Quyền lực đích thực | Chương 07

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng lập Làng Mai, truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân, chánh niệm, giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc, hòa hợp thiên nhiên.

 · 36 phút đọc.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng lập Làng Mai, truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân, chánh niệm, giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc, hòa hợp thiên nhiên.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.

Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Doanh thương không thể tồn tại nếu không có những yếu tố phi doanh thương. Những người bạn đồng nghiệp của ta là một thành phần của môi trường làm việc, nhưng cũng là người, một yếu tố phi-doanh-thương. Một tờ giấy được làm từ gỗ cây, ánh nắng mặt trời, nước, công nhân làm giấy, tất cả đều là những yếu tố không-phải-tờ-giấy. Thấy được những yếu tố phi-doanh-thương trong doanh thương là thấy được giáo lý tương tức. Không có gì có thể tồn tại độc lập, tất cả đều nương nhau mà hiện hữu. Bụt dạy: Cái này có vì cái kia có. Nghĩa là không có gì có thể tồn tại độc lập, tất cả đồng thời cùng biểu hiện, hiện tượng này ảnh hưởng đến hiện tượng khác, giống như phải và trái. Hễ có phải là có trái, nếu lấy phải đi thì trái không còn nữa. Nếu ta cắt bỏ đầu phải của cây bút chì thì cây bút chì sẽ ngắn lại nhưng vẫn còn đầu phải và đầu trái. Tương tự như hoa và rác. Ta nghĩ rằng hoa không thể là rác và rác không thể là hoa. Nhưng bông hoa sau mười ngày thì sẽ thành rác và nếu biết dùng hoa để làm phân xanh rồi đem phân xanh bón cho cây thì rác lại thành hoa. Hoa và rác tương tức.

Khổ đau và hạnh phúc cũng vậy. Bởi vì ta đã trực tiếp kinh nghiệm đau khổ, cho nên khi hạnh phúc xuất hiện, ta có thể nhận diện hạnh phúc dễ dàng. Vì vậy đau khổ và hạnh phúc không phải đối nghịch hay là kẻ thù của nhau, khổ đau và hạnh phúc nương nhau mà có. Giả thử bạn là một nhà chính trị thuộc phe bảo thủ, bạn sẽ có xu hướng coi những người bên phe tự do như những kẻ thù. Nhưng nhờ có phe tự do cho nên mới có phe bảo thủ. Vậy thì bạn phải mong sao cho phe tự do còn mãi để cho phe bảo thủ của bạn cũng còn mãi.

Nếu là giám đốc một công ty bạn phải thực tập để làm một giám đốc, có nghĩa là thực tập làm sao cho công ty có an lạc, cho nhân viên và khách hàng đều hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân. Thịnh vượng không phải là vấn đề cá nhân. Hạnh phúc, thịnh vượng của công ty, của nhân viên và của khách hàng liên hệ chặt chẽ với nhau.

Quán chiếu sâu sắc một bông hoa ta sẽ thấy rằng bông hoa không thể tự mình có đó. Nhìn bông hoa ta thấy ánh nắng mặt trời. Nếu loại bỏ yếu tố ánh nắng mặt trời thì không còn bông hoa, bông hoa sẽ tan biến bởi vì bông hoa là ánh nắng mặt trời. Ánh nắng là ánh nắng. Ánh nắng không phải là bông hoa. Nhưng ánh nắng là một yếu tố làm nên bông hoa. Ta gọi ánh nắng là một yếu tố phi-bông-hoa. Tiếp tục nhìn vào bông hoa ta sẽ khám phá ra nhiều yếu tố phi-bông-hoa khác, ví như đám mây. Đám mây là một yếu tố không-phải-bông-hoa, nếu không có đám mây thì không có bông hoa. Lấy đám mây đi thì bông hoa sẽ tan biến. Đất, các chất khoáng cũng là những yếu tố không-phải-bông-hoa. Bông hoa được làm toàn bằng những yếu tố không-phải-bông-hoa. Nếu nhìn cho thật sâu vào bông hoa ta sẽ không thể tìm ra được một yếu tố nào có thể gọi là bông hoa cả. Chăm sóc những yếu tố không-phải-bông-hoa chính là chăm sóc bông hoa.

Cũng vậy, doanh thương được làm bằng những yếu tố phi-doanh-thương. Ta phải chăm sóc những yếu tố phi-doanh-thương thì việc kinh doanh mới phát đạt. Tình trạng của thân tâm ta – an lạc, tươi mát, lân mẫn, chánh niệm trong hơi thở cũng như khả năng chăm lo cho nhân viên và gia đình – là những yếu tố phi-doanh-thương nhưng rất cần thiết cho sự phát đạt của giải pháp.

Áp dụng giáo lý tương tức trong công việc kinh doanh là một điều hoàn toàn có thể được. Hạnh phúc của vị giám đốc và gia đình rất quan trọng cho sự phát triển tốt đẹp của giải pháp. Ngược lại, tình trạng phát triển của giải pháp cũng rất quan trọng cho hạnh phúc của vị giám đốc và gia đình ông ta. Tất cả đều liên hệ với nhau. Khi ta chăm sóc tự thân tức là ta chăm sóc gia đình, khi ta đối xử với nhân viên bằng tinh thần trách nhiệm thì tức là ta đang làm lợi cho công ty.

