Thích Nhất Hạnh | Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.
· 85 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Một nguồn tài liệu tuyệt vời cho những ai đang tìm kiếm ý tưởng để mang chánh niệm vào đời sống của chính mình và trao truyền cho học sinh. Tiếng nói và kinh nghiệm thực tiễn của những nhà giáo được vang lên xuyên suốt trong bộ sách giàu có này.
Tiến sĩ Mark T. Greenberg, Penssylvania State University.
Cuối cùng cũng đã có một bộ sách về thực tập chánh niệm cho các thầy cô giáo – và cũng là cho học sinh – trong đó chuyên chở được cả chiều sâu và tuệ giác của đạo Bụt, gốc rễ của phương pháp chánh niệm. Đây cũng là một bộ sách rất thực tiễn, đầy những gợi ý khéo léo và sáng tỏ mà những người trẻ đang chịu nhiều căng thẳng trong xã hội ngày nay sẽ phải vồ lấy. Tác phẩm này sẽ rất hữu ích.
Tiến sĩ Guy Claxton, tác giả của What_s the Point of the school? (Mục đích của trường học là gì?) và Building Learning Power (Xây dựng năng lực học tập).
Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Katherine Weare đã đóng góp rất nhiều cho lĩnh vực chánh niệm trong giáo dục. Với bộ sách quan trọng này, họ không chỉ hiến tặng chiều sâu kinh nghiệm của mình mà còn giúp chia sẻ kinh nghiệm của hàng trăm nhà giáo, với mong muốn giúp cho các đồng nghiệp và học sinh khắp mọi nơi có được hạnh phúc chân thật thông qua sự thực tập chánh niệm và từ bi trong giáo dục.
Tiến sĩ Arthur Zajonc, PhD, tác giả của The Heart of higher Education (Trái tim của nền giáo dục đại học).
Bộ sách này không chỉ mang lại niềm vui cho người đọc mà còn là một nguồn tài liệu thiết thực cho những giáo viên muốn trao truyền sự thực tập chánh niệm cho học trò của mình. Dựa trên nền tảng những nghiên cứu khoa học cùng với kinh nghiệm của các thầy cô giáo đã đi trên con đường này trước đó, bộ sách cho thấy được công năng chuyển hóa của chánh niệm, giúp đưa nền giáo dục trở lại trạng thái bình thường. Đây là một bộ sách không thể thiếu được đối với những nhà giáo luôn trăn trở với câu hỏi: có cách nào làm cho việc giảng dạy trở nên vui tươi và nhẹ nhàng hơn không?
Tiến sĩ Sarah Stewart-Brown, Đại học Y khoa Warwick, Vương quốc Anh.
Không chỉ giáo viên và các nhà giáo dục mà tất cả những ai quan tâm đến tương lai của thế hệ con trẻ cũng cần đọc bộ sách này. Những thực tập chánh niệm cụ thể, thiết thực có công năng nuôi dưỡng, giúp giáo viên và học sinh trở nên mạnh mẽ, hạnh phúc hơn và có nhiều tình thương hơn, từ đó có khả năng thay đổi thế giới.
Rony Berger, Tiến sĩ tâm lý học, Trung tâm giáo dục chánh niệm từ bi, đại học Tel Aviv; đại học Ben Gurion; Trung tâm nghiên cứu và giáo dục về từ bi và lòng vị tha thuộc đại học Stanford.
Một bộ sách thật giá trị làm sao! Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một vị thầy có ảnh hưởng trên toàn thế giới, luôn tận tâm với sự nghiệp mang chánh niệm, hạnh phúc và bình an đến với các nhà giáo dục, học sinh và cả xã hội. Người luôn cảm thấy có trách nhiệm phải giúp đỡ thế hệ trẻ… và đã dành cả cuộc đời mình để thực hiện sứ mệnh trao truyền những giá trị phổ quát vượt thời gian bằng những cách thức phù hợp với thực tiễn. Katherine Weare cũng là một nhà giáo dục có nhiều kinh nghiệm trong việc mang chánh niệm vào các trường phổ thông và đại học… Có được hai nhân vật này cùng đồng tác giả của bộ sách là một món quà tuyệt diệu và đáng quý cho tất cả chúng ta.
Vidyamala Burch, tác giả của bộ sách Mindfulness for Health (Chánh niệm đối với sức khỏe) và Mindfulness for Woman (Chánh niệm dành cho phụ nữ).
Đối với các nhà giáo dục khắp nơi trên thế giới, những người đang tìm kiếm tuệ giác và bạn đồng hành trên con đường thiết kế, đào luyện những tâm hồn trẻ trong một thế giới ngày càng có nhiều đổ vỡ, xa cách thì bộ sách này là một người bạn đáng tin cậy và đầy trí tuệ… Đây là một bộ sách thiết yếu đối với những ai hiện quan tâm đến lĩnh vực chánh niệm trong giáo dục.
Tiến sĩ Robert W.Roeser, đồng biên soạn cuốn sách Handbook of Mindfulness in Education (Cẩm nang chánh niệm trong giáo dục).
Trong bộ sách đặc biệt này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh với những lời dạy uyên thâm cùng những thực tập sâu sắc của Người đã cộng tác cùng giáo sư Katherine Weare – người có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực giáo dục cảm xúc, thúc đẩy sự phát triển của trẻ em và đem chánh niệm vào học đường. Sự cộng tác này đã làm nên một cuốn cẩm nang hướng dẫn chi tiết những thực tập chánh niệm có thể áp dụng trong đời sống hằng ngày như thiền thở, thiền đi, thiền ăn… Với lối viết hay, gần gũi, chuyên chở nhiều kiến thức và mang tính thực tiễn cao, bộ sách này sẽ là một quà tặng vô giá cho thầy cô giáo cũng như cho những người còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Paul Gilbert, Tiến sĩ, được trao tặng Huân chương Hoàng gia Anh – OBE, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu và giáo dục về Từ bi, Đại học Derby, tác giả của cuốn sách The Compassionate Mind (Tâm Từ Bi).
Chánh niệm là một con đường mà không phải là một công cụ. Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Katherine Weare và tăng thân Làng Mai đã làm sáng tỏ thêm con đường này một cách xác thực. Với những kinh nghiệm quý báu và đa dạng được thể hiện sinh động qua sự chia sẻ của những người đang giảng dạy trong các lớp học hay giảng đường trên khắp thế giới, bộ sách này là một tặng phẩm đặc biệt dành cho tất cả các thầy cô giáo và những học trò của họ.
Tiến sĩ Christine Burke, Australian Catholic University.
Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới là bộ cẩm nang vô cùng giá trị về sự thực tập chánh niệm dành cho những ai làm việc trong lĩnh vực giáo dục.
Richard Burnett, Dự án Chánh niệm trong trường học, Vương quốc Anh.
Ngập tràn trí tuệ và tình thương trong một thời đại mà các thầy cô giáo và học sinh của chúng ta cần những điều này hơn bao giờ hết, bộ sách này là một món quà cho tương lai của cộng đồng và toàn thể xã hội chúng ta. Nó nhắc nhở chúng ta rằng cách hay nhất để gieo trồng hạnh phúc và chánh niệm nơi con trẻ là gieo trồng hạnh phúc và chánh niệm nơi những người lớn xung quanh chúng… Qua lời dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Katherine Weare, chúng ta có thể thấy rõ ràng và xác thực điều đó. Bằng cách tiếp cận khoa học và tâm linh để nuôi dưỡng hạt giống chánh niệm trong mỗi chúng ta và cả những thế hệ tương lai, chúng ta có thể làm thay đổi thế giới thật sự.
Tiến sĩ Christopher Willard, tác giả của Growing up Mindful (Trưởng thành trong chánh niệm) và Child_s Mind (Trí óc trẻ thơ).
Khi tôi đọc bộ sách này lần đầu tiên, một từ duy nhất hiện lên trong đầu tôi là Tuyệt vời. Mục đích của bộ sách này; tiềm năng tạo nên sự thay đổi văn hóa học đường và có thể gây ảnh hưởng đến hướng đi của những người trẻ trong cuộc đời; sự kết hợp của tuệ giác từ ngàn xưa với thực tiễn của một nền giáo dục đương thời; cách viết sáng tỏ – Tuyệt vời! Tôi hy vọng bộ sách này sẽ trở thành tài liệu căn bản, quan trọng cho những nhà giáo dục trên thế giới để có thể hỗ trợ tốt nhất cho việc học tập và cho hạnh phúc của những người trẻ cũng như những người đang mang trọng trách dạy dỗ các em.
Tiến sĩ Willem Kuyken, Trung tâm chánh niệm Oxford, Đại học Oxford.
Bộ sách tuyệt vời này đem đến cho chúng ta những cái nhìn sáng suốt và những phương thức rõ ràng để có thể đưa chánh niệm vào giáo dục, giúp thúc đẩy sự phát triển toàn vẹn của thầy cô giáo, học sinh và các bậc phụ huynh. Tác phẩm này giúp cho chúng ta có thể dạy một cách hay nhất những gì mà hầu hết chúng ta đều cần phải biết, đó là nghệ thuật sống.
Nimrod Sheinman, Trung tâm chánh niệm trong Giáo dục của Israel, Trung tâm Y học Thân-Tâm và Trường học chánh niệm của Israel.
Lời tựa
Bộ sách bạn đang cầm trên tay là một món quà đặc biệt quan trọng – hay nói cách khác là một sự trao truyền – từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh trao tặng vào giai đoạn chín muồi của một nhân cách vĩ đại. Bạn sẽ thấy rằng nó là kết tinh tình thương sâu sắc của Thiền sư đối với những người trẻ và sự mong mỏi không ngừng về một nền giáo dục bồi dưỡng tài và đức cho các thế hệ mai sau. Ở mỗi trang, bạn có thể cảm được sự tôn vinh dành cho những con người đang thực hiện sứ mệnh này, thường là âm thầm không ai biết, và khối lượng công việc khổng lồ mà họ gánh vác từng ngày nhằm phục vụ cho công cuộc kiến tạo, chuyển hóa và hàn gắn thế giới của chúng ta từ dưới lên, từ thế hệ này sang thế hệ khác – đó là những người thầy, người cô. Đây cũng đồng thời là tác phẩm được kết tinh từ sự cộng tác đầy cảm hứng với giáo sư Katherine Weare, một nhà giáo dục và cũng là một giáo viên về chánh niệm, người đã có nhiều năm nghiên cứu những tác động của thực tập chánh niệm trong môi trường học đường, và đội ngũ các cây bút cố vấn, những học trò lớn của Thiền sư từ Làng Mai. Cùng nhau họ đã thiết kế một cẩm nang thiền tập mang tính đa diện và rất dễ sử dụng để giúp các thầy cô giáo có thể đem chánh niệm vào lớp học cũng như vào đời sống của chính mình bằng nhiều hình thức.
Thực tập chánh niệm có thể giúp người học ở mọi lứa tuổi điều chỉnh công cụ học tập của mình. Điều đó có nghĩa là toàn bộ con người của họ – cơ thể, tâm trí, trái tim và não bộ cũng như các mối quan hệ giữa họ với tư cách là những người học, vì vậy khía cạnh xã hội/môi trường cũng rất quan trọng để đạt kết quả học hỏi và tìm tòi tốt nhất. Điều cốt yếu là phải nuôi dưỡng chính khả năng tập trung chú ý. Thầy cô cần các em tập trung và tìm tòi với sự sáng suốt để thấy được cái gì là quan trọng nhất. Việc chú trọng phát triển khả năng này trở thành một kỹ năng là điều thật sự hữu ích. Kỹ năng này có thể khơi dậy và duy trì trí tò mò cùng niềm đam mê học hỏi suốt đời, cũng như giúp cho người học nắm bắt một cách hiệu quả và hiểu sâu bất cứ bài học cụ thể nào. Ngày càng có nhiều giáo viên trên khắp thế giới nhận thấy điều này… Vì sao không dạy các em làm thế nào để tập trung và lắng nghe sâu, thay vì chỉ đòi hỏi các em phải tập trung như thường thấy trong lớp học khi bản thân các thầy cô lại bị căng thẳng quá mức? Phương pháp thực tập chánh niệm được đưa ra trong bộ sách này là con đường phát triển khả năng đó một cách tự nhiên.
