Giảm nhựa có thật sự hữu ích với môi trường không?

Thực hành tôn giáo giúp đời sống an lành, hạnh phúc, giác ngộ và mang lại năng lượng tích cực cho bản thân, giá trị đẹp cho cộng đồng.

 · 25 phút đọc.

Thực hành tôn giáo giúp đời sống an lành, hạnh phúc, giác ngộ và mang lại năng lượng tích cực cho bản thân, giá trị đẹp cho cộng đồng.

Từ cuối thế kỷ XIX, hàng nghìn con voi bị giết để thu hoạch ngà voi để làm bóng billiard chất lượng cao. Nhưng rồi nhựa xuất hiện, giải cứu voi khỏi đà tuyệt chủng. Vốn dĩ, nhựa ban đầu xuất hiện như một lựa chọn thân thiện với môi trường. Điều này hiện nay không còn thật sự đúng nữa, nhưng để nói rằng nhựa gây nên những vấn đề với môi trường – thì nó thật sự không phải. Bài viết sau nhằm giải thích tại sao việc hạn chế đồ dùng nhựa lại không giải quyết được những vấn đề môi trường hiện nay. Hay đúng hơn, thay vì chỉ trích đồ dùng nhựa, thì chúng ta cần làm gì để môi trường được cải thiện?

Nhựa từng là lựa chọn thân thiện với môi trường, tiện lợi với người dùng

Từ cuối thế kỷ XIX, hàng nghìn con voi bị giết để thu hoạch ngà voi để làm bóng billiard chất lượng cao. Mỗi cặp ngà chỉ có thể làm thành 1 quả bóng, tức rằng với một cặp bóng thì cần phải giết 2 con voi. Vấn đề này khiến nhiều nhà nghiên cứu lo sợ voi sẽ sớm tuyệt chủng, nên đã thúc đẩy nghiên cứu, tìm ra một giải pháp thay thế.

Năm 1863, Michael Phelan (1819 – 1871) với tư cách là cha đẻ của bộ môn billiard, đã treo thưởng 10.000 USD (tương đương 200.000 USD vào hiện tại) cho giải pháp thay thế ngà voi. Sức lớn của món tiền thưởng khiến nhiều người lao vào nghiên cứu và thử nghiệm, trong số đó là có John Wesley Hyatt (1837 – 1920). Sau 6 năm liên tục thử thách, thí nghiệm với nhiều loại dung môi, John đã tạo nên một vật liệu tạo nên bước ngoặt, đó là Celluloid – nhựa công nghiệp đầu tiên trên thế giới.

Vào lúc đó, Celluloid chưa được xem là vật liệu hoàn hảo để thay thế ngà voi khi làm bóng billiard, nhưng đủ sức thuyết phục để thay thế cho nó khi làm những vật liệu hàng ngày khác như hộp phụ kiện, đồ trang sức, mặt hàng gia dụng… Không chỉ ngăn sự lụi tàn của loài Voi trong giai đoạn đó, Celluloid còn giúp loài Rùa khỏi tuyệt chủng bởi nạn săn bắt làm lược từ chiếc mai.

Rõ ràng, Celluloid (là tổ tiên của nhựa hiện đại) đã giải quyết sự lệ thuộc vào tự nhiên khi khai thác những gì sẵn có để đáp ứng nhu cầu của mình. Nhựa linh hoạt mềm – cứng tùy ý, có thể đúc trong khuôn với nhiều hình dạng, không bị thấm nước nên cũng không bị thối rữa như gỗ hay da, đa dạng màu sắc và có thể sao chép thành nhiều vật liệu đắt tiền khác. Sự rộng mở cách sáng tạo từ Celluloid giúp con người có thêm nhiều lựa chọn, cuộc sống tiện nghi và thoải mái hơn rất nhiều.

Năm 1955, tờ bìa tạp chí LIFE đem đến một bức tranh tươi sáng, khi khung cảnh là một gia đình đang vui mừng với vô vàn đồ nhựa dùng một lần xung quanh. Thông điệp mà bức tranh, và bên trong cuốn tạp chí ấy thể hiện, là: sẽ mất 40 giờ để làm sạch những đồ dùng trong gia đình, nhưng những bà nội trợ sẽ không cần phải bận tâm nữa bởi tất cả đều được vứt đi sau khi sử dụng.