Vì phải cạnh tranh mà nhiều người đã phải hy sinh gia đình để dành trọn thời gian cho công việc. Dưới áp lực nghề nghiệp, thật khó mà dành thì giờ thích đáng cho gia đình. Tuy nhiên ta có thể thu xếp để công việc không còn cách biệt với đời sống gia đình. Hãy lưu tâm tới đời sống của những người thân, coi những khó khăn hay thành công của họ như những khó khăn hay thành công của chính mình. Hãy khuyến khích mọi người trong gia đình cùng chia sẻ ước vọng và hạnh phúc trong công việc của họ. Khi ta xem công việc của người bạn đời như công việc của ta thì ta sẽ không còn thấy sự ngăn cách giữa đời sống gia đình của ta và đời sống nghề nghiệp của người ấy. Sự vắng mặt vì công việc sẽ không còn là một sự vắng mặt thật sự.

Gia đình rất quan trọng. Nếu không có gia đình thì làm sao ta có cơ hội cảm nhận được không khí đầm ấm, dịu hiền của tình thương, chăm sóc và cảm thông? Ta nên biến gia đình thành một tăng thân để cùng nhau tu tập. Thực tập chánh niệm làm đẹp đời sống gia đình. Nếu cứ theo tập khí mà trách móc, chỉ trích nhau thì còn đâu là hạnh phúc, còn đâu là gia đình? Hãy thực tập ái ngữ và lắng nghe để gia đình thêm yên vui. Mặc dầu sống với nhau nhiều năm, chưa chắc ta đã thực sự hiểu nhau, chưa chắc ta đã biết rõ ta thương yêu nhau như thế nào. Cần phải học cách lắng nghe nhau thật tình, lắng nghe để có thể hiểu thấu niềm đau nỗi khổ của nhau, khi đó ta mới có thể chăm sóc và thương yêu nhau.

Ta có thể thực tập ăn trong chánh niệm mỗi ngày. Cả gia đình nên cùng ngồi ăn sáng chung với nhau, dù cho chỉ có mười lăm phút nhưng phải sống trọn vẹn cho nhau trong mười lăm phút ấy, hãy nhìn nhau và mỉm cười. Ý thức rằng được ngồi với nhau là quý giá biết chừng nào, cho nên ta không để phí thì giờ. Đây chính là tỉnh thức, là chánh niệm, là thương yêu.

Cách hay nhất để chia sẻ thực tập của ta với những người trong gia đình là qua hành xử chứ không phải lời nói. Khi lái xe, ta lái trong chánh niệm, theo dõi hơi thở, không để quá khứ, tương lai, hay dự án cuốn hút đi. Khi gặp đèn đỏ, ta mỉm cười như mỉm cười với một người bạn, bởi vì đèn đỏ đang nhắc: Mời bạn trở về hơi thở. Khi về nhà, trước khi mở cửa, ta dừng lại, thở vào, thở ra ba lần và mỉm cười. Như thế ta sẽ tươi mát hơn khi bước vào để gặp lại người thương sau một ngày dài làm việc mệt nhọc. Sửa soạn bữa ăn sáng cũng là một dịp để thực tập thương yêu, hạnh phúc. Hãy tận hưởng từng giây phút trong khi sửa soạn bữa ăn. Khi ấy nhà bếp sẽ là thiền đường thanh tịnh, ta mời những người thương cùng ngồi ăn sáng chung, ăn thế nào cho có an lạc, tự do, nghĩa là không bị phiền não ràng buộc. Và khi uống một tách trà hay một ly cà phê sau bữa cơm trưa, ta uống trong tỉnh thức, thảnh thơi, thưởng thức tận cùng tách trà hay ly cà phê. An trú trong hiện tại, sống sâu sắc từng giây, từng phút với năng lượng chánh niệm như thế là một điều có thể làm được.

Sau vài ngày sống như thế ta sẽ bình tĩnh hơn, vui tươi hơn và người bạn đời của ta sẽ hỏi: Anh ơi, anh thực tập làm sao mà hay quá vậy? Đây là dịp tốt để ta chia sẻ kinh nghiệm thực tập với người ấy. Không nên ép buộc người khác phải tu tập như mình. Chỉ cần thực tập sống sâu sắc trong chánh niệm, không cần hình thức, không cần tỏ ra cho ai biết là ta đang thực tập. Đi một cách tự nhiên nhưng đi trong chánh niệm. Ăn một cách tự nhiên nhưng ăn trong chánh niệm, rồi năng lượng bình an, vững chãi thảnh thơi của ta sẽ ảnh hưởng đến người kia. Nếu có một người bạn cũng đang thực tập thì ta mời người ấy cùng thực tập với ta trong một ngày hay nửa ngày cuối tuần bởi vì ta cần tăng thân nâng đỡ.

Ta cũng có thể chia sẻ bình an của ta với những bạn đồng nghiệp. Trong các cuộc họp, cách ta nói, cách ta lắng nghe, cách ta cười, khả năng truyền thông của ta sẽ ảnh hưởng tới họ. Nếu khéo léo tu tập thì ta có thể đưa thực tập vào trong gia đình cũng như vào công việc.

Ta có thể biến nơi làm việc thành nơi tu tập. Công ty, cũng như gia đình, là một cộng đồng mà ta phải chăm sóc để ta có thể hưởng được năng lượng bình an, vững chãi và thảnh thơi ngay trong khi làm việc. Đã có nhiều người thành công trong việc áp dụng chánh niệm vào trong công việc bằng cách đi đứng chánh niệm, thực tập buông thư và nói năng hòa nhã. Khi đi từ phòng họp này đến phòng họp khác, hay từ khu nhà này đến khu nhà kia ta theo dõi hơi thở, ý thức từng bước chân. Ta buông thư thân tâm, an vui từng giây từng phút, không lo âu, không buồn phiền. Như thế gọi là đi trong chánh niệm, là an trú trong hiện tại. Và ta sẽ đến nơi làm việc hay nơi họp tươi mát hơn, bình tĩnh hơn.

