Minh Niệm | Hiểu về trái tim (Chương 19)

Hiểu về trái tim giúp hiểu và chữa lành trái tim, tâm hồn của mình, để mọi người cùng được sống trong hạnh phúc và yêu thương.

 · 16 phút đọc.

Hiểu về trái tim giúp hiểu và chữa lành trái tim, tâm hồn của mình, để mọi người cùng được sống trong hạnh phúc và yêu thương.

Người ta vẫn thường nói rằng nghèo là khổ, nghèo khổ, chứ ít ai nói giàu khổ cả. Thật ra, người nghèo có nỗi khổ của người nghèo mà người giàu cũng có nỗi khổ của người giàu. Người nghèo vì không chấp nhận cái nghèo, oán ghét cái nghèo, muốn được giàu nên mới khổ. Còn người giàu lại sợ bấy nhiêu tài sản chưa đủ làm người khác nể phục, sợ bị phá sản, sợ bị kẻ xấu lợi dụng hay hãm hại nên mới khổ.

So ra cái khổ của người giàu còn phức tạp và nan giải hơn người nghèo. Phải chi trong xã hội ai cũng như ai, ai cũng sở hữu tài sản như nhau thì chắc chắn ý niệm giàu nghèo sẽ không có. Nhưng điều ấy không bao giờ là thực tế khi con người ngày càng ưa chuộng vật chất và xem đó là điều kiện căn bản của hạnh phúc. Cho nên, nếu ta may mắn không bị cuốn theo quan niệm của xã hội mà thoát ra khỏi ý niệm giàu nghèo, ta thấy sự hưởng thụ vật chất không phải là lý do lớn nhất để ta có mặt ở trên cõi đời này, thì chắc chắn ta sẽ không còn than nghèo khổ nữa.

Người ta cũng thường gộp chung cực với khổ, cực khổ. Nhưng bản thân của sự cực nhọc chưa chắc đã là khổ. Chỉ vì ta kháng cự lại nó, ta muốn mình không phải vất vả mà vẫn có đầy đủ mọi thứ tiện nghi như bao người khác nên ta mới khổ. Ta chỉ biết so sánh, đòi hỏi, chứ không chịu tìm hiểu căn nguyên sâu xa tại sao mình lại cơ cực.

Một lời nói đẹp, chân thành, có tính chất xây dựng niềm tin yêu chính là đóa hoa thơm ngát trong khu vườn văn minh của nhân loại.

Tiếp năng lượng cho nhau

Người xưa thường hay nhắc nhở: Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Ta vốn có sẵn một thứ tài sản rất quý báu, có thể làm cho những người sống bên cạnh an vui và hạnh phúc mà không phải tốn kém tiền bạc hay công sức, đó là lời nói dễ thương – ái ngữ. Đúng là bản chất của ngôn từ không thể nào diễn đạt hết những điều sâu sắc của tình cảm hay sự vô cùng của chân lý, nhưng nó thật sự cần thiết để tiếp sức cho nhau trong những lúc khó khăn. Những lời nói nhẹ nhàng và ấm áp được phát ra từ cõi lòng bình yên và thái độ kính trọng, không những tạo nên cảm giác dễ chịu, mà còn có thể xoa dịu và nâng đỡ người nghe rất nhiều. Khi ta biểu đạt ra ngoài bằng hành động hay lời nói phù hợp với những gì đang xảy ra trong tâm thì năng lượng của nó sẽ được khuếch đại lên gấp nhiều lần. Do đó một lời nói chân thành, truyền tải được năng lượng an lành, đích thực là liều thuốc bổ giúp nhau mau chóng hồi phục sức khỏe và tinh thần.

Do mải mê với những quyền lợi riêng tư nên đã từ lâu rồi ta đã bỏ quên thói quen khen tặng nhau. Đôi khi ta lại sợ mở lời khen thì họ sẽ đánh giá trình độ ta chỉ mới đạt tới mức ấy nên ta đã không đòi hỏi họ nữa, hoặc sợ họ sẽ khinh lờn khi thấy ta có vẻ bằng lòng về họ. Nhưng thực tế thì ai cũng mong muốn được người khác công nhận và khen tặng một cách chân thành và đúng đắn về những gì họ đã cố gắng đạt được. Nhất là lời khen tặng của người mà họ thương yêu và tin tưởng. Dù họ chưa thật sự hoàn hảo, nhưng chính những lời nâng đỡ của ta sẽ giúp họ có thêm tự tin để đạt tới mức hoàn hảo. Khen ngợi ưu điểm người khác một cách thật lòng, vô điều kiện, là chứng tỏ ta đã vượt qua được sự tự mãn và thành kiến của ta về người ấy. Ta đã thấy và xác nhận giá trị đích thực của họ.