Như vậy, ta thấy được rằng, nhựa ngay từ đầu được sinh ra với mục đích rất tốt đẹp. Sten Gustaf Thulin (1914 – ?) khi phát minh ra túi nilon, điều ông nghĩ đến đầu tiên đó là thay thế cho túi giấy bởi nó tốn quá nhiều cây và nước để sản xuất. Nhưng rồi, mọi thứ được phát minh dần đi khỏi quỹ đạo ban đầu, gây tác động xấu đến môi trường và cả con người…

Từ khi nào nhựa được xem là kẻ thù với môi trường?

Báo cáo đầu tiên về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa là khi thuyền trưởng Charles Moore (1956 – nay) phát hiện ra một bãi rác lớn trên biển Thái Bình Dương. Thu thập và thông tin hàm lượng chất lỏng thu thập được tại khu vực ấy, ông thấy rằng tỷ lệ giữa nhựa và sinh khối phù du có tỷ lệ là 6 – 1. 10 năm sau, cũng tại địa điểm trên, tỷ lệ giữa lượng vi nhựa và sinh khối phù du lên đến 36 – 1. Và chuyến thực nghiệm lại vào năm 2013, tỷ lệ lúc này đã là 100 – 1.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc lấy mẫu để tiền hành phân tích diễn ra ở khu vực bề mặt – vốn tập trung lượng vi nhựa nhiều hơn, chứ không phải đại diện cho toàn bộ khu vực rộng lớn hay cho cả vấn đề vi nhựa của Thái Bình Dương.

Báo cáo Plastic Pollution (Hannah Ritchie và Max Roser, 2014) cho thấy sự tăng trưởng, phủ rộng của nhựa lên Trái Đất là như thế nào. Theo đó, nhựa bằng đầu tăng từ vạch xuất phát vào năm 1950 lên đến 200 lần vào 2015, tương đương 2/3 khối lượng dân số toàn cầu. Cũng theo biểu đồ, giai đoạn 2008 – 2009 với tác động của Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đã tạo nên vết lõm không đáng kể – và dần hồi phục, tăng mạnh mẽ lại ngay sau đó.

Còn theo tổng hợp của Condorferries về tác động của rác thải nhựa lên sinh vật biển, chúng ta có những con số sau:

– 1 triệu loài chim biển, 100 nghìn động vật biển chết vì ô nhiễm nhựa mỗi năm.

– 1 triệu túi nilon được bỏ lại sau mỗi phút.

– 2 triệu bao bì được sử dụng ở Anh, và đóng góp cho thế giới 1.7 triệu tấn nhựa mỗi năm. Cũng là con số đóng góp nhựa, thì của Mỹ là 38 triệu tấn.

– 8 triệu mảnh nhựa đi vào đại dương mỗi ngày.

– 381 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra mỗi năm, và tăng gấp đôi vào năm 2034.

– 8,3 tỷ ống hút được thải ra mỗi năm.

Truyền thông khi nhắc đến những tác động của rác thải nhựa thường nhắc nhiều đến những tác động trên biển, bởi đây là những tác động mang tính bề mặt và cảnh tỉnh cao. Nhưng ngay trên đất liền, rác thải nhựa cũng gây nên những vấn đề bức thiết, ảnh hưởng xấu không chỉ là môi trường, mà còn là sức khỏe của con người.

Theo Tạp chí Môi trường (2019), trung bình mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ (sử dụng) 41 ký nhựa mỗi năm, cao gần 10 lần so với năm 1999 là 3.8 ký. Còn theo một báo cáo không chính thức, mỗi người dân Việt Nam thải ra mỗi ngày khoảng 1.2 ký rác các loại.

Thành phố Hà Nội mỗi ngày có khoảng 7.000 tấn rác, trong đó bãi rác Nam Sơn và Khu xử lý Xuân Sơn chỉ tiếp nhận được 6.500 tấn. Thành phố Đà Nẵng mỗi ngày có khoảng 1.100 tấn rác, với tỷ lệ thu gom trung bình ở thành thị là 95%, nông thôn là 72%. Và tại Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có khoảng 10.000 tấn rác, các bãi rác và khu xử lý chỉ xử lý được khoảng 9.000 tấn rác.

Cơ chế xử lý rác hiện nay ở các địa phương đó là chôn lấp và đốt. Chôn lấp chiếm phần lớn (có địa phương lên đến 90% lượng rác được xử lý bằng phương pháp này), cách thức thực hiện là đào một hố lớn, phủ bạt để ngăn nước rỉ và đổ rác xuống, rải bột để đẩy nhanh quá trình phân hủy. Phương pháp này là ngắn hạn, bởi ngay lập tức làm rác biến mất, nhưng lại tác động xấu đến môi trường, khi lượng rác vẫn còn đó.

