Vậy thì ngươi đoán thử xem? Nếu nói hươu nói vượn, ta đánh đòn thì đừng có trách.

Mộ Dung Phục cất tiếng ngâm: Quần xanh vóc ngọc dường quen mặt; Tháng chín hoa trà nở rợp sân.

Vương phu nhân giật minh kinh hãi, run lên hỏi: Ngươi… sao ngươi lại biết? Ngươi đã vào căn nhà gỗ giữa đồng cỏ rồi ư? Mộ Dung Phục đáp: Cô mẫu bất tất phải hỏi sao điệt nhi lại biết. Chỉ xin cô mẫu nói thực tình, có muốn gặp người đó không? Vương phu nhân ngập ngừng: Gặp… người nào? Giọng nói bà ta yếu ớt, tỏ ý khẩn cầu, không còn nghiêm khắc như trước nữa. Mộ Dung Phục nói: _Theo điệt nhi đoán thì cô mẫu muốn gặp con người đẹp như: Dòng xuân nước gợn hoa trà trắng; Non hạ mây trôi trái vải hồng.

Vương phu nhân run lên hỏi: Làm thế nào để gặp được y? Mộ Dung Phục nói: Cô mẫu phí bao nhiêu tâm huyết định bắt cho được người này, chẳng ngờ đi sai một nước cờ để y trốn mất. Điệt nhi nghĩ rằng muốn gặp y cũng chẳng khó gì, nhưng có gặp cũng chưa đủ, mà phải bắt y ở liền bên cạnh để luôn luôn phục thị cô mẫu. Cô mẫu bắt y làm thế nào y cũng phải tuân theo, dù là việc vẽ mày, thoa phấn. Mộ Dung Phục nói ra chiều bỡn cợt, nhưng Vương phu nhân lại không cho thế là ngỗ ngược. Bà thở dài nói: Ta đã bố trí chu đáo đến thế mà y còn lọt lưới được. Bây giờ ta không còn cách nào nữa.

Mộ Dung Phục đáp: Điệt nhi đã biết chỗ y ở rồi. Cô mẫu mà tin điệt nhi, thì nói rõ kế hoạch cho điệt nhi nghe. Không chừng điệt nhi có ý kiến hay.

Vương phu nhân nói: Dù sao chúng ta cũng là người một nhà, lẽ nào lại không tin nhau? Kế hoạch ta an bài là Túy Nhân Phong. Ta đã nuôi trong Mạn Đà Sơn Trang mấy trăm tổ ong. Trong sơn trang của ta, ngoài hoa trà không có loại hoa gì khác nữa. Sơn trang cách đất liền rất xa, ong trên đảo cũng không bay đi nơi khác để lấy mật. Mộ Dung Phục nói: Đúng thế! Loại Túy Nhân Phong này chỉ hút mật hoa trà, không quen loại hoa nào khác. Vương phu nhân nói: Nuôi loại ong này, ta đã phải tốn mười mấy năm tâm huyết, dần dần trộn thêm mê dược vào thức ăn của ong, sau đó lại thêm một loại thuốc đặc biệt. Người nào mà bị Túy Nhân Phong đốt là ngã liền, và mê đi bốn năm ngày không biết gì nữa. Đoàn Dự giật mình tự hỏi: Chẳng lẽ mình đã hôn mê tới bốn năm ngày rồi ư?

Mộ Dung Phục nói: Mưu kế của cô mẫu quả là phi thường! Không hiểu cô mẫu làm thế nào mà sai khiến đàn ong đi đốt người được? Vương phu nhân đáp: Cần phải bỏ thuốc vào đồ ăn của họ. Thứ thuốc này tuy không màu sắc, không mùi vị, nhưng lại hơi đắng một chút, cho nên không thể cho họ ăn nhiều một lúc được. Ngươi thử nghĩ xem, thằng cha kia tinh khôn như quỷ, thủ hạ y cũng toàn những tay thông minh tài trí. Muốn dùng thuốc mê, thuốc độc với họ thì chắc chắn là không được. Ta nghĩ ra kế hoạch này, rồi phái người cung cấp đồ ăn cho họ ở dọc dường, và ngấm ngầm cho chất thuốc không độc ấy vào…

Đoàn Dự nghe tới đây liền tỉnh ngộ: Té ra dọc dường mình gặp bao nhiêu bức họa cùng bút thiếp thiếu chữ thiếu nét, đều là do Vương phu nhân bày ra để dẫn dụ gia gia mình điền vào. Mình điền được đúng hết, nên bọn thuộc hạ của Vương phu nhân tưởng mình là Đoàn Vương gia nước Đại Lý, liền bỏ thuốc vào rượu và cơm cho bọn mình ăn uống.

