Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy | Chương 01

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng lập Làng Mai, truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân, chánh niệm, giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc, hòa hợp thiên nhiên.

 · 37 phút đọc.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng lập Làng Mai, truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân, chánh niệm, giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc, hòa hợp thiên nhiên.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.

Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Ba bài tập về tình thương

Bài thứ nhất

  1. Mong sao cho thân tâm tôi được an lạc và nhẹ nhàng

May I be peaceful, happy and light in body and spirit

  1. Mong sao cho tôi được sống an toàn không vướng vào tai nạn

May I be free from injury – May I live in safety

  1. Mong sao cho trong tâm tôi không có giận hờn, phiền não, sợ hãi và lo lắng

May I be free from disturbance, fear, anxiety and worry

Bài này đặt trọng tâm ở Bi và Xả

Bài thứ hai

  1. Mong sao cho tôi biết nhìn tôi bằng con mắt hiểu biết và thương yêu

May I learn to look at myself with the eyes of understanding and love

  1. Mong sao cho tôi nhận diện và tiếp xúc được với những hạt giống của niềm vui và hạnh phúc

May I be able to recognize and touch the seeds of joy and happiness in myself

  1. Mong sao cho tôi nhận diện và thấy được cội nguồn của những giận hờn, tham đắm và si mê trong tôi

May I learn to identify and see the sources of anger, craving and delusion in myself

Bài này đặt trọng tâm ở Từ, Bi và Hỷ

Bài thứ ba

  1. Mong sao cho tôi biết nuôi dưỡng tôi mỗi ngày bằng những niềm vui

May I know how to nourish the seeds of joy in myself everyday

  1. Mong sao cho tôi được sống mát mẻ, vững chắc, và thảnh thơi

May I be to live fresh, solid and free

  1. Mong sao cho tôi không rơi vào thái độ dửng dưng và không kẹt vào hai mặt vướng mắc và ghét bỏ

May I be free from attachment and aversion but not be indifferent.

Bài này thực tập về cả Từ, Bi, Hỷ và Xả.

Bốn khía cạnh của tình thương đích thực

Khi nêu ra bốn danh từ Từ Bi Hỷ Xả điều ta phải để ý trước tiên là bốn từ đó diễn tả bốn mặt của một thực tại mà ta tạm gọi là tình thương, tính thương đích thực, tính thương chân thật. Vì vậy cho nên ta phải thấy được liền tính cách tương tức giữa bốn cái. Phải thấy được rằng một cái là do ba cái kia làm ra thì ta mới có thể hiểu được giáo lý vi diệu về tứ vô lượng tâm.

Ví dụ như yếu tố Hỷ tức là niềm vui. Nếu trong tình thương mà không có yếu tố niềm vui thì tình thương đó không thể gọi là tình thương đích thực được. Cho nên trong Từ đã có Hỷ. Một tình thương trong đó chỉ có sầu đau thì làm sao được gọi là tình thương chân thật… Rồi ta nhìn vào Xả, Xả là sự không vướng mắc, không theo phe không kỳ thị. Nếu tình thương của chúng ta mà có tính cách phe phái kỳ thị và vướng mắc thì tình thương ấy không phải là tình thương đích thực. Vì vậy trong Từ có Xả. Thường thường ta dịch Xả là equanimity có người dịch là evenmindedness. Xả cũng có nghĩa là non – attachment, release, letting go. Vậy thì nó là một khía cạnh của tình thương chân thật. Khi chúng ta còn vướng mắc, còn kỳ thị, còn theo phe thì tính thương đó chưa phải là tình thương đích thực.

Bi là gì? Bi là chí nguyện và khả năng có tác dụng làm vơi nỗi khổ, chuyển hoá nỗi khổ. Bi là compassion, relieving pain, có khả năng làm nhẹ đi những niềm đau. Tình thương chân thật thì phải chứa đựng những yếu tố ấy. Nếu tình thương mà không làm cho niềm đau của người ta bớt đi, không có khả năng chuyển hoá thì làm sao ta gọi nó là tình thương chân thật? Nếu Từ là đích thực thì nó chứa đựng sẵn Bi, Hỷ và Xả. Bi cũng vậy, nếu Bi là Bi đích thực thì cũng chứa đựng Từ Hỷ và Xả, Hỷ mà là Hỷ đích thực thì cũng chứa đựng Từ, Bi và Xả.

Xả đích thực không phải là sự lạnh lùng, indifference. Từ indifference này nghĩa nguyên hay lắm, nhưng bây giờ có người dịch indifference là thờ ơ. Indifference vốn là không thấy có sự khác biệt. Ví dụ mình có hai đứa con mà mình thấy hai con đều là con mình thương như nhau, mình không có kỳ thị người này, mình không có vướng mắc người kia thì cái đó là indifference. Nhưng bây giờ trong cái văn chương ngôn ngữ của ta indifference được hiểu là thờ ơ, là lạnh lùng, là không quan tâm. Indifference đáng lý phải được hiểu là không có difference. Xả đây tức là hiện tướng của cái trí tuệ gọi là bình đẳng tánh trí (samata prajna). Sama là bình đẳng, samata là bình đẳng tánh, tức là khả năng thấy được người này và người kia cùng một thể tánh, là đồng đẳng, không có sự khác nhau gì hết, không có sự phân biệt giữa mình và người tức là vượt thoát cái gọi là ngã mạn, vượt thoát cái được gọi là tam mạn. Còn có sự so sánh, còn thấy có sự khác biệt giữa ta và người còn thấy có ranh giới giữa ta và người thì chưa có Xả. Vì vậy Xả là một yếu tố rất thiết yếu của tình thương chân thật.