Điều cốt yếu của sự thực tập chánh niệm là sự chú tâm, nhận diện, tìm tòi, khám phá và làm phát khởi cái thấy sâu sắc bằng sự có mặt cẩn trọng, đầy tình thương. Thực tập lắng nghe và nhìn sâu gắn liền với việc học cách tiếp nhận những tri giác và kinh nghiệm của bản thân. Những hoạt động này khơi dậy trí tưởng tượng và óc sáng tạo, giúp chúng ta lột bỏ những lớp vỏ bên ngoài và làm hiển lộ những gì đang thực sự diễn ra ở bên dưới. Đi đôi với các kỹ năng xã hội thiết yếu được trau dồi trong quá trình thực tập chánh niệm, sự thực tập lắng nghe và nhìn sâu giúp chúng ta có thể mở lòng chia sẻ cả những giây phút đầy tuệ giác cũng như những giây phút khó khăn với các đồng nghiệp hoặc học sinh của mình.
Tỉnh thức (chánh niệm) là một khả năng tự nhiên của con người mà trong môi trường giáo dục có lẽ chưa được chú trọng bằng khả năng tư duy. Song có thể thấy sự kết hợp của hai khả năng này giúp người học phát triển vượt trội so với việc chỉ tập trung rèn luyện tư duy đơn thuần. Sự tỉnh thức lớn hơn nhiều so với suy nghĩ, bởi nó chứa đựng suy nghĩ, nhận ra được đó là suy nghĩ chứ không phải sự thật, và vì vậy giúp ta phân biệt được xem thử điều đó có đúng, có hoàn chỉnh, có chính xác hay chưa và có liên quan tới hay là có vẻ mơ hồ đối với vấn đề đang được bàn đến. Đây là một kỹ năng quan trọng đối với việc phát triển tư duy phản biện. Thú vị hơn nữa, nó giúp ta trau dồi khả năng tư duy về mặt cảm xúc, qua đó có thể điều chỉnh cảm xúc và những phản ứng liên quan một cách hiệu quả hơn. Khi tư duy được bổ sung bởi sự tỉnh thức, tư duy sẽ trở nên lớn mạnh và sắc bén hơn, giúp ta tự tin hơn về điều ta biết cũng như nhận ra được những gì ta chưa biết (hy vọng là như vậy), vốn cũng là lĩnh vực quan trọng không kém trong giáo dục, sáng tạo và đời sống.
Có thể thấy rõ rằng các tác giả đã được thấm nhuần truyền thống Phật giáo quý báu từ ngàn xưa khi chánh niệm được trình bày một cách bài bản và tinh tế, song họ đã đóng góp to lớn vào việc biến sự thực tập này trở nên phổ quát, chính thống và mang tính phi tôn giáo. Việc này cũng không phải quá khó, bởi tự bản chất của chánh niệm đã mang tính phổ quát – như nhiều người trong chúng ta vẫn cảm được và chứng nghiệm nó như là một lối sống hay một nếp sống trong tương quan với hiện hữu xung quanh, vì lẽ đó mà nó cũng chính là sự nhìn sâu vào bản chất các mối quan hệ trong cuộc sống. Giáo dục phần đa là được phát triển dựa trên việc xây dựng và thu nhận kiến thức. Nhiều sinh viên bị lạc lối khi không nhìn ra được mối tương quan giữa điều mình phải học với cuộc đời của mình. Có một điều nghịch lý là khi việc học tập và sự quan tâm của chúng ta được xây dựng trên nền tảng chỉ cần có mặt, tỉnh thức (being), thì việc chúng ta làm (và điều chúng ta học) phát sinh từ cái không làm đó lại mạnh mẽ, đa dạng và hiệu quả hơn nhiều. Điều này được chứng thực bởi sự phát triển rầm rộ của phong trào thực tập chánh niệm trong học đường trên toàn thế giới, khi ngày càng có nhiều giáo viên thấy cần phải tổ chức công tác dạy học như thế nào để ngay từ đầu sự có mặt trở thành một sự thực tập, chứ không chỉ đơn thuần là điểm danh để biết có bao nhiêu học sinh đến lớp trong khi thân của các em có mặt trong lớp nhưng tâm trí và trái tim của các em có thể không có mặt. Tính phổ quát của cách tiếp cận này đã được minh chứng bằng sự tiếp nhận của nhiều giáo viên không theo Đạo Bụt từ khắp nơi trên thế giới. Họ đã thực tập chánh niệm, đã chia sẻ những câu chuyện và đã góp ý cho bộ sách này dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của mình. Như các tác giả đã chỉ ra và trích dẫn trong bộ sách này, có một nền tảng chứng cứ khoa học ngày càng phát triển mạnh mẽ cho thấy hiệu quả của việc rèn luyện các năng lực căn bản của tâm thức (tất cả các giác quan, và chính sự nhận thức, cũng như các cảm xúc về tình thương, lòng từ bi), thậm chí ngay từ tuổi nhỏ, để chúng có thể vừa thúc đẩy khả năng học tập tối ưu vừa kích thích sự tò mò không ngừng về bản thân cuộc sống.
Nhà trường phổ thông và đại học từ lâu đã nhận ra được tầm quan trọng của giáo dục thể chất, bởi ai cũng biết lợi ích của việc vận động và tập luyện thể lực từ thuở nhỏ cho đến suốt cuộc đời. Tuy nhiên mọi người đều hiểu rằng nếu chỉ có nói và nghĩ về chuyện vận động hay tập luyện thì không đủ. Phải thực sự vận động cơ thể và tập luyện cơ xương khớp hằng ngày thì những lợi ích thực sự mới có thể tích lũy dần và trải nghiệm được. Giáo dục thể chất và thể thao cũng giúp ta giảm căng thẳng khi phải tập trung hoạt động trí óc quá mức trong khoảng thời gian quá dài, và cho phép học sinh, sinh viên có cơ hội phục hồi sự cân bằng giữa thể lực và trí óc. Tương tự như vậy, việc thực tập chánh niệm trong trường học có thể được xem như một hình thức rèn luyện trí óc hay giáo dục trí óc để những cơ bắp chánh niệm được thức tỉnh, đào luyện và củng cố thông qua sự thực hành chánh niệm một cách liên tục.
Thế giới đang thay đổi quá nhanh đến nỗi chúng ta không thực sự biết được nền tảng tri thức và kỹ năng nào sẽ là quan trọng nhất mà các thế hệ kế cận cần phải trau dồi. Nhưng điều mà chúng ta có thể biết chắc là muốn sáng tạo, yêu nghề, thích nghi với thời đại kỹ thuật số và học hỏi suốt đời thì người trẻ ở lứa tuổi nào cũng cần phải phát triển kỹ năng sống với giây phút hiện tại. Điều này bao gồm kỹ năng làm bạn với chính mình, tin tưởng những trải nghiệm trong nội tâm và học cách làm chủ môi trường bên trong, gồm thân và tâm của mình, cũng như biết cách thích nghi với môi trường học tập bên ngoài khi tương tác với những người khác. Đánh thức khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng của bản thân trong suốt cuộc đời theo cách thức này là một yếu tố quan trọng dẫn tới thành công và hạnh phúc như tiêu đề của bộ sách.
Một trong những nguyên tắc chính ở đây là các thầy cô giáo cần thực tập chánh niệm trong đời sống của chính mình trước khi có thể đưa nó vào lớp học một cách hiệu quả. Nếu bạn làm nghề giáo và mới biết đến phương pháp chánh niệm, bộ sách này sẽ hướng dẫn hết sức chi tiết cách bạn thực tập cho chính mình, cũng như cách bạn có thể đưa nó vào lớp học theo cách riêng của mình để giúp học sinh phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần, biết cách chăm sóc cảm xúc và có niềm vui trong khi học. Cần lưu ý rằng không có một phương pháp nào là phù hợp cho mọi hoàn cảnh. Cái hay của cách nhìn này là cho bạn một loạt các lựa chọn để thử nghiệm và trên hết là nhắc bạn nhớ rằng chính sự sáng tạo của riêng bạn, được nuôi dưỡng bởi sự thực tập chánh niệm, sẽ mang đến muôn vàn những cơ hội mới và đầy thú vị. Nói một cách thực tế thì học trò của bạn sẽ là người giúp khơi mở nguồn tuệ giác đó trong bạn. Các em chính là những người thầy chánh niệm vĩ đại nhất của bạn.
Điểm hay của phương thức tiếp cận này là nó có thể bắt nguồn từ tình yêu nghề và tấm lòng mong mỏi học trò tiến bộ, được ấp ủ và truyền đạt bởi chính trực giác và kinh nghiệm thực tiễn của bạn; tất cả những điều này đều dựa vào công phu thực tập trong từng thời khắc của bạn. Theo như tôi nghiệm thấy, những băn khoăn, học hỏi, quán chiếu cứ lớn lên không ngừng trên mảnh đất nuôi dưỡng ấy.
Một trong những tác phẩm đầu tiên của Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng gây chấn động lớn ở phương Tây là cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức. Ở đây, trong bộ sách này, phép lạ ấy đã biến thành sự thật. Xin được bày tỏ lòng biết ơn của bản thân tôi đối với những đóng góp của Thiền sư đã khơi nguồn cảm hứng để xây dựng thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn với thật nhiều tình thương.
Jon Kabat-Zinn. Berkeley, California Ngày 22 tháng 02 năm 2017.
Thư gửi các thầy cô giáo
Trong pháp thoại của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ngày 15/6/2014 trong khóa tu 21 ngày tại Làng Mai, Pháp.
Là một nhà giáo, tôi rất yêu nghề. Là những thầy giáo, cô giáo, chắc hẳn quý vị cũng yêu nghề. Chúng ta đều muốn đào tạo ra những con người lành mạnh, có khả năng tạo dựng hạnh phúc cho tự thân và cho xã hội. Nhiệm vụ của chúng ta không chỉ là trao truyền kiến thức mà còn là xây dựng con người, xây dựng một xã hội nhân bản để có thể chăm sóc hành tinh yêu quý của chúng ta.
Tôi có rất nhiều may mắn vì những người trẻ đến với tôi đều có cùng một ước muốn chuyển hóa tự thân, sống hạnh phúc và giúp cho những người khác cũng sống hạnh phúc như mình. Mỗi khi vào lớp, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc vì giữa thầy trò có sự cảm thông, có tình huynh đệ, điều này giúp cho việc trao truyền và tiếp nhận trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi hỏi thăm các học trò của tôi về đời sống của họ và tôi cũng kể cho họ nghe những khó khăn cũng như những ước mong của tôi, vì vậy luôn luôn có sự kết nối giữa thầy và trò.
Những khó khăn trong công tác giáo dục
Chúng ta biết những người trẻ và các bậc phụ huynh trong thời đại chúng ta có rất nhiều nỗi khổ, niềm đau trong lòng. Cha mẹ không truyền thông được với nhau hay giữa cha mẹ và con cái không dễ dàng nói chuyện được với nhau. Trong lòng những người trẻ luôn có sự cô đơn, trống vắng và chúng tìm cách khỏa lấp nỗi cô đơn trống vắng ấy bằng những trò chơi điện tử, phim ảnh, nghiện ngập hay những thú tiêu khiển độc hại.
Khổ đau trong lòng những người trẻ càng nhiều thì công tác giáo dục càng trở nên khó khăn. Là những thầy giáo, cô giáo, chúng ta cũng có những khó khăn. Chúng ta đã luôn cố gắng nhưng môi trường sống và làm việc của chúng ta quá nhiều khó khăn.
Là những thầy giáo, cô giáo, nếu chúng ta không hạnh phúc thì làm sao chúng ta mong đợi con em mình hạnh phúc? Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng. Có phải là do chúng ta chưa có đủ kiên nhẫn, hiểu biết, thương yêu và tươi mát để xử lý những khó khăn này? Có phải là chúng ta đang cần một đường hướng tâm linh cụ thể để giúp chúng ta chuyển hóa tự thân và sau đó giúp chuyển hóa những người thương đang sống quanh mình? Bởi vì khi chúng ta chưa thay đổi được tự thân thì chúng ta khó lòng giúp được những người khác làm vơi bớt khổ đau của họ. Một khi chúng ta đã có được sự thành công trên con đường chuyển hóa, chúng ta sẽ trở nên vui tươi hơn, từ bi hơn và ta sẽ có khả năng giúp cho những người xung quanh cũng làm được như vậy.