Nên nhớ, cái đẹp (mỹ) phải được sinh ra từ cái thật (chân) và tốt lành (thiện) thì mới là cái đẹp đích thực. Khi ta cố gắng làm cho người kia vui lòng bằng những lời trau chuốt bóng bẩy mà lòng ta không hề nghĩ và muốn nói như thế, tuy nó tạo nên những cảm xúc dễ chịu trong nhất thời, nhưng vô tình ta lại phủ lên nhau những bức màn ngăn cách. Ta thấy có nhiều người luyện tập cách nói năng cực kỳ khéo léo, hấp dẫn. Dường như lúc nào trên môi họ cũng có sẵn hũ mật nên rất dễ khiến người khác xiêu lòng khi bị họ thuyết phục. Thậm chí, khi họ không hài lòng về ta hoặc không thích ta mà ta cũng không tài nào đoán biết được. Đó cũng là cách trang điểm cho cái tôi, dùng cảm xúc tốt này trao đổi với cảm xúc tốt khác. Chỉ có những kẻ thiếu tinh tế và thiếu tự tin mới bị sập vào cái bẫy ấy. Trong khi bản chất của ái ngữ thì phải có tính xây dựng niềm tin yêu cho nhau.

Có nhiều người chỉ thích sống với cái thật chứ không chú trọng cái đẹp. Họ cho rằng sống đẹp mà không thật thì đó là hành động lừa đảo khôn ngoan nhất. Vì thế họ nói năng rất bộc trực để thể hiện rõ ràng điều mình muốn nói, dù có khi làm nát lòng kẻ khác. Đúng là sự thật là điều quý giá nhất trên đời. Nếu phải chọn lựa giữa cái đẹp và cái thật thì người có hiểu biết dĩ nhiên sẽ chọn cái thật. Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng lý tưởng như ta nghĩ. Nếu ta sống một mình thì không nói gì. Đằng này đối tượng thương yêu sống bên cạnh ta chưa đủ giỏi hoặc đang rất yếu ớt, mà nếu lúc nào ta cũng bắt họ phải chấp nhận những cảm giác cực kỳ khó chịu chỉ vì đó là cái thật thì họ sẽ rất bất mãn. Vì vậy, chỉ có lời nói chân thật thôi thì ta sẽ không đủ sức để nâng đỡ hay dẫn dắt kẻ khác.

Tuyệt vời nhất vẫn là sự kết hợp hài hòa giữa cái đẹp và cái thật. Như trong trường hợp nếu để người kia biết được sự thật có thể khiến họ ngã quỵ ngay lập tức thì bắt buộc ta phải dùng lời khéo léo để che giấu bớt. Không làm được như thế là ta thiếu trách nhiệm, ta có lỗi lớn. Tất nhiên, ta cũng không quên tìm cách trả lại sự thật khi họ đã thật sự đủ sức tiếp nhận. Có nhiều người không có khả năng sử dụng lời nói đẹp, mỗi khi họ lên tiếng là người khác cảm thấy rất nặng nề và mệt mỏi. Thế nhưng, họ lại rất tự hào vì cho rằng mình đang sống thật. Cái thật chỉ để phục vụ cho sự ích kỷ, không hề có ý thức tôn trọng hay chẳng giúp đỡ được gì cho kẻ khác thì đó không phải là cái thật của chân lý.