Một vị dân biểu đã viết cho tôi, rằng sau khi tham dự một khóa tu chánh niệm được tổ chức cho các đại biểu quốc hội, ông đã thay đổi cách đi của mình. Ông luôn luôn thực tập thiền đi (đi trong chánh niệm) và ngưng suy tư trong khi đi. Văn phòng của ông rất bề bộn, ông phải trả lời không biết bao nhiêu điện thoại, giải quyết không biết bao nhiêu vấn đề. Thời gian duy nhất mà ông có thể ngưng suy tư là thời gian ông đi từ văn phòng đến nơi bỏ phiếu. Ông chú tâm vào hơi thở và bước chân, chấm dứt hoàn toàn suy nghĩ. Ông nói rằng thực tập như thế đã cứu ông trong cuộc sống của một dân biểu.

Trong khi họp với đồng nghiệp, ta có thể thực tập nói trong chánh niệm và lắng nghe trong chánh niệm bằng cách trở về với hơi thở và an tịnh tâm trí. Như thế ta sẽ thành công hơn trong khi trao đổi ý kiến mà không bị sân hận, hoang mang và sợ hãi khống chế.

Tại một số giải pháp, người ta đã khám phá ra rằng công việc sẽ hiệu quả hơn nếu trong ngày nhân viên có thời gian nghỉ ngơi hay buông thư toàn thân. Buông thư toàn thân, buông bỏ mọi căng thẳng và lo âu trong thân và tâm là quá trình phục hồi lại sức khỏe. Nên dành một căn phòng đặc biệt để nhân viên có thể vào nằm nghỉ từ ba mươi tới sáu mươi phút vào buổi trưa. Ta cũng có thể thực tập buông thư toàn thân trong tư thế ngồi. Nhiều sinh viên bên châu Âu và tại Mỹ đã gài đặt máy vi tính để cứ mười lăm phút lại có tiếng chuông chánh niệm nhắc nhở ta dừng lại để thở vào, thở ra ba hay bốn lần. Thật đơn giản nhưng rất hữu hiệu trong việc nuôi dưỡng và trị liệu.

Chánh niệm làm gia tăng phẩm chất của công việc. Công việc ta làm phải có ý nghĩa vì điều này rất quan trọng cho phẩm chất của cuộc sống. Ta làm việc để giảm thiểu đau khổ, đem lại lợi ích cho mình và cho người, hay ta làm việc để chồng chất khổ đau, căng thẳng? Đành rằng khó tránh khỏi cạnh tranh, chạy theo tiền bạc, danh vọng, tiêu thụ bừa bãi… nhưng ta có thể ngưng lại được những cái đó. Hãy quán chiếu để tìm hiểu xem những thứ đó có đem lại hạnh phúc thực sự hay không, có giải phóng ta ra khỏi niềm đau nỗi khổ hay không? Có một vấn đề ta phải suy xét cho kỹ, đó là: làm sao để có thể đem hạnh phúc, bình an và thương yêu vào trong sở làm. Phải thảo luận với các đồng nghiệp và bạn bè để tìm cho ra những biện pháp cụ thể và thích hợp để chuyển đổi tình trạng. Ta cần sự nâng đỡ của một tăng thân, nghĩa là của một nhóm bạn bè cùng thực tập chánh niệm. Ta cần sự nâng đỡ của những thiện tri thức có khả năng hướng dẫn, và giúp đỡ trên con đường thực tập bình an, hạnh phúc, và giải thoát.

Cũng cần để ý đến khía cạnh hạnh phúc, bình an của khách hàng, vì ta không thể bán cho họ bất cứ thứ gì miễn là có lợi nhuận. Ta chỉ bán những sản phẩm không hại cho thân, tâm. Ta biết rằng tiêu thụ trong chánh niệm là con đường duy nhất giúp thoát ra khỏi tình trạng tồi tệ do chính chúng ta tạo nên cho xã hội hiện nay. Vì tiêu thụ thiếu chánh niệm mà chúng ta có thể tự giết mình. Nếu ta sản xuất hay bán ra những sản phẩm gây tàn hại cho thân tâm của khách hàng thì ta đang tàn hại chính ta và cơ sở làm việc của ta. Kiếm tiền bằng cách ấy là tự hủy diệt. Đây là tuệ giác tương tức.

Đối với vấn đề bảo vệ môi trường cũng thế. Kinh doanh với tâm từ bi, với ý thức trách nhiệm là điều có thể làm được. Kinh doanh với tâm từ bi không làm suy yếu khả năng cạnh tranh mà trái lại có thể gia tăng lợi tức. Ngoài ra ta có thể có thêm bạn và hạnh phúc hơn. Khi có tình thương, ta có thể sống đúng như Năm phép thực tập chánh niệm, nhất là Thực Tập Bảo Vệ Sự Sống. Còn chỉ lo thu lợi mà làm ảnh hưởng tới môi trường tức là ta không còn từ bi và sẽ gây tàn hại sinh vật. Nếu biết rằng ta đang tàn hại sinh vật thì lương tâm ta bất an và sinh ra nội kết. Mặc dầu làm ra nhiều tiền, nhưng lương tâm càng ngày càng bất an thì một ngày nào đó ta sẽ không còn hạnh phúc được nữa, ta sẽ ăn không ngon, ngủ không yên. Ý thức như vậy ta sẽ có can đảm thay đổi nghề nghiệp để bảo vệ sự sống. Khi động lực làm việc là lòng từ bi, ta có thể tránh tàn hại các loài khác và tàn hại môi trường.