Với rác thải nhựa, thời gian phân hủy tùy báo cáo là dao động từ 150 – 1.000 năm, nhưng đó là điều kiện lý tưởng; còn với việc chôn lấp, thì quá trình này có thể kéo dài hơn, đến hàng ngàn năm do tác động ngoại lực chịu phải thấp hơn. Trải qua nhiều biến động, với những thay đổi lớn của lịch sử, rác dưới lòng đất vẫn như thế, vẫn nguyên vẹn như lúc ban đầu. Vậy là về bản chất, chôn lấp không xử lý được rác, mà ngược lại, còn giúp nó trường tồn thêm với thời gian.

Một vấn đề khác khi chôn lấp rác, đó là nước rỉ ra từ rác. Việc đào hố lớn trên mặt đất, đồng nghĩa càng xuống sâu thì càng dễ đụng đến mạch nước ngầm xung quanh đó. Nếu việc phủ bạt bên dưới diễn ra sơ sài, không đảm bảo chất lượng, thì việc nước bẩn, rỉ ra từ rác theo những vết rách, nứt mà ngấm vào lòng đất, xâm nhập vào mạch nước ngầm là điều tất yếu.

Những vụ việc gần đây như chặn xe chở rác liên tiếp ở bãi rác Nam Sơn, khiếu nại kéo dài ở bãi rác Khánh Sơn (Thành phố Đà Nẵng) cũng đều xuất phát từ vấn đề này. Cuộc sống của người dân xung quanh bãi rác liên tục bị đảo lộn, ảnh hưởng khi nguồn nước nhiễm bẩn, không khí nồng nặc mùi hôi. Để tưởng tượng, hãy thử để rác sinh hoạt trong nhà mình chừng 1 – 2 ngày và không dọn, xem mùi, côn trùng kéo đến là như thế nào; rồi hình dung điều ấy diễn ra với thời gian dài hơn, và quy mô lớn hơn của những người dân xung quanh bãi rác.

Còn với đốt, sự cồng kềnh trong cách vận hành khiến cho hiệu suất đốt rác mỗi ngày thường khá kém, đặc biệt khi so sánh với lượng rác được xử lý mỗi ngày bằng chôn lấp. Bên cạnh đó, không phải địa phương nào cũng đủ công nghệ, tiền tài để vận hành công nghệ, cho nên phương pháp này ít được sử dụng; hoặc nếu có thì cũng rất hạn chế và mang tính nhỏ lẻ.

Một khía cạnh khác cần nhắc đến, là việc đốt rác cũng ảnh hưởng xấu đến môi trường không kém việc chôn lấp. Một trong những vấn đề của nhựa đó là không phải loại nào cũng có thể tái chế được, bởi sau mỗi lần sử dụng thì nó bị biến chất, trở nên rất độc. Đốt thúc đẩy quá trình biến đổi ấy, giải phóng nhiều khí độc trong các loại nhựa và rác hơn, phân tán ra môi trường và ảnh hưởng không kém gì khi so với việc chôn lấp.

Như vậy, chỉ với riêng rác thải nhựa, chúng ta đã nhìn thấy những khía cạnh môi trường chịu tác động. Đó là biển cả, với 71% diện tích bề mặt, 91% sinh quyển và chứa đến 97% lượng nước toàn cầu, nên không quá khó hiểu khi những tác động dù là nhỏ nhất cũng tạo nên nhiều biến động, ảnh hưởng đến môi trường chung như thế. Đó là đất liền, là nơi của chỉ riêng con người – cũng đã có hơn 7 tỷ cá thể cùng sinh sống, nên với hệ quy chiếu là những người sống xung quanh những bãi rác, nếu được phóng ra là toàn cầu – sống trong một môi trường ấy thì sẽ như thế nào, cũng là một vấn đề đáng để lưu tâm.

Bản chất của nhựa là không xấu, mà là do cách chúng ta sử dụng

Khi nói chuyện với một cô tiểu thương trong một dịp đi khảo sát cho dự án giảm túi nilon trong chợ, mình đã hỏi cô nghĩ gì về lựa chọn ấy, cô bảo rằng, Túi nilon rất tiện, lại sạch sẽ vô cùng; dùng đựng đồ không sợ bị bẩn, giá lại rẻ nên tìm ở đâu cũng có – có khi họ còn cho thêm mấy cái.

