Quyền lực đích thực | Chương 08
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng lập Làng Mai, truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân, chánh niệm, giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc, hòa hợp thiên nhiên.
· 28 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Mặc dù rèn luyện năm nguồn năng lượng tâm linh: tín, tấn, niệm, định, tuệ, nhưng nếu ta nghĩ rằng chỉ thực tập cho riêng mình thì những quyền lực ấy vẫn chưa đủ mạnh. Tuệ giác tương tức dạy rằng chỉ khi nào ta ý thức và thức tỉnh tâm thức cộng đồng thì mới có thể phát huy trọn vẹn sức mạnh của tập thể.
Có hai loại tâm thức: tâm thức cá nhân và tâm thức cộng đồng. Tâm thức chúng ta chứa tất cả những hạt giống được gieo trồng từ những hành động của cá nhân, gia đình, và xã hội từ quá khứ. Mỗi ngày, những ý nghĩ, lời nói, và hành động của chúng ta đều chảy vào biển cả tâm thức và tạo nên hình hài, tâm thức ta cũng như thế giới bên ngoài. Tâm thức cá nhân tạo nên tâm thức cộng đồng, và tâm thức cộng đồng tạo nên tâm thức cá nhân – chúng tương tác.
Quan niệm của ta về cái đẹp không phải do ta tự quyết định. Ta thấy đẹp vì nhiều người cho là đẹp. Ta bị ảnh hưởng bởi tâm thức cộng đồng. Ví dụ như thời trang: lựa chọn của ta dựa trên quan niệm về thời trang của mọi người. Nếu đa số cho là đẹp, ta liền cho đó là đẹp. Khi đi xem triển lãm tranh, có những bức ta không thấy đẹp chút nào, nhưng mọi người đến xem đều trầm trồ ca ngợi thì ta cũng giả bộ cho nó là đẹp. Ta cố gắng nhìn ngắm để thấy tranh là đẹp. Rồi sau đó, vì ảnh hưởng của tâm thức cộng đồng, ta thấy bức tranh quả nhiên đẹp thật. Đẹp hay xấu, cũng như nhiều giá trị khác, là sáng tạo phẩm của tâm thức cộng đồng.
Khi nỗi sợ hãi mang tính cộng đồng, thù hận mang tính chất cộng đồng thì tình trạng đã ở mức cực kỳ nguy hiểm. Đó là lý do tại sao ta phải chọn một môi trường có tâm thức cộng đồng trong sáng, lành mạnh để ta được lợi lạc. Chúng ta rất dễ bị tư duy cộng đồng ảnh hưởng. Năm 2004, tám mươi phần trăm người dân Mỹ tin rằng chiến tranh Iraq là để trả đũa sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001, mặc dầu không có bằng chứng về liên hệ giữa chính phủ Iraq và Al Qaeda. Cũng năm ấy, tháng 9 năm 2001, chỉ có ba mươi lăm phần trăm dân chúng các quốc gia nói tiếng Anh cho rằng cuộc chiến ấy là hợp lý. Nhân dân Mỹ phải có một thái độ cởi mở đối với quan điểm của nhân dân Ấn Độ, châu Á, châu Phi, Ả Rập, và Mỹ Latinh. Phải lắng nghe họ, phải tìm hiểu lối suy nghĩ cũng như cách hiểu vấn đề của họ. Ta không thể tự trói mình vào một quan điểm, một ý kiến. Hệ thống truyền thông đại chúng và tổ hợp công nghệ chiến tranh đã tạo ra một nhà tù cho chúng ta, cho nên chúng ta tiếp tục suy nghĩ, nhận định và hành động cùng một chiều hướng. Tất cả là tùy vào mỗi chúng ta, như một cá nhân hay như một cộng đồng, để tự giải phóng ra khỏi tù ngục của thiên kiến, sợ hãi và bạo động.
