Thích Nhất Hạnh | Tĩnh lặng | Chương 07

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.

 · 26 phút đọc.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.

Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Chưa bao giờ trong lịch sử loài người có quá nhiều phương tiện truyền thông như ngày nay: điện thoại di động, máy nhắn tin, điện thư (email), phương tiện truyền thông trực tuyến… nhưng chúng ta lại xa cách mọi người hơn bao giờ hết. Mọi người trong gia đình, trong xã hội và giữa các quốc gia ít có truyền thông với nhau thực sự.

Là một nước văn minh, chúng ta phải đảm bảo là không chế tác những nghệ thuật nghe nói chỉ nhằm để thỏa mãn một nhu yếu bình thường nào đó. Chúng ta thật sự không biết lắng nghe nhau. Hầu hết chúng ta có rất ít khả năng quý giá là bày tỏ chính mình và lắng nghe người khác với một tinh thần cởi mở, thành thật. Khi không thể truyền thông được thì năng lượng bên trong bị bế tắc, làm cho ta bệnh hoạn. Khi bệnh tình tăng trưởng thì ta lại khổ đau và khổ đau của ta lại đổ lên người khác.

Nếu muốn truyền thông với người khác tốt hơn, ta không cần phải nhắn tin thêm cho họ, mà ta chỉ cần lắng nghe họ thêm. Lắng nghe sâu đưa tới cái hiểu. Hiểu đưa tới liên hệ tốt hơn. Cách lắng nghe sâu không đơn thuần là cố gắng nhiều hơn. Trái lại, ta cần thời gian thực tập bắt đầu bằng sự im lặng, tắt đài NST trong đầu (đài suy nghĩ liên tục, không ngừng).

Truyền thông bằng chánh niệm

Tất cả chúng ta đều mong muốn (thèm khát) truyền thông và nhiều người trong chúng ta tìm cách truyền thông qua điện thoại, email. Ta thấy ngọt ngào dễ chịu khi ai đó gởi cho ta một tin nhắn hay một email, và cảm thấy lo lắng khi không có điện thoại hay không ở gần điện thoại.

Tôi không có điện thoại nhưng không thấy mất truyền thông với bạn bè và đệ tử. Tôi thường nghĩ tới họ. Tôi viết thư cho họ trên giấy viết thực sự. Nó cũng mất thời gian, đôi khi cần vài ngày hay cả tuần để viết một trang thư cho một người bạn. Nhưng trong lúc đó, tôi lại có nhiều thời gian để nghĩ về người bạn của tôi. Tôi cũng có những người bạn đến thăm. Chúng tôi không nói chuyện thường xuyên, ngay cả trên điện thoại. Nhưng khi ngồi chơi với nhau, chúng tôi thật sự trân quý thời gian đó. Tôi nhìn họ và lắng nghe họ kỹ càng. Lời nói của họ rất quý giá bởi vì tôi sẽ không được nghe những lời như thế nữa trong một thời gian.

Bạn có bao giờ ngồi chơi với bạn thân mà không cần nói gì hết không? Với tôi, đó là một tình bạn sâu sắc nhất, một tình bạn tâm linh chân thật. Điều này rất quý hiếm. Một người bạn tâm linh, một thiện hữu tri thức, trong một ý nghĩa nào đó, là người thầy của mình. Người thầy đích thực là người có tự do và không sợ sự im lặng. Người đó không cần phải được gọi là thầy, người đó có thể nhỏ hơn ta. Nếu trong đời, ta có một thiện hữu tri thức, một người bạn tâm linh tốt như vậy thì ta đã quá may mắn rồi. Người ta nói rằng gặp được thiện hữu tri thức thì quý hiếm giống như hoa Ưu Bát Đa La ba ngàn năm mới nở một lần.