Ái ngữ còn là lời nói rất cẩn trọng khi nhận xét. Dù biết khả năng của người kia chưa đạt hay họ đã hành động sai trái, thì ta cũng không được tự cho mình cái quyền chê trách tùy tiện. Một câu tuyên bố lạnh lùng như: Đừng nói nữa. Đi chết đi, hay thẳng thắn nhận xét: Chẳng ra gì cả, hay một lời phán xét: Đồ vô tích sự, hoặc một tiếng hằn học: Không để từ chối lời thỉnh cầu đều có thể khiến người kia tổn thương hoặc đẩy họ xuống vực thẳm. Tuy ta không có ác ý, nhưng trong nhất thời vì thất vọng hay tự ái nên ta đã buông ra cảm xúc rất độc hại. Nên nhớ lời nói luôn nằm sẵn trên môi, chỉ cần một kích động nhẹ của ngoại cảnh thì nó sẽ thay mặt cảm xúc nhảy vọt ra ngoài. Dù ta nhân danh bất kỳ điều gì đi chăng nữa thì lời nói cũng đủ thể hiện rõ trình độ hiểu biết và đạo đức của ta. Thế nên, lời nói cũng chính là kẻ vạch trần điểm yếu của ta một cách bất ngờ nhất.

Những lời nói gây nát lòng người khác thường xuất phát từ cảm xúc nóng giận nhất thời, như một loại phản ứng tự vệ dễ dàng và hữu hiệu. Nhưng khi bình tĩnh lại, ta vẫn luôn cảm thấy hối tiếc, nhất là khi biết được ta đã trách lầm người khác. Tiếc thay, người kia đã tin tất cả những lời ấy xuất phát từ suy nghĩ thật của ta, nên họ đã chấp chặt trong lòng. Dù sự hối lỗi chân thành của ta có khiến họ cảm động và chấp nhận bỏ qua, nhưng sự thật là họ không dễ dàng quên được. Nó vẫn còn in khắc sâu đậm trong tâm. Đúng là ngôn từ ấy không phải là tất cả con người ta, nhưng nói không phải là của ta thì cũng không đúng. Ta phải chịu trách nhiệm cho tất cả những gì mình đã tạo ra, dù chỉ là một lời nói.

Lắng nghe lời mình nói

Nếu thấy cách nói năng của ta còn quá vụng về, mỗi lần nói ra chỉ gây thêm sự hiểu lầm hay tổn thương kẻ khác, thì ta hãy nên thực tập im lặng một thời gian để nhìn lại mình. Ta cũng nên báo cho những người thân sống bên cạnh được biết, để họ khỏi thắc mắc và bảo vệ không gian thật yên tĩnh trong suốt thời gian ta không thể dùng lời nói để giao tiếp. Nếu cần, ta cũng nên dán bốn chữ thực tập im lặng trên áo để không bị người khác vô tình quấy nhiễu. Ta cũng nên tắt điện thoại, không chat trên internet và rời xa bất cứ phương tiện nào khiến ta dễ phản ứng nói năng hay suy tư vọng động. Trong trường hợp quá cần thiết, ta chỉ nên viết xuống tờ giấy chứ đừng vội vàng mở lời. Bởi ta đã quyết tâm thực tập im lặng tuyệt đối trong suốt ba ngày hay một tuần lễ để nhìn lại và sửa đổi cảm xúc ham thích nói năng, những ngôn từ thường sử dụng và cả thái độ ứng xử của ta trước nay. Trong suốt thời gian thực tập, ta cần phải bớt lại công việc để có nhiều cơ hội đối diện với tâm mình và quan sát chúng sâu sắc hơn. Nếu không khéo, vô tình ta lại dùng công việc để giết bớt khoảng thời gian thực tập im lặng thì ta sẽ làm sai lệch mục đích.

Trong khi làm việc gì ta cũng nên cố gắng làm chậm rãi hơn bình thường một chút, để quan sát thái độ của ta đang phản ánh lên công việc ấy. Ta nên tập mỉm cười mỗi khi nhìn thấy được những cảm xúc đi ngang qua, hay những ý niệm phát sinh trong tâm tưởng, kể cả khi chúng thúc giục ta nói năng hay hành động. Ta cần có một cuốn nhật ký để ghi lại tất cả những chuỗi phản ứng đó. Nhất là khi ta muốn lên tiếng để phản ánh về điều gì, dù đó là những ý nghĩ đen tối xuất hiện từ những ngõ ngách sâu kín. Khi có chút năng lượng quan sát, ta nên nhìn vào thói quen tự mãn hay độc tài của mình. Vì những phiền não đó thường là nguyên nhân chính khiến ta không thể nói năng dễ thương. Tuy không có ai làm đối tác, nhưng nếu quan sát tinh tế ta cũng sẽ nhận ra những phiền não ấy khi gặp phải những điều bất như ý nho nhỏ do chính ta gây ra. Hãy chấp nhận và thấu hiểu chúng.

