Bài viết trên Instagram ngày 22 tháng 02 năm 2022
nhavantuonglai là kênh chuyên viết lách chia sẻ và hướng dẫn thuần thục khi thực hành viết lách qua những bài chia sẻ trên Instagram chính thức.
· 3 phút đọc · lượt xem.
thời gian ở Sài Gòn, anh trưởng phòng lúc đó cũng thích chụp ảnh, nên cứ cuối tuần không bận rộn thì tụi mình lại xách máy đi tìm cảnh mà chụp. trong balo của anh, có đủ loại lens cho mọi mục đích, từ chân dung, phong cảnh đến các loại mình không biết. mình bảo với anh rằng, thông số lens em chịu, hỏi em khẩu tốc như thế nào trong hoàn cảnh nào em cũng chịu nốt; em chỉ biết đưa máy lên, căn và bấm chụp một cách đầy cảm hứng.
lúc ấy, anh không tỏ vẻ ngạc nhiên, bảo rằng đôi lúc lại cũng muốn như mình – trong tay chỉ có duy nhất một cái lens, và rõ nó không phải đa dụng trong mọi hoàn cảnh; lựa chọn đó khó chụp đẹp hơn, khiến mình phải sáng tạo và cần nhiều cảm hứng hơn trong mỗi khi bấm chụp.
trở về Đà Nẵng, từ lúc nào không rõ thì mình với bạn lại hẹn cùng nhau xem film mỗi tối cuối tuần. dù là film mình chọn, hay bạn gợi ý từ trước, thì tụi mình cũng không tránh khỏi những cuộc tranh luận, rằng film này hay và dở thế nào. bạn bảo, gu thưởng thức bạn cao hơn, nên film mình thấy hay thì bạn chưa chắc đã như vậy; mình lại đơn giản, film chỉ là film thôi, cứ xem và tận hưởng. và hơn cả, mình quan tâm góc máy, lời thoại nhiều hơn là mạch truyện. những lúc đó, mình ghi nhớ và trầm trồ riêng góc quay đẹp, cách đạo diễn làm bật chủ thể và phân vân đâu là ý đồ thực trong từng khung hình.
hai trải nghiệm ấy, đủ cho câu trả lời lúc một đó hỏi – chụp ảnh là chụp như thế nào?về cơ bản, mình nhìn mọi thứ như đang xem một bộ film (theo đúng nghĩa đen), đó là góc nhìn mà mình làm đạo diễn và kiểm soát mọi khung hình. cho nên, khi mình đưa máy lên tầm mắt, căn chỉnh và bấm chụp – cũng là lúc mình đóng băng khung hình ấy và chia sẻ đến với mọi người.
vốn dĩ, tư duy hình ảnh không khó, không trừu tượng như mọi người nghĩ, nó chỉ là góc nhìn của bản thân với mọi sự vật diễn ra xung quanh. nên rằng, một tấm hình cần câu chuyện hơn là tính thẩm mỹ – vốn là điều không phải ai cũng đồng tình được với nhau.
và cuối cùng thì, khi một ai chưa biết nên bắt đầu chụp ảnh như thế nào, hoặc tìm đâu để ra cảm hứng, mình lại khuyên hãy dành thời gian để xem film; hãy xem và cảm nhận từng khung hình, chắt lọc cảnh quay rồi học theo nó, học để tạo ra những thước film như họ đang nhìn thấy.