Khi gặp được một thiện hữu tri thức, ta phải biết thừa hưởng những cái tốt từ người bạn đó. Người đó có hiểu biết, có hạnh phúc, có tự do và ta có thể nương tựa người đó để tưới tẩm những hạt giống hiểu biết, tự do cho chính ta. Cuối cùng, ta cũng nhận ra rằng ta không cần nhiều những tiện nghi tình cảm và tiện nghi vật chất. Chúng ta không cần thiện hữu tri thức, hay người bạn tâm linh khen ngợi ta, gọi điện cho ta mỗi ngày. Ta không cần những món quà mua ở tiệm hay những đối xử đặc biệt.

Chúng ta phải sử dụng thời gian của mình cho có hiệu quả. Nếu ta lãng phí thời gian với những đòi hỏi tầm thường thì ta sẽ không có khả năng thừa hưởng những món quà đích thực quý giá từ người bạn tâm linh. Chúng ta có thể gặt hái được những tuệ giác giá trị bằng cách quan sát cách người ấy hành xử qua những trường hợp khác nhau. Chúng ta có thể kinh nghiệm được cái hiểu biết lớn mà họ có được. Ta không cần phải ngồi cạnh họ suốt ngày, hay bắt họ chú ý tới ta, công nhận sự có mặt của ta. Đơn giản ta chỉ thưởng thức sự có mặt của họ mà không cần họ phải làm, hay cho ta bất cứ thứ gì.

Người bạn tâm linh, thiện hữu tri thức có thể là bất cứ người nào, có thể là người mà ta không mong đợi. Nhưng khi gặp được một người như thế, ta hạnh phúc vô cùng.

Nuôi dưỡng sự im lặng dễ chịu

Khi sống với một ai đó, có thể ta ý thức được sự tĩnh lặng từ người thân quen làm cho ta cảm thấy thoải mái. Nhưng nếu ta không gìn giữ chăm bón thì sự thoải mái dễ chịu này có thể khiến ta nhờn đi sự có mặt của người ấy. Antoine de Saint-Exupéry, tác giả cuốn Hoàng tử bé đã viết: Thương nhau không phải nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng. Tôi nghĩ ông ta nói như vậy không có nghĩa là ngồi trong phòng cùng coi ti vi với nhau.

Có thể lý do mà cả hai người cùng nhìn về một hướng ti vi là bởi vì nhìn nhau không mang lại hạnh phúc nhiều như trước đây. Khi mới gặp nhau, ta nghĩ người thương của ta rất dễ thương và hấp dẫn. Người ấy là thiên thần của đời ta, ta nói rằng: Không có em ta không thể sống được. Nghe giọng nói của người kia như là nghe tiếng chim hót, rất ngọt ngào, nhìn nhau thấy lòng ấm áp như mặt trời lên. Còn bây giờ, nhìn nhau, nghe nhau không còn mang đến cho nhau niềm vui và hạnh phúc nữa. Có thể ta đã cãi cọ quá nhiều và không biết cách hòa giải, không biết cách tìm lại nguồn hạnh phúc. Nếu ta không tìm cách nói chuyện, truyền thông mà cứ xem ti vi thì tình trạng chỉ tệ hại thêm năm này qua năm khác.

Có lần một phụ nữ đến phỏng vấn quý sư cô xóm Mới, Làng Mai cho tờ báo Phụ nữ. Ngày nọ, khi nhà báo đang nói chuyện với quý sư cô thì tôi đến thăm. Cô ta nắm lấy cơ hội này để phỏng vấn tôi. Cô ta muốn tôi nói về thiền và chánh niệm. Nhưng tôi thấy mình nên gây cảm hứng cho người ta thực tập hơn. Đây là những đề nghị của tôi cho độc giả báo Phụ nữ thực tập:

Tối nay, sau khi ăn tối, khi chồng mình mở ti vi lên, hãy thực tập những hơi thở thật sâu, làm cho thân tâm lắng dịu rồi mỉm cười với anh ta và nói: Anh ơi, anh có thể tắt ti vi được không? Em có chuyện muốn nói với anh. Với lời nói ái ngữ, bạn nói với chồng như thế. Có thể anh chồng hơi bực mình và chờ đợi một cuộc cãi lộn hay chuyện gì đó tương tự xảy ra.

