Người thầy của tỉnh thức và thương yêu | Chương 11
Tôi viết Đường Xưa Mây Trắng ở quán Xóm Thượng, khi chưa có lò sưởi trung ương, chỉ một lò củi nhỏ giữa trời lạnh.
· 20 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Andrea Miller. Đăng trên tờ Lion_s Roar – trước đây là tờ Shambhala Sun – tháng 01 năm 2012.
Sau khóa tu tại Vancouver, Canada, năm 2011 với Thầy hoàn mãn, tôi được hai sư cô hướng dẫn vào một phòng khách nhỏ liền kề với bếp nấu ăn trong một ký túc xá sinh viên của trường đại học British Columbia. Tôi có thể nhìn thấy bầu trời xanh rực rỡ bên ngoài và eo biển Georgia. Còn bên trong thì chỉ toàn một màu nâu: Thầy, trong chiếc áo tràng nâu, đang thưởng thức một loại trà màu nâu trong chiếc ly thủy tinh trong suốt, trong khi đó thì một số vị xuất sĩ mặc áo nâu đang ngồi xúm xít trên một chiếc ghế sofa màu nâu, và cả trên sàn nhà. Sư cô Chân Không giới thiệu tôi với Thầy, rồi Sư cô tươi cười, nói tôi làm mọi người ngạc nhiên. Khi tôi gửi e-mail xin có một cuộc phỏng vấn với Thầy, mọi người không biết Andrea Miller là tên của một người nữ, vì vậy nên ai cũng nghĩ tôi là nam, là một người đã đứng tuổi. Vì vậy sự có mặt của tôi đem lại cho mọi người một sự bất ngờ. Nhưng rốt cuộc, trong cuộc phỏng vấn, chính tôi lại là người bị bất ngờ. Được hỏi về sự sống sau khi chết, về sự an lạc khi thiền tọa, về mối liên hệ giữa có mặt và hành động, Thầy đã cho tôi những câu trả lời thật bất ngờ. Lúc nào cũng tươi mát, đầy tuệ giác. Và sau đây là những gì Thầy đã chia sẻ trong buổi phỏng vấn ấy.
Thật đau lòng khi người thân của mình đang phải đối diện với những khó khăn nghiêm trọng, thí dụ như bị bệnh tâm thần, rối loạn tâm lý vì những tổn thương tinh thần trong quá khứ, hoặc nghiện ngập. Đôi khi ta cảm thấy vấn đề của họ quá lớn, vượt quá khả năng giúp đỡ của ta, vì vậy có lúc ta muốn không dính líu gì tới họ và vấn đề của họ. Lúc khác ta lại cố gắng giúp họ, nhưng lại bị mất sức vì sự vật vã của họ. Làm sao để có thể giúp những người thân của mình trong những hoàn cảnh như thế mà không bị nhấn chìm?
Khi bạn cảm thấy bị nhấn chìm có nghĩa là bạn đã cố gắng quá sức. Năng lượng đó không giúp gì được cho người kia và cũng không giúp gì được cho chính bạn. Đừng nên quá nhiệt tình muốn giúp đỡ ngay lập tức. Có hai điều: là (to be) và làm (to do). Đừng nghĩ nhiều quá đến việc phải làm gì. Là phải đứng hàng đầu. Là bình an. Là niềm vui. Là hạnh phúc. Rồi trên nền tảng đó mới làm ra niềm vui, làm ra hạnh phúc. Vì vậy điều đầu tiên cần làm là tập trung vào sự thực tập để là sự tươi mát. Là bình an. Là sự ân cần. Là rộng lượng. Là từ bi. Đây là thực tập căn bản. Cũng giống như người kia đang ngồi dưới một gốc cây. Cái cây đó không làm gì cả, nhưng nó rất mát mẻ và sống động. Giống như cái cây đó, khi bạn tỏa ra năng lượng của sự tươi mát, bạn sẽ giúp cho khổ đau nơi người kia lắng dịu.
Sự hiện diện của bạn cần phải dễ chịu, điềm tĩnh, và bạn nên có mặt đó cho người kia. Được như vậy là bạn đã hiến tặng rất nhiều rồi. Khi trẻ con thích đến ngồi gần bạn không có nghĩa là bạn có nhiều bánh kẹo để cho chúng mà bởi vì ngồi gần bạn, chúng thấy dễ chịu, thấy khỏe ra. Vì vậy khi ngồi bên cạnh một người đang đau khổ, bạn hãy cố gắng hết sức để là con người tốt nhất của mình – dễ chịu, ân cần và tươi mát.