Xả cũng phải được thực hiện từ từ. Ví dụ khi ta quán chiếu và quán sát một người và đi được vào thịt da và tâm tư người đó thì ta mới bắt đầu hiểu và thương người đó được. Và tự nhiên ta với người đó trở thành ra một. Tình thương đó là tình thương đã có Xả; Còn nếu ta quán sát người đó mà người đó vẫn là người đó, ta vẫn là ta, ta không đi vào người đó được, ta không sống bằng xương bằng thịt bằng thọ bằng tưởng của người đó thì ta chưa có lòng thương đích thực. Être dans la peau de quelqu_un tức là sống trong da thịt của người đó. Sự quán chiếu cũng vậy. Tự nhiên mình biến thành người đó và mình hiểu người đó toàn vẹn. Khi lòng thương trào lên nhờ cái thấy bình đẳng ấy thì ta gọi nó là Từ là Bi; mà Từ và Bi đó đã chứa đựng Xả. Xả đây có nghĩa là lấy đi cái ranh giới giữa mình và người, không phân biệt không kỳ thị và chúng ta thoáng thấy được tính cách mầu nhiệm của sự thực tập này. Ta thấy rằng nếu không quán chiếu thì không thể thực sự thương yêu được. Không quán chiếu thì làm sao ta có thể đặt ta vào hoàn cảnh, vào da thịt của người kia để có thể hiểu được người kia và trở thành người kia? Khi ta trở thành người kia rồi thì lúc đó tình thương mới gọi là tình thương đích thực, không có đối tượng không có chủ thể, người thương và người được thương trở thành một. Chừng nào ta còn nói tôi là người thương, anh là người được tôi thương thì chừng đó chưa có Xả.

Cũng như khi ta cầm cái búa và đóng đinh. Thay vì đóng trên đinh thì ta có thể vô ý đóng trên ngón tay. Tay trái bị đau làm rơi cây đinh xuống, tay phải tự nhiên bỏ búa, cầm lấy ngón tay trái và chăm sóc một cách rất tự nhiên không phân biệt. Vô phân biệt không có nghĩa là vô tri. Nó không nói: Tôi là tay phải đây, anh là tay trái, anh vừa bị thương, tôi là người đang giúp anh đây. Tay phải không bao giờ có cái phân biệt như vậy. Cái không phân biệt ấy tiếng Anh gọi là non – discrimination nhưng nó không phải là vô tri. Nếu bàn tay ấy vô tri thì nó đâu biết bỏ cái búa xuống để chăm sóc bàn tay trái?

Khi chứng đạo người ta có vô phân biệt trí, tức là có cái trí tuệ vô phân biệt. Sau khi chứng ngộ rồi, thức thứ bảy trở thành một loại trí gọi là bình đẳng tánh trí. Bình đẳng ở đây là không thấy sự khác nhau, sự bằng nhau, sự thua nhau, sự hơn nhau. Cái đó liên hệ tới tam mạn mà ta đã học trong kinh Tam Di Đề. Và cái tình thương chân thật, cái tình thương cao tột phải có yếu tố Xả. Không phải Bụt đã góp chung lại bốn cái giáo lý tách rời.

Bốn tâm là một

Trong đạo Bụt thương yêu được diễn tả thành bốn khía cạnh mà chúng ta gọi là bốn tâm vô lượng hay tứ vô lượng tâm. Vô lượng có nghĩa là không thể đo, không thể đong, không thể lường được (immeasurable = apramāna), Pramana có nghĩa là lượng, là đo lường, còn apramāna có nghĩa là không thể đo, không thể lường được, không thể dùng toán số và thí dụ để mà diễn tả. Ta có thể dịch tứ vô lượng tâm là bốn tâm không có biên giới, bốn tâm vô lượng, bốn tâm đó là Từ, Bi, Hỷ, Xả. Khi Bụt dạy về bốn tâm như một pháp môn thì ta biết rằng có sự liên hệ mật thiết giữa bốn tâm. Và khi học hỏi và tu tập thì ta khám phá ra bốn tâm đó chỉ là một tâm thôi. Bốn tâm đó là bốn khía cạnh của một tâm. Chúng ta có những phương pháp thực tập rất cụ thể về thương yêu vì vậy trong khi quý vị học về tứ vô lượng tâm thì quý vị nên thực tập về tứ vô lượng tâm. Buổi sáng buổi chiều khi thiền toạ khi đi thiền hành quý vị nên đem những phương pháp về tứ vô lượng tâm ra thực tập.

Công dụng giải thoát của tình thương

Từ Bi Hỷ Xả là bốn yếu tố cần thiết trong tình thương đích thực, trong đó một yếu tố chứa đựng ba yếu tố khác. Phải thấy được điều đó. Có Xả thì không có kỳ thị vướng mắc; Có Hỷ thì không có sầu đau, lo lắng và những cơn sốt rét; có Bi thì có sự nhẹ đi những niềm đau khổ đang có; và có Từ thì có được niềm vui. Vì vậy cho nên thực tập Từ Bi Hỷ Xả chúng ta chữa được chứng bệnh cô đơn, sầu đau vướng mắc, sợ hãi và giận hờn. Từ tiếng Phạn là maitri, tiếng Pali là metta; Bi là karuna (tiếng Phạn và tiếng Pali giống nhau); Hỷ là mudita; Xả là upeksa (tiếng Phạn), tiếng Pali là upekkha.