Vừa trả lời, cô vừa bán hàng, và cũng không quên thực hành điều cô vừa nó cho mình xem – quàng thêm một cái túi nilon vào bịch đựng đồ của chú khách mới tới. Mình nhìn vào chỗ cô vừa rút túi, ở trong ấy cơ man là túi với đủ màu sắc và kích cỡ. Với cô, mình nhìn thấy rõ ràng túi nilon là một người bạn đồng hành đắc lực, giúp ích rất nhiều trong việc bán hàng thuận lợi.

Còn khi nhắc đến túi (phân hủy) sinh học, cô lắc đầu bảo xài thế sang lắm. Túi nilon thường bán theo ký là mấy chục nghìn, còn túi nilon sinh học bán chục cái là mấy nghìn. Giá đó cộng vào giá bán hàng, đội lên cũng kha khá, tiểu thương ở chợ cạnh tranh nhau từng chút một, tăng giá kiểu vậy thì ai mua cho mà bảo với chả vệ môi trường? Dù rằng ngay lúc ấy, khi cái dự án giảm túi nilon ở chợ đang triển khai, thành phố ra sức ủng hộ và trợ giá cho túi nilon sinh học để giá của túi gần bằng với túi nilon thường nhằm dần tạo thói quen cho người dùng.

Nhưng với mình, dù rằng tiểu thương ở chợ như cô có thực hành, có sử dụng túi nilon sinh học, hay hạn chế quàng thêm túi cho khách đi chăng nữa, cũng không hề thay đổi được vấn đề là ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa. Như đã viết ở phần trên, những vấn đề của rác thải nhựa xuất phát từ việc lượng rác quá tải ở trên đất liền, và không kiểm soát được nguồn rác trôi ra biển. Cho nên để giải quyết, chúng ta cần xử lý dứt điểm những vấn đề ấy.

Mình rất ngại trò chuyện với những bạn yêu môi trường cực đoan, không phải vì cách các bạn ấy tuyệt đối hóa mọi thứ, cũng không phải vì sự bài trừ và kỳ thị đến khắc nghiệt những người dùng đồ nhựa; mà là bởi cách cách các bạn đang thực hành – khiến mình liên tưởng đến sự chạy theo trào lưu. Khi một bạn hỏi tại sao nhiều giải pháp, cửa hàng ăn uống chung tay bảo vệ môi trường bằng cách giảm thiểu đồ dùng nhựa – nhưng vấn đề ô nhiễm vẫn còn tồn tại, có phải chăng vì những hành động ấy quá là nhỏ bé hay không?

Thì mình trả lời rằng, họ (những giải pháp, cửa hàng…) khi thực hành bảo vệ môi trường bằng cách giảm đồ nhựa dùng một lần, hạn chế túi nilon, chuyển sang ống hút inox hay thủy tinh… thì có thể họ quan tâm đến môi trường đấy, nhưng điều họ quan tâm hơn đó là nếu không làm – thì có thể bị tẩy chay. Chính điều này, mà việc thực hành ấy diễn ra một cách hời hợt, bề nổi và lượng nhựa mà họ sử dụng, thải ra mỗi ngày cũng không giảm được bao nhiêu.

Và dù rằng họ có giảm đến tuyết đối đi chăng nữa, lượng nhựa thải ra mỗi ngày ở một giải pháp bằng với một hộ dân bình thường, thì vấn đề môi trường mà họ hướng đến chưa chắc đã được giải quyết. Bởi họ không dùng chất liệu này, thì sẽ cần đến một chất liệu khác để thay thế. Việc sử dụng chất liệu ấy, nếu không được kiểm soát, vẫn vô tội vạ như thói quen dùng đồ nhựa – thì những vấn đề với môi trường là vẫn còn, và đối tượng được bêu tên sẽ được chuyển dịch.

Như trong phần đầu bài viết mình đã nêu, nhựa xuất phát điểm của nó là để giải quyết những vấn đề môi trường. Khi nạn săn bắt diễn ra tràn lan, tác động xấu đến sự đa dạng sinh học; khi giấy được dùng nhiều để đựng thực phẩm, cũng đồng nghĩa rằng cần nhiều gỗ hơn, cần nhiều nước hơn để sản xuất. Những vấn đề ấy, trong bối cảnh hiện tại vẫn đang rất bức thiết như lúc nhựa mới ra đời, chỉ có nhựa là bị thay đổi góc nhìn.