Khi đang quá giận dữ hoặc quá buồn, nếu con trở về và tập trung vào hơi thở thì chẳng phải đó là một cách để trốn tránh cảm xúc của mình hay sao?
Thường thường chúng ta hay đánh mất mình khi có một cảm xúc mạnh và bị nó nhận chìm. Đó không phải là cách để đối trị với cảm xúc, bởi vì khi đó ta trở thành nạn nhân của cảm xúc. Để tránh tình trạng này, ta cần trở về với hơi thở để lấy lại sự bình tĩnh. Khi ấy ta sẽ chứng nghiệm được rằng cảm xúc chỉ đơn thuần là cảm xúc mà thôi, không có gì hơn. Cái thấy này rất quan trọng, bởi vì nó giúp ta không còn sợ hãi nữa. Ta có thể bình tĩnh và không tìm cách trốn chạy, nhờ đó ta sẽ ứng phó với cảm xúc đó tốt hơn.
Hơi thở của bạn chính là bạn, bạn cần liên minh với hơi thở để được là chính mình, để mạnh hơn. Khi ấy bạn có thể ứng phó tốt hơn với cảm xúc của mình. Bạn không tìm cách quên đi cảm xúc ấy, mà trái lại bạn tìm cách để là chính mình hơn, khi ấy bạn có đủ vững chãi để đương đầu.
Thật là ấm áp khi thấy có nhiều trẻ con trong khóa tu. Tôi rất thoải mái với trẻ con. Chưa bao giờ tôi thấy mình xa cách với thế hệ trẻ. Tôi luôn giữ liên lạc với những bạn trẻ, dù đó là xuất sĩ hay cư sĩ. Đó là một trong những điều làm tôi hạnh phúc.
Đôi khi có những bà mẹ trẻ mang con vào trong thiền đường vì họ không muốn bị mất bài pháp thoại. Sự có mặt của các bé làm mọi người rất hạnh phúc. Trẻ nhỏ đâu biết cái gì đang xảy ra, nhưng chúng cảm được bầu không khí bình an. Năng lượng bình an đó rất hiếm hoi ngoài xã hội. Rất hiếm khi có một ngàn năm trăm người ngồi với nhau và chế tác ra năng lượng của chánh niệm, của bình an như vậy. Nếu bạn cống hiến cho trẻ em chỉ một thoáng bình an và tình thương, dù các bé còn rất nhỏ, chưa biết nói, nhưng các bé không phải là không cảm nhận được. Hãy hình dung một bà mẹ trẻ đang cho con bú trong khóa tu. Bà mẹ đó nghe pháp thoại, tiếp nhận bài pháp thoại đó, và vì vậy em bé sẽ vừa bú sữa mẹ vừa tiếp nhận bài pháp thoại cùng một lúc. Rất là hay. Sau này, khi lớn lên, phải đi qua những trắc trở trong cuộc sống, các em sẽ nhớ lại là mình đã từng có cơ hội tiếp xúc với năng lượng bình an.
Khi một tăng thân đến với nhau để tu tập thì luôn có thể tạo ra loại năng lượng bình an đó. Người trẻ có thể trải nghiệm nó và bắt đầu gieo những hạt giống cho tương lai. Đạo Bụt Dấn Thân đang cố gắng đem năng lượng bình an này đến nhiều nơi, nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Tại trường học, bệnh viện, tòa thị chính, quốc hội, ở đâu cũng có thể thực tập hơi thở chánh niệm.
Sống trong hiện tại có trái chống với việc thưởng thức các phương tiện truyền thông không? Chúng ta có thể thưởng thức internet, truyền hình, phim ảnh và sách báo mà vẫn giữ chánh niệm không?
Có rất nhiều sách báo, phim ảnh lành mạnh và bổ ích mà ta có thể thưởng thức. Nhưng nhiều khi có những phim hoặc sách kém chất lượng nhưng ta vẫn xem, vẫn đọc bởi vì nếu không xem những thứ đó nữa thì ta sẽ phải trở về đối diện với những đau khổ đang có mặt trong ta. Đó là cái mà rất nhiều người trong xã hội đang làm. Rất nhiều người không thể đối diện với chính mình. Họ có những nỗi đau, hối tiếc hoặc lo lắng trong lòng, và họ đọc, xem hoặc nghe cái gì đó để khỏa lấp, để trốn chạy chính mình.