Nghề nghiệp chân chính (Chánh mạng) phải hội đủ từ bi và chánh niệm. Dù công việc đang đem đến nhiều lợi tức, nhưng nếu nó hủy hoại môi trường thì ta phải tự nhủ ngay: Công việc ta đang làm không có từ bi, ta không thể tiếp tục như thế này nữa. Ta phải thay đổi công việc để bảo vệ sự sống và bảo vệ môi trường. Có những giải pháp đã làm như vậy. Một thí dụ rất hay là trường hợp của hãng Patagonia (xin xem Phụ lục B về chi tiết của giải pháp đầy lòng từ bi này). Khi kinh doanh trong tinh thần thực sự từ bi, ta sẽ không bao giờ có mặc cảm tội lỗi và không bao giờ phải trả một giá đắt vì tội lỗi đó.

Trong ta luôn luôn có một sự mâu thuẫn, nhưng ta phải tự hỏi mục đích của ta là gì? Mục đích của ta là hạnh phúc. Từ bi là yếu tố căn bản của hạnh phúc. Khi có hạnh phúc thì ta không đành tâm hủy diệt sự sống của các loài khác. Phải xét lại quan niệm cho rằng con người là cao cả hơn tất cả các loài sinh vật khác. Con người được làm bằng những yếu tố không-phải-con-người. Con người xuất hiện rất trễ trên quả đất này so với các loài sinh vật khác. Bảo vệ các loài sinh vật khác là bảo vệ sự sống của con người. Bảo vệ những yếu tố không-phải-con-người cũng là bảo vệ con người.

Có những người dùng mọi thủ đoạn để cạnh tranh, bất chấp luân thường đạo lý. Trong đời sống hàng ngày, ta phải chánh niệm về tâm ý của mình, nếu không sẽ lạc lối và đi theo họ. Ta phải đi theo một con đường khác, con đường của tâm từ bi. Sự thật là tâm từ bi không gây bất cứ một chướng ngại nào cho thành công. Sự thật là lòng từ bi sẽ giúp ta thành công hơn cả những người kinh doanh chỉ vì tài lợi. Khi thấy một ai chỉ biết trục lợi ta nên thương cho họ, bởi vì họ đeo đuổi tiền bạc, danh vọng, những thứ không bao giờ đưa tới chân hạnh phúc. Ta phải tìm ra những phương cách khéo léo để giúp, cách hay nhất là làm gương cho họ, để họ thấy rằng: Ta thương yêu muôn loài, bảo vệ môi trường, giúp đỡ những người khác, nhưng ta vẫn thành công. Thấy vậy họ sẽ thay đổi. Chỉ với tâm từ bi ta mới có thể tạo được liên hệ tốt đẹp với muôn loài, với môi trường sinh sống và với Trái Đất.

Một hôm Bụt ngồi trong rừng với một số đệ tử. Bụt và các thầy vừa ăn trưa trong im lặng xong và chuẩn bị pháp đàm thì có một bác nông dân chạy đến, hoảng hốt: Thưa quý Thầy, quý Thầy có thấy mấy con bò của tôi chạy ngang đây không? Bụt trả lời: Không, chúng tôi không thấy con bò nào chạy ngang đây cả. Bác nông dân than thở: Các Thầy ơi, thật là khổ cho tôi. Tôi chỉ có mấy con bò thế mà sáng nay chúng chạy đi đâu mất. Mà đã hết đâu. Tôi có mấy thửa ruộng mè. Không biết sao năm nay bị sâu ăn sạch. Chắc tôi chết quá. Làm sao mà tôi sống được nếu không còn bò, nếu không có mè? Bụt nhìn bác nông dân ái ngại: Hay là bác đi về phía kia tìm xem sao. Sau khi bác nông phu đi rồi, Bụt quay lại nhìn các đệ tử, mỉm cười và nói: Quý thầy có thấy là quý thầy may mắn lắm không? Quý thầy không có con bò nào để mất cả.

Nếu bạn có một con bò thì bạn sẽ đau khổ vì sợ mất bò. Bất cứ ai làm nghề gì cũng phải biết cách để đừng biến công việc của mình thành con bò. Đây là một điều rất quan trọng. Bạn phải biết thả bò. Đừng để cho bò ràng buộc. Bụt không có bò, cho nên Ngài không sợ mất bò. Vua Bimbisara dâng hiến Bụt khu vườn trúc (Trúc Lâm) để làm nơi trú ngụ cho Bụt và tăng đoàn, (bạn có thể đến chiêm bái Trúc Lâm hiện vẫn còn bên Ấn Độ). Khi dâng vườn Trúc Lâm cho Bụt, vua Bimbisara rưới nước lên tay Bụt và tuyên bố: Kính bạch Thế Tôn, vườn Trúc Lâm này bây giờ là của Ngài và các Thầy toàn quyền sử dụng. Bụt im lặng tiếp nhận.

Nếu vua Bimbisara muốn lấy lại khu vườn thì sao? Bụt sẽ chẳng đau khổ chút nào. Ngài không cần phải có Trúc Lâm mới sống được. Bụt và tăng đoàn có thể hạnh phúc ở bất cứ đâu: trong vườn kè hay trong rừng. Bụt và các đệ tử chỉ cần ngồi dưới một gốc cây là đủ. Bụt và tăng đoàn có Trúc Lâm, nhưng Trúc Lâm không phải là con bò của Ngài. Có Trúc Lâm hay không có Trúc Lâm, Bụt vẫn là một con người tự do và hạnh phúc.