Quay trở lại với tác động của nhựa đến môi trường, với mình – việc dùng đồ nhựa là không xấu, mà là cách chúng ta đối xử với nó. Nếu đi hội chợ hay ra bờ hồ, công viên và gọi lấy cốc trà sữa ngồi nhâm nhi cùng bạn bè – điều ấy là không xấu. Nhưng nếu dùng xong, bạn tiện tay vứt nó ra đường, hay tệ hơn là ném xuống hồ, xuống sông – thì vấn đề với nhựa bắt đầu từ đây mà ra.

Tất cả dòng sông đều đổ ra biển, và trong dòng chảy ấy còn đính kèm cả đôi đồ nhựa đi cùng. Một cái tiện tay cũng chẳng là bao so với đại dương to lớn ngoài kia. Nhưng nhiều cái suy nghĩ chẳng là to lớn ấy cùng kết hợp lại, thì đủ tạo nên nhiều vấn đề. Nếu rác theo dòng chảy, mắc kẹt ở cống nước, nó sẽ làm tắt dòng chảy, gây nên tình trạng ngập úng cục cộ khi mùa mưa đến, làm lực lượng công nhân phải gánh thêm việc mang tên móc rác ống cống. Nếu rác theo dòng chảy, xuôi theo dòng nước mà đổ ra biển, việc thu gom theo đó sẽ khó hơn, rác chìm xuống biển, trôi dạt trên bờ, tập kết lại và tạo nên những hòn đảo rác giữa biển.

Ở đảo Henderson, người ta tìm thấy những vật dụng bằng nhựa từ Nga, Hoa Kỳ, Châu Âu, Nam Mỹ, Nhật Bản và cả Trung Quốc. Chúng theo dòng hải lưu của Nam Thái Bình Dương, đi một vòng tròn và tập kết lại trên hòn đảo cách biệt giữa Chile và New Zealand. Vi nhựa tồn tại ở khắp mọi nơi, những sinh vật sống một cuộc đời cùng những mảnh nhựa trên người, những cái chết của những con chim biển mà khi mổ bụng ra thì toàn là rác là những câu chuyện không mới, và những câu chuyện ấy vẫn đang diễn ra – hàng ngày hàng giờ như cách chúng ta tiện tay lúc ở ngoài đường.

Đó là vấn đề rác ở trên biển, vậy rác ở trong đất liền thì sẽ như thế nào? Rác thải nhựa vừa là kẻ thù với ai yêu môi trường, nhưng nó cũng vừa là kênh mưu sinh với những ai sống vì môi trường.

Trong cuộc khảo sát mà tâm điểm là cô tiểu thương ở trên, mình được theo chân một chú lao công len vào từng ngách nhỏ, nhặt từng túi rác được bịt kín lẫn vương vãi đồ thừa và nước bẩn. Quá trình ấy diễn ra chậm rãi, không gì là gấp gáp bởi chú còn nhìn xem liệu trong số rác ấy có chai nhựa, lon nước nào không. Nếu như có, chú sẽ nhặt ra, sẵn nắp trên chai thì vặn kín lại, không có thì đổ hết nước ra rồi bỏ vào bịch riêng.

Chuỗi hành động ấy, chú bảo là một cách để cải thiện thu nhập, khi lương lao công là một điều vô cùng khó để sống ổn. Chính điều ấy, khiến quá trình khiển khai dự án mà mình tham gia lại gặp vướng mắc ở khâu thu gom, phân loại rác; khi mà việc đó như là cắt miếng cơm manh áo của người khác, mà cụ thể hơn là những người lao công.Tất nhiên, việc phân loại rác là một công việc nảy sinh, cải thiện từ tình huống thực tế, chứ đó không hoàn toàn là nhiệm vụ của lao công.