Tiêu thụ các phương tiện truyền thông như thế chỉ là chạy trốn và không có hiệu quả lâu dài. Bạn có thể quên đi các khổ đau của mình trong một thời gian, nhưng rồi cuối cùng bạn cũng phải quay trở lại với chính mình. Bụt dạy chúng ta không nên trốn chạy mà phải học cách chăm sóc khổ đau để có thể chuyển hóa chúng.
Thầy sẽ nói gì khi một người thấy ngồi thiền là đau và khó nên họ phải vật lộn trong khi tọa thiền?
Vậy thì đừng ngồi nữa.
Thật vậy sao thưa Thầy?
Đúng vậy. Nếu ngồi thiền mà thấy không dễ chịu thì đừng ngồi nữa. Ta cần phải nắm cho được tinh thần đúng đắn của thiền tọa. Nếu phải cố gắng trong khi ngồi thiền, ta sẽ bị căng thẳng và làm toàn thân đau nhức. Ngồi thiền phải có sự dễ chịu. Khi xem ti vi trong phòng khách, ta có thể ngồi hàng giờ mà không thấy khổ sở tí nào. Vậy mà trong khi ngồi thiền, ta khổ sở. Tại sao? Tại vì ta vật lộn. Ta muốn thành công trong khi ngồi thiền, vì vậy ta tranh đấu. Trong khi xem ti vi, ta không tranh đấu. Ta phải học cách ngồi thiền mà không cần tranh đấu mới được. Nếu ta biết ngồi như thế, ta sẽ thấy rất dễ chịu.
Khi Tổng thống Nelson Mandela đến thăm nước Pháp lần đầu, một nhà báo đã hỏi: Ngài mong muốn điều gì nhất? Tổng thống trả lời là: Tôi quá bận, cho nên điều mà tôi mong muốn nhất là ngồi yên và không làm gì cả. Bởi vì được ngồi yên và không làm gì cả là điều rất dễ chịu. Ngồi như thế ta sẽ thấy khỏe khoắn trở lại. Đó là lý do tại sao Bụt diễn tả ngồi như ngồi trên một đóa sen. Khi ngồi ta thấy nhẹ, thấy khỏe, thấy tự do. Nếu ta không cảm thấy như vậy khi ngồi thiền thì việc ngồi thiền của ta trở thành một loại lao tác cực nhọc.
Đôi khi ta không ngủ đủ giấc, hoặc bị cảm lạnh, v.v… có thể buổi ngồi thiền không được dễ chịu như ta mong muốn. Nhưng nếu ta bình thường, không bị gì cả thì ta luôn có thể trải nghiệm sự dễ chịu trong khi ngồi thiền. Vấn đề không phải là ngồi hay không ngồi, mà là ngồi như thế nào. Ngồi như thế nào để ta có an lạc trong khi ngồi, nếu không thì ta chỉ phí thời gian vô ích.
So với những vị thầy khác trong Phật giáo thì Thầy nhấn mạnh nhiều đến sự thưởng thức – thưởng thức hơi thở, ngồi thiền, đi thiền, thưởng thức cuộc sống.
Trong giáo lý của đạo Bụt, nhẹ nhàng (khinh an) và niềm vui (hỷ) là hai trong bảy yếu tố giác ngộ. Trong cuộc sống đã có rất nhiều đau khổ. Tại sao ta phải tạo thêm khổ đau khi thực tập đạo Bụt? Ta thực tập đạo Bụt để bớt khổ, có phải vậy không? Bụt là một người hạnh phúc. Khi Ngài ngồi, Ngài ngồi một cách hạnh phúc, và khi Ngài đi, Ngài cũng đi có hạnh phúc. Tại sao ta lại muốn làm khác với Bụt?
Có thể vì người ta sợ bị nói Tu tập mà không nghiêm túc gì cả. Toàn cười nói, chơi đùa. Muốn tu tập đàng hoàng thì phải rất nghiêm túc, cứng rắn. Có thể vì muốn được đàn na tín thí cúng dường nhiều hơn nên có người đã quan niệm như vậy – để người khác có cảm giác là họ tu tập nghiêm túc hơn những người khác. Thí dụ như bạn thực tập ngồi thiền suốt đêm. Bạn không được nghỉ ngơi và bạn nghĩ rằng tu như thế là tu cao, nhưng bạn lại khổ sở cả đêm, và bạn phải uống cà phê để không buồn ngủ. Thật là vô lý. Chất lượng của buổi ngồi thiền mới chính là cái giúp cho bạn chuyển hóa chứ không phải là việc ngồi lâu và chịu đựng trong khi ngồi. Thiền tọa và thiền hành là để cho chúng ta thưởng thức, và cũng để cho chúng ta nhìn sâu và phát triển tuệ giác. Tuệ giác đó sẽ giúp ta giải thoát khỏi khổ đau, giận hờn và tuyệt vọng.
