Một thế kỷ trước ở pháp, mùi cơ thể là dấu hiệu của sức khỏe và sự sống động
Sự xem thường việc tắm rửa nổi tiếng của người pháp dần dần thay đổi khi giới chức quân đội và trường học khuyến khích thói quen vệ sinh hiện đại.
· 5 phút đọc.
Sự xem thường việc tắm rửa nổi tiếng của người pháp dần dần thay đổi khi giới chức quân đội và trường học khuyến khích thói quen vệ sinh hiện đại.
Thế giới công nghiệp hóa đã thay đổi theo những cách đáng kinh ngạc. Và, như nhà sử học Steven Zdatny đã viết, một trong những cách rõ ràng nhất nếu chúng ta có thể du hành thời gian trở lại giữa thế kỷ 19, đó chính là mùi. Zdatny lấy ví dụ về nước Pháp, nơi mà mùi cơ thể mạnh mẽ từ chỗ không gây chút chú ý nào đã dần trở thành điều không thể chấp nhận.
Tư tưởng về mùi cơ thể bắt đầu từ bao giờ?
Trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 tại Pháp, Zdatny viết, nhiều người đơn giản là không bao giờ tắm rửa. Người nông dân thường cho rằng bụi đất có tác dụng bảo vệ và mồ hôi có khả năng thanh lọc, trong khi họ coi mùi cơ thể mạnh mẽ là dấu hiệu của sức khỏe và sự sống động về mặt giới tính. Ở các thành phố và vùng ngoại ô, việc tắm rửa hiếm khi thuận tiện, ngay cả khi bạn muốn, và cũng không có cách nào để loại bỏ chất thải sinh hoạt một cách hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, cảm giác xấu hổ về cơ thể là một sức mạnh đáng kể ảnh hưởng lên mọi tầng lớp trong xã hội, và một số nhà chức trách đã cảnh báo rằng tắm rửa có thể dẫn đến những ý nghĩ xấu xa. Những tư tưởng này không dễ bị mai một. Một người phụ nữ kể rằng khi sống tại một tu viện Dòng Camêlô ngay cả đến tận những năm 1930, việc rửa bất kỳ phần nào trên cơ thể ngoại trừ tay, mặt, và chân đều bị coi là tội lỗi nặng nề.
Các nỗ lực khuyến khích vệ sinh cá nhân
Tuy nhiên, bắt đầu từ giữa thế kỷ 19, các trường học đã bắt đầu giảng dạy về vệ sinh. Tiến trình này diễn ra chậm chạp. Một giáo viên tại một ngôi trường làng vào năm 1924 phát hiện ra rằng không một học sinh nào từng dùng bàn chải đánh răng.
Một nơi khác để giáo dục về vệ sinh là quân đội. Các sĩ quan từ lâu đã phàn nàn về việc các tân binh không đủ thể lực, một phần do thiếu các thói quen vệ sinh. Sau thất bại của Pháp trong cuộc chiến Pháp – Đức năm 1870, quân đội đã tăng cường nỗ lực khắc phục điều này, lắp đặt hệ thống ống nước cho nhà vệ sinh và phòng tắm trong các doanh trại, loại bỏ rận trong giường, và huấn luyện binh lính sử dụng bàn chải đánh răng và thường xuyên thay đồ lót. Nhiều binh lính vẫn giữ niềm tin phổ biến về lợi ích của bẩn thỉu và sự xấu hổ khi phải khỏa thân, nhưng nghĩa vụ quân sự đã làm thay đổi những ý tưởng này phần nào. Các thanh niên khi trở về cộng đồng của họ thường mang theo những quan điểm mới về việc tắm rửa.
Một giáo viên tại một ngôi trường làng vào năm 1924 phát hiện ra rằng không một học sinh nào từng dùng bàn chải đánh răng.
Phát triển hệ thống vệ sinh công cộng
Dẫu cho các sáng kiến giáo dục và quân đội đã thành công trong việc xây dựng thói quen vệ sinh, điều này không có ý nghĩa nếu không có điều kiện để tắm rửa. Do đó, các quan chức bắt đầu xây dựng hệ thống cống rãnh, làm sạch các kênh rạch bẩn thỉu, và yêu cầu chủ nhà kết nối các tòa nhà với hệ thống cấp nước và thoát nước. Sự phản kháng là đáng kể khi các chính quyền địa phương và chủ đất ngần ngại trước chi phí. Nhưng dần dần, hàng triệu gia đình Pháp đã có được nước sạch tại nhà. Ảnh hưởng đến sức khỏe là không thể phủ nhận. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm 64% từ năm 1901 đến 1948.
Sau thế chiến II và các lực lượng thúc đẩy vệ sinh mới
Sau Chiến tranh Thế giới II, nhiều yếu tố đã thúc đẩy việc nâng cao vệ sinh. Sự bùng nổ trong xây dựng nhà ở dân dụng dẫn đến nhiều căn nhà mới có phòng tắm. Những năm sau chiến tranh cũng mang lại một làn sóng quảng cáo cho mọi thứ, từ khăn giấy đến chất khử mùi. Và sự gia tăng tiếp cận với tín dụng tiêu dùng khuyến khích việc mua máy giặt và các thiết bị tiết kiệm sức lao động khác. Giữa những quan điểm mới, thay đổi công nghệ, và chủ nghĩa tiêu dùng tràn lan, vệ sinh tại Pháp – và trên toàn thế giới – sẽ không bao giờ còn giống như trước.