Cảm ơn, vì đã đến (bên mình) trong thời gian qua
Đến hẹn lại lên, cứ mỗi cuối năm mình lại dành thời gian để chia sẻ những trải nghiệm, suy nghĩ đầy tính cá nhân về năm qua. Năm nay, vì chuyện gia đình lẫn cá nhân nên…
· 25 phút đọc · lượt xem.
Đến hẹn lại lên, cứ mỗi cuối năm mình lại dành thời gian để chia sẻ những trải nghiệm, suy nghĩ đầy tính cá nhân về năm qua. Năm nay, vì chuyện gia đình lẫn cá nhân nên mọi thứ khá chậm trễ, Rewind 2020 không thể xuất bản đúng hạn là cuối tháng 12._
Nếu như bạn có quên, hay đây là lần đầu tiên đọc Rewind của mình, thì có 2 điều ngắn gọn sau mình rào đón trước, đầu tiên – những chia sẻ trong đây là hết sức cá nhân, và mình cũng không nghĩ sẽ tạo nên cảm hứng hay lan tỏa một thông điệp nào, chỉ là đôi điều tâm tình cuối năm; và sau nữa, những bức ảnh trong đây, có thể bạn sẽ thấy rất bình thường, (hoặc tầm thường), nhưng với mình – khi chọn và đặt vào thì không vì nó đẹp hay hoàn hảo trọn vẹn, mà bởi cảm xúc nó đem lại, ngay khi nhìn ngắm lẫn lúc bấm máy.
Và dài dòng cho mở đầu đến đây là đủ rồi, mời bạn bước vào thế giới của mình…
Covid 19 – Sự bất ổn và an toàn trong những lựa chọn
Mình nghĩ rằng, tâm điểm 2020 không chỉ của riêng mình, và với nhiều người ấy chính là Covid 19. Đại dịch tác động mạnh mẽ đến tất cả mọi người, trong mọi lĩnh vực, theo mọi cách khác nhau, đánh vào sự tự tôn và cả những niềm kiêu hãnh của riêng từng người.
Covid đem đến cho mình hai trải nghiệm, đầu tiên là cách ly trong những đợt bùng dịch; và hai nữa chính là suy nghĩ thế nào là sự nghiệp an toàn, ổn định.
Đầu năm cho đến ra Tết, mình đọc báo và thấy những tin về Covid. Lúc ấy, mình nghĩ đơn giản nó chỉ là một dịch bệnh bình thường – Tức như bao dịch bệnh khác mà mình biết, và tác động cũng không có gì là rõ ràng với bản thân mình. Hóa ra mình đã lầm.
Qua Tết được vài tuần, dịch bùng lên phức tạp, khắp nơi khuyến cáo mang khẩu trang và dùng nước rửa tay, cảnh hỗn loạn từng thấy đâu đâu thì nay lại chân thực ngay trước mắt. Lúc ấy, mình mới bắt đầu cảm nhận được rằng, Covid nó không hề giống với bất kỳ đợt dịch nào trong quá khứ mà mình đã trải qua, và rồi nhận thức của mình sẽ thay đổi mãi mãi khi nghe về một cơn dịch sắp cuốn tới.
Tháng 3, đợt cách ly đầu tiên, mình dọn máy về nhà và làm việc ở đó. Ngày nối ngày và đêm nối đêm ở chỉ mãi trong phòng. Vốn trước đến nay, điều ấy với mình không có gì là khó khăn, khi việc đi ra ngoài và tận hưởng sự ồn ào là điều mình rất hạn chế (chỉ trừ khi hứng khởi vô cùng với một kế hoạch nào đó). Nên, những tuần đầu tiên, mọi thứ trôi qua êm đềm, sáng tỉnh giấc muộn hơn xíu vì không phải chen chúc ngoài đường tới văn phòng; chiều tối tắt máy là có thêm thời gian để làm đôi điều chi đó. Tự nhiên, mỗi ngày dư ra gần 2 tiếng, là khoảng thời gian mà trước đó và sau này dùng để đi làm, mình cảm thấy bản thân như sống được lâu hơn một chút, không còn phải vội vàng và ngó nghiêng xung quanh như trước nữa.
