Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy | Chương 02
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng lập Làng Mai, truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân, chánh niệm, giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc, hòa hợp thiên nhiên.
· 45 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Ai là kẻ thù số một
Có một hôm khác, vua ngồi riêng với Bụt. Chúng ta nên nhớ rằng vua Ba Tư Nặc cùng sanh một năm với Bụt, và hai người đó đã trở thành hai người bạn rất thân. Quý vị cũng nên nhớ, vua Ba Tư Nặc băng hà trước Bụt chừng năm, sáu tháng. Vào những năm cuối của vua, vua cũng bắt chước Bụt, bỏ bớt công việc để đi chơi; đi chơi nước này, đi chơi nước kia. Có một bữa ngồi với Bụt ở tu viện Kỳ viên, vua nói: Bạch Thế Tôn, có những người họ nghĩ rằng bản thân của họ là cái họ thương nhất, nhưng kỳ thực chính họ lại làm hại bản thân của họ nhiều nhất bằng tư tưởng, lời nói và hành động của họ. Con nghĩ những người đó không đối xử thân ái với bản thân mà lại là kẻ thù của chính bản thân. Đây là lời Bụt dạy: Những ai tạo nghiệp xấu, về thân, về miệng và về ý, những kẻ ấy là kẻ thù của chính bản thân mình. Dù họ có nói rằng họ yêu thương bản thân họ, nhưng chính họ là kẻ thù của bản thân họ. Mình có những lề lối suy tư có tác dụng làm hại bản thân mình. Mình có những hành động trở lại làm hại bản thân mình, mình có những loại ngôn ngữ trở lại làm hại bản thân mình. Chính mình là kẻ thù của mình, chứ không phải là người thương của chính mình. Vì vậy cho nên biết tự thương mình là pháp môn căn bản. Đó là nội dung kinh S.1, 71.
Trên đây là hai kinh ngắn trích trong Tương Ưng Bộ. Nhiều khi ta cứ đinh ninh rằng thế giới và xã hội loài người đã làm khổ ta, thế giới và con người là kẻ thù của ta nhưng kỳ thực ta đang là kẻ thù số một của ta mà ta không biết. điều này ta phải thấy trong sự thực tập này. Ta không có sự bình an, hạnh phúc và sự nhẹ nhàng. Mỗi ngày tai nạn thường đến với ta và có thể chính ta đưa tai nạn đến cho ta mà ta không biết. Mỗi ngày ta bị giận hờn, phiền não, sợ hãi và lo lắng làm cho ta khổ đau không ngừng. Do cách suy tư của ta, do cách ta đối xử với những phiền não trong ta mà ta khổ, nhưng ta cứ nghĩ rằng những khổ đau ấy đến từ bên ngoài rồi ta trách trời, trách đất, trách số mạng, trách xã hội, trách cha mẹ và trách bạn hữu. Nhưng nhìn thật kỹ ta sẽ thấy kẻ thù của ta không phải là những người đó, những hoàn cảnh đó, kẻ thù của ta chính là ta. Vì vậy cho nên ta trở lại ta để nhìn lại. để quán chiếu, để thấy được những nhu yếu đích thực của ta và để bắt đầu học chăm lo cho thân và cho tâm của ta. Đó là Từ Bi quán căn bản. Đó là tình thương chân thật (true love). Từ Bi phải lấy đối tượng là bản thân. Khi ta biết lấy ta làm đối tượng của Từ Bi, ta sẽ thấy một cách mau chóng là những người khác cũng trở thành ra những đối tượng của Từ Bi ta, trong đó có cha, mẹ, gia đình và xã hội.
Bậc y sĩ
Sau đó Bụt đọc bài kệ này:
Với kẻ không giận hờn
Cơn giận từ đâu tới?
Sống tự chủ an nhiên
Quán chiếu nên thảnh thơi
Những ai bị chửi mắng
Trở lại chửi mắng người
Kẻ ấy tự hại mình
Và cũng làm hại người
Những ai bị nói nặng
Không nói nặng lại người
Kẻ ấy thắng trận lớn
Thắng cho mình cho người
Kẻ ấy làm lợi ích
Đồng thời cho cả hai
Hiểu được gốc cơn giận
Đã phát sinh nơi người
Tâm ta sẽ thanh tịnh
An lành và thảnh thơi
Ta là bậc y sĩ
Trị cho mình cho người
Kẻ không hiểu chánh pháp
Mới cho mình dại thôi!
Ta hãy cùng đọc kỹ bài kệ ấy
Với kẻ không giận hờn, ở đây, có nghĩa là với kẻ không có hạt giống giận hờn trong tâm, thì cơn giận không thể nào phát hiện và lôi kéo kẻ ấy đi được. Sỡ dĩ ta giận là tại ta có hạt giống giận khá lớn trong lòng ta. Hạt giống đó có thể do ông bà hoặc cha mẹ trao truyền lại. Động một chút là ta đã có thể nổi tam bành lục tặc lên rồi. Còn người không có khối giận đó trong tâm thì ai nói gì cũng có thể mỉm cười.
Sống tự chủ an nhiên. Quán chiếu nên thảnh thơi. Những người ấy biết sống tự chủ, tự chế ngự mình và tự phòng hộ mình. Nhờ có trí tuệ quán chiếu cho nên họ không bị vướng vào vòng buồn giận. Trí tuệ quán chiếu là năng lượng bảo vệ cho tự thân. Quán chiếu đây là Từ quán, Bi quán, Hỷ quán và Xả quán.
Những ai bị chửi mắng. Trở lại chửi mắng người. Kẻ ấy tự hại mình. Và cũng làm hại người. Khi người ta nói nặng mình mà mình nói nặng trở lại, thì lúc đó mình đã tiếp nhận cái bạo động của người ta, để mình làm khổ mình. Khi mình chửi mắng lại thì mình làm hại người ấy nữa, như thế là mình làm hại cả hai. Người kia đã khổ mình lại làm cho họ khổ thêm một tầng nữa. Người kia vì khổ quá có thể chửi mắng thêm một lần nữa và cũng sẽ làm mình khổ thêm một lần nữa. Và hai bên tiếp tục leo thang. Vì vậy cho nên ta phải tránh việc làm hại cho cả hai bên.
Những ai bị nói nặng. Không nói nặng lại người. Kẻ ấy thắng trận lớn. Thắng cho mình cho người. Kẻ ấy làm lợi ích. Đồng thời cho cả hai. Bài kệ này nói về vấn đề chiến thắng; chiến thắng cho mình và chiến thắng cho người kia nữa. Nếu ta thua trận, ta sẽ chửi mắng trả lại và người kia sẽ còn đau khổ hơn. Thắng trận ở đây là thắng cho cả hai.