Vương phu nhân lại nói: Không ngờ âm dương trắc trở, thằng cha kìa lại đi ngả khác mất, chỉ gặp thằng lỏi này. Không hiểu nó là ma quỷ hay sao, mà bao nhiêu thi từ ca phú của cha nó, nó đều thuộc lòng hết. Dĩ nhiên nó cũng là giống phiêu lưu hiếu sắc, buông tuồng lãng mạn như phụ thân. Thằng quỷ con dọc đường điền được đúng hết những chỗ thiếu chữ mất nét. Nó thay cha nó ăn những thức ăn có pha thuốc, rồi sau cùng đến căn nhà gỗ giữa cánh đồng cỏ. Những đèn lửa trong nhà này đều có đặt dược liệu. Trong cột cũng có giấu chất thuốc, hễ có người đụng vào cột là mùi hương xông ra. Túy Nhân Phong ngửi thấy mùi thơm này liền kéo đến. Trời ơi! Kế hoạch của ta chu đáo đến thế, mà lại bắt lầm người! Thế là thằng quỷ con này làm hỏng việc của ta! Hừ! Ta không đem chặt nó ra làm mấy chục khúc, thì không hả được mối căm tức này.

Đoàn Dự nghe giọng nói của Vương phu nhân cực kỳ oán độc, thì lo lắng nghĩ thầm: Cạm bẫy của Vương phu nhân thật là kín đáo. Mụ giấu thuốc bột vào trong cột nhà, lại tìm cách dụ mình điền chữ vào câu đối, khoét cột để thuốc tung ra. Đoàn Dự ơi là Đoàn Dự! Tự ngươi cứ từng bước, từng bước chui đầu vào cạm bẫy của người ta, thật là hồ đồ ngu dại. Nhưng chàng lại nghĩ: Nhờ ta điền được đầy đủ chữ khuyết thì bọn thủ hạ Vương phu nhân mới nhầm ta là gia gia, như vậy gia gia mới thoát được hiểm nghèo. Ta hứng chịu tai họa thay gia gia, thì có gì đáng ân hận đâu, đó còn là việc cầu còn chưa được. Chàng nghĩ thế, liền cảm thấy trong lòng thư thái, nhưng rồi lại nghĩ: Vương phu nhân bắt được mình, đòi chặt mình ra làm mười bảy mười tám miếng. Không chừng mụ lại bắt được phụ thân, buộc phải hầu hạ, nhất nhất tuân theo mệnh lệnh. Cha con mình mỗi người chịu một cảnh đau khổ khác nhau.

Vương phu nhân lại hằn học lên tiếng: Ta đã sai con tì nữ này giả trang làm bà lão câm điếc để chủ trương đại cuộc. Không ngờ nó không nhớ mặt thằng cha kia, mới lầm lẫn thế này, thật là tức cười.

Mụ già cố giải thích: Tì nữ đã bẩm với tiểu thư rồi. Tì nữ thấy trong bọn người này không có Đoàn Vương gia, nên đã lừa gạt lấy hết hỏa đao hỏa thạch khiến họ không có gì để thắp đèn. Tì nữ cũng đã lấy chiếu quấn vào cột, che các câu đối lại, để họ không dẫn dụ đàn Túy Nhân Phong vào nhà nữa. Ngờ đâu bọn họ cứ cố chuốc vạ vào thân, cuối cùng vẫn tìm được lửa, đọc thấy câu đối. Vương phu nhân hừ một tiếng, hậm hực nói: Dù sao ngươi cũng là đồ bỏ.

Đoàn Dự nghĩ thầm: Mụ già này gạt lấy hết hỏa dao hỏa thạch, dùng chiếu che câu đối, thì ra là vì lòng tốt. Việc này thật là không ngờ được.

