Thích Nhất Hạnh | Hạnh phúc cầm tay (Chương 02)

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.

 · 47 phút đọc.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.

Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tương tức

Nếu là một nhà thơ, ta sẽ thấy được đám mây đang trôi nổi trong tờ giấy này. Không có mây thì sẽ không có mưa, không có mưa thì cây sẽ không lớn lên được. Và không có cây thì ta không thể làm nên giấy. Đám mây là tinh hoa của tờ giấy. Nếu đám mây không có thì tờ giấy cũng không. Vì vậy ta có thể nói mây và giấy tương tức.

Tương tức dịch ra tiếng Anh là interbeing, chưa có trong từ điển tiếng Anh. Nhưng nếu ta kết hợp tiếp đầu ngữ inter (là nhau, trong nhau) với động từ to be (có) thì ta có một từ mới là interbeing (có trong nhau, tương tức). Nếu nhìn sâu hơn nữa vào tờ giấy, ta sẽ thấy mặt trời trong đó. Nếu không có mặt trời thì rừng cây không thể lớn lên được. Thực ra nếu không có mặt trời thì không có gì có thể tồn tại. Vì vậy ta biết mặt trời cũng có mặt trong tờ giấy. Tờ giấy và mặt trời tương tức. Nếu tiếp tục nhìn, ta sẽ thấy được người tiều phu đốn cây mang về xưởng máy để chế tạo ra giấy. Ta cũng thấy được những hạt lúa trong đó. Ta biết được người tiều phu không thể sống được nếu không có cơm ăn hằng ngày. Vì vậy hạt lúa làm thành cơm cũng có mặt trong tờ giấy. Cha mẹ người tiều phu cũng có mặt trong đó. Nhìn như thế ta sẽ thấy nếu không có những thứ ấy thì tờ giấy cũng không biểu hiện được.

Nhìn sâu hơn một chút ta cũng thấy ta trong đó. Điều này cũng không khó lắm vì khi nhìn vào tờ giấy ta thấy tờ giấy cũng là một phần của tâm thức ta. Tâm thức bạn cũng có trong đó mà tâm thức tôi cũng có trong đó. Vì vậy ta có thể nói mọi thứ đều có trong tờ giấy. Ta không thể chỉ ra bất cứ thứ gì mà không có trong tờ giấy: thời gian, không gian, đất mẹ, cơn mưa, những chất khoáng trong lòng đất, mặt trời, đám mây, dòng sông và hơi nóng. Tất cả cùng tồn tại với tờ giấy. Vì vậy ta nên đưa từ interbeing (tương tức) vào từ điển tiếng Anh. Có là có trong nhau (tương tức). Ta không thể có một mình ta. Ta tương tức với tất cả những thứ khác. Tờ giấy này có vì tất cả những yếu tố khác có.

Giả sử ta trả một trong những yếu tố làm ra giấy về lại nguồn gốc của nó, như trả ánh nắng mặt trời về cho mặt trời thì cái gì sẽ xảy ra? Ta nghĩ tờ giấy có tồn tại được không? Không. Không có ánh nắng mặt trời thì không có gì có thể tồn tại được. Nếu trả ông tiều phu về cho mẹ của tiều phu thì giấy cũng không có. Thực tế, giấy được làm bằng những yếu tố không phải giấy. Nếu ta trả những yếu tố không phải giấy về với nguồn gốc của nó thì giấy cũng không có. Không có những yếu tố không phải giấy như tâm thức, người tiều phu, ánh nắng mặt trời… thì cũng không có tờ giấy. Mỏng như tờ giấy mà nó cũng chứa đựng cả toàn thể vũ trụ.

Bụt

Bụt không phải là Thượng đế, không phải là trời thần. Ngài là một con người như chúng ta, cũng khổ đau như chúng ta. Nếu chúng ta đến với Bụt với một trái tim rộng mở thì Ngài sẽ nhìn thấy chúng ta, hai mắt Ngài chứa đầy lòng từ bi và nói với ta rằng: Bởi vì tim con có nhiều khổ đau nên con có thể đi vào tim ta.

Cư sĩ Vimalakirti nói: Vì thế gian bệnh nên ta bệnh, vì con người khổ đau nên ta phải khổ đau. Đức Bụt cũng tuyên bố như vậy. Đừng nói rằng vì ta có quá nhiều khổ đau nên ta không thể đến với Bụt. Đúng ra là vì trong tim ta có những niềm đau nỗi khổ nên ta mới có thể truyền thông với Bụt. Khổ đau của tôi và khổ đau của bạn là điều kiện căn bản để ta đi vào trái tim của Bụt và để Bụt đi vào trái tim ta.

Trong suốt 45 năm hành đạo đức Bụt cứ lặp đi lặp lại câu: Trong suốt 45 năm hành đạo ta chỉ nói về khổ đau và con đường chuyển hóa khổ đau. Khi ta nhận diện được những khổ đau của ta thì đức Bụt trong ta sẽ nhìn thấy chúng, sẽ khám phá ra những nguyên nhân dẫn đến những nỗi khổ đau ấy và đưa ra những hành động để có thể chuyển hóa khổ đau thành an vui, hạnh phúc và giải thoát. Khổ đau là phương tiện mà Bụt thường dùng để giải phóng cho mình và đó cũng là phương tiện mà ta có thể sử dụng để được giải thoát tự do.

Biển khổ rất mênh mông, nhưng nếu quay đầu lại thì ta sẽ thấy bờ. Hạt giống khổ đau trong ta có thể rất mạnh, nhưng đừng đợi đến khi hết khổ đau rồi mới hạnh phúc. Khi một cái cây trong vườn bị bệnh ta phải chăm sóc nó, nhưng đừng quên những cây khỏe mạnh còn lại. Cho dù trong tâm ta có những nỗi khổ niềm đau, ta cũng có thể tận hưởng những mầu nhiệm của sự sống, mặt trời lặn rất đẹp, nụ cười của trẻ thơ rất hồn nhiên, cây cối rất xanh tươi và nhiều bông hoa rất diễm tuyệt. Cuộc sống đâu phải chỉ có khổ đau. Đừng giam mình trong những nỗi khổ đau ấy.

Nếu ta đã từng đói thì ta biết rằng có được một bát cơm đầy là một điều hết sức mầu nhiệm. Nếu ta đã từng khổ đau vì rét thì ta thấy có được một tấm chăn hay một chiếc áo ấm quý hóa biết chừng nào. Nếu ta đã từng khổ đau, ta sẽ trân quý những yếu tố tạo nên thiên đường đang có mặt quanh ta. Đừng trốn chạy khổ đau, mà cũng đừng quên thưởng thức những mầu nhiệm của sự sống vì mình và vì lợi ích của nhiều người.

