Thiền để làm gì?
Thực hành tôn giáo giúp đời sống an lành, hạnh phúc, giác ngộ và mang lại năng lượng tích cực cho bản thân, giá trị đẹp cho cộng đồng.
· 7 phút đọc · lượt xem.
Thiền để làm gì? Câu hỏi tưởng chừng như giản đơn này, ai khi có một chút tìm hiểu về Phật pháp cũng có thể trả lời được. Ấy thế mà vẫn có một sự bối rối nhất định khi tôi hỏi đến từng người. Chẳng phải gì hết, mà một phần vì sự tu tập chưa thông suốt, hiểu chưa thấu đáo nên mới có sự mù mờ này. Hôm nay, hãy cùng @nhavantuonglai diễn giải mục đích sau cùng của thiền để chúng ta cùng hiểu hơn về nó nhé.
Thiền là gì?
Thiền chính là tác ý để cố định tâm hồn lại một điểm, để từ điểm ấy mà ta có thể quán chiếu chính mình. Nhằm thấu thị và đánh giá bản thân, để hiểu hơn về chính mình, để đem lại sự an định trong nội tại. Là một khái niệm mang tính thức tỉnh, thiền là cách hữu hiệu để an định tâm sức của một người trong dòng đời đầy biến động. Khi tâm đã tĩnh thì ta mới không dễ bị cuốn theo những dòng chảy của cuộc sống, từ ấy ta mới có thể soi xét mọi điều được chính đáng và xác thực hơn.
Để hiểu về sự gần gũi của thiền, hãy cùng nhau tưởng tượng về một buổi tối, mặt hồ yên ả và chúng ta cùng đang chèo thuyền ra giữa lòng của nó. Trăng đang rất đẹp nhưng sóng nước cứ chập chờn theo mái chèo, gió lại hiu hiu thổi từng cơn mà mặt hồ cuộn thêm sóng. Lúc ấy mà muốn ngắm nhìn trăng dưới hồ e là khó, hoặc giả có muốn cũng phải dừng mái chèo lại, đợi gió thôi thổi, tâm tĩnh lặng mới thấy rõ sự đẹp đẽ của ánh trăng dưới hồ.
Hoặc hãy cùng về một miền quê ở Nam Bộ, kênh rạch nhiều nhưng nước sạch lại khó kiếm, muốn uống thì phải múc nước lên xong để thêm cục phèn chua. Đợi nước lắng thì lúc ấy mới trong mới sạch mới dùng được.
Hai ví dụ này là câu trả lời đơn giản cho câu hỏi, rằng thiền là gì? Bởi tâm ta luôn gợn sóng như mặt hồ, chỉ cần cành lá hay cơn gió nhẹ cũng làm xao động. Bởi tâm không yên nên lòng khó tĩnh để cảm nhận sự an nhiên trong tâm hồn, khó có thể tìm được giây phút tĩnh lặng để thư thái. Chưa kể rằng tâm cứ xao xuyến lại dễ nảy sinh tác ý, hành xử không được thiện lương.
Bởi vì thế, hành thiền chính là việc dừng mái chèo lại cho mặt hồ thôi gợn sóng, là thả cục phèn chua để nước gạn đục thêm trong. Hành thiền là cách ta cố định tâm lại một chỗ, định vị nó ngay tại ấy để nhìn thấy sự tĩnh lặng trong tâm hồn. Khi tâm ta tĩnh được rồi thì nhìn thấu mọi vật mới thêm rõ ràng, như cách ta nhìn thấy trăng giữa mặt hồ tĩnh lặng, như dòng nước mát và lành khi rót từ dòng sông sạch lên.
Khi ta nói đang hành thiền, thì không phải cứ nhắm mắt và ngồi yên một chỗ. Ngồi yên, nhắm mắt mà tâm xao động thì làm sao mà an định được tâm thức cơ chứ. Thiền là sự thức tỉnh và hành động của ý niệm, nên khi ta đang ăn, đang đi giữa đường hoặc làm việc cũng có thể thực hành thiền như ý nguyện. Chỉ cần những lúc ấy giữ tâm sáng, vô ưu không lo nghĩ mà thực hành công việc một cách tự nhiên. Tự nhiên tâm sẽ bùng phát sự tỉnh thức, chính sự tỉnh thức ấy sẽ giúp ta nhìn mọi vật được trong lành và đúng bản chất của nó hơn.
