Thích Nhất Hạnh | Trồng một nụ cười (Chương 03)

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.

 · 49 phút đọc.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.

Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Để có thể chia sẻ sự thực tập chánh niệm với trẻ em, các thầy cô giáo cũng như các bậc phụ huynh cần phải thực tập trước tiên. Sự có mặt đích thực, sự bình an và lắng dịu của bạn là món quà lớn nhất mà bạn có thể hiến tặng cho học trò hay con em của mình. Khi bạn vững chãi, hạnh phúc và có nhiều tình thương thì tự nhiên bạn sẽ biết cách làm thế nào để xây dựng một gia đình hạnh phúc hay một môi trường học đường lành mạnh và nuôi dưỡng. Bạn cũng sẽ biết cách làm thế nào để tưới tẩm và nuôi lớn những phẩm chất tích cực nơi học trò hay con em của mình, nơi những thành viên khác trong gia đình hay nơi những đồng nghiệp của mình.

Tất cả chúng ta đều mang trong mình những vết thương, những niềm đau mà ta đã tiếp nhận từ hồi còn ấu thơ. Vì vậy, con đường trị liệu những vết thương này sẽ giúp chúng ta dễ dàng tiếp xúc, hiểu và thương được những đứa trẻ xung quanh ta. Nếu chúng ta không chuyển hóa được những vết thương đó thì chúng ta sẽ tiếp tục trao truyền cho con em của mình hoặc học trò của mình. Khi đó, khổ đau của chúng ta sẽ trở thành khổ đau của các em. Đó là lý do vì sao sự thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày lại quan trọng đến vậy. Sự thực tập chánh niệm không những giúp cho chúng ta có được sự bền bỉ, không bị kiệt sức, mà còn đồng thời giúp chúng ta chuyển hóa trong chiều sâu tâm thức.

Vì vậy, chương này có thể là chương quan trọng nhất trong cuốn sách. Nếu chúng ta không có đủ bình an thì làm sao chúng ta có thể trao truyền sự bình an cho học trò hay con em của mình?

Bước đầu tiên: Chăm sóc chính mình

Chúng ta phải học cách chăm sóc chính mình trong đời sống hàng ngày, trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi, trong lúc ăn hoặc đánh răng. Con người chúng ta được tạo thành bởi năm yếu tố: hình hài, cảm xúc, tri giác, tâm hành và nhận thức. Năm yếu tố này là lãnh thổ vô cùng rộng lớn của chúng ta. Ta chính là vị quốc vương trên lãnh thổ ấy. Ta phải biết trở về và chăm sóc cho lãnh thổ của mình. Chánh niệm giúp chúng ta làm được việc ấy. Ví dụ như khi có một vùng nào đó trên cơ thể bị căng thẳng hay đau nhức, việc trước tiên ta nên làm là trở về và chăm sóc cho vùng đang bị thương tổn ấy. Ta hãy dành cho mình những giây phút lắng yên, trở về với hơi thở và thầm đọc:

Thở vào, tôi ý thức về toàn thân tôi

Thở ra, tôi buông thư toàn thân (buông bỏ hết những căng thẳng trong thân)

Khi đã biết cách chăm sóc cho thân, ta sẽ biết cách chăm sóc những cảm xúc trong ta. Với năng lượng chánh niệm, ta có thể làm phát khởi niềm vui và hạnh phúc trong ta; và khi một cảm xúc mạnh biểu hiện, ta có thể chăm sóc cho cảm xúc ấy. Ta có thể theo dõi hơi thở trong khi đọc thầm:

Thở vào, tôi ý thức về cảm xúc buồn đau trong tôi

Thở ra, tôi ôm lấy cảm xúc đó với tất cả sự dịu dàng.

Chúng ta không khỏa lấp khổ đau bằng cách tiêu thụ. Nhiều người trong chúng ta tìm cách trốn chạy khổ đau bằng cách đắm chìm trong phim ảnh, mạng lưới toàn cầu, rượu bia, sách báo, ăn uống, mua sắm, chuyện trò… Nhưng càng trốn chạy thì ta càng làm cho tình trạng khó khăn hơn mà thôi.

Bụt dạy rằng không có cái gì có thể sống sót nếu không có thức ăn. Sở dĩ niềm đau, nỗi sợ trong ta còn đó là vì ta cứ cho nó thức ăn. Một khi ta biết nhận diện và ôm ấp niềm đau, nỗi sợ thì nó lắng xuống. Nếu tiếp tục nhìn sâu, chúng ta sẽ nhận ra gốc rễ đồng thời thấy được những thức ăn nào ta đã cung cấp cho những niềm đau, nỗi sợ ấy mỗi ngày.

Nếu chúng ta khổ sở vì bị trầm cảm, chứng tỏ là ta đã sống, đã tiêu thụ như thế nào để đưa tới tình trạng trầm cảm. Bụt dạy rằng nếu chúng ta có thể nhìn sâu vào khổ đau của mình và nhận diện được nguồn thực phẩm nuôi dưỡng khổ đau, thì chúng ta đang đi trên con đường giải thoát.

Con em của chúng ta có thể đang tiếp nhận rất nhiều bạo động, sợ hãi và thèm khát. Khi xem chương trình truyền hình, các em phải chứng kiến vô số hình ảnh bạo lực, khiến cho hạt giống bạo động, thèm khát và sợ hãi lớn mạnh. Ngày nay, tình trạng bạo động trong giới trẻ ngày càng tăng, các em không biết cách chăm sóc khổ đau và những cảm xúc mạnh trong mình. Dân số nước Pháp không cao nhưng hàng năm có đến mười hai ngàn người trẻ tự tử. Các em là nạn nhân của cảm xúc mạnh, của sợ hãi, giận hờn, tuyệt vọng. Trong trường học, các em không được dạy phương pháp chăm sóc cảm xúc mạnh. Vì vậy, việc các phụ huynh và giáo viên học cách chăm sóc cảm xúc của bản thân để rồi trao truyền cho các em là điều rất quan trọng. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta đã nuôi dưỡng hạt giống sợ hãi, hận thù và tuyệt vọng thông qua cách chúng ta tiêu thụ. Vì vậy, tiêu thụ có chánh niệm là câu trả lời và sự thực tập của mỗi chúng ta. Chúng ta cần tiêu thụ như thế nào để không nuôi dưỡng những hạt giống tiêu cực trong ta.

Ngay cả tình thương cũng không thể lớn mạnh nếu thiếu thức ăn. Tình thương trong ta sẽ khô héo nếu không được nuôi dưỡng mỗi ngày. Do vậy, chúng ta cần nhận diện nguồn thực phẩm nào cần thiết để nuôi dưỡng những hạt giống thương yêu và hiểu biết trong ta.

Dưới đây là những phương pháp thực tập mà bạn có thể áp dụng để nuôi lớn năng lượng chánh niệm, giảm bớt căng thẳng và nuôi dưỡng niềm vui trong tự thân. Ban đầu, bạn hãy chọn một phương pháp thực tập và áp dụng vào đời sống hàng ngày của mình, rồi dần dần áp dụng thêm nhiều phương pháp khác. Bạn không cần phải thực tập chánh niệm một cách hoàn hảo thì mới có thể bắt đầu dạy cho học sinh hay con em của mình. Ngay khi bắt đầu thực tập, bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi nơi mình. Và sự thay đổi đó, dù chỉ là nhỏ thôi, sẽ rất có ích cho học sinh, cho con em và những đồng nghiệp của bạn.