Trong Đại Trí Độ Luận chúng ta có thấy mấy câu định nghĩa về Từ Bi Hỷ Xả và định nghĩa này được chấp nhận một cách phổ biến trong văn học Phật giáo. Đại Trí Độ (Māhprajna paramita sastra) mà tác giả thầy Long Thọ viết: Thực tập tâm Từ ta có thể trừ diệt được giận hờn trong lòng chúng sanh. Thực tập tâm Bi ta có thể trừ diệt được những khổ đau và não loạn trong lòng chúng sanh. Thực tập tâm Hỷ ta có thể diệt trừ được sự không vui vẻ và không hạnh phúc trong lòng chúng sanh. Thực tập tâm Xả ta có thể diệt trừ sự vướng mắc và ghét bỏ trong lòng chúng sanh. Từ là đem hạnh phúc tới. Bi là lấy đi niềm đau nỗi khổ. Hỷ là hiến tặng niềm vui. Có người nói Hỷ là niềm vui khi thấy người vui, vui cái vui của người. Định nghĩa đó còn chật hẹp lắm. Altruistic joy tức là niềm vui có tính cách vị tha. Định nghĩa đúng đắn nhất là đem niềm vui tới, niềm vui đây là sự hoan lạc và hạnh phúc. Đem tới cho người khác và đem tới cho chính mình. Xả tức là thực hiện thái độ không vướng mắc, không xua đuổi, không kỳ thị.

Hạnh phúc

Hôm nay là ngày 6 tháng 10 năm 1994, chúng ta ở tại Xóm Thượng trong Khoá Tu Mùa Thu.

Trong kinh Sammidhi mà chúng ta vừa học có bốn chủ đề quan trọng.

Chủ đề thứ nhất là chủ đề ý niệm về hạnh phúc. Ta thấy ngay rằng những ý niệm về hạnh phúc có thể là những bẫy sập giam hãm chúng ta vào vòng khổ đau. Cho nên những ý niệm về hạnh phúc có liên hệ tới ý niệm về bẫy sập của ngũ dục. Cách đây chừng một tháng có một vị đạo hữu từ Hoà Lan qua. Các vị ở Xóm Hạ có hỏi thăm tại sao các cháu không cùng đi thì vị đạo hữu ấy nói: Chúng nó đang bị vướng vào những cái bẫy ngũ dục. Vị đạo hữu đã thấy các cháu đang khổ đau, biết rất rõ ràng rằng các con mình đang bị vướng vào bẫy ngũ dục mà không thoát ra được. Họ cũng có hiếu với cha, đã lái xe đưa cha tới Paris để cha đi về làng Hồng một mình. Vị đạo hữu nói ông thấy rất rõ các cháu đang đau khổ, đang vướng vào vòng ngũ dục nhưng ông chưa làm gì được. Cố nhiên những người trẻ khi vướng vào vòng ngũ dục nghĩ là mình đang đi trên con đường tìm hạnh phúc. Kinh nói đó là những nẻo đường tăm tối khổ đau. Ta phải có lòng thương, sự hiểu biết và đạo lực khá mạnh thì mới có thể giúp những người ta thương thoát ra khỏi những cái bẫy sập của ngũ dục nếu không thì ta chỉ có thể đứng bên ngoài mà thương hại thôi. Phải học phải tu mới có khả năng giúp người thoát khỏi những cái bẫy của ngũ dục.

Chủ đề thứ hai của kinh có thể nói là chủ đề hiện pháp lạc trú. Khi thiên nữ hỏi tại sao thầy Summidhi lại bỏ lạc thú trong hiện tại để đi tìm một lạc thú hứa hẹn vớ vẩn trong tương lai, tức là lạc thú phi thời thì thầy Sammidhi nói: Tôi đâu có bỏ cái hạnh phúc trong hiện tại để đi tìm một cái hạnh phúc hứa hẹn hão huyền ở tương lai đâu? Chính tôi đã bỏ cái hạnh phúc hão huyền kia để đi tìm cái hạnh phúc hiện có trong giây phút hiện tại đấy chứ. Và nhân tiện đó thầy nói với vị thiên nữ là ngũ dục đem lại cho chúng ta những cơn sốt, những cơn đau khổ trong khi đó thi pháp hiện pháp lạc trú đem lại cho chúng ta hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Vì vậy cho nên kinh có danh từ vượt thoát thời gian (akalika), phi thời gian tính. Chủ đề này là một chủ đề rất lớn trong kinh Sammidhi mà cũng là một chủ đề rất lớn trong toàn bộ giáo lý của đạo Bụt nhưng tiếc thay ít có trung tâm tu học nào, ít có thiền viện nào đem chủ đề này khai triển.

Chủ đề kế tiếp có thể gọi là chủ đề nương tựa. Nương tựa ở đây là nương tựa vào pháp, nương tựa vào cái gì không phải chỉ là một ý niệm. Trong khi sống với chánh pháp, ta đạt được sự an lạc vững chãi và thảnh thơi và sự nương tựa đó là sự nương tựa vào pháp, có khi gọi là nương tựa ở hải đảo tự thân.