Tôi lớn lên trong thời kỳ chiến tranh, chung quanh tôi luôn có sự hủy diệt: trẻ em, người lớn, của cải, toàn bộ đất nước. Là một người trẻ tôi khổ đau cùng cực. Những vết thương chiến tranh trong tôi vẫn chưa được chữa lành. Có những đêm tôi thức trắng để ôm ấp đất nước, dân tộc tôi, ôm ấp hành tinh xanh với hơi thở chánh niệm. Một khi cánh cửa ý thức mở rộng thì ta không thể đóng lại được.

Không có khổ đau ta không thể lớn lên được. Không có khổ đau ta không thể có hạnh phúc an vui. Xin đừng chạy trốn khổ đau. Hãy ôm ấp nó và trân quý nó. Hãy đến với Bụt, ngồi với Bụt và bày tỏ những khổ đau cho Bụt. Ngài sẽ nhìn ta bằng con mắt chánh niệm từ bi, chỉ cho ta cách ôm ấp khổ đau và nhìn sâu vào nó. Bằng tình thương và sự hiểu biết chúng ta sẽ có khả năng trị liệu những vết thương trong trái tim và những vết thương trên thế giới. Đức Bụt gọi khổ đau là sự thật cao quý, bởi vì khổ đau có khả năng chỉ cho ta con đường giải thoát giác ngộ. Hãy ôm ấp khổ đau và để nó chỉ cho ta con đường đi đến an lạc.

Vô thường

Đức Bụt dạy tất cả mọi thứ như: đóa hoa, cái bàn, ngọn núi, chế độ chính trị, sắc thân, cảm thọ, tri giác, tâm hành, nhận thức… đều vô thường. Ta không thể tìm thấy bất cứ một thứ gì thường hằng. Hoa vô thường, nó sẽ tàn phai và thối rữa nhưng điều đó không ngăn cản ta yêu thích hoa. Kỳ thực ta có thể yêu hoa hơn vì ta biết cách trân quý khi nó còn sống. Nếu ta thấy được hoa là vô thường thì khi nó héo tàn ta không khổ đau. Vô thường không phải là một ý niệm. Đó là một sự thực tập giúp ta tiếp xúc được với thực tại.

Khi nghiên cứu học hỏi về vô thường ta phải đặt câu hỏi: Lời dạy này có dính líu gì đến đời sống hằng ngày, những khó khăn và khổ đau của ta không? Nếu ta hiểu vô thường như là một triết lý thì đó không phải là lời Bụt dạy. Mỗi khi nhìn hay lắng nghe, ta phải thấy được đối tượng mà ta đang nhìn, đang nghe là vô thường. Chúng ta phải nuôi dưỡng tuệ giác vô thường suốt ngày.

Nhìn sâu vào vô thường ta thấy rằng sự vật sở dĩ thay đổi là vì nhân duyên của nó thay đổi. Nhìn sâu vào vô ngã ta thấy được một cái tồn tại là nhờ những cái khác tồn tại. Ta thấy rằng những thứ khác đều làm nhân duyên cho nó tồn tại. Tất cả những thứ khác có trong nó.

Đứng về phương diện thời gian ta nói là vô thường, đứng về phương diện không gian ta nói là vô ngã. Tất cả mọi thứ không thể giữ nguyên trạng thái của nó trong hai giây liên tục, vì vậy mà không có gì có thể được gọi là một cái ngã thường tại. Trước khi bước vào phòng này thì ta đã khác rồi, tâm cũng khác mà thân cũng khác. Nhìn sâu vào vô thường ta thấy được vô ngã. Nhìn sâu vào vô ngã ta thấy được vô thường. Ta không thể nói: Tôi có thể chấp nhận được vô thường, còn vô ngã thì khó quá. Tôi không thể chấp nhận được. Thực ra chúng chỉ là một.

Hiểu được vô thường cho ta tự tin, an vui và hy vọng. Vô thường không nhất thiết phải đưa đến khổ đau. Không có vô thường thì sự sống không thể tồn tại được. Không có vô thường làm sao con gái ta có thể lớn lên thành một cô thiếu nữ xinh đẹp? Không có vô thường thì những chế độ áp bức chính trị không bao giờ thay đổi. Ta nghĩ rằng vô thường làm cho ta khổ đau. Đức Bụt đưa ra hình ảnh con chó bị người ta liệng cục đá, nó giận cục đá và quay lại sủa cục đá. Không phải vô thường làm cho ta khổ đau, cái làm cho ta khổ đau là trong khi sự vật vô thường mà ta cứ muốn nó thường, muốn nó không thay đổi.

Ta phải học cách trân quý giá trị của vô thường. Nếu ta đang khỏe mạnh và ý thức về vô thường, ta sẽ chăm sóc ta đàng hoàng hơn. Ý thức rằng những người thương của ta là vô thường, ta sẽ trân quý hơn người ta thương. Vô thường dạy cho ta biết tôn trọng và trân quý mỗi giây phút của đời sống hằng ngày, cũng như trân quý những thứ quý giá trong ta và chung quanh ta. Thực tập về vô thường, chúng ta sẽ tươi mát và dễ thương hơn.

Nhìn sâu là một cách sống đáng quý. Ta có thể thực tập hơi thở ý thức để tiếp xúc sâu sắc với sự vật và hiểu được tự tính vô thường của chúng. Sự thực tập này giúp ta thôi không phàn nàn đời là vô thường không có gì đáng sống. Nhờ vô thường mà có sự chuyển hóa, đổi thay. Chúng ta nên học cách nói: Cảm ơn vô thường, vô thường vạn tuế. Nhờ vô thường mà ta có thể chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc, an vui.

Nhìn sâu thấy rõ

Tiếp xúc với sự sống trong giây phút hiện tại, ta có thể thấy được tự tính vô thường và vô ngã của vạn vật. Vô thường và vô ngã không phải là những mặt tiêu cực của sự sống mà là nền tảng vững chắc của sự sống. Vô thường là sự chuyển biến liên tục của sự vật. Không có vô thường thì cũng không có sự sống. Vô ngã là sự tương quan tương duyên của vạn vật. Không có sự tương quan tương duyên này thì không có gì có thể tồn tại được. Không có mặt trời, đám mây, đất mẹ thì hoa tulip không thể có được. Chúng ta thường thấy buồn về vô thường và vô ngã bởi vì chúng ta quên đi sự thật rằng không có vô thường, vô ngã thì sự sống không thể tồn tại. Ý thức về vô thường, vô ngã không lấy đi niềm vui sống của chúng ta. Trái lại chúng cho ta thêm sự vững chãi, tự do, giúp ta sống một nếp sống lành mạnh. Chỉ vì người ta không thấy được tính vô thường, vô ngã của vạn vật nên mới khổ đau. Họ cho những gì vô thường là thường, những gì vô ngã là ngã.