Là nghệ sĩ, nhà giáo, chính trị gia, hay doanh nhân, bạn có thể ảnh hưởng lên những người khác và kiến tạo những gì đẹp đẽ. Bạn phải có tuệ giác độc lập. Bạn có thể làm cho các giá trị chân, thiện, mỹ sẵn có trong bạn được hiển lộ. Hãy chân thực bày tỏ quan điểm mình dù cho số đông không nhìn thấy sự thật như bạn, bạn vẫn can đảm tiếp tục. Và một thiểu số đã thấy sự thật, đã giác ngộ thì có thể chuyển hóa toàn bộ tình trạng. Tâm thức cộng đồng tạo nên và ảnh hưởng tới tâm thức cá nhân, nhưng tâm thức cá nhân cũng có thể tạo ra và ảnh hưởng tới tâm thức cộng đồng.
Có thể nếu ta thấy rõ nhu cầu đổi mới trên đất nước ta thì ta phải can đảm nói ra, mặc dù đa số đang đi ngược với chiều hướng đó. Ta cần sự nâng đỡ của những người thân, những người bạn cùng quan điểm, bởi vì sự thay đổi cả một hướng đi chỉ có thể xảy ra khi có sự thức tỉnh cộng đồng. Nhưng cá nhân hay một nhóm nhỏ có thể khơi dậy một sự thay đổi tâm thức. Dù thuộc về thiểu số, nhưng nếu tin rằng tuệ giác của chúng ta có khả năng dẫn chúng ta thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn thì ta phải can đảm nói lên. Có nhiều cách giúp ta diễn đạt thành công – và không chỉ với tư cách cá nhân, bởi trong chúng ta có những người sáng suốt nhưng không có cơ hội nói ra tuệ giác của mình. Vì vậy mà phải nói lên Có tôi đây với những người cùng chung một tuệ giác. Xin hãy cất lên tiếng nói để chúng ta có thể tới với nhau. Khi đoàn kết lại tiếng nói của chúng ta mới mạnh mẽ và hiệu quả bởi vì chỉ có sự tỉnh thức cộng đồng mới có thể thay đổi tình trạng.
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, tôi suýt bị một sĩ quan Hoa Kỳ bắn chết vì ông ta nghi tôi là du kích. Trước khi đến Việt Nam, những người lính Hoa Kỳ đã được cho biết rằng ai cũng có thể là quân du kích, kể cả những tu sĩ Phật giáo. Tôi giữ bình tĩnh và đã làm cho ông ta hết sợ. Tăng thân của tôi và tôi đã thực tập quán chiếu khổ đau không những cho phe cộng sản hay phe chống cộng mà của cả những người lính Hoa Kỳ, vì họ đã bị đưa tới một đất nước xa lạ để giết người và bị giết. Tôi không hận thù bởi vì tôi có hiểu biết và thương yêu. Rất nhiều người trong chúng tôi đã sống sót được nhờ thực tập hiểu biết và thương yêu đó.
Kinh nghiệm của tôi từ những cuộc chiến tại Việt Nam đã khiến cho tôi tin tưởng vững chắc rằng bạo lực không thể loại trừ được khủng bố. Và lắng nghe sâu có sức mạnh hơn bom đạn. Khủng bố sinh ra do tri giác sai lầm. Quân khủng bố có tri giác sai lầm về họ và về chúng ta. Vì thế cho nên họ muốn tiêu diệt chúng ta, trừng phạt chúng ta. Nếu hiểu được cách tư duy, cũng như cách nhận thức của họ thì chúng ta có thể giúp họ loại bỏ tri giác sai lầm. Loại trừ tri giác sai lầm là nền tảng của công cuộc chuyển hóa bạo động, khủng bố và xây dựng hòa bình.
Các nhà lãnh đạo và người dân Hoa Kỳ cần phải lắng nghe những nhà lãnh đạo chính trị châu Âu, châu Á bởi vì cảm xúc và tư tưởng của họ được định hình bởi rất nhiều tri giác sai lầm. Không nên tin chắc vào tri giác của mình, bởi tri giác sai lầm đưa đến xung đột, đau khổ và chiến tranh. Quan điểm của Hoa Kỳ hiện nay đang trở thành lẻ loi và Hoa Kỳ cần lắng nghe tiếng nói của châu Á, châu Âu, châu Phi, lắng nghe tất cả mọi người. Khi ta có khả năng loại bỏ tri giác sai lầm nơi ta và nơi người khác thì sẽ không còn khủng bố, không có cách nào khác. Một điều rất rõ ràng là cuộc chiến chống khủng bố đã không giúp giảm bớt khủng bố, trái lại, còn tạo thêm hận thù và sợ hãi trong và ngoài Hoa Kỳ. Hoa Kỳ bây giờ còn nhạy cảm hơn năm 2001. Cuộc chiến chống khủng bố khiến ta nhìn đâu cũng thấy khủng bố. Khi đi máy bay, chúng ta bị khám xét, họ không tìm Phật tính trong ta, họ chỉ tìm Khủng bố tính trong ta.