Đem tâm về với thân
Điều đầu tiên chúng ta có thể làm là trở về với tự thân chúng ta. Lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm. Trở về để chăm sóc chính mình. Chúng ta cần học cách chế tác niềm vui, cách xử lý những cảm thọ khó chịu hay lắng nghe những nỗi khổ, niềm đau trong mình để có thể hiểu được, thương được và nhờ vậy, khổ đau cũng từ đó mà được vơi nhẹ. Có những phương pháp giúp chúng ta làm được điều này.
Bằng hơi thở chánh niệm, ta đem tâm trở về với thân và sẽ nhận ra rằng trong thân của ta đang có sự căng thẳng, đau nhức và ta thở như thế nào để làm lắng dịu sự đau nhức đó. Thở vào, tôi ý thức rõ rệt về thân thể tôi. Thở ra, tôi buông thư những căng thẳng trong thân thể tôi. Chỉ cần thực tập thở như thế trong nửa giờ đồng hồ, hay thậm chí là trong năm phút, thì ta cũng đã có thể thay đổi được cảm xúc.
Nếu không có sự bình an trong thân thì cũng sẽ không có bình an trong tâm bởi vì thân và tâm tương tức. Ta có thể thực tập thở như thế trong những tư thế đi, đứng, nằm, ngồi. Ta có thể thực tập khi ngồi trong xe buýt hay trong xe hơi. Ta cũng có thể thực tập khi chuẩn bị bữa ăn sáng hay khi rửa bát. Vì vậy ta có rất nhiều thì giờ để thực tập buông thư.
Nghệ thuật sống
Thực tập chánh niệm là phải vui. Đó là một nghệ thuật sống. Với niệm, định và tuệ, ta có thể chế tác niềm vui bất cứ khi nào ta muốn. Cũng với năng lượng chánh niệm, ta có thể ôm ấp và xử lý những nỗi khổ, niềm đau. Thiếu năng lượng chánh niệm này, ta sẽ cảm thấy sợ hãi mỗi khi đối diện với những nỗi khổ, niềm đau đang tràn ngập trong lòng ta.
Chánh niệm là nguồn năng lượng giúp ta có mặt trọn vẹn ngay bây giờ và ở đây, giúp ta tiếp xúc được với những gì đang xảy ra trong hình hài, cảm thọ, tâm ý và trong vũ trụ này. Từ đó, ta có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống để ta được nuôi dưỡng và trị liệu.
Khi ta thở vào, thở ra có ý thức là ta đang thở chánh niệm. Khi ta đi trong ý thức là ta đang thực tập thiền đi. Khi ăn sáng trong chánh niệm là ta đang thực tập thiền ăn. Ta không cần phải ngồi suốt ngày trong thiền đường mới gọi là thực tập thiền. Chúng ta có thể thực tập mọi nơi, ngay cả khi đang tắm, đang lái xe, hay đang tập trung cho một dự án, một công việc tại công sở, hay trong những mối quan hệ với mọi người xung quanh. Năng lượng chánh niệm được chế tác bằng những hơi thở ý thức hay những bước chân chánh niệm. Chánh niệm giúp ta đem tâm trở về với thân và một khi thân tâm đoàn tụ thì ta đang thực sự an trú trong phút giây hiện tại. Những mầu nhiệm của sự sống chỉ có mặt trong giây phút đó. Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, sự sống chỉ thật sự có mặt ngay bây giờ và ở đây.
Chánh niệm giúp ta nuôi lớn chánh định. Với niệm và định thì tuệ giác cũng được phát sinh. Thở vào một hơi thở ý thức, ta sẽ khám phá ra những điều vô cùng đơn giản mà thiết yếu, như cái thấy rằng ta đang còn sống và đang có một hình hài. Ta biết là ta đang có một hình hài, đó đã là một tuệ giác rồi. Thở vào, ta biết ta đang còn sống, còn sống là một mầu nhiệm, mầu nhiệm lớn nhất trong tất cả những mầu nhiệm. Những người đã chết thì đâu có thể thở được nữa. Thở ra, ta có thể ăn mừng sự sống rằng phổi ta còn khỏe để thở vào, chân ta còn mạnh để có thể bước đi, có thể chạm lên đất Mẹ. Duy trì niệm và định, tuệ giác sẽ được lớn lên.
##3 Dừng lại sự rong ruổi
Ta đang có đầy đủ những điều kiện hạnh phúc, ta không cần phải kiếm tìm thêm. Nếu ta ngồi yên và viết xuống những điều kiện hạnh phúc mình đang có thì một trang giấy không đủ, hai trang giấy cũng không đủ, hay thậm chí đến mười trang rồi mà vẫn còn quá nhiều những hạnh phúc chưa được viết xuống. Và ta sẽ nhận ra rằng mình may mắn hơn nhiều người khác, mình may mắn được sống hạnh phúc bây giờ và ở đây. Hạnh phúc có thể có được ngay bây giờ và ở đây, đó là lời Bụt dạy.
Nhiều người nhầm lẫn giữa hạnh phúc và sự hưng phấn. Khi ta vui trong chộn rộn, ta không có đủ bình an trong lòng, chính vì vậy hạnh phúc lúc đó không đủ sâu. Chánh niệm giúp ta nhận biết được rằng hạnh phúc chân thật không đến từ danh vọng, quyền hành, giàu sang và dục lạc. Hạnh phúc chân thật đến từ hiểu biết và thương yêu.
Hạnh phúc chân thật có nghĩa là ta không còn phải chạy đi tìm cầu thêm bất cứ điều gì nữa. Ta hài lòng với những gì ta đang có bây giờ và ở đây, ta nhận thấy có quá nhiều những điều kiện hạnh phúc vốn có quanh ta rồi. Cái thấy đó đem lại cho ta niềm vui lớn. Đó là nghệ thuật hạnh phúc, rất dễ dàng và giản dị mà ai cũng có thể làm được.
Ta chế tác niềm vui không những cho chính ta mà còn cho những người xung quanh. Khi ta có chánh niệm, năng lượng đó sẽ được lan truyền đến mọi người. Một khi ta có được niềm vui, hạnh phúc và sự tỉnh thức, ta cũng đang thắp sáng ngọn đèn tỉnh thức ấy trong những người khác. Hạt giống chánh niệm, tỉnh thức ai cũng có, chỉ là chưa được tưới tẩm, chưa được thắp sáng mà thôi. Đây là một nghệ thuật, không có gì quá khó. Một giáo viên cũng vậy, chỉ trong tích tắc bạn có thể biểu diễn những phép mầu đó, chắc chắn học sinh của bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc.
Nhịp cầu cảm thông
Cuộc sống ngày nay tuy có nhiều phương tiện truyền thông như điện thoại thông minh, mạng xã hội… nhưng càng ngày thì sự truyền thông giữa vợ và chồng, bố mẹ và con cái, thầy cô giáo và học sinh… lại càng trở nên khó khăn. Điều đó nói lên rằng phương tiện truyền thông hiện đại không hề giúp ta truyền thông tốt hơn. Nếu ta không trở về tiếp xúc với tự thân để thấy được đâu là nguyên nhân của những sợ hãi, giận hờn và nỗi khổ, niềm đau trong ta, thì làm sao ta có thể truyền thông được với chính mình? Và một khi ta không thể truyền thông với tự thân thì làm sao ta có thể truyền thông được với những người khác?
Tái lập truyền thông và đem lại sự hòa giải là chuyện có thể làm được. Sự thực tập ái ngữ và lắng nghe giúp cho chúng ta thiết lập lại truyền thông và đưa tới sự hòa giải.
Trước tiên, chúng ta cần có mặt và hiểu được hình hài, cảm thọ, tri giác và khổ đau của chính chúng ta. Chánh niệm giúp ta có khả năng đối diện và hiểu thấu những khổ đau trong ta mà không phải trốn chạy hay tìm cách khỏa lấp chúng.
Tiếp đến, thầy cô giáo có thể ngồi lại với học sinh của mình để cùng chia sẻ những khó khăn nằm sâu bên trong mỗi người. Một khi học sinh đã cảm thông được những khó khăn của thầy cô giáo rồi thì các em sẽ không tiếp sức làm cho những khó khăn ấy lớn thêm. Cũng vậy, một khi thầy cô giáo đã lắng nghe được những khó khăn của học sinh, thầy cô giáo sẽ biết cách để giúp cho các em bớt khổ. Khi đó lớp học sẽ trở thành một không gian chia sẻ hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Lắng nghe với tình thương và sự cảm thông giúp cho người kia trải hết lòng ra. Đó là thực tập của Bồ tát Quán Thế Âm, chỉ lắng nghe thôi, không phán xét, không phản ứng. Trong vòng nửa giờ đồng hồ lắng nghe, chúng ta đã có thể làm vơi nhẹ khổ đau trong lòng của người kia.
Thực tập nói lời ái ngữ cũng rất quan trọng. Chúng ta dùng ngôn ngữ hòa ái để nói lên sự thật về niềm đau, nỗi khổ trong ta và cũng nhẹ nhàng khuyến khích người kia mở lòng nói ra những khổ đau của họ. Ái ngữ chính là chìa khóa để mở cửa trái tim của nhau.
Chúng ta có thể áp dụng sự thực tập ái ngữ và lắng nghe trong trường học như thế nào? Chúng ta cần tạo ra những cơ hội để thầy cô giáo và học sinh có thể ngồi lại bên nhau, lắng nghe nhau để có thể cảm thông và hiểu thấu được những khó khăn của nhau. Hiểu được thì thương được. Thử tưởng tượng hình ảnh người thầy ngồi yên chăm chú lắng nghe những tâm tư nỗi niềm của những người học trò của mình. Đó là một hình ảnh đẹp và nuôi dưỡng. Ở nhà, ba mẹ các em đã quá bận rộn nên không thể có mặt được cho các em thì làm gì có thời gian để ngồi xuống và lắng nghe các em? Đó là một thiệt thòi lớn. Đến trường, thầy cô giáo cho các em một cơ hội khác để bù đắp, để các em được lắng nghe, được cảm thông và được thấu hiểu. Chỉ cần được thấu hiểu, các em đã bớt khổ nhiều rồi. Khi đó, thầy cô giáo và học sinh có thể nối kết với nhau, xây dựng niềm tin trong nhau và lấy đi những giận hờn và sợ hãi trong nhau. Đây là một sự thực tập rất cần thiết và nên được khuyến khích tổ chức thường xuyên trong nhà trường. Thầy cô giáo và học sinh nhờ sự thực tập này mà có thêm năng lượng để dạy và học, và đặc biệt là khoảng cách giữa hai thế hệ cũng được gần lại với nhau nhờ nhịp cầu cảm thông.
Nghệ thuật khổ đau
Nhiều người trong chúng ta tin rằng ta không thể có được hạnh phúc bây giờ và ở đây. Ông bà tổ tiên ta cũng từng nghĩ như vậy. Điều này lý giải vì sao ta luôn có khuynh hướng chạy về tương lai để kiếm tìm hạnh phúc. Chúng ta có tập khí rong ruổi, tìm cầu và chẳng bao giờ hài lòng với những gì mình đang có. Tập khí này rất mạnh. Mỗi hơi thở, mỗi bước chân chánh niệm giúp ta dừng lại, nhận diện và mỉm cười.
Xử lý khổ đau là một nghệ thuật. Chúng ta nói tới nghệ thuật hạnh phúc nhưng cũng có thể nói tới nghệ thuật khổ đau. Chúng ta phải học cách khổ đau. Người biết cách khổ đau thì khổ ít hơn những người khác. Sự thật thì khổ đau đóng một vai trò rất quan trọng. Nếu chúng ta biết cách ôm ấp, chăm sóc và nhìn sâu vào bản chất của khổ đau, chúng ta có thể chế tác được rất nhiều hiểu biết và thương yêu, nền tảng của hạnh phúc chân thật.