Thiết lập thói quen thực tập chánh niệm hàng ngày

Bạn nên dành 5 đến 10 phút mỗi ngày để thực tập hơi thở chánh niệm, buổi sáng hay buổi tối đều tốt. Hãy cố gắng thực hiện bài tập này vào cùng một thời điểm mỗi ngày và chọn một nơi yên tĩnh để dễ dàng tập trung. Bạn có thể ngồi trên ghế hoặc trên sàn nhà với gối ngồi. Ngồi cho thoải mái, lưng thẳng mà buông thư. Mắt nhắm hoặc khép hờ. Bạn hãy đặt toàn bộ sự chú tâm của bạn vào hơi thở vào và hơi thở ra. Bạn có thể thực tập theo hướng dẫn dưới đây.

Thiền tập có hướng dẫn

Bài thiền tập dưới đây có thể được thực tập trong tư thế ngồi, trong khi đi hoặc trong tư thế nằm trước khi ngủ. Bạn hãy thực hành ít nhất là mười hơi thở vào, mười hơi thở ra cho mỗi bài tập; nương vào những từ khóa (lời hướng dẫn được thu gọn) để giúp bạn tập trung hơn vào bài tập. Khi tâm bạn bắt đầu rong ruổi, bạn chỉ cần nhẹ nhàng đưa tâm trở về với hơi thở và từ khóa của bài thực tập.

Thở vào, biết là mình đang thở vào.

Thở ra, biết là mình đang thở ra.

VÀO

RA

Hơi thở vào càng sâu.

Hơi thở ra càng chậm.

SÂU

CHẬM

Thở vào, ý thức toàn thân.

Thở ra, buông thư toàn thân.

TOÀN THÂN

BUÔNG THƯ

Thở vào, an tịnh toàn thân.

Thở ra, lân mẫn toàn thân.

AN TỊNH

LÂN MẪN

Thở vào, cười với toàn thân.

Thở ra, thanh thản toàn thân.

CƯỜI

THANH THẢN

Thở vào, cười với toàn thân.

Thở ra, buông thả những căng thẳng trong thân.

CƯỜI

BUÔNG THẢ

Thở vào, cảm thấy mừng vui (vì mình đang còn sống).

Thở ra, nếm nguồn an lạc.

MỪNG VUI

AN LẠC

Thở vào, an trú trong hiện tại.

Thở ra, hiện tại tuyệt vời.

HIỆN TẠI

TUYỆT VỜI

Thở vào, ý thức về thế ngồi vững chãi.

Thở ra, cảm thấy an ổn, vững vàng.

VỮNG CHÃI

AN ỔN

Chánh niệm trong mỗi hành động

Bên cạnh sự thực tập hơi thở chánh niệm, mỗi ngày bạn cũng có thể chọn thực tập ý thức trọn vẹn về một hành động nào đó của mình trong ngày. Mỗi khi lên xuống cầu thang, tôi đều thưởng thức từng bước chân. Thở vào, tôi mỉm cười và bước một bước. Thở ra, tôi tận hưởng bước chân ấy. Tôi đã ký một thỏa thuận với cầu thang trong thất của mình, cho nên lần nào bước lên cầu thang mà không có chánh niệm thì tôi bước xuống và thực tập lại. Nếu thích thì bạn cũng có thể ký thỏa thuận với cái cầu thang trong nhà hoặc đoạn đường ngắn từ nhà ra trạm xe buýt hay đoạn đường từ văn phòng ra bãi đậu xe.

Bạn cũng có thể chọn những hoạt động khác để thực tập như: đánh răng, đóng và mở cửa, bật đèn hay lái xe. Mỗi khi làm hành động này, bạn không để cho tâm rong ruổi ở một nơi nào khác hay đắm chìm trong những suy tư miên man, hãy chú tâm 100% vào hành động đó và biến nó thành một bài thiền tập.

Thi kệ thực tập chánh niệm

Thi kệ là những bài thơ ngắn mà chúng ta có thể sử dụng để đem năng lượng chánh niệm vào trong những sinh hoạt thường ngày. Ta đọc thầm bài kệ trong khi thở vào, thở ra. Thở vào, ta đọc một câu; thở ra, ta đọc câu kế tiếp. Chúng ta có thể sáng tạo và tự làm ra những bài kệ để thực tập chánh niệm với những công việc mà ta muốn.

Thức dậy

Thức dậy miệng mỉm cười

Hăm bốn giờ tinh khôi

Xin nguyện sống trọn vẹn

Mắt thương nhìn cuộc đời.

Sửa bài cho học sinh

Sửa bài cho các em

Tiếp xúc tâm học hỏi

Nguyện khéo léo chỉ bày

Với tất cả thương yêu.

Thực tập nụ cười hàm tiếu

Nụ cười rất quan trọng, chúng ta chớ quên mỉm cười nhé. Nụ cười của ta có khả năng mang lại rất nhiều niềm vui và thư giãn cho chính bản thân cũng như cho những người xung quanh. Cười là một phương pháp yoga miệng. Khi cười, hàng trăm bắp thịt trên gương mặt được buông thư, làm tiêu tan mọi căng thẳng. Ai nhìn thấy ta cười, kể cả một người lạ, cũng muốn mỉm cười đáp lại. Bằng nụ cười, ta khiến cho những ai tiếp xúc với ta cũng cảm nhận được niềm vui, đó là một thứ phản ứng dây chuyền cực kỳ mầu nhiệm. Nụ cười thực sự là đại sứ của thiện chí. Khi mỉm cười, chúng ta có thể thở vào, thở ra vài lần.

Thở vào, tôi mỉm cười

Thở ra, tôi thư giãn và cảm nhận niềm vui trong tôi.

Ngày làm biếng

Tại các trung tâm thực tập của Làng Mai trên khắp thế giới đều có ngày Làm biếng mỗi tuần. Trong ngày Làm biếng, ngoài các bữa ăn ra thì không có sinh hoạt gì. Nếu chúng ta biết sống sâu sắc, thì ngày làm biếng là một ngày rất tuyệt vời. Làm biếng không có nghĩa là không thực tập gì, mà làm biếng có nghĩa là tự mình thực tập. Trong ngày Làm biếng, không có chuông gọi mình đi sinh hoạt, ai cũng được tự do làm những gì mình thích, muốn ngủ thì ngủ, muốn đọc sách thì đọc sách. Ngày làm biếng là một ngày thiêng liêng, cũng tương tự như ngày Sabbath (ngày nghỉ ngơi) trong các truyền thống khác. Trong ngày này, chúng ta phải làm biếng càng nhiều càng tốt. Làm biếng tưởng vậy mà không dễ đâu nhé, vì chúng ta có thói quen phải động chân, động tay làm một việc gì đó mới chịu nổi.

Nếu thích, chúng ta có thể ngồi chơi trên võng, thiền hành hay ngồi thiền một mình hoặc đi dã ngoại. Tắt hết điện thoại và máy vi tính, hãy dành cho mình một ngày trọn vẹn để làm những điều mà ngày thường mình không thể, ví dụ như đi bộ một vòng dài, làm thơ, thưởng thức một ấm trà và ngắm trời xanh mây trắng hay ngồi chơi, có mặt trọn vẹn cho một người bạn. Làm gì cũng được, miễn là chúng ta làm trong chánh niệm, bởi chánh niệm giúp ta thưởng thức những gì mình làm một cách sâu sắc nhất.