Hiểu được gốc cơn giận. Đã phát sinh nơi người. Tâm ta sẽ thanh tịnh. An lành và thảnh thơi. Mình hiểu được tại sao người đó giận mình: người đó vì vô minh, người đó vì có tri giác sai lầm, người đó vì đã tiếp nhận những hạt giống giận hờn từ ông bà, từ cha mẹ và từ xã hội. Hiểu được như vậy thì tâm ta sẽ an tịnh, an lành và thảnh thơi
Ta là bậc y sĩ. Trị cho mình cho người. Ta đóng vai của một vị thầy thuốc. Ta trị bệnh cho ta và trị bệnh cho người. Khi người kia nóng giận mà nói lên, nếu ta mỉm cười, không giận thì người đó từ từ sẽ hiểu, sẽ biết nhìn lại và sẽ thấy lỗi của mình, và có thể có cơ hội để chuyển hoá và do đó cơn giận được trị liệu. Cho nên người nào làm được như vậy là đang làm một vị y sĩ trị bệnh cho mình và cho người.
Kẻ không hiểu chánh pháp. Mới cho mình dại thôi. Những người không hiểu chánh pháp có thể nói rằng: Cái anh đó dại quá! Tại sao bị chửi, bị nói nặng, bị đàn áp như vậy mà không có phản ứng, không có la mắng trở lại, dại chi mà dại quá! Nói như thế họ chứng tỏ họ là những người chưa hiểu được sự hành trí chánh pháp.
Đoạn Kinh trên chúng ta phải học thuộc. Mỗi khi ở trong đại chúng có người vì thất niệm mà lớn tiếng, ta có thể can thiệp tới bằng cách đọc đoạn kinh này. Kinh ấy trích từ Tương Ưng Bộ Samyutta Nikaya 1, 162.
Ta học thuộc lòng để khi nào bị nói nặng, khi nào cơn giận sắp nổi lên, thì biết trở về hơi thở và tự đọc cho mình nghe bài kệ này. Người đối diện mình nếu có chút thực tập sẽ biết mình đang làm gì, sẽ có sự nể nang: Người này đang thực tập để thắng cho cả hai, người này đang thực tập để làm thầy thuốc trị cho mình và cho người. Nghĩ như thế tự nhiên cơn giận của người ấy đi xuống và người ấy có thể đến xin lỗi. Còn bài thuyết pháp nào hay hơn nữa là khi nghe người kia chửi mắng và nói nặng mà mình vẫn ngồi yên, thở và đọc Kinh.
Bắt đầu bằng một ước mong
Hôm nay là ngày 8 tháng 10 1994, chúng ta ở tại xóm Hạ, trong Khoá Tu Mùa Thu.
Chúng ta bắt đầu bằng bài tập thứ nhất về tứ vô lượng tâm. Bài tập này được trình bày dưới hình thức một sự mong ước. Nhưng trong khi thực tập, chúng ta phải vượt thoát giới hạn của sự mong ước mà đi qua lãnh vực của sự quán chiếu. Bài tập này đã có từ hàng ngàn năm, chúng ta chỉ tiếp tục sự thực tập của các thế hệ đi trước thôi, nhưng chúng ta sẽ áp dụng những phương pháp đặc biệt để có thể đi đến sự thành công chắc chắn.
- Mong sao cho thân tâm tôi được an lạc và nhẹ nhàng
May I be peaceful, happy and light in body and in spirit
- Mong sao cho tôi được sống an toàn, không vướng vào tai nạn
May I be free from injury – May I live in safety
- Mong sao cho trong tâm tôi không có giận hờn, phiền não, sợ hãi và lo lắng
May I be free from disturbance, fear, anxiety and worry.
Giết cái giận
Có một người nữ bà la môn tên là Dhanajani, đệ tử của Bụt. ông chồng thuộc về giòng họ Bharagvaja, một giòng họ bà la môn có tiếng tăm và giàu có. Một bữa đem cơm lên cho chồng không biết cảm hứng làm sao mà bà đọc lên câu Namo Tassa Phagavato Arahato Samasam – buddhasa (Kính lạy bậc Thế Tôn, bậc Ứng Cúng, bậc Chánh Biến Tri). Ông hỏi: Bà lẩm bẩm cái gì thế? Ông đó là ai mà bà cung kính và quy ngưỡng như vậy? Nữ bà la môn nói: Ông chồng yêu quý của tôi ơi, ông chưa biết người này đâu. Nếu mà ông được gặp người này thì ông sẽ thương kính và sẽ quy phục liền. Tôi chưa thấy một người nào trên đời mà trí tuệ đức hạnh tình thương và tuệ giác lớn như thế. Vị bà la môn đó mới thử tìm tới gặp Bụt. Khi gặp Bụt ông ta đã hỏi về vấn đề giận. Vì Bụt đã trả lời rất hay và ông rất thoả mãn nên ông đã xin xuất gia. Ông hỏi: Cái gì mình giết thì mình được an vui? Cái gì mình giết thì mình hết sầu đau? Ngài là bậc xuất gia cao quý. Ngài đồng ý nên giết cái gì? Bụt trả lời rằng: Giết cái giận, thì mình an lạc. Giết cái giận thì mình hết sầu đau. Đây là nguyên văn của Kinh:
Giết gì được an lạc?
Giết gì hết sầu đau?
Giết gì Ngài đồng ý
Tôn giả Gotama?
Bụt trả lời:
Giết giận được an lạc
Giết giận hết sầu đau
Nguồn suối của giận hờn
Là chất độc hàng đầu
Tất cả các bậc thánh
Đều đồng ý giết nó
Một vị bà la môn khác, thuộc cùng giòng họ tên là Bilanjika, nghe nói là người bà con của mình – Bharagvaja – đã đi xuất gia với Bụt. Ông đã nổi giận tìm tới và chửi Bụt. Trong khi đó Bụt chỉ ngồi cười. Vị bà la môn hỏi: Tôi chửi ông, tại sao ông không nói lại? Bụt nói: Quà đem tới tặng, nếu người ta không nhận thì mình phải tự lãnh lấy chứ!. Đoạn này được chép lại trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương. Khi người ta đem quà tới tặng mà người kia không nhận thì quà đó lại trở về mình. Câu chuyện đó đã tới tai vua Ba Tư Nặc. Khi mình chửi mắng người ta, cơn giận đã làm mình khổ và người bị chửi mắng kia có thể giận hay không giận – trong trường hợp Bụt là không giận. Và những hành động của mình, những lời chửi mắng của mình, trước hết đã làm hại chính mình.