Chủ đề kế tiếp là chủ đề về mặc cảm hay là mạn: mặc cảm hơn người, mặc cảm thua người, mặc cảm bằng người. Tất cả những mặc cảm đó đều được phát sinh ra từ ý niệm gọi là ngã chấp và khi quán chiếu thấy được sự tương quan tương duyên và tương tức của vạn pháp thì chúng ta thấy sự sống là một, ta và người, ta với cây cỏ là một và bình an hạnh phúc không còn là một vấn đề cá nhân. Khi ta vượt được ý niệm về ngã thì tất cả những sợ hãi lo lắng giận hờn và buồn phiền sẽ tan biến và hạnh phúc trở nên một cái gì thật sự có mặt. Có những niềm vui có tính cách mong manh vì còn được xây dựng trên ý niệm về ngã. Vì có sự phập phòng và sự sợ hãi cho nên những niềm vui đó chưa vững chãi và đích thực. Chỉ khi cái sợ cái lo và cái giận hờn vắng mặt, niềm vui đó mới có thể gọi là niềm vui đích thực.

Chúng ta hãy tưởng tượng một người vừa mới cãi lộn với người thân xong, buồn quá, không biết làm gì, ra quán rượu, mua một ly rượu đắt tiền và ngồi uống. Uống một ly rượu như vậy không hẳn là hạnh phúc, nhưng ông ta muốn dùng ly rượu để nhận chìm niềm đau xuống. Trong khi thưởng thức ly rượu, hạnh phúc đích thực không có, chỉ có sự cố gắng để đè nén và che lấp đau khổ thôi. Bụt cũng nói tương đương như vậy về ngũ dục. Bụt nói rằng ví dụ có một người như vậy bị án tử hình, biết rằng trong bảy ngày nữa mình sẽ bị mang ra chém đầu, nhưng nhờ có sự can thiệp của một người thân nên vua đã biến án tử hình ra án khổ sai chung thân. Khi nghe tin được án khổ sai chung thân ông ta rất mừng, nhảy nhót rất sung sướng. Bụt nói cái sung sướng của án khổ sai chung thân đâu phải là cái sung sướng đích thực. Được so sánh với án tử hình Nên cái này được coi như là sung sướng chứ kỳ thực nó không phải là sung sướng. Ly rượu kia được dùng để nhận chìm niềm đau không phải là một hạnh phúc, đó chỉ là một phương tiện để khoả lấp khổ đau của mình thôi. Biết bao nhiêu người trẻ trong thế giới chúng ta có những niềm đau và vì thế họ đi tìm năm thứ dục lạc. Đi tìm những dục lạc như vậy họ không đạt được hạnh phúc chân thật, họ chỉ đi tìm những cái án khổ sai chung thân để vùi lấp cái niềm đau của án tử hình mà thôi. Đó là một bi kịch rất lớn của loài người. Cũng như sự đi tìm ma túy. Ta biết rằng ma túy cũng làm chúng ta đau khổ ghê gớm lắm, nhưng vì niềm đau kia lớn quá thành ra phải đi tìm ma túy để khoả lấp và chất ma túy đó tương đương với cái án khổ sai chung thân đã được dùng để khoả lấp cái án tử hình. Thấy như thế chúng ta sẽ thương, và nếu biết thương thì chúng ta phải tu học để có khả năng cứu độ và đưa những người trẻ đó ra khỏi vũng lầy của sự khổ đau.

Khi chúng ta thực tập hiện pháp lạc trú, thực tập nương tựa và thực tập quán chiếu về vô ngã thì càng ngày ta càng thực hiện được sự vững chãi và thảnh thơi. Và hiện pháp niết bàn là một cái gì có thể từ từ hiển lộ ra cho ta tiếp xúc vì niết bàn có hai đặc tính: vững chãi và thảnh thơi. Càng thực tập ta càng thấy sự vững chãi và sự thảnh thơi đó lớn lên và khi tiếp xúc được với niết bàn một cách sâu sắc thì sự vững chãi và thảnh thơi kia trở thành rất lớn lao và hùng mạnh. Lúc đó cái gọi là hạnh phúc chân thật mới thật hoàn toàn, từ tích môn ta tiếp xúc được với bản môn. Vì vậy kinh Sammidhi đã nêu ra đủ hết những chủ đề quan trọng.

Kinh văn căn bản

Giờ đây ta hãy đọc vài đoạn kinh Bụt dạy về phương pháp thực hiện tứ vô lượng tâm. Trước hết ta đọc trong kinh Thuyết Xứ. Kinh thuyết Xứ tức là kinh 86 trong bộ Trung A Hàm bằng chữ Hán.

Vị khất sĩ tâm tương ứng với Từ đi về một phương, bao trùm lấy trọn phương ấy, rồi phương thứ hai, thứ ba, thứ tư, trên, dưới, khắp nơi, đồng nhất với tất cả (phổ châu nhất thiết), không thù không oán không giận, không tranh, thật rộng thật lớn, trở nên vô lượng khéo léo tụ tập bao trùm được hết tất cả thế gian. Vị khất sĩ cũng làm như thế với bi, hỷ và xả. A nan, bốn tâm vô lượng này, thầy nên đem giảng dạy cho các tỳ khưu trẻ tuổi. Họ sẽ được an ổn có sức mạnh, có niềm vui, thân tâm họ sẽ không còn phiền não và nóng bức, và họ sẽ có thể suốt đời tu phạm hạnh. (dịch từ Trung A Nam, 86)

Trong kinh tạng Pali có nhiều đoạn kinh nói về Tứ vô lượng tâm. Đây là bản dịch tiếng Việt từ kinh thứ 99 của Trung Độ:

Tâm tương ứng với từ, vị khất sĩ an trú bao trùm một phương, rồi phương thứ hai, thứ ba, thứ tư, trên, dưới, bốn bên, cùng khắp. Vị ấy an trú như thế, thấy mình trong tất cả (sabbattataya) bao trùm cả thế gian bằng tâm tương ứng với từ, đi thật xa trở nên thật lớn, trở nên vô lượng, không oán không não. Tâm tương ứng với bi, hỷ, xả, vị khất sĩ cũng thực tập như thế. (dịch từ M.99)

