Quê mình nghèo lắm, ở đây cũng chẳng biết làm gì
Thực hành tôn giáo giúp đời sống an lành, hạnh phúc, giác ngộ và mang lại năng lượng tích cực cho bản thân, giá trị đẹp cho cộng đồng.
· 7 phút đọc.
Khi ai đó hỏi rằng bản thân đang tìm kiếm điều gì ở một nơi xa xôi như thế này, tôi lại trả lời rằng ấy chính là sự no ấm của bản thân sau này. Hai tháng nữa là thời gian mà mọi người lục đục kéo nhau về, bản thân tôi rồi cũng sẽ ở trong dòng chảy hướng về quê hương như thế. Nhưng những chuyện gần đầy, khiến bản thân tự nhìn lại để hỏi xem liệu việc đi xa thế này có phải là một quyết định đúng đắn?
Quê mình nghèo lắm, ở đây cũng chẳng biết làm gì
Những năm tháng học Đại học, cứ mỗi lần về nhà mẹ tôi lại nói như vậy. Mong ước của bà bây giờ là hướng vào chính bản thân tôi, rằng khi đã đủ lông đủ cánh rồi, chính tôi sẽ tự bay được trên đôi cánh của chính mình. Đi xa thật là xa để có thể mong cầu được cái hạnh phúc và sự no đủ trọn vẹn. Cái mong ước ấy gửi gắm từ tuổi trẻ của bà, sự nghèo khó cướp đi những cơ hội học tập và tiến xa. Cả ba tôi cũng vậy, đôi lần tự chép miệng, Giá như ngày ấy có tiền để đi học, thì giờ đã khác nhiều rồi. Chính vì cái mong nguyện ấy, ngoài việc cố gắng cho sự phát triển của chính mình, tôi quên tìm hiểu liệu xem ở quê tôi sẽ làm được gì. Nhiều khi quên mất và tự cảm thấy sẽ khó lắm, nếu giờ ở quê sẽ khó có một cuộc sống thật tốt đẹp.
Bản thân tôi nghĩ rằng, nhiều người cũng chung suy nghĩ ấy. Sự phát triển kinh tế của các vùng trên cả nước là không đồng đều, thành phố lớn tập trung toàn cơ sở hạ tầng, thôn quê đôi ba chỗ hình thành khu công nghiệp. Còn lại vẫn là ruộng nương rừng rú, chưa kể bão lũ triền miên. Muốn làm ăn và sinh sống trọn vẹn từ những nơi ấy, là khó vô cùng. Điều này dẫn đến một thực trạng, là những vùng quê càng xa thành phố, thì càng già cỗi, cả cảnh vật lẫn con người. Những đứa trẻ đã lớn đã bay đi từ lúc nào.
Chỉ có một số ý, bằng sức mạnh và ý chí của bản thân để tự làm giàu trên quê hương của chính mình. Làm đồn điền, trang trại, nuôi cấy trồng rừng, phát triển nông lâm ngư nghiệp từ mảnh đất của cha ông để lại. Sự phát triển ấy phần đa là gắn liền với đất đai với thiên nhiên. Sự phát triển ấy đổi lại rất nhiều sức lực của con người. Và thành quả luôn vô cùng mong manh trước những bão lũ hạn hán. Sự khắc nghiệt của môi trường càng ngày càng tăng, nhưng ý chí và sức mạnh của con người liệu có theo được kịp? Còn chưa kể công sức tiền bạc đổ vào thêm mấy lần là sẽ cạn? Cuộc sống và lựa chọn ở quê luôn ngập tràn những khó khăn và đấy thách thức cho bất kỳ ai dám ở lại.