Mộ Dung Phục hỏi: Cô mẫu! Bầy Túy Nhân Phong đã đốt người rồi thì không dùng được nữa hay sao? Vương phu nhân đáp: Con nào đã đốt người rồi thì một lúc sau sẽ chết. Nhưng ta nuôi đến hàng ngàn hàng vạn con, bây giờ mới chết vài trăm con cũng chẳng quan hệ gì. Mộ Dung Phục vỗ tay cười nói: Thế thì được rồi! Bắt thằng lỏi trước, rồi bắt cha nó sau cũng chẳng hề chi. Bây giờ cô mẫu lấy mũ áo, bội ngọc trong mình thằng lỏi kia, hay là khí giới vật dụng gì cũng được, để điệt nhi đi bắt lão kia về cho cô mẫu. Lão đã trông thấy đồ vật của con mình, thì dẫn dụ đến căn nhà gỗ giữa cánh đồng cỏ chẳng có gì là khó khăn.

Vương phu nhân lên một tiếng, rồi đứng dậy nói: Hiền điệt thật là nhanh trí, thế mới biết người tuổi trẻ đầu óc minh mẫn. Cô mẫu vừa thấy kế hoạch hỏng đã sinh lòng chán nản, không tính đến nước cờ khác. Phải, phải! Y mà biết thằng con lọt vào tay mình thì phụ tử tình thâm, nhất định sẽ tìm đến cứu gã. Khi đó sẽ cho Túy Nhân Phong đốt y cũng chưa muộn.

Mộ Dung Phục cười nói: Đã dẫn dụ được y đến đây rồi, không dùng Túy Nhân Phong cũng chẳng sao. Cô mẫu cứ bỏ thuốc mê vào rượu, cho y uống vào ba chén thì còn sợ gì y chẳng tuân theo? Thật ra cũng chẳng cần dùng Túy Nhân Phong hay thuốc mê làm gì nữa, y nhìn thấy nhan sắc hoa dung nguyệt mạo của cô mẫu, lại còn không say bí tỉ ư?

Vương phụ nhân hứ một tiếng, mắng luôn: Đồ hỗn láo! Ngươi nói chuyện với cô mẫu mà dám vô lễ, không biết trên biết dưới nữa ư? Nhưng bà nghĩ tới cảnh được cùng Đoàn Chính Thuần tương kiến, cùng ngồi ngắm hoa uống rượu thì bất giác mặt tươi hớn hở, tâm hồn rung động, lại nói: Phải rồi! Chúng ta cứ làm theo cách ấy.

Mộ Dung Phục hỏi lại: Cô mẫu nghĩ lại coi, chủ ý của điệt nhi như vậy có được chăng? Vương phu nhân cười đáp: Nếu vụ này mà thành công, thì ta nhất định không quên hảo ý của ngươi đâu. Bước đầu là chúng ta phải điều tra con người bạc hạnh kia hiện ở đâu? Mộ Dung Phục nói: Điệt nhi còn biết một tin tức gây trở ngại cho vụ này. Vương phu nhân chau mày hỏi: Còn chỗ nào khó khăn nữa? Sao ngươi không nói ra mà cứ úp mở hoài? Mộ Dung Phục nói: Hiện giờ người đó đã bị kẻ khác bắt giữ rồi, tính mạng nguy trong sớm tối.

Bỗng nghe có tiếng choang choảng, tay áo Vương phu nhân đụng vào chén trà rớt xuống đất vỡ tan. Đoàn Dự cũng giật mình kinh hãi, nếu trong miệng không có hạt vải thì chàng đã bật lên tiếng la hoảng rồi.

Vương phu nhân run lên hỏi: Y bị ai bắt? Sao ngươi không nói cho ta biết trước? Dù sao chúng ta cũng phải tìm cách giải cứu y. Mộ Dung Phục lắc đầu đáp: Cô mẫu! Đối thủ là một tay võ nghệ rất cao cường, điệt nhi không phải là địch thủ của hắn. Chúng ta phải dùng trí, chứ không thể dùng sức được. Vương phu nhân nghe giọng nói Mộ Dung Phục bình thản, dường như không có gì nguy hiểm lắm, nên cũng hơi bình tĩnh lại, hỏi dồn: Dùng trí thế nào? Dùng trí thế nào?