Hoa là rác – Rác là hoa
Thầy trò chúng tôi vừa hoàn thành xong Năm giới tân tu, có thể được xem là nền tảng của đạo đức mang tính chất toàn cầu. Nó không mang màu sắc tín ngưỡng cục bộ của một tôn giáo hoặc của một chủ thuyết. Tôn giáo nào, văn hóa nào, chủng tộc nào, địa phương nào cũng có thể lấy Năm giới làm cương lĩnh cho một nếp sống có hòa điệu, có thương yêu, có hiểu biết, có sự tương kính và chấp nhận lẫn nhau. Thực tập theo Năm giới (hay còn gọi là những nguyên tắc sống) này, chúng ta có thể xử lý những khổ đau và hạnh phúc, tái lập lại truyền thông và góp phần giúp cho gia đình, cộng đồng và thế giới vơi đi nỗi khổ. Thực tập theo Năm giới chúng ta cũng có thêm nhiều niềm vui, bình an và hạnh phúc. Nền tảng đạo đức này dựa trên tuệ giác tương tức của đạo Bụt.
Tương tức có nghĩa là ta không thể tồn tại một cách riêng biệt. Nhìn vào một bông hoa, ta thấy được những yếu tố không – phải-bông-hoa có mặt. Ta thấy được mặt trời, đám mây, đất đai, người làm vườn, vân vân… Cả vũ trụ đều đang có mặt trong một bông hoa.
Hạnh phúc cũng vậy. Hạnh phúc cũng được làm từ những yếu tố không-phải-hạnh-phúc. Nếu chúng ta liệng bỏ hết những gì không hạnh phúc ấy đi thì chúng ta cũng không bao giờ có được hạnh phúc. Chúng ta cần có bùn để nuôi sen. Mọi thứ nương vào nhau để biểu hiện.
Với tuệ giác tương tức này, chúng ta thấy rõ rằng hạnh phúc không còn là vấn đề cá nhân. Nếu chúng ta hiểu được những khổ đau của chúng ta, nếu chúng ta đủ khéo léo để sử dụng những khổ đau ấy thì chúng ta có thể chế tác được hạnh phúc. Khổ đau và hạnh phúc tương tức nhau là vậy.
Không có gì có thể tự mình tồn tại. Tuệ giác tương tức lấy đi ý niệm về một cái ta biệt lập. Mặc cảm hơn người, thua người và bằng người – nền tảng của khổ đau – cũng từ đó mà không còn. Hầu hết những khổ đau xuất hiện cũng chính từ những tri giác sai lầm như vậy.
Ăn cơm có canh, tu hành có bạn
Chúng ta phải nghĩ tới việc xây dựng tăng thân, tức là một đoàn thể trong đó có những đồng nghiệp hay những người làm việc trong trường học, có thể là 3 hay 4 người mà ta truyền thông được dễ dàng nhất. Chúng ta phải đến với nhau để có thể tiếp tục sự thực tập, thực tập không phải với tính chất một cá nhân hay một gia đình mà là với tính chất một đoàn thể. Chúng ta có thể cùng đi thiền, cùng uống trà hay thực tập thiền buông thư với nhau.
Chúng ta hãy bắt đầu với một nhóm gồm những thầy giáo, cô giáo có hạnh phúc. Thầy giáo, cô giáo có hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới. Với tăng thân nhỏ bé đó ta có thể làm thay đổi cả tập thể của trường. Chúng ta có thể viết một lá thư: Chúng tôi là một nhóm người, chúng tôi đã thực tập như vậy và đã đạt được nhiều sự chuyển hóa trong đời sống, trong việc làm cũng như trong lớp học. Chúng tôi nghĩ thật là tuyệt vời nếu quý vị cùng thực tập với chúng tôi. Như vậy những đồng nghiệp khác cũng sẽ bắt đầu nếm được sự bình an, tình huynh đệ và sự buông thư đó.
Chúng ta không thể tiếp tục như hiện nay, tại vì nếu các giáo chức không có hạnh phúc, không có sự bình an và sự hòa hợp với nhau thì làm sao chúng ta giúp được cho những người trẻ bớt khổ và thành công trong sự học hành. Xây dựng tăng thân là một công tác cấp bách và mỗi giáo chức phải là một người dựng tăng. Sau khi giác ngộ, việc đầu tiên Bụt đã làm là xây dựng một tăng thân. Ngài biết rất rõ là nếu không có tăng thân thì Ngài sẽ không hoàn thành được sự nghiệp của một vị Bụt.
Giáo chức là một nghề rất cao quý, rất đẹp, rất đáng được kính trọng. Nhưng nếu không có một tăng thân thì chúng ta cũng không làm được gì nhiều. Vì vậy xây dựng tăng thân là một việc tối cần thiết!
Các bạn thân mến, bộ sách trên tay các bạn là hoa trái của công trình biên tập và làm việc hết lòng của cô Katherine Weare, một nhà giáo dục và cũng là một người hướng dẫn chánh niệm và những người học trò của tôi.
Trong bộ sách này, rất nhiều giáo viên đã chia sẻ kinh nghiệm làm thế nào họ có thể tưới tẩm những hạt giống tỉnh thức trong mình và trong mọi người để tạo ra những thầy giáo, cô giáo hạnh phúc có mặt trong các lớp học tại các trường phổ thông và đại học. Những thực tập và phương pháp trình bày trong này đều đã được chia sẻ trong các khóa tu dành cho giới giáo chức đã được tổ chức tại nhiều nước trên thế giới. Cô Katherine, với tuệ giác và kinh nghiệm giảng dạy lâu năm của mình, đã thu thập và trình bày lại một cách rõ ràng, dễ hiểu để chúng ta có thể áp dụng được vào đời sống của chúng ta cũng như trong các lớp học.
Mong sao tất cả chúng ta có đủ thời gian và cơ hội để cùng nhau thực tập những điều này. Chúc các bạn thưởng thức được sự thực tập của mình.
Sự đóng góp của Làng Mai trong lĩnh vực đem chánh niệm vào giáo dục
Tôi có vinh hạnh được làm đồng tác giả của bộ sách này, và đồng thời tôi cũng là một nhà giáo dục. Vì vậy, tôi hy vọng trong phần chia sẻ này, tôi có thể trình bày được cái nhìn của một nhà giáo khi nghiên cứu về lĩnh vực chánh niệm và cách tiếp cận của Làng Mai đối với giáo dục. Từ khi bắt đầu sự nghiệp giảng dạy tại một trường trung học, trong bốn mươi năm qua, tôi luôn chú tâm tới công việc nghiên cứu về những lĩnh vực như sự phát triển lành mạnh, hạnh phúc, sức khỏe tinh thần, việc rèn luyện các kỹ năng về cảm xúc và xã hội trong các trường học (bao gồm cả đại học). Mười lăm năm trước, tôi bắt đầu đưa các chủ đề về chánh niệm, từ bi và quán chiếu vào sự nghiên cứu và thực tập của chính mình. Con đường đi đến chánh niệm của tôi bắt nguồn từ sự cố gắng chống chọi trong thời gian tôi bị bệnh nặng. Tôi đã nhanh chóng nhận ra rằng chánh niệm có thể giúp chuyển hóa mối quan hệ với chính tôi và với những thử thách mà phần lớn là do chính tôi tạo ra trong đời sống chật hẹp, tù túng của mình. Thật là một niềm hạnh phúc khi thấy chánh niệm đang dần được công nhận một cách chính thống, ít nhất là tại một vài nơi trên thế giới.
Bộ sách này được hình thành như thế nào?
Tiếp xúc với tăng thân Làng Mai trong một khóa tu dành cho giáo chức tại Luân Đôn vào năm 2012, tôi thật sự ấn tượng trước cách tiếp cận sâu rộng cùng tính thực tiễn mà phương pháp thực tập của Làng Mai đã đem lại cho toàn bộ lĩnh vực liên quan đến hạnh phúc và sự phát triển lành mạnh của con người. Vì vậy tôi rất hoan hỷ khi được mời tham gia biên soạn bộ sách này. Ở đây tôi muốn phác thảo ra chủ ý của bộ sách và bối cảnh giáo dục có liên quan. Tôi muốn chia sẻ về những điều mà theo tôi cảm nhận là phương pháp thực tập của Làng Mai đang đóng góp vào lĩnh vực liên quan đến sự phát triển lành mạnh của con người, một lĩnh vực đang được nghiên cứu rộng rãi và có nhiều bước tiến nhanh chóng.
Bộ sách này nảy mầm từ một hạt giống được gieo trồng khi một nhóm đệ tử của Thiền sư Thích Nhất Hạnh – cả xuất gia và tại gia – họp lại tại một căn phòng nhỏ trong khóa tu dành cho giáo chức vào tháng Tư năm 2012 tại Luân Đôn. Chúng tôi cùng thảo luận với nhau xem tăng thân cư sĩ cần làm những công việc gì kế tiếp để yểm trợ cho việc đem chánh niệm vào giáo dục như mong ước của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Tất cả chúng tôi lúc ấy đều nhận thấy việc áp dụng chánh niệm và các phương pháp quán niệm (contemplative approaches) trong lĩnh vực giáo dục tại các trường học, đặc biệt là tại các trường đại học, đã tăng theo cấp số nhân trên khắp thế giới. Điều này được phản ánh qua sự gia tăng các cuộc nghiên cứu, các chương trình đào tạo, tập huấn, các ấn phẩm và các cuộc hội thảo về chánh niệm trong giáo dục.
Trước đó, tăng thân Làng Mai đã có nhiều hoạt động đem chánh niệm và đạo đức ứng dụng vào lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là thông qua những khóa tu dành riêng cho giáo chức. Những hoạt động có tính thực tiễn, tạo cảm hứng và gây ảnh hưởng lớn này đã mang lại danh tiếng vững chắc cho Làng Mai, phần lớn là do sự truyền miệng từ những người đã từng tham dự. Trong các hoạt động này, vẫn chưa có một tài liệu cụ thể nào từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh hay tăng thân Làng Mai để hướng dẫn cho các giáo viên cách thức nuôi dưỡng chánh niệm trong đời sống của họ cũng như trong lớp học và trường học. Vì vậy mà chúng tôi quyết tâm phải làm một điều gì đó để khắc phục tình trạng này.
Ý tưởng ban đầu của chúng tôi về việc biên soạn tài liệu dành cho giáo viên rất là khiêm nhường. Một nhóm nhỏ xuất sĩ và cư sĩ cùng ngồi lại với nhau để xác định những thực tập nào được xem là căn bản, cốt lõi trong các phương pháp thực tập của Làng Mai. Chúng tôi dự định trình bày những phương pháp thực tập này theo dạng recipe card, tức là những tờ hướng dẫn cụ thể, chi tiết từng bước một, y như một công thức nấu ăn vậy; sau đó, những tờ hướng dẫn này sẽ được ép plastic và tập hợp lại thành một bộ tài liệu đơn giản để các giáo viên biết cách tự thực tập cho chính mình và chia sẻ sự thực tập cho những người khác. Chúng tôi muốn trình bày những nội dung thực tập sao cho thật ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu đối với những người mới, chưa hề biết đến phương pháp thực tập của Làng Mai. (Cuốn sách này – Cẩm nang hạnh phúc – là những thực tập căn bản, cốt tủy của Làng Mai. Quý vị có thể tìm thấy một bộ tài liệu hướng dẫn tóm tắt những thực tập căn bản ở phần Phụ lục A, tập 2, Đi như một dòng sông). Khi chúng tôi thực sự bắt tay vào làm bộ tài liệu thì các ý tưởng và cảm hứng để làm một bộ sách cứ lớn lên không ngừng, cho đến khi nó trở thành một cuốn cẩm nang vô cùng quan trọng và thiết yếu mà quý vị đang có trong tay.
Chúng tôi đã khai thác nguồn tài liệu quý giá, đó là những lời giảng chuyên chở tuệ giác của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đặc biệt là các bài giảng trong những khóa tu dành cho giáo chức. Những bài giảng đó chưa từng được in thành sách và vì vậy mà chúng tôi rất muốn đưa những nội dung đó vào trong bộ sách này.
Quý vị có thể tìm thấy những lời giảng đó ở phần mở đầu bộ sách và ở đầu của mỗi chương trong cuốn sách này.
