Trồng một nụ cười | Chương 06

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng lập Làng Mai, truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân, chánh niệm, giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc, hòa hợp thiên nhiên.

 · 51 phút đọc  · lượt xem.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng lập Làng Mai, truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân, chánh niệm, giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc, hòa hợp thiên nhiên.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.

Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

NẾU BẠN GIEO MỘT HẠT BẮP và tưới nước cho nó, trong vòng một vài tuần hạt bắp sẽ nảy mầm và lớn lên. Bây giờ, hãy tưởng tượng bạn cúi thấp xuống và trò chuyện với cây bắp. Bạn hỏi cây bắp: Này bạn bắp con thân mến, bạn có nhớ hồi bạn còn là một hạt bắp không? Nếu có thể nói được, cây bắp con sẽ trả lời như thế này: Tôi hả, tôi mà là hạt bắp đó hả? Tôi không tin đâu! Có thể cây bắp đã quên bẵng rằng mình đã từng là một hạt bắp. Vậy nên, bạn nói cho cây bắp con biết: Này bắp con thân mến, tôi biết rõ lắm. Chính tôi là người trồng bạn trong cái chậu này. Tôi chắc chắn rằng bạn đã từng là một hạt bắp. Tôi tưới nước cho bạn mỗi ngày, và một ngày kia bạn đã nảy mầm và mọc lên những chiếc lá non đầu tiên. Giả dụ rằng bạn tả lại cái gì đã xảy ra cho cây bắp, có lẽ bạn ấy sẽ nhớ lại mình tới từ đâu.

Chúng ta cũng giống như cây bắp con đó. Khi mẹ bắt đầu mang thai, chúng ta cũng là một cái hạt nhỏ xíu nằm trong bụng mẹ, nhỏ hơn hạt bắp nhiều lắm. Cái hạt ấy chứa trong nó cả cha lẫn mẹ. Chúng ta là sự tiếp nối của cha mẹ, nhưng ít ai trong chúng ta còn nhớ điều ấy. Sau khi đậu thai, cái hạt giống bé xíu ấy bắt đầu nhân ra rất nhanh. Trong một tiếng đồng hồ đầu tiên sau khi thụ thai, cái hạt giống ấy được nhân lên thành một ngàn tế bào. Và chúng ta tiếp tục lớn lên từ từ theo cách đó.

Phần đông chúng ta đã có một quãng thời gian tuyệt vời trong bụng mẹ. Môi trường ở đó thật là hoàn hảo! Chúng ta ở một nơi thật êm ái, được nước bao bọc và ta bập bềnh trong đó rất thoải mái. Mẹ thở cho ta, ăn cho ta và mỉm cười cho ta. Ta chẳng cần phải làm bất cứ một điều gì, ta chỉ tận hưởng mà thôi.

Trong tiếng Việt có một danh từ rất đẹp để diễn tả, đó là tử cung, tức là cung điện của đứa con. Chúng ta được ở trong cung điện đó khoảng chín tháng, không cần phải lo lắng gì cả. Ở đó không hề có lo lắng, sợ hãi, tham vọng – đó đích thực là một thiên đường.

Nhưng đến khi chúng ta được sinh ra, mọi thứ hoàn toàn thay đổi. Trước đó, chúng ta được gắn liền với mẹ qua sợi dây rốn, qua đó ta nhận được không khí và dưỡng chất từ mẹ. Khi ta ra đời, cái dây rốn bị cắt đi và ta phải tự lập. Đó là một giây phút khó khăn và nguy hiểm, bởi mẹ không còn thở giùm ta nữa. Ta phải tự thở. Khó khăn lắm ta mới thở được vì có chất lỏng trong phổi. Ta đã phải cố gắng đẩy nó ra ngoài để hít vào một hơi thở đầu tiên. Khi có thể thở được, ta biết rằng mình sẽ tồn tại. Ta sợ rằng mình không thể sống sót. Đó là lần đầu tiên ta trải qua nỗi sợ hãi.

Sau khi lọt lòng mẹ, chúng ta không thể làm bất cứ cái gì cho chính mình. Người khác phải chăm sóc cho ta. Chúng ta không có khả năng làm gì cả. Ta có tay, có chân nhưng lại chưa biết cách sử dụng chúng. Ta phải nương vào cha mẹ và chúng ta bắt đầu cảm thấy sợ hãi. Cùng với nỗi sợ hãi nguyên thủy là một khát khao đối với sự sống. Đó chính là khát khao đầu tiên. Khi lớn lên, ta có những khát khao khác, nhưng chúng chỉ là sự tiếp nối của sự khát khao nguyên thủy – khát khao được sống.

Có thể chúng ta cũng hành xử như hạt bắp kia. Ta quên mất rằng mình đã từng nằm trong bụng mẹ. Chúng ta rất ngạc nhiên khi biết mình đã từng là một hạt giống nhỏ xíu. Có thể chúng ta chưa hoàn toàn quên hết, ta chỉ gần như quên hết cái thuở vô cùng thoải mái trong cung điện của bé thơ, trong cái thiên đường đó. Có đôi khi ta cảm thấy một cái gì như nỗi nhớ thiên đường, khi ấy ta biết mình vẫn chưa hoàn toàn quên cái thiên đường ta đã từng cư ngụ trong chín tháng.

Có một điều mà ta nên nhớ. Đó là chúng ta đã bắt đầu từ một hạt giống nhỏ xíu và cái hạt đó có chứa cha mẹ và cả ông bà, tổ tiên. Cũng tương tự như cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp.

Chúng ta là sự tiếp nối của cha mẹ. Đó là một sự thật. Nếu chúng ta nhìn nhận sự thật cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp thì chúng ta cũng chấp nhận sự thật mình là tiếp nối của cha mẹ hay của người nuôi dưỡng ta (những người này có thể không phải là cha mẹ ruột nhưng là những người đã nuôi dưỡng ta).

Bạn có thể đến bên cha mình, nhìn cha và nói như thế này: Cha ơi! Cha có biết rằng con là sự tiếp nối của cha không? Thực ra khi bạn là sự tiếp nối của một người thì bạn không hẳn là một thực thể hoàn toàn khác biệt với người đó. Cây bắp con không thể nói: Tôi không biết gì về hạt bắp. Tôi hoàn toàn khác với hạt bắp đó. Đó không phải là sự thật bởi vì cây bắp từ hạt bắp mà ra. Cây bắp là một với hạt bắp. Cây bắp nhìn không giống hạt bắp nhưng nó lại là sự tiếp nối của hạt bắp._

Khi một cô bé giận cha của mình thì điều gì xảy ra? Cô bé ấy thực ra đang giận chính mình, bởi cô bé là sự tiếp nối của cha. Khi thiền tập, chúng ta nhận diện được cha ở trong ta và cha có mặt nơi mỗi tế bào cơ thể của ta. Thở vào, ta chào cha trong từng tế bào của cơ thể ta. Thở ra, ta mỉm cười với mẹ trong từng tế bào của cơ thể ta. Trên thực tế, mỗi tế bào trong cơ thể của ta chứa đựng sự có mặt của cha mẹ và ông bà, tổ tiên. Ta chỉ là sự tiếp nối của của các vị ấy mà thôi.

Khi ta giận mẹ thì cũng giống như ta đang giận chính mình. Không thể nói mẹ của bạn và bạn là hai người khác nhau. Nhưng chúng ta cũng không thể nói rằng mẹ của bạn và bạn cùng là một người. Bạn và cha bạn không hẳn là một người, nhưng bạn cũng không hoàn toàn khác với cha của bạn. Đó gọi là không một, không khác. Đó chính là giáo lý của Bụt.

