Bài viết trên Instagram ngày 23 tháng 05 năm 2019
nhavantuonglai là kênh chuyên viết lách chia sẻ và hướng dẫn thuần thục khi thực hành viết lách qua những bài chia sẻ trên Instagram chính thức.
· 3 phút đọc.
giai đoạn trước lúc đậu đại học, khi ấy vẫn đang chăm học lúc cận thi cử, cứ sớm sớm mình lại đạp xe lên Trung tâm Học liệu. chạy gần đến, mình bỏ góc Lê Lợi để vào Trương Định tìm chút yên tĩnh, nhưng đâu lúc nào cũng thế.
có những hôm, cả đoạn đường ồn cực, bởi mặt sau Sở Giáo Dục đang phát kết quả thi đại học. những cô bé cậu bé cùng chen chân với ba mẹ, giành nhau tiếng nói để đem ra khoe với nhau nét rạng ngời trên tay. những khi đó, mình dừng lại bởi không biết trong những nét mặt ấy, được bao là mong ước thật sự của các em, và bao là của ba mẹ.
ráng học tốt, làm nông khổ lắm. ba đợi lúc mình sắp về lại thành phố để nối tiếp sự nghiệp học hành đang dang dở, lại ca lên điệp khúc như thế. dù có những mâu thuẫn, cả những vấn đề không thể nào hóa giải, mình vẫn tin vào điều ấy, bởi đó là ký ức chân thật mà người lớn đã từng trải qua. mẹ mình khi đang lớp 7, bà ngoại lên trường bắt nghỉ học về nhà cày ruộng, mẹ vừa dắt trâu ra đồng vừa khóc. ba lên lớp 10 là đậu vào Quốc Học, vui hết lớn được 2 tuần thì phải nghỉ, nhà nghèo quá tiền đâu mà học thành phố?
dấu ấn từ sự khổ cực và tiếc nuối đó, ba mẹ mình lấy làm ám ảnh để tạo áp lực lên anh em tụi mình, thúc học thật tốt để sau này được khác đi. câu chuyện của riêng nhà mình, nhưng mình tin cũng là mẫu số chung của rất nhiều nhà khác. nên, đại học – xét khía cạnh nhỏ nhoi nào đó, là sự phản chiếu giấc mơ của những người lớn đã để tuột khỏi tầm tay, đã không thể nào chạm tới được. giấc mơ ấy, lấp lánh và pha lẫn trên những gương mặt của những đứa trẻ cùng tờ giấy báo trên tay.
dù được xem là động lực, nhưng chưa bao giờ mình nghĩ điều ấy là đúng đắn. thi mỗi thời một khác, nhưng chuyện cảm động mùa nào chẳng thiếu. những gia đình bán cả gia sản, gói gọn trong đàn bò đàn heo để hành trang của con thêm chắc chắn. những người cha người mẹ miệt mài đợi dưới cổng trường, đợi yên cả khi mưa ào nước ngập, đợi đến khi con ra mới chậm rãi rời đi… những chuyện như vậy không thiếu cảm xúc, cũng chẳng thừa chân thật. nhưng thi thoảng, nó khiến người ta quên việc hỏi nhau rằng: liệu, đại học có là con đường duy nhất, có là lựa chọn là mong muốn của những đứa con bé bỏng của mình hay không?