Chúng ta phải có trong tay những đoạn kinh căn bản như thế. Trước hết người thực tập phải làm thế nào để tâm mình đi đôi với cái năng lượng gọi là Từ. Năng lượng đó phải phát sanh thì tâm mình mới có thể đi ra một phương để bao trùm trọn phương ấy. Trong phương ấy có biết bao nhiêu loài mà mình muốn thương và phải thương. Khi đưa tâm về một phương và gặp những chúng sanh trong phương đó, ta phải có khả năng đi vào những chúng sanh ấy, đồng nhất với họ trở thành họ. Đó là yếu tố quán chiếu. Nếu không quán chiếu thì Từ này không hiện thực. Năng lượng từ trở nên càng lúc càng lớn, càng rộng, càng biến mãn và bao trùm. Đó là nhờ khả năng quán chiếu, nhờ con mắt tuệ.

Nếp sống thanh cao

Bốn tâm vô lượng có khi còn được gọi là tứ phạm trù. Phạm tức là Brahma, có nghĩa là Phạm Thiên cũng có nghĩa là một cõi trời nơi chư thiên an trú, là cõi không có những sinh hoạt dâm dục. Phạm cũng có nghĩa là cao cả (noble) là thanh tịnh; và đời sống người xuất gia cũng gọi là đời sống phạm hạnh. Tu phạm hạnh không có nghĩa là tu để được sinh lên cõi phạm thiên, được sống chung với Thượng Đế, mà là để sống một đời sống trong sạch và cao quý của người xuất gia. Brahmacaryā là đời sống phạm hạnh. Trong một kinh Trung A Hàm Bụt có dạy thầy A Nan: Này thầy A Nan, nếu thầy dạy cho các thầy trẻ về tứ vô lượng tâm, thì các thầy ấy sẽ cảm thấy có sự an ổn trong đời sống tâm linh của mình; các thầy ấy sẽ có sức mạnh, sẽ có hạnh phúc, thân tâm của họ không có phiền não vì những cơn sốt và do đó họ có thể suốt đời sống trong cuộc sống phạm hạnh. Thầy A nan được rất nhiều người trẻ thương mến và có rất nhiều người trẻ đi theo, vì vậy Bụt đã bảo thầy A Nan nên dạy các thầy trẻ về tứ vô lượng tâm. Đối với những người thường, Bụt nói rằng tứ vô lượng tâm là sự thực tập về tình yêu thương. Nếu quý vị nói Phạm Thiên là tượng trưng cho tình thương và nếu quý vị muốn sanh lên cõi Phạm Thiên để ở chung với Phạm thiên thì quý vị phải thực tập tứ vô lượng tâm.

Theo đạo nhất thần cũng có thể thực tập đạo Bụt

Chúng ta nên biết rằng vào thời của Bụt có rất nhiều người tin tưởng và mong ước sau khi chết được sanh lên cõi trời Phạm Thiên để cộng trú với Brahma. Brahma là tương đương với Thượng đế của nhất thần giáo. Vấn đề cũng giống hệt như ngày hôm nay. Nếu ở Cơ Đốc giáo các bạn chúng ta nói rằng Thượng đế là tình thương, God is love, thì ngày xưa cũng vậy, Brahma là tình thương và Bụt nói rằng muốn cộng trú với Brahma thì ta phải có cùng một chất liệu với Brahma là tình thương. Nếu giữa chúng ta với Phạm Thiên mà không có một cái gì tương ứng hết thì làm sao chúng ta có cơ duyên để sống chung với Phạm Thiên. Nếu quý vị không xuất gia và sống trong tăng đoàn của chúng tôi thì quý vị cũng có thể tiếp tục tu học với niềm tin tưởng ở Brahma. Tuy nhiên ít nhất quý vị phải thực tập tứ vô lượng tâm thì mới mong có thể sinh lên cõi Phạm thiên được. Ta thấy rằng Bụt không bắt buộc họ phải nhất thiết từ bỏ niềm tin nơi Phạm thiên mới có thể thực tập được giáo lý của Người. Điều này là một điều rất quan trọng mà chúng ta có thể học được của đức Thế Tôn: không bắt buộc người khác phải bỏ niềm tin của họ mới có thể thực tập được giáo lý đạo Bụt. Đối với các bạn Tây phương có gốc rễ tâm linh của họ, chúng ta cũng phải làm như Bụt đã làm. Chúng ta nói với họ: quý vị không cần phải bỏ gốc rễ tâm linh và tôn giáo của quý vị. Nếu quý vị gốc Do thái thì quý vị cứ giữ gốc Do Thái nếu quý vị có gốc Cơ Đốc thì quý vị cứ giữ gốc Cơ Đốc. Quý vị cứ thực tập những gì quý vị thấy hay trong đạo Bụt. Tinh thần này của chúng ta chẳng qua là nối tiếp tinh thần của Bụt mà thôi. Chúng ta nhớ khi những giáo sĩ Cơ Đốc mới tới Việt Nam, họ không có thái độ đó. Họ nói phải từ bỏ cái đức tin hiện có của quý vị thì quý vị mới có thể theo được đạo Chúa. Và họ không cho phép người Việt thờ cúng ông bà hay lên chùa lạy Phật. Phương pháp của chúng ta là phương pháp đi ngược hẳn lại, vì ta biết rằng khi một con người bị bứng ra khỏi môi trường văn hoá và tâm linh của mình thì người đó sẽ không có hạnh phúc. Vì vậy thay vì khuyên người ta bỏ gốc rễ của họ thì ta khuyên họ trở về với gốc rễ. Và đường lối đó, ta biết Bụt đã khởi sự làm trong thời đại của ngài đối với những người tin tưởng ở Phạm Thiên. Ngài đã đề nghị họ thực tập bốn tâm vô lượng.