Khi nhìn vào album hình của gia đình và thấy tấm hình của mình hồi còn 5 tuổi, chúng ta tự hỏi: Có phải tôi vẫn chính là em bé 5 tuổi trong hình này không? Giờ đây, chúng ta đã 30, 40 tuổi, chúng ta trông rất khác với cậu bé hay cô bé trong hình. Nói rằng mình vẫn là em bé đó thì khó tin quá, nhưng thật ra mình chính là sự tiếp nối của em bé đó. Thân thể, cảm thọ, tri giác của chúng ta giờ đây đã khác đi nhưng chúng ta lớn lên từ em bé đó.

Nếu có ai hỏi bạn, bạn có phải là một với em bé đó không, bạn có thể trả lời rằng: Dạ, có vẻ như tôi không hoàn toàn giống với em bé đó vì giờ đây hình dáng, cảm xúc của tôi khác xưa. Nhưng tôi và em bé đó cũng không phải là hai người hoàn toàn khác biệt đâu, bởi vì em bé đó đã trở thành tôi, tôi chính là sự tiếp nối của em bé đó. Đây chính là cái mà Bụt gọi là Trung Đạo – nghĩa là ta và em bé không phải là một người, cũng không phải là hai người. Đây là giáo lý không một, không khác. Bạn nên dành thời gian để chia sẻ với cha mẹ của bạn về điều này. Sự thật là nếu bạn giận cha thì cũng như là bạn đang giận chính mình. Không có cách nào để bạn tách cha hay mẹ ra khỏi bạn được. Đó là lý do tại sao ta nên thực tập hòa giải với cha mẹ trong bản thân mình.

Có một bạn trẻ rất giận cha, anh tuyên bố: Cái ông đó, tôi không muốn dính líu gì đến ông ấy cả. Thế nhưng anh không thể nào lấy cha ra khỏi mình được, không có cách nào cả bởi anh chính là sự tiếp nối của cha. Mẹ của ta chính là ta, đó là sự thật. Cha của ta cũng chính là ta. Đó là một sự thật. Tôi không phải là một thực thể hoàn toàn tách rời cha, tách rời mẹ. Chính Bụt đã nhắc nhở chúng ta điều này. Vậy khi nào bạn có khó khăn với cha hay với mẹ, hãy suy nghĩ lại. Hãy nhìn sâu và cố gắng giải quyết khó khăn dưới ánh sáng của những lời Bụt dạy. Không một, không khác là một giáo lý rất thâm sâu của Bụt.

Chúng ta có thể nghe và tập hát bài Tưới tẩm hạt giống tốt (Bạn có thể tìm thấy trên trang nhà Làng Mai hoặc quét QR-code sau):

Bài hát này giúp ta thấy rằng ta là sự tiếp nối của cha mẹ và các thế hệ tổ tiên. Đây là một bài tụng do tôi sáng tác và các học trò đã phổ nhạc.

Bài tụng bắt đầu như sau:

Con có cha, có mẹ

Cha mẹ có trong con

Nhìn mẹ cha con thấy

Có con trong cha mẹ.

Nuôi dưỡng lòng từ bi và ý thức cộng đồng THỰC TẬP LÀM MỚI TRONG GIA ĐÌNH

DỤNG CỤ: Chuông, dùi chuông, một bình hoa.

Tại Làng Mai trong các khóa tu, trước ngày thực tập Làm mới, chúng tôi hướng dẫn các em làm thiệp để tặng cho cha mẹ (hoặc người thân đi cùng). Các em trang trí thiệp cho thật đẹp và viết vào đó tình thương của mình dành cho cha mẹ, về những điều mình trân quý nơi cha mẹ. Các em sẽ tặng thiệp này cho cha mẹ hoặc người thân trong giờ thực tập Làm mới. Chúng tôi cũng thông báo cho phụ huynh biết trước để họ mang đến buổi Làm mới một món quà tự làm, sử dụng vật liệu từ thiên nhiên. Món quà này thể hiện những phẩm chất mà họ trân quý nơi con em của mình.

Sự thực tập này giúp phụ huynh và các em biết trân quý lẫn nhau. Một cậu bé 4 tuổi cảm ơn mẹ đã luôn rửa bát đĩa cho cả nhà. Một bà mẹ quỳ một cách nghiêm trang khi lần lượt bày tỏ lòng trân quý với từng đứa con đang ngồi trước mặt mình. Đây là một thực tập rất đẹp và cảm động cho bất kỳ ai đến tham dự.

Nếu có thời gian, chúng ta có thể khuyến khích các em làm vài món đặc biệt để đãi phụ huynh khi bắt đầu buổi thực tập Làm mới. Nếu không thì một khay bánh ngọt, trang trí cho đẹp mắt là được. Bắt đầu buổi Làm mới bằng cách nhẹ nhàng chuyền khay bánh đến từng người và mời mọi người im lặng thưởng thức bánh trong vài phút.

Sắp xếp buổi thực tập Làm mới giống như buổi Làm mới của người lớn (xin tham khảo chương 3). Mọi người ngồi thành vòng tròn, phần lớn các em muốn ngồi gần ba mẹ hay người thân. Giữa vòng tròn, ta đặt một bình hoa. Các em sẽ mang bình hoa đến đặt trước mặt người mà các em muốn làm mới, vì vậy tốt nhất bình hoa nên nhỏ và gọn để các em dễ cầm và mang đi.

Ta có thể bắt đầu bằng một bài hát. Rồi khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi, một em nhỏ có thể thỉnh ba tiếng chuông trước khi chúng ta hướng dẫn về cách thực tập Làm mới.

Những điểm cần nhắc đến khi hướng dẫn về phương pháp Làm mới:

Sự thực tập chính yếu trong phương pháp Làm mới là bày tỏ sự trân quý của mình đối với những người mà mình thương yêu và xin lỗi về những vụng về, thiếu sót mà mình đã gây ra. Trong cuộc sống hàng ngày, khi ta không thực tập hai điều này một cách thường xuyên thì quan hệ của ta với người khác sẽ trở nên bế tắc. Sự truyền thông trở nên khó khăn vì những tổn thương chồng chất theo năm tháng. Ta không còn tươi mát, hạnh phúc khi những cái đẹp, sự khéo léo và tài năng của chúng ta không được trân quý và nuôi dưỡng. Chúng ta cần phải thực tập hai điều này một cách thường xuyên, tốt nhất là mỗi tuần một lần. Tối thứ Sáu có vẻ là thời gian thích hợp nhất để sau đó cả nhà có thể cùng nhau tận hưởng những ngày cuối tuần. Bày tỏ sự trân quý của mình là thực tập tưới hoa, bởi vì ai trong chúng ta cũng đều có một đóa hoa – đó là sự tươi mát, hài hước, vui vẻ và vô tư trong ta. Chúng ta cần phải giúp tưới tẩm những đóa hoa đó, giữ cho đóa hoa đó tươi tắn mãi trong những người ta thương yêu. Thông thường chúng ta chỉ nói ra những điểm tiêu cực khi có vấn đề, nhưng chúng ta lại quên không để ý đến bao nhiêu điều tích cực đang diễn ra hàng ngày. Con cái của chúng ta đang khỏe mạnh, người bạn đời của ta luôn giúp ta quán xuyến việc nhà. Ta không nên chỉ than phiền khi mọi việc không suôn sẻ, mà nên dành thời gian để nhận diện tất cả những điều tốt đẹp mà ta tri ân. Khi hoa của ta được tưới thường xuyên, ta sẽ dễ chấp nhận những đóng góp xây dựng từ người khác và ta sẽ vui vẻ thay đổi cách hành xử của mình để cho gia đình được hạnh phúc hơn. Sự thực tập Làm mới có thể giúp ta nuôi dưỡng cách nhìn tích cực và lạc quan đối với những người mình thương yêu. Khi hoa của một người được tưới, ai cũng sẽ cảm thấy như hoa của chính mình được tưới. Sau khi hướng dẫn cách thực tập Làm mới, người chủ tọa nên thực tập tưới hoa trước để làm mẫu cho mọi người. Chúng ta có thể mời các em đọc nội dung đã viết trong tấm thiệp nếu các em thấy thích, còn không thì các em chỉ cần trao tấm thiệp cho cha mẹ hoặc người thân. Sau khi tất cả các em đã thực tập Làm mới xong, phụ huynh có thể tặng món quà làm từ thiên nhiên cho các em và bày tỏ cho các em biết món quà đó đại diện cho những phẩm chất tốt đẹp nơi các em như thế nào.