Ai cũng có thể tham dự vào sự nghiệp giác ngộ, giúp cho xã hội tỉnh thức. Tỉnh thức là nhiệm vụ. Bằng phương tiện thiện xảo, ta có thể đóng góp rất nhiều vào sự tỉnh thức cộng đồng, nền tảng của mọi thay đổi. Ta có thể giúp cho mọi người thấy rằng lắng nghe sâu với tâm từ bi và ái ngữ là con đường duy nhất giúp loại bỏ tri giác sai lầm.
Rủi thay, những nhà chính trị lại không quen với sự thực tập này, tư tưởng chung của họ là tiền bạc, và sức mạnh quân sự là quyền lực duy nhất, họ không biết rằng còn có những quyền lực khác. Nếu muốn, Hoa Kỳ sẽ có sức mạnh của hiểu biết và từ bi. Hoa Kỳ có quá đủ những người có tuệ giác, hiểu biết và tình thương. Nếu họ tới với nhau để cùng nói lên ưu tư của họ, và soi đường cho chúng ta, thì chúng ta có thể vượt qua khó khăn. Con đường của chúng ta là con đường của hòa bình. Tôi tin chắc rằng không có con đường nào dẫn tới hòa bình – hòa bình chính là con đường. Phải sử dụng những phương tiện hòa bình để đạt đến hòa bình.
Hoa Kỳ không thể cáng đáng mọi chuyện trên thế giới. Cho dù là một quốc gia hùng mạnh bậc nhất, Hoa Kỳ cũng chỉ là một thành viên trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới. Hoa Kỳ phải để cho các quốc gia khác có cơ hội cùng chia sẻ trách nhiệm, không nên tự mình quyết định mọi chuyện. Hoa Kỳ cần đầu tư vào Liên Hiệp Quốc và để cho các quốc gia khác tham dự vào công cuộc xây dựng Liên Hiệp Quốc thành một tổ chức vì sự hòa bình với đầy đủ quyền hạn và sức mạnh.
Nếu coi bạo động là một căn bệnh, thì phương thuốc điều trị căn bệnh đó là phép lắng nghe sâu. Tôi không tin rằng chỉ dùng tiền bạc mà có thể chữa trị căn bệnh bạo động trong gia đình và trường học. Các nhà lập pháp nhìn sâu vấn đề sẽ thấy rằng tình trạng bạo động trong nước có liên quan tới chính sách ngoại giao. Khi trong ta đầy bạo động, ta dễ sử dụng hay tán đồng việc sử dụng bạo động đối với người khác. Khi trong ta có chiến tranh, ta rất dễ gây chiến với người khác. Điều này cũng đúng đối với các cặp vợ chồng, hay trong mỗi gia đình, mỗi quốc gia.
Tại sao chúng ta không đặt ra một đạo luật cho phép phụ huynh có cơ hội tham dự một khóa hội thảo hay một khóa tu bảy ngày mỗi năm để học cách chăm sóc lẫn nhau, thiết lập truyền thông, hiểu biết và thương yêu nhau? Tại sao ta không cho phép các giáo viên tham dự một khóa tu có lương được tổ chức hằng năm để học cách chuyển hóa khổ đau của mình và hiểu rõ khổ đau của học sinh mình?
Áp dụng được đường lối giáo dục về hòa bình như trên, chúng ta sẽ giúp con em mình rèn luyện được năm sức mạnh tâm linh. Là một nhà giáo hay phụ huynh, bạn có thể dạy con em hay học sinh rèn luyện năm quyền lực tâm linh ấy. Xin hãy bắt đầu ngay bây giờ và chúng ta sẽ sớm có một thế hệ công dân mới biết rõ là họ cần những loại quyền lực nào để có hạnh phúc thật sự. Chúng ta nên tổ chức những khóa tu chánh niệm cho các bậc phụ huynh và giáo viên và yêu cầu họ bắt đầu áp dụng phương pháp giáo dục này cho các thế hệ tương lai.