Thuốc bệnh và thuốc bổ

Chúng ta sẽ đi vào những phương pháp thực tập cụ thể để Từ Bi Hỷ Xả trở thành những năng lượng có thật, có thể biểu hiện ra sự sống và chuyển đổi con người mình. Khi nghe những bài pháp thoại về tứ vô lượng tâm chúng ta phải lấy đời sống mình, những kinh nghiệm của mình, những nỗi khổ của mình để tạo tác ra những bài tập và chúng ta sẽ thực tập trong suốt thời gian đó.

Để kết luận, ta có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những thứ thuốc để chữa bệnh. Thuốc có hai loại, một là thuốc bổ, hai là thuốc bệnh. Nói như vậy không có nghĩa là thuốc bổ chỉ bổ thôi hay thuốc bệnh chỉ để chữa bệnh thôi; thuốc bổ cũng có thể chữa bệnh và thuốc bệnh cũng có thể bồi bổ. Đó là vấn đề tương tức. Từ, theo định nghĩa, là hiến tặng hạnh phúc. Một người kia đang bị bệnh mà sức khoẻ héo mòn. Ông thầy thuốc nói: Chữa bệnh thì chữa nhưng vì người này yếu quá thành ra ta phải cho uống thuốc bổ để ông ta mạnh lên một chút. Chúng ta ai cũng biết rằng khi bị cảm mà uống thuốc bổ vào thì ta có thể cảm thêm, cho nên thầy thuốc thường trị bệnh rồi mới cho thuốc bổ, hoặc nếu cho thuốc bổ thì phải có thuốc bệnh đi theo. Phân tích ta sẽ thấy rằng Từ và Hỷ là thuốc bổ. Có những trường hợp người kia sầu khổ quá chừng, không có khả năng tiếp nhận nguồn vui do mình đưa tới ta biết rằng thuốc bổ trong trường hợp đó chưa có thể xử dụng được, và ta phải chữa cái bệnh sầu đau của người đó, trước khi người đó có khả năng tiếp nhận niềm vui. Trời rất xanh, hoa nở rất đẹp, ta muốn đưa người kia ra để tiếp xúc với trời xanh mây trắng nhưng vì niềm đau lớn quá, người kia không tiếp xúc được vì vậy ta phải chữa bệnh trước, phải dùng tới thuốc Bi. Bi là chuyển hoá chất khổ đau. Xả cũng vậy. Ta hãy xem Từ và Hỷ là những thứ thuốc bổ đem lại sức khoẻ, đem lại hạnh phúc còn Bi và Xả là những thuốc bệnh để chuyển hoá sầu đau, kỳ thị, vướng mắc. Nếu cơ thể ta mạnh hơn lên một chút, khoẻ hơn lên một chút thì tự nhiên khả năng chuyển hoá khổ đau của ta sẽ tăng cường gấp bội nhưng sự phân biệt giữa thuốc bệnh và thuốc bổ này cũng chỉ có giá trị tương đối.

Thương yêu là hạnh phúc

Giáo lý của đạo Bụt về tình thương rất phong phú và sâu sắc. Ta biết rằng hạnh phúc không thể nào có được nếu ta không có tình thương. Tu học không có nghĩa là giết chết khả năng thương yêu trong con người của ta, trái lại tu học tức là làm cho tình thương trong ta lớn lên nở ra và vững mạnh. Ở ngoài đời danh từ thương yêu có nhiều nghĩa, có khi rất hàm hồ, nhưng giáo lý của đạo Bụt về thương yêu thì rất sâu sắc, rõ ràng và những định nghĩa về thương yêu rất xác thật và đầy đủ. Chủ đề thương yêu là một chủ đề cần phải phát triển rất lớn. Đáng lý năm nay chúng ta có một khoá tu 21 ngày vào tháng sáu với chủ đề thương yêu nhưng vì làm biếng ta đã bãi bỏ khóa tu ấy. Trong khóa tu này đại chúng sẽ được học vắn tắt nội dung của khoá tu tháng sáu về đề tài thương yêu, vì đề tài thương yêu có liên hệ mật thiết đến đề tài hạnh phúc và vì thương yêu chân thật đưa tới hạnh phúc chân thật.

Tình thương chuyển hóa hận thù và khổ đau

Trong khi ta làm như vậy thì trong con người ta vắng mặt những tâm sở tiêu cực như nội kết, oán thù, sân nhuế, và tranh đoạt. Kinh A Hàm dùng bốn danh từ là vô kết, vô oán, vô nhuế, vô tranh. Trong khi đó bản dịch Đại Trí Độ Luận lại dùng bốn từ khác là vô nhuế, vô hận, vô oán, vô não. Cố nhiên là trong khi tâm ta theo Từ và đi về một phương hay hai phương hay ba phương thì phải có sự vắng mặt của bốn tâm sở tiêu cực này. Nếu bốn tâm sở này vẫn còn có mặt thì Từ không có mặt đích thực. Trong trường hợp này dù mình có nói bằng miệng hay bằng trí óc là mình chấp nhận, muốn thương yêu thì mình cũng vẫn chưa chấp nhận và thương yêu được. Vì vậy cho nên các bộ luận lớn đều dạy: trước khi thực tập tâm Từ ta phải thực tập quán chiếu để đối trị với cái giận và cái oán của ta trước.