Nếu thực tập nghiêm túc và đúng đắn, ta sẽ thấu hiểu về mình rất nhiều trong những ngày im lặng như thế. Ta sẽ không khỏi giật mình nhận ra từ bấy lâu nay ta chỉ chạy theo đối tượng bên ngoài, nên không hề biết trong tâm đã hình thành những nhận thức và thói quen rất đáng sợ. Ta từng cho rằng mình chưa hề khinh thường ai, nhưng ta không biết tại sao mình lại thiếu kính trọng khi nói chuyện với những kẻ yếu kém hơn mình. Cũng như ta luôn nghĩ mình đâu có căm ghét người ấy, nhưng ta vẫn không hiểu tại sao mình lại không thể sử dụng lời nói nhẹ nhàng với họ như khi trao đổi với bạn bè hay khách hàng. Nhờ dừng lại và nhìn sâu, ta mới phát hiện ra ta đã từng thấy mình quá quan trọng, tài giỏi và cống hiến nhiều, nên đã tự ban cho mình cái quyền nói năng tùy hứng mà không cần quan tâm đến cảm xúc của kẻ khác. Cũng vì sự ích kỷ nên ta đã không quyết tâm từ bỏ thói quen nói năng cộc cằn, thô lỗ, để đem tới năng lượng bình yên và tươi mát cho những người thân sống bên cạnh, dù họ đã khẩn thiết yêu cầu ta không biết bao lần.

Khi bắt đầu nói trở lại, ta nên giữ tốc độ chậm rãi để kịp nghe rõ từng câu chữ và quan sát được thái độ của mình. Thỉnh thoảng, cũng nên dừng lại để nhìn kỹ dòng cảm xúc và tâm ý nếu thấy mình đang nói tăng tốc. Thời gian đầu ta sẽ thấy hơi khó chịu. Vì trước nay ta chỉ quen nói tùy hứng, hoặc nói cho xong để đạt được mục đích, nên hầu như ta chỉ chú ý đến phản ứng của đối phương. Nhưng kiên nhẫn luyện tập chừng vài tuần, ta sẽ thấy mình có những thay đổi rõ rệt. Ta sẽ cảm nhận giọng nói của mình rõ ràng, tròn đầy và chắc chắn hơn. Ta sẽ thấy tự tin và thoải mái hơn khi trò chuyện với những đối tượng có uy lực lớn. Điều không ngờ là các mối quan hệ của ta sẽ được cải thiện rất nhanh. Nhất là những người đang sống bên cạnh sẽ rất biết ơn và nể phục tinh thần trách nhiệm của ta.

Điều thú vị hơn nữa là ta bỗng nhận ra rằng, mỗi lời nói khi được đặt trong phạm vi quan sát hợp lý thì nó sẽ tạo nên sức mạnh rất lớn. Nó vừa có thể thu phục những năng lực bạo động, vừa có thể nâng đỡ những tâm hồn yếu đuối. Cho nên một lời nói đẹp, chân thành, có tính chất xây dựng niềm tin yêu chính là đóa hoa thơm ngát trong khu vườn văn minh của nhân loại. Và chỉ có những ai sống thường trực trong tỉnh thức mới sở hữu được nó.

Ái ngữ thật nhiệm màu,

Tiếp năng lượng cho nhau,

Như cam lồ tịnh thủy,

Xoa dịu những niềm đau.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 01 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 02 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 03 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 04 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 05 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 06 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 07 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 08 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 09 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 10 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 11 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 12 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 13 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 14 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 15 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 16 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 17 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 18 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 19 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 20 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 21 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 22 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 23 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 24 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 25 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 26 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 27 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 28 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 29 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 30 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 31 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 32 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 33 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 34 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 35 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 36 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 37 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 38 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 39 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 40 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 41 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 42 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 43 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 44 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 45 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 46 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 47 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 48 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 49 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 50 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, chương 51 tại đây.

Đọc Hiểu về trái tim, toàn tập tại đây.

nhavantuonglai

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Quý Thể | Mùi cọp

Quý Thể | Mùi cọp

Chúng tôi còn giận nhau. Thực ra tôi biết nàng trở về nhà vào lúc 12 giờ khuya. Nàng cởi bộ áo lấp lánh kim tuyến treo lên móc.

Đăng ký nhận bảng tin hàng tuần

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.