Tại Thái Lan và một số quốc gia theo đạo Bụt, thanh niên đến tuổi phải vào sống trong chùa một năm để được giáo dục về tâm linh. Họ bắt buộc phải thi hành nghĩa vụ tâm linh thay vì nghĩa vụ quân sự. Ngay cả vị thái tử cũng phải vào sống trong chùa một năm trước khi lên ngôi vua. Đây là một truyền thống đẹp. Nhưng bây giờ, khoảng thời gian ấy đã giảm xuống còn có một tháng hay vài tuần lễ, không đủ dài. Tôi vẫn mơ ước có thể thành lập một Học viện Hòa bình (Peace Institute) để cho những người trẻ trước khi lập gia đình đến học những phương pháp cụ thể để xây dựng một gia đình hạnh phúc và an lành, cha mẹ mà hạnh phúc thì con cái sẽ hạnh phúc.
Nếu bản thân ta không rèn luyện các quyền lực tâm linh ấy thì làm sao có thể giúp được con của mình chứ đừng nói là giúp người khác. Phải vượt qua bên kia bờ khổ đau mới có thể giúp người khác vượt qua được khổ đau. Phải giác ngộ mới giúp được người khác giác ngộ. Phần đông chúng ta đang sống trong mộng, không biết mình đang làm gì. Chúng ta đang đưa nhau về hướng tự hủy diệt mà không biết. Giác ngộ là điều thiết yếu cho sự sống còn của chúng ta.
Nhiều người tin rằng mình bất lực, không thể làm được gì để thay đổi tình hình, nhất là tình hình chính trị. Sự thật là ta luôn luôn có thể là một người nào đó, và có thể làm một việc gì đó để thay đổi tình hình. Cũng như ta, các chính trị gia có những hạt giống tích cực và tiêu cực. Những người xung quanh họ chỉ không biết cách tưới tẩm những hạt giống tích cực nơi họ thôi. Cố vấn của họ không ngừng tưới tẩm những hạt giống sợ hãi, thèm khát, sân hận, và bạo lực trong họ. Chúng ta phải tìm cách tiếp xúc với những nhà chính trị để giúp họ. Phản đối cũng là một cách giúp, nhưng phải khéo léo để cho họ thấy rằng đây là một hành động yêu thương chứ không phải là một hành động tấn công.
Sự thật là bởi vì quá bận với những công việc nhỏ nhặt hằng ngày mà phần đông chúng ta hững hờ. Chúng ta có quan tâm nhưng vì quá bận với những khổ đau cá nhân mà chúng ta không có thì giờ và năng lực để làm những chuyện quan trọng trên. Nhưng thật ra không tốn nhiều thì giờ, ta có thể viết một bức thư tình ngắn cho những vị ấy, bức thư tình kiểu này có thể là hơi khó hơn bức thư phản đối một chút. Sau đây là ví dụ về một bức thư tình mà tôi đã gửi cho Tổng thống Hoa Kỳ:
Kính thưa Ngài Tổng thống!
Đêm qua, tôi mơ thấy anh tôi (anh tôi vừa từ trần cách đây hai tuần tại Hoa Kỳ). Anh đang ở bên các con của anh và nói với tôi: Chúng ta hãy cùng nhau về nhà đi. Sau một tích tắc ngần ngừ, tôi vui vẻ trả lời, Vâng, chúng ta phải về nhà thôi.
Thức giấc vào khoảng năm giờ sáng, tôi nghĩ tới tình hình bên Trung Đông, và lần đầu tiên tôi có thể khóc. Tôi khóc rất lâu và cảm thấy nhẹ hơn sau một giờ đồng hồ. Rồi tôi xuống bếp pha trà. Trong khi pha trà tôi nhận ra rằng lời anh tôi nói là đúng: Nhà của chúng ta đủ rộng cho tất cả chúng ta. Hãy cùng nhau trở về trong tình anh em.