Sử dụng những mẩu chuyện, những chia sẻ từ các giáo viên
Để góp sức thực hiện hoài bão của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, chúng tôi mong muốn đáp ứng lại nhu yếu của rất nhiều giáo viên, đó là có được sự chỉ dẫn cụ thể về phương pháp áp dụng chánh niệm trong đời sống của mình, cũng như trong lớp học và trường học. Chúng tôi đã hoàn thành xong bộ tài liệu recipe cards với những hướng dẫn chi tiết từng bước một về các phương pháp thực tập, nhưng chúng tôi lại cảm thấy chưa muốn dừng lại ở đó. Tin chắc rằng còn có rất nhiều nguồn tài liệu, kinh nghiệm mà chúng tôi có thể tập hợp lại để yểm trợ cho các giáo viên, chúng tôi quyết định tiến hành một cuộc nghiên cứu có hệ thống đối với các giáo viên đang thực tập theo phương pháp của Làng Mai để tìm hiểu xem sự thực tập tác động như thế nào đến đời sống và công việc của họ. Thu thập, góp nhặt những kinh nghiệm này cũng giống như tiến hành một cuộc khám phá, thử nghiệm, và may mắn là kết quả mang lại thật phong phú, quá sức mong đợi đối với chúng tôi. Chính những kinh nghiệm được thu thập này đã góp phần tạp nên thông điệp và nội dung của bộ sách.
Ban đầu, chúng tôi tìm hiểu và tiếp xúc với khoảng 70 giáo viên đã từng có nhiều năm thực tập và áp dụng phương pháp của Làng Mai để xin họ chia sẻ những câu chuyện, kinh nghiệm của họ với chúng tôi. Một vài câu chuyện đã được chia sẻ trên tạp chí The Mindfulness Bell1 nhưng phần lớn các câu chuyện đều mới được ghi xuống hay kể lại trong các cuộc phỏng vấn do chúng tôi thực hiện. Chúng tôi cũng đồng thời tiến hành một cuộc khảo sát trực tuyến bằng các ngôn ngữ: Anh, Pháp và Tây Ban Nha đối với những người đã đăng ký nhận thông tin cập nhật từ Wake Up Schools. Chúng tôi đã đăng lời mời tham gia cuộc khảo sát này trên mạng lưới Chánh niệm trong Giáo dục (Mindfulness in Education, viết tắt là MiEN) và trên trang mạng của Wake Up Schools. Ngoài ra, chúng tôi cũng tìm kiếm trong các ấn phẩm của tạp chí The Mindfulness Bell những bài viết liên quan đến sự thực tập chánh niệm trong môi trường giáo dục. Chúng tôi tập hợp những phản hồi từ các giáo viên sau các khóa tu cũng như các khóa tập huấn dành riêng cho giáo chức được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới. Đối với một vài tăng thân như tăng thân ở Ý và ở Ấn Độ, chúng tôi liên lạc bằng điện thoại hoặc bằng e-mail. Nói tóm lại là chúng tôi tìm tới những người trong lĩnh vực giáo dục khắp nơi trên thế giới, mỗi khi có được thông tin liên lạc. Chúng tôi nhận được rất nhiều hồi đáp, và phần chia sẻ của khoảng 150 người đã được trích dẫn trong bộ sách này. Tên của tất cả những vị này đều được ghi lại ở cuối bộ sách, mặc dù có nhiều vị yêu cầu được giấu tên, và chúng tôi cũng không thể sử dụng hết những chia sẻ đã nhận được.
(1) Tạp chí The Mindfulness Bell hay Tiếng chuông chánh niệm là tạp chí chính thức bằng tiếng Anh của tăng thân Làng Mai.
Chúng tôi tìm kiếm những tự thuật, những suy ngẫm của các giáo viên cũng như những ví dụ minh họa cho biết những phương pháp thực tập của Thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai đã đánh động đến đời sống và việc giảng dạy của họ như thế nào. Chúng tôi hỏi các giáo viên về ảnh hưởng của chánh niệm lên chính bản thân họ và lên học sinh; cách họ chia sẻ về sự thực tập như thế nào; họ có hợp tác được với các đồng nghiệp ở các trường khác hay không; tiếp cận với phụ huynh học sinh như thế nào, và những tài liệu nào hữu ích đối với họ. Chúng tôi yêu cầu các giáo viên chỉ chia sẻ về những tác động rõ ràng từ phương pháp thực tập của Làng Mai đối với họ, mà không phải là sự thực tập chánh niệm chung chung hay về những phương pháp không phải là của Làng Mai.
Quá trình khảo cứu này kéo dài hai năm. Khi nhận được những lời hồi đáp, chúng tôi phân chia chúng ra thành từng loại căn cứ trên sự phân tích chủ đề và nội dung. Với thời gian, những hồi đáp tự nó đã hình thành nên cấu trúc và nội dung của bộ sách. Vì vậy, bộ sách này không phải là sự suy đoán trừu tượng mà là sự phản chiếu thực tại, được xây dựng trên một nền tảng vững chắc, dựa vào những gì đang xảy ra cho các giáo viên ở các trường học. Nó cho thấy rõ tác động của những phương pháp thực tập gây cảm hứng và có tính thực tiễn cao của Làng Mai.
Phương pháp thực tập của Làng Mai đóng góp được gì trong bối cảnh giáo dục hiện nay?
Vai trò của tôi trong công việc đồng biên soạn bộ sách này là làm thế nào để đặt những triển vọng của chánh niệm trong lĩnh vực giáo dục và những chia sẻ, tự thuật của các giáo viên vào trong khuôn khổ một bộ cẩm nang với những chỉ dẫn thực tiễn, giúp các giáo viên biết cách làm thế nào chế tác được chánh niệm trong đời sống của họ cũng như trong công việc hàng ngày ở trường học. Là một nhà giáo thực tập chánh niệm và cũng là một học giả, tôi có thể giúp tập hợp lại những cái thấy của nhiều người về mối liên hệ giữa những phương pháp thực tập chánh niệm của Làng Mai với những ưu tư, những quan tâm hiện nay trong lĩnh vực giáo dục và những bằng chứng khoa học có liên quan.
Chúng tôi xây dựng nên nội dung cuốn cẩm nang này không phải chỉ dựa trên lý thuyết và sự nghiên cứu, mà còn căn cứ trên những phản hồi thực tế từ các giáo viên mà chúng tôi có cơ hội tiếp xúc.
Trong phần chia sẻ tiếp sau đây, tôi sẽ trình bày theo quan điểm của tôi, những gì mà phương pháp thực tập của Làng Mai đã đóng góp cho bức tranh tổng thể về việc áp dụng chánh niệm trong các trường học và khung cảnh giáo dục xung quanh bức tranh này. Đây là những suy nghĩ rất riêng của cá nhân tôi với tư cách một nhà giáo dục và không đại diện cho bất kỳ một quan điểm chính thống nào của Làng Mai. Tôi chia sẻ những suy nghĩ này với hy vọng giúp chúng ta hiểu được bối cảnh mà trong đó phương pháp thực tập của Làng Mai được biết đến một cách rộng rãi, dễ tiếp cận và vô cùng quý giá đối với các giáo viên trong thế giới ngày nay.
Một sự chuyển dịch theo hướng phát triển lành mạnh và tích cực
Thế giới dường như đang đứng trước một cuộc khủng hoảng về sức khỏe tinh thần, đặc biệt là trong giới trẻ. Các vấn đề về sức khỏe tinh thần đang là nguyên nhân chính của những căn bệnh không gây tử vong nhưng lại chiếm khoảng ¼ tổng gánh nặng ngân sách dành cho bệnh tật trên toàn cầu1. Trầm cảm, lo lắng, tự hủy hoại bản thân, tự tử và những hành vi bạo động, hung hãn ngày càng gia tăng. Gắn liền với những căn bệnh này là trạng thái căng thẳng và bất mãn, tuy ít nghiêm trọng hơn nhưng cũng đang lan tràn trong xã hội. Việc xử lý những căn bệnh này càng trở nên khó khăn hơn vì cảm giác xấu hổ và sự kỳ thị đối với các bệnh về tinh thần: người ta cảm thấy khó mà nói ra bệnh tình vì sợ bị chê cười là yếu đuối hoặc bị tẩy chay.
(1) Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2011: Gánh nặng toàn cầu về Rối loạn tâm thần và sự cần thiết phải có cách phản ứng toàn diện và đồng bộ từ các cơ quan Y tế và Xã hội ở cấp quốc gia – Báo cáo của Tổng thư ký WHO, http://apps.who.int/gb/ebwha/pdf_files/EB130/ B130_9-en.pdf.
Vậy chúng ta phải làm thế nào để xử lý những đau khổ và căng thẳng của mình, hay nói một cách tích cực hơn là làm thế nào để chúng ta trở nên hạnh phúc hơn? Đó là câu hỏi muôn thuở của con người. Chúng ta đã bỏ ra bao nhiêu thời gian và công sức để giải quyết vấn đề này nhưng tình trạng càng ngày càng trở nên rối ren hơn. Điều này cho thấy đây không phải là một câu hỏi dễ trả lời. Tuy nhiên, những nghiên cứu khoa học về lĩnh vực hạnh phúc và sự phát triển lành mạnh1 đang mang lại cho chúng ta một vài manh mối. Sự thay đổi trong cách tư duy và những bằng chứng từ các nghiên cứu khoa học có sự cộng hưởng rất lớn với những cái thấy của Thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai.
Có một sự đổi mới trong các cách tiếp cận về sự phát triển của con người: những yếu tố tích cực được chú trọng nhiều hơn. Rõ ràng là những từ như hạnh phúc (well-being), tâm lý tích cực(positive psychology), sức khỏe tinh thần tích cực (positive mental health), phát triển mạnh mẽ (thriving) và lớn mạnh, đầy sinh lực (flourishing) ngày càng trở nên phổ biến. Sở dĩ có sự thay đổi tích cực này là vì người ta nhận ra rằng từ bấy lâu việc nghiên cứu chỉ hoàn toàn tập trung vào những khía cạnh tiêu cực của con người, những khó khăn, khổ đau về tinh thần, thay vì nhận diện những yếu tố tích cực trong ta, trong đó có sức mạnh và tính kiên cường (khả năng phục hồi nhanh) có thể giúp ta giải quyết được những vấn đề về sức khỏe tinh thần.
(1) S. David, I. Boniwell, and A. Conley Ayers. Oxford Handbook of Happiness – (Cẩm nang về Hạnh phúc của đại học Oxford) Oxford, UK: Oxford University Press, 2014.
Những người làm trong lĩnh vực giáo dục ngày càng đề cập nhiều về vai trò mở rộng của các trường học. Thay vì chỉ chú trọng đến mục tiêu hạn hẹp là trao truyền kiến thức, các nhà giáo dục đang có một cái nhìn rộng rãi hơn. Họ chú ý đến những yếu tố giúp con người có thể phát triển một cách lành mạnh và toàn vẹn, dựa vào việc nuôi dưỡng những giá trị sống lành mạnh và một nền đạo đức vững chãi. Những từ mà các nhà giáo dục hiện đang sử dụng ngày càng nhiều là hành vi tiền xã hội (pro-sociability) – hành vi tự nguyện mang lại lợi ích cho người khác, tính kết nối, sức khỏe tâm lý, cảm xúc và xã hội, những kỹ năng về tâm lý, cảm xúc và xã hội, trí thông minh về cảm xúc, cá tính, giá trị sống, đạo đức, kỹ năng mềm/kỹ năng cảm xúc xã hội, kỹ năng sống, sự phát triển lành mạnh và hạnh phúc. Các nghiên cứu đang chứng tỏ rằng có một sự liên kết rõ ràng giữa chủ đề mà các nhà giáo dục đang bàn thảo với kết quả học tập của học sinh1.
(1) J. A. Durlak, R. P. Weissberg, A. B. Dymnicki, R. D. Taylor, and K. B. Schellinger, Enhancing Students Social and Emotional Development Promotes Success in School: Results of a Meta-Analysis,_ Child Development 82 (2011), 474 – 501. (Thúc đẩy sự phát triển về cảm xúc và xã hội của học sinh/sinh viên giúp cải thiện kết quả học tập trong trường học: Những kết quả từ phương pháp phân tích tổng hợp)
Chế tác hạnh phúc để làm vơi bớt khổ đau
Thiền sư Thích Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai cống hiến cho chúng ta một cách tiếp cận khéo léo để giải đáp câu hỏi hiện nay về vấn đề tạo dựng hạnh phúc của con người. Như lời chia sẻ của Thiền sư trong lá thư mở đầu bộ sách: Với năng lượng của niệm, định và tuệ, ta có thể chế tác được niềm vui và hạnh phúc bất cứ lúc nào ta muốn. Năng lượng của chánh niệm còn có thể giúp ta xử lý một cảm xúc đau buồn. Nếu không có năng lượng của chánh niệm thì ta có thể bị tràn ngập bởi khổ đau trong tâm mình.