Có một học giả tây phương tên là Etienne Lamotte trong khi dịch Đại Trí Độ Luận có nói một câu trong phần chú giải của ông rằng Tứ Vô Lượng Tâm là những sự cầu chúc, ước muốn hoàn toàn có tính cách lý tưởng ý niệm. Ông nói: Les quatres immesurables ne sont que des souhaits complètement platoniques._ Platonique có nghĩa là chỉ có ý thức trong chủ quan của ta thôi chứ không có trong thực tế bên ngoài. Etienne Lamotte nói như vậy ta có thể hiểu được vì ông chỉ là một nhà học giả thôi. Ông là người Cơ Đốc giáo.

Đại Trí Độ Luận là một bộ luận được trước tác vào thế kỷ thứ hai, khi Phật giáo đại thừa đang lên. Trong Đại Trí Độ Luận thầy Long Thọ nói về Từ như sau:

Khi chúng ta mong mỏi cho chúng sanh mười phương được hạnh phúc thì trong các tâm sở phát sinh một tâm sở gọi là từ (maitri). Tâm sở này bắt đầu đi theo thọ, tưởng, hành, và thức và các pháp ấy làm khởi ra những hành động về lời nói về thân thể và có tác động trên các pháp bất tương ứng khác.

Tất cả các pháp ấy hoà hợp với nhau đều được gọi là từ cả, vì các pháp ấy sinh ra lấy từ làm gốc, do đó cho nên gọi là từ. Các pháp tâm và tâm sở tuy đều là những điều kiện tạo ra hành động cho đời sau nhưng tất cả đều do tâm sở tư (cetana, ý chí) mà có tên, tại vì trong sự tạo tác các nghiệp thân và khẩu thi tư ( cetena ý chí) là năng lượng lớn mạnh nhất. Đối với bi, đối với hỷ, đối với xả cũng vậy.

Ý của thầy Long Thọ (Nagarjuna) nói là khi trong lòng ta mong mỏi cho tất cả chúng sanh được an lạc thì có một tâm sở phát sinh gọi là Từ, tức là nguồn năng lượng thương yêu. Khi tâm sở Từ phát sinh ra thì những hiện tượng là thọ, tưởng, hành, thức đều đi theo và chịu ảnh hưởng của tâm Từ cả. Cố nhiên là trong những tâm hành đó có tâm hành gọi là Từ (cétana – volition) và không những những hiện tượng thọ, tưởng hành và thức chịu ảnh hưởng Từ mà những pháp gọi là tâm bất tương ứng cũng bị ảnh hưởng Từ nữa. Khi các tâm sở chịu ảnh hưởng Từ rồi thì tâm sở Tư (tức là ý chí muốn làm cái gì đó) cũng chịu ảnh hưởng và có tư thì cố nhiên là có ảnh hưởng về nghiệp, tức là về hành động trong tương lai. Có Từ rồi thì khẩu nghiệp ta sẽ đi theo với Từ, tức là ta sẽ nói những lời yêu thương, những lời xây dựng, những lời làm cho người kia có hạnh phúc. Rồi đến thân nghiệp là những hành động có thể đem lại niềm vui và sự bớt khổ cho người. Khẩu nghiệp và thân nghiệp là kết quả của ý nghiệp mà khi trong ý nghiệp đã có Từ thì tất cả hành động đều sẽ nương vào tâm sở Tư (ý chí) này mà phát xuất.

Nói như vậy nghĩa là khi tâm sở Từ sinh ra thì thế nào nó cũng được biểu lộ qua hành động, lời nói, và việc làm. Nhưng cũng có một chỗ thầy Long Thọ nói rằng tứ vô lượng tâm chỉ là những ức tưởng bên trong mà thôi giống hệt như ông Lamotte khi ông nói về souhait platonique. Chính thầy đã mớm lời cho ông Lamotte nói theo. Nhưng ta có thể hiểu tại sao. Thầy Long Thọ đang lo lắng làm thế nào để chuyển cái nhìn tiểu thừa tới cái nhìn đại thừa. Vì vậy nên thầy nói: Những người tiểu thừa cũng tu tứ vô lượng tâm nhưng tứ vô lượng tâm của họ chỉ là ức tưởng. Tứ vô lượng tâm phải đi đôi với lục độ ba la mật thì mới là tứ vô lượng tâm của Bồ tát để có thể ra hoá độ ở cõi đời. Vì muốn đưa đại thừa lên mà thầy đã vô tình làm một lầm lỗi là nói trong giới thanh văn (tức tiểu thừa) tu tứ vô lượng tâm hoàn toàn chỉ là những ức tưởng bên trong chứ không có ảnh hưởng gì tới bên ngoài. Nói như vậy là nói ngược lại những điều mình vừa nói trước. Mà điều mình vừa nói trước là sự thật. Hễ trong lòng mình có tâm sở Từ thì sớm hay muộn gì nó cũng được biểu lộ qua hành động, lời nói và thân thể. Vậy thì nói rằng tu Từ, tu Bi, tu Hỷ, tu Xả chỉ là những ức tưởng và là những sự cầu mong bên trong là không đúng.