Đi càng xa, càng kiếm được nhiều tiền
Có một thực tế rằng, hai đầu tàu phát triển kinh tế của đất nước là nơi mà mọi người đổ tới để tìm kiếm cơ hội lập nghiệp và phát triển bản thân. Chính bản tôi cũng không là ngoại lệ. Dù có thể rằng mức chi tiêu và sinh hoạt phí ở hai thành phố lớn là cao hơn rất nhiều khi so với ở quê. Nhưng số tiền kiếm được từ những nơi này là không ít, đấy chính là điểm cốt lõi để mọi người đặt chân đến một nơi xa quê hương.
Anh bạn tôi đặt chân đến Sài Gòn sau bốn năm học Đại học, tới nay đã ở được ba năm. Chừng ấy thời gian cũng không đủ để khiến anh quen cảm giác ồn nào náo nhiệt nơi thành phố này. Anh vẫn nhớ quê vẫn mong mỏi sẽ sớm về quê làm việc, nhưng những dự định và kế hoạch cho sự nghiệp đã níu anh ở lại đây từ rất lâu rồi. Anh vẫn luôn cảm thấy rằng, những gì mình gây dựng từ trước đến nay, sẽ rất khó để tiếp nối nếu như về lại quê hương. Ở đấy đá và sỏi là chính yếu, người ta cần lao động chân tay là phần chính chứ lao động trí óc chưa phải ưu tiên số một. Anh vẫn luôn day dứt, và băn khoăn để quyết định, liệu sự nghiệp của bản thân là quan trọng hơn hết mọi điều. Hay được sống và hít thở không khí ở quê nhà mới là thứ anh lựa chọn.
Kể cả khi không thể lao động miệt mài bằng trí óc, nhiều người vẫn tìm đến các thành phố lớn để kiếm tiền. Những công trình đang dang dở, những xí nghiệp ngày đêm máy móc chạy ầm ầm, và cả những đại lộ đang dần hoàn chỉnh… luôn là nơi khát nhu cầu lao động phổ thông. Một thành phố trong nhịp phát triển, đang trong mình sự kiến tạo luôn có đủ cơ hội cho bất kỳ ai tìm đến. Sài Gòn hay Hà Nội, và cả những thành phố nhỏ hơn đều hợp để thực hiện một ước mơ như thế.
Nhưng không phải cái xa xôi nào cũng đem lại thành quả
Mới đây, vụ việc 39 người nhập cư tử vong trong trong container đã đặt ra nhiều câu hỏi về sự đánh đổi. Liệu rằng có nên mạo hiểm trong thời điểm hiện tại để đổi lấy một tương lai xa xôi mà mình không nắm chắc trong tay hay không? Câu trả lời sẽ rất khó để thỏa mãn và phù hợp với hết mọi người, nhưng từng bản thân điều biết lựa chọn mình sẽ phù hợp với chính mình đến đâu.
Như bản thân tôi cũng vậy, khi bắt đầu định hình được mục tiêu của sự nghiệp, và mong muốn của bản thân sau này. Tôi chọn Sài Gòn là nơi tiến thân để bắt đầu những ước mơ. Dẫu cái sự mệt mỏi và bụi bặm mỗi ngày cứ đeo bắm, nhưng mục tiêu và sự kiên định trong bản thân luôn hiện hữu. Tuy vậy, tôi vẫn thật lòng nghĩ, liệu đi thật xa như thế này có phải là một lựa chọn hợp lý để bắt đầu cuộc sống? Liệu mình có thể đi chậm lại, đi từ tốn nếu chọn ở nhà; Hay phải thật rõ ràng và có kết quả chắc chắn trong tầm tay như thời điểm hiện tại mới là hay?
Thật lòng khó đoán biết được câu trả lời chắc chắn, bởi mỗi quyết định đi hay ở đều mang trong mình những thử thách và cơ hội riêng của nó. Chỉ là bản thân này đang mưu cầu điều gì ở hiện tại, đang ước mong gì ở tương lai. Và tâm có thật sự an tĩnh với những quyết định của chính mình hay là không? Thì phải cần thêm thời gian và sự chiêm nghiệm của mình mình mới có thể trả lời một cách trọn vẹn.