Con thật sự rất thích những buổi đi thiền hành ngoài trời trong khóa tu này.
Thường thường trong truyền thống đạo Bụt, người ta ngồi thiền một lúc, đứng dậy đi kinh hành trong thiền đường, rồi lại tiếp tục ngồi thiền. Ở đây chúng ta không làm như thế. Thay vào đó chúng ta đi thiền ngoài trời. Sự thực tập đó có ích lợi, bởi vì mọi người có thể áp dụng nó vào cuộc sống hàng ngày. Bạn có thể đi bình thường, không quá chậm nên sẽ không ai biết là bạn đang thực tập và người ta sẽ thấy bạn rất bình thường. Và khi về nhà, bạn có thể áp dụng cách đi như vậy khi đi từ chỗ đậu xe đến văn phòng.
Điều căn bản của sự thực tập là làm thế nào để thưởng thức – làm sao để thưởng thức khi đi, khi ngồi, khi ăn, khi tắm. Ta có thể thưởng thức tất cả mọi cái, nhưng xã hội đã được tổ chức theo cách thức làm cho mình không có thời gian để thưởng thức. Làm cái gì cũng phải làm cho thật nhanh.
Theo Thầy thì những yếu tố nào làm nên một người Phật tử?
Một người không mang danh Phật tử, nhưng người đó có thể còn Phật tử hơn là một Phật tử.
Đạo Bụt được làm nên bởi niệm, định và tuệ. Nếu bạn có những phẩm chất này thì bạn chính là một Phật tử. Còn nếu không thì bạn không phải là Phật tử. Khi nhìn vào một người mà ta thấy người đó có niệm, có từ bi, có tuệ giác thì ta biết người ấy là một Phật tử. Nhưng nếu người đó, dù là một người tu, mà lại không có những năng lượng và những phẩm chất này, thì vị ấy chỉ mang hình tướng của một Phật tử mà không có nội dung của một Phật tử.
Chỉ cần tham dự một buổi lễ (truyền Năm giới) là ta có thể trở thành Phật tử?
Không phải vậy. Một buổi lễ không thể làm bạn trở thành Phật tử, mà chính là cam kết thực tập của bạn. Có nhiều Phật tử bị kẹt vào những nghi thức và nghi lễ, nhưng Bụt không thích như vậy. Trong các kinh, nhất là những kinh được Bụt giảng sau khi thành đạo, Ngài có nói là chúng ta không nên kẹt vào nghi thức. Ta không thể giác ngộ hoặc giải thoát chỉ vì chúng ta thi hành các nghi thức. Nhưng vấn đề là người ta đã làm cho đạo Bụt trở nên quá nặng về nghi thức. Như thế là chúng ta không dễ thương với Bụt.
Thầy có tin vào sự tái sinh không?
Tái sinh có nghĩa là một linh hồn đã xuất khỏi thân và nhập vào một thân khác. Quan niệm này rất phổ thông và không đúng với quan niệm về sự tiếp nối trong đạo Bụt. Nếu bạn nghĩ rằng có một linh hồn, một cái ngã đang cư trú trong một thân thể, và linh hồn đó sẽ xuất ra khi thân thể này hoại diệt để nhập vào một hình tướng khác, thì đó không phải là đạo Bụt.
Khi nhìn vào một người, ta sẽ thấy năm uẩn, tức là năm yếu tố làm nên con người chúng ta: thân, thọ, tưởng, hành, và thức. Không có một linh hồn, một cái ngã nào nằm ngoài năm yếu tố này. Vì vậy khi năm yếu tố này tan rã, thì cái nghiệp, tức là những hành động mà ta đã tạo ra trong đời, chính là sự tiếp nối của ta. Những tư tưởng, lời nói, hành động của ta vẫn còn đó dưới dạng năng lượng. Ta không cần phải có một linh hồn, hoặc một cái ngã để có thể tái sinh.