Nhìn sâu vào đóa hoa hồng ta có thể thấy được tính vô thường của nó rất rõ ràng. Đồng thời ta cũng thấy được những cái đẹp và trân quý những giá trị của nó. Vì thấy được sự vô thường mong manh nên ta thấy hoa đẹp hơn, quý hơn. Càng mong manh thì càng đẹp và càng quý, như cầu vồng, hoàng hôn, sao băng, hoa quỳnh nở vào ban đêm… Nhìn mặt trời mọc trên núi Thứu, nhìn thành phố Vaisali, nhìn cánh đồng lúa chín vàng, đức Bụt cũng thấy được vẻ đẹp của chúng và Ngài đã nói điều ấy với thầy Anan.

Nhìn sâu vào tính vô thường của sự vật, thấy được những đổi thay và sự tan biến của chúng, đức Bụt không khổ đau hay thất vọng. Chúng ta cũng vậy, bằng cách quán chiếu sâu sắc, hiểu được tính vô thường, vô ngã của vạn vật, chúng ta có thể vượt thắng được những cơn khổ đau, tuyệt vọng và thấy được những giá trị mầu nhiệm của cuộc sống hằng ngày. Một ly nước trong, một làn gió mát, một bước chân thanh thản nhẹ nhàng… tất cả những thứ ấy là những mầu nhiệm của sự sống cho dù chúng là vô thường, vô ngã.

Cuộc sống khổ đau, nhưng cuộc sống cũng mầu nhiệm. Già, bệnh, chết, tai nạn, đói khổ, thất nghiệp và những thảm họa thiên nhiên là những thứ ta không thể tránh được trong cuộc sống. Nhưng nếu ta có tuệ giác sâu sắc, tâm ta không vướng bận thì ta có thể chấp nhận được chúng một cách bình thản và như vậy khổ đau đã giảm đi rất nhiều. Điều này không có nghĩa là ta nhắm mắt trước khổ đau. Bằng cách tiếp xúc với khổ đau, ta làm phát khởi tình thương và nuôi dưỡng được đại bi tâm. Khổ đau trở thành yếu tố nuôi dưỡng cho nên ta không sợ khổ đau. Khi trái tim ta ngập tràn từ bi, ta sẽ tìm mọi cách để làm vơi đi khổ đau của kẻ khác.

Sở dĩ loài người có những tiến bộ, đó là nhờ trái tim thương yêu. Chúng ta cần học hỏi cách quán chiếu sâu sắc vì lợi ích của người khác từ những người có tình thương lớn. Rồi người khác có thể học hỏi từ ta cách sống trong giây phút hiện tại và hiểu được tính vô thường, vô ngã của vạn vật. Tuệ giác này sẽ làm vơi nhẹ khổ đau.

Sợ hãi những bất trắc xảy ra làm cho con người sống trong sự lo lắng, héo hon. Không ai có thể biết và lường trước được những rủi ro có thể xảy ra cho ta và cho người thương của ta, nhưng nếu ta học cách sống tỉnh thức, sống sâu sắc trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày, đối xử với những người chung quanh ta nhẹ nhàng, cảm thông thì ta không có gì tiếc nuối khi có chuyện không may xảy đến cho ta và cho người kia. Sống trong giây phút hiện tại, ta có khả năng tiếp xúc với những yếu tố tươi mát, lành mạnh và mầu nhiệm của sự sống, giúp ta có khả năng trị liệu những vết thương trong ta. Mỗi ngày ta trở nên mầu nhiệm hơn, tươi mát hơn và lành mạnh hơn.

Vô đắc

Không có gì để làm, không có gì để chứng, không có chương trình dự án để theo đuổi, đó là giáo lý về vô tác (có khi gọi là vô nguyện hay vô đắc), một trong ba cánh cửa đi vào giải thoát. Hoa hồng có cần làm gì không? Không, mục đích của hoa hồng là làm hoa hồng. Mục đích của mình là làm chính mình. Chúng ta không cần phải trở thành một người khác. Ta như thế đã là quá tuyệt vời rồi. Lời Bụt dạy cho phép ta là ta, tự do thênh thang, tận hưởng trời xanh mây trắng và tất cả những gì tươi mát có công năng trị liệu trong giây phút hiện tại.

Ta không cần phải đặt ra mục tiêu phía trước để chạy theo. Ta đã có tất cả những gì ta muốn tìm kiếm. Ta đã là cái ta muốn trở thành rồi. Ta đã là một đức Bụt rồi, tại sao ta không nắm tay một đức Bụt khác mà đi thiền hành? Đây là giáo lý của kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka sutra). Tất cả những điều kiện hạnh phúc đã có sẵn. Chúng ta không cần phải chạy theo, không cần phải cố gắng, không cần phải tìm kiếm, không cần phải đấu tranh. Ta chỉ cần là ta. Có mặt trong giây phút hiện tại, ngay nơi này là thiền tập sâu sắc nhất. Nhiều người không thể tin được việc đi mà không có mục đích, đi chỉ để đi mà không cần tới. Người ta nghĩ rằng phải cố gắng tranh đua mới là chuyện bình thường và thiết yếu. Thử thực tập vô nguyện (aimlessness) trong vòng năm phút, ta sẽ thấy mình hạnh phúc đến chừng nào trong năm phút ấy.

Tâm kinh Bát Nhã nói rằng không trí cũng không đắc. Thiền tập không phải để đạt được giải thoát giác ngộ, bởi vì giác ngộ đã có trong ta rồi. Ta không cần phải đi tìm đâu nữa. Ta không cần phải có một mục đích. Không phải ta thực tập để đạt được một địa vị cao hơn. Thực tập vô nguyện ta thấy ta không thiếu gì cả. Ta đã là cái ta muốn trở thành rồi. Cái cố gắng của ta là dừng lại. Trong giây phút hiện tại này, chỉ cần nhìn tia nắng xuyên qua cửa sổ hay nghe tiếng mưa rơi là ta đã có bình an rồi. Ta không cần phải chạy theo gì nữa cả. Ta có thể tận hưởng hạnh phúc trong mỗi giây phút. Người ta thường hay nói vào Niết bàn hay nhập Niết bàn, nhưng ta đã ở trong Niết bàn rồi. Đâu cần phải vào nữa. Vô nguyện và Niết bàn là một.

Vượt thoát sinh tử

Chính ý niệm sinh tử lấy đi hạnh phúc an vui của ta trong đời sống hằng ngày. Thiền tập là giải phóng ta ra khỏi nỗi sợ hãi phát sinh từ ý niệm sinh tử ấy. Đó là công dụng của thiền, giúp ta thấy được thực tại một cách sâu sắc. Tiếp xúc được với tính tương tức là tiếp xúc được với tính vô sinh bất diệt.

Ý niệm về diệt và về không rất nguy hiểm, làm người ta khổ đau rất nhiều. Theo lời Bụt dạy thì KHÔNG chỉ là một ý niệm, không thể áp dụng cho thực tại. Đức Bụt nói rằng: Khi nhân duyên đầy đủ thì sự vật xuất hiện, khi nhân duyên thiếu vắng thì sự vật ẩn tàng. Chúng không sinh cũng không diệt, chỉ là biểu hiện. Những ý niệm như sinh diệt, có không, không thể áp dụng cho thực tại. Con sóng biết mình là nước nên nó vượt thoát sinh tử, vượt thoát CÓ – KHÔNG. Sóng là sóng.