Tại Làng Mai, chúng tôi có khoảng vài trăm người sống tại bốn xóm: Xóm Thượng, Xóm Hạ, Xóm Mới và Xóm Sơn Hạ. Chúng tôi thực tập coi bốn xóm ấy không phải là những con bò. Nếu vì một lý do nào đó mà phải đóng cửa bốn xóm thì chúng tôi có thể tu tập tại một nơi khác mà vẫn giữ được hạnh phúc.

Các nhà giải pháp, chính trị, nghệ sĩ, giáo viên, các bậc cha mẹ và tất cả chúng ta đều phải thực tập coi công việc của mình như không-phải-bò. Tại nơi làm việc hay trong một tổ chức, chúng ta làm việc nhưng vẫn giữ được sự tự do. Chúng ta không nên nô lệ cho công việc, hay cho bất cứ con bò nào. Chúng ta chỉ làm việc để đem lại an lạc, hạnh phúc cho mọi người trong đó có ta.

Trong thiền lâm, có câu chuyện về một người phi ngựa rất nhanh. Một người đứng bên vệ đường thấy vậy, kêu to: Anh chạy đi đâu đấy? Người cưỡi ngựa ngoảnh đầu lại nói: Tôi không biết, anh hãy hỏi con ngựa. Con ngựa làm chủ, chứ không phải người cưỡi ngựa. Ngựa muốn chạy đi đâu thì chạy. Đây là tình trạng của tất cả chúng ta. Công việc là con ngựa, và chúng ta, những người cưỡi ngựa, không thể thắng được cương con ngựa. Chúng ta cần tổ chức nơi làm việc như một gia đình để cứu vãn tình hình. Quyết định thực tập chánh niệm tức là đầu tư vào bản thân. Khi đã đầu tư vào bản thân thì ta có thể giúp những người khác bớt đau khổ, đó là một đầu tư tốt. Nhưng để có thể đầu tư vào những người khác, trước hết ta phải là một người tự do. Nếu ta nô lệ cho giải pháp hay cho ý kiến của ta, thì ta không làm gì được. Ta đủ thông minh để biết rằng ta phải dành rất nhiều thì giờ cho riêng ta, cho gia đình, cho cộng đồng, nhưng chừng nào còn là nô lệ cho công việc thì ta không làm được gì hết.

Chúng ta đều cần có bạn hữu, các bạn đồng tu, các bậc thầy nâng đỡ để có đủ sức tu tập. Ba hay bốn người có thể họp lại thành một tăng thân. Khi ấy ta sẽ có đủ sức mạnh để không bị công việc cuốn hút. Dù mắt ta có sáng, nhưng mắt của cá nhân không thể nhìn sâu và nhìn xa bằng mắt của tập thể, gọi là mắt tăng (tăng nhãn). Khi phối hợp thông minh, định lực, tuệ giác và sử dụng mắt tăng để quán chiếu thực tại thì có thể khám phá được nhiều điều hơn là sử dụng mắt cá nhân.

Nhiều người trong chúng ta có xu hướng là lo cho công việc của công ty ở bất cứ đâu, không phải giờ làm việc cũng nôn nóng đi gọi điện thoại về công việc, dành thì giờ để suy tư, bàn bạc dù biết rằng lo cũng chẳng làm cho tình trạng khá hơn. Càng lo lại càng bàn về những việc đang lo, mà càng bàn thì càng lo hơn.

Ta chỉ có được hai mươi bốn giờ mỗi ngày để sống, vậy mà ta đã bỏ phí biết bao thì giờ quý báu đó cho việc lo lắng suy tư mà quên đi sự sống. Thì giờ rất quý báu. Có người nói rằng thì giờ là tiền bạc. Nhưng thì giờ quý hơn tiền bạc nhiều, thì giờ đâu phải chỉ để làm ra tiền, thì giờ chính là sự sống. Vì vậy mà ta phải luôn theo dõi hơi thở để chống lại động lực thúc đẩy ta miệt mài rong ruổi.

Nếu không có tăng thân, nghĩa là không có một nhóm người cùng chung niềm trăn trở và muốn chuyển hóa đau khổ bằng thực tập chánh niệm, thì không thể thắng cương được con ngựa. Dầu cho thông minh cách mấy, quyết tâm cách mấy ta cũng không thể thành công một mình. Năng lượng của thói quen rất mạnh. Ta cần có tăng thân.

Một cá nhân rất cần một tập thể, một tăng thân, để đem những gì học được (pháp môn) ra áp dụng. Không có bạn đồng tu nâng đỡ thì thực tập rất khó khăn, nếu không nói là không thể làm được. Năm bảy người cùng làm việc trong một xí nghiệp, cùng chung hoàn cảnh, cùng chung khó khăn, có thể tới với nhau để giúp nhau thực tập chánh niệm.

Khi được nuôi dưỡng trong đời sống gia đình cũng như trong đời sống nghề nghiệp, ta sẽ không có xung đột. Ta sẽ không có cảm tưởng bị thúc đẩy phải làm cho nhiều, phải cạnh tranh, bởi vì ta đã thực sự hạnh phúc, vui vẻ và không chạy theo một cái gì nữa. Ở đâu cũng hạnh phúc là một thực tập rất sâu. Điều đó tùy thuộc vào nhận thức của chúng ta và cách sử dụng thì giờ của chúng ta.