Năng lượng Từ bi
Có một hôm, một số các thầy tới báo cáo cho Bụt biết là khu rừng các vị cư trú có những lực lượng ma quái quấy nhiễu. Các thầy hỏi Bụt làm sao để cho khu rừng đó yên ổn. Bụt dạy rằng chắc những loài sống trong khu rừng đó đang đau khổ, đang tự làm khổ mình và trong khi tự làm khổ mình thì họ làm khổ người. Vậy thì các thầy nên thực tập Từ Bi quán. Thực tập Từ Bi quán thì năng lượng của Từ và Bi sẽ thấm nhuần trong các thầy, thấm nhuần luôn tới các vị đó. Do cơ hội này mà Bụt dạy Kinh Thương Yêu (Mettasutta). Các thầy đã đem kinh về tụng và thực tập. Mấy tháng sau khu rừng đó được yên ổn. Năng lượng Từ Bi trong các thầy đã lưu lộ; các thầy chấp nhận được và hiểu được những nỗi khổ đau của những loài kia, và những loài kia và những loài kia do đó đã được thấm nhuần Từ và Bi. Các loài kia được nghe Kinh Thương Yêu, cũng đã thực tập. Khu rừng đã trở nên một khu rừng rất êm mát, hạnh phúc, nhờ sự có mặt của các vị khất sĩ và nhờ sự thực tập của Kinh Thương Yêu của các vị khất sĩ đó. Đây là trường hợp trong đó Kinh Thương Yêu đã được nói. Khi ta thực tập Từ Bi quán, ta làm cho thân tâm ta nhẹ nhàng, thoải mái và an lạc; ta cũng làm cho hoàn cảnh và môi trường của ta thấm nhuần năng lượng Từ và Bi và hoàn cảnh đó sẽ trở thành êm dịu, tươi mát và có hạnh phúc.
Ta ngồi lại; sau khi điều phục thân thể và hơi thở, ta đọc những câu sau đây:
– Mong sao cho thân và tâm tôi được an, được lạc và được nhẹ nhàng
– Mong sao cho tôi được sống an toàn, không vướng vào tai nạn
– Mong sao cho trong tâm tôi không có giận hờn phiền não sợ hãi và lo lắng
Trong khi đọc như vậy chúng ta có thể nhận ra rằng ta đang thiếu an, thiếu lạc, thiếu nhẹ nhàng; ta đang còn nơm nớp lo sợ những tai nạn có thể xảy tới; ta biết rằng trong lòng ta còn có những giận hờn, những phiền não, những lo lắng, và sợ hãi. Nếu ta biết rằng những tâm hành ấy đang ngăn cản không cho ta có hạnh phúc thì tự nhiên ta bắt đầu hiểu ta và thương được ta. Ta bắt đầu có lòng Từ đối với chính ta. Ta có lòng Bi đối với chính ta. Bi là thấy và hiểu được những thiếu thốn, những nỗi khổ. Từ là ý chí muốn đem lại hạnh phúc và an lạc.
Người dưng
Sau đó có thể là nhiều tháng sau, ta sẽ lấy một người dưng (không thương cũng không ghét) làm đối tượng quán chiếu. Ví dụ như ông đưa thư. Ông đưa thư thì mình cũng có hơi thương hoặc hơi ghét rồi đó. Một người nào đó, mình có biết, nhưng không thân cũng không ghét. Người đó cũng có thể làm tiêu biểu cho một hạng người trong xã hội. Ví dụ như ta không biết người Bosnia nhiều mà muốn thương người Bosnia thì ta phải lấy một người Bosnia mà ta biết để làm đối tượng. Trong quá trình quán chiếu ta mới thấy sắc. thọ, tưởng hành, và thức của người đó hoàn cảnh đất nước của người đó và khi ta thương được người đó, thì ta cũng có thể thương được hết dân Bosnia. Khi chúng ta biết và hiểu được một người thì chúng ta thương người đó dễ dàng hơn. Chưa biết gì về một người mà bắt thương người ấy thì thật là khó. Khi xem một tấn tuồng hát bội hay là một truyện phim và theo dõi cuộc đời của vai chính ta sẽ có cảm tình với vai chính đó, nhất là vai chính đó đang bị khổ đau, nguy hiểm – nhất là vai chính đó có một trái tim rất tốt. Chúng ta lo sợ khi thấy tai nạn có thể xảy ra cho người đó. Khi người đó chạy trốn chúng ta cũng muốn chạy trốn theo người đó; chạy mau mau, chạy mau thêm chút nữa! Trong lòng chúng ta có cái cảm tình như vậy. Cho đến nỗi dù nhân vật đó là một tướng cướp, một người không đứng theo phe thiện, mà nếu chúng ta đã biết, đã hiểu nhân vật đó rồi thì chúng ta cũng không muốn người đó bị bắt hay bị giết. Điều đó chứng tỏ rằng tình thương của ta đối với một người tuỳ thuộc ở chỗ chúng ta biết và hiểu được nhiều về sắc, thọ, tưởng, hành và thức của người đó. Không biết thì không thể thương, hoặc tình thương rất mơ hồ.
Mong rằng tất cả các loài chúng sanh đều được hạnh phúc và an toàn, đối tượng này không rõ ràng, không cụ thể. Khi thấy một con sâu chết, chúng ta có thể nói: Mong sao cho con sâu này và những con sâu đồng loại của nó có thể sống suốt cả mùa xuân, mùa hè và mùa thu, không bị tai nạn, không bị ai dẫm lên và lúc đó lòng thương của chúng ta đối với loài sâu kia mới có thật. Hồi sáng khi đi thiền hành, chúng ta đã thấy một sinh vật chết mà thịt đã rữa ra, làm lòi cả bộ xương trắng hếu từ xương đầu cho đến xương lồng ngực và xương đuôi, rất rõ ràng. Khi thấy được rõ ràng như vậy ta khởi lên một tâm niệm xót thương, và ta thương ngay được sinh vật đó. Thương được con vật đó thì ta có thể thương được tất cả những con tương tự. Cái thấy và cái hiểu đưa tới cái thương, vì vậy trí tuệ là chất liệu để làm nên Từ Bi. Ta thấy được về ta, ta hiểu được ta thì ta mới có thể thương ta được. Ta thấy được về người, ta hiểu được người thì ta mới có thể thương người được. Nếu không thì chẳng qua chỉ là những chúc tụng hời hợt, không có năng lượng. Quán chiếu thành công thì những người dưng trở thành người thân thuộc của mình. Ta cũng thấy trong họ tất cả những ước muốn, những lo sợ, những phiền não giống như ta đã có. Vì vậy cho nên ta thương rất dễ.