Nhưng, cái gì nhiều quá cũng chán, làm việc ở nhà mãi cũng như vậy. Tới gần tròn 1 tháng, mình ngán thật sự. Ngán việc sáng tỉnh giấc, chụp ảnh màn hình gửi nhân sự để thay lượt checkin, rồi họp hành đều qua Skyper, mặt nhìn cái được cái mất còn giọng người này người kia dần trở nên lạ lẫm.
Mình vốn quen không chuyện trò, công việc hiện tại phù hợp một phần bởi không cần nói quá nhiều vì hiệu quả được đo lường bằng chất lượng con chữ. Nên, khi những lời nói thốt ra đều rơi vào thinh lặng, không ai hồi đáp, diễn ra thường xuyên tạo cho mình cảm giác cực kỳ cô độc dần cảm thấy sợ hãi với viễn cách cách ly dài ngày thế này.
Chính thế, thi thoảng mình lại dắt xe ra, lượn vài vòng giữa lòng thành phố vào sáng cuối tuần. Cây cối với đường sá vốn trước thân quen, nay lạ lẫm vì mấy khi Sài Gòn lại yên tĩnh đến thế, và một chút nào đó gợi mình nhớ về quê nhà, về sự lặng lẽ giữa những con đường nội thành thường đi qua. Trải nghiệm ngắn ngủi đôi tiếng như vậy, phần nào giúp mình có được sự khuây khỏa, thoải mái hơn rất nhiều. Cảm giác bí bách mệt mỏi cùng cực theo đó cũng dần tan biến, cuối tuần vào lúc ấy – đúng nghĩa là sự hồi phục về mặt tinh thần. Cũng may rằng, chuyện ấy sớm kết thúc khi tháng 4 đến, mọi thứ dần được kiểm soát và thành phố lại sôi động như trước. Sự mệt mỏi dần lại hằn trên gương mặt mọi người mỗi khi mình chạy xe trên đường, nhưng mọi người dường như dễ chấp nhận hơn, dễ thỏa hiệp với sự mệt mỏi ấy hơn trước. Bởi dịch bệnh đã khiến mọi người phải sợ hãi sự trì trệ của công việc, cách ly của xã hội như thế nào.
(Những câu chữ tiếp theo đây sẽ khá lẫn lộn với câu chuyện về Đà Nẵng trong phần thứ hai, nhưng mình vẫn sẽ cố gắng để rạch ròi mà kể mỗi chuyện dịch bệnh).
Đến tháng 7, sau bao lần trì hoãn, mình cuối cùng cũng bay về Huế được để thăm gia đình và gặp lại đôi người bạn. Chuyến về ngắn ngủi vì mình chia lịch ra, 2 ngày ở Huế và 2 ở Đà Nẵng. Chuyến đi ấy, trở nên phức tạp theo cách mình không thể ngờ tới. Ngay trong chiều trước khi đi vào Đà Nẵng, tin về ca nhiễm trong cộng đồng mới bắt đầu rộ lên, mình hơi lo nhưng nghĩ rồi cũng sẽ không sao, mọi chuyện đang được kiểm soát cơ mà…
Trong khoảnh khắc khi ở trên chuyến tàu đêm ấy, mình cảm tưởng như nó là chuyến đi ngược lại quá khứ, đi ngược đèo Hải Vân vào với Đà Nẵng, không như những đêm tăm tối (theo nghĩa đen) năm nào từ Đà Nẵng về lại quê nhà. Đến nơi, điện thoại pin yếu, hiện lên gần 2 giờ sáng, đường phố vắng ngắt và gợi mình nhớ về những ngày vắng vẻ trong đợt cách ly tháng 3 của Sài Gòn, dù rằng lý trí vẫn biết đang là rạng sáng, thì đường phố im ắng cũng là thường tình.