Người ta dùng từ chân như để mô tả thực tại. Nhưng ngôn từ và ý niệm thì không thể dùng để diễn bày thực tại. Niết bàn hay thực tại tối hậu không thể diễn bày vì nó vượt thoát tất cả mọi ý niệm. Niết bàn là sự đoạn diệt mọi ý niệm. Hầu hết những khổ đau của ta đều phát xuất từ ý niệm. Nếu ta vượt thoát được ý niệm thì lo lắng sợ hãi sẽ biến mất. Niết bàn hay thực tại tối hậu là bản chất của vô sinh bất diệt. Nó hoàn toàn tự do. Ta cần phải tiếp xúc sâu sắc với thực tại để buông bỏ những sợ hãi xuất phát từ ý niệm sinh tử.

Ta sợ cái không. Ta nghĩ rằng ta là một ai đó, là một cái gì đó. Hôm nay ta còn là ta, và ta sợ rằng một ngày nào đó ta không còn nữa. Nhưng không thể từ có mà trở thành không. Đức Bụt nói bằng một ngôn ngữ rất đơn giản là: Cái này có vì cái kia có. Điều này nói lên sự biểu hiện của tất cả mọi hiện tượng dựa trên nguyên lý căn bản của duyên sinh. Khi điều kiện đầy đủ thì nó biểu hiện. Thấy nó biểu hiện ta gọi là có, điều đó không đúng. Cũng vậy, khi nó chưa biểu hiện ta không thấy, ta gọi nó là không cũng không đúng. Đơn giản chỉ là biểu hiện và không biểu hiện.

Không phải vì ta không thấy mà ta nói nó không có. Ở Làng vào tháng Tư ta không thấy hoa hướng dương, nhưng không phải vì vậy mà ta nói hoa hướng dương không có. Hoa hướng dương đang ẩn tàng trong lòng đất, chúng chỉ thiếu một điều kiện để biểu hiện, đó là nắng ấm. Ta nói hoa hướng dương không có là không đúng.

Vậy thì chết là gì? Chết đơn giản là dừng lại của sự biểu hiện để tiếp tục biểu hiện lại dưới một hình thái khác. Vào mùa đông ta không thấy chuồn chuồn, bươm bướm. Ta nghĩ chúng đã chết rồi. Nhưng khi mùa xuân đến bỗng nhiên ta thấy chuồn chuồn và bươm bướm xuất hiện. Vì vậy mà những cái ta không thấy ta không thể nói là không có và những cái ta thấy ta cũng không thể nói là có.

Có và không chỉ là những ý niệm. Căn cứ trên nhận thức của ta chỉ có biểu và vô biểu. Nếu nhận thức và tuệ giác ta đủ sâu thì ta vượt thoát được những ý niệm có không, sinh diệt. Đây là mức độ cao nhất của giáo lý đạo Bụt. Chúng ta đang đi tìm cách thoát khổ, nhưng cách thoát khổ hay nhất là tiếp xúc được tính vô sinh bất diệt.

Tịnh độ

Tất cả chúng ta đều biết rằng những mầu nhiệm của sự sống luôn có đó cho ta như trời xanh, mây trắng, dòng sông, cơn mưa, đóa hoa, chim chóc, cây cỏ, trẻ thơ… Hôm qua đi thiền hành tôi thấy hai đóa hoa tím trên cỏ. Chúng rất lành lặn, nhỏ nhắn, xinh xắn và đẹp đẽ. Tôi hái tặng cho hai thượng tọa từ Việt Nam mới qua. Tôi nói với hai vị: Hoa này chỉ có ở Tịnh độ thôi. Tôi nghĩ là hai vị hiểu được thông điệp của tôi. Bởi vì nếu có chánh niệm, có khả năng tiếp xúc sâu sắc với những mầu nhiệm của sự sống thì Tịnh độ đang có mặt cho ta ở đây và bây giờ.

Kỳ thực thì cõi Tịnh độ luôn có đó. Vấn đề là ta có thật sự có mặt cho cõi Tịnh độ hay không? Có mặt cho cõi Tịnh độ không khó lắm. Chỉ cần ta nhìn, bước đi và tiếp xúc bằng chánh niệm. Ta có thể nói Tịnh độ có mặt 24 giờ mỗi ngày cho ta, miễn là ta luôn thắp sáng chánh niệm trong mình.

Ta có khuynh hướng nghĩ rằng đây là một cõi đầy rẫy khổ đau và ta muốn tìm tới một nơi không có khổ đau. Định nghĩa của tôi về cõi Tịnh độ không phải là nơi không có khổ đau vì khổ đau và hạnh phúc tương tức nhau. Hạnh phúc chỉ được nhận diện trong bối cảnh khổ đau. Vì vậy ta cần khổ đau để nhận diện hạnh phúc. Nhìn sâu hơn một chút ta thấy hạnh phúc không thể có được nếu không có hiểu biết và thương yêu. Người hạnh phúc là người có nhiều hiểu biết và thương yêu. Không có hiểu và thương ta không thể tới được với ai cả, hoàn toàn cô lập, lẻ loi và cô đơn. Nhìn và quan sát quanh ta, ta sẽ thấy rõ là những ai có đầy hiểu biết và thương yêu là những người hạnh phúc, họ không đau khổ. Để thực sự hạnh phúc ta phải vun trồng hiểu biết và thương yêu. Nhưng nếu khổ đau không có thì ta cũng không thể vun trồng hiểu và thương. Bằng cách tiếp xúc với khổ đau mà hiểu biết và thương yêu phát khởi. Ta hãy tưởng tượng đến một nơi không có khổ đau, làm sao con cái ta có cơ hội để phát khởi hiểu biết và chế tác thương yêu?

Bằng cách tiếp xúc với khổ đau mà ta có thể học hỏi được cách chế tác hiểu biết và thương yêu. Nếu cõi Tịnh độ không có khổ đau thì ở đó cũng không có hiểu và thương, không có hiểu và thương thì ta cũng không thể gọi là Tịnh độ. Điều này rất đơn giản và rõ ràng. Vì vậy mà định nghĩa của tôi về nước Chúa hay cõi Tịnh độ của Bụt là một nơi có nhiều cơ hội cho ta học hiểu và học thương. Có nhiều hiểu và thương thì ta không còn sợ khổ nữa.