Mộ Dung Phục đáp: Diệu kế Túy Nhân Phong của cô mẫu vẫn còn có thể dùng được. Bây giờ chỉ cần đổi mấy cột gỗ đi, viết mấy chữ vào, tỉ như: Bảo Định đế Đoàn Chính Minh, đương kim thiên tử nước Đại Lý. Khi y trông thấy, nhất định sẽ tức giận mà lấy ngón tay hủy nát đi. Thuốc bột trong cột sẽ bay ra.

Vương phu nhân nói: Thế thì người bắt y chắc là một kẻ muốn tranh đoạt ngôi hoàng đế nước Đại Lý, tên gọi Đoàn Diên Khánh gì gì đó phải không? Mộ Dung Phục đáp: Đúng thế!

Vương phu nhân cả kinh nói: Y… y… y lọt vào tay Đoàn Diên Khánh thì dữ nhiều lành ít, vì Đoàn Diên Khánh lúc nào cũng muốn hạ sát y. Không chừng bây giờ y đã bị hắn… giết chết rồi.

Mộ Dung Phục cười đáp: Xin cô mẫu yên tâm. Trong việc này còn có một điều quan trọng mà cô mẫu chưa tính tới. Vương phu nhân hỏi: Lại có điều gì quan trọng? Mộ Dung Phục đáp: Hoàng đế Đại Lý hiện nay là Đoàn Chính Minh. Đoàn Chính Thuần được phong làm Hoàng Thái đệ, mọi thần dân nước Đại Lý đều biết rõ. Đoàn Chính Minh lại rất được lòng dân, mà cả Trấn Nam Vương cũng thế, nên ngôi hoàng đế của y khó mà lay động được. Đoàn Diên Khánh muốn giết Đoàn Chính Thuần thì chỉ một nhát đao là xong, nhưng sau đó nước Đại Lý sẽ lâm vào tình trạng hỗn loạn. Đoàn Diên Khánh có lên ngôi hoàng đế thì vị tất đã ngồi yên được.

Vương phu nhân nói: Ngươi nói rất có lý. Nhưng sao ngươi biết được chuyện này? Mộ Dung Phục đáp: Phần thì điệt nhi nghe được, phần thì điệt nhi tự đoán ra. Vương phu nhân nói: Suốt đời ngươi ôm ấp cái mộng làm hoàng đế, hèn gì nhìn thấy rõ cả những chỗ ngoắt ngoéo của việc tranh bá đồ vương.

Mộ Dung Phục cười nói: Cô mẫu quá khen! Theo ngu ý của điệt nhi thì Đoàn Diên Khánh bắt Trấn Nam Vương quyết không hạ sát y ngay, mà phải để y lên ngôi làm hoàng đế, sau đó dùng cách bắt y phải nhường ngôi, thì mới được danh chính ngôn thuận. Vương phu nhân hỏi lại: Làm sao mà danh chính ngôn thuận được? Mộ Dung Phục đáp: Phụ thân Đoàn Diên Khánh vốn là hoàng đế nước Đại Lý trước kia, rồi bị gian thần giết để cướp ngôi, Đoàn Diên Khánh mất tích trong lúc hỗn loạn. Vì thế sau này Đoàn Chính Minh mới lên ngôi hoàng đế. Đoàn Diên Khánh thuộc dòng chính thống, nên người ta mới kêu là Diên Khánh Thái tử, mọi người trong nước ai cũng biết rõ việc này. Sau này Trấn Nam Vương lên ngôi hoàng đế mà không có người kế nghiệp, thì lập Đoàn Diên Khánh lên làm Hoàng Thái đệ là hợp lý nhất. Như thế là danh chính ngôn thuận rồi.

Vương phu nhân ngạc nhiên hỏi: Rõ ràng là y có đứa con trai, sao lại bảo là không có người kế nghiệp? Mộ Dung Phục cười đáp: Cô mẫu vừa nói đã quên rồi. Chẳng phải cô mẫu đã nói sẽ đem thằng lỏi họ Đoàn chặt làm mười bảy mười tám khúc đó sao? Trên thế gian này, chẳng lẽ có người bị chặt ra từng khúc mà vẫn có thể ráp lại để làm hoàng đế được ư? Vương phu nhân nói: Phải lắm, phải lắm! Thằng lỏi đó là dòng giống của con tiện tỳ kia, để nó sống thì ta lại càng thêm tức giận.

