Cẩm nang du lịch Trà Sư
Cẩm nang du lịch sau sẽ giúp người đọc có thêm hiểu biết hữu ích, giúp chuyến di lịch của mình trở nên ấn tượng và thú vị hơn bao giờ hết.
· 7 phút đọc · lượt xem.
Trà Sư là rừng tràm và khu du lịch sinh thái được hình thành năm 1983, rộng gần 850 ha nằm ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên. Đây là rừng ngập nước tiêu biểu của vùng sông Hậu, có tác dụng quan trọng đối với môi trường nước và điều hòa khi hậu cho cả vùng Bảy Núi. Rừng còn là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật quý thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.
Đến đây, điều dễ nhận thấy nhất là du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, không chỉ bị thu hút bởi không gian xanh với rừng tràm rợp bóng, mà còn được tiếp xúc gần với hàng loạt loài chim, hay động vật hoang dã quý hiếm. Đây là nơi được phát triển để trở thành khu bảo tồn của rất nhiều lớp sinh vật nhiệt đới đang sinh sống ở vùng Tây Nam Bộ.
Người địa phương sẽ dùng thuyền để đưa du khách vào sâu trong rừng tràm. Ngồi trên thuyền, bạn sẽ bắt gặp những chú chim đậu ngay thân cây, nhiều loại sen đủ sắc màu. Nếu thích, du khách thể yêu cầu người lái thuyền dừng lại để cảm nhận rõ không gian tĩnh lặng và ghi dấu những khoảnh khắc của thiên nhiên.
Rừng tràm Trà Sư là bối cảnh cho bộ phim Đất rừng Phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng mới khởi chiếu tại Việt Nam.
Mùa đẹp
Mùa nước nổi, từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, được coi là thời điểm đẹp nhất để trải nghiệm vẻ đẹp rừng tràm. Nước đổ về khiến rừng cây xanh tốt, kết hợp cùng những lớp bèo phủ xanh mặt nước, tạo nên khung cảnh đẹp. Mùa nước nổi cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loài cá tôm và là điểm đến hấp dẫn cho nhiều loài chim.
Di chuyển
Hãy dành một ngày ở rừng tràm Trà Sư để tận hưởng hết các không gian trong rừng, ăn bữa trưa với các món đặc sản miền Tây.
Để thuận tiện di chuyển, du khách nên nghỉ đêm ở thành phố Châu Đốc, khởi hành đi rừng tràm vào buổi sáng, ở lại đến chiều. Rừng tràm Trà Sư nằm cách thành phố Châu Đốc khoảng 30 km, thời gian di chuyển 30 đến 40 phút bằng ôtô hoặc xe máy, đường đi thuận tiện.
Thời điểm tốt nhất trong ngày để khám phá rừng tràm là vào sáng sớm hoặc hoàng hôn. Khoảng 15-17h, các loại chim, cò tụ tập về rừng nhiều, tạo nên cảnh thiên nhiên đẹp.
Vé tham quan
Vé tham quan bao gồm toàn bộ khu rừng tràm và thưởng ngoạn cầu tre dài nhất Việt Nam: 100.000 đồng một người. Đây là vé bắt buộc vào rừng, miễn phí với trẻ em dưới 1m3 và người trên 70 tuổi.
Vé dịch vụ tàu (xuồng máy): 50.000 đồng một người
Vé dịch vụ xuồng chèo (3-4 người một xuồng): 50.000 đồng một người
Các tour và nhóm đối tác sẽ có mức giá ưu đãi riêng, liên hệ trước với khu du lịch.
Chơi gì
Cầu tre dài nhất Việt Nam
Cầu tre xuyên rừng tràm Trà Sư được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận dài nhất Việt Nam, với tổng chiều dài 10 km và kinh phí xây dựng trên 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, cầu mới hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động đầu năm 2020 với chiều dài gần 4 km. Đoạn cầu đã khánh thành sử dụng trên 500.000 cây tre các loại và kinh phí xây dựng hơn 5 tỷ đồng. Giai đoạn 2 với chiều dài khoảng 6 km đang được triển khai xây dựng.
Dọc tuyến cầu tre được chia thành 5 nhánh có thiết kế chòi nghỉ tại mỗi nhánh. Càng đi vào sâu, khung cảnh hai bên cầu càng đẹp, không gian yên tĩnh và mát mẻ. Cầu dẫn vào bến xuồng máy, nơi du khách có thể lên xuống để thay đổi lộ trình.
Tham quan rừng bằng thuyền máy hoặc xuồng
Từ bến, du khách có thể lựa chọn xuồng máy (tắc ráng) hay thuyền ba lá. Thuyền máy sẽ đi tốc độ cao, xa hơn. Du khách sẽ trải qua một cuộc hành trình vượt qua những con rạch, chạy thẳng vào lòng rừng tràm. Dọc đường đi, có thể quan sát người dân địa phương thu hoạch mật ong hoa tràm từ các thùng nuôi được đặt trong rừng. Đây là một cơ hội để thư giãn, tận hưởng cảnh đẹp, và cuộc sống của người dân nơi đây.
Tham quan rừng tràm bằng thuyền máy hay xuồng ba lá cũng đều là cơ hội cho du khách chụp được những bức ảnh đẹp giữa không gian xanh, bèo phủ kín mặt nước. Nếu may mắn đi vào ngày có nắng, những tia nắng xuyên qua tán cây chiếu xuống sẽ khiến không gian huyền ảo.
Lầu vọng cảnh
Nếu muốn quan sát bao quát hơn về rừng tràm, du khách nên ghé lầu vọng cảnh và sử dụng kính viễn vọng. Với tầm nhìn 25 km, du khách có thể ngắm toàn bộ rừng tràm, những chú chim đang bay lượn, hay làm tổ trên các tán cây. Từ đây, cũng có thể nhìn được ngôi làng của người Khmer sinh sống cách đó vài km.
Sân chim bồ câu
Ngay gần lối vào, từ bên khu vực phòng vé chính, cách một con kênh Trà Sư, du khách có thể nhìn thấy những ngôi nhà của chim bồ câu. Nơi đây có khoảng 400 con chim được nuôi thả trong rừng nên được gọi là Thành phố Bồ Câu. Khung cảnh sân chim khá lãng mạn, du khách có thể chụp ảnh check in, chụp ảnh cưới, cho chim ăn và nhiều hoạt động khác.
Quầy bán đồ lưu niệm
Trong rừng tràm Trà Sư có 12 quầy bán hàng lưu niệm, đặc sản địa phương như đường thốt nốt, mật ong hoa tràm, khô các loại, nước giải khát, dầu tràm, khăn dệt thổ cẩm, nón tai bèo, nón rơm, đồ gỗ mỹ nghệ…
Ăn gì
Nhà hàng Trà Sư có hai khu vực chính phục vụ ăn uống: dọc bên ngoài cửa rừng, hai bên bến tàu và khu chòi nổi trên mặt nước phía trong rừng (liền lầu vọng cảnh). Tại các điểm ăn uống này, du khách sẽ được thưởng thức các món đặc sản miền Tây như: cá lóc nướng, lẩu cá linh điên điển (mùa nước nổi cũng là mùa cá), lẩu mắm, gỏi cổ hũ dừa, bánh xèo…
Tour tham khảo
– Châu Đốc – Rừng tràm Trà Sư: 1 ngày.
– Núi Cấm – Rừng tràm Trà Sư – Châu Đốc: 2 ngày.
– Cần Thơ – làng Chăm – Rừng tràm Trà Sư: 2 ngày.
– Thành phố Hồ Chí Minh – Châu Đốc – Rừng tràm Trà Sư: 2 ngày.
Lưu ý
Mùa nước nổi cũng là mùa mưa, nên du khách lưu ý mang theo áo mưa hay ô đề phòng những cơn mưa bất chợt.
Sử dụng kem chống nắng, các sản phẩm chống côn trùng, nước uống, đồ ăn nhẹ khi đi vào rừng.
Tuân thủ theo quy định để đảm bảo an toàn khi đi xuồng tham quan.