Thực ra, làm biếng – không làm gì hết, chỉ thưởng thức sự có mặt của chính mình và những gì đang có mặt xung quanh, là một thực tập rất sâu sắc. Bởi vì luôn có một nguồn năng lượng bên trong thúc đẩy chúng ta phải làm cái này, phải làm cái kia. Ta không thể ngồi yên hoặc nằm yên để thưởng thức sự có mặt của chính mình hay để ngắm trời mây. Nếu không làm một cái gì đó thì ta chịu không nổi. Chúng ta cần thực tập để chuyển hóa thói quen này. Nếu chúng ta thực tập thành công thì ngày làm biếng trở nên giá trị vô cùng. Trong trường hợp ta không thể có được trọn vẹn một ngày làm biếng thì có thể dành ra nửa ngày, thậm chí một vài giờ đồng hồ trong tuần cũng là quý rồi.

Bước thứ hai: Chăm sóc các mối quan hệ giữa mình và mọi người

Sau vài tuần thực tập chăm sóc cho bản thân, chúng ta bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn. Khi đó, ta có thể thực hiện bước tiếp theo là thực tập chăm sóc cho vợ/chồng, con cái, bạn bè và đồng nghiệp của mình. Chúng ta chỉ có thể giúp cho người thương của ta bớt khổ khi ta đã biết chăm sóc cho bản thân mình.

Khi đã biết chăm sóc cho chính mình rồi, chúng ta có thể nhận thấy rõ ràng hơn nỗi khổ, niềm đau của những người mình thương. Người thương của ta đang có những khó khăn riêng. Giúp đỡ vợ/chồng, con cái, bạn bè và đồng nghiệp đi qua khó khăn, khổ đau cũng là cơ hội để rèn luyện thêm cho chúng ta.

Nhiều người trong chúng ta đã đánh mất khả năng lắng nghe và sử dụng ái ngữ. Chúng ta cảm thấy cô đơn, lạc lõng ngay trong chính gia đình mình. Khi truyền thông bị cắt đứt hay bị bế tắc, chúng ta khổ đau. Khi không có ai lắng nghe và hiểu ta, ta sẽ trở thành trái bom sắp nổ. Lắng nghe với tâm từ bi mang đến cho ta nhiều trị liệu. Đôi khi, chỉ cần mười phút lắng nghe sâu là chúng ta có thể được chuyển hóa và có lại nụ cười trên môi.

Chúng ta cũng cần tập nói những lời từ ái (ái ngữ) để đem lại hòa điệu, thương yêu và hạnh phúc cho mọi người. Chúng ta đã đánh mất khả năng nói chuyện nhã nhặn, ôn hòa. Chúng ta dễ cáu kỉnh, bực bội. Có thể cả ta và vợ/ chồng hay người bạn thân của ta đều đã chịu nhiều khổ đau trong những năm qua. Cả hai bên dường như không còn khả năng lắng nghe nhau một cách sâu sắc. Vì có quá nhiều khổ đau, tổn thương và bạo động trong lòng, ta khó lắng nghe người kia với sự cảm thông và kiên nhẫn. Cái khối khổ đau quá lớn, cho nên dù rất muốn nói những lời yêu thương với người kia, ta cũng không làm được. Ta muốn nói chuyện với người kia một cách bình tĩnh, nhưng khi bắt đầu nói những điều trong lòng mình thì lời nói của ta lại chứa đầy cay đắng và phán xét, khiến cho người kia không thể tiếp tục lắng nghe. Vì vậy, chúng ta rất cần học cách lắng nghe như thế nào để giữ được sự bình tĩnh và lòng cảm thông, cũng như học cách nói những lời nhẹ nhàng, thương yêu. Đây là hai công cụ thiết yếu giúp chúng ta tái lập truyền thông.

Chúng ta cần thực tập hơi thở chánh niệm và nhìn sâu vào tình trạng để thấy rằng ta cũng góp phần tạo nên tình trạng khó khăn đó. Sau khi đã làm được như vậy, ta có thể đến với người kia. Bằng sự có mặt trọn vẹn và chân thành của mình, hãy dùng lời từ ái để nói với người ấy. Ví dụ người đó là người bạn đời của mình, ta có thể nói: Anh biết là em đã đau khổ nhiều trong thời gian qua và anh thấy mình có một phần trách nhiệm. Anh đã không hiểu hết những khổ đau của em mà lại còn nói năng và hành xử không đúng cách. Chỉ vì anh không khéo léo, chứ thật tình anh không muốn làm em khổ. Anh chỉ muốn mang lại niềm vui cho em, nhưng vì chưa hiểu được hết những khó khăn của em nên anh đã làm cho em khổ thêm. Anh thật sự muốn lắng nghe nỗi lòng của em. Em hãy nói cho anh biết những đau khổ, khó khăn cũng như những ước mong sâu kín nhất của em. Xin hãy cho anh cơ hội để hiểu em, để chúng ta có thể trở lại cuộc sống hạnh phúc như xưa. Nếu bạn có thể nói những lời như vậy thì trái tim của người kia sẽ từ từ mở ra.

Khi người kia mở lòng chia sẻ, hãy tự nhủ lòng rằng mục đích duy nhất của ta là lắng nghe để người kia bớt khổ, để người kia có cơ hội nói ra hết những khổ đau, uất ức trong lòng. Dù người ấy có nói gì đi nữa thì bạn vẫn cứ lắng nghe. Trong một mối quan hệ, chúng ta có thể có những tri giác sai lầm về nhau. Khi lắng nghe người kia chia sẻ, ta có thể nhận ra người kia có những tri giác sai lầm như thế nào về ta và chính ta cũng có những tri giác sai lầm về họ. Hãy đừng vội phản ứng. Vài ngày hoặc vài tuần sau, bạn có thể cung cấp thông tin để người kia thay đổi tri giác của họ, nhưng không phải là bây giờ. Nên nhớ là đừng chia sẻ quá nhiều một lúc, vì người kia có thể không tiếp thu hết được. Hãy chia sẻ từng chút một để họ có thể tiếp nhận và chỉnh sửa quan niệm sai lầm của mình.

Ngay cả khi trong lời nói của người kia chứa đầy cay đắng, phán xét và những tri giác sai lầm, bạn vẫn chăm chú lắng nghe. Giữ cho lòng từ bi có mặt trong suốt thời gian lắng nghe là một nghệ thuật. Để làm được điều đó, ta cần nhớ thực tập hơi thở chánh niệm. Một giờ thực tập lắng nghe có thể giúp cho người kia bớt khổ rất nhiều. Lòng từ bi bảo vệ cho ta, không để cho hạt giống bực bội, nóng giận trong ta bị tưới tẩm trong khi nghe người kia chia sẻ. Ta lắng nghe như một vị Bồ tát Đại bi. Bồ tát Đại bi không phải ở trên trời, Bồ tát Đại bi có mặt trong từng tế bào của cơ thể ta. Nếu ta biết cách tiếp xúc với năng lượng của Bồ tát thì Bồ tát sẽ hiển lộ và có mặt trong trái tim ta suốt thời gian thực tập lắng nghe sâu.