Khi mình đến Bãi rác Khánh Sơn, nhìn thấy bạt ngàn một dải đất được phủ bạt đen, bên dưới là những lớp đất và rác được chôn lấp bằng thủ công, đi sâu vào nữa là nhiều lán, trại được dựng lên. Những lán trại ấy, không phải là công nhân của bãi rác, mà là người làm của những cơ sở thu mua phế liệu. Họ lên đây, lọc ra từ trong bãi rác những đồ nào có thể tái chế được, là chai nhựa, lon nước, áo mưa rách rồi những tấm nhựa vỡ… những vật dụng ấy sau khi thu gom từ bãi rác, được phân loại thêm một lần nữa. Những loại nhựa nào không thể tái chế được nữa (do quá độc khi sử dụng), thì sẽ được tái chế thành nhựa phế phẩm, đúc thành vật liệu công nghiệp. Theo lời của anh nhân viên của bãi rác, thì mỗi ngày lượng rác tái chế thu lại được chỉ chiếm khoảng 2 – 3% lượng rác đổ vào mỗi ngày.

Rác thải nhựa chiếm trung bình 12% trong lượng rác thải sinh hoạt, và chiếm 65% trong lượng rác ngoài tự nhiên (trôi dạt vào biển, tồn tại trên đất liền). Với 1.000 tấn rác được thải ra và trung bình 95% được thu gom ở Thành phố Đà Nẵng, riêng rác thải nhựa đổ vào bãi rác đã hơn 110 tấn mỗi ngày, xử lý được 3% tương đương 4 tấn rác – một con số tuy rất lớn, nhưng so sánh với lượng rác còn tồn đọng thì chẳng là bao.

Trong khi giai đoạn mình đi làm khảo sát, vấn đề quá tải nơi bãi rác đã được nhắc đến – và nó đã tồn đọng được 5 năm, người ta dự tính rằng với quỹ đất hiện tại của Bãi rác Khánh Sơn, thì chỉ chừng đôi năm nữa là sẽ không còn đất để chôn rác. Và trong bối cảnh ấy, những dự án về Khu xử lý rác vẫn đang còn dang dở, nếu không làm gì vào lúc này, thì một tương lai gần nào đó – khu cảnh mà cả toàn phố ngập tràn rác do không còn chỗ chôn lấp sẽ đến rất gần…

Giải pháp nào cho rác thải nhựa?

Khi nhắc đến việc bài trừ đồ nhựa dùng một lần, mình đôi lần tự hỏi, nếu chúng ta diệt trừ được đồ nhựa thật, thế giới này sạch bóng và không còn miếng nhựa nào thật, thì cái gì sẽ là nạn nhân nên tiếp theo của người yêu môi trường?

Gần đây, mình thấy giấy là câu trả lời hợp lý, đặc biệt là trong bối cảnh mà khí hậu ngày càng khắc nghiệt, bão cứ vào liên miên, sạt lở đất diễn ra liên tục và người ta cứ thắc mắc: rừng đâu rồi? Giấy và nhựa có cách thức sản xuất, tính ứng dụng và sự phân hủy là khác nhau, và cả cách tác động đến môi trường cũng là như thế. Bởi, nếu như nhựa được nhắc đến phần nhiều sau khi sử dụng, thì giấy lại gây nhiều tác hại trong công đoạn xản xuất. Nước thải từ quá trình sản xuất giấy chứa nhiều độc tính, có khả năng gây ung thư và khó phân hủy trong môi trường. Không khí thải ra từ quá trình được kể đến gồm có: khí H2S trong quá trình nấu bột, clo trong quá trình tẩy trắng, lưu huỳnh trong lò xông…

hưng thật sự, vấn đề không phải là chúng ta loại bỏ giấy ra khỏi đời sống như thế nào, giảm nhựa ra sao để môi trường sống được tốt hơn, mà là chúng ta cần tiêu thụ có trách nhiệm như thế nào. Tiêu thụ có trách nhiệm, tức là chúng ta suy nghĩ trước khi lựa chọn một món đồ – rằng nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến môi trường, rằng để làm ra nó thì môi trường phải chịu tác động ra sao, và khi dùng xong thì cần phải làm gì để tránh làm môi trường thêm chịu tác động. Để hiện thực hóa những suy nghĩ ấy, chúng ta có hai lối đi để thực hành song song, đó là ý thức hơn khi dùng đồ nhựa; và phân loại rác tại nguồn.

Đầu tiên đó là có ý thức hơn trong việc sử dụng, và thải đồ dùng nhựa mỗi ngày. Có một điều chắc chắn rằng, chúng ta không thể nào sống mà thiếu đồ nhựa, và nếu không dùng đồ nhựa, thì vẫn phải cần một chất liệu khác thay thế. Sẽ như thế nào nếu, chúng ta đối xử với chất liệu mới như đối xử với nhựa, là sử dụng một cách vô tội vạ, và thải ra môi trường đầy vô tư? Thì tất nhiên, chúng lại (vẫn) mang tiếng xấu là ảnh hưởng đến môi trường.