Đoàn Dự nghĩ thầm: Phen này đúng là dữ nhiều lành ít. Vương Ngữ Yên lại không biết đi đâu rồi? Giả tỉ Vương phu nhân thấy nàng ở đây, không chừng có thể tha chết cho mình.

Vương phu nhân lại nói: Nếu tính mạng y chưa có gì đáng lo, thì ta cũng yên tâm. Ta chẳng muốn để y về lên ngôi hoàng đế nước Đại Lý làm gì, mà chỉ muốn bắt y ở lại Mạn Đà Sơn Trang với ta. Mộ Dung Phục nói: _Sau khi Trấn Nam Vương nhường ngôi rồi, dĩ nhiên phải quay lại Mạn Đà Sơn Trang với cô mẫu. Khi đó y có ở lại nước Đại Lý cũng chẳng hứng thú gì, mà Đoàn Diên Khánh cũng không muốn để y ở lại. Y có lên ngôi hoàng đế cũng chỉ mười ngày nửa tháng là thoái vị ngay, không thì Đoàn Diên Khánh cũng chẳng chịu. Vương phu nhân đáp: Hừ! Hắn chịu hay không chịu thì có gì quan hệ đâu? Chúng ta đến bắt Đoàn Diên Khánh, cứu Đoàn công tử ra trước đã. Sau đó thử chém Đoàn Diên Khánh một đao, xem y có chịu hay không.

Mộ Dung Phục thở dài nói: Cô mẫu còn quên một điều, là mình chưa bắt được Đoàn Diên Khánh. Vương phu nhân nói: Hắn ở đâu chắc là ngươi biết rồi. Bụng dạ ngươi ta còn lạ gì? Ngươi giúp ta thành sự rồi muốn tạ ơn điều chi thì hãy nói toạc ra. Mất lòng trước được lòng sau, chúng ta hãy làm tiểu nhân trước, rồi sau sẽ làm quân tử. Mộ Dung Phục đáp: Cô cháu mình là tình cốt nhục. Điệt nhi chỉ giúp cô mẫu được chút việc nhỏ mọn, khi nào dám nghĩ đến chuyện đền đáp. Điệt nhi chỉ biết làm hết sức mình, không đòi thù tạ gì hết.

Vương phu nhân nói: Bây giờ ngươi không nói ra, sau khi thành sự mới đòi hỏi, lúc đó nếu ta không chịu thì ngươi đừng trách. Mộ Dung Phục cười đáp: Điệt nhi đã nói là không dám mong cô mẫu tạ ơn. Khi ấy cô mẫu vui vẻ thì thưởng cho điệt nhi mấy vạn lạng hoàng kim, hoặc cho mấy bộ võ kinh trong Lang Hoàng Các, là đủ lắm rồi.

Vương phu nhân hứ một tiếng rồi nói: Ngươi muốn lấy hoàng kim thì cứ hỏi ta, có bao giờ ta cự tuyệt đâu? Ngươi muốn xem võ kinh trong Lang Hoàng Các thì ta lại càng vui lòng, chỉ lo buồn vì ngươi không chịu theo chính nghiệp để cầu tiến. Ta thật sự không hiểu thằng lỏi này có ý định gì! Nhưng thôi cũng được, chúng ta hãy tính cách bắt Đoàn Diên Khánh, cứu sống mấy người, xong sẽ bàn tiếp. Ý kiến của ngươi thế nào?

Mộ Dung Phục hỏi: Bước thứ nhất là dẫn dụ Đoàn Diên Khánh đưa Trấn Nam Vương tới căn nhà gỗ giữa cánh đồng cỏ, có phải không? Vương phu nhân đáp: Phải rồi! Ngươi định dùng kế gì để dẫn dụ Đoàn Diên Khánh tới đó? Mộ Dung Phục nói: Việc này dễ lắm! Đoàn Diên Khánh muốn lên ngôi hoàng đế nước Đại Lý, cần phải làm hai việc, một là bắt Đoàn Chính Thuần để ép nhường ngôi, hai là giết Đoàn Dự. Chúng ta đem những vật tùy thân của Đoàn Dự đến cho Đoàn Chính Thuần trông thấy, dĩ nhiên Đoàn Chính Thuần phải tìm đến cứu con, và Đoàn Diên Khánh sẽ theo y đến đó. Thế là cô mẫu bắt Đoàn Dự cũng không phải là sai lầm, coi như đi kiếm mồi thơm để nhử cá ngao.