Thiền sư có một cái nhìn thực tế về khía cạnh tiêu cực, tối tăm trong mỗi con người. Theo Thiền sư, sự giận dữ và bạo động vốn đã tiềm ẩn trong tàng thức của chúng ta dưới dạng những hạt giống; cũng tương tự như vậy với tính thiện và hạnh phúc trong ta. Kết quả mà ta có được tùy thuộc vào hạt giống mà ta tưới tẩm. Những nghiên cứu về tâm lý học tiến hóa cho rằng loài người, trong quá trình tiến hóa, dường như đã không được hậu đãi tốt nhất. Nhiều người trong chúng ta khi sinh ra đã mang trong mình một vài thiên kiến, chẳng hạn như thiên kiến tiêu cực (negativity bias) thường khiến cho chúng ta có khuynh hướng nhai đi nhai lại những kinh nghiệm buồn đau, bi quan, lo lắng, giận dữ, lên kế hoạch quá mức, cảnh giác quá độ. Trong quá trình tiến hóa, những khuynh hướng này có thể đã từng giúp cho ta sống sót an toàn khi ta là những động vật bị săn đuổi trong môi trường đầy hiểm nguy, và tạo điều kiện cho những gen bi quan nhất cũng như bạo động nhất được truyền lại cho các thế hệ sau. Thế nhưng trong bối cảnh ngày nay thì những khuynh hướng đó không giúp cho con người chung sống được với nhau, cũng như đối diện được với những thử thách mới của một thời đại nhiều áp lực cùng với sự truyền thông siêu kết nối1. Nếu chúng ta muốn sống một đời sống có hạnh phúc và tình thương thì chúng ta phải hành động một cách tích cực.
(1) A. Vaish, T. Grossman, and A. Woodward, Not All Emotions Are Created Equal: The Negativity Bias in Social-Emotional Development, (Không phải tất cả các cảm xúc đều được tạo ra như nhau: Thiên kiến tiêu cực trong quá trình phát triển cảm xúc xã hội – tạp chí Tâm lý học), Psychological Bulletin 134 (3:2008).
Chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc không phải là cái mà ta có thể mua bằng tiền bạc, cũng không thể do cố gắng không ngừng mà có. Trạng thái tinh thần tích cực không thể thật sự đạt được nhờ sự tích lũy, địa vị hay sự thành công, cũng không phải nhờ vào những may mắn đến với chúng ta. Một khi những nhu cầu thiết yếu của chúng ta đã được đáp ứng đầy đủ thì việc tích lũy thêm nhiều hơn cũng không thể nào mang lại sự gia tăng tương xứng về hạnh phúc tinh thần1.
(1) D. Kahneman and A. Deaton, High Income Improves Evaluation of Life but Not Emotional Well-Being, Proceedings of the National Academy of Science, USA 107:38 (2010), 16489 – 93, doi:10.1073/pnas.1011492107. (Thu nhập cao giúp cải thiện mức sống, mà không phải là cải thiện hạnh phúc tinh thần, Nghiên cứu của Viện khoa học quốc gia, Hoa Kỳ).
Chúng ta cần phải chế tác hạnh phúc thật sự từ bên trong, thông điệp cốt lõi đó từ phương pháp thực tập của Làng Mai tỏ ra rất có cơ sở. Các nghiên cứu khoa học cho biết hạnh phúc có thể phát triển một cách vững chắc khi chúng ta làm lớn thêm sự gắn kết giữa mình với người, nuôi dưỡng lòng từ bi, vị tha, trân quý hiện tại, chấp nhận những cái mình không thể thay đổi được với thái độ không kỳ thị và tìm được ý nghĩa, mục đích sống của đời mình. Chánh niệm cũng là một yếu tố quan trọng làm tăng thêm hạnh phúc – chúng ta sẽ tìm hiểu những chứng cứ về điều này trong các chương sau.
Mối quan tâm về việc nuôi dưỡng hạnh phúc và sự phát triển toàn vẹn của một con người thông qua giáo dục thực ra không phải là một điều gì mới mẻ. Nhà triết học Aristotle đã nói một câu rất nổi tiếng: Giáo dục khối óc mà thiếu giáo dục trái tim thì xem như là không giáo dục gì cả. Nhưng câu nói này dường như không còn được coi trọng như trước đây, vì trường học phải đặt trọng tâm vào việc rèn luyện trí năng và chạy theo thành tích học tập. Xu hướng này thường bị thúc đẩy bởi chương trình phát triển kinh tế quốc gia trong một nền kinh tế cạnh tranh toàn cầu. Hiện nay trên thế giới, ngày càng nhiều giáo viên của các trường chính quy và đại học bắt đầu nhận thấy khuynh hướng đó đã đi quá xa và họ đang có những hành động để làm lớn rộng thêm sứ mệnh của mình. Các giáo viên đang cố gắng nhiều hơn trong việc bồi dưỡng kỹ năng và sức khỏe tinh thần để có thể giúp cho chính mình và cho học sinh được phát triển như những con người toàn vẹn, biết nhận diện cảm xúc, có kỹ năng xây dựng mối quan hệ trong tinh thần trách nhiệm, với ước muốn phát triển và có hạnh phúc trong hiện tại. Phương pháp thực tập của Làng Mai rất thích hợp để yểm trợ cho sự thay đổi này, giúp cho nền giáo dục đi về hướng tiếp cận một cách toàn diện hơn.
Trong bộ sách này, quý vị sẽ được đọc những chia sẻ của các giáo viên cũng như của một số trường học hiện đang áp dụng chế tác hạnh phúc và sự phát triển lành mạnh vào trong việc giảng dạy, với sự trợ giúp của chánh niệm và lấy cảm hứng từ phương pháp thực tập của Làng Mai. Nhiều người nhận thấy rằng sự thay đổi này giúp cải thiện học tập trong học đường và không hề tạo ra sự xung đột nào cả. Chúng ta sẽ cùng khám phá mối liên hệ giữa chánh niệm và việc học trong Chương 2, tập 2 Đi như một dòng sông.
Sự phát triển của thiền chánh niệm
Lấy cảm hứng từ một truyền thống có sự truyền thừa trực tiếp trong suốt 2.500 năm tu tập tại các quốc gia châu Á, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã chế tác ra một phương pháp thực tập rất thực tiễn giúp tạo hạnh phúc cho con người. Thập niên 70 của thế kỷ XX đã chứng kiến một làn sóng thiền tập và chánh niệm được du nhập vào xã hội Tây phương, thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những người có ảnh hưởng lớn đến làn sóng ấy, với công trình tiên phong của Thiền sư ở Mỹ và châu Âu, cùng với sự xuất bản cuốn sách nổi tiếng Phép lạ của sự tỉnh thức vào năm 1975. Điều này đã được tăng thân Làng Mai trình bày trong phần mở đầu về lịch sử của phương pháp thực tập chánh niệm.
Từ cuối thập niên 70, Jon Kabat-Zinn, với sự yểm trợ của những người đồng sự, đã dẫn đầu công cuộc tìm kiếm, khám phá một nền tảng khoa học cho thiền tập và làm cho thiền chánh niệm được tiếp cận một cách rộng rãi hơn. Cách tiếp cận của Jon Kabat-Zinn đặt trọng tâm vào những khóa học ngắn hạn, trong đó chánh niệm được đưa vào dưới hình thức những can thiệp (interventions) – có thể hiểu là những thuật điều trị trong y khoa – dựa trên nền tảng chánh niệm. Và điều này có lợi điểm là những can thiệp dựa trên chánh niệm đó có thể dễ dàng được sử dụng để làm đối tượng cho các phương pháp nghiên cứu khoa học Tây phương, đáng chú ý nhất là phương pháp nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (gọi tắt là RCT, thử nghiệm mức độ ảnh hưởng, mức độ hiệu nghiệm của một phương pháp điều trị trong y khoa)1. Với một nền tảng chứng cứ khoa học ngày càng phát triển, trong hơn 30 năm qua những can thiệp dựa trên chánh niệm, dưới những tên gọi như phương pháp giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (Mindfulness Based Stress Reduction, viết tắt là MBSR), đã được áp dụng một cách rộng rãi trong mọi lĩnh vực, bắt đầu với lĩnh vực sức khỏe và bây giờ thì đi vào trong hầu hết các lĩnh vực xã hội, áp dụng với mọi nghề nghiệp, cá nhân kể cả trong các trường học. Thiền chánh niệm cho trẻ em và người trẻ đã nhanh chóng được lan rộng ở một số nước trên thế giới. Và hiện nay chúng ta đã có được một tài sản quý giá gồm những chương trình thực tập, những phương pháp trị liệu bằng chánh niệm kèm theo những nghiên cứu trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, nuôi dạy con cái và xây dựng cộng đồng.
(1) J. Kabat-Zinn, Full Catastrophe Living: Using the Wisdom of Your Body and Mind to Face Stress, Pain and Illness, revised edition (New York: Bantam/Random House, 2011). (Sống một cuộc sống trọn vẹn bất chấp tai ương: Sử dụng trí tuệ của thân và tâm để đối diện với căng thẳng, đau đớn và bệnh tật).
Chánh niệm về hơi thở, về thân thể và những cử động của thân thể, chánh niệm trong khi ăn, khi đi, cũng như khả năng nhìn lại kinh nghiệm của bản thân với một thái độ cởi mở, tò mò và với tình thương là những thực tập hiện đang được giảng dạy một cách rộng rãi. Đó đều là những phương pháp thực tập mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thừa hưởng từ truyền thống tâm linh của mình, làm cho nó trở nên hoàn thiện và rồi đem giảng dạy trong suốt cuộc đời của Người trước khi chánh niệm trở nên phổ biến như ngày hôm nay. Sự đóng góp của Thiền sư vào sự phát triển của chánh niệm thật lớn. Hiện nay sự thực tập chánh niệm đã thu hút sự chú ý của một số đông các nhà khoa học. Nhờ vậy mà chúng ta có được một nền tảng chứng cứ khoa học ngày càng tăng cho thấy rằng thiền chánh niệm được áp dụng vào đời sống thực tiễn rất hiệu quả1.
(1) D. M. Davis and J. A. Hayes, What Are the Benefits of Mindfulness? Monitor on Psychology, the American Psychological Association 43:7 (July-August 2012), 64, http://www.apa.org/ monitor/2012/07-08/ce-corner.aspx. (Những lợi ích của chánh niệm là gì – Những giám sát về tâm lý học, Hội Tâm lý học Hoa Kỳ)
Tôi sẽ cố gắng trình bày một cái nhìn tổng quát về cơ sở chứng cứ khoa học xác nhận sự hữu hiệu của thiền chánh niệm. Tôi là một học giả nên lối nói thận trọng của tôi có thể tương phản với cách thổi phồng chánh niệm mà thỉnh thoảng quý vị có thể đọc được hiện nay, nhất là trên các phương tiện truyền thông. Theo tinh thần thảnh thơi, an trú trong hiện tại của Làng Mai, chúng ta hãy ăn mừng những gì mình đã biết cho đến nay về những lợi ích của thiền chánh niệm và tạm hài lòng rằng những điều mà ta cần khám phá vẫn còn là con đường dài trước mặt.
Những lợi ích của chánh niệm đối với giáo viên
Các chương trình giảng dạy chánh niệm cho giáo viên đang được phát triển một cách nhanh chóng, trong đó một số gắn liền với chương trình học căn bản trong các trường, một số là dành cho việc đào tạo giáo viên1. Trong cuốn sách đáng tin cậy Handbook of Mindfulness in Education2 (Cẩm nang về chánh niệm trong Giáo dục) được phát hành gần đây, gần nửa cuốn sách dành để đề cập tới lợi ích của thực tập chánh niệm dành cho các giáo viên, khi cùng thực tập chánh niệm với học sinh thì bản thân người giáo viên sẽ có hạnh phúc và bình an.