Người ghét
Cuối cùng ta quán chiếu để có thể thương những người mà trước kia ta gọi là kẻ thù. Ta đặt ta ở trong con người của họ và ta nói: Mong sao cho kẻ ấy được an, được lạc, được nhẹ nhàng.
Ta thương được ta rồi thì chắc chắn ta sẽ thương được người đó. Chỉ khi nào anh chưa thương được anh thì anh mới chưa thương được kẻ thù của anh thôi. Anh thương được anh rồi tức là anh đã có thể hiểu rằng người đó cũng là người, người đó cũng đang đau khổ. Mong sao cho người đó không vướng vào tai nạn. Ngày xưa nhiều lần tôi đã quán chiếu về những người lính trong bộ đội Việt, tôi mong cho họ không bị giết trong những trận bỏ bom, nhưng tôi cũng quán chiếu về những người lính Mỹ, và tôi thấy rằng những người lính Mỹ này cũng đáng tội nghiệp. Họ được gởi sang để giết và để bị giết. Và vì vậy tôi cũng mong cho những người lính đó được an toàn trở về và không vướng vào tai nạn, Rốt cuộc là ta có một ước muốn cao hơn hết là mong sao cho cuộc chiến tranh này chấm dứt để cho cả người Việt lẫn người Mỹ đều được an toàn. Lúc đó thì chỉ có một con đường thôi là cố gắng chấm dứt chiến tranh. Khi anh thực tập Từ Bi quán, anh phải đi con đường đó, không có con đường nào khác. Anh không thể đi theo con đường muốn bên này thắng, muốn bên kia thua.
Khi thực tập năm cái lạy, chúng ta thực tập thoát khỏi cái vỏ bản ngã của chúng ta. Thấy được sự liên hệ giữa chúng ta với ông bà, xã hội, dòng họ, với sinh môi, chúng ta làm cho sự hiểu biết tràn dâng trong tâm của chúng ta. Mỗi cái lạy như vậy với những lời quán chiếu tạo ra cái thấy và sự hiểu biết. Cái thấy và sự hiểu biết đó là chất liệu làm phát sinh ra sự chấp nhận và niềm thương. Vì vậy cho nên khi lạy đến cái lạy thứ năm là chúng ta có thể thương được người đó. Trong cái lạy thứ nhất, ta quán chiếu trong ta, trong cái lạy thứ hai ta thấy liên hệ giữa ta và những sinh vật, những người sống chung quanh ta. Nếu thực tập đàng hoàng thì sau hai hoặc ba tháng ta sẽ khoẻ mạnh, yêu đời, và mỉm cười được, tại vì chất liệu của hận thù và của phiền não sẽ tiêu tan. Năm cái lạy vì thế cũng nằm trong phạm vi thực tập tứ vô lượng tâm. Quý vị đã từng thực tập rồi, quý vị thấy rất rõ khi lạy cái lạy thứ năm ta thấy là không còn oán ghét kẻ kia nữa mà trái lại ta muốn cho người đó cũng hạnh phúc, cũng có an toàn. Sở dĩ ta đi tới được thành quả đó là vì ta đã đi được bước thứ nhất là ta muốn cho chính ta được an toàn, được hạnh phúc, được không có tai nạn. Vì đã thương được mình, cho nên ta mới thương được người. Người đây là người có thể đã làm cho mình, cho gia đình và dân tộc mình điêu đứng. Ấy vậy mà mình vẫn có thể thương được. Có như thế thì Từ Bi mới được nhận thức như một phép lạ.
Nhận diện nhu yếu
Thực tập Từ Bi quán, ta bắt đầu bằng đối tượng đầu là chính ta. Vì vậy cho nên ta không nói: Mong sao cho người đó thân tâm được an lạc và nhẹ nhàng mà ta nói: Mong sao cho thân tâm tôi được an lạc và nhẹ nhàng. Chúng ta biết là trong chữ an lạc có hai phần: một là An, tức là yên ổn, hai là Lạc, tức là hạnh phúc. Chúng ta biết hạnh phúc khó có thể có được khi ta không có sự an tâm. Cho nên an tâm là điều kiện thiết yếu. An tâm cũng là sự nhẹ nhàng không có gánh nặng.
Bài tập này cần nhiều tuần lễ thực tập ta mới nắm vững chãi được. Chúng ta đã biết rằng ban đầu đây chỉ là một sự mong ước. Tuy nhiên mong ước đó chứa đựng những nhu yếu đích thực. Ta thực sự có những nhu yếu ấy, Ba điều tâm niệm này phản chiếu những nhu yếu đích thực của ta. Chúng là những điều kiện căn bản để ta có hạnh phúc đích thực. Ta phải nhìn thẳng vào trong con người của ta để thực sự thấy được những nhu yếu đó. Chừng nào ta chưa thấy được những nhu yếu đó thì ta vẫn chưa chịu tu tập. Ta tự mãn ta nghĩ là ta có đủ hạnh phúc rồi.
Ta thực sự mong ước những cái ấy và những mong ước này trở thành tư niệm. Tư niệm là một trong bốn loại thức ăn. Đó là ý chí. Ban đầu chỉ là ước mong, nhưng ước mong ấy dần dần trở thành một tư niệm: ngày đêm mình mong ước cho cái ấy thành tựu, và do đó cái ấy trở thành thức ăn và thức ăn rất quan trọng cho mình. Nếu trong khi sống mà ta không có những ước mong ấy, thì ta lại có thể có những ước mong ngược lại. Ước mong ngược lại thì không tốt cho ta. Tuy rằng đây là ước mong nhưng không phải đây chỉ là cái mà người Tây phương gọi là wishful thinking, tại vì ta sẽ không dừng lại ở chỗ ước mong. Ta sẽ đi tới nhiều bước nữa để cảm thấy rất rõ ràng rằng đây là những nhu yếu đích thực của đời mình. Và những nhu yếu đích thực đó mình phải làm thế nào để chúng được thực hiện. Ý chí đó gọi là tư niệm. Sau này chúng ta sẽ có những hành động bằng thân thể, tư tưởng và lời nói để thực hiện những ước mong đó. Tư niệm là động lực chính đưa tới hành động và thực tập.