Cũng giống như một người làm vườn bằng phương thức hữu cơ giỏi thì ta không còn sợ rác nữa bởi vì ta biết cách chuyển rác thành hoa. Đó là cái nhìn bất nhị. Đóa hoa mà tôi hái tặng cho hai vị thượng tọa hôm qua là những mầu nhiệm. Nếu không có chánh niệm thì ta không thể tiếp xúc với chúng. Những mầu nhiệm của sự sống luôn có mặt đó trong giây phút hiện tại trong ta và chung quanh ta. Bộ não ta cũng là một mầu nhiệm. Hai mắt ta cũng mầu nhiệm. Trái tim ta cũng mầu nhiệm. Tất cả những tế bào trong cơ thể ta cũng mầu nhiệm. Mọi thứ chung quanh ta đều mầu nhiệm. Tất cả những thứ ấy đều thuộc về cõi Tịnh độ nhưng ta hoàn toàn lãng quên. Ta kẹt vào những lo lắng, sợ hãi, bất an, tuyệt vọng, ganh tỵ và ta đánh mất cõi Tịnh độ.

Tích môn và bản môn

Có hai thế giới. Thế giới mà ta đang nhìn thấy, tiếp xúc và sống với trong đời sống hàng ngày là thế giới tích môn. Một thế giới khác vượt thoát thời gian và không gian là thế giới bản môn. Tất cả mọi hiện tượng đều thuộc về hai thế giới này. Khi nhìn con sóng trên mặt đại dương ta thấy được hình tướng con sóng. Ta định vị con sóng trong thời gian và không gian. Không gian và thời gian không phải là hai thực thể tách biệt. Không gian được làm bằng thời gian và thời gian được làm bằng không gian. Nhìn con sóng theo cái nhìn tích môn, ta thấy nó có bắt đầu, có kết thúc, có sinh, có diệt. Con sóng có thể cao, thấp, dài, ngắn, đẹp, xấu. Ta có thể mô tả con sóng bằng nhiều tính từ khác nhau. Ý niệm về sinh diệt, cao thấp, bắt đầu chung cuộc, đến đi, có không có thể áp dụng cho con sóng trong thế giới tích môn.

Ta cũng vậy, cũng được mô tả bằng những ý niệm này. Khi nhìn vào tích môn ta thấy ta có và ta không có. Ta sinh ra rồi sau đó ta lại chết đi. Ta có bắt đầu và có kết thúc. Ta đến từ một nơi nào đó và ta sẽ đi về một nơi nào khác. Đó là tích môn. Tất cả chúng ta đều thuộc về thế giới tích môn. Bụt Thích Ca Mâu Ni cũng thuộc về tích môn, Ngài là một con người, cũng được sinh ra ở Kapilavastu, nhập diệt ở Kushinagar, và đã hành đạo trong suốt 80 năm.

Tuy nhiên, tất cả chúng sinh, tất cả vạn vật cũng đều thuộc về thế giới bản môn, thế giới không bị ràng buộc, giới hạn bởi những ý niệm không gian và thời gian, sinh diệt, đến đi. Con sóng là con sóng nhưng đồng thời nó cũng là nước. Con sóng không cần chết đi mới trở thành nước. Nó đã là nước trong giây phút hiện tại rồi. Chúng ta không thể nói nước có hoặc không, đến và đi. Nước luôn luôn là nước. Khi nói về sóng ta cần những ý niệm để mô tả như con sóng đi lên và biến mất. Nó đến từ đâu đó và nó sẽ đi về đâu đó. Con sóng có bắt đầu, có kế thúc, có cao thấp, có đẹp xấu, có sinh diệt. Tuy nhiên, tất cả những khác biệt này không thể áp dụng để mô tả cho con sóng trong thế giới bản môn vì bản chất của nó là nước. Kỳ thực, ta không thể tách rời con sóng ra khỏi thế giới bản môn.

Cho dù ta thường nhìn nhận sự vật trong thế giới tích môn nhưng ta cũng có thể tiếp xúc được với bản môn. Vì vậy sự thực tập của ta giống như con sóng. Khi sống đời sống của con sóng trong tích môn ta nhận ra rằng ta cũng là nước và đang sống đời sống của nước. Đó là tinh yếu của sự thực tập. Nếu ta hiểu được tự tính không đến không đi, không có không không, không sinh không diệt, ta sẽ không sợ hãi và có khả năng an trú trong bản môn, trong Niết bàn, bây giờ ở đây. Ta không cần chết đi để vào Niết bàn. Khi chúng ta thâm nhập được tự tánh của chính mình thì chúng ta đã ở trong Niết bàn rồi. Chúng ta sống trong tích môn nhưng đồng thời ta cũng sống trong bản môn như Bụt vậy.

Trốn tìm

Một ngày nọ khi đi thiền hành ở xóm Thượng, tôi thấy mình sắp giẫm lên một chiếc lá vàng. Lúc đó là mùa thu, tất cả những chiếc lá đều chuyển màu, rất đẹp. Khi thấy chiếc lá vàng xinh đẹp tôi không muốn giẫm lên nó, nên hơi ngập ngừng. Nhưng rồi tôi lại mỉm cười và nghĩ: Chiếc lá này chỉ giả bộ vàng, giả bộ rụng thôi.

Đứng về phương diện tích môn, chiếc lá sinh ra trên cành cây từ một nụ xanh tươi vào mùa xuân. Nó ở trên cành suốt mấy tháng, rồi mùa thu nó đổi màu và một ngày khi gió lạnh thổi đến thì nó rơi xuống đất. Nhưng nhìn sâu vào thế giới bản môn, ta có thể thấy được chiếc lá chỉ giả bộ sinh ra, giả bộ ở trên cây mấy tháng, rồi giả bộ chết. Giáo lý duyên sinh và vô ngã cho ta thấy được tự tánh không sinh không diệt của tất cả mọi hiện tượng. Một ngày khác chiếc lá sẽ giả bộ sinh ra trở lại trên một cành cây khác. Thực ra nó chỉ đang chơi trò trốn tìm với ta.

Chúng ta cũng đang chơi trò trốn tìm với người khác. Không phải chỉ có Bụt mới giả bộ sinh và giả bộ nhập Niết bàn. Ta cũng vậy, cũng giả bộ sinh, giả bộ sống rồi giả bộ chết. Có thể ta nghĩ rằng mẹ ta đã qua đời và không còn ở với ta nữa. Nhưng sự ra đi của mẹ chỉ là giả bộ thôi, rồi một ngày nào đó, khi nhân duyên đầy đủ thì mẹ sẽ xuất hiện trở lại dưới một hình thái khác. Nếu có đủ tuệ giác ta sẽ nhận ra mẹ trong những hình thái mới. Ta phải nhìn sâu vào người thương của ta để nhận ra tự tính của họ. Chúng ta thương thầy, thương ba, thương mẹ, thương anh, thương chị, thương con, khi những người thương của ta qua đời ta thấy buồn khổ, tiếc nuối, ta nghĩ rằng ta mất người đó. Nhưng trong bản môn thì không có gì mất đi cả. Tự tính của người thương là không sinh không diệt. Nếu có khả năng tiếp xúc với bản môn, ta sẽ mỉm cười với chiếc lá vàng, và cũng mỉm cười được với tất cả những đổi thay đang diễn ra trong đời sống này.