Phần đông chúng ta cảm thấy có trách nhiệm về công việc của mình. Nhưng chú tâm vào công việc là chỉ chú tâm vào một phần nhỏ của thực tại. Ta sẽ không có khả năng nhìn nhận toàn bộ thực trạng trong giờ phút hiện tại. Ta cần có khả năng giải quyết những gì đang xảy ra ngay bây giờ và ở đây, thực tập làm sao để có mặt tại đó cho ta, gia đình ta và cho những người mà ta có trách nhiệm tại nơi làm việc. Ta cần được nhắc nhở để ngưng suy tư và trở về với hơi thở chánh niệm.

Tại Làng Mai, khi nghe tiếng chuông, chúng tôi ngưng tất cả công việc, ngưng suy nghĩ, ngưng nói năng, và trở về với hơi thở vào, ra. Thở vào, tâm tĩnh lặng; thở ra, miệng mỉm cười. Thở vào, tôi biết tôi đang còn sống. Thở ra, tôi mỉm cười với sự sống. Thở vào, thở ra ít nhất là ba lần. Tại Làng Mai có rất nhiều chuông để thực tập như thế. Ngoài tiếng chuông sinh hoạt, chuông điện thoại, chuông đồng hồ cũng là một cơ hội đưa ta trở về với hơi thở vào ra, ngưng suy nghĩ, ngưng nói năng, đi lại. Hãy tưởng tượng bạn thực tập như thế này tại sở làm! Mỗi khi điện thoại reo, bạn trở về với hơi thở chánh niệm trước khi trả lời. Điện thoại có thể reo hoài, reo nhiều lần, nhưng không phải vì thế mà uổng phí thì giờ.

Tại Làng Mai, chúng tôi rất thích thở vào, thở ra và mỉm cười. Như thế cũng đã là thực tập thương yêu. Chúng tôi cũng thực tập như thế khi nghe chuông đồng hồ đánh mỗi mười lăm phút. Trong nhà bếp, trong thiền đường hay bất cứ đâu, tiếng chuông đồng hồ là tiếng gọi của Bụt tự thân, gọi ta trở về giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây, nhắc ta tiếp xúc sâu sắc với sự sống. Thực tập như vậy rất dễ tại Làng Mai, vì ở đây ai cũng thực tập. Nếu không thực tập như những người khác thì coi không giống ai. Không có ai được miễn thực tập. Ai cũng thực tập như ai. Đây là cơ hội để được tăng thân nâng đỡ, và mặt khác, để nâng đỡ sự thực tập trong tăng thân.

Bạn có thể tổ chức với các đồng nghiệp một ngày tu tập gọi là ngày-không-công-việc. Ngày-không-công-việc không có nghĩa là ngày không làm việc. Tức là ngày đó mình cam kết với nhau tuyệt đối không để cho lo âu, sợ hãi xâm lấn, một ngày hoàn toàn không căng thẳng. Ngày tu tập này có thể ảnh hưởng tốt đến mọi khía cạnh của cuộc sống, kể cả giải pháp. Một mình bạn hay một nhóm bạn đồng nghiệp có thể tổ chức ngày-không-công-việc để thực tập chánh niệm và bồi dưỡng an lạc thân tâm cho nhau. Ta có thể coi đây là một phần của chương trình nghiên cứu và phát triển của công ty. Cần quán chiếu thật sâu để tìm ra những phương pháp giúp tăng cường vững chãi và hạnh phúc, đó là nền tảng của sự thịnh vượng, vững vàng của công ty.

Trong đạo Bụt có ngày Bát Quan Trai, là ngày mọi người cùng tập trung lại cùng nhau tụng giới và tu tập. Tất cả tăng, ni và cư sĩ Phật tử đều thực tập ngày Bát Quan Trai. Vào thời Bụt, mỗi tháng có bốn ngày Bát Quan Trai.

Không cần tất cả mọi người trong công ty đều tham dự. Nếu có bốn hay năm người cùng họp lại, thực tập thật sâu sắc, chú tâm vào mục đích nuôi dưỡng và trị liệu, cũng đủ tạo thành một tăng thân tu tập chánh niệm vững vàng. Nếu bốn hay năm người cùng thực tập hơi thở chánh niệm, cùng nhau ôm ấp niềm đau nỗi khổ để chuyển hóa thì ta có thể gọi đó là một ngày thực tập chánh niệm. Ta có thể tổ chức một ngày, hay nửa ngày chánh niệm như thế để cùng nhau tu tập cho bản thân, gia đình và công ty của ta.

Nếu có thì giờ, ta có thể kéo dài ngày-không-công-việc ra nhiều ngày hay một tuần, gọi là khóa-tu-không-công-việc. Tuy nhiên, chỉ một ngày thôi cũng đủ đem lại kết quả vượt bậc. Những ngày tu tập một ngày hay nhiều ngày như thế gọi là ngày chánh niệm. Nhiều công ty đã tổ chức những ngày chánh niệm định kỳ như thế bốn tháng hay sáu tháng một lần. Tôi được biết một nhà xuất bản đã tổ chức cho nhân viên đi chơi núi ít nhất là bốn lần trong năm. Một công ty điện ảnh hàng tháng đều cùng nhau đi ra bãi biển, hay đi trượt băng.

Vậy thì, năm ba người bạn có thể họp nhau trong một ngày chánh niệm, thực tập sống sâu sắc từng giây phút, xa hẳn áp lực của công việc. Đây là một ngày mà ta có thể hoàn toàn tự do, không tiếc nuối quá khứ, không lo lắng tương lai. Xa hẳn công việc, chỉ có một ngày nhưng một ngày đó có thể làm thay đổi hẳn cách ta làm việc.