Sau khi anh ta tắt ti vi, bạn tiếp tục mỉm cười và nói: Anh ơi, tại sao vợ chồng mình không có hạnh phúc? Dường như mình có tất cả. Cả hai đều có lương cao. Mình có nhà đẹp và có đủ tiền trong ngân hàng. Vậy tại sao mình không hạnh phúc? Chúng ta có thể dành vài phút để xem lại điều này không? Ban đầu chúng ta sống với nhau rất dễ thương, chúng ta có hạnh phúc. Chúng ta có thể nói cho nhau nghe để cùng nhau tìm ra nguyên nhân tại sao hạnh phúc của chúng ta lại ra đi?

Đó là thiền tập. Đó mới đích thực là thiền. Thông thường, chúng ta chỉ đổ lỗi cho người kia, nhưng trong bất kỳ mối quan hệ nào, cả hai bên đều cùng có trách nhiệm cho những gì xảy ra. Cả hai bên đều không biết cách nuôi dưỡng tình yêu và hạnh phúc. Hầu hết chúng ta không biết cách xử lý khổ đau hoặc giúp người khác xử lý khổ đau của họ. Vì vậy, tôi đã nói những điều đó với độc giả báo Phụ nữ. Để cho những chia sẻ của mình dễ thương và có ích, bạn phải chuẩn bị, sắp xếp những lời nói của mình, như là: Em đã có lỗi, em đã suy nghĩ, đã nói và đã làm những điều gây tổn hại đến hạnh phúc và truyền thông của chúng ta.

Khi thấy hai bên có sự xung đột thì ta phải trở về với chính mình và nhìn lại kỹ hơn. Nếu nhận ra được cách ta nghĩ, ta nói, ta làm có hại cho mối quan hệ của hai bên, thì ta có thể xin lỗi người kia. Với sự thành thật và chánh niệm, chúng ta có thể bày tỏ mong muốn làm mới trở lại.

Thực tập mà tôi đề nghị với nhà báo kia có thể gia đình nào cũng làm được. Chúng ta bắt đầu bằng cách tắt ti vi đi và nói chuyện với nhau. Sử dụng ngôn ngữ bình thường, cùng nhau nhìn sâu vào tình trạng của mình. Chúng ta có thể khởi đầu bằng những cuộc hội thoại như thế.

Khi một cặp vợ chồng đang khổ đau và cùng nhau nhìn về một hướng, thì hướng đó không phải là hướng ti vi. Những người thương yêu nhau thực sự thì nên nhìn về hướng an lạc. Tất cả chúng ta cần thực tập nuôi dưỡng tình thương và giúp nhau xử lý những khổ đau đang có trong mỗi chúng ta, trong chồng mình, vợ mình, bạn mình và trong thế giới. Người ta khổ đau trên khắp thế giới, chúng ta phải yểm trợ họ. Đây là điều mà ta có thể làm được. Bất cứ lúc nào ta giúp được cho mọi người bớt khổ thì hạnh phúc của ta sẽ lớn lên.

Trong các khóa tu ở Làng Mai, có những cặp vợ chồng sắp bị đổ vỡ đến tham dự. Đăng ký tham dự khóa tu là phương cách cuối cùng. Và sau mỗi khóa tu năm ngày, sáu ngày hay bảy ngày luôn luôn có những cặp vợ chồng có thể hòa giải được. Điều đó nuôi dưỡng hạnh phúc của tất cả mọi người.

Bạn và vợ hay chồng bạn là những người thương của nhau, bạn có thể mơ, nghĩ và hành xử như thế nào để giúp nhau bớt khổ. Một khi biết cách trưởng dưỡng hạnh phúc và xử lý khổ đau trong mình và trong người kia thì cả hai có thể tiếp tục giúp đỡ những người khác. Đó là cùng nhau nhìn về một hướng. Điều này làm cho hạnh phúc của ta vững chắc và tăng trưởng.