Không sợ hãi

Nhìn sâu vào nỗi sợ hãi, ta thấy ẩn chứa trong đó cái ước muốn thường hằng. Ta sợ sự đổi thay. Sự giận dữ, sợ hãi và tuyệt vọng của ta phát sinh từ tri giác sai lầm, từ ý niệm có không, đến đi, lên xuống. Nếu quán chiếu sâu sắc ta sẽ thấy được những ý niệm này không thể áp dụng cho thực tại. Ta có thể tiếp xúc được với tự tính của ta, tiếp xúc được với bản môn, điều này sẽ đưa tới sự không sợ hãi. Tin tưởng vào tuệ giác vô sinh bất diệt, ta sẽ hạnh phúc an vui trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày.

Hãy quán chiếu về đám mây đang bay trên bầu trời. Đám mây không muốn thay đổi. Nó sợ chết, nó sợ tan biến trở thành số không nên nó khổ đau. Nhưng nếu quán chiếu sâu sắc, đám mây sẽ thấy nó không thể chết được. Đám mây có thể trở thành mưa, thành tuyết, thành băng, nhưng đám mây không thể biến mất. Không thể được. Khi đám mây thấy được tự tánh vô sinh bất diệt thì nó không còn sợ hãi nữa. Nó hiểu rằng trở thành đám mây đang bay trên trời cũng mầu nhiệm mà trở thành mưa, thành tuyết rơi xuống đất cũng mầu nhiệm không kém. Vì vậy nó không còn là nạn nhân của nỗi sợ hãi nữa, bởi vì nó quán chiếu và tiếp xúc được với tính bất diệt. Không có gì có thể chết đi được. Ta không thể từ có mà trở thành không. Sự sống là một quá trình thay đổi. Không thay đổi thì sự sống không thể tồn tại. Một khi chúng ta hân hoan chấp nhận được điều này thì sợ hãi không còn nữa. Đó là quán chiếu.

Thiền sư

Mục đích của sự thực tập là trở về ngôi nhà đích thực để nhận ra tự tính của mình. Ta phải sống như thế nào để chánh niệm luôn được thắp sáng trong giây phút hiện tại, chiếu ánh sáng vào mỗi hành động, ta có thể thấy được tự tính của mình. Khi đi ngang qua cây tùng trước sân ta phải thấy được nó. Nếu không thấy được cây tùng trước sân làm sao ta mong thấy được tự tính của ta?

Thiền sư là người đã giác ngộ, là người luôn thấy được thực tại sống động, là người sau khi bị đánh mất mình trong những khái niệm đã trở về ngôi nhà đích thực, thấy được cây tùng trước sân và thấy được tự tính của mình. Vì thế mà người ấy cũng không muốn để cho đệ tử mình lang thang trong thế giới ý niệm, lãng phí thời gian, lãng phí sự tỉnh thức và lãng phí đời sống của mình. Người thầy luôn thấy thương đệ tử mỗi khi đệ tử đặt ra những câu hỏi về lý thuyết Phật giáo như pháp thân, như lai, hoặc những điều tương tự. Người đệ tử này vẫn còn tìm kiếm thực tại qua khái niệm. Vì vậy thiền sư tìm cách hay nhất để đưa học trò mình thoát khỏi thế giới khái niệm để sống với thực tại. Hãy nhìn cây tùng trước sân! Hãy nhìn cây tùng trước sân!

Một ngày nọ có một thầy hỏi Ngài Triệu Châu, nói cho ông ta nghe về thiền. Ngài Triệu Châu hỏi: Con ăn sáng chưa?Thưa thầy con ăn sáng rồi.Vậy thì đi rửa bát đi.

Đi rửa bát đi cũng giống như nói Đi sống với sự sống đang có thật đi. Thay vì giải thích cho học trò nghe về thiền, người thầy mở cửa và mời học trò đi vào thực tại. Đi rửa bát đi. Câu này không có gì huyền bí cả. Rất đơn giản, rõ ràng và trực tiếp. Không có gì bí ẩn, khó hiểu, cũng không mang nghĩa biểu tượng. Nó nói lên một sự thật rất cụ thể.

Ba cánh cửa giải thoát

Có một công án thiền rất nổi tiếng: Bộ mặt thật trước khi ta sinh ra là gì? Quán chiếu điều này giúp ta nhận ra tính vô sinh bất diệt của thực tại và của chính mình. Nhà khoa học Pháp thế kỷ 18 Antoine-Laurent Lavoisier nói rằng: Không có gì sinh ra mà cũng không có gì chết đi. Không những Phật tử mà nhà khoa học cũng nhìn sâu vào thực tại để khám phá ra sự thực này. Tâm kinh cũng nói: Không sinh cũng không diệt, không bớt cũng không thêm. Nếu ta chưa từng sinh ra thì làm sao ta chết đi được? Khi không thấy rõ thực tại thì ta có khuynh hướng một là nắm bắt hai là chán ghét.

Ta thường nắm bắt sự sống và chạy trốn cái chết. Nhưng theo lời Bụt dạy thì từ vô thỉ tất cả vạn pháp đều ở trong Niết bàn. Vậy tại sao ta nắm bắt một thứ và trốn chạy thứ khác. Trong bản môn không có khởi đầu và không có chung cuộc. Ta nghĩ là có một cái để cho ta đạt đến và cái đó nằm ngoài ta, nhưng mọi thứ đã có sẵn rồi. Vượt thoát được ý niệm trong và ngoài, ta biết rằng đối tượng mà ta muốn đạt được đó đã có trong ta. Ta không cần phải đi tìm kiếm ở đâu cả, trong không gian cũng như trong thời gian. Nó đã có sẵn trong giây phút hiện tại. Quán chiếu về vô đắc rất quan trọng. Đối tượng ta muốn đạt được là ta đã đạt rồi. Ta không cần phải đạt thêm bất cứ một thứ gì nữa. Ta đã có rồi, ta đã là cái ta muốn trở thành rồi.

Giáo lý vô đắc phát sinh từ giáo lý vô nguyện. Giáo lý về Ba cánh cửa giải thoát có trong tất cả các trường phái Phật giáo. Cánh cửa giải thoát thứ nhất là không. Mọi thứ đều không. Nhưng không là không cái gì? Không có một cái ngã biệt lập. Bông hoa có đầy đủ mọi thứ trong vũ trụ như mặt trời, đám mây, không khí, không gian… Nhưng nó không có một cái ngã riêng biệt. Đó là ý nghĩa của không. Chúng ta có thể sử dụng giáo lý này làm chìa khóa để mở tung cánh cửa đi vào thực tại.