Sáng hôm sau, tin chính thức rằng có ca nhiễm mới trong cộng đồng, thực hiện khẩn cấp giãn cách xã hội, quán sá từ chiều hôm ấy bắt đầu đóng cửa, mọi người bắt đầu cảnh giác. Ngày tiếp theo, thành phố Đà Nẵng chính thức trở thành vùng dịch, người đi từ đó phải cách ly tại nhà. Mình bị động theo tình huống ấy, đa số cuộc hẹn đều hủy, không là mình thì cũng là bạn, chỉ đôi cuộc gặp ngắn ngủi vẫn diễn ra. Thực ra lúc ấy, không phải tụi mình coi thường lệnh phong tỏa, mà biết rằng chuyện sẽ không quá nghiêm trọng nếu thực hiện đủ quy tắc phòng dịch.
Lý do mình vẫn đi vào Đà Nẵng dù trong đó đang có ca nghi nhiễm, là một sự lạc quan đáng kể rằng, tình huống này không quá nghiêm trọng và không tác động nhiều đến mình. Sự lạc quan lúc ấy, giờ khi viết ra, mình thấy thật là mù quáng và quá thiếu cơ sở. Nhưng mình muốn nói rằng ngay lúc ấy, mình rất bị động và gần như không còn phương án nào khác, khi vé máy bay chiều bay vào Sài Gòn đã đặt, chuyện vào Đà Nẵng cũng có người biết – dù mình không đi rồi cũng phải thực hiện tự cách ly tại nhà.
Và càng về cuối ngày, khi mình chuẩn bị lên máy bay, tin tức về đợt phong tỏa dần xuất hiện. Đợt phong tỏa đầu tiên không tạo nên kinh nghiệm và tâm thế đón nhận những đợt phong tỏa tiếp theo, khi mà nhịp sống thường ngày đang diễn ra vô cùng tốt đẹp – thì phải cách ly, phải phong tỏa và dè chừng nhiều thứ. Nên, không quá khó hiểu khi lúc ấy, xung quanh mình là một sự hoang mang, bất ổn và rối rắm vô cùng mãnh liệt. Người ta nói nhiều về chuyện liệu những chuyến bay khi đáp xuống có phải đi cách ly tập trung hay không, hay trên từng chuyến bay liệu có F0, F1, hay F2… hay không? Những lo lắng ấy là có căn cứ, nhưng thiếu cơ sở để người ta tìm ra một câu trả lời hợp lý. Mình bị cuốn theo nó, bối rối và bị động theo từng bước chân đi, sợ không biết điều gì đang chờ đón ở phía trước.
May mắn rằng, chuyến trở về lại Sài Gòn ấy là suôn sẻ, không gặp nhiều trắc trở. Mình tự cách ly và làm việc tại nhà trong 3 tuần, trong đó có 2 tuần sau là xét nghiệm là đợi nhận kết quả. Cũng khi về rồi, mình mới hay bản thân trong những ngày ở Đà Nẵng là F3, bạn mình (F2) đi học trên lớp và tiếp xúc với giáo viên (F1) giảng dạy trực tiếp với một bệnh nhân (F0). Lúc nghe tin mình cũng hoang mang lắm, cố gắng thận trọng báo với từng người mình đã tiếp xúc khi ở Đà Nẵng rằng họ là F4 nè, chú ý bản thân hơn nhé. Đến đoạn mình báo với chị bạn kia, chị bảo không sao đâu, chị đang là F2 sau vài hôm gặp mình nè, tự nhiên mình bật cười đầy đau khổ, có ai mà biết dịch bệnh lại mịt mù khắp nơi đến như thế cơ chứ.