Âm nhạc im lặng

Trong âm nhạc có những khoảng lặng, không có âm thanh. Nếu không có không gian cho những khoảng lặng ấy thì nó sẽ trở nên rối rắm và hỗn độn. Âm nhạc mà không có những khoảng lặng sẽ rất rối loạn và nặng nề. Khi chúng ta ngồi yên với một người bạn mà không nói gì cả, nó quý giá và quan trọng như những dấu lặng cần thiết trong âm nhạc. Những người bạn ngồi yên lặng với nhau có thể tốt hơn là nói chuyện.

Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ được nhiều người mến mộ. Ông sinh năm 1939. Ông được gọi là Bob Dylan của Việt Nam. Người ta nói rằng khi ông qua đời năm 2001, hàng ngàn người đến tham dự buổi hòa nhạc tự phát trong lễ tang của ông.

Trịnh Công Sơn rất mệt mỏi với những tiếng ồn cho dù đó là những tiếng kêu gào khen ngợi hay vỗ tay hoan hô. Ông trân quý những giây phút tĩnh lặng. Ông viết: Có những sự có mặt của bạn bè tương đương với một dấu lặng trong âm nhạc nên sự có mặt đó thường có khả năng mang đến cho ta một sự thoải mái thảnh thơi tựa hồ như niềm hoan lạc. Đó là những trường hợp ta không cần phải đối phó, không cần phải cố gắng lấp đầy khoảng trống bằng những câu chuyện gắng gượng, nhạt nhẽo. Trịnh Công Sơn thích những lúc ngồi im lặng với bạn bè mà không cần nói năng hay làm gì cả, chỉ nuôi dưỡng bởi tình bạn. Tất cả chúng ta đều cần những tình bạn như thế.

Ở Làng Mai, chúng tôi thích ngồi thiền, đặc biệt là ngồi với tăng thân, ngồi như một gia đình tâm linh. Trong suốt buổi ngồi thiền, ta không nói gì cả. Ấy vậy mà nhiều người trong chúng ta cảm thấy ngồi ba, bốn người hay nhiều hơn thì vui hơn là ngồi một mình. Ngồi yên với nhau như thế, mỗi người đều được nuôi dưỡng bởi sự có mặt của nhau.

Trong tác phẩm Tỳ bà hành có kể một câu chuyện về một người phụ nữ đang chơi đàn Tỳ bà, bỗng dưng ngưng bặt không chơi nữa. Nhưng giây phút mà người chơi đàn Tỳ bà ngưng đàn thì tuy không có tiếng đàn mà còn hay hơn có tiếng đàn nữa. Tiếng tơ lặng ngắt bây giờ càng hay.

Thử thời vô thanh thắng hữu thanh. Thử thời là ngay bây giờ. Vô thanh nghĩa là không có âm thanh. Thắng là chiến thắng. Hữu thanh là có âm thanh. Vô thanh thắng hữu thanh, hay nói cách khác là âm thanh nhường cho sự im lặng. Không gian giữa các nốt nhạc rất hào hùng và rất có ý nghĩa. Nó hùng hồn hơn bất cứ loại âm thanh nào. Sự im lặng có thể dễ chịu, sâu sắc hơn âm thanh. Trịnh Công Sơn cũng thấy như vậy.

Một trong những học trò người Mỹ của tôi nói với tôi là ông David Sanborn người Mỹ, chơi kèn Xắc-xô, cũng nói những điều tương tự như vậy trong một cuộc phỏng vấn. Sanborn nói, theo như anh bạn Hank Crawford, người chơi Xắc-xô, và Miles Davis, người sáng tác và chơi kèn trumpet nổi tiếng: Hank hiểu rằng khoảng lặng mà ta ngưng lại quan trọng như âm thanh ta phát ra… Và khi nghe Miles Davis, tôi đã bị cuốn hút bởi sự đơn giản và cách sử dụng khoảng lặng của anh ta để làm đầy những khoảng không gian kia.