Vương phu nhân cười hỏi: Ngươi bảo thằng lỏi họ Đoàn kia là mồi thơm ư? Mộ Dung Phục cũng cười đáp: Điệt nhi thấy hắn nửa thơm, nửa thối. Vương phu nhân hỏi: Thế nghĩa là sao? Mộ Dung Phục đáp: Nửa của Trấn Nam Vương thì thơm, còn nửa của Trấn Nam Vương phi thì dĩ nhiên là thối.

Vương phu nhân cười ha hả rồi nói: Thằng lỏi này thật là khéo ăn khéo nói, biết cách làm cho cô mẫu vui lòng.

Mộ Dung Phục cười nói: _Bây giờ điệt nhi quất ngựa truy phong, bao giờ mã đáo thành công thì mới gọi là làm cho cô mẫu vui lòng. Cô mẫu gọi thằng lỏi đó ra đây._Vương phu nhân đáp: Gã bị Túy Nhân Phong đốt, ít nhất ba ngày nữa mới tình lại. Nếu không thế thì gã nằm bên kia chỉ cách có một lớp vách ván, mà chúng ta nói chuyện đàng hoàng thế này thì bị gã nghe hết. Ta còn có chuyện hỏi ngươi: Giả tỉ thằng cha Trấn Nam Vương bạc hạnh vô tình kia cứ khư khư gịữ lấy ngôi báu, không chịu nhường cho Đoàn Diên Khánh thì sao? Như vậy tất y phải chịu những thứ cực hình đau khổ. Giọng nói của bà đầy vẻ thiết tha.

Mộ Dung Phục thở dài đáp: Cô mẫu! Việc này cô mẫu bất tất phải hỏi nữa. Điệt nhi chỉ sợ nói ra một chuyện làm cho cô mẫu phải bực mình! Vương phu nhân giục: Nói mau đi! Nói mau đi! Lại còn chuyện gì nữa? Mộ Dung Phục đáp: Điệt nhi cũng công nhận Đoàn Vương gia nước Đại Lý quả là con người bạc hạnh vô tình. Cô mẫu có nhan sắc nguyệt thẹn hoa nhường lại tài kiêm văn võ, dù đốt đuốc tìm khắp thiên hạ cũng khó được người thứ hai. Không biết gã họ Đoàn kiếp trước đã tạo bao nhiêu phúc đức mà được cô mẫu rủ lòng thương đến, đáng lý y phải một dạ trung thành. Thế mà… Chao ôi! Sao trong thiên hạ lại có người ngu dại đến thế, có hạnh phúc mà không biết hưởng thụ, chẳng tiếc Hằng Nga nơi nguyệt điện, lại tìm giống lợn chốn bùn lầy…

Vương phu nhân tức giận quát: Ngươi bảo thằng cha… thằng cha bạc hạnh vô tình đó còn đi với nữ nhân nào khác hay sao? Với ai? Với ai? Mộ Dung Phục đáp: Y đi với bọn người hèn mạt không đáng xách giày cho cô mẫu, toàn là hạng mèo mả gà đồng. Cô mẫu chẳng nên ghen tức với bọn chúng làm gì.

Vương phu nhân cả giận, đập bàn đánh binh một tiếng, quát lớn: Nói mau! Lúc y bỏ ta quay về làm Vương gia nước Đại Lý, ta không trách y. Y đã có vợ trước, ta cũng không trách y, chỉ vì mình biết y muộn. Nhưng y… y lại còn đi với con đàn bà nào khác nữa? Nó là ai? Nó là ai?