Covid 19 phá vỡ niềm kiêu hãnh của mình. Khi trước lúc nó đến, mình tin mình sống một mình vẫn được, độc lập tự chủ quen rồi, đi ăn một mình, xem film hay cà phê cũng thế đã quá quen thuộc và chẳng gì là ngại ngùng. Nhưng những tháng ngày cách ly đã đẩy sự độc lập ấy đến giới hạn, nuôi dưỡng bản thân mình trong sự cô quạnh quá là lâu, làm mình ngột ngạt và thèm khát được trò chuyện, được gặp gỡ người khác nhiều đến thế nào. Một niềm kiêu hãnh khác cũng bị lung lay dữ dội, đó chính là sự nghiệp, hay cụ thể hơn là công việc.
Mình không định hướng làm việc môi trường nhà nước, hay được biên chế. Bởi cảm thấy rằng nó thui chột sự phát triển, và không tạo nên thử thách cho bản thân mình. Nó được mẹ mình diễn giải đơn giản bằng thắc mắc, rằng công việc ấy (mà hiện tại mình đang theo đuổi) có làm được cả đời không? Cái làm được cả đời của mẹ, chính là một công việc để gắn bó dài lâu, ổn định và không bị lung lay theo năm tháng. Dù có nghiêm túc hay nặng nhẹ thế nào, mình vẫn không thể giúp mẹ hiểu được rằng – bản thân mình sẽ không bao giờ làm một công việc đến hết cả cuộc đời được, bởi như thế là rất chán, và rất ngán.
Covid đến, thử thách điều ấy theo cách mình không tưởng. Trong những cuộc trò chuyện của mình và bạn, diễn ra xuyên các đợt cách ly rồi phong tỏa, sự chống chọi của cả thành phố hay diễn biến phức tạp không được nhắc nhiều bằng sự chống chọi của những cá nhân trong cơn đại dịch. Không xa xôi ở đâu hết, bạn bè mình rất nhiều người bị ảnh hưởng, người thì bị cắt từ 30 đến 70% lương, rồi người vì dịch mà thất nghiệp với ở nhà, xong không biết nên đi hay ở lại thành phố… Trong từng biến cố ấy, cả mình và bạn đều hiểu rằng: phần vì năng lực cá nhân chưa đủ sức thuyết phục người ta giữ lại, phần nữa là giải pháp của các bạn đang chịu tổn thương trực tiếp.
Nhưng trong cơn khủng hoảng nhân sự đó, những bạn có biên chế nhà nước lại ít chịu sự tác động hơn cả. Nếu có chăng, thì cũng chỉ là sự trao đổi đầy vô vọng giữa các bạn trong vai trò giáo viên và các ô ảnh là học sinh trên màn hình. Nhưng những điều ấy, vẫn đảm bảo được miếng cơm manh áo, khi tổ chúc của các bạn không quá lo chuyện tiền bạc, doanh thu giảm sút.
Và như thế, cái lựa chọn thiếu trải nghiệm, không tạo nên sự thú vị mà trước đó mình nhận định và từ chối theo đuổi; Thì nay lại tỏ ra an toàn, vững vàng đầy yên ổn trong cơn sóng dữ. Điều ấy khiến mình đặt ra câu hỏi, liệu việc theo đuổi sự nghiệp theo hướng nào mới là điều mình nên làm? Nên chọn công việc ổn định, an toàn dù thu nhập thấp; Hay thả mình vào những trải nghiệm mới mẻ cùng cái đầu lạnh để kiểm soát tốt tài chính bản thân? Mình nghĩ, sẽ đến một lúc nào đó, một độ tuổi nào khác, bản thân ai cũng sẽ tự đặt câu hỏi như thế, trong vòng quay cuồng của những con số và giấy tờ trên bàn, để liệu xem lựa chọn hiện tại đã đúng, đã phù hợp với mình hay chưa.