Nhổ gốc bạo động
Khi chúng ta chế tác ra được năng lượng của Từ thì tự nhiên chúng ta nhổ lên được những gốc rễ của giận hờn. Chúng ta cũng sẽ nhổ lên được những gốc rễ của phiền não, sợ hãi và lo lắng ở trong ta. Từ quán giúp chúng ta nhổ lên những gốc rễ của tất cả những phiền não đó. Trong khi đó thì Bi quán giúp cho chúng ta hiểu và thương được bản thân của chúng ta, hiểu và thương được những người khác, và buông bỏ được những thói quen và những ý định làm hại bản thân và làm hại người khác.
Trong những tâm hành bất thiện, có tâm hành hại, tức là ý muốn phá hoại, gây thương tích, làm khổ đau. Tiếng Anh the wish to harm nghĩa là ý muốn làm hại. Làm hại đây, không phải chỉ là làm hại người khác mà còn làm hại bản thân mình. Chúng ta đã nói chính mình làm hại mình nhiều nhất. Sống trong xã hội nếu ta không biết chăm sóc, lo lắng chuyển hoá những khổ đau của ta thì tự nhiên trong con người ta sẽ phát ra năng lượng bạo động (violence). Năng lượng đó sẽ làm hại bản thân mình và làm hại người khác.
Ví dụ trong liên hệ cha mẹ và con cái. Đôi khi có chiến tranh lạnh hay nóng giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ dĩ nhiên là có quyền hành hơn con cái, và vì vậy trong cuộc chiến giữa cha mẹ và con cái ta thấy hai lực lượng chống đối không cân bằng. Con cái cố nhiên lép vế hơn. Nhiều khi cha mẹ dùng quyền uy và bạo động để đối xử với con cái và con cái không thể nào dùng bạo động trở lại để đối với cha mẹ. Cho nên con cái thường thâu hết tất cả những bạo động vào trong thân thể để rồi tự hại mình. Cũng như khi ta bị cảm hàn, nếu ta không có cách làm cho cái hàn đó đi ra khỏi thân thể thì nó thấm vào xương tuỷ của ta. Cái bạo động ở nơi ta cũng vậy. Nếu ta không tìm cách chuyển hoá nếu ta không đưa nó ra ngoài được thì nó sẽ trở vào và làm hại chính ta. Đó là khuynh hướng tự nhiên. Bậc cha mẹ cũng có bạo động trong họ. Họ không biết cách chuyển hoá bạo động cho nên họ thường trút bạo động ấy lên trên con cái. Nhưng con cái vì không đứng ngang hàng với cha mẹ nên trong những cuộc kình chống, con cái thường đứng về phương diện thua thiệt. Con cái tiếp thu vào người chất liệu bạo động đó nhưng không thể nào biểu lộ ra ngoài, không thể đương đầu không thể trả miếng. Vì vậy cái bạo động mà cha mẹ trút lên con cái, con cái phải tiếp nhận và con cái sẽ dùng trở lại bạo động đó để tự huỷ hoại thân thể và tâm hồn của mình. Có những người trẻ đi tự tử có những người trẻ đi hành hạ thân xác và tâm hồn của họ đó cũng là vì bạo động trong họ không có lối ra.
Tôi biết có một thiếu phụ, sống trong một nề nếp Nho giáo, đi lấy chồng. Biết rằng trong nề nếp Nho giáo mình không bao giờ có thể đánh chồng, cãi lại chồng, hoặc cãi lại cha mẹ chồng. Vì vậy cho nên những nỗi oan ức những lời nói nặng những thái độ không dễ thương, người thiếu phụ đó phải tiếp nhận hết và dồn chứa vào trong con người của mình. Phương pháp mà người thiếu phụ ấy sử dụng để trả thù người làm khổ mình là chồng và cha mẹ chồng là tự làm khổ mình. Người thiếu phụ đó đã nằm lăn ra giữa đất, đã cào cấu mặt mày, đã lăn hai chục vòng trong bùn đất… Đó là cách duy nhất để trả thù mà thôi. Người thiếu phụ đó trong khi đưa đám ma cha chồng đã nằm ra giữa đừng ngăn chặn xe tang mà lăn khóc như là một đứa con rất có hiếu với cha chồng. Lấm bùn lấm đất, tóc tai xổ ra, lăn hết vòng này sang vòng kia… Nhìn vào ta có cảm tưởng như đứa con dâu này có hiếu với cha chồng lắm lắm. Nhưng kỳ thực đó là một sự trả thù. Mình làm khổ thân mình, để trả cái thù mà mình không thể nào trả được. Mình tiết ra cái bạo động mà mình đã không tiết ra được. Nếu mình tự tử, nếu mình nhảy vào xa lộ cho xe cán, nếu mình nhảy xuống sông, tất cả những điều đó là những hậu quả của sự bạo động đã đi vào trong con người của mình mà mình không chuyển hoá được. Phương pháp để giải thoát cho những người như vậy là Từ quán và Bi quán. Không phải là để nuốt cái bạo động đó vào trong người mà để chuyển hoá bạo động đó bằng cái thấy của tuệ giác.
Phiền não
Chúng ta mong ước rằng tai nạn đừng xảy ra trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta mong ước rằng sự giận hờn – một thứ tai nạn – đừng xảy ra, nhưng nếu nó đã rủi ro xảy ra, thì chúng ta phải biết cách đối phó, biết cách trị liệu. Phiền não, nói ở đây, là tất cả những phiền não có thể có trong ta, là những tâm hành có tính cách tiêu cực, có tác dụng làm não loạn, làm cho ta mất đi sự an vui. Ta có thể dịch phiền não là afliction hay disturbance. Phiền não trong đó có tham (mê đắm), sân (giận hờn) si (ngu si, cái thấy sai lầm về mình và về người khác), sợ hãi và lo lắng. Đây là những chứng bệnh rất lớn của con người hiện đại.