Thầy Ananda và âm nhạc truyền thông

Mối quan hệ và sự truyền thông cũng giống như một loại âm nhạc. Ngồi với bạn bè ta không cần phải nói gì cả. Chỉ cần có sự hiểu biết cảm thông và trân quý sự có mặt mà chúng ta hiến tặng cho nhau là đủ rồi. Tôi tin là trong những năm khổ cực của chiến tranh Việt Nam, điều an ủi lớn nhất của Trịnh Công Sơn là những giây phút ngồi yên với bạn bè. Tuy nhiên, nếu một người không biết cách ngồi như thế, nếu anh ta chỉ biết rót rượu từ ly này qua ly khác thì những giây phút ấy sẽ mất đi.

Một lần nọ, khi Bụt đang ở tu viện Jetavana Ấn Độ, trong khi 200 vị khất sĩ thường trú chuẩn bị cho khóa an cư hằng năm thì có 300 người từ Kosambi đến. Các vị khất sĩ rất vui mừng khi gặp nhau và họ nói chuyện với nhau rất lớn. Từ phòng của mình nghe ồn, Bụt hỏi vị đệ tử lớn Shariputta: Có chuyện gì mà ồn dữ vậy?

Thầy Shariputta trả lời: Có quý thầy từ Kosambi đến, gặp nhau họ mừng rỡ, nói cười lớn tiếng và đánh mất uy nghi. Xin Ngài tha lỗi cho họ.

Bụt nói: Nếu họ ồn ào, thô tháo như vậy thì mời họ đi nơi khác. Không thể ở lại đây được. Đức Bụt muốn dạy cho quý thầy sử dụng năng lượng của mình có ý thức và chánh niệm hơn.

Thầy Shariputta thông báo cho quý thầy nghe những gì Bụt nói. Quý thầy im lặng và dời đi một nơi khác gần đó để an cư. Trong suốt 90 ngày an cư, quý thầy nhớ lại lời Bụt dạy, không đánh mất mình trong những cuộc chuyện trò vô bổ. Họ hết lòng thực tập chế tác niệm định, và cuối mùa an cư họ chuyển hóa được rất nhiều. Điều này không làm cho họ trở nên nặng nề, nghiêm trọng mà trái lại khuôn mặt của họ sáng ngời, nụ cười họ rất tươi.

Vào ngày tự tứ, kết thúc mùa an cư, quý thầy muốn trở lại cảm ơn Bụt đã chỉ dạy cho họ. Khi tin này đến tai thầy Shariputta, thầy nói với Bụt: Bạch thầy, quý thầy đã hoàn tất ba tháng an cư và muốn đến bày tỏ niềm cung kính đối với Ngài. Bụt cho gọi các thầy đến và chắp tay xá chào.

Lúc đó vào khoảng 7 giờ tối, khoảng 300 thầy đến từ Kosambi và vài trăm thầy thường trú ngồi với Bụt trong thiền đường. Thầy trò ngồi với nhau im lặng từ 7 giờ tối cho đến nửa đêm, không ai nói với ai lời nào.

Thầy Ananda, thị giả của Bụt, đi đến bên Bụt và nói: Bạch thầy, bây giờ đã là nửa đêm, thầy có gì nói cho quý thầy nghe không? Bụt không trả lời, và mọi người ngồi với nhau như thế cho đến 3 giờ sáng, ngồi với nhau mà không nói một lời nào. Thầy Ananda hơi lung túng, vì vậy thầy đi đến bên Bụt và nói: Bây giờ là 3 giờ sáng rồi. Thầy có nói gì với quý thầy không? Bụt vẫn tiếp tục ngồi yên im lặng với mọi người.

Đến 5 giờ sáng, thầy Ananda trở lại và năn nỉ: Bạch thầy, mặt trời lên rồi, Ngài không nói gì với quý thầy chăng?

Cuối cùng Bụt lên tiếng: Thầy muốn ta nói điều gì? Thầy trò ngồi với nhau hạnh phúc, bình an như vậy không đủ hay sao?