Một điều rõ ràng, nếu không có Covid, thì suy nghĩ ấy sẽ đến với mình chậm hơn, và được dự báo trước bằng những tín hiệu vô vị của cuộc sống. Mà thì, điều gì đến rồi cũng đến, điều chi cần suy nghĩ rồi cũng làm mình đau đầu. Quyết định cho những suy nghĩ ấy, vẫn luôn là thứ khiến mình phải băn khoăn, và bối rối bởi liệu chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo – như cách mà đại dịch tác động, diễn biến đầy phức tạp trong năm qua, và có khi cả năm tiếp theo nữa…
Bỏ quên tuổi trẻ bên kia chân đèo
Mình rời Đà Nẵng để nam tiến vào đầu tháng 6 năm 2019, sau hơn 2 năm sống và làm việc ở đó. Với mình, Đà Nẵng là nơi đong đầy kỷ niệm. Những ngày cuối, mình bận rộn với những cuộc hẹn tạm biệt. Chỉ đến đêm cuối cùng, gặp đôi người và ôm thật chặt, tâm sự những câu chân tình xong mình mới thật thảnh thơi, và nhận ra bản thân chẳng còn bao nhiêu thời gian để lên đồ cho chuyến đi sáng mai.
Khi ấy, những bộ quần áo cũ không dùng, đồ hết giá trị sử dụng lẫn các giấy tờ chẳng lưu thêm chút ký ức nào được mình xếp gọn lại, rồi đem ra thùng rác đầu ngõ mà để vào. Dọn xong, nhìn lại những thứ sẽ gắn bó với mình trong những ngày tiếp theo, tự trong lòng mình trào lên một cảm giác xúc động khôn nguôi, không gì tả được vào lúc ấy.Với mình, Đà Nẵng có vị trí vô cùng đặc biệt và cực kỳ quan trọng. Bạn mình thắc mắc, đi rồi không nhớ Huế hơn ư? Mình rằng Huế là ruột thịt, tình cảm với nơi ấy là hiển nhiên, là mặc định và không có gì phải giải thích nhiều. Dù mình hờ hững thế nào, quên lãng ra sao, thì lúc gợi lại để nhớ, hay những khoảnh khắc bất chợt nghĩ đến, tình cảm về nơi ấy vẫn luôn đong đầy, rõ nét. Còn với Đà Nẵng lại khác, lại như một người tình, phải chăm sóc, phải luôn hướng đến. Chẳng ai muốn có một người yêu vô tâm, hờ hững vì cứ mặc định mọi thứ đã hiển nhiên, không cần cố gắng thêm gì. Cách suy nghĩ ấy làm mình luôn về Đà Nẵng. Sự hướng ấy, tạo nên một cảm giác xao xuyến, lưu luyến và nhớ rất nhiều lúc đi xa.
Khi mình trên chuyến bay về lại Đà Nẵng trước dịp Tết để gặp bạn bè và hít chút không khí thân thuộc, nhìn ngoài ô cửa sổ là đường biển như sóng lượn cùng vô vàn ánh đèn lấp lánh, mình biết rằng nay là bầu trời của Đà Nẵng, và dưới kia là những điều vô cùng thân thuộc. khi ấy, lòng tự nhiên trào dâng một sự xúc động, xốn xang lạ kỳ không thể giải thích ngay được. Về rồi, về lại với Đà Nẵng rồi. Suy nghĩ ấy hiển hiện rõ ràng, lặp lại liên tục và dần trở nên rõ nét cho đến khi máy bay dừng hẳn trên đường băng.