Khi chúng ta đặt trọn tâm ý để lắng nghe, chúng ta có thể lắng nghe tốt hơn cả một nhà tâm lý trị liệu. Nếu người thương của ta đang đau khổ thì ta không thể nào vui được, do đó, ta phải đầu tư hết một trăm phần trăm bản thân vào sự thực tập lắng nghe sâu. Hãy giữ cho lòng từ bi có mặt trong suốt thời gian lắng nghe. Nếu chúng ta cảm thấy những điều đang nghe quá sức chịu đựng thì cũng không nên ép bản thân. Chúng ta có thể nói cho người kia, Em ơi! Hôm nay anh không được khỏe, ngày khác mình sẽ tiếp tục ngồi với nhau để anh có thể lắng nghe em trọn vẹn hơn nhé. Sau đó, ta có thể đi ra ngoài và thực tập thiền hành để có thêm năng lượng.

Trong các mối quan hệ của mình, nếu không có chánh niệm, chúng ta có thể nói hoặc làm những điều gây khổ đau cho nhau. Có thể đó chỉ là một tổn thương nhỏ mà ta nghĩ chẳng đáng nói đến, nhưng suy nghĩ này vô cùng nguy hiểm. Ngày qua ngày, nỗi đau lớn dần lên, rồi đến một ngày kia bạn không thể vui vẻ nhìn người thương của mình nữa. Khi mới thương nhau, người ấy dễ thương quá chừng, bạn muốn được nhìn thấy người thương mỗi ngày. Chỉ cần nhìn thấy người ấy thôi bạn đã sung sướng biết nhường nào. Nhưng bây giờ bạn không còn muốn nhìn thấy người ấy nữa, không còn cảm thấy hạnh phúc với người ấy nữa. Thay vì nhìn nhau thì hai người nhìn về hướng cái ti-vi. Đó là một thất bại. Nhưng chúng ta luôn có thể làm gì đó để giúp nhau tìm lại tình yêu ban đầu.

Cách hay nhất để khuyến khích người khác thực tập ái ngữ là bạn hãy tự thực hành trước tiên. Khi nói lời yêu thương thì chính bạn là người cảm nhận được lợi lạc và niềm hạnh phúc, rồi từ từ người kia sẽ nhận ra sức mạnh và hiệu quả của sự thực tập này.

Khi đối mặt với tình trạng áp bức và bất công, chúng ta vẫn có thể sử dụng ái ngữ, bởi vì đó là thứ ngôn ngữ duy nhất có thể đi vào trái tim người khác. Nếu bạn lăng mạ, chỉ trích, lên án người khác thì họ sẽ không lắng nghe bạn nữa. Bạn hao tâm tổn sức mà lại chẳng đi đến đâu.

Chỉ khi nào chúng ta chuyển hóa thành công những năng lượng đau buồn, giận hờn, sợ hãi trong tự thân, ta mới có thể giúp được cho người mình thương. Trong quá khứ có thể bạn đã từng thử và thất bại, vì bạn chưa thật sự chuyển hóa trong tự thân. Giờ đây, khi đã thay đổi bản thân, bạn có thể gây cảm hứng cho người kia và giúp người kia cũng làm được như vậy. Mỗi khi về nhà hoặc gặp bạn bè, bạn có thể chia sẻ với họ niềm vui cũng như những khó khăn trong việc giáo dục. Người kia sẽ là người hỗ trợ, khuyến khích và nâng đỡ tinh thần trong công việc làm giáo dục của bạn.

Thực tập làm mới

Làm mới là thành thật nhìn sâu vào bản thân mình, vào lời nói, hành động và suy nghĩ của mình trong quá khứ để tạo ra một khởi đầu mới cho bản thân cũng như cho mối quan hệ giữa mình và người khác. Chúng ta thực tập Làm mới để dọn sạch tâm trí mình và giữ cho mối quan hệ giữa mình và mọi người luôn tươi mới. Khi khó khăn bắt đầu nảy sinh trong mối quan hệ, khi một trong hai bên cảm thấy bị tổn thương hay buồn giận về nhau, ta biết đó là lúc ta cần thực tập Làm mới.

Sự thực tập Làm mới giúp ta biết lắng nghe với tâm thương yêu và nói năng bằng lời hòa ái. Trong sự thực tập này, chúng ta học cách công nhận và trân quý những yếu tố tích cực của mỗi cá nhân trong đoàn thể hay cộng đồng mà mình đang sống. Công nhận những điểm tốt đẹp nơi người khác sẽ giúp ta biết công nhận những điểm tốt đẹp của bản thân. Bên cạnh những phẩm chất tốt đẹp, ai trong chúng ta cũng còn có những phần yếu kém, ví dụ như khi giận, ta vẫn nói năng lớn tiếng hoặc ta vẫn còn mắc kẹt bởi những tri giác sai lầm của mình… Cũng giống như trong một khu vườn, khi ta tưới tẩm và chăm sóc cho những bông hoa thương yêu, tha thứ thì đồng thời những loài cỏ dại của hờn giận, ghen tị và hiểu lầm sẽ tự động giảm đi.

Chúng ta có thể thực tập Làm mới mỗi tuần. Nếu muốn, ta có thể chuẩn bị một bình hoa tươi và đặt ở trước mặt để nhắc nhở cho chúng ta về sự tươi mát có trong mỗi người. Sự thực tập gồm có ba phần: tưới hoa, thể hiện sự hối tiếc và nói lên nỗi thương tổn cùng những khó khăn của mình. Sự thực tập này giúp ta không để cho những tổn thương chất chồng hết ngày này qua tháng nọ và giúp cho sự truyền thông giữa mọi người trong đoàn thể hay cộng đồng trở nên dễ dàng hơn.

Ta bắt đầu bằng sự thực tập Tưới hoa

Khi nói, ta nói làm sao để lời nói của ta thể hiện được sự tươi mát như những bông hoa đang ở trước mặt ta. Trong khi tưới hoa, ta cần công nhận những phẩm chất tốt đẹp của người kia, đó không phải là sự tâng bốc hay nịnh bợ, chúng ta chỉ nói sự thật mà thôi. Mỗi người trong chúng ta đều có những điểm tốt đẹp mà nếu để ý ta có thể nhận ra ngay. Một điều quan trọng nữa là trong khi một người chia sẻ, ta không ngắt lời. Ta cho người đó đủ thời gian để chia sẻ hết những gì họ muốn nói. Trong thời gian người đó chia sẻ, ta cũng như những người khác có mặt đều thực tập lắng nghe sâu.

Chúng ta không nên đánh giá thấp bước thực tập đầu tiên này. Một khi chúng ta có thể chân thành công nhận những phẩm chất tốt đẹp nơi người khác, ta sẽ dễ dàng ôm ấp nỗi buồn giận trong lòng. Tự nhiên ta thấy lòng mình dịu lại và cách nhìn của ta về người kia sẽ thông thoáng hơn, bao dung hơn. Chúng ta không còn bị kẹt cứng trong những tri giác sai lầm, bực bội và phán xét của chính mình, từ đó chúng ta dễ dàng tìm ra phương cách để hòa giải.