Có khả năng hiểu và trân quý sự có mặt của người kia là một hạnh phúc rất lớn. Đơn giản như vậy thôi. Mặc dù không nói gì, không có một âm thanh nào phát ra, nhưng hoàn toàn có giá trị hơn bất kỳ một âm thanh nào khác.

Đến với nhau bằng sự im lặng

Trong đời sống hằng ngày, nhiều người cứ chuyện trò qua lại với người khác suốt ngày. Nhờ chánh niệm, ta luôn có khả năng chạm được vào cái tĩnh cư dễ chịu, tươi mát bên trong. Như tôi đã nói trước đây, độc cư không có nghĩa là sống một mình trong một cái cốc trong rừng sâu núi thẳm, cắt đứt mọi liên hệ với nền văn minh bên ngoài, cho dù sống độc cư là một trong những khía cạnh tâm linh mà chắc chắn ta cần thực tập.

Độc cư đích thực đến từ một trái tim an định vững vàng mà không bị lôi kéo bởi đám đông, bởi những buồn đau trong quá khứ, những lo lắng về tương lai, hay những căng thẳng, kích động trong hiện tại.

Nương tựa vào hơi thở chánh niệm, trở về với giây phút hiện tại là nương tựa vào hải đảo xinh đẹp và thanh tịnh mà mỗi chúng ta đều có trong lòng. Chúng ta không đánh mất mình, không đánh mất chánh niệm.

Chúng ta có thể ngồi chơi với nhau, với những người khác mà không bị đánh mất mình trong những cảm thọ hay kẹt vào những tri giác. Trái lại, ta có thể xem người kia như là những người yểm trợ ta. Khi thấy một ai đó đi trong chánh niệm, nói những lời thương yêu, an trú trong công việc mình đang làm thì người đó nhắc nhở ta trở về với suối nguồn chánh niệm trong mình. Khi ta thấy một người nào đang xao lãng, tán tâm thì đó cũng có thể là một tiếng chuông chánh niệm, nhắc nhở chúng ta tinh tấn trở về tiếp xúc với sự có mặt đích thực của ta, để hiến tặng cho tự thân và hiến tặng cho người khác. Có thể người kia nhận ra được phẩm chất của sự có mặt của ta và can đảm trở về với tự thân người ấy.

Khi chúng ta có mặt, chơi với những người chung quanh mà không đánh mất mình trong những cuộc chuyện trò thì bất kỳ ở đâu chúng ta cũng có thể mỉm cười, thở vào bình yên và an trú hạnh phúc trong hải đảo tự thân của mình.

Có được một tăng thân yểm trợ cho sự thực tập đều đặn của chúng ta là rất quan trọng. Nếu ta có cơ hội ngồi với người khác và để cho năng lượng chánh niệm tập thể ôm lấy nỗi khổ đau của ta thì chúng ta giống như một giọt nước đang trôi trong một dòng sông bao la và chúng ta sẽ thấy khỏe hơn nhiều.

Điều quý giá nhất mà ta có thể hiến tặng cho nhau là sự có mặt của chúng ta đóng góp vào năng lượng chánh niệm và an lạc tập thể. Chúng ta có thể ngồi cho những người không thể ngồi được, đi cho những người không thể đi được, chế tác năng lượng bình an và yên tĩnh cho những ai không yên tĩnh bình an được.

Có thể chúng ta không cần phải làm gì để tháo gỡ những nội kết của chúng ta trong bầu không khí như thế, nội kết tự nó được chuyển hóa.

Với mỗi bước chân chánh niệm, mỗi hơi thở ý thức, ta có thể vừa trị liệu bản thân vừa trị liệu thế giới.