Đoàn Dự ở phòng bên, nghe phu nhân nổi trận lôi đình mà sợ vỡ mật, nghĩ bụng: Ngữ Yên dịu dàng nhu thuận, mà sao mẫu thân nàng lại hung dữ đến thế? Gia gia mình kết bạn với bà ta chắc là khổ lắm. Nhưng chàng lại nghĩ đến những người tình cũ của gia gia đều có chỗ kỳ quặc. Tần a di sai con gái về giết mẫu thân chàng. Nguyễn a di sinh ra cô em A Tử tính tình cực kỳ tàn ác. Cam a di rõ ràng là phu nhân của Chung Vạn Cừu mà vẫn tiếp tục quan hệ với phụ thân mình. Vị phu nhân của Mã phó Bang chủ Cái Bang cũng chẳng ngoan ngoãn gì. Ngay cả mẫu thân mình cũng không chịu ở với gia gia, lại bỏ ra ngoài thành xuất gia làm đạo cô; hoàng bá phụ, hoàng bá mẫu khuyên giải đã nhiều mà cũng chẳng ăn thua. Ôi, chẳng lẽ mẫu thân mình cũng như thế ư?_

Mộ Dung Phục nói: Cô mẫu giận dữ làm chi cho mệt? Cô mẫu cứ bình tĩnh, điệt nhi xin từ từ nói cho cô mẫu nghe.

Vương phu nhân nói: Dù ngươi không nói thì ta cũng đoán ra rồi. Chắc là Đoàn Diên Khánh bắt được cả con tiện nhân sinh ra thằng lỏi họ Đoàn, rồi bức bách cha nó phải nhường ngôi hoàng đế, nếu không chịu thì sẽ làm khó đễ đến con tiện nhân kia. Có phải thế không? Ta còn lạ gì tính khí thằng cha bạc hạnh ấy? Đem gươm kề cổ mà bức bách y, thì y thà chết chứ không chịu khuất phục, nhưng đe dọa đến nữ nhân mà y thương yêu, thì bất luận điều gì y cũng chịu hết. Hừ! Con tiện nhân kia có đẹp không? Con hồ ly đó không biết đã dùng thủ đoạn gì để làm điên đảo thần hồn thằng cha bất nghĩa. Nói mau, con tiện nhân đó là ai?

Mộ Dung Phục đáp: Điệt nhi nói cho cô mẫu hay, nhưng cô mẫu đừng nổi nóng. Không phải chỉ có một tên tiện nhân mà thôi. Vương phu nhân vừa kinh ngạc vừa phẫn nộ, lại đập bàn đánh binh một tiếng, hỏi: Sao? Chẳng lẽ có những hai đứa ư? Mộ Dung Phục thở dài lắc đầu đáp: Còn nhiều hơn thế nữa.

Vương phu nhân lại càng căm tức, hỏi: Thế nào? Y vơ cả những đồ liễu ngõ hoa tường, một hai đứa chưa đủ mà còn lang chạ với những ba đứa hay sao?

Mộ Dung Phục lắc đầu đáp: Hiện giờ có tới bốn mụ đàn bà đang bầu bạn với y. Điệt nhi đã nói rồi, cô mẫu bất tất phải nổi nóng làm chi. Sau này y làm hoàng đế, tam cung lục viện chẳng phải chỉ bấy nhiêu. Đại Lý là một nước nhỏ thì còn ít, những nước Đại Liêu, Đại Tống thì trong nội cung không tới ba nghìn phi tần thì cũng phải ba trăm…

Vương phu nhân mắng liền: Thế thì bậy quá! Vì vậy mà ta không muốn cho y làm hoàng đế. Bốn con tiện nhân kia là ai?

Đoàn Dự cũng động tính hiếu kỳ. Chàng chỉ biết Tần Hồng Miên và Nguyễn Tinh Trúc là hai người thân ái của phụ thân, còn hai người nữa là ai?

Mộ Dung Phục đáp: Một ả họ Tần, một ả họ Nguyễn… Vương phu nhân ngắt lời gã: Hừ! Tần Hồng Miên, Nguyễn Tinh Trúc, hai con hồ ly tinh này lại quấn quít với y một chỗ. Mộ Dung Phục nói tiếp: Còn một bà đã có chồng, điệt nhi nghe người ta kêu mụ bằng Chung phu nhân. Dường như mụ ra ngoài để tìm con gái. Mụ này có vẻ nền nếp, không lẳng lơ với Trấn Nam Vương. Trấn Nam Vương đối với mụ cũng rất lịch sự, thỉnh thoảng mới vui vẻ gọi nàng thân mật là Bảo Bảo. Vương phu nhân nói: Đó là con tiện nhân Cam Bảo Bảo. Ngươi nói cái gì mà nền nếp với cả lịch sự? Đó chỉ là đóng kịch mà thôi. Nếu nó quả là người nền nếp thì phải ở xa nhau, chứ sao lại chung đụng một nơi? Còn con tiện nhân thứ tư là ai?