Kính thưa Tổng thống, tôi nghĩ rằng nếu Tổng thống có thể khóc như tôi đã khóc sáng nay, Tổng thống sẽ cảm thấy nhẹ bớt rất nhiều. Chúng ta đang giết những người anh em của chúng ta ở bên đó. Họ là những người anh em của chúng ta – Chúa đã nói với chúng ta như vậy, tất cả chúng ta đều biết như vậy. Họ có thể không coi chúng ta như những người anh em bởi vì họ đang thù hận, hiểu lầm và kỳ thị. Tuy nhiên, với chút ít tỉnh thức, chúng ta có thể nhìn mọi sự từ một khía cạnh khác, và như thế chúng ta giải quyết tình trạng bằng cách khác. Tôi xin đặt hết tin tưởng vào Đức Chúa nơi Ngài. Tôi xin đặt hết tin tưởng vào Phật tính trong Ngài.
Xin cảm ơn Tổng thống đã đọc thư này,
Với lòng biết ơn, và trong tình huynh đệ,
Thích Nhất Hạnh,
Làng Mai.
Bằng nếp sống tỉnh thức, thể hiện được sự sáng tạo và tuệ giác trong công việc, chúng ta có thể đóng góp vào sự tỉnh thức cộng đồng. Rồi chúng ta sẽ đủ mạnh để có thể ảnh hưởng tới những nhà lãnh đạo chính trị. Chúng ta phải yểm trợ các nhà lãnh đạo của chúng ta, chúng ta phải giúp họ thấy rõ tình hình, rằng sách lược hiện tại đang hủy diệt và tàn phá rất nhiều, rằng cuộc chiến chống khủng bố chỉ tạo thêm thù hận, thêm kinh hoàng, và thêm khủng bố. Chúng ta có thể chỉ cho mọi người thấy rằng bạo lực đã bất lực. Chỉ bằng cách lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng lời nói ái ngữ chúng ta mới có thể loại bỏ tri giác sai lầm, gốc rễ của hận thù và bạo động.
Chúng ta cần gạt bỏ cảm giác mình đã bất lực, đã tuyệt vọng. Chúng ta có sức mạnh, và chúng ta phải biết sử dụng chúng để đem lại thay đổi. Chúng ta phải tổ chức lại. Sự thực tập cởi mở, ái ngữ có tác dụng rất mầu nhiệm. Các bậc phụ huynh, nhà giáo, thương gia, hay nghệ sĩ, đều có thể làm được việc gì để đóng góp vào sự tỉnh thức cộng đồng. Tất cả mọi người đều có trách nhiệm. Tình trạng hiện nay đã rất cấp bách rồi, không thể để các nhà chính trị đơn độc chịu trách nhiệm nữa. Nếu không có tỉnh thức cộng đồng thì không thể thực hiện được điều gì. Giác ngộ là nền tảng của mọi sự thay đổi. Mỗi chúng ta phải ngồi xuống và quán chiếu sâu sắc để thấy rõ ta là ai và ta có thể làm được gì ngay hôm nay.
Tháng 9 năm 2006, tôi được mời tới nói chuyện tại tổ chức UNESCO1 của Liên Hiệp Quốc. Tôi đề nghị UNESCO nên tổ chức đều đặn trên phạm vi toàn cầu những ngày không-xe để nhắc nhở mọi người về những gì đang xảy ra cho môi trường của chúng ta. Tại các đạo tràng của Làng Mai, chúng tôi đã thực tập một ngày không-xe trong tuần. Chúng tôi sắp đặt công chuyện trước để đến ngày hôm đó không một ai trong chúng tôi lái xe đi đâu hết. Đã có rất nhiều người khắp nơi trên thế giới hưởng ứng và quyết định thực tập ngày không-xe như vậy. Mục tiêu là giảm mức lái xe xuống năm mươi phần trăm. Chúng tôi đã bắt đầu sử dụng xe chạy bằng dầu thực vật để tránh tăng mức carbon dioxide trong bầu khí quyển, cũng như tổ chức đều đặn những ngày không-điện. Chúng tôi cũng tham gia và khuyến khích những người khác tham gia ngày không-xe vào ngày 22 tháng 9 mỗi năm (để biết thêm chi tiết và tham gia, xin mời ghé thăm mạng www.worldcarfree.net/wcfd). Chỉ nói về nguy cơ thôi thì không đủ. Phải hành động và mời mọi người cùng hành động.