Phát triển thói quen tập thể

Tâm thức cộng đồng có thể là một loại thức ăn độc hại hay hiền thiện. Cũng vậy, thói quen suy nghĩ, nói năng và hành động của cộng đồng có thể lành mạnh hay không lành mạnh. Nếu chúng ta, những người làm việc chung với nhau, những người trong gia đình hay bạn bè, cùng cam kết với nhau thở chánh niệm trước khi trả lời điện thoại, hay dừng lại nghe chuông, nghe điện thoại, nghe chuông đồng hồ điểm, nghe tiếng còi hoặc tiếng máy bay, điều này sẽ trở thành những thói quen tập thể mang đến rất nhiều lợi lạc.

Thói quen tập thể có thể rất hùng mạnh. Chúng ta có thể yểm trợ nhau để dừng lại những thói quen cổ hủ, không lành mạnh và đi tới một hướng đi tốt đẹp hơn. Cùng với nhau, chúng ta có thể dừng lại những suy nghĩ và tập trung vào hơi thở của mình. Chúng ta có thể yểm trợ nhau để thở vào nhẹ nhàng và tập trung vào hơi thở vào, thở ra nhẹ nhàng và tập trung vào hơi thở ra. Điều này rất đơn giản nhưng hiệu quả thì vô cùng lớn lao. Nếu mọi người dừng lại những suy nghĩ và thở với nhau bằng ý thức thì tự nhiên ta không còn bị cô lập hóa bởi cái cá nhân nữa, chúng ta là một tập thể vui tươi. Chúng ta không hành xử như những cá nhân riêng lẻ mà hành xử như một tập thể, một cơ thể siêu việt. Nguồn năng lượng mới được tạo ra này thậm chí còn mạnh hơn nguồn năng lượng được tạo ra khi ta đi và thở có chánh niệm.

Khi chúng ta cho phép mình buông thư và để cho nguồn năng lượng Chánh Niệm và Chánh Định tập thể đi vào mình thì việc trị liệu có thể xảy ra rất dễ dàng. Khi tuyệt vọng, nếu chúng ta mở thân tâm mình ra và để cho năng lượng Chánh Niệm Chánh Định tập thể đi vào thì chúng ta được trị liệu rất nhiều.

Nuôi dưỡng người khác

Chúng ta có thể học cách chế tác sự im lặng có công năng trị liệu hùng hậu, không chỉ trong gia đình hay trong những nhóm tu học địa phương mà còn trong những tăng thân rộng lớn hơn. Nếu là thầy giáo cô giáo, chúng ta phải biết cách nuôi dưỡng sự Im Lặng Hùng Tráng tươi mát này trong lớp học. Nếu là những thương gia, những nhà lãnh đạo, chúng ta có thể đề nghị mở đầu một buổi họp, hoặc bắt đầu ngày làm việc bằng sự im lặng này.

Năm 1997, ở Ấn Độ, khi viếng thăm chủ tịch quốc hội, tôi đã đề nghị ông giới thiệu pháp môn thực tập nghe chuông, thở và cười trong các buổi họp lập pháp. Tôi đề nghị các thành viên trong quốc hội bắt đầu các buổi họp bằng hơi thở chánh niệm và nghe chuông. Khi sự trao đổi và bàn cãi lên cao độ, mọi người không còn khả năng lắng nghe nhau nữa thì có thể thỉnh lên một tiếng chuông để cho toàn quốc hội có thể dừng lại, thở những hơi thở chánh niệm, làm lắng dịu thân tâm trước khi tiếp tục bàn luận và lắng nghe nhau. Mười ngày sau, ông ta lập ra một hội đồng đạo đức học (ethics committee) trông coi những thực tập đem lại văn minh cho quốc hội.

Nếu ta khắc những giây phút yên tĩnh bao la nho nhỏ vào những sinh hoạt khác nhau của đời sống hằng ngày thì ta sẽ đạt tới một tự do vô bờ bến. Chúng ta không còn tranh giành địa vị, danh tiếng với hy vọng những thứ này sẽ đem đến cho ta hạnh phúc nữa. Chúng ta có thể hạnh phúc ngay bây giờ. Chúng ta có thể có bình yên và an vui ngay nơi phút giây này. Dù chúng ta đã từng lăng xăng bất ổn suốt đời và chỉ còn hai phút nữa để sống trước khi nhắm mắt thì chúng ta vẫn có thể dừng suy nghĩ để thở những hơi thở chánh niệm, tìm lại sự yên tĩnh và bình an. Nhưng tại sao phải đợi đến khi nằm trên giường bệnh mới ý thức và trân quý phép lạ là mình đang còn sống?