Vậy thiền để làm gì?
Khi hành thiền, mà ta nảy ra những tác ý cầu chứng đắc, mưu cầu sớm đạt đến một cảnh giới nào đó trong cõi Phật thì không sớm cũng muộn dụng công ma ấn ngũ hành, huyễn cảnh sinh sôi rằng ta được được tác nguyện. Tâm hoang tưởng như thế làm ta dễ điên loạn, nảy sinh sự cuồng vọng về chính bản thân mình. Những điều ấy hay còn được gọi với cái tên là tẩu hỏa nhập ma. Tâm nhập ma xuất phát từ những ý niệm sai lệch khi hành thiền, tâm mưu cầu lợi ích phù phiếm mà quên đi cái giá trị cốt lõi mà hành thiền đem lại. Vậy hành thiền cuối cùng để làm gì?
Đó chính là sự an lạc trong tâm tưởng. Hành thiền không giúp ta đi đến tận cùng của cõi Niết Bàn, hoặc giả dụ là có thì cũng phải trải qua thêm nhiều kiếp nạn. Hành thiền cũng không đem lại cho ta sự thông tuệ, thấu hiểu tri thức hay mọi điều trong cuộc sống. Hành thiền cũng chẳng thể nào giải trừ được toàn bộ bệnh tật và sự đau đớn trong người.
Hành thiền đem đến sự bình yên trong từng hơi thở. Khi nhịp thở ta tĩnh và đầy sự yên lạc, tự khác tâm sẽ trở nên sáng và thông suốt hơn. Chính thiền không đem đến cho ta tri thức, nhưng thiền giúp ta hiểu rõ tri thức hơn, nó là dòng chảy, là sự sắp xếp mọi thứ đúng vào trật tự vốn có. Thiền chính là sự điều hòa và xoa dịu những căng thẳng, giúp ta có thể đón nhận một điều được trọn vẹn hơn.
Hành thiền giúp ta được chữa lành những vết thương. Chính sự lạc quan và thức tỉnh, cũng như việc thấu hiểu chính mình. Hành thiền là cách để ta hiểu rõ bản thân, hiểu rõ những vết thương đang cào xé trong tâm hồn, để ta biết là nên hành động như thế nào cho phải, cho đúng đắn. Sự mệt mỏi, stress làm bản thân ta cáu bẳn, hằn học và chỉ vô ý làm tổn thương người khác. Những điều ấy xuất phát từ việc ta khó kiểm soát được tâm thế chính mình. Nhưng khi ta điều hòa được nhịp độ suy nghĩ, tĩnh tâm trước mọi muộn phiền, và thấu hiểu những đau thương đang gây ra cho những người khác. Thì tự khác ta hiểu và lựa chọn giải pháp đúng đắn hơn.
Nói về sự chữa lành, hành thiền còn là cách hữu hiệu để vượt qua những đau khổ. Trầm cảm, sự lạc lối, cảm giác chênh vênh là những điều có thể chữa lành bằng hành thiền. Bởi chính sự quán chiếu và soi xét tâm hồn, ta có được cơ hội để nhìn thấu bản chất của chính mình. Hiểu được nó cũng là hiểu sự đau khổ của nó đang diễn ra thế nào.
Thiền là một phép lành của sự an lạc. Thiền là một quá trình quán chiếu nội tại của chính mình để hiểu rõ những điều đang diễn ra trong nó. Sự thương tổn, mệt nhọc và mông lung không còn khó khăn để chấp nhận và vượt qua. Thiền đem đến một cảm giác yên bình cho mỗi ngày, để ta có thể thực hiện những điều lớn lao và chấp nhận những thử thách mới mẻ hơn trong mỗi ngày. Thiền đơn giản là khiến cuộc sống này hạnh phúc hơn, rất nhiều.