Bản chất của sự thực tập này chính là khôi phục lại tình thương và sự thấu hiểu giữa ta và các thành viên khác trong gia đình, trong đoàn thể. Về hình thức thực tập, chúng ta nên áp dụng sự thực tập này sao cho thích hợp với hoàn cảnh và những người liên quan. Sẽ rất hữu ích nếu ta tham khảo thêm ý kiến của những người có kinh nghiệm trong sự thực tập này và đã từng trải qua những khó khăn tương tự để học hỏi từ trải nghiệm của họ.

Bước thứ ba: Ta tỏ lòng hối lỗi về những tổn thương đã gây ra cho người khác

Chỉ một lời nói thiếu suy nghĩ thôi cũng đủ làm tổn thương người khác rồi. Sự thực tập Làm mới là cơ hội để cho ta hối lỗi về những vụng dại đã gây ra và tìm cách sửa chữa những lỗi lầm đó.

Bước thứ ba: Chúng ta nói lên niềm đau, nỗi thương tổn trong lòng ta

Điều quan trọng là chúng ta nên chia sẻ bằng lời hòa ái. Ta muốn hàn gắn mối quan hệ của mình chứ không muốn làm tổn thương người kia. Do đó, chúng ta chia sẻ một cách chân thành, thẳng thắn, nhưng mang tính xây dựng mà không phải là để gây đổ vỡ. Lắng nghe sâu là một phần rất quan trọng của sự thực tập Làm mới. Khi ngồi giữa những người bạn đang lắng nghe sâu sắc, lời nói của ta sẽ dễ thương và có tính xây dựng hơn. Chúng ta nên tránh đổ lỗi hay tranh cãi trong khi Làm mới.

Trong phần này, lắng nghe với tâm thương yêu là điều vô cùng quan trọng. Chúng ta lắng nghe với mục đích duy nhất là giúp cho người kia nói ra được những nỗi khổ, niềm đau trong lòng họ, chứ không phải là để phán xét hay phản ứng. Dù có thể những điều người kia nói không phù hợp với sự thật, chúng ta vẫn tiếp tục lắng nghe để người kia có thể trút hết khổ đau và giải tỏa những căng thẳng trong lòng. Nếu chúng ta phản ứng hay tìm cách chỉnh lời của người ấy thì buổi Làm mới sẽ không thành công. Chúng ta chỉ cần lắng nghe thôi. Nếu cần nói cho người kia biết về những tri giác sai lầm của người ấy, chúng ta có thể làm điều đó sau vài ngày, một cách khéo léo và nhẹ nhàng. Trong buổi Làm mới tiếp theo, có thể người kia sẽ tự thừa nhận lỗi ấy và ta không cần phải nói gì nữa. Ta có thể mời mọi người cùng thở với nhau một vài phút hoặc hát chung với nhau một bài hát để kết thúc buổi thực tập Làm mới.

Hiệp ước sống chung an lạc

Giả sử một người mà ta yêu mến nói những lời không hay với ta và ta cảm thấy bị tổn thương. Nếu ta phản ứng ngay lúc đó thì có nguy cơ làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Có một cách hành xử khác, đó là ta dừng lại và theo dõi hơi thở vào, ra để làm lắng dịu thân tâm. Khi đã có đủ bình an trong tâm, ta mới nói với người kia: Này em, điều mà em vừa nói thực sự làm cho anh tổn thương. Anh muốn nhìn sâu vào gốc rễ của vấn đề này và anh muốn em cùng thực tập với anh. Chúng ta có thể ngồi lại với nhau sau vài ngày nữa để nhìn về chuyện này. Một trong hai người biết nhìn sâu vào gốc rễ của khó khăn là rất hay, nếu cả hai người cùng nhìn sâu lại càng hay hơn.

Có thể chúng ta đang gây chiến với chính mình, tự hủy hoại thân thể mình bằng rượu chè hoặc ma túy. Giờ đây, ta có cơ hội ký kết một bản hiệp ước sống chung an lạc với chính cơ thể và cảm xúc của mình. Một khi chúng ta có khả năng sống chung an lạc với chính bản thân, chúng ta sẽ có bình an và từ đó chúng ta có thể bắt đầu hòa giải với những người mà ta thương yêu. Nếu trong tâm còn chiến tranh thì chúng ta sẽ dễ dàng gây chiến với người mà mình thương yêu, chưa kể đến kẻ thù. Nếu vậy thì làm sao chúng ta có thể hy vọng về hòa bình trong các mối quan hệ, hòa bình cho đất nước và cho thế giới này?

Ai trong chúng ta cũng có hạt giống của tuệ giác. Chúng ta biết rằng trừng phạt sẽ không đưa tới đâu, vậy mà chúng ta vẫn muốn trừng phạt người kia. Khi người ta yêu mến nói hoặc làm điều gì đó khiến ta đau khổ, ta muốn trừng phạt họ. Ta tưởng rằng trừng phạt người kia thì ta sẽ bớt khổ nhưng kỳ thực khi đủ sáng suốt, ta thấy rõ rằng đó chỉ là một nhận thức ngây thơ, khờ dại. Khi ta làm cho người mình yêu thương đau khổ, có thể họ cũng sẽ quay lại trừng phạt ta, cứ như vậy sự trừng phạt ngày càng leo thang.

Theo Hiệp ước sống chung an lạc, bạn có thể chọn bất kỳ ngày nào trong tuần để ngồi lại với người kia, cùng nhìn sâu vào khó khăn của hai bên, nhưng nếu có thể thì hãy chọn tối thứ Sáu. Chúng ta chọn tối thứ Sáu để có thêm thời gian nhìn sâu và chăm sóc cho những tổn thương của mình. Nếu chúng ta còn tổn thương mà lại vội vàng thực tập Làm mới thì chúng ta có thể nói hoặc làm những điều gây đổ vỡ, khiến tình trạng nặng nề hơn. Cho đến tối thứ Sáu, bạn có thể thực tập nhìn sâu vào gốc rễ của khổ đau trong mình và người kia cũng vậy. Rất có thể, trước ngày thứ Sáu, một trong hai người hoặc cả hai đều đã nhìn thấy được gốc rễ của vấn đề và có khả năng tìm đến người kia để nói lời xin lỗi. Trong trường hợp đó, đến tối thứ Sáu, các bạn chỉ cần đơn giản uống với nhau ly trà và tận hưởng sự có mặt của nhau là đủ. Đó là thiền tập. Thiền là sự thực tập làm lắng dịu thân tâm và nhìn sâu vào bản chất của khổ đau.

Nếu đến tối thứ Sáu rồi mà nỗi khổ đau của bạn và người kia vẫn chưa chuyển hóa thì hãy thực tập hạnh lắng nghe của Bồ Tát Quan Thế Âm: một người chia sẻ, bộc bạch hết nỗi lòng mình và người kia thực tập lắng nghe sâu. Khi chia sẻ, ta có thể nói hết những gì trong lòng mình nhưng hãy sử dụng lời nói hòa ái, lời nói mà người kia có thể thấu hiểu và chấp nhận. Trong khi lắng nghe, ta ý thức rằng sự lắng nghe của ta phải có phẩm chất mới có thể giúp người kia bớt khổ. Khi mọi mâu thuẫn đã được giải tỏa trong tối thứ Sáu rồi, các bạn sẽ có được ngày thứ Bảy và Chủ nhật để vui vẻ bên nhau.