Máy bay ổn định trên đường băng mà tâm trí vẫn như là trên mây, rồi giật mình mà luống cuống lấy hành lý rồi rảo bước ra ngoài kia, để quay lại với những điều quen thuộc. sự trở về lúc ấy, diễn giải đơn giản thì là sự nhớ nhung vào một nơi đã từng rất gắn bó theo thời gian. có thể nói rằng, mình lớn lên ở Huế, nhưng trưởng thành là từ Đà Nẵng, do vậy – nơi này vẫn luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của mình. Lần ngập tràn cảm xúc ấy, mình diễn giải đơn giản đó là sự nhớ nhung vào một nơi đã từng rất gắn bó, đã từng rất sâu sắc theo thời gian. Nhưng trong lần tiếp theo, thì rõ ràng cảm xúc không chỉ đơn giản là như thế.Nhận định này được cụ thể hóa khi sau đó nửa năm, mình trên chuyến tàu đêm mà đi ngược lại Đà Nẵng trong chuyến về thăm nhà. Chuyến đi ấy, cũng cùng thời điểm, cũng cùng đà bùng phát đợt dịch ở Đà Nẵng, nên mọi thứ đã sắp xếp theo bị đảo lộn rất nhiều. Những người bạn của năm tháng cũ hẹn rồi lại thôi vì không dám đánh đổi, sự yên bình quay trở lại như lúc giãn cách. Thời gian cứ trôi qua chậm rãi, từ tốn những phút giây cuối cùng, nhìn nắng dần tàn rồi bạn đang ngồi ở đó, thật lòng mình không rõ liệu bản thân đang mong đợi điều gì, đang cảm nhận điều chi đang chảy qua đây. Trước khi bay, bạn kéo sang nhà để nấu cho tô mỳ ăn lót dạ, xong rồi cùng đi bộ mà ra sân bay (tại nhà bạn ở gần ngay đó). Giây phút cùng bạn hòa vào dòng người đang hướng về cổng nhà ga, nhìn nắng ở phía sau lưng bạn cùng những người đang vội vã rời khỏi nơi này, mình bất giác nhận ra bản thân cũng chẳng khác gì họ – cũng đang chạy trốn nơi này, dù tụi mình có thể chẳng giống gì nhau về cảm xúc cho nơi này.
Máy bay thẳng cánh trên bầu trời, phía ngoài ô cửa sổ vẫn là đường biển như sóng lượn cùng vô vàn ánh đèn lấp lánh, sự xúc động vẫn còn như lần trước bay về, nhưng lần này dễ diễn giải cảm xúc hơn trước. Bởi thành phố này đang chịu tổn thương, bởi mình đang rời xa nó, bởi mình chẳng hay liệu nơi này có gồng mình lên để không sụp đổ hay không? Những câu hỏi ấy là câu tu từ, nên cũng đâu cần một câu trả lời làm gì. Nó tồn tại trong lòng, để bản thân hình dung cảm xúc về nơi này, và rồi sẽ mong muốn ra sao cho nó, trên chuyến bay cần cuối ngày phong tỏa toàn thành phố…
Cảm xúc là thứ không thể nào định hình được, ngay lúc ấy là được minh chứng rõ ràng nhất, và cả sau này khi nhìn lại cũng như thế – mình không dám đơn giản hóa suy nghĩ của mình dành cho Đà Nẵng, bởi sợ như vậy là quá sức hời hợt.
Trong ký ức của mình, Đà Nẵng vừa là nơi để mình hoàn thiện bản thân, vừa là nơi chữa lành những biến cố trong cuộc sống. Đặt chân vào là khi mới bỏ học đi làm, Đà Nẵng đón mình với một tâm thế hào sẳng nhưng không kém phần vùi dập, mất kha khá thời gian mình mới ổn định nhịp điệu nơi ấy, quen dần với không gian văn phòng và nhịp điệu của một đứa đi làm. Khi đã quen dần với những điều ấy, mình dấn thân vào, khám phá sự trầm tĩnh ẩn mình trong dáng vẻ năng động nơi này, gặp những người bạn thương mến đến nay vẫn duy trì liên lạc – và phần nào đó, tác động gián tiếp suy nghĩ muốn quay về trong bản thân mình. Nếu những ngày sống ở Huế, là gắn liền với cảm giác thơ mộng và ngây dại, nói thẳng ra là hơi phần trẻ trâu, nên những điều mình nhớ cũng có mà muốn quên cũng nhiều – theo kiểu, nếu lặp lại thì mình sẽ làm khác đi, lựa lại cách hành xử để bây giờ không ngại ngùng lúc gặp lại ai đó. Còn với Đà Nẵng lại khác, lại lúc mình dần ổn định tính cách, và ý thức vào bản thân mình nhiều hơn, nhưng những điều để nhớ là ngập tràn, đáng quên lại chẳng bao nhiêu.