Cánh cửa giải thoát thứ hai là vô tướng. Nếu ta thấy hoa chỉ là hoa mà không thấy được mặt trời, đám mây, đất mẹ, thời gian và không gian… trong đó thì ta bị kẹt vào hình tướng của hoa. Khi tiếp xúc được tính tương tức của hoa thì ta thực sự thấy được hoa. Nếu ta thấy một người mà không thấy được tổ tiên, văn hóa, môi trường, xã hội và sự giáo dục của người ấy thì ta thật sự không thấy được người ấy. Ta chỉ thấy được hình tướng bên ngoài của một cái ngã biệt lập của người ấy thôi. Nếu nhìn người ấy cho sâu sắc ta sẽ thấy được toàn thể vũ trụ, và ta sẽ không bị lừa gạt bởi hình tướng bên ngoài. Đó gọi là vô tướng.

Cánh cửa giải thoát thứ ba là vô tác. Ta đã là cái ta muốn trở thành rồi. Ta không cần phải trở thành một cái khác, một người khác. Tất cả những gì ta làm là phải thực sự là ta. Ta không cần phải chạy theo cái gì cả. Ta đã chứa đựng cả vũ trụ rồi. Đơn giản, ta chỉ cần trở về với chính mình để tiếp xúc với nguồn an lạc, hạnh phúc đã có trong ta và chung quanh ta. Ta đã về, ta đã tới. Không có gì để làm. Đây là chiếc chìa khóa thứ ba để mở tung cánh cửa thực tại. Vô tác và vô đắc là sự thực tập rất thâm sâu.

Phiền não chính là bồ đề. Chúng ta có thể cưỡi trên sóng sinh tử mà đi. Chúng ta có thể an nhiên ngồi trên thuyền từ trên biển vô minh với một nụ cười vô úy. Dưới ánh sáng tương tức, ta có thể thấy hoa trong rác và thấy rác trong hoa. Chính trên nền tảng phiền não, khổ đau mà ta có thể quán chiếu để đạt được giác ngộ và an lạc. Cũng giống như nhờ bùn mà ta có thể trồng sen.

Những vị Bồ tát đã chứng nhập được vô sinh bất diệt nên ngày đêm an lành, không còn sợ hãi nữa. Với sự tự do đó, họ có khả năng làm được rất nhiều thứ để giúp những người đang đau khổ. Ta có thể trở thành Bụt trong thế giới khổ đau, phiền não này. Khi đạt được giải thoát tự do ta có thể an nhiên cởi trên sóng sinh tử mà đi để giúp cho những người đang còn chìm trong biển khổ.

Người vô sự

Thiền sư Lâm Tế đã phát kiến ra từ người vô sự, là người không bận rộn, không cần phải làm gì và không cần đi đâu nữa. Đây là một con người lý tưởng. Trong đạo Bụt Nguyên thủy, con người lý tưởng là A la hán, là người đạt đến giải thoát giác ngộ. Trong đạo Bụt Đại thừa, con người lý tưởng là Bồ tát, là người có tình thương lớn, luôn luôn cứu giúp người trên con đường giải thoát giác ngộ. Theo thiền sư Lâm Tế, người vô sự là người không cần tìm cầu hay nắm bắt bất cứ thứ gì kể cả tìm cầu Bụt. Con người này đã thật sự dừng lại, không còn kẹt vào bất kỳ một học thuyết hay một giáo lý nào. Người vô sự là con người chân thật trong mỗi chúng ta.

Đây là giáo lý căn bản và thiết yếu của thiền sư Lâm Tế. Khi có khả năng dừng lại và thực sự sống với giây phút hiện tại, ta tiếp xúc được với những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Chúng ta không bị quá khứ, tương lai lôi kéo, không bị chìm đắm trong những suy nghĩ, cảm xúc, ý niệm hay dự án, kế hoạch. Thông thường ta nghĩ rằng ý niệm ta có về cái gì đó sẽ là cái đó. Ví dụ như ý niệm về Bụt là Bụt. Tuy nhiên ý niệm của ta về Bụt có thể chỉ là ý niệm mà không phải là Bụt. Ta nghĩ đức Bụt là một con người được sinh ra, lớn lên, đi xuất gia, thành đạo và nhập diệt. Nếu đi tìm một đức Bụt như thế thì chúng ta chỉ đi tìm cái hình bóng của Bụt, đi tìm một con ma Bụt. Và như vậy thì ý niệm của ta về Bụt có thể là một chướng ngại cho ta.

Thiền sư Lâm Tế nói rằng gặp Bụt chém Bụt. Khi ta thấy một cái gì, ta phải chặt đứt hết tất cả những ý niệm, những quan điểm của ta; kể cả những ý niệm về Bụt và giáo pháp của Ngài. Giáo pháp của Bụt không phải là những quyển kinh nằm trong tủ hay trên kệ cao trong chùa, mà là những phương thuốc để trị bệnh. Giáo pháp của Bụt là phương tiện quyện xảo giúp ta thoát ra khỏi vô minh, tham đắm, giận hờn và chuyển hóa tập khí đi tìm những gì ngoài ta để nương tựa mà không tin vào con người thật của chính mình.

Tuệ giác không có trong kinh điển hay trong pháp thoại. Chúng ta không thể đi tìm giải thoát giác ngộ trong quá trình nghiên cứu kinh điển Phật giáo. Đi tìm giải thoát giác ngộ trong kinh điển cũng giống như hy vọng tìm nước trong mớ xương khô. Trở về với giây phút hiện tại, sử dụng cái tâm thanh tịnh, trong sáng đang có ngay bây giờ ở đây, ta có thể đạt được giải thoát giác ngộ, giống như Bụt và các vị đệ tử của Bụt đã sống với thực tại ngay trong giây phút hiện tại. Người mà không có gì để làm là người có chủ quyền. Người đó không cho mình là quan trọng và không cần lưu lại gì cho mai sau. Con người chân thật là con người năng động, sống trong môi trường này nhưng không bị vướng bận bởi môi trường này, ung dung, tự tại. Mặc dù tất cả mọi hiện tượng đều đi qua quá trình thành trụ hoại diệt, thì con người chân thật cũng không trở thành nạn nhân của sự buồn phiền, hạnh phúc, thương yêu, hận thù. Người ấy ý thức như một con người bình thường cho dù đang đứng, đang đi, đang nằm hay đang ngồi. Người ấy không đóng vai thiền sư. Đây là điều mà thiền sư Lâm Tế muốn nói: Dù đang ở đâu cũng nắm lấy chủ quyền của mình và sử dụng chỗ đó như chỗ ngồi tỉnh thức.

Nụ cười của Bồ tát

Các vị Bồ tát cũng sống trong thế giới của chúng ta – thế giới sinh, diệt, thường, ngã. Nhưng nhờ quán chiếu về vô thường, vô ngã mà các vị Bồ tát tiếp xúc được với bản môn, vượt thoát được sợ hãi về ý niệm có không, một khác, đến đi, sinh diệt. Họ an nhiên cưỡi trên sóng sinh tử mà đi, tự do, không vướng bận. Họ có khả năng sống trong thế giới của sóng nhưng vẫn an trú vững chãi trong tự tính của nước.