Mộ Dung Phục đáp: Người thứ tư thì không phải tiện nhân, mà là chính thất của Trấn Nam Vương, tức là Trấn Nam Vương phi.

Đoàn Dự cùng Vương phu nhân cùng giật mình kinh hãi. Đoàn Dự tự hỏi: Sao mẫu thân mình cũng đến đây? Vương phu nhân A một tiếng, tỏ vẻ hết sức bất ngờ.

Mộ Dung Phục cười nói: Cô mẫu nghĩ xem có lạ không? Nhưng nếu nghĩ kỹ thì cũng chẳng có chi là lạ. Trấn Nam Vương rời khỏi Đại Lý đã hơn một năm, mà nữ nhân Trung Nguyên lại đẹp như hoa. Cô mẫu đã vào bậc dung nhan khuynh quốc, lại còn bọn hồ ly tinh Tần Hồng Miên, Nguyễn Tinh Trúc, thì Trấn Nam Vương phi yên tâm thế nào được.

Vương phu nhân hứ một tiếng, rồi nói: Người dám xếp ta ngang với bọn hồ ly tinh đó ư? Hiện giờ cả bốn con tiện nhân đó cùng ở với y hay sao? Mộ Dung Phục cười đáp: Cô mẫu cứ yên tâm. Trong trận quyết đấu ở trạm Song Phụng bến Hồng Sa, toàn quân của Trấn Nam Vương đã bị đánh tan tành. Đoàn Diên Khánh giăng một mẻ lưới bắt hết cả nam nhân nữ nhân, điểm huyệt không còn một ai nhúc nhích được nữa. Đoàn Diên Khánh chỉ lo đối phó với Trấn Nam Vương, chẳng khác bọ ngựa bắt ve sầu, lại bị chim sẻ rình ở đằng sau, điệt nhi đã trông thấy hết. Điệt nhi ruổi ngựa theo dõi bọn họ phải đến hơn trăm dặm. Cô mẫu! Việc này không nên chậm trễ. Bây giờ chúng ta một mặt bố trí Túy Nhân Phong cùng thuốc mê, một mặt phái người đi dẫn dụ Đoàn Diên Khánh…

Chữ Khánh vừa ra khỏi miệng, đột nhiên xa xa có thanh âm rất khó nghe vẳng tới: Ta đã đến đây rồi, không cần phải dẫn dụ nữa. Chỉ cần bố trí nhiều Túy Nhân Phong cùng thuốc mê là được!.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 01 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 02 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 03 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 04 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 05 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 06 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 07 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 08 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 09 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 10 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 11 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 12 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 13 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 14 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 15 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 16 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 17 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 18 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 19 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 20 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 21 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 22 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 23 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 24 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 25 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 26 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 27 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 28 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 29 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 30 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 31 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 32 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 33 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 34 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 35 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 36 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 37 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 38 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 39 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 40 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 41 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 42 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 43 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 44 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 45 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 46 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 47 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 48 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 49 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 40 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, toàn tập tại đây.

nhavantuonglai

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Thanh Tâm Tuyền | Thầm nhủ

Thanh Tâm Tuyền | Thầm nhủ

Thanh Tâm Tuyền (1936 – 2006) tên thật là Dzư Văn Tâm là một nhà thơ nhà văn người Việt nổi tiếng được biết đến với những cách tân thơ…

Thích Nhất Hạnh | Sợ hãi (Chương 11)

Thích Nhất Hạnh | Sợ hãi (Chương 11)

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân khai sáng chánh niệm giúp…

Du Tử Lê | K Khúc riêng chàng

Du Tử Lê | K Khúc riêng chàng

Du Tử Lê sinh năm 1942 tại Hà Nam. Sau khi vào Sài Gòn ông bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Bút hiệu…

Thanh Tâm Tuyền | Gửi Quách Thoại

Thanh Tâm Tuyền | Gửi Quách Thoại

Thanh Tâm Tuyền (1936 – 2006) tên thật là Dzư Văn Tâm là một nhà thơ nhà văn người Việt nổi tiếng được biết đến với những cách tân thơ…

Đăng ký nhận bảng tin hàng tuần

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.