Lúc mình đi khỏi Đà Nẵng rồi, gặp Minh Đức ở Sài Gòn xong mình nói với nó rằng, lúc mình rời Đà Nẵng cũng là lúc đỉnh cao của sự kết nối. Giai đoạn ấy, mình gặp được nhiều người chân thành, đối xử tốt và dư âm đọng lại sau mỗi lần gặp là cực kỳ sâu, đủ níu mà tạo nên lần hẹn tiếp theo. Điều này diễn ra trước khi mình phải ra quyết định, là nên ở lại Đà Nẵng với những điều thân thuộc, hay dấn thân vào một vùng đất mới cùng những trải nghiệm mới để thử thách mình. Thời gian gấp gáp, và cảm giác sợ cơ hội tuột mất (hay đúng hơn, là sợ sau sẽ không thể quyết thêm một lần khác) khiến mình tạm biệt vội vàng với tất cả.
Trước lúc đi, gặp Thanh Thủy rồi em bảo rằng, anh đi rồi thì bao lâu em mới hết buồn? Nghe thế xong mình lặng thinh, không nói được thêm gì, và cả sau này cũng thế – không nghĩ rằng khoảng trống mình tạo nên lúc mình biến mất khỏi Đà Nẵng lại lớn đến như vậy…
Do thế, lên Đà Lạt rồi xuống Sài Gòn, mình trong một tâm thế là sẽ quay lại, sẽ sớm thôi điều ấy mà hiện thực. Có lẽ vậy, mà ký ức của mình về Sài Gòn là tương đối mờ nhạt (trong hiện tại). Những góc ẩn ẩn hiện hiện, những câu chuyện rời rạc không đầu chẳng đuôi, trộn lẫn với nhau nối thành ngày dài và trao cho mình, tạo nên sự lộn xộn đơn điệu, đơn sắc trong những ở đây. Sự tồn tại của mình ở Sài Gòn tất nhiên không như cái bóng, vẫn hiện hữu nhưng hiện hữu không rõ ràng, mình vừa không dung hòa được nhịp, lại chẳng muốn hòa vào cái nhịp ấy; Vừa chưa tìm được ai đồng điệu (như lời Minh Thỏ bảo lúc mới gặp đây), lại từ chối san sẻ tâm hồn mình cho người khác thấu. Mình cứ như thế, cứ đứng ngoài rìa và quan sát mọi người tung hứng những cuộc vui mà chỉ mỉm cười hưởng ứng, cứ giữ nguyên chất giọng chẳng chịu pha thêm âm sắc nào để tạo nên sự đồng đều với xung quanh. Mình cứ như vậy, cứ hít thở tự nhiên mà sống, cứ chảy một dòng rất riêng không theo một ai, để cứng đầu mà chấp nhận rằng nơi này là không giành cho mình, nơi này không thể dung hòa được lòng mình…
Vậy, có gì là đọng lại, còn gì là lưu luyến lúc mình biến mất khỏi đây? Trong một giây phút miệt mài nào đó với con chữ của công việc, cùng tiếng xe cộ náo nhiệt ngoài kia, mình bất chợt nghĩ lúc nhìn vào những lá bơ. Đó là thành quả mà Hảo Hảo đem đến lúc chúng mình là đồng nghiệp, em đem những trái bơ từ quê em đến, mình giữ lại hạt mà châm trong chậu nước. Mấy tháng sau, qua đợt dịch của tháng 7 mà quả đã nhú rễ rồi dần thành hình hài. Mình làm tương tự như thế với thêm một quả nữa, để chúng có đôi có cặp trên bàn làm việc mình. Phải chăng chúng là duy nhất đọng lại, hay góc bàn làm việc đầy đặc trưng để nhìn vào mà biết nơi này của ai, hoặc rộng hơn – là những con người ở nơi đây, là thành phố này hay không? Mình đơn giản hóa suy nghĩ để tiếp tục với con chữ, rằng đơn điệu và giản dị nhất để mình nhớ là trọn trong tầm mắt này.