Khi thực tập nương tựa vào tam bảo, ta có thể đối phó với giận hờn và với phiền não đó, trong đó có sự sợ hãi và lo lắng. Vì vậy cho nên thương yêu được diễn dịch thành những hành động rất cụ thể. Trước hết là hành động quán chiếu để thấy. Khi ta thương được ta, ta thương được tất cả mọi loài. Ta thường nói một vị giáo thọ đích thực là một vị giáo thọ có được ít nhiều hạnh phúc trong bản thân. Không có hạnh phúc thì không thể dạy được ai. Ta dạy ta còn không được thì làm sao ta dạy người khác. Ta phải quán chiếu cho thật vững chãi, cho thật công phu. Ta có thể quán chiếu một lần, hai lần, ba lần, mười lần. Những lúc ngồi trên tọa cụ, ta quán chiếu đã đành rồi, nhưng những lúc đi thiền hành hoặc làm việc hoặc ngồi tại bàn giấy của mình, ta cũng có thể quán chiếu và tìm ra sự thật về ta (quán chiếu về năm uẩn của ta). Tất cả những đối tượng của quán chiếu này đều thuộc về năm uẩn. Sắc tức là thân thể của mình. Mong sao cho thân tôi được an và được lạc. Ta phải nhìn vào trong cơ thể của ta để xem cái cơ thể ấy có an không, nó có những bệnh tật gì, nó có những yếu đuối gì. Ta phải thấy tính trạng của phổi tim ruột thận và gan của ta ra sao, phải thấy được những nhu yếu đích thực của sắc thân ta. Sắc thân ta cần được an, nên chúng ta phải ăn và uống như thế nào và phải sống đời sống hàng ngày như thế nào để chúng ta có thể thương được cái thân của ta. Đó gọi là Từ, đó gọi là Bi. Từ và Bi ở đây lấy cái thân của ta làm đối tượng. Còn trong khi ăn, trong khi uống trong khi sống đời sống hàng ngày, ta đã từng đi theo cái tập quán, cái thói quen để làm hại thân ta, làm hại tâm ta, đó là ta đã không thực tập quán chiếu Từ Bi. Ta đã là kẻ thù của thân thể ta.
Quán chiếu năm uẩn
Bước sang lĩnh vực tâm. Làm thế nào cho tâm ta được an? Tâm ta không được an là tại những lý do nào, ta tìm ra, ta viết xuống và trong khi ngồi yên trên bồ đoàn, ta phải nhìn sâu để quán chiếu và thấy cho được. Nếu tâm ta không an là do ta vọng động, do ta muốn cái này, muốn cái khác, giận cái này ghét cái kia. Ta phải ghi xuống hết. Ta phải thấy được những cái đó thật rõ ràng trong thiền quán của ta. Ta biết rằng nếu ta muốn sống trong an toàn, không vướng vào tai nạn, thì ta phải biết những tai nạn có thể xảy ra cho ta là những thứ tai nạn nào, và ta biết rằng ta có quyền hạn tới mức nào đó để có thể ngăn ngừa những tai nạn đó đừng cho chúng xảy ra. Ta không nên để cho tai nạn xảy ra rồi mới lo. Ta phải nhìn trước, phải lo lắng trước. Nhân vô viễn lự tắc hữu cận ưu, đó là giáo lý của Khổng giáo. Nếu không nhìn xa, ta sẽ có những khổ đau và lo lắng xảy ra trong tương lai gần. Trong những cảm thọ của ta, có buồn, có giận, có chán nản, có tuyệt vọng, và ta phải nhìn vào bản chất của những cảm thọ đó để tìm đến cái nguồn cơn gốc rễ của chúng. Và có những phiền não khác nữa như là mê đắm, thèm khát nghi ngờ; chúng tạo ra những cảm thọ không dễ chịu trong con người của ta. Rồi ta quán chiếu đến những tri giác của ta, vì những tri giác của ta rất dễ bị sai lầm, tri giác của ta về ta người đã sai lầm, mà tri giác của ta về người cũng lại rất sai lầm, vì thế cho nên ta và người đều khổ. Người khổ nhiều là người có tri giác sai lầm nhiều. Bụt nói như vậy. Tri giác sai lầm về chính bản thân của ta có gốc rễ ở chỗ ta chưa bao giờ quán chiếu về năm uẩn, chưa bao giờ thấy được cái chân tướng của năm uẩn ta. Hành tức là những tâm hành của ta: tích cực và tiêu cực. Tiêu cực là những phiền não; tích cực là những hạt giống của thương yêu, của giải thoát, của niềm vui có sẵn trong ta. Ta phải quán chiếu để thấy những điểm này. Cũng như khi quán chiếu về sắc thân, ta thấy rằng ta có sức khoẻ, có tuổi trẻ, có hai chân còn mạnh, hai mắt còn sáng, trái tim còn đang hoạt động tốt, đồng thời cũng phải thấy được những cái yếu trong cơ thể để biết chăm sóc và bảo vệ. Thọ cũng vậy. Ta thấy hàng ngày ta có những niềm vui nào cần phải được nuôi dưỡng, phải có những cảm thọ an lạc và lành mạnh nào để được tiếp tục sử dụng làm thức ăn cho ta. Và ta phải thấy được những khổ đau của ta để chuyển hoá. Tưởng cũng vậy. Ta phải thấy được những gì ta đã hiểu, đã biết, những tiến bộ của ta trên phương diện học hỏi và quán chiếu, và ta phải thấy được những tri giác sai lầm đã từng làm cho ta đau khổ. Hành cũng vậy. Thức cũng vậy. Ta phải thấy chúng trong cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Như vậy Từ Bi quán phải là quán chiếu, chứ không phải chỉ là chúc tụng.
Trong nhiều Kinh, Bụt dạy rằng nếu chỉ thực tập phép Tứ Vô Lượng Tâm một cách sơ đẳng thì chỉ có thể sinh lên cõi Phạm Thiên, và sau đó có thể rơi xuống thấp, làm loài người, loài vật, loài a tu la, và cũng có thể rơi xuống địa ngục. Nhưng nếu được thực tập với tứ đế, với thất giác chi và bát chánh đạo, tứ vô lượng tâm sẽ làm cho ta đi lên mãi và ta sẽ không bao giờ còn rơi xuống. Chánh niệm là năng lượng mà ta sử dụng để quán chiếu sắc, thọ, tưởng, hành và thức của ta, để ta có thể thấy rõ những nhu yếu đích thực của con người ta. Có những nhu yếu không phải là đích thực nhưng chúng ta vẫn cứ chạy theo. Những nhu yếu giả tạo đó làm hư hại thân và tâm của ta, ví dụ nhu yếu hút thuốc, nghiện ngập, uống rượu, than thở. Than thở cũng là một cách tưới tắm những hạt giống đau khổ của mình và đồng thời tưới tắm luôn những hạt giống đau khổ của người. Khi nghe người ta than thở ta cũng có thể giận theo, buồn theo, chống báng theo và do đó ta tưới tắm luôn hạt giống xấu của người đang than thở. Ta làm thầy thuốc độc cho ta và cho người. Khi người kia than thở ta phải biết an trú trong chánh niệm, ta phải biết giúp người kia chứ đừng để bị ngập lụt trong biển thở than của người kia. Chỉ khi nào ta có tiến bộ thật rõ ràng, ta thấy được rằng quả thực là ta đã bắt đầu hiểu ta, thương ta và biết chăm sóc cho ta, thì lúc đó ta mới nên chuyển Từ và Bi sang những đối tượng khác. Sự chuyển sang như vậy không có gì đột ngột cả. Có năm đối tượng Từ Bi quán:
Bản thân.