Sau đây là vài đề nghị hoạt động trong ngày không-công-việc:

– Đi bộ trong rừng, ngoài bãi biển, hay trong công viên.

– Lên núi, thám hiểm trong rừng.

– Đi thăm một hãng thuộc lĩnh vực khác với lĩnh vực của mình.

– Cưỡi ngựa.

– Ra biển xem cá voi, đi tàu biển.

– Lướt ván.

– Đi xe đạp về miền quê.

– Chơi bóng bàn, bowling, bi-da.

– Thăm một viện bảo tàng.

– Ăn chung trong công viên.

– Đi thăm khu bảo tồn thiên nhiên hay vườn bách thảo.

Ngày-không-công-việc còn nhấn mạnh ý nghĩa giờ nào việc đó. Khi tới giờ ăn thì chỉ nên ăn, ăn trong niềm vui, trong giây phút hiện tại và chú tâm vào việc ăn. Nếu không thì ta không dễ thương với món ăn, với người cùng ăn. Đây là một điều dễ hiểu. Vậy thì khi ăn thì hãy ăn cho hạnh phúc. Để ý một trăm phần trăm vào thức ăn và những người cùng ăn. Đây là một nghệ thuật sống. Ăn như thế thì rất vui.

Khi ngồi chơi với em bé, ta cần thì giờ để chơi với em và em cũng cần thì giờ để được gần ta. Thì giờ ngồi chơi với em chỉ được dành cho em và cho ta. Không nên để công việc, không nên để quá khứ, tương lai chen vào.

Cần phải tu tập mới nắm vững nghệ thuật sống chánh niệm trong giây phút hiện tại. Giờ nào việc đó là tuệ giác phổ cập, chứ không phải chỉ là tuệ giác của đạo Bụt. Ta đầu tư một trăm phần trăm vào việc đang làm. Khi cần bàn thảo công việc, hoạch định chiến lược kinh doanh, thì hãy để toàn tâm toàn lực vào việc đó để thấy được bản chất và những khó khăn trong việc kinh doanh. Nếu ta có khả năng ăn trong chánh niệm, ngồi chơi với em bé trong chánh niệm thì đến lúc cần chú tâm vào công việc, ta có thể nhìn nhận sâu sắc vấn đề trước mắt và thời gian đó giúp cho công việc thực sự hiệu quả.

Tôi là một nhà văn. Tôi viết truyện, viết tham luận, viết sách, làm thơ. Có khi tôi không viết gì cả, nhưng không có nghĩa là trong những lúc đó tôi không tiếp tục viết. Khi tưới rau, tôi chỉ tưới rau. Tôi rất thích tưới rau. Tôi không nghĩ gì tới bài thơ hay truyện ngắn, nhưng tôi biết rằng đâu đó trong tôi câu truyện ngắn hay bài thơ đang được thành hình. Nếu không trồng rau thì tôi không làm được thơ.

Vậy thì khi trồng rau, hãy để một trăm phần trăm vào việc trồng rau, tận hưởng sâu sắc công việc trồng rau, tới khi làm thơ thì thơ của bạn sẽ là một bài thơ hay. Không phải lúc đặt bút xuống là lúc sáng tác bài thơ, đi trong chánh niệm, thở trong chánh niệm, trồng rau trong chánh niệm, mặc dầu không nghĩ tới bài thơ, bài thơ của bạn vẫn đang được viết ra. Bài thơ hoặc bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào cũng được thai nghén trong chiều sâu của tâm thức, khi mà ta không hề nghĩ tới. Viết bài thơ lên giấy hay đọc bài thơ ấy lên chỉ là để hoàn tất bài thơ. Cũng như khi một bà mẹ sinh con, rất nhiều việc đã xảy ra để cho em bé chào đời, để cho tác phẩm nghệ thuật thành hình, ta cần phải để thì giờ cho đứa con tinh thần trong ta lớn lên. Công việc hiện tại, hay kế hoạch tương lai cũng vậy. Nếu làm những việc hôm nay, ngay bây giờ và ở đây thật hoàn hảo thì đến khi cần làm việc gì khác ta sẽ làm tốt đẹp, với tất cả định lực và tuệ giác.

Học trân quý sự im lặng và ngồi yên là tối cần thiết cho khả năng sáng tạo, phát huy định lực và tuệ giác. Một doanh nhân đã nói với tôi: Khi đang nói chuyện mà bỗng nhiên có một khoảng im lặng thì tôi cảm thấy khó chịu và muốn nói một điều gì đó để phá tan sự im lặng. Tôi phải làm sao đây? Tại Làng Mai im lặng là rất quý, chúng tôi gọi đó là im lặng hùng tráng và chúng tôi trân quý vô cùng. Im lặng quý hơn vàng, im lặng có thể rất hùng hồn. Bạn chỉ ngồi đó, im lặng và tư cách bạn tỏa chiếu bình an, tươi mát. Đây là vô tác. Ta chỉ cần ngồi đó và các em bé sẽ tìm đến ngồi gần một bên. Im lặng rất quan trọng. Im lặng giúp cho sự sống có mặt. Chúng ta phải thực tập trở lại để biết tận hưởng sự im lặng.

Hai người bạn có thể ngồi với nhau nửa tiếng trong im lặng để cùng thưởng thức một tách trà mà không cảm thấy trống trải. Khi còn dạy tại trường đại học Princeton, vào mùa đông, tôi thường ghé thăm một người bạn già ở gần khu học xá. Ông tên là Luther Pfahler Eisenhart, là một nhà toán học, bạn của Albert Einstein. Cứ mỗi lần tôi đến thăm, thường là về buổi tối, ông ra mở cửa, đưa tôi tới gần lò sưởi. Vợ ông pha cho tôi một tách trà. Và chúng tôi ngồi trước lò sưởi suốt một giờ đồng hồ. Ông chẳng nói gì, tôi cũng chẳng nói gì. Sau đó thì tôi xá chào ông và ra về.

