Trồng một nụ cười | Chương 08

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng lập Làng Mai, truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân, chánh niệm, giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc, hòa hợp thiên nhiên.

 · 27 phút đọc  · lượt xem.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng lập Làng Mai, truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân, chánh niệm, giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc, hòa hợp thiên nhiên.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.

Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

CHÚNG TA CÓ THỂ DẠY CHÁNH NIỆM cho trẻ em ở độ tuổi rất nhỏ. Ta có thể hướng sự chú ý của các em vào những gì đẹp, tươi mát và có tính trị liệu. Nếu chúng ta thật sự có chánh niệm và chú tâm vào một cái gì đó, các em sẽ làm theo và cũng hướng sự chú tâm của các em vào đó.

Trẻ em có khả năng thấy được vẻ đẹp của một bông hoa, một giọt sương, hoặc một chiếc cầu vồng. Các em dễ có mặt ở hiện tại hơn người lớn. Các em không suy nghĩ quá nhiều về tương lai hoặc quá khứ như chúng ta, vì thế chúng ta có thể dễ dàng hướng sự chú ý của các em vào một cái gì đó trong hiện tại. Bạn có thể nắm tay con mình và hướng sự chú ý của bé vào hai bàn tay đang nắm chặt vào nhau đó. Bàn tay bạn có thể to hơn rất nhiều và bàn tay của bé thì nhỏ xíu. Bạn và bé có thể chỉ cần thích thú ngắm nhìn bàn tay của hai mẹ con hay hai cha con thôi.

TỔ CHỨC TRÒ CHƠI Trò chơi là phần rất căn bản trong bất kỳ chương trình trẻ em nào. Điều mà các trung tâm thực tập chánh niệm của chúng tôi thường chú ý đến là làm thế nào để nuôi dưỡng trẻ em thông qua các trò chơi, mang lại cho các em niềm vui, sự kết nối, sự nhẹ nhàng và tinh thần sẻ chia. Chúng tôi không quan tâm nhiều đến sự thắng thua và cạnh tranh quyết liệt. Trước khi chơi, chúng tôi tập hợp các em lại và nhấn mạnh đến mục đích của trò chơi là để cho vui, để phát triển kỹ năng và thưởng thức sự có mặt của nhau.

Khi chuẩn bị các trò chơi, bạn có thể chọn những hoạt động mà bạn thích thú phù hợp với năng lượng của các em lúc ấy. Nên uyển chuyển, linh động và chuẩn bị khoảng ba hoặc bốn trò chơi, dù cho sau đó bạn chỉ chọn một trò để sử dụng. Như thế bạn có thể chọn trò chơi nào thích hợp nhất tùy theo thời điểm. Đừng ngần ngại điều chỉnh cho phù hợp với nhóm trẻ của bạn. Hãy đặt các em và nhu cầu của các em lên hàng đầu trong bất kỳ hoạt động nào. Đôi khi, lắng nghe sâu và nói lời yêu thương, sự quan tâm và tử tế còn mang nhiều lợi ích hơn là trò chơi.

Các trò chơi tập thể

CÁC TRÒ CHƠI ĐỂ NHỚ TÊN NHAU

DỤNG CỤ: Một quả bóng nhỏ hoặc một cuộn dây.

KHOAI TÂY NÓNG: Đi quanh vòng tròn và yêu cầu mỗi người nói tên của mình. Sau đó, đưa ra một quả bóng, nói rằng nó là một củ khoai tây nóng. Lượt chơi đầu tiên, bạn phải nói tên mình và ném quả bóng đến cho người khác càng nhanh càng tốt, ai bắt được nó phải nói tên mình ra và chuyền đi, cũng càng nhanh càng tốt. Khi tất cả mọi người đều đã có một lượt chơi, bạn phải làm trò chơi khó lên bằng cách nói tên của người mà bạn ném quả bóng đến, người đó bắt bóng và phải ném đi thật nhanh đến người khác và nói tên người đó ra. Phải đảm bảo là mỗi người đều có một lượt chơi.

LUYỆN TRÍ NHỚ: Lần lượt từng người trong vòng tròn nói tên của mình và một thứ mà mình thích có cùng chữ cái đầu tiên với chữ cái trong tên của bạn, ví dụ Tôi tên là Nga và tôi thích ngô.

Bây giờ, thì sẽ chơi trò chơi luyện trí nhớ, người sau sẽ dựa trên cái mà người trước nói để lặp lại tên của tất cả mọi người và những gì họ thích. (Ví dụ bạn ấy tên Nga và bạn ấy thích ngô. Bạn ấy tên Trung và bạn ấy thích trứng. Bạn ấy tên Hương và bạn ấy thích hoa).

TRÁI BÓNG TƯỞNG TƯỢNG

Mời các em đứng thành vòng tròn. Các em có một trái bóng tưởng tượng, một trái bóng năng lượng có thể biến thành bất cứ một cái gì mà các em muốn. Người quản trò bắt đầu bằng cách giữ trái bóng năng lượng trong hai tay và biến đổi nó thông qua chuyển động và cử chỉ thành bất cứ cái gì mà người đó thích (ví dụ như đang chơi một nhạc cụ, chơi thể thao, làm một con thú nào đó hay đang làm một hoạt động mà mình yêu thích). Trong khi làm những hành động, dấu hiệu, người đó không được nói. Sau đó, người quản trò chuyển cái mà mình thích trở lại thành trái bóng năng lượng, giữ nó trong hai tay và ném nó cho người kế tiếp trong vòng tròn, người này phải bắt trái bóng và sau đó lại chuyển nó thành cái mà người đó thích. Người này lại chuyền nó cho người kế tiếp cho đến khi tất cả mọi người đều có lượt. Trò chơi này được chơi trong yên lặng. Chúng ta chỉ thể hiện qua cử chỉ mà không phải qua lời nói.

SUY NGẪM: Các em cảm giác thế nào khi chụp được quả bóng của người khác và biến hóa nó thành cái mà mình yêu thích?

CHÂN DUNG GIA ĐÌNH

Đây là trò chơi có thể giúp mọi người hiểu hơn về gia đình của nhau. Đề nghị các em hồi tưởng về thời điểm hạnh phúc nhất của các em với gia đình và chụp một tấm ảnh về giây phút đó trong tâm trí. Sau đó, em nhờ các em khác lần lượt đóng lại vai của những người trong bức ảnh. Em đó sẽ chọn một em làm cha, một em làm mẹ, các em khác làm anh chị em, và một em khác nữa làm chính mình trong bức ảnh. Mỗi em sẽ đứng yên trong một tư thế để thể hiện hoạt động mà người trong gia đình thật đang làm tại thời điểm đó. Khi bức tranh đã hoàn thành, em đó có thể chia sẻ với mọi người trong nhóm về khoảnh khắc hạnh phúc nhất của em. Phải bảo đảm là tất cả các em đều có cơ hội làm điều này.

SUY NGẪM: Cảm giác của em thế nào khi đóng vai gia đình của người khác? Và em cảm thấy thế nào khi nhìn hình ảnh gia đình mình qua sự diễn đạt của các bạn?

LĂN BI

DỤNG CỤ: Lõi giấy vệ sinh cho mỗi em; mỗi nhóm có một hòn bi.

Các em đứng thành hàng, gần với nhau. Mỗi em cầm trên tay một lõi giấy vệ sinh. Em đứng ở đầu hàng đặt viên bi vào trong lõi giấy và nghiêng nhẹ nó sao cho viên bi lăn vào lõi giấy của em đứng cạnh. Mục đích là để cố gắng di chuyển viên bi từ người đầu hàng đến người cuối hàng mà không làm rơi viên bi. Không được phép dùng tay để bắt! Nếu ai đó đánh rơi viên bi, các em phải bắt đầu lại từ đầu hàng.

SUY NGẪM: Điều gì giữ cho viên bi tiếp tục lăn? Điều gì làm cho viên bi ngừng lăn?

Tập trung mọi giác quan

Những trò chơi và suy ngẫm sau đây giúp phát triển chánh niệm và sự tập trung.

TÔI LÀ AI?

Chia các em ra thành hai hoặc nhiều nhóm, mỗi nhóm có 3-5 em. Một nhóm đứng phía sau rèm. Một em trong nhóm chỉ để lộ ra bàn tay, hoặc một ngón tay, hoặc một nắm tay, hoặc các ngón chân, hoặc chỉ nói một từ. Em ấy cũng có thể hát một câu, hoặc huýt sáo, hoặc vỗ tay. Những em ở phía ngoài rèm phải đoán xem em nào đang diễn. Những em khác đứng sau rèm lần lượt làm như vậy. Sau đó, các nhóm đổi chỗ cho nhau.

SUY NGẪM: Làm sao các em biết bạn nào đang diễn phía sau rèm? Các em đã sử dụng giác quan nào để khám phá ra điều này? Các em có thể nhận ra đó là bạn nào khi nghe giọng nói của bạn ấy không? Các em có thể nhận biết đó là ai khi chỉ nghe bạn đó huýt sáo hoặc hát không?

BẠN LÀ AI?

DỤNG CỤ: Một tấm vải bịt mắt.

Một em bị bịt mắt. Những em khác đứng yên ở một nơi nào đó gần bên. Em bé bị bịt mắt di chuyển chậm rãi trong phòng cho đến khi chạm được ai đó. Em chỉ được dùng tay để cảm nhận và đoán bạn đó là ai.

SUY NGẪM: Giác quan nào giúp em nhận ra người bạn mình đang chạm vào? Em cảm thấy thế nào về trò chơi này?

MÁY ẢNH BẰNG NGƯỜI

Cho các em ghép cặp với nhau: Một em làm máy ảnh, một em làm nhiếp ảnh gia. Nhiếp ảnh gia đi phía sau máy ảnh của mình, đặt tay lên vai của máy ảnh trong khi máy ảnh nhắm hai mắt lại. Nhiếp ảnh gia hướng dẫn đường đi cho máy ảnh một cách cẩn trọng. Em sẽ có cơ hội chụp ba tấm ảnh. Em có thể hướng dẫn máy ảnh của mình đứng vào đúng điểm chụp, bằng cách chỉnh đầu máy ảnh lên hoặc xuống để lấy đúng góc chụp. Khi đã sẵn sàng để chụp hình, em siết nhẹ vai của người bạn cùng chơi. Người bạn có thể mở mắt ra và có thể chụp ảnh. Sau đó máy ảnh phải nhắm mắt lại ngay. Sau 3 kiểu chụp, các em đổi vai cho nhau.

SUY NGẪM: Các em đã chụp hình những gì? Các em cảm giác như thế nào khi được làm nhiếp ảnh gia hay khi làm máy ảnh? Vai nào các em thích nhất? Tại sao?

THIỀN ĐÁM MÂY

Nằm trên đất và ngắm nhìn mây trôi. Thong thả ngắm, không cần vội. Sử dụng trí tưởng tượng và sáng tạo của mình. Tưởng tượng đến các nhân vật và các cuộc phiêu lưu.

SUY NGẪM: Các em nhìn thấy gì? Câu chuyện nào nảy ra trong tâm trí các em? Các em có cảm thấy như mình đang bước vào một thế giới khác không? Đám mây giữ được hình dạng đó trong bao lâu? Thư giãn và thở sâu xuống bụng. Hãy cảm nhận sự nâng đỡ của mặt đất dưới lưng các em, hãy nghĩ xem em có phải là một phần của đám mây, của đất, của tất cả mọi thứ ở xung quanh em không.

TÌM VIÊN ĐÁ CỦA MÌNH

DỤNG CỤ: Những viên đá có kích cỡ tương đương nhau, sao cho mỗi em được một viên (kích cỡ các viên đá nên vừa lòng bàn tay của các em).

Cho các em ngồi thành vòng tròn, bảo các em nhắm mắt lại, sau đó đưa cho mỗi em một viên đá để các em cảm nhận viên đá trong lòng bàn tay khoảng một phút. Hết một phút, bạn thu hồi các viên đá lại, trong khi các em vẫn đang nhắm mắt. Bạn đặt tất cả các viên đá vào chính giữa vòng tròn. Bây giờ, các em được phép mở mắt ra và đi tìm viên đá của mình.

Biến thể: Sau khi các em đã có một phút để cảm nhận viên đá của mình, thu hồi các viên đá lại trong khi các em vẫn còn nhắm mắt. Bắt đầu chuyền các viên đá quanh vòng tròn để các em cảm nhận trong khi mắt vẫn nhắm cho đến khi tìm thấy viên đá của mình.

SUY NGẪM: Các em cảm thấy thế nào khi chơi trò này? Làm thế nào các em nhận ra hoặc không nhận ra hòn đá của mình? Bàn tay của các em cảm thấy thế nào?

EM NHÌN THẤY GÌ?

DỤNG CỤ: Khay, khăn giấy hoặc khăn nhỏ, 10 – 15 vật dụng nho nhỏ hàng ngày, dễ nhận diện.

Tập hợp các vật dụng như kéo, cuộn băng keo, đĩa CD, đồng hồ đeo tay, cái ly, cái nĩa, trái cây, kẹp giấy, cây thước, bông hoa, hoặc một túi trà lọc. Bỏ tất cả lên khay và dùng khăn đậy lại.

Khi các em đã sẵn sàng, bỏ khăn ra trong vòng 20 – 30 giây (tùy thuộc vào số lượng đồ vật trên khay và vào độ tuổi của các em). Sau đó, phủ khay trở lại và xem mỗi em nhớ được bao nhiêu vật. Trò này cũng có thể chơi theo đội. Mỗi đội viết xuống các món đồ mà các em nhớ được, cố gắng nhớ càng nhiều món càng tốt.

SUY NGẪM: Các em sử dụng những cách thức nào để nhớ các món đồ? Cách nào có hiệu quả, cách nào không hiệu quả?

EM NGỬI THẤY GÌ?

DỤNG CỤ: Một khay nhỏ; năm hoặc sáu món có mùi hương ví dụ như một thanh quế, một quả chanh, lá bạc hà và những thứ rau thơm có mùi mạnh hay các loại hương liệu; khăn bịt mắt cho mỗi em.

Bịt mắt các em lại và đặt một món có mùi hương trên khay rồi chuyền theo vòng tròn. Các em chỉ được cầm khay mà không được nhặt món đó lên (trừ khi đó là hương liệu được bỏ trong lọ). Yêu cầu các em đoán thầm trong đầu xem món đồ đó là gì mà không tháo khăn bịt mắt. Khi ai cũng đều được chuyền khay, các em có thể cho nhau biết mình đoán gì. Sau khi tất cả các món có mùi hương đều đã được chuyền, các em có thể tháo khăn bịt mắt ra.

SUY NGẪM: Các em đã nhận diện ra những món nào? Các em có cảm giác thế nào khi ngửi mà không nhìn thấy?

EM CHẠM ĐƯỢC GÌ?

DỤNG CỤ: Vài đồ vật với kết cấu bề mặt khác nhau, ví dụ: cuộn bông, quả thông, giấy nhám, hòn đá nhẵn; khăn bịt mắt cho mỗi em.

Bịt mắt các em lại và chuyền quanh một trong những vật đó, bắt đầu bằng một vật mềm, ví dụ như cuộn bông. Yêu cầu các em đoán xem đó là gì. Sau đó, chuyền quanh một vật có gai như quả thông, rồi đến một vật thô như giấy nhám.

Cuối cùng, chuyền đến một vật nhẵn như miếng gỗ đã bào, hay hòn đá. Yêu cầu các em đoán thầm xem đó là gì khi các em sờ vào đồ vật, nhưng không tháo khăn bịt mắt ra. Khi đồ vật đã được chuyền hết vòng tròn, các em có thể chia sẻ về thứ các em đoán ra. Khi tất cả các vật đã được chuyền hết vòng tròn, tháo khăn bịt mắt ra và cho phép các em thấy những phỏng đoán của các em có khớp với thực tế không.

SUY NGẪM: Các em cảm thấy thế nào? Các em làm thế nào để đoán ra?

EM NẾM THẤY GÌ?

DỤNG CỤ: Nhiều loại trái cây khác nhau được cắt thành miếng nhỏ.

Chuẩn bị những loại trái cây khác nhau, với số lượng đủ để chia cho các em. Cho các em ăn trái cây khi đang bị bịt mắt hay chỉ cần nhắm mắt. Sau khi tất cả các em đều được ăn trái cây, yêu cầu các em đoán xem đó là loại trái cây nào.

SUY NGẪM: Các em có ngạc nhiên không? Các em có thấy sự khác biệt nào so với khi ăn mà mở mắt không?

EM NGHE THẤY GÌ?

DỤNG CỤ: Sưu tập nhiều loại đồ vật khác nhau mà bạn có thể tạo nên những âm thanh nghe vui tai, ví dụ như chuông và dùi, còi, hòn đá dùng để ném xuống nước, một tấm bảng dùng để cào lên, hai mảnh giấy nhám dùng để chà vào nhau, một cái búa để đóng đinh; khăn bịt mắt cho mỗi em (không bắt buộc).

Yêu cầu các em nhắm mắt (hoặc bịt mắt các em), sau đó tạo ra âm thanh bằng một trong những đồ vật đã chuẩn bị. Yêu cầu các em nhận diện xem đó là tiếng gì. Sau khi tạo ra âm thanh của vài đồ vật, bạn hãy tự tạo ra một vài âm thanh, như vỗ tay, hắng giọng, ho, chép miệng hoặc huýt sáo. Các em nhận diện âm thanh, sau đó bắt chước tạo ra âm thanh tương tự. Một em có thể tạo ra âm thanh cho các em khác nhận diện.

SUY NGẪM: Âm thanh nào các em dễ đoán ra? Âm thanh nào các em khó đoán ra?

NHÌN! NGHE! NGỬI! CHẠM! NẾM!

Cho các em ngồi yên vài phút. Yêu cầu các em để ý xem có bao nhiêu thứ mà trong một phút các em có thể nhìn, nghe, chạm, nếm, hoặc ngửi được. Sau một phút, yêu cầu các em chia sẻ kinh nghiệm của mình. Các em cũng có thể viết lại kinh nghiệm của mình.

SUY NGẪM: Các em chú ý đến những gì? Các em có nhận thấy là một giác quan của mình trội hơn các giác quan khác hay không?

ĐẾM TỚI 10

Cho các em ngồi hoặc đứng thành vòng tròn. Các em đếm từ 1 đến 10. Bất cứ em nào cũng có thể nói ra một con số, nhưng nếu hai em cùng lúc nói cùng một con số thì tất cả phải chơi lại từ đầu. Có thể trò này sẽ hơi khó chơi, nhưng nếu kiên trì có thể giúp rèn luyện khả năng tập trung, hòa hợp và chú ý đến nhau. Đây cũng là một trò chơi rất tốt để giúp các em yên lại. Đôi khi trò chơi sẽ dễ chơi hơn nếu bạn cho các em đứng trong một vòng tròn sát nhau, vai kề vai và nhắm mắt lại.

SUY NGẪM: Các em học được gì qua trò chơi này? Chiến thuật nào giúp chúng ta đếm được đến 10?

Kết nối với thiên nhiên TRUY TÌM KHO BÁU

Sinh hoạt này có thể được thực hiện theo cá nhân, theo nhóm, hoặc trong gia đình. Đưa cho mỗi người, một nhóm, hoặc một gia đình một xấp thẻ nhỏ trên đó có viết sẵn những cặp đối lập. Ví dụ như: mềm và cứng; mới và cũ; hoang dã và thuần hóa; quen và lạ; tối và sáng… Yêu cầu người chơi đi tìm những món tương ứng với tấm thẻ. Khuyến khích tất cả mọi người – cha mẹ và con cái – cùng chia sẻ về món đồ mình tìm được.

XIN PHÉP THIÊN NHIÊN

Trong buổi thiền hành, hoặc buổi đi bộ, mời các em tìm một chỗ ở ngoài trời mà các em thấy thích. Yêu cầu các em tiến lại gần nơi đó trong im lặng và xin phép được ngồi hoặc có mặt ở đó. Các em lắng nghe xem thiên nhiên trả lời thế nào. Câu trả lời có thể là được hoặc không. Nếu câu trả lời là không, các em có thể tìm một địa điểm khác và xin phép lại. Bạn có thể giải thích cho các em rằng thiên nhiên đôi khi cho chúng ta câu trả lời không vì nơi đó không an toàn cho chúng ta, hoặc ở đó có một cái gì cần được bảo vệ. Nếu các em nhận được câu trả lời được, các em ngồi im lặng trong vài phút ở nơi mà các em đã chọn. Tập hợp các em lại và mời các em chia sẻ về trải nghiệm của mình. Điều gì đã thu hút các em đến với nơi đó? Làm thế nào các em cảm nhận được câu trả lời của thiên nhiên?

Một số dấu hiệu thể hiện câu trả lời được của thiên nhiên theo lời chia sẻ của các em là một làn gió nhẹ, tiếng chim hót, hoặc cảm giác ấm áp trong lồng ngực. Những người khác cho biết thiên nhiên trả lời không là vì có một âm thanh chói tai hay một tiếng động đột ngột, hoặc cơ thể có một cảm giác không thoải mái như bị cỏ ngứa chích hay bị gai đâm. Không có kinh nghiệm nào là đúng hay sai. Sinh hoạt này chỉ đơn giản là để xây dựng ý thức và trau dồi tinh thần tôn trọng thiên nhiên, đồng thời cũng giúp ta nhận ra rằng chúng ta là một phần của thiên nhiên chứ không phải là chủ nhân của nó.

NHÌN THẤY VẺ ĐẸP CỦA THIÊN NHIÊN TRONG TA

Đưa trẻ em đến một địa điểm ngoài trời và yêu cầu các em nhìn xung quanh để tìm ra những gì các em cảm thấy đẹp. Mời các em chọn một thứ trong không gian đó – có thể là một cái cây, quả thông, ngọn núi, đám mây, một con thú, một người, hay một làn gió mà các em trân quý.

Đưa cho mỗi em một mẩu giấy nhỏ và một cây bút. Mời các em viết xuống: Em thích… [cái ở ngoài thiên nhiên mà các em chọn] bởi vì… Hoặc … [cái ở ngoài thiên nhiên mà các em chọn] đẹp vì… Các em có thể viết một hoặc hai câu rất đơn giản. (Ví dụ: Em yêu cây bách vì nó khỏe mạnh, có hương thơm, hùng dũng và cảm thấy thoải mái với chính nó).

Khi các em đã viết xong, yêu cầu các em lật qua mặt giấy bên kia và viết lại một câu y hệt vậy, chỉ thay thế điều mà em chọn ngoài thiên nhiên bằng chính em (vậy câu ở trên có thể viết lại là Em yêu chính em vì em khỏe mạnh, có hương thơm, hùng dũng và cảm thấy thoải mái với chính mình). Sau đó, các em có thể suy ngẫm về cảm giác của mình khi nhận ra trong mình những phẩm chất mà các em trân quý ở thiên nhiên.

Đây có thể là một đề tài rất hay để ta suy ngẫm và thấy được mối liên hệ tương tức, không thể tách rời giữa ta với thiên nhiên.

BÀN THỜ THIÊN NHIÊN

Cùng các em đi dạo và đề nghị các em nhặt lên một thứ từ thiên nhiên mà các em cảm thấy thích, hoặc đối với em, vật đó tượng trưng cho cái đẹp, sự vững chãi, hay cái thiện lành. Đó có thể là một hòn đá, chiếc lá, quả thông, bông hoa, hay bất cứ vật gì từ thiên nhiên. Sau khi trở lại phòng sinh hoạt, mời các em chia sẻ lý do các em nhặt vật đó và ý nghĩa của nó đối với các em. Sau đó, các em có thể đi một cách chánh niệm đến bàn thờ và đặt các vật đó lên. Nên chia sẻ một chút về ý nghĩa hay mục đích của một bàn thờ và hỏi xem các em có bàn thờ ở nhà không. Từ nay, mỗi khi các em bước vào phòng sinh hoạt (phòng học), các em có thể chắp tay xá trước bàn thờ và cảm thấy được truyền cảm hứng bởi vật mà các em đã đặt lên bàn thờ.

TÌM CÁI CÂY ĐẶC BIỆT CỦA MÌNH

Cùng đi dạo ngoài thiên nhiên với các em, nhìn ngắm tất cả cây cối trong khu vực. Đề nghị mỗi em tìm một cây đặc biệt đối với mình. Khi các em đã tìm được cây đặc biệt cho mình, các em tự giới thiệu mình với cây đó, và cho cây biết vài phẩm chất đặc biệt của em. Sau một lúc, các em có thể nói với cây những phẩm chất đặc biệt của cây mà các em nhận thấy. Sau đó, các em có thể chia sẻ lại với các bạn. Khuyến khích các em nương tựa vào cái cây đó bất cứ khi nào các em cần và đến thăm cây hàng ngày. Đó là một nơi an toàn để các em có thể là chính mình, thư giãn và trở về với tự thân.

CÂY THÂN MẾN, TÊN BẠN LÀ GÌ?

Lắng nghe và nhìn một cách sâu sắc, có mặt với cái cây, thấy được tất cả những phẩm chất tuyệt vời của nó, sau đó các em hãy yên lặng xem cái cây có cho em biết nó tên gì hay không. Hoặc các em có thể đặt tên cho cây. Sau đó, các em có thể mời một người bạn đến để làm quen với cây. Các em có thể chia sẻ (với người bạn ấy) tất cả những phẩm chất tốt của cây và tại sao các em lại thích nó.

CÂY THÂN MẾN, BẠN ĐÃ NÓI GÌ?

DỤNG CỤ: Giấy và bút chì cho mỗi em.

Mời các em ngồi ở gốc cây đặc biệt của mình, lắng nghe thông điệp từ cây và từ những viên đá, côn trùng, rêu, vỏ cây và những chiếc lá xung quanh. Các em viết thông điệp này lên một mảnh giấy, hoặc vẽ ý nghĩa của thông điệp. Sau đó, các em đi truyền thông điệp này đến cho cái cây của bạn mình.

ĐỨNG NHƯ MỘT CÁI CÂY

Thực tập tư thế cái cây như trong yoga. Đứng thẳng người trên một chân, chân kia cong gập lại, bàn chân đặt lên phần đùi của chân còn lại; chắp tay lại và đặt trước ngực, hoặc nếu có thể giữ thăng bằng được thì đưa lên phía trên đầu. Lưu ý đến sự khác biệt khi bàn chân cắm rễ vào mặt đất (thậm chí nếu các em chỉ tưởng tượng nó thôi).

Lưu ý xem chuyện gì xảy ra khi mắt em nhìn tập trung vào một điểm cố định ở phía trước. Em nào không thể đứng trên một chân có thể đưa hai cánh tay cao lên, hai bàn tay chắp lại phía trên đầu và hình dung mình là một cái cây. Chuyện gì xảy ra khi các em tập trung vào hơi thở hay vào vùng bụng? Khi nào thì các em giữ thăng bằng tốt nhất?

CÁC HOẠT ĐỘNG DẠO CHƠI TRONG THIÊN NHIÊN

ĐI PICNIC: Tất cả mọi người mang một phần nhỏ để góp thành buổi picnic.

CUỘC DẠO CHƠI KỂ CHUYỆN: Mời một người có khả năng kể chuyện cùng đi và thường xuyên cho nhóm dừng lại để nghe một phần chuyện kể. Hoặc dừng lại chỉ một lần lâu hơn để kể cho các em toàn bộ câu chuyện. Hoặc cho các em kể câu chuyện về thiên nhiên mà các em đã chuẩn bị sẵn mỗi khi dừng lại.

ĐI BỘ VÀ THU NHẶT: Đi dạo và thu thập những vật đặc biệt từ thiên nhiên để trang trí cho bàn thờ thiên nhiên, hay cho một tấm panô, để làm thiệp hay để vẽ đá.

ĐI DẠO BỊT MẮT: Một em mở mắt dẫn một em đang bị bịt mắt. Sau đó, các em đổi vai cho nhau. (Hướng sự chú ý của các em vào ánh sáng và bóng tối; phương hướng, lên và xuống dốc…) Người dẫn đường cũng có thể dẫn người bạn đang nhắm mắt chạm vào một vật trong thiên nhiên và đoán xem đó là gì trong khi vẫn đang nhắm mắt.

LẮNG NGHE: Tất cả cùng đứng im, nhắm mắt và lắng tai. Các em nghe thấy gì? Sau đó, hãy tạo lại âm thanh mà mình đã nghe được – tiếng xe cộ, bò, quạ, ong, chim, tiếng người, tiếng gió…

ĐI CHÂN TRẦN: Đi chân trần và để ý đến lòng bàn chân mình tiếp xúc với mặt đất. Đây là cách rất vui để giới thiệu cho các em về thiền hành.

NHỮNG VÒNG TRÒN MẠN ĐÀ LA THIÊN NHIÊN: Đi dạo và chọn một nơi để ngồi xuống. Chú ý đến mọi thứ xung quanh. Sau một lúc, hãy tạo thành một vòng tròn mạn đà la (mandala) sử dụng những vật thiên nhiên xung quanh: đá, lá cây, hoa, cỏ và đất. Khi mọi người đã hoàn tất, mời các em đi một vòng để xem các tác phẩm nghệ thuật của những em khác. Hoặc cho tất cả các em cùng làm một vòng tròn mandala lớn, chia vòng tròn thành các phần nhỏ để mỗi em có thể trang trí một phần, sử dụng các vật liệu từ thiên nhiên.

Nói lời tạm biệt

MẠNG LƯỚI CUỘC SỐNG

DỤNG CỤ: Một cuộn len.

Cho các em ngồi thành một vòng tròn. Bạn giữ cuộn len trong tay, rồi chia sẻ một điều quan trọng nuôi dưỡng bạn trong thời gian sinh hoạt cùng nhau. Rồi bạn ném cuộn len cho một em trong vòng tròn nhưng tay bạn vẫn giữ mối dây. Em đang giữ cuộn len sẽ bắt đầu chia sẻ. Tiếp tục như thế đến em cuối cùng. Khi tất cả mọi người đều đã nắm trong tay mối len, người hướng dẫn sẽ nói một vài câu, ví dụ như:

Dù cho tất cả chúng ta đều trở về nhà, chúng ta sẽ vẫn tiếp tục kết nối với nhau giống như sợi dây đang kết nối chúng ta trong giây phút này. Chúng ta sẽ mang thời gian có nhau này về nhà, về trường và mỗi người trong chúng ta sẽ tạo nên một mạng lưới của sự thực tập trong gia đình. Vì vậy, từ mạng lưới lớn này những mạng lưới nhỏ hơn sẽ hình thành từ mỗi chúng ta.

Sau đây là một số đề tài chia sẻ khác có thể sử dụng trong buổi sinh hoạt cuối cùng: Một chuyện vui mà em từng có là… Em nhớ khi… Em rất biết ơn vì…

Sẽ rất tuyệt vời khi các em chia sẻ về những điều các em thích và không thích trong chương trình để chúng ta có thể rút kinh nghiệm. Bạn cũng có thể yêu cầu các em chia sẻ cái mà các em sẽ mang theo khi trở về nhà, những thực tập nào hoặc những điều gì các em đã học được. Bạn có thể kết thúc bằng một cái ôm tập thể và cùng hát với nhau một bài.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 01 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 02 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 03 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 04 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 05 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 06 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 07 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 08 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 09 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 10 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 11 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, toàn tập tại đây.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Share:

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Mùa xuân vắng lặng | Chương 11

Mùa xuân vắng lặng | Chương 11

Mùa xuân vắng lặng gây chấn động xã hội Mỹ cảnh tỉnh về môi trường buộc Tổng thống Kennedy lập ủy ban điều tra thuốc diệt sinh vật.

Niên lịch miền gió cát

Niên lịch miền gió cát

Niên lịch miền gió cát hòa quyện lịch sử tự nhiên nghệ thuật miêu tả phong cảnh và triết học qua ghi chép về sinh vật tại trang trại Wisconsin.

Học cách học hiệu quả hơn

Học cách học hiệu quả hơn

Từ những khoảnh khắc đầu tiên như la hét ngủ ăn và làm rối tung mọi thứ chúng ta đã hấp thụ mọi thứ xung quanh.

Chia sẻ điều cần nói

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.

nhavantuonglai · Ghiblis Music Piano Playlist