Người thân.
Người rất thân.
Người dưng.
Người ghét.
Tai nạn
Ta phải quán chiếu có phương pháp. Không hẳn là ta phải luôn luôn tập quán chiếu trên gối ngồi thiền. Bất cứ ở đâu, đang làm gì, ta cũng có thể làm công việc quán chiếu đó, và nếu cần ta có thể dùng một mảnh giấy một cây bút. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta mong được an toàn, không bị tai nạn. Tai nạn là những tai nạn nào? Ta phải nhìn cho kỹ, từ những tai nạn nhỏ cho đến những tai nạn lớn, và ta tìm ra những phương pháp để bảo vệ thân và tâm của mình để ta đừng vướng vào những tai nạn đó.
Trước hết bệnh tật là một tai nạn. Ta biết rằng tai nạn đó có thể xảy ra cho bất cứ ai trong chúng ta. Nhưng chúng ta không bất lực tại vì có những điều chúng ta có thể làm để cho những tai nạn ấy đừng xảy ra. Những bệnh lớn như ung thư, liệt kháng, những tai nạn như đụng xe, rắn cắn, thú dữ, nước trôi… nếu ta sống cho có chánh niệm thì phần lớn những tai nạn đó có thể tránh được. Khi ta khiêng một nồi nước đang sôi ta cẩn thận và ta nói: Nước sôi! Nước sôi! để cho những người khác biết mà cẩn thận. Cháy nhà có thể là do nấu cơm hay sưởi nhà không cẩn thận. Ta biết có những cái ta có thể làm, có những cái ta có thể tránh. Lửa cũng có thể là cơn giận. Nổi giận là một tai nạn. Tai nạn không phải chỉ cho mình mà còn cho cả những người xung quanh. Yêu là một tai nạn. Tai nạn khá lớn. Cứu mình ra khỏi tai nạn này rất khó. Nguyễn Bính nói: Chao ôi! Yêu có ông trời cứu. Nhất là đối với người xuất gia, yêu là tai nạn rất lớn. Thất niệm là một tai nạn, tai nạn này có thể xảy ra bất cứ trong giờ phút nào. Khi ta thất niệm nhiều tai nạn khác có thể xảy ra. Xa lìa tăng thân là một tai nạn. Có những người đang sống an lành với tăng thân, tự nhiên đánh mất tăng thân. Tự ta đánh mất chứ không ai làm cho ta mất tăng thân. Mất tăng thân là một tai nạn rất lớn, nó kéo theo nỗi bơ vơ và sự sụp đổ của sự nghiệp tu học của mình. Và có những tai nạn khác mà ta phải gọi tên: chúng có thể xảy ra trong đời sống hàng ngày của ta. Và ta mong ước rằng là ta được sống an toàn, ta có chỗ nương tựa, nương tựa nơi Bụt, nương tựa nơi Pháp, nương tựa nơi tăng, nơi Chánh Niệm và nơi hải đảo tự thân. Quay về nương tựa là phương pháp hay nhất để tự bảo vệ đối với những tai nạn có thể xảy ra trong đời sống hàng ngày.
Mong sao trong tâm tôi không có giận hờn. Ta đã biết giận hờn là một tai nạn, và khi giận hờn ta thấy bao nhiêu an lạc của ta tan biến đi hết. Có những người giận ba lần trong một ngày, mười lần hoặc mười lăm lần trong một ngày. Còn gì là đời mình nữa! Động một chút là giận. Họ cứ nghĩ rằng người khác làm khổ họ; họ không biết rằng cái làm khổ họ là sự có mặt của hạt giống giận hờn trong họ. Động một chút là họ giận, trong khi những người khác cùng sống trong một môi trường vẫn có thể cười cả ngày. Tại sao? Sự khác nhau không phải là hoàn cảnh, sự khác nhau là trong con người của mình hạt giống giận hờn quá lớn.
Thương thân
Khi nói đến thương yêu, ta hay nghĩ rằng đối tượng thương yêu phải là một người khác. Nhưng Bụt dạy rằng đối tượng đầu tiên của thương yêu là chính bản thân mình. Nếu không thương yêu được bản thân thì ta không thể thương yêu được bất cứ một loài nào khác. Khả năng thương yêu của chúng ta, khả năng thương yêu người khác tuỳ thuận nơi khả năng thương yêu được chính bản thân ta. Nếu anh không thương được anh thì anh không thương được người nào khác. Điều đó là điều rất rõ trong đạo Bụt. Mình không thương được mình, mình không chăm sóc được mình, mình không chuyển hoá được mình thì làm sao mình có khả năng thương yêu chăm sóc và chuyển hoá người khác. Vì vậy cho nên Từ Bi quán trước tiên phải hướng tới bản thân. Đây không phải là ích kỷ. Khi ta thương được ta, thì tức khắc ta trở thành ra dễ chịu đối với người khác, và người khác đồng thời được hưởng kết quả của sự thực tập của ta, ngay lập tức.
Theo yếu tố Xả – yếu tố thứ tư của tình thương, thì tình thương đích thực cũng có nghĩa là nếu mình thương được mình tức là mình thương được người khác, thương được người khác tức là thương được mình. Không có sự phân biệt giữa mình và người. Tình thương đó gọi là tình thương vô ngã. Tình thương vô ngã là tình thương cao đẹp nhất (tiếng Anh gọi là selfless love). Tình thương vô ngã là tình thương không phân biệt giữa mình và người. Vì vậy khi mình thương mình được thì mình cũng thương người. Hễ anh thương được anh, hễ anh làm cho anh có hạnh phúc, đó là anh đã thương người rồi đó. Ở trong một đại chúng tu học mà có một người có hạnh phúc, một người biết tự thương mình, biết tự lo cho mình, thì người đó tức khắc trở thành niềm vui của cả đại chúng.