Có người hỏi tôi rằng sau tất cả những tàn phá mà chúng ta đã gây ra làm sao nhân loại có thể hòa giải được với địa cầu? Chúng ta có thể hòa giải với đất Mẹ (Mother Earth) bằng cách thực tập thiền hành. Mỗi bước chân chúng ta sẽ bước như hôn vào mặt đất với lòng biết ơn và tình thương và hứa rằng chúng ta sẽ chấm dứt những hành động tàn phá đất Mẹ. Nếu chúng ta tiếp tục khai thác triệt để địa cầu như hiện nay thì văn minh nhân loại sẽ bị tiêu diệt. Muốn xoay chuyển tình thế cần phải tỉnh thức, phải giác ngộ. Bụt đã tự giác ngộ. Bây giờ chúng ta cần phải đạt tới giác ngộ cộng đồng để chặn đứng con đường tự hủy diệt. Văn minh nhân loại sẽ không còn nếu ta cứ tiếp tục đắm chìm trong việc tranh giành quyền lực, danh vọng, sắc dục, và tài lợi.
Một hôm, trong giờ thiền tọa, tôi quán chiếu về hiện tượng hâm nóng địa cầu (global warming,) trận sóng thần tại Đông Nam Á, tình trạng thay đổi khí hậu… Tôi rất khổ tâm và hỏi Thiên Nhiên: Thiên Nhiên ơi, chúng tôi có thể nương tựa vào Người nữa hay không? Sở dĩ tôi hỏi như thế là vì tôi biết rằng Thiên Nhiên rất thông minh và biết cách phản ứng để thiết lập lại quân bình, đôi khi mãnh liệt. Và Thiên Nhiên đã trả lời tôi bằng một câu hỏi: Thế thì ta có thể tin cậy vào nhà ngươi được không? Câu hỏi lật ngược lại câu hỏi của tôi: Thiên Nhiên có thể tin cậy được vào loài người hay không? Sau một hơi thở sâu và dài, tôi trả lời: Vâng, Thiên nhiên có thể tin cậy phần lớn nơi tôi. Khi ấy tôi nghe Thiên nhiên đáp lại: Thế thì nhà ngươi cũng có thể tin cậy một phần lớn nơi ta. Đó là một cuộc đối thoại rất sâu sắc giữa tôi và Thiên Nhiên.
Không nên coi đây là một lời tuyên bố suông. Đây phải là một cam kết của tất cả mọi người, để cho thiên nhiên có thể đáp lại theo một chiều hướng tích cực. Với tuệ giác, cộng đồng chúng ta có thể hòa giải với thiên nhiên và chữa lành địa cầu của chúng ta. Mỗi người trong chúng ta phải làm một việc gì trong cuộc sống hàng ngày để đóng góp, để bảo đảm tương lai cho các thế hệ mai sau.
Gần đây, tôi có cơ hội kinh nghiệm trực tiếp về sức mạnh tỉnh thức cộng đồng khi tôi về thăm Việt Nam cùng với tăng thân, sau gần bốn mươi năm xa cách. Tôi sang Tây phương năm 1966, khi ấy tôi bốn mươi tuổi. Tôi tới Hoa Kỳ để kêu gọi chấm dứt thả bom. Thời điểm đó, nửa triệu quân lính Hoa Kỳ đã có mặt tại Việt Nam, trong số đó có trên năm mươi ngàn quân nhân đã bị giết hay mất tích trong cuộc chiến. Nhiều triệu thường dân Việt Nam thiệt mạng vì chiến tranh. Đất đai, rừng núi, sông ngòi bị tàn phá và ô nhiễm vì các chất độc hóa học. Khi ấy tôi đã là một giáo thọ và nhà văn được biết tiếng trong nước. Tôi có ý định ở lại Hoa Kỳ trong ba tháng để kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Nhưng sau ba tháng, tôi được biết là chính quyền Việt Nam không cho phép tôi trở về nước vì tôi đã cả gan lên tiếng kêu gọi hòa bình.