Thực tập: Ngồi chỉ để ngồi

Thỉnh thoảng ta nghe người ta nói: Đừng có ngồi không đó, làm gì đi chứ. Họ rất muốn làm. Nhưng những người thực tập chánh niệm thì thường hay nói: Đừng làm gì hết, hãy ngồi yên đó. Không làm thực ra cũng là làm. (Vô hành tức là hành.) Có những người dường như họ không làm gì nhiều nhưng sự có mặt của họ rất quan trọng cho sự an sinh của thế giới. Phẩm chất của người đó thật sự cần thiết cho người khác và cho cuộc sống. Không làm đối với họ đã là làm rồi. Có thể đôi khi ta cũng muốn ngồi yên không làm gì cả nhưng khi có cơ hội, ta lại không biết ngồi yên, không biết thưởng thức giây phút hiện tại.

Điều này rất phổ biến vì xã hội của ta là một xã hội phải luôn có mục tiêu để hướng tới. Chúng ta có khuynh hướng luôn đi theo một chiều hướng nào đó và luôn có một mục tiêu đặc biệt trong tâm thức. Trái lại, đạo Bụt tôn trọng giáo lý vô nguyện (vô tác). Giáo lý này dạy ta không cần phải đặt ra một mục tiêu phía trước để chạy theo, bởi vì mọi thứ đã có sẵn trong ta rồi. Ngồi cũng vậy. Đừng ngồi để đạt được mục tiêu gì cả. Mỗi giây phút ngồi thiền đều mang ta trở về với sự sống. Bất kể làm gì, tưới vườn, đánh răng, rửa bát, chúng ta phải xem thử mình có khả năng làm với tinh thần vô nguyện không.

Chúng ta có thể ước mơ, có thể đặt ra mục đích cho đời mình. Nhưng đừng để cho chúng trở thành chướng ngại, không cho ta sống hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây.

Ngồi im lặng có thể là sự thực tập vô nguyện tuyệt vời. Chúng ta có thể thực tập thiền hướng dẫn theo hướng vô nguyện. Đây là thiền tập giúp ta vun trồng sự tự nhiên, tươi mát, vững chãi, trong sáng và không gian bao la trong lòng.

Thở vào, tôi biết tôi đang thở vào.

Thở ra, tôi biết tôi đang thở ra.

(Vào/ra).

Thở vào, tôi thấy mình là hoa.

Thở ra, tôi thấy tươi mát.

(Hoa/tươi mát).

Thở vào, tôi thấy tôi là núi.

Thở ra, tôi thấy vững vàng

(Núi/vững vàng).

Thở vào, tôi thấy mình là nước tĩnh.

Thở ra, lặng chiếu.

Nước tĩnh/lặng chiếu).

Thở vào, tôi thấy mình là không gian.

Thở ra, tôi thấy thênh thang.

(Không gian/ thênh thang).

Đọc Tĩnh lặng, chương 01 tại đây.

Đọc Tĩnh lặng, chương 02 tại đây.

Đọc Tĩnh lặng, chương 03 tại đây.

Đọc Tĩnh lặng, chương 04 tại đây.

Đọc Tĩnh lặng, chương 05 tại đây.

Đọc Tĩnh lặng, chương 06 tại đây.

Đọc Tĩnh lặng, chương 07 tại đây.

Đọc Tĩnh lặng, toàn tập tại đây.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Clifford Stoll | Gián điệp mạng

Clifford Stoll | Gián điệp mạng

Gián điệp mạng là câu chuyện người thật việc thật kể về cuộc săn đuổi hacker bất đắc dĩ của nhà khoa học chuyển tay ngang trở thành chuyên gia…

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.