Trong kinh Pháp Hoa (Lotus sutra) cụm từ cưỡi trên sóng sinh tử mà đi thường được dùng để mô tả các vị Bồ tát. Các vị Bồ tát Quán Âm, Phổ Hiền, Dược Vương và Diệu Âm đã chứng minh được điều ấy trong đời sống này. Đây là thế giới hành động. Trong thế giới đau khổ, các vị Bồ tát vẫn có thể mỉm cười với lòng từ bi và đức vô úy, bởi vì họ có khả năng nhìn bằng cái nhìn bất nhị giữa phiền não và bồ đề, tiếp xúc được với Niết bàn. Giáo pháp của Bụt có nói về ba loại bố thí, đó là tài thí, pháp thí và vô úy thí (không sợ hãi). Trong đó vô úy thí là lớn nhất. Bởi vì các vị Bồ tát đã vượt thoát được sợ hãi nên có khả năng giúp được rất nhiều người. Không có gì quý hơn đức vô úy. Đó là món quà lớn nhất mà ta có thể hiến tặng cho người ta thương. Nhưng nếu ta không có thì ta không thể hiến tặng được. Thực tập và tiếp xúc được với bản môn ta cũng có thể mỉm một nụ cười vô úy như các vị Bồ tát. Cũng giống như các vị Bồ tát, ta không cần phải chạy trốn phiền não. Ta không cần phải đến một nơi nào khác để đạt được giải thoát giác ngộ.

Phiền não và giác ngộ là một. Khi tâm ta vô minh, mê mờ thì ta phiền não; khi tâm ta chân thật, trong sáng thì phiền não không còn, chỉ có giải thoát giác ngộ. Chúng ta không còn sợ sinh tử nữa bởi vì ta tiếp xúc được với tính tương tức. Những ai làm việc giúp những người hấp hối cần phải thực tập vô úy và vững chãi để giúp họ ra đi được bình an. Nếu ta biết cách tiếp xúc với bản môn, tiếp xúc được với tính vô sinh bất diệt thì ta vượt thắng được tất cả mọi sợ hãi. Khi ngồi với người hấp hối ta có thể gây được nguồn cảm hứng, bình an cho họ. Vô úy là sự thực tập lớn nhất trong đạo Bụt. Để vượt thoát tất cả những nỗi sợ hãi, ta phải tiếp xúc với chính mình và nhìn bằng con mắt từ bi.

Tâm kinh Bát Nhã nói: Bồ tát Quán Tự Tại khi quán chiếu thâm sâu Bát Nhã Ba La Mật, tức diệu pháp trí độ, bỗng soi thấy năm uẩn đều không có tự tánh. Thực chứng điều ấy xong, Ngài vượt thoát tất cả mọi khổ đau ách nạn. Ngài tiếp nhận được nguồn năng lượng vô úy nên có khả năng giúp được cho nhiều người. Một khi thấy được phiền não tức bồ đề, chúng ta có thể cưỡi trên sóng sinh tử mà đi.

Người làm vườn không đuổi theo hoa mà cũng không chạy trốn rác. Người ấy chấp nhận cả hai, chăm sóc cả hai. Người ấy không vướng mắc vào hoa mà cũng không chán ghét rác. Bởi vì người ấy thấy được cả hai hoa và rác tương tức. Người ấy bình an với hoa mà cũng bình an với rác. Một vị Bồ tát xử lý phiền não và bồ đề cũng giống như người làm vườn thiện xảo xử lý hoa và rác, không phân biệt. Người đó biết cách chuyển hóa, vì vậy người ấy không còn sợ hãi nữa. Đó là tinh thần của Bụt.

Chánh đạo

Khi thấy mình đang đi đúng đường là ta có hạnh phúc. Ta không cần phải đến đích mới hạnh phúc. Đúng đường ở đây ẩn ý cho những phương cách cụ thể mà ta sống trong mỗi giây, mỗi phút. Trong giáo lý đạo Bụt có Bát chánh đạo. Đó là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Chúng ta có thể sống với Bát chánh đạo trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Điều đó không những làm cho bản thân hạnh phúc mà còn giúp cho những người chung quanh ta hạnh phúc. Thực tập Bát chánh đạo ta sẽ trở nên an vui, tươi mát và có nhiều từ bi.

Hãy nhìn cái cây trước sân. Cái cây không cần phải làm gì cả. Nó đứng đó, hùng hồn, tươi mát, xinh đẹp; và tất cả mọi người đều được thừa hưởng. Đó là một sự mầu nhiệm. Nếu cái cây không còn là cái cây nữa thì tất cả chúng ta đều lâm nguy. Cái cây chỉ cần là cái cây đích thực thì ta có niềm vui và hy vọng. Vì vậy nếu ta có khả năng thực sự là ta thì ta đã làm rồi. Hành dựa trên vô hành. Hành động là sự có mặt.

Có những người làm rất nhiều nhưng lại gây nhiều khổ đau cho người khác. Càng cố giúp thì càng làm cho người khác khổ đau cho dù họ có thiện chí tốt. Bởi vì họ không đủ bình an và hạnh phúc. Tốt hơn là đừng nên cố gắng nhiều quá mà chỉ cần ngồi đó, chỉ cần là mình. Tức thì bình an và từ bi có mặt. Trên nền tảng đó, tất cả những gì ta nói, ta làm đều mang lại kết quả tốt đẹp. Nếu ta có khả năng làm cho một ai đó vơi đi nỗi khổ, niềm đau, nếu ta có khả năng làm cho ai đó mỉm cười, ta sẽ thấy ta xứng đáng và hạnh phúc. Thấy mình có ích cho xã hội đó là một nguồn hạnh phúc. Có được con đường và bước đi hạnh phúc trên con đường này, ta không cần phải trở thành một người khác. Ta đã đạt được cái mà ta cần rồi. Nếu ta đặt ra một mục đích phía trước thì ta sẽ chạy suốt đời, và hạnh phúc không bao giờ có được. Hạnh phúc chỉ có được khi ta có khả năng dừng lại, trân quý giây phút hiện tại và trân quý chính bản thân mình. Ta không cần phải trở thành một người khác. Ta đã là một mầu nhiệm của sự sống rồi.

Đọc Hạnh phúc cầm tay, chương 01 tại đây.

Đọc Hạnh phúc cầm tay, chương 02 tại đây.

Đọc Hạnh phúc cầm tay, chương 03 tại đây.

Đọc Hạnh phúc cầm tay, chương 04 tại đây.

Đọc Hạnh phúc cầm tay, chương 05 tại đây.

Đọc Hạnh phúc cầm tay, toàn tập tại đây.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Xuân Quỳnh | Con yêu mẹ

Xuân Quỳnh | Con yêu mẹ

Xuân Quỳnh được coi là nhà thơ nữ hàng đầu của nửa cuối thế kỷ 20. Xuân Quỳnh không làm ra thơ không chế tạo câu chữ mà chị viết…

Đăng ký nhận bảng tin hàng tuần

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.