Hiệp ước sống chung an lạc là phương tiện giúp chúng ta chăm sóc cơn giận và trị liệu những thương tổn trong mối quan hệ giữa mình và những người mà mình yêu thương. Khi ký hiệp ước này, ta không chỉ cam kết sống chung an lạc với người khác mà còn cam kết sống chung an lạc với chính bản thân mình. Ta không nhất thiết phải yêu cầu người kia ký vào thì bản hiệp ước mới có hiệu lực. Chỉ cần một trong hai người bắt đầu thực tập theo những điều đó thì tình trạng đã thay đổi rất nhiều rồi. Trong một số khóa tu, chúng tôi có tổ chức một buổi lễ đặc biệt để các cặp vợ chồng cùng nhau ký vào bản hiệp ước trước sự chứng minh và yểm trợ của cả tăng thân.

Chỉ đọc bản Hiệp ước thôi là chưa đủ. Bạn hãy cố gắng ký vào bản Hiệp ước đó trước sự chứng kiến của người khác, hoặc trước sự hiện diện của gia đình và cộng đồng. Điều này củng cố cam kết của bạn và giúp bạn có thêm sự yểm trợ của nhiều người.

Viết thư tình

Nếu bạn gặp khó khăn với một ai đó, hãy dành một chút thời gian ngồi yên và viết cho người ấy một lá thư. Ta có thể viết thư cho một người mà ta gặp hàng ngày hoặc một người đã nhiều năm không gặp. Nhiều người thấy sự thực tập này cũng rất hữu ích khi viết thư cho một người thân đã khuất. Sự hòa giải là món quà tuyệt vời mà ta hiến tặng cho chính bản thân, cho người mình yêu thương cũng như cho ông bà, tổ tiên. Chúng ta hòa giải với mẹ trong ta, với cha trong ta, tha thứ và chấp nhận cha mẹ như chính con người thật của cha mẹ. Nếu ta cảm thấy khó khăn thì bài thực tập viết thư này sẽ giúp ta khám phá ra những phương cách khéo léo để hòa giải với cha mẹ. Mang lại niềm bình an và trị liệu cho gia đình huyết thống là việc rất quan trọng, chuyện ấy không bao giờ là quá trễ.

Bạn hãy dành ít nhất là vài giờ để viết một lá thư cho người mà mình thương yêu. Trong khi viết, bạn hãy thực tập nhìn sâu vào bản chất của mối liên hệ giữa mình và người ấy. Tại sao sự truyền thông giữa bạn và người ấy lại trở nên khó khăn? Tại sao bạn không hạnh phúc khi sống với người ấy?

Trong lá thư, bạn có thể:

Nhận diện nỗi khổ của người kia

Nhận diện phần lỗi của mình trong khổ đau của người kia

Xin người kia giúp mình

Nhận thấy rằng mình không thể hạnh phúc nếu người kia không hạnh phúc

Cam kết sẽ không gây khổ đau cho người kia nữa

Viết một lá thư tình, không có nghĩa là chúng ta không thể nói lên sự thật. Chúng ta có thể nói lên sự thật nhưng chúng ta nói bằng lời yêu thương. Trước khi viết thư, chúng ta phải thực tập nhìn sâu vào tâm thức của mình, nhìn sâu vào tâm thức người kia để thấy được khổ đau và khó khăn của họ. Nếu người kia thấy rằng bạn có thể hiểu những khổ đau và khó khăn của họ thì họ mới chịu đọc lá thư của bạn. Là con người, ai cũng thích đọc thư tình, không ai ghét thư tình cả. Bằng những lời yêu thương, chúng ta sẽ có thể truyền đạt được cho người kia tuệ giác cùng những ý kiến của mình.

Tôi có một vị đệ tử xuất gia. Ba của sư chú muốn con trai mình trở thành một bác sĩ, có thể kiếm ra tiền và nuôi sống gia đình. Việc sư chú đi xuất gia làm cho ba rất giận. Nhưng sư chú lại thấy rằng, làm một người xuất gia, sư chú có thể giúp được nhiều người hơn là làm một bác sĩ. Người ba giận đến nỗi không thèm nghe điện thoại hay trả lời bất cứ một lá thư nào mà sư chú gửi về.

Hôm đó tôi đã gợi ý vài lời cho sư chú viết trong lá thư. Sư chú đã viết: Thưa ba, sống trong tăng thân, các anh em của con vẫn thường hay khen con có tính kiên trì, cẩn trọng và nói năng hòa ái. Lúc đầu, con không tin đó là sự thật, nhưng các anh em cứ nhắc đi nhắc lại hoài, rồi dần dà con cũng tin đó là sự thật. Nhìn cho sâu, thì con nhận ra rằng những đức tính tốt đẹp đó là do ba đã trao truyền cho con. Nếu không có ba, làm sao con có được những đức tính tốt đẹp đó? Con biết ơn ba mẹ và tổ tiên rất nhiều. Nhờ có ông bà, tổ tiên và ba mẹ trao truyền cho con những đức tính tốt đẹp đó mà các anh chị em trong gia đình tâm linh đã thương yêu và trân trọng con. Con viết lá thư này là để bày tỏ lòng biết ơn đến ba và ông bà, tổ tiên. Bây giờ, con rất muốn hiểu nhiều hơn về tổ tiên của mình. Ba kể cho con nghe về ông bà nội của con đi ba. Ba kể cho con nghe để con hiểu thêm về gốc rễ của mình, ba nhé!

Sau khi đọc lá thư đó, ba của sư chú đã hồi đáp mười trang thư và tình cảm cha con đã được hàn gắn. Một lá thư có thể tạo ra phép lạ. Sự thực tập ái ngữ rất mầu nhiệm, nó đánh động vào trái tim của người kia, mang lại sự hòa hợp và xóa tan hiểu lầm. Chỉ cần thực tập ái ngữ trong vòng vài phút, bạn đã gặt hái được kết quả rồi.

Bước thứ tư: Chia sẻ sự thực tập chánh niệm cho cộng đồng

Khi chúng ta đã biết cách chăm sóc cho bản thân và giúp cho người thân cũng như đồng nghiệp của mình làm được như vậy thì chúng ta có thể tìm cách đưa sự thực tập chánh niệm vào trường học. Điều này cần được thực hiện với sự yểm trợ của bạn bè hoặc đồng nghiệp, ta không thể làm một mình. Với chánh niệm, chúng ta có thể nhận diện và học cách chăm sóc những khổ đau của học trò và đồng nghiệp. Chúng ta cần lắng nghe học trò hay đồng nghiệp của mình, rồi giúp họ học cách lắng nghe người khác sâu sắc hơn. Thực tập ái ngữ và lắng nghe sâu sẽ giúp chúng ta tái lập được truyền thông trong trường học và mối truyền thông tốt này sẽ nâng cao chất lượng dạy và học của cả trường. Khi trường học của chúng ta có hạnh phúc thì chúng ta mới chia sẻ được hoa trái này với những tập thể khác trong ngành giáo dục. Chỉ khi nào chúng ta thành công trong trường học của mình thì mới có thể giúp được cho hệ thống giáo dục trên cả nước.