Nếu còn thời gian, chúng ta có thể mời phụ huynh chia sẻ thêm về những điều cụ thể họ có thể làm để gia đình thêm hạnh phúc. Đây là một cách tích cực để chia sẻ về sự hối tiếc và quyết tâm làm hay hơn trong tương lai. Vài phụ huynh chia sẻ mong muốn làm việc ít lại để dành thời gian nhiều hơn cho con, hoặc kiên nhẫn hơn và chăm sóc bản thân tốt hơn để bớt bực bội và cáu gắt đối với con cái. Một số phụ huynh khác chia sẻ mong muốn tôn trọng con cái hơn và cho con nhiều không gian để chúng được là chính mình. Và sau đó thì các em có thể chia sẻ. Thông thường, các em chia sẻ rất dễ thương và đưa ra những giải pháp rất cụ thể. Vài em thì hứa sẽ cố gắng chú ý lắng nghe khi cha mẹ yêu cầu làm việc gì, mà không cần đợi cha mẹ phải nhắc đi nhắc lại hàng chục lần rồi mới làm. Một số em khác bày tỏ sự ăn năn vì các em đã không dễ thương với các anh chị em của mình. Các em mong muốn chia sẻ nhiều hơn và ít đánh lộn với anh chị em của mình.

Nếu những người tham dự cảm thấy thoải mái, ta có thể kết thúc buổi Làm mới bằng cách mời mọi người thực tập thiền ôm với nhau.

THIỀN ÔM

Đứng đối diện với một người thân trong gia đình. Nhìn vào mắt người đang đứng đối diện (nếu người lớn quá cao so với các em thì người ấy có thể quỳ gối). Chắp tay lại và xá chào nhau. Nhẹ nhàng và chậm rãi ôm người kia vào lòng. Thở ba hơi thở vào ra trong khi ôm nhau. Với hơi thở đầu, chúng ta ý thức rằng mình đang còn sống. Với hơi thở thứ hai, chúng ta ý thức rằng người kia vẫn đang còn sống, còn có mặt đó cho mình. Với hơi thở thứ ba, chúng ta cảm thấy hạnh phúc và biết ơn được ôm người ấy trong vòng tay của mình. Sau đó, hai người nhìn nhau và chắp tay búp sen để xá chào nhau lần nữa.

THỰC TẬP TƯỚI HOA

DỤNG CỤ: Bút màu, bút chì hoặc bút viết bảng; và mỗi em được một tấm giấy vẽ sẵn một bông hoa lớn có nhụy là một vòng tròn làm tâm điểm, số cánh hoa bằng với số người trong vòng tròn chia sẻ.

Mọi người ngồi thành vòng tròn, mỗi em viết tên của mình trong vòng tròn tâm điểm. Sau đó, viết bất kỳ một phẩm chất tốt đẹp hoặc một điểm mà các em thích nơi chính mình lên một cánh hoa. Nếu em nào không viết được nhiều thì khuyến khích các em vẽ vào cánh hoa một cái gì đó hoặc người nhà có thể giúp ghi lại lời của các em.

Tất cả mọi người chuyền bức tranh của mình cho người ngồi bên trái. Sau đó, mọi người điền vào cánh hoa kế tiếp trong bức tranh một phẩm chất tốt đẹp của người có tên trên bức tranh đó. Kết thúc buổi sinh hoạt, ai cũng nhận được một bông hoa đầy phẩm chất tốt đẹp của chính mình do từng người trong nhóm tặng.

Bạn có thể sử dụng bài thực tập tương tự để nói lên điểm mạnh của các em bằng cách cho mỗi em vẽ một mặt trời với các tia sáng tỏa ra. Dán ảnh của các em, hoặc cho các em tự vẽ khuôn mặt của chính mình nơi mặt trời. Và mỗi người có thể viết vắn tắt phần tưới hoa cho các em trên một tia sáng.

Bạn cũng có thể thực hành bài tập này mà không cần hình vẽ, chỉ cần tạo cơ hội cho các em tưới hoa cho từng bạn trong vòng tròn. Các em có thể khen ngợi, cảm ơn hoặc lưu ý tới những điểm tích cực của bạn mình.

Có một cô giáo dạy lớp năm ở Đức phát cho mỗi học sinh trong lớp cô dạy một tờ giấy, trên đó ở cột bên trái có ghi tên tất cả thành viên trong lớp (và cả tên của cô nữa). Mỗi học sinh viết một câu cạnh một tên, nói lên sự cảm kích của mình đối với thành viên đó. Sau đó, cô giáo thu lại những tờ giấy và cẩn thận cắt tất cả những câu tích cực dành cho một học sinh rồi dán chúng vào một tờ giấy khác, copy nó rồi phát ra cho mỗi thành viên trong lớp. Làm như thế hơi tốn công một chút, nhưng cô để ý thấy sau đó không khí trong lớp học trở nên ấm áp và cởi mở hơn.

TIẾP XÚC VỚI TÍNH BỤT TRONG TA

Chúng ta biết rằng trong mỗi chúng ta đều có một vị Bụt. Vị Bụt đó dĩ nhiên không phải là một người đã sống cách chúng ta hàng ngàn năm, cái mà chúng ta muốn nói đến là tính Bụt – bản chất của một vị Bụt. Tính Bụt có trong mỗi chúng ta. Theo các em thì tính Bụt là gì?

[Hạnh phúc, rộng rãi, từ bi, tử tế, thương yêu, cởi mở, thảnh thơi, kiên nhẫn…]

Nếu các em cần sự giúp đỡ để có thể nêu ra những đức tính đẹp, bạn có thể đề nghị như thế này:

Hãy nghĩ đến một người mà các em vô cùng thương mến. Thỉnh thoảng em có thấy tính Bụt nơi người ấy hay không? Người đó làm gì để cho em thấy tính Bụt của người ấy?

Thường thường thì mình dễ thấy tính Bụt nơi người mà mình thương. Nhưng tính Bụt có trong tất cả mọi người, ngay cả những người mình thấy không thích gì cả. Các em hãy nghĩ đến một người mà các em không thích gì mấy. Có khi nào các em thấy tính Bụt của người ấy xuất hiện dù chỉ một chút thôi?

Tính Bụt ấy ra sao?

[Người ấy mỉm cười; có lần người ấy nói một điều gì đó dễ thương với một người bạn của em; người ấy thích con mèo của em]

Tại sao ta cần nhận ra tính Bụt trong ta và trong những người xung quanh?

[Để ta có thể thương chính mình và thương người khác; Để ta có hạnh phúc và làm người khác hạnh phúc; để tất cả chúng ta đều có bình an]

Cái gì có thể giúp tính Bụt của ta lớn hơn, đẹp hơn? Khi các em ngồi thở trong chánh niệm, khi em đi trong chánh niệm và ăn trong chánh niệm, em có cảm thấy tính Bụt trong em trở nên sống động hơn không?

XÁ CHÀO NHAU

DỤNG CỤ: Bút lông đủ màu.