Cứ như thế nhiều lần. Tôi biết trước rằng khi tôi đến thì chúng tôi cũng sẽ ngồi im lặng với nhau. Tuy nhiên tôi vẫn đến, bởi vì giây phút đó thật là dễ chịu và đáng giá. Chúng ta phải học lại cách im lặng, đó là điều Bụt dạy, im lặng có thể tạo thân tình hơn nói năng. Chính nhờ biết giữ im lặng mà hành xử của ta sâu sắc hơn, có hiệu quả hơn.

Đi từ phòng riêng đến thiền đường ta phải đi như thế nào để mỗi bước chân đều đem lại an lạc. Đi như thế là thể hiện sự sống. Uống trà mà tâm không phiền não là một nghệ thuật sống. Nhìn một người mà biểu lộ được hiểu biết và thương yêu, đó là vô tác và như thế thì đã là hạnh phúc. Chúng ta đem hạnh phúc lại cho mọi người bằng nếp sống hằng ngày của chúng ta.

Khi là một sa-di hay sa-di-ni thì phải thực tập làm một sa-di hay sa-di-ni hạnh phúc. Không cần phải thọ giới lớn mới hạnh phúc. Nếu nghĩ rằng phải thọ giới lớn mới hạnh phúc tức là ta bỏ phí thời gian làm sa-di, sa-di-ni. Thật ra làm sư anh, sư chị thì phải lo biết bao nhiêu là chuyện, cho nên còn là sa-di hay sa-di-ni thì hạnh phúc hơn nhiều. Khi là một sinh viên cũng vậy, là sinh viên hạnh phúc lắm, bạn không cần có bằng cấp rồi ra đi làm mới cảm thấy hạnh phúc. Cũng không cần làm giám đốc mới hạnh phúc, bạn phải hạnh phúc ở ngay trong vị trí của mình, vị trí của một nhân viên, ngay trong hiện tại, và phải thực tập như vậy. Ý thức như thế, ta chấp nhận ta hoàn toàn. Ta không cần phải là một người nào đó bởi vì ta chính là người nào đó.

Tôi nhớ một hôm uống trà với một sư chú, tôi hỏi: Con có muốn thầy mau thành Bụt không? Bạn có biết sư chú ấy đã trả lời sao không? Sư chú trả lời: Dạ không, con muốn sư ông như vậy thôi. Như thế là đủ cho con rồi.

Tôi thong thả. Tôi an nhiên tự tại. Tôi được là chính mình trong mỗi giây mỗi phút, bây giờ và ở đây. Đó là thực tập của chúng tôi. Chúng tôi gọi đó là vô tác. Chúng tôi không đặt mục đích trước mặt để miệt mài chạy theo. Nếu miệt mài như thế thì suốt đời sẽ mãi rong ruổi và không bao giờ hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ tới khi ta không còn rong ruổi, biết trân quý hiện tại và biết mình là ai, làm được như thế là mầu nhiệm lắm rồi. Bạn không cần là một ai khác. Bạn chính là mầu nhiệm của sự sống.

Đọc Quyền lực đích thực, chương 01 tại đây.

Đọc Quyền lực đích thực, chương 02 tại đây.

Đọc Quyền lực đích thực, chương 03 tại đây.

Đọc Quyền lực đích thực, chương 04 tại đây.

Đọc Quyền lực đích thực, chương 05 tại đây.

Đọc Quyền lực đích thực, chương 06 tại đây.

Đọc Quyền lực đích thực, chương 07 tại đây.

Đọc Quyền lực đích thực, chương 08 tại đây.

Đọc Quyền lực đích thực, chương 09 tại đây.

Đọc Quyền lực đích thực, chương 10 tại đây.

Đọc Quyền lực đích thực, toàn tập tại đây.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Đường xưa mây trắng

Đường xưa mây trắng

Tôi viết Đường Xưa Mây Trắng ở quán Xóm Thượng khi chưa có lò sưởi trung ương chỉ một lò củi nhỏ giữa trời lạnh.

Thiên long bát bộ | Chương 42

Thiên long bát bộ | Chương 42

Trong những tinh phẩm thượng thừa Thiên Long bát bộ luôn được đánh giá là một trong những kiệt tác của Kim Dung.

Trồng một nụ cười | Chương 04

Trồng một nụ cười | Chương 04

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập Làng Mai truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân chánh niệm giúp con người tĩnh tâm hạnh phúc hòa hợp thiên nhiên.

Gián điệp mạng | Chương 54

Gián điệp mạng | Chương 54

Gián điệp mạng kể về nhà khoa học chuyển nghề thành chuyên gia mạng truy tìm hacker tại Phòng Thí nghiệm Lawrence Berkeley California Mỹ.

Con đã có đường đi | Chương 21

Con đã có đường đi | Chương 21

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập Làng Mai truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân chánh niệm giúp con người tĩnh tâm hạnh phúc hòa hợp thiên nhiên.

Giận | Chương 01

Giận | Chương 01

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập Làng Mai truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân chánh niệm giúp con người tĩnh tâm hạnh phúc hòa hợp thiên nhiên.

Chia sẻ điều cần nói

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.

nhavantuonglai · Ghiblis Music Piano Playlist