Trong trường học, chúng ta cũng cần xây dựng một cộng đồng (hay tăng thân) các nhà giáo. Vị hiệu trưởng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức trường học như thế nào mà mọi người có thể đến với nhau thường xuyên để học hỏi và nâng đỡ nhau. Lập một tăng thân các nhà giáo là điều rất cần thiết vì theo kinh nghiệm của tôi thì khi thực tập chung với nhau, chúng ta sẽ có nhiều vững chãi, nhiều tự do và hạnh phúc hơn. Đây là nền tảng của công việc mà chúng ta muốn thực hiện. Ai cũng cần có tăng thân để được nuôi dưỡng và duy trì sự thực tập của mình. Mỗi ngày, chúng ta được nuôi dưỡng và trị liệu nhờ vào sự thực tập của cá nhân và của tăng thân.

Chúng ta thực tập không chỉ cho riêng bản thân ta mà còn để giúp cho những người khác trong tăng thân tìm lại được sự tươi mát và vững chãi của họ. Chúng ta phải biết giới hạn của mình, đừng nhận lãnh trách nhiệm quá khả năng cho phép. Dù nhu cầu từ bên ngoài rất lớn, chúng ta phải biết giữ gìn năng lượng cho bản thân. Chúng ta cần thời gian để tự nuôi dưỡng và phục hồi.

Nếu muốn đi đường dài, chúng ta cần phải biết chăm sóc bản thân. Đôi khi vì hoàn cảnh đòi hỏi, chúng ta dễ dàng đánh mất mình trong công việc. Nhưng khi chúng ta đánh mất mình, chúng ta bị kiệt sức, thì ta chẳng giúp được cho ai và những người đang cần đến sự giúp đỡ của ta sẽ khốn đốn. Vấn đề không phải là chúng ta làm được bao nhiêu, mà là chúng ta có thể tiếp tục làm những việc ấy đều đặn mỗi ngày hay không?

Nếu không có hạnh phúc và vững chãi nhờ sự thực tập thì ta chẳng có gì để hiến tặng cho người khác. Điều này không đơn thuần là chuyện làm việc (doing) hay hành động (acting), mà chính là phẩm chất của sự có mặt (being). Nếu muốn đem lại bình an cho một ai đó thì trước tiên ta phải có bình an trong ta. Nếu trong ta không có đủ bình an thì những gì ta làm cũng sẽ không có năng lượng bình an trong đó. Vì vậy, chế tác bình an trong tự thân là nền tảng để ta có thể làm những công việc cho hòa bình.

Phần vấn đáp với giáo viên

Hỏi: Tôi có cảm tưởng trường học của chúng tôi đang chạy theo đường hướng làm càng nhiều càng tốt. Mặc dù đã thực hiện nhiều chương trình rất có giá trị nhưng trường vẫn tiếp tục đòi hỏi giáo viên và học sinh phải cố gắng làm nhiều hơn thế nữa. Dù biết rằng những chương trình trên đáng giá nhưng mọi người phải làm việc quá nhiều để thực hiện cho được nhiều chương trình như thế. Vì vậy, tôi đã đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo về giá trị thực chất của những công việc mà chúng tôi đang theo đuổi. Tôi thấy chúng tôi cần thư giãn hơn, bình an hơn trong công việc giảng dạy thường nhật, nhưng dường như chỉ có mình tôi nhận thức như vậy. Tôi cũng sợ ban lãnh đạo trường cho rằng tôi là người ưa phàn nàn, ưa gây chuyện. Làm sao tôi có thể hòa giải được điều này trong lòng mình? Tôi nên im lặng và tiếp tục dấn thân vào vòng quay điên cuồng này? Nếu không bỏ công việc này, tôi phải thực tập thế nào để duy trì chánh niệm trong môi trường làm việc này?

Thầy: Cô có thể viết một lá thư cho hiệu trưởng và ban lãnh đạo của trường. Họ cũng có những khó khăn và khổ đau, vì vậy, ở đầu thư, cô nên nhận diện những khó khăn và khổ đau mà các vị ấy phải đối diện. Có thể chúng ta chưa nhìn thấy những khó khăn của các vị ấy. Có thể họ cũng bị cấp trên đòi hỏi. Có thể chúng ta có những tri giác sai lầm về ban lãnh đạo, do vậy, chúng ta không nên chắc mẩm rằng họ không có khó khăn, không có áp lực. Có thể họ đang có quá nhiều áp lực. Khi cô đã hiểu được hoàn cảnh của họ, những khó khăn, áp lực và khổ đau mà họ đang gặp phải, thì cô có thể viết một lá thư dễ thương mà không trách móc hay phán xét. Trong thư, cô có thể trình bày đầy đủ những cái thấy, những ý tưởng và nhu cầu của mình. Cô nên đưa lá thư đó cho vài đồng nghiệp khác để họ đóng góp thêm trước khi đệ trình lên ban lãnh đạo.

Chánh niệm hàng ngày cho giáo viên

Tineke Spruytenburg, Hà Lan.

Tôi là giáo viên dạy trẻ tự kỷ, học sinh của tôi từ 6 đến 7 tuổi. Đây là công việc thử thách nhất mà tôi từng đảm nhận. Nếu không duy trì việc thực tập chánh niệm mỗi ngày, tôi sẽ không thể nào làm nổi công việc này. Trước khi rời khỏi nhà, tôi ngồi thiền ít nhất 20 phút. Trên đường đến trường, tôi quán sát cái tâm rong ruổi, bận rộn của mình và đem tâm trở về với thân.

Chăm sóc cảm xúc của mình khi đang dạy trẻ là điều khó khăn nhất. Nhiều em phản ứng rất mạnh khi sợ hãi hoặc hoang mang mà không hề ý thức được hậu quả của nó. Tôi chẳng thể nào quên được lần đó, một bé trai 7 tuổi đá vào chân tôi một cú đau điếng và tôi phải đi gặp bác sĩ sau đó.

Nhìn lại sự việc hôm ấy, tôi thấy rằng cái chân tôi đau không phải vì sức mạnh của cú đá mà đau vì bị tổn thương tâm lí. Bây giờ, mỗi khi có sự việc tương tự xảy ra, tôi cho mình thời gian để thực tập. Nếu được, tôi sẽ rời khỏi phòng sinh hoạt và thực tập thiền hành ở hành lang hoặc vào nhà vệ sinh gần nhất để ngồi yên và theo dõi hơi thở trong vài phút.

Tâm lí sợ hãi, khó tập trung và không hiểu chuyện gì đang xảy ra là những khó khăn hàng ngày đối với trẻ tự kỉ. Tôi cho các em thực tập hơi thở chánh niệm vài lần trong tuần, thường là trước khi bắt đầu các bài tập vận động như yoga hoặc sau khi kết thúc. Tôi cũng hướng dẫn các em cách ăn cơm chánh niệm, dù không dùng chính xác tên gọi này, để giúp các em tập trung vào thức ăn. Chúng tôi ăn trong im lặng để các em có thể nghỉ ngơi sau khi đã tiếp nhận nhiều thông tin và sự kích thích qua các giác quan. Hầu hết các em thích những giây phút lắng dịu và yên ả này. Các em dễ dàng giữ yên lặng khi thấy tôi yên lặng. Chỉ cần tôi xao lãng và nhìn quanh hoặc làm việc gì khác thì ngay lập tức sự yên lặng bị phá vỡ.