Xá chào là một hình thức truyền thông rất sâu sắc. Trong truyền thống đạo Bụt, một cái chắp tay xá chào có thể được dùng để thể hiện một lời chào hỏi, cảm ơn, tạm biệt hoặc xin lỗi. Tuy nhiên, xá chào không chỉ là vì lịch sự. Xá chào còn là một cách để công nhận và trân quý tính Bụt, hay sự tỉnh thức trong mỗi chúng ta. Ta chắp hai tay lại thật trang trọng tạo thành một búp sen trước ngực. Rồi ta nhìn vào mắt của người kia và mỉm cười. Thở vào, ta nói thầm Sen búp xin tặng bạn, thở ra, ta xá xuống Một vị Bụt tương lai. Sau đó, ta thẳng người lên và nhìn vào mắt của người kia, mỉm cười. Đó chẳng phải là một món quà sẵn có để tặng người khác hay sao? Bây giờ, các em có thể thực hành với một bạn khác.

Cho phép mỗi em đủ thời gian để thực tập xá chào bạn. Thay vì sử dụng hình ảnh búp sen, các em cũng có thể tặng một cái gì khác cho một người bạn hay một người thân trong gia đình. Ví dụ như chắp hai tay lại, nhìn vào mắt của người kia, bạn có thể nói thầm Quả táo xin tặng bạn, một vị Bụt tương lai hay Một ngày nắng đẹp xin tặng bạn, một vị Bụt tương lai, hoặc _Một

nụ cười tặng bạn, một vị Bụt tương lai,_ rồi xá xuống.

Cho các em đủ thời gian để mỗi em đều được thực tập xá với một bạn khác và với bạn – người hướng dẫn, và tặng bất kỳ cái gì mà các em thích.

Em cảm thấy như thế nào khi xá một vị Bụt trong người khác? [Em thấy vui, cũng giống như khi em tưới những hạt giống

hạnh phúc trong bạn em vậy]

Em cảm thấy thế nào khi người khác xá chào em?

[Em thấy vui, biết ơn, và cảm thấy mình được thương yêu]

Khi nào có dịp, các em cũng có thể thực tập xá chào những người thân trong gia đình theo cách mình vừa học nhé.

Mời các em vẽ những khuôn mặt đơn giản trên hai ngón tay cái của bạn mình bằng bút màu. Những anh bạn Ngón cái này có thể thực tập xá chào nhau một cách kính cẩn, có thể nói chuyện với nhau hoặc hát cho nhau nghe.

HỆ THỐNG ĐỆ NHỊ THÂN

Ta cần chia sẻ cho các em biết là chúng ta có thân thể này, nhưng bây giờ, với hệ thống đệ nhị thân, chúng ta sẽ có một thân thể thứ hai. Ta sẽ quan tâm đến một người khác trong nhóm giống như quan tâm đến chính bản thân ta. Ta sẽ chăm sóc, lo lắng cho thân thứ hai của ta với tất cả thương yêu. Nếu ta đi chơi hay tham gia một sinh hoạt ở trường, ta sẽ làm sao để đệ nhị thân của ta cũng tham gia cùng với ta mà không bị bỏ lại phía sau. Trước khi cả lớp cùng đi đâu đó, giáo viên có thể cho học sinh kiểm tra đệ nhị thân. Nếu đệ nhị thân không có mặt, học sinh phải báo cho giáo viên biết bạn mình đang ở đâu (đang ở trong nhà vệ sinh hay bị bệnh…). Như thế, mỗi em học sinh sẽ quen dần với việc chăm sóc một bạn khác và cũng quen với việc nhận sự chăm sóc từ một người khác.

Nếu đệ nhị thân của ta buồn, bệnh hay có chuyện phiền lòng, ta sẽ cố gắng giúp đỡ, hoặc nhờ người khác giúp. Nếu đệ nhị thân của ta phải nghỉ học, ta cố gắng giúp bạn theo kịp bài vở. Thỉnh thoảng ta cũng có thể làm những việc nho nhỏ để cho đệ nhị thân của ta được hạnh phúc, ví dụ như nói một điều dễ thương với bạn ấy, hoặc bày tỏ sự quý mến của ta cho bạn ấy biết, hoặc rủ bạn ấy chơi cùng. Thực tập này giúp cho lớp học trở thành một môi trường gia đình.

Ta chăm sóc cho một người, nhưng có một người khác (người thứ ba) sẽ chăm sóc cho ta. Ta có một đệ nhị thân, nhưng ta đồng thời cũng là đệ nhị thân của một ai đó. Cùng nhau ta tạo nên một chuỗi mắc xích để ai cũng được chăm sóc. Nếu đệ nhị thân của ta bệnh hoặc phải vắng mặt một thời gian, ta cũng sẽ chịu trách nhiệm cho đệ nhị thân của bạn ấy, như thế thì sẽ không có ai bị bỏ quên. (Nếu muốn, ta có thể gọi đây là sự thực tập của những Thiên thần bảo hộ. Tất cả các em đều có ai đó bảo hộ và đồng thời cũng được bảo hộ bởi thiên thần của chính mình). Thực tập này đã rất nhiều lần giúp chúng tôi tránh khỏi việc bỏ một ai đó lại phía sau trong khi đi chơi. Khi các em thật sự thực tập phương pháp này, nó có thể là một bài học rất hay cho các em về mối liên hệ gắn kết giữa các em với mọi người.

Sau khi giải thích về sự vận hành của hệ thống đệ nhị thân, một học sinh có thể bắt đầu chọn một em khác làm đệ nhị thân của mình. Khuyến khích em chọn một bạn mà em ít chơi cùng, nhưng bạn ấy cũng không quá khó để em chăm sóc (có thể đó là một bạn ngồi gần em trong lớp). Sau đó, em thứ hai chọn em thứ ba, em thứ ba chọn em thứ tư… đến em cuối cùng sẽ chọn em thứ nhất. Nếu việc chọn bạn làm cho một số em thấy tổn thương thì cũng có những cách chọn ngẫu nhiên khác nữa. Ví dụ như bốc một mẩu giấy có tên sẵn từ trong cái nón. Hoặc, cho cả lớp đứng thành vòng tròn mà không cần giải thích trước gì cả. Sau đó, bạn đề nghị mỗi em sẽ chăm sóc cho người đứng bên tay phải. Yêu cầu một em học sinh vẽ sơ đồ, hay vẽ một tấm tranh của vòng tròn đệ nhị thân và dán nó trong lớp học để học sinh có thể nhớ ai là đệ nhị thân của mình.

Nếu thích hợp với các em trong lớp của bạn, bạn có thể cho các em đứng thành một vòng tròn và cho các em xoa bóp vai đệ nhị thân, đồng thời được xoa bóp từ đệ nhị thân của mình. Đây là một cách tuyệt vời để tạo năng lượng và sự gắn kết cho cả lớp trước khi xuất hành cho một chuyến đi dã ngoại. Cần hướng dẫn các em xoa bóp cho bạn một cách nhẹ nhàng bằng chánh niệm và sự tôn trọng.

BA CÂU THẦN CHÚ

Bạn có thể đọc hay tóm tắt lời chia sẻ này cho các em:

Khi ta thương yêu ai đó, ta muốn hiến tặng cái này hay cái khác cho người đó. Ta có thể làm một cái bánh hay tặng hoa cho người ấy. Nếu ta quá bận rộn, ta có thể cho người đó tiền. Nhưng cái hay nhất, món quà đẹp nhất mà ta có thể tặng những người ta thương yêu chính là sự tươi mát của ta. Nếu bạn thở vào và trở thành một bông hoa, thở ra, bạn tươi mát, thì sự có mặt của bạn chính là một món quà tuyệt diệu nhất.

Ví dụ như bạn nói với mẹ: Mẹ ơi, con có một món quà cho mẹ đây. Mẹ bạn sẽ hỏi: Quà ở đâu nào? Khi ấy bạn có thể chỉ vào mình và nói: Con chính là món quà ấy đây. Bạn tươi mát như một bông hoa. Bạn vững chãi như là một trái núi. Bạn yên, lặng, bình an như mặt nước tĩnh lặng. Bạn thảnh thơi như không gian. Đó là cái mà bạn muốn hiến tặng cho người bạn thương yêu. Nếu bạn không có một chút gì là tươi mát, vững chãi, thảnh thơi, bình an thì bạn không có gì để hiến tặng cho người bạn thương. Để có tươi mát, vững chãi, thảnh thơi, bình an, bạn cần phải thực tập. Bạn không thể mua các thứ đó ở trong siêu thị. Vì vậy, nếu bạn muốn bày tỏ tình thương yêu của mình, bạn biết món quà quý nhất mà bạn có thể làm để tặng cho người bạn yêu thương chính là sự có mặt tươi mát, vững chãi, bình yên và thảnh thơi của bạn. Thương nghĩa là có mặt đó cho người mình thương. Làm sao có thể thương nếu bạn không có mặt?

Bạn chỉ cần thở vào, khoảng ba giây thôi, là có thể đem tâm trở về với thân để có thể thật sự có mặt cho người mình thương. Thở vào chánh niệm, bạn trở nên tươi mát, tĩnh lặng, bạn đến bên người mình thương và đọc câu thần chú này: Mẹ ơi, cha ơi, con đang có mặt đây cho mẹ, cho cha. Sự có mặt của bạn tươi mát, bình an, đó là lý do bạn có thể hiến tặng rất nhiều hạnh phúc. Quà của con cho mẹ, cho cha là sự có mặt của con. Con có sự tươi mát, vững chãi, bình an và thảnh thơi để tặng cho cha mẹ.

Con có mặt đây cho cha, cho mẹ là câu thần chú thứ nhất. Bạn có thể thực tập câu thần chú này bằng ngôn ngữ của bạn, bạn không cần phải đọc nó bằng tiếng Phạn, tiếng Pāli, hay tiếng Tây Tạng. Các bạn từ các truyền thống tâm linh khác cũng có thể thực tập câu thần chú thứ nhất này. Đó chính là sự thực tập chánh niệm giúp bạn trở nên có mặt ngay bây giờ và ở đây, sẵn sàng hiến tặng sự có mặt ấy cho người thương của bạn.

Nếu người thương của bạn không ở cạnh bạn, bạn có thể gửi một email hoặc dùng điện thoại để thực tập câu thần chú thứ nhất. Bạn hãy gọi điện cho cha và nói: Cha ơi, cha có biết gì không? Con đang có mặt cho cha đây. Trong giọng nói của bạn có chứa niềm vui, hạnh phúc, tình thương, sự tĩnh lặng, và điều đó sẽ làm cho cha của bạn hạnh phúc. Nếu muốn, bạn có thể thực tập câu thần chú này ngay trong ngày hôm nay, thậm chí là nhiều lần khác nữa.

Câu thần chú thứ hai là nhận diện rằng người thương của bạn rất quý giá đối với bạn. Bạn thở trong chánh niệm cho đến khi thấy mình thật sự có mặt, khi ấy bạn đến với người mình thương, nhìn vào mắt người ấy và đọc câu thần chú thứ hai: Mẹ ơi, con biết mẹ đang còn đó cho con, và con sung sướng vô cùng. Bạn có thể nói câu này với mẹ, cha hoặc bất cứ ai mà bạn vô cùng thương mến. Thử tưởng tượng bạn sẽ ra sao nếu mẹ hay cha của bạn không còn nữa. Bạn sẽ rất đau khổ. Vì vậy, câu thần chú thứ hai giúp bạn trân quý sự hiện diện của những người bạn thương yêu. Nếu người thương của bạn lơ là hay không để ý gì đến bạn, bạn sẽ thấy người đó không thương mình. Còn nếu người thương của bạn có chánh niệm, biết đến sự có mặt của bạn, bạn sẽ hạnh phúc. Khi bạn thực tập câu thần chú thứ nhất và thứ hai với người lớn, ngay lập tức những người ấy sẽ hạnh phúc và chính bạn cũng thấy hạnh phúc. Vì vậy, ngay ngày hôm nay hãy thực tập câu thần chú thứ hai với tất cả trái tim bạn.

Bạn sẽ cần đến câu thần chú thứ ba nếu người thương của bạn không khỏe lắm, đang đau khổ hay buồn giận. Khi bạn tươi mát như một bông hoa và bình an như mặt nước tĩnh lặng, bạn hãy đến với người mình thương và đọc câu thần chú thứ ba: Cha ơi, con biết cha đang có chuyện buồn nên con có mặt cho cha đây. Khi bạn thực tập câu thần chú này, người thương của bạn sẽ thấy khỏe hơn ngay lập tức. Thậm chí trước khi bạn làm một cái gì đó để giúp đỡ, người ấy đã thấy nhẹ hơn bởi vì bạn có đó cho người ấy. Người ấy không còn cảm thấy lẻ loi nữa. Bạn có thể thực tập hai câu thần chú đầu tiên hàng ngày, còn câu thần chú thứ ba là để khi nào bạn thấy người thương của bạn khổ đau.

VIẾT BA CÂU THẦN CHÚ BẰNG THƯ PHÁP

DỤNG CỤ: Giấy, bút viết bảng, bút chì màu hoặc màu nước, bút lông viết thư pháp có sẵn mực để các em thực tập viết các câu thần chú bằng thư pháp.

Viết các câu thần chú lên bảng, hoặc lên một tờ giấy cỡ lớn để các em dễ thấy. Bắt đầu bằng cách mời các em thảo luận

về các câu thần chú. Khi nào thì các em nghĩ là mình có thể sử dụng một trong ba câu thần chú, và sử dụng với ai? Trước nay có

ai nói những câu tương tự như vậy với em chưa? Em cảm thấy như thế nào về các câu thần chú ấy? Mời hai em cùng lên một lần để thực tập từng câu thần chú với nhau.

Nếu bạn có các bản thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh hoặc của các nhà thư pháp khác, cho các em xem nhiều kiểu thư pháp khác nhau.

Hỏi các em: Các em cảm thấy thế nào khi nhìn các bức thư pháp? Theo em, tại sao các nhà thư pháp lại viết chữ theo phong cách đó? Họ cố gắng chuyển tải thông điệp nào đến chúng ta?

Thảo luận về truyền thống thư pháp trong văn hóa các nước châu Á và sự quan trọng trong việc trưng bày các câu chữ có ý nghĩa và tuệ giác xung quanh để nhắc nhở ta trở về với chánh niệm và tiếp xúc với những hạt giống tỉnh thức trong ta. Nếu có thể, mời một người có kỹ năng viết thư pháp đến chia sẻ với các em một số kỹ năng viết thư pháp đơn giản như một sự thực tập chánh niệm.

Cho các em viết ba câu thần chú thật đẹp lên một tờ giấy, hoặc mỗi câu viết trên một tờ. Các em có thể thử nghiệm nhiều phong cách thư pháp khác nhau. Khuyến khích các em trưng bày thư pháp tự viết ở nhà để các em nhớ thực tập. Bạn cũng trưng bày thư pháp của các em xung quanh phòng học.

THIỀN LẠY CHO TRẺ EM

DỤNG CỤ: Chuông và dùi chuông.

Thiền lạy (hay Địa xúc) là một phương pháp thực tập được Thiền sư Thích Nhất Hạnh chế tác ra để giúp ta tiếp xúc với các yếu tố làm nên con người của mình: gia đình huyết thống, gia đình tâm linh, quê hương đất nước, cũng như các loài cỏ cây, cầm thú và đất đá. Nếu trong phòng có một bàn thờ hay một nơi thiêng liêng trang trọng, chúng ta cho các em lạy hướng về đó. Thực tập ngoài trời, lạy trực tiếp trên mặt đất cũng tạo năng lượng rất hùng hậu. Bạn có thể sử dụng đoạn văn dưới đây:

MỞ ĐẦU: Thiền lạy là một phương pháp thực tập mang lại cho ta rất nhiều lợi ích. Phương pháp này giúp ta tiếp xúc với bản chất tương tức, đó là tính không một, không khác giữa ta với cha mẹ, bạn bè cùng mọi loài. Khi ta cảm thấy bất an hay thiếu tự tin, buồn giận, hay không có hạnh phúc, ta có thể lạy xuống, tiếp xúc một cách sâu sắc với đất Mẹ như tiếp xúc với người bạn thân nhất của mình, hay tiếp xúc với một cái gì mà mình yêu thích nhất.

Đất Mẹ đã có mặt từ lâu lắm rồi. Đất là Mẹ của tất cả chúng ta và cái gì Mẹ cũng biết. Trước khi thành đạo, Bụt đã trải qua sự hoài nghi và sợ hãi, vì vậy Ngài đã nhờ đất Mẹ làm nhân chứng – chứng minh cho sự tỉnh thức, giác ngộ của Ngài. Đất hiện ra trước Ngài như một người mẹ hiền xinh đẹp, trong vòng tay Mẹ có hoa thơm trái lành, chim bướm và muông thú để hiến tặng cho Ngài. Sự hoài nghi và lo sợ của Bụt tan biến ngay lập tức.

Mỗi khi em cảm thấy buồn khổ trong lòng, hãy đến với đất Mẹ để xin sự nâng đỡ. Hãy tiếp xúc sâu sắc với đất Mẹ như Bụt đã từng làm. Rồi tự nhiên em cũng sẽ thấy đất Mẹ biểu hiện với hoa thơm, trái ngọt, cây lành cùng chim, cùng bướm và muông thú. Mẹ đem tặng tất cả những thứ ấy cho em đó.

Em có nhiều cơ hội để có hạnh phúc hơn là em tưởng. Đất Mẹ luôn thương yêu và kiên nhẫn đối với em. Khi đất Mẹ thấy em khổ đau, Mẹ sẽ nâng đỡ và bảo hộ em. Khi ta rời cuộc đời này, Mẹ lại đón chúng ta về trong vòng tay từ mẫu. Với đất Mẹ, em rất an toàn. Mẹ luôn có mặt đó, qua tất cả những biểu hiện mầu nhiệm như cây cối, hoa lá, bướm chim và ánh nắng mặt trời. Khi em mệt mỏi và không có hạnh phúc, hãy thực tập tiếp xúc với đất Mẹ, Mẹ sẽ chữa lành và giúp em tìm lại niềm vui sống.

Em hãy thực tập như một cây con được trồng vào lòng đất trong bài kệ (bài thơ ngắn) dưới đây:

Tôi gửi tôi cho đất

Đất gửi đất cho tôi

Tôi gửi tôi nơi Bụt

Bụt gửi Bụt nơi tôi.

Bắt đầu thực tập thiền lạy, em chắp tay thành một búp sen đặt trước ngực. Thở vào, em đưa hai tay búp sen lên ngang trán, rồi hạ xuống ngang ngực (đưa tay lên ngang trán và đi ngang qua bình diện trái tim ngụ ý đem cả tim và óc mình mà tiếp xúc với đất Mẹ). Thở ra, mở hai tay ngửa ra và lạy xuống, chạm gối trước, sau đó chạm trán xuống sàn (giống như tư thế em bé trong yoga), hoặc nằm sấp cả người trên sàn, nghiêng đầu qua một bên. Từ từ mở hai lòng bàn tay ngửa lên, đây là một biểu hiện của sự mở lòng để tiếp nhận và phó thác. Trong tư thế địa xúc, ta hoàn toàn buông thư và để cho lời tâm tình của ta với đất Mẹ thấm thật sâu vào thân tâm. Chúng ta sẽ nghe 3 tiếng chuông.

Thức chuông và thỉnh ba tiếng chuông, giữa hai tiếng chuông nên có khoảng dừng đủ dài cho ba hơi thở vào-ra. Sau đó, nhấp chuông và nói:

Tiếp xúc với đất, con thấy mình là một đứa con của đất.

Thỉnh một tiếng chuông, các em lạy xuống.

Đất giống như một người cha hay người mẹ của con. Từ đất, con đã tiếp nhận các thức ăn ngon lành – lúa mì để làm ra bánh mì, lúa gạo, đậu, táo, cà rốt, thậm chí cả sôcôla được làm từ các hạt cacao. Đất cung cấp cho chúng ta bông vải và len để làm nên quần áo, gỗ và đá để xây nhà. Đất chăm sóc con thật chu đáo. Con rất hạnh phúc được sống trên mặt đất.

Con cảm nhận thân thể mình hiện đang nằm trên mặt đất. Con cảm thấy hai cánh tay, hai chân mình và trán mình đang tiếp xúc với nền đất. Con cảm thấy đất thật vững chãi và có thể nâng đỡ con. Con thấy đất đang được bao phủ bởi muôn vàn cây cối và hoa lá để cho không khí con thở được trong lành. Thở vào, con cảm thấy không khí tươi mát, trong lành tràn ngập toàn thân. Thở ra, con cảm thấy bình yên và thư giãn. Con thấy mình được an toàn và hạnh phúc khi sống trên Trái Đất.

Thỉnh một tiếng chuông, các em đứng dậy.

Tiếp xúc với Đất, con thấy mình rất gần gũi với cha mẹ.

Thỉnh một tiếng chuông, các em lạy xuống.

Con là con của cha mẹ, dù có thể bây giờ con đang sống chung hay không còn được ở cùng với cha mẹ nữa. Con đang mỉm cười với cha mẹ trong giờ phút này. Con muốn cha mẹ được hạnh phúc, an toàn và không còn bất cứ một lo lắng nào nữa cả.

Đôi lúc, cha mẹ giận con và con cảm thấy tổn thương. Có khi cha mẹ quá bận rộn nên không còn thời gian cho con nữa, con rất buồn. Nhưng những lúc khác, cha mẹ chăm sóc con và cả nhà ta chơi đùa vui vẻ với nhau. Cha mẹ dạy cho con rất nhiều điều, như là dạy con đọc, hát, hoặc dạy con làm toán, dạy con làm bánh. Con biết ơn cha mẹ. Con biết rằng cha mẹ cũng đã từng là một em bé. Cũng có lúc cha mẹ cũng thấy buồn và tổn thương giống như con bây giờ. Con biết cha mẹ đã trải qua nhiều khó khăn trong đời nên con không thấy hờn giận gì cha mẹ cả.

Nghĩ về cha mẹ, con cảm thấy được tình thương và sự bảo bọc của cha mẹ dành cho con, con cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Con biết sự tươi mát và nụ cười của con cũng là điều làm cho cha mẹ hạnh phúc.

Thỉnh một tiếng chuông; các em đứng dậy.

Tiếp xúc với đất, con cảm thấy hạnh phúc được là chính mình.

Thỉnh một tiếng chuông; các em lạy xuống.

Con là một cậu bé, một cô bé đang sống trên Trái Đất này. Đôi khi con thấy mình nhỏ bé như một con kiến hay một con cánh cam đang vô tư bò trên ngọn cỏ. Có khi con lại thấy mình to lớn, như một cây cổ thụ. Cành nhánh của con vươn cao chạm tới những đám mây và rễ của con đâm thật sâu vào lòng đất, hút nước từ mạch nước ngầm.

Có khi con thấy hạnh phúc như một tia nắng, và con đem nụ cười đến trên khuôn mặt của mọi người. Lại cũng có khi con buồn bã và cô đơn như bầu trời âm u, xám xịt, chỉ muốn trốn vào một gốc cây để khóc. Nhưng khi con khóc, những giọt nước mắt của con lại như một cơn mưa mát dịu trong buổi chiều nóng bức, và sau đó, con lại trở nên tươi mát. Con biết bất cứ khi nào con cảm thấy buồn, sợ hãi và giận hờn, con cũng có thể đến với đất Mẹ, và Mẹ sẽ luôn có mặt đó cho con. Đất đá và cầm thú, cây cối và hoa lá, mặt trời và bầu trời đầy sao, tất cả đều đang có đó cho con. Con thở vào năng lượng mát lành của đất. Con thở ra tất cả những sợ hãi, buồn tủi, giận hờn. Con chấp nhận chính mình. Con chấp nhận mình khi vui và hạnh phúc, con cũng chấp nhận mình khi có khó khăn, buồn giận. Con mỉm cười với chính mình, và con thấy con là một bông hoa kỳ diệu trên Trái Đất này. Con là một phần của đất và đất là một phần của chính con.

Thỉnh một tiếng chuông; các em đứng dậy.

CÂU CHUYỆN VỀ BỤT VÀ MA VƯƠNG

Do sư cô Châu Nghiêm, Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu kể

Câu chuyện này cũng có thể được dùng để giới thiệu về thực tập thiền lạy ở trên. Bạn có thể đọc câu chuyện này cho các em nghe.

Bụt là một con người, cũng như thầy/cô và các em vậy. Trước khi đạt đạo, Ngài tên là Siddhartha Gautama và sống ở một vùng nằm ở phía Bắc của Ấn Độ và phía Nam của Nepal vào khoảng 2.500 năm trước. Siddhartha có mọi thứ mà chàng muốn, nào là cung vàng điện ngọc, tiền bạc của cải, sơn hào hải vị, các chuyến nghỉ mát sang trọng và rất nhiều quyền lực. Nhưng Siddhartha lại không cảm thấy hạnh phúc. Chàng cảm thấy cuộc đời mình còn thiếu một thứ gì đó rất quan trọng. Chàng vẫn chưa có khả năng điều phục nội tâm, chàng chưa học được cách để có bình an, hạnh phúc và tự do. Giận hờn, sợ hãi và hoang mang làm chàng không thực sự có hạnh phúc.

Vì vậy, Siddhartha đã quyết định trở thành một người xuất gia, chàng đã vào sống và tu tập trong rừng. Chàng đã tu tập sáu năm mới cảm thấy mình gần chạm được tới sự giải thoát. Càng lúc chàng càng cảm thấy có nhiều bình an, càng có ý thức về những suy tư và cảm xúc của mình hơn. Chàng thấy hạnh phúc hơn với cuộc sống giản đơn. Và giờ đây, chàng đang tiến dần đến việc vượt thoát tất cả những khổ đau để đạt tới sự tự do và hạnh phúc hoàn toàn. Đêm ấy, ngồi dưới cội Bồ Đề, chàng nguyện sẽ không đứng lên khi chưa đạt được sự giác ngộ hoàn toàn.

Nhưng thường thường khi ta muốn làm một việc gì đó rất hệ trọng thì ta luôn phải đối diện với nhiều thử thách. Siddhartha đang an trú rất sâu trong thiền định dưới cội Bồ Đề, và thử đoán xem ai đang đến quấy phá chàng? Ma Vương! Ma Vương là sự đối lập với Bụt; Ma Vương là sự vắng mặt của giác ngộ. Nếu Bụt là hiểu biết, thì Ma Vương là sự thiếu hiểu biết, còn nếu Bụt là từ bi thì Ma Vương là hận thù, giận dữ. Nếu ta không hiểu Ma Vương là gì, thì ta cũng không biết Bụt là gì. Ma Vương có trong mỗi chúng ta, cũng như Bụt có trong mỗi chúng ta.

Ma Vương quyết tâm ngăn cản không cho Bụt đạt tới sự giác ngộ hoàn toàn. Hắn đã đưa những người con gái đẹp đến nhảy múa và những nhạc sĩ tài hoa nhất đến để đàn hát cho Siddhartha. Nếu các em là chàng Siddhartha trẻ tuổi đang ngồi đó thì Ma Vương sẽ gửi đến một xe kem, hoặc là một chương trình truyền hình, phim hoặc trò chơi điện tử mà các em yêu thích. Ma Vương có thể ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau. Khi nào mình muốn thật sự tập trung vào một việc gì đó – như là làm bài tập về nhà, hoặc xây một cái gì đó – Ma Vương có thể làm mình phân tâm, sẽ cố lôi kéo mình, không cho mình làm xong chuyện đó. Nhưng các em biết Siddhartha đã làm gì không? Chàng tiếp tục ngồi một cách bình yên, hoàn toàn tập trung vào hơi thở vào, hơi thở ra.

Hay chúng ta cùng ngồi thật đẹp như Siddhartha, yên lặng thở vào, thở ra để giúp Siddhartha đối trị với Ma Vương nhé?

Và các em biết gì không? Những cô con gái xinh đẹp nhảy múa, những nhạc công, chiếc xe kem và chương trình truyền hình biến mất. Đó chính là sự thách đố đầu tiên của Ma Vương: sự phân tâm và lòng tham ái.

Thế nhưng, các em biết rồi đó, Ma Vương đâu dễ dàng bỏ cuộc như vậy. Tiếp đó, hắn lại gửi đến một đội quân gồm cả bộ binh lẫn kỵ binh, vũ trang bằng giáo mác và cung tên. Họ đứng sắp xếp đội hình và tất cả đều nhắm vào Siddhartha. Siddhartha vẫn ngồi vững vàng, không sợ hãi trong khi giáo mác cung tên xé gió lao tới với vận tốc của ánh sáng. Kỳ diệu thay, khi những cung tên giáo mác lao đến gần Siddhartha thì bỗng dưng chúng biến thành những bông hoa rơi xuống chân chàng.

Chúng ta hãy cùng Siddhartha thở vào, thở ra ba lần để giúp chàng giữ sự định tĩnh các em nhé.

Và các em biết chuyện gì đã xảy ra không? Tất cả binh lính đã biến mất. Khi chúng ta có sự định tĩnh, bình an, và tâm chúng ta trong sáng, khi ta có tình thương trong trái tim thì sự không dễ thương của người khác sẽ không làm mình đau. Cũng không thể gây tổn thương, làm mình tức giận hay buồn khổ được. Những mũi tên của sự nhẫn tâm, ganh tị và thiếu bao dung thật ra là do hiểu lầm và khổ đau của họ gây ra mà thôi. Thấy được như vậy, ta sẽ không bị những mũi tên ấy bắn trúng. Thay vào đó, những mũi tên ấy sẽ trở thành những bông hoa rơi xuống chân ta. Đó chính là thách đố thứ hai của Ma Vương: sợ hãi.

Nhưng Ma Vương vẫn chưa chịu để Siddhartha yên, bởi vì chắc các em đã biết, khi mình muốn làm một cái gì thật quan trọng, bao giờ những thử thách mà mình phải đối diện cũng gian khó cả. Lần này Ma Vương đem ra sử dụng vũ khí lợi hại nhất mà hắn vẫn còn cất giấu đến bây giờ: sự nghi ngờ.

Ma Vương đích thân đến trước mặt Siddhartha, đứng chống nạnh, hất đầu và la lớn: Cái gì khiến nhà ngươi nghĩ là nhà ngươi sẽ hoàn toàn giác ngộ? Ngươi là ai chứ? Ngươi chẳng là ai cả!

Thật không dễ thương chút nào khi làm cho một người trở nên nghi ngờ chính họ. Chúng ta phải cố gắng hết sức để lời nói của chúng ta có thể đem lại cho người khác niềm tự tin. Quay lại chuyện Ma Vương, các em có biết Siddhartha đã làm gì khi bị Ma Vương vặn vẹo như thế không ? Chàng không hề nao núng. Chàng đã ngồi thật yên, một bàn tay chạm đất.

Nào, bây giờ chúng ta hãy cùng làm như thế; các em ngồi với một bàn tay đặt trên lòng, và một tay chạm đất. Hãy cùng thở với Siddhartha để yểm trợ cho chàng đi qua thử thách lớn lao này.

Siddhartha nói một cách điềm đạm: Đất này sẽ chứng minh là ta có thể thành đạo. Và ngay khi ấy, Trái Đất rúng động, Bồ tát Thanh Lương Đại Địa với ánh sáng và vẻ đẹp rực rỡ từ dưới đất bỗng xuất hiện. Ngài đặt một bàn tay lên vai Siddhartha với tất cả tình thương và sự yểm trợ, Ngài nhìn Ma Vương một cách nghiêm nghị và nói: Đừng nên nghi ngờ. Siddhartha sẽ đạt tới giác ngộ và sẽ giúp cho tất cả chúng sanh tìm thấy sự an lạc, thảnh thơi. Nghe nói vậy, Ma Vương biến mất, từ đó về sau không ai thấy tăm dạng Ma Vương đâu nữa cả.

Và quả thật là như thế, sáng hôm sau, khi sao Mai vừa mọc, Siddhartha hoàn toàn giác ngộ, trở thành bậc tỉnh thức toàn vẹn. Ngài thấy rằng ai cũng có khả năng tỉnh thức, giác ngộ trong mình nhưng họ không biết điều đó. Nghĩa là các em và thầy/cô cũng thế. Câu chuyện này nhắc cho chúng ta nhớ rằng đất Mẹ luôn có mặt đó cho ta, sẵn sàng nâng đỡ khi ta gặp khó khăn.

Bây giờ, chúng ta sẽ thực tập địa xúc để tiếp xúc với những ai và những gì luôn thương yêu và nâng đỡ chúng ta. Đất Mẹ thật to lớn và hùng mạnh nên chúng ta chỉ cần tựa đầu lên đất, nghỉ ngơi và buông thư, ta sẽ cảm thấy năng lượng và sức mạnh của đất Mẹ thấm vào ta. Bất cứ khi nào các em cảm thấy cô đơn, buồn giận, sợ hãi, hoặc hoang mang, hãy đến với đất Mẹ. Hãy buông hết những cảm xúc của mình xuống đất và mở lòng ra mà đón nhận sự yểm trợ và năng lượng trị liệu của đất Mẹ.

MÌNH ĐƯỢC LÀM BẰNG GÌ?

DỤNG CỤ: Mỗi em cần có một cuộn giấy khổ lớn, chiều rộng ít nhất là 60 cm, và đủ dài để vẽ chính em bằng người thật, từ đầu cho đến chân; bút vẽ hoặc màu; tạp chí cũ, các vật liệu từ thiên nhiên, keo dán (không bắt buộc); kéo (để giáo viên sử dụng).

Đây có thể sẽ là một bài tập lý thú giúp các em quán chiếu về liên hệ tương quan và tương tức. Sau khi thực tập Địa xúc hoặc Làm mới, bạn có thể cho các em thảo luận về tất cả mọi thứ đã làm nên con người của mình và cái gì chúng ta cần để có thể sống còn.

Cũng có thể hỏi các em về những điều các em thích (thức ăn, âm nhạc, thể thao, nghệ thuật, bạn bè, nơi chốn) và cho các em tìm hiểu xem những cái mà ta thích đã góp phần làm nên con người của ta như thế nào.

Cho các em làm việc chung theo từng đôi bạn. Mỗi đôi bạn trải một tấm giấy dài ra rồi một em sẽ nằm dài xuống. Sau đó, bạn dùng kéo cắt ngang tấm giấy sao cho chiều dài vừa với chiều dài của em, chỉ chừa ra một chút. Em còn lại lấy một cây bút chì, hoặc bút màu vẽ thân hình của bạn đang nằm xuống giấy. Sau đó, đôi bạn đổi chỗ cho nhau. Sau khi cả hai em đều đã có thân hình của mình vẽ trên giấy, bạn yêu cầu các em vẽ lên bức hình những gì làm nên em ấy: mặt trời, nước, đất, động vật, cây cối, cha mẹ, thức ăn, sách, trò chơi… Ngoài ra, các em còn có thể thu nhặt các thứ khác từ thiên nhiên, từ nhà, hoặc cắt tranh ảnh từ các tạp chí để dán lên bức vẽ.

Một cách khác nữa bạn có thể dùng là cho các em quán chiếu về thời kỳ mà các em còn nằm trong bụng mẹ, nối liền với mẹ qua sợi dây rốn. Khi các em ra đời, sợi dây rốn bị cắt lìa, nhưng các em vẫn còn được nối liền với cha mẹ qua một sợi dây rốn vô hình. Và các em không những vẫn còn kết nối một cách mật thiết với cha mẹ, mà các em còn được kết nối với mặt trời, sông ngòi, cây cối, động vật và không khí. Không có cây cối, chúng ta sẽ không có oxy để thở. Không có sông ngòi, chúng ta sẽ không có nước để uống, do đó sự thật là có một sợi dây rốn vô hình kết nối ta với tất cả mọi thứ trong vũ trụ. Mời các em vẽ trên một trang giấy khổ A4 hình các em khi còn là một em bé có nhiều sợi dây rốn kết nối với tất cả mọi thứ đang giúp duy trì sự sống của các em. Bạn có thể tạo cảm hứng cho các em bằng cách đọc câu chuyện nói về lúc các em là một hạt giống bé tí còn nằm trong bụng mẹ ở phần mở đầu của chương này.

Có một phương pháp thực tập tương tự, có tên là Secret Friends (Người bạn bí mật). Bạn hãy viết tên của mỗi học sinh trong lớp trên một mảnh giấy và gấp lại làm bốn. Sau đó, đề nghị mỗi em bốc lấy một mảnh giấy, trong đó có tên một người bạn trong lớp. Người bạn có tên được viết trên mảnh giấy đó sẽ trở thành Người bạn bí mật của em trong một tuần. Các em phải bí mật làm những hành động dễ thương đối với Người bạn bí mật mà không để bạn ấy nhận ra. Cuối tuần, bạn hãy hỏi các em trong lớp xem các em có đoán ra được mình là Người bạn bí mật của ai không.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 01 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 02 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 03 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 04 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 05 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 06 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 07 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 08 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 09 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 10 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 11 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, toàn tập tại đây.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Share:

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Gieo trồng hạnh phúc | Chương 34

Gieo trồng hạnh phúc | Chương 34

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập Làng Mai truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân chánh niệm giúp con người tĩnh tâm hạnh phúc hòa hợp thiên nhiên.

Thiền nam chỉ tập | Chương 02

Thiền nam chỉ tập | Chương 02

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập Làng Mai truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân chánh niệm giúp con người tĩnh tâm hạnh phúc hòa hợp thiên nhiên.

Nẻo vào thiền học | Chương 06

Nẻo vào thiền học | Chương 06

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập Làng Mai truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân chánh niệm giúp con người tĩnh tâm hạnh phúc hòa hợp thiên nhiên.

Gieo trồng hạnh phúc | Chương 12

Gieo trồng hạnh phúc | Chương 12

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập Làng Mai truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân chánh niệm giúp con người tĩnh tâm hạnh phúc hòa hợp thiên nhiên.

Hiệu lực cầu nguyện | Chương 02

Hiệu lực cầu nguyện | Chương 02

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập Làng Mai truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân chánh niệm giúp con người tĩnh tâm hạnh phúc hòa hợp thiên nhiên.

Chia sẻ điều cần nói

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.

nhavantuonglai · Ghiblis Music Piano Playlist