Cũng giống như một đám mây. Ngay cả khi đám mây không có đó, nó vẫn luôn luôn được tiếp nối dưới dạng tuyết hoặc mưa. Đám mây không cần có một linh hồn để tái sinh. Không có nơi bắt đầu cũng không có nơi kết thúc. Ta không cần đợi đến khi thân thể này hoàn toàn tan rã mới có thể tái sinh, ta tái sinh trong mỗi giây mỗi phút.
Giả dụ như tôi trao truyền năng lượng của tôi cho hàng trăm người thì những người này sẽ tiếp nối tôi. Nếu bạn nhìn vào họ, bạn sẽ thấy tôi. Nếu bạn nghĩ tôi chỉ là cái này (Thầy tự chỉ vào mình) thì bạn chưa thấy được tôi. Nhưng nếu bạn thấy tôi qua lời nói, qua hành động thì bạn sẽ thấy những cái đó là sự tiếp nối của tôi. Khi nhìn vào các đệ tử xuất gia cũng như tại gia, vào bạn bè, vào những cuốn sách được xuất bản, bạn sẽ thấy sự tiếp nối của tôi. Tôi sẽ không bao giờ chết. Sẽ có sự tàn hoại của thân này, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi sẽ chết. Tôi sẽ tái sinh hoài hoài.
Điều đó cũng đúng với tất cả chúng ta. Ta không chỉ là hình hài này, bởi vì năm uẩn luôn tạo ra năng lượng. Cái đó gọi là nghiệp, nhưng không có người tạo nghiệp – ta không cần người tạo nghiệp. Nghiệp là đã đủ. Điều này có thể hiểu qua vật lý lượng tử. Khối lượng và năng lượng, lực và vật chất, không phải là hai cái khác biệt.
Ta có thể làm gì để đối trị với lối sống quá thiên về vật chất trong xã hội hiện nay?
Ta có thể tạo nên một môi trường trong đó mọi người sống đơn giản mà hạnh phúc, sau đó ta mời người khác đến để quán sát. Đó là cách duy nhất có thể thuyết phục họ buông bỏ ý tưởng về hạnh phúc dựa trên vật chất. Họ nghĩ là chỉ khi nào có nhiều thứ để tiêu thụ thì mới có hạnh phúc, nhưng có rất nhiều người, dù rất giàu có nhưng không hề hạnh phúc. Trong khi đó, lại có những người tiêu thụ ít hơn, nhưng họ lại có nhiều hạnh phúc hơn.
Chúng ta cần chứng minh rằng nếp sống đơn giản cùng với sự thực tập tâm linh có thể làm cuộc sống của ta rất viên mãn. Bởi vì chỉ khi nào người ta tận mắt thấy và tự trải nghiệm thì người ta mới được thuyết phục. Ở Làng Mai, mọi người cười cả ngày, vậy mà không có ai có tài khoản riêng trong ngân hàng. Không ai có một chiếc xe hơi riêng hay một chiếc điện thoại riêng. Ai cũng ăn toàn thức ăn chay. Vậy mà chúng tôi không hề đau khổ vì không ăn trứng hoặc ăn thịt. Trên thực tế, chúng tôi còn hạnh phúc hơn bởi vì chúng tôi biết rằng mình không ăn thịt chúng sinh và chúng tôi đang bảo hộ trái đất. Điều đó mang lại rất nhiều niềm vui. Chúng tôi rất may mắn có thể sống như thế, có thể ăn như thế.
Người ta thường tin rằng khi nào mình có thật nhiều tiền, có một vị trí cao trong xã hội thì mới có thể thật sự hạnh phúc. Thật là khó để buông bỏ niềm tin đó cho đến khi người ta thấy được sự thật là hạnh phúc có thể đạt được bằng một cách sống khác. Thấy được điều đó thì con cháu chúng ta mới có một tương lai. Vì vậy tôi nghĩ rằng trong cộng đồng những người thực tập đạo Bụt, chúng ta phải tổ chức lại để có thể cho người ta thấy một nếp sống hạnh phúc làm bằng chất liệu của hiểu và thương, mà không phải dựa trên vật chất. Một bài pháp thoại thôi thì không đủ, bởi vì bài pháp thoại chỉ là một bài pháp thoại. Chỉ khi nào mọi người thấy được một cộng đồng sống không chạy theo vật chất, thấy được một lối sống như vậy thì họ mới được thuyết phục.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 01 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 02 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 03 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 04 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 05 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 06 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 07 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 09 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 10 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 11 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 12 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 13 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 14 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 15 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 16 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 17 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 18 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, chương 19 tại đây.
Đọc Người thầy của tỉnh thức và thương yêu, toàn tập tại đây.