Tôi còn hướng dẫn các em cách đi trong chánh niệm (thiền hành). Chúng tôi thực tập một vài phút trước khi bắt đầu một buổi học mới. Dù đã được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể nhưng các em vẫn dễ bị chi phối bởi những gì diễn ra bên trong mình và xung quanh mình. Một hôm, tôi cho các em bài tập: Từ đây ra tới cổng trường, các em hãy hoàn toàn chú ý đến sự chuyển động của bàn chân khi nhấc lên, đặt xuống đất rồi lại nhấc lên khi chuẩn bị bước tiếp theo. Không suy nghĩ về bất cứ điều gì, chỉ tập trung quan sát bước chân mình đi như thế nào thôi. Khi đến nơi, chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ về kinh nghiệm thực tập của mình. Cả lớp hưởng ứng lời đề nghị của tôi. Khi đến nơi, một em trai chia sẻ rằng, em cảm thấy rất nhẹ nhàng, như thể em đang ăn một món gì đó bằng tất cả sự chú tâm. Một em khác chia sẻ rằng em sẽ tập thiền hành khi tâm em huyên náo. Những giây phút yên lặng như thế giúp cho trẻ em cũng như người lớn khôi phục lại được năng lượng, mang mọi người đến với nhau và tạo ra năng lượng tập trung cho cả nhóm.

Xây dựng tăng thân ở trường học

Một giáo viên tại Đức.

Khi vừa được học phương pháp thực tập chánh niệm tại Làng Mai năm 2005, tôi thấy sự thực tập này sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc dạy học của mình (khi ấy tôi đang dạy ở một trường cấp ba). Nhưng tôi phải bắt đầu như thế nào đây? Thời gian đầu, tôi không đưa sự thực tập vào lớp học một cách rõ ràng, chính thức.

Dần dần, trong tôi bắt đầu có sự chuyển biến. Tôi tiếp nhận những đòi hỏi của công việc giảng dạy một cách nhẹ nhàng, tích cực mà không xem đó là một áp lực nặng nề như trước. Nếu có chuyện gì xảy ra không như kế hoạch đã định, tôi đã có một nơi để trở về nương tựa và tôi thường tự hỏi chính mình: Có cách hành xử nào đưa đến hiểu biết và thương yêu trong trường hợp này? Chẳng cần phải tranh đấu, chẳng cần phải điều khiển ai theo ý của mình, chẳng cần phải than trách về yếu kém của người khác – một cách hành xử khác với thói quen thông thường của tôi cũng như của những đồng nghiệp trong hệ thống giáo dục. Giờ đây, tôi đã có thể trở về với tự thân, thở và tự nhủ: không sao hết, mình đã làm hết khả năng của mình. Mình cũng cần kiên nhẫn, cần hiểu và thương chính bản thân mình.

Tôi đã đọc quyển Keeping the Peace: Mindfulness and Public Service (tạm dịch là Giữ gìn bình an: Chánh niệm và phụng sự xã hội), tôi không bao giờ quên một câu mà Thầy viết trong sách: Nếu bạn muốn đem hoa trái của sự thực tập đến với nhiều người, bạn cần xây dựng tăng thân – đoàn thể gồm những đồng nghiệp có cùng ước muốn thực tập – để yểm trợ và nuôi dưỡng chí nguyện của bạn.

Lúc đầu, tôi hơi e ngại khi chia sẻ với đồng nghiệp trong trường về con đường tâm linh của mình. Nhưng nhờ lời khích lệ của Thầy, tôi đã có thể nói ra. Mới đầu, tôi chia sẻ với mọi người rằng tôi đã đến với tăng thân và tham dự một khóa tu học. Mọi người có vẻ thích thú cho nên tôi chia sẻ thêm một chút về sự thực tập cũng như những lợi lạc mà tôi có được từ sự thực tập đó. Điều thú vị là không ai phản ứng tiêu cực với những gì tôi chia sẻ. Khi thấy các đồng nghiệp đều mở lòng tiếp nhận, tôi mời mọi người đến tham dự một buổi thực tập với tăng thân địa phương. Tôi đâu đã làm gì nhiều mà mọi chuyện vẫn diễn ra tốt đẹp. Tôi thấy đề nghị của Thầy có thể trở thành hiện thực.

Năm nay, tôi cùng ba đồng nghiệp tham dự khóa tu học dành cho giáo viên tại Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu (gọi tắt là EIAB) tại thành phố Waldbröl, nước Đức. Sau khi trở về từ khóa tu, chúng tôi đã lập ra một tăng thân tại trường học. Đây là những gì chúng tôi đã và đang thực tập:

Cứ hai tuần một lần, chúng tôi gặp nhau khoảng 1 tiếng 15 phút. Chúng tôi ngồi thiền 10 đến 15 phút sau đó chia sẻ với nhau về những gì đang xảy ra trong cuộc sống của mình, về những khó khăn và những niềm vui trong việc giảng dạy ở trường. Cuối buổi chia sẻ, chúng tôi đưa ra một vài đề nghị thực tập cụ thể cho hai tuần kế tiếp, cũng như trao đổi những điều liên quan đến sinh hoạt của tăng thân. Chúng tôi hát chung với nhau vài bài thiền ca, thực tập tưới hoa và bày tỏ lòng cảm mến cho

Mỗi ngày ở trường, chúng tôi tập trung vào một bài thực tập khác nhau như: thở, thiền hành, ăn trong im lặng, mỉm cười hoặc thực tập chấp nhận. Trong ngày, chúng tôi chỉ cần nhìn nhau và biết rằng người bạn của mình đang thực tập, đó cũng đã là một lời nhắc nhở cho chúng tôi quay về với tự thân để duy trì chánh niệm.

Chúng tôi đặt một bình gốm trên bệ cửa sổ trong phòng giáo viên, mỗi người đóng góp vào đó một tấm thiệp nhỏ có ghi một bài thi kệ hoặc những câu trích dẫn đầy cảm hứng từ Thầy. Mỗi khi cần đến năng lượng yểm trợ của tăng thân, chúng tôi có thể lấy trong bình ra một tấm thiệp rồi đọc và chuyền cho nhau. Điều đó rất là đẹp!

Chúng tôi còn có một nguồn vui lớn khác nữa, đó là hệ thống đệ nhị thân (xem trang 165). Chúng tôi cố gắng nâng đỡ đệ nhị thân của mình bằng nụ cười, bằng sự thăm hỏi, có khi chúng tôi dán một thông điệp lên hộp thư của vị ấy hay đặt lên bàn của vị ấy một đóa hoa tươi. Chúng tôi thường chuyền cho nhau những gì chúng tôi nhận được, ai nấy đều phấn khởi, do đó năng lượng của tăng thân rất thông thoáng và trôi chảy. Khi giáo viên này áp dụng những phương pháp thực tập mới cho học sinh, các giáo viên khác được vui lây và nguồn cảm hứng lan tỏa khắp tăng thân. Chúng tôi thấy rằng, khi được tăng thân nâng đỡ thì mình sẽ trao truyền sự thực tập cho học sinh dễ dàng hơn.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 01 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 02 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 03 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 04 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 05 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 06 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 07 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 08 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 09 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 10 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 11 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, toàn tập tại đây.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »

Đăng ký nhận bảng tin hàng tuần

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.