Cả Đà Nẵng và Sài Gòn đều giống nhau ở việc đây là nơi xa xứ mà mình từng ghé để làm việc, và trải nghiệm cuộc sống. Đặt chúng lên bàn cân rồi đong đếm, hẳn sẽ thấy phần Sài Gòn kém hơn rất nhiều trong mắt mình. Mình nghĩ, điều ấy là do tâm thế mà tạo nên: không sẵn sàng mở lòng với thêm vùng đất mới, luôn sẵn sàng để rời đi và quay về những điều thân thuộc. Nên những con người ở Sài Gòn, những gì mình trải qua ở đó, đều chỉ là thoáng qua bởi mình chẳng muốn đọng lại chút gì, vì lại sợ thêm nặng lòng lúc rời đi.
Nói vậy rồi có phải rất nhẫn tâm cho những ai, những gì mình đã gắn kết ở đây không? Mình nghĩ là có, nhưng trái tim mình không đủ rộng rãi để bao dung, chứa đựng hết ký ức của mọi nơi để rồi gây dựng nên tình cảm được. Điều tử tế duy nhất mà mình có, là vẫn tử tế với những ai, những gì đã đem sự tử tế đến với mình; còn lại, những cảm xúc từ khi bỡ ngỡ đến, những gì đã níu mình lại để có cái gật đầu đồng ý ngồi xuống – thì mình vẫn sẽ giữ, sẽ trân trọng nó. Có như thế, mình mới thật sự tin được rằng, sự sâu sắc khi được gắn kết chỉ có thể xuất hiện lúc mình đặt hết tâm huyết vào nó, và những gì đang dần cũ kỹ mà nếu không quyết đoán lựa chọn – thì rồi nó cũng thành điều mục nát, không thể nào cảm nhận được trong lòng bàn tay này…
Nếu bạn đang đợi thêm những gì tiếp theo, thì ngay lúc này mình không còn gì để viết nữa. Vốn định chia sẻ về sự chữa lành những vết thương trong lòng, và con đường viết lách mà mình đang theo đuổi. Nhưng rồi khi viết ra lại không đủ chữ nghĩa để diễn giải những vấn đề. Và cũng một phần nào đó, những điều ấy chưa đủ sức tạo nên sự tiêu biểu của mình trong năm qua. Rewind năm nay ngắn hơn mọi năm, chất lượng cũng có thể không bằng. Nhưng mình hy vọng bạn cảm thông và chấp nhận rằng, những dòng chữ mình viết ở đây – phần nhiều là dành chính bản thân mình, chứ không cho ai hết cả. Nói như vậy, không phải phũ phàng gì với ai, mà chỉ muốn san sẻ cảm giác chân thật và đơn điệu mà mình có trong suốt năm qua.
Cuối cùng thì, rất cảm ơn bạn đã đọc, đã đồng hành cùng mình trong năm qua, theo cách này hay cách khác. Và hy vọng rằng, điều ấy sẽ tiếp tục trong những ngày tháng tiếp theo.
Cảm ơn bạn, vì đã đến (bên đời mình)…