Trong chiến tranh, chúng tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu đau khổ mà người dân Việt Nam phải gánh chịu do chiến tranh gây ra. Chúng tôi bị kẹt giữa hai bên lâm chiến và chúng tôi buộc phải lên tiếng. Nhưng đa số chúng tôi không có phương tiện để bày tỏ ý kiến của mình. Chúng tôi không có đài phát thanh, không có đài truyền hình, không có báo chí để nói lên thực trạng. Những ai dám kêu gọi chống chiến tranh đều bị bắt. Cho nên có những người đã tự thiêu để thu hút công luận, để công luận không còn thờ ơ trước nỗi đau của đa số dân chúng không muốn chiến tranh. Chỉ khi đó báo chí mới thấy rằng đa số người dân Việt Nam không chấp nhận chiến tranh. Đó là lý do vì sao tôi quyết định đi sang các nước Tây phương để nói cho thế giới biết những đau khổ của đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam.
Sau khi được biết chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không muốn tôi trở về Việt Nam, tôi vẫn tiếp tục kêu gọi chấm dứt chiến tranh Việt Nam tại Hoa Kỳ. Sau đó tôi đi sang châu Âu, châu Á và châu Úc. Cuối cùng tôi dừng tại Paris và thiết lập một trung tâm tu học để tiếp tục công tác kêu gọi hòa bình.
Suốt thời gian bốn mươi năm, chúng tôi cố gắng dàn xếp để trở về Việt Nam. Cuối cùng, tháng Giêng 2005, tôi được phép trở về quê hương. Khi rời Việt Nam lần đầu, tôi như một tế bào bị tách ra khỏi cơ thể. Tăng thân là một cơ thể và mỗi thành viên là một tế bào của cơ thể. Nhưng tôi không khô chết như một tế bào, bởi vì tôi mang trong trái tim mình toàn thể tăng thân của tôi. Tôi đại diện cho tăng thân đi kêu gọi hòa bình chứ không đi với tư cách cá nhân, và tôi thành lập ngay một tăng thân nhỏ tại Tây phương. Bây giờ, sau bốn mươi năm, tăng thân ấy không còn nhỏ nữa.
Phái đoàn cùng về Việt Nam với tôi gồm hai trăm người. Tôi muốn trở về Việt Nam như một tăng thân, một tăng thân đích thực chứ không phải như một tế bào, để trình bày pháp môn thực tập hiểu biết và thương yêu, bởi vì chúng tôi biết rằng nếu chúng tôi thực tập vững vàng, tinh tấn và chân thực thì chúng tôi có thể chuyển hóa sự nghi ngại của chính quyền.
Những thành viên trong phái đoàn đã thực tập rất giỏi. Tại khách sạn, các bạn thiền sinh ngồi thiền mỗi buổi sáng. Họ ăn chay, họ không bao giờ đụng tới rượu. Họ giữ im lặng và họ sống như một tăng thân, hòa hợp trong tình huynh đệ. Quản lý khách sạn đã rất ấn tượng và nói: Họ đã biến khách sạn chúng tôi thành một thiền đường.
Sự có mặt của một tăng thân gồm các thầy, các sư cô, các vị thiền sinh đã giúp ích rất nhiều. Dân chúng được tận mắt chứng kiến các thiền sinh Tây phương tu tập rất giỏi. Điều này đem lại hứng khởi cho họ. Trong các buổi pháp thoại chúng tôi đã chứng kiến những chuyển hóa ngay trước mắt. Chúng tôi đã có thể tháo gỡ rất nhiều tri giác sai lầm. Bây giờ mọi người biết rõ hơn về chúng tôi, bởi vì rất nhiều sợ hãi và nghi ngờ đã được xóa bỏ. Nếu chúng tôi không có khả năng nâng đỡ lẫn nhau bằng năng lượng của tăng thân và tưới tẩm các hạt giống của kiên nhẫn, hiểu biết và thương yêu thì chúng tôi có thể đã phản ứng rất mạnh mẽ trước những khó khăn và bỏ dở chuyến đi.