(1) N. J. Albrecht, P. M. Albrecht, and M. Cohen, Mindfully Teaching in the Classroom: A Literature Review, Australian Journal of Teacher Education 37:12 (2012), Article 1. (Chánh niệm trong giảng dạy: Nghiên cứu tổng quan, Tạp chí Giáo dục của Australia)
(2) K. A. Schonert-Reichl and R. W. Roeser, Handbook of Mindfulness in Education: Integrating Theory and Research into Practice (New York: Springer, 2016). (Cẩm nang Chánh niệm trong Giáo dục: Lồng ghép lý thuyết và nghiên cứu vào trong sự thực tập)
Những nghiên cứu được tiến hành đối với các giáo viên chỉ khẳng định lại những điều mà khoa học đã chứng minh trong hơn 30 năm qua về những tác động của thiền chánh niệm nói chung. Đối với người lớn, thiền chánh niệm có tác động đối với rất nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần, đặc biệt là bệnh trầm cảm và lo lắng; ngoài ra còn tác động đến những kỹ năng về cảm xúc và xã hội, nhận thức và học tập, kinh nghiệm sống và nhiều chỉ số về phẩm chất của đời sống và hạnh phúc trong nhiều môi trường khác nhau. Những kết quả nghiên cứu căn bản về tác động của thiền chánh niệm đã được tóm tắt lại trong bài phê bình của Khoury et al1 mới đây. Mọi nghiên cứu đều cho thấy có một sự liên hệ rõ ràng giữa số lượng những thực tập chánh niệm mà các học sinh/sinh viên thực hiện với mức độ của những lợi ích mà họ nhận được. Nhìn chung, những kết quả nghiên cứu về tác động của chánh niệm đối với người lớn hiện đã được chấp nhận là có sức thuyết phục. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin chắc rằng chúng ta đang đứng trên một nền tảng khoa học vững chắc.
Dẫn chứng tiếp theo về những giá trị cụ thể của thiền chánh niệm đối với giáo viên được lấy từ một bài phê bình mới nhất về lĩnh vực này2. Đó chỉ là một dẫn chứng nhỏ nên chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu một cách cẩn trọng, tuy nhiên những nghiên cứu về tác động của chánh niệm đối với giáo viên vẫn đang tiếp tục tăng lên một cách nhanh chóng.
(1) B. Khoury, T. Lecomte, G. Fortin, M. Masse, P. Therien, V. Bouchard, M. Chapleau, K. Paquin, and S. G. Hofmann, Mindfulness-Based Therapy: A Comprehensive Meta – Analysis, Clinical Psychology Review 33:6 (2013), 763 – 71. (Phương pháp trị liệu dựa trên nền tảng chánh niệm: Một phân tích tổng hợp toàn diện,_ Tạp chí Tâm lý học lâm sàng)
(2) K. Weare, Evidence for Mindfulness: Impacts on the Well-Being and Performance of School Staff, 2014. (Chứng cứ về tác động của chánh niệm đối với hạnh phúc và kết quả làm việc của giáo viên và các nhân viên trong trường học)
Những giáo viên thực tập chánh niệm thường ít có vấn đề hơn về mặt tinh thần như căng thẳng, trầm cảm và lo sợ. Họ có hạnh phúc nhiều hơn, trong đó có sự lắng dịu, niềm vui sống, lòng tự tin và thương yêu bản thân mình. Họ thể hiện nhiều tình thương hơn đối với chính mình và những người khác. Họ đồng cảm hơn, bao dung hơn, dễ tha thứ hơn, kiên nhẫn hơn, ít giận dữ và ít thù hận hơn. Khả năng nhận thức của họ gia tăng, trong đó có khả năng chú ý và tập trung, đưa ra quyết định và đối phó với những thách thức một cách linh động. Họ trở thành những giáo viên giỏi hơn, có trình độ quản lý và tổ chức lớp học cao, có khả năng xác định các ưu tiên trong công việc, nhìn được tổng quát cục diện, chủ động hơn và tự lập hơn. Họ dễ thích ứng với nhu cầu của học sinh, hỗ trợ và có liên hệ tốt hơn với các em. Các giáo viên đó cũng có thể chất tốt hơn, cụ thể như ít bị cao huyết áp, ít có cortisol1 hơn, ít có vấn đề về sức khỏe và ít nghỉ vì bệnh hơn.
Những tự thuật của các giáo viên trình bày trong bộ sách này đều có nói đến những lợi ích trên, họ biết chăm sóc và yêu thương bản thân nhiều hơn, có sự đồng cảm và quan tâm đến người khác nhiều hơn, phản ứng chậm lại, có khả năng buông bỏ và giữ một quan điểm cân bằng, giảm bớt sự căng thẳng, ít phê phán chính mình hay kẻ khác một cách tiêu cực.
Lợi ích của chánh niệm đối với trẻ em và người trẻ
Nghiên cứu về tác động của chánh niệm đối với trẻ em và người trẻ cũng cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn trong một số các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực y tế và giáo dục. Tuy nhiên, cơ sở chứng cứ ở đây cũng còn tương đối ít. Chúng ta vẫn còn có một con đường dài phía trước, nhưng đây đã là một sự khởi đầu tốt đẹp rồi. Những kết quả dưới đây cũng được lấy ra từ một bài phê bình gần đây2.
(1) Nội tiết tố gây căng thẳng.
(2) K. Weare, Developing Mindfulness with Children and Young People: A Review of the Evidence and Policy Context, Journal of Children_s Services 8:2 (2013), 141 – 53.
(Phát triển sự thực tập chánh niệm với trẻ em và người trẻ: bình luận về chứng cứ và bối cảnh liên quan đến chính sách, tạp chí của các ngành liên quan đến trẻ em)
Nếu được giảng dạy một cách khéo léo thì sự thực tập chánh niệm có thể giúp cải thiện tình trạng sức khỏe về mặt thể chất, tinh thần, cảm xúc, xã hội và cũng tác động lên hạnh phúc của người trẻ. Đặc biệt là chánh niệm có hiệu quả rất tốt trong việc làm giảm thiểu những vấn đề về sức khỏe tinh thần, nhất là đối với trẻ em có khó khăn về tinh thần ở mức độ nghiêm trọng1. Chánh niệm có thể giúp làm giảm bớt sự trầm cảm, căng thẳng, lo lắng, phản ứng mạnh và cách cư xử khó chịu. Chánh niệm có thể làm tăng thêm hạnh phúc, đem lại sự lắng dịu, thư giãn và giấc ngủ dễ dàng hơn. Ngoài ra, chánh niệm còn giúp nâng cao khả năng quản lý cảm xúc, ý thức về bản thân, lòng tự trọng và sự thấu cảm. Chánh niệm cũng có tác động rõ ràng lên kết quả học tập2, làm tăng khả năng học hỏi thông qua phát triển kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hiện và chức năng điều hành của não. Dường như chánh niệm hỗ trợ bằng cách giúp cho người trẻ chú ý hơn, tập trung hơn, suy nghĩ sáng tạo hơn, sử dụng kiến thức hiện có một cách hữu hiệu hơn, phát triển trí nhớ, nâng cao khả năng lên kế hoạch, giải quyết khó khăn và khả năng lý luận. Cho đến nay chưa có tác dụng bất lợi nào của chánh niệm (những thí dụ về tai hại) được báo cáo lại.
(1) S. Zoogman, B. Simon, S. Goldberg, W. Hoyt, and L. Miller, Mindfulness Interventions with Youth: A Meta-Analysis, Mindfulness (2014), doi:10.1007/s12671-013-0260-4. (Liệu pháp dựa trên chánh niệm đối với người trẻ: một phân tích tổng hợp, tạp chí Mindfulness)
(2) C. Zenner, S. Herrnleben-Kurz, and H. Walach, Mindfulness-Based Interventions in Schools – a Systematic Review and Meta-Analysis, Frontiers in Psychology (2014), doi:10.3389/ fpsyg.2014.00603. (Những can thiệp dựa trên chánh niệm trong trường học – Đánh giá một cách hệ thống và phân tích tổng hợp, tạp chí Frontiers in Psychology)
Trong khi khảo sát cho bộ sách này, chúng tôi chưa có điều kiện phỏng vấn trực tiếp các học sinh – đây sẽ là công việc cho lần sau – nhưng những báo cáo về sự chuyển hóa nơi học sinh trong lời chia sẻ của các giáo viên có kinh nghiệm thực tập theo phương pháp thực tập của Làng Mai đã hỗ trợ rất nhiều cho những nghiên cứu của chúng tôi. Quý vị sẽ được nghe những câu chuyện về các em học sinh trở nên lắng yên hơn, thư giãn hơn, hạnh phúc hơn, ít trầm cảm và lo âu hơn, kiểm soát suy nghĩ và hành vi của mình tốt hơn, đối xử dễ thương hơn với chính mình và với người khác, biết bày tỏ lòng biết ơn và tình thương, có thể làm giảm bớt khổ đau của mình, có thể đối phó với những thử thách trong học tập và thi cử, trong các mối quan hệ với bạn bè cũng như trong đời sống gia đình.
Chứng cứ khoa học về sự tác động của chánh niệm lên não bộ
Có một sự nhảy vọt trong những nghiên cứu của ngành khoa học thần kinh về thiền chánh niệm. Hiện nay chúng ta đều biết rằng cấu trúc và chức năng của não bộ không hề cố định từ thời thơ ấu. Não bộ có tính mềm dẻo, linh hoạt (neuroplastic), nghĩa là nó luôn thay đổi trong suốt cuộc đời của chúng ta. Những nghiên cứu ngày càng nhiều về hình ảnh não bộ (sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ, hay MRI) cho biết thiền chánh niệm có khả năng tạo ra sự thay đổi cấu trúc và chức năng của não bộ một cách sâu sắc và bền vững, giúp cho phẩm chất của suy tư và cảm xúc được cải thiện. Lý giải một cách đơn giản vấn đề tương đối phức tạp này, chúng ta có thể hiểu là thiền chánh niệm dường như có tác động đến việc tái cấu trúc một số đường mòn thần kinh (neural pathways) quan trọng, làm gia tăng mật độ và sự phức tạp của những kết nối trong những khu vực não liên quan tới khả năng nhận thức – như là sự chú tâm, ý thức về bản thân, khả năng quan sát nội tâm mình (nội quan) – và những khu vực cảm xúc liên hệ tới tình thương, lòng từ bi và lý trí. Thiền chánh niệm làm giảm sức hoạt động và sự tăng trưởng của những khu vực não liên quan tới lo âu, thù hận, buồn phiền và sự bốc đồng1. Những thay đổi nổi bật nhất được nhận thấy nơi những người thực tập thiền trong thời gian dài, tuy nhiên việc thực tập chánh niệm trong một vài tuần cũng đã tác động rõ ràng lên chức năng và hiệu suất của não bộ2.
(1) R. J. Davidson, J. Kabat-Zinn, and J. Schumacher, Alterations in Brain and Immune Function Produced by Mindfulness Meditation, Psychosomatic Medicine 65:4 (2003), 564 – 70. (Những thay đổi trong não và chức năng miễn dịch do tác động của thiền chánh niệm, tạp chí Psychosomatic Medicine)
(2) R. Davidson and A. Lutz, Buddha_s Brain: Neuroplasticity and Meditation in the Spotlight, IEEE Signal Processing Magazine 25:1 (2008), 176 – 74. (Não của Bụt: nghiên cứu mối liên hệ giữa độ mềm dẻo của não và thiền tập, tạp chí IEEE Signal Processing Magazine)
Tương tự như những phát hiện trên, quý vị sẽ được đọc tự thuật của các giáo viên về những ảnh hưởng của các phương pháp thực tập theo truyền thống Làng Mai đối với bản thân họ. Các giáo viên cảm thấy chánh niệm giúp họ hiểu rõ mình hơn, hiểu những thói quen và động lực của chính mình, cảm thấy trong lòng có nhiều từ bi hơn, bớt thù địch và phê phán người khác, có nhiều khả năng giữ sự bình tĩnh và kiên nhẫn, ít bốc đồng hơn, có lý trí hơn trong nhận thức và hành động.
Phương pháp thực tập của Làng Mai và những chứng cứ khoa học
Những phương pháp thiền tập được đem ra nghiên cứu, về căn bản cũng giống như một số phương pháp thực tập cốt lõi của Làng Mai, như là chánh niệm về hơi thở, chánh niệm trong khi ngồi, khi đi, khi ăn, chánh niệm về thân và những cử động của thân, chế tác lòng từ bi đối với người khác và với chính mình.