Trong khi, gốc rễ cần xử lý đó chính là ý thức con người lại ít được chú ý đến. Nếu sau khi bạn dùng ly trà sữa và đặt nó vào thùng rác thay vì tiện tay vứt ra đường; nếu bạn từ chối quàng thêm bao nilon vì đồ được mua sẽ bỏ trong cốp xe; nếu bạn thay vì order ly cà phê ở Circle K, mà đem theo chai nước để đựng; và nếu nhiều cái nếu khác, diễn ra khi bạn nghĩ rằng, ừ mình có thể giảm nhựa một chút nè, thì môi trường sống sẽ rất khác, lượng nhựa thải ra cũng rất khác và sẽ không còn một nạn nhân nào để đổ lỗi.

Tiếp nữa là phân loại rác tại nguồn, nghe có vẻ cần phải thực hành rất vĩ mô, nhưng ở cấp độ vi mô bạn cũng có thể làm được rồi. Sàng, lựa và phân loại rác chúng ta thải ra mỗi ngày, với đồ có thể tái chế được (chai nước ngọt, lon bia, giấy tờ…) thì tự tái sử dụng hoặc đem bán đồng nát (nếu đủ nhiều); với rác hữu cơ (thức ăn, cỏ cây hoa lá…) thì tùy hình tình không gian sống mà có thể làm phân hữu cơ, cho người chăn gia súc… (với hộ gia đình). Nếu thực hành được theo như thế này, lượng rác mà chúng ta đem ra bỏ ngoài thùng rác mỗi ngày chỉ là rác vô cơ không tái chế được.

Trung bình, tỷ lệ rác hữu cơ chiếm khoảng 60%, rác tái chế chiếm 22% và rác vô cơ chiếm khoảng 8% trong tổng lượng rác thu gom mỗi ngày. Do thế, nếu phân loại triệt để và hạn chế tối đa rác hữu cơ, rác tái chế ra bãi rác, thì lượng rác mỗi ngày có thể giảm đến 92%.

Tất nhiên, đó là tình huống như mơ, nhưng không phải là không thể thực hiện được. Trong năm 2019, chúng ta có Quyết định số 1577/QĐ – UBND của Thành phố Đà Nẵng , Quyết định số 12/2019/QĐ – UBND của Thành phố Hồ Chí Minh cũng cùng đều nói về vấn đề phân loại rác tại nguồn. Đây là những bước đầu mang nền tảng là chính sách, theo sau đó sẽ là cách vận hành và thay đổi ở hệ thống phân loại, thu gom rác tại nguồn. Khi những chính sách này đi vào thực tiễn, nguồn lực để xử lý rác cũng được phân phối hợp lý hơn, nên các bãi rác sẽ được giảm gánh nặng đi rất nhiều, những vấn đề mà bãi rác gây ra cho cộng đồng cũng sẽ theo đó mà giảm dần.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà chủ nghĩa tiêu dùng đang lên ngôi, vật chất thể hiện và chi phối mọi hành vi của con người. Các đợt flash sale được các sàn thương mại điện tử cạnh nhau mà chạy suốt năm suốt tháng, thúc đẩy hành vi mua hàng và xả ra môi trường vô vàn túi, hộp đựng sản phẩm. Hòa mình vào xu hướng ấy, chúng ta dễ dàng nắm bắt được những thị hiếu, thực hành những điều thú vị của cuộc sống. Và nếu đứng ở ngoài, có thể chúng ta sẽ giảm được phẩn nào lượng rác thải ra môi trường. Với từng lựa chọn, giá trị nhận lại sẽ là khác nhau, nhưng không có nghĩa là chúng ta cần rạch ròi giữa từng lựa chọn ấy. Việc dung hòa, chọn đủ và có trách nhiệm với những gì mình thải ra là điều quan trọng hơn, phù hợp trong nhịp sống này. Cho nên, đừng lên án những người dùng đồ nhựa một lần, cũng đừng bài trừ những lựa chọn gắn liền với nó; mà hãy lên tiếng cho những hành vi vô ý thức với môi trường, với sự thờ ơ vì yêu thích cảm giác tiện và lợi cho chính mình.

nhavantuonglai

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.