Chúng tôi vẫn tiếp tục khiêm nhường, bình tĩnh và mỉm cười. Cuối cùng sự ngăn cách đã vỡ bung. Học viện Hành chánh Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi nói chuyện cho các giới trí thức, học giả, đảng viên và công chức. Họ dành cho chúng tôi ba trăm chỗ ngồi. Tuy nhiên, nhờ thực tập ái ngữ và lắng nghe sâu mà vào phút chót chúng tôi thuyết phục được họ mở cửa tự do cho tất cả mọi người đều có thể tới nghe. Ngày hôm đó có trên một ngàn người đã tham dự. Tôi chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy đạo Bụt bên Tây phương. Thính chúng đã rất chăm chú lắng nghe và đặt nhiều câu hỏi, trong đó có một câu hỏi như sau: Nếu quy y Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) thì tôi còn có quyền yêu nước và yêu đảng nữa không? Câu trả lời của tôi đến tức khắc và rất giản dị: Quy y Tam Bảo mà không được quyền yêu nước, yêu đảng thì quy y để làm chi? Thính chúng vỗ tay rất lâu. Đó là lý do vì sao mà khi đến Huế, chúng tôi được phép tổ chức nói chuyện cho các đảng viên, trí thức, và viên chức. Sáu, bảy ngàn người đã đến tham dự. Và khi chúng tôi ra Hà Nội, năm buổi nói chuyện đã được tổ chức cho đảng viên, công chức, cán bộ, trí thức, học giả. Thì ra tất cả mọi người đều khát khao tâm linh, họ có cơ hội cởi mở khi được tiếp xúc với tăng đoàn. Tại hai buổi sinh hoạt do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Hà Nội tổ chức, vài vị trong Ban Tổ chức đã phát biểu rằng nên tổ chức những buổi thảo luận đối thoại giữa chủ nghĩa Mác và đạo Bụt. Họ công nhận rằng họ có thể học hỏi được rất nhiều từ đạo Bụt. Những người tổ chức đã bày tỏ ý muốn đổi mới và học hỏi thêm nữa. Không khí thật cởi mở và đầy tình người, thực sự là tự do ngôn luận. Đây là một điều kỳ diệu.
Tôi có thể nói thẳng mà không làm ai tổn thương bởi vì tâm tôi tràn đầy tình yêu thương và tình huynh đệ. Tôi đã nói thế này: Quý vị biết không, bên Làng Mai chúng tôi sống rất đơn giản. Các thầy, các sư cô và cư sĩ sống với nhau như một gia đình. Không ai có xe riêng. Không ai có tài khoản ngân hàng riêng. Không ai có điện thoại riêng, chúng tôi là cộng sản thứ thiệt. Thính chúng phá lên cười, không ai giận cả. Và thông điệp của chúng tôi đã được tiếp nhận.
Có người lo cho an ninh của tôi bởi vì tôi đã dám đả động đến những vấn đề quan trọng, ví dụ như nạn tham nhũng. Tuy nhiên, chúng tôi thấy là chúng tôi có thể nói lên sự thật, nói ra những gì tự đáy lòng, bởi vì chúng tôi biết sử dụng ái ngữ.
Kinh nghiệm này chứng minh một cách hùng hồn, rằng sự thức tập tinh tấn của một thiểu số có thể ảnh hưởng đến số đông.
Chúng ta chỉ có một thời điểm thôi, và chúng ta có thể lựa chọn. Hoặc chạy theo dục vọng với vẻ bề ngoài hùng mạnh, nhưng tôi xin cam đoan là bạn sẽ không tìm thấy hạnh phúc. Hoặc thực tập năm sức mạnh tâm linh và đem lại cho bản thân, cho người thân, đồng nghiệp, cộng đồng sức mạnh của một vị Bồ Tát. Đó là con đường đem lại hạnh phúc thực sự. Đó là con đường duy nhất có thể thay đổi thế giới.
Đọc Quyền lực đích thực, chương 01 tại đây.
Đọc Quyền lực đích thực, chương 02 tại đây.
Đọc Quyền lực đích thực, chương 03 tại đây.
Đọc Quyền lực đích thực, chương 04 tại đây.
Đọc Quyền lực đích thực, chương 05 tại đây.
Đọc Quyền lực đích thực, chương 06 tại đây.
Đọc Quyền lực đích thực, chương 07 tại đây.
Đọc Quyền lực đích thực, chương 08 tại đây.
Đọc Quyền lực đích thực, chương 09 tại đây.
Đọc Quyền lực đích thực, chương 10 tại đây.
Đọc Quyền lực đích thực, toàn tập tại đây.