Như tôi đã đề cập tới, những chi tiết về tác động của chánh niệm được mô tả trong các tài liệu nghiên cứu tương đối giống với những chia sẻ của các giáo viên thực tập theo phương pháp Làng Mai về kinh nghiệm của chính họ và của các học sinh. Vì vậy, tuy chưa có những chứng cứ khoa học được công bố cụ thể từ chính phương pháp thực tập của Làng Mai (dù một số nghiên cứu hiện đang được tiến hành), chúng ta vẫn có cơ sở để tin rằng phương pháp thiền tập của Làng Mai sẽ đem lại những hiệu quả tích cực, nếu chúng ta nuôi dưỡng sự thực tập của mình một cách chậm rãi và đều đặn.
Một nền tảng đạo đức vững chắc
Trong khi thiền chánh niệm ngày càng trở nên phổ biến, chúng ta càng không nên xem nhẹ hoặc quên rằng chánh niệm đã được phát triển trên nền tảng của một hệ thống đạo đức. Hệ thống đạo đức đó có mục đích tối hậu là giúp cho con người sống một đời sống trọn vẹn trong từ bi và tình thương, thoát khỏi sự ám ảnh quá mức của tiền tài và danh lợi. Phương pháp tu tập của Làng Mai là một ví dụ rõ ràng và hữu ích đối với chúng ta. Phương pháp này không những không mang tính tôn giáo, dễ áp dụng với các giáo viên và có tính thực tiễn, mà còn được xây dựng dựa trên một nền tảng đạo đức vững chắc. Phương pháp này đã thu hút hàng ngàn người, không chỉ vì nó giúp cho chúng ta xử lý được những khó khăn, thách thức của thế kỷ này mà còn vì nó có một mục tiêu đạo đức và xã hội sâu sắc khiến cho nhiều người cảm thấy phương pháp này có một sức hút kỳ lạ.
Những thực tập được giới thiệu trong bộ sách này thực sự giúp tất cả chúng ta, cả giáo viên cũng như học sinh, trở nên điềm tĩnh hơn, tập trung vào công việc hơn và học tập có hiệu quả hơn. Nhưng căn bản hơn nữa, sự thực tập này rõ ràng là một con đường chuyển hóa cho tự thân mỗi cá nhân, từ đó góp phần đem lại một xã hội công bằng, bền vững và từ bi hơn. Trong lá thư mở đầu bộ sách này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh chia sẻ với chúng ta rằng Người xem mục tiêu của giáo dục là tạo dựng con người, xây dựng nên một giống người xứng đáng và tốt đẹp để chăm sóc cho hành tinh quý báu của chúng ta. Thực hiện mục tiêu đạo đức đó bằng sự thực tập chánh niệm, bằng đời sống, bằng sự giảng dạy và học tập của chúng ta là chủ đề xuyên suốt bộ sách này; đó cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời giảng dạy của nhiều giáo viên.
Một cách tiếp cận sâu rộng
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trình bày rõ ràng cách nhìn của mình về chánh niệm trong phần mở đầu Thư gửi các thầy giáo, cô giáo. Người đã sử dụng từ chánh niệm một cách sâu sắc và rộng rãi, khác với ý nghĩa hạn hẹp mà chúng ta thường gặp trong bối cảnh hiện nay. Nó gần như là đi song song với thuật ngữ những phương pháp quán niệm (contemplative practices). Những phương pháp quán niệm được định nghĩa như là _những cách thức mà trải qua nhiều nền văn hóa và qua thời gian, con người đã tìm ra được để có thể tập trung, mở rộng và đào sâu ý thức của mình. Những cách thức này được xem như là cửa ngõ để phát triển toàn vẹn tiềm năng của con người và đem lại một đời sống viên mãn hơn_1. Người ta chứng minh là phương pháp này đặc biệt có hiệu quả trong lĩnh vực giáo dục cấp đại học. Cách thức và ngôn ngữ của phương pháp quán niệm phù hợp với văn hóa học thuật (hay văn hóa khoa học), giúp phát triển mạnh các lĩnh vực nghiên cứu, các khóa học và việc phát hành các ấn phẩm sách, báo2. Ngoài thiền tập và phát triển lòng từ bi, lĩnh vực giáo dục về quán niệm (contemplative education) bao gồm nhiều hoạt động khác như hoạt động thiện nguyện, công tác xã hội, sáng tạo, nghệ thuật, thi ca, những động tác chánh niệm. Lĩnh vực giáo dục này có sự trùng lặp đáng kể với tính chất rộng lớn và đi vào cuộc đời (hay tính chất nhập thế) của các phương pháp thực tập theo truyền thống Làng Mai.
(1) B. Hölzel, S. Lazar, T. Gard, Z. Schuman-Olivier, and U. Ott,How Does Mindfulness Meditation Work? Proposing Mechanisms of Action from a Conceptual and Neural Perspective, Perspectives on Psychological Science 6 (2011), 537, doi:10.1177/1745691611419671. (Thiền chánh niệm vận hành như thế nào? Đề xuất những cơ chế hành động từ góc độ thần kinh học và nhận thức, tạp chí Perspectives on Psychological Science)
(2) H. Roth, Contemplative Studies: Prospects for a New Field, Teacher_s College Record 108:6 (2006), 1787 – 815. (Những nghiên cứu về phương pháp quán niệm: Triển vọng cho một lĩnh vực mới, Teacher_s College Record)
Hỗ trợ cho việc giáo dục các kỹ năng cảm xúc – xã hội
Học hỏi về các kỹ năng cảm xúc – xã hội (social and emotional learning – SEL) là một thuật ngữ có liên quan rất nhiều tới chánh niệm. Các nghiên cứu cho thấy SEL có một mối liên hệ mạnh mẽ với kết quả học tập cũng như hạnh phúc của học sinh. Cơ sở khoa học vững chắc này đã khiến cho SEL trở nên nổi tiếng trong các trường học chính quy và các trường đại học. Mục đích của SEL là giúp cho chúng ta học được kỹ năng hiểu và làm chủ bản thân, quản lý được những cảm xúc của mình, và khả năng xây dựng các mối quan hệ với người khác. CASEL1 một mạng lưới rộng lớn ở Mỹ rất tích cực trong hoạt động này, đã đưa ra năm lĩnh vực phát triển kỹ năng: ý thức về bản thân, làm chủ cảm xúc, ra quyết định có trách nhiệm, kỹ năng xây dựng quan hệ và nhận thức xã hội/ khả năng thấu cảm với người khác.
(1) CASEL, 2016.
Người ta đã bàn luận rất nhiều về sự liên hệ giữa SEL và chánh niệm. Xét về mục tiêu và những lĩnh vực phát triển kỹ năng thì SEL có thể là nơi hỗ trợ tự nhiên cho chánh niệm, trong khi bản chất sinh động của chánh niệm thì lại có công năng đưa SEL trở về thực tại để không bị kéo đi bởi khuynh hướng theo đuổi mục tiêu, thiên về ngôn từ và trí năng1. Chánh niệm thường được xem như mảnh ghép còn thiếu hay chìa khóa giúp đảm bảo cho những mục tiêu đầy tham vọng của SEL có thể đạt được, không phải bằng lời nói, suy tư hay bằng những ý định về tương lai mà nó tác động lên trái tim, lên cơ thể và hành động của chúng ta ngay bây giờ và ở đây.
Quý vị sẽ đọc về những giáo viên thực tập theo phương pháp của Làng Mai, những người đã và đang kết hợp thành công phương pháp chánh niệm và SEL. Phương pháp thực tập của Làng Mai, với tính thực tiễn và có thể áp dụng một cách rộng rãi, là một nơi đặc biệt phù hợp để có thể kết hợp SEL và chánh niệm lại thành một sức mạnh tổng hợp. Đặt trọng tâm vào đạo đức, lòng biết ơn và sự tiêu thụ có chánh niệm, phương pháp thực tập của Làng Mai hỗ trợ một cách rõ ràng và trực tiếp việc rèn luyện kỹ năng đưa ra quyết định có trách nhiệm. Những thực tập như chia sẻ, ái ngữ và lắng nghe sâu hỗ trợ trực tiếp cho những kỹ năng cốt lõi để xây dựng các mối quan hệ và nhận thức xã hội. Sự thực tập ý thức về hơi thở, về hình hài, ôm ấp những cảm xúc mạnh làm phát triển khả năng giữ sự điềm tĩnh, an trú, vững chãi và tập trung.
(1) M. Lawlor, Mindfulness and Social and Emotional Learning: A Conceptual Framework, in K.
Schonert-Reichl and W. Roeser, Handbook of Mindfulness in Education:Integrating Theory and Research into Practice (New York: Springer, 2016). (Chánh niệm và việc học hỏi các kỹ năng cảm xúc – xã hội: một khuôn khổ khái niệm, trích từ Cẩm nang chánh niệm trong giáo dục của K. A. Schonert-Reichl và R. W. Roeser)
Một phương pháp toàn diện áp dụng cho toàn bộ trường học
Trong Lá thư dành cho các thầy giáo, cô giáo, Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói về tầm quan trọng của công việc xây dựng một cộng đồng tu học. Trong phần dẫn nhập, tăng thân Làng Mai đã nhắc chúng ta về mục đích của giáo dục: Mục đích của giáo dục là cung cấp một môi trường mà trong đó học sinh và giáo viên có thể phát triển bản thân, học hỏi được những phương pháp để đem lại một đời sống hạnh phúc, lành mạnh, đầy sáng tạo, hài hòa và có ý nghĩa.
Tầm quan trọng của việc phát triển chánh niệm trong cộng đồng và môi trường làm việc, mà không chỉ trong từng lớp học, được đặc biệt nhấn mạnh. Điều này có liên hệ đến mối quan tâm ngày càng tăng trong lĩnh vực giáo dục về một phương pháp toàn diện hay phương pháp áp dụng cho toàn trường hay toàn đại học. Người ta sử dụng những thuật ngữ này để nói lên tầm quan trọng của sự cộng sinh, của mối liên hệ cộng tác giữa các trường học trong cùng một hệ thống, xây dựng nền văn hóa và đặc tính chung có tác dụng hỗ trợ nhau, đảm bảo cho mọi thành phần có thể làm việc chung với nhau trong tinh thần phối hợp, gắn kết và hòa điệu.
Quan niệm này đã được áp dụng khá thành công trong những lĩnh vực được coi là phù hợp nhất để toàn bộ trường học có thể phối hợp với nhau như: sức khỏe thể chất và tinh thần, sự an toàn, công bằng và ngăn ngừa bạo hành nơi học đường. Làng Mai đã rất sáng suốt trong cách tiếp cận của mình khi nhấn mạnh đến việc xây dựng một cộng đồng thực tập chánh niệm từ lúc khởi đầu. Trong Chương 3, tập 2, Đi như một dòng sông, chúng ta sẽ thấy là việc xây dựng một cộng đồng tu tập đang bắt đầu hình thành ở các trường học, nơi mà sự thực tập chánh niệm đang được áp dụng cho toàn trường.
Tôi cảm thấy thật vinh hạnh khi được làm công việc kết nối các yếu tố khác nhau và những tự thuật của các giáo viên lại thành một câu chuyện mạch lạc, với sự giúp đỡ quý báu của các đồng nghiệp. Chúng tôi cố gắng bắc một chiếc cầu giữa những lời giảng dạy gây cảm hứng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và những thực tập cốt lõi của Làng Mai với thế giới qua các trường phổ thông và đại học, với những mối ưu tư thường nhật của các giáo viên bận rộn và các học sinh chịu nhiều áp lực, cũng như với bối cảnh xã hội và giáo dục xung quanh.
Với bộ sách này, chúng tôi mong muốn hiến tặng cho quý vị hai viên kim cương lấp lánh, đó là những lời dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và những lời tự thuật sinh động từ kinh nghiệm sống của các giáo viên – những đồng nghiệp của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng bộ sách sẽ hữu ích và đem đến cho quý vị nhiều cảm hứng.
Tất cả chúng tôi, những người tham gia vào công trình biên soạn bộ sách này, mến chúc quý độc giả có nhiều niềm vui trong khi đọc, và quan trọng hơn là quý vị có thể áp dụng được những điều chia sẻ trong tác phẩm này vào đời sống của mình.
Katherine Weare Somerset, UK, Tháng 12 năm 2016.
Đọc Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới, chương 05 tại đây.
Đọc Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới, toàn tập tại đây.