Có một lần vua Ba Tư Nặc, sau một bữa hội nghị giữa triều thần về tới cung điện thì thấy hoàng hậu Mallika đang đứng ở trên lầu. Hoàng hậu Mallika (Mạt lợi phu nhân) là người bạn đường rất thân thương của vua Ba Tư Nặc. Vua thương hoàng hậu lắm. Và chính hoàng hậu đã đưa vua tới với Bụt. Khi ông Cấp Cô Độc mời Bụt đi qua hành đạo ở nước Xã Vệ, ông có dâng cúng lên cho Bụt một khu vườn rất đẹp mua của thái tử Kỳ Đà. Trong số những người tới nghe Pháp thoại của Bụt có hoàng hậu Mallika và công chúa Vajira. Trong những tháng đầu, vua không tới nghe pháp, tại vì vua nghe quần thần nói là trong nước có rất nhiều bậc đạo cao, đức trọng lớn tuổi hơn Bụt Thích Ca nhiều. Hồi đó Bụt mới có 38 tuổi mà thiên hạ đã xưng người là bậc toàn giác, thành ra vua hơi ghét: Còn trẻ như thế mà đã tự xưng là bậc toàn giác!. Chính hoàng hậu Mallika đã làm đủ mọi cách để cho vua đi nghe Bụt thuyết pháp. Cố nhiên là khi tới được vườn Kỳ Viên và nghe Bụt thuyết pháp rồi thì vua được chuyển hoá và cả gia đình đã quy y. Hôm đó sau cuộc họp triều chính, vua về cung và thấy hoàng hậu Mallika đang đứng ở trên lầu. Vua mới nói: Hoàng hậu trong thế gian này, có ai thân thương với hoàng hậu bằng chính bản thân của hoàng hậu không? Vua thấy rằng, tuy mình là người thương của hoàng hậu nhưng chưa chắc vua đã thương hoàng hậu bằng hoàng hậu tự thương mình. Hoàng hậu cười đáp trở lại: Tâu hoàng thượng, trong thế gian này, có ai thân thương với hoàng thượng bằng chính bản thân của hoàng thượng không? Hai người nói chuyện như thế. Sáng hôm sau vua và hoàng hậu tới thăm Bụt, và kể lại câu chuyện đó. Bụt nói; Đúng rồi! Trên thế gian, trong vũ trụ không có ai thân thương với mình bằng chính bản thân của mình. Vậy thì khi mình biết thân thương bản thân mình, mình hãy cẩn thận đừng làm hại làm đau người khác.
_Tâm đi mười phương thế giới có ai thân thiết bằng ta
đã biết thân thương tự ngã thì đừng làm khổ người ta_
Đó là lời Bụt dạy trong kinh Samyutta Nikaya,S.1,75. Tâm đi mười phương thế giới, có ai thân thiết bằng ta, tâm mình đi du lịch trong mười phương thế giới sau khi quán sát thì tâm ấy không tìm thấy có ai thân thiết bằng chính cái bản thân mình. Đã biết thân thương tự ngã thì đừng làm khổ người ta. Đó là tuệ giác đưa tới hành động.
Trả thù bằng cách hủy hoại bản thân
Có một câu chuyện rất phổ thông ở Việt Nam, câu chuyện đó giống như để vui đùa nhưng mà thật ra rất thật. Có một ông cụ thấy con trai mình đánh cháu nội mình. Con trai vì giận hờn bực bội đã trút tất cả những cái đó lên đầu con trai của nó – là cháu của mình. Mình rất đau xót, rất không muốn con mình hành hạ cháu mình. Nhưng mình không có quyền. Nó là cha. Nó nói: Con của con thì con phải dạy, con của con thì con phải đánh. Ông nội rất tức. Nó đánh cháu mình thì cũng như nó đánh mình, cháu mình đau là mình đau. Nhưng mình cảm thấy bất lực và mình không ngăn được, tại vì nó nói lý rằng đó là con của nó, nó phải dạy. Kỳ thực nó chỉ đang trút tất cả những bực bội và thất bại của nó trên đầu cháu mình mà thôi. Không biết làm gì để mà tiết hận ông cụ mới lấy tay tự đánh vào mặt mình, đánh vào ngực mình. Vừa đánh ông cụ vừa khóc: Mày đánh cháu tao thì tao đánh cha mày. Mày đánh cháu tao thì tao sợ gì mà không đánh cha mày?
Khi ta bất lực, khi ta không trả lời được bạo động bằng bạo động, thì những bạo động đó sẽ lạm vào trong ta và ta sẽ tự làm khổ ta. Dù ta có đi tự tử đi nữa thì hành động tự tử đó cũng chỉ là để trả thù những người kia. Khi một người đi tự tử, người ấy tự nói: Ta làm như vậy để cho ngươi biết, để cho ngươi khổ, để cho ngươi hối hận, để cho ngươi biết lỗi của ngươi, ngươi đây có thể là cha mình, mẹ mình, chồng mình, vợ mình hay con mình.
Trong hai kinh ta vừa học, Bụt có dạy rằng nếu mình biết mình là kẻ thân thương nhất đối với mình thì mình đừng có đối xử như một kẻ thù đối với bản thân mình. Đó là một lời dạy vàng ngọc. Ai cũng coi tự ngã của mình là thân thương nhất của mình, vì vậy mình đừng làm hại tự ngã của người ta. Đừng làm hại mình và làm hại người đó là chủ đích của Bi quán. Bi quán là để làm tiêu tan cái ý chí muốn làm hại mình và làm hại người. Không phải ai cũng muốn làm lợi cho mình đâu, trong chúng ta ai cũng đều có những lực lượng ma quái có khuynh hướng làm hại cho chính bản thân của mình. Đó là những tập khí. Những tập khí ấy đã trở thành ra nặng nề, và ngày nào chúng cũng làm hại mình mà mình không biết. Phương pháp quán chiếu là để thấy được những nhu yếu đích thực và những tập khí kia để mình có thể chấm dứt hành động tự làm hại mình. Khi ta có thể chấm dứt tập khí làm hại ta, thì ta cũng có thể chấm dứt được tập khí làm hại người.
Đọc Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, chương 01 tại đây.
Đọc Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, chương 02 tại đây.
Đọc Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, chương 03 tại đây.
Đọc Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, chương 04 tại đây.
Đọc Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, chương 05 tại đây.
Đọc Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, toàn tập tại đây.