Bài viết trên Instagram ngày 14 tháng 10 năm 2024
nhavantuonglai là kênh chuyên viết lách chia sẻ và hướng dẫn thuần thục khi thực hành viết lách qua những bài chia sẻ trên Instagram chính thức.
· 3 phút đọc · lượt xem.
khi mùa đông giao với mùa xuân, lúc bầu trời không còn nắng gay gắt làm đuối sức vì đi đường dài, lại cũng đã qua những cơn mưa dầm dề đặc hơi ẩm của mùa đông khiến đường rừng trở nên ngột ngạt khó thở, mình lại sắp xếp hàng trang để những hôm cuối tuần lại lên rừng.
ngoài lý do thời tiết lý tưởng, cảnh sắc thiên nhiên những đoạn giao mùa luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với những chuyến đi. khi ấy, trên đường rừng có những cây khô cành trụi lá, còn tán là lớp lá vàng phủ quanh gốc; lại có những cây đang vào độ mơn mởn, tán rộng và lá cứng cáp, nếu để ý sẽ thấy những nhành hoa mới sắp sửa vươn ra đón mùa nắng ấm sắp về.
nhưng rồi mình chợt nhận ra, sẽ thật lãng phí nếu chỉ chú tâm vào một dịp giao mùa duy nhất, khi còn đến 3 lần giao mùa còn lại trong năm. đầu năm nay, mình thử khám phá núi rừng theo cách đó, dành thêm thời gian những dịp cuối tuần gần đây để lên rừng, xem lúc đó có gì thú vị hơn trước không.
khi giao mùa, cây lá không chỉ sinh trưởng trên đầu mà còn ở ngay cả dưới mặt đất. trong những bụi sim vừa chín tới, xen lẫn trong bước chân mình đi qua và đâu đó trong con đường mòn được mở lối, là những mảng màu xanh trắng vàng cam của hoa dại quyện cùng màu xanh rì của lá bụi. ở những lối quen thuộc, bụi mâm xôi đang gieo những quả đỏ mọng như mời thưởng thức để giải tạm cơn khát của kẻ bộ hành.
vào sâu hơn chút nữa, tiếng trên cao là ríu rít gọi bầy, hỏi nhau xem là ai vừa mới đến, và vọng xuống những lời đe dọa lẫn chào mừng từ lũ voọc khi ghé qua không gian của riêng chúng. sau Covid, tập tính kiếm ăn của nhiều loài linh trưởng trên Sơn Trà đã thay đổi, chúng xuống dần khu dân cư hơn. lũ voọc cũng không ngoại lệ, chúng ra sát bìa rừng – điều mà vốn trước đây muốn xem, muốn tìm hiểu về loài phải băng thêm vài con dốc, uốn lượn lên xuống không biết bao nhiêu nhịp tim để đến nơi chúng đang vui đùa.
tận cùng của đường mòn, suối đâm xuyên rừng mà trước kia vẫn róc rách chảy thì nay đã cạn nước. rêu với cây con mới dần lộ lên giữa những lớp đá được mài nhẵn, chúng là kết quả của quá trình hạt từ phía rừng sâu trôi theo dòng nước rồi mắc kẹt lại. khi thành hình rồi rụng hạt, chúng lại tiếp nối hành trình cũ để tiếp tục lan rộng giống loài mỗi dịp đông về.