Tình thương đưa tới giải thoát

Cũng vì lẽ đó cho nên trong giới Phật tử có những người nghĩ rằng tứ vô lượng tâm không phải là giáo lý cao nhất trong đạo Bụt mà chỉ là giáo lý phương tiện thôi. Đó là điều hết sức sai lầm. Thậm chí có những vị luận giả nói rằng sự thực tập tứ vô lượng tâm không diệt trừ hoàn toàn được những nỗi đau khổ phiền não trong con người của ta. Trong khi ấy chúng ta lại xưng tôn đức Từ phụ là đức đại từ, đại bi, đại hỷ và đại xả.

Đại từ đại bi thương chúng sanh

Đại hỷ đại xá cứu muôn loài

Tướng cốt quang minh tự trang nghiêm

Chúng con hết lòng quy mạng lễ

(Đại từ đại bi mẫn chúng sanh

Đại hỷ đại xả tế hàm thức

Tướng hảo quang minh dĩ tự nghiêm

Chúng đẳng chí tâm quy mạng lễ).

Đại từ, đại bi, đại hỷ và đại xả là bản chất của một vị toàn giác.

Nhan nhản trong các tác phẩm về luận tạng ta thấy có rất nhiều vị cho rằng Từ Bi Hỷ Xả không phải là pháp môn cao siêu nhất của đạo Bụt, chúng ta chỉ có thể thành tựu được một phần nào sự nghiệp giải thoát thôi do sự thực tập Từ Bi Hỷ Xả. Đó là những điều sai lầm mà ta phải vượt thắng. Một hôm nọ có một số các thầy đi khất thực, thấy trời đang còn sớm nên đã rủ nhau vào một tu viện ngoại đạo để chơi với các thầy ngoại đạo. Chuyện này cũng hay xảy ra lắm… Các thầy ngoại đạo nói: Này các thầy, đạo sĩ Gotama dạy về vô tứ vô lượng tâm là Từ Bi Hỷ Xả, chúng tôi ở đây cũng có dạy như vậy. Chúng tôi cũng có dạy về bốn tâm vô lượng, vậy có gì khác giữa Bụt và chúng tôi đâu? Các thầy khất sĩ sinh tâm hoài nghi, không được hoan hỷ mới trở về báo cáo với Bụt. Bụt nói rằng bốn tâm vô lượng nếu thực tập cho thật sâu sắc thì sẽ đi đôi với thất giác chi, tức là bảy yếu tố của giác ngộ và chúng sẽ đưa tới sự giải thoát hoàn toàn; còn tứ vô lượng tâm mà thực tập không sâu sắc không đi đôi với tứ đế, bát chánh đạo và thất giác chi thì chỉ có thể đưa mình tới cõi Phạm Thiên, sống bao nhiêu ngàn vạn năm đó rồi rốt cuộc cũng rơi trở lại kiếp khổ đau như thường. Vì vậy có hai thứ tứ vô lượng tâm: tứ vô lượng tâm nửa chừng và tứ vô lượng tâm thực tập trong tinh thần của thất giác chi và bát chánh đạo. Tứ vô lượng tâm này đưa đến sự giải thoát hoàn toàn. Câu chuyện trong kinh này cho ta thấy tính cách tương tức giữa giáo lý tứ vô lượng tâm và những giáo lý khác như giáo lý tứ đế và bát chánh đạo. Đây là kinh số 744 của bộ Tạp A Hàm trong Hán Tạng.

Tình thương là linh dược

Tứ vô lượng tâm là thuốc chữa được rất nhiều chứng bệnh của chúng sanh. Trước hết là chứng bệnh giận hờn. Người nào trong chúng ta cũng có bệnh đó, người nhiều người ít mà thôi. Người nào bệnh ít thì chữa rất mau, người bệnh nhiều thì phải chữa lâu hơn, phải thực tập nhiều. Người ta có thể giận trời, giận đất và giận người. Thứ hai là bệnh cô độc, cô đơn, phóng thể (being cut off, alienated). Phóng thể có nghĩa là bị cắt đứt ra không còn gốc rễ nữa: ta bị tách rời ra khỏi loài người, khỏi gia đình, khỏi xã hội, khỏi sự sống, ta cảm thấy bơ vơ và cô đơn. Thứ ba là bệnh sầu đau, phiền muộn (sorrow). Kế đến là bệnh lo lắng sợ hãi (worries, anxiety), bệnh mặc cảm tội lỗi (guilt) và bệnh kỳ thị và vướng mắc (discrimination, attachment). Tất cả những bệnh này đều có thể chữa lành được bằng phương pháp tứ vô lượng tâm.

Đọc Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, chương 01 tại đây.

Đọc Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, chương 02 tại đây.

Đọc Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, chương 03 tại đây.

Đọc Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, chương 04 tại đây.

Đọc Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, chương 05 tại đây.

Đọc Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, toàn tập tại đây.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Niên lịch miền gió cát | Chương 04

Niên lịch miền gió cát | Chương 04

Niên lịch miền gió cát hòa quyện lịch sử tự nhiên nghệ thuật miêu tả phong cảnh và triết học qua ghi chép về sinh vật tại trang trại Wisconsin.

Sống vì tương lai

Sống vì tương lai

nhavantuonglai là kênh chuyên viết lách chia sẻ và hướng dẫn thuần thục khi thực hành viết lách qua những bài chia sẻ trên Instagram chính thức.

Hiểu về trái tim | Chương 49

Hiểu về trái tim | Chương 49

Hiểu về trái tim giúp hiểu và chữa lành trái tim tâm hồn của mình để mọi người cùng được sống